Văn học miền Nam 54-75 (494): Chu Tử (kỳ 8)

Sống

Chương 6

Kha đi đi, lại lại trong phòng khách, rồi lại bách bộ ra vườn… Chàng băn khoăn, lưỡng lự tự hỏi lát nữa có nên gặp Huyền không, và chàng sẽ đánh một đòn “chí tử” cách nào, để Huyền đầu hàng không điều kiện… Kha không khỏi bực rọc, nhận thấy là với một thiếu nữ nghèo, cô thế như Huyền, Kha phải bận tâm đối phó mãi mà vẫn chưa đi tới đâu, nhất là nhiều lúc Kha giật minh tự hỏi, tại sao mình lại nghĩ ngợi nhiều về Huyền như vậy! “Hay là mình yêu thực con bé?”.
Ý nghĩ ấy khiến Kha cười thành tiếng, tự chế nhạo mình: “Đàn bà thiếu gì đứa gấp trăm, gấp nghìn con lọ lem đó, mình đều đá đít, để theo đuổi, cố chiếm đoạt một con bé dở dở, ương ương, dám tát cả mình, quả là mình ngu hơn chó”…

Lòng tự ái của kẻ hãnh tiến, khiến Kha không tin mình có thể yêu Huyền, và Kha đinh ninh chỉ coi Huyền như một vật thách đố giữa chàng với Văn; Kha chỉ rắp tâm ngủ với Huyền một tối cho Văn “sáng mắt” ra! Nhưng nếu chỉ có thế, thì tại sao ít lâu nay, nhất là từ bữa Kha nhìn thấy Huyền ngạo nghễ ngồi lên xe của Hải, Kha lại bị hình ảnh của Huyền ám ảnh…! Kha chắp tay ra đằng sau, vừa đi vừa nghĩ ngợi, chưa biết lát nữa nên vào phòng học gặp Huyền, hay cho gọi Huyền ra phòng khách, thì có tiếng còi xe nổi lên ngoài cổng, và cái xe Dodge của Thảo từ từ tiến vào. Thấy nét mặt Thảo không những kém tươi hơn ngày thường, mà còn có vẻ bơ phờ, mệt mỏi, Kha vội hỏi:
– Đêm qua, thức khuya làm gì mà bộ mặt hốc hác vậy?
Thảo không nói gì… bắt tay Kha, rồi hai người cùng đi vào phòng khách… Thảo ngồi phịch xuống ghế, nói với Kha:
– Hỏng mất rồi anh ạ!
– Cái gì hỏng?
– Tôi đành tuyên bố vỡ nợ! Không gắng gượng thêm được nữa!
Kha nhìn Thảo, dò xét… Kha biết Thảo đã đến thời kỳ bê bối, nhưng chàng tin là Thảo chưa đến nỗi nguy ngập. Biết đâu Thảo chẳng dọa già Kha để vay thêm tiền Kha, vì Kha đã cho Thảo vay trên 10 triệu, tất nhiên Kha phải áp dụng chính sách “nuôi nợ” cho Thảo vay thêm tiền để Thảo khỏi sụp đổ… Kha làm ra vẻ điềm nhiên, nói với Thảo:
– Vỡ nợ cũng chả sao! Nhưng làm gì đã đến nông nỗi ấy?
– Nguy thực anh ạ! Số tiền 40 triệu nợ của Quốc gia ngân hàng, hàng tháng phải trả hai triệu, thì từ ba tháng nay tôi không trả. Ngân hàng đưa ra tòa. Tòa cho tôi hai tháng để trả, nếu không thanh toán thì sẽ phát mại đồn điền và các bất động sản… Số tiền 20 triệu vay của Quản Hữu, hắn cũng xin Tòa tịch biên, và tất cả các khoản khác như món nợ của anh, cũng đều đến kỳ hạn… Làm sao bây giờ hở anh?
Nghe Thảo kể, Kha biết Thảo nói thực. Nhưng chả nhẽ Kha lại mất 10 triệu vì Thảo! Kha thừ người ra suy nghĩ… Chàng hút hết điếu thuốc, châm điếu khác, rồi đột nhiên, chàng tươi tỉnh nói với Thảo:
– Có nhẽ tôi tìm được lối thoát cho anh rồi!
– Lối ra sao?
– Một lối oanh liệt! Anh phải ra ứng cử Tổng Thống kỳ bầu cử sắp tới…
Thảo trố mắt nhìn Kha:
– Anh định ngạo tôi hay sao?
Vẫn nụ cười bí mật và tự tin trên môi Kha:
– Tôi đâu có ngạo! Nhưng tại sao anh không ra ứng cử Tổng Thống? Dân chủ mà lỵ! Mà anh ra ứng cử không cốt để thắng, chỉ cần thất cử đã lợi chán…
Thảo vừa nghe Kha bày kế hoạch ứng cử, để thất bại, thì chàng đã hiểu rõ tất cả mưu toan, tính toán của Kha, nhưng chàng làm bộ ngây ngô hỏi lại:
– Ứng cử cốt để… thua thì ứng cử làm gì?
Kha cười:
– Thôi cha! Đừng có đóng vai giả ngốc! Nhưng tôi cứ nói rõ ý kiến của tôi, xem chúng mình có đồng quan điểm không. Này nhé! Nếu anh ra ứng cử, anh đứng về phe đối lập danh sách chính quyền, cứ chửi bới om sòm thật hăng vào, thì nhất định là Thực dân và Cộng sản sẽ phải ôm lấy anh, nắm lấy anh làm con bài của chúng, để phá quấy. Mà muốn ôm lấy anh, đâu có phải chuyện dễ! Anh sẽ đặt điều kiện, anh sẽ bắt họ phải xùy… tiền… Thế là anh vừa có tiền… trả nợ, vừa thành chính khách đối lập, vừa ghi được tên tuổi vào… lịch sử. Mỗi mũi tên… bắn một lúc ba con chim khổng lồ, chả tuyệt diệu à?
Ý kiến của Kha đúng phong phóc với những dự định của Thảo, Thảo sướng rên trong người, và đầu óc Thảo đã tưởng tượng lúc chàng hãnh diện đọc tuyên ngôn trước “quốc dân đồng bào”… nhưng chàng vẫn làm ra vẻ “chậm” hiểu, hỏi Kha:
– Nhưng nếu Cộng Sản và Thực Dân không chịu xùy tiền ra, thì anh tình sao?
– Sao lại không chịu… xùy tiền. Cộng Sản sẽ lợi dụng bất cứ anh kèo, anh cột nào, miễn là chống chính quyền. Nếu anh tuyên bố thật hăng, chửi thật lớn, mà họ không tìm cách lợi dụng anh, thì tôi cứ xin đi đằng đầu… Cái khó là làm thế nào moi tiền được của Thực Dân và Cộng Sản… Nhưng anh cứ yên chí, tôi sẽ có cách… Mà dù họ không sùy tiền chăng nữa, anh cũng vẫn lợi chán.
– Lợi cái gì?
– Anh sẽ được triển hạn trả nợ Chính phủ… đến khi bầu xong Tổng Thống! Và nếu khi bầu rồi mà anh thất cử thì anh cứ xập xí xập ngầu, bù lu bù loa kêu ầm lên là vì anh ra ứng cử nên bị vỡ nợ, bị khủng bố, bị tịch biên gia sản. Thế là anh quịt đường hoàng, quịt oanh liệt, chỉ phải trả… một mình tôi thôi!
Thảo chắp tay vái Kha:
– Kế hoạch của anh quả là xuất quỉ nhập thần. Đệ xin bái phục, nhưng còn tiền vận động, anh cũng phải cho tôi mượn vài triệu để chi phí chứ!
Kha vội xua tay:
– Anh mơ ngủ à! Chính phủ đài thọ tất cả rồi! Có khi anh lại được thêm tiền mang về là đằng khác… Nói đùa chứ, nếu có phải tốn phí ít nhiều cho đàn em đi vận động, thì anh tự xoay lấy cũng đủ… Cần lắm thì tôi sẽ cho anh mượn tạm vài ba trăm ngàn là thừa rồi… Đồng ý chứ?
– Đồng ý! Để tôi đi lo ngay hồ sơ, kẻo không kịp.
Khi mới tới, Thảo có vẻ chán nản, mệt mỏi bao nhiêu, thì khai từ giã Kha, chàng lại hăng hái, tin tưởng bấy nhiêu.
Thảo về rồi, tâm trí Kha lại loay hoay về chuyện Huyền. Từ trước đến giờ, trong bất cứ công việc lớn bé nào, thái độ của Kha cũng là thái độ dứt khoát, quyết đoán đến tàn nhẫn. Chàng thành công cũng chỉ vì không vương vấn tình cảm lăng nhăng. Đối với bất cứ người đàn bà nào, sang trọng hay bình dân, cao kỳ hay dễ dãi, Kha đều trắng trợn giao hẹn trước: “Anh không muốn nghe những lời mơ mộng, em cần cái gì, một chuỗi hột xoàn hay một cái ô-tô, em nên nói trước để xem chúng ta có thể thỏa hiệp với nhau được không”.
