Văn học Miền Nam 54-75 (497): Chu Tử (kỳ 11)

Sống

Phần II – Chương 1

Huyền quần quật làm việc suốt ngày mấy giờ liền. Dọn cơm cho các em xong, nàng ngồi giặt cả một chậu quần áo của tất cả mọi người trong gia đình…
Huyền đang múc nước ở “phuy” đổ vào chậu, thì Kha đến, không biết từ lúc nào, đứng sau lưng Huyền, cất tiếng nói:
– Cô Huyền mải làm việc đến nỗi khách tới mà cũng không hay!

Huyền giật mình quay lại, thấy Kha đứng sững nhìn mình. Huyền trấn tĩnh ngay, không bối rối, vì đây là nhà nàng, và Kha đến nhà nàng thì dù Kha có ba đầu sáu tay, Huyền cũng không sợ… Huyền lúc đó đang mặc một cái áo rách, hở cả lưng, nhưng nàng không thấy ngượng, mà trái lại có ý kiêu hãnh, tự hào với Kha. Huyền cười hồn nhiên:
– Chết chửa? Ông đến lúc nào mà tôi không được biết. Xin mời ông ngồi chơi tạm ở ghế. Tôi giặt nốt chậu quần áo chỉ năm phút là “rồi”…
– Cô cứ tự nhiên.
Huyền có thể bỏ dở công việc không có gì cấp bách là công việc giặt giũ quần áo, để tiếp Kha. Nhưng nàng cố ý bắt Kha phải ngồi đợi: nàng cố tình làm ra vẻ bất lịch sự để tỏ cho Kha biết đồng tiền của Kha có thể hoành hành, tác quái, làm cho người khác khúm núm, sợ sệt, nhưng với Huyền thì Kha ráng mà đợi…
… Nhất là từ ít bữa nay, Huyền không được tin tức gì về Tuyết, Hải, khiến Huyền rất hoang mang. Vì sau khi Tuyết tới nhà Kha, ngay chiều hôm đó, Huyền không khỏi sửng sốt thấy người tớ gái của Tuyết nói là Tuyết đã đi Đà Lạt. Thái độ úp mở, bí mật của người tớ gái làm Huyền nghi hoặc, phỏng đoán có chuyện chẳng lành xảy ra. Còn Hải thì lại càng khó hiểu hơn nữa. Hình như lúc này, sự mâu thuẫn giữa Hải và Kha đã trở nên trầm trọng và Hải cố ý tránh gặp mặt Huyền vì Hải chưa tìm được cách giải quyết thỏa đáng…
Huyền vừa giặt, vừa nghĩ miên man, và tự hỏi: “Kha tới đây có mục đích gì”? Nàng đảo mắt nhìn Kha, thấy gương mặt Kha lúc này có vẻ hiền lành, ngoan ngoãn, chứ không có gì là “uống máu không tanh”. Thấy Kha tò mò nhìn ngang, nhìn ngửa, ngắm nhà mình, Huyền mỉm cười, hỏi Kha:
– Ông thấy nhà tôi liệu có bằng một góc cái bếp nhà ông không? Mà cái bếp nhà ông sạch sẽ, cao ráo, chứ làm gì có hơi “sình” như nhà tôi, phải không ông?
Kha nhìn Huyền, nói như trách móc:
– Cô Huyền kỳ cục quá! Tôi đến thăm cô, cô không cho uống nước gì cả, mà chưa chi đã khiêu khích, tại sao thế cô Huyền?
Hai chữ “khiêu khích” mà Kha vừa dùng, làm Huyền sực nhớ đến Văn, Thịnh, Hổ hiện đang ở khám Chí Hòa. Huyền cảm thấy mình có lỗi rất nhiều đối với những người bị giam giữ, nếu lúc này nàng niềm nở tiếp Kha. Cho nên giọng nàng trở nên ngạo nghễ, khi trả lời Kha:
– Xin lỗi ông. Nhà có mấy cái tách thì lũ em tôi đập bể ráo! Còn mấy cái ly thì mỗi cái mỗi cỡ, mỗi kiểu, đưa ra mời ông thật không tiện. Vả lại, chắc ông cũng không phải vì khát nước mà tới đây… À mà anh Văn tôi cùng Thịnh, Hổ trong khám đều mạnh khỏe, vừa viết thư cho tôi và có lời hỏi thăm ông…
Thái độ của Huyền bắt đầu làm Kha khó chịu. Sự thực sau tấn kịch “cưỡng hiếp” mà Kha đóng một cách khéo léo đến nỗi không những Tuyết bị mắc lừa mà cho đến cả Kha cũng tự đánh lừa mình, tự nhiên Kha thấy nhớ và thương Tuyết, nhớ và thương Tuyết như chưa bao giờ chàng biết nhớ… Bởi vì, tuy Kha không tự thú và chàng vẫn làm ra vẻ khinh bỉ, cũng như Tuyết làm ra vẻ bị cưỡng hiếp, nhưng sau cuộc “ái ân”, Kha biết là mình sẽ không bao giờ quên được những rung động kỳ lạ mà tâm hồn và thể xác bốc cháy của Tuyết đã để lại cho chàng. Cho nên sau khi dò hỏi, biết là Tuyết đã bỏ Lượng, dọn đi chỗ khác… Kha lần mò đi tìm Tuyết và chàng đến nhà Huyền cũng chỉ là để dò tin tức Tuyết.
Kha hỏi thẳng Huyền:
– Sự thực tôi đến đây là để hỏi tin về cô Tuyết. Cô biết cô Tuyết hiện giờ ở đâu không?
Huyền soi mói nhìn Kha, hỏi:
– Ông cần gặp Tuyết để làm gì?
Kha rút túi, lấy ra khẩu súng lục của Tuyết và bức thư mà Huyền đã cho Tuyết mượn:
– Tôi tìm Tuyết là để trả lại Tuyết những vật này. Hình như cái thư này là của cô đưa cho Tuyết phải không?
Huyền tái mặt. Nàng gượng gạo trả lời:
– Quả cái thư này tôi đưa cho Tuyết. Nhưng tại sao lại đến tay ông?
Kha cười gằn, hỏi lại Huyền:
– Cô Tuyết chưa nói chuyện gì với cô sao?
Huyền lắc đầu:
– Đã năm, sáu hôm nay, tôi không gặp Tuyết. Vậy chuyện gì, ông có thể cho tôi biết được không?
Kha cười ý nhị:
– Câu chuyện khó nói quá. Giá để Tuyết kể cho cô hay là hơn! Tôi sợ nói ra, làm cô thêm bực mình, lại tát tôi…
Huyền đỏ mặt, nhìn thẳng vào mặt Kha:
– Xin ông cứ nói. Tôi cam đoan giữ lễ độ, dù câu chuyện ông nói có làm tôi bực tức chăng nữa!
