Văn học miền Nam 54-75 (218): Nhật Tiến (11)

Thềm hoang (kỳ 9)

Chương mười ba

Những đầu kỳ lương, bao giờ Jean cũng tìm đến Huệ. Hắn khuân về cho nàng đủ thứ đồ ăn, thức uống cầu kỳ, hoặc cam, táo, sữa, bơ hoặc phó mát. Huệ quen lệ thường, dọn dẹp cửa nhà đón hắn như đón một người chồng thực thụ. Hai người đu lấy nhau và hôn rất lâu ở ngay giữa nhà. Jean hay nhè vào mồm Huệ một cái kẹo tây ngậm dở, mùi bạc hà thơm sực nức. Huệ mút một lần rồi thổi bay ra ngoài cửa sổ. Trẻ con đứng rình qua khe cửa tò mò xem từ bao giờ, xô nhau lại cướp. Tiếng chen lấn xô đẩy nhau loạn xạ ở ngay trước nhà Huệ. Sự ầm ĩ ấy khiến Huệ hay nổi giận. Nàng doạ giẫm đủ cách mà không bao giờ chúng chịu rời đi cả. Về sau nàng phải hối lộ bọn ranh bằng thuốc lá. Những điếu thuốc lá vừa hôi vừa khét được chúng nó rất chuộng. Chuộng hơn cả kẹo tây nữa. Mấy đứa xúm lại tranh nhau cầm rồi kéo nhau đi tìm lửa. Vị thuốc chẳng ngon lành gì mà chúng cũng hăm hở chui rúc vào một vách lá râm mát, đứa nọ chuyền đứa kia thi nhau thở khói đằng mũi, và ho sặc sụa.

Mỗi khi được yên thân, Huệ hay nằm gọn ở trong lòng Jean, dùng con dao bổ cam hay cắt táo. Thỉnh thoảng nàng lại rít lên:

“Nhột! Khỉ gió đùng lăn lắm nữa, đứt bố nó tay người ta ra bây giờ.”

Nói rồi Huệ buông dao phát đôm đốp lên cái lưng đầy lông tơ của hắn. Jean đã không tha lại còn cù thêm cho Huệ mấy cái nữa. Huệ rú lên cười, câu chửi của nàng vỡ ra không thành tiếng. Tóc Huệ xổ tung, tay chân Huệ bị ghì cứng lại, nàng vừa thở vừa la:

“Tiên nhân nhà mày… sao mà háu thế!”

Một lát, Jean bẽn lẽn ngồi thu ở một góc. Huệ bỏ hắn đi vào phía trong. Căn nhà im lặng đến độ nghe thấy cả tiếng cọt kẹt ở chỗ Jean ngồi. Lát sau hắn sửa áo quần tề chỉnh rồi ra ngồi ở phía bàn giữa. Huệ châm thuốc lá cho hắn. Hắn nhìn Huệ với cặp mắt biết ơn sâu xa. Huệ mỉm cười sửa soạn bánh và đồ hộp. Hai người ăn uống rất hạnh phúc. Huệ nói chuyện văng tê, chửi tục luôn mồm. Gã nghe không hiểu, nhưng gã thấy Huệ có duyên vô cùng. Chai rượu, hắn nốc hết ly này đến ly khác cho đến khi say mềm thì nằm vật xuống phản ngáy pho pho. Huệ móc ví lấy tiền của hắn đem đi trang trải mấy món nợ nần. Đến chiều, nàng đánh phấn, bôi môi cặp tay với hắn đi lên phố. Jean không tiếc Huệ thức gì. Hắn mua tặng Huệ đồng hồ, nhẫn, vòng, áo dài hay phấn sáp. Sự dễ dãi của hắn càng khiến Huệ thấy mình tha hồ tự do thao túng. Một người bạn đã nói với Huệ:

“Tội gì, chúng nó chán mình ngay. Cho nên lúc nó còn thương thì “cấu” được cái gì là lời cái ấy.”

Huệ đã cấu của Jean rất nhiều, và đổi lại nàng đã dành cho hắn những phút được chiều chuộng, nâng niu. Gã thấy mình chứa chan hạnh phúc.

Hai người thường đi chơi suốt một ngày Chủ nhật. Hoặc ăn kem ở hiệu có máy lạnh, hoặc xem chớp bóng ngồi ở trên tầng lầu, hay đi dạo trên những đường phố lớn hai bên có nhà cao ngất ngưởng, có tủ kính đèn thắp sáng choang. Có hôm Jean dẫn Huệ ra bờ sông, hai người ôm nhau ngồi trong bóng tối. Huệ quên thân phận của mình là một cô gái làm điếm. Nàng ngoan ngoãn ngả đầu vào ngực Jean, ngắm không chán khuôn mặt mơ màng của gã đăm đăm nhìn ra ngoài sóng nước. Không khí về đêm thoải mái và mát rượi. Tiếng nước róc rách vỗ vào mạn bờ, tiếng gió thổi xao xác trong vườn cây khiến Huệ thấy lòng mình yên tĩnh và trong sạch. Lâu lâu Jean lại hôn Huệ một lần. Nàng ôm lấy hắn nũng nịu. Nàng gọi tên gã trong khi gã hát rất nhỏ. Tiếng hát của Jean nghe buồn như ru bên tai Huệ. Khói thuốc từ miệng gã toả ra bay nhẹ nhàng trong gió mát. Huệ nhắm nghiền mắt lại và muốn ngủ thật lâu ở ngay chỗ ấy.

