Văn học miền Nam 54-75 (201): Võ Hồng (4)

TRẦM MẶC CÂY RỪNG

Mũi tàu rẽ sóng, bọt trắng dạt ra hai bên sườn tàu, tiếng rì rào, tiếng xào xạc, bọt xáo trộn quay cuồng. Sừng sững bất động ở trước mặt là đường chân trời, là những doi núi nằm yên lặng tạo ranh giới cho cái vịnh thiên nhiên này. Ngày mai tôi sẽ rời xa nó. Tôi tham dự cuộc du ngoạn cuối cùng. Lúc nãy ông Huỳnh, trưởng đoàn bảo tôi:

– Anh được xếp hạng riêng, khỏi ghép ở trong hàng đội, khỏi nghe tiếng còi hiệu lệnh, khỏi điểm số, khỏi báo cáo, khỏi…

Xung quanh tôi, sáu mươi nữ sinh và gần năm mươi nam sinh, có người vừa đỗ Tú tài 2, có người vừa thi Tú tài 1 xong, có người sắp lên đệ Nhị. Họ ngồi rải rác ở mọi nơi nào có thể ngồi được. Họ đứng ở trên sàn tàu, ở mũi, ở lái, tay nắm thanh sắt vòng theo bao lơn. Minh và Trợ đứng tựa vào khẩu đại bác bốn mươi ly chĩa họng ra đàng trước mũi tàu. Áo quần đủ kiểu đủ màu. Châm, Ký, Hạnh, Nhân mặc mini-jupe (1 ) Dần, Sử, Lan, Chế Phượng mặc sơ mi ngắn bằng chỉ đan với những đường ngang màu xanh màu hồng nhạt. Cô Tống Tử Hoàng người Trung Hoa mặc áo lụa ngắn với cổ áo thêu kiểu Mãn Thanh.

Tôi không ngờ gặp lại Vân.

– Em năm nay học ở Nữ Trung học?

Vân không trả lời ngay. Thấy tôi đang đợi chờ, Vân nói:

– …

Tiếng trả lời nhỏ bị gió thổi bay mất. Vân phải nói lại, to hơn:

– Em thôi học rồi.

– Để lên xe hoa?

Vân cười:

– Không. Em bán ở tiệm thuốc tây.

– Sao không học tiếp? Đi làm chi sớm vậy?

Tiếng trả lời bị gió thổi bay đi. Sóng và gió làm phiền những người con gái, bắt họ phải gào to trước mặt người đối thoại. Hả miệng và nói to không phải là nét duyên dáng của họ, mà trái lại, họ cần những nét nhỏ nhoi nhu mì, đi những bước ngắn và chậm, mỉm cười nửa miệng và tiếng nói chỉ khẽ động nửa vành môi.

Mũi tàu lượn trên những đợt sóng, rẽ nước phăng phăng. Tôi ngồi im thưởng thức cái tài nghệ của anh em Hải quân. Chỉ huy những con tàu theo ý muốn của mình và đặt biển cả, đặt luôn cả địa cầu dưới sự thao túng ngang dọc của mình. Tôi nói thầm với một thủy thủ tưởng tượng:

– Khoa học tặng cho anh một khí cụ tuyệt hảo là con tàu. Người bạn phi công của anh được khoa học tặng cho những chiếc phi cơ. Các anh có dịp biểu lộ tài nghệ khi sử dụng chúng. Những người yêu của các anh được mời lên con tàu, được mời lên phi cơ và họ sung sướng hãnh diện thưởng thức khả năng của khối óc và của bàn tay của các anh. Lòng kính phục làm tăng thêm tình yêu. Các bạn bộ binh chịu thiệt thòi hơn. Họ chỉ có súng nhỏ súng lớn được tạo ra với một mục đích là hằm hằm bắn tới. Tàu thủy và phi cơ thì không. Đó là những dụng cụ từng được loài người mơ ước từ những ngày hồng hoang sơ khai. Làm sao mà đi được dưới nước như cá, bay được trên trời như chim. Anh bạn quân xa được sử dụng những chiếc xe, nhưng đó không nhằm vào mơ ước của người yêu của anh. Nàng chỉ chịu ngồi Renault 8, Peugeot 404 nếu không ngồi nổi Cadillac, Chrysler. Tệ lắm thì cũng phải là Toyota. Anh bạn Tâm lý chiến thì còn nghèo hơn. Tặng cho người yêu những tập “Thông tin chiến sĩ” nhưng người yêu không thích đọc nhật lệnh và bản kê chiến lợi phẩm. Người yêu của anh khi cần giải trí thì chọn những mục trả lời thư tín, tâm sự bốn phương phụ trách bởi các ca sĩ Kim Cương, Kim Loan… minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng, Mộng Tuyền… Thế mà gian lao cực khổ là anh bộ binh. Phải giữ những cái đồn heo hút xa xôi. Phải lọt vào ổ phục kích, trọn vẹn như một bầy cá rơi gọn vào ổ lưới rùng.

Những chiếc ca-nô sơn xanh trắng hai màu xé nước chạy vùn vụt về một phía. Ngồi trên ca-nô là những người đàn ông ở trần. Cạnh tôi, hai thiếu nữ nói chuyện với một thủy thủ. Giọng miền Nam ngọt ngào:

– Những hải đảo này mà nghĩa lý gì hở hai cô? Tụi tôi còn đi xa, còn gặp nhiều những hải đảo ở mọi chân trời. Thế nhưng… nhưng người thủy thủ chúng tôi có một hải đảo trung thành với mình, lưu luyến không rời, đó là…

Người thủy thủ ngừng nói, chăm chăm nhìn hai nàng:

-… đó là hải đảo cô đơn. Chúng tôi cô đơn như những hòn hải đảo.

