Văn học Miền Nam 54-75 (500): Chu Tử (kỳ 14)

Sống

Phần II

Chương 4

Tháp quay số điện thoại của Kha, rồi áp ống nghe vào tai… Ngồi đối diện Tháp, Tuyết vờ chăm chú giở từng trang, một tạp chí tranh ảnh, nhưng trái tim nàng đập hỗn loạn trong lồng ngực, và tâm trí nàng căng thẳng, chờ đón những lời Tháp sắp nói:

– A-lô! A-lô! Anh Kha hả? Tháp đây! Chào anh!

Tháp ngừng một lát, lắng nghe, rồi tiếp:

– Tối nay, đúng chín giờ, tôi mời anh lại biệt thự của tôi – cái biệt thự dành riêng cho sự du hí của bọn mình đó mà – tôi có việc rất cần, rất quan hệ muốn thưa với anh… Dạ… cần lắm… Vâng, xin chào anh! A bientôt!

Tháp đặt ống nghe xuống bàn, vui vẻ nói với Tuyết:

– Kha hứa đúng giờ tối nay sẽ đến đây!

Tháp vô tình nên không thấy gương mặt Tuyết hơi tái và giọng Tuyết run run trả lời Tháp:

– Hay quá! Cám ơn anh lắm! Và thế là lại phải mượn cái biệt thự của anh một buổi…

Tháp tò mò nhìn Tuyết:

– Nhưng tôi hỏi thực Tuyết, tại sao Tuyết muốn gặp Kha mà không ra mặt, phải nhờ đến tôi mời hắn tới?

Tuyết nói dối rất tự nhiên, hầu như đã tiên liệu câu hỏi của Tháp:

– Có gì đâu! Chắc anh cũng biết sự xích mích giữa bọn Văn và ông Kha… Tôi là học trò của ông Văn. Tôi không muốn sự thù hiềm của hai bên kéo dài, nhất là vì Kha không phải tay vừa, nên tôi muốn gặp riêng Kha để đưa ra một vài đề nghị “giảng hòa” không làm mất mặt bên nào. Tôi đã gặp Kha một hai lần, nhưng tôi e nếu tôi mời thì Kha không chịu lại, nên phải cậy anh mời hắn… Có vậy thôi.

Tháp vẫn soi mói nhìn Tuyết… và bằng một giọng nửa đùa nửa thật:

– Nhưng hà cớ gì lại phải gặp riêng… Hay Tuyết định áp dụng kế mỹ nhân với hắn?

Tuyết nghiêm nét mặt, trả lời:

– Anh có thấy Tuyết dùng kế mỹ nhân với anh, với anh Công, với các người quen biết bao giờ chưa, mà anh lại hỏi Tuyết như vậy?

Tháp đành cười xòa:

– Tôi biết Tuyết chả bao giờ lại thèm dùng kế mỹ nhân nên mới nói đùa Tuyết như vậy!

Sự thực, đối với một người đàn bà, rất nhiều “đàn bà tính” như Tuyết, ngoài kế mỹ nhân với thiên hình vạn trạng của nó, Tuyết không thể áp dụng mưu kế nào khác. Nàng đã áp dụng với Tháp, với Công, với Kha, với hầu hết bọn đàn ông, nhưng khi nghe Tháp nói, Tuyết cãi lại rất hăng hái, rất thành khẩn, vì Tuyết áp dụng kế mỹ nhân như người ta thở khí giời mà không biết…

Tuyết cười bí mật, hơi lẳng lơ, nói với Tháp:

– Dĩ nhiên là tôi không dám lợi dụng lòng tốt của anh, mượn nhà anh để “áp dụng kế mỹ nhân…” Chứng cớ là tôi chỉ mượn mười lăm phút để nói chuyện với Kha và chưa đến chín giờ rưỡi, tôi đã trả lại cho anh rồi… Nhưng tôi hỏi thực anh, nếu tôi áp dụng kế mỹ nhân, thì liệu có “ăn thua” gì đối với Kha không?

Tháp lắc đầu:

– Chắc chắn là không ăn thua gì! Vì cô còn lạ gì Kha! Kha thuộc hạng kinh khủng, chả ai có thể cho hắn vào “xiếc” được nữa!

Vẫn cái cười bí mật trên môi Tuyết:

– Vào khoảng mười giờ tối nay, anh có thong thả không?

– Tuyết cần gì đến tôi?

– Không có gì dám phiền anh cả! Nhưng giá mười giờ tối, anh có thời giờ rảnh thì mời anh lại đây, anh sẽ thấy Kha có bị tôi “xiếc” hay không!

– Vậy thì thế nào tôi cũng sẽ trở lại, đúng mười giờ…

Tháp trao chìa khóa biệt thự cho Tuyết rồi cáo từ, để kịp ra Tòa biện hộ. Tuyết mân mê chùm chìa khóa, long thong ra đường, lên xe taxi đi thẳng về nhà cha đẻ. Ông Phó đang đánh cờ bên nhà hàng xóm. Tuyết mở tủ riêng của nàng lấy khẩu súng lục mà Tuyết đã lấy lại ở nhà Huyền. Nàng lau chùi, lên đạn, thử xem súng có hóc không.

Từ khi đi khám bác sĩ và biết đích xác là mình hoài thai, sự căm hờn của Tuyết lắng xuống và Tuyết bình tĩnh thực hiện dự định của mình…

Nhìn đồng hồ đã thấy gần bốn giờ, Tuyết vội nhét cái súng lục vào “sắc”, sửa soạn lại bộ mặt, vì Tuyết đã hẹn với Công đợi nàng hồi ba giờ rưỡi trước cửa rạp Majestic để cùng xem “xi-nê”. Còn năm giờ đồng hồ nữa mới tới phút đối phó với Kha, Tuyết không muốn ngồi yên một mình trong khoảng thời gian chờ đợi, vì nàng sợ ngồi một mình thì sẽ suy nghĩ lan man, dễ đắn đo, ngần ngại. Vì vậy, Tuyết đã hẹn sẽ đi “xi-nê”, đi ăn… với Công để khỏi phải nghĩ ngợi lôi thôi trước giờ hành động.

Hơn nữa, Tuyết cũng định lợi dụng Công… quyến rũ Công, để Công sẽ tuyệt đối, hết lòng hết dạ bênh vực nàng trong biến cố sắp tới…

Cho nên khi Tuyết gặp Công, Tuyết hoàn toàn là hiện thân của cái gì hấp dẫn nhất, não nùng, say đắm nhất. Mỗi lời Tuyết nói, mỗi cử chỉ của Tuyết, là một miếng đường phèn bỏ vào miệng cậu bé Bộ trưởng Công.

Nhằm buổi phim dở, nên trên cả từng lầu của rạp chỉ lưa thưa năm bảy người khách. Hai người chọn một chỗ ngồi vắng vẻ, thuận tiện cho sự nhỏ to tình tự. Trong bóng tối của rạp, bàn tay Tuyết tìm bàn tay Công và Tuyết thủ thỉ rót vào tai Công:

– Em không thể cưỡng được lòng em nữa… Tối hôm nay, mười giờ anh hẹn em ở đâu, em sẽ đến với anh… Tối hôm đánh cờ, Định Mệnh không muốn cho em được gối đầu tay anh ngủ, nên xui em thắng cuộc anh. Nhưng bây giờ thì em xin “hàng” anh…

Từ hơn một tháng nay, Công đã điêu đứng và khổ sở theo đuổi Tuyết, chỉ hy vọng Tuyết ban cho “ơn huệ” cuối cùng, vẫn bị Tuyết kiếm cớ trì hoãn, thế mà đột nhiên lúc này, Tuyết đề nghị tự hiến dâng cho chàng, khiến Công tràn ngập hân hoan, ôm choàng lấy Tuyết hôn đắm đuối… Chàng quên phứt mất là hồi Công còn làm Bộ trưởng, thấy các báo đăng tin có những cặp trai gái lợi dụng bóng tối của các rạp chiếu bóng để diễn những trò không đẹp mắt, chàng đã phẫn nộ như một nhà đạo đức chân chính, ra lệnh kiểm soát chặt chẽ các nơi giải trí công cộng. Cũng may, lúc này chàng chỉ còn là một thứ cây “si” không còn ý thức được tính cách trào lộng việc mình làm nữa!

