Văn hoc miền Nam 54-75 (456): Trùng Dương (8)

Hai người bạn

Nửa đêm, có lẽ vào khoảng một hay hai giờ sáng, Kim cũng chẳng nhớ rõ, chiếc điện thoại đặt trên bàn ngủ ngăn giữa hai chiếc giường một người nằm chợt reo vang. Hai người cùng choàng tỉnh dậy. Trước khi Kim kịp xoay người về phía bàn ngủ, Supinda đã chụp lấy ống điện thoại trong bóng tối. Kim vẫn nằm im trong chăn mặt xoay vào tường, đôi mắt còn tiếp tục ngủ nhưng tâm trí lơ mơ tỉnh thức. Khi Supinda kêu lên mừng rỡ và gọi tên người ở đầu dây bên kia, Kim hiểu rằng nàng nên để cho người bạn Thái nghĩ là nàng vẫn đang ngủ. Mà quả tình Kim cố dỗ cho mình ngủ lại để khỏi nghĩ ngợi lung tung thêm phiền muộn. Nhưng đâu dễ gì. Vì Supinda đang nói chuyện với người ở đầu dây bên kia bằng thứ tiếng mà Kim nghe, dù vô tình, cũng vẫn hiểu được.
“Ô, Krishnan! Em nhớ anh quá đi mất thôi. Em gọi anh từ lúc tám giờ tối, sao mãi giờ này anh mới trả lời?”
“…”
“Em đã ngủ được một giấc, và em mơ thấy em đang đi dạo trên đường phố Bangkok bên cạnh anh”.
“…”
“Ồ, chẳng có gì thú vị cả! Toàn là gặp mấy mụ già không à! Anh phải thấy được cách họ “hành hạ” em như thế nào! Em không được ngủ trễ, không được ngủ trưa. Trễ giờ hẹn một chút xíu là họ bất bình ra mặt. Lúc nào cũng giờ giấc. Mà anh cũng biết đấy: Supinda của anh có bao giờ chịu đeo đồng hồ đâu. Cái gì mình thích thì họ cũng không chịu cho mình làm, trong khi đó lúc nào họ cũng cho mình là khách của họ! Khách gì mà như là tù giam ấy thôi! Chán quá. Em chịu hết nổi rồi. Em nhớ anh quá, Krishnan!”
“…”
“Nhưng mà họ giữ vé máy bay của em ngay khi vừa đặt chân đến đây rồi, còn đâu! Em tưởng họ giữ để xác định lại ngày về với hãng hàng không. Về sau Kim mới cho em biết là có một số người đến đây, nhớ nhà nên bỏ dở chuyến đi và tự ý về nước, nên về sau này họ quyết định giữ vé máy bay của tất cả những người được mời, chỉ trả lại khi nào đến sát ngày về”.
“…”
“À, Kim là cô bạn Việt Nam cùng được mời đến đây như em. Nó dễ thương lắm. Cũng may có hai đứa cùng người Á châu với nhau…”
“…”
“Được em sẽ chuyển lời cho anh. Nó đang ngủ. Lúc nhớ anh em thường kể với nó về chuyện tụi mình”.
“…”
“Em đếm từng ngày để trở về nhà. Krishnan, em nhớ anh chết được!”
“…”
“Trời ạ! Anh phải thấy cách mấy mụ ấy lúc nào cũng coi em như là con cháu trong nhà ấy thôi! Thậm chí cả những lúc họ đã trả em về khách sạn rồi mà chốc chốc lại gọi dây nói hỏi thăm như sợ mình biến mất không chừng!”
“…”
“Vâng, anh Krishnan yêu quý. Em hy vọng gặp anh ở Âu châu. Còn một tháng mấy nữa thôi, nhưng sao em thấy thời gian dài lê thê. Bây giờ ở bên nhà là mấy giờ hả anh?”
“…”
“Vâng, em chỉ mong có thế. Hôn anh. Em sẽ gọi anh ở mỗi chỗ em đến. Mốt em đi New York rồi… Vâng, hẳn là ở đó em sẽ cảm thấy dễ chịu hơn vì có gia đình anh họ em. Em sẽ gọi lại anh, anh Krishnan yêu quý. Em sẽ gọi lại anh. Anh đã nhận được cái bảng ghi những số điện thoại của những nơi em sẽ đến rồi à? Gọi cho em bất cứ khi nào có thể được, nghe anh… Anh đừng quên đấy, nghe anh… Vâng, xong rồi đây cô… Krishnan, em hôn anh…”
Âm thanh những câu cuối vội vã, đầy níu kéo vô vọng. Có tiếng gác ống điện thoại. Tiếng khăn trải giường lào xào khi người con gái chuồi thân thể nàng trở lại trong chăn ấm. Sự im lặng trở về căn phòng nhỏ. Chợt Supinda khẽ gọi:
“Kim? Kim? Mày ngủ hay thức?”
Kim nằm im, không đáp. Nghĩ là bạn đang say ngủ, nên Supinda thôi không gọi nữa.