Một cô, mặc áo mông-ta-gu (2 ) màu lúa chín mỉm cười:

– Mấy anh mà cô đơn! Hễ lên bờ là quấy phá ra gì.

Người thủy thủ:

– Tùy từng người đó cô. Như tôi thì tiêm nhiễm sự im lặng của biển cả nên tôi trầm ngâm hơn là vui nhộn.

Mây trắng đục dán chặt lên nền trời khiến cái nắng cũng nhàn nhạt. Gió thổi ngược với mũi tàu. Lịch vừa nhai mía vừa nói chuyện thi cử với Tâm:

– Vừa thi xong chiều thứ Sáu. Ở Trung tâm Nữ Tiểu học nghe có giám thị đóng cửa lại để nhắc cho thí sinh.

– Đã chắc nhắc đúng chưa? Nhiều giám thị nhắc sai. Tĩnh từ của “matin” (3 ) mà dám bày là “matinée”

– Con An đỗ bình thứ là cái chắc. Nó đang học lớp đệ Tứ mà chẳng biết tạo được giấy tờ ở đâu để đi thi. Anh nó làm hết mọi bài rồi nhờ giám thị phòng đem trao giùm.

– Ở phòng con Kim Chi có một thí sinh mặc quân phục đi thi. Túi quần chứa tài liệu. Súng cối, đại bác còn không sợ, sợ gì mấy cô giám thị. Những con nhện, những con chuột cũng đủ làm cho các cô ù té chạy và xanh máu mặt rồi. Vả lại, không ai ganh tị với các quân nhân.

Từ nãy đến giờ tôi để ý đến Dung Nghi mặc mini-jupe màu light turkey (4 ) Màu áo làm cho da tay da chân thêm trắng. Dung Nghi ít nói chuyện với các bạn mà hay đứng một mình tựa tay lên thành tàu nhìn xuống sóng nước. Lúc nãy đứng đợi tàu ở Cầu Đá, tôi thấy nàng đi lang thang cạnh những chiếc cần trục. Tiếng máy nổ rì rì, cần trục cúi xuống gầm tàu rồi ngửng lên, mang những bao gạo có buộc dây sẵn vào lưỡi móc, xoay nửa vòng, lại cúi xuống từ từ bỏ gạo vào lòng chiếc xe vận tải. Những cử động chậm rãi và bền bỉ nhịp nhàng đó có cái vẻ gì giống những cử động tay chân của người lao động. Người lao động không bao giờ làm việc hối hả. Sức lực được tiết kiệm cho sự lao động kéo dài ngày này qua ngày khác. Một dãy bảy, tám cái cần trục như vậy cứ nhẫn nại hoạt động theo nhịp bình thường của chúng, nơi kia trục những bao bột, nơi khác trục những thùng gỗ to. Có một lần một bao gạo bị sút ra khỏi dây, dính lỏng lẻo chỉ ở một đầu mút. Khi cần trục xoay, bao gạo đi ngang đỉnh đầu của Dung Nghi, tôi thấy nàng vẫn bình tĩnh ngước lên nhìn. Và bây giờ đây nàng mê mải nhìn những bọt trắng bị vẹt ra hai bên sườn tàu.

Đại úy Bá, thuyền trưởng, đứng ở đài chỉ huy lớn tiếng:

– Xin các cô đừng nhìn xuống nước. Một lát sẽ say sóng.

Nhiều cô rời thành tàu lại ngồi ở giữa sàn nhưng Dung Nghi vẫn đứng đó. Gió biển mát làm cho hơi thở nhẹ nhàng. Đại úy thuyền trưởng lại bàn hải trình với trưởng đoàn:

– Gió này thì không dám cho tàu ra khơi. Các cô các cậu sẽ say sóng mửa hết.

– Đại úy cho ra đó để họ được xem hải đăng.

– Tôi biết họ không chịu nổi sóng đâu. Những người quen với sóng gió như chúng tôi mà cũng có kỳ say sóng bỏ ăn hàng đôi ba ngày. Khạc ra máu nữa.

– Vậy đại úy cho tàu ghé vào đâu?

– Có cái bãi này khá hay. Chúng ta ghé vào đây.

Tàu quay mũi vào bãi. Các thủy thủ chạy lăng xăng, đeo ống nghe, nhận lệnh, báo cáo, lo neo, chuẩn bị dây neo. Những tiêu lệnh: cho chiều sâu… thả 30 thước… neo hướng 2 giờ… 45 độ…

Trung úy Trang, thuyền phó bảo tôi:

– Chúng ta đang ở một mặt biển khá lý tưởng, biển dầu. Có sóng gió hơn, chúng ta sẽ được biển 1, biển 2, biển 3, biển 4…

– Trung úy đã gặp nhiều cơn bão lớn?

– Nhiều.

Giọng Phương Thảo chen hỏi:

– Phải lật đật cho tàu chạy vào vịnh trốn phải không Trung úy?

Trung úy Trang lắc đầu:

– Trái lại. Những khi đài thiên văn báo tin có bão thì bao nhiêu tàu bè đang đậu đều kéo neo cho chạy ra khỏi hết.

Phương Thảo la lên:

– Trời ơi! Thế thì chết.

Đại úy Bá:

– Cô an tâm. Kinh nghiệm hàng hải dạy vậy mà. Chúng tôi phải đối phó với những trận bão ghê gớm, những con sóng 15 thước cao. Sóng mạnh quá có thể làm gãy hai con tàu.

– Nguy hiểm vậy?

– Có những trường hợp con tàu của mình lọt dúng vào giữa tâm bão, nghĩa là một vùng yên tĩnh hoàn toàn trong khi xung quanh sóng gió kinh khủng.

– Thế thì tuyệt rồi. An toàn bảo đảm, – Hoa nói.

