THẦY GIÁO
Không có gì buồn bằng một lớp học chỉ trơ những bàn ghế! Ý nghĩ rất thông thường đó vẫn đến trong đầu thầy giáo Khuê những buổi chủ nhật hay ngày nghỉ lễ. Tại ấp Tân Thới hẻo lánh này, Khuê thấy buồn như vậy cũng không đáng lấy làm lạ vì ngoài ba mươi tám đứa học trò Khuê không tìm thấy một công việc gì khả dĩ lấp cho đầy trọn những ngày nghỉ. Khuê cũng có nuôi vài ba dự định: thành lập một bầy sói, bắt đầu thử viết những truyện ngắn, soạn một tập Sử thật sự dành cho trẻ em mới đọc thông quốc ngữ… Nhưng bấy nhiêu dự định đều phải tạm gác, vì những trở ngại, vì hoàn cảnh lúc này. Khuê cũng có Sương nữa, nhưng Khuê không thể vùi trong yêu đương đến quên được lũ trò, những ngày nghỉ. Với lại, hoàn cảnh cũng chen cả vào những tương quan giữa hai người bạn.
Hoàn cảnh bủa vây lấy Khuê, nhưng Khuê quyết không chịu thua.
Khuê treo chiếc mũ trên mắc áo, tới ngồi ở bàn viết, chống khuỷu tay lên chồng vở để trên mặt bàn từ sáng hôm nay, sẵn sàng chờ phát cho học trò để thi chính tả đệ nhị tam cá nguyệt. Khuê lặng lẽ ngó ra ngoài sân trường. Ngọn cờ trồng giữa sân, chung quanh có một bồn cỏ nhỏ xíu, phân cách với sân cát bằng một vòng tròn rất khéo những viên gạch chôn nghiêng có rậm vôi trắng. Bao nhiêu những khó khăn, thắc mắc của Khuê từ mấy tháng nay và nhất là từ mấy bữa nay, đều quy cả vào ngọn cờ đó. Khuê thiết tha với lớp học, với đám ba mươi tám đứa học trò, với cái ấp Tân Thới hiu quạnh này bao nhiêu thì Khuê cũng thiết tha với ngọn cờ chừng đó. Khuê không bị ám ảnh vì những danh từ to tát mà người ta quen thêu dệt ở trong sách vở chung quanh một ngọn cờ. Khuê nhìn thấy ở ngọn cờ một mối liên lạc mạnh mẽ với bao nhiêu những thày giáo khác cùng hoạt động trong một hoàn cảnh tương tự. Khuê không thể là một cá nhân đơn độc, Khuê muốn mãi mãi là một bộ phận tích cực ở trong đoàn thể những bạn cùng nghề, cùng lo một công việc chăn dắt những trẻ em nghịch ngợm nhưng rất đáng yêu. Khuê sinh trưởng ở ấp Tân Thới này, nhưng ở nhiệm vụ hiện thời của Khuê, Khuê sẽ cảm thấy lạc lõng hết sức nếu không có ngọn cờ đó. Khuê yêu cái nhiệm vụ hiện thời của mình cho nên Khuê quyết phải giữ ngọn cờ, nó luôn luôn hình dung trước mắt Khuê mối liên lạc mật thiết giữa Khuê với đoàn thể to tát những bạn cùng nghề.