Kha im lặng một lát, trước khi lên tiếng:
– Mặc dầu cô hứa là không nổi nóng, tôi biết những điều tôi nói sẽ làm cô phẫn nộ. Nhưng tôi sẽ nói tất cả sự thực, nếu cô hiểu cho thì càng hay, và tôi biết ơn cô, nếu cô không hiểu mà cho tôi là đểu giả, chó má thì… cũng đành vậy… Số là khi cô Tuyết tới nhà tôi, cử chỉ đầu tiên của Tuyết là đưa cho tôi đọc cái thư của người đàn bà nào đó gửi cho cô Huyền. Thư gửi cho cô Huyền mà lại do cô Tuyết đưa tới tay tôi, khiến tôi không khỏi khó chịu cho rằng trước khi Tuyết tới nhà tôi, hai cô đã bàn mưu, tính kế với nhau… Tôi lại thấy cô Tuyết lục lọi cái “sắc”, cố tình để lộ ra khẩu súng lục cho tôi nhìn. Thấy cái trò dọa dẫm của Tuyết còn ngây thơ quá, tôi cười thầm trong bụng và nảy ra ý định, tương kế tựu kế, dọa nạt Tuyết xem đởm lược của Tuyết tới mức nào. Nhân lúc xuất kỳ bất ý, tôi cướp lấy khẩu súng của Tuyết, chĩa vào Tuyết, tôi dõng dạc, lạnh lùng nói cho Tuyết biết rằng khẩu súng và cái thư Tuyết mang tới nhà tôi, là chứng cớ hùng hồn tố cáo Tuyết định mưu sát, tống tiền tôi, vậy nếu tôi hạ sát Tuyết thì pháp luật cũng không làm gì nổi tôi… Tôi khủng bố Tuyết bằng cách truyền lệnh cho Tuyết biết là nếu Tuyết còn muốn sống thì phải tức khắc chiều theo ý muốn của tôi, hiến thân cho tôi… Có nhẽ tôi đóng kịch khéo quá, khiến Tuyết tưởng thực, sợ tôi bắn chết, nên tôi mới đếm tới “một”, chưa đếm tới “hai”, mà Tuyết đã khứng chịu. Câu chuyện xảy ra đột ngột, tôi là người thủ vai chính trong tấn kịch, mà chính tôi không thể ngờ mình có thể đóng một vai trò đểu cáng đến thế. Tôi nói như vậy không phải là có ý tự bào chữa để cho cô và cô Tuyết tha thứ. Nhưng tôi chỉ muốn nói lên một sự thực. Sự thực thì lúc đó, tôi đã hành động dã man, không phải vì tôi giận Tuyết, ức Tuyết, mà là giận cô Huyền, muốn trả thù cô Huyền đã đưa cái thư cho Tuyết. Tôi đinh ninh như vậy khi tôi chiếm đoạt Tuyết. Ý nghĩ đó, sau này tôi mới thấy là không đúng vì tôi thấy tôi nghĩ nhiều đến Tuyết, hơn là tôi tưởng… Việc Tuyết bỏ nhà Lượng đi, lại khiến tôi băn khoăn, cố tìm gặp Tuyết. Tôi cần gặp Tuyết để xin lỗi Tuyết…
Nghe Kha nói, Huyền bủn rủn chân tay, như chính Kha vừa xúc phạm tới nàng, vừa chiếm đoạt nàng. Mồ hôi toát ướt đầm cả áo cánh, Huyền nhìn cái súng Kha cầm ở tay, thấy mình không những không sợ hãi gì, mà vẫn thừa căm phẫn để có thể tát luôn cho Kha mấy cái, trước miệng súng của Kha. Nhưng Huyền đã trót hứa sẽ không hành hung Kha, và hơn nữa, Huyền cảm thấy có tát cũng là thừa… Huyền gắng tự trấn tĩnh, cười nhạt hỏi Kha:
– Ông nói đã hết chưa?
– Tôi cần nói thêm vài điều nữa.
Huyền lắc đầu:
– Tôi không thể nghe hơn được nữa. Tôi đã hứa với ông tôi sẽ giữ phép lịch sự với ông, là người khách đến nhà tôi. Nhưng ông hiểu cho tôi là đàn bà, nhiều khi không kìm giữ được mình. Thú thực với ông, sau khi nghe ông nói, tôi không còn đủ can đảm nhìn mặt ông, nghe ông nói. Vậy xin mời ông trở về… Từ nay, tôi cũng không thể lên nhà ông dạy các con ông được nữa, ông muốn làm sao thì làm, tôi sẽ chịu đựng hết cả.
Kha cười gằn:
– Cô không muốn lên tôi nữa cũng không sao, những tôi cần nói trước…
Kha chưa nói hết, thì Huyền đã quắc mắt, đứng lên dằn từng tiếng:
– Mời ông đi cho!
Giữa lúc đó, Hải từ đâu lù lù hiện ra. Vừa nhìn thấy sắc mặt Huyền bừng bừng, Hải định quay ra ngay, nhưng chậm quá! Huyền đã dịu nét mặt, nói với Hải:
– Kìa anh Hải! Mời anh vào chơi! Tôi cần nói chuyện với anh nhiều việc, nhất là ông Kha đây.
Hải chưa biết tiến thoái ra sao, nửa định xin lỗi để quay ra, nửa muốn ở lại vì không hiểu giữa Kha và Huyền vừa xảy ra chuyện gì, thì Kha đã lườm em, ra lệnh:
– Chú đến đây làm gì? Chú về đi.
Hải chưa có phản ứng ra sao, thì Huyền đã đanh thép nói với Kha:
– Thưa ông, ông Hải đến đây là do tôi… mời đến, và đây là nhà tôi, nếu ông muốn ra lệnh cho ông Hải, thì xin ông đợi khi ông Hải trở về nhà với ông. Vừa rồi, tôi đã ngỏ lời mời ông về, nhưng ông Hải lại tình cờ đến giữa lúc ông còn ở đây, vậy tôi xin mời ông ở lại, tôi có vài điều muốn thưa với cả ông lẫn ông Hải. Ông vừa nói tất cả sự thực cho tôi biết. Tôi cũng muốn để anh Hải biết…
Thấy thái độ và lời lẽ quyết liệt của Huyền, Kha biết là Huyền cố tình trả thù bằng cách phanh phui tất cả cho Hải biết. Kha biết mình ở vào thế bất lợi: thứ nhất là Kha đương ở nhà Huyền, chứ không phải ở nhà mình, Kha không nắm vai trò chủ động. Thứ hai là Huyền quyết tâm trả nhục, liên minh với Hải để chống lại Kha. Ngay từ bữa Kha thấy Huyền bước lên xe của Hải, nhìn Kha với nụ cười thách thức, Kha hiểu là tấn kịch “những anh em nhà Karamazov” có thể xảy ra trong gia đình mình. Vì thế, chàng đã ngấm ngầm tìm đủ mọi cách để lôi Hải ra khỏi vòng ảnh hưởng của Huyền. Chàng đã lo liệu giấy tờ để Hải sớm đi du học, nhưng Kha càng thúc giục Hải đi du học thì chỉ là gián tiếp thúc giục hai người yêu nhau, sớm ngã vào lòng nhau.
Cho nên khi thấy Hải xuất hiện ở nhà Huyền, Kha hiểu là chưa chắc Kha ra lệnh mà Hải chịu vâng lời. Tuy nhiên, Kha vẫn làm ra vẻ nghiêm nghị, bảo em:
– Tôi đã bảo chú về đi. Chú không nghe tôi sao?
