Văn học miền Nam 54-75 (206): Võ Hồng (9)

THIÊN ĐƯỜNG Ở TRÊN CAO

clip_image001

Phần 8

Lúc chín giờ tôi tiễn chân Trinh ra về. Tôi nói:

– Mai mốt có rảnh em ghé lại chơi.

Nàng gật đầu đưa tay bắt tay tôi. Khi chiếc xích lô chở nàng khuất dạng ở đầu phố, tôi lững thững bước vào sân, cúi xuống đóng cổng, thì chợt có tiếng phanh xích lô lách cách. Đêm tối âm u. Từ ngày giá dầu lửa tăng cao, giá điện cũng tăng theo và nhà nước tiết kiệm bằng cách để cho nhiều con đường chịu tối. Đối với những con đường đã rải nhựa, nhà cửa khang trang một chút thì áp dụng chế độ cứ ba đèn thì tắt hai còn để lại một. Màu đen của đêm tối làm dãy phố mang một sắc diện nhẫn nại câm nín. Xích lô đậu ngay trước cổng nhà tôi và một dáng đàn bà bước xuống. Trinh? Nàng đ ã bỏ quên gì trong phòng tôi nên trở lại lấy? Tôi nhìn kỹ: không phải. Người đàn bà này mặc áo dài hoa. Hoa lớn, màu nổi khi ến trong bóng tối lờ mờ có thể phân biệt được. Người đàn bà lại bấm chuông nơi cổng. Tôi bật đèn trước sân.

– A, Thục Dung?

Thật là hồi hộp và may mắn. Nếu nàng đến sớm hơn chỉ năm phút thôi là tôi đã bị lúng túng. Tôi đưa nàng vào phòng khách. Nàng giải thích.

– Em lại thăm dì Năm. Dì có dặn lần này về Sài Gòn ghé lại nhà dì nhờ mấy việc. Dì nói chuyện lâu quá thành ra về khuya. Nhưng sẵn đi qua nhà anh, ghé lại một chút.

– Ngày mai em đi Sài Gòn?

– Dạ mai.

– Đi xe đò?

– Dạ, đành phải đi xe đò. Đi xe đò, anh nghĩ coi, nghe thảm quá phải không? Có vẻ bần cùng khốn khổ quá.

– Người sang thượng hạng thì đi xe nhà. Người sang vừa vừa đi máy bay phản lực. Người trung bình đi Viscount hay DC6, DC4.

– Như vậy thì còn ai nữa đi xe đò?

– Còn người dưới trung bình.

Lý luận nghe dễ ghét thật vì chính tôi vẫn thường là khách hàng của xe đò, nhưng mà phải công nhận là đ úng. Xã hội của chúng ta trong mươi năm trở lại đây đã xáo trộn đến nền móng.

Nhiều người dốt nát hèn kém vụt trở nên giàu theo một tốc độ làm chính họ phải choáng váng. Họ sống xa hoa, sang trọng trong khi những người có trí thức, có tư cách hơn thì lại thường phải sống thanh bạch, tối tăm. Cố nhiên là những người sau không có xe nhà và mỗi khi di chuyển xa thì phải dùng xe đò, di chuyển gần thì dùng xe lam. Giọng nói của Thục Dung:

– Trước khi xăng lên giá, mỗi lần về Sài Gòn là không thể không đi xe nhà. Đi xe nhà tự do, khỏi phải đứng lên ngồi xuống đợi chờ. Hãy cứ nhìn những người ngồi ở phòng đợi của những phi cảng. Trông có thảm không?

– Ừ, thì cũng có… thảm đôi chút. Thảm vì cái môi trường xung quanh và vì thời gian của sự đợi chờ. Cái phòng đợi đầy mạng nhện, nhiều rác và nhiều hành khách. Tường bẩn, ghế ngồi rỉ sét. Thời gian đợi chờ dài gấp bảy lần thời gian bay. Nhưng dẫu không thích, em cũng không thể đi Tokyo trên xe nhà của em.

Tôi nghĩ đến việc mời nàng dùng thức giải khát gì. Nước trà thì không được. Cà phê lại càng không được. Tôi loay hoay, đi đi lại lại tìm ở hộc bàn, tìm ở đầu tủ xem có cái chi gợi cho tôi một thứ giải khát nào hay hay. Tôi rất kém trí nhớ và tồi tệ kinh nghiệm. Thành ra, trước đây tôi đã phải mở một cuốn vở, ghi ở trang “giải khát”, những món mà tôi có thể dùng để mời khách: nước trà… cà phê… Coca, nước Spirit, xá xị, crème Soda, nước trái thơm… nước sâm Đại Hàn, trái dừa, chè táo Tàu, nước sâm bổ lượng, kem ly… Khi có khách tới, tôi mở vở ra tra và tùy sự tiện lợi và thích nghi mà chọn món giải khát. Cuốn vở đó không biết thất lạc nơi đâu từ một tuần nay. Thấy tôi lục lọi. Thục Dung hỏi:

– Anh tìm gì đó?

– Có cuốn vở…

– Để làm gì?

– Coi cái này chút. Có cuốn vở mỏng bìa xích lô xanh mà.

– Bìa xanh hả?

Nàng vừa hỏi vừa đứng dậy lục lọi như tôi. Lục qua bàn xa lông, lục qua bàn giấy. Cuối cùng nàng nói:

– Thôi, để lục sau. Bây giờ để em nói cái này.

– Nhưng cũng phải mời em uống cái gì chớ.

