Văn học miền Nam 54-75 (301): Nguyễn Thị Vinh (6)

 

Hận

Tôi không nom đồng hồ nhưng chắc trời đã khuya lắm. Thế mà tôi và Thành vẫn đều bước bên nhau, đi đi, lại lại ở khu đường vắng này. Những lời chàng tỏ tình yêu với tôi lúc đó không làm cho lòng tôi rung động và rạo rực, tuy nhiên tôi cũng biết là tôi vui sướng. Nhưng nỗi vui sướng mỏng manh luôn luôn bị nỗi thắc mắc và ân hận làm át đi. Tôi biết rõ tôi rất cảm mến Thành. Rất có thể tôi cũng yêu chàng say đắm, nếu không tôi đã chẳng ân hận vì hình ảnh Duy cứ lởn vởn trong trí tôi, tuy tôi không muốn nghĩ đến. Nếu có phải so sánh Duy và Thành tôi thấy ngay là Thành hơn hẳn Duy. Trong nhiều tháng cùng làm công việc xã hội với Thành, tôi đã biết rõ chí hướng chàng. Những ai quen biết Thành đều cảm mến và biết Thành là hạng người dám hy sinh cả đời chàng cho ý nghĩ cao đẹp mà chàng đã đặt làm mục đích. Nếu không có Duy thì ngày hôm nay khi Thành ngỏ tình với tôi chắc tôi đã được hưởng những phút rạo rực sung sướng hoàn toàn của một người yêu và biết mình được yêu. Nhưng tôi đã gặp Duy vì gia đình tôi dọn nhà đến ở cùng phố với Duy từ mấy tháng nay. Tôi không ưa gì Duy cả, vì Duy clủ là một thanh niên giầu, đàng điếm và ích kỷ. Tôi đã nghe nhiều người nói về cách ăn chơi của Duy; chẳng mấy tối Duy không có mặt ở các tiệm nhảy. Không tò mò nhưng tôi cũng biết cả chuyện cô Lan ở phố trên đã bị bố mẹ gọt tóc, cấm cửa không cho ra đường, vì Lan là nhân tình của Duy và đã bị Duy bỏ. Chỉnh tôi cũng thường bắt gặp Duy đi chơi với nhiều cô khác, thùy mị có, đàng điếm có. Nhưng điều đáng chú ý là cô nào cũng rất đẹp. Tôi càng coi rẻ Duy, nhưng có điều tôi không muốn nghĩ đến là mỗi lần gặp Duy ngồi trên xe với cô nào thì buổi đó về nhà tôi hay gắt gỏng bực tức, và gặp dịp vắng người tôi tự ngắm bóng mình rất kỹ ở trong gương. Tôi vui sướng, hay buồn bã tùy theo khi biết mình đẹp hơn hay xấu hơn cô gái đi với Duy hôm đó. Mỗi lần tình cờ tôi gặp Duy ở ngoài phố bao giờ tôi cũng vội lấy dáng diệu nghiêm trang, hơi có chút kiêu hãnh cố ý để Duy biết tôi khác hẳn các bạn gái của chàng. Nhưng Duy không để ý đến. Đôi khi tình cờ chàng có nhìn thấy tôi, nhưng nét mặt thản nhiên của chàng lúc đó chứng tỏ rằng chàng đã nhìn tôi như nhìn một bức tường, điều đó làm tôi tức, tôi càng cố để lộ hẳn vẻ mặt khinh bỉ mỗi khi gặp Duy. Trong thời gian đó, giá Duy cũng theo tán tỉnh tôi thì tôi đã khinh ghét và xa lánh được chàng. Nhưng Duy đã thản nhiên không chú ý đến cả sự khinh bỉ của tôi đối với chàng. Hồi này các bạn tôi khen tôi đẹp ra nhiều, tôi chỉ cười. Thực ra đó không phải là tự nhiên mà chính là hồi này tôi hay làm dáng, vì nhiều lúc tôi không tin tôi đẹp. Nếu thực tôi đẹp thì một kẻ ăn chơi có tiếng là Duy đã chẳng nhìn tôi như nhìn một bức tường! Tôi luôn luôn nghĩ mình xấu hơn các cô gái bạn Duy. Tôi biết rằng sự so sánh và chú ý về sắc đẹp chỉ làm cho tâm hôn tôi mờ ám, nhưng tôi không cưỡng lại được. Vì biết thế nên dần dần tôi mất cả vẻ tự kiêu. Mỗi khi gặp Duy tôi không còn lộ vẻ khinh bỉ chàng ra mặt được nữa, mà chỉ bối rối tìm cách tránh chàng; nhưng lại hay tò mò muốn biết mặt các bạn gái của Duy để rồi có dịp vắng vẻ lại ngắm mình trong gương xem mình đẹp hay xấu hơn họ.

