Văn học miền Nam 54-75 (266): Thảo Trường (2)

Thảo Trường, Nhà Văn Dấn Thân Với Nỗi Ý-thức Không Rời…

Nguyễn Vy Khanh

Lời mở: Cuối năm 2005, nhà văn Thảo Trường vừa cho xuất-bản tác-phẩm thứ 20 của ông, tập truyện Miểng (Quyên Book). Chúng tôi nhân đây giới thiệu tổng quan những điểm chính của sự nghiệp nhà văn qua các tác-phẩm chúng tôi đã có thể tham khảo ở hải-ngoại.

-1-

Miền Nam Việt Nam (1954-1975) đã là vùng đất màu mỡ sung-mãn cho một nền văn-nghệ tự-do, khai-phóng và đa dạng nhất trong lịch-sử văn-học Việt Nam thời hiện-đại. Trong khi miền Bắc treo bút và cầm tù những văn-nghệ sĩ Nhân văn – Giai phẩm và tất cả những ai không bẻ cong ngòi bút tuân hành những chính-sách và nghị-quyết văn-hóa của Đảng, miền Nam đã chứng kiến một hồi-sinh văn-nghệ từ những người kháng chiến trở về và từ những người di cư từ miền Bắc và Trung; riêng những người sau họ đến miền Nam với hành trang văn-nghệ và trí-thức. Tất cả hòa nhập vào giòng văn-nghệ đã lớn mạnh từ những năm cuối thế kỷ XIX, nơi đó báo chí và xuất-bản phẩm đã có một quá trình lịch-sử và cũng nơi đó, một truyền-thống văn-nghệ trình diễn đã ăn sâu vào lòng người dân.

Thật vậy, trong khi miền Bắc trói buộc người văn-nghệ sĩ sáng tác theo khuôn mẫu khắc nghiệt của một nền văn-nghệ “phải đạo”, sáng tác trở thành chỉ thị, tuyên truyền, thứ văn-chương không thể làm rung động và hấp dẫn người đọc – những con người thực, thì trong Nam, các nhóm Sáng Tạo, Bách Khoa, thơ tự-do, văn-chương hiện sinh, tiểu-thuyết mới, v.v. đã nở rộ và lan từ thủ đô Sài-gòn ra đến các tỉnh miền Trung và lục-tỉnh. Sau khi tiếng súng đảo chánh nổ lên ngày 1-11-1963, văn-học đã rẽ sang một lối khác, có vẻ tự-do hơn nhưng thực sự khó khăn và rồi theo đà leo thang của cuộc chiến, đã xâm nhập những vùng nhạy cảm và đã phải thám hiểm cả những bề sâu của ý thức và tình cảm. Trong không khí chiến-tranh mở rộng và đụng chạm đến tất cả mọi tầng lớp dân chúng, lao động, học sinh, sinh viên cũng như trí thức đó, đã xuất hiện một số tác-giả “dấn thân” đồng thời với văn-chương xám. Xám vì đi ngoài quỹ đạo xuất-bản chính thức nhưng phần lớn vẫn phải thông qua chế-độ kiểm duyệt. Những tạp-chí Hành Trình (1964-1965), Trình Bầy (1966), Đất Nước (1967-70), Đối Diện (1969) … nối tiếp nhau phát biểu một cái nhìn không chính thức và có vẻ đáp ứng một lương tâm muốn thẳng thừng, chân thành, … của người bên này chiến tuyến. Nhà văn Thảo Trường đã xuất hiện trong tình cảnh đó của đất nước. Các truyện ngắn Ông Du Đãng, Mặt Đường, Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp, Cái Mặt Người,… của ông trên Hành Trình, rồi những Rụng Rời Tay Ngọc, Chấm Dứt, Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục, … trên Đất Nước đã thuộc về mảng văn-học dấn thân này. Tuy nhiên, ông đã bắt đầu viết trước đó với các truyện ngắn đăng trên tạp chí Sáng Tạo (Hương Gió Lướt Đi, Riêng Tư, Làm Quen, Màu Và Sắc, …). Thử Lửa, tập truyện ngắn đầu tay do cơ-sở Tự Do xuất bản năm 1962, đã loan báo chiều hướng của cây bút Thảo Trường. Phần lớn của 13 truyện ngắn xem như đầu tay này đã nói lên những băn khoăn, trăn trở của một thanh niên trẻ – là tác-giả thời đó (ông sanh 25-12-1938). Làm người Việt Nam không dễ, chỉ vì “hai chủ nghĩa khác nhau mà thành thù địch”! Phải “quạt khói đen ra khỏi sông núi” mới nhận biết bên kia sông có người! Nhìn quê-hương chiến-tranh để nhìn ra người (Làm Quen)! Trong Cái Hố, nhân-vật chính qua chuỗi sự việc diễn biến đã bùng mở ý thức về cuộc đời, con người, như một hành trình hiện sinh của ý thức! Cuộc đời có khi bị nhìn như thừa thải, vô ích, nhưng khi sống khó khăn (nhân-vật Lại phế binh bị cụt hai chân phải ngồi xe lăn) thì lại ham sống! Tìm ra được ý nghĩa sự sống, cuộc đời và con người thì đã phế tật! Một số phê-bình thời bấy giờ đã nghi ngờ con đường ý thức mà Thảo Trường đã bước những bước đầu trong tập truyện này.

Đến truyện-vừa Chạy Trốn do nhà Nam Sơn xuất-bản năm 1965, Thảo Trường thật sự đánh dấu một dứt khoát của dấn-thân và của một ý-thức muốn khác dòng tâm-thức đang thịnh-hành. Thật vậy, cùng với những trí thức, giáo sư đại học, trung học và nhà văn “cấp tiến” khác (Nguyễn Văn Trung, Trịnh Viết Đức, Lý Chánh Trung, Thế Nguyên, các LM Thanh Lãng, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, …), và khác với một dòng vận động trí thức khác, mạo danh “dân tộc”, của những kẻ nằm vùng (Lữ Phương, Vũ Hạnh, Ngụy Ngữ, Trang Thế Hy, Trần Hữu Lục, Thế Vũ, . ..), Thảo Trường đã, qua các sáng tác văn-chương, vạch một ranh giới giữa vô thức và ý thức tích cực, giữa một dấn thân dù chân trời chưa rõ nét và một buông tay, chịu trận số-phận. Chạy Trốn là chuyện của Lực, suốt đời chạy trốn và “không có lúc nào được nhìn về chính con người của nó. Đôi mắt nó từ lâu rồi luôn luôn phải lừ lừ nhìn về xung quanh đề phòng…, một con quay không ý thức được về mình”(tr. 25). Chạy trốn lính lê-dương để Hiền, cô bạn gái bị bọn người ngoài dày xéo. Chạy di cư vào Nam sống, vẫn không thoát chiến-tranh, người thanh niên bất an vì cứ mãi tìm kiếm, định vị! Lực “muốn chối bỏ mọi kỷ-niệm, mọi quá-khứ. Muốn phủ nhận cả lịch-sử mà, người ta thường trưng ra bốn nhàn năm văn-hiến để tô son hôm qua, chứng minh hôm nay và bảo đảm cho ngày mai. Muốn phỉ nhổ những kẻ bịp bợm lường gạt hiện tại và ngụy trang tương lai. (…)Tôi muốn hủy bỏ lý-lịch hộ tịch tôi, … tôi từ chối tôi. Tôi chưa có tôi. Tôi phủ nhận cái tôi quá-khứ, tôi không trách nhiệm cái tôi xưa kia. Tôi xin được không ơn huệ gì công sinh thành, tôi xin được ta thứ cho tôi để tôi bắt đầu lại…” (tr.33-4). Lực đi lính cộng-hòa, phải theo chiến-tranh bom đạn và sống giữa những xác chết, của kẻ thù vă cả của đồng đội! “Cuộc chiến-tranh bây giờ là một cuộc giằng co khổ cực và giai dẳng. Giải đất quê-hương không còn là những hình ảnh êm đềm. Quê-hương đã bị dầy xéo, đã bị ung nhọt…” (tr.37). Quê-hương đích thực không còn, trở nên xa lạ vì đã bị những kẻ cướp nhân danh đủ thứ chân lý. Mỗi con người là một hoang đảo, một kẻ khác, không ai cứu được ai. Tin được ai. Suốt ngày hành quân, Lực đạp lưỡi chông và phải mang “hai vết sẹo trên mu bàn chân và hai vết sẹo dưới bàn chân”. Trong một giao chiến toán tử thương hết chỉ còn lại bốn người, Lực mới nghĩ đến “đứng lại”: “Tôi yêu em nhưng tôi chưa bao giờ giám đứng lại bên em mà nói rằng ‘Anh yêu em vô cùng Lệ ơi, Oanh ơi’; tôi luôn luôn là kẻ chạy trốn kể cả trước tình-yêu của em. Tôi chưa bao giờ có can-đảm nói một câu dể nhận trách-nhiệm cả đời em. Vì thế với nhau chúng ta vẫn là kẻ xa lạ. Vì thế rồi tôi sẽ mất em. Lệ ơi, Oanh ơi! Tôi không thể sợ hãi đời sống mãi thế. Tôi phải đứng lại. Nhất định tôi phải đứng lại” (tr.. 53).