Khuê quay vào, hết ngó hai hàng bàn ghế học trò trống trải một cách lạ, lại ngó tới chồng vở để trước mặt, những cuốn vở đồng một màu đỏ tươi dùng riêng để làm bài thi. Khuê cầm lấy cuốn vở để trên đầu chồng. Tên trò Lâm Văn Phước, do chính tay Khuê viết bằng mực tím ở giữa mảnh giấy trắng dán trên góc mặt, xui Khuê nhớ lại bao nhiêu chi chút của mình đối với nghề dạy, thể hiện từ việc làm đẹp cho mỗi cuốn vở của học trò. Lâm Văn Phước là cháu nội của ông Sáu ở khít bên nhà Khuê hồi trước. Bây giờ tuy ông giáo cha của Khuê, rồi mẹ Khuê đều qua đời, rồi Khuê được bổ nhiệm thay thế cho cha trông nom ngôi trường nhỏ này, và, vì có một mình, Khuê bán ngôi nhà cũ để đến ở ngay tại trường, gia đình ông Sáu đối với Khuê vẫn giữ mối giao tình như hồi nào. Đối với những gia đình khác ở trong ấp Tân Thới, sự liên lạc của Khuê cũng không khác mấy. Hầu hết gia đình nào cũng có con em là học trò của Khuê cả. Khuê mở trang đầu cuốn vở của trò Lâm Văn Phước. Một mảnh giấy gấp đôi khiến cho Khuê ngạc nhiên không ít. Khuê vẫn cấm đoán nghiệt ngã không cho một trò nào để quên một mảnh giấy nhỏ trong cuốn vở làm bài thi. Đó là nguyên tắc đặt ra từ hồi cha Khuê còn sống và dạy học; nay Khuê cũng vẫn theo, tuy thật tình không hiểu rõ mục đích thiết thực của sự ngăn cấm đó.
Khuê mở rộng tấm giấy trên mặt bàn. Đúng tuồng chữ của trò Phước. Đó là một bức thư, thư gởi cho Khuê.
“Thưa Thày, em tới trường đặng kiếm Thày nhưng Thày đi khỏi. Em lén viết thư này, coi xong Thày đốt đi. Nguy hiểm lắm, Thày nên bỏ trường mà đi. Đêm qua anh Hai em có về nhà. Nghe như mấy ổng tính giết Thày đó. Thày phải đi đi. Nội em la quá xá, sáng nay anh Hai em lại đi rồi. Nhưng em lo cho Thày quá.”
Những hàng chữ viết vội, lem nhem từng cục mực, tỏ lộ sự tha thiết của đứa trẻ đối với thày giáo. Mấy hàng chữ nói rõ hết hoàn cảnh của Khuê, hoàn cảnh mà từ mấy tháng nay Khuê cố gắng chống chọi. Khuê thừa biết là sở dĩ mình chống chọi được cho tới nay không ngoài lý do Khuê được toàn ấp Tân Thới ủng hộ. Những trường hợp như anh Hai của trò Phước bị ông Sáu la mắng, Khuê biết là thường xảy ra ở gia đình này hoặc gia đình khác. Nhưng áp lực xem ra ngày một mạnh hơn. Bằng chứng là sáng nay hết thảy học trò của Khuê đều đột nhiên nghỉ học, lại nghỉ vào một ngày hết sức quan trọng là ngày có bài thi. Khuê vừa đi quanh một vòng trong ấp, ghé nói chuyện với một số các bậc huynh trưởng. Khuê có gặp ông Sáu, trong khi ý hẳn trò Phước tới trường kiếm thày, ông Sáu có nói cho Khuê nghe, ông Sáu nói:
– Thày cứ yên tâm đi, có tôi đây đứa nào dám đụng tới sinh mạng của Thày được.
Thật tình, Khuê không quan tâm bao nhiêu tới chuyện sinh mạng của mình. Khuê yên tâm như một người làm ăn lương thiện và cẩn thận không bao giờ sợ bị tù tội hay tai nạn, Khuê đáp lời ông Sáu:
– Thưa bác, cháu cũng tin như vậy. Nhưng theo như cháu nghĩ bảo toàn được sanh mạng không đủ, cháu cần phải được tiếp tục dạy học. Vắng bày nhỏ cháu thấy khổ sở quá! Cháu chỉ muốn xin với bác nói cách nào để bày nhỏ sáng mai lại tới trường. Kéo dài sẽ lỡ dở hết chương trình học, tới khi học trở lại mà học gấp e không thấu, với lại bắt bày nhỏ học gấp quá hại sức khỏe của chúng lắm.
Ông Sáu không giấu được nỗi bực tức của mình, đáp:
– Tôi biết, tôi biết. Chỉ giận tụi nó nói không biết nghe. Tôi vừa nói với thày rồi đó, tôi la thằng Hai biết mấy. Ngặt một nỗi là lũ đàn bà chúng nó sợ quá, sợ cho bày nhỏ, vì tụi nó hăm sẽ liệng tạc đạn vô lớp học.