Chưa bao giờ Hải “khổ” bằng lúc này. Chàng nhìn Huyền, nhìn Kha, sắp sửa định vâng theo lời anh, quay ra, thì Huyền tiến một bước về phía cửa, như ngăn Hải lại, không chịu cho Hải về, giọng Huyền đanh thép đến mức độ chính Huyền cũng không ngờ mình có thể quyết liệt đến thế:
– Nếu anh Hải sợ ông Kha mà về, thì tôi không dám can. Nhưng tôi chỉ xin phép nói với anh Hải một lời, một lời cuối cùng, vì nếu anh về thì chắc chắn không còn bao giờ tôi và anh còn có thể gặp nhau. Anh có biết ông Kha tới đây làm gì không? Để báo tin cho tôi biết là ông đã dùng súng cưỡng hiếp Tuyết ở nhà ông, để gián tiếp trả thù làm nhục tôi. Anh Hải là em ông Kha, anh thử nhận định xem hành vi của ông Kha có xứng đáng không, có đáng ông Hải bênh vực không? Cái súng, ông Kha dùng để dọa dẫm hiếp người, ông Kha để trong túi ông Kha kia, nếu ông Kha có can đảm, ông thử bắn vào ông Hải, ông thử bắn vào tôi xem. Nếu không, ông chỉ là một đứa hèn, cưỡng bức một người đàn bà tự dấn thân đến nhà ông…
Huyền mạt sát một thôi, một hồi nữa, ngang nhiên kết tội Kha trước mặt Hải. Nếu những lời Huyền mạt sát, Huyền không nói trước mặt Hải, thì dù Huyền có mạt sát một nghìn lần mạnh hơn, Kha cũng sẽ chỉ cười xòa, nhưng Huyền lại nói trước mặt Hải, Hải em của Kha, mà Kha không bao giờ muốn cho em thấu rõ những hành vi của mình. Người ngoài ai muốn khinh Kha, Kha đều bất chấp, không buồn đếm xỉa đến, nhưng chàng không thể tha thứ cho ai có thể mạt sát chàng trước mặt Hải.
Nhìn Huyền, nhìn Kha, Hải hiểu ngay là Huyền nói thực, nhưng không hiểu sao, Hải cũng thốt ra một câu, một câu không có dụng ý khiêu khích – đối với Kha – nhưng vừa thốt ra, Hải hối ngay:
– Có phải anh đã làm những điều cô Huyền vừa nói không?
Bị bẽ mặt, không thể bỏ về, mà cũng không thể tự hạ mình giải thích với em, nhất là thấy Huyền nhắc tới cái súng lục Kha đang mân mê trong túi, như cái máy, Kha rút cái súng lục ra, chỉ là để cho đỡ bẽ mặt! Khi cái súng còn trong túi quần Kha, cũng như khi Kha cầm cái súng trong tay, Kha không hề có một ý tưởng sát nhân nào trong đầu óc, và chàng cũng không định bắn ai trong hai người, Huyền và Hải. Nhưng vừa nhìn thấy cái súng trong tay Kha, Huyền hoảng hốt, đinh ninh thế nào Kha cũng bắn Hải, chứ không bắn mình, vì đối với Huyền, Hải không phải là em của Kha, mà là tình địch của Kha. Trong một cử chỉ liều lĩnh rất đàn bà, Huyền không biết nguy hiểm là gì, lăn xả vào phía Kha, cướp cái súng ở trong tay Kha… Khi tay Huyền vừa giằng co với Kha, thì không hiểu Kha bóp cò hay Huyền vô tình chạm vào cò súng, một tiếng nổ chát chúa vang lên và Huyền ngã lăn ra mặt đất, bất tỉnh, còn khẩu súng cũng văng ra bên cạnh Huyền. Hải hấp tấp cúi xuống đỡ Huyền và khi chàng nhận ra Huyền chỉ vì sợ mà ngã bất tỉnh, chứ không bị thương, viên đạn chỉ lướt qua cánh tay mặt làm cháy xém tay áo, thì Hải vội nói với Kha:
– Huyền không bị thương. Anh về đi kẻo nhỡ lối xóm họ nghe tiếng súng, kéo tới không tiện…
Nghe Hải nói Huyền không hề gì, Kha vui mừng như người vừa tìm được một lối thoát cho một hoàn cảnh khó xử: nếu không có tiếng súng thì chàng không biết tính cách nào để có thể rút lui một cách tương đối không quá nhục nhã. Đằng này, sau tiếng súng… không chết ai – đẹp nhất ở chỗ có tiếng súng mà không ai chết – chàng có thể hùng dũng rút lui mà không ngượng với em, không ngượng với Huyền. Kha không buồn nhặt khẩu súng, lừ lừ đi ra, sau khi nói với Hải:
– Khẩu súng của con Tuyết, lúc nào con Huyền tỉnh lại, thì đưa cho nó…
Kha vừa ra khỏi thì Huyền tỉnh ngay, mở mắt giữa lúc Hải đang quỳ ở dưới chân nàng. Thấy Huyền đã tỉnh, Hải cười sung sướng:
– Hú vía! Đạn chỉ sướt qua, cháy sém tay áo cô ạ! Ông Kha về rồi…
Nghe Hải báo tin mình không hề gì, và thấy Hải quỳ bên cạnh mình, Huyền sung sướng, muốn nằm thêm một phút giây nữa để kéo dài cái cảm giác lãng mạn, thần tiên của một kẻ tự cho mình đã cứu thoát người yêu. Nhưng thấy Hải cúi sát gần nàng quá, Huyền vùng dậy, và bao nhiêu hùng hổ, hăng tiết của nàng biến mất, nhường chỗ cho sự bẽn lẽn của người đàn bà, tim đang đập mạnh vì yêu… Thấy lành lạnh đằng sau lưng, Huyền biết là cái áo cánh của mình rách thêm một đường dài, khiến nàng vội ngồi xuống ghế, thở ra.
Hải lặng lẽ nhặt khẩu súng mà Huyền nhìn bằng đôi mắt sợ sệt, không hiểu sao lúc nãy, mình lại có thể táo tợn đến thế. Hải xem lại khẩu súng, rồi nói với Huyền:
– Cô liều quá! May mà không xảy ra án mạng!
Huyền muốn nói với Hải một câu rất thật tình tứ: “Em liều là để bảo vệ anh đấy”. Nhưng nàng sợ câu nói sẽ thành vô duyên, hợm hĩnh, nên nàng chỉ mỉm cười, nhìn Hải:
– Không ngờ ông Kha lại dữ tợn như vậy. Không hiểu ông ấy định bắn anh hay bắn tôi…
Giọng nàng vui vẻ, không có ý oán giận Kha, vì thực sự sau phát súng đẹp đẽ, nàng không còn thấy oán giận Kha và có nhẽ lại thầm cám ơn Kha đã tạo cho nàng một dịp để nàng tỏ cho Hải thấy tấm lòng của nàng đối với Hải. Hải vẫn nghĩ là Kha chẳng định bắn ai cả, nhưng để làm vừa lòng Huyền, Hải cười biết ơn, trả lời:
– Định bắn tôi chứ! May mà Huyền giựt súng kịp!
Thấy gương mặt Huyền còn tái nhợt, Hải ân cần hỏi:
– Huyền hết sợ chưa?