Biết Công đã bị mình “hớp hồn” không chạy đi đâu thoát, Tuyết nói thẳng với Công:

– Đã có lần, em nói với anh là em có mối hận phải trả và anh hứa với em là nếu em vì trả hận mà gặp khó khăn, thì anh sẽ tận lực bênh vực em, chắc anh còn nhớ…

– Sao lại không nhớ!… Bất cứ điều gì Tuyết nói với anh, anh đều nhớ… Anh chỉ mong có dịp để thực hiện lời hứa…

Tuyết siết chặt bàn tay Công, thủ thỉ:

– Vậy anh hứa với em là dù gặp trường hợp nào, hoàn cảnh ghê gớm nào, anh cũng sẽ bảo vệ em, cứu vớt em chứ!

– Không những anh hứa, mà anh còn thề…

Tuyết nũng nịu:

– Anh mang cái gì thiêng liêng nhất trong đời mà thề cho em sung sướng đi!

Giọng Công đầy thành khẩn:

– Khổ quá! Lúc này, ngoài em ra, anh có cái gì thiêng liêng nữa đâu để mang ra thề cho em tin… Em muốn anh mang danh dự, hay tổ quốc, hay bất cứ cái gì… anh cũng sẵn sàng, nhưng như thế là dối em.

Thấy Công thành thực mà Tuyết thì chỉ manh tâm, khai thác Công, Tuyết không khỏi có cảm giác ghê tởm cho hành vi lợi dụng của mình, nhưng Tuyết chỉ tâm tâm, niệm niệm, đem hết lòng dạ thực hiện mục tiêu trả thù, nên sau khi ý nghĩ thương hại Công, lòng Tuyết cứng rắn ngay lại: “Cho đáng kiếp, chỉ mình mới là người đáng thương, chứ bọn này thì dù có cho họ ăn cứt mà chết, cũng đáng đời!”

Công hỏi Tuyết:

– Nhưng em có thể kể sơ qua cho anh biết trước, may ra, anh giúp thêm ý kiến cho em được chăng?

Tuyết lắc đầu:

– Mười giờ đêm nay, em sẽ kể tất cả cho anh hay.

Rồi đột nhiên, Tuyết hỏi Công:

– Có phải ngày xưa cô Cúc đâm ông Huyện Trường mười tám nhát dao mà ra Tòa được tha bổng không anh?

Công chăm chú nhìn Tuyết:

– Đúng… Nhưng Tuyết định làm cô Cúc chăng? Mà ai sẽ hân hạnh là Huyện Trường?

Nụ cười trên môi Tuyết trở thành độc ác:

– Chắc chắn không phải anh Công của em! Nhưng giá thử em giết người như cô Cúc thì liệu anh có cứu nổi em không?

Nghe Tuyết nói, Công biết Tuyết không nói đùa. Chàng trầm ngâm suy nghĩ, rồi bảo Tuyết:

– Em cứ yên tâm. Vì em, không có khó khăn, nguy hiểm nào anh không vượt nổi.

Nghe lời Công, Tuyết càng thêm yên tâm, tin chắc là Công sẽ không bao giờ bỏ rơi Tuyết… Tuyết ngước nhìn Công để tỏ lòng biết ơn, rồi nàng ngả đầu vào vai Công, nước mắt tự nhiên trào ra một cách thật tài tình, vì chưa chắc là Tuyết xúc động, nhưng có nhẽ vì hầu hết mọi người đàn bà đều được trời ban cho cái tài không cần học mà biết đóng kịch như thật… Nhưng dù Tuyết vờ hay xúc động thực, những giọt nước mắt chảy thấm ướt sơ mi Công, vẫn có cái tác dụng làm Công bồi hồi sung sướng, và trong giờ khắc đó, Công chỉ còn biết cầu mong Tuyết sớm giết người, giết bất cứ ai, để chàng có dịp rat ay tế độ cho Tuyết thấu rõ tấm lòng chung thủy, cúc cung tận tụy của mình…

– Em cứ giết đi! Giết bằng hết những đứa nào làm em khổ. Tội vạ đã có anh lo!

… Ở rạp “xi-nê” ra, Công đưa Tuyết đi ăn và hai người quấn quít nhau mãi đến tám giờ, Tuyết mới tạm biệt Công, hẹn đúng mười giờ sẽ trở lại với Công tại nhà hàng Majestic…

Tới biệt thự của Tháp, công việc đầu tiên của Tuyết là gọi ả xẩm lên dặn dò cặn kẽ:

– Lái nữa, khoảng chín giờ, ông Kha lại đây, chị ra mở cửa, nếu ông Kha hỏi có ông Tháp trong nhà không, thì chị trả lời là có; tuyệt đối chị không được nói có tôi ở trong nhà, vì muốn trêu cợt ông Kha để ông ấy ngạc nhiên khi thấy tôi trong này… Ông ấy vào rồi, chị cứ việc khóa cổng đi chơi, không cần lên trên nhà hầu hạ gì cả… Vì tôi đã có chìa khóa riêng, tôi cần đi lúc nào cũng được, khỏi cần sự có mặt của chị Ở nhà. Chị nghe ra chưa?

– Dạ dạ. Con nghe ra rồi…

Vốn đã quen nhận những “chỉ thị” kỳ quặc của những người thường lui tới “tổ quỷ” của Tháp, nên không những ả xẩm không ngạc nhiên, mà còn đinh ninh rằng hai người – Tuyết và Kha – muốn mượn nhà Tháp để tình tự và Tuyết tìm cách đuổi khéo ả xẩm đi chơi để ả xẩm khỏi ám hai người. Và Tuyết lấy một tờ giấy một trăm đồng trong “sắc” ra, cho ả xẩm thì ả xẩm lại càng tin chắc Tuyết muốn mua chuộc mình. Ả xẩm cầm lấy tiền, cười cái cười đồng lõa thực thà của mình:

– Cô cứ tin ở con. Con mở cửa cho ông Kha thì con đi liền…

Ả xẩm rút lui xuống dưới nhà, Tuyết nhìn đồng hồn mới tám giờ rưỡi! Còn đúng một nửa giờ nữa!

Tuyết vẫn nơm nớp sợ trong trong thời gian chờ đợi, sẽ nghĩ ngợi lan man làm lung lay quyết định của mình, nhưng mỗi lần một ý nghĩ hoang mang thoáng qua đầu óc, thì Tuyết lại nhìn xuống cái bụng của mình, cái bụng tuy vẫn bình thường nhưng đối với trí tưởng tượng của Tuyết, thì Tuyết cho rằng bất cứ ai nhìn vào bụng Tuyết cũng thừa đoán Tuyết có thai, Tuyết chỉ cần nhìn xuống cái bụng là lòng nàng sắt như đá trở lại. Tuyết lấy cái súng lục ra, thử lên đạn một lần nữa, và Tuyết tự nhiên cảm thấy lòng mình bình thản, gần như vô tri vô giác như cái súng lục mà nàng mân mê trong tay, cái thỏi sắt đen sì lát nữa sẽ khạc phát đạn vô tình kết liễu cuộc đời Kha.