– Nhưng, thưa bác, khỏi kể tới riêng cháu, dù sao cũng chỉ có tình lân bang, cố quận, họ có tính hại cũng đang tay, nhưng còn bày nhỏ cháu nghĩ không thể có chuyện đó xảy ra được, vì ai có thể nhẫn tâm sát hại chính những người thân thuộc của mình. Để cháu đi kiếm mấy bả nói cho mấy bả rõ. Họ hăm thì cứ việc hăm, nhưng đâu có dám làm thiệt mà mình sợ.
Thế rồi Khuê đi khắp xóm, nhưng chỉ gặp những người như ông Sáu, những bậc huynh trưởng đồng một sự cáu giận như ông Sáu. Khuê không gặp những bà mẹ đã cầm giữ con ở nhà vì sợ. Dường như ai nấy đều cố tình lánh mặt, sợ gặp Khuê không biết nói sao, trong khi họ tin chắc là sinh mạng của con em bị đe dọa thật sự. Khuê đi hết nhà nọ tới nhà kia, cảm thấy chồng chất thêm lên mãi cái tâm sự đột nhiên biến thành một người xa lạ giữa ấp Tân Thới quen thuộc từ ngót ba chục năm nay.
Những hàng chữ viết vội, lem nhem từng cục mực, của trò Lâm Văn Phước, tuy nhắc lại một cách cụ thể hoàn cảnh khó tiến khó thoái của Khuê, cũng khiến cho Khuê nguôi bớt tâm sự đột nhiên cô độc của mình. Chưa thể hết được, mà làm sao có thể hết được chớ, những cảm tình chân thành của mọi người mà Khuê bắt gặp mỗi ngày ở khắp ấp Tân Thới này. Khuê không thể nào bỏ đi, nhất định Khuê không bỏ ấp Tân Thới mà đi như trò Phước khuyến cáo trong thư. Khuê có thể đi đâu được trong khi mỗi gốc cây, mỗi xóm nhà trong ấp Tân Thới, Khuê đều thuộc như in trong trí. Và nhất là con kinh Lớn, huyết mạch và cũng là mối kiêu hãnh khôn cùng của ấp Tân Thới, làm sao Khuê có thể dời bỏ nó mà đi.
Tôn trọng ý muốn của trò Phước, Khuê quẹt một cây diêm đốt tờ thư mà trong thâm tâm Khuê muốn giữ làm kỷ niệm. Khuê lấy một điếu thuốc ghé châm vào ngọn lửa nhỏ, lửa làm nóng ran cả mặt. Chút lửa nóng và chất khói thuốc khiến cho Khuê thấy thơ thới hơn.
Khuê đứng lên, ra bên cửa sổ đứng hút thuốc và ngó xa trong ấp theo con đường mòn mà Sương vẫn hay đi mỗi khi tới thăm Khuê. Khuê chợt có cảm tưởng như có bóng người thấp thoáng trong lùm cây phía sau trường. Lát sau Khuê trông thấy dì Chín từ trong lùm cây bước ra. Nhà dì Chín ở mãi tận cùng ấp, đứng sau nhà dì Chín đã trông thấy rừng chàm ở rất gần. Hồi xưa, khi sinh thời bà mẹ của Khuê hai bà thân với nhau lắm. Bây giờ dì Chín vẫn coi Khuê như con, những buổi chiều chủ nhật chấm bài hay soạn bài xong, Khuê thường đi vô tuốt trong xóm tới thăm dì Chín. Dì Chín ở một mình – hai đứa con trai đi theo bên kia hết cả – cho nên mỗi khi Khuê tới nhà đều lo thết đãi Khuê như khách quý. Khuê thích nhất, nếu gặp dịp dì Chín gỡ mắm, được ghé ngồi bên mà tách những sợi thăn còn dính ở xương cá ăn với cơm nguội, mỗi miếng lại cắn chút ớt.