– Không phải vậy. Phải tìm cách đưa con tàu ta khỏi ngay tâm bão. Nếu không thì nó sẽ bị cuốn hút theo cái tâm bão đó, – cô nhớ rằng cái tâm bão đó nó di chuyển, – và con tàu sẽ chạy lên đất liền luôn.

Lài, Xỉu và Thái thích thú cười, tay quàng vào cổ nhau mà cười bởi đang tưởng tượng thấy con tàu thủy lên bờ hóa thành chiếc tàu hỏa.

Tàu bỏ neo. Nghiệm hỏi to:

– Đậu xa thế này thì làm sao mà vào bãi?

Tôi nói:

– Việc đó có ông thuyền trưởng lo.

Còi tàu thổi “toe” lên một tiếng. Rồi một tiếng. Chẳng ai biết là hiệu lệnh gì, chỉ thấy những người đứng ngồi trước đài chỉ huy lật đật bịt tai nhăn mặt. Trước mặt chúng tôi, một ca-nô rẽ sóng phăng phăng chạy. Còi tàu lại toe lên một tiếng nữa. Rồi một tiếng súng nổ đánh “chác” trên đầu. Chiếc ca-nô trở mũi chạy về hướng con tàu. Một hạ sĩ giải thích cho Châu đứng gần đó:

– Tàu của tụi tôi là tuần duyên đỉnh PGM, gọi nôm na là tàu tuần. Hễ nghe còi tụi tôi là ghe cộ nào cũng phải dừng lại, quay mũi lại gần để tụi tôi kiểm soát.

– Tiếng súng bắn chỉ thiên vừa rồi chắc là lời cảnh cáo giận dữ? – Châu nói.

Người hạ sĩ cười:

– Đúng như lời cô. Ở trên đất liền, các cảnh sát viên dùng tu-huýt và súng bắn chỉ thiên.

Chiếc ca-nô xăm xăm chạy lại gần. Một người Mỹ ở trần đội mũ lác ngồi bên cạnh người nhân tình địa phương của anh mặc áo tắm màu xanh lá cây. Bốn người thanh niên Việt ngồi sau lái. Có tiếng ở tàu tuần hỏi xuống:

– Nhờ chở giùm ít chuyến vào bãi được không?

Tiếng người đàn bà:

– Thưa quí ông, ca-nô chúng tôi thuê giờ.

Người đàn bà quay lại nói gì đó với người Mỹ nhưng anh ta mặt lầm lì không đáp. Tiếng ở trên tàu:

– Thôi cho chạy.

Tài công nổ máy. Người đàn bà cám ơn và nói gì đó với người Mỹ nhưng anh vẫn mặt lầm lì im lặng. Tôi đoán biết anh nghĩ gì. Những chiếc tàu do chính phủ nước anh viện trợ, những sĩ quan nhờ phương tiện của nước anh mà được huấn luyện và công tác… thế mà giờ đây anh bị ăn hiếp. Ở trên đất liền, anh không chịu ngồi thu hình nhu mì như vậy đâu.

Tàu nằm đợi một lát rồi lại toe toe mấy tiếng. Hai chiếc ghe câu ghé sát lại. Thương thuyết. Móc thang sắt xuống. Lần lượt di chuyển hành lý và người xuống. Ghe nổ máy.

Bẵng đi bao nhiêu năm tôi không được thấy một thân người nằm ngã trên tay chèo, đôi chân nhịp nhàng rún tới kéo lui. Người dân chài hôm nay có thế đứng uy nghi với đôi mắt nhìn đăm đăm của một vị Thủy sư đô đốc. Chỉ thiếu cái ống nhòm đeo nơi cổ và cái mũ lưỡi trai có nhiều vòng vàng.

Ghe tôi đến gần bãi thì ghe trước đã đổ bộ xuống rồi. Các cô mặc áo nhiều màu và che dù cũng nhiều màu, đi thành hàng dọc trông xa như một đám cưới. Đẹp nữa là bóng của họ in ngã xuống mặt nước. Lúc họ đứng quây quần quanh tôi, tôi không để ý bao nhiêu đến màu sắc. Có lẽ tại vì mình quen thấy điều đó. Con mắt chúng ta không bao giờ thấy hết những điều có thể thấy. Tôi nói:

– Những màu áo lòe loẹt đi trên thuyền và bước xuống thuyền giống như một đám cưới nhà quê.

Cô Duệ cãi lại:

– Bây giờ ở nhà quê đám cưới người ta cũng dùng ô tô rồi. Nói chuyện đời xưa thì có.

Tôi đồng ý là cái quang cảnh đám cưới mà tôi liên tưởng là một đám cưới cách đây mươi, mười hai năm. Nhưng tôi cũng không muốn cải chính bởi vì giọng nói của Duệ không được dịu dàng. Chắc cô ta ở nhà quê và cô có nuôi những thành kiến, những mặc cảm.

Cùng đi một chuyến thuyền với chúng tôi có hai tu sĩ Nguyên Đạt và Nhật Quang. Nhật Quang đang cầm một cây sào chống cho ghe vào bờ. Tôi nghĩ đến một hình ảnh: “Mượn chiếc thuyền Từ qua bể Ái”. Nhưng khi nhìn Thoa ngồi ở mũi thuyền quay nhìn lại tôi thì tôi thấy bể Aùi đã ở ngay trong lòng con thuyền rồi. Còn chạy trốn qua mặt biển nào nữa? Thoa đội một cái mũ cát-két (5 ) bằng nhung dày màu tím nhạt. Cái cát-két và khuôn mặt tròn trĩnh làm tôi nghĩ đến một nữ cán bộ Hồng quân Trung Hoa. Do một tấm hình nào đã xem trên báo ghi sâu một ấn tượng.