Nếu trong tập Thử Lửa, chiến-tranh huynh-đệ đã được tác-giả cảm nhận, thì đến Chạy Trốn chiến-tranh đã trở thành hiện thực và nỗi nhức nhối có tính cách hiện-sinh. Tư tưởng hiện sinh trong tác-phẩm dù không dày về số trang và câu chuyện về một thanh niên tầm thường mà cuộc đời không có gì ngoại hạng. Nhân-vật của Thảo Trường nói chung tự do nhưng ít cô độc hơn các nhân-vật của Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, v.v. Mọi người (người yêu, người bạn) là kẻ xa lạ của nhau, không ai cứu được ai (đồng đội), mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về mình. Nhân-vật thứ hai là Tiến, đồng đội của Lực:”Từ nhỏ đến lớn tao chưa tìm đâu ra nơi để tham gia mình vào. Tao nhìn nhận tự do là một cực hình. Tao tự do nhưng tao không biết quyết định ra sao cả (…)Tao thèm gia nhập như tao thèm sống … để được nói một câu rằng ‘tôi có mặt’” (tr. 53). Nếu chạy trốn là để tìm đường sống cho họ và gia-đình họ sống chung trong tháp canh ở đầu một chiếc cầu nhỏ. Cây cầu ở đây là hình ảnh của gia tài chung của hai miền huynh đệ nay bị thế lực ngoại bang phân rẽ. Cuối truyện, anh bộ đội “đảng viên tám tuổi” nhưng “chưa có lúc nào thành thực được với mình” do đó tuyệt vọng, có nhiệm vụ kêu gọi đầu hàng thì rốt ra lại xin theo phe quốc-gia: “tôi cần phải chạy trốn”. Nhưng ai dám tin, “cái đau đớn nhất của con người thời đại này là có những trường hợp tuyệt vọng, họ đi tìm kiếm một niềm tin nhưng không có ai tin ho.ỳ (…)Xin anh cho tôi ở lại đây. Xin anh tin cho tôi lấy một lần để tôi có được cái ảo tưởng rằng mình còn có một chỗ để chạy trốn” (tr. 77-8)! Lúc đó nhân-vật Tôi đối đầu với cái định mệnh trớ trêu “tôi chợt nhận ra tôi có mặt nơi đây và tôi sắp quyết định, không những cho riêng thân-phận mình mà còn cho những kẻ khác. Và tôi thấy tôi bé nhỏ một cách đau đớn”(tr. 79). Cùng ý “chạy trốn” nhưng đối với mỗi cá nhân – các nhân-vật Tôi, Lữ, Tiến phía này và anh chính trị viên phía kia, hiện-sinh đã mang những ý nghĩa khác nhau!

Các tác-phẩm xuất-bản tiếp sau trong thời văn-học tự-do còn có Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Chung Cuộc (1969, chung với Du Tử Lê), Th. Trâm (1969), Bên Trong (1969), Ngọn Đèn (1970), Mé Nước (1971), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Bên Đường Rầy Xe Lửa (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Lá Xanh (1972), Hà-nội, Nơi Giam Giữ Cuối Cùng (1973) và Cát (1974). Sau khi ông tái định cư ở Hoa-kỳ năm 1993, năm 1995 nhà Tin ở Paris đã xuất-bản Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai, kế đó là các nhà Đồng Tháp, Quan San, Đầm Sét và Quyên Book xuất-bản Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002) và Miểng (2005).

-2-

Tác-phẩm Thảo Trường trước và sau 1975 đều là của một thế-giới khủng hoảng, nơi đó con người chân-chính phải lên đường, dấn thân, đi tìm, chịu mọi thua thiệt và cả phải “tử đạo”. Nhà văn ở đây tự nhận trách nhiệm, tự phân công tác phải góp công soi sáng, phải ra đi, lên đường, bằng chính bản thân, vì không gì cụ thể và trung-thực hơn. Nói chung, đó là một đối kháng liên tục, những tra vấn không ngừng của con người trí thức, “cấp tiến”, trong một xã-hội, đất nước đang lâm chiến và kéo dài, một cuộc chiến-tranh huynh đệ trong khung cảnh tranh chấp ý thức hệ của cái gọi là “chiến-tranh lạnh” của tương tranh quốc tế về sau biến dạng thành tranh hùng quốc-cộng nay vẫn còn tiếp tục. Cuộc chiến khiến xã-hội phân chia nông thôn và thành thị thành hai thế-giới tương phản nhau, riêng nơi đô thị vốn yên ổn hơn thì lại đầy bất công, thối nát, một xã-hội sụp đổ và con người hoang mang, mất mát! Ngoài một số tiểu-thuyết thời-thượng về xã-hội nhốn nháo vui chơi thời chiến như Ngõ Tối hoặc Bà Phi (đăng báo) thuộc khuynh-hướng Văn Quang, Hà Huyền Chi, v.v., Thảo Trường đã có những tác-phẩm “nội-dung” mà chúng tôi thử phân tích trong bài này.

Chiến-tranh có những tàn phá và hậu quả bi đát của nó, như chuyện Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp, sống giữa nhiều lằn đạn và loại người – hoặc nói khác, cùng một con người Việt Nam nhưng nhiều ý-thức hệ kình chống nhau! Con “kinh rộng độ mười thước, nước đục lờ đờ, vài cây bèo cam phận hẻo lánh. Nhà cửa rải rác ẩn hiện dưới những tàng cây. Rất nhiều những con lạch nhỏ ăn thông từ cánh đồng ra lòng kinh.. Đường mòn đã chật chội lại khúc khuỷu bởi những cây cầu khỉ bắc ngang những con lạch đó. Nhà chị Tư ở khoảng giữa con kinh, gần bến đò, cuối đường đi vào Tháp. Chị Tư sống và lớn lên ở đây. Ngoài thời gian mấy tháng phải về binh vận tại chợ quận, chị Tư không hề biết đến đời sống rộng lớn của cái thế giới này. Con kinh đã cô lập chị trong những kỷ niệm chật chội.. Thật vậy, chị Tư chưa đi xa hơn đầu con kinh, chị Tư chưa đi quá chợ quận. Chồng chị tập kết từ mười năm nay không về ( …). Những anh cán bộ vẫn tiếp tục chuyền từ nhà nọ sang nhà kia, hết rỉ tai từng người lại tập trung cả xóm học tập. Chị Tư biết đến những tiếng Tự do, Dân chủ, Độc lập, Hạnh phúc, Căm thù, Đả đảọ và nhiều tiếng nữa.. Nhưng rồi chừng hơn một năm sau quân đội đến. Những anh cán bộ liền vắng mặt. Mẹ con chị Tư lại được biết thêm một số tiếng lạ nữa. Chị đi làm Ấp chiến lược, chị học tập chính trị “tam túc”, “tam giác” trong vòng đai kẽm gai và bờ đất. Đồn dân vệ được xây cất lại với bộ mặt mới. Yên được một dạo. Nhưng rồi những anh cán bộ lại ẩn hiện, lại mò mẫm rỉ tai trong đêm tối. Rồi đồn dân vệ lại nổ súng và cháy trụi. Ấp chiến lược thành ấp chiến đấu. Mấy anh cán bộ lại học tập. Mẹ anh Tư chết vào thời kỳ này và không biết bà chết vì bệnh gì. Chị Tư lúc này đã trở nên một người biết tới hai chủ nghĩa, cộng-sản và nhân vị. Chị có thể nói rất trôi chảy về những chủ nghĩa đó vì chị đã được nghe quá nhiều lần (…)”

Sống như thế trong vùng sôi đậu, chị Tư lên chợ quận ở cùng với một cán bộ giả dạng làm em trai để làm công tác binh vận theo chỉ dẫn của các đồng chí cán bộ. Làm binh vận thì phải làm “quen với một anh binh sĩ truyền tin trong quận. Chú em trai của chị cũng trở thành một anh dân vệ trong quận.Thời gian này chị Tư quên đi mất hình ảnh anh Tư, vì chị Tư đã được sống lại những cảm giác khoái lạc đến hỗn độn với anh binh sĩ truyền tin và “chú” em trai cán bộ. Chị dãy dụa trong những niềm hoan lạc tràn ngập đó. Một hôm, cái thai trong bụng chị máy động”. Mang thai với một người cầm súng nào đó và sanh con trong sự che chở của người sĩ quan hành quân vốn là cái đích mà chị Tư muốn giết theo lệnh cán bộ khi gài lựu đạn trên cây với tấm biểu ngữ đả đảo đế quốc Mỹ làm chết hai người lính quốc-gia. Tác-giả kết với lời nhắn: “Nhắn-tin: Nhắn cậu nhỏ mang dòng họ cùng với tôi, hai mươi năm nữa, cậu khôn lớn (lời nhắn tin này chỉ gửi đến cậu khi cậu đã trên hai mươi tuổi), lúc đó tôi không biết cậu sống trong hoàn cảnh nào, trong một xã hội nào. Cậu cho tôi xin cậu một điều là, trước khi cậu hành động, trước khi tranh đấu, trước khi cách mạng, trước khi biểu tình, trước khi đảo chánh, trước khi lật đổ, trước khi hành quân, trước khi thuyết pháp, trước khi cầu nguyện, trước khi hội thảo, trước khi thụt két, trước khi hành lạc, trước khi đập phá, trước khi hy sinh… nghĩa là trước khi quyết định làm một việc gì, xin cậu … chỉ xin cậu hãy nghĩ đến người đàn bà mang thai khốn khổ, hãy nghĩ tới những người mẹ bị rất nhiều chủ nghĩa với những danh từ hoa mỹ hành hạ. Xin cậu hãy nghĩ tới cái hình ảnh đó, tôi cầu xin cậu như thế, vì tôi chính là tên sĩ quan đã hành hạ mẹ cậu, đã đỡ đẻ cho mẹ cậu sau khi các đồng đội của tôi chết vì những thứ khẩu hiệu như cái khẩu hiệu “Đả đảo Đế quốc Mỹ” ấy”(ấn-bản Tin, tr. 13).

