NGƯỜI KÉO MÀN: (KỲ 3)
Tiểu thuyết kịch
Nhà đạo diễn bỏ đi, miệng vẫn còn lầu bầu “Bò thật! Thế thì bò thật”. Một tay gã thục vào cạp quần, một tay gã vung vẩy điếu thuốc lá một cách bực dọc. Gã lầm lì tiến lại ném mình xuống một cái ghế mây. Hai chân gã duỗi thẳng. Mắt gã nhắm nghiền. Gã thấy bầu không khí quanh mình như đặc sệt lại, biến thành một cái đai bó chặt lấy vầng trán cao và bóng nhẫy của gã. Bên tai gã, lời đối thoại của hai diễn viên vẫn vẳng lại. Đối với gã, theo đúng quan niệm của những nhà đạo diễn lừng danh ngoại quốc, thì ở trên đời này không có gì đáng khinh bỉ hơn là sự dùng người không đúng chỗ. Ở chỗ gã ngồi, gã có thể nom thấy cái gáy cao và mịn của người nữ diễn viên. Theo ý gã, chính cái gáy ấy đã tạo cho nàng nhiều may mắn hơn là với tài năng diễn xuất của nàng. Gã bỗng nghĩ đến vẻ mặt phè phỡn, no đủ của nhà Mạnh Thường Quân, kẻ bỏ tiền dựng kịch. Gã tự nhủ: “Lão mà thủ một vai khả ố thì không ai bằng lão. Nhưng thật ra mình còn khả ố hơn. Ai bắt mình phải lụy lão chớ? Cái gì đã làm cho mình có thể chịu đựng được lão. Ô! Bò thật! Thế thì bò thật!…”
Gã có cảm giác như vòng đai ở trên đầu gã bó chặt thêm, khiến cho mặt gã bỗng nhiên nhăn túm lại. Gã búng mạnh điếu thuốc vào gậm ghế gần ngay chỗ thằng bé. Từ nãy nó vẫn ngồi chồm hổm như một con chó đói mặc dù nắm xôi nhão nhoẹt trên tay nó đã trệu trạo nuốt hết. Chợt thấy mẩu thuốc bắn vào gậm ghế, mắt nó sáng lên như con thú vừa nom thấy mồi. Nó nhổm phắt người lên rồi tụt ngay xuống sàn và lồm cồm bò lại, cánh tay khẳng khiu của nó nhoài vào gậm ghế để moi ra được mẩu thuốc thừa. Sau đó nó lại lết về phía sát tường và đưa điếu thuốc lên môi. Mặt nó dúm lại, cặp mắt lim dim. Nó rít những hơi thật dài làm đầu điếu thuốc đỏ hồng lên soi sáng khuôn mặt vêu vao của nó. Rồi từ hai lỗ mũi nhỏ xíu, có hai luồng khói cuồn cuộn tuôn ra .
Nhà Mạnh Thường Quân: Ê! Bé con! Mày làm cái gì ở đây thế?
Thằng bé: Tôi quét dọn!
Nhà Mạnh Thường Quân: Dập ngay điếu thuốc đi! Oắt con, ai cho mày hút thuốc trên sân khấu.
Thằng bé không trả lời, chỉ điếu thuốc về phía nhà đạo diễn. Nhà đạo diễn vờ lim dim ngủ. Nhà Mạnh Thường Quân nhún vai, dùng cuộn giấy viết bài diễn văn khai mạc đập lên đầu thằng bé:
– Tắt ngay đi! Oắt con, mới nứt mắt ra mà đã hút thuốc! Lại còn phì phèo ngay trên sân khấu thì thằng này coi trời bằng vung!
Thằng bé nhìn lão với một vẻ căm giận. Nó di điếu thuốc vào cạnh tường, miệng nhổ phì phì nước bọt rồi đứng đậy toan bỏ đi.
Nhà Mạnh Thường Quân: Ê! Tao nhờ cái đã.
Thằng bé: (quay lại, mắt nhìn lão trừng trừng)
Nhà Mạnh Thường Quân: Mày ra đàng trước, tìm cái xe Ford màu xanh, mang biển có ba chữ A và ba con số 9, gọi cho tao bác tài xế vào đây.
Thằng bé: Tôi không biết chữ!
Nhà Mạnh Thường Quân: Con khẹc! Thế thì mày làm cái giống gì ở đây?
Thằng bé: Tôi quét dọn. Quét dọn đâu có cần biết chữ.
