Văn học miền Nam 54-75 (255): Sơn Nam (5)

Anh hùng rơm

Thời pháp thuộc, làng Bình An, tỉnh Rạch Giá được nổi danh là sung túc. Ruộng đất quá phì nhiêu, chẳng cần bón phân, mỗi công đất (một ngàn thước vuông) thâu hoạch hơn hai chục giạ. Qua tháng mười một, mãn mùa gặt, dân chúng còn hưởng thêm mùa dưa hấu trồng ngay trên ruộng. Nếu trúng mùa dưa thì rõ ràng là vốn một lời mười. Họ tha hồ mà ăn xài suốt tháng Giêng cờ bạc, đờn ca vọng cổ lai rai đến lúc tháng Ba, sa mưa.

Nhịp sống của đoàn nông phu cứ trôi qua đều đều. Nhưng đến năm 1937, một biến cố khá quan trọng xảy ra khiến dân chúng… nghẹt thở. Hầu hết những kẽ tay lấm chân bùn trong làng đều bị lên án là… kẻ ăn trộm trâu.

Tiên cáo là một ông lạ mặt, người Việt Nam, mặc âu phục, tay xách cặp da, hút ống vố.

Ông ta đến nhà thầy phó hương quản:

– Có ai ở nhà không?

Thầy phó hương quản ngơ ngác:

– Xin lỗi, ông là ai? Xin cho biết quí danh.

Ông ta nói:

– Tôi muốn nói chuyện…

Thầy phó hương quản mời ông khách vào nhà. Ông ta mở cặp da, đưa ra một tấm danh thiếp:

“ Nguyên Hưu Henri,

Domaine agricole de Saigon.”

Sau khi đọc sơ qua, thầy phó hương quản lấy làm bối rối:

– Thưa ông. Xin ông vui lòng “thông ngôn” cho tôi được hiểu.

Thông ngôn có nghĩa là thông dịch. Ông khách cứ hút thuốc, chưa chịu làm công việc ấy. Hồi lâu, ông trợn mắt:

– Tấm“cạc” nầy nói nhiều rồi. Quyền hạn thanh tra… toàn Nam Kỳ thuộc địa của tôi như thế nào, chú phó hương quản dư hiểu.

Khổ quá! Thầy phó hương quản đành nài nỉ, thú nhận sự dốt nát của mình:

– Dạ, tấm “cạc” của quí ông… toàn là chữ Tây. Chắc là ở Sài Gòn!

Khách cười nhếch mép:

– Khá lắm. Còn hai chữ nữa “Nguyễn Hữu” tôi không thèm bỏ dấu cho đúng mẹo luật Lang Sa. Tôi thường giao thiệp với quan chủ tỉnh mà. Ðây, tôi tạm “thông ngôn ” cho chú hiểu: Tôi là Nguyễn Hữu Hăngri, thanh tra đồn điền Sai Gòn. Tôi vô dân Tây nên giữ chữ Nguyễn Hữu. Mới đây, sau khi tiếp xúc xã giao với quan chủ quận tôi ăn cơm ở nhà quan chánh sở mật thám. Bậy quá, chắc quan chủ quận phiền giận tôi…

– Thưa ông sao vậy?

– Ổng là anh em bạn học.

Lần đầu tiên từ thưở nhỏ đến từng tuổi này. Thầy phó hương quản mới được vinh dự đón rước một nhân vật quan trọng. Lập tức, thầy gọi vợ ra chào khách, bắt gà làm thịt. Ông khách Hăngri nói, giọng bí mật:

– Tánh tôi bình dân lắm. Tôi ưa làm quen với người chất phác như chú. Vừa vừa thôi, đừng bày tiệc tùng, tốn kém lắm.