– Khỏi cần. Em sắp về liền bây giờ. Khuya rồi. Mai phải đi xe chuyến thứ nhất.

Tôi lại ngồi ở chiếc ghế đối diện với nàng.

– Em chợt không thích học Dược nữa. Tôi la lên, ngạc nhiên:

– Vô lý còn hai năm nữa ra trường.

– Em thấy học Dược rồi cũng chỉ ra mở tiệm thuốc Tây, buôn bán kiếm lời. Con đường không dẫn tới tương lai.

– Có con đường nào dẫn tới tương lai đâu?

– Con đường chính trị.

– Em muốn học chính trị kinh doanh?

– Không phải. Làm chính trị chớ không học chính trị. Cứ học Luật như anh chẳng hạn. Sau này có thể ứng cử Dân biểu, ứng cử Nghị sĩ, làm Tổng trưởng, làm Tổng thống.

– Phải cần nhiều tài ba.

– Không cần thiết. Chỉ cần sự ủng hộ của quần chúng.

Quần chúng! Quần chúng! Tôi muốn hét to lên. Hai chữ “quần chúng” khơi dậy một vết thương tôi đã ôm giữ cách đây gần mười năm. Hồi đó tôi học lớp đệ Nhất. Ông thầy Lý Hóa của tôi – thầy Ngật – là một Giáo sư đứng đắn, dạy dỗ có lương tâm. Nhưng vì trực tính, không bè phái, thầy trở thành nạn nhân của một Giáo sư có thủ đoạn, ông Quyền. Ông Quyền đã khéo vận động ngầm cho học sinh phản đối thầy Ngật. Đến giờ thầy, một số học sinh lười cúp cua. Có đứa biên bằng phấn nơi bảng hai chữ Đả Đảo. Một hôm với gương mặt buồn, thầy ngừng giữa hai lời giảng, nhìn thẳng vào chúng tôi:

– Có lẽ đã đến lúc tôi đặt thẳng vấn đề với các bạn. Có người muốn đả đảo tôi. Là thầy giáo, có những điểm này đáng để bị đả đảo. Thứ nhất là thiếu khả năng. Về điểm này tôi có thể bảo đảm với các bạn là tôi không thiếu, mà ngược lại, có thể nói không khoe khoang là tôi có dư. Điểm thứ hai là dạy dỗ lười biếng. Tôi không mắc lỗi đó. Tôi dạy từ đầu giờ đến phút cuối, không đi trễ, không một giây bỏ lớp đi ra ngoài. Suốt năm không nghỉ dạy một kỳ nào vì cớ bận việc riêng, thậm chí có nghỉ vì đau bệnh cũng tự nguyện dạy bù sau đó. Một cớ thứ ba để học trò phản đối là tư cách ông thầy. Tôi tự xét đã sống trong sạch, không có hành vi hạ cấp đáng khinh bỉ. Như vậy thì chỉ còn có vấn đề phương

pháp dạy. Phương pháp dạy có nhiều, áp dụng như thế nào là tùy đối tượng. Như ông thầy thuốc tùy bệnh trạng mà gia món này giảm món khác. Ngay từ đầu năm tôi đã dặn hễ các bạn thấy cần điều gì thì cứ nói thẳng cho tôi biết. Tôi sẽ làm vừa ý các bạn nếu việc đó có ích cho sự học. Tôi có thiếu cái gọi là dân chủ đâu.

Tiếp đó thầy mời chúng tôi thảo luận về những điều chúng tôi không bằng lòng và tôi xót xa nhận thấy rằng những học trò lười và hoang đàng mới hay chất vấn và nhiều lời chất vấn mới nghe qua đã thấy vô nghĩa hay phi lý. Những người học trò giỏi, chăm, đứng đắn, thì đều ngồi im lặng. Không ai đủ can đảm đứng dậy xác nhận thầy có lý và phủ nhận luận cứ của những người kia. Những người kia hung tợn quá mà. Và chính họ ngang nhiên tạo thành quần chúng. Trời ơi, từ cái kinh nghiệm của thời thơ ấu đó, bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn phẫn nộ. Tôi bảo Thục Dung:

– Em có vẻ tin ở quần chúng quá nhiều. Anh thì không. Thật ra, nói vậy chưa hoàn toàn đúng ý anh định nói. Ý của anh là: anh không muốn lợi dụng quần chúng.

– Quần chúng tạo thành sức mạnh cho anh.

– Và cũng tạo thành sức mạnh cho kẻ đối nghịch.

– Vì thế anh cần phải thông minh.

– Mưu mô xảo quyệt cần hơn.

Thục Dung đứng dậy có vẻ không vui:

– Nếu anh lý luận kiểu đó thì anh đừng hành nghề luật sư. Làm luật sư mà chỉ đợi người ta thuê cãi đòi tiền giựt hụi hay thuê xin tại ngoại cho huyện đề, số chót thì cũng như đi bán thuốc Tây. Cũng lại một con đường không dẫn tới tương lai.

Có thể đúng. Có thể đúng. Thục Dung có nhiều tham vọng. Quan niệm tích cực, chiến thắng, chiến thắng bằng mọi cách. Nàng luôn luôn muốn vượt cao hơn người, trỗi bật hơn người, ngự trị trên chót đỉnh. Tôi nghĩ rằng quan niệm đó sẽ là nguyên nhân của nhiều cái khổ, bởi con người sẽ cứ phải chạy đua hoài. Chạy mải miết. Chạy hụt hơi cho đến cái hố thẳm cuối cùng của sự chết. Nàng đứng lên:

– Anh nghĩ kỹ lại đi. Phải thành công ở đời, phải chiếm mặt tiền của thời sự. Nếu anh thấy cần, em sẽ bỏ Dược mà qua bên Luật. Để hỗ trợ anh.