Kim không ngủ. Nàng nghĩ bên nhà bây giờ có lẽ là rạng đông. Rạng đông. Ánh nắng mặt trời. Ôi, thứ ánh sáng có hiệu lực xua đuổi đoàn âm binh của đêm tối mênh mông… Một nỗi tủi cực đến ngự trị trong tâm hồn Kim – nỗi tủi cực đã vượt không gian đến với Kim và cùng chui vào bên trong tấm chăn phủ ấm thân thể, nhưng chẳng phủ ấm được tâm hồn. Kim thầm nhủ với mình: Ngủ đi em, mộng bình thường… Đêm tối xoá nhòa mọi hình thể, mọi kích thước. Nhưng chính sự kiện xoá nhòa đó đã ban cho mọi hình thể mọi kích thước một hình thể vĩ đại hơn, chắc chắn hơn, và một kích thước lớn rộng, dài đặc hơn. Kim nghe tiếng mình vỗ về mình. Ngủ đi em. Ngủ đi em. Chứ chẳng phải khi mày đứng đợi đến giờ lên máy bay rời quê hương – nơi mày đã sinh ra, đã lớn lên, đã hiểu, đã cảm, đã sung sướng, đã đau đớn – mày đã có cái thích thú tàn bạo vì vai trò kẻ lữ hành cô độc mà mày đang sắm, đấy sao? Chứ chẳng phải mày đã lấy làm khoái chí khi rời Guam, ngắm cái cảnh thiên hạ hôn nhau và khóc như mưa, bằng cái nhìn của một kẻ tự cho là mình vượt qua mọi thứ tình cảm luyến nhớ bình thường, đấy sao? Chứ chẳng phải những lúc đổi máy bay tại một vài phi trường, mày đã từng bước những bước thênh thang, với cái đầu ngẩng cao, với cái nhìn chứa đầy biển, hồ và với nụ cười mãn nguyện của kẻ phiêu lưu, giang hồ, chẳng một ràng buộc nào, đấy sao? Và mày vẫn thường cười nhạo những kẻ nhớ nhà là ủy mị, là mềm yếu, đấy sao? Kẻ ưa phiêu lưu và thích đi tìm những cảm giác lạ trong mày đi đâu rồi? Thì ra, hắn đã bỏ mày để đi xuống phố và la cà trong các quán rượu, bên bờ sông, trong công viên, bên sân ga, trong các xóm lao động, bên những di tích lịch sử, rồi ư? Thảo nào… Ôi cô bé tội nghiệp và yếu xịu (!) của ta ơi. Ngủ đi em. Và ngày mai mặt trời lại thức giấc để ban phát niềm yêu đời, sau khi đã đánh tan đoàn âm binh của đêm tối. Ngủ đi em, mộng bình thường. Ngày mai còn những New York, San Francisco, Los Angeles, và Paris đấy, và Rome đấy, và Tokyo nữa chi…? Hay cô bé còn muốn gì khác hơn? Một người tình ư? Ta biết cô bé quá mà. Cô bé chỉ thực sự thèm muốn có một người tình khi cô bé nhìn thấy những người khác yêu nhau thôi. Cô bé vẫn thường nói sau mỗi cuộc tình, rằng mình có cảm tưởng như bắt gặp lại chính mình đấy ư? Vậy nên, cũng đừng tủi cực, khi thấy mình đơn độc, làm gì! Cô bé ơi, cô bé xứng đáng để làm kẻ lữ hành cô độc lắm, bởi vì cô bé quá ích kỷ, đôi khi còn thích thú một cách tàn bạo về tính chất ích kỷ đó ở cô nữa. Than nỗi gì? Cô bé chưa hiểu được thế nào là sự hy sinh. Cô bé quá bận rộn với chính mình. Coi kìa, hãy chấp nhận đi chứ. Và hãy trở lại ngủ đi. Rồi hắn sẽ trở về với cô bé mà. Hắn không bỏ đi lâu đâu. Ta biết lắm chứ. Hà hà… Ta biết hắn như chính ta biết về cô bé vậy. Ngủ đi em. Ngủ đi em… Tay anh, em hãy tựa đầu. Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.
Quả nhiên, hắn trở về thật. Kim thức giấc vào lúc ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào trong phòng, qua khung cửa sổ lắp kính mở rộng, tạo thành một vệt sáng dài đến tận giường ngủ của nàng. Kim nghe như có tiếng ai chào mình. Và Kim thấy khoẻ khoắn trở lại. Cuộc vật lộn với đoàn âm binh không phân thắng bại. Đã bao nhiêu lần Kim tự hỏi tại sao có những lúc, tâm hồn mình trở nên thê thiết như vậy? Kim nằm im trên giường như vậy thật lâu. Người bạn Thái vẫn ngủ vùi.
Có tiếng chuông điện thoại. Kim giật bắn người. Đã hơn một lần, nàng cảm thấy thù ghét tiếng chuông điện thoại. Người ta vẫn không thể không cần những tiện nghi vật chất, đồng thời cảm thấy thù ghét sợ hãi chính những tiện nghi đó. Kim bỏ mặc cho chuông điện thoại reo. Nàng dư biết ai gọi rồi. Từ giường bên kia, Supinda nói:
“Mày trả lời đi chứ!”
Kim uể oải nhấc ống nghe lên:
“Dạ… dạ… Chúng tôi sẽ sửa soạn ngay bây giờ…”
“…”
“Được. Chúng tôi sẽ xuống phòng đợi…”
“…”
“Vâng. Chúng tôi sẽ nhớ. Xin chào”.
Kim mắc ống nghe vào máy. Supinda đã tỉnh hẳn. Nàng vươn vai ngáp dài. Kim bảo bạn trước khi vào phòng tắm:
“Họ đợi mình dưới nhà. Nửa giờ sau phải có mặt. Ta cũng chẳng buồn hỏi hôm nay họ sẽ đưa mình đi những đâu”.
Kim đã bước hẳn vào phòng tắm, rồi lại chạy ra đến bên giường bạn:
“Này, Supinda. Tao đề nghị cái này. Lát nữa, sau bữa cơm trưa, tao nói dối là gặp mấy người bạn đồng hương, họ rủ tao đi chơi và ăn tối, rồi tao làm bộ rủ mày cùng đi. Mày nghĩ sao?”
Mắt Supinda sáng lên:
“Đồng ý”.
Khi Kim đang đánh răng rửa mặt trong phòng, lại có tiếng chuông điện thoại. Tiếng Supinda trả lời bên ngoài, Kim nghe không rõ. Một lát, khi Kim trở ra, người bạn nói:
“Có một phóng viên muốn gặp tụi mình để phỏng vấn. Tao bảo là mình đã gọi điểm tâm, lát nữa bồi mới mang lên. Cô phóng viên xin lên gặp thẳng mình ở trên phòng”.
Kim đáp:
“Tao chán ngất mấy cái trò này quá rồi. Không biết những người thường bị mình phỏng vấn trước kia, họ có tâm trạng của mình bây giờ không? Bao cho chấm dứt tình trạng này, không biết?! Chưa bao giờ tao thấy “bị xỏ mũi” như bây giờ! Mày thỉnh thoảng còn nhận được cú điện thoại của thằng bồ, cũng đỡ khổ…”
Supinda cười, nụ cười có nhuộm nắng hồng ban mai – hay nắng hồng của tình yêu?
“Đêm qua mày cũng có nghe à? Sao tao gọi mà mày không đáp?”
Kim nói, chống chế:
“Tao đoán ngay khi nghe tiếng mày nói như khóc, lúc đầu. Rồi tao ngủ thiếp đi mất, chẳng nghe biết mày đã nói gì sau đó. Mày có gọi tao à?”