Khuê ngạc nhiên vì dáng điệu của dì Chín hôm nay. Tuy đã lớn tuổi, bước đi của dì Chín vẫn mạnh mẽ, lanh lẹ, vừa ngó thấy dì Chín thì ba bước dì đã tới trước mặt, chớ đâu có như hôm nay. Dì Chín chậm rãi đi dọc theo hàng rào trường và vòng ra phía sau lớp học, không đi thẳng ra phía cổng chính vào sân trường. Khuê đứng ở cửa sổ đợi dì Chín bước tới. Câu đầu tiên của Khuê là một lời trách:
– Tại sao dì Chín không đi vô lối cửa lớn? Không lẽ cháu mời dì bước qua cửa sổ nầy để vô nhà uống nước?
Dì Chín vội xua tay:
– Không đâu, bữa nay không uống nước đâu. Dì ra đây muốn nói với con một chuyện ngặt nghèo lắm.
Khuê vội ngắt:
– Ngặt nghèo thì dì phải vô đây ngồi mới nói chuyện được chớ.
– Thôi con ơi, đừng phiền. Chuyện gấp lắm rồi, dì hối hả ra cho con hay kẻo trễ. Đứng đây nói cũng được rồi. Với lạidì lẻn mà ra đây, đi ngả trước sợ có người ngó thấy.
Khuê đành chịu đứng đó mà nghe:
– Thế dì nói đi, có chuvện chi lạ lùng vậy?
– Còn chuyện chi khác chuyện cái trường này nữa. Tại cháu nhứt định không hạ cờ, không nghe theo lời họ ….
Khuê ngắt:
– Thì dì đã thấy đó, bữa nay bày nhỏ nghỉ hết rồi. Thà họ giết cháu đi còn hơn ngăn bày trẻ, không cho cháu tiếp tục dạy nữa.
Dì Chín ngần ngại mãi mới nói tiếp được:
– Thôi đi, đừng tưởng họ không tính đâu. Dì e rằng chỉ bữa nay là mấy ổng tới đây đó.
– Họ tới đã mấy lần rồi, dì ơi. Tới thì tới, có sao.
– Không đâu, lần này khác (Dì Chín hạ thấp giọng). Lần này họ tính hại con đó. Dì nghe mấy ổng nói vậy. Con nên mau mau lánh đi. Đi ngay từ giờ này mới kịp, để lát nữa tới đồn trời tối mất. Thôi con lo thu xếp mà đi ngay. Dọc đường cũng nên coi chừng nhé.
Khuê dậm chân:
– Đến dì mà cũng khuyên cháu bỏ đi hay sao? Cháu nhứt định không thể đi đâu hết. Cháu ở đây, sống chết với trường này.
Dì Chín cũng dậm chân:
– Tội quá, con ơi! Lúc này không thể nói ngang như vậy đâu. Tốt nhứt là cháu hãy lánh đi ít bữa đã. Yên rồi thì lại trở về mà dạy học, cả ấp Tân Thới này có ai chê trách con về chuyện dạy đâu.
– Cả ấp Tân Thới cần cháu, cháu cũng cần cái trường này, bỏ đi đâu cháu cũng sẽ không sống nổi vì xa lũ học trò, xa cái xứ quen thuộc này của cháu. Dì đừng lo, dì Chín ạ. Họ hăm liệng tạc đạn vô trường. Nhưng cháu hỏi dì câu này nhé: Những người chạy theo bên kia có ai là không có bà con ruột thịt ở ấp Tân Thới này? Họ liệng tạc đạn để hại những người thân của họ ư? Cháu không tin vậy đâu, vì thế cho nên cháu không sợ.
Dì Chín bắt đầu lộ vẻ nóng nảy, lắc đầu:
– Thằng nhỏ này cứng đầu quá, nói không nghe còn cãi hoài!… Con nghĩ như vậy đúng, nhưng dì hỏi bây giờ lũ nhỏ nghỉ hết rồi, hay là ban đêm lao tới liệng trong giường của con không được sao? Nghe dì đi, mau mau thu xếp mà lánh đi. Dì chỉ biết nói với con tới chừng đó thôi. Xảy ra chuvện gì, dì là ngưòi sẽ khổ nhất. Thôi dì đi về đây. Ráng mà nghe lời dì, con à.