Biết tính Kha, không có người đàn bà nào lại dại dột sử dụng tình cảm đối với Kha. Họ cũng ráo riết “mà cả” chuyện “yêu đương” với Kha. Kha dần dần quen sống với cái triết lý đó, và chàng đinh ninh rằng cái nhân sinh quan ấy là nhân sinh quan duy nhất hợp với một người tỷ phú như chàng, chỉ nên thu hẹp vấn đề tình ái vào vấn đề giải quyết sinh lý thì mới khôn ngoan và nhất là đỡ “lôi thôi”. Thực ra, thì sau khi “gần” một người đàn bà – thú vui thứ hai của chàng sau thú vui “làm giàu” – nhiều lúc Kha cũng cảm thấy trống rỗng đến buồn nôn, và tự hỏi: “Có thế thôi ư”!
Nhưng chỉ vài phút sau, chàng đã khoan khoái đi tắm nước nóng, rồi vùi đầu vào công việc làm giàu, thực hiện tham vọng của mình. Nhưng gặp Huyền, cái nhân sinh quan của Kha bắt đầu lung lay. Nếu Huyền để cho Kha lợi dụng, ngã vào tay Kha, như bao người đàn bà đẹp và sang trọng hơn Huyền đã ngã, thì chắc chắn Kha, sau khi đã thỏa mãn dục vọng, sẽ không còn bao giờ bận tâm vì Huyền nữa. Đằng này, Huyền không những cưỡng lại, chống lại, mà còn tát chàng như tát một đứa con nít… Rồi nàng lại ngang nhiên ngồi lên xe của Hải, như thách thức chàng. Huyền ngây ngô hay Huyền có thủ đoạn? Dù sao, Kha cũng thấy Huyền bắt chàng phải nghĩ về Huyền nhiều hơn…
Kha thấy nảy nở trong tâm hồn những tình cảm mới lạ, mà chàng không muốn nghĩ tới, vì chàng cho đó là một dấu hiệu của sự yếu hèn, của sự ấu trĩ… về tình cảm… Cho nên khi Kha thấy mình còn lưỡng lự chưa biết nên vào thẳng phòng dạy học của Huyền, hay cho gọi Huyền vào phòng khách, thì chàng bật cười, rồi đường hoàng đi vào phòng học, hùng dũng như một kẻ đi đêm sợ ma, huýt sáo miệng…
Huyền đang viết bài tập cho Trúc, thấy Kha vào, vội đứng dậy, lễ phép chào. Sau buổi nói chuyện với Hải, Hải đã căn dặn Huyền phải hoà nhã, lễ phép đối với Kha, nên Huyền nghe theo lời Hải, điềm nhiên tươi tỉnh hỏi Kha, không bối rối như trong các cuộc gặp gỡ trước:
– Thưa ông! Hôm nay ông rỗi, nên vào xem các em học?
Sự niềm nở, bình tĩnh của Huyền làm Kha khó chịu, vì trong thâm tâm, chàng trông chờ Huyền sẽ hốt hoảng, hồi hộp khi thấy chàng tới, hơn là tự nhiên, lịch sự. Sự lịch sự chứng tỏ Huyền đã có kế hoạch đối xử với chàng, và chàng không dễ gì lung lạc được Huyền. Kha cầm quyển vở của Trúc, nhìn nét bút của Huyền, rồi thủng thẳng nói:
– Nét chữ của cô phức tạp lắm…
Biết Kha khởi sự tấn công, Huyền cười hồn nhiên:
– Phức tạp là thế nào?
– Phức tạp là không giản dị… cũng như tính tình cô. Tôi cứ tưởng cô ngây ngô lắm. Nhưng cô không ngây ngô như tôi tưởng… Cô gớm lắm!
Huyền vẫn cười.
– Gớm là thế nào?
– Gớm… là gớm chứ còn gì nữa. Cô hành hung cả tôi thì chả gớm là gì…
– Tôi xin ông tha lỗi cho… Điều đó chỉ chứng tỏ là tôi trẻ con…
Kha cũng cười:
– Biết mình là trẻ con, thì không là trẻ con nữa cô ạ! Nhưng thôi! Còn mấy phút nữa thì hết buổi học, cô Huyền?
– Thưa vài phút…
Huyền bắt đầu mất bình tĩnh. Nàng sở dĩ mạnh dạn vì có lũ con Kha ngồi đấy! Nhưng nàng không khỏi lo, lát nữa lũ trẻ đi rồi, thì mình có còn giữ được sự bình thản không. Nhất là nàng thấy lần này Kha đã đổi chiến lược, không dọa giẫm, không nói xẵng, mà là áp dụng đòn tâm lý.
Nhưng lần trước, Kha vì chủ quan khinh địch, nên thua Huyền. Lần này, Kha thận trọng hơn, đi những bước chắc chắn hơn. Huyền chưa hiểu rõ Kha sẽ tấn công hướng nào… Cho nên nàng bồn chồn, nói với Kha:
– Thưa ông, ông dạy điều gì, xin cho biết. Có các em ở đây cũng chả sao, vì lát nữa, tôi cũng muốn về sớm vì mắc bận, đã có hẹn với người bạn.
– Cô có hẹn với ai mà phải về sớm?
Nghe Kha hỏi, Huyền giật mình. Sự thực thì trước giờ dạy học, khi nàng mới tới cổng nhà Kha, nàng đã nhận được một cái thư của Hải, do người u già dúi vào tay nàng. Cái thư như sau:
Cô Huyền,
Tôi có điều cần nói chuyện với Huyền. Vậy đúng tám giờ tối nay, tôi sẽ đợi Huyền ở đường Tự Do, trước rạp Majestic.
Sau đó, Huyền sẽ cho phép tôi đưa Huyền về nhà để được biết nhà Huyền. Vì tính cách quan trọng của những điều tôi nói với Huyền. Tôi mong Huyền sẽ đừng để tôi phải chờ đợi mất công.
Thân kính,
Hải

Huyền biết, nếu không có việc quan hệ, thì Hải không viết thư hẹn gặp nàng. Huyền tự hỏi: “Việc Hải gửi thư hẹn gặp, và việc Kha đột nhiên vào phòng học, nói chuyện với nàng lúc này, hai việc có liên quan mật thiết gì với nhau không”? Huyền đưa mắt sợ sệt nhìn Kha, tưởng chừng không có bí mật nào của đời nàng mà Kha không biết.
Đến một việc Thịnh tặng bút máy cho Huyền mà Kha còn biết, thì cái việc Hải gửi thư cho nàng khó mà thoát khỏi mắt Kha.
Câu hỏi của Kha khiến Huyền bối rối, ấp úng trả lời:
– Cũng không phải là hẹn… Nhưng tôi mắc bận.
– Vậy cô cho các cháu nghỉ sớm vài phút. Tôi cũng chỉ nói chuyện với cô vài phút, rồi cô về… cũng còn kịp chán.
“Cũng còn kịp chán”! Huyền giật mình nhìn Kha, có cảm tưởng như Kha đã đọc bức thư của Hải gửi cho nàng. Huyền chỉ biết bảo lũ trẻ xếp sách vở, và khi lũ trẻ ra hết khỏi phòng, Huyền tay mân mê tờ báo, ngồi im chịu trận, đợi Kha nói trước. Kha hình như biết mình đã đánh trúng nhược điểm của địch, nên chậm rãi lấy thuốc lá hút rất thản nhiên, và một lúc lâu sau, chàng mới cất tiếng:
– Tôi cần thanh minh trước với cô là những điều tôi sắp nói với cô không phải là để uy hiếp, dọa nạt cô… Thực ra, trước kia tôi đã có lần dọa cô là nếu cô không chịu tuân theo sở thích của tôi thì: Thịnh, Văn, Hổ và cả cô nữa đều sẽ bị bắt, chắc cô còn nhớ!
– Dạ, tôi còn nhớ!
Kha nói tiếp:
– Lúc đó tôi dọa cô là vì tôi chưa hiểu cô. Tôi hiểu cô là người ưa nói ngọt, hơn là nghe dọa… Chỉ tiếc một điều lúc này tôi không muốn dọa nữa, thì những điều đó lại thực hiện…
Huyền chau mày, đợi Kha nói tiếp, thì Kha lại ngừng, khoan thai lấy thuốc hút, khiến Huyền bực bội hỏi:
– “Thực hiện” là thế nào, thưa ông?
