Buồn ga nhỏ
Nếu một ngày nào, người ta bóc những con đường sắt này đi, những con tàu sẽ không qua lại nữa và ta vẫn phải sống mãi ở đây…
Rất nhiều lần, Hảo nhìn lên cái chòi nước cao lênh khênh đứng ở cuối sân ga và nghĩ như vậy. Hảo không cần tìm hiểu xem tại sao mình đã có ý nghĩ đó cũng như chẳng bao giờ thắc mắc đến cái nếp sống tẻ nhạt của mình kéo dài từ ngày này qua ngày khác giữa một nơi hẻo hút. Cuộc đời của Hảo từ lúc bé dại cho đến khi trưởng thành đã bị gắn liền vào cái ga trạm nhỏ bé này, như những con tàu bám lấy những con đường sắt.
Hảo lên đây từ ngày nàng mới lên tám tuổi, sau khi đã theo học ở một trường quận miền xuôi, vừa đủ để biết đọc những pho truyện Tàu cho mẹ nghe và viết giúp mẹ những món tiền chi thu hàng ngày trên cuốn sổ chợ. Gia đình Hảo hồi đó gồm có một ông bố nghiện rượu, yêu những toa tàu và những chai rượu hơn yêu vợ con, một bà mẹ sống lầm lũi như một cái bóng và một người anh trai ngờ nghệch, thích làm một chân phu khuân vác ở ngoài ga hơn là cắp sách đến trường.
Năm Hảo mười bốn tuổi thì mẹ nàng qua đời. Người anh trai của nàng cũng bỏ nhà đi sau đó ít lâu. Cha nàng càng uống rượu nhiều hơn để rồi cuối cùng tục huyền với một người đàn bà bán thức ăn trên xe lửa. Những sự thay đổi đó cũng chẳng khiến Hảo vui thêm hay buồn thêm. Mười bảy tuổi, Hảo lấy chồng. Người chồng của nàng cũng là một nhân viên trong nhà ga và uống rượu cũng không thua gì bố vợ. Cho tới bây giờ Hảo vẫn không hiểu được tại sao nàng lại trở thành vợ của người đàn ông già hơn nàng đến gần hai chục tuổi, đen đủi và xấu xí như một chiếc đầu tàu xe lửa cũ kỹ kia. Cái hình ảnh mà Hảo nhớ nhất trong ngày cưới của nàng là đêm tân hôn. Người ta dẫn nàng vào một căn phòng nhỏ và để nàng ở trong đó một mình. Nàng ngồi trên chiếc giường có trải chiếc chiếu hoa hãy còn mới. Trong khi đó ở nhà ngoài, người ta thi nhau uống rượu và nói đủ thứ chuyện nhảm. Mệt mỏi, Hảo ngã người xuống giường, mặt áp lên chiếc gối mới có thêu những đóa hoa lớn. Rồi nàng ngủ thiếp đi cho tới lúc cảm thấy có một hơi thở nặng nề ở bên cạnh thì giật mình tỉnh dậy. Cái cảm giác đầu tiên của nàng là sợ hãi và buồn nôn. Giữa đêm khuya im lặng ngọn đèn dầu nhỏ đặt trên bàn soi rõ nét mặt đần độn và đỏ nhừ của người chồng. Mắt y nhắm nghiền lại và cái miệng có những chiếc răng nửa vàng nửa đen hả ra. Hảo rùng mình, quay mặt vào trong tường. Một lát sau nàng lại tiếp tục giấc ngủ bỏ dở, cho đến khi bàn tay người đàn ông kia lay khẽ vai nàng…
Ấy thế rồi Hảo đã thành bác Tín gái, như tất cả mọi người chung quanh đã gọi. Cái tên Hảo mờ dần theo những ngày tháng làm vợ của nàng để rồi bị quên hẳn.
Như vậy, đã ba năm. Những con tàu vẫn qua lại một ngày hai buổi. Những nét mặt chung quanh vẫn là những nét mặt cũ. Chỉ có những ngọn cây rừng ở chung quanh là Hảo nhận thấy hình như chúng mọc cao thêm và mỗi ngày che lấp thêm một khoảng chân trời.
*
Tiếng gọi của gã đàn ông khiến Hảo giật mình nhìn lên. Ánh nắng chói lòa. Nàng chưa kịp nhận ra nét mặt của người vừa gọi.
– Kiên đây mà… Kiên ngày xưa vẫn sang chơi anh Tứ đó, Hảo nhớ không?