Nhà Mạnh Thường Quân: À ra thế! Thảo nào!
Vừa nói lão vừa móc túi châm một điếu xì gà. Khói thuốc phà vào hai con mắt trâng tráo của đứa bé. Nó nhìn lão hít khoái trá một hơi xì gà bằng ánh mắt căm thù hơn, hơn cả lúc nó bị lão ra lệnh dập tắt mẩu thuốc thừa. Nhưng lão thản nhiên không còn chú ý tới nó nữa. Lão xốc lại xấp giấy chi chít những hàng chữ trên tay rồi tiến lại đống đồ trang trí chất ở một góc hậu trường. Lão lầm bầm: Kính thưa quý vị quan khách, thật là vinh hạnh cho tôi hôm nay được hầu chuyện quý vị trong một bầu không khí văn nghệ tưng bừng náo nhiệt này…
Ngay lúc đó thì có nhà họa sĩ lò dò bước tới.
Nhà họa sĩ: Kính chào ngài! Ngài đã quan sát hết mọi phông cảnh chưa? Ý kiến của ngài ra sao?
Nhà Mạnh Thường Quân: Tạm được. Kể cũng tạm được!
Nhà họa sĩ: Ô! Thưa ngài, chỉ tạm được thôi sao? Theo tôi nghĩ, nghệ thuật hóa trang của buổi trình diễn hôm nay sẽ đánh dấu một bước tiến thật dài của nền hội họa sân khấu…
Nhà Mạnh Thường Quân: Thật thế ư?
Nhà họa sĩ: Thưa ngài, chúng tôi là những nghệ sĩ chân chính. Chúng tôi chỉ biết làm việc theo tiếng gọi của nghệ thuật. . .
Nhà Mạnh Thường Quân: Thế à, thảo nào!
Có tiếng gọi nhà họa sĩ. Gã cúi đầu chào theo kiểu cách rồi làm ra bộ tất tả chạy đi.
Nhà Mạnh Thường Quân: Kính thưa quý vị quan khách, thật là hân hạnh cho tôi hôm nay được hầu chuyện quý vị trong một bầu không khí văn nghệ tưng bừng náo nhiệt….
Anh bếp: Thưa cụ…
Nhà Mạnh Thường Quân: Con khẹc! Cái gì?
Anh bếp: Thưa, có một bà đang tìm cụ.
Nhà Mạnh Thường Quân: Ai thế?
Anh bếp: Dạ cái bà áo đỏ vẫn thường đến nhà.
Nhà Mạnh Thường Quân: Đâu? Bà ấy đang ở đâu?
Anh bếp: Thưa cụ, bà ấy đang chờ cụ ở nhà, nói mời cụ về ngay.
Nhà Mạnh Thường Quân: Tao còn đang bận ở đây, về ngay thế quái nào được!
Anh bếp: Vâng! Con sẽ xin nói lại.
Nhà Mạnh Thường Quân: Này, thôi! Cầm cái các này về bảo độ chín, mười giờ ngày mai mời bà ấy quay lại nghe không.(hí hoáy viết mấy dòng trên tấm thiệp)
Ngay lúc ấy, tiếng kèn vụt nổi lên, xoáy vào bầu không khí nghiêm trang, nặng nề. Người nữ diễn viên sắm vai Nga vội chạy lại tấm màn nhung. Nàng lùa bàn tay búp măng khẽ hé lên để ghé mắt nhìn xuống. Khán giả đang tiếp tục tiến vào. Đầu người nhấp nhô như những chùm sung. Nàng ngước mắt lên cao. Hai tầng lầu sâu thăm thẳm rực rỡ ánh đèn. Chưa lần nào nàng thấy mình bé nhỏ đến như thế. Hai tay nàng đưa lên nén chặt lấy ngực. Hơi thở của nàng như muốn phá lồng ngực mà ra. Miệng nàng khô lại. Nàng nuốt nước bọt một cách khó khăn. Tiếng nói của gã diễn viên như nhắc nhở lại nàng:
– Cô cứ nhớ là ở dưới hàng ghế không có ai khó tính như mình.
Nhưng những tiếng rì rào ở từng dẫy ghế vẳng lên, nàng nghe như những lời thầm thì đe dọa. Hai mắt của nàng vụt nhắm nghiền lại. Nàng muốn được ngủ luôn như thế mà không bao giờ phải trở dậy. Tiếng clarinette chợt rú lên văng vẳng ở bên tai. Điệu nhạc quen thuộc:
Tu es inscrite dans les lignes du plafond
Tu es inscrite dans les yeux que j’aime
Tu n’es pas tout à faire la misère. . .