“Ừ. Tao vui quá nên định gọi mày dậy để tâm sự, vậy thôi. Krishnan thật dễ thương. Hắn là người Mã Lai thường đến Bangkok chơi luôn. Hắn biết tao đã ly dị chồng, người chồng bố mẹ tao chọn căn cứ vào sự môn đăng hộ đối. Khi đứa con đầu của tao chết vì đẻ non, tao xin ly dị vì nó còn trẻ, con nhà giàu, không chịu làm gì lại chỉ ham cờ bạc bỏ bê tao, tao kể với mày rồi đó. Tao không có hạnh phúc. Rồi tao gặp Krishnan…”
Kim nhớ lại hôm đầu tiên gặp Supinda ở Washington D.C. Nàng đến trước Supinda một ngày. Sau khi đã làm một vòng thăm cái thành phố nhiều công chức và dân da đen này, trở về khách sạn, Kim được biết Supinda vừa đến cùng với cô em gái qua du học về ngành kiến trúc. Tiếng Supinda trả lời điện thoại nghe thật trẻ thơ. Sự thông cảm lúc đầu không mấy khó khăn. Với dáng cao và gầy, và với phục sức hợp thời trang, tuy vậy, Supinda giản dị, cởi mở, hồn nhiên nhờ từ bé đã được hấp thụ một nền giáo dục Tây phương. Cha nàng là một công chức cao cấp trong hoàng gia Thái Lan, dạy trẻ du học bên Hoa Kỳ, gặp và cưới mẹ nàng. Khi họ cùng đáp tàu thủy về nước, dọc đường, Supinda được sinh ra. Nàng là chị cả của bốn đứa em gái, từ năm chín tuổi đã được trở qua Thụy Sĩ học, xong ban Trung học, trở về nước làm việc. “Nếu có dịp, mày qua Bangkok chơi. Tao sẽ giới thiệu mày với gia đình, bạn bè tao. Gia đình tao vui lắm, toàn là đàn bà, gia nhân cũng toàn là đàn bà. Mỗi lần ông già tao đi công tác xa về, ông bị đàn bà vây quanh hỏi quà. Ổng đem về mấy va-li quà toàn đồ phụ nữ không. Tức cười lắm. Ổng kể có lần ổng đi công tác ở một nước Âu châu, một bà bán hàng đã hỏi ổng có mấy vợ mà sao mua nhiều đồ phụ nữ quá vậy?” Kim nghĩ: “Ở xứ mình thường trong mọi gia đình cũng chỉ toàn là đàn bà, con gái… Nhưng không khí không vui như vậy. Bởi mỗi người đàn bà hoặc có chồng, có con, có người yêu, có hôn phu, có anh, có em trai… ở ngoài trận mạc. Họ không chờ một món quà từ ngoại quốc, mà chờ một cái tin mà chẳng bao giờ họ mong là nó đến…” Bỗng dưng, Kim cảm thấy ghen với cô bạn Thái Lan hồn nhiên này. Sự ghen tuông bao hàm một lời cầu chúc tàn nhẫn. Kim lắc đầu xua đuổi ý nghĩ đó. Supinda vô tình nói tiếp: “Hôm qua đây, tao cũng có ghé phi trường Tân Sơn Nhất… phải phi trường Tân Sơn Nhất không nhỉ?… Ừ, tao ghé đó hai giờ, có thưởng thức món mì của xứ mày… Ngon tuyệt!” Kim cười, mơ màng: “Ăn mì ở Tân Sơn Nhất thì chỉ có là mì Tàu, hay là hủ tiếu. Mày phải ăn thứ “mì” chính cống Việt Nam, gọi là phở kia, thì mới ngon được! Nếu mày có dịp qua xứ tao – chắc là còn lâu – tao sẽ đưa mày đi… Bây giờ chiến tranh, chắc mày chẳng nên đến đó vội…”. Supinda nói: “Tao có nghe nói về vụ Cộng sản tấn công trong dịp Tết vừa qua. Ghê quá. Tao hiểu rằng nếu nước mày rơi vào tay Cộng sản, thì Thái Lan cũng không yên…”. Kim thấy có thiện cảm với cô bạn gái ngoại quốc mới quen này. Nàng tự trách mình đã ghen tuông một cách vô lối.
Sau khi tiễn cô em ra phi trường để đáp máy bay đi New York đến ở nhà một người bà con, Supinda sang phòng Kim ở. Những nhận xét thẳng thắn của Supinda về người Mỹ và cuộc sống ở Mỹ, làm Kim thấy gần với bạn hơn, không phải vì sự tương đồng trong nhận xét, nhưng vì sự thẳng thắn cởi mở của Supinda. Một lần, Supinda trách Kim: “Mày mới sống ở Mỹ có mấy ngày mà đã chịu ảnh hưởng của nếp sống Mỹ rồi, ít ra về phương diện giờ giấc”. Kim cười nhạt: “Mày nhầm. Tao không muốn bị thúc hối bên cạnh. Do đó, tao muốn đúng giờ e được thảnh thơi. Chỉ có vậy. Mày vẫn có quyền trễ hẹn, tùy mày”. Mà thường bao giờ Supinda cũng đến trễ hẹn từ nửa tiếng đến một tiếng đồng hồ.
Sau bữa cơm trưa tại nhà hàng trong một trung tâm thương mại nổi tiếng của thành phố Philadelphia có kèm thêm một buổi trình diễn y phục thời trang với những cô người mẫu mà từ dáng đi đến nụ cười đều như dập từ một khuôn đúc ra, Supinda và Kim được đưa đi thăm các tầng lầu với các hàng hóa có thể làm chóa mắt những người dễ dãi. Khách hàng phần lớn là phụ nữ. Supinda ghé tai Kim nói:
“Tao nghĩ làm một ông chồng Mỹ quả không có gì là thú vị cả! Ngày thì đi làm, lấy tiền cung phụng cho vợ con tha hồ mua sắm, tối về, ăn cơm xong lại xoay ra rửa bát cho bà vợ ngồi khểnh ở phòng khách xem ti-vi, hay đi họp đi hành trong các hội này, tổ chức nọ”.
Dù vậy, Supinda vẫn là người bị lôi cuốn đứng lại ở các cửa hàng sáng lòa hơn ai hết.
“Ở Việt Nam của mày… có vậy không?”
Kim mỉm cười:
“Bao giờ thì họ thả mình ra, mày có biết không?”