Thảo Trường đã khai tử người sĩ quan y sĩ của NĐBMTTKDT trong truyện Khẩu Hiệu viết năm 1993 (in trong Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai). Nhân-vật Tôi đã gặp lại người sĩ quan ấy mười lăm năm sau ở một trại giam tại miền thượng-du Bắc Việt. Lại những tranh cãi và đấu tố nhau vì những khẩu hiệu đả đảo. Và những cáng-đáng hiện-sinh của thân-phận người: chỗ ngũ được phân chia ở cạnh cầu xí. “Tôi đang hiện hữu, ở đây, một điểm nào đó trên hành tinh. Chỗ này là đâu, đây là đâu, tôi đang hít thở không khí mùi phân và nước tiểu, chỗ này, vậy là tôi có mặt ở chỗ này, vậy là tôi có thực, chỗ này có thực. Và tôi đang sống là có thực”. (tr. 21). Đến nước đó mà nhà văn còn thanh thản an nhiên, thế là tự tại thật rồi! Và cái chết đã đến với sĩ quan quản giáo và sĩ quan y sĩ quốc-gia, hai mộ phần nằm cạnh nhau “dưới chân đồi vùng Việt Bắc. Xa, rất xa quê anh và quê anh Để. Lại càng xa, rất xa nước Mỹ”. Tác-giả lại nhắn : “Nhắn tin: Nhắn cậu thanh niên ra đời sẩy thai, thiếu tháng, mang họ nhờ. Người đỡ đẻ và khai sinh cho cậu đã chết trong tù. Khi chiến tranh chấm dứt, cũng không thấy có một người đàn ông nào gọi là cha ruột của cậu trở về. Còn Mẹ của cậu nghe nói đã có một đời chồng khác. Không còn ai là người có liên hệ gia đình với cậu.. Nhưng những người biết chuyện này thì còn nhiều. Tôi nghe rằng cậu nay đã có vợ con và hiện làm ruộng ở đồng bằng sông Cửu Long. Lại cũng nghe rằng cậu đã vô đảng và đang là một anh Việt Cộng ở Sài gòn.. Lại cũng nghe nữa rằng cậu đã vượt biên và hiện đang ở đâu đó trên đất Mỹ. Vậy thì là cái gì bây giờ? Người ta, có khi, đã làm khổ làm sở lẫn nhau chỉ vì những cái khốn kiếp của những kẻ khốn kiếp nào đó bày đặt ra.

Truyện này phần trên viết trước 1975, đã đăng lần đầu trên tạp chí Hành Trình số 1(1) tại Sài gòn Việt Nam.. Sau 1975 trong một cơn sốt ở trại giam của cộng-sản, gặp lại nhân vật, tác giả bèn nẩy ra ý nghĩ viết thêm phần dưới.. Sau này, nếu có dịp, biết đâu đấy, lại mê sảng gặp lại cậu, ở đâu đó thì có thể tác giả lại phải kể nốt cái phần tiếp theo của cậu. Không rõ, khi ấy, người ta sẽ xài cái khẩu hiệu gì?” (TTTTBTG 1993, tr. 27).

Chiến-tranh bao trùm tác-phẩm của Thảo Trường. Từ kháng chiến theo di cư vô Nam. Chiến-tranh và giao động ý-thức hệ diễn ra đều đều trên chữ nghĩa của Thảo Trường. Cái thẹo nơi mu bàn chân của Thụ, người lính về thành phố, do dẫm phải hầm chông của địch, có lý do vì “anh không đồng ý cho chúng nó có mặt ở miền Nam này nên anh đã lội đi tìm chúng nó giết đi”. “Vết thương không ai đền được cả. Sự thiếu trống trong lòng tôi cũng không ai đền được cả”. À thì ra thế! “Cô mặc kệ tôi đi tìm lấy cho tôi những cần thiết. Tôi không tìm được thì kệ xác tôi”. Về thành phố tìm Hảo, “con đĩ” và cũng là người quen duy nhất của anh ở thành phố, anh bị cảnh sát dẹp biểu tình đánh, ghi thêm cái thẹo trên đầu. “Chúng nó” đánh anh rồi khi nằm bệnh viện đã lại ủy lạo anh. Anh đã không thể chấp nhận vết thẹo thứ hai gây ra do chính những kẻ được anh và đồng đội hy sinh ở trận tiền để họ được an vui, biểu tình, “Chúng nó thèm chống đối, thèm bạo động. (Vết thẹo) có mặt thực sự trên đầu anh như sự có mặt thực sự của những oán thù và đố kỵ trên xứ sở này” (Mặt Đường).

Thời chiến-tranh ở miền Nam cũng là thời tệ đoan tràn ngập, xã-hội băng hoại, phong hóa hết chỗ đùng. Quân đồng minh – Thảo Trường gọi là “xê-kài”, “xê-kỳ”: “Sư các chú. Các chú đáp xuống đất này được thì các chú cũng “dọt” đi được ngay. Chỉ có anh ở lại đây thôi mà. Nhưng không sao. Mỗi chú đến đây cũng đã nuôi được một gia-đình trong đám dân này”, nói như một nhân-vật trong Ông Du Đãng! Chiến-tranh ảnh-hưởng đến đời sống cá nhân đã đành, mà còn làm đảo lộn xã-hội cũng như văn-hóa. Chuyện những người làm sở Mỹ, nhất là phụ nữ đưa đến những tình cảnh dở khóc dở cười. Trong truyện Vết Tích (1969), vì chồng chết, một bà giáo được một người quen đưa đi làm bồi phòng ở chung cư người bạn “đồng minh”. Vết tích là “cái cục trong bụng. Cái cục nẩy sinh thật bất ngờ và tàn nhẫn” cũng “vì sự đùa rỡn nhảm nhí của người Mỹ quản lý đã làm cho người đàn bà quị ngã nhưng một phần cũng vì những viên thuốc mà hắn chìa ra cho bà xem. Hắn vỗ về bà trong căn phòng ngủ êm ái khi người Mỹ ngụ ở đó đi làm. Tên quản lý quả quyết với bà là không thể mang thai nếu như hắn không muốn và nếu như người đàn bà không muốn. Rồi trong một lúc bị kích thích đến cùng độ, bà giáo đã bằng lòng sử dụng cái viên thuốc đó. Nhưng cũng từ lần đó, bức tường ngăn chặn của bà đã sụp đổ, bao nhiêu khí giới cố thủ của bà giáo đương nhiên bị tước đoạt. Bà giáo bắt đầu đi vào một lối ngõ mà dần dần bà thấy nó quen thuộc cần thiết. Bà đi vào đó như một thói quen bằng những cử chỉ thường nhật. Một điều quan trọng nữa khiến bà giáo tiếp tục theo thói quen đó là sự kín đáo. Trong một phòng ngủ êm ái trên một cao ốc có lính gác, bà không bao giờ phải thắc mắc lo lắng đến chuyện lộ liễu. Bà không bao giờ phải nghĩ tới những sứt mẻ có thể xẩy ra cho cái danh dự của ông giáo để lại. Do đó mà thói quen đã đưa bà đi miết, đi hoài. Hết người quản lý này đến người quản lý khác. Rồi về sau cả đến người ngụ trong phòng bà dọn dẹp. Họ đều là những người từ phương xa. Họ không hề biết bà là một bà giáo được kính trọng trong xóm. Họ cư xử với bà thật bình dị và sòng phẳng. Nhiều khi còn mới lạ hơn những những điều bà được biết từ trước. (..)Khi người lạ đầu tiên kích động và xâm chiếm bà, bà nghĩ rằng đó chỉ là những tiếp xúc cơ hội không hậu quả. Người lạ thật đã đủ bảo đảm mọi an toàn. Bà không lo lắng gì hết. Những viên thuốc cũng như sự kín bưng của căn phòng mát lạnh đủ bảo đảm cho bà phủ phê tiêu xài những cảm giác cơ bản của con người. (…).Rồi ngày tháng qua đi, bà giáo sống đều đặn dễ chịu như vậy đến một ngày bà hoảng hốt thấy cái chu kỳ bài tiết hàng tháng của cơ thể bà gián đoạn. Bà rụng rời soát lại những lần trao đổi với những người lạ trong tháng vừa qua. Không lẽ nào những viên thuốc đó lại có viên không hiệu nghiệm. (…)Bà suy nghĩ lung mà không phát giác được. Nhưng có điều là “nó” đã ở trong đó. “Nó” đã là một sự thật bà đang phải chịu đựng và cưu mang. Từ bữa đó bà từ chối mọi thói quen trước. (…)Bà muốn cắt đứt mối liên quan với xung quanh. Phải chi bà chỉ có một mình.. Phải chi chỉ một mình bà sống ở nơi hoang vắng. (…)Bà phải bảo vệ cái hào quang xung quanh ông giáo trước mặt mọi người.. Bà không muốn người ta sỉ nhục bà. (…)Không đứa nào nhận cả nhưng “nó” vẫn có trong đó. Bà muốn thét lên. Vậy thì của ai? (…)Chỉ còn lại mình bà với nó, với sự đổ vỡ hoàn toàn. Một mình bà với nó càng ngày càng lớn, càng ngày càng trở nên một thứ có thật. Rồi bà phải làm sao đây? Rồi tôi phải làm sao đây?…”. Kẻ xa lạ đã xâm lấn ngay chính thân xác và ở lại đó với vết tích cái thai! Cũng như cuộc chiến 1957-1975, kẻ lạ thích thì tham dự, “ thật đã đủ bảo đảm mọi an toàn “, nhưng dọt lẹ khi hết cần đến, vết tích để lại còn trầm trọng hơn! Tại ta “không lo lắng gì hết”? Vì “những viên thuốc cũng như sự kín bưng của căn phòng mát lạnh đủ bảo đảm cho bà phủ phê tiêu xài những cảm giác cơ bản của con người.”?