Tôi đi theo nàng ra hiên. Màu tối dãy nhà trước mặt không gợi cho tôi một câu trả lời nào sáng sủa hơn. Thoang thoảng có mùi thơm của hoa lài nơi bụi hoa mọc gần cửa sổ.

Phần 9

Kiều chân bỏ tờ báo xuống giường, tay quờ quạng mò tìm gói thuốc

Craven A. Tờ báo có đoạn tường thuật đêm kịch trình diễn tác phẩm Ngộ nhận của Albert Camus tại giảng đường Spellman do đoàn kịch Thụ Nhân đảm trách. Ngoài những lời phẩm bình nghệ thuật dành cho các diễn viên, cho đạo diễn, cho người phụ trách ánh sáng, âm thanh, trang trí… theo thông lệ, bài báo ghi lướt qua thành phần khán giả: “Linh mục Viện trưởng các vị Giáo sư và đông đảo sinh viên các phân khoa đều tỏ ra hài lòng…”. Một thoáng mây buồn trôi lướt qua tâm hồn Kiều Chân. Và liền sau đó ánh sáng rực rỡ nở bừng trong vòm trời ký ức của nàng. Con đường Đinh Tiên Hoàng dẫn vào Viện, hoa anh đào nở hồng vào ngày cận Tết. Khuôn sân óng ả cỏ xanh như những thảm nhung trải rộng, và những bồn hoa rực rỡ nhiều màu. Những dãy nhà sừng sững uy nghi. Hành lang sâu hun hút, nơi đó gió chạy từng luồng lạnh ngắt.

Nàng bật xòe que diêm mồi thuốc. Mùi diêm sinh quen thuộc, ấm áp, thơm nồng. Kiều Chân không ưa Zippo. Mùi xăng của máy móc vô tình, của lý trí lạnh lùng. Nàng cũng không ưa bật lửa gaz. Ngọn lửa xanh nhắc đến không khí bếp núc. Que diêm xòe lên, gỗ cháy chậm rãi nhẹ nhàng. Mùi gỗ cháy quen thuộc thân mật, gần g ũi với lịch sử con người, đi theo sát con người từ những buổi hồng hoang của thời quá khứ. Que diêm gợi nhớ, que diêm u hoài, que diêm dẫn khởi tưởng tượng, nuôi dưỡng tưởng tượng. Nhớ quá, những buổi sớm mai sương phủ trắng mờ khuôn viên Đại học, các nữ sinh viên nằm yên ổn trong chăn ấm, mặc k ệ những hồi chuông báo thức kéo dài. Rồi tiếp theo là thu dọn chăn gối ồn ào, rửa mặt ồn ào, đánh răng ồn ào, chải tóc ồn ào và điểm tâm ồn ào. Lũ lượt đi tới giảng đường, sương ướt lạnh ngọn cỏ, sương đậu trên lá cỏ. Sương rơi từng giọt lộp bộp từ cành thông cao xuố ng nền lá cỏ. Giảng đường đầy người, giảng đường im lặng, giảng đường trang nghiêm, phảng phất như có sự hiện diện vô hình của những tư tưởng gia, những lý thuyết gia, những khoa học gia Đông Tây kim cổ mà Giáo sư vừa nêu tên, vừa nêu lên học thuyết, nêu lên phát minh sáng ngời giá trị nhân bản. Những buổi chiều đi thả bộ trong sân Viện, ngồi dưới gốc thông, ngồi nhìn mây trôi, trong khi ở rặng núi xa sương đã bắt đầu giăng màn.

Những kỷ niệm đó đã xảy ra cách đây bao lâu? Một năm? Hai năm? Không. Chưa. Mới gần đây thôi. Nhưng mà tấm thân này, tâm h ồn này như đã cách xa vời vợi tháng ngày. Kiều Chân ơi, mày sa đọa như thế này sao? Mày có còn dám ngẩng mặt nhìn lũ bạn hữu sinh viên của mày hiện đang tíu tít dọn thi chứng chỉ, dọn thi tín chỉ, đang dự phóng tương lai trên những con đường thẳng tắp rõ ràng?

Còn nhớ trong các tòa nhà của Viện, bên cạnh những tòa Hòa Lạc, Năng Tĩnh, Kiêm Ái, Dị An… nhắc cho sinh viên nhớ đến quan niệm sống của cổ nhân, có tòa Đôn Hóa mượn chữ trong sách Trung Dung “Tiểu đức xuyên lưu, đại đức đôn hóa”, nghĩa là Đức nhỏ như sông ngòi chảy khắp, Đức lớn như đôn đốc sự sinh hóa, mô tả cái đạo Trời Đất. “Muôn vật đều sinh sống mà không hại lẫn nhau”. Thực tế xã hội hôm nay sao mà khác xa với Đạo Trời Đất làm vậy?

Kiều Chân kéo từng hơi thuốc đài, nhả khói chầm chậm, lơ đãng nhìn làn khói vươn lên, tỏa ra rồi tan lẫn vào không khí. Cảm giác lâng lâng, nỗi buồn lắng dịu, vết thương nhức buốt như vừa được băng bó tạm êm. Thôi thì trôi theo dòng đời, buông thả hai tay, mặc kệ muốn đẩy đưa đến bến bờ nào. Mà liệu còn có bến bờ nào nữa chăng? – Hão huyền! Chỉ có hố sâu và vực thẳm. Có tiếng lục đục ngoài phòng khách. Kiều Chân cất tiếng gọi:

– Dũng đó phải không?