Thuyền cập bến chòng chành. Nhiều bàn chân trắng nõn trượt trên những tảng đá rêu trơn. Có người thấy nước còn sâu rụt rè không dám bước xuống. Ông lái nói:

– Coi chừng giậm trúng hàu.

Mấy cái đùi thò xuống nước vội co lại. Tôi đứng chuyền những cái giỏ xách nặng. Linh vừa trao xắc cho tôi vừa nói:

– Đi với mấy thầy mà sợ gì. Có chìm ghe cũng chả lo. Thầy đưa mình qua luôn Tây phương cực lạc.

Lên bờ. Những tảng đá nằm kề những tảng đá, nằm chồng lên những tảng đá. Cây đước, cây mắm, cây bần… Dưới bóng một cây bần có tàn rộng đứng trơ trọi giữa bãi, Nguyên Đạt ngồi xếp bằng như Phật ngồi dưới gốc bồ đề.

Chuyến ghe chót vừa đến thì đã nghe tiếng còi tu tu của trưởng đoàn, tập họp theo tiểu đội, đi hàng một vào xóm. Xóm đây chỉ gồm một ngôi nhà, một gia đình. Trưởng đoàn cho lệnh: ăn, nghỉ, tắm rồi sẽ nghe thuyết trình của ông chúa đảo, nghĩa là ông gia trưởng độc nhất của đảo.

Bữa ăn đặt trên những tấm giấy nhật trình lớn. Bánh mì, cá hộp, pa-tê, phó mát nhà binh, phó mát “con bò cười”. Không còn ai dỡ cơm đem theo và đem theo những chai nước trà. Bàn ăn nào cũng đựng đầy những lon coca-cola, pepsi-cola. Kiều Nhiệm và Kiều Ly mang cả tráng miệng bằng bánh đông sương. Những gia đình Việt Nam hãy cố gắng một chút để giữ cho con gái làm được những món bánh mứt như vậy, thêu cho được một cái khăn và may cho được một cái áo ngắn. Không phải cốt để tiết kiệm tiền so với việc mua bánh ngoài tiệm, mua khăn ngoài hiệu. Mà cốt để tập đức nhẫn nại. Ngồi hấp cho được từng ấy cái bánh phải tốn hàng bốn, năm giờ và để tiêu diệt chúng chỉ cần mười lăm phút. Con người thời đại không mấy nhẫn nại. Hung bạo do đó mà sinh ra. Người ta yêu cuồng, sống vội và chết cũng dễ dàng. Có súng lục, súng trường đó. Cám ơn cô Kiều Nhiệm và Kiều Ly, tôi học được bài học nhẫn nại trong dĩa bánh đông sương này.

Nguyệt mời tôi những cái bánh in.

– Bánh của thầy trụ trì cho em.

Tôi chợt nhớ: lễ Vu lan vừa qua được mấy ngày.

Nhung đứng tựa vào thân dừa cắn một quả táo. Vỏ táo màu hồng giống như da mặt nàng bị rám nắng. Thịt táo trắng lẫn với hàm răng trắng của nàng.

Bữa ăn không kéo dài bởi vì vườn dừa nắng dọi. Những người ăn xong tản ra bãi nơi đó có hai con diều giấy do anh Đường và anh Phú vừa thả. Có lẽ đó là những con diều đầu tiên lượn nhấp nhô dưới bầu trời hoang vu này. Mấy người con của ông chúa đảo bị cắt đứt liên lạc với đồng bào trong đất liền chắc chỉ biết làm được những cử động sinh hoạt gần gũi tối thiểu: ăn, ngủ, khóc, cãi nhau…

Ba tiếng còi cho phép tắm. Cả bọn mừng rỡ ôm quần áo ù té chạy. Thật là một lũ điên. Làm như ở Nha Trang không có biển. Nước cạn quá nên tôi tìm một bóng cây ngồi nghĩ vẩn vơ. Thuận, Chấn, Lưu hăm hở mang theo kiếng lặn, ống thở, chân vịt, súng bắn cá đều tiu nghỉu đứng nhìn một vùng nước cạn mênh mông. Bùn làm đục nước ở mỗi bước chân. Khánh và Thư đã thay áo hồi nào làm tôi bỡ ngỡ nhận không ra. Buổi sáng áo một màu, bây giờ thì rằn ri xanh đỏ loạn xạ. Vâng, phải dẫn dụ bằng màu sắc và bằng hương thơm như những con bướm.

Dung Nghi đi một một mình trên những gộp đá. Màu áo xám nhạt thu hút đôi con mắt tôi. Ngọt ngào và mơn trớn. Lúc nãy đi trên bãi, tôi để ý thấy nàng đi hơi cong lưng một chút. Đó là dáng đi của người khiêm tốn nhu mì. Sao lại có sự mâu thuẫn nơi Dung Nghi? Khuôn mặt, mái tóc, màu áo đều rực rỡ và kiêu kỳ. Một nốt ruồi dưới khóe mắt. Tôi nghe những nhà tướng số đều chê tất cả mọi nốt ruồi trên khuôn mặt, nốt ruồi càng lớn càng xấu. Thế nhưng tôi vẫn yêu cả cái nốt ruồi của Dung Nghi. Hãy để cho tôi nhận lãnh hết, nhận lãnh tất cả những ảnh hưởng xấu của cái nốt ruồi của em, hỡi Nghi ơi!

Ngày mai tôi sẽ rời bỏ thành phố để làm dân miền Cao nguyên, về ở thị trấn Buồn Muôn Thuở. Quân vụ lệnh nằm ở trong túi bên ngực trái. Theo đơn vị trấn đóng ở đây đã hai năm nhưng Nha Trang với tôi vẫn xa cách cô liêu.

Cử sà lại ngồi gần tôi.

– Sao em không tắm?