Đến khi hai người trở về thường thường là đêm đã thật khuya. Huệ và Jean chia tay nhau ở đầu xóm Cỏ. Những đàn chó chạy rông ngoài đường xô nhau ra sủa loạn xạ. Mùi rác tanh nồng thoang thoảng bay qua. Huệ đứng vẫy Jean cho đến khi bóng dáng cao lớn của gã khuất sau dẫy phố. Nàng trật đôi giầy ra xách trên tay. Hơi đất ẩm đưa từ gan bàn chân lên người gây cho Huệ cảm giác mát mẻ, khoan khoái. Nàng quay tròn cái dây ví đầm trong tay kia rồi dò dẫm đi vào ngõ tối.

Tiếng đàn của bác Tốn chưa dứt trong túp lá lụp xụp. Một đôi lần thằng Ích trốn nhà ra ngủ chung với bác. Hai bác cháu đùa với nhau rinh rích cả đêm, lúc nóng quá thì kéo nhau ra tắm giếng chán rồi lại trở về hút thuốc lá và nói dóc trên bực cửa.

Một buổi tối trở về Huệ bắt gặp đôi mắt sáng dữ dội của dượng Tám nhìn mình ở hàng rào. Dượng bẻ một nan tre ném về phía Huệ rồi lơi lả:

“Làm người ta chờ mãi. Đi không?”

Huệ ngất ngư cái đầu:

“Để đến mai. Đang mệt lử ra rồi đây.”

Mắt dượng Tám quắc lên khiến Huệ cũng cảm thấy rờn rợn đến nỗi phải cúi xuống. Dượng nói, hai hàm răng sít lại:

“Hôm nay “rích” đây. Để mai lại chui vào sòng hết mất.”

Nàng uể oải:

“Vậy thì đi…”

Hai người lầm lũi đi về phía nhà Huệ. Nàng nhẹ nhàng mở cửa và đánh diêm châm ngọn đèn trên mặt bàn nước. Bà cụ Chín đã ngủ từ lâu và mắt Huệ cũng như muốn díp lại. Nàng kín đáo thay quần áo trong khi dượng Tám ngồi im lặng hút thuốc trên giường. Một lát Huệ đến nằm vươn vai ở bên cạnh dượng và ngáp thật dài:

“Buồn ngủ thấy bà đi. Đi quá rạc cả cẳng.”

Dượng Tám không đáp vẫn nằm im rít từng hơi thuốc lá. Mặt dượng dúm lại, đôi mắt xếch ngược lên, hai bờ môi dầy trễ xuống. Huệ nắm lấy tay dượng thì thào:

“Lẹ đi!”

Dượng uể oải đứng dậy, ném điếu thuốc cháy giở vào góc phòng rồi tiến lại bàn nước vặn thụt cái bấc đèn xuống thấp. Ánh sáng đảo lên rồi teo lại. Căn phòng bây giờ chỉ còn một thứ ánh sáng xanh lét. Khuôn mặt dữ tợn của dượng chìm mờ trong bóng tối. Có tiếng chó sủa vu vơ ở đằng xa. Huệ ngủ thiếp đi trong những tiếng động mơ hồ ấy.

Lúc dượng Tám nhỏm dậy thì bốn bề vắng lặng và yên tĩnh. Trong căn phòng mờ mờ tối chỉ có cái bóng của dượng thấp thoáng đi lại và tiếng guốc rón rén trên nền đất ẩm. Dượng nâng khẽ cánh cửa gỗ và lẻn nhanh ra ngoài như một con cáo mò đi ăn đêm…

*

Sáng hôm sau, xóm Cỏ loạn lên vì tiếng chửi của Huệ. Trẻ con hàng xóm bu đen lại. Giọng Huệ san sát như xé vải:

“Tổ cha năm đời mười đời thằng mặt sắt, bà đã bán trôn nuôi miệng mà còn húc đầu vào ăn không lấy có của bà. Giời đánh thánh vật thằng Tám ra…

Cửa nhà thằng Ích mở tung, cái Ngoan ngồi thu hình trên bực cửa. Nó thản nhiên nghe Huệ chửi như không có chuyện gì dính dấp đến nó. Cặp mắt đen lay láy của nó chăm chú nhìn xem từng cử chỉ của Huệ. Huệ mặc một cái quần đen bạc phếch, cái áo may ô nhuộm đỏ chẳng có nịt vú ở bên trong. Nàng vung hai tay lên vỗ vào đùi, rồi xỉa xói vào nhà dượng Tám, cứ réo tên dượng mà chửi. Một người hỏi:

“Chuyện gì thế cô Huệ?”

Huệ vừa thở vừa đáp:

“Thằng Tám chứ ai, tiên nhân cha nhà nó.”

“Làm sao?”

“Tối hôm qua nó ở nhà tôi về…”

“Nó vào nhà cô làm gì?”

“Khỉ gió đùng lăn nhà bác lắm nữa. Làm gì thì kệ bố người ta…”

“Thôi biết rồi, sao nữa?”

“Động mồ động mả nhà nó, đây có tí vàng nào nó vét sạch cả. Ối giời ơi Tám ơi là Tám, mày thò mặt ra đây thì bà vạc ra, sư cha quân đầu trộm đuôi cướp.”

Nói rồi Huệ lại tức tối xông lên thềm đất. Cái Ngoan vội vã ngăn lại. Nó nói:

“Dượng tôi chưa về…”

Huệ du mạnh nó ra rồi bước hẳn vào trong. Nàng bắt gặp bộ mặt nhợt nhạt của u Tám. U mệt mỏi ngồi dựa lưng vào vách gỗ. Mái tóc quấn vội trên đỉnh đầu nom xù lên rã rượi. Huệ định cất mồm tác xác thì u Tám bưng mặt khóc. Hai chân u đập xuống mặt giường, đầu u va rất mạnh vào vách gỗ. U bật lên kêu thảm thiết:

“Giời ơi giời, chồng con ơi là chồng con…”

Rồi u ngã vật xuống trước cặp mắt ngơ ngác của Huệ. Nàng lùi lại một bước, quay đầu nhìn cái Ngoan. Ngoan đang ngồi nghe thấy tiếng ngã vội hốt hoảng chồm dậy. Nó đẩy thật mạnh cho Huệ chúi xuống rồi chen vào. Mọi người thấy tiếng nó lu loa:

