Văn học miền Nam 54-75 (221): Nhật Tiến (14)

NGƯỜI KÉO MÀN

Tiểu thuyết kịch của NHẬT TIẾN (kỳ 2)

Tác giả: Thôi, chẳng cần nói ra như thế để cho anh vui lòng. Anh biết rất rõ giá trị của mình… (suy nghĩ một chút). Nhưng hãy cứ giả thử cho rằng vở kịch sẽ thành công đi. Mà như thế thì lại càng cần sự có mặt của mình chứ? Mình cũng không muốn chia xẻ với anh ngay cả trong sự thành công của anh sao?

Thiếu phụ áo đỏ: Em nghĩ chả cần.

Tác giả: Thôi được! Anh thật không ngờ mình hờ hững với anh đến như thế!

Thiếu phụ áo đỏ: Đó là ý nghĩ của mình. Em thì không  bao giờ có tư  tưởng ấy.

Tác giả: Vậy là mình nhất định không vô xem kịch của anh?

Thiếu phụ áo đỏ: Em đã quyết định rồi.

Tác giả: Thôi được, chuyện nhỏ nhặt không đáng gì, nên bỏ qua. Anh không muốn vì vở kịch của anh mà chúng mình phải xa cách nhau.

Thiếu phụ áo đỏ: Vậy thì mình đứng lên đi. Sắp tới giờ khai mạc rồi…

Tác giả: Không, Anh cũng không muốn  tới nữa.

Thiếu phụ áo đỏ: Kìa mình! Mình không thể không có mặt được .

Tác giả: Ơ ! Tại sao lại không thể nhỉ! Anh là con người tự do. Anh muốn làm gì thì làm. Can cớ gì phải mất thì giờ đối với một chuyện mà chính anh không còn thấy quan tâm tới nữa.

Thiếu phụ áo đỏ: Nhưng mình không thể bỏ mà đi được.

Tác giả: Sao lại không thể? Chẳng có cái gì bó buộc anh hết.

Thiếu phụ áo đỏ: Có chứ! Tên tuổi của mình.

Tác giả: Ô ! Tưởng cái gì. Nếu chỉ là cái tên tuổi thôi thì lại càng  chẳng đáng quan tâm.

Thiếu phụ áo đỏ:  Không được! Trong một buổi trình diễn như thế này, không thể cả hai đều cùng vắng mặt.

Tác giả: Thế ra là mình không muốn anh ngồi lại đây với mình?

Thiếu phụ áo đỏ: Em cần được yên tĩnh.

Tác giả: Vậy mình sẽ làm gì suốt cả buổi tối hôm nay?

Thiếu phụ áo đỏ: Sao mình quá quắt  thế, bộ em không đủ tự do để định đoạt lấy một buổi tối cho em hay sao?

Tác giả: À ra giữa chúng ta lại còn có những chuyện riêng tư. Vậy thì việc gì mình cứ phải quanh co. Tại sao không nói thẳng ra như thế ngay từ đầu có phải minh bạch, rõ ràng hơn không?

Thiếu phụ áo đỏ: Thôi đi, em khó chịu lắm rồi mình ạ.

Tác giả: Không ngờ chúng mình thật đã xa cách nhau quá!

Thiếu phụ áo đỏ (hít một hơi thật dài, buồn bã nhìn lên bầu trời xanh đen thăm thẳm ở trên cao. Một vài vì sao lấp lánh giữa những đám sao mờ)

Tác giả: Thế mới biết anh thật là ngu muội. Đáng lẽ anh không nên nói nhiều về anh như vậy. Đáng lẽ anh không nên nói nhiều với em về anh như vậy!

Thiếu phụ áo đỏ: Ôi ! Sao mình lôi thôi quá!

Tác giả: Phải nói với nhau đến thế anh cũng chẳng vui gì. Đối với em, anh không có  điều gì thay đổi.

Thiếu phụ áo đỏ: Thế là có ngụ ý gì? Bộ mình  nghĩ  là em đã thay đổi rồi sao?

Tác giả: Tâm tình của mình, chỉ có mình biết.

Thiếu phụ áo đỏ: Thôi mình đừng lôi em ra để mà so sánh. Em là người đơn giản, không  có những ý nghĩ rắc rối, phức tạp như mình.

Tác giả: Bao nhiêu năm nay chung sống, mình có bao giờ đặt vấn đề đó ra với anh đâu. Mà có bao giờ nó lại trở thành một hố ngăn cách giữa chúng mình như bây giờ, như hôm nay, ngày vở kịch của anh lần đầu tiên được mang lên sân khấu.