Cử trả lời:

– Hôm nay em không thích tắm. Ngày kia em về Sài Gòn rồi. Phải gắng thi cho đỗ vào Y vào Dược, nếu không thì em phải đi lính. Hết hạn tuổi rồi, không có con đường thứ ba. Nhưng em sợ là không đỗ nổi. Học hai tháng luyện thi phải trả bốn nghìn. Ba em không giàu…

Tôi nghe ngày xưa các cụ đồ dạy học trò chỉ nhận đủ gạo ăn. Trong một xã hội ai cũng nghèo nên ai cũng giữ được đạo đức một cách thong thả. Ngày nay thì gái giang hồ là kẻ ăn tiêu sang trọng nhất trong xã hội nên người trí thức cũng phải chạy đua theo. Nhưng còn lâu mới gặp. Không thể trách người dạy học mở lớp luyện thi hốt bạc ăn to bởi vì có những kẻ dốt và ngồi không còn ăn to gấp mười gấp trăm. Ba của Cử làm công chức ở tòa Tỉnh sắp về hưu mà lương tháng chỉ có mười lăm ngàn đồng. Nghe những người nhà giàu nói chuyện về cách tiêu tiền mà say mê như nghe kể chuyện thần tiên, chuyện cổ tích. Ông Lợi Hưng mời người dạy kèm cho một đứa con học Toán đệ Tam, cứ mỗi giờ trả bốn trăm đồng. Thường dân nghèo trả học phí cho con lớp đệ Ngũ mỗi tháng bốn trăm đồng mà có tháng chạy tiền không ra. Nghe nói thằng Cương được một cái học bổng đi Tây Đức nhưng đành phải bỏ vì nhà không có đủ tiền mua vé máy bay. Một người quen của tôi đang làm thủ tục cho đứa con đi du học Bỉ. Mỗi tháng chạy gởi cho con mười tám nghìn đồng. Mỗi năm chính phủ cho phép gởi thêm sáu mươi ngàn đồng để chi phí bất ngờ, như vậy là trung bình mỗi tháng hăm ba ngàn đồng. Nhưng đợt đầu thì đòi hỏi phải có đủ năm trăm ngàn đồng. Tiền vé máy bay hết một trăm ngàn. Tiền gởi đợt đầu ba tháng: một trăm ngàn. Tiền may sắm một trăm năm chục ngàn.

Tôi hỏi:

– Thế còn tiền gì nữa? Mới có ba trăm rưỡi ngàn.

Ông bạn quen trả lời là những chi phí linh tinh. Ơn nghĩa cho người làm thủ tục giấy tờ, tiền vô ra ba, bốn lần lo làm thủ tục, tiền phòng khách sạn. “Ít nhất cũng một nghìn hai trăm đồng, tiền thuê một phòng khách sạn một ngày”.

Tôi nghĩ: Lương của tôi chỉ đủ để thuê một phòng khách sạn trong tám ngày. Không có tiền ăn. Cả gia đình của Cử chỉ tiêu trong số mười lăm ngàn đồng lương. Chẳng lẽ phải mua vé số kiến thiết để cầu mong trúng số độc đắc cho Cử đi du học.

Hai cánh chim hải âu lượn nhẹ nhàng gần sát mặt nước. Màu lông trắng và đôi cánh dài. Thanh Bình mặc bikini (6 ) đi khập khễnh về phía tôi.

– Sao vậy?

– Em bị hàu cắt.

– Xem nào.

Nàng lật gan bàn chân và tôi đưa hai ngón tay vạch thấy một đường cắt dài ba phân. Không có máu chảy. Bàn chân thật quí giá khi nó là bàn chân của người khác. Những giọt nước biển còn đọng trên da cánh tay của Thanh Bình. Nàng khập khễnh đi tiếp về phía trạm thuốc cấp cứu để nhờ anh Tâm băng bó.

Ba giờ chiều. Lại thổi còi tập họp. Nhiều anh ôm quần áo chạy, chưa kịp mặc.

– Đoàn trưởng có nói rồi. Hễ nghe còi là chạy, dù đang mặc quần cũng bỏ quần mà chạy.

Lý Văn Xuân nhắc lò cò, bàn chân trái băng bó dày cộm. Lại một nạn nhân của hàu. Tòng và Cát mặc quần tây ngắn ca-rô chặt đùi và dài tới đầu gối. Lập cột gút vạt áo sơ mi ở trước bụng.

Lệnh thu dọn hết tất cả đồ đạc. Quét chôn những rác rưởi. Rồi lên nhà chúa đảo. Đó là một người trạc năm mươi tuổi, béo phục phịch bụng to. Sau khi trại sinh ngồi dàn hai bên, trưởng đoàn giới thiệu bằng những lời bay bướm:

– … Nhờ sóng gió trùng dương bất ngờ đưa đẩy mà chúng ta cập bến vào hải đảo cô liêu này… chúng ta sẽ rời xa nó để trở về đô thị như ánh mây phiêu lãng kia không hẹn dừng chân ở lâu ở một bến bờ nào… các bạn sẽ nghe con người vĩ đại này kể lại cuộc phiêu lưu của mình… một cuộc đời vĩ đại… một cuộc dấn thân vĩ đại…

Những cô nữ sinh đẹp và vẻ mặt thông minh đã bắt đầu mỉm cười khi nghe đến tiếng “vĩ đại” thứ năm. Phụ nữ tinh tế hơn đàn ông và có tinh thần hài hước hơn đàn ông chăng? Hay họ ít che giấu được những ý nghĩ của họ? Tôi lo lắng cho vị chúa đảo bởi mỗi lần trưởng đoàn nói đến chữ “vĩ đại” là mọi con mắt chăm nhìn vào cái bụng của ông. Ông sẽ cất lời như thế nào đây? Lời giới thiệu của trưởng đoàn như một thứ vương miện đúc bằng vàng đặc có gắn quá nhiều hạt kim cương. Tôi sợ nó sẽ quá nặng.