Một buổi tối đang đi phố, trời bỗng đổ mưa lớn. Tôi phải đứng trú dưới mái hiên một tiệm buôn. Đường phố lúc ấy vắng vẻ, mắt tôi lơ đãng nhìn những đợt nước chảy loang loáng trên mặt đường. Tôi để óc miên man nghĩ đến uổi đi chơi bằng xe đạp cùng với các bạn tôi hôm Chủ nhật vừa qua. Chúng tôi họp mặt nhau ở trước cửa nhà ga và khởi hành vào đúng sáu giờ sáng. Tôi thật không ngờ cái mụn nhỏ ở bắp chân lại làm nổi một cái hạch rất lớn ở trên đùi tôi từ lúc nào. Mới đầu tôi không để ý đến tôi vẫn hát một hành khúc và vui vẻ đạp xe theo các bạn. Nhưng dần dần trời nắng mỗi lúc một cao, cái hạch bên đùi tôi phát tấy lên nhức nhối vô cùng, khiến tôi đạp xe rất khó khăn. Nhưng vì tôi ngượng nên không nói ra cho ai biết. Tôi không hát được nữa, dần dần tiếng hát và đoàn xe bạn bỏ cách tôi một quãng xa mà không ai biết. Nhưng Thành thỉnh thoảng vẫn quay lại nhìn tôi. Rồi xe chàng cũng tách rời khỏi đoàn xe bạn. Thành không ngừng hẳn lại để đợi tôi nhưng chàng đạp rất chậm. Một lúc sau thì xe chàng đã sóng đôi bên xe tôi. Chàng quay hỏi tôi :

– Trinh sao thế?

Thành chỉ hỏi có thế nhưng giọng chàng thân mật êm ái, và ánh mắt chàng có một vẻ âu yếm, chân thành, làm tôi phải cúi mặt xuống người tôi bàng hoàng như say. Không hiểu Thành đã thấy tôi thế nào mà chàng nhảy xuống xe, chạy vội tới giữ lấy tay lái xe tôi, đỡ tôi xuống; rồi bỏ mặc hai chiếc xe nằm bên lề cỏ, chàng dìu tôi tới ngồi dưới gốc cây cổ thụ to ở bên đường. Thành cuống lên hỏi :

– Trinh sao thế, Trinh bị say nắng à?

Tôi chỉ gật đầu, ứa nước mắt. Không biết có phải tôi cảm xúc mạnh vì tình chàng, hay vì một lý do gì nào khác mà tôi không muốn nghĩ đến. Hình ảnh Duy lại hiện ra trong trí tôi đúng vào lúc đó. Thật là bực mình, tôi có muốn Duy len vào tâm tư tôi trong những phút như thế này đâu.

Nhớ tới đây, tôi không muốn phải nghĩ đến Duy nữa. Tôi đưa mắt nhìn xem có chiếc xe nào thì gọi để đi về. Trời vẫn mưa to, phố vẫn vắng. Chợt thấy một chiếc xe hơi xịch đỗ ngay bên lề đường trước chỗ tôi đứng trú mưa. Tôi chưa kip nhận ra đó là xe của Duy thì Duy đã mở cửa xe bước xuống. Coi như trời không có mưa, Duy đi thong thả tới chỗ tôi và đây là lần đầu tiên Duy đã nói với tôi.