– Nghĩa là Thịnh và Hổ mới bị bắt cách đây hai ngày. Thịnh vì tội trốn quân dịch, tống tiền và hoạt động phá hoại chính quyền. Hổ thì vì tội du đãng, hút thuốc phiện và hành hung. Rất có thể do lời khai của Thịnh, Văn và cô cũng bị liên lụy. Cho nên tôi phải báo trước để cô đề phòng. Nói đúng ra, về việc này, chính tôi cũng… ân hận! Nhưng việc đã lỡ rồi, biết làm thế nào?
Nghe Kha báo tin Thịnh và Hổ bị bắt giữ, Huyền lặng người, nhưng nàng còn đủ bình tĩnh để mỉa mai, hỏi Kha:
– Ông cũng “ân hận”?
– Tôi ân hận vì tôi đã định đổi kế hoạch đối phó để khỏi làm buồn lòng cô. Chứ còn chuyện Thịnh, Hổ… bị bắt thì là đáng lắm, có gì mà ân hận!
Huyền nhìn bộ mặt thản nhiên của Kha, muốn nhảy bổ vào, tát cho Kha mấy tát nữa, nhưng Huyền biết là nàng không còn bao giờ đủ can đảm tát Kha, như trước kia nàng đã hành hung Kha.
Đoán biết Huyền đang nghĩ gì, Kha nói như phân vua:
– Cô đừng trách tôi gian hùng… Ở đời, sống là phải gian hùng, phải tiêu diệt người khác để khỏi bị tiêu diệt… Ai mà chả có thủ đoạn? Chính cô, cô cũng giảo quyệt lắm – Xin lỗi cô về danh từ tôi dùng – cô đã lôi Hải về với cô để chống lại tôi… Như thế chả là thủ đoạn là gì, tuy là thủ đoạn đàn bà…
Huyền bàng hoàng nghe Kha nói như móc gan, móc ruột mình… Huyền chưa biết trả lời sao, thì Kha đã tiếp:
– Nhưng cô cứ yên tâm. Hải bao giờ cũng là em tôi, cô không thể dùng Hải để chống lại tôi đâu. Và tôi cũng đã lấy đủ giấy tờ cho Hải, để hết tháng này, Hải sẽ sang Pháp học…
Huyền buột miệng:
– Ông Hải sang Pháp học?
Kha cười nham hiểm:
– Vâng, chính vì tôi thấy cô cũng không đến nỗi quá ngây thơ như tôi tưởng, nên tôi phải cho nó đi học để tránh xa ảnh hưởng của cô. Tôi đề phòng, chưa biết chừng là đúng, có phải không cô Huyền?
Huyền chưa kịp phản ứng, thì Kha bồi thêm một nhát cuối cùng:
– Hải đã báo tin cho cô biết chưa? Tôi chắc chiều nay, Hải sẽ gặp cô để nói chuyện với cô về điều đó!
Lúc khác thì Huyền đã khóc. Nhưng lần này, mắt nàng ráo hoảnh, mặt nàng chỉ hơi tái đi. Nàng đứng dậy nói với Kha:
– Tôi nghe thế cũng đủ rồi. Tôi xin phép ông, tôi về, và từ mai, tôi sẽ không lên dạy nữa. Tôi sẽ…
Kha ngắt lời:
– Cô có xin được tiền ông Văn để trả tôi cũng vẫn chưa giải quyết gì cả. Vì thân mẫu của cô vừa rồi lên đây, mượn của tôi hai chục ngàn, hẹn năm, bảy bữa sẽ trả, mà đến nay đã quá hẹn…
Huyền ngồi phịch xuống ghế. Tự nhiên nghị lực và sức tranh đấu trở lại với nàng, và nàng bình tĩnh nói với Kha:
– Ông có thấy điều ông làm là tầm thường không? Ông làm như vậy để trả thù ai? Trả thù ông Văn? Thì ông cứ việc đối phó với ông Văn, tại sao lại lôi cuốn tôi vào?
Nàng nói liên miên, không ngừng. Chính Huyền cũng không ngờ một thiếu nữ nhỏ nhẹ, ít nói như mình, lại có thể lớn tiếng hùng biện trước mặt Kha…
Kha im lặng, nghe Huyền nói. Kha không có vẻ tức tối, mà trái lại, còn có vẻ thích thú nghe Huyền mạt sát.
Huyền dứt tiếng một lúc, Kha mới thủng thẳng hỏi:
– Cô nói đã hết chưa?
– Tôi nói đủ rồi.
– Vậy tôi xin trả lời vắn tắt cô: Cô kết tội tôi là đúng. Quả như lời cô mát sát tôi, tôi “tầm thường” thật. Không những tầm thường mà còn bần tiện, đểu giả là đằng khác. Nhưng tôi nghĩ, chuyện đàn bà, yêu đương thì tất nhiên la chuyện bần tiện, trẻ con, chứ cao đẹp nỗi gì! Ngoài ra, còn một lẽ nữa, tôi nói ra không phải để xử hòa với cô, hoặc “nịnh” cô đâu, nhưng tôi nói ra là để cô biết những ý nghĩ thực của tôi… Vậy cô có muốn tôi nói không?
– Dạ, ông cứ nói.
Kha ngồi thừ một lát, rồi chậm rãi nói:
– Sở dĩ trong vụ này, tôi tìm cách trả thù một cách “tầm thường” như cô nói, có nhẽ một phần vì tôi đã nghĩ đến cô nhiều hơn tôi tưởng, nhiều hơn cô tưởng… Thú thực, tôi vốn khinh đàn bà. Đối với cô, không phải tôi hết khinh… Tôi vẫn khinh, nhưng tôi cũng đã phải bận tâm nhiều về cô, vì cô đã ngang ngạnh chống lại tôi, tát cả tôi… Tôi vẫn còn ý định chiếm đoạt cô nhất thời, thì bây giờ tôi lại nảy ý định chiếm đoạt cô… mãi mãi. Cho nên tôi sẽ bỏ những kế hoạch “tầm thường” cũ, mà áp dụng kế hoạch mới…
Huyền đảo mắt nhìn Kha. Thường thường, khi nói chuyện với ai, Kha vẫn nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, như uy hiếp, nuốt chửng họ, thì trái lại lần này, Kha không nhìn thẳng vào Huyền, chàng ngửa đầu vào thành ghế, mắt nhìn trần nhà, và gương mặt không những không đáng sợ như mọi lần, mà đượm vẻ hiền từ là đằng khác. Huyền chăm chú nhìn Kha: một nỗi lo ngại mới vừa xâm chiếm tâm hồn nàng: trước kia nàng sợ sự tàn bạo, trắng trợn của Kha, thì bây giờ nàng lại sợ sự hiền lành, dịu dàng của Kha! Nếu Kha chỉ có ý định lợi dụng nàng, thì nàng còn có cách chống đỡ, đối phó, chứ nếu Kha yêu thực sự thì mới là điều nguy hiểm.
Huyền cảm thấy cần phải kết thúc câu chuyện, nàng đứng dậy, lễ phép nói với Kha:
– Xin để khi khác tôi lại hầu chuyện ông. Bây giờ thì xin phép ông, tôi về…
– Cô về à?
Hình như Kha vẫn còn muốn nói nữa. Nhưng chàng cũng không giữ Huyền ở lại. Chàng đứng dậy, lững thững đi theo Huyền ra tới phòng ngoài, rồi thân mật nói với Huyền:
– Người ta càng yêu thì càng bần tiện, nhỏ nhen. Tại sao tôi thấy người ta nói tình yêu làm cho tâm hồn cao thượng, đẹp đẽ…? Thì ra họ “bịp” nhau cả, có phải không cô?
Huyền không biết trả lời sao, và cũng không hiểu Kha định nói gì. Nàng ấp úng nói:
– Thưa ông, tôi cũng chả hiểu sao.
Rồi nàng vội vã chào Kha, bước nhanh ra phía cổng.
Huyền không đi tới ngã ba, đợi xe “buýt” như hàng ngày. Mới có sáu giờ rưỡi! Còn một tiếng rưỡi đồng hồ nữa, mới tới giờ Hải hẹn gặp. Huyền biết nếu mình về nhà thì sẽ phải chúi vào bếp nấu ăn, không thể nào ra đi dễ dàng được. Và Huyền tự hỏi không biết có nên tới chỗ hẹn của Hải không? Thịnh bị bắt. Hải sắp rời xứ sở, mẹ nàng lại mắc nợ thêm Kha, thái độ “không hiểu nổi” của Kha, tất cả những điều đó quay cuồng, đảo lộn trong đầu óc Huyền, khiến Huyền đi trên hè đường, như kẻ mất trí; nàng đụng cả vào một gã thanh niên đang đi “bát” phố cùng bạn bè, làm gã thanh niên cùng lũ bạn cười vang, Huyền hầu như không nghe cả thấy tiếng cười của họ, vẫn lùi lũi bước. Nàng đi được một quãng mới sực nhớ là mình đi vô định, và nàng tự hỏi: “Đi đâu bây giờ?” Huyền nghĩ tới Thuận, mà đã hơn một tuần lễ nàng không gặp. Nàng đang trù trừ, chưa biết có nên thuê xe xích lô tới nhà Thuận không, thì nàng nghe có tiếng gọi giấc giọng:
– Chị Huyền! Chị Huyền!