Huyền chỉ biết lắc đầu nhìn Hải, mỉm cười. Chưa bao giờ Huyền thấy mình bạo dạn bằng lúc này, vì trước kia đối với Hải, Huyền vẫn có cái mặc cảm tự ti của người con gái nghèo, cố tránh không biểu lộ tình cảm của mình với kẻ giàu sang hơn mình. Nhưng lúc này mà nàng đang hân hoan trong ảo tưởng đã cứu sống Hải, thì mặc cảm tự ti thay thế bằng mặc cảm tự tôn của những kẻ tự cho mình là cứu tinh. Vì vậy, lần đầu tiên, Huyền nhìn Hải không những bằng cái nhìn ngang hàng, Huyền còn gửi trong đó tất cả niềm tha thiết yêu đương mà từ trước đến nay – vì tự ti – nàng không muốn biểu lộ. Hải ngợp dưới cái nhìn nặng chĩu của Huyền. Hải quên cả Kha – vừa tức bực, lủi thủi ra khỏi nhà Huyền – Hải quên cả những chương trình, kế hoạch cao cả, mà chàng đã mang ra bàn với Huyền để cảm hóa, thuyết phục tất cả mọi người, từ Kha đến Văn, Hổ, v.v. Thấy nhà Huyền vắng vẻ, và tiếng súng vừa rồi cũng không làm lối xóm để ý, Hải bước lại sát bên Huyền, mạnh dạn cầm lấy tay Huyền, trong khi Huyền táo bạo không kém, ngửa mặt lên chờ đón cái hôn của Hải… Hải cúi xuống đặt tay lên vai Huyền, mơn man làn da ở lưng, mà cái áo rách để lộ ra, khiến toàn thân Huyền rung lên như một giây đàn căng thẳng: nàng rờn rợn thấy vẩy ốc nổi khắp người, và khi Hải hôn lên môi nàng, Huyền nhắm mắt tưởng chừng trời đất, vạn vật đang tan biến trong thinh không như hình hài của mình. Giá lúc đó, đứa em Huyền bất thình lình trở về, thấy người chị đang run ray trong tay người lạ mặt, sẽ không khỏi bàng hoàng tự hỏi: “Tại sao người chị vốn hiền lành, nhút nhát của mình, lại táo bạo đến thế”.
Huyền mở mắt lim dim, thấy gương mặt Hải vẫn sát bên nàng thì Huyền lại nhắm mắt, mặc cho Hải hôn lên má, lên trán, lên tóc. Nàng nghe Hải thì thầm bên tai:
– Cửa vẫn mở. Người ở ngoài đường có thể nhìn thấy chúng ta. Anh ra khép cửa lại nhé!
Huyền vội xua tay, bướng bỉnh:
– Đừng khép anh! Cùng lắm, người ta thấy anh hôn em, còn hơn là đóng cửa một cách ám muội.
Rồi nàng nhìn vào mắt Hải, nói:
– Em biết là em liều lắm khi em yêu! Cho nên em rất sợ yêu. Liệu anh có liều như em không?
Hải lắc đầu cười:
– Chắc chả thế nào bằng em được. Anh không ngờ em lại có thể liều đến độ cướp súng của anh Kha… Anh vẫn đinh ninh em nhút nhát lắm…
– Thì em vẫn nhút nhát! Nhưng khi em liều thì liều kinh khủng! Em nói thực với anh, em yêu mà bị phỉnh gạt, em có thể giết người lắm. Em có thể giết anh, anh có thấy thế không?
Hải gật đầu sung sướng:
– Thấy!
– Vậy anh có định đi Pháp du học nữa không?
– Không! Anh không đi nữa!
– Nhưng nếu ông Kha nhất định bắt anh đi?
– Anh sẽ có cách ở lại. Anh Kha chỉ có thể đuổi anh ra khỏi nhà là cùng chứ gì!
Huyền kiêu hãnh, bảo Hải:
– Em mong anh bị ông Kha đuổi thì mời anh xuống đây, em sẽ nuôi anh!
Hải mơn man cái áo rách của Huyền, cố tình làm cho nó rách thêm một đường nữa, và tình tứ bảo Huyền:
– Áo em rách thế này, em đâu có tiền mà nuôi anh?
Cái áo rách thêm, làm Huyền thấy lạnh sau lưng và đồng thời tỉnh giấc mộng yêu đương. Nàng bẽn lẽn đứng lên, bảo Hải:
– Thôi để em vào thay áo!
Rồi, không đợi Hải trả lời, nàng thoát chạy vào buồng, để mặc Hải thở dài nhìn theo nàng…
Ngay lúc đó, Vân – em gái Huyền – đi học về. Vân là một nữ sinh Đệ Tứ: thông minh, bướng bỉnh, khác với Huyền: kín đáo, dịu dàng. Vân mười sáu tuổi, nhưng bề ngoài vẫn còn có vẻ con nít. Thấy khách lạ ngồi một mình, Vân nhanh nhẩu hỏi:
– Thưa ông hỏi chị tôi?
Hải nhìn Vân, thấy hao hao giống khuôn mặt Huyền, liền thân mật đặt tay lên đầu Vân, hỏi:
– Chắc em là em chị Huyền?
Tuy bề ngoài có vẻ con nít, Vân không muốn ai coi mình là con nít, cho nên khi thấy Hải xoa đầu, nàng không khỏi khó chịu. Vân phụng phịu đi thẳng vào trong nhà, và vừa thấy Huyền, Vân đã bô bô, cốt để Hải nghe tiếng:
– Ai ở ngoài kia thế chị?
Huyền vừa thay áo xong, vội nói nhỏ vào tai em:
– Em ông Kha đấy!
Vân mang máng biết chuyện Văn, Thịnh… bị Kha hãm hại, cho nên khi nghe thấy Huyền nói người khách chính là Hải, em của Kha, Vân bèn nói lớn:
– Em ông Kha thì đến đây làm gì?
Huyền vội bịt miệng em:
– Nói nhỏ chứ mày ơi! Người ta nghe thấy, mang tiếng chết.
Vân vùng vằng:
– Em cốt nói cho hắn nghe thấy để hắn cút đi mà! Sợ gì mang tiếng! Nếu chị không muốn đuổi hắn thì để em đuổi cho.
Biết Vân ngổ ngáo, Huyền sợ em làm dữ với Hải, bèn nắm lấy tay Vân, giữ chặt em lại, không cho ra ngoài, và trong lúc bồng bột yêu đương, Huyền cũng trở thành con nít như em, thú thực với em:
– Vân ơi! Mày đừng phá tao, tội nghiệp! Tao và người ta yêu nhau! Vân thấy người đó thế nào?
Vân không lưỡng lự, trả lời chị:
– Em thấy ghét ghét là! Mà sao chị lại vơ quàng, vơ xiên như vậy?
Huyền phì cười:
– Hắn có đui què mẻ sứt đâu mà mày bảo “vơ quàng, vơ xiên”!
– Anh hắn bỏ tù anh Văn, nhà hắn lại giàu, chị thường bảo chị ghét những người giàu. Như thế chả là vơ quàng, vơ xiên là gì!
Rồi Vân nằng nặc:
– Để em ra tống cổ hắn đi!
Huyền van em:
– Thôi mày không bằng lòng thì để tao ra bảo người ta về.
Rồi Huyền vội ra, nói nhỏ với Hải:
– Vân nó tưởng anh đồng mưu với ông Kha để bỏ tù anh Văn, nên nó oán anh lắm, nó định sinh sự với anh. Thôi anh về đi, mai sẽ gặp em.
Hải cười:
– Em gọi Vân nó ra đây! Anh sẽ nói cho nó hiểu.
Huyền lắc đầu:
– Nó ngang ngạnh lắm. Lúc khác sẽ nói chuyện… Vậy anh nghe em, anh về đi rồi ngày mai sẽ gặp em, mình sẽ bàn tính mọi chuyện cho dứt khoát, có phải không anh?
Hải vừa ra khỏi thì Vân lại tấn công chị:
– Chị định lấy hắn thì mặc chị, chứ em không…
Huyền phì cười:
– Thì tao lấy người ta, chứ có phải mày lấy đâu… Nhưng sao mày ghét người ta dữ thế!
Vân phụng phịu:
– Em sẽ phá cho chị coi. Em không thương nổi hắn. Cái gì mà mới đến nhà người ta lần đầu, hắn đã xoa đầu em, làm như “cha” người ta chẳng bằng! Thật đúng như anh Văn nói, bọn giàu sang bao giờ cũng hỗn xược. Chị mà lấy nó, thì em “từ” chị, không thèm bao giờ đến nhà chị nữa.