Thiếu phụ áo đỏ: Em nhức đầu quá. Em thực sự là nhức đầu lắm rồi.

Tác giả: Chẳng qua là mình tránh né câu trả lời đấy thôi. Nhưng thôi, anh không bó buộc mình phải trả lời câu hỏi của anh. Anh hiểu rồi. Mỗi lời nói chỉ thích hợp cho một hoàn cảnh. Ở chỗ này thì nó đúng, nhưng ở chỗ khác, lúc khác thì nó sai. Cũng như một  sự thực không đặt đúng hoàn cảnh thì sẽ trở thành một sự gian dối đáng nguyền rủa (cười ha hả). Cuộc đời là như thế mà!!!

Thiếu phụ áo đỏ: Xin mình để cho em được yên!

Tác giả: Thôi được! Mình cứ sử dụng cái tự do của mình đi. Anh chúc mình một buổi tối êm đẹp. Còn buổi kịch , anh sẽ chứng kiến một mình. Anh chỉ tiếc rằng lúc sáng tác anh đã nghĩ nhiều đến mình.

Thiếu phụ áo đỏ: Mình đừng chua chát như thế. Mình tưởng em không lo lắng gì đến nó hay sao. Mình cho em là kẻ đứng ngoài cuộc trong việc hình thành sự nghiệp sáng tác của mình ư?

Tác giả: Cám ơn! Cám ơn!

Thiếu phụ áo đỏ: Cái cung cách biểu lộ ấy của mình chỉ bao hàm một sự vô ơn!

Tác giả: Ơn nghĩa gì? Ai làm được cái gì trong sự nghiệp sáng tác của anh?

Thiếu phụ áo đỏ: Mình muốn biết sự thực hay không?

Tác giả: Anh không bao giờ trốn tránh sự thực hết. Muốn cái gì, mình cứ việc nói thẳng ra đi!

Thiếu phụ áo đỏ: Vậy thì mình đừng có trách là em che giấu sự thực. Bây giờ em xin nói thẳng cho mình biết, nếu không có em thì không thể có buổi trình diễn ngày hôm nay!

Tác giả: (thảng thốt) Cái gì? Mình  nói cái gì?

Thiếu phụ áo đỏ:(hai tay ôm lấy mặt) Ồ, em xin  lỗi. Em xin lỗi. Em không bao giờ muốn nói ra như thế.

Tác giả:(quát) Không! Cô phải nói rõ ra. Nói rõ hơn nữa.  Nếu  không, đối  với tôi, đó là một sự xỉ nhục.

Thiếu phụ áo đỏ: Chỉ có thế mà thôi. Không còn điều gì khác hơn phải nói rõ ra nữa.

Tác giả: Này! Tôi không phải là một thứ con nít để chỉ nghe có một câu nói ngắn ngủi ấy rồi sẵn sàng bỏ qua. Tôi buộc cô phải nói. Cô phải nói! Cái gì mà lại không có cô thì không thể có buổi trình diễn tối hôm nay? (quát) Nói! Nói! Nói!

Thiếu phụ áo đỏ: Chẳng có cái gì trầm trọng phải nói ra hết. Mình là con người hay suy diễn, mà nhiều khi sự suy diễn của mình đi quá xa những điều thực sự đã xẩy ra trong thực tế. Vậy tại sao mình cứ bắt em phải nói ra làm gì.

Tác giả: Này, tôi hỏi thật. Có phải “nó” chịu bỏ tiền ra dựng kịch chẳng qua chỉ là vì cô  đấy hay không?

Thiếu phụ áo đỏ: Ôi! Hơi đâu mà mình quan tâm đến chuyện ấy làm gì. Vấn đề là ở chỗ mình đã khổ công để dựng lên vở kịch này và bây giờ, nó đã được mang lên sân khấu.

Tác giả: Nhưng tôi chỉ muốn nếu nó được mang lên sân khấu thì là do giá trị đích thực của nó chứ không phải vì bất cứ lý do nào khác…

Thiếu phụ áo đỏ: Ôi, chẳng phải vì thế mà vở kịch của mình hay hơn lên hoặc kém đi.

Tác giả: Thế nghĩa là… Thế nghĩa là… Này! Tôi hỏi thẳng cô một điều. Cô đã cầu xin gì với nó?

Thiếu phụ áo đỏ: Mình nên nhớ rằng em không phải là cái hạng đi cầu xin bất cứ một ai.

Tác giả: Cô không cầu thì nó cầu, mà như thế còn tệ hại hơn nữa. Vậy nó đã mở mồm cầu xin cô được dựng vở kịch này để mà mong được trả ơn bằng … bằng… Ồ ! Thật là tởm! Thật là tởm!!!

