SIU CÔ NƯƠNG (trích)
Siu cô nương, tiểu thuyết, Nhà xuất bản Quan Điểm, in xong ngày 5-1-1959 tại nhà in riêng của Nhà xuất bản Quan Điểm, Sài Gòn, Việt Nam-Bản đánh máy do Kỳ Anh thực hiện, tháng 6. 2014, Hoa Kỳ
CHƯƠNG 13
Trang 112-120
Tài liệu của thành viên Diễn đàn Sách xưa http://sachxua.net/forum/
Mộ ăn cơm tối xong, đứng ở cửa sổ nhìn ra đường. Nhân có mấy đại biểu ở Sài gòn mới ra, suốt hai ngày liền chàng bù đầu hết buổi họp nọ tới buổi họp kia. Càng ngày những triệu chứng của một cuộc thay đổi lớn trên chính trường càng phát hiện rõ rệt. Lần lần vai trò của Mộ trong cuộc thay đổi đương sửa soạn trở nên quan hệ. Trong khi những chính khách đã quen lê gót trên những đại lộ của chính quyền bắt đầu hoạt động để câu một địa vị tương lai, sự tha thiết muốn tìm một con đường mới của chàng đã quy tụ ở chung quanh Mộ đông đảo những phần tử tha thiết với một công việc hơn là quyền lợi. Đã nhiều lần ngổi giữa đám anh em cùng hăng hái quyết tâm đứng lên một chuyến, bất giác Mộ thấy lạnh trên gáy và tự hỏi: Ta sẽ đưa họ đi đâu?
Và chàng ý niệm được trọn vẹn trách nhiệm của mình trong một giai đoạn có thể gọi là lịch sử. Sở dĩ chàng phải băn khoăn vì chưa nhận định được rõ rệt cái tương lai sẽ nhân những hoạt động mở lối hiện thời của chàng và các bạn mà cấu thành. Rất nhiều lần, chàng vương vấn với ý tưởng: Rồi ra bọn chàng sẽ có bị phản bội không? Hiện không có một yếu tố cụ thể nào chứng tỏ rằng tương lai sẽ hoàn toàn không có những bóng mây do những cá nhân và những tham vọng tạo thành. Chàng không phải là hạng chính khách bằng lòng với những lời hứa hẹn hay những vòng hào quang do tưởng tượng của số đông vẽ nên. Thì chính chàng và các bạn đã chẳng đương ngày đêm lo tô thắm một vòng hào quang giả tạo là gì? Cuộc phiêu lưu sắp sửa dù sao cũng sẽ ít những bất ngờ đến ngã ngửa. Đó là điều mà chàng vẫn tự nhủ tuy cũng chẳng căn cứ được vào một yếu tố cụ thể nào, ngoài ý quyết tâm của chàng và đám anh em, tin rằng trong tương lai sẽ đem ý chí của một số đông cầu tiến làm áp lực hiệu quả đối với những tham vọng cá nhân, nếu một lúc nào đó sẽ lộ diện. Chàng nói với những anh em đã biết đặt điểm nghi vấn: “Biết làm thế nào, giữa một thế thụ động chờ một nguy biến lớn và một thế tích cực nắm lấy một phần chủ động ta không thể do dự được. Cứ liều mà tin rằng khi cần đến, với một lực lượng anh em như thế này và cả một hậu thuẫn dân chúng chung quanh ở sau lưng ta có thể thay được thế cờ.”
Giữa những chùm bóng tối rải rắc trên mặt đường, Mộ thấy thấp thoáng một chiếc xích lô như bỗng hiện ra. Thấp thoáng giữa bóng tối, Hiểu đứng bên xích lô giơ tay vẫy chàng. Mộ đóng cửa sổ lại và đi xuống thang lầu, nhè nhẹ bước, rồi mở cửa ngoài rất nhẹ để bà mẹ khỏi nghe tiếng. Ra tới đường, chàng mỉm cười một mình trước cử chỉ lén lút vô lý của mình. Bốn mươi tuổi đầu nhưng có lúc vì thương mẹ, cháng thấy như mình còn là cậu bé mười tám mới bắt đầu nghe theo tiếng gọi của ngoài phố. Ngồi trên xe, bên cạnh Hiểu, Mộ hỏi:
-Tính đi đâu thế này?
-Lại Siu cô nường ngồi tán dóc một lúc.
Mộ phản đối:
-Còn sớm quá, ồn lằm. Đi bộ một quãng rồi đến cũng vừa.
Hai người xuống xe, thủng thẳng bước trên hè phố. Từ phía bờ sông, hai người đi ngược lại cùng phố xá đông đúc. Mộ có cảm giác gây gây say của một người trở lại tham dự trọn vẹn những giao động của cuộc sống giữa đám đông. Chàng nói với Hiểu:
-Cậu có nhận thấy chúng mình thường sống một phần nào ở ngoài lề, xa với những mực thước trung bình?