Nàng mở choàng mắt ra nhìn xuống dưới. Ở hàng ghế đầu, sát sân khấu, mấy nhạc công đang tiếp tục hòa tấu. Tiếng trống uể oải, tiếng đàn rời rạc, tiếng clarinette lạc lõng cô đơn. Mọi người như những cái máy sản xuất ra âm thanh. Gã thổi clarinette đứng ở phía đối diện. Nàng nom thấy mặt gã đầy đau khổ. Mắt gã trợn lên, đôi lông mày rậm díu vào nhau. Người gã cong lại. Những ngón tay của gã lướt trên ống thổi. Nom gã hom hem và yếu đuối. Nàng nhoẻn với gã một nụ cười. Nhưng gã không trông thấy. Ngực gã rút lại. Gã đang cố lên một nốt thật cao. Rồi tiếng kèn vụt tắt. Tiếng trống ùa lên lấn át. Gã rời cây kèn, húng hắng ho. Tiếng ho làm nàng não ruột. Nàng thở dài buông cái màn nhung xuống, quay vào hậu trường.
Lúc đó ở phòng hóa trang, một nữ diễn viên khác đi ra. Đó là vai nhân tình của cha Nghĩa.
Lão già kéo màn: (thốt lên) Ồ!
Lão sửa lại thế ngồi, mắt lão linh động hơn. Miệng lão nhếch ra một nụ cười. Người nữ diễn viên đi qua mặt lão. Dáng đi ngúng nguẩy, bộ ngực lúc lắc sau lần áo. Lão vẫy thằng bé lại gần.
Lão già kéo màn: Giống mẹ mày ngày xưa như đúc.
Thằng bé: Đâu? Ai giống kia chứ?
Lão già kéo màn: Cái cô mặc áo lụa hồng vừa đi qua ấy.
Thằng bé nhỏm dậy. Nó lơ láo nhìn theo phía tay chỉ của lão già rồi vụt chạy đi. Nó nhác thấy cô áo hồng đi xuống cầu thang lối dẫn xuống hầm dưới. Người nó rụt thấp xuống để len lỏi qua đám đông người. Trong một phút, nó đứng lại trên bục gỗ. Mùi nước hoa còn thoang thoảng đưa lại. Nó đưa mũi lên hít thật dài. A! Thế ra mẹ nó ngày xưa cũng đẹp và thơm như thế. Nó cảm thấy hãnh diện. Nó tụt thật nhanh liền mấy bậc. Đường hầm không có cửa sổ nên tối và ẩm. Ngọn đèn úa treo trên tường hắt xuống một làn ánh sáng yếu đuối, vàng vọt. Chân nó dừng lại ở chỗ rẽ ngoặt. Trong căn phòng rộng phía dưới có tiếng người vọng ra:
– Anh!…
– Em! Trời ơi! Nom em lộng lẫy quá!
– Tại phấn son đấy!
Thằng bé thò đầu vào. Diễn viên sắm vai Nghĩa và cô áo hồng đang ghì lấy nhau. Nó vội rụt lại. Một lát lại có tiếng cất lên:
– Em lo quá! Phải xong buổi tối hôm nay thì mới cất được một gánh nặng.
– Anh thì anh muốn kéo thời gian ra thật dài. Lúc này là lúc anh sung sướng nhất.
– Ồ! Cần gì!.. Rồi chúng mình lại còn gặp nhau kia mà .
– Em có nhất định không?
– Kìa! Anh không tin ở em à?
– Không phải thế. Anh chỉ không tin ở cái may mắn bất ngờ này. Mà phàm cái gì xây dựng trên sự may mắn bất ngờ đều khó bền lắm.
– Anh quá lo xa. Em tin rằng chúng mình sẽ tìm thấy hạnh phúc. Bởi vì chúng mình có duyên với nhau từ… từ kiếp trước.
– Còn phải nói! Thật là duyên số lạ lùng. Trên sân khấu anh sắp phải gọi em là dì… còn ở đây… ở đây thì là gì nhỉ! . .
Cả hai rúc lên cười. Tiếng cười làm xáo động vẻ ẩm mốc, lạnh lẽo trong căn phòng. Một lát, những gót giầy chợt khua lại gần, thằng bé vùng lên chạy. Nó đến ôm lấy cổ lão già kéo màn mà đu xuống.
(còn nữa)