– Tôi đang đi về, nếu cô cũng về tiện đường mời cô lên xe tôi.

Tôi hồi hộp lặng thinh mấy phút rồi bất chợt ngửng nhìn chàng. Duy đang châm thuốc lá. Mặt chàng lấm tấm ướt nước mưa, khói thuốc tỏa ra phảng phất trước gương mặt ấy trông có vẻ quyến rũ kỳ lạ. Mắt chàng thản nhiên nhìn ra ngoài trời rồi nói :

– Trời này chắc còn mưa lâu, nào mời cô lên xe.

Vừa nói Duy vừa khoác lên người tôi chiếc áo mưa mà bây giờ tôi mới nhận ra là từ lúc xuống xe Duy vẫn khoác ở cánh tay. Từ áo mưa của chàng tỏa ra hơi thuốc lá lẫn với mùi vải nhựa. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi đã khoác lên người một chiếc áo của người đàn ông lạ. Tất cả cảm giác của tôi mở rộng, nhưng ngây ngất không đón nhận được điều gì rõ rệt. Tôi chưa hết bàng hoàng thì Duy kéo nốt chiếc mũ đính liền với áo trùm lên đầu tôi và nói :

– Nào ta đi.

Nói xong Duy bước đi trước. Tôi như một cái máy bước theo chàng. Vì đi sau nên tôi được tự do nhìn chàng. Chàng có một vẻ phong lưu làm tôi chú ý. Lúc ra tới xe, Duy mở cửa mời tôi lên rồi chàng ngồi trước tay lái. Khi xe bắt đầu chạy tôi không thể không nhìn chàng. Sau làn khói thuốc, mặt chàng ướt nước mưa nhiều hơn lúc trước. Tôi bỗng mở ví lấy chiếc “mùi soa” của tôi đưa cho Duy và nói :

– Ông lau mặt đi.

Duy không nhìn tôi chỉ mỉm cười và cầm lấy chiếc “mùi soa” trên tay tôi. Khi nhìn Duy lau mặt chàng bằng “mùi xoa” của tôi, tôi rạo rực cả người, tôi có cảm giác như Duy đang đặt má chàng lên má tôi. Vì tâm trạng tôi thế nên tôi không biết là Duy đã đưa tôi đi qua rất nhiều đường khác, chứ không phải đường về nhà. Bỗng Duy ngừng xe, lên tiếng nói :

– Cô trông xem, cảnh sông sau khi mưa đẹp lạ.

Tôi ngửng nhìn, thì ra chúng tôi đang ở bên bờ sông. Trời sau cơn mưa trông quang đãng và mát mẻ. Mặt trời yếu ớt chiếu ra ánh sáng đỏ nhạt in xuống mặt nước sông đục lờ lờ bị những làn sóng xô đẩy tan ra làm nhiều mảnh nhỏ. Tôi lẩm bẩm :

– Đẹp thực!

Duy nói :

– Tôi thích cảnh trời sau khi mưa vì cảnh sắc trở nên mới lạ.

Câu nói của Duy làm tôi nhớ tới chàng luôn luôn có bạn gái mới và cách sống không có lý tưởng của chàng. Tôi mỉa mai bảo Duy :

– Phải ai cũng biết là ông ưa mới.

– Cô nói sao?

Tôi như say nói và giọng tôi có vẻ hằn học :

– Thí dụ như cô Lan và các cô bạn mới của ông. Ông cũng là người mà không biết trọng tâm tình con người. Ưa mới đến nỗi giày séo cả lên tâm tình cũ.

Duy cười to, giọng cười của chàng làm tôi cáu.

– Ông không xứng đáng là thanh niên Việt Nam.