-Có lẽ nhưng không phải là cố ý. Tôi vẫn muốn tìm những điểm giao tiếp mà chưa thấy. Cộng sản họ lấy một cái ống lô ủi bẹt tất cả xuống, lấy một bề dầy duy nhất họ cho là lý tưởng. Tôi không muốn ngồi lái chiếc xe lô, cũng không chịu nằm dưới ống lăn.
-Hầu hết những người quốc gia đều ngại đặt vấn đề giai cấp.
-Khó tìm thấy nhữngđiểm giao tiếp cũng bởi thế. Tôi cho đó là một thái độ khôn vặt: để dành cơ hội ở tất cả mọi phía.
-Nông nỗi bế tắc của phe quốc gia không ngoài sự thiếu sót một chỗ đứng cụ thể. Lập trường quốc gia hoàn toàn đặt trên những yếu tố trừu tượng, trong khi mỗi người quốc gia đều cảm thấy có một cái gì để bảo vệ, cần bảo vệ, mà hoàn toàn không trừu tượng một chút nào. Có trực tiếp hoạt động tôi mới thấy nông nỗi nghèo nàn của mình.
-Tôi tin rằng ngày nào những người quốc gia gỡ bỏ được hết mặc cảm sẽ đặt định được một đất đứng vững chãi, căn cứ trên những yếu tố thành thật là của mình, không vay mượn, không bợ đỡ. Càng ngày tôi càng thấy rằng muốn rẽ một lối thoát mình không thể cứ theo đuôi hết cái nọ đến cái kia, phải tạo lấy một lẽ sống, phải kết nạp lấy một lực lượng. Cả một vùng Đông Nam Á như thế này mà cứ chịu trên đe dưới búa mãi hay sao?
Mộ chợt quay lại ngó bạn, chàng nói rất buồn:
-Đã khá lâu tôi không dám dùng đến một lời nào xem ra vượt hơn quá tầm tay của tôi. Mình sẽ làm được những gì? Bao nhiêu tha thiết có khi chỉ là những lời nói huênh hoang nhờ hơi men, trong lúc cao hứng, nói như trong một giấc mơ hào sảng. Lắm lúc tôi thấy thẹn cho những anh em cùng lứa, cứ chịu mang tiếng mãi, tuy trong lòng không phải không bị nung nấu.
Hiểu bỗng cười ha hả;
-Lửa đốt! Đốt dụi cả cuộc đời chỉ vì âm ỷ mãi, tấm tức mãi. Có dịp để mà nổ tung lên cùng với tiếng súng thì còn nói gì. Lận đận mãi trong một hoàn cảnh bế tắc, mó tay vào đâu cũng không phải chỗ. Đành chịu mang tiếng, bị chửi rủa, lỡ cả một cuộc sống đáng lẽ hào hứng biết mấy. Cái hồi bọn này thất bại, rút qua biên giới. Sau ba ngày lặn lội, không có lấy một miếng cơm, mưa tầm tã, lạnh thấu xương sống, trước khi leo qua đợt núi cuối cùng cao ngất trước mặt, già nửa anh em trong bọn đã ngồi vật xuống, không còn tinh thần để cố gắng nữa. Thằng Hải–cậu biết nó, phải không?–một tên được tiếng can trường trong bọn, ngước nhìn vách đá sừng sững rồi lắc đầu nói: “Lẽ sống của tao không ở bên kia vách đá, gia đình tao, vợ con tao còn ở Hà nội cả. Cực khổ thêm một ngày nữa, để cũng chẳng tìm thấy một cái gì cụ thể, thật vô ích.” Già nửa số anh em đã cùng với thằng Hải ở lại với một mục đích cụ thể là tìm về với gia đình. Chúng nó đã sa hết vào tay Vẹm, không một thằng nào sống sót và gặp gia đình. Được cái đáng mừng là không thằng nào đầu hàng cả, dù có thằng mới cưới vợ được vài ba tháng trước khi đi với anh em. Còn bọn này cố leo qua mỏm núi, lần mò tới Côn minh, với hi vọng tìm tới những gì cao xa lắm, nghĩa là cao hơn thứ gia đình, vợ con một bậc! Kết cục, trở về Hà nội được, tìm lại được gia đình, sau hơn bốn năm lưu lạc bên Tàu. Để bây giờ chưa biết sẽ đi đâu. Bế tắc hoàn toàn bế tắc.
Mộ quay lại ngó Hiểu trong khi Hiểu hăng hái nói. Lần đầu tiên chàng được Hiểu tâm sự như vậy và thấu hiểu nông nỗi của bạn. Chàng đáp:
-Tôi chưa có một chủ đích gì thật rõ rệt nhưng tôi tin rằng sẽ cố gắng để ít nhất tạo được cho anh em một cơ hội ra khỏi bế tắc. Mấy hôm nữa, tôi sẽ đi Sài gòn rồi đi Pháp. Dù có thất bại, tôi vẫn mừng là hi sinh cho anh em.