Một thiếu nữ trẻ đẹp, ngồi trên một cái xe Hoa kỳ đuôi dài, đang chìa tay vẫy nàng, miệng gọi rối rít. Xe ngừng, thiếu nữ vội mở cửa xe, chạy lại mừng rỡ nắm tay Huyền:
– Tuyết đây mà! Chị quên em rồi à! Sao chị hẹn lại chơi, mà em đợi mãi, không thấy chị lại?
Thì ra Tuyết! Huyền mừng rỡ nắm tay Tuyết, vì Tuyết gặp nàng vừa đúng lúc. Đang lúc hoang mang, nàng cần nói chuyện với những người đàn bà có kinh nghiệm sống như Tuyết. Huyền nhìn Tuyết từ đầu đến chân, vui vẻ nói với Tuyết:
– Tưởng là bà lớn nào! Ai ngờ chị Tuyết! Tôi đang định lại thăm chị đây!
Tuyết cười:
– Chị khéo vờ! Nếu không gặp Tuyết ở đây thì chắc chị chẳng bao giờ thèm lại chơi Tuyết. Nhưng bây giờ đã bắt “cóc” được chị, thì chị không thể nào không tới nhà Tuyết được nữa! Mời chị lên xe, Tuyết đưa về.
– Ông Lượng có nhà không?
– Không! Mười giờ tối mới về. Cho nên Tuyết buồn, định đi xi-nê thì vừa ra đường, gặp chị. Chị ở đâu về đấy?
– Đi dạy học về…
– Ở nhà Kha hở chị?
– Vâng, ở nhà Kha.
Mắt Tuyết sáng lên. Nàng hí hửng nói với Huyền:
– Hay tiện xe đây, chị đưa em lại nhà thằng cha đó đi. Từ hôm được biết chuyện hắn cướp thuốc phiện của bọn ông Lượng, em muốn gặp hắn quá, để xem mặt mũi hắn ra sao!
Huyền nhìn Tuyết và nghĩ bụng: “Ừ! Đưa cô ả này lại gặp Kha thì chắc sẽ có nhiều chuyện bất ngờ lắm!” Huyền suy nghĩ một lát, rồi bảo Tuyết:
– Tôi rất muốn đưa Tuyết lại gặp ông Kha. Nhưng tôi vừa ở đấy về, nếu trở lại ngay với Tuyết, e không được tự nhiên. Vậy tôi hứa với chị, mai mốt, bất cứ lúc nào chị muốn, tôi sẽ đưa chị tới. Bây giờ thì Tuyết hãy cho tôi lại thăm Tuyết đã!
– Ừ nhỉ! Nào mời chị lên nhà Tuyết!
… Tuyết ở một biệt thự nhỏ, đường Tú Xương. Phòng khách, phòng ngủ bày biện, trang trí theo kiểu “đợt sóng mới”, nghĩa là nhiều màu sắc hỗn loạn. Huyền tò mò ngắm nhìn hết chỗ này đến chỗ khác, như tìm hiểu xem cái hạnh phúc của hai người thể hiện như thế nào. Đồ đạc mới, tuy đẹp, nhưng vẫn mang cái tính chất “tạm bợ” như cuộc tình duyên tạm bợ của hai người.
– Ngồi xuống đây chị! Có gì mà nhìn ngang nhìn ngửa vậy?
Huyền cười, ngồi xuống đi-văng bên cạnh Tuyết, rồi thân mến, ôm ngang lưng Tuyết, như ôm một người bạn cố tri, hỏi Tuyết:
– Thế nào? Chị thấy thế nào?
– “Thấy thế nào” là thấy cái gì?
– Sự sống hiện tại của chị! Hạnh phúc của chị ấy mà!
– Hạnh phúc hở chị? Hạnh phúc cũng nhì nhằng!
– Nhì nhằng là thế nào?
– Nhì nhằng là như tôi đang sống lúc này. Cũng tạm gọi là yên thân…
– Ông… Anh Lượng có yêu chị không?
– Yêu lắm chứ!
Huyền nhìn thẳng vào mắt Tuyết:
– Thế Tuyết có yêu anh ấy không?
– Cũng yêu chứ!
– Sao lại “cũng”?
Tuyết cười:
– “Cũng yêu” là cũng yêu chứ còn gì nữa…
Tuyết nằm ngửa ra đi-văng, đầu gối vào đùi Huyền, lấy thuốc lá hút, rồi cười bảo Huyền:
– Chị cứ nhìn cái tổ uyên ương ấm cúng của Tuyết, thì cũng thừa biết là Tuyết sung sướng hay không. Tuyết bắt chước ông Văn, chia tình yêu ra làm “ba giai đoạn”. Tuyết đã đi được giai đoạn đầu rồi…
Nghe nói đến Văn, Huyền giật mình hỏi:
– Anh Văn tôi có tới đây bao giờ không?
Tuyết vẫn cười:
– Chị sợ gặp ông Văn ở đây à? Chị cứ yên tâm. Từ độ chúng tôi ở đây, ông Văn chưa tới lần nào.
– Ủa! Tôi tưởng anh Văn thân với anh Lượng và cũng… quý mến chị lắm cơ mà!
– Thế mà ông ấy không lại mới buồn cười chứ! Chị có hiểu tại sao không?
– Tôi làm sao hiểu được!
Tuyết cười bí mật:
– Thế mà tôi biết đó chị a…. Nhưng chả nói với chị, kẻo chị lại nói với ông Văn, ông ấy “trù” tôi thì khốn…
Huyền chưa kịp trả lời, thì Tuyết đã nói tiếp:
– Kể ông Văn, ông ấy cũng điên điên, khùng khùng, ra “làm sao ấy” chị nhỉ. Nhưng em thích ông ấy lắm… Giá ông ấy không phải là “thầy”… thì có phải “tiện” hơn không?
Huyền vội bẹo vào má Tuyết:
– Cô này ăn nói táo bạo gớm khiếp quá…
Tuyết cong cớn trả lời:
– Nói sự thực là táo bạo, gớm khiếp à? Em thì vẫn cho rằng tụi con gái “còn nhà tử tế” chỉ là tụi nhát gan, sợ sự thực. Sự thực ở đời… cũng như sự thực ở lòng mình, ai mà dám phanh phui ra?… Ông Văn chẳng hạn, chị có muốn biết sự thực về ông Văn, “thầy” của Tuyết và “anh” của chị không?
Huyền giật mình hỏi:
– Sự thực thế nào?
Tuyết hóm hỉnh cười:
– Em nói chuyện, chị đừng kể lại với ông ấy, kẻo chết em đấy!
– Được rồi. Kể đi.
– Thế này nhé. Khi em hỏi ý kiến ông Văn về việc lấy Lượng, em thấy ông Văn tuy tán thành, nhưng vẫn có vẻ không vui, em hơi lấy làm lạ. Đến hôm tiệc cưới em – gọi là tiệc cưới cho oai, chứ sự thực, em cũng như Lượng, đều không muốn làm giấy giá thú – Lượng chỉ mời mấy người bạn dự một bữa tiệc thân mật, Lượng và em phải vật nài mãi, ông Văn mới miễn cưỡng tới…
Hôm đó, em ăn mặc lộng lẫy lắm và ngồi bên Lượng… Tình cờ, em bắt gặp cái nhìn của ông Văn. Đàn bà rất ít khi nhần về cái nhìn của một người đàn ông, có phải thế không chị?
– Ai biết được!
– Không biết có phải em hợm hĩnh, hay quá chủ quan, nhưng em thấy cái nhìn của ông thì em chợt hiểu… Từ lúc đó, trong suốt bữa tiệc, em cũng mất vui. Đến khi gần tàn, em hỏi ông Văn: “Thầy không mừng gì con à”? Thì ông Văn chỉ lắc đầu… cười. Rồi sau ngày cưới, ông Văn chả bao giờ lại thăm Lượng và em, trừ trường hợp hẹn nhau ở tiệm ăn, hoặc tình cờ gặp ở ngoài đường. Em cho rằng, thế là ông Văn sợ….
– Sợ cái gì?
– Sợ em, chứ còn sợ cái gì!
– Cô là học trò anh ấy, chứ là bà tướng gì mà anh ấy sợ?