– Dạ không. Dũng đi Tuy Phước.

– Hậu đang làm gì ngoài đó?

– Dạ em ở không.

– Vô đây hỏi thăm chút.

Hậu bước vào, đứng xớ rớ cạnh bàn phấn.

– Anh ngồi xuống ghế. Hậu ngồi xuống.

– James đi đâu rồi?

– Dạ ảnh lên Hưng Thạnh.

– Có họp hành gì trên đó sao?

– Dạ không. Đó là địa điểm liên lạc, giao nhận hàng.

– Độ rày buôn bán ra sao?

– Dạ kẹt lắm. Hở đâu bị chộp đó. Tháng rồi mất cũng bộn.

– Thì phải cho tụi nó ăn.

– Dạ, có cho ăn đều đều nhưng thỉnh thoảng vẫn bị bắt mất hàng. Giỏi lắm là thoát thân, khỏi bị phạt, khỏi bị tù.

– Về vụ con nhỏ Trinh, bữa nay đi đến đâu?

– Dạ, chưa đi đến đâu hết.

– Dạ, ngó bộ ảnh chịu con nhỏ đó lắm. Ảnh sai em dẫn con nhỏ đó về đây, em dẫn về chẳng những không được khen mà còn bị ảnh xài xể tơi bời.

– Tại sao vậy?

– Em có dọa nó đôi chút để nó sợ nó đến. Ai ngờ nó đem mét hết trọi với anh James.

– Rồi James làm sao?

– Ảnh nổi máu anh hùng đưa trả nó về khách sạn đàng hoàng rồi sau đó rầy la bọn em một mách nổ lửa.

– Lấy lòng người đẹp đó mà.

– Ảnh vẫn có tính bốc đồng như vậy. Nhất là từ ngày con Khánh bị bề hội đồng chết.

– Con Khánh nào?

– Con Khánh Bến Lức. Mới mười bảy tuổi, học lớp 8 lớp 9 chi đó. Mẹ nó mắc nợ mụ Tám đâu có năm chục ngàn, nhưng vốn đẻ ra lời, lời nhập cục vào vốn, rốt cuộc không trả nổi. Mụ Tám xiết con Khánh, đem cho xì thẩu ở Chợ Lớn phá trinh rồi mụ chở nó ra đây…

Kiều Chân ngắt lời:

– Nó có đẹp không? Hậu giơ tay phân trần.

– Anh James mê mà. Nó vừa đẹp vừa ngây thơ, chưa biết gì hết. Anh James gặp nó một lần là đã hứa với nó sẽ chuộc nó ra. Quá sức dễ. Thật ra thì chỉ cần ảnh tỏ ý muốn là mụ Tám đã vội vàng đem dâng con nhỏ cho ảnh rồi. Nhưng ảnh không muốn làm vậy. Ảnh sai em cầm sổ ra Ngân hàng rút tiền. Đưa cuốn sổ Tiết kiệm không định kỳ để dễ rút, nhưng nhằm lúc cuối tháng, cuối tam cá nguyệt gì đó, Ngân hàng khóa trương mục để tính lời hẹn hai ngày trở lại. Ảnh chửi thề tùm lum, ký chi phiếu cho em đi lãnh hai trăm ngàn, nhưng ra đến nơi thì đã quá bốn giờ, Ngân hàng đóng cửa. Ảnh lại chửi thề nữa. Ảnh nói bữa đó ngày tốt có Thiên Đức Thiên Ân Hoàng Đạo chi chi, rất hạp cho việc cưới hỏi đưa dâu…

Kiều Chân phì cười:

– Cưới hỏi, đưa dâu… bộ định làm quan trọng?

– Dạ. Ảnh định làm quan trọng đàng hoàng. Có coi ngày coi giờ nữa. Ảnh định làm đàng hoàng mà.

– Rồi sao?

– Bất đồ ngay tối đó có người cầm giấy tới kêu con nhỏ đi ngủ đêm. Mụ Tám thấy địa chỉ là chỗ quen thân chủ sộp của mụ nên bằng lòng cho đem đi. Ai ngờ tụi giả mạo. Chúng nó đưa tới một địa chỉ khác và mười hai thằng thay phiên nhau bề con nhỏ cho đến ngất xỉu. Sau đó chúng nó khiêng con nhỏ ra bỏ ở công viên. Khi có người phát giác đem chở con nhỏ xuống Ty Y tế thì đã không còn cứu chữa được nữa. Nó chết ngay năm giờ chiều hôm đó.

Kiều Chân chợt thấy cái phì cười lúc nãy của mình là tàn nhẫn. Định Mệnh bi đát cũng có thể đổ ập xuống thân phận của bất cứ một cô gái nào. Chỉ cần sự rủi may. Cuộc đời mình có thể được kết liễu như cuộc đời của cô bé tên Khánh đó. Kiều Chân lại kéo liên tiếp hai ba hơi thuốc. Cái cảm giác đê mê, lâng lâng lại nâng tâm hồn nàng lên cao, bay bổng mơ hồ, bỏ xa niềm xót thương, niềm hối hận, lãng đãng vật vờ đâu đó. Quên đi. Quên đi. Đang quên. Quên rồi. Thân phận chập chờn. Hiện tại mông mênh. Tương lai sương khói.