Thế rồi dì Chín quây quả bước đi. Khuê có cảm tưởng như trông thấy ngay trong bước đi của dì Chín trọn vẹn những buồn và lo cho mình.
Dì Chín đi khuất sau lùm cây, Khuê vẫn đứng đó. Không, dù thương dì Chín tới đâu đi nữa Khuê cũng không thể bỏ trường mà đi. Lẽ sống của Khuê là cái trường này, là quanh khu ấp Tân Thới này. Khuê sẽ lạc lõng hết sức nếu chỉ bước qua con kinh sang sống ở ấp Bình Thới, chớ đừng nói đi đâu xa. Không phải Khuê sợ phiêu lưu, sợ sống với những người khác lạ. Khuê tin rằng với lối cư xử của mình đi tới đâu Khuê cũng sẽ sống được và gây được cảm tình. Khuê tha thiết với cái trường này, với ấp Tân Thới chỉ vì Khuê thích như vậy, Khuê muốn đem trọn vẹn những gì tốt đẹp nhất trong người Khuê ra san sẻ cho những cảnh, những người thân yêu ở quanh đây. Khuê nhất định như vậy và cũng chưa hề tự hỏi tại sao. Khuê yêu ấp Tân Thới cũng như yêu mẹ vậy, chẳng cần phân tích, chẳng cần đo đắn. Bây giờ bảo Khuê rời bỏ mà đi làm sao được. Vả lại, Khuê như có linh tính cho biết bao nhiêu những đe dọa sẽ không bao giờ hại tới Khuê được. Khuê còn cần được sống nhiều lắm, để lo cho ba mươi tám đứa em nhỏ của Khuê ở ấp Tân Thới này.
Khuê quay trở vào châm một điếu thuốc hút, rồi lại quay ra đứng bên cửa sổ. Con đường mòn quen thuộc gọi cho Khuê nhớ tới Sương. Có một tháng nay Khuê không gặp Sương. Nhưng nếu có Sương ở đây, trong lúc này, chắc Sương cũng không giúp gì được Khuê. Khuê còn nhớ câu nói của Sương: “Anh với em mỗi người một hoàn cảnh, không biết đến bao giờ chúng mình mới có thể tính tới chuyện chung sống với nhau!” Khuê không đồng ý với Sương khi Sương nghĩ “không biết đến bao giờ”. Bữa đó Khuê có nói với Sương: “Tại chúng mình còn nghèo quá đấy thôi. Anh ráng để dành trong vài năm, khi anh có một món tiền dựng được một căn nhà, chúng mình sẽ tính chuyện chung sống.” Nghe Khuê nói vậy, Sương chỉ cười rất buồn: “Khuê ạ, em chỉ sợ thời gian của hai đứa mình không thể đo bằng năm hay tháng được!” Khuê không đáp lời Sương, cho rằng đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua của một người con gái còn nhỏ tuổi, chưa biết tính chuyện đời bằng những con số thực tiễn. Khuê biết tính toán, sắp đặt một cách cụ thể hơn nhiều. Với lại, công việc sửa soạn tương lai cho hai người là công việc của Khuê, Sương có quyền tính toán vẩn vơ như vậy.
Hôm nay bị đặt trước những đe dọa thật sự, tuy Khuê không tin là những lời đe dọa lần này có thể trở nên những hành động, Khuê bỗng cảm thấy dường như câu nói của Sương hôm đó có ngụ một phần nào sự thật. Hay Sương đã nhìn thấy rõ hơn Khuê?
Khuê vội đổ cho khói thuốc lá đã gây cho Khuê cái tư tưởng bi quan vừa qua. Khuê liệng mẩu thuốc đang cháy dở trên tay qua khung cửa sổ và quay trở vào. Khuê đi ngang hai dãy bàn ghế trống trải, mở cửa bước vô buồng trong, căn buồng xép dùng làm chỗ ngủ và chỗ ăn của Khuê. Mâm cơm từ trưa vẫn còn nguyên vẹn. Khuê mở chiếc lồng bàn sơn màu đỏ, ghé ngồi xuống bộ ván, lặng lẽ bới chén cơm đã nguội. Khuê ngồi ăn rất bình tĩnh, để cho những suy nghĩ, lo âu trong ngày tự nó lắng xuống. Khuê nhứt định sáng mai lại đi vận động các bà mẹ. Khuê quyết không chịu thua, bề gì cũng giành giựt cho bằng được lũ học trò của mình.