Tết Mậu Thân (1968) đưa chiến-tranh vào thủ đô Sài-gòn và nhiều đô-thị khác. Chiến-tranh càng leo thang thì văn nhân, ý-thức, lương tri cũng bị đánh động một cách khủng khiếp hơn và đưa đến mảng văn-chương gọi là “phản chiến”, một mảng nhưng đa-loại chứ không đồng nhất. Qua Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục (1968), Thảo Trường đã ghi dấu cuộc chiến-tranh phức tạp, đa chiều và vẽ lên cái tâm trạng hoang mang của người dân lành nơi đô thị, đánh đổ huyền thoại thành phố là chỗ bình yên nhất thời chinh chiến! Thục, một đứa bé gái ngây thơ đã bị chiến-tranh làm cho phải trưởng thành bất thường một cách tội-nghiệp, với những vết thương và tang tóc, đổ nát! “Nhà của gia đình bé Thục ở khu còn lại đó. Bé Thục đang cầm một cây đinh loay hoay xoi một lỗ đạn trên tường nhà. Thục hì hục nhẫn nại moi cái đầu đạn nằm trong đó. Thục đã mất cả giờ nhưng mới chỉ nhìn thấy cái đuôi viên đạn đồng đỏ lòm. Mồ hôi vã ra hai bên má. Thục quì gối tiếp tục xoi. Thỉnh thoảng mỏi tay Thục lại bỏ cái đinh trên vỉa hè rồi vẫy vẫy hai tay cho đỡ mỏi. Thục ngồi nghỉ rồi lại tiếp tục”. Một người lính thuộc đơn vị trấn thủ khu vực hỏi, Thục cho biết muốn “moi cái đầu đạn trong đó để làm kỷ niệm”, đầu đạn kia đã bắn vào nhà mẹ con Thục, và “khoe” mẹ cũng có một cái đầu đạn “lấy từ ngực ba (..)Ba tôi chết rồi. Ba tôi là quận trưởng, ba tôi là đại úy …”. Trước đó Thục đã nhờ “hai người bộ đội mang súng vào nhà tôi ăn cơm, tôi có nhờ họ lấy hộ cái đầu đạn, họ quát tôi bắt ngồi yên ở xó nhà. Họ chỉ ăn, xong họ ngồi ngoài hiên, “họ ngồi chỗ chú đang ngồi”. (…)Người lính (quốc-gia) rút lưỡi lê cho vào cậy nơi lỗ đạn, lát sau lôi ra được một mẩu đồng nhỏ đã quăn queo, Thục cầm lên xem và hỏi: – Phe nào bắn vào nhà tôi ?

Người lính cầm cái đầu đạn xem xét một lúc rồi đưa trả lại cho Thục: – Đạn này nhãn hiệu Mỹ. Có thể bắn ra từ phe tôi, nhưng cũng có thể đã bắn đi từ phe hai người bộ đội. Vì phe nào cũng có thứ súng đó hết.

Thục mân mê cục đồng nói bâng quơ: – Như thế thì cũng khó hiểu thật, chú nhiƯ?

Người lính nhìn vào trong nhà nói với Thục: – Khó hiểu thật. Nhưng cũng may là nó đã không trúng vào em hay mẹ em, như viên đạn đã trúng vào ba em” (tr.20-21). Câu nói “Đạn này nhãn hiệu Mỹ” đã bị kiểm duyệt thời cộng hòa xóa, bản 1999 đã in lại đầy đủ nhưng với tác-giả thì ông đã xem đó như “vết sẹo của vết thương cũ trên thân thể một tác-phẩm văn-nghệ thời chiến-tranh”(TXCBHQ, tr. 6).

Mây Trôi (2000) vẽ bức tranh hiện thực của xã-hội cộng-sản, và với ngôn-ngữ của kẻ “thắng”! Sau 1975 thì đầy dẫy hoạt-cảnh đời sống và con người của chế độ bách chiến bách thắng nhưng thua ở da thịt, ở lạc thú cũng như lý-trí và con tim, v.v. và v.v. Ngụy thua nhưng con người của ngụy thơm, cung cách … hấp dẫn. Nàng cựu đảng viên bị tù hình sự, trong tù gặp rồi mê tù binh ngụy, tính chuyện ra tù ở chung. Một thứ “người cộng-sản, rạc rầy, vùng vẫy thoát ra khỏi nó mang theo nhiều thương tích” (tr. 113), bà cộng-sản níu kéo ông cộng hòa, đòi “yêu em theo kiểu cộng hòa đi anh”.

“- Ở lại với em anh sẽ làm chủ tất cả, em và của cải của em. Tất cả những thứ phi nghĩa.

– Nhưng cộng sản họ lại làm chủ anh.

– Không lo chuyện ấy. Tại các anh bị họ bỏ tù một lần nên anh nào cũng sợ, anh nào ra tù cũng chỉ mong chóng thoát ra nước ngoài. Như thế là chạy trốn. Anh đừng sợ gì cả. Với cộng sản nếu sợ là họ trấn áp, còn không sợ là họ cũng thua thôi. Em là… cộng sản em biết. Anh cứ ở lại yêu em chẳng ai làm gì được anh, không có đứa nào đụng được đến… lông chân anh. Chồng em cũng không làm gì được anh cho dù anh ta là đảng viên. Em tuy bị khai trừ nhưng em cũng đã từng là đảng viên, em bảo vệ cho anh, anh phải tin tưởng ở em, anh thân yêu ạ.

– Anh cũng rất muốn sống với em chứ.

Ông nói thế và cứ nghĩ đến nụ cười chúm chím mời gọi, đuôi mắt long lanh và nhất là hai vú thây lẩy. Người đàn bà sung sướng nhảy sà xuống chụp lên người ông. Thì ông lại bóp hai cái thây lẩy vậy. Điếu thuốc cháy rụi trên chiếc gạt tàn, lon bia sủi tăm không ai uống”(tr. 16-17).

Tận hưởng phút giây hiện tại, nhưng nỗi ý thức vẫn còn đó: “Anh là kẻ thất trận. … Kẻ thất trận chỉ phải ân hận nghĩ đến những nỗi đau khổ của những người đã lỡ theo phe mình trong cuộc chiến và những oán trách của những người đã lỡ kỳ vọng chờ đợi cái ngày được phe mình giải phóng không bao giờ xảy ra”. (tr.19)

Bên cạnh là chuyện anh chiến sĩ lái phế binh cộng-sản mù làm nghề tẩm quất khi đổi đời sống gá nhân ngãi với bà góa phụ cộng hòa nay thành trùm buôn lậu:

“Hai kẻ khốn cùng thành một công ty, một liên minh, một hợp tác, một cộng đồng, một hòa hợp thách đố giữa cái xã hội loài người nhiễu nhương khốn khổ. Chị lại dọn về ở căn nhà trước kia của chồng chị bị cách mạng tiếp thu, mà nay là nhà của anh bộ đội mua được bằng tiền toa rập buôn lậu gỗ trầm” (tr. 26). Họ sống cái hạnh-phúc mà “giải phóng” đã tình cờ đem đến cho họ: “Chị xối nước tắm cho anh, người mù ngoan ngoãn để cho vợ làm các việc vệ sinh cho mình. Dưới ánh trăng, chị nhìn ngắm thân thể anh, cái thân thể chị độc quyền, cái thân thể dành riêng cho chị, nó cân đối, đẹp đẽ, mịn màng. Con người anh chỉ bị đôi mắt tàn tật, chị tìm chiếc kính đen quen thuộc đeo lên cho anh, thế là xong, che đi một chút khiếm khuyết, anh sẽ là một người mẫu. Nghĩ cho cùng, mọi tội lỗi cũng chỉ do đôi mắt sáng. Vì có mắt anh thành tên xâm lược, vì có mắt anh thành kẻ buôn lậu, cũng vì có mắt anh mới là một tên ma cô theo đuôi những tên ma cô ăn chơi đàng điếm. Nay đôi mắt sáng không còn, anh không nhìn thấy gì nữa, anh không còn khả năng tác yêu tác quái, anh bị lùa về một góc cuộc đời và anh trở thành người hiền lành an phận. Anh trở thành người tình đáng yêu của chị”(tr. 36-7).

