Lục bát Cung Trầm Tưởng, một đóng góp lớn cho văn học
Du Tử Lê
Giữa thập niên (19)90, trong một buổi ra mắt sách ở quán café Tao Nhân, nằm trên đường Westminster, thành phố Garden Grove, miền Nam tiểu bang California, mở đầu phần phát biểu của mình, cố nhà văn Mai Thảo đã làm một so sánh chói gắt về sự xuất hiện của tác giả thi phẩm được giới thiệu trong đêm, với sự xuất hiện của hai tác giả nổi tiếng rất sớm, trong sinh hoạt văn chương miền Nam, trước tháng 4, 1975.
Từ trái qua: Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy, Ngy Cao Uyên. (Hình phamduy.com)
Ðại ý tác giả “Ta thấy hình ta những miếu đền” nói rằng, vào những năm cuối thập niên (19)50, có hai tiếng thơ đã tạo chấn động vang dội, ngay khi những bài thơ thứ nhất.
Trừ những người trẻ, tham dự buổi giới thiệu tác phẩm vừa kể, vốn không có cơ hội biết nhiều về sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam những năm (19)50, (19)60; kỳ dư, các tân khách còn lại, khi nghe nhắc tới Cung Trầm Tưởng, đa số đã liên tưởng tới thơ bốn chữ, năm chữ và, lục bát của họ Cung. (1)
Liên tưởng tức thì này, không có nghĩa tất cả những vị đó đều đọc, nhớ thơ Cung Trầm Tưởng qua tạp chí Sáng Tạo. Họ biết, nhớ, thuộc và, yêu mến tiếng thơ này, qua một số ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ thơ Cung Trầm Tưởng. Thí dụ, ca khúc “Mùa thu Paris,” hay “Tiễn em” (Phạm Duy đổi từ nhan đề gốc “Chưa bao giờ buồn thế”…
Nếu ký ức chưa tệ hại đến mức phản bội tôi thì, tôi nhớ đó là năm 1959, giữa bối cảnh hiu hắt, “thiếu niềm tin” của độc giả trong lãnh vực thi ca, thi phẩm “Tình Ca” của Cung Trầm Tưởng ra đời.
“Tình Ca” của Cung Trầm Tưởng chỉ có tổng cộng 13 bài mà, hết 6 bài được nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc; với bìa, phụ bản rực rỡ, mới lạ của họa sĩ Ngy Cao Uyên (cũng về từ Pháp, như Cung Trầm Tưởng,) đã là một xuất hiện “lộng lẫy,” như khi lục bát Cung Trầm Tưởng xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo vậy. (2)
“Tình ca” Cung Trầm Tưởng còn “lộng lẫy” hơn nữa trong đêm ra mắt ở nhà hàng Anh Vũ. Với con số 3+1 là Cung Trầm Tưởng, Ngy Cao Uyên, Phạm Duy và, tiếng hát Thái Thanh, buổi ra mắt tựa dự báo một bình minh khác, cho sinh hoạt thi ca miền Nam, thời đó.
Không biết tôi có quá lời chăng, khi nói rằng, đó là thời điểm họ Cung “đánh cắp” tất cả mọi ngọn đèn rực rỡ nhất của tiền trường sân khấu sinh hoạt thi ca miền Nam. Tất cả mọi ngợi ca đổ dồn về ông, như nước chảy về chỗ trũng. Những vòng nguyệt quế tìm đến ông, tựa đó là điều gì không thể tự nhiên hơn…
Cùng lúc, hiện tượng hay phong trào khát khao có được một lần được thấy “mùa thu Paris” (như trong thơ Cung Trầm Tưởng,) trở thành cơn sốt trên 40 độ C. trong tâm tưởng của nhiều người trẻ thành phố:
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút, giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
Mùa thu nơi đâu?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu…
(Trích “Mùa Thu Paris, CTT)
Hay ước nguyện cuối cùng trước khi nhắm mắt, không chỉ của giới trẻ mà, của rất nhiều văn nghệ sĩ thời đó là, một lần được đứng dưới những ngọn đèn vàng của ga Lyon! Ðược thấy sông Seine (qua thơ Nguyên Sa,) hay được đặt chân vào một quán rượu ở Paris. Khi Paris qua thơ của hai nhà thơ này trở thành những mơ ước khôn cùng…
Paris càng trở nên quyến rũ hơn nữa, khi ca khúc “Tiễn em” phổ cập quần chúng:
Lên xe tiễn em đi
chưa bao giờ buồn thế
trời mùa Ðông Paris
suốt đời làm chia ly
(……)
Ga Lyon đèn vàng
tuyết rơi buồn mênh mang
cầm tay em muốn khóc
nói chi cũng muộn màng
(……)
khóc đi em. khóc đi em
hỡi người yêu xóm học
để sương thấm bờ đêm…”
(Trích “Chưa bao giờ buồn thế,” CTT)
Những hình ảnh lãng mạn, mới mẻ như những khối thuốc nổ cực mạnh, gây chấn thương nặng nề tâm thức người nghe/đọc, như “Người em mắt nâu / Tóc vàng sợi nhỏ,” hay “Ga Lyon đèn vàng / tuyết rơi buồn mênh mang”… đã nhức nhối “bám trụ” trong sâu, kín tâm tư của nhiều người.