– James có hẹn gặp con Trinh lại không?

– Hôm đó ảnh không có nói gì hết.

– Con bé có vẻ phục James không?

– Suốt cả thời gian ngồi trên chiếc xe Jeep để về khách sạn, nó im lặng không một lời.

– Tôi nghĩ rằng James đang tìm cách chinh phục con nhỏ.

– Điều đó chắc đúng. Ảnh ra lệnh cho thằng Bô-cát-xa kín đáo theo dõi sự đi về của cô ta. Coi cô ta giao du với những ai?

– Thằng Bô-cát-xa nào?

– Thằng nhỏ lai Tây đen đánh giày, có mặt thường trực ở trước khách sạn Thanh Bình.

Một chút ghen làm nặng ngực Kiều Chân. Thằng James ngủ với một trăm con, không cần điều tra nàng cũng biết. Đàn bà, đó là món bổng lộc dành cho các đại ca, các tay dao búa. Có đại ca uống rượu dở. Có đại ca không thích đánh bạc nhưng chẳng có đại ca nào từ chối đàn bà. James lại bảnh trai, nhà giàu nên ngoài số đàn bà “bị bắt buộc” còn có số đàn bà “tự nguyện”. Cả hai loại đều

không đáng kể. Tha hồ cho nó sử dụng. Chỉ bực mình là khi nghĩ đến con đàn bà mà nó yêu.

Công bình mà xét, mình không đáng ghen với nó. Thằng James thua mình một nấc thang dài. Học hành không ra chi. Nhà tuy giàu nhưng không giàu bằng nhà mình. Họ hàng xa gần của nó chỉ gồm những tay buôn bán áp phe, nhiều tiền mà dốt nát, không như họ hàng mình toàn đậu cao, làm chức vụ lớn. Vậy mà sau vài bước sa cơ, mình tự để rơi vào tay nó.

Sóng bể vỗ ì ầm một điệu cuồ ng nộ. Tiếng cheng chéc của những con hải âu bay lượn trên đầu sóng. Gió thổi mạnh đẩy rung rinh những thân cây sứ mang nhiều hoa vàng nở thành chùm ở chót đỉnh. Một đóa hoa chợt rung, bị gió thổi bay tung, xoay tròn mấy vòng rồi cuốn bay mất hút.

Phần 10

Tạo nghiêng người lại gần tôi nói nhỏ:

– Có điều này tôi mới nghe được, nói cho anh đề phòng.

Tôi giật mình. Như có một bóng đen thật nhẹ vừa bay thoáng qua óc tôi. Tôi làm bộ bình tĩnh. Tôi mở to mắt đợi chờ:

– Cô bé hôm nọ nghiện ma túy.

– Nghiện thì kệ nó.

– Giỡn cha? Cha chưa nghe người ta thuyết trình về nạn nghiện ma túy à? Đây là loại mà còn dữ hơn quỷ.

– Thì phần ai nấy chịu, động chạm chi đến mình?

– Sao lại không? Ma túy tạo bệnh nghiện độc địa và khi nghiện rồi thì người hiền hóa dữ, người tốt hóa xấu.

– Có vậy. Khi nghiện thuốc lá mà thiếu thuốc người ta có thể hạ mình đi lượm tàn thuốc đã vất đi đem đốt hút lại. Khi nghiện thuốc phiện người ta quên hết liêm sỉ đến độ nói láo, lừa bịp và ăn cắp tiền của cả vợ con. Đến bạch phiến thì nguy hiểm hơn nhiều. Báo chí đăng trường hợp thằng con trai chém đứt hai tay mẹ nó chỉ vì khi lên cơn nghiện bạch phiến nó lén mở tủ ăn cắp tiền, mẹ nó hay được chạy lại giữ chặt cửa tủ. Báo chí không thể đăng hết mọi tội phạm do việc nghiện bạch phiến gây ra. Nhưng có suy đoán là đủ biết.

– Còn nhớ mấy vụ cướp giật bằng Honda không? Suspense toát mồ hôi lạnh, theo kiểu phim Hitcock. Do ma túy mà người hành sự gan dạ như vậy.

– Khi túng thì ai mà chẳng gan dạ?

– Nhưng mà túng đói khác. Khi đói người ta cũng ăn cắp ăn trộm, những cơn đói hành hạ người ta không dữ dội bằng cơn nghiện.

– Tôi nghĩ rằng bạch phiến làm cho trí tưởng tượng của con người phong phú hơn, – anh nhớ hồi xưa các thi sĩ chỉ làm thơ hay sau khi hút thuốc phiện – cho nên các mưu mẹo trở nên thần tình hơn. Tôi hy vọng có những trường hợp người hành sự bỗng nổi hứng, đưa ra một lối giải quyết bất ngờ rất nghệ sĩ.

– Thôi đi cha. Cha cứ mơ mộng lãng mạn. Cho cha mà làm văn sĩ, thi sĩ thì cha dám hút bạch phiến lắm.

Tôi cười:

– Sợ chi ai?