Thái độ quyết liệt không ngờ của Vân, làm Huyền thừ người ra nghĩ ngợi. Nàng linh cảm cuộc tình duyên của nàng với Hải sẽ gặp những cản trở ghê gớm, không vượt nổi.
Thực tế, sau khi Hải trở về được một giờ, thì Huyền nhận được một cái thư của Văn từ trong khám gửi ra, do một nhân viên giám thị ở khám, vì cảm tình riêng với Văn, mang tới tận nhà cho Huyền. Huyền đang miên man chìm đắm trong hạnh phúc yêu đương, thế mà sau khi nghe em giở giọng phá đám, và nhất là sau khi đọc thư của Văn, tự nhiên Huyền thấy buồn, nản lạ lùng. Nàng đưa cái thư cho Vân coi, nói với em:
– Tao chán quá! Cả ông Văn cũng về hùa với mày nữa. Đây này, mày xem thư của anh ấy thì rõ:
Em Huyền,
Vừa rồi, Tuyết có vào thăm anh. Anh rất nghĩ ngợi về câu chuyện nó kể. Nếu em chưa được Tuyết kể cho em biết thì em cứ việc hỏi Kha thì rõ. Chính em cũng chịu trách nhiệm về câu chuyện thương tâm này. Vậy tuần sau, em tìm Tuyết, rồi hai người xin phép vào khám thăm anh, anh có nhiều điều cần nói.
Còn chuyện lên nhà Kha dạy học, thì em chấm dứt ngay, muốn ra sao thì ra.
Đối với Hải, tuy em không nói ra, nhưng anh hiểu là em yêu hắn. Anh biết là một khi người ta đã yêu nhau, càng cản trở thì tức là tưới thêm dầu vào lửa. Nhưng anh nói thực với em là nếu em yêu hắn, riêng anh không tán thành và không vui.
Tại sao vậy? Kể ra thì chẳng có lý do nào cả! Ngoài cái lý do là anh không thể “kham” nổi bọn có tiền. Nói vậy mà thôi, nếu em yêu hắn thì vẫn là quyền của em… Anh ở trong khám, lúc này cân nặng thêm được bốn ký. Anh cũng đang gắng, lợi dụng thời kỳ tu dưỡng bắt buộc này, để “lột xác” một lần nữa, không biết có được hay không. Xưa kia, anh là đứa rất ghét biên thư, thì lúc này, cái thú độc nhất của anh là viết thư cho vợ và con. Để rồi, anh sẽ biên cho em một cái thư “tràng giang” mà em có thể đưa đăng báo, lấy tiền mua quà vào thăm anh. Cái thư đó là: “Tư tưởng của người bị tù hóa mập”.
Anh, VĂN

Đọc hết cái thư của Văn, Vân vỗ tay:
– Đấy chị coi! Có ai muốn cho chị lấy hắn đâu!
Rồi Vân trắng trợn nói tiếp:
– Chị cũng ác lắm! Anh Thịnh anh ấy theo đuổi chị, say mê chị, mà lúc này anh ấy bị bắt cũng vì ông Kha, thế mà chị “bỏ rơi” anh ấy ngay, để yêu em của thằng cha Kha. Như thế là tồi, là xấu! Anh Văn anh ấy sẽ khinh chị ham tiền, hám danh. Em cũng vậy, nếu chị lấy hắn, thì em không thèm dự đám cưới của chị cho chị coi! Còn Thịnh thì chị tưởng anh ấy “tha” cho chị sao? Hắn không tha đâu, đấy rồi chị coi!
Lời nói của Vân quất mạnh vào lương tâm Huyền. Nàng cố gắng làm mặt giận, gắt em:
– Tao yêu Thịnh bao giờ mà mày bảo tao “bỏ rơi” hắn? Tao ỉa vào tiền, vào danh! Nhưng tao yêu ai thì mày cấm tao à? Mày tưởng tao sung sướng lắm hay sao?
Vân bĩu môi:
– Yêu gì? Yêu tiền!!
Nghe Vân nói, Huyền đành lắc đầu chịu thua em. Nàng biết rõ Vân kết tội oan nàng, vì không phải vì tiền mà nàng yêu Hải. Nhưng nàng không khỏi mơ hồ cảm thấy Vân nói đúng: nàng tự trách mình đã quá ư vô tình với Thịnh. Thịnh yêu nàng dữ dội, điên cuồng. Thịnh khổ sở, điêu đứng vì nàng; bị bắt giam vì nàng… Thế mà lúc này, Thịnh bị bắt giữ, nàng không khỏi ngạc nhiên thấy rằng mình tuy có nghĩ đến Thịnh, nhưng nghĩ tới một cách gần như bình thản, không có gì là xót xa, thương cảm. Bởi vì tâm hồn nàng lúc này đã bị hình ảnh Hải choán hết, không còn chỗ để thương xót một kẻ vắng mặt. Huyền tự giận mình, vì đối với Thịnh, nàng đã có những kỷ niệm vui, buồn mật thiết, mặc dầu chưa yêu Thịnh. Thế mà lúc này nàng đã không ngần ngại hẹn hò với Hải trong khi Thịnh nằm “khám” vì cái bút máy tặng nàng.
Huyền khổ sở hơn nữa, khi nghĩ một người con gái nghèo như mình hầu như không có quyền hưởng hạnh phúc, không có quyền yêu. Mỗi lần nàng mặc một cái áo đẹp, ra đường, nàng lại băn khoăn, bực bội nghĩ tới hoàn cảnh gia đình mình.
Cũng như tình yêu của nàng đối với Hải: cách đây một giờ, Huyền còn say sưa, đắm đuối trong yêu đương, tưởng rằng dù trời sập, đất nổ, cũng không có gì cản trở nổi nàng yêu Hải. Nhưng chỉ mới có vài lời nói “ngang” của Vân, của Văn, mà nàng đã thấy chán nản tràn ngập tâm hồn.
Nàng có cảm tưởng tất cả mọi người, tất cả những người thân mến của nàng, đều nhất tề nổi dậy chống lại nàng, ngăn cản nàng không cho mình yêu Hải. Và không phải chỉ có người ngoài, cả đến lương tâm nàng cũng sẽ nổi dậy chống nàng. Sau khi đọc thư Văn, Huyền tưởng tượng như tình duyên của nàng với Hải sắp đổ vỡ đến nơi và nàng không còn bao giờ được gặp Hải nữa.
Trí tưởng tượng của kẻ đang yêu, chưa chi đã nhìn thấy cảnh chia ly não nùng, khiến nàng rưng rưng nước mắt, nói với em, giọng hờn mát:
– Ừ, mày đã cấm không muốn cho tao yêu ai thì từ nay tao chẳng yêu ai nữa cho mày sung sướng! Tao biết mà! Tao thì còn có quyền yêu ai! Số kiếp tao là ở nhà để hầu chúng mày, nấu cơm, giặt quần áo, cho chúng mày đi rỡn!
Nói xong, nàng nằm vật xuống giường, nước mắt trào ra.
Huyền nghĩ tới phát súng nổ lúc vừa qua, bất giác lẩm bẩm:
– Tại sao viên đạn lại không xuyên qua phổi mình chết quách cho rồi!
Vân ngơ ngác hỏi chị:
– Đạn nào?