Hoặc chỉ với bốn chữ “người em xóm học,” lần đầu tiên xuất hiện trong thơ Việt Nam, tự thân cũng đã đủ làm thành cơn bão mang tên những mơ ước nghìn trùng, hạnh ngộ hãn hữu, của những người một đời chưa bước khỏi biên cương đất nước.
Nhưng với văn giới miền Nam thời đó, đỉnh điểm tài hoa thi ca Cung Trầm Tưởng vẫn là những bài thơ lục bát của ông.
Nói tới lục bát Cung Trầm Tưởng, tôi không rõ họ Cung có biết, những người bạn một thời Sáng Tạo, đã gọi ông một cách yêu mến là …“Bà Huyện Thanh Quan thời đại mới”?
Người kể lại chuyện này là cố nhà văn Mai Thảo. Sinh thời, trong những cuộc họp mặt văn nghệ giới hạn tại nhà riêng một vài thân hữu, dù không ai hỏi, chủ nhiệm Sáng Tạo vẫn thường nhắc tới những bằng hữu trong nhóm Sáng Tạo của mình. Nhất là những người bạn còn trong tù. Hơn một lần, ông kể:
“… Anh em Sáng Tạo thích lục bát Cung Trầm Tưởng lắm. Dù nó chỉ làm được ít bài rồi thôi. Chúng tôi từng gọi nó là ‘Bà Huyện Thanh Quan thời đại mới’…”
Mọi người lắng nghe. Bất ngờ. Thích thú. Cũng trong bất ngờ, tôi hỏi tác giả “Ðêm giã từ Hà Nội,” khi anh em Sáng Tạo “sắc phong” cho Cung Trầm Tưởng là một thứ “Bà Huyện Thanh Quan thời đại mới” thì họ y cứ trên những tương đồng nào, giữa hai cõi giới thi ca đó?
Vẫn nụ cười móm mém hóm hỉnh và, cái nheo mắt tinh quái, cố nhà văn Mai Thảo lúc lắc đầu, trước khi trả lời:
“… Ờ… thì anh em thấy lục bát của nó mượt mà, óng ả như nhung lụa vậy mà…”
Có thể tác giả “Mười đêm nhà ngọc” không chờ đợi nơi tôi một câu hỏi, như thế! Như số anh em có mặt buổi tối vừa kể, cũng không chờ đợi nhà văn Mai Thảo trả lời, như vậy!
Tôi không biết số bằng hữu hiện diện trong họp mặt kia, cảm nhận ra sao về lục bát Cung Trầm Tưởng. Tuy nhiên, tôi nghĩ, ai đó, nếu có một kiến thức căn bản về thể thơ lục bát, cùng sự hiểu biết thấu đáo về những biến chuyển, vận hành trải qua nhiều giai đoạn của thể thơ truyền thống này, sẽ phải nhìn nhận rằng, đóng góp vào sự đổi mới lục bát của Cung Trầm Tưởng, những năm (19)50 là một đóng góp lớn cho văn học miền Nam, nói riêng, Việt Nam, nói chung.