“Ối u ơi là u, u làm sao thế này…”

Người xem ở bên ngoài len vào, chen lấn xô đẩy. U Tám vẫn nằm thiêm thiếp trên mặt đất. Hai mắt u nhắm nghiền. Những giọt nước mắt chưa khô trên đôi má xanh xao nhợt nhạt. Miệng u mím chặt, hai hàm răng u nghiến ken két, một dòng nước dãi chảy qua môi, lăn xuống cổ. Hai bàn tay u nắm chặt vào nhau, run lẩy bẩy. Người ta xúm lại, kẻ xoa dầu, người gọi tên u Tám. Căn buồng nhỏ hẹp của nhà thằng Ích chật cứng những người.

Huệ hậm hực loanh quanh một lúc rồi bỏ ra ngoài. Nàng bắt gặp thằng Ích đang chạy bổ từ phía nhà bác Tốn lại. Nàng túm lấy nó, quát lên:

“Dượng mày đâu?”

Thằng Ích lắc đầu:

“Tôi đâu có biết, hôm qua tôi ngủ đằng bác Tốn.”

“Mọi khi dượng mày đi đâu mày có biết không?”

Ích không đáp vì nó đã vội giằng tay Huệ ra để len vào trong nhà. Nghĩ tiếc của, Huệ uất lên. Nàng lại cất tiếng chửi. Nàng lại kể cho mọi người nghe về cái việc làm ma bùn của dượng Tám.

*

Từ hôm ấy, dượng Tám đi biệt không về. U Tám nằm liệt trên giường đã mấy hôm. Sự uất ức và tủi nhục làm u dở cười dở khóc. U gọi tên mọi người và nói lảm nhảm những chuyện không đâu. Khuôn mặt u già sọm đi, nước da xám ngắt. Cặp mắt u lờ đờ mất hết vẻ tinh khôn. Cái Ngoan phải bỏ cả công việc để túc trực bên cạnh u. Trong căn buồng mờ mờ tối, nó ngồi bó gối như một con chó nhỏ, im lặng nghe tiếng thở mệt nhọc của u, tiếng nắng nứt rạn trên mái lá và tiếng cãi cọ vọng lại từ đằng xa. Mỗi buổi trưa, bác Nhan gái lại chịu khó bưng sang cho u một liễn cháo. Hai bác cháu van hết lời u Tám mới nhấm nháp mấy thìa rồi hất xuống đất. Lâu lâu u lại bưng mặt khóc. Cái Ngoan cũng tu lên khóc theo. Bác Nhan gái lùi vào một góc đưa cái vạt áo lên hỉ mũi. Cảnh đó không mấy ngày là không diễn ra, khiến bọn trẻ trong xóm Cỏ hay sán lại, cậy vách ra nhòm. Có đứa vừa nện tay thình thịch lên vách gỗ, vừa la lớn:

“Ê! Ăn cắp! Ăn cắp!”

Rồi cả bọn túa nhau bỏ chạy. Một lát chúng lại xúm vào. Thằng Ích rất bận bịu về cái lũ nhãi ranh ấy. Nó khuân đủ thứ gạch về để ở đầu hè, mang chặn cái thùng xăng ở ngoài cổng, rồi nó rình rập bọn trẻ đông đúc cứ chực lấn vào. Bây giờ cuộc chơi của chúng nó đã biến thành thế trận. Chúng nó ném nhau dữ dội. Tiếng gỗ đá đập vào cửa nhà thằng Ích thình thịch. Bác Nhan gái ở nhà bên trông sang, giậm chânkêu trời về sự quái ác ấy. Tay bác quơ lấy cái đòn gánh nước, quần bác xắn lên, bác chạy ra lối ngõ vụt lia lịa vào bọn trẻ, mồm la không ngớt:

“Tiên nhân chúng mày, xéo đằng nào thì xéo. Người ta ốm phải cho người ta nằm nghỉ chứ.”

Bọn trẻ ùa đi, một lát lại mon men tới gần. Chúng nó chỉ bỏ cuộc khi nào thấy chán cái trò chơi mất dậy ấy.

Cho đến một buổi sáng mọi người vụt nghe cái Ngoan la làng ở đầu ngõ. Ngoan nom thấy u Tám thắt cổ trên xà nhà. U chết từ đêm nên mình mẩy u đã sưng vù lên và tím ngăn ngắt. Mọi người đổ xô vào. Không ai còn nhận ra được u Tám nữa. Mặt u trương to lên, cặp mắt trợn ngược, cái lưỡi nám đen lại và thè dài thõng xuống cằm. Mái tóc của u cứng khô rũ rã rượi xuống ngang lưng. Dưới chân u một đống nước tiểu hoà lẫn dãi rớt chảy loang ra thấm ướt cả nền đất ẩm. Người ta bồng u đặt nằm ngay ngắn ở trên chõng. Cái Ngoan lăn xả vào khóc thảm thiết. Hai bàn tay nó cấu lấy thân thể lạnh cứng của u. Nó gọi tên u trong tiếng khóc ngằn ngặt. Mọi người giữ lấy nó, nhưng nó vùng ra, khoẻ lạ lùng. Thằng Ích lúc ấy mặt còn đầy vẻ ngái ngủ, ngồi xệp xuống đầu chõng, vừa khóc nó vừa gọi u như ngày nào u đã ngất ở chỗ ấy. Bác Tốn cũng vội vã tìm sang. Bác đứng im lặng ở một góc. Hai môi bác mím lại. Có sự gì uất ức đưa nghẹn lên cổ bác. Những giọt nước mắt nóng và mặn cứ ròng ròng chẩy xuống hai gò má. Bác đã khóc u Tám như khóc một người thân yêu, mặc dầu lúc còn sống, ít khi u nói với bác một câu chuyện nhà.