Cuộc chiến-tranh 1957-1975 đã không kết thúc bình thường và hậu quả của nó đã và sẽ tiếp tục tàn phá đất nước, dân-tộc. Theo Thảo Trường, “cần tới cả trăm năm để cho cái ám khí quỉ quái phai nhật đi và để cho luồng sinh khí mới phục hồi”. Ngay cả con người “ở đâu thì cũng sẽ mai một”. Mây Trôi đã là những mảnh đời “rạc rầy, thương tích bất thường”, những đôi “gian phu dâm phụ mút mùa hậu chiến” định nghĩa lại “tình-yêu chỉ cần cật lực hay thục mạng”(tr. 24, 22).

Bên cạnh chuyện Việt Nam hậu-1975 là chuyện một Việt Nam mới, ở hải-ngoại: Đá Mục là cuộc sống hội-nhập khó khăn và gần như phi lý nơi xứ người của người “tù học tập”. Với nhân-vật của Thảo Trường thì quá-khứ gần đa đoan đầy khốn cùng đã khiến người lương tri lý trí đầy đủ, trở thành, nếu không là “triết gia” thì cũng là tâm thần hết vững, sống với gia-đình mà như cô đơn, lạc lõng tột cùng, trong truyện được thân thương xưng là “ông lão”! Từ nơi nghĩ mát, nhiều giai đoạn cuộc đời đã xảy ra, đã được gợi sống lại. Từ khi còn là chuẩn úy mới ra trường đóng đồn trên vùng thượng, nơi có anh trung sĩ truyền tin mà qua đoạn hai, “thằng em” và “ông thầy” 20 năm sau gặp lại nhau trong trại học tập, và sau cùng thấp thoáng nơi kéo máy casino. Hòn đá đến với họ nơi vùng cao nguyên, anh trung sĩ tắm suối với gái thượng tìm thấy đưa về tặng xếp để bỏ chưng trên bàn giấy. “hòn đá to bằng nắm tay. Mầu mận chin. Nhìn kỹ nó có vóc dáng hình nhân, có khi lại thấy hao hao một loài thú. Cũng có lúc thấy nó giống thiên thần rồi lại chợt tưởng là quỉ sứ. … Có lúc thấy nó hiện hữu, lại có khi chẳng nhìn thấy đâu. Theo người tìm ra thì mảnh vỡ có thể từ cung trăng hay một hành tinh nào đó trên vũ trụ xẹt xuống. Sao băng nằm ở đáy hồ …” (tr. 19). Cục đá đã theo ông sĩ quan suốt cuộc đời binh nghiệp, đến ngày mất miền Nam thì ông đánh mất nó, sau đó cục đá trở nên tâm thức sống, trong rừng núi thượng du cũng như trong các thánh đường nơi xứ người. Ông lão sống nơi có nhiều người Việt tị nạn mà cái gì ông cũng phải “học tập” lại, nhưng tâm tưởng “ông Thượng người Mỹ” cứ lạc về một quá-khứ trên vùng cao-nguyên nơi ông đã được thấy và sống hồn nhiên, với những con người “tự-do tuyệt đối” giữa thiên nhiên! Vậy mà không chắc vậy, vì chính cây bút tỉnh táo và tự tại cộng phúng thích của Thảo Trường đã muốn nhân-vật mình rơi vào “cõi hiện thực” mới! “Nó cũng chỉ là một cục đá như những cục đá người ta ném nhau”, hóa ra là vậy! Truyện không nhiều tình tiết, hành động, nhưng đầy ắp suy-tư và sự-kiện!

Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả in lại VĐBVNT và 5 truyện ngắn khác. Trong những sáng-tác mới này, khung cảnh vẫn là một Việt Nam chiến-tranh và hậu chiến, với cái không-khí, ngôn-ngữ và lối kể chuyện tỉnh táo, thản nhiên đến lạnh lùng. Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả kể chuyện của Thinh và Miện là những người lính hành quân vùng Mỹ Tho, nhưng đó chỉ là cái cớ, ông muốn nói lên cái không khí bất thường của bình thường đời sống. Miện, thiếu úy pháo binh nổi tiếng “gọi bắn nhanh nhất” với lời gọi “tầm xa cũ bắn hiệu quả”, cấp trên của Thinh vừa hy sinh, đã thương nghĩ muốn đền bù đồng đội khi nói với người chết “có lẽ chỉ còn một cách là tao lấy vợ mày , tao nuôi con mày cho nó lớn khôn, chỉ còn hành động đó thiết thực. Yêu thương vợ mày, bế ẵm con mày, rửa đít cho con mày, nuôi nấng gia-đình mày. Bây giờ chỉ còn bấy nhiêu. Có lẽ chỉ còn cái việc mà người đời coi là vô luân, bất nhân, bất nghĩa đó là thiết thực hữu hiệu…” (tr. 58-9). Phi lý, bàng hoàng, bất lực, đào ngũ, v.v. là những cảm nhận còn lại của người sống! Trong Hang, là chuyện những tù binh của miền Nam, trong có cả cậu Cu Tý 17 tuổi bị bắt về “tội vũ trang chống phá cách mạng”, nhưng khí-khái đã lộ. Khi được mẹ từ trong Nam ra thăm nuôi, “Cu Tý bị cán bộ cảnh cáo nó với gia đình về tội vi phạm kỷ luật cải tạo, có những hành vi dâm ô với phụ nữ. Cán bộ nói đáng lẽ nó bị cắt thăm gặp nhưng vì có… chồng của mẹ nó là cán bộ cách mạng đi theo nên trại chiếu cố khoan hồng nhân đạo cho nó gặp gia đình mười lăm phút! Gia đình sẽ cùng với nhà nước hợp tác giáo dục nó tiến bộ. Người tù chính trị trẻ tuổi nghe đến đó thì nước mắt trào ra. Nó đòi trở vào trại không gặp gia đình nữa. Mẹ nó cũng khóc. Bà thì thầm với nó, phân bua với nó, rằng bố nó đã mất tích trong cơn biến loạn, bà đã đi lùng sục tìm kiếm khắp nơi, hỏi thăm khắp các người cùng đơn vị với bố nó, có người còn quả quyết là chính mắt họ đã trông thấy ông ta chết chìm dưới biển trong khi di chuyển từ Phan Rang vào Vũng Tầu! Vì thế cho nên bà đã đành nhận lời làm vợ người cán bộ giải phóng theo đuổi tán tỉnh bà để bà có một nơi nương tựa trong xã hội mới!

Trong lúc bà mẹ thì thầm dỗ dành đứa con trai tù tội, thì người cán bộ chồng mới của bà ngồi hút thuốc rê, uống trà, và tán chuyện vãn với anh công an coi thăm nuôi. Thỉnh thoảng họ lại liếc mắt nhìn hai mẹ con gia đình binh sĩ quân đội Cộng hoà cũ! Hết mười lăm phút thăm gặp, người con đứng dậy đưa tay quệt ngang mắt, nói với mẹ:

– Mẹ về Nam bình an. Từ nay mẹ đừng ra thăm con nữa.

Bà mẹ mếu máo:

– Tại sao? Con?

Người thanh niên nghiến răng, lát sau anh buông thõng:

– Con nói như vậy, mẹ nghe rõ không? Mẹ có đến thăm, con cũng không ra gặp mẹ đâu!

Nói rồi anh ta cúi đầu lầm lũi đi về phía cổng trại giam. Mặc cho người mẹ than khóc, mặc cho người công an bảo anh ta nhận quà của “bố mẹ”, người thanh niên như không nghe, không thấy gì, anh bước những bước chân chập chờn trong một cái màn sương làm bằng nước mắt!”( tr. 94-96).

Trong Hẽm, Trong Bếp là những mảnh đời tị nạn, của những “tù binh vô thừa nhận” thành “các bác già lưu vong vô tổ quốc lang thang khắp thế-giới”, hiện tại pha quá khứ, thực tại pha chiến lược chiến thuật ngày xưa! Đến Trong Nôi, thì trở nên khốc liệt vì có trận chiến được dàn ra “trên đường Bolsa … một bên là Việt-cộng rất thủ đoạn nhưng có lực lượng cảnh binh sắc phục đẹp … trang bị bằng những khí cụ hiện đại tối tân nhất thế-giới, hộ tống. Một bên là dân di cư chạy loạn, nạn nhân của Việt-cộng. … Việt-cộng treo hình căm cờ. quốc-gia phản đối…” (tr. 142). Chuyện Trần Trường đòi treo cờ đỏ và hình lãnh tụ bên kia! Lời cuối tác-giả cho biết ông viết để tặng thế hệ cháu sẽ là những “người tù binh thắng trận”!