Xong bữa, Khuê thu dọn mâm chén, rồi mở cửa đi ra phòng ngoài, nơi lớp học trống trải nhưng quen thuộc. Khuê tới ngồi ở một chiếc ghế dài của học trò, ngó ra sân trường. Ngọn cờ vẫn tung bay trước gió, ở giữa sân. Khuê nghĩ bụng hôm nay không hạ cờ. Khuê không thể một mình lẳng lặng ra sân làm công việc mà thường ngày vẫn làm với sự hiện diện long trọng của ba mươi tám đứa nhỏ. Khuê quyết để y nguyên ngọn cờ như vậy cho tới khi lớp học bắt đầu hoạt động lại. Vắng lũ học trò, ít nhất Khuê cũng cần có ngọn cờ đó để thấy mình còn giữ nguyên liên lạc với đoàn thể rộng lớn những bạn cùng nghề, với cái nghề mà Khuê không ngớt tin yêu.
Sương chợt hiện ra trước cửa vào làm cho Khuê muốn sửng sốt. Sự xuất hiện của Sương cùng với lúc bóng chiều bắt đầu xuống mang một vẻ khác thường. Nhưng Khuê vội trấn tĩnh ngay được và nhớ ra rằng thường thường cô bạn gái tới thăm Khuê lúc chiều xuống, có sớm hơn hay trễ hơn hôm nay, chẳng bao giờ nhứt định.
Khuê bước ra đón Sương, rồi đưa Sương tới ngồi ở bàn viết. Sương cầm cuốn vở của trò Lâm Văn Phước vẫn còn để trên mặt bàn rồi lại đặt xuống. Khuê kéo chiếc ghế thứ hai ở góc phòng lại gần bàn và ngồi xuống ở trước mặt Sương. Khuê nói:
– Có đến gần một tháng nay Sương không về nhỉ?
– Vâng (Sương bỗng tươi tỉnh hẳn lại). Thế Khuê có nhớ em không?
– Anh tính thấy gần một tháng, đủ hiểu anh trông mong lắm. Tuy thế, mải lo cho bày nhỏ cũng nguôi đi bớt. Sương ạ, anh vẫn chưa cân nhắc được giữa hai mối yêu, yêu Sương và yêu lũ nhỏ, bên nào nặng hơn.
– Khuê cứ ráng giữ sao cho đồng đều là em mừng lắm rồi.
– Thật thế, Sương ạ, ở đời anh có Sương và có lũ trò nhỏ là anh mãn nguyện lắm. Nhưng hôm nay anh bị mất lũ học trò, anh lại đương mong nhớ Sương thì vừa lúc Sương tới.
Sương trở lại với vẻ mặt ơ thờ mà buồn, Khuê bắt gặp khi Sương mới hiện ra trên khung cửa khi nãy. Sương ngó Khuê bằng hai mắt e dè:
– Em có nghe. Thế Khuê tính sao bây giờ? Khuê hăng hái đáp:
– Chẳng tính sao hết, trước sau anh vẫn nhứt định giành giựt cho bằng được lũ học trò của anh. Mai sáng anh sẽ đi vận động cho bọn chúng lại tới trường. Vận động cho tới cùng.
Hai con mắt Sương tò mò, chăm chú ngó Khuê:
– Anh tính vận động cách nào, ở đâu?
– Anh hay tin vì bên kia hăm liệng tạc đạn vô lớp học cho nên má lũ nhỏ không dám cho chúng đi học. Mai anh sẽ đi kiếm mấy bả giải thích cho mấy bả hiểu là họ hăm vậy thôi.
Những người ở bên kia là ai? Họ đang tâm sát hại bày trẻ con cháu, anh em của họ được ư?
Sương phê bình:
– Khuê còn nhiều lòng tin quá!