“Không biết. Nhưng lát nữa, họ sẽ cho mình trở về khách sạn nghỉ trưa vài tiếng. Lúc đó, mày khởi sự nói dối là vừa đó. Tao sẽ phụ họa với mày”.
Một cô người mẫu đứng chờ sẵn Supinda và Kim ở khu bán mũ nón phụ nữ, do lời mời, để chụp hình kỷ niệm. Supinda tíu tít chọn mũ, thử hết cái này đến cái kia. Kim lơ đãng nhìn quanh. Ngay ở chỗ để mua sắm hoặc ngắm nghía thế này, cũng có một vẻ gì vội vàng. Cô Kim từ đâu đến? Cái tên nghe như tên Đại Hàn. Không, tôi từ Việt Nam, Nam Việt Nam, ở đó cũng có sự chia cắt đất nước như Đại Hàn, như Đông và Tây Bá Linh. À, tôi nhớ ra rồi. Tôi có thằng con mười sáu tuổi, thích theo dõi tin tức chiến sự ở bên ấy. Nó cứ nằng nặc đòi bỏ học đi lính sợ ít nữa lớn hết chiến tranh! Chiến tranh làm sao mà hết được, không ở Việt Nam thì ở nơi khác lo gì. Cậu nhỏ tính lạ, phải không? Thiếu niên xứ tôi không sợ hết chiến tranh nhưng họ chán học vì biết rằng học hay không, trước sau gì cũng đến phiên họ. Cô thấy đời sống ở đây ra sao? Cứ thành thật cho biết cảm nghĩ của cô. Đời sống ở đây ấy à? Rất phong phú về phương diện vật chất, lẽ cố nhiên, nhìn chung. (Tại sao không đưa tôi đến những Harlem? Hay ít ra đến những Greenwich – ít ra, những Greenwich…? – Tại sao những trung tâm thương mại, những nhà hàng sang trọng với những kiến trúc tân kỳ, những chốn tiếp tân này kia với những phụ nữ béo tròn lúc nào cũng chỉ nói đến chuyện giữ eo, v.v.?) Cô không tính mua gì cả sao? Tôi có quá nhiều hành lý để có thể mua sắm thêm một cái gì khác. Cô đi nhiều, biết nhiều về nước tôi hơn cả. Câu nói đó tôi đã nói với một số người nước ông bà khi họ đến nước tôi. Vâng, tôi biết nhiều, quá nhiều về nước này hơn chính tôi có thể biết về nước tôi. (Mai này mốt nọ khi hòa bình về với quê hương mình… Hòa bình ơi! Ít ra, nơi đây ta sẽ thấy được mi để biết rằng mi xa lạ với ta biết chừng nào!…)
Supinda gọi Kim từ sau những khung gỗ sơn trắng đan theo hình mắt cáo có treo những chiếc mũ đủ kiểu.
Thế hai người cùng phải dùng tiếng Anh để nói với nhau à? Tôi tưởng… Vâng, vì tôi không biết nói tiếng Thái, và ngược lại, Supinda không biết nói tiếng Việt, mặc dù nước chúng tôi chỉ cách nhau có vài giờ bay phản lực. Ở đó, tôi muốn nói Á châu, những quốc gia nhỏ ở gần nhau nhưng ruộng đồng được ngăn cách bởi những con đê, mỗi khoảng ruộng đồng thuộc quyền sở hữu của một số người thuộc cùng một dòng giống, truyền thống, tập tục, văn hóa, lịch sử khác biệt nhau, với ngôn ngữ khác nhau và những trạng huống tinh thần khác nhau.
Một người mang một cái mũ đến chụp lên đầu Kim và ra hiệu cho nhiếp ảnh viên chụp hình. Tự nhiên, Kim thấy giận. Nàng gỡ chiếc mũ ra, cười gượng gạo, trả lại chỗ cũ.
Khi về khách sạn, Supinda biện minh cho mấy cái mũ vừa mua:
“Không mua, họ giận. Mày phải hiểu như thế. Để tỏ ra mình cũng thích thú về chuyến viếng thăm trung tâm thương mại nổi tiếng nhất của thành phố”.
Mặc dù có thể đợi chuyến thang khác, không lâu lắc gì khi mà khách sạn được trang bị bằng những chiếc thang máy kiểu tối tân nhất, và cũng không vội vã gì khi Kim đã chính thức rủ Supinda đi ăn cơm tối với mấy “người bạn đồng hương” của nàng, nhưng cả Kim và Supinda cùng vội vã chạy băng qua phòng đợi rộng thênh thang với nền đá hoa trơn láng, để kịp nhảy vào trong chiếc thang máy vừa vặn tự động đóng cửa lại khi họ đặt chân đến vào bên trong. Kim nhấn ngón tay vào chiếc nút mang số 18. Supinda thở ra, đầu ngả vào thành thang máy:
“Cám ơn mày đã nói dối. Mình sẽ làm gì với nửa ngày tự do này?”
Kim ngáp dài:
“Đi ngủ cái đã. Từ hôm qua bên này, tao chưa được ngủ trưa trọn giấc bao giờ! Rồi sau đó, đi xi-nê, đi ăn và tìm một chỗ nghe nhạc… Và nếu trời đừng lạnh quá, mình sẽ đi dạo một lát…”
Supinda cười khúc khích, như chợt nghĩ ra một điều gì thú vị lắm:
“Tao mừng là họ không hỏi han lôi thôi về mấy người “bạn đồng hương” của mày. Tao tự hỏi nếu họ hỏi những người đó là ai, tên gì, làm việc ở đâu, nhà cửa ở đâu, mày sẽ ăn nói ra sao?”
“Tao biết họ chẳng hơi nào hỏi kỹ như vậy. Có khi họ mừng vì đã có người săn sóc giùm họ chương trình tối nay của tụi mình. Họ coi mình là bọn con nít trong khi mình coi họ là những mụ già”.
Hai người chui ra khỏi thang máy. Supinda nhún nhảy với chiếc hộp đựng mũ trên tay, đi trước, với dáng người dài như chiếc hành lang trước mặt:
“Tao ưng đi thăm viếng những đài truyền hình hơn”.
“Chứ không phải mày đang vui vì chọn được mấy cái mũ ưng ý à?”