– Cô đạo đức quá. Chắc cái ông nào bạn cô vẫn đi chiếc xe đạp “cuốc” tới thăm cô hẳn là xứng dáng.

Thì ra Duy vẫn chú ý đến tôi. Điều đó làm lòng tự ái của tôi được thỏa mãn bất ngờ nên tôi rất vui sướng. Nhưng Duy vừa nhắc đến Thành, làm tôi lại nhớ tới Thành với lòng yêu kính có pha nỗi thắc mắc. Tôi nhớ đến giọng nói êm ái và ánh mắt say đắm của Thành đã nhìn tôi hôm đi chơi vừa rồi. Tôi

nhớ đến vẻ mặt dắn dỏi và giọng nói hoạt bát của Thành trong những buổi hội họp với các bạn. Tôi lại nghĩ tới cách sống ích kỷ, chơi bời của Duy lại thấy ghét Duy.

– Phải chính thế, giá ông chỉ cần được một phần như tính của ông ấy.

Duy phá lên cười, giọng chế nhạo :

– Tôi cần được giống một phần tính ông ấy, nhưng cô quên chưa bảo ông ấy có cần giống một phần nào tính của tôi không? Nếu được thế, theo ý cô hẳn là cả tôi và ông ấy sẽ thành hai người hoàn toàn nhất.

Thật là quả quắt! Duy dám nói như thế với tôi. Trước kia tôi nghĩ nếu Duy tán tỉnh tôi chắc tôi sẽ khinh ghét chàng. Nhưng tôi không ngờ đến Duy lại nói những câu vừa rồi, tôi cho là có ý khinh nhạo tôi. Tôi tức đến ứa nước mắt, tôi cố nén nghẹn ngào bảo chàng :

– Ông cho tôi xuống đây để về. Trời tạnh rồi khỏi phiền ông nữa.

Vừa nói tôi vừa mở cửa xe lấy, và bước vội xuống, Duy không cản tôi chàng hỏi :

– Cô giận tôi à?

Tôi chẳng thèm đáp. Lúc đó tôi giận chàng thật. Về sau, khi bình tĩnh trở lại tôi chỉ thấy tự giận mình. Hôm đó là lần đầu tiên tôi nói chuyện với Duy. Tại sao tôi dám nói đến chuyện tư của chàng dù là tốt hay xấu. Sao tôi dám chê trách chàng. Vậy mà tôi đã dùng lời gay gắt và giọng hằn học trách Duy. Càng nghĩ tôi càng xấu hổ. Dù chỉ có mình tôi mà tôi cũng đỏ cả mặt.

Từ hôm đó trở đi, mỗi khi gặp mặt, tôi và Duy đã bắt đầu chào nhau, và đến bây giờ thì tôi đã nhiều lần ngồi cùng xe hơi với chàng để chàng đưa đi chơi. Tâm trạng tôi lúc ngồi bên chàng ở trên xe chàng thật là phức tạp. Tôi luôn luôn nhớ tới các cô gái khác đã ngồi chỗ tôi đang ngồi. Tôi nhớ đến lòng thương hại và khinh bỉ của tôi với các bạn gái của Duy. Giờ thì tôi cũng cảm thấy khinh tôi. Tôi không dám nhìn mặt những người qua đường. Mỗi khi gặp ai dù quen hay lạ người tôi cũng phừng phực như bốc lửa. Tôi chỉ được yên lòng khi nào chúng tôi đã ra ngoài thành phố, quanh mình chúng tôi chỉ có đồng ruộng bát ngát và một vài người nhà quê qua lại nhìn chúng tôi với ánh mắt có ẩn một chút tò mò thèm muốn. Tôi không còn phải cúi mặt tránh những tia mắt của họ, thực ra tôi còn có vẻ kiêu hãnh với họ là khác.