Chú thích:
1. Theo tuyển tập “Cung Trầm Tưởng một hành trình thơ (1948-2008)” do nhà Tiếng Quê Hương, Hoa Kỳ, ấn hành 2012 thì, nhà thơ Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thúc Cần, sinh ngày 28 tháng 2, 1932 tại Hà Nội. Ông là cựu sĩ quan cấp tá của quân chủng Không Quân VNCH cũ. Sau 10 năm tù cải tạo và 3 năm bị quản chế, ông cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1993.
2. Họa sĩ Ngy Cao Uyên, tên thật Nguyễn Cao Nguyên, tốt nghiệp ngành Cơ Khí Không Quân tại Pháp, như Cung Trầm Tưởng. Ông là chủ tịch đầu tiên của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, Saigon, 1966. Ngy Cao Uyên hiện cư ngụ tại tiểu bang Virgina, Hoa Kỳ.
***
Phác họa mấy thời kỳ lục bát và, thơ Cung Trầm Tưởng
Du Tử Lê
Là người Việt Nam, ai cũng biết lục bát là một thể thơ truyền thống, đặc biệt của riêng văn học Việt Nam. Mặc dù gần đây, có người đưa ra “phát kiến” cho rằng, không chỉ Việt Nam mà, một vài đân tộc khác, cũng có thơ lục bát hoặc một thể thơ tương tự như vậy.
Từ trái qua: Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng.
“Phát kiến” này, theo tôi không có cơ sở vì hai yếu tính căn bản sau đây
Thứ nhất, vì đặc tính của ngôn ngữ Việt Nam là Ðơn âm/Monosyllabic, nên lục bát mới có thể giữ đúng cấu trúc 6 chữ cho câu thứ nhất và, 8 chữ cho câu thứ hai.
Thứ nhì, ngoài Việt Nam, chúng ta biết, có ngôn ngữ của một số dân tộc khác, cũng là loại đơn âm. Nhưng, vì những ngôn ngữ đơn âm kia, không có 5 dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng (như của Việt Nam,) để ứng hợp với luật Bằng/Trắc căn bản, bắt buộc mà, thể thơ lục bát đòi hỏi. Chúng ta cũng biết, các chữ có dấu huyền hoặc không dấu, thuộc “Vần Bằng.” Những chữ có dấu sắc, hỏi, ngã nặng thuộc “Vần Trắc.”
Cụ thể, luật thơ lục bát được quy định như sau:
1. Bằng bằng, trắc trắc, bằng bằng (cho câu sáu.)
2. Bằng bằng, trắc trắc, bằng bằng, trắc, bằng (cho câu 8.)
Tuy nhiên, luật thơ lục bát cho phép người làm thơ được miễn trừ luật bằng, trắc ở những chữ thứ nhất, thứ ba và, thứ năm. (Giới làm thơ quen gọi là luật “nhất, tam, ngũ bất luật.”
Thí dụ hai câu thơ mở đầu “Ðoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Tóm lại, với niêm luật bắt buộc để lục bát là… lục bát, tôi không nghĩ và, cũng không tin có một nền văn học nào khác trong nhân loại, cũng có một thể thơ lục bát, giống Việt Nam.
Khi nói, lục bát là một thể thơ truyền thống, đặc biệt của riêng người Việt Nam, tôi muốn nhấn mạnh, thể thơ này xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn học của chúng ta hàng nghìn năm trước. Nó xuất hiện dưới dạng ca dao, tục ngữ khi chữ quốc ngữ trở thành phổ thông.
Nhưng, chúng ta vẫn phải đợi tới khi Nguyễn Du Tiên sinh chọn thể thơ lục bát để ký thác tâm sự mình, qua trường thiên “Ðoạn Trường Tân Thanh,” (dân gian quen gọi là “Truyện Kiều,”) lúc đó, lục bát mới chính thức trở thành một thể thơ có đầy đủ tính văn học ở mọi khía cạnh.
Ðặt qua một bên nghệ thuật tả cảnh, tả tình, tâm lý, triết lý, tâm sự, phản ảnh xã hội, thời đại sống của mình v.v… căn bản lục bát của Nguyễn Du Tiên sinh là “kể chuyện.” Vị cha già của lục bát Việt Nam, (nếu tôi được phép gọi như vậy,) là một nhà văn kể chuyện (Story Teller) cực kỳ tài hoa, uyên bác.