Thiếu phụ áo đỏ: Anh điên rồi. Cái kiểu suy nghĩ của anh chỉ làm khổ anh thôi, ích gì đâu!

Tác giả: Giọng lưỡi của cô bây giờ như có nọc rắn!

Thiếu phụ áo đỏ: Gì thì gì rút cục cũng chỉ vì ước nguyện của anh. Anh còn muốn gì hơn nữa. Từ xưa anh vẫn ao ước được mang tác phẩm của mình lên sân khấu. Bây giờ anh đã toại nguyện.

Tác giả: Tôi hay cô đã toại nguyện? Ôi, thật không ngờ rằng tôi anh đã bị bán rẻ linh hồn một cách bỉ ổi để cho cô thỏa mãn một rắp tâm phản bội!

Thiếu phụ áo đỏ: Hừ ! Con người ta vẫn thường vô ơn một cách trắng trợn như thế đấy!

Tác giả: Thôi im đi! Tôi không thèm chấp nhận một thứ ân huệ bẩn thỉu như vậy. Cô hãy đi đi và để cho tôi được yên. (quát) Đi đi! Đi đi!

Thiếu phụ áo đỏ: (cười nhạt)  Em tưởng anh cần đi hơn là em. Sắp đến giờ khai mạc rồi đó. Hí viện ở bên kia đường.

****

Gã đàn ông đứng bật dậy. Hắn cao và gầy. Bộ quần áo xô lệch trên hai vai. Khuôn mặt hắn dúm lại. Ngọn đèn héo úa phía xa rọi vào hai con mắt của hắn làm sáng lên những tia long lanh vừa căm hờn, vừa giận dữ. Hắn nhìn lên bức tượng đá nhô trên mặt sỏi. Tiếng nước thánh thót rơi vào bể cạn. Hắn nghe như tiếng những giọt dầu rơi vào lò lửa đang thiêu đốt trong lòng hắn. Hắn vụt bước đi như chạy trốn. Tiếng giầy  của hắn nghiến lên mặt sỏi xào xạo. Những nhân vật trong vở kịch của hắn mơ hồ đi qua. Hắn cảm thấy thù ghét và muốn cấu xé. Nhưng nếu có thể làm được chuyện ấy thì hắn sẽ hành hạ mình trước tiên. Một chiếc taxi chạy qua. Hắn giơ tay vẫy. Bóng dáng của hắn chìm vào khối đen mờ đục của các lùm cây. Chiếc xe chạy qua mặt hắn và vụt đi. Hai ngọn đèn ở đằng sau nom như hai tròng con mắt đỏ lừ. Trong khi ấy, ở phía khuất sau một lùm cây, thiếu phụ áo đỏ vẫn nhìn theo hắn ngay từ lúc hắn rời khỏi nàng. Nhìn bóng dáng siêu vẹo của hắn, nàng bỗng nở một nụ cười thương hại trên vành môi cong. Chân nàng tuột ra khỏi dép. Những đầu ngón chân đỏ chót xoa vào nhau. Mặt nàng ngửa lên cao. Gió mát mơn man trên làn da mịn màng. Nàng có cảm giác như vừa thoát khỏi  một thế giới đậm đặc những oán hờn nó khiến cho nàng muốn ngộp thở. Mọi vật chung quanh nàng như đều nhẹ bỗng hẳn đi. Bầu không khí trong mát và mang vẻ rộn ràng xao xuyến như có từng lớp sóng nhạc đang êm đềm tỏa rộng trong từng khóm lá mang một thứ  âm thanh huyền ảo làm lấp lánh các vì sao. Môi nàng hé mở. Nàng bỗng thấy hương thơm của một loài hoa quen thuộc vừa thoảng qua trong gió mát…

HẬU TRƯỜNG SÂN KHẤU

Chiếc màn nhung đỏ buông kín hậu trường. Sàn gỗ trên sân khấu nhộn nhịp chân người và loang loáng ánh đèn xanh, đỏ chiếu từ ống kính của một chuyên viên ánh sáng. Người phụ dịch đang leo lên chiếc xà cao nối lại mối dây cho một phông cảnh hoàng hôn ngoài cửa sổ. Lão già kéo màn ngồi ngủ lim dim trên chiếc ghế gỗ. Bên cạnh lão là một chai rượu cạn khô rớt nghiêng dưới gậm ghế. Mặt lão đỏ rừ. Làn da sần sùi ướp sặc sụa hơi men. Đầu lão ngất ngư, hai bên má hóp lại, lưỡng quyền nhô lên cao. Những cọng râu nham nhở phủ kín cái cầm nhọn hoắt thỉnh thoảng lại rung động nhấp nháy. Mùi rượu như cũng ở  đấy mà toát ra. Bên cạnh lão là một thằng bé ngồi xổm trên một cái thang gỗ đặt nằm ngang. Mồm nó lúng búng miếng xôi. Nắm xôi lạc mà nó cầm đã nhão nhoẹt trên năm đầu ngón tay cáu bẩn.