– Ừ, thì giỏi không sợ. Tụi nhỏ mười ba, mười bốn tuổi bị hành quân cảnh sát bắt bỏ khám, không cho hút, tụi nó ỉa ra máu, đái ra máu và mửa ra máu. Thằng con thiếu tá Linh mới học đệ Lục mà đã nghiện. Ổng bắt nó cai, nó không dám đi học nữa. Sợ băng của nó giết. Không dám ở nhà nữa, cũng sợ băng của nó tới giết. Ông đành chở nó tới sở để nó ngồi cạnh ổng. Con Kiều Chân, con bà chủ khách sạn Đồng Thạnh là một thí dụ điển hình. Hồi nó đi học, nó có một vẻ đẹp thiên thần, nét đẹp thánh thiện đến nỗi mình đứng chiêm ngưỡng mà không hề có một ý nghĩ phàm tục. Nó lại học giỏi. Đậu tú tài, lên Đà Lạt học Chính trị kinh doanh. Học được một năm thì lấy chồng. Chồng giàu, đậu kỹ sư ở Mỹ về. Ai cũng trầm trồ là nó hạnh phúc và chồng nó có hạnh phúc. Không ai ngờ nó đã nghiện bạch phiến hồi nào.

– Hơi có vẻ khó tin đó. Nghiện ngập hút xách mà đâu có dễ giấu giếm như giấu cái kim, giấu cái bút vậy.

– Thế mới tài. Mà sao anh thắc mắc làm chi cho nhọc lòng vậy? Thực tế nó rõ ràng ra đó mà. Bà chủ khách sạn Đồng Thạnh thì cả thị xã này còn ai chẳng biết. Cô con gái bà cũng vậy. Và sự thực càng hiển nhiên hơn nữa là bên chồng của nó nhất định bắt đưa ra tòa xin ly dị.

– Rồi?

– Rồi. Nó tiếp tục đi học lại, nhưng còn học hành gì được nữa? Phần vì chứng nghiện đeo đẳng bên mình, phần vì buồn phiền gia đình tan vỡ, nó buông xuôi, hút thả cửa, bất kể trời đất. Bây giờ thì nó thực thụ là chúa đảng xì ke.

– Hiện giờ ở đâu?

– Lang thang cùng khắp, vài tháng ở Sài Gòn, vài tháng ở Đà Lạt, vài tháng về đây. Nhưng má nó vẫn đinh ninh là nó còn học còn thi, vẫn gởi tiền cơm tiền học và nó cứ phải nói dối liên miên. Tội nghiệp là về đây mà nhiều khi nó không dám về nhà cha mẹ. Nó ẩn náu ở mấy động xì ke.

– Bây giờ có còn đẹp như xưa nữa không?

– Có thằng bạn mới gặp nó gần đây, mách bảo rằng bây giờ ốm o tang thương lắm. Cố nhiên là tang thương so với hồi phong kín rủ là. Chớ chúa đảng James Huỳnh, một tay anh chị khét tiếng ở đây đang mê nó lắm.

– Nhưng hút còn chưa đến nỗi. Tới cái nạn chích mới ghê. Không có tiền mua thuốc thì phải chích. Anh nghĩ, xái thuốc phiện đem pha với nước rồi chích vào mạch máu. Khi không có tiền mua nổi xái thuốc phiện, tụi nó lấy thuốc Capstan vò với nước rồi chích.

– Cũng mang lại khoái cảm?

– Chắc có thì họ mới chích chớ. Anh muốn coi bữa nào tôi dẫn cho đi coi. Cứ cỡ mười một giờ đêm, ở bãi trống sát nhà tôi có mấy tay chuyên môn chích cho lũ nhỏ nghiện. Họ đổ nước xái vào cái thìa, đem hơ lên ngọn đèn sáp rồi rút vô ống tiêm. Tiêm nát cả cánh tay. Lũ con gái thì vén quần tiêm ở mạch máu dưới đùi. Tôi xót xa nghĩ đến cái thế hệ trẻ, những đứa em đáng thương đó của tôi. Có đáng lên tiếng trách họ không? Người lớn nặng lời kết án, nhưng chính người lớn đã đẩy họ vào con đường sa đọa đó. Họ nhận lấy cái chết chậm chập và thê thảm do người lớn tặng họ. Nếu người lớn không vì ham tiền mà buôn bán bạch phiến, nếu người lớn không tham nhũng ở mọi ngành, không bất công mọi cấp, nếu người lớn thật tình yêu thương họ, chịu xả thân và nếu cần, hy sinh vì họ, thì họ đâu có thể sa ngã trụy lạc? Tôi xót xa thấy rằng mình cũng có trách nhiệm trong sự duy trì tệ nạn đó. Chớ sao? Sao không mổ bụng, tự thiêu để thức tỉnh những người có lương tâm mà vì muốn sống yên ổn đã cho lương tâm của họ ngủ yên? Sao không…

Coi chừng nghe. Con bé nghiện bạch phiến, tôi đã nói rõ rồi đó. Bữa sau có chuyện gì đừng trách tôi không nói trước.

Trinh nghiện bạch phiến? Điều này có thể tin được vì nếu không cần tiền mua thuốc thì nàng sà chi vào cánh tay của những người đàn ông? Trí óc tôi bàng hoàng. Tôi ngồi nhớ lại khuôn mặt và vóc dáng của người con gái ấy. Không biết có triệu chứng gì để xác định một trạng thái nghiện, một trạng thái quen thuộc. Đôi mắt vẫn sáng long lanh. Giọng nói vẫn trong trẻo. Tôi hỏi Tạo.

– Có biết hoàn cảnh gia đình không?

– Nghe nói bỏ nhà đi bụi đời.

– Có biết nghiện đến trình độ nào không?

– Nghe nói mỗi ngày phải hút tám lọ. Bốn ngàn đồng.