Nói cách khác, Lục bát của Nguyễn Du Tiên đã sinh trở thành “khuôn vàng thước ngọc” ảnh hưởng vào dòng chảy lục bát của văn học Việt mấy trăm năm sau. (3)
Tiêu biểu cho sự kiện này là nhà thơ Nguyễn Bính, một nhà thơ nổi tiếng từ thời Tiền chiến. (4)
Không kể những bài lục bát dài hàng trăm câu trở lên, như bài “Lỡ Bước Sang Ngang,” ở những bài lục bát khác ngắn hơn, như bài “Trăng Sáng Vườn Chè,” vỏn vẹn chỉ có 10 câu, nhưng nó vẫn là dạng kể một câu chuyện.
Một trong những bài lục bát cuối cùng của sự nghiệp thi ca đồ sộ của tác giả “Lỡ Bước Sang Ngang,” bài “Tỉnh Giấc Chiêm Bao,” đăng trong giai phẩm “Trăm Hoa,” Hà Nội, 1956, cũng vẫn ở dạng kể chuyện, rất có lớp lang, thứ tự:
Chín năm đốt đuốc soi rừng,
Về đây ánh điện ngập ngừng bước chân.
Cửa xưa mành trúc còn ngân
Góc tường vẫn đọng trăng xuân thuở nào…
Tuy nhiên, cùng thời gian đó, khi Huy Cận, tác giả “Lửa Thiêng” xuất hiện thì, ông đã cho lục bát một gương mặt, một chiếc áo mới. Nói cách khác, lục bát Huy Cận, đóng vai trò chấm dứt chu kỳ lục-bát-kể-chuyện kéo dài từ thời Nguyễn Du.
Lục bát Huy Cận chẳng những không nhắm mục đích kể lể thứ tự các sự việc mà, nó cũng không mô tả một biến chuyển tâm sinh lý nào. Nó là một chuỗi hình ảnh nối tiếp nhau qua tương tác rất máu thịt với chữ, nghĩa. Tôi muốn nói tới nỗ lực vận dụng những con chữ một cách tân kỳ, sáng tạo. Ðể tự thân hình ảnh và, chữ nghĩa sẽ mang tới cho người đọc những cảm ứng sâu, rộng khác nhau, tùy tâm hồn, trình độ mỗi người đọc.
Với lục bát mới của Huy Cận, độc giả không còn bị nhốt trong những ý, tình được định hướng sẵn bởi tác giả. Người đọc cũng không bị trói tay, chân trong một không gian với một khí hậu bất biến.
Vì không gian trong lục bát Huy Cận là không-gian-mở, nên những liên ảnh (link-image) trong thơ của tác giả “Lửa Thiêng” cũng không diễn biến theo một trật tự cố định nào.
Thí dụ, Huy Cận mở đầu bài “Thu Rừng” của mình bằng hai câu:
Bỗng dưng buồn bã không gian,
Mây bay lũng thấp giăng màn âm u.
Rồi bất ngờ ông “giới thiệu” với những người đọc, một sinh vật:
Nai cao gót lẫn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.
Con nai trong hai câu thơ trên, không hề là hình ảnh đại diện hay “thay mặt” cho tác giả. Nó cũng không giữ một vai trò mang tính ẩn dụ (metaphor) nào. Nó là chính nó. Nó là một phần của cái “không gian buồn bã” – Như một điểm nhấn (making a point) sinh động trong bài thơ (bức tranh) đẫm ướt mùa thu này.
Cũng thế, mở đầu bài thơ “Thuyền Ði,” Huy Cận viết:
Thuyền đi, sông nước ưu phiền;
Buồm treo ráng đỏ giong miền viễn khơi.
Sang đêm thuyền đã xa vời;
Người ra cửa biển nghe hơi lạnh buồn.
Ông dẫn người đọc đi thẳng vào bài thơ (đúng hơn vào không gian thơ) của ông mà, không cần một rào đón, chuẩn bị tâm lý nào cho người đọc. Suốt bài thơ, người ta cũng không thấy dù thấp thoáng chủ thể (nhân vật) như lục bát cũ.