Hảo reo lên một tiếng nhỏ. Kiên là bạn với người anh trai của nàng hồi nhỏ. Y cũng bỏ nhà đi như anh nàng và bây giờ đã trở về, nhưng không còn là một gã thanh niên lông bông ngày trước nữa. Hảo ngây người ra ngó Kiên. Mớ tôm đang nhặt dở nhảy lách tách dưới chân nàng. Kiên cười, đưa hai tay lên vuốt lại mái tóc bóng loáng:
– Cô Hảo trông tôi có lạ lắm không?
Hảo cũng cười gật đầu, lâu lắm nàng mới được nghe thấy một người gọi đến tên thật của nàng.
– Anh vào trong nhà chơi.
Vừa nói nàng vừa cúi xuống nhấc rổ tôm lên và bước vào nhà. Kiên đi theo, tiếng giày đế da nện lộp cộp trên sàn xi-măng.
– Ông cụ đi đâu mà không thấy ở nhà?
Hảo dừng lại và có cảm giác là nét mặt của mình lúc đó đỏ lắm. Nàng ngờ rằng Kiên đang chế giễu mình vì đã lấy một người chồng già.
– Anh nói sao?
– Bác đâu?
Hảo thở dài, nhẹ nhõm. Ra Kiên chưa hay tin nàng lấy chồng.
– Bây giờ tôi ở riêng rồi anh ạ.
Nói xong, Hảo vội vã bước nhanh xuống bếp. Tiếng Kiên đuổi theo:
– Ở riêng rồi à? Ai thế?
Hảo làm như không nghe thấy những câu hỏi đó. Nàng cất vội mớ tôm lên chạn ăn rồi rửa sạch tay và bước lên nhà. Nàng rót nước mời Kiên:
– Nghe nói anh đã lập gia đình rồi phải không?
Kiên đỡ chén nước trên tay Hảo, cặp mắt nhìn thẳng vào người nàng:
– Làm gì có chuyện đó!
Và y hỏi lại Hảo:
– Cô ở riêng từ hồi nào, sao không nghe ai nói gì cả?
Hảo đứng dựa mình vào tường, lơ đãng:
– Ba năm rồi…
– Ai thế?
– Người này chắc anh cũng biết.
– Ai?
Nàng nói rất khẽ:
– Tín.
Kiên tỏ vẻ ngạc nhiên.
– Tín? Có phải bác Tín…
Kiên không nói hết câu, nhìn chằm chặp vào mắt Hảo. Nàng ngượng ngập gật đầu rồi quay đi, tránh cái nhìn bạo dạn đó và nói lảng:
– Có lẽ nhà tôi cũng sắp về rồi đấy! Hay là trưa nay anh ở lại đây ăn cơm với chúng tôi cho vui?
Kiên khẽ vạch tay áo nhìn chiếc đồng hồ mạ vàng lóng lánh rồi đứng dậy:
– Thôi, tôi phải về đằng ông chủ tôi ăn cơm trưa nay. Lúc khác tôi sẽ lại thăm…
Kiên ngập ngừng. Hảo biết rằng y chưa muốn đổi cách xưng hô với nàng. Hai người vơ vẩn nhìn nhau rồi Kiên chậm chạp ra cửa. Câu nói sau cùng của y là một câu nói bâng quơ nhưng Hảo cho là ám chỉ nàng:
– Chóng thật. Mới ngày nào mà bây giờ đã bảy năm rồi. Về đây, trông cái gì cũng thấy khác…
Hảo nhìn theo gã đàn ông quen biết hồi nhỏ của mình. Y đi về phía nhà ga, chiếc bóng đổ nghiêng xuống mặt đường. Hảo thở dài quay vào, sửa soạn cơm trưa.
Nàng uể oải làm cái công việc hàng ngày đó và lần đầu tiên nàng cảm thấy khó chịu. Những con tôm không còn nhảy lách tách nữa mà mềm nhũn dưới tay nàng. Hảo nghĩ đến bữa cơm sắp tới. Một chai rượu trắng ngất ngưởng đặt trên bàn. Vài ba món ăn khó nuốt. Hơi thở phì phì của anh chồng hôi mùi rượu. Tiếng húp canh xùm xụp. Những lời nói tục tằn, lỗ mãng. Những trận cười làm bắn tung tóe những miếng cơm nhai dở trong miệng người đàn ông xuống những món ăn. Hảo rùng mình không dám nghĩ tiếp nữa. Nàng rửa tay vội vã rồi đi nhóm bếp. Tiếng kẻng khua từ ngôi trường tiểu học gần đó rộn rã nổi lên. Tiếng trẻ con ào ào đổ ra mặt đường. Chỉ còn nửa giờ nữa, Tín sẽ về. Y sẽ cởi trần ra và nằm xuống bộ ván hát ông ổng hai câu vọng cổ quen thuộc. Chỉ hai câu thôi và ngày nào y cũng hát tới, hát lui trong lúc đợi cơm.