“Đó là chuyện khác. Tao tưởng sẽ được làm việc tại các đài truyền hình, hay ít ra được đến các nơi đó quan sát lề lối làm việc của họ để học hỏi… Đêm qua lúc nói chuyện với Krishnan, tao thèm về nhà ghê gớm, mày biết không?”
“Tao cũng đoán thế. Tao tưởng mày khóc đến nơi rồi ấy chứ. Còn bây giờ thì sao?”
Supinda dừng lại, đợi Kim:
“Mày vừa nói gì?”
Kim lắc đầu:
“Không. Không có gì quan trọng cả”.
Về đến phòng, Kim vào ngay phòng tắm vặn nước cho đầy bồn rồi bỏ quần áo chui vào nằm dài trong nước nóng. Có một lúc nàng tưởng mình ngủ được với sự thoải mái đang dần đến ngự trị trên thân thể nàng. Có tiếng huýt sáo của Supinda ở phòng ngoài. Một lát, Supinda ló đầu vào phòng tắm với chiếc mũ mới mua đội lệch qua một bên, hỏi Kim:
“Mày thấy tao đội mũ này hợp không?”
Kim ừ hử:
“Hợp. Mày vừa huýt sáo bản gì đó?”
Supinda bật cười:
“Un homme et une femme. Mày chưa xem phim đó à? Hay tuyệt”.
Nói xong, Supinda lại tiếp tục huýt sáo. Kim có cảm tưởng tâm hồn bạn mình thật thanh thản, trong sáng. Mai mốt đến New York, nó sẽ không ở chung với mình nữa mà đến nhà anh họ nó. Nó rủ mình đến ở chung. Thà là ở khách sạn, còn hơn ở đó để thấy thêm một lần lạc lõng… Chịu sao thấu!…
Tao không chịu được Washington D.C. đầy không khí công chức. Tao cũng không chịu được Philadelphia sặc mùi cổ kính với những di tích lịch sử. Tao không chịu được cô Shirley không chồng, khó khăn như một bà giáo, tao trễ năm mười phút cũng đủ làm cho cô ta đã sẵn những nếp nhăn trên mặt càng nhăn hơn. Tao không chịu được mụ Fran, tuy vui tính hơn Shirley, nhưng đỏm dáng và tức cười như một con khỉ, luôn luôn bảo mình không nên hút thuốc nhiều quá sẽ bị chứng ung thư. Mấy bà ở Philadelphia cũng không khá hơn, duy có bà bác sĩ Margaret là dễ chịu, vui tính… Chắc ở New York sẽ dễ chịu hơn.
Supinda vừa hút thuốc phì phèo khi hai người đáp xe lửa đi New York. Kim nói:
“Mày không ưa Shirley, có lẽ tại mày không hiểu cô ta”.
“Cũng có thể. Cô ta khô khan quá, lại có vẻ lạnh lùng nữa. Sao cô ta không lấy chồng?”
“Shirley thuộc lớp phụ nữ lớn trong kỳ đệ nhị thế chiến. Cô ta đính hôn một lần. Tao không rõ tại sao cô ta không lấy chồng. Chỉ biết sau lần đính hôn đổ vỡ, cô ta sống độc thân luôn. Có một sự can đảm nào đó trong cái quyết định sống độc thân của Shirley mà ở tuổi tụi mình chưa hiểu được. Mày xem như bà Fran, quá bốn mươi tuổi còn phải lấy chồng để như người ta, nhất là về phương diện tinh thần. Cuộc sống cần có nhiều kiên nhẫn để tìm hiểu. Dù vậy, vẫn có nhiều điều bí ẩn vượt khỏi tầm nhận xét của mình”.
Supinda liếc nhìn bạn:
“Tao tự hỏi mày suy nghĩ về những điều đó để làm gì? Mày thường có vẻ tư lự. Ích gì sự tư lự đó?”
Kim khẽ nhún vai, mắt nhìn ra rừng cây bắt đầu đâm chồi non đang kéo nhau về phía sau đoàn tàu:
“Mỗi người có một số thói quen được cấu tạo do bản chất và hoàn cảnh từ đó nó được sinh ra và lớn lên… Tao cũng chẳng biết mình suy nghĩ như thế để làm gì. Chỉ biết rằng khi tao suy nghĩ về một người nào, và khi tao hiểu người đó hơn, thường tao bớt có ác cảm với người đó hơn. Chẳng hạn như đối với Shirley. Cũng có thể, mày thẳng thắn và bộc trực hơn tao”.
Supinda nhìn bạn, toan nói gì, nhưng lại thôi.
Phải hai tiếng đồng hồ, chuyến tàu hai người đáp từ Philadelphia mới đến New York. Trước khi tàu vào ga New York, một người da đen phục sức theo kiểu các nhân viên làm việc cho hãng hoả xa cầm một chiếc khăn đến lau giày cho từng hành khách, mỗi lần lau giày cho một hành khách, gã lại không quên nói những lời chúc tụng. Thoạt đầu cả Supinda lẫn Kim đều bỡ ngỡ đến rụt rè. Sau hiểu ra, hai người để cho người da đen lau giày cho mình, với một vẽ bẽn lẽn, nhưng đều vờ thản nhiên.
Nhà ga nằm ở tầng hầm. Kho đoàn tàu chui vào vùng ánh sáng của những ngọn đèn điện, Supinda và Kim cùng bỡ ngỡ đứng dậy. Mọi hành khách đều có vẻ thản nhiên và bận rộn không ai buồn để ý đến hai cô gái ngơ ngác nhìn xung quanh. Có tiếng ai gõ vào cửa kính. Vài khuôn mặt phụ nữ nhìn Supinda và Kim, cười. Kim hích khuỷu tay vào người Supinda:
“Chắc mấy bà này ra đón mình?”