Chín giờ kém năm… Tuyết lắng nghe tiếng động ngoài đường và tiếng còi xe hơi vọng vào phòng. Chín giờ… chín gờ năm… Kha vẫn chưa tới… Tuyết bắt đầu bồn chồn, sốt ruột, đi đi, lại lại trong phòng…

Chín giờ hai mươi. Một tiếng còi xe nổi lên ngoài cổng biệt thự và liền ngay sau đó là tiếng lách cách tháo xích cổng cửa ả xẩm… Tự nhiên Tuyết thấy lòng hết bồi hồi, và nàng lặng lẽ cầm khẩu súng trong tay, tiến về chỗ góc phòng bên trái, đứng lẫn bên cái dương cầm… Tuyết nghe rõ tiếng bánh xe hơi lướt trên cỏ mịn, tiếng cửa xe mở rồi đóng xập thật mạnh, tiếng Kha hách dịch hỏi ả xẩm: “Ông Tháp ở trong nhà hả” và tiếng ả xẩm lễ phép trả lời: “Dạ, ông con ở trong nhà”. Sau đó, tiếng xích khóa cổng và tiếng giày Kha lạo xạo trên đá sỏi…

Tuyết đếm từng bước chân Kha tiến vào phòng khách. Đợi Kha vào tới giữa phòng khách, Tuyết mới thong thả từ chỗ núp bước ra, tay cầm khẩu súng đã lên đạn, chĩa vào mặt Kha. Tuyết nói bằng một giọng cố làm ra vẻ lịch sự, bình tĩnh, chứ không đượm chút gì là căm hờn:

– Mời ông giơ hai tay lên. Xin ông đừng chạy, đừng tiến, đừng lùi… nếu không tôi bắn liền…

Vừa thấy bóng Tuyết, Kha thoáng có vẻ mừng rỡ. Nhưng nhìn khẩu súng chĩa về mình, Kha chợt hiểu… Kha sững sờ chưa biết tính sao thì Tuyết đã lạnh lùng ra lệnh:

– Tôi đếm một, hai, ba. Đến tiếng thứ ba, ông chưa giơ tay thì tôi bắn…

Kha đành giơ tay và giọng chàng cũng hết cả hách dịch:

– Tuyết để cho tôi nói. Tôi vẫn đi tìm Tuyết để giãi bày…

Tuyết ngắt lời:

– Tôi yêu cầu ông đừng kể lể… Nếu ông còn nói, tôi bắn liền… Tôi nhờ Tháp lừa ông lại đây không phải để nghe ông nói mà là để nói cho ông biết cái tội của ông và sự trừng phạt mà ông sẽ phải chịu… Kể tội ông, tôi không nhân danh những nạn nhân của ông, những người đàn bà đã tự vẫn vì ông, những thiếu phụ đã tan vỡ cuộc đời vì ông, những kẻ đã bị tù đày, thất cơ lỡ vận vì ông, tiêu tan sự nghiệp vì ông. Tôi chỉ nhân danh cá nhân tôi, đã bị ông hãm hại và tôi cũng không nhân danh cá nhân tôi, mà chỉ nhân danh cái thai tôi mang trong bụng, do ông tạo ra.

Nghe Tuyết nói đã mang thai với mình, Kha giựt mình, choáng váng quên cả sợ:

– Trời ơi! Tuyết đã có thai sao?

Câu hỏi của Kha làm bao nhiêu uất hận mà Tuyết cố nén, nổ bùng lên:

– Câm! Nếu ông còn mở miệng, tôi sẽ bắn ông không kịp ngáp… Vâng, tôi cần nói cho ông biết là tôi đã mang thai. Ông đã hèn hạ dùng súng uy hiếp tôi để thỏa mãn thú tính. Bây giờ thì oan oan tương báo, tôi lại mượn khẩu súng mà ông dùng uy hiếp tôi để thanh toán món nợ máu với ông. Khi ông cầm súng dọa tôi, ông cho tôi biết là nếu ông có bắn chết tôi, ông cũng không sợ bị tù tội, vì tôi mang súng tới nhà ông. Bây giờ thì tôi cũng xin nói để ông biết là sau khi gửi phát đạn này vào đầu ông, tôi cũng sẽ đường hoàng sống cuộc đời của tôi, vì lát nữa, tôi sẽ đến với Công – ông Công, cựu Bộ trưởng và là bạn của ông. Tôi sẽ hiến thân cho hắn, tôi sẽ lợi dụng hắn… lợi dụng thế lực của hắn để hắn che chở cho tôi, bênh vực cho tôi. Tôi biết, thế là hèn, là tầm thường lắm, những cũng chưa hèn bằng cử chỉ của ông, bằng sự ông dùng súng hãm hiếp một người đàn bà… Ở đời, chúng ta đều hèn cả, nhưng ông hèn hơn tôi, vì ông chỉ lợi dụng tôi mà không dám bắn tôi. Còn tôi, tôi hèn, nhưng hơn ông ở điểm tôi sẽ bắn thủng sọ Ông. Đáng lẽ ra, sau khi ông hãm hiếp tôi, ông nên bắn bỏ tôi đi… Như thế đỡ đau đớn cho tôi và đỡ nguy hiểm cho ông… Nhưng ông lại hèn hạ không dám bắn tôi. Cho nên mới có giây phút hôm nay ông đứng giơ tay cho tôi bắn. Ông sửa soạn cầu Chúa tha tội cho ông đị..

Tuyết dừng lại một giây, thở hổn hển, những đường gân trên gương mặt, Tuyết nổi bật lên, trong một ý chí quyết liệt cuối cùng…

Nhìn gương mặt Tuyết, Kha thấy cái lạnh lùng của tử thần từ hoàn thân toát ra, và không nghĩ ngợi, chàng bổ nhào về phía Tuyết cướp súng… thì ngay lúc đó, hai viên đạn chát chúa nổ liên tiếp và Kha lảo đảo ôm ngực gục xuống tấm thảm phòng khách…

Sự an bài của Định Mệnh thật ghê gớm: vì không phải Tuyết bắn trúng Kha mà chính Kha nhào ra để đón viên đạn: khi nhắm bắn Kha, tiềm thức Tuyết đã hướng dẫn khẩu súng của Tuyết, khiến Tuyết bắn trệch, cách Kha hai mươi phân.

Thực ra, trong thâm tâm, Tuyết không cố tình hạ sát Kha. Lý trí Tuyết ra lịnh cho Tuyết nhắm ngực Kha, nhưng tiềm thức của Tuyết thì lại không muốn cho Kha chết… Giá Kha cứ đứng yên chờ phát đạn đưa tới, thì chàng đã bình yên vô sư….

Nhưng vừa lúc phát đạn băng ra khỏi lòng súng thì Kha đã bổ nhào đón hai viên đạn vào ngực và vai…

Kha nhã gục xuống thảm, nhưng chàng rất tỉnh táo, một tay ôm ngực đẫm máu, một tay Kha vẫy Tuyết, nói phều phào:

– Tuyết bắn trúng tôi rồi… Tôi chết mất!