Bầu không khí trong hậu trường bắt đầu ngột ngạt. Hơi người tỏa ra mờ mịt trên những bóng đèn sáng. Mọi người đi lại rón rén một cách vội vã. Tiếng bàn ghế kê dọn thỉnh thoảng lại vang lên chát chúa trên sàn gỗ. Giờ phút trôi qua mỗi lúc một như nghiêm trọng thêm. Càng nghiêm trọng, người ta càng vội vàng. Ở phía cửa sổ trông xuống sân sau, người nữ viễn viên sắm vai Nga đang ôm khư khư vở kịch trên hai tay. Vẻ mặt thanh tú mọi ngày bây giờ chìm sau lớp phấn son tô điểm nặng nề. Đôi lông mày đen sẫm lại, hai bên má, những lớp phấn chồng chất lên nhau ngả sang mầu đỏ úa, vành môi của nàng ướt mọng lóng lánh mầu son pha bạch nhũ. Tất cả cử động của nàng đều như phải gượng nhẹ. Nàng sợ chỉ cần có một hơi gió thoảng qua, hay một sự va chạm nhỏ nhặt cũng đủ làm cho làn son, lớp phấn sẽ bong ra, rơi xuống nham nhở. Nàng đứng nép mình sau lớp màn gió, người như muốn thu nhỏ lại. Những bước chân huỳnh huỵch của mấy người lao công kê dọn bàn ghế làm nàng kinh hãi. Từ lúc hóa trang xong, nàng có cảm giác như người mình đang treo trên một sợi tóc. Chợt gã nam diễn viên sắm vai Nghĩa tiến lại gần. Hai người đứng đối điện nhau.

Diễn viên sắm vai Nga: Tôi bắt đầu thấy sợ rồi.

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Cô hãy nghĩ rằng ở dưới hàng ghế khán giả không ai khó tính như bọn chúng mình.

Diễn viên sắm vai Nga: Không ai chủ quan đến như ông cả.

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Đó là kinh nghiệm. Những diễn viên dầy kinh nghiệm vẫn thường có ý nghĩ chủ quan như thế.

Diễn viên sắm vai Nga: Nhưng tôi thì khác, tôi là một tài tử lần đầu tiên bước lên sân khấu.

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Nhưng cô đã luyện tập công phu từ bao nhiêu ngày trước rồi. Cô cũng lại đã thành công hôm diễn thử.

Diễn viên sắm vai Nga: Nhưng mà tôi vẫn sợ. Cái đáng sợ nhất là làm sao nhớ được lời đối thoại từ đầu cho đến cuối vở kịch mà không vấp váp.

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Ô! Cái đó cô khỏi cần lo. Đã có người nhắc vở.

Diễn viên sắm vai Nga: (ôm sát tập giấy vào ngực) Thôi anh đừng nói nữa ! Anh đừng nói nữa. Em chỉ  biết yêu anh với tất cả tâm hồn..

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Thôi đi Nga. Muộn rồi ! Chúng mình nên xa nhau là hơn.

Diễn viên sắm vai Nga: Chao ôi ! Anh đừng làm em đau đớn thêm nữa

Nhà đạo diễn (tiến lại gần) :Không được! Cô làm như thế không được! Tôi đã dặn là lúc đó hai tay của cô phải úp lên mặt… như  thế này này…(hai tay úp lên mặt)

Diễn viên sắm vai Nga: Chao ôi! anh đừng làm em đau đớn thêm nữa (úp hai tay lên mặt)…

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Bình tĩnh đi nào, Nga! Phải quên đi những kỷ niệm đã qua.

Nhà đạo diễn: Ô! Bò! Bò thật… Có thế mà cũng quên. Cậu quên như thế là chết con người ta rồi… không được… Bây giờ là lúc chúng mình phải sáng suốt. Phải nghĩ đến tương lai mà quên đi những kỷ niệm đã qua. Nhớ chưa ? Nhớ chưa? Có thế mà cũng quên hoài…

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Xin lỗi! Xin lỗi! Bây giờ là lúc chúng mình phải sáng suốt. Phải nghĩ đến tương lai mà quên đi những kỷ niệm đã quaNhớ rồi! Bây giờ thì nhớ rồi!

                                 (còn tiếp)

Comments are closed.