– Có thể tin được không? Bằng cách nào mà có bốn ngàn đồng mỗi ngày để hút? Chưa kể tiền ăn uống, tiền tiêu vặt, may mặc.

– Những ông lớn cung cấp.

Tôi chịu thua. Xin đầu hàng lối giải thích này. Số ông lớn ngày nay quá nhiều và ông nào cũng có quá nhiều tiền nên điều Tạo nói không thể không tin được. Con bồ câu bé bỏng ơi! Em không chết vì móng vuốt của con diều hâu

đứng kề em đâu. Mà có bóng tử thần choàng áo chùng đen ở trên đầu em kia đang vung lưỡi hái dài. Tôi lại hỏi Tạo:

– Nhà ở đâu?

– Không biết.

– Không biết sao anh đi kiếm ra?

– Thằng bạn kiếm dùm.

– Thì hỏi ngay thằng bạn.

– Nó cũng không biết. Khi cần tìm nàng, nó lái xe chạy vòng vòng qua mấy phòng trà. Hy vọng nàng đang ngồi nhấm nháp cà phê ở mấy chỗ đó. Một người con gái như vậy thật không xứng đáng làm đối tượng để ước mơ mong nhớ. Đó là cái ý nghĩ của tôi lúc đó. Nhưng đến ngày mai, ngày mốt, khi bóng tối choàng ụp xuống khu phố, nhớ lời dặn “Mai mốt có rảnh em ghé lại chơi”, tôi vẫn có ý nghĩ mong đợi nàng đến. Nhưng nàng không đến. Hai ba ngày sau nàng vẫn không đến.

– Ừ, những cô gái giang hồ là như vậy. Gặp đâu ghé đó, sẵn đâu dừng đó, đâu biết thế nào là giữ lời hứa. Những cái hôn ngọt mùi sữa Guigoz xóa tan đi trong chốc lát. Bây giờ dẫu có nhắc lại không chắc nàng đã còn nhớ. Mọi lời êm ngọt chỉ nhằm đến số tiền sẽ nhận được. Cả những lời đối thoại được coi là ý nhị thông minh.

Tôi moi tủ lấy những cuốn sách mua về mà chưa kịp đọc, đem ra cần mẫn đọc. Phải tìm một công việc gì trong giờ rảnh cho quên đi. Bởi thực tế nàng không phải là người để mà dễ quên như lúc đầu tôi tưởng. Dù qua lời Tạo tôi đoán được cuộc sống của nàng, nhưng cái khuôn mặt thanh tân đó, cái thân thể mảnh mai trắng muốt đó như luôn luôn lên tiếng bào chữa cho nàng. Không, nàng không phải là như vậy, nàng không chỉ là như vậy. Mà tựu trung có một uẩn khúc nào đó, một bi kịch nào đó. Cái tâm hồn kia, cái não trạng kia, cái thân phận kia có th ể là thân phận của nụ sen nụ súng, dẫu thân dầm mình trong bùn mà vẫn cố giữ một phần nào không cho ô nhiễm mùi bùn.

Tôi đang nằm ở ghế bố đặt trước hiên miên man nghĩ về Trinh thì nơi một ngôi nhà gỗ kế nhà tôi có tiếng la lối om sòm khiến cả xóm đổ bu ra xem. Tôi tò mò bước đến gần thì thấy một người đàn bà đậm th ấp mặc bà ba đen đang xông vào đấm thùm thụp vào lưng một người đàn bà gầy gò hơn mặc áo hoa ngắn tay. Đấm chán chê rồi bà ta chụp tóc người kia xoắn lại và kéo ghì ra trước sân. Một người đàn ông đứng gần đó lúng túng đưa hai bàn tay ra can thì bị người đàn bà tiện chân đạp cho một cái mạnh vào đùi khiến ông ta bị bất ngờ ngã xuống. Mọi người cười ồ lên như đang coi một hài kịch. Tiếp theo, người đàn bà chửi ông ổng.

– Mê nội mi. Mi giỏi vô can nữa đi. Mi mê theo con đĩ, mi bỏ mặc mẹ con tau bữa no bữa đói. Mi nói dối tau bữa ni công kia, bữa tê việc nọ, mi vắng nhà để đi theo con đĩ. Có bao nhiêu vốn liếng mi bòn xới cho con đĩ.

Thế là sự việc đã lần lượt tự giải thích. Người đàn bà đậm thấp mặc bà ba đen là vợ cả, người gầy ốm mặc áo hoa vợ lẽ phòng nhì, nhân tình nhân ngãi. Và ông chồng chung đóng vai người võ sĩ bị đo ván. Mọi người tiếp tục cuộc giải thích:

– Bắt ghen gì lãng xẹt. Để nó đẻ tới hai mặt con rồi mới biết. Tôi hỏi người đứng cạnh:

– Người vợ bé đã đẻ với ông ta hai đứa con rồi?

– Dạ, đã hai đứa rồi. Đứa lớn đã lên năm, đứa út lên hai.

– Chắc tại nhà vợ lớn ở cách xa đây lắm?

– Dạ có xa chi đâu. Cách đây bảy tám con đường. Tiếng người vợ bé năn nỉ nhẹ nhàng:

– Xin chị tha cho em. Em lạy chị.