Hai phát đạn đã giải thoát tất cả bao căm hờn và lòng tự ái bị tổn thương của Tuyết, nên bắn xong, Tuyết kinh ngạc nhìn Kha, tưởng chừng đó là một người đàn bà nào, chứ không phải Tuyết bắn Kha…

Thấy Kha vẫy, vẻ mặt nhẫn nại, chịu đựng, Tuyết vứt súng, chạy ngay tới, hỏi Kha, quên phứt mình là thủ phạm:

– Trời ơi! Ông có sao không?

Kha ra hiệu cho Tuyết đỡ mình ngồi lên ghế, chàng nói rất nhanh:

– Tôi biết tôi có lỗi với Tuyết… Tôi không oán gì Tuyết cả… Điều cần nhất là Tuyết phải khai theo lời tôi, là Tuyết tưởng súng không có đạn nên chĩa súng dọa để trêu tôi. Có như vậy, thì dù tôi có mệnh hệ nào, Tuyết cũng sẽ không bị lôi thôi…

Thái độ tha thứ đột ngột của Kha làm Tuyết sững sờ:

– Sao vậy, ông không oán tôi bắn ông sao?

Kha cầm lấy tay Tuyết, nói qua hơi thở hổn hển:

– Anh không hiểu có thoát khỏi được không?… Anh nói thực với Tuyết là ngay từ phút đầu gặp Tuyết, anh đã yêu Tuyết và cố tình chiếm đoạt Tuyết… Anh đã đi tìm Tuyết để xin Tuyết tha thứ… thì hôm nay gặp Tuyết, chưa kịp phân trần thì đã bị Tuyết bắn… Số kiếp cả… Anh có chết cũng là đáng lắm… Tuyết sửa soạn gấp đưa anh đi Bác sĩ và nhớ lời anh dặn cho khỏi bị lôi thôi… Tuyết có thai thực không em?

Những lời Kha nói như gáo nước lạnh đổ lên đầu Tuyết. Bao nhiêu căm hờn của Tuyết đề bắt nguồn ở chỗ Tuyết cho rằng Kha khinh Tuyết, coi rẻ Tuyết như một thứ đồ chơi, thế mà Tuyết không những biết tủi hổ lại còn không ngăn nổi khoái cảm khi bị Kha hiếp… Nhưng bây giờ mà Kha trong lúc bị tử thương do chính tay nàng bắn, lại thú thực là Kha yêu nàng thì căm hờn của Tuyết tiêu tan hết, Tuyết run lên vì sung sướng, vì chính Tuyết – cái khoái cảm đê mê của Tuyết khi bị Kha hiếp là một bằng chứng – vẫn ngấm ngầm “thích” nếu không phải là yêu Kha…

Tuyết mở to đôi mắt kinh ngạc nhìn Kha… Mà thực thế, Kha lúc này quả là một người vừa lột xác… có lẽ vì hai phát súng sắp kết liễu cuộc đời Kha đồng thời cũng làm vỡ tung cái vỏ nhơ nhớp do xã hội phủ đắp lên người Kha để Kha trở về với những tình cảm, ý nghĩ trung hậu, tốt đẹp của con người… Tuyết cầm tay Kha, rên rỉ hỏi:

– Trời! Liệu ông có mệnh hệ nào không? Bây giờ tôi phải làm thế nào?

– Em biết lái xe?

– Biết.

– Em dìu anh ra xe, rồi đưa anh tới phòng khám bệnh bác sĩ Quyết… Khỏi phải đưa tới bệnh viện công. Chìa khóa xe trong túi áo sơ mi của anh, em lấy giùm anh…

Ngón tay Tuyết run run thò vào túi áo sơ mi của Kha trong khi Kha vừa thở mệt nhọc, vừa đắm đuối nhìn Tuyết, và trước khi Tuyết dìu Kha đứng dậy, hình như Kha sợ trong khoảng thời gian đưa Kha tới bệnh viện, Kha sẽ tắt thở mà không được trao Tuyết cái hôn cuối cùng vĩnh biệt, nên Kha nói qua hơi thở:

– Tuyết có yêu anh không?

Nước mắt Tuyết trào ra, và Tuyết nức nở ôm choàng lấy Kha, mặc cho máu dây lên áo, lên đầu, lên mặt và dưới bóng của tử thần sắp ló dạng.

Tuyết để mặc cho Kha hôn mình, hôn trong máu, nước mắt. Bàn tay đầy máu của Kha vuốt lên mái tóc Tuyết, và Kha còn đủ sức cười để âu yếm hỏi Tuyết, như cố sống lại những giây phút “ái ân” với Tuyết:

– Khi anh dùng súng chiếm đoạt thể xác Tuyết, Tuyết thấy thế nào? Có ghét anh lắm không?

Tuyết nức nở gục đầu vào ngực Kha, bên vết thường đang rỉ máu, chợt sống lại cái cảm giác đê mê cũ, và bàn tay nàng siết chặt lấy bàn tay vấy máu của Kha, trong khi Kha hổn hển nói không thành tiếng:

– Bao nhiêu tội của chúng ta đều do lòng tự ái cả… Ngay từ phút đầu tiên, gặp em, anh đã thấy phải yêu em, phải chiếm đoạt em. Lòng tự ái của anh đã bày ra tấn kịch khủng bố, đã tạo cho anh khuôn mặt giả vờ khinh bỉ em…

Kha dùng nhiều cố gắng để nói, nên thở đứt quãng và chàng siết chặt thêm bàn tay Tuyết như cô níu lấy cái sống đang rời bỏ mình:

– Máu anh chảy thêm nhiều… Em dìu anh ra xe, kẻo không kịp.

Ả xẩm bỏ đi chưa về. Một mình Tuyết dìu Kha ra xe, đặt Kha nằm trên nệm phía sau xe, rồi nàng nổ máy cho xe chạy. Mắt Tuyết trừng trừng, bao nhiêu nghị lực tập trung vào hai cánh tay điều khiển tay lái và cái xe vút đi nhanh, qua các đường rộn rịp, tấp nập của Đô thành.

Tuyết vừa lái xe, vừa luôn luôn quay lại hỏi Kha:

– Xe đi nhanh, có làm anh khó chịu lắm không? Anh vẫn tỉnh táo chứ?

Gương mặt Kha nhợt nhạt, nhưng Kha vẫn cố cười, trả lời Tuyết:

– Em cứ phóng tay vặn lái… Anh còn sống, chưa chết…

… tới phòng khám bệnh và dưỡng đường của Bác sĩ Quyết, vừa được đặt lên giường, Kha hỏi ngay Quyết:

– Anh là bạn của tôi. Anh biết tôi có nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi chết! Tôi không phải là đứa sợ chết… Vậy anh cho tôi biết tôi có thể sống được hay không, và nếu chết thì đã sắp chết chưa?

Quyết nói đùa đề trấn tĩnh hai người:

– Làm gì mà vội chết thế! Chưa xem rõ vết thương thì đoán sao được! Nhưng chắc anh khó chết lắm…

Quyết đuổi Tuyết ra khỏi phòng, vạch sơ mi, khám vết thương của Kha. Khám xong, chàng thừ người ra một lúc, rồi hỏi Kha:

– Ai bắn anh?

Kha nhăn nhó:

– Tôi hỏi anh, tôi còn sống được bao lâu. Ai bắn tôi thì kệ xác tôi, can gì đến anh…

– Người đàn bà cùng đi với anh bắn anh hả?

– Không! Đó là người yêu của tôi… Sao anh không trả lời câu hỏi của tôi. Sắp chết hả?