Khi được trao lời, chúa đảo cười lên một hồi, phủ nhận chữ “vĩ đại” và bằng một giọng bình thường, tự nhiên và khiêm tốn, ông nói:

– Tôi tên là Lê Sơn. Tôi học ít lắm, trình độ ngang bậc tiểu học hồi xưa. Thua xa các anh chị em ở đây, các anh chị em có người đỗ Tú tài 1, có người đỗ Tú tài 2. Vậy những lời lẽ thô lậu chơn thiệt của tôi chỉ dám mong nhắc lại những kinh nghiệm sống của tôi để cầu ước anh chị em cùng lập chí sau này, đừng thèm cuộc đời an nhàn nơi bàn giấy mà nên góp tay khai thác tài nguyên xứ sở.

Đại khái, ông kể rằng ông xuất thân là chủ xe đò và chủ ghe lưới cá. Năm 1957 ông nảy ra ý định khai thác đảo này. Dự định xuất vốn nửa triệu nhưng bị bạn hàng lường gạt vỡ nợ. Khi lên đảo, chỉ mang theo thức ăn và tiền mặt tám ngàn đồng. Che một cái chòi bằng lá dừa. Xung quanh toàn là rừng, chín đứa con sợ quá chỉ khóc không dám ngủ. Vợ chồng chặt cây phá rừng cuốc đất.

– Anh chị em chắc biết rằng bàn tay không quen cầm cuốc thì cầm ba bữa là phồng. Mụt nào mụt nấy trông bóng phát sợ. Phải vắt cơm nóng cho da chai đi. Rồi tiếp tục chặt cây, cuốc đất. Thú thiệt với anh chị em là nhiều lúc tôi đã nản chí muốn bỏ cuộc. Thì lúc đó người thúc đẩy tôi can đảm chính là vợ tôi, người đàn bà mặc áo xanh mà lúc nãy anh chị em gặp đó. Căn nhà đầu tiên mà chúng tôi dựng lên, vợ tôi phải chở đất chở cát suốt bốn tháng tròn. Phải về trong đất liền mời hai người thợ mộc và trả công đặc biệt cho họ.

Một tiếng hỏi:

– Xin bác cho biết kết quả đã thâu lượm được cho đến hôm nay.

Ông Lê Sơn quay mặt ra bãi biển, đưa tay chỉ một vòng:

– Kết quả chưa được bao nhiêu. Anh chị em đã hỏi thì tôi phải thưa thiệt. Hiện bầy bò của tôi ngót một trăm con. Một bầy cừu cũng chừng một trăm con. Một bầy heo, một vườn dừa, một vườn mãng cầu chừng vài trăm cây, một vườn lựu…

– Thời giá một con bò bao nhiêu vậy bác?

– Bò nuôi đến ba tuổi thì giá chừng ba mươi ngàn. Bò cày thì tới sáu mươi ngàn.

Có tiếng nói:

– Như vậy là chỉ riêng bầy bò trị giá đã hơn bốn, năm triệu bạc rồi.

Ông Lê Sơn cười nhũn nhặn:

– Thiệt ra, khi làm công việc khai khẩn này, tôi nghĩ đến vấn đề khai thác tài nguyên nhiều hơn là nghĩ cách kiếm lợi. Nếu mục đích là kiếm lợi thì đi làm tôi làm tớ, nịnh bợ kẻ lớn dễ kiếm được lợi người mà khỏe hơn.

Trong câu chuyện kể, nhiều lần ông phải dùng một chữ Pháp sau khi đã lúng túng tìm một tiếng Việt mà không ra. Chẳng hạn chữ parasite (7) , chữ conscience.

Tôi nhìn một lượt trang trại của ông. Tất cả đều mọc lên từ đám rừng hoang. Bàn tay xây dựng đó đã khảo đất ra trái ra cây, làm phát triển những bầy bò bầy cừu. Xuất phát từ con số không, từ một cái mầm nhỏ yếu ớt, các phẩm vật đó sinh sôi nầy nở góp phần làm thực phẩm nuôi dưỡng con người. Ai đã va chạm nhiều với đô thị, tiếp xúc nhiều với cuộc sống đô thị cũng đều cảm thấy chán nản bởi có rất nhiều người không hề làm lụng sản xuất gì hết mà lại hưởng thụ mọi thứ tiện nghi. Trên bàn ăn chất đầy thịt cá rau quả. Nếu ai cũng tự đặt nhiệm vụ sản xuất, cố gắng sản xuất trong phạm vi khả năng của mình!

Thủy thủ chạy lên báo tin phải xuống tàu gấp kẻo sợ tối. Chào giã từ. Ông Lê Sơn đưa tiễn ra đến bãi. Dọc đường tôi hỏi:

– Sao ông không nuôi dê để lấy sữa lại nuôi cừu?

– À, nguyên do nó thế này. Con dê nó hay đẻ bậy, đẻ trên núi trên non rồi bỏ đó. Cừu thì chỉ đẻ ở nhà.

– Mỗi con cừu, ăn thịt bác bán được bao nhiêu?

– Bốn ngàn đồng. Trước đây tôi chuyên bán cho viện Pasteur để họ chế thuốc trị chó dại. Sau này vật giá cao mà họ trả rẻ quá nên tôi thường bán cho tư nhân ăn thịt. Người Việt mình ít thích thịt cừu vì nó hôi mùi bơ. Còn Ấn Độ ăn thịt cừu mà không nghe mùi bơ thì họ chê.

– Còn lông của nó, bác cắt đi rồi có xe thành sợi len không?