Người ta một mặt đi trình báo, một mặt tính toán chuyện lo liệu cho u. U chết đi để lại trên phản một cái bọc nhỏ cuộn bằng chiếc khăn vuông đen, ở trong ấy, u để dành được bốn trăm bạc, một cái gương nhỏ và một cái áo dài bằng nhiễu đen mà từ ngày về xóm Cỏ, chưa lần nào thấy u mặc. Cuộc đời của u như thế là hết. U đã rũ cho mình nỗi cực nhọc, đã tìm được sự thanh thản mà từ bao nhiêu năm u hằng ao ước. Lúc còn sống u không làm gì được cho con cái thì cái chết của u cũng cởi mở cho chúng được tự do đi tìm lấy sự sống mới mẻ của mình. Còn ai mà không ghê tởm căn nhà tối tăm khốn khổ đầy nước mắt ấy. Mọi người thương u là thương cái chết đau đớn mà u chọn, thương sự tủi hổ mà u phải chịu đựng trong những ngày u rầu rĩ với cơn bệnh.

Từ sáng đến chiều, người ta ra vào nhà thằng Ích rần rần. Bác Nhan gái thay mặt thằng Ích nhận từng năm, mười đồng của từng người góp với nó để làm ma cho u Tám. Huệ cũng đến với dáng điệu ngượng ngập. Nàng mở cái khăn che mặt của u Tám để nhìn u rất lâu. Nàng giấu mọi người sự cảm động của mình. Rồi nàng gọi thằng Ích ra dúi vào tay nó hai tờ giấy một trăm. Đấy là vốn liếng cuối cùng của Huệ.

Sáng hôm sau, đám ma của u Tám bắt đầu khởi hành. Chiếc quan tài mộc thô sơ đặt trên cỗ xe hai ngựa, loại xe vẫn tải rau và bắp cải từ ngoại ô lên chợ. Ngồi trên, cả thảy có sáu người. Mẹ con cái Hơn, anh em thằng Ích, bác Tốn và một người phu mộ. Theo sau xe còn lác đác mấy người, nhưng được một quãng xa thì họ quay về để chiếc xe bon bon chạy. Nếu không có tiếng khóc của cái Ngoan và những thoi vàng giấy mà bác Nhan gái rắc rải rác trên mặt đường thì không ai biết rằng đấy là một đám táng. Mọi người buồn bã nhìn nhau. Bác Tốn hai tay nắm chặt lấy thành xe, đầu cúi xuống, mặt bác ngó nghiêng, thoạt trông tưởng như là bác cười nửa miệng. Bác suy ngẫm rất nhiều đến cuộc sống vất vả của những người như u Tám. Những đêm nằm thủ thỉ với thằng Ích, Ích hay kể cho bác nghe về ý nghĩ của nó. Nó vẫn ước ao:

“Ngày sau cháu lớn cháu sẽ đi làm.”

Bác Tốn nói:

“Nhà ông thì làm được cái đếch gì!”

Ích cãi:

“Việc gì chả được. Miễn là đến sở đến siếc đàng hoàng, cuối tháng lĩnh lương. Khoái không chê được.”

“Nhà ông tính làm được mấy ghim?”

Ích ngập ngừng:

“Độ hai ghim.”

“Hai ghim thì chả bõ dính răng. Tao thì tao khoái bốn ghim. Bốn ghim mới tha hồ tiêu.”

Ích xuýt xoa như sự mong ước ấy là quá đáng:

“Thôi hai ghim đủ rồi. U cháu, cháu với cái Ngoan thì ăn hết mấy.”

“Dễ mày không để dành tiền lấy vợ à?”

“Thôi đốt bác đi. Vợ làm đếch gì. Cháu chỉ mong cho u cháu sướng hơn bây giờ là cháu khoái mê cu tơi ra rồi. Tưởng tượng cuối tháng mang về đưa hẳn cho u cháu một tập giấy bạc mới toanh, úi dà thích phải biết!”

Bác Tốn lùa tay vào bụng thằng Ích bóp một cái:

“Cái thằng tầm ngầm mà hiếu thảo gớm nhỉ.”

Ích la oẳng lên. Hai bác cháu vật nhau trên nệm rơm. Bây giờ, mộng của thằng Ích vẫn chưa thành sự thật thì u Tám đã chết, mà ngay đến cả cái ý định tốt đẹp ấy của đứa con trai, u cũng không được biết. Ích chưa hề nói với u nó một lời nào về chuyện ấy cả.

Chiếc xe yên lặng đi qua những con đường đầy nắng và bụi. Rổ vàng giấy trên tay bác Nhan gái đã vơi đi quá nửa. Tàn nhang dính đen cả bát cơm đơm đầy trên nắp áo quan của u Tám. Mấy nén hương cháy đỏ hồng lên trong gió lộng. Chiếc xe đi qua những thửa ruộng sẫm đen, những gốc rạ cháy dở dang nằm ngả nghiêng dưới ánh nắng chói chang. Nghĩ đến sự cô đơn từ nay của u Tám ở chốn này, mọi người bây giờ mới bật ra tiếng khóc. Bác Nhan gái hỉ mũi xuống sàn xe luôn tay. Cái Hơn đang thiu thiu ngủ bị tuột vú ra khỏi mồm cũng vụt oà lên. Ích mặt chan hoà nước mắt nhìn mọi người. Bác Tốn đưa tay ra sờ soạng lên đầu nó. Bác có cảm tưởng như từ nay đời nó sẽ gắn liền với mình.