– Ấy đấy! Chỉ là học trò mà “thầy” sợ, mới oái oăm chứ!
Huyền lắc đầu, nói với Tuyết:
– Tôi nghe chị nói, tôi cũng bắt đầu thấy sợ. Chị có thấy “sợ” và chán đời không?
– Kể ra thì nhiều lúc cũng hơi nản, nhưng em còn ham sống lắm, chưa chán đời được. Nhất là em không sợ… Hoàn cảnh trước kia của em còn u ám hơn bây giờ, em cũng không sợ, huống hồ… Nàng trầm ngâm một lát, rồi nói với Huyền:
– Kể thì chỉ có chị là sung sướng và khôn!
Huyền lại giật mình:
– Sung sướng và không ở chỗ nào?
– Chị vớ được Hải “đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi” chả là sung sướng và khôn là gì?
Huyền cười gượng:
– Chị nhiều tưởng tượng quá, nên tưởng tượng loạn xạ cả. Chị tưởng tượng ông Văn “sợ” chị và tôi “vớ” được Hải. Tôi không nói dối chị làm gì. Sự thực không giống như chị tưởng tượng đâu!
Tuyết vẫn gân cổ ra cãi rất hăng:
– Nếu chưa giống thì sẽ giống… Có nhẽ giữa chị và Hải lúc này chưa có gì, nhưng rồi sẽ có… Tôi không là thầy tướng, nhưng tôi không nhầm… Cái ánh mắt Hải nhìn chị hôm tôi gặp hai người ở Brodard, không đánh lừa được ai cả.
Tuyết nhìn thẳng vào mắt Huyền, rồi nói tiếp:
– Có chịu “thầy tướng” là đúng không?
Huyền chống đỡ yếu ớt:
– Trật hết. Nhưng tôi cũng phục và sợ chị lắm!
Tuyết vỗ tay:
– Trật mà lại phục! Thế là đúng đứt đuôi rồi còn gì nữa. Mà chị có muốn tôi đoán nốt cho chị nghe không?
Sự thực là Huyền không muốn nghe, vì Huyền đã bắt đầu sợ những lời trắng trợn của Tuyết. Nhưng chả nhẽ lại bão Tuyết đừng đoán nốt nữa. Huyền đành bảo Tuyết:
– Chị cứ đoán đi!
– Em đoán rằng hai người sẽ yêu nhau, nhưng chưa chắc lấy nhau.
– Tại sao thế?
– Tại một nghìn cớ… Mà thế là phải. Yêu nhau thì đừng lấy nhau!
Huyền nghiêm giọng:
– Tôi không nghĩ như chị. Tôi nghĩ người ta yêu nhau thì phải lấy nhau. Chứ “lấy” mà không yêu, yêu mà không “lấy” thì còn ra nghĩa lý gì.
– Như thế mới có nghĩa lý chứ, mới có chuyện chứ!
– Chị mơ mộng quá!
Tuyết mỉa mai:
– Trời ơi! Tôi mơ mộng! Chẳng hạn việc tôi lấy Lượng: chị không nói ra miệng, nhưng chắc chị cũng nghĩ rằng tôi lấy Lượng không phải vì yêu. Vậy mà tôi vẫn lấy… Thế là tôi mơ mộng à? Tôi mà còn mơ mộng thì chả hóa ra đời còn đẹp lắm sao!
Huyền nghe Tuyết nói, như đay nghiến cuộc đời, khiến nàng rùng mình…
Huyền thấy thương xót Tuyết… Sự thực thì có nhẽ Huyền chỉ thương xót cho bản thân mình, biết đâu Tuyết chả là hình ảnh của Huyền sau này… Huyền dịu dàng nói với Tuyết:
– Thôi hãy xếp những chuyện này lại, Tuyết ạ! Có gì uống, bảo nó lấy cho mình uống, khát quá. Mà có cái đĩa hát nào mới, vặn cho khuây khỏa đi Tuyết! Mấy giờ rồi nhỉ?
– Gần tám giờ. Trời sắp mưa, chị Ở chơi với em ở đây cho vui, chứ về làm gì!
– Sắp mưa à?
– Ừ, có nhẽ sắp mưa, trời oi bức quá!
Huyền chỉ mong trời đổ mưa xuống ngay lúc đó. Trời không mưa, mà Huyền không lại chỗ hẹn thì không đành tâm. Nhưng nếu trời mưa, thì nàng sẽ có cớ tạ sự với Hải.
Tuyết lăng xăng gọi người nhà pha nước cam cho Huyền uống. Rồi tới chỗ để chồng đĩa hát, hỏi Huyền:
– Chị thích bài nào? Chị có biết nhảy không, chúng ta nhảy một bài…?
Huyền lắc đầu:
– Tôi có biết nhảy gì đâu! Tôi cũng chẳng biết đĩa nào là hay, là mới cả. Giá chị có bản “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong mà nghe thì thú lắm. Tôi muốn nghe mưa rơi quá!
– Chị ưa cái bài hát “cổ lỗ sĩ” ấy à!… Tiếc rằng em chưa mua. Để em quay đĩa “A rainy day” cho chị nghe, thấy tiếng mưa rơi, ảo não lắm!
Huyền tựa gáy vào thành “đi văng”, cố lắng nghe mà không biết bài hát diễn tả cái gì, vì tâm trí nàng bồn chồn như lửa đốt…
… Tám giờ, rồi tám giờ năm phút. Huyền nhìn cái đồng hồ treo trên tường và chưa bao giờ nàng thấy cái đồng hồ chạy chậm đến thế. Huyền tự nhủ: “Chắc Hải chỉ đợi độ 25 phút, không thấy mình tới thì sẽ bỏ đi, vậy nếu mình ở lại đây tới tám giờ 30 là… thoát nạn”. Nhưng đến tám giờ 15, Huyền đột nhiên đứng dậy, nói với Tuyết:
– Thôi Huyền về đây!
– Sao lại về? Đã hứa ở lại ăn cơm với Tuyết mà.
– Sợ mẹ mắng!
– Vậy để Tuyết cho xe đưa về.
Huyền xua tay:
– Khỏi phải phiền Tuyết, Huyền ngồi xe Hoa Kỳ một mình, thấy nó “thế nào ấy”.
Và nàng hấp tấp từ biết Tuyết, khiến Tuyết tò mò nhìn Huyền…
… Vừa tới rạp Majestic, Huyền đã thấy xe của Hải đậu ở lề đường và Hải đứng hút thuốc lá, bên xe. Dọc đường, trong khi xe taxi đưa Huyền từ nhà Tuyết đến đường Tự Do, Huyền đã dự tính sẽ nói những gì với Hải, sẽ đối xử với Hải ra sao, nhưng đến lúc gặp Hải, nhìn gương mặt tin cậy, thành khẩn của Hải, Huyền thấy những điều mình định nói là thừa, và nàng chỉ có một cách là nói hết sự thực, tất cả sự thực với Hải. Cho nên nàng tươi cười, bạo dạn ngó Hải:
– Xin lỗi anh, tôi đến chậm vì… tôi vừa ở nhà Tuyết tới đây.
– Cô từ nhà Tuyết tới?
– Dạ! Chiều nay, sau giờ dạy học, tôi có nói chuyện với ông Kha. Ông cho biết là Thịnh, Hổ đã bị bắt; còn anh thì sắp đi Pháp. Tôi hoang mang quá, đi lang thang gặp Tuyết, nó kéo về nhà, nghe nó nói chuyện, tôi lại càng thêm buồn, định không lại đây, nhưng sợ anh chờ đợi nên đành phải lại. Vả lại, tôi cũng thấy cần phải ngỏ một vài điều với anh.
Nghe Huyền nói, Hải không thay đổi sắc mặt, dịu dàng bảo Huyền:
– Mời Huyền lên xe. Chúng ta đi dạo một vòng, vừa đi vừa nói chuyện. Rồi tôi sẽ đưa Huyền về nhà.
Huyền ngoan ngoãn ngồi trên xe, bên cạnh Hải. Hải hỏi Huyền:
– Ta đi đâu bây giờ?
– Nhà tôi ở Gia Định. Anh cho xe chạy về phía cầu Bình Lợi.
– Nếu thế chúng ta sẽ lên cầu Bình Lợi nhìn nước chảy một lúc, cô có bằng lòng không?
– Cũng được.
Xe chạy được một quãng, thấy Huyền vẩn ngồi im, Hải lên tiếng:
– Huyền cho tôi biết anh Kha đã nói với Huyền những gì?
– Nhiều lắm. Nhưng trước khi nói, tôi xin anh một điều.
– Huyền cứ nói!
– Tôi sẽ nói… tất cả những điều tôi nghĩ… Vì vậy, tôi mong anh đừng ngắt lời tôi khi tôi nói. Nhất là tôi xin anh nhìn xuống đường, chứ đừng thỉnh thoảng nhìn… tôi.