Trong câu chuyện tôi nói với Duy, luôn luôn tôi tỏ cho chàng biết tôi là một người con gái đã giác ngộ. Tôi đem chuyện xã hội ra nói với chàng và chê cách sống của chàng. Nhiều lúc hình như chàng phải cố nén đợi cho tôi nói dứt chuyện nhưng cũng có khi chàng ngắt lời tôi :

– Thôi đi, cứ giọng đó mãi!

Rồi chàng đem chuyện ciné, chuyện các nhà nhảy, các bè bạn của chàng ra nói. Tôi sợ khi thấy tôi đã bị quyến rũ vào trong câu chuyện của chàng vì tôi thích nghe và thích biết những điều chàng kể. Nhưng dù sao thì Duy vẫn chưa hề nói với tôi một lời yêu đương nào cả. Và tôi cũng cho là tôi không thể yêu được người như Duy. Những lúc đó tôi hay nghĩ đến Thành với lòng tin cẩn và kính yêu.

° ° °

Tôi cứ nghĩ những ý nghĩ riêng biệt của tôi, và vẫn đi song đôi bên Thành không biết là lần thứ mấy trên con đường vắng này. Thành vẫn nói với tôi những lời yêu đương chân thật phát ra từ tim chàng rào rạt và bất tận như một giòng suối. Chắc thấy tôi vẫn không đáp, chàng bỗng ngừng lại như dò xét. Giây phút im lặng đó làm tôi hồi hộp chờ đợi, chờ đợi gì chính tôi cũng không biết. Tiếng Thành lại cất lên giọng khác hẳn :

– Sao em có…

Tôi ngắt lời chàng vội vàng :

– Không, không, anh đừng nói, em cũng yêu anh, nhưng em thật… không xứng với anh.

Tôi nghe lời nói của tôi xa xôi như ai ở đâu nói hộ tôi – vì nói xong tôi tự thấy giọng tôi là lạ và tôi thực không biết rằng có phải tôi không thành thực khi tôi nói với Thành câu đó không. Nhưng Thành thì không nghĩ gì khác, chắc chàng vui sướng lắm! Chàng ghì chặt lấy cánh tay tôi, ghìm tôi đứng dừng lại rồi đắm đuối nhìn vào mắt tôi. Tôi hơi cúi mặt xuống để tránh ánh mắt chàng. Khi mấy ngón tay chàng nhẹ nâng cầm tôi lên để tìm mắt tôi thì nước mắt tôi đã trào ra. Thành như chợt hiểu điều gì, chàng khoác tay tôi, chúng tôi lại bước đều đều bên nhau, chàng lại nói giọng sốt sắng :

– Em nên quên đi, đừng buồn nữa, anh có thể tha thứ cho em, anh đã hiểu cả, vì chính anh đã mấy lần trông thấy em từ trên xe hắn bước xuống, (giọng Thành bỗng trở nên hằn học). Và em biết không? Anh phải nén lắm mới không chạy lại đấm cho hắn mấy cái. Thật là đồ hèn hạ ỷ vào đồng tiền quên cả bổn phận con người, và còn chiếm đoạt những người đẹp… Anh biết cả và vì thế nên anh mới ngỏ lời với em hôm nay, chứ trước kia anh tin chúng mình đã là… của nhau rồi, nên không cần phải nói vội.

Thành đã hiểu lầm tôi, tôi khóc không phải hối hận vì đã làm điều gì lầm lỗi. Ví dụ tôi có yêu Thành thì cũng chưa đến nỗi phải để Thành tha thứ cho tôi. Nhưng tôi khóc chỉ vì tôi biết khó mà có thể yêu Thành được như tôi muốn, tuy tôi rất “yêu” chàng, nhưng tình yêu quá trong sạch và bằng phẳng không gây cho tôi một xúc động mạnh, một say mê, quyến rũ như khi tôi ở bên Duy, mặc dầu tôi vẫn cho là tôi “ghét” Duy.