Ngay bài “Buồn Ðêm Mưa,” một trong vài bài lục bát được nhiều người biết đến nhất của Huy Cận thì, nhân xưng đại danh tự “Ta,” xuất hiện duy nhất một lần trong bài thơ, cũng không phải là cái “Ta” của chủ thể. Hay cái “Ta” của nhân vật. Mà cái “Ta” phiếm-chỉ trong bài thơ, chỉ là chiếc cầu nối, giữa trời đất, và cảm thức nhỏ bé của con người trong bao la mà thôi. Người đọc không thấy một Huy Cận riêng tư nào trong toàn thể bài thơ:
Ðêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la…
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn…
Lại nữa, nếu phải đi tìm một “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt cõi giới lục bát Huy Cận thì đó là tinh thần hoài cổ, rất gần với khí hậu thơ Bà Huyện Thanh Quan thuở trước:
Ðồn xa quần quại bóng cờ
Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về
(Trích “Chiều Xưa,” Huy Cận)
Nó đúng như tinh thần hai câu thơ nổi tiếng của ông:
Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu.
(Trích “Ê Chề,” Huy Cận.)
Theo tôi, đó là những nét đặc thù trong lục bát Huy Cận. Còn lục bát Cung Trầm Tưởng thì sao?
Chú thích:
(3): Theo Wikipedia thì tác giả Truyện Kiều sinh năm 1765, mất năm 1820. Ngoài Truyện Kiều, Nguyễn Du còn để lại một số tác phẩm tiêu biểu như: Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh. Văn Tế Sống Hai Cô Gái Trường Lưu. Thác Lời Trai Phường Nón (bằng chữ Nôm). Ba tập thơ chữ Hán là: Thanh Hiên Thi Tập, Nam Trung Tạp Ngâm, và Bắc Hành Tạp Lục.
(4): Nhà thơ Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính. Ông sinh 1918, mất năm 1966.
(5) Nhà thơ Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ. Ông sinh năm 1907, mất năm 1989.
(6) Nhà thơ Huy Cận tên là Cù Huy Cận. Ông sinh năm 1919, mất năm 2005.
***
Trường phái lục bát Cung Trầm Tưởng
Du Tử Lê
(Tiếp theo và hết)
Tôi không biết có phải định mệnh đã mang đến cho sinh hoạt văn chương của chúng ta, một hạnh ngộ giữa lục bát Huy Cận và, lục bát Cung Trầm Tưởng? Hay đó là “bước trùng” của hai tài thơ lớn ở thể thơ truyền thống, đặc thù Việt?
Nhà thơ Cung Trầm Tưởng
Với tôi, Cung Trầm Tưởng không chỉ đi tiếp con đường lục bát Huy Cận mà, họ Cung còn đẩy vận hành của một chu kỳ lục bát tới chỗ rốt ráo của nó. Hai chữ “rốt ráo” tôi dùng ở đây, xin hiểu theo nghĩa Cung Trầm Tưởng, bằng vào tài hoa và trí tuệ của mình, đã hoàn tất một thời kỳ lục bát. Ðem lục bát ra khỏi bóng rợp của giai đoạn lục-bát-kể-chuyện, kéo dài mấy trăm năm, kể từ khởi điểm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Tuy vẫn xây dựng lục bát của mình trên căn bản nhịp chẵn: 2-2-2 cho câu sáu và, 2-2-2-2 cho câu tám:
“Bù em / góp núi / chung đồi (2-2-2)
“Thiêu nương / đốt lá / cũng rồi / hoang sơ” (2-2-2-2)
(“Kiếp Sau,” CTT.)
Hoặc nhịp đều 3-3 cho câu sáu, 4-4 cho câu tám:
“Ôi thông xanh / ôi hồng đào (3-3)
“Phong rêu mấy thuở / hồn nào không đau” (4-4)
(“Thu ngây,” CTT.)
Nhưng lục bát Cung Trầm Tưởng đã vượt khỏi cái không gian núi, đồi, cồn, bãi, sông, nước, mây, gió, trăng, sao… của lục bát Huy Cận:
“Bỗng dưng buồn bã không gian
“Mây bay lũng thấp giăng màn âm u
(H.C.)
Hay:
“Canh khuya tạnh vắng bên cồn
“Trăng phơi đầu bãi, nước dồn mênh mang.”
(H.C.)