– Đành phải bỏ. Đó là một điều phí phạm mà tôi không làm sao giải quyết được.

– Có lẽ tại lông cừu của mình ngắn quá nên khó xe sợi.

– Nhưng mình lại không thể để dài. Lông dài quá sinh dòi.

Ra đến bãi. Những chuyến ghe lần lượt chở khách du ngoạn về tàu. Nhiều khuôn mặt rám nắng hồng. Buổi chiều không khí dịu lại làm cho khuôn mặt người và màu áo nổi bật lên trên nền núi rừng thâm u xanh thẫm. Người ngồi rải rác trên bãi. Có người nằm ngửa mặt nhìn trời. Thu và Thục đi sục sạo vào bụi cây tìm bẻ những cành cam sành. Tôi lặng lẽ nhìn ông Lê Sơn. Lúc nãy ông nói:

– Tôi mập mạp, bụng to như vầy (cả cử tọa cười rộ lên) không phải bởi tôi ăn nhiều chất bổ. Không đâu. Tôi ăn cơm rau, trái cây trong vườn. Mập mạp là nhờ tinh thần không phiền lo. Chớ như ông trưởng đoàn của quý anh chị (ông chỉ về trưởng đoàn) không chừng ăn gấp đôi tôi, ăn bơ ăn thịt, uống whiskey coca thế mà gầy chỉ bằng nửa tôi thôi (lại cười rộ). Là bởi ông ta đâu có thong thả tâm hồn bằng tôi…

Cả tôi cũng vậy, tôi muốn nói. Chúng tôi, con người thị thành không hề biết đến sự an lạc là gì.

Dung Nghi đi đi lại lại trên bãi cát. Dưới chân nàng, san hô và vỏ ốc rải rác nằm. Tôi nhìn những dấu chân nàng trên cát. Tôi muốn bước đúng vào những dấu chân ấy, đi theo những dấu chân ấy. Thật vậy, tâm hồn tôi không an lạc. Tôi muốn được sống trên một hải đảo như nơi đây. Cuộc sống thường nhật tầm thường không đòi hỏi sự hiện diện tiếp cận của những người khác. Chỉ cần loài người trong những khi đau bệnh. Tôi có đọc một quyển sách tác giả kể lại trường hợp vợ chồng ông ta mua một hải đảo rồi ra ở ngoài đó, xa cách nhân gian đến sáu giờ ca-nô. Một ngày nào đó người vợ bị sưng cuống ruột thừa. Đem đến bác sĩ bệnh viện gần nhất thì vừa đúng vào thời hạn chót nhất có thể cứu sống. Tôi đem nỗi băn khoăn đó để nói với ông Lê Sơn.

Ông trả lời:

– Chúng tôi đã từng ngã bệnh cả nhà một lượt. Mười một người. Tôi nghi là bởi mình đi rừng hít nhằm thuốc khai quang. Sốt, nhức đầu, ù tai trong một buổi sáng là chiều đó rũ gối đi hết nổi. Cả nhà bị hết, bị y một chứng. Phải mời một ông thầy thuốc Bắc.

Ông chỉ vào tròng mắt:

– Hãy nhìn đây, dấu vết của chứng bệnh. Tôi bị vảy cá ở tròng mắt, thấy rõ chưa? Bị sưng khớp xương nữa. Khớp xương cổ chân, đầu gối, khớp xương mông.

Những chuyến ghe kế tiếp làm gầy dần số người còn sót lại trên bãi. Tôi đi theo chuyến chót hết. Oâng Lê Sơn bắt tay từng người, lăp lại lời chúc: ai sắp thi thì thi đỗ, ai sắp vào quân đội thì mau lên chức lên lon. Rồi sau đó về khai khẩn như ông.

Người lái ghe dặn:

– Coi chừng, đừng lội xa quá, nhum nó đâm.

Những con nhum bò từng đám, gai nhọn đen tuyền chĩa tứ tung, có gai dài đến ba tấc. Oâng Lê Sơn nói vói theo:

– Nhum đen chích đâu có mùi mằn gì. Nhum bàng mới ghê. Gai nó màu sắc đẹp dịu dàng mà hễ chích đâu là nằm liệt đó, đi không nổi.

Anh em thanh niên liên tưởng ngay đến tình yêu. Thức vỗ vai Phỉ:

– Những người đàn bà đẹp cũng vậy.

Quyền hỏi:

– Mày đã có kinh nghiệm chưa mà dám nói?

– Tơi bời hoa lá như thế này, mà mày còn dám nghi ngờ.

Khi nghe nổ máy xình xịch, chúng tôi giơ tay vẫy và ông Lê Sơn cũng vẫy tay theo. Chúng tôi đồng thanh hát bài tiễn biệt:

Vì đâu anh em chúng ta giờ đây sắp cùng

bùi ngùi xa cách

Cớ sao ta không cầu mong rồi đây có ngày

còn hòng gặp nhau.

Xong hết một điệp khúc, chúng tôi hùng hổ hát lại. Đứng lẻ loi một mình trên bãi, ông vẫn giơ một cánh tay lên vẫy, như một con hải quỳ, như một con bạch đầu ông ở dưới đáy bể ngo ngoe những giác tu dài, không cần ai xem, không cần ai biết, ngo ngoe theo triều sóng nhấp nhô.

Chúng tôi bỏ ghe leo lên tàu. Những tiếng hoan hô đón chuyến ghe chót. Người thanh niên vô tư gặp gì cũng có thể vui được, mừng được. Ở nơi bãi vắng, dáng ông Lê Sơn vẫn đứng đó, màu áo quần trắng nổi rõ trong một buổi chiều màu xám.

Tàu nhổ neo. Tiếng hát tạm biệt lại được cất lên:

Cách xa nhưng ta hằng vui vì nay ta biết

còn ngày sung sướng

Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày

mình còn gặp nhau.