Hải tủm tỉm cười, nhìn Huyền:
– Lái xe thì tất nhiên phải nhìn xuống đường. Nhưng tại sao lại không được nhìn Huyền?
Huyền hơi bẽn lẽn, nhưng làm ra vẻ bạo dạn:
– Tôi dự định nói với anh nhiều lắm. Nhưng nếu anh nhìn tôi, tôi sợ không đủ can đảm nói hết. Có một hai lần, tôi đã rắp tâm gặp anh thì sẽ nói rất nhiều điều, nhưng đến khi gặp lại thì chỉ nói những chuyện đâu đâu, không đả động gì tới điều mình định nói. Cho nên lần này, anh phải giúp đỡ tôi để tôi nói cho “đã”, kẻo lát nữa từ giã anh, tôi lại hậm hực.
Hải ôn tồn bảo Huyền:
– Tôi hiểu Huyền… Tôi chắc những điều Huyền nói sẽ quan trọng lắm… Tôi sẽ làm theo ý muốn của Huyền… Vậy Huyền cứ thủng thẳng nói… Tôi không ngắt lời, mà cũng không nhìn Huyền đâu…
– Cám ơn anh… Nhưng bắt đầu thế nào bây giờ?
Hải cười. Anh giữ lời hứa, không nhìn Huyền, nhưng cũng biết là Huyền cũng đang cười. Không khí cởi mở, tự nhiên trở lại. Huyền chỉ ấp úng mấy câu đầu, nhưng sau khi đã nói thoát mấy câu “khai mào”, Huyền lấy lại được sự tự tin và nàng nói rành mạch khúc triết, như một học sinh đã nghiền ngẫm bài học của mình, chỉ “vấp” mấy câu đầu, rồi đọc trôi chảy ngay đoạn tiếp:
– Tôi xin kể hết, chẳng giấu giếm gì anh… Thế này nhé… Chiều hôm nay, ông Kha vào phòng học, nói chuyện với tôi. Ông báo tin cho tôi biết là… Thịnh và Hổ bị bắt và đồng thời ông cũng đã chuẩn bị giấy tờ để gửi anh sang Pháp du học. Ông giải thích cho tôi biết là sở dĩ ông làm như vậy là vì tôi “giảo quyệt”, đã lôi anh về phía đồng minh với chúng tôi để chống ông ta. Ông muốn gửi anh sang Pháp là vì – theo lời ông – ông muốn cắt đứt sự quen biết giữa anh và tôi, để tôi khỏi lợi dụng anh. Ở nhà ông Kha ra, tình cờ gặp Tuyết và nó dẫn lại nhà nó chơi. Tuyết cũng đã mỉa mai khen tôi là tốt số và khôn ngoan, “vớ” được – tôi nhắc lại lời Tuyết – một người “đẹp trai, học giỏi, nhà giàu” là anh. Tôi không bực tức vì những lời ông Kha và Tuyết nói, tuy tôi hơi buồn. Tôi cũng không oán giận ông Kha và Tuyết đã kết tội tôi, vì biết đâu, tôi chẳng có ý nghĩ lợi dụng anh, lợi dụng mà chính tôi cũng không ngờ. Nhưng có một điều tôi tin chắc chắn là anh không nỡ lợi dụng một người con gái nghèo, cô thế như tôi. Tôi biết anh nếu không có cảm tình với tôi thì cũng thương xót tôi, vậy tôi “lợi dụng” cái tình thương xót đó mà xin anh hai điều.
Huyền đã bắt đầu xúc động, muốn khóc. Nàng tạm ngừng nói. Hải giữ lời hứa, không ngắt lời Huyền, cũng không nhìn Huyền, yên lặng đợi Huyền nói tiếp:
– Tôi nhờ anh hai điều: điều thứ nhất là anh tìm cách can thiệp cách nào cho Thịnh và Hổ được trả tự do. Thịnh là bạn học của tôi. Anh ấy nhất quyết yêu tôi. Còn tôi, tôi cũng nghĩ đến anh ấy nhiều lắm, nhưng bảo rằng yêu anh ấy thì tôi chưa dám chắc. Anh ấy bị bắt vì trốn quân dịch, tống tiền, v.v. Nhưng sở dĩ anh ấy bị bắt, chính là vì theo đuổi tôi, nên ông Kha không bằng lòng, khủng bố tôi bằng cách tố cáo Thịnh. Rất có thể cả anh Văn, lẫn tôi cũng liên lụy vào vụ này. Vậy anh thử tính giùm tôi có cách nào để Thịnh và Hổ được trả tự do không?
Việc thứ hai là hiện tại mẹ tôi còn thiếu của ông Kha một số tiền. Vì món nợ của mẹ tôi, tôi vẫn phải ngày ngày lên dạy con ông Kha học. Tôi đã xin tiền anh Văn tôi, nhưng chắc anh ấy khó tìm ra tiền. Cho nên tôi hỏi mượn anh. Tôi hỏi mượn thế này cũng có dụng ý rõ rệt. Tôi xin nói một cách không úp mở để chúng ta khỏi hiểu nhầm nhau: Sự thật, anh là một thanh niên giàu, có tài, có tương lai. Tôi chắc bất cứ người đàn bà nào cũng mong ước ngấm ngầm được làm vợ anh. Có nhẽ tôi cũng có cái mong ước ngấm ngầm đó. Nếu tôi nuôi cái mong ước đó, thì tôi đã giữ ý với anh, không bao giờ hỏi mượn tiền anh. Và bây giờ tôi thẳng thắn hỏi mượn tiền anh, tức là tôi đoạn tuyệt với mong ước đó, và đồng thời tôi muốn định rõ vị trí của mỗi người chúng ta trong sự đối xử với nhau… Tôi không biết, và cũng không muốn biết tình cảm của anh đối với tôi ra sao, nhưng tôi chắc anh sẽ không buồn vì lời tôi nói, mà anh có buồn chăng nữa, thì anh là kẻ giàu sang, có buồn một chút cũng không sao…
Nhưng người nghèo còn khổ, còn đau đớn hơn nhiều anh ạ. Tôi đã suy nghĩ chín chắn trước khi nói với anh, chắc anh cũng nhận thấy tôi không phải là kẻ mơ mộng, hoặc bồng bột nhất thời. Tôi nói hết rồi…
Nói xong, Huyền cảm thấy thanh thỏa trong lòng vì đã diễn tả hết những ý nghĩ phức tạp của mình. Huyền định dò xét ảnh hưởng lời nói của mình trên gương mặt Hải, thì Hải đã cất tiếng:
– Huyền nói hết rồi chứ?
– Hết rồi anh ạ!
– Tôi có thể nhìn Huyền được chưa?
Huyền tủm tỉm cười:
– Được.
Hải quay mặt ngó Huyền. Bốn mắt nhìn nhau trong một thoáng giây vô tận. Huyền không chống đỡ nổi cái nhìn của Hải, chớp mắt, rồi vội nhìn xuống cái nút khuy máy “radio”, hỏi Hải cho có chuyện:
– Nút bấm “radio” phải không anh? Tôi mở “radio” nhé?
– Đừng mở, cô Huyền. Cái máy “radio” này chỉ gắn vào đây làm cảnh, chứ tôi ghét nghe “radio” lắm…
Sự thực, Huyền cũng không ưa nghe “radio”, nhưng Huyền hầu như sợ sự im lặng bao quanh hai người… Huyền cố tìm một câu gì để phá tan bầu không khí nhiều điện lực:
– Bao giờ anh đi Pháp?
Hải thong thả đáp:
– Sắp tới cầu Bình Lợi rồi… Ta sẽ để xe dưới đường, đi bộ lên cầu, và tôi sẽ trả lời Huyền… Biết đâu, nhìn nước chảy, chúng ta chẳng nhận thức thấy những băn khoăn đang rày vò mình chưa chắc là những băn khoăn chính đáng…
Huyền ngạo Hải:
– Anh quả là một thi sĩ! Anh cần phải nhìn mây nước mới hết băn khoăn, sao?
– Sự thực là như vậy… Hàng ngày, chúng ta bị nhốt trong thành phố, tư tưởng của chúng ta ngột ngạt, co quắp… Nhìn mây nước, nhiều khi cũng cần lắm chứ…
… Đến Bình Lợi, Hải để xe phía dưới, hai người lững thững lên cầu, không ai nói với ai. Lên tới giữa cầu, gió thổi mạnh làm tung tà áo của Huyền và mớ tóc lười uốn của Huyền xõa xuống cả trán. Huyền một tay giữ tà áo, một tay vuốt tóc, nói với Hải:
– Gió lành lạnh anh nhỉ?