Huyền tuy đang buồn, nhưng nàng cũng vẫn còn thích “trộ” cho em hoảng: Huyền bèn lấy cái súng do Kha để lại, đưa cho Vân coi:
– Đạn và súng đây chứ súng đâu! Tao vừa tự tử hụt đấy!
Vân liếc mắt nhìn khẩu súng, bán tín, bán nghi, hỏi Huyền:
– Súng thật hay giả đấy!
Bộ mặt quan trọng, Huyền trả lời:
– Sao lại giả? Tao bắn cho mày coi nhé!
Sự thực, không những Huyền không biết bắn, không biết sử dụng ra sao, mà chỉ rờ vào khẩu súng, nàng cũng thấy sợ, nhưng Vân ngơ ngác, ra chiều phục nàng lắm, Huyền càng trộ mạnh để trả cái “thù” Vân phá đám mình:
– Đây nè! Mày nhìn cái áo rách tao vừa thay! Tao định tự bắn vào ngực, nhưng tay run quá, viên đạn chệch đi, cháy sém tay áo đó…
Vân giương to đôi mắt tròn xoe, nhìn chị. Có thể nào người chị nhu mì, hiền lành của Vân, người chị vẫn tranh cướp bánh tôm và thịt bò khô với Vân, người chị mà Vân tin là mình hiểu hơn ai hết, có thể nào người chị đó lại có những ý nghĩ mà Vân không biết, giấu kín một tâm sự mà Vân không ngờ, để đột nhiên tự tử mà Vân không hiểu nổi vì lý do nào chăng? Vân bàng hoàng nhìn chị như nhìn một người xa lạ, trong khi Huyền cố làm ra mặt nghiêm để khỏi phì cười…
Nhưng Vân là đứa thông minh, ranh mãnh, nên Huyền không đánh lừa được em lâu. Vân suy nghĩ rất nhân, rồi soi mói, lắc đầu, nhìn chị:
– Chị mà dám tự tử thì em cứ đi bằng đầu. Chắc có chuyện gì giấu em!
Rồi nàng “trộ” lại luôn chị:
– Được rồi! Chị đã khoẻ giấu thì em “mét” mẹ cho chị coi! Độ này chị cũng “ghê” lắm! Bí mật lắm!
Nghe em dọa “mét” mẹ, Huyền mắc mưu em luôn. Nàng hốt hoảng bảo em:
– Chết! Tao van mày. Đừng “mét” mẹ, kẻo mẹ lại làm ầm ỹ lên…
Được thể, Vân càng làm già:
– Thế sao chị cứ giấu em?
Huyền đành làm ra vẻ thiểu não, nói khó với em:
– Chị nói đùa, chứ có gì mà chị giấu em. Khẩu súng là súng của Tuyết, ông Hải mượn, nên mang lại nhờ tao trả giùm Tuyết, vì Tuyết bỏ đi mất, chả hiểu đi đâu! Còn chuyện tự tử là tao nói “dóc” cho oai, mày còn lạ gì…
Rồi để đổi hướng câu chuyện, Huyền bảo em:
– Mà tao đói quá! Vân đi mua phở, chị em mình ăn đi!
Vân lườm chị:
– Làm gì có tiền?
Huyền vui vẻ:
– Chị có tiền đây!
Vân nghe chuyện “phở” thì quên cả tâm sự của chị. Nàng cầm tiền đi ra, còn nói trêu chị:
– Định đấm mõm hả?
Huyền thụi em:
– Con ranh! Ai sợ gì mày mà phải đấm mõm!
……
Vân vừa cầm tô đi mua phở thì Lượng tới. Vừa gặp Huyền, Lượng hỏi ngay:
– Tuyết nó có tới đây không? Cô có biết nó ở đâu không?
– Không… Chưa thấy Tuyết lại đây!
Lượng nhìn thẳng vào Huyền như dò xét:
– Thế sao hôm Tuyết bỏ đi, tôi nghe người làm nói cô có đến thăm Tuyết và hai người rủ nhau đi đâu.
Huyền lúng túng, tự hỏi có nên nói tất cả sự thật với Lượng không. Nàng suy nghĩ rất nhanh, rồi làm ra vẻ thản nhiên, trả lời Lượng:
– Dạ! Cách đây hơn mười ngày, tôi có lại thăm Tuyết, chúng tôi cùng ra phố, Tuyết hẹn tôi chiều trở lại, tôi trở lại thì người nhà nói Tuyết đi Đà Lạt… Vậy thế Tuyết vẫn chưa về?
– Nó bỏ đi từ hôm đó. Chỉ để lại cái thư này.
Lượng lấy cái thư “vĩnh biệt” của Tuyết, đưa cho Huyền coi, rồi bảo Huyền:
– Tôi đoán cô biết nhiều chuyện mà cô không nói. Tôi tin chắc trước khi bỏ đi, Tuyết đã nói rõ cô hiểu vì sao. Tôi cần biết tất cả sự thật, nên tìm đến cô. Cô đừng giấu tôi…
Huyền không có tài nói dối, nên nàng ngượng, vờ chăm chú đọc cái thư của Tuyết, miệng lẩm bẩm:
– Lạ thực! Tôi cũng chả hiểu vì sao Tuyết bỏ đi…
Nàng ngừng một giây, rồi hỏi tiếp:
– Nhưng tôi hỏi thực anh một điều: anh còn yêu Tuyết không? Anh tìm Tuyết là vì nhớ Tuyết hay vì giận Tuyết?
Bao nhiêu cay đắng, uất tủi mà Lượng vì tự ái chưa tiện biểu lộ, được dịp trỗi dậy:
– Cô thử đặt địa vị tôi xem có nên giận hay không? Chả phải cần kết tội người vắng mặt, nhưng có một điều rất dễ hiểu, dễ đoán là, nếu Tuyết bỏ đi thì tất nhiên vì Tuyết yêu đứa khác. Không những thế, có nhẽ trong thời kỳ Tuyết ở với tôi, Tuyết cũng yêu đứa khác rồi! Cô nghĩ xem! Có thằng đàn ông nào chịu để cho Tuyết làm nhục như tôi không? Đàn bà, đàn bà thật khốn nạn!
Nghe Lượng mạt sát đàn bà, Huyền không những không giận, mà trong thâm tâm, Huyền còn cho Lượng là có lý, vì nàng vừa thốt nghĩ đến lòng dửng dưng của mình đối với Thịnh, nên nàng cũng cười buồn, trả lời Lượng:
– Anh nói đúng lắm… Đàn bà khốn nạn thật…
– Ấy chết! Tôi xin lỗi cô về tội vơ đũa cả nắm…
Huyền lắc đầu:
– Không! Tôi không mếch lòng đâu. Tôi nói thực anh ạ. Đàn bà là thế đó… Nhưng tôi có một điều có thể đoán chắc với anh là, trong thời kỳ Tuyết ở với anh, cũng như khi Tuyết bỏ đi, Tuyết không hề yêu ai.
Mắt Lượng sáng lên, Lượng hấp tấp hỏi Huyền:
– Thật không? Sao cô biết?
Sự thật sau khi Tuyết bỏ đi, Lượng giận Tuyết hơn là nhớ Tuyết. Ừ thì Tuyết bỏ đi, nhưng miễn là Tuyết bỏ đi không phải vì yêu ai! Cho nên khi Huyền nói Tuyết không hề yêu ai, Lượng thấy như vừa được cải tử hoàn sinh:
– Cô nói đi. Tại sao cô biết? Hay là cô chỉ kiếm cách bào chữa cho Tuyết để tôi khỏi buồn…
– Không! Tôi không bênh vực Tuyết đâu. Tôi cam đoan với anh là Tuyết không yêu ai. Tôi biết nhiều điều, nhưng chưa tiện nói với anh. Chắc rồi anh cũng sẽ biết… Anh sẽ biết là Tuyết cũng đáng thương lắm. Thôi anh ạ, đừng giận Tuyết nữa… “Người ta thương nhau là hết!” Tuyết nó nói trong thư như vậy là đúng đấy anh a….