Người ta chôn u Tám tại một khu đất hẻo lánh. Phía bên kia là một con lạch nhỏ có những lớp lau sậy um tùm. Đằng xa từng làn khói xanh lơ bốc lên từ những thửa ruộng đang làm mầu. Nắng im lìm toả rộng, dãi lên mặt nước như một tấm gương sáng loà. Khung cảnh yên tĩnh và vắng vẻ giống như lúc còn sống u Tám hằng ao ước.

Bác Tốn nhờ thằng Ích dẫn mình lại gần miệng huyệt. Mùi đất thơm và ẩm thoang thoảng đưa lên mũi. Bác nhặt từng viên nhỏ ném xuống. Tiếng đất chạm vào thớ gỗ kêu thình thịch. Cái Ngoan và thằng Ích vụt oà lên khóc to hơn. Vào lúc mặt trời đứng bóng, mọi người lặng lẽ xách đồ lên xe. Chiếc xe song mã uể oải lăn bánh trên đường đầy đá dăm lổn nhổn. Anh em thằng Ích ngồi rũ bên cạnh nhau khóc sụt sịt. Trong gió lộng, chiếc xe tung bụi mờ mịt, nom xa như một chuyến xe đò từ dưới tỉnh trở về…

Chương mười bốn

Sau ngày u Tám chết, cái Ngoan bỏ nghề bán đồng nát để đi ở đợ. Mộng tưởng hồi trước của nó nay đã thành sự thật. Thỉnh thoảng, vài tháng một lần nó mới trở lại thăm nhà. Dạo này nó béo tròn ra, bác Nhan gái cứ rờ lên cái lưng tròn lẳn của nó mà khen lấy khen để:

“Cha bố nhà mày. Cơm gạo nhà sang có khác. Giá cái Hòn còn ở nhà, tao cũng cho đi ở phứt.”

Ngoan sung sướng chia kẹo và bánh cho cái Hơn. Nó mơ ước một vài năm nữa, với tiền công để dành được, nó sẽ buôn riêng một gánh hàng xén. Làm cô hàng xén, sáng chiều hai lần quẩy gánh đi về mới thật là điều nó mong ước. Ngoan rất hãnh diện về dự tính của mình. Còn thằng Ích thì vẫn đi hát dạo từng đêm với bác Tốn. Bây giờ nó chuồn sang ngủ chung với bác. Hai bác cháu đùa với nhau như nguỵ. Hôm đầu, bác Tốn hỏi nó:

“Mày thấy ma thật không?”

Giọng Ích thì thào:

“Thật!”

“Ma liền ông hay liền bà?”

“U cháu.”

“Thôi đi ông, chỉ nói phét.”

“Đứa nào nói phét đứa ấy chết nhăn răng ra. U cháu thật mà.”

“Mày thấy thế nào?”

“U cháu đánh đu ở trên xà nhà.”

“Eo ơi!”

“Thật! Rồi u cháu lè cái lưỡi ra xanh lét.”

“Dài không?”

“Dài thoòng!”

“Khiếp!”

“Tóc u cháu xoã xuống, mồm đỏ lòm, rồi u cháu cười khanh khách.”

“U mày gọi “Ích ơi” phải không?”

Ích trợn mắt:

“Sao bác biết.”

Bác Tốn đáp:

“Tao lạ gì, u mày cũng gọi tao là “Tốn ơi.”

Ích nhẩy lên lưng, đè đầu bác xuống, hét:

“Nói phét! Nói phét! Đếch ai tin được nhà bác.”

“Thế thì cũng có chó nó tin được nhà ông. Nhà ông nhát như cáy ngày, mới nom thấy đã mất vía rồi còn đếch đâu mà dám xem ma nữa.”

Ích cười rinh rích tụt xuống nằm lăn trên chiếu. Một lát nó đổi giọng nghiêm trang:

“Nói đùa đấy chứ, cháu thấy ma thật. Nó chạy sột soạt trên trần nhà.”

“Chuột rồi ông ơi!”

“Chuột gì mà to thế. Tiếng chân người mà.”

“Rồi sao nữa?”

“Rồi nó ngồi hát trống quân, hai chân thõng xuống đen thùi.”

“Ma tây đen hả?”

“Chắc tây đen!”

“Ý trời đất ơi! Tây đen mà lại biết hát trống quân.”

Ích bẽn lẽn đấm vào lưng bác thùm thụp. Chán chuyện ma, hai người xoay ra bàn đến chuyện Huệ. Bác Tốn hỏi:

“Cô Huệ… chửa thật không?”

Ích đáp:

“Đứt đuôi đi rồi lại còn không thật.”

Miệng bác cười nhe ra:

“Tầm ngầm thế mà chóng nhỉ. Chắc con Tây.”

“Tây đứt đuôi đi ấy chứ, mà đẻ ra thì thành Tây lai. Cháu được nom thấy Tây lai rồi.”

“Tóc xoăn không?”

“Xoăn tít.”

“Chắc mũi lõ.”

“Lõ đứt đuôi.”

“Mắt xanh không?”

“Xanh biếc.”

“Thế thì Tây bố nó rồi, còn lai liếc đếch gì nữa.”

“Nhưng mà da vàng xịt rõ ràng.”

“Ừ nhỉ, rõ ấm ớ. Tây lai mà lị.”

Trong ý nghĩ, bác hình dung thấy bóng Huệ đi bên cạnh tên Jean cao lớn. Gã bế Huệ như bế một con mèo, cù lên cổ Huệ và tha hồ hít cái mùi phấn thơm ngây ngất toả ra ở khắp người nàng. Bác thấy như mình vừa mất đi hình ảnh quí báu của Huệ, mặc áo đỏ, đánh môi hồng vẫn sáng lên trong ý nghĩ của bác. Dạo này Huệ ít ra đến ngoài, thỉnh thoảng bác mới bắt lỏm được tiếng nói của nàng trao đổi với ai ở lối ngõ:

“Biết bố thằng bé chưa cô Huệ?”