Trong Miểng, Cơn Sốt không chỉ thoáng qua mà hành hạ xác thân và tận cùng linh-hồn. Bóng dáng những người làm văn-học tự do và có vai vế trong xã-hội cộng hòa được ghi và vẽ lại, trước sau, có những chân dung cảm động với những đường nét sống động đời đọa đày vẫn vươn lên tìm sống (Ông Bồ). Miểng là cuộc sống ở ngoài, sống lưu đày, nơi “mây bay gió thổi”, con người dễ nghĩ đến cái chết và cả chỗ chết. Nhân-vật Tôi trong … Từ Dưới Đỉnh Đồi Nhìn Lên Chân Núi là một cô gái quê đi lên từ vai người ở yêu cậu sinh viên ở trọ rồi lấy con chủ, rồi bỏ nhà làm sở Mỹ, rồi lấy sĩ quan đồng-minh và rồi theo chồng về Mỹ sống hội-nhập. Tháng Tư đen đến, rồi chồng chết để lại gia tài và … chỗ chết, rồi bà gặp lại cậu chủ nơi xứ người, là người từng khai mở tình-yêu cho bà và tưởng đã cùng bị “bụp” và đã “vỡ mặt” đã “rồi đời”. Người sinh viên nghệ sĩ ngày nào nay đã là một ông lão ốm yếu, nhưng “tình-yêu tột cùng” đã đến với ông sau những ngày tháng “đau khổ tận cùng” trong nhà tù cộng-sản. Tình-yêu tái hồi nhưng cái chết sẽ đến đã không buông; họ sống với nhau như những người không còn quê-hương và như đã chuẩn bị cho ngày cuối đời, nói như nhân-vật xưng Tôi :”em không còn nơi nào khác nữa ngoài nơi đây. Và đây cũng chỉ là đất khách. Nhưng đây là chốn chồng em cưu mang đem em đến, đây là chốn đã có hai kẻ tình nghĩa nằm lại, em không thể bỏ nơi đây, em không thể bỏ họ, em cũng không thể để mất cậu một lần nữa vì em đã tìm lại được cậu. Vậy thì cái bộ xương của em, cái bộ hài cốt của cậu, kể ra thì để ở đâu cũng được, đâu cũng là nước Chúa, nhưng em tham lam ích kỷ, em muốn cậu chiều em, sống cậu muốn ở đâu, đi đâu tùy ý, nhưng em xin cậu khi nằm xuống hãy nằm cùng với em, hãy nằm chung với em, với ông ấy, với Patrick. Cả bốn chúng ta khi sống chẳng có dịp chung chạ, em muốn khi chết rồi chúng ta phải đoàn tụ. Cây bạch dương này là cột mốc của sự đoàn tụ. Cậu thân yêu”(tr. 112-3). Truyện như một lời tự nhủ hay nhắn nhủ cuối cùng của những kẻ tha hương!

-3-

Cơn Sốt là chuỗi sáng tác có thể xem là tiêu biểu để hiểu tác-giả, đã được Thảo Trường viết vào ba thời kỳ khác nhau nhưng tiếp nối nhau: lần đầu in trong Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (Trình Bầy 1966), lần thứ hai viết ở Hoa-kỳ năm 1994 và in trong Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai (Tin 1995), và lần ba trong Miểng do Quyên Book xuất-bản mới đây. Cơn Sốt làm người, của tác-giả Thảo Trường và cũng có thể của nhiều thanh niên, trí thức sống cùng thời và cùng phải kinh qua những đợt sống chìm nổi ái ố hỷ lạc v.v. Cơn Sốt đầu là của một thanh niên nhập cuộc với hăng say của tuổi trẻ nhưng cũng với tâm thức nhức nhối thường trực. Khi cơn sốt hành hạ thảm hại, nhân-vật Tôi đã phải “hét to và cựa mình đưa tay nâng cầm Thảo dậy ngang mặt tôi. Mắt tôi chạm phải cái nhìn ướt nước của Thảo. Cái nhìn ấy đẹp như một nhát kiếm. Đối với tôi lúc này… Thảo ơi! Anh yêu em! Anh thật yêu em! Anh yêu em vô cùng!” (NĐBMTTKĐT, tr. 98).

Đến Cơn Sốt thứ hai, Tôi nay tự xung là “ông lão”, ông đã trãi qua đòn thù “học tập” 17 năm và vừa sang Mỹ đoàn tụ gia-đình, làm lại cuộc đời như một người hoang sơ chưa quen với “văn minh” của nước đồng minh cũ. Làm “kẻ lưu vong” bên cạnh “bà Mỹ” chủ hãng và là vợ ông. Ông lão thích lang thang thành phố, bãi biển, hội-nhập thể thao với các cháu dự xem những trận football Mỹ, hockey hay chơi trượt nước, trượt tuyết, bowling, những dịp ông quan sát người và đời. Nhưng lão từ chối sống trong khuôn khổ, thích làm nghề “tự do” lượm ve chai, thái độ, nếp sống bị vợ con chê là dở hơi, ngang phè, … trong khi lão tự cảm thấy tỉnh táo, “tỉnh đến độ phải làm ra vẻ … ngơ”. Lão nhớ nghĩ lại lúc lên cơn sốt vì con muỗi malaria “chích vòi vào gáy người tù già hút tí máu sống qua ngày”. Bị coma, ông thấy hồn ông bay vật vờ nhưng sao cứ ở gần trại tù. “Hồn bay lên khỏi những ngọn cây tràm rậm rì trước bệnh xá, qua những cây tràm khác trong trại giam ra khỏi hàng rào tre, rồi cứ thế hồn bay qua Suối Lạnh, qua Suối Cạn, … lướt trên những ngọn cây … Hồn đứng nhìn lên trời và cúi nhìn xuống cánh rừng phía dưới nơi có trại tù… “ (tr. 106). Một cơn sốt bên lề những cái chết “thân thương” mà mỗi xảy ra là một dịp bi-đát cho những quân quần đồng đội, của những khuôn mặt lớn của xã-hội cộng-hòa, họ ở thật gần nhau kể cả giờ phút chót, những ngày “thứ bảy: chôn xác kẻ chết” (tr. 116). Với tri kỷ, ông lão tâm sự đã “chạy trốn”, nghĩa là không được như những tráng sĩ ở lại quê nhà để sửa lại những sai lầm tập thể. Cơn sốt hối hận, “chạy trốn”, như ứng-nghiệm lời Thánh-kinh “Chúa Jésus phán rằng khát nước!” mà tác-giả ghi ở đầu truyện.

Trong Miểng, Cơn Sốt thứ ba khi nhân-vật Tôi phải nằm bệnh viện. Cơn sốt trầm trọng của bệnh tật tuổi già, tâm và vô thức ông cũng sốt theo thể-lý con người, hồn chập chờn lìa thân xác: “Tôi nhẹ nhàng bốc lên cao ra khỏi ông. Tôi bay lơ lửng xung quanh căn phòng mổ nhìn xuống cái thân xác tô hô trần truồng một đống của ông. Vẫn thở đều đặn. Vẫn còn gọi là sống nhưng ông chẳng thể biết gì. Cái ông xấu xí nằm thản nhiên không một ý thức, không một thái độ, không một lập trường, không một cảm xúc… Một xác sống giống một xác chết. Một xác sống không phải là sống. Một xác sống vô ích. Một cái xác… chưa chết. Vì ông không có tôi trong ông. Tôi và ông lúc này đây đã cách lìa nhau và chúng ta không thể được coi là một con người sống. Ông hữu hình nằm đó mọi người đều thấy nhưng ông không biết gì. Tôi vô hình bay lơ lửng chẳng ai thấy nhưng tôi biết hết. Chúng ta là hai cái thiếu nếu ở riêng. Chỉ khi nào hai ta gộp lại thì mới có thể thành ra một thứ gì đó. Một thứ gì đó có ý nghĩa. Chỉ mình ông thôi là vô ích. Chỉ mình tôi thôi cũng là vô ích nốt. Hóa cho nên cả hai phải nhập làm một. Không ai tự coi mình là độc lập. Không ai tự tách rời khỏi nhau. Không ai trong hai ta có thể tự mình làm nên cái này cái nọ. Cũng không ai trong hai ta một mình mà có ý-nghĩa. Chúng ta là thứ vô ích một mình. Chúng ta là thứ vô nghĩa một mình. Chúng ta là thứ thừa thãi một mình. Chúng ta là đồ bỏ nếu ta đòi độc lập. Cả hai ta chẳng có tự do hạnh phúc nếu mỗi bên đòi độc lập. Ông phải có tôi nhập vào và tôi cũng phải có ông làm nơi cư trú. Chúng ta phải bám víu lấy nhau. Chúng ta phải nương tựa nhau. Chúng ta phải lệ thuộc nhau. Không có cách nào khác. Đừng bao giờ tính kế mánh khóe riêng tư. Vô ích phí phạm lập tức.

(…) Ông nằm đó. Tôi bay lượn trên cao. Theo chương trình giải phẫu thì ông sẽ mê hai giờ đồng hồ. Trong đó dành từ 45 phút đến một tiếng để các bác sĩ làm việc. Một phần thời gian trước đó cho các chuyên viên chuẩn bị và một phần để ông nằm nghỉ ngơi chờ hồi tỉnh. Trong hai tiếng đồng hồ con người định cho ông mê đi để khỏi đau đớn trong mổ xẻ là thời gian tôi được giải phóng, tôi thoát ra khỏi ông, tôi tự do bay bổng. Hai giờ đồng hồ trần gian ấy của ông, đối với tôi có thể là hai thiên niên kỷ, hai ngàn năm qua đi, bởi vì tôi có thể biến hóa khôn lường, tôi chợt đến rồi chợt đi, chợt ở nơi này chợt ở chỗ khác, chợt bây giờ và có thể chợt lộn về quá khứ xa xưa. Tôi có thể đi cùng trời cuối đất. Tôi có thể có mặt ở khắp các thời đại. Ông là xác phàm. Tôi là hư vô. Ông nằm đấy cho người ta mày mò, mân mê, cắt xẻo… Tôi sẽ lang thang khắp thiên đàng, địa ngục, cũng như nơi trần thế. Tôi muốn đi đâu thì đi. Tôi muốn ở đâu tùy ý. Hai giờ đồng hồ của ông sẽ là hai ngàn năm của tôi. Tôi tự do. Tôi rộng chân rộng cẳng. Tôi phiêu bồng, lang thang khắp chốn. Tôi muốn làm gì thì làm. Tôi muốn đi đâu thì đi. Tôi hét lên thật lớn. Ta tự do. Ta hoàn toàn tự do. Ta sẽ hành động. Ta sẽ xử. Ta sẽ giải quyết. Ta sẽ khởi đầu và ta cũng sẽ kết thúc. Cho mà biết… “ (tr. 7-8, 12). Cái chết chập chờn nhưng chưa đến! Liệu sẽ có những Cơn Sốt khác?