Ngọn lửa đã bén hồng những than nhỏ. Hảo đưa một tay lên ngang trán lau mồ hôi. Hình ảnh Kiên bỗng lại hiện ra, với bộ quần áo bảnh bao, với mái tóc bóng nhẫy.
*
Cái xóm ga nhỏ bé từ ngày Kiên trở về bỗng ồn ào hẳn lên. Ở một nơi mà ngày ngày người ta chỉ đợi có hai chuyến tàu đi về để được nhìn lên những bộ mặt mới lạ của hành khách thì sự có mặt của Kiên đã là một viên đá ném mạnh xuống một vũng nước phẳng lặng. Thằng bé lêu lỏng ngày xưa bây giờ đã được người ta nhắc đến một cách trân trọng. Những tiếng đồn về Kiên làm ăn lớn ở Sài Gòn không ngày nào là không được truyền từ miệng người này sang miệng người khác. Sự thật thì chưa một ai biết rõ là Kiên làm nghề gì ở Sài Gòn cả. Họ chỉ nhìn Kiên qua những cách chi tiêu rộng rãi của y và nhất là cái lối nói chuyện có thêm nhiều danh từ mới lạ mà y đã đem từ Sài Gòn về. Cố nhiên là Hảo không thể nào không để ý tới sự có mặt của người đàn ông đó. Cả một nếp sống bình lặng của nàng đã bị xáo trộn hẳn lên. Những giờ Tín đi làm, Hảo thường hay thơ thẩn đứng chơi ở trước cửa nhà mình. Nàng hiểu tại sao mình làm như vậy nhưng không sao đặt tên được cho những ý nghĩ thầm kín đang dằn vặt trong lòng nàng. Một đôi khi gặp Kiên đi qua cửa, cúi chào mình, Hảo lại thấy lòng mình bâng khuâng, thao thức. Nàng muốn gọi y lại, để được nghe y nói một vài câu như hôm đầu tiên y đến thăm nàng nhưng cái tiếng gọi đó chẳng bao giờ thốt ra được. Những cặp mắt tò mò của những người chung quanh và những cái miệng nhàn rỗi lúc nào cũng như sẵn sàng để nói đến việc thiên hạ đã khiến Hảo lo ngại. Vì vậy, Hảo chỉ còn mỗi một niềm an ủi cuối cùng là ngày ngày ra đứng ở cửa để chờ Kiên và để được nhìn thấy Kiên mỉm cười cúi đầu chào mình. Hảo gọi đó là những giờ vui trong một ngày. Và những giờ vui đó sẽ vụt tắt khi tiếng kẻng khua rộn rã của trường học vẳng lên báo hiệu giờ sửa soạn hai bữa cơm buồn nản thường nhật.
Buổi chiều hôm đó, cũng như mọi bữa, Hảo đứng trước cửa, vơ vẩn nhìn những đám cây rừng xanh ngắt phía xa thì Kiên đi tới.
Sau khi chào nàng, Kiên đứng lại chứ không đi thẳng như những lần khác. Hảo ấp úng:
– Mời anh vào chơi trong nhà…
Và nàng đi nhanh vào trước. Kiên chậm bước theo sau.
– Sao anh hẹn lại chơi mà từ bữa đó tới nay chẳng thấy anh tới?
Kiên ngước mắt nhìn lên mái nhà, không trả lời Hảo. Những tia nắng chiều lọt từ kẽ lá chiếu xuống chỗ hai người.
– Bao giờ anh đi về Sài Gòn?
– Tối nay.
Kiên chậm rãi trả lời, mắt vẫn nhìn lên mái nhà. Hảo nghe thấy rõ một tiếng nấc ngắn ngủi trong cổ mình. Nàng nhắc lại câu trả lời của Kiên rồi hỏi khẽ:
– Sao anh về Sài Gòn sớm thế? Mới ở đây có ít ngày đã lại đi ngay, có việc gì vội hay sao?
– Không. Chẳng có việc gì vội cả nhưng ở đây buồn quá, tôi không thể nào ở đây lâu thêm được nữa.
Hảo cười gượng gạo:
– Thế ngày xưa, anh sống ở đây thì sao?