Thầy phó hương quản suy nghĩ hồi lâu rồi giả bộ như mình cũng rành tất cả lề lối làm việc của người cầm giềng mối trị dân:

– Ông nói chí lý quá. Các quan chủ quận đều rành chữ Tây. Ðọc sơ qua tấm“cạc” của ông, mấy ổng hiểu liền. Chẳng dám nào, ông cho phép…

– Chú nói đi. Chỗ quen biết với nhau mà.

– Ông cho tôi xin một tấm “cạc” như vầy để lộng kiếng, làm kỷ niệm. Hễ có khách quí tới nhà là tôi nhắc nhở, giới thiệu… lúc ông vắng mặt.

Ông Hăngri cau mày:

– Ðây! Chú giữ tấm“cạc” này. Nhưng mà chú phải dè dặt. Ðừng phô trương quá sớm. Tôi muốn giữ bí mật. Chờ đôi ba ngày nữa, xảy ra nhiều việc lạ lùng lắm, có lợi cho chú… trong tương lai.

Thế là ông Hăngri nghiễm nhiên trở thành vị thượng khách của thầy phó hương quản. Thầy bắt đầu xa lánh bà con chòm xóm, vì lý do riêng. Trong lúc ông Hăngri nằm trên bộ ván gõ, đọc báo Lục Tỉnh Tân Văn thì thầy phó hương quản trèo cây dừa xiêm hái xuống trọn quày.

Nhớ đến câu “gái ngoan làm quan cho chồng,” thiếm phó hương quản thắt lưng buộc bụng… sẵn sàng đi tiệm mua nào càri, củ hành, tiêu, tỏi đem về để thanh toán bằng bầy gà bầy vịt.

Tối hôm ấy, ông Hăngri mở đầu câu chuyện:

– Này chú phó hương quản. Chú là người đáng tin cậy, xứng danh là người làm việc nước. Tôi nhờ chú giúp tôi một vấn đề quan trọng. Chừng mãn nhiệm vụ thanh tra, tôi sẽ gặp quan chủ quận, gởi gắm để thăng chức chú lên chức chánh hương quản.

– Dạ, may phước cho đời tôi quá!

– Vợ chú ngủ chưa? Ðừng cho đàn bà hay biết. Họ ưa chộn rộn.

– Dạ, để tôi coi thử.

Rồi chú trở ra:

– Nó ngủ rồi.

– Chú nên giữ bí mật hoàn toàn. Nếu hư hỏng công việc truy tầm của tôi, chú sẽ bị trừng phạt theo phép nước luật quan. Chừng đó mặc dầu thương mến chú, tôi cũng chẳng tài nào cạy gỡ dùm được.

Dưới ánh đèn toạ dăng, trong khi sương mù mịt, bất chấp tiếng chó sủa ma trong xóm vắng, ông Hăngri mở cặp da, đem ra một mớ giấy có đóng dấu đỏ. Thầy phó huơng quản đếm thử: chừng ba chục tấm giấy cứng, màu xanh, lớn gấp đôi cái giấy thuế thân.

Ông Hăngri lẩm bẩm:

– A lo! A lo!

Thầy phó hương quản giật mình, bước ra xa, vấn thuốc hút. Thầy càng tò mò, liếc qua xấp giấy xanh của ông Hăngri. Thầy sực nhớ đến loại giấy mà thầy có đôi ba tấm trong nhà.

Thời thực dân, dân chúng gọi nôm na là đó là “bài kía” trâu bò, trên mỗi tấm, hài rõ tên chủ của gia súc, tên con gia súc, tuổi tác, dấu riêng… và số thuế đã nạp.

Nhà thầy phó hương quản có hai con trâu và một con bò. Thầy đã lãnh“bài kía,” xác nhận thầy làm chủ ba con gia súc đó. nếu bị trộm cắp, thầy đem“bài kía” để nhìn nhận của đã mất.

Ông Hăngri thừa hiểu rằng từ nãy giờ cặp mắt tò mò của chủ nhà đan xăm xoi về phía mình.

– Chú phó hương quản. Lại đây tôi dạy việc.

– Dạ, tôi sẵn sàng.