“Khỉ gió đùng lăn nhà bác lắm nữa. Chả con thằng đó thì con ai.”

“Sướng thật! Một bước nên bà.

Bà gì! Bà lả bà la.

Không chằng không rễ như ma giữa đồng.”

Này thôi đi, đừng có khỉ gió lắm chuyện. Đây đang sốt tiết lắm rồi đây!

Tiếp theo là tiếng guốc lóc cóc của Huệ và tiếng phun nước bọt phì phì.

Rồi ngày Huệ đẻ một đứa con trai thì cũng là ngày Jean được về nước. Gã xuống tàu trước khi nom thấy đứa con của mình. Thật ra Huệ đã đẻ non mất hơn một tháng. Buổi sáng lúc tiễn gã ra “ke”, nhìn đoàn người chen chúc đổ lên boong tàu, Huệ mới tìm thấy ý nghĩa làm vợ của mình. Nàng vừa khóc vừa vẫy Jean khi gã leo lên những bậc thang bằng sắt sáng bóng. Bên tai Huệ, tiếng còi tàu, tiếng cười nói, tiếng gọi “sê ri” xen lẫn với tiếng chửi rủa ồn ào tán loạn. Một cô đứng bên Huệ giơ tay vẫy lão Tây già, miệng vừa chúm lại hôn gió, vừa la:

“Sư bố mày! Về nhé! Ê cri lét tút suýt (Viết thư ngay) nghe không!”

Riêng Huệ không nói được gì cả. Nàng nhớ đến những ngày hạnh phúc ở bên Jean. Gã chiều Huệ như chiều một cô nhân tình nhỏ bé. Thế mà lúc ấy Huệ lại chỉ coi gã như một khách làng chơi tốt bụng. Gần lâu thì chán ngấy, mà xa lâu thì lại nhớ nhung thấp thỏm. Nhưng từ nay không bao giờ Huệ còn được đón gã ở đầu hè vào những buổi sáng lúc mặt trời mới lên. Không bao giờ gã còn ôm lưng Huệ dìu nàng đi dưới bóng tối những lùm cây. Huệ thấy nhớ mùi mồ hôi trên áo gã, nhớ những cụm lông vàng hoe trên ngực gã, và gã không còn cười ngu si với Huệ, mỗi lần nàng vừa phát đôm đốp lên lưng gã vừa chửi thề:

“Ái! Nhột! Khỉ gió rửng mỡ lắm nữa.”

Những kỷ niệm ấy ngày xưa hờ hững bao nhiêu thì bây giờ buồn bã bấy nhiêu. Nàng mệt mỏi ngồi xuống bên kè đá. Làn nước xanh đen vỗ bì bõm vào mạn bờ khiến Huệ chóng mặt. Huệ thấy tất cả trong người bỗng dưng đổi khác. Bụng nàng đau quặn. Cái đau dội từ dưới lên trên khiến mặt nàng xám lại. Mồ hôi Huệ vã ra ở trán và lưng. Huệ nghĩ đến đứa con sắp ra đời và những ngày đen tối sắp tới. Bóng con tàu tối sầm trước mặt Huệ rồi quay tròn đi như ở trong bão lốc. Mặt và môi nàng nhợt nhạt. Huệ gắng gượng leo lên một chiếc xích lô gần đấy. Nàng bỏ Jean đứng ở trên boong tàu. Gã đang nhớn nhác tìm bóng Huệ. Gã không biết Huệ đã lên xe trở về xóm Cỏ.

*

Chiều hôm ấy Huệ sinh con trai và băng huyết dữ. Nhờ mấy mũi tiêm của người chích đạo, nàng cầm máu và nằm lả đi ở trên mặt phản. Khuôn mặt nàng hóp hẳn lại, mái tóc rối bù, ướt nhếch nháp mồ hôi. Quanh nàng, đống chăn màn chiếu đệm xông lên mùi tanh tưởi nồng nặc. Căn buồng đóng cửa kín mít. Phía bên ngoài người ta chen nhau nhòm qua khe gỗ để nghe tiếng khóc oe oe của đứa nhỏ. Bà cụ Chín bỏ cả một buổi hàng để ở nhà săn sóc hai mẹ con. Thằng bé nằm gọn vào trong cái thùng sữa. Tóc nó vàng hoe, da đỏ hon hỏn, tiếng khóc oang oang như lệnh vỡ. Bà cụ bật lên cười khanh khách:

“Cha cái con đẻ ra mẹ mày. Giống thằng bố như đúc.”

Vừa nói bà cụ vừa đổ vào mồm nó một thìa nước đường để nguội. Lưỡi nó đánh vào môi tóp tép. Bàn tay nhỏ xíu khua lên, dụi vào mắt. Một lát nó ngủ yên. Cụ xuống nhà xách nước dội ùm ùm và kỳ cọ gậm giường gậm ghế. Mùi tanh tưởi xông lên buốt óc. Mũi cụ chun lại, tay cụ quơ cái chổi vào tận hốc ngách lùa ra những rác rưởi ngầu bọt, trộn dính vào nhau thành một màu tiết xám. Bộ quần áo và đống giẻ dơ được cuộn lại chất đầy trong một cái chậu sành. Ruồi nhặng bu lại xúm xít, bay vo vo.

Trên giường, Huệ đã tỉnh táo hơn. Nàng nhìn thằng bé nằm gọn ở bên cạnh nách. Nó ăn rồi lại ngủ li bì. Cái mồm, cái mũi, cái tai đều giống Jean như đúc. Huệ thấy một niềm vui nhẹ nhàng đi qua ý nghĩ. Lần đầu tiên nàng có cảm giác được làm mẹ. Nàng giơ bàn tay xanh rớt lên vuốt hai má nó. Nó cựa mình tức tối, cất tiếng ọ ẹ. Một lát lại thiu thiu ngủ. Huệ nhắm mắt nhớ lại hình ảnh của Jean và cuộc hành trình trên con tàu đưa gã về xứ sở.