Họ chẳng phải vất vả với đống hành lý lỉnh kỉnh, bề bộn. Mọi việc đã được lo chu toàn. Nhưng cái cảm giác bận rộn vẫn lởn vởn với Kim. Nàng mong về đến khách sạn. Nhưng nàng chẳng được toại ý ngay. Bữa cơm trưa kéo dài trong nhà hàng bên dưới khách sạn. Họ vừa ăn vừa đề cập đến chương trình của sáu ngày lưu lại New York của Supinda và Kim. Sự bận rộn của thành phố New York phủ vây lấy Kim, một vòng vây quá chặt đến độ nàng không trông, không nhìn, không cảm được gì nữa ở xung quanh. Mỗi lần trở về khách sạn Kim như không mở nổi cửa nữa. Chiếc chìa khóa bị kẹt hoài. Tại sao? Kim hoàn toàn cảm thấy cô đơn. Đến ngày thứ tư sống trong thành phố, nàng tưởng mình điên loạn đến nơi. Mấy lần gọi dây nói cho Supinda, đều không gặp. Bỗng dưng Kim nghe một cơn giận dâng lên. Kim tự trách mình dễ dãi trong việc trao gửi tình cảm nơi Supinda. Nàng thề khi nào gặp lại Supinda sẽ làm mặt lạnh. Nàng nhủ thầm, có lẽ như Supinda lại hay: nhẹ nhõm, dễ sinh lòng yêu và bộc trực, cũng dễ sinh lòng ghét. Hoàn toàn để không vấn vương. Tại sao vẫn có một số người bạn ở bên nhà cho là nàng lạnh nhạt? Có lẽ vì sự lạnh nhạt nơi nàng chỉ là một cái vỏ để che đậy một yếu mềm, dễ dãi bên trong? Những ngày ở New York, Kim bỗng như đối diện với một tấm gương phản chiếu trung thực con người thật của nàng, khiến nàng cay đắng, và vô tình, nàng đâm thù cái thành phố đông đúc, xô bồ và vô tình này. Và cũng như Kim, cái bề ngoài vô tình đến tàn nhẫn đó của thành phố New York thực ra chỉ là một cái vỏ. New York, nơi mà Kim đã náo nức tới và nóng ruột khi đi khỏi, mà khi đã đi khỏi rồi, Kim bắt gặp một nỗi nhớ mơ hồ dành cho thành phố đó, pha lẫn một nuối tiếc vì đã chưa được nhìn rõ, nhìn hết nó.
Kim không hận được New York lâu, cũng như Kim không hận được Supinda lâu.
Sau non một tháng mỗi người đi theo một ngả theo chương trình đã được ấn định, hai người lại gặp nhau ở San Francisco. Kim đến phi trường San Francisco sớm hơn Supinda một giờ. Nàng ngồi bên đống hành lý để đợi bạn cùng lên xe ca về khách sạn đã được chỉ định (quả không hề có một sự tình cờ nào có thể xảy ra cả; mà cho là có sự tình cờ nào xảy ra đi chăng nữa, cả Supinda và Kim cũng không còn thời giờ đâu mà nghiền ngẫm về nó. Mà tất cả những bận rộn này có đáng gì đâu!?)
Một cặp vợ chồng Mỹ – Phi đến ngồi cạnh Kim trên chiếc ghế dài. Người vợ ngồi lại với mấy đứa con trong khi người chồng đi lấy hành lý. Kim mỉm cười với đứa con gái nhỏ. Những câu hỏi không đi ra ngoài những thông lệ. Bà từ đâu đến? Cô từ đâu đến? Em bé thật kháu khỉnh. Cám ơn cô.
Kim ngồi im, ngóng về phía cầu thang nơi hành khách từ các nơi sẽ xuống. Đây là lần thứ hai Kim đặt chân đến phi trường này. Trái với lần đầu ngơ ngác, lo âu, lần này Kim thấy bình tĩnh và có thể thong thả nhìn ngắm xung quanh. Bây giờ, cái không gian vật chất không còn đe dọa Kim được nữa. Nhưng cũng do đó Kim nhìn thấy rõ hơn nỗi trống vắng của tâm hồn mình. Những cánh thư từ bên nhà gửi sang Kim thường đọc đi đọc lại đến độ thuộc lòng cả nội dung, thuộc lòng cả từng chi tiết. Kim quen thuộc quá với những di chuyển, với những hành lang khách sạn, với những buổi tối nằm chèo queo trong phòng một mình, nghe như tâm hồn mình lên men hóa thành một chất rượu – rượu cô đơn – làm choáng váng tâm hồn đến tê tái. Kim phát giác ra thêm một chân lý: càng những kẻ ưa giang hồ phiêu dạt, bất cần đến những ràng buộc bao nhiêu lại là những kẻ cần một ngọn lửa gia đình, thèm có một liên hệ, dù nhỏ, cũng đủ làm ấm lòng bấy nhiêu! Dường như sự đầy đủ và chu toàn ở đây càng tinh vi bao nhiêu, cũng như những bữa ăn càng nhiều cao lương mỹ vị bao nhiêu, khiến cho Kim càng nhớ càng thương quê hương vốn lầm than, thiếu sót và những bữa ăn đạm bạc bấy nhiêu. Trong một lá thư gửi về cho gia đình, Kim đã viết: “Con đã bỏ đự định sau Hoa Kỳ, sẽ ghé lại New York vài ngày và sau đó qua thăm Âu châu một vòng. Con nôn nóng về nhà. Con sẽ về vào cuối tháng Năm, trễ lắm là đầu tháng Sáu. Mẹ nhớ muối sẵn lu cà với tỏi; có thêm được mấy quả cà bát dầm tương càng hay. Con thèm hương vị của quê hương lắm rồi. Ở nhà có ai tình nguyện ăn phở trừ cơm với con một tuần lễ không, thì sửa soạn sẵn đi…”. Băng nhạc của một người bạn nhạc sĩ trẻ mang theo, Kim đã nghe đi nghe lại đến độ, không dám nghe thêm nữa… chắc Kim đã không nhớ, không thương đến thê thiết như vậy. Những đau thương thường đem con người lại gần nhau. Kim chẳng thấy gần được ai ở chốn này – hay vì thực ra, Kim chưa thể gần được những người đáng-lẽ-có-thể-gần được vì Kim chưa thực đi hết, nhìn thấy hết, cảm thấy hết.
Supinda từ trên cầu thang đi xuống, vừa đi vừa trò chuyện với một thanh niên Mỹ mà Supinda giới thiệu với Kim là quen được trên máy bay. Phải nhận là với lối phục sức hợp thời trang và sự khéo léo trang điểm, cộng thêm với dáng cao gầy như một cô gái làm người mẫu, Supinda dễ lôi cuốn sự chú ý của những người xung quanh. Đã có hơn một lần, Kim cảm thấy rõ ràng mình thua sút người bạn Thái Lan ở phương diện bề ngoài.