Ông Hăngri lật đật đem xấp… “bài kía” trâu bò ấy bỏ vào cặp da rồi đưa cho thầy phó hương quản xem một tấm giấy trắng có chữ đánh máy, chữ Pháp.

Ông giải thích:

“Số là đồn điền chúng tôi – ở chi nhánh Sóc Trăng – từ lâu thường bị ăn trộm trâu. Theo tin riêng của sở mật thám Sài Gòn cho biết thì bọn bất lương đem số trâu bất hợp pháp ấy về bán tại làng Bình An này. Vì vậy, thừa lệnh quan trên…”

Thật là đất bằng sóng dậy. Thầy Phó hương quản cố gợi lại trí nhớ. Thỉnh thoảng vài người ở xóm này mua trâu, nhưng là trâu tơ, sanh đẻ tại làng. Lúc nhậu nhẹt, nhiều người chế nhạo lẫn nhau:“mầy là chủ phồn ăn trộm trâu!” nhưng đó là tiếng thường lệ cũng như “đồ mặc dịch! đồ ma bắt.” Nó không có ngụ ý gì ráo.

Thầy lẩm bẩm:

– Té ra hổm rày ông làm nhiệm vụ mật thám.

– Tôi là thanh tra!

Phó hương quản bắt đầu e ngại:

– Dạ, quan thanh tra muốn “ăn kết” theo cách nào? Theo ý tôi thì dân chúng ở xóm này toàn là người lương thiện. Trâu bò của họ nuôi đều có “bài kía,” đóng thuế đầy đủ, do quan trên thừa nhận.

– Nhưng họ mua ở đâu? Mua của ai?

– Dạ, mua ở Châu Ðốc, hoặc mua ở mấy xóm gần đây.

– À! À!

Ông Hăngri vừa gõ cái ống điếu vào gốc cột:

– Phó hương quản đừng che dấu tội lỗi của họ mà chịu chung số phận. Bây giờ, việc đầu tiên của phó hương quản cần thi hành là tới cái chuồng trâu nào gần đây nhứt, biểu họ trình cho tôi coi mấy cái “bài kía” của trâu bò trong chuồng để tôi kiểm soát.

Trưa hôm sau, phó hương quản trở về:

– Ðây! Nhà của Trần Văn Lén, tất cả bốn con trâu tên là trâu Pháo, trâu Bướm, trâu Ðiệu, trâu Mẫm.

Ông Hăngri nói nhanh:

– Tôi muốn kiểm soát dấu riêng của mỗi con trâu. Nếu nó trúng dấu với mấy con đã ghi trong tờ cớ của tôi thì đó là trâu gian. Tôi cần làm việc cẩn thận. Phó hương quản cứ tới nhà mấy người khác, từ nhà tên Trần Văn Lén này dài đến cuối xóm, tom góp tất cả “bài kía” đem cho tôi xem xét lại.

Cả xóm nhốn nháo lên vì nguồn tin bất lành ấy. Vốn làm ăn chất phác, tin tưởng nơi công lý, các chủ trâu đều ngoan ngoãn tuân lịnh.

– Vàng thiệt không sợ lửa, – họ tự an ủi.

***

Nhưng trò đời diễn ra khá phức tạp.

Sáng hôm sau, phó hương quản đổ mồ hôi trán, đi thất thểu đến mời mấy người chủ trâu:

– Nguy quá. Ông thanh tra mật thám mời bà con tới “hầu.” Tôi e đã xảy ra điều gì bất trắc. Nhớ tới nhà tôi cho đủ mặt, bằng không thì ông Hăngri lên án khiếm diện.

Các đương sự lần lượt đến ngồi chồm hổm tại hàng ba, nhà thầy phó hương quản.

Ông Hăngri nâng ống vố lên, rít một hơi dài rồi nói từng tiếng một:

– Trần Văn Lén! Ai tên Trần Văn Lén?