Tối hôm sau thằng Ích dẫn bác Tốn lần sang. Tay nó ôm năm hộp sữa bò. Cái gậy của bác gõ lóc cóc trên ngưỡng cửa. Bà cụ Chín khêu tỏ ngọn đèn đặt trên bàn gỗ rồi kéo cái màn che giường Huệ sang một bên. Huệ đưa mắt nhìn ra. Nàng thấy bác đứng thu thu cạnh cửa sổ, răng nhe ra như muốn cười. Nàng nói với bác bằng một giọng yếu ớt:

“Bác Tốn, mời bác ngồi chơi.”

Hàm răng của bác nhe thêm nữa, cái cổ đưa ra đằng trước, vừa nói bác vừa đưa tay ra sờ cái ghế:

“Chào cô. Nghe cô sinh cháu tôi sang thăm.”

“Cám ơn bác. Bác tử tế quá.”

“Có gì mà ơn với iếc. Cô khoẻ chứ?”

Bà Chín đỡ lời:

“Ấy, cũng may đấy. Hút chết. Bây giờ thì khá hơn rồi.”

“Vậy mà tôi cứ ngỡ nguy cơ chứ. Nằm nhà cứ lo ngay ngáy…”

Rồi biết mình lỡ lời bác vội vàng nói:

“À, có mấy hộp sữa tôi mang cho cháu.”

Huệ nhìn bác mỉm cười. Nàng thấy cảm động trước lòng tốt của người đàn ông mù loà. Còn đang tìm câu nói cám ơn thì bác ta đã bảo:

“Ích tìm chỗ để hộ tao tí. Cháu chịu bú không cô?”

Cụ Chín đáp:

“Háu ăn nhất là nó đấy. Chậm một phút là gang cái mồm ra.”

“Vậy hay! Thế mới tốt. Con trai mà.”

Mọi người im lặng. Một lát bác Tốn ngập ngừng:

“Tôi nói rồi đấy. Cô cần gì thì cứ sai thằng Ích.”

Huệ đáp:

“Cám ơn bác. May nhờ cụ Chín đây cũng đỡ.”

“Nhưng rồi nay mai cụ đi hàng thì ai trông?”

Bà cụ vội nói:

“Cũng phải. Người đẻ đái lúc nào cũng cần có người trông nom.”

Bác Tốn vui vẻ:

“Vậy tốt rồi. Nhà ông chịu khó sang đây luôn nhá.”

Ích gật đầu. Nó tò mò ngó nghiêng nhìn hết Huệ lại đến thằng bé. Huệ nói:

“Thôi thế cũng nhờ Ích vậy. Mà cũng chả cần gì nhiều lắm đâu. Thỉnh thoảng chạy sang pha sữa hộ là đủ.”

Bác Tốn sung sướng đứng dậy. Lòng bác hể hả như một người vừa cất xong được nỗi ưu tư. Bác hướng về phía Huệ nói:

“Thôi tôi về.”

Ra đến cửa, chợt bác quay lại nhướng mắt lên hỏi:

“Quên mất. Cô đặt tên cho cháu là gì nhỉ?”

Huệ đáp:

“Thôi thì tôi cứ gọi là thằng Giăng.”

Cặp mắt bác Tốn hấp him như lúc bác cười. Bác lẩm bẩm:

“Giăng… ừ thằng Giăng.”

Lần này bác bước hẳn ra ngưỡng cửa. Gió mát thổi vào lưng đầy mồ hôi của bác. Hai bác cháu đi vòng trở lại nhà. Giây lâu bác hoan hỉ:

“Thế là tê rồi!”

Ích tiếp:

“Vậy mà cứ kêu xấu hổ đếch dám đi. Cháu đã bảo mà.”

“Nói thế chứ, cũng ngượng bỏ bố đi.”

“Việc đếch gì mà phải ngượng với ai.”

“Với cụ Chín ý.”

“Sao ngượng?”

“Còn sao nữa. Cụ ấy lại tưởng mình xoắn củ tỏi vào cô Huệ ấy chứ.”

“Mặc kệ bu nhà cụ ấy.”

“Mày nói như bố chó xồm ấy. Phải biết, già mà tinh đáo để. Hơi một tí là biết ngay.”

“Nhưng bác có cái gì đâu mà biết.”

“Ừ nhỉ. Mình có gì đâu. Ấm ớ thật.”

Giây lâu, bác lại nói:

“Nhà ông nghĩ có hay không.”

“Cái gì hay cơ chứ?”

“Giăng ấy, tên Giăng ấy.”

Thấy Ích không trả lời, bác nói tiếp:

“Tao thì tao thấy đếch chê được rồi.”

“Thôi gì thì gì bây giờ hãy dẫn nhà cháu đi đớp một chầu trả công đây đã. Bác giữ lời hứa đấy nhá.”

“Đi chứ. Tao sợ gì. Tôm khô củ kiệu không?”

“Thèm vào!”

“Mực nướng nhá.”

“Súp đi!”

“Cháo thịt vậy. Cháo thịt nóng thì ba chê rồi.”

“Không! Cà phê bơ đi. Cà phê bơ mới tuyệt.”

“Cà phê thì mấy tí. Chả bõ dính răng.”

Ích nói:

“Thế thì vừa cà phê bơ, vừa cháo thịt.”

Bác Tốn giẫy nẩy lên:

“Thôi lạy cả nón nhà ông. Ly cà phê đã mất bố nó với nhà ông ba tì rồi.”

Ích nhăn răng cười. Cánh tay nó ôm choàng lấy ngang lưng bác Tốn. Nghĩ đến thìa bơ thơm phức nổi váng trên cốc cà phê ngào ngạt, nó bước mau như muốn chạy.