Sau những câu thăm hỏi chuyến đi lẫn nhau, hai người bạn lên xe ca về thành phố. Khác với mọi chỗ, ở đây không có ai ra đón Supinda và Kim cả. Kim nói:
“Càng hay. Điều đó chứng tỏ là chương trình thăm viếng ở nơi đây lỏng lẻo. Chúng mình sẽ được tự do. Vả lại, có lẽ cũng tại hôm nay là thứ Sáu, mà mình lại sẽ rời nơi đây vào thứ Hai. Ai cũng bận lo mục vui cuối tuần của họ chăng?”
Supinda nhận xét:
“Mày nói như một người Mỹ vậy!”
Kim có vẻ không bằng lòng:
“Mày không nên nói như vậy. Mày biết rõ là điều đó không đúng chứ?”
Supinda đấu dịu:
“Tao đùa có một tí mà mày đã sửng cồ!”
Kim cười nhẹ:
“Mày phải biết rằng nếu tao chịu ảnh hưởng được của người Mỹ, thì tao đã sung sướng vì không phải oán hận mày những ngày mày bỏ tao nằm một mình ở New York, và nhất là tao đã không phải hoài công tự hỏi lúc này con Supinda nó đang làm gì, ở nơi đó nơi nọ, liệu nó có khổ như dạo ở Philadelphia không? Tao không kể công. Nhưng không nói với mày điều đó, tao biết nói với ai bây giờ?”
“Coi kìa, Kim! Mày giận tao thật à? Tao đã bảo là tao đùa mà”.
“Ừ, tao gận vì mày… vô tình”.
“Mày tưởng tao không nhớ mày đấy chắc? Mày tưởng tao đã không tự hỏi như mày đấy chắc?”
Kim cười nhạt:
“Dù sao mày cũng là đứa sung sướng nhất trong hai đứa!”
Nói xong, Kim bước lên xe ca. Hai người ngồi chung một băng. Supinda lại hỏi:
“Tại sao khi không mày có vẻ cay đắng quá vậy?”
Kim lắc đầu:
“Có nhiều cái mày không hiểu được, dù tao có cố gắng giải thích cho mày nghe. Thôi, bỏ qua đi… Hãy nghĩ đến những ngày tự do cuối cùng ở cái thành phố San Francisco này. Supi, if you’re going to San Francisco…”
Sài Gòn, ngày…
Supi thân,
Thấm thoát mình rời Hoa Kỳ sau chuyến đi chung ấy cũng đã một năm rồi. Tao nhớ hôm cuối cùng, sau khi đã thu xếp hành lý (không biết là lần thứ bao nhiêu từ ngày đặt chân lên đất Mỹ, đến cái độ tao tưởng có thất nghiệp xin đi làm cái nghề… xếp hành lý cũng được đó!), thanh toán tiền phòng xong, tao với mày ngồi dưới phòng khách của cái khách sạn đã đón mình đầu tiên khi đến đất Mỹ và tiễn mình khi mình rời đó, ở Washington D.C. tao nhớ đã hỏi mày có bao giờ mày giận tao. Mày đã ngẫm nghĩ một lát và nói: “Có một lần. Hôm ấy mày liệng đôi giày màu vàng kim nhũ của tao”. Tao cười ngất vì cái lý do giận hờn tao của mày. Thực ra, hôm ấy, trong khi xếp hành lý cho một lần nữa lên đường, tao thấy trong gậm giường còn đôi giày của mày. Sợ mày quên nên tao đã cầm lên liệng cho mày. Vậy mà mày giận tao. Con nhỏ lạ! Sau đó, mày đã cho tao địa chỉ của mày ở Bangkok và tao cũng ghi cho mày địa chỉ của tao ở Sài Gòn. Rồi rút cục, cũng chẳng đứa nào buồn viết thư cho đứa nào. Tao nghĩ có lẽ mày đã đi lấy chồng. Còn mày thế nào chẳng có lúc mày nghĩ là chắc tao đã vùi thân trong một trong những trận “mưa pháo kích” tơi bời một dạo ở đây.
Thế mà mày đã lấy chồng thật. Hôm ấy có một người bạn Mỹ từ Sài Gòn qua Bangkok nghỉ hè, tao nghĩ đến mày nên có cho ông ta địa chỉ với lời hỏi thăm của tao kèm theo. Khi trở về, ông ta trao cho tao một gói đồ kèm theo lá thư của mày. Thì ra ông ta không được gặp mày, ngoài gói đồ mày gửi lại khách sạn nhờ ông ta trao cho tao. Đọc thư của mày, biết mày có chồng và đang hy vọng có thể có con, tao thấy mừng cho mày. Mày vẫn có lối viết ngắn, và bộc trực, như tuồng chữ của mày vậy.
Những ngày ở Mỹ, có lẽ kỷ niệm mà tao nhớ nhất là hôm chúng mình đáp tàu hoả từ Los Angeles đến Grand Canyons. Sau một đêm mất ngủ trong lòng con tàu xuyên qua không biết bao nhiêu cánh rừng, bao nhiêu đường hầm, bao nhiêu trang trại, bao nhiêu những ga xép, sáng sớm hôm sau, sau ly cà-phê Mỹ chua lè mà tao đã chỉ nhấp có một chút đỉnh vì thiếu đường, mày với tao, hai hành khách duy nhất, xuống tàu giữa một sân ga còn đẫm hơi sương với rặng thông thẳng tắp bao quanh, để từ đó đáp xe ca đi Grand Canyons. Gió trên sân ga như cắt da thịt còn nồng ấm vì giấc ngủ chập chờn trong con tàu lắc lư đêm trước. Sân ga vắng ngắt. Chỉ có người phu khuân vác lom khom đẩy chiếc xe ra đem hành lý của bọn mình chất sẵn lên xe ca. Phòng đợi của nhà ga dù không có máy sưởi, nhưng nhờ những khung cửa lắp kính, nên cũng che chở mình phần nào khỏi cái lạnh như cắt da thịt bên ngoài. Mày không biết được tao đã nhớ quê hương của tao đến độ nào khi nhìn những rừng thông bao bọc quanh sân ga. Có lẽ, từ ngày đặt chân lên đất Mỹ, đây là lần đầu tiên tao không cảm thấy vội vàng, mặc dù mình đã bị dựng dậy từ sáu giờ sáng để rời con tàu vào ngồi co ro đợi trong nhà ga. Có lẽ vì Gran Canyons không có ai đợi chờ mình, nghĩa là không có chương trình nào đang đợi mình để bắt mình lúc nào cũng phải theo sát nó. Có lẽ cũng vì khung cảnh ở nơi đây, vì sự có mặt của những cây thông tinh khiết và tràn đầy vẻ trầm tĩnh kia. Mọi người, mọi vật đều có một cái vẻ an nhàn, thanh thản. Cả cái giọng bác tài xe ca khi gọi nhóm hành khách ít ỏi ra xe khởi hành đi Grand Canyons cũng có một vẻ gì nhàn tản nữa, mặc dù xe khởi hành đi Grand Canyons rất đúng giờ, không mau không trễ, dù chỉ một phút.