Nghe Huyền đoan chắc Tuyết không yêu ai, và Tuyết đáng thương, lòng tự ái của Lượng thỏa mãn, tự nhiên Lượng lại thấy thương Tuyết, nhớ Tuyết như chưa bao giờ chàng nhớ. Chàng sung sướng nói với Huyền:
– Trời ơi! Tôi cám ơn cô Huyền nhiều lắm! Tôi hết giận Tuyết rồi. Tôi nhớ Tuyết vô cùng. Làm thế nào gặp Tuyết được hở cô Huyền?
Huyền bật cười:
– Bây giờ thì anh lại nhớ Tuyết. Nhưng anh nhớ được bao lâu! Tôi sợ anh gặp nó, anh lại nổi xung lên mà gây sự với Tuyết… Được rồi, nếu anh tha thiết muốn gặp thì tôi sẽ có cách tìm Tuyết cho anh gặp…
Lượng mừng rơn, cám ơn rối rít. Chàng tái tứ tái tam khẩn khoản nhờ Huyền đi tìm ngay Tuyết, rồi mới trở ra về. Nhưng định mệnh thật trớ trêu! Lượng chỉ cần ở lại một phút thì đã gặp Tuyết ngay tại nhà Huyền, vì Lượng vừa đi khỏi thì Tuyết đến.
Vừa thấy Huyền, và chỉ cần nhìn gương mặt của Huyền, Tuyết hiểu ngay là Huyền đã biết chuyện. Tuyết thở ra vì thoát được cái khổ tâm phải kể lể “đầu cua tai nheo” cho bạn nghe. Nàng lẳng lặng ngồi xuống ghế, thản nhiên hỏi Huyền:
– Chị biết hết cả rồi chứ gì?
Huyền kín đáo, nhẹ nhàng gật đầu, bảo Tuyết:
– Giá Tuyết đến sớm một phút thì gặp ông Lượng. Ông ấy vừa ở đây ra.
Tuyết tái mặt:
– Sao? Ông Lượng kể cho chị nghe à?
– Không phải. Ông Lượng đến đây tìm Tuyết. Ông ấy chưa biết tý gì cả. Ông ta hỏi tôi thì tôi chỉ ầm ừ. Và tôi cũng nói cho ông Lượng khỏi buồn là Tuyết bỏ đi không phải vì yêu người khác. Thế thôi…
Tuyết nắm tay Huyền:
– Cám ơn chị. Chị nói giùm Tuyết như vậy là phải lắm… Vậy ai cho chị biết?
Huyền nói dối để Tuyết đỡ khổ:
– Anh Văn cho biết! Có phải Tuyết mới vào thăm anh Văn ở khám không? Tôi vừa nhận được thư của anh ấy.
Gương mặt Tuyết tươi tỉnh thêm, nàng hỏi Huyền:
– Ồ! Thầy Văn gửi thư ra hở chị? Có nhắn gì Tuyết không?
– Nhắn Tuyết và tôi, tìm cách xin vào thăm anh. Anh có nhiều điều cần nói…
Rồi nàng chậm rãi bảo Tuyết:
– Mà cả thằng khốn nạn Kha cũng vừa tới đây!
Tuyết nín thở, hỏi:
– Sao? Hắn đến đây à? Mà đến đây làm gì?
Giọng Huyền trở nên dịu dàng:
– Tôi đã chửi hắn thậm tệ! Hắn bắn tôi, nhưng không trúng…
Rồi Huyền kể mọi việc xảy ra cho Tuyết biết. Nàng thêm, bớt ít nhiều, và nhất là giấu đoạn Hải đến, không kể cho Tuyết nghe. Huyền nói tiếp:
– Hắn đến đây cũng là để tìm Tuyết, vì theo tôi hắn thì có nhẽ hắn hối thật…
Tuyết vội gạt đi:
– Em van chị! Đừng nói tới hắn nữa. Hắn bắn cả chị thì kể hắn thực là gớm khiếp!
Huyền vào trong nhà, lấy cái súng lục Kha bỏ lại, đưa cho Tuyết:
– Đây, cái súng của Tuyết!
Thấy khẩu súng, mắt Tuyết sáng lên. Nàng đón khẩu súng như cướp giựt, một nụ cười lạnh, dữ tợn nở trên môi nàng:
– Cám ơn Trời Phật đã trả lại tôi cái súng!…
Tuyết còn muốn nói mấy câu cho hả lòng căm phẫn, nhưng nàng sực nhớ tới những lời tuyên bố huênh hoang mà nàng đã nói với Huyền trước khi đến nhà Kha, khiến Tuyết sượng sùng nhìn Huyền, không nói tiếp nữa… Nàng lẳng lặng cất cây súng vào trong “sắc”. Nhìn gương mặt lạnh của Tuyết, Huyền hiểu những mưu toan đang quay cuồng trong đầu óc Tuyết. Huyền ôn tồn bảo Tuyết:
– Thôi Tuyết ạ! Đừng có đùa một lần nữa. Dầu sao thì việc đã qua rồi, quên đi là hơn.
Tuyết lắc đầu, thở dài:
– Chị tưởng Tuyết còn đủ lòng dạ “đùa” một lần nữa sao! Tuyết không đùa đâu, mà Tuyết cũng không thể quên được!
– Sao lại không quên được! Cái gì ở đời cũng có thể quên được.
Tuyết ứa nước mắt nhìn Huyền, ấp úng, rồi đột nhiên hỏi Huyền:
– Nhưng nếu Tuyết “có bầu”… thì liệu có “quên” được không?
Tuyết thốt ra được câu đó, thấy nhẹ hẳn cả người, vì nàng tìm đến Huyền, chính là để san sẻ với Huyền cái băn khoăn, lo lắng đang rày vò mình.
Nghe Tuyết nói, Huyền ngơ ngác hỏi:
– Sao lại “chửa”? Mà “chửa” với ai?
Tuyết rên rỉ:
– Trời! “Chửa” với thằng khốn kiếp, chứ còn với ai nữa!
Huyền thừ người nhìn Tuyết và thấy mình cũng muốn phát khóc, nhưng nàng cố bình tĩnh bảo Tuyết:
– Làm gì có chuyện đó! Tuyết thấy thế nào mà nghĩ vơ vẩn như vậy?
– Đáng nhẽ tuần vừa qua, Tuyết thấy “kinh”, mà chẳng thấy gì cả…
Huyền cười xòa:
– Rõ khéo! “Đường kinh” trồi, sụt là chuyện thường… Việc gì mà lo…
Tuyết vẫn lắc đầu:
– Không phải là Tuyết lo viển vông đâu. Em thấy nhiều triệu chứng lắm…
Huyền tò mò, sợ sệt nhìn bụng Tuyết, tưởng chừng cái bụng đó lớn mạnh lên rồi. Huyền không biết nói thế nào để an ủi Tuyết, nàng thốt ra một câu khiến Tuyết càng đau khổ thêm:
– Nhưng đã chắc gì là “chửa” với Kha, hay “chửa” với Lượng…
Tuyết khóc thành tiếng, nói với Huyền:
– Nhục nhã như thế đấy chị ạ! Nhưng em tin là nếu em “chửa” là “chửa” với Kha.