-4-

Thảo Trường có giọng văn trào-phúng của riêng ông. Trước 1975, văn đã phúng-thích khi nói đến đời sống ở các đô thị, đến các khuôn mặt trưởng giả, quan cách và trí thức rởm sống trên những cái chết của người khác. Sau thời-gian sống còn trở về từ các trại gọi là “cải tạo” của cộng-sản, giọng văn Thảo Trường trở thành trào-lộng đen, cay, lạnh lùng đến điếng người. Những cán bộ miền Bắc vào Nam hoặc các trại “cải tạo” được tả nhiều nét thật hiện thực, những nét lắm khi trở nên tối đen hoặc khốn cùng. Trong Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào, tình-yêu trở thành bản năng sống còn của tính giống hoặc truyền thừa; nam nữ đến với nhau gian nan, vội vàng:

“Sau lần gặp ấy chị thương anh vô cùng, chị diễn tả ‘không biết thế nào mà nói’. Thế rồi chị tính toán theo ý chị. Chị sẽ không mặc đồ lót. Chị sẽ mặc một cái quần mỏng mở chỉ hở dưới đáy. Cái quần cũng được luồn giây thung nhẹ. Chị thử kéo lên tuột xuống thấy nhẹ thì rất ưng ý. à Như vậy mà được đấy. Những mấy lần cơ. Có lần chiều sắp tối, trời lại lất phất mưa, chị tình nguyện đi lãnh cơm cho đội. Từ bên khu A theo dõi anh thấy và cũng mặc áo mưa đi xuống bếp trại. Khi trở về hai người ôm hai xoong cơm, liếc nhìn không thấy thi đua trật tự đâu, đến một chỗ hàng rào khu, kẽm gai đơn thưa thớt mấy sợi, chị bèn đứng lại khom lưng xuống chổng mông sang phía anh, xoong cơm của đội chị vẫn ôm nơi bụng, từ bên kia những sợi kẽm gai, anh luồn tay sang níu hai bên hông chị ghì tới … Chị nghe có tia nước ấm áp phóng sang và chị cảm thấy thành công và thắng lợi. Hai tay anh buông lỏng ra, chị còn nghe tiếng anh thở hổn hển, chị đứng thẳng người lên, vẫn ôm xoong cơm của đội nơi bụng, chị liếc nhìn sang anh, miệng cười như mếu rồi bước vội về buồng giam của mình. Anh ta cũng lật đật cài áo mưa lại, cầm cái xoong cơm treo trên cột hàng rào rồi cũng quay bước về phòng mình. Hai người hai hướng câm lặng và xót xa. Đứa con được tạo thành trong những cơn mê mẩn ấy …” (TTTTBTG tr. 54-5)

Như vậy, thế-giới tiểu-thuyết của Thảo Trường sau 1993 là một không-gian nặng nề, bế tắc, đầy uẩn ức. Cuộc chiến 1957-1975 đã tàn hơn 30 năm nhưng nhiều vết thương hình như vẫn chưa thể thành sẹo. Tuy vậy, một số các tác-giả có những đóng góp đáng kể cho dòng văn-học chiến-tranh ở miền Nam hình như đã bị thời-gian và con người dần quên. Thảo Trường là một tác-giả miền Nam bị đi “cải tạo” lâu nhất, 17 năm, “tội danh” có là gì hơn là thói bệnh khả nghi và đòn thù, vì có bị xử đâu mà có bị-cáo lẫn công-tố! Hình như một thứ lý thuyết và thực hành Binh-vận nào đó của thiếu tá Trần Duy Hinh (tên thật của nhà văn Thảo Trường), hoặc có người nghĩ thế, đã đưa ông vào chốn tre gai lâu nhất đó!

Con người nói chung và nhân-vật nữ cách riêng, được ngòi bút châm-biếm chiếu cố, nhưng ở ông, chữ dùng không thể nói là ác ý, trả thù; chúng như phản ánh lại bức tranh vân cẩu của xã-hội mới, sự thống nhất lãnh thổ đã đem theo ảnh-hưởng của hủ tục và hư hỏng của con người cai trị áp-đặt. Bên cạnh đó, tình-yêu là một đề tài thường xuất hiện trong thế-giới văn-chương của Thảo Trường. Từ một tình-yêu xẩy non của trai trẻ trong Hương Gió Lướt Đi, bi đát lồng trong cuộc tranh hùng chiến-tranh trong Chạy Trốn, Làm Quen, đến những chuyện tình dễ dãi của thời chiến như trong truyện ngắn Mặt Đường và truyện dài Th. Trâm. Người nữ ở đây phải đẹp “ngồn ngộn (…)đẹp khích động không chê được” nhưng vai nam chẳng hưởng lâu được, chuẩn úy Viên đa tình và được đàn bà con gái mê thế mà phải chết vô duyên vì “rắn độc bò vào lều cắn chết”(tr. 225). Rồi đến thời hậu chiến sau 1975, tình-yêu trở nên bản năng, sống còn, trở nên cái cớ để buông xuôi, bỏ cuộc! Và khi đã lên lão, chính những nét chấm phá tình nghĩa đã làm nên tình-yêu!

Con người “được” Thảo Trường nghiêm khắc phân thân, phân tâm, quan sát và xét đoán; lịch-sử, cuộc đời cũng “được” ông cắt vụn ra rồi chắp lại với những lời “bàn” rất là Kim Thánh Thán, một Kim Thánh Thán đã ê chề đến tột cùng, và với những lời “chép sử” rất Tư Mã Thiên, một Tư Mã Thiên thời đại không chỉ bị khống chế của một triều đình, mà còn bị đủ thứ thế lực muốn đè bẹp hoặc “giết người trên cạn”! Trong Mây Trôi, Đá Mục, Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai, Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả và Miểng, người đọc đều có thể tìm thấy cái cung cách làm văn đó của Thảo Trường. Và người đọc được tác-giả trình bày lịch-sử của một phần dân-tộc trong đó nhiều phần tiểu sử được phác họa hoặc phân tích, có khi tha thiết như của người trong cuộc dự phần lịch-sử chung, có khi lạnh lùng của người ngoại cuộc không can dự chi! Con người dấn thân đầy thiện chí và ý thức trước 1975 đã nhường chỗ cho những nhân-vật thời nhiểu nhương, đạo lý suy đồi, không còn nhân tính, lẽ phải. Họ là những con cờ gặp nước gặp thời, nhưng họ còn là những kẻ bị ném ra ngoài lẽ thường, phải tìm cách sống còn, cựa quậy, vương lên tìm hơi thở và chút ấm của mặt trời. Qua tác-phẩm, Thảo Trường đã dùng văn-chương như một phương-tiện giải phóng con người. Ông viết về sự thật theo ông và có thể nói theo một truyền-thống trí-thức làm người tỉnh thức hoặc nhắc nhở, đánh động, và ông đã muốn đạt đến một cách giản dị, tức là ông không đao to búa lớn trong ngôn-ngữ cũng như phức tạp về kỹ thuật. Theo thiển nghĩ, truyện của Thảo Trường được viết ra, đến với người đọc, không phải để làm văn-chương, để làm dáng, mà như để dóng lên tiếng nói phải có của lương tri, của ý-thức, một ý thức không rời, luôn có mặt. Một thứ văn-nghệ vị nhân sinh, một văn-nghệ có chủ đích hướng thượng. Tác-phẩm của ông đã phiền hà không ít giới trí thức và lãnh đạo nhất là những người điều khiển guồng máy chiến-tranh và đồng thời đối với giới văn-nghệ sĩ, ông cũng đã không cùng một chiếu. Có lẽ đó là lý do Thảo Trường đã gần như không có mặt trong các tuyển tập văn-chương, hình như lần đầu đầu đời viết văn với truyện Hương Gió Lướt Đi trong Tuyển Truyện Sáng Tạo, và lần sau trong tuyển tập của Nguyễn Đông Ngạc, Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê-Hương Chúng Ta xuất-bản năm 1974, với truyện Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục – có ghi lại quan niệm của ông về truyện ngắn:”Viết truyện ngắn là dùng thứ kích thước nhỏ để dựng một vấn-đề có khi … rất lớn” (2). Và 21 năm sau, trả lời một phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Trinh (Văn, 163, 12-1996), ông cho biết “Tôi vẫn có tham vọng làm sao “nhét” cả một cuộc chiến tranh vào trong một truyện ngắn, làm sao đưa được cả một thời đại mình đang sống vào trong một truyện ngắn” và tái xác nhận “vấn đề lớn cũng vẫn là ‘thân phận con người trong thời đại này’” (3).