Người tên Trần Văn Lén “dạ” một tiếng nhỏ rồi chạy tới, đứng trước mặt ông Hăngri để nghe lời dạy.

– Bốn con trâu Pháo, trâu Bướm, trâu Ðiệp, trâu Mẫm của chú đều là trâu ăn trộm.

Trần Văn Lén trợn mắt:

– Làm sao có chuyện đó? Xin quan lớn… coi lại. Trâu nhà của tôi mà!

– Chú mua hồi nào?

– Dạ, hồi năm ngoái, 1936.

– Tôi cho biết: hồi năm 1935, đồn điền tôi bị mất trộm, có tờ cớ hẳn hoi. Cái tấm “bài kía…” của chú giữ ghi vô bộ năm 1936. Nhưng “bài kía” của đồn điền tôi vô bộ 1934. Dấu riêng của con trâu Bướm y hệt: sừng cong, hai xoáy ở chân trước bên mặt.

Tên Lén hơ hãi, kêu nài:

– Xin quan thanh tra cho tôi thấy cái “bài kía” của đồn điền…

– Ðừng lẻo lự. Này đây Tờ cớ rành rành. “Bài kía” của tôi cũ hơn… Chứng tỏ rằng kẻ trộm đem trâu của đồn điền tôi đến làng Bình An này bán lại cho chú. Hoặc là chú có nhúng tay vô…

Tên Lén trố mắt. “Bài kía” (bài chỉ) của ông Hăngri vô bộ trước, có đóng dấu đỏ và chữ ký tên…

Ông Hăngri giựt cái “bài kía” trở lại:

– Tôi tịch thâu con trâu Bướm của chú. Chú ngồi đó suy nghĩ. Nếu cự nự tôi giao cho quan chủ quận, truy tố ra toà.

Sau tên Trần Văn Lén, lần lượt bốn năm khổ chủ khác đều bị cật vấn. Trâu của họ trùng dấu riêng với những con trâu mà đồn điền bị mất trộm, cách đó vài năm có ghi rõ torng tờ cớ. Kèm theo tờ cớ, ông Hăngri nêu ra mấy cái“bài kía” vô bộ sổ quá trễ mà dân chúng trong làng Bình An đang giữ.

Bằng một giọng nhỏ nhẹ, ông Hăngri giải bày:

– Tôi chẳng muốn đưa mấy chú ra toà làm gì. Tội nghiệp cho vợ con mấy chú. Nếu mấy chú ăn năn hối cải, tôi ém dùm. Tôi hứa chạy tờ về ông chủ đồn điền… Với điều kiện là mỗi người cho tôi năm chục đồng. Bằng không thì…

Ai nấy cúi đầu, áy náy. Năm chục đồng đâu phải là số tiền nhỏ.

Day qua phó hương quản, ông Hăngri tiếp lời:

– Thế nào? Phó hương quản dám bảo lãnh dùm họ không? Tới trưa mai họ phải chạy tiền đầy đủ.

Phó hương quản gãi đầu:

– Tôi xin bảo lãnh. Ðể họ về vay nợ, đền ơn quan thanh tra. Nếu ai trốn, tôi chịu trách nhiệm.

Ðã quá mười hai giờ trưa.

Tại tiệm chạp phô ở cuối xóm, dân chúng tụ họp lại, bảo vây thầy phó hương quản. Hai ba chai rượu để trên bàn đều cạn. Ai nấy đều say ngà ngà. Người này sừng sộ:

– Rõ ràng hương quản a tòng với ông Hăngri làm tiền bọn tôi. Trâu nhà, trâu nghé nuôi lớn lên rành rành vậy mà ông ta dám quả quyết là trâu ăn trộm. Trời đất làm chứng dùm.

Kẻ khác khóc mùi mẫm:

– Rủi bề gì, mình mất trâu, lại ở tù oan mạng. Phó hương quản sao lại chấp chứa hắn?