Huyền ngớ ngẩn hỏi:
– Sao cô biết?
Tuyết gạt nước mắt, cười chua chát:
– Người ta bảo “ăn vụng nhớ lâu”. Trường hợp của Tuyết không phải là trường hợp ăn vụng, nhưng cũng đáng nhớ lâu hơn ăn vụng, nên Tuyết biết là nếu “chửa” thì là “chửa” với Kha…
Nghe Tuyết nói, Huyền tự nhiên cũng tin tưởng – một thứ tin tưởng không căn cứ vào đâu, nhưng mạnh mẽ – là Tuyết có thai với Kha. Huyền nghĩ tới những sự an bài trớ trêu của Định Mệnh… Huyền nhìn Tuyết, lắc đầu cố cưỡng lại mối tin tưởng bâng quơ, nhưng vững chắc của mình:
– Vô lý! Vô lý quá! Đời nào lại có thể như thế được!
Tuyết thở dài:
– Chị tin đi… Đời là vậy!
– Nếu có thai với hắn thật, thì Tuyết tính sao?
Câu hỏi của Huyền, chính Tuyết đã tự đặt cho mình không biết bao nhiêu lần. Phản ứng đầu tiên, ý nghĩ đầu tiên của Tuyết là sẽ tìm cách phá thai, nếu quả thực mình có “chửa”… Nhưng chỉ hai ngày sau, hình như giữa Tuyết và cái thai – tưởng tượng hay có thực – đã có sự mầu nhiệm cảm thông của tình mẫu tử, khiến Tuyết nghĩ rằng, dù cuộc đời nàng tan nát, dù có nhục nhã, đau đớn đến đâu chăng nữa, nàng vẫn không thể nào làm cái việc mà một số gái chửa hoang coi như giải pháp cuối cùng, là phá thai. Tuyết bình tĩnh trả lời Huyền:
– Em đã nghĩ đến chuyện phá thai, nhưng em thấy không thể nào làm thế được… Cái gì ở đời cũng là số kiếp cả. Vì vậy, nếu em có thai, em sẽ đẻ con, em sẽ nuôi đứa bé, dạy dỗ cho nó biết căm hờn kẻ đã làm cho nó phải ra chào đời, để nếu em không trả thù được, thì con mình sẽ trả thù cho mình… Trả thù kẻ mang danh là “bố” nhưng sự thực là kẻ không đội trời chung với nó.
Những lời Tuyết nói làm Huyền cũng thấy ớn lạnh. Huyền hoang mang không hiểu có nên tán thành Tuyết hay không. Huyền đợi một lúc lâu, mặc cho Tuyết trầm ngâm nhìn làn khói thuốc mà từ lúc tới, Tuyết hút liên miên như một kẻ, nghiện thuốc thực thụ. Rồi Huyền chậm rãi bảo Tuyết:
– Không phải là tôi muốn an ủi Tuyết đâu. Nhưng theo tôi thì Tuyết cũng đừng vội có những ý nghĩ, hàng động tuyệt vọng, liều lĩnh… Tại sao Tuyết không đi khám bác sĩ xem?…
Tuyết lắc đầu:
– Tuyết không đủ can đảm… Tuyết sợ nếu đúng là sự thực thì sẽ phát điên mất! Thà rằng cứ kéo dài cái tình trạng này, để dần dần làm quen với “sự thực”, hơn là phải đương đầu ngay với sự thực.
Thấy Tuyết sửa soạn ra về, Huyền sực nhớ tới lời đã hứa với Lượng, vội hỏi:
– Nhưng lúc này Tuyết ở đâu? Mà ông Lượng cần gặp Tuyết thì gặp ở đâu? Dù sao chăng nữa, cô cũng cần gặp ông ấy một lần cho nó đẹp…
Tuyết lắc đầu:
– Gặp làm gì nữa! Nhờ chị nói giùm với anh Lượng là anh còn thương Tuyết thì miễn cho Tuyết phải gặp. Còn biết nói gì với anh ấy! Chả nhẽ lại nói những điều giả dối, mà nói sự thực thì nói làm gì cho anh ấy thêm buồn, có phải không chi…. Vả lại, lúc này Tuyết ở lung tung, nay đây mai đó, có chỗ nào nhất định đâu…
Tuyết về rồi, Huyền ngồi thừ suy nghĩ, lòng trống trải, chán nản. Không biết nghĩ thế nào, Huyền lấy giấy viết thư cho Hải. Nàng vội vàng, hấp tấp, vì biết rằng nếu lúc này mình không viết và không gửi cái thư đi ngay, thì không bao giờ nàng còn đủ can đảm viết nữa:
Anh Hải,
Em không thể giấu giếm anh điều gì, nên em nói thực ý nghĩ và quyết định của em để anh rõ:
Ngay sau khi anh về rồi, em có nhận được thư anh Văn. Anh Văn cũng như Vân, đều không tán thành chuyện em yêu anh. Tiếp theo cái thư của anh Văn, là việc Tuyết đến nhà em và Tuyết cho em biết là hình như Tuyết có thai với ông Kha…
Tất cả những sự việc xảy ra, từ việc ông Văn đến vụ Tuyết, anh cũng như em, đều không có trách nhiệm gì, nhưng em cảm thấy rõ rệt là em không được phép yêu anh, và dù có yêu anh, tình yêu đó cũng không đi tới đâu. Không phải là em thiếu quả cảm – mà có nhẽ em thiếu quả cảm thực – yêu mà không chịu tranh đấu. Em cũng không bi quan, nhưng em cho rằng tình yêu của em và anh kết thúc bằng một cuộc hôn nhân đầy hạnh phúc thì chẳng hóa đẹp lắm sao? Em sinh trưởng trong hoàn cảnh nghèo, nên vẫn tin ở số mệnh và em tin rằng số kiếp chúng ta không thể đi đôi với nhau. Không phải chỉ một mình anh gặp sự cản trở về phía gia đình anh, về phía ông Kha… Mà chính em cũng phải đương đầu với sự phản đối của những người thân yêu và cả của… lương tâm mình… Cho nên lúc này mà chúng ta chỉ mới bắt đầu yêu nhau, nếu anh thương em thì anh giúp đỡ em để em đủ can đảm vĩnh biệt anh cho khỏi khổ về sau. Em cũng biết dứt tình là khó lắm, không biết em có đủ can đảm hay không, nhưng em sẽ cố gắng, em sẽ đau khổ mà xa anh…
Em đọc tiểu thuyết thấy những cuộc tình duyên lỡ dở thật đẹp, thật thơ mộng. Nhưng trên thực tế cuộc đời, và căn cứ vào kinh nghiệm bản thân của em lúc này, thì những cuộc tình duyên lỡ dở cũng chả có gì thơ mộng, chỉ đầy nước mắt và đau thương… Nhưng chúng ta đành khóc mà xa nhau, anh Hải!
Vậy em xin anh từ nay đừng tìm đến em, đừng viết thư cho em. Vĩnh biệt anh!
Em,
HUYỀN

Viết xong, Huyền không đọc lại, vội nhét vào bao thư. Không buồn mặc áo dài, Huyền đi ra phố, vứt cái thư vào thùng thư gần đấy một cách vội vàng hấp tấp, vì Huyền biết nếu không viết ngay, gửi ngay, chỉ một nửa giờ sau, nàng có thể thay đổi ý kiến…

Nguồn: vietmessenger.com


Comments are closed.