– Gió lạnh và nước mênh mông! Huyền nhìn xuống sông mà coi!
Hai người dừng lại, đứng tựa vào lan can, Huyền nhìn xuống sông, giòng nước âm u chảy xiết làm cho Huyền có cảm giác rờn rợn, muốn đứng sát lại gần Hải.
Lòng sông thăm thẳm dễ gây chóng mặt. Huyền vội ngẩng lên nhìn về phía Sàigòn đèn chăng thành vòng lửa, như hội hoa đăng, và Huyền giục Hải:
– Anh nói cho Huyền biết ý kiến về những điều Huyền vừa nói đi, để còn về…
– Về làm gì vội! Tôi không phải thi sĩ như Huyền nói, nhưng thỉnh thoảng cũng nên lánh cảnh hỗn tạp của thành phố, để cho tâm hồn mơ mộng trước cảnh sông dài trời rộng, có nhẽ còn bổ ích hơn đi xi-nê có phải không Huyền?
Thấy giọng Hải đạo mạo, Huyền lại nảy ra ý tưởng tinh nghịch, muốn trêu cợt Hải:
– Anh nói phải lắm! Nhưng tôi hỏi thực anh, khi nào chỉ có một mình anh, anh có thích lên ngắm cảnh sông dài trời rộng này không?
Lắc đầu, Hải cười:
– Tôi chịu thua cô. Thú thực đây là lần đầu tiên, tôi đến đây… Nhưng tôi cũng cần thanh minh với Huyền là chủ ý tôi đưa Huyền tới đây, không phải là để nói những chuyện mơ mộng, mà là để nói với Huyền về cái điều thật cần thiết… Vậy Huyền có sẵn lòng nghe những lời tôi nói không?
– Dạ, anh cứ nói.
Hải nhích một bước sát bên Huyền để có thể nói nhỏ mà Huyền cũng nghe thấy, rồi Hải nhìn thẳng vào mắt Huyền:
– Đáng nhẽ tôi cũng yêu cầu Huyền đừng nhìn tôi, để tôi đủ can đảm nói một mạch tất cả những ý nghĩ của mình, nhưng tôi là đàn ông, chắc bạo dạn hơn Huyền. Vậy tôi xin Huyền cứ nhìn vào mắt tôi khi tôi nói, xem tôi có nói dối hay không!
Huyền lắc đầu:
– Nếu tôi nhìn vào mắt anh, tôi sẽ không nghe thấy anh nói gì cả. Vậy anh nói đi, và đừng nhìn tôi nữa, kẻo tôi về bây giờ.
Hải cười:
– Thế thì nói. Trước hết về hai điểm Huyền nói với tôi, tôi sẽ hoàn toàn làm theo ý muốn của Huyền. Tôi không thấy những điều đó khó khăn gì cả.
Điều khó khăn là hoàn cảnh phức tạp chúng ta lúc này… Huyền đừng cho tôi là đạo đức, hoặc hợm mình. Nhưng Huyền có thấy tất cả những người thân sống bên cạnh chúng ta: từ ông Văn, anh của Huyền, đến ông Kha, anh của tôi; từ Thịnh, người thanh niên theo đuổi Huyền, đến Tuyết, cô nữ sinh không biết là đáng khinh hay đáng thương, tất cả mọi người, nếu không bệnh hoạn tâm hồn, thì cũng mất thăng bằng thần trí không? Cho đến cả Huyền và tôi, chúng ta cũng đang lây căn bịnh thời đại, Huyền có thấy thế không?
Huyền chưa biết trả lời ra sao. Nàng có cảm tưởng mơ hồ Hải nói đúng, nhưng nàng vẫn không thể tin được những người biết suy nghĩ sâu sắc như Văn, như Kha… lại có thể là những người “bệnh hoạn”:
– Anh cứ nói nốt đi…
Hải bật lửa, châm thuốc hút, một lát sau, mới nói tiếp:
– Tôi biết, nếu tôi nói với người khác, họ sẽ cho tôi là lố bịch, là đạo đức giả. Nhưng đối với Huyền, tôi tin rằng nếu Huyền không tán thành, thì ít ra Huyền cũng hiểu tôi. Theo tôi thấy, thì thế hệ những huynh trưởng của chúng ta, và cả đến thế hệ chúng ta, đều quay cuồng sống mà không biết sống để làm gì. Huyền thử nhìn xem, những người thân yêu quen biết của chúng ta, có ai sung sướng đâu? Nghèo như mẹ Huyền, giàu như anh Kha tôi, ai cũng có mối băn khoăn đau khổ riêng của mình. Hạnh phúc lúc này khó tìm quá… vì xã hội chúng ta sống bị lạc hướng, Huyền có thấy thế không?
– Tôi chả hiểu có phải lạc hướng hay không, nhưng đúng như anh nói, tôi không thấy ai sung sướng cả. Chính tôi nhiều lúc cũng khổ sở, muốn chết quá, anh à!
– Như thế là lạc hướng chứ còn gì nữa!
– Xã hội như vậy thì chúng ta cũng phải sống theo mọi người chứ biết làm sao?
Mắt Hải đột nhiên sáng lên:
– Chúng ta không thể sống như mọi người được, Huyền ạ! Chúng ta phải cải tạo xã hội, phải cảm hóa những người xung quanh, để mọi người tìm thấy ý nghĩa sự sống chứ! Chúng ta phải có đủ nghị lực hội ngộ vận mạng của chúng ta… Chúng ta phải giúp đỡ nhau xây dựng lại xã hội. Huyền có cho những điều tôi nghĩ là đúng không?
Huyền chậm rãi trả lời:
– Thường nhật, tôi chỉ quanh quẩn với những lo lắng vụn vặt của đời sống: lo ăn, lo mặc, nên chẳng mấy khi nghĩ đến những điều cao siêu mà anh vừa nêu ra. Một đôi khi, sau giấc ngủ trưa nặng nề, hoặc bị mẹ mắng oan, tôi cũng cảm thấy “chán sống” lắm, nhưng tôi vẫn nghĩ số kiếp con người là vậy, có vui, buồn, nản, hy vọng, nên tôi cam phận, không muốn tìm hiểu tại sao mình khổ… Những điều anh nói có nhẽ đúng, nhưng chắc tôi chả giúp đỡ được anh bao nhiêu!
– Tại sao thế!
Huyền im lặng một lúc rồi mới trả lời, giọng cố làm ra bạo dạn:
– Thú thực với anh, đối với tôi, tình yêu là tất cả. Tôi sẽ tận tụy, vâng lời, làm theo ý muốn của người mà tôi yêu, người tôi lầy làm chồng. Đối với anh, tôi không hiểu tình cảm của anh đối với tôi ra sao, cũng như tôi chả cần phải nói rõ tình cảm của tôi đối với anh, nhưng có một điều chắc chắn, là chúng ta không thể tính đến chuyện hôn nhân được. Vì vậy, tôi làm sao mà giúp đỡ anh được! Chính anh nên giúp đỡ tôi giải quyết hai điều tôi nhờ anh, thế là tôi ơn nah.
Hải nhìn Huyền chăm chú:
– Nhưng tại sao Huyền lại nghĩ rằng chúng ta không nên tính đến chuyện hôn nhân?
– Vì chúng ta có muốn hay không cũng chẳng được anh ạ. Anh biết những cản trở khó khăn chứ gì! Sự chênh lệch giữa hai gia đình anh và gia đình tôi, sự thù hằn giữa ông Văn và ông Kha, và nhất là thái độ của ông Kha đối với tôi, chả nói anh cũng hiểu…
Huyền ngừng một lát rồi tiếp:
– Anh có biết lúc chiều, ông Kha nói với tôi thế nào không?
– Nói sao?
– Ông Kha bảo tôi “trước kia tôi chỉ có ý định chiếm đoạt cô nhất thời… Nhưng bây giờ thì tôi có ý định chiếm đoạt cô mãi mãi”.
– Anh Kha nói như vậy?
– Dạ! Ông ấy nói như vậy. Ông ấy còn nói phải lấy giấy tờ để anh đi Pháp, cho sớm thoát khỏi ảnh hưởng của tôi. Trời! Nghe ông nói, tôi không biết tôi thuộc loại thú dữ nào…
Huyền nhìn Hải thấy Hải vẫn bình tĩnh thì tự nhiên Huyền tức tối nói tiếp, giọng chua chát:
– Anh nói anh muốn cảm hóa mọi người xung quanh… Riêng tôi, cũng không hiểu mình xấu hay tốt, mình có là thú dữ như ông Kha nói không, nhưng tôi cũng mong được anh cảm hóa cho lành mạnh thêm. Còn đối với những người như ông Kha, ông Văn, v.v. thì tôi xin anh đừng cảm hóa họ mà… thừa!!