Quyết lắc đầu:

– Tôi mới khám sơ sơ, chưa nói đích xác được… Tôi chỉ có thể quyết đoán với anh một điều là ít nhất anh cũng còn sống được hai mươi bốn tiếng đồng hồ nữa… Anh có cần cho gọi các cháu lại ngay không?

Tuy Quyết nói chưa có thể quyết đoán gì, nhưng nhìn gương mặt Quyết, Kha hiểu tới chín phần mười là mình không hy vọng sống… Chàng vội bảo Quyết:

– Anh gọi giùm Tuyết vào, tôi nhờ chút việc.

Quyết mở cửa phòng… Tuyết đang ngồi ở phòng khách, đứng bật ngay lên, nhìn Quyết, chưa dám hỏi, thì Quyết đã lên tiếng:

– Có phải cô bắn Kha không?

Tuyết không lưỡng lự:

– Da…. Nhưng liệu anh ấy có hy vọng thoát chết được không?

Quyết nhìn Tuyết chăm chú:

– Cô bắn cách xa bao nhiêu?

– Chừng hai thước!

Quyết lặng im giây lát, rồi chậm rãi bảo Tuyết:

– Mặc dầu chưa chiếu điện, tôi thấy hy vọng sống của anh Kha mong manh lắm… Tôi chưa nói tất cả sự thực cho anh biết, tôi muốn nhường công việc đó cho cô, vừa là người yêu, vừa là người… đã bắn anh…

Tay Tuyết cầm cái “tay nắm” cánh cửa ra vào, người Tuyết dựa vào tường mà Tuyết thấy toàn thân run lên, cơ hồ sắp ngã…

Tuyết loạng choạng ngồi xuống ghế, tay ôm trán, thì Quyết nói tiếp luôn:

– Anh Kha đang chờ cô ở trong phòng… Tôi mong cô sẽ mang lại sự an ủi cho anh ấy…

Nghe Quyết nói, Tuyết ngẩng đầu, đôi mắt mở to nhìn vào quãng không và nàng lau nước mắt, đứng lên không nói không rằng, lẳng lặng bước vào phòng bệnh…

Vừa thoáng nhìn Tuyết với sự tuyệt vọng, đau đớn in trên nét mặt nàng, Kha hiểu ngay bác sĩ đã nói gì với Tuyết. Kha mệt nhọc mỉm cười, bảo Tuyết:

– Anh Quyết nói sự thật với em rồi phải không? Em đừng giấu anh vô ích.

Tuyết òa lên khóc, gục đầu vào vai Kha, nước mắt của nàng hòa với máu của Kha. Đáng nhẽ người sống là Tuyết phải an ủi người sắp chết là Kha, nhưng chính Kha lại an ủi Tuyết. Kha vuốt tóc Tuyết, nói như dỗ dành:

– Tuyết đừng buồn! Trong cuộc đời tội lỗi của anh, anh vẫn ao ước chết một cách đẹp đẽ… Và quả nhiên anh được chết do hai viên đạn của Tuyết, là người anh ngấm ngầm yêu, như thế chả đẹp là gì!…

Mỗi lời Kha nói là một nhát dao đâm vào trái tim Tuyết. Tuyết ôm choàng lấy Kha, nước mắt Tuyết chan hòa chảy vào miệng Kha, khiến Kha cảm thấy mằn mặn và chàng nuốt ực như cố uống cho cạn ly hạnh phúc cuộc đời mà chàng sắp phải vĩnh biệt… trong khi Tuyết nức nở, nói không thành tiếng:

– Anh có tha thứ cho em không hả anh?

Kha lắc đầu, dịu dàng bảo Tuyết:

– Em có tội gì đâu mà bảo anh tha thứ! Chính anh mới là người cần được em tha thứ, cần được mọi người tha thứ.

Ngừng một lát để thở, rồi, bằng một giọng siêu thoát hơn, “gần đất xa trời” hơn, Kha nói tiếp, tay vẫn mân mê làn tóc Tuyết, làn tóc tơi bời như cuộc đời nàng:

– Thực ra, thì ở đời, chả có ai là đáng tha thứ, hay không tha thứ… Tất cả những người sống đều đáng thương hết, và trong những cái đáng thương, tội lỗi là cái đáng thương nhất… Tội lỗi của anh và cả của em nữa, là cái thai mà em mang trong bụng lúc này, nhưng còn gì đẹp hơn cái thai đó!… Em đã đi khám thầy thuốc để biết đích xác là có thai chưa?

Tuyết gật đầu và Kha cười thỏa mãn:

– Đấy em coi! Anh có chết đâu! Anh đang sống ở trong em… Em đã định đặt tên cho đứa con sau này của chúng ta là gì chưa?

Nghe hỏi đến cái thai, Tuyết cố gượng nở một nụ cười qua làn nước mắt, lấy tay Kha đặt lên cái bụng “chửa” của mình, thân mật như đối với một người chồng vẫn đầu gối tay ấp…

Ngay lúc đó, Quyết mở cửa bước vào cùng với một nữ phụ tá để tiếp máu, chiếu điện, đánh thuốc mê và giải phẫu lấy viên đạn ra…

Kha hỏi Quyết:

– Liệu có cần thiết và ích gì không? Nếu là một trường hợp tuyệt vọng, thì anh nên tránh cho tôi khỏi phải giải phẫu. Nhất là chuyện đánh thuốc mê…

Quyết gượng pha trò:

– Anh sợ bị đánh thuốc rồi “tịch” luôn hay sao? Anh cứ yên tâm. Tôi cam đoan với anh hai điều: một là chỉ sau ba tiếng đồng hồ, anh sẽ tỉnh lại; hai là ít nhất anh cũng còn sống được hai mươi bốn tiếng đồng hồ, và nếu giải phẫu thành công, anh sẽ sống dai hơn tôi…

– Như thế thì được!

Rồi Kha quay lại nói với Tuyết:

– Anh Quyết muốn giải phẫu thì cũng phải để cho anh Quyết giải phẫu. Nhưng anh biết là cái thời hạn anh còn được sống trên dương gian cũng chỉ từ hai mươi bốn đến bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Vậy trong lúc giải phẫu, nhờ em đi gọi các con anh, cùng Hải, Huyền và ông Văn tới, cho anh được gặp mặt và nói một vài chuyện cần.

Tuyết hơi ngạc nhiên, hỏi lại Kha:

– Sao lại mời ông Văn? Mời thầy Văn tới làm gì hở anh?

– Tuyết cứ mời cho anh. Anh muốn nhờ ông Văn một vài điều…

– Nhưng liệu ông ấy có chịu tới không?

– Em cứ nói thực, tức khắc ông ấy sẽ tới… Em nói là chính anh ngỏ ý muốn gặp ông…

Tuyết còn dùng dằng chưa chịu đi, chỉ sợ Kha tắt thở trong thời gian nàng bỏ đi. Nhưng bác sĩ Quyết cường quyết đẩy Tuyết ra khỏi phòng, đóng sập cửa lại…

Khoảng mười hai giờ đêm, khi Kha tỉnh lại, thì Văn, Hải, Huyền, Tuyết đều đã ngồi đợi bên giường bệnh. Văn đã được bác sĩ nói riêng cho biết, mặc dầu viên đạn đã được lấy ra, Kha chỉ còn đợi chết vì vết thương quá nặng, can ngay trái tim… Vừa nhìn thấy bọn Văn, Hải…, Kha nở một nụ cười chào mọi người, một nụ cười nhợt nhạt hầu như đã thuộc về thế giới bên kia, khiến không những Tuyết phát khóc mà cho đến Huyền, xưa nay vẫn ghét Kha cay đắng, và cả Văn – kẻ thù của Kha – cũng phải rưng rưng nước mắt…

Kha mệt nhọc nói với Văn:

– Chắc anh không giận tôi chứ! Tôi thật có lỗi với các anh!