– Tha cái mệ nội cao tằng cố tổ mi. Mi lạy tau tha mi mà mi có tha tau mô. Mi cám mi dỗ mi mê mi hoặc cái thằng mặt gà mái nớ…

Mọi người lại cười rộ lên bởi hình ảnh cái mặt con gà. Người đàn bà nghe tiếng cười bỗng khựng lại. Mụ nhìn quanh mọi người xem tiếng cười phát xuất từ nguyên do nào, có phải tại một sơ xuất nào của mụ chăng. Thấy mọi người xung quanh mang vẻ mặt vô tư, mụ an lòng đánh tiếp và chửi tiếp:

– Mi chuộc bùa, chuộc ngãi, mi dụ dỗ hắn. Chớ ở với tau đã tám mặt con, đứa sống có, đứa chết có mà hắn có biết mèo mỡ trai gái chi mô. Nay bất đồ gặp mi, mi cho ăn bùa mê thuốc lú…

Tôi không tin có bùa mê. Bởi bao nhiêu tướng mạo xấu xí mụ đều gom góp giành phần cho mụ hết: mắt xấu, mũi xấu, miệng xấu. Trong khi đó thì người vợ bé xinh xắn dễ thương hơn, cho dù chị ta xuất hiện trong tư thế bất lợi cho chị: bị đánh bị đấm, đầu tóc rối bung, miệng mồm bệu bạo. Người chồng chung của hai người đàn bà, nếu không bị loạn thị và không bị mất cặp kính thì chỉ nhìn thoáng qua đã biết nên chọn người đàn bà nào. Một cặp nam nữ choai choai cặp lưng nhau xăm xăm bước vào đám đông, tò mò đứng lại nhìn, đứng ngay trước mặt tôi. Họ coi tôi như là cái cây vô tri. Đã thế mùi mồ hôi lại ào ạt xông ra từ

áo sơ mi của ng ười con trai. Tôi quay nhìn ra đằng sau tìm thêm có chỗ trống nào để đi lui vài bước không thì không ngờ đứng sau lưng tôi là chị Trâm.

Tôi khẽ gật đầu chào:

– Chị cũng đi coi?

– Chữ “coi” nghe thảm quá. Làm như đây là một buổi diễn kịch.

– Kịch đó chớ. Hài kịch, nhìn theo bề nổi. Bi kịch, thảm kịch hiểu theo bề chìm.

Chị im lặng. Một lát chị nói:

– Tôi biết người chồng. Ông ta xuất thân làm nghề bói bài Tây, lang thang nghèo khó, xứng hợp với người vợ cả đó. Khi quân đội Mỹ sang Việt Nam, ông ta bỗng làm ăn khá lên nhờ số thân chủ me Mỹ. Thằng chồng Mỹ về nước lâu quá, hẹn đầu tháng này qua mà đợi mãi không thấy: xin ông thầy bói cho một quẻ. Mới bắt được một thằng lính Mỹ mười tám tuổi mặt mày non choẹt, râu mọc như lông măng: xin ông thầy một quẻ coi nó ăn ở có chung tình không. Cả mươi ngày nay ế khách dài dài, thôi cũng đành mượn tiền con bạn đến nhờ thầy coi cho một quẻ xem chừng nào làm ăn khấm khá lại. Rồi bày cúng phong long, rồi bày coi vị thế kê cái giường rồi bày đặt lá bùa kê dưới gối nằm… vân vân, ông thầy Xóm Rộc tha hồ lượm bạc. Và cố nhiên là ông thầy cưới vợ bé.

Tôi cười.

– Chị Trâm làm như vừa đọc những định lý khoa học.

– Còn người vợ bé, chắc chị cũng biết rõ?

– Không. Chỉ biết chị ta là một người đứng đắn. Mặt mày xinh xắn thì chắc chắn là Khải cũng biết. Chị ta vẫn ghé hiệu sách của tôi mua đều đều Văn nghệ Tiền Phong. Tôi ngạc nhiên “uở” lên một tiếng. Đọc tạp chí, dù Văn nghệ Tiền Phong, một cách đều đặn, đó là một dấu hiệu khả quan. Ít nhất người này cũng có được khả năng đối diện với sự im lặng.

– Mấy đứa con cũng dễ thương.

– Chắc không giống khuôn mặt của ông thầy Xóm Rộc?

Chị cười:

– Khải cũng ác lắm. Nhưng mà Khải nói đúng, mấy đứa nhỏ giống khuôn mặt bà vợ. Vừa lúc đó chợt có tiếng la ré thất thanh cửa cử tọa:

– Trời ơi, nhào vô can đi mau. Coi chừng có án mạng.

– Hả? Mụ bóp cổ hả?

– Coi chừng! Nó có dao…

Tiếng chân người rầm rập. Tôi nhón gót nhìn. Hai người đang quần nhau trên sân. Người vợ lớn cưỡi trên bụng người vợ bé và giơ hai tay siết cổ người này. Nhưng liền đó có mấy ngươi đàn ông nhảy vào gỡ tay mụ. Không thấy có bóng dáng con dao. Chắc ai đó quen miệng đã kêu lên. Có thể do một sự liên tưởng. Cơn hồi hộp trôi qua thật nhanh như lượn sóng lướt trên bãi cát. Người ta trở lại vị thế cũ. Có người rải rác đi về. Chị Trâm bảo tôi:

– Hồi nãy Khải có nói chữ “thảm kịch”. Tôi hiểu ý Khải muốn nói gì. Hai ng ười đàn bà tranh nhau một người đàn ông. Còn có trường hợp ba người đàn bà tranh nhau một người đàn ông. Ngày càng có nhiều đàn ông chết trong chiến tranh và những người đàn bà tranh nhau những người đàn ông may mắn còn sống sót.

Comments are closed.