Một số tựa đề tác-phẩm của Thảo Trường không trau chuốt hay thách đố trí tưởng người đọc mà có khi lại có vẻ thản nhiên, hững hờ như Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục, Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp, Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai, Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả, … Nếu xét về hình-thức thì tác-phẩm của ông trước sau đều rất thường, bìa 1,2 màu, không tranh họa, khi đăng trên các tạp-chí của văn-chương “xám” thì mực in ronéo để dấu nhoè nhoẹt hoặc để lại những loang lổ của kiểm duyệt đục bỏ. Tác-phẩm của Thảo Trường có giá trị nào không? Theo thiển ý, tác-phẩm của Thảo Trường có giá trị ở thời của ông, trước và sau 1975, ông đã là khuôn mặt lớn của văn-chương “ý-thức”, tra vấn. Văn-chương của nạn nhân, của những con người không lối thoát, không tin chiến thắng của vũ khí, luôn đi tìm chân-lý, chính thống, tìm những tín hiệu mới cho cuộc đời và phận người! Trước 1975, ông đã được người đọc nhất là giới trẻ khao khát lối thoát, tìm đọc. 30 năm sau, Thảo Trường còn có sứ-điệp hay tâm sự gửi gấm nào không? Có đấy chứ, kinh qua của tác-giả, của tình đời từ sau ngày tàn cuộc chiến, những bức tranh vân cẩu chủ tớ đổi ngôi, những quái đản, ngu dốt được kẻ thắng hay chủ mới xem như tiêu chuẩn, v.v. đã được ngòi bút Thảo Trường ghi lại khi tị nạn sang Hoa-kỳ. Ông đã kể rằng”ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi bị bắt làm tù binh. Tôi bị CS giam giữ gần mười bảy năm, trải qua 18 nơi giam giữ từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vô Nam. (…).Tôi bị cộng sản bỏ tù lâu vào tận đáy vực của họ để thấy một điều rõ ràng là họ giả dối một cách thiệt tình, họ tàn nhẫn rất nhiệt tâm, độc ác nhân danh lòng nhân đạo. Những người cộng sản cấp dưới không biết việc họ làm, vì thế tôi không hề thù hận họ. Song những lãnh tụ của họ thì phải chịu trách nhiệm về những tan nát của quê hương Việt Nam. Cái thời chiến đổ vỡ tan hoang đó cũng như cái thời tù cơ cực nghiệt ngã đó nó phải có tác động nhất định nào đó vào những tác phẩm của tôi. Cũng như bây giờ sống trong một nước Mỹ không chiến tranh, nhưng thế giới đang ở một thời loạn, nơi này có kẻ nhận là chúa, nơi khác có bà xưng mình là phật, con giết cha mẹ, mẹ trấn nước con thơ, vợ chồng giết hại lẫn nhau, bom nổ lung tung giữa trung tâm nước Mỹ, Anh, Pháp… hơi độc giết người tại thủ đô Nhật bản…, và ở VN cũng vẫn còn “ngụy cộng sản” vẫn còn “giả dạng cách mạng”… thì chúng ta không thể thờ ơ khi làm tác phẩm”(4).

-5-

Trong cuộc chiến vừa qua, sống ở bên này hay bên kia thì người dân vẫn đã không có tự do lựa chọn. Nhưng có thể có thái độ dấn thân khi đã chấp nhận định mệnh (chiến-tranh như một định mệnh), một chấp nhận rất hiện sinh mà cũng trung-thực không kém. Phản kháng trong khuôn định mệnh, tác-phẩm lấy bối cảnh cuộc chiến nóng bỏng đang diễn ra, đang tàn phá; nhưng Thảo Trường và một số nhà văn như Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Ngô Thế Vinh, Trần Hoài Thư, v.v. đã bị chụp mũ làm nhụt lòng chiến sĩ hoặc làm mất miền Nam, trong khi họ cầm súng bảo vệ miền Nam; riêng Thảo Trường đã làm binh vận, tâm lý chiến, đã phải nghiên cứu các “binh-thư” ‘rừng núi sình lầy’ (Miểng, tr. 97), “‘mưu sinh thoát hiểm’ của Tổng cục quân huấn và trường sĩ quan trừ bị Thủ đức” hay “phương châm chiến lược hai chân ba mũi” của cộng-sản (ĐM, tr. 76, 123), v.v. Dĩ nhiên, họ là người dứt khoát của bên này chứ không phải nằm vùng hoặc là người của bên kia – như Vũ Hạnh, Lữ Phương, Sơn Nam, Thế Nguyên, Ngụy Ngữ, v.v. là những người viết theo nghị quyết hoặc chỉ thị, làm công-cụ cho Mặt Trận Giải Phóng và Hà-nội! Như vậy, không thể xếp Thảo Trường vào số văn nghệ sĩ phản chiến được. Không thể tổng quát hóa cho rằng Thảo Trường và những nhà văn cầm sung đã tiêu cực phản chiến làm mất miền Nam. Phản chiến đúng ra là một nhãn hiệu chỉ có thể áp dụng cho những nhóm thanh niên hoặc trí thức ở Hoa-kỳ hoặc Âu châu chống chiến-tranh Việt Nam; trong khi đó, các nhà văn trên đã nhập cuộc. Nói rằng họ nói lên cái ý chí phản kháng thì đúng hơn. Dấn thân, nhập cuộc là hình-thức hiện hữu trọn vẹn nhất của nhà văn qua tác-phẩm! Thật vậy, chân lý sẽ được tỏ ngời khi nó đã được nắm bắt hiệu lực qua các tố cáo, nhắc nhở, tra vấn, … tức là qua phản-kháng! Dấn thân không chỉ trực diện, mà còn có thể đi đường vòng hoặc dùng các phương-tiện khác; vì phản kháng có những điều kiện và hậu quả cay đắng như tác-phẩm bị kiểm duyệt hoặc tịch thu và bị ra tòa – thường là tòa án quân sự. Thái độ dấn thân, phản kháng này được Thảo Trường đề cập nhiều lần, như trong Chạy Trốn, những thanh niên ở phía quốc-gia thì đi lính và chiến đấu nhưng khi đường cùng, thì quyết định không … chạy trốn. Họ nhận ra chân lý rằng sự có mặt cũng đã là chiến đấu rồi. “Chiến đấu không cứ phải là bắn giết. Có thái-độ cũng là chiến đấu” (tr. 58).”

Ngoài ra, qua tác-phẩm của Thảo Trường, người đọc vẫn có thể nhận ra những ẩn chứa tiềm tàng những cổ-xúy đạo-đức, những điểm nhắm chính-trị vừa con người cá-thể vừa con người tập-quần, và cả một chủ trương ngầm về văn-chương là gì, cho ai và để làm gì! Văn-chương ở đây là của dấn thân, của tra-vấn không ngừng, không nhân danh chủ nghĩa, ý thức hệ, nhưng nhân danh con người, nhân danh lương trí, ý thức, … Như vậy, Thảo Trường và Phan Nhật Nam làm nhà văn dấn thân tham dự chiến-tranh, Thế Uyên dấn thân chính-trị làm cách-mạng xã-hội, Trần Hoài Thư, Ngô Thế Vinh, Nguyên Vũ, v.v. nhân danh con người để phản đối chiến tranh còn những Vũ Hạnh, Thế Vũ, Thế Nguyên, Trịnh Công Sơn, Trần Hữu Lục, Ngụy Ngữ, … đã phản chiến theo chỉ thị của guồng máy chiến-tranh trong đó một số đã bị lừa phỉnh!

Tác-phẩm của Thảo Trường dù trước 1975 hay sau 1993 đều nặng nề nội-dung và cái chuyển tải và thân phận con người nhất là con người Việt Nam trong thời chiến-tranh và hậu chiến vừa bi đát vừa đa tạp. Phải sống hoặc có thể nhập được trong thế-giới tiểu-thuyết của ông mới có thể thưởng thức được trọn vẹn. Nơi đó, là tranh chấp ý thức hệ, là những vấn nạn hiện sinh, dịch lý và định mệnh, những tìm kiếm để hiểu, để sống những cái không thể hiểu, do đó đành phải sống những cái phi lý của đời sống và lý thuyết. Thảo Trường không làm dáng văn-chương nhưng ngôn-ngữ của ông đè nặng lương tri, tố cáo với nhân loại những bạo lực tàn độc, tà-đạo và những “chân-lý” giả-hình. Ông tố-cáo rằng con người đang bị vong thân hóa, đang bị biến chất, dù ở bất cứ đâu! Thêm một tiếng chuông báo tử đã được gióng lên, nhưng đã có ai đó nghe thấy chưa?

NGUYỄN VY KHANH

20-1-2006

1-Truyện Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp đã xuất-hiện lần đầu trên báo Hành Trình số 3-4 (tháng 1-2/1965). Tác-giả đã nhắn chúng tôi đính chính chi-tiết này.

2-Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê-Hương Chúng Ta. Sài-gòn: NXB Sóng, 1974. Tr. 557.

3-Phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Trinh. Văn, 163, 12-1996, Trích lại từ Đá Mục, tr. 123-4.

4-Phỏng vấn đã dẫn, Đá Mục, tr. 126.

* Các trích dẫn đều ghi số trang từ bản in lần đầu, ghi tên NXB bên cạnh nếu là bản in lại.

Nguồn: http://hopluu.net/a733/thao-truong-nha-van-dan-than-voi-noi-y-thuc-khong-roi

Comments are closed.