Văn lắc đầu:

– Chính tôi cũng dự phần tinh thần vào việc Tuyết bắn anh!

Kha mệt nhọc nói tiếp:

– Anh với tôi trước kia là bạn học… Kể ra thì không có gì ngăn cách chúng ta cả… Thế mà chúng ta đã trở thành những kẻ thù, chỉ vì một vài chuyện không đâu! Anh có hiểu nguyên nhân sâu xa là tại sao không?

– Có nhẽ vì anh giàu mà chúng tôi nghèo!

Kha lắc đầu:

– Không phải anh ạ! Ít lâu nay, tôi vẫn nghĩ tới điều này… Nhưng phải đợi đến lúc sắp chết mới nói với anh được, kể cũng hơi muộn, nhưng dù sao cũng vẫn là cần thiết… Chính vì lý do đó mà tôi mời anh tới…

Kha ngừng một lát, lấy sức… Phòng bệnh đượm không khí trang nghiêm của cảnh “tử biệt sinh ly”. Ngồi bên cạnh Hải, Huyền bất giác cầm lấy tay Hải, lòng mênh mang, trong một niềm xót thương, bực rọc vô bờ bến… Còn Tuyết thì mặc cho nước mắt chảy dòng, tay mê man vuốt tóc Kha. Văn rút một điếu thuốc trong bao, gõ xuống thành ghế, tạo thành một tiếng động rờn rợn, bật lửa hút một hơi dài, rồi yên lặng chờ đợi… Đôi mắt Kha vụt sáng như ngọn đèn bùng cháy trước khi tắt, tinh thần Kha đột nhiên trở nên minh mẫn, khác thường:

– Nguyên nhân sâu xa chính vì chúng ta bị đầu độc bởi cơn gió lốc thủ đoạn đương lan tràn… Chúng ta đều đánh mất con người thực của chúng ta, chỉ còn lại con người “thủ đoạn” của một xã hội xây dựng trên lừa lọc, đối phó. Trường hợp cá nhân của tôi là một bằng chứng cụ thể. Cái cảnh chúng ta tìm đủ giấu kín con người thực, đào sâu chôn chặt con người thực của mình, mặc cho “thủ đọan và căm hờn” chi phối, thật là đau đớn! Tôi vì thủ đoạn mà cưỡng hiếp Tuyết, Tuyết vì thủ đoạn mà bắn tôi, để hôm nay cuộc đời tôi kết liễu bằng mấy viên đạn của Tuyết!

Kha ngừng để thở… Văn, Hải, Huyền, Tuyết vẫn im lặng, không ai cất tiếng. Một con ruồi từ đâu bay tới, đậu lên vết thương ngực Kha. Tuyết xua tay cho con ruồi bay đi, thì Kha nói tiếp:

– Tôi và anh Văn mà áp dụng thủ đoạn đã là chuyện đáng buồn, nhưng chưa thương tâm bằng những thiếu nữ mới bước vào đời như Tuyết, những thiếu niên chưa kinh nghiệm sống như Thịnh mà cũng áp dụng thủ đoạn!

Rồi Kha quay lại phía Huyền:

– Riêng đối với cô Huyền, tôi cần phải cám ơn cô nhiều, vì chính cái tát của cô đã làm tôi suy nghĩ.

Huyền vốn dễ khóc, dơm dớm nước mắt, trong khi Văn trầm ngâm nhìn Kha, lên tiếng:

– Dù anh có mệnh hệ nào chăng nữa, cái chết của anh quả không vô ích cho chúng tôi… Từ lâu, tôi vẫn nghĩ là cuộc đời dù có dơ bẩn, đầy rãy tội ác, bất công đến đâu, chúng ta cũng không có quyền căm hờn. Có nhẽ vì tôi không biết căm hờn, mà chỉ biết thương xót, thương xót cả tội ác, cả nết hư tật xấu, cho nên tôi không làm nên trò trống gì, chỉ thất bại liên miên… Còn anh, anh đã thành công, đã lập nên sự nghiệp giàu có, để lúc này anh sực tỉnh và thấy rằng tất cả chúng ta đều lầm, lầm trong lối sống cũng như trong nếp suy tưởng…

Nói đến đây, Văn chợt ngừng… vì chàng vừa nhận thấy một giọt lệ lăn trên gò má Kha. Giá lúc đó, Kha tắt thở thì thật đẹp, vì Kha chết với những tình cảm cao thượng, tha thứ trong lòng, với sự thương tiếc thực tình của những người ngồi chung quanh. Nhưng giữa lúc Tuyết gục đầu bên Kha, thì, như một hung thần, Công lừ lừ đẩy cửa bước vộ..

Số là theo lời hứa hẹn của Tuyết, Công đã thuê phòng ở nhà hàng Majestic và tin tưởng chờ đợi Tuyết tới: Chàng tưởng tượng mình sẽ quỳ bên tấm thần ngà ngọc của người đẹp, kể lể cho vơi tất cả bao thương nhớ đang dày rò chàng, chàng sẽ nhắm mắt hít ngửi cái hương thơm từ da thịt nàng toát ra để ngây ngất quên hết mọi thủ đoạn, mưu tính trong cuộc đời chính trị của chàng… Nhưng đợi từ chín giờ rưỡi đến mười giờ; rồi mười giờ mười lăm; rồi mười một giờ… vẫn không thấy bóng dáng người đẹp. Công sốt ruột, đi đi, lại lại trong phòng. Đến mười một giờ rưỡi thì Công không còn chịu đựng nổi nữa, chàng khóa cửa phòng, lên xe đi lùng Tuyết. Tới “tổ quỷ” của Tháp, Công hỏi ả xẩm, ả xẩm chỉ cho biết là có Kha đến với Tuyết; ngoài ra, ả xẩm không biết gì hơn, vì trong lúc Tuyết bắn Kha, ả xẩm đã theo lệnh Tuyết, bỏ đi chơi vắng…

Công vào trong phòng khách, thấy cái súng lục vứt trên thảm và những giọt máu trong phòng thì lòng chàng càng như lửa đốt, không hiểu Tuyết đã bắn Kha hay Kha bắn Tuyết. Công liền quay điện thoại hỏi các bệnh viện Đô thành đều không có kết quả gì. Chàng lại tìm số điện thoại các bệnh viện tư, và mãi một giờ sáng, khi chàng gọi điện thoại tới bệnh viện của Quyết, và bên kia đầu giây, chàng nghe Quyết trả lời:

“Tuyết hiện đang săn sóc người yêu ở đây” thì Công cũng không cần hỏi thêm xem tình trạng Kha ra sao, có hy vọng sống hay sắp chết, chàng đặt phịch cái ống nghe xuống bàn và hầm hầm ra đi. Trước khi rời căn phòng, thấy khẩu súng của Tuyết bỏ lại trên thảm, Công nhặt luôn, đút vào túi quần.

Thực ra, chàng không hề có ý định bắn Tuyết hay Kha, và trong thâm tâm, chàng cũng định lùng được Tuyết, tát cho Tuyết một cái cho hả cơn giận Tuyết đã cho chàng “hố” một cách nhục nhã. Còn chuyện bắn người vì hờn ghen thì, như tất cả những ông trí thức nhát gan, Công tuy yêu, tuy say mê, nhưng vẫn không có can đảm giết người.