Tôi lẩm nhẩm một con số, một cái tên. 607. Nam Du. Chắc không có nghĩa là đi chơi về phương Nam như trường hợp chúng tôi mà nghe nói là tên một hòn đảo nào ở gần Phú Quốc. Tôi nhớ hai câu thơ kể tích thầy Tử Lộ:

Đỉnh hoa biểu từ khơi bóng hạc

Lối Nam du nhẹ bước tang bồng

Tuyết giật cái ống dòm từ tay Hoa:

– Đưa tao dòm ông ta một chút.

Tuyết đặt ống dòm lên mắt.

– Sao trông không rõ?

Cúc nói:

– Vặn cái bánh xe điều tiết này.

– À! À! Rõ rồi.

Ngọc Dung hỏi:

– Mày thấy ông ấy cười hay khóc?

Nghĩa đứng tựa vào bao lơn tàu:

– Chắc là khóc. Chắc đang nhớ đến tụi mình kinh khủng.

Diệu gật gù:

– Bữa cơm chiều nay tao cam đoan là ông ấy bỏ ăn. Ngày mai ngày kia và những ngày sau nữa ông chỉ thấy có rừng dừa, hàng cây lựu và bầy heo của ông.

– Lúc nãy có đứa mô để địa chỉ lại cho ông ấy không? – lời Mỹ. Nếu mình ở vào trường hợp ông ấy mình dám bỏ đảo bỏ dừa đi tìm…

– Tìm ai?

– Tìm mi, tìm tau, tìm hắn, tìm chúng ta…

Chinh đang dõi nhìn theo bãi biển hoang vu chợt quay lại:

– Đứa nào nói đùa ông ấy chi tội nghiệp bay. Rõ ràng là một nghệ sĩ, con người có bề ngoài thô kệch đó. Một người tầm thường không hơi đâu đứng trên bãi đó để nhìn mãi chúng mình. Họ đã quay lưng khi chúng ta xuống núi. Nếu thêm xã giao nữa thì khi ra tới con rạch lội. Lịch sự nhất nữa là lúc chuyến ghe chót rời bến. Từ lúc đó đến bây giờ ông hành động không vì chúng ta nữa mà vì tâm hồn của ông, cho tâm hồn của ông.

Buổi chiều xám đậm hơn. Thân tàu lướt tới, tạo một con đường phẳng chạy dài trên mặt nước. Bọt nước trắng ngầu quay cuồng xáo trộn. Ánh nói:

– Trông bọt nước trắng xốp đẹp hơn hàng Bangkok. May một cái áo dài như vậy mà mặc thì tuyệt.

Trưởng đoàn chạy ra sau lái thôi thúc mọi người:

– Hãy dồn ra trước mũi.

– Để làm gì vậy?

– Chụp ảnh. Chụp chiếc ảnh chót.

– Chụp hoài. Chiều rơi, ánh sáng đâu mà chụp?

Trưởng đoàn to tiếng:

– Phải nghe theo lệnh thôi. Không nói một hai. Tất cả dồn ra trước mũi tàu tức khắc.

Những thân hình di chuyển uể oải. Gió tạt nước lên mạn tàu. Máy ảnh bấm lách tách. Tôi ngồi luôn ở trước mũi tàu.

Buổi chiều đã chuyển sang màu tím nhạt. Những doi núi gần xa mang màu sắc khác nhau. Ban nhạc gồm Hùng, Linh, Chín, Kình. Đường đàn ghi-ta ầm ĩ. Châu, Hảo, Thanh Tú và Trinh cùng hát những bài tâm ca. Trinh vui vẻ như một con chim.

Dung Nghi đứng tựa bao lơn tàu nhìn xuống sóng nước. Mái tóc cắt ngắn vừa mới uốn để lộ một đoạn cổ trắng như mỡ đặc. Nét mặt nghiêm trang và kiêu kỳ. Cái nốt ruồi dưới khóe mắt. Ngày mai tôi sẽ xa Dung Nghi nhưng nàng đâu có biết. Tình yêu của tôi vụng dại và âm thầm. Tôi không đẹp trai, không có tài đặc biệt và không giàu. Một hoa mai vàng gắn trên quân phục kaki không đủ sức mời mọc những cái nhìn và làm nở những nụ cười. Những người tôi có thể yêu dường như đều hướng nhìn về một nẻo khác. Xã hội đếm rất nhiều triệu phú trong ba năm trở lại đây và đàn bà đẹp càng ngày càng hiếm. Giã từ Dung Nghi! Vài ba tháng sau nàng sẽ đi dự những cuộc du ngoạn khác như hôm nay, ra thăm Bãi Miếu, Bích Đầm, hòn Yến. Nàng đẹp và dáng nàng đứng tựa bao lơn tàu đẹp rực rỡ như trong một huyền thoại. Như một hành khách quí phái đi chuyến viễn du trên những hàng hải thương thuyền hạng sang chạy đường Nữu Ước sang Luân Đôn.

Chiều nay tôi biết có hai người buồn: ông Lê Sơn đang chậm rãi bước những bước nặng nề ưu tư trên bãi biển hoang vu và tôi ngồi lắc lư trên con tàu vượt sóng đi về thành phố vắng lặng mênh mông. Bởi khi tàu cập bến chân bước lên bờ là Dung Nghi sẽ vĩnh viễn xa tôi.

Chú thích:

(1) một loại áo đầm ngắn

(2) một nhãn hiệu sơ mi đan ngoại quốc

(3) tiếng Pháp matin = buổi sáng

(4) màu xám nhạt

(5) Áo tắm hai mảnh

(6) mũ lưỡi trai

(7) Parasite: ăn bám; conscience: lương tâm

Comments are closed.