Xe chạy qua rừng thông trước khi đến một miền đồng cỏ mênh mông. Tao nhớ mày đã kể về chuyến đi thăm rừng thông với Krishnan ở Phi Luật Tân, trong khi tao tưởng nhớ đến đồi thông bên xứ tao… Sau hơn một giờ xe chạy với hai đứa mình ngủ bù cho đêm thiếu ngủ hôm trước, (dù thực tình tao không muốn ngủ, vì sợ mỗi một phút ngủ, là một phút để cho cảnh vật xung quanh trôi tuột đi mất), xe vào đến Grand Canyons.
Làng Grand Canyons nhỏ, nhưng khung cảnh thật vĩ đại. Lèo tèo một vài khách sạn bằng gỗ, một vài tiệm ăn. Dân cư ít ỏi, phần lớn sống nhờ lợi tức do nhóm du khách mang lại. Nhà phần lớn làm bằng gỗ. Gió vừa khô vừa lộng.
Từ sân khách sạn chỗ chúng mình thuê phòng, có thể nhìn thấy thung lũng đá phía dưới với những thành núi đá bị dòng sông Colorado xói mòn tạo thành những bức tường thành trông xa như cả một vương quốc cổ xưa nay điêu tàn hoang phế.
Cũng chính tại đây, tao đã được đọc bài tường thuật lại trận tấn công của hai đợt Việt Cộng nhắm vào các thành phố, nhất là Sài Gòn, trên một tờ báo bán trong tiệm tạp hóa và đồ kỷ niệm của khách sạn. Nỗi sốt ruột lo âu pha với sự thay đổi khí hậu đột ngột, khiến tao không chịu nổi nữa. Rồi tao bị bệnh.
Suốt một buổi trưa tao nằm trong phòng đắp chăn vì cơn sốt hoành hành. Khi mày đánh thức tao dậy và ép tao uống thuốc, dùng bữa tối mà mày đã lặn lội, cùng với gã sinh viên người Đức đến nghỉ hè tại đó, đem về từ một nhà hàng cách khách sạn mình ở nửa cây số, tao thấy trời bên ngoài đã tối. Ra tao đã ngủ hết nửa ngày rồi kia à?
Supi ạ, sự săn sóc của mày trong thời gian ở Grand Canyons đã làm tao xúc động. Tao nhớ kỷ niệm của hai ngày ở Grand Canyons, một phần cũng vì cái tình bạn ấm cúng mà tao bắt gặp ở mày – mày, cái con bé mà tao thường cho là dễ mến nhưng hời hợt, vô tình đó – dường như đã có lúc, tao cảm thấy như mình sờ mó được sự ấm cúng của tình bạn đó, như một thứ hơi ấm đủ sưởi tâm hồn giá lạnh vì nhiều lý do của mình… Tao nhớ một lần mày đã bảo tao: “Kim à, mày trí thức hơn tao. Tao nhận thấy như vậy”. Tao đã cười tự ngạo, như mỗi lần nghe ai nói thế về mình, và đáp: “…Và thua mày ở sự tháo vát, lanh lợi, bặt thiệp, Supi. Cứ tạm nghĩ là mày cần cái mà tao có mà mày thiếu, và ngược lại”. Nhưng Supi, tao thương yêu mày, dù cái thời gian mình ở gần nhau không bao nhiêu.
Thực ra, chuyến đi để lại trong tao nhiều ấn tượng mãnh liệt. Nếu có những điều làm mình hận, mình thù; thì cũng có những điều mỗi lần nghĩ lại, mình cảm thấy có một cái gì êm đềm, ấm áp, dịu dàng. Chẳng biết có bao giờ mày có dịp ngồi nghĩ về những điều đó? Không, tao biết và tao cũng thương mày ở cái vẻ hồn nhiên vô tư lự đến trong sáng của mày.
Mày lấy chồng, chấm dứt một sự lựa chọn sau một lần tan vỡ. Tao tin mày không chọn lựa lầm. Cuộc đời của mày như thế là yên một bề. Còn tao… ừ, Supi, tao vẫn như độ nào… nghĩa là… tao vẫn là con Kim, một cách đơn giản lẫn phức tạp theo cách thế của nó, như dạo mày quen nó lần đầu và từ biệt nó lần cuối cùng ở Washington D.C… Muốn hiểu tất cả các mối chua chát đó, phải suy nghĩ và nhất là phải làm người Việt Nam mới cảm, mới hiểu được. Tao sẽ không nói tất cả với mày những điều tao nghĩ. Không thể nói được thì đúng hơn. Chỉ nên biết rằng đã có lần, tao tự hỏi sao tao không sinh ra làm dân nước mày, hay một nước nào khác. Lẽ cố nhiên tự hỏi chỉ để mà tự hỏi. Bởi vì, dù muốn dù không, mỗi một người ở xứ này đều bắt buộc phải tự tìm cho mình câu trả lời mà tao thường gọi là một sự giải thoát bản thân. Và mày hiểu vì sao tao dễ “sửng cồ” khi mày nhạo tao chịu ảnh hưởng của một nước nào khác, như nước Mỹ chẳng hạn.
Thôi, vài hàng thăm mày, thăm Krishnan của mày, và gia đình mày. Tao mong sẽ có dịp mình sẽ lại gặp nhau để gợi lại những kỷ niệm về một chuyến đi mà từ đó, một tình bạn đã nảy sinh giữa chúng mình.
Bạn của mày,
Kim

Nguồn: Lập đông, tập truyện của Trùng Dương, Văn xuất bản năm 1972. G.P. số 4827/BTT/PHNT/QN, Sài Gòn ngày 13-12-1972. Giá 100đ. Bản điện tử do talawas thực hiện.

Comments are closed.