Cho nên khi Công mò tới bệnh viện Quyết, tâm trạng Công là tâm trạng một gã si ngốc, không còn biết gì, hiểu gì, ngoài cái tên bị gái cho “hố”. Vừa nhìn thấy mặt Công, Kha nhớ ngay lời Tuyết tuyên bố trước khi bắn mình, là Tuyết sẽ đến với Công, ngủ với Công, hiến thân cho Công, để Công che chở cho, và Kha vụt trở lại với cái tâm hồn cũ của chàng với những ý nghĩ nhỏ nhen, căm hờn của con người…

Nhìn Công, gương mặt nhợt nhạt của Kha co rúm lại trong uất hận và Kha chỉ ao ước sống thêm một giờ để có thể vùng lên, trả hận, bắn nát sọ Công, rồi hai tay buông xuôi, có chết cũng hả. Còn Tuyết, khi nhìn thấy Công mở cửa phòng thì nàng mở to đôi mắt ngó Công, ruột gan đứt ra từng khúc, vì Tuyết vừa thấm thía hiểu rằng những hành vi mà Tuyết đã làm, không bao giờ chịu buông tha Tuyết, sẽ mãi mãi theo dõi Tuyết để hành hạ Tuyết, tác động vào đời sống Tuyết, cho nên, giữa phút lâm chung của Kha thì Công hiện ra…

Nhìn Tuyết dang vuốt tóc Kha, Công đứng giữa phòng, tay chống nẹ vào sường, cười gằn:

– Đẹp thật!

Cái cười gằn của Công có tác dụng của một viên đạn thứ ba xuyên vào vết thương đang rỉ máu của Kha, một viên đạn ác liệt làm cho Kha đau đớn gấp bội hai viên đạn trước, vì hai viện đạn trước đã xuyên qua thể xác Kha một cách ngọt lịm; trái lại, cái cười gằn của Công làm Kha thấy đau điếng như kẻ bị tùng xẻo: Khí uất đưa lên cổ Kha, vết thương ở ngực vỡ tung và máu trào lên láng ra miệng Kha. Mắt Kha trợn trừng, tay Kha đang siết chặt bàn tay Tuyết, tự nhiên buông ra, bắt chuồn chuồn và Kha tắt thở… Thế là đáng lẽ Kha được chết siêu thoát với những tình cảm tốt đẹp, cao thượng của con người, thì một anh mê gái đã đóng vai hung thần tìm đến, khiến trong phút lâm chung, vĩnh biệt cuộc đời thối nát và đẹp đẻ, Kha đã trở lại với những căm hờn, những tự ái không đâu, ghen ghét ti tiện của kiếp sống trần gian, và gương mặt Kha, lúc chết, co rúm lại như gương mặt méo mó của những người sống, vẫn hàng ngày phải đối phó với những cái đê hèn, nhỏ mọn của đời người: lo ăn, lo mặc, lo thù ghét nhau, yêu thương nhau…

Thấy anh mình tắt thở một cách thương tâm, Hải hiểu ngay lý do khiến Kha trào máu ra chết, không kịp trối trăng, Hải thở hắt ra một hơi như Kha vừa thở hắt, tiến lên một bước, đặt bàn tay nhẹ nhàng nhưng nặng nghìn cân lên vai Công, nói nhỏ mà như thét:

– Ông ra ngay!

Mắt Công đỏ ngầu: Công lúc này không còn là ông Công chính khách đầy kinh nghiệm, mà chỉ là cậu bé mê gái bị “hố”; Công gạt tay Hải, và sẵn đà, đánh xuống mặt Hải. Nhưng tay chàng chưa đánh xuống thì bị bàn tay của Hải nắm, bẻ ngoẹo về phía sau, khiến Công nhăn mặt. Tay trái Công cho vào túi quần, lấy khẩu súng lục của Tuyết ra, nhưng khẩu súng vừa móc ra khỏi túi quần, thì Hải đã tinh mắt nhìn thấy, chụp vội ngay lấy bàn tay cầm súng của Công, hướng đầu súng vào sườn Công, cười gằn như cái cười gằn của Công đã làm Kha hộc máu ra chết:

– Này bắn! Này bắn!

Và không hiểu, do Công hay Hải bóp cò, hoặc do khẩu súng chán loài người nên tự động nổ chơi cho bỏ ghét, một viên đạn vọt khỏi lòng súng, xuyên qua suốt từ bên phải sang sườn bên trái của Công, kết thúc cuộc đời Công một cách chớp nhoáng, dễ dàng, và ông nguyên Bộ trưởng đã từng hét ra lửa, nhà chính khách kiêm cách mạng gia đã từng bôn ba vào sinh ra tử, lúc này đổ nhào, lăn ra chết như một con sâu, cái kiến, chết vì một người đàn bà không những không yêu chàng, chỉ hòng lợi dụng chàng, chết vì một viên đạn mập mờ, không hiểu do chính Công bắn hay Hải bắn, chết trong một trường hợp thật bần tiện, vì một lý do không thành lý do. Chết không kịp ngáp, không kịp trối trăng, để lại một người vợ thật đẹp, thật yêu chồng, và một cái gia tài hàng chục triệu, kết tinh của mồ hôi nước mắt, xương máu của nhân dân! Giá Kha sống thêm được một phút nữa, thì chàng đã được chứng kiến cái chết của Công, để mà thỏa mãn nhắm mắt! Nhưng Kha đã tắt thở trước Công một nửa phút, bởi vì tất cả những sự kiện kể trên xảy ra vẻn vẹn trong một nửa phút, rồn rập, vũ bão như một cuộn phim cao bồi, khiến Tuyết, Văn, Huyền chưa kịp cảm nghĩ, để mà thương xót cái chết của Kha thì Công đã thành cái xác không hồn, nằm còng queo dưới chân mọi người…

Công nằm trên thảm, tay vẫn còn cầm khẩu súng đã đưa chàng sang thế giới bên kia. Huyền từ lúc bé đến lúc lớn lên, chưa được chứng kiến cái chết của ai, lúc này được nhìn tận mắt hai cái chết xảy ra liên tiếp trong không đầy một phút, khiến cảm quan của nàng tê dại, Huyền chưa kịp buồn, chưa kịp khóc, chưa kịp suy nghĩ để mà đau đớn, nàng chỉ biết mở đôi mắt thao láo, kinh hoàng nhìn, và mãi một phút sau, nàng mới nhận thức rõ rệt là hai người đã chết! Chết nghĩ là hết sống, hết được ăn miếng cơm đời cay đắng, hết được cãi nhau, giận hờn nhau, yêu đương nhau… Hai người nằm đó, im lìm, câm nín, không cựa quậy và Huyền nhìn hai cái xác mà vẫn không thể tưởng tượng nổi là cách đây một phút, họ vẫn còn quằn quại trong những tình cảm ghen hờn, tủi cực của con người, mà bây giờ họ nằm trơ đó, không nghĩ, không mừng, không giận, không hơn một con chó chết trên vỉa hè…

Còn Tuyết thì hầu như mất trí… Nên khi Công đổ nhào xuống thảm, Tuyết phát lên mốt tiếng cười, ngơ ngác hói:

– Chết rồi à?

Hải thở ra, nhìn thấy Công, lẩm bẩm:

– Có nhẽ chết rồi!