Đến khuya bác Tốn trở về một mình sau khi đã đánh hai ván cờ ở ngoài quán nước. Thằng Ích lỏn đi từ chập tối. Nó chuồn lên đầu phố xem “cọp” gánh hát cải lương mới về hồi chiều. Cái gậy tre của bác quờ quạng trên mặt đường.

Bác thuộc lòng xóm Cỏ đến từng mô đá, từng gốc cây, từng bờ rào. Qua dẫy thùng xe thì đến nhà Phó Ngữ, khỏi nhà Phó Ngữ là dẫy ăn dôi ra mép đường. Cuối dẫy là rãnh nước, rồi đến nhà mụ Nết. Nhà mụ Nết có điều đặc biệt là đằng trước cửa có cái chuồng gà dựng trên một khoảng đất hẹp. Mùi hôi hám đưa lên thoang thoảng xen lẫn mùi tanh nồng của rãnh nước. Bác Tốn nghếch đầu lên nghe ngóng những tiếng động trong nhà bà cụ mà từ lâu nay cụ sống như người mất trí. Ích kể rằng suốt ngày cụ ngồi ở ngưỡng cửa để kể lể, có khi khóc, có khi cười. Cơm không đi nấu. Lúc trước người ta còn mang đến cho ăn, về sau chán chẳng ai buồn ngó tới. Đồ đạc trong nhà, bọn tham lam thi nhau vào khuân chỉ còn trơ có cái giường và cái tủ. Rồi người ta gọi cụ là mụ điên. Mụ điên lẫn cẫn không còn nhớ những gì đã qua. Hỏi thăm về con cháu mụ thì mụ trả lời mỗi khi một khác. Có lần, tưởng chúng chết rồi nên mụ tu lên khóc. Có lần tưởng chúng trúng số lên phố ở nhà lầu, mụ khoe sẽ bảo chúng may cho đôi quần mới. Có lần tưởng chúng bỏ mụ dắt díu nhau sang Lèo ăn sung mặc sướng, mụ chửi chúng là đồ bất nhân. Ban ngày mụ lang thang ở quán cơm đông khách ngoài chợ. Ở đấy người ta cho mụ ăn những đồ thừa vét voi của thực khách. Thừa mứa và sang trọng. No nê rồi, mụ ngồi tỉ tê bắt chấy và gãi lưng cho mấy đứa con người nấu bếp. Một hôm mụ bế tuốt thằng bé đi từ tối đến nửa đêm. Về sau người ta gặp mụ ôm nó ngủ ở ghế đá vườn hoa. Lần ấy mụ bị một trận đòn mê tơi và người ta cấm cửa. Mỗi lần mụ mon men đến gần là lão đầu bếp giơ dao ra doạ chém. Mụ ù té chạy. Vừa chạy, mụ vừa la:

“Chó đẻ bay chém tao! Con tao về nó bắn chết cha tụi bay.”

Mới trong vòng một tháng mà mụ đã thay đổi đến không còn ai nhận ra. Khuôn mặt mụ càng ngày càng quắt queo lại. Cặp mắt tráo trưng, nhìn ai cũng như muốn hoá dại. Quần áo mụ tả tơi, túm chỗ này, buộc chỗ nọ mà không che nổi hết làn da xám xịt, nhăn nhúm. Ban ngày mụ lang thang đi nhặt lá bánh khắp chợ. Buổi tối có khi mụ ngủ lăn lóc ở vườn hoa, ở ngõ vắng, có khi mụ về nhà ngồi phệt xuống bậc cửa, bạ ai đi qua cũng nói bậy vài câu.

Lúc đi qua nhà mụ, bác Tốn thấy tiếng hỏi từ chân hàng rào:

“Con đấy ư?”

Bác đứng lại:

“Ai đó? Tốn đây!”

“Trời ôi! Con tôi! Mày mệt không hở?”

“Dạ không mệt.”

“Ăn rồi chưa?”

“Dạ rồi!”

“Ăn rồi mà không nghĩ đến mẹ, không cho mẹ đồng xôi.”

“Bây giờ thì còn ai bán mà mua.”

“Thôi! Cha đời quân chó đẻ. Mày đi khuất mắt tao cho rồi. Đừng có nói láo.”

“Trời ơi, ai tiếc bà một đồng cơ chứ. Cháo vậy nhé. Cháo thịt tốt rồi!”

“Tao không thèm ăn cháo. Con tao giàu mà. Nó sắp mang về dao này, súng này. Súng bây lớn kia!”

Bác Tốn mỉm cười:

“Ờ… ờ tôi cũng có nghe nói.”

Bà cụ bật dậy, lồm cồm lê ra phía lối đi:

“Thiệt hả? Bộ có nghe nói hả?”

“Dạ có.”

“Kể đi. Kể rồi bà cho nhiều tiền.”

Bác Tốn ngập ngừng:

“Nghe nói con cụ sắp về.”

Bà cụ múa lên:

“Đó! Tôi nói nó về thiệt mà! Chớ bộ đi Lèo buôn gì mà buôn lâu dữ vậy. Cả con vợ nó cũng về chớ?”

“Về luôn!”

“Còn các cháu tôi?”

“Tuốt luôn!”

Chợt bà cụ đổi giọng chửi toáng lên:

“Quân chó đẻ. Tao đập téc đầu quân nói xàm ra bây giờ. Các cháu tao chết lâu rồi!”

Vừa nói mụ vừa quờ tay vào gậm ghế. Tiếng sắt lê sền sệt trên nền xi măng. Bác Tốn sợ hãi, khua cái gậy đi như chạy trốn. Đằng sau bác có tiếng chém chan chát xuống mặt hè, và giọng mụ hét lanh lảnh:

“Bà chém chết tụi bây. Bà chém chết tụi bây. Quân chó đẻ…”

Nguồn: talawas.org

Comments are closed.