Theo tôi, những hình ảnh như núi, đồi, cồn, bãi, sông, nước, mây, gió, trăng, sao… đó, nếu không đi liền với những liên tưởng là những hình ảnh, những biểu-ngữ (signifier) hoặc những hoán dụ (metonymy) thì chúng chỉ là những sáo ngữ, đã bị “cliché.” Chúng thiếu sinh khí. Rời xa đời thường. Không cùng nhịp đập thời đại. Không chủ thể. Và, khi toàn bộ hồn vía bài thơ chỉ bảng lảng những đám mây hoài cổ thì, nó sẽ khó có được cho nó tính nhân loại!
Cung Trầm Tưởng, ngược lại.
Chẳng những ông công khai ném mình ra “tiền trường” của thổ-ngơi bài thơ với một thời gian, không gian chuẩn xác:
“Mưa rơi đêm lạnh Saigon
“mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi”
(“Ðêm sinh nhật,” CTT.)
Mà, ông còn đem hình ảnh tạp của đời thường, hợp hôn với những ý niệm siêu hình vào trong thơ của mình, như:
“Bãi nhăn nhàu vết lăn xưa
“Một xe thổ mộ giờ trơ gỗ gầy.”
(“Ðất Nghĩa một chiều mưa,” CTT.)
Hoặc:
“Quả đào chín vỡ làm đôi,
“Tôi nhân tiền sử nằm phơi trần truồng.”
(“Nấm xanh,” CTT.)
Hoặc nữa:
“Bát cơm miếng cháy khê vàng,
“Miệng chua khó nuốt, địa đàng khó lên.”
(“For rent,” CTT.)
Hay, đời thường một cách nhân loại hơn:
“Trời hay thu khóc ủ ê?
“Cổ cao áo kín đi về đường tôi.”
(“Ðêm sinh nhật,” CTT.)
Với “cổ cao áo kín đi về đường tôi,” họ Cung đã san bằng khoảng cách giữa thi sĩ và người đọc. Nó là phản ứng tự nhiên của con người (dù ở đâu,) trước thời tiết.
Thêm nữa, mỗi con chữ trong câu thơ “cổ cao / áo kín / đi về / đường tôi,” nếu đứng riêng, chúng là những biểu-ngữ xác tín cá tính chủ thể. Nhưng khi đứng chung trong dòng chảy của một nguồn mạch ngữ nghĩa thì, chúng lại là một liên lập hình ảnh vừa ẩn dụ (metaphor) vừa hoán dụ (metonymy) như một xâu chuỗi lấp lánh tu từ (rhetoric).
Chỉ cần một chút chú ý, người đọc sẽ gặp được rất nhiều những xâu chuỗi lấp lánh tu từ như thế, trong lục bát họ Cung. Thí dụ:
“Mình tôi với phố non cao
“Tàu như dưới tỉnh núi còn vọng âm.”
(“Khoác kín,” CTT.)
Hoặc:
“Muối nồng vị mặn tình quê
“Sóng ôm nguyên gói biển về tặng tôi.”
(“Quà biển,” CTT.)
Ở đây, tôi xin được mở một ngoặc để nhấn mạnh, bài thơ trên, họ Cung viết từ năm 1962. Nhưng với hai chữ “nguyên gói” thì nó giống như ông mới viết hôm nay, 2012 vậy.)
Cũng vẫn khởi đi từ tài hoa làm mới, làm giầu ngôn ngữ Việt, lục bát Cung Trầm Tưởng thơm tho những xâu chuỗi tu từ, như:
“Trời nong chặt nỗi thu phiền
“Hồn cây hồng mộc ngợp miền thu Tây.
(“Thu ngây,” CTT.)
Hoặc nữa:
“Thôi em xanh mắt bồ câu
“Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau.”
(“Kiếp sau,” CTT.)
Ở 2 câu lục bát trong “Thu ngây,” thì “nong” là động từ cụ thể. Trên nguyên tắc “nong” phải đi liền với một bổ túc từ cũng cụ thể. Nhưng Cung Trầm Tưởng đã làm một cuộc cách mạng ngôn ngữ (cho riêng ông.) Khi bổ túc từ theo sau động từ “nong” của ông, lại là một cụm từ trừu tượng: “nong… chặt nỗi ưu phiền.”