Tuyết ước ao gọi lên một tiếng và giá Kha và Công có thể lên tiếng trả lời nàng, thì nàng sẽ trút hết tình thương vô bờ bến của nàng cho hai người, sẽ hiến dâng cả tấm thân ngà ngọc, hôi tanh của nàng cho cả hai người hưởng lấy một phút giây khoái lạc, trước khi nhắm mắt…

Nhưng Kha và Công chết thực, chết một cách dứt khoát, hoàn toàn, chứ không nửa vời như cái sống, dù Kha và Công có muốn trì hoãn vài giây, vài phút để được hít thở vái hương thơm thối nát của Tuyết lúc này chỉ cầu mong hiến dâng, chỉ cầu mong thương xót để đền bù tất cả tội lỗi do nàng gây ra, dù hai ông tỷ phú Kha và Công có muốn đem người bằng vàng, đánh đổi lấy một phút sống thêm cũng không đổi được, và họ nằm đó, chết một cách vĩnh cửu, một cách “irrémédiable” như tất cả những cái chết trên thế gian!

Tuyết nhìn hai người, một kẻ nằm sóng sượt trên giường, một kẻ còng queo dưới sàn, và nàng hiểu là bắt đầu từ giờ phút này, hai cái chết mà nàng hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra, sẽ theo dõi nàng, ám ảnh nàng như đôi mắt trợn trừng, chưa chịu nhắm, của hai gã lõi đời, nhưng dại gái nằm kia…

Tuyết nhìn mắt trợn trừng của hai xác chết, Tuyết đột nhiên thấy quặn đau như chưa bao giờ nàng biết đau, vì xúc cảm tột độ của nàng vừa tác động tới cái thai trong bụng, khiến Tuyết xây xẩm mặt mày, thấy vũ trụ trước mắt đảo lộn và Tuyết ôm bụng ngất đị..

Thấy Tuyết ngã bất tỉnh, Văn hiểu ngay là cả đến giọt máu kết tinh của những phút giao hoan ngoài vòng đạo lý giữa Kha và Tuyết, cũng không buồn ra chào đời và cái chết của Kha tất nhiên phải có hậu quả là cái thay bị sẩy… Không kịp suy nghĩ để giữ ý tứ, Văn đứng lên, ôm xốc Tuyết lên: toàn thân Tuyết mềm nhũn, nặng trĩu trong hai cách tay Văn; và mặc dầu khung cảnh đầy chết chóc của gian phòng, Văn vẫn không ngăn cản nổi một cảm giác rùng mình khi chạm tới thân hình người đàn bà mà mình ngấm ngầm cả yêu lẫn ghét! Một ý nghĩ đột nhiên thoáng qua đầu óc Văn; giá lúc này, Văn lấy hai tay bóp cổ Tuyết, bóp cổ cho đến khi nào Tuyết nghẹt thở chết thì chắc chắn Tuyết sẽ cám ơn chàng, đã giải thoát Tuyết khỏi cảnh đọa đày của trần gian, bởi vì với hai cái xác chết của Kha và Công, trong tâm hồn, Tuyết sẽ thỏa hiệp làm sao với cuộc đời để cho lương tâm được thanh thản mà yên hưởng cái phần hạnh phúc nhỏ mọn của mình giữa trần ai bể thảm?

Giữa lúc Văn nặng nhọc bế bổng Tuyết lên, thì cửa phòng mở và nhân viên công lực áp tới, do Quyết hướng dẫn. Mãi tới ba giờ sáng, biên bản mới lập xong, hai xác chết được đưa đi khám nghiệm, Tuyết được đưa vào bệnh viện công, và bọn Văn, Hải, Huyền được đưa về Cảnh sát cuộc để thẩm vấn; và khi ngồi co ro trên cái cong xe của Cảnh sát cuộc, chạy qua những đường vắng vẻ của Đô thành đang chìm đắm trong những giấc mộng quằn quại, Huyền đã chứng kiến tận mắt hai cái chết của Kha, Công mà chưa chịu hiểu, chưa chịu tin rằng hai người đã chết, nàng vẫn không chịu tin là người ta có thể chết một cách chóng vánh như vậy, chết một cách dễ dàng như vậy. Nhưng khi nhìn sang bên tay phải thấy Văn, nhìn sang bên tay trái thấy Hải, Huyền mới nhận thức rõ rệt là cuộc đời không phải chỉ có yêu đương, hờn giận, buồn, vui, mà còn có Cảnh sát, còn có nhà tù, còn có những ràng buộc vừa cần thiết, vừa vô ích, thừa thãi, bực bội của xã hội, để dằn vặt, làm tình làm tội con người, và cả đến những người chết như Kha, như Công cũng vẫn chưa được yên thân mà chết…

Mười một giờ sáng hôm sau, cuộc thẩm vấn chấm dứt, Văn và Huyền mới được trở về nhà, còn Hải thì bị tạm giữ để điều tra thêm vì trường hợp cái chết của Công còn mập mờ, không hiểu ai đã bóp cò cho súng nổ. Chính Hải cũng đã khai tất cả sự thực là khi Công rút khẩu súng trong túi ra, Hải đã bẻ ngoẹo đầu súng về phía Công, rồi tự nhiên súng nổ, chứ chàng không hề cầm súng bắn Công và không hề bóp cò cho súng nổ.

Thật ra, vụ án mạng “Công” là một vụ án mạng không có thủ phạm. Vì thủ phạm không phải là Hải mà cũng không phải Công. Chẳng qua là Công đã hết lý tưởng thì dù sống hay chết cũng rứa, nên định mệnh xỏ lá đã tạo cho Công một cái chết mập mờ. Vì thế, Hải bị giữ lại. Còn Huyền thì sau khi chứng kiến hai cái chết của hai người đàn ông, chứng kiến một người đàn bà bị sẩy thai và sắp phát điên, Huyền theo Văn trở về nhà… ra tới đường, nàng ngớ ngẩn, bần thần như kẻ mất hồn, tưởng đường cái là nhà mình, nàng lùi lũi, mắt mở mà không nhìn, đi ngang ra đường, giữa lúc một cái xe phóng tới và mãi khi tiếng “phanh” rút ghê rợn bên tai nàng, Huyền mới chợt tỉnh, hiểu là mình vừa thoát chết!

Văn đưa Huyền về, về nhà Huyền, rồi trở về nhà mình. Tắm rửa xong, chàng ngồi vào bàn ăn có vợ con đang quây quần chờ chàng. Bữa cơm chỉ có canh rau cải cùng đậu phụ rán chấm tương, nhưng miếng cơm Văn nhai trong miệng lúc này không những không nhạt nhẽo mà trái lại có một hương vị thật đậm đà, và chưa bao giờ Văn ăn ngon lành như vậy.

… Văn vốn là đứa trái tính trái nết: mỗi lần chàng dự một đám tang thì chàng thường yêu đời thêm, ham sống thêm, cũng như mỗi lần chàng dự một đám cưới thì chàng thường buồn rầu, thương hại cho hạnh phúc bần tiện, phù du của con người! Đặc biệt lần này Văn được chứng kiến hai cái chết của hai người đàn ông và mối đau khổ của một người đàn bà bị sẩy thai, nên chàng lại càng thấy yêu đời gấp bội… Văn nhìn các con thi nhau gắp đậu phụ, cười hồn nhiên, nói với vợ con:

– Đậu phụ ngon như thế này thì tội gì mà lại “ca-bi-nê” vào cuộc đời, có phải không chúng mày?

Thu tủm tỉm cười, hỏi cha:

– Chắc hôm nay Ba vừa thấy ai chết chứ gì?

Văn giật mình:

– Sao mày biết?

Nguồn: vietmessenger.com


Comments are closed.