Phó hương quản trợn mắt:

– Tôi hổ lắm rồi. Bà con yên tâm. Ta hãy tìm cách gỡ rối, lấy độc trừ độc… bà con giúp tôi vài cơ mưu…

Một người nói xen vào:

– Tôi biết trồi. Thừa dịp này, mình nên sửa dấu riêng trên trâu bò mình để chạy án. Theo kinh nghiệm ông bà còn để lại, mình cứ nướng sắt cho đỏ rồi đót ngay xoáy của con trâu để nó… bớt xoáy. Hoặc chặt một khúc chuối cây hơ lửa cho nóng rồi đút sừng trâu vô mà uốn bộ sừng của nó cho bớt cong…

Phó hương quản gật gù, nhìn xuống mé sông. Thầy ta reo to:

– Hay quá. Vợ tôi tới thăm tôi kìa!

Có người nổi nóng:

– Vợ tới thăm mà cũng “hay quá”! Thầy sung sướng trong lúc bà con chòm xóm đang tán gia bại sản.

Sau khi ra sân nói chuyện rù rì với bà vợ, phó hương quản trở vào tiệm, nói khẽ:

– Mời anh em tụ họp lại, nghe tôi nói rõ đầu đuôi. Số là tên Hăngri nó nhiều hành động gian dối. Hổm rày, vợ tôi theo dõi hắn. Hắn dự trữ trong cặp da môt số “bài kía,” đóng dấu giả: Hắn coi “bài kía” của trâu bò lối xóm rồi sao y, điền vô khoảng trống trong “bài kía” giả của hắn. Xong xuôi, hắn… ăn gian ngày tháng. Thí dụ như trâu bò của bọn mình vô bộ năm 1935 thì hắn ghi là 1934. Vợ tôi thấy rõ ràng hắn đang“sao y bổn chánh”, lúc tôi vắng mặt. Hắn tưởng vợ tôi dốt.

Một nạn nhân nổi giận:

– Tôi chém nó mới được.

Phó hương quản nói:

– Ðừng! Chém ruồi ai dùng gươm vàng làm chi. Tôi tính như vầy: đêm nay tôi ăn cắp cái cặp da đựng “bài kía” của hắn. Rồi tôi tri hô rằng ăn trộm đã lẻn vào nhà tôi. Tất nhiên bà con mình nên sắp xếp sẵn. Một người nào đó cứ chạy phía trước, giả như kẻ trộm xách cái cặp da. Rồi bà con xúm nhau đuổi phía sau. Tên Hăngri cũng rượt theo để giựt cái cặp da trở lại. Thừa dịp đó, mình dùng củi khúc mà ném cho hắn ta u đầu, què cẳng.

Nửa giờ sau, kế hoạch được thi hành. Tên Hăngri hốt hoảng, yêu cầu dân làng giúp hắn giựt lại cái cặp da:

– Tôi hứa trọng thưởng. Tôi hứa tha tội cho bà con!

Nhưng ai nấy cứ hò hét, chạy dồn về phía hắn, hươi gậy gộc… Hắn hốt hoảng chạy. Dân làng đuổi theo mãi.

Riêng thầy phó hương quản thì dè dặt hơn. Thầy ngồi núp trong bụi chuối, đề phòng trường hợp tên Hăngri là thanh tra… thứ thiệt. Hắn sẽ rút súng bắn thầy và truy tố thầy là kẻ chủ mưu.

Thầy thất vọng vì quả thật hắn không có súng.

Và dân làng hơi thất vọng, mất hào hứng. Cuộc rượt bắt diễn ra quá nhanh. Chạy được chừng trăm thước, tên Hăngri quẹo xuốngmé kinh xáng rồi té quỵ, rơi tòm trong bóng tối.

Có lẽ hắn biết lội, nên sáng hôm sau không ai thấy “anh hùng rơm” trở lại làng Bình An, và dân chài lưới tuyệt nhiên chẳng gặp cái thây ma chết trôi nào!

Comments are closed.