Cũng thế, khả năng khoác cho chữ nghĩa một linh hồn mới của họ Cung, còn rõ ràng, dễ nhận thấy hơn nữa, qua câu thơ:
“Thôi em xanh mắt bồ câu.”
Ðơn giản, nếu phải so sánh hay liên tưởng mầu xanh đôi mắt người yêu của mình, người ta thường nghĩ ngay tới mầu xanh đại dương, mầu xanh mây trời…Tôi chưa thấy ai so sánh mầu xanh đôi mắt người yêu của mình với mầu… xanh của mắt… bồ câu! Mặc dù, tới nay, nhân loại chưa phát hiện một loại bồ câu nào có đôi mắt mầu… xanh!
Lại nữa, tôi nghĩ, ngay với thơ lục bát bây giờ, chúng ta cũng khó thấy những câu thơ lãng mạn, pha lẫn chút tự trào, như:
“Chờ em anh để râu xanh
“Lòng xây bốn bức tường thành giam em.”
(“Râu xanh,” CTT.)
Hoặc:
“Tặng em một gã lo xa,
“Vành trăng tươm tất, bình hoa bày bàn.”
(“Lẩn thẩn,” CTT.)
Cũng như nỗ lực nhân cách hóa đẹp tới bất ngờ, như:
“Sóng dâng còn ngấn môi kề
“Ðêm hôn bãi nhớ, sớm về viễn khơi.”
(“Quà biển,” CTT.)
Tuy nhiên, quan trọng hơn, đáng kể hơn nữa, vẫn theo tôi thì, tài hoa và trí tuệ Cung Trầm Tưởng nằm nơi nỗ lực cởi bỏ giới-hạn-không-gian-lục-bát – – Ðể từ đó, nhân loại tính hiện ra như một cuộc “giải phóng” triệt để, quyết liệt. Chúng tôi xin bạn đọc lại một lần nữa câu thơ:
“Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau.”
Ðó là một câu thơ vẫn mang tính liên lập hình ảnh (vừa ẩn dụ, vừa hoán dụ) như một xâu chuỗi lấp lánh tu từ, rất Cung Trầm Tưởng… Nhưng ở phương diện ngữ-nghĩa thì “tóc vàng sợi nhỏ” là một thứ thẻ nhận dạng Tây Phương. Cũng ý đó, cụ thể hơn, một năm sau (năm 1957,) ông viết:
“Thôi Diane diễm kiều Âu,
“Mẫu hình yểu điệu xin hầu kiếp sau.”
(“Kiếp sau nữa,” CTT.)
Tóm lại, Cung Trầm Tưởng không chỉ đi tiếp con đường lục bát Huy Cận mà, ông còn đẩy vận hành của thời kỳ lục bát mới, tới những không gian, những ngữ-cảnh, ngữ-nghĩa mà trước đó, lục bát không hề có.
Nếu không có cuộc “giải phóng” lục bát một cách dứt khoát, quyết liệt của họ Cung, đồng nghĩa với nỗ lực kết thúc chu kỳ vận hành của một thời kỳ lục bát, tôi e hôm nay, chưa chắc văn học Việt đã có thể bước qua một thời kỳ lục bát khác nữa, như đã thấy.
Nhìn lại 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, trong lãnh vực thi ca, chúng ta có khá nhiều nhà thơ thành danh nhờ ứng dụng xuất sắc kỹ thuật, cũng như cải biên (modify) hình ảnh, ý tưởng của một số thi sĩ nổi tiếng của Âu Châu – Nhưng với thể thơ truyền thống, đặc thù lục bát thì, đóng góp của họ Cung cho thể thơ thuần Việt này, là một đóng góp cực kỳ to lớn. Mức độ to lớn ở đây, còn còn được đo định bằng sự kiện có nhiều nhà thơ đã hân hoan đi theo con đường lục bát Cung Trầm Tưởng!
Vì thế, nếu lục bát của họ Cung có được coi là một “trường phái” – “Trường phái lục bát Cung Trầm Tưởng,” thì tôi nghĩ, cũng không là một lời nói quá!
Du Tử Lê
Nguồn: http://www.saungon.net/tbl/index.php?itemid=1509&catid=6
Lấy từ Nguồn:nguoiviet.com- Wednesday, June 20, 2012 1