– Ngày xưa khác. Bây giờ khác. Ngày xưa chị còn là… cô Hảo, bây giờ chị đã là…
Cặp mắt của Kiên từ từ cúi xuống nhìn những ngón tay của Hảo đang đặt trên thành ghế.
– Là gì đi nữa thì tôi với anh cũng là những người bạn thuở nhỏ, Hảo tiếp, và tôi mong rằng anh vẫn cứ gọi tôi bằng tên Hảo như ngày xưa…
Hảo nói câu đó một hơi dài và nói xong nàng mới giật mình không ngờ là đã nói được một câu như thế. Và, nàng đứng lặng trước mặt Kiên, đôi mắt chớp nhanh.
– Tôi đi Sài Gòn lần này, có lẽ lâu lắm mới trở về đây được. Nếu tối nay, Hảo không mắc công chuyện gì, Hảo hãy ra ga…
– Không được đâu, Hảo run giọng trả lời, tôi không thể nào tới đó được!
Kiên đứng dậy đi lại gần chỗ Hảo đứng:
– Nếu vậy, chúng ta hẹn nhau ở nơi khác trước giờ tàu chạy, được không?
Hảo giật mình, hai bàn tay nắm chặt lấy thành ghế:
– Không… không được đâu!
Kiên thở dài. Y nói bằng một giọng vô cùng tha thiết và Hảo có cảm tưởng như y đang đứng sát bên nàng:
– Hảo có biết không? Tôi về đây lần này chỉ mong gặp Hảo. Vì Hảo mà tôi trở về nơi này. Ngờ đâu, Hảo bây giờ đã không còn là Hảo ngày trước nữa. Tôi đi qua nhà Hảo, nhìn thấy Hảo đứng ở cửa hàng bao nhiêu lần mà không dám dừng lại để nói chuyện với Hảo. Tôi…
Kiên còn nói nhiều thêm nữa, những lời nói của y biến thành những ngọn gió mát rượi thổi vào tâm hồn Hảo. Trong một lúc, Hảo thấy khu rừng trước mặt xanh hơn lúc thường và ánh nắng chiều đã hết cả gay gắt. Chưa bao giờ Hảo được nghe những lời dịu ngọt như vậy từ miệng một người đàn ông thốt ra, ngay cả những lúc nàng được chồng âu yếm. Hảo thốt rùng mình. Bàn tay nàng rời khỏi thành ghế và che lấy mặt. Khi Kiên vừa đặt tay lên người nàng, toàn thân nàng run bắn lên. Nàng vội vã gạt tay Kiên ra và chạy lại góc tường đứng nép vào đó. Kiên vừa định bước tới thì một hồi kẻng vang lên. Những tiếng ồn ào của lũ trẻ nhỏ tràn ngập như thác nước ùa ra ngoài đường. Hảo kêu lên qua hơi thở dồn dập:
– Thôi, anh về đi. Về đi. Ðã đến giờ, tôi…
Kiên dừng lại. Gã đàn ông hiểu ngay câu nói bỏ lửng của nàng. Y nhìn ra ngoài cửa. Một vài đứa bé đi học về, đang lởn vởn nhìn vào. Hảo giục thêm một lần nữa rồi úp mặt vào tường. Nàng nghe rõ tiếng giày của Kiên xa dần, xa dần…
*
Tiếng còi rú lên một lần cuối rồi cả đoàn tàu lừ lừ tiến vào bóng đêm. Ðứng nấp vào một góc tối nhất của sân ga, Hảo nhìn theo đoàn tàu. Phía bên kia, Hảo thấy rõ chồng mình đang lắc lư chiếc đèn đỏ trên tay.
Khi đoàn tàu đã khuất hẳn và chiếc đèn đỏ trên tay chồng nàng không còn lắc nữa, Hảo mới men theo con đường cỏ trong sân ga, đi lối tắt về nhà. Những bước chân của Hảo dẫm lên đám cỏ rừng, lạnh buốt và nhói đau. Nhưng, Hảo không cảm thấy gì hết. Nàng chỉ nhìn lên cái chòi nước nằm cuối sân ga và nghĩ đến những ngày tháng sắp tới. Tiếng kẻng khua tan giờ học. Cái bếp lửa than hồng. Hai bữa cơm đều đặn trong một ngày. Những cơn say ngu độn của ông chồng với hai câu vọng cổ vô nghĩa kéo dài năm này sang năm khác, nhất là hai câu vọng cổ. Hảo muốn bật khóc nhưng không sao khóc được. Tất cả còn lại trong lòng nàng là một sự trống rỗng khủng khiếp, một sự tiếp nối những buồn nản thường xuyên, chạy dài như những con đường sắt.