Khuê sửng sốt:
– Anh tin như vậy không phải hay sao?
Sương đáp, rất buồn:
– Lý luận của anh đúng, sự thật có thể vẫn đúng như thế. Nhưng anh quên một điều: Những người hạ lệnh liệng tạc đạn biết đâu không phải ở trong số những người có con, có em, có cháu là học trò của anh.
– Có thể lắm. Nhưng mấy người này cũng có miệng để ngăn lại chớ.
Sương nhắc lại câu phê bình vừa rồi:
– Khuê còn nhiều lòng tin quá!
– Sương nói gì anh không hiểu đấy.
– Em nói anh nhiều lòng tin quá, anh không hiểu được tổ chức khắc nghiệt ở bên kia. Từ trước đến nay sở dĩ đe dọa thì nhiều mà tai hại anh chưa thấy xảy ra chỉ vì người ta còn cân nhắc lợi hại. Làm quyết liệt sợ mất ảnh hưởng trong dân chúng trong ấp này. Nhưng anh quá găng, em sợ rằng bây giờ người ta không cân nhắc lợi hại nữa, nhứt định làm tới. Cảm tình, liên hệ quyến thuộc có nghĩa gì đâu, hả anh?
Khuê ngó ngay trong mắt Sương:
– Thế nghĩa là…
– … những lời hăm dọa có thể thành sự thật. Em nghi như vậy lắm, Khuê ạ. Anh còn nhiều lòng tin, đem lòng tin ra cự địch với lý trí tàn nhẫn em thấy khó quá!
– Thì anh cũng sẽ đem lý trí ra đối lại.
– Em cũng mong như thế, mong cho anh thành công, để giữ được mối yêu thứ hai của anh là lũ trò nhỏ.
Bóng chiều ở bên ngoài đã xuống hẳn, căn phòng mờ tối lại. Khuê chợt đứng lên:
– Anh hiểu rồi, lấy lý trí để mà hiểu. Ban chiều anh có gặp… Anh nghe như đêm nay họ sẽ tới. Bây giờ thì anh phải lo đề phòng.
Sương cũng đứng lên, trong giọng nói của Sương có một vẻ buồn lạ lùng:
– Anh lo đề phòng là phải. Nhưng… chắc đêm nay thì chưa… em có linh tính như vậy. Thôi em về đây. Anh ráng đề phòng cẩn thận nhé. Anh đừng quên lời em: tạm gác lòng tin lại đó, đem lý trí ra mà đối phó với lý trí.
Khuê đưa Sương ra tới cửa trường, rồi quay trở vào.
Khuê đốt ngọn đèn và bắt đầu đi đóng mấy cửa sổ.
Một tiếng tạc đạn bỗng nổ vang, rất gần trường học.
Khuê thụp ngồi xuống như có ý tìm cách tự vệ. Nhưng Khuê vụt vùng lên, tông cửa chạy ra ngoài. Ngay phía ngoài hàng rào của trường một người đương quằn quại dưới đất. Khuê nhảy bổ lại. Đúng là Sương. Trong bóng tối lờ mờ Khuê thấy như cả một bắp đùi của Sương đã tan nát. Nghe bước chân chạy tới, Sương đưa tay ra. Khuê ghé lại gần mặt Sương. Sương hỏi:
– Khuê ? Anh Khuê? Khuê run rảy đáp:
– Anh đây.
Và Khuê nghe Sương thở dồn dập qua tai:
– Khuê ơi! Tạc đạn dành cho Khuê do em phải liệng, nhưng em… em thế cho anh… Ráng giữ lấy đám học trò… Lý trí…
Khi lối xóm chạy tới thì Sương vừa tắt thở. Khuê bồng xác Sương vào trong trường. Trong khi mọi người chạy tới đứng vây quanh xác Sương đặt nằm trên hai chiếc bàn kê sát nhau, Khuê nói với ông Sáu:
– Như thế này cháu càng không thể bỏ mà đi được. Hôm qua cháu tha thiết với trường này, với ấp Tân Thới, bây giờ cháu lại còn thêm một việc nữa là giữ nấm mồ của Sương. Cháu nhứt định ở lại.