Bỗng có ánh đèn xe hơi từ phía sau chúng tôi và một chiếc xe hơi giống như xe của Duy lướt qua. Tôi không trông rõ số xe nên không biết có đúng là xe của Duy không. Nhưng tôi lại trông rõ hai người ngồi trên xe, một người đàn bà đang âu yếm ngả đầu lên vai người đàn ông ngồi lái xe mà tôi ngờ là Duy. Tim tôi như ngừng đập, chân tay tôi lạnh ngắt, người tôi mềm ra, tôi không còn cất chân nổi. Tôi ngừng lại và gục đầu lên vai Thành khóc nức nở Thành rút “mùi soa” của chàng ra lau nước mắt cho tôi. Mùi nước hoa ở “mùi soa” Thành làm tôi nhớ tới mùi nước hoa đắt tiền từ ở người Duy, càng làm tôi nhớ những phút ngồi bên Duy. Hình ảnh người đàn bà ngả đầu trên vai người đàn ông ở trên xe vừa rồi làm tôi càng nức nở thêm, chắc Thành đoán là tôi ân hận và cảm động vì đã được chàng tha thứ nên an ủi :

– Thôi em, chúng ta cùng quên tất cả những gì đã qua, em đừng buồn.

Tôi cả quyết :

– Không, không anh đừng yêu em nữa anh đừng yêu em. Em thật không xứng đáng với anh, không xứng đáng để anh yêu.

Và tôi đòi Thành đưa tôi về ngay. Thành cho là tôi cảm xúc mạnh nên không nói gì nữa. Trên đường về thỉnh thoảng chàng chỉ vỗ nhè nhẹ trên lưng tôi.

Suốt đêm đó tôi vừa khóc vừa viết cho Thành bức thư dài hai trang giấy khổ rộng. Tôi không nhớ hết là tôi đã viết những gì cho Thành, vì tôi không đọc lại. Tôi chỉ nhớ rõ có câu tôi nhắc đi nhắc lại trong thư để bảo Thành là tôi không xứng đáng được chàng yêu. Tôi khuyên chàng đừng yêu tôi, và chàng không nên vướng vào chuyện yêu đương v.v…

Sáng hôm sau tôi sai em tôi đưa lại cho Thành bức thư đó. Cách ba hôm sau Thành trở lại nhà tôi, lúc đó vào quãng hơn hai giờ chiều mùa hạ, nền trời có mây xanh ngắt và ánh nắng chảy mênh mông khắp nơi. Từng cơn gió rất nhẹ, dịu dịu thổi, lá trên các ngọn cây khẽ lay động, tiếng xe cộ vút qua, tiếng hàng quà rong, tiếng quét sân và tiếng dội nước ào ào ở nhà nào đấy, nổi lên xa vắng và tan đi rất nhanh chóng vào trong không khí yên lặng. Đúng lúc đó thì Thành đạp xe đỗ trước cửa nhà tôi. Chàng dựa xe vào gốc cây trước cửa, nhanh nhẹn bước vào nhà. Chàng mặc một chiếc áo tay cộc có gạch ngang trông rất khỏe mạnh. Chàng nói chuyện với ba tôi và em tôi, giọng hết sức tự nhiên đến nỗi tôi phải khổ sở cho là chàng đã quên tôi rồi. Trước khi về nhân một lúc vắng chỉ có mình tôi và Thành, chàng dúi vào tay tôi một tấm danh thiếp và nhìn rất sâu vào mắt tôi. Mặt sau tấm danh thiếp của chàng có ghi những hàng chữ, mà mãi đến bây giờ tôi vẫn nhớ cả từ nét từ hàng:

Trịnh, không bao giờ anh còn nhắc đến yêu đương nữa.

Đành vậy!

Từ nay Trinh có thể coi tôi như một người bạn rất tốt suốt đời không bao giờ quên Trinh.

Đấy là lần cuối cùng tôi gặp Thành, vì sau đó ít lâu có lần tôi đến tìm chàng, chàng đã bị Nhật bắt.

Nguồn: http://vietmessenger.com/books/?title=men%20chieu&page=8

Comments are closed.