– Tại sao lại thừa?
– Vì họ cảm hóa mình thì đúng hơn, chứ mình hòng gì cảm hóa nổi họ. Mình là hàng em út, họ là những bậc đàn anh, già dặn kinh nghiệm, và thủ đoạn, họ có coi mình vao đâu!
Hải chậm rãi trả lời:
– Huyền nói vậy là lầm. Tôi nêu một tỷ dụ: Chính Huyền đã cảm hóa anh Kha mà Huyền không biết đó!
– Cảm hóa ở chỗ nào?
– Trước kia anh ấy chỉ có ý định chiếm đoạt Huyền nhất thời, mà bây giờ lại có ý định chiếm đoạt Huyền mãi mãi, như thế tức là Huyền đã cảm hóa anh ấy!
Huyền nhìn thẳng vào mắt Hải:
– Anh định nói cái gì? Tôi chưa hiểu rõ.
Hải vẫn điềm tĩnh:
– Huyền đừng hiểu nhầm. Tôi không có ý định châm biếm. Tôi nói những cảm nghĩ thực: Trước kia anh Kha coi thường, coi khinh Huyền, nên chỉ có ý định lợi dụng Huyền nhất thời, nhưng thái độ đường hoàng của Huyền đã cảm hóa anh ấy, khiến anh ấy bắt đầu nể Huyền, trọng Huyền, nên mới có ý định “chiếm đoạt” Huyền mãi mãi. Nếu Huyền vẫn tiếp tục đối xử với anh ấy một cách thật minh bạch, thành thực thì biết đâu anh ấy chẳng đổi ý và chuyển sang thái độ thương mến Huyền như một người em – hơn nữa – một người em dâu!
Huyền tủm tỉm cười, không bẽn lẽn:
– Anh nói khéo quá! Nhưng tôi e thực tế phũ phàng sẽ không phù hợp với trí tưởng tượng đẹp đẽ của anh…
Hải ôn tồn ngắt lời Huyền:
– Phù hợp hay không là do ở mình, ở ý muốn, nghị lực mình. Thành khẩn và đừng bao giờ có hậu ý, thủ đoạn, thì thế nào cũng đạt tới mục đích! Huyền có hiểu tại sạo giữa bọn ông Kha và Văn, họ vẫn kình địch nhau không? Chỉ vì họ luôn luôn áp dụng mưu mô, thủ đoạn đối phó với nhau! Còn Huyền thì không ai nỡ “thù” Huyền, vì Huyền thành thực. Đấy Huyền xem! Huyền tát ông Kha mà ông ấy không chấp Huyền, chỉ vì Huyền thành thực.
Huyền thấy những lời Hải phân tích tâm lý mình không phải là không có phần đúng. Nhưng nàng cũng vẫn cãi lại Hải:
– Anh tưởng có lòng thành khẩn là đủ sao? Thời buổi này, càng thành thực, càng bị hiểu nhầm, bị lợi dụng! Tôi chỉ vì thành thực đem những chuyện kể cho người khác nghe, mà xảy ra bao nhiêu vụ lôi thôi, bao nhiêu người bị liên lụy.
Hải lắc đầu:
– Đó là do lỗi của Huyền thành thực nhưng vụng về. Thành thực chưa đủ! Chúng ta còn phải kiên nhẫn, phải chịu đựng và khéo léo. Chẳng hạn như đối với ông Kha, Văn. Chúng ta phải khéo léo, làm theo ý muốn họ, mà vẫn phải giữ vững lập trường của mình… Huyền vẫn phải lên nhà anh Kha dạy học, tỏ lòng thành thực, quí mến anh ấy, nhưng vẫn giữ thái độ minh bạch, để chẳng chóng thì chày, anh ấy sẽ hiểu. Cũng như tôi, tôi sẽ vâng theo lời anh để đi sang Pháp ít lâu, nhưng tôi không vì thế mà hết nghĩ đến Huyền, và biết đâu sự ra đi của tôi chẳng là một dịp để tôi tìm hiểu xem tình cảm của tôi đối với Huyền có bền vững, vượt mọi thử thách không?
Huyền cũng lắc đầu:
– Anh nói nghe thì ngon lành lắm… Tôi là đàn bà, không tài lý luận như anh. Nhưng tôi biết những điều anh nói không thể nào thực hiện được…! Chẳng hạn như ông Kha, ông ấy đã tuyên bố sẽ “chiếm đoạt” tôi, mà bây giờ anh bảo tôi phải cảm hóa để ông ấy coi tôi như “em” thì chuyện phi thường như vậy, họa chăng chỉ có thể có trong tiểu thuyết…
Huyền ngừng một lát, rồi thẫn thờ nói tiếp:
– Anh nói thì hăng lắm, nhưng tôi vẫn cho rằng người ta ai cũng có số, muốn cựa quậy thế nào cũng không thoát được số mệnh. Cho nên, bàn luận thì cứ bàn luận, nhưng tôi vẫn nghĩ phương pháp hay nhất là buông xuôi hai tay. Nói chuyện thế này đủ rồi, anh cho Huyền về đi kẻo khuya…
… Hai người lững thững xuống cầu. Ngồi trên xe, hai người vẫn im lặng. Gần đến nhà, Huyền cất tiếng hỏi Hải:
– Bao giờ anh đi Pháp?
– Tôi sẽ đi Pháp, nếu Huyền chịu nghe lời tôi, làm theo những điều tôi vừa nói với Huyền. Chúng ta can đảm và phấn đấu mới xứng đáng với tình yêu…
– Tôi hứa với anh là tôi sẽ cố gắng làm theo ý anh, nhưng tôi không biết có làm nổi hay không. Tôi thú thực, tôi không hiểu nổi cả tôi, có lúc tôi yêu đời, mà cũng có lúc tôi gần như liều lĩnh… Cho nên chả hiểu tôi có làm theo được lời anh dặn hay không…
Hải lái xe, chạy thật chậm, dịu dàng nói với Huyền:
– Tôi tin là Huyền sẽ làm được. Trước khi đi Pháp, tôi sẽ cố gắng giải quyết những điều Huyền nói với tôi…
– Cám ơn anh! Gần tới nhà Huyền rồi, có nhẽ anh cho tôi xuống đây tiện hơn.
Hải dừng xe, nhìn vào đôi mắt Huyền mà Hải tưởng chừng như rớm lệ:
– Chúng ta có thể đi chơi với nhau một lần cuối vào tuần lễ sau được không?
Huyền lắc đầu:
– Tôi không nói dối gì anh. Đây là lần đầu tiên tôi dám đi chơi với một người đàn ông… Nếu anh bắt buộc Huyền phải gặp anh một lần nữa, thì Huyền không dám từ chối, nhưng anh thương Huyền mà miễn cho.
– Tại sao thế?
– Tôi sợ lắm! Đàn ông các anh nhiều sức mạnh, nghị lực… Chứ đàn bà thì thật khổ… Sợ khi anh đi rồi, tôi nhớ anh thì tôi cũng khổ, mà không nhớ anh thì tôi cũng khổ…
Nghe Huyền nói, Hải thấy tràn ngập trong lòng một tình cảm mênh mông bứt rứt. Hải vụng về, rụt rè đặt tay lên vai nàng, mơn man má nàng, và Huyền cũng không nhớ Hải đã đặt cái hôn đầu tiên lên môi nàng bằng cách nào, như thế nào. Nàng chỉ mơ hồ nhớ khi nàng đã nhận cái hôn của Hải, thì nàng trào nước mắt như một cái lò xo bị gò ép lâu ngày nên bật tung ra. Bao nhiêu càm xúc, tình cảm bị dồn ép tuôn theo dòng lệ, và Huyền khóc thút thít khiến Hải luống cuống, không hiểu tại sao Huyền khóc, khóc vì sung sướng hay khóc vì hổ ngươi, hay vì tự cho là bị xúc phạm…
Huyền biết, mình càng khóc thì càng đẹp, càng có vẻ quyến rũ, nên sẵn cái đà khóc, nàng tuy đã hết xúc động – mà vẫn còn muốn khóc mãi để được thấy gương mặt si tình của Hải mà Hải vẫn cố giấu. Cho nên khi hai người từ giã nhau, trong hai người, người đau khổ và thương nhớ nhiều hơn, là Hải, chứ không phải Huyền, vì Huyền thì đã khóc, nên tâm hồn nhẹ nhõm, còn Hải thì chậm chạp lái xe về, lòng tự hỏi lòng: “Mình có đủ can đảm để đi Pháp không?” và bao nhiêu lý lẽ chàng đã dùng để thuyết phục Huyền, lúc này chàng lại đưa ra thuyết phục mình, mà chàng thấy còn khó khăn hơn cả đối với Huyền!

Nguồn: vietmessenger.org

Comments are closed.