Tới vũ quán Fouquel’s khách vẫn còn khá đông, toàn thể là quân nhân Pháp. Hai người ngồi ở một bàn còn trống, gần cửa ra vào. Siu đon đả tới tiếp nhưng cũng không săn sóc hai ông khách quen được hơn mọi người khác. Nàng nói:
-Hai anh còn ngồi lâu chứ gì? Em không ngớt tay từ nãy đến giờ!
rồi vội vàng chạy đi, tới tấp bàn nọ qua bàn kia. Một chàng lê-dương, ý hẳn thấy cô hàng đon đả với hai người khách da vàng, lẩm bẩm:
-Hochiminh? Dien-Bien-Phu?
Mộ nói với Hiểu:
-Chúng nó cho rằng bọn mình ai cũng khoái vụ Điện biên Phủ cả!
-Một cú rất đau cho thực dân thật, nhưng không một người quốc gia nào lại lấy làm một dịp thỏa mãn tinh thần yêu nước của mình. Bế tắc: Gia đình, tổ quốc, tín ngưỡng…mọi giá trị đều phải đặt lại giữa thời đại của võ lực.
-Hoàn cảnh éo le đưa dân tộc mình vào tình trạng khó xử. Mở cửa cho thực dân Tàu vào đánh bại thực dân Tây, không khoái vụ Điện Biên Phủ lại mang tiếng là không yêu nước cơ đấy.
-Còn hàng vạn dân công ngã gục dưới những thung lũng quanh khu lòng chảo, họ chết cho ai nhỉ?
-Cho cái tiếng hão mà không ai muốn nhận.
Ngớt tay, Siu tới ghé ngồi bên Hiểu. Nàng mở to đôi mắt đen ngó Mộ:
-Không nhận cái gì hả anh?
Mộ ráng tìm hiểu trong đôi mắt chàng thấy như nặng ý nghĩa, rồi chậm rãi đáp:
-Không nhận món quà Điện Biên Phủ
Ý nghĩa đen lánh trong trong đôi mắt Siu trờ nên lu mờ bớt, nàng đáp:
-Bị đem táng xuống đầu, chả nhận cũng chả được.
Mộ đồng ý:
-Bạo lực biến tính cả đến những tình cảm xưa nay vẫn cho là thiêng liêng nhất.
Một phút qua, Mộ lại thấy tròng mắt của Siu trờ lại đen láy như trước. Chàng hỏi Siu:
-Chủ nhật trước Siu ngủ ngủ bù đến mấy giờ chiều mới dậy?
Đôi mắt không nặng một màu đen nữa và trở nên lấp lóe tinh nghịch, nàng đáp:
-Chả ngủ bù được tý nào, anh ạ. (nhưng nàng lại tiếp) Hay là tại thao thức nên không ngủ được.
Hiểu vẫn ngồi chống tay trên bàn, hai bàn tay chụm lại nâng lấy cằm, bỗng ngửng lên, đưa mắt ngó hai người. Cuộc đối thoại tối nghĩa giữa hai người vẫn tiếp tục.
Mộ:
-Tôi lại tiếc đêm thứ bẩy ngủ nhiều quá. Thành ra ngày chủ nhật cũng thao thức. Siu tròn mắt ngó Mộ:
-Anh tiếc ư?
Quay lại với Hiểu, Siu tiếp:
-Tối thứ bảy trước, ăn cỗ cưới ở nhà anh Lũy. Anh Mộ uống rất nhiều rượu. Em cứ sợ anh ấy về nhà sẽ ngủ gục từ dưới chân thang. Không gục, lại ngủ được mà anh ấy còn tiếc.
Hiểu tạm bằng lòng với lời giải thích của Siu, lại hai tay nâng cằm, ngồi trầm ngâm. Mộ ngó Siu quay ra giải thích với Hiểu, miệng cười láu lỉnh, hai con mắt nghịch ngợm. Chàng cảm thấy bắt đấu ràng buộc với Siu, bắt đầu có một câu chuyện riêng với Siu mà có lẽ cả chàng lẫn Siu đều như muốn giấu mấy người kia.
CHƯƠNG 14
Trang 266-276
[…]
Không phải Thái không nhận thấy một cảm giác êm ấm ngồi kề với một cô gái mà xưa kia chàng đã từng mê và hiện nay dường như không phải là chàng không thấy yêu. Tuy nhiên, khi câu chuyện của Loan gần tới đoạn mà Loan sẽ tỏ lộ những dự tính tương lai của nàng, Thái bất giác có một ý nghĩ ngài ngại trong đầu. Đúng tâm trạng của một anh chàng trồng cây, bói được một quả mới, nhưng cứ để dành mãi sợ rằng cắn vào sẽ thấy chua. Loan tiếp:
-Em liều trốn ra Hà nội, vì không còn một chút gì ràng buộc em ngoài đó nữa.
Thái ngạc nhiên, hỏi:
-Theo lời anh Biểu, Loan còn có gia đình ở ngoài đó cơ mà?
Loan khẽ chớp mắt rồi đáp:
-Câu chuyện dài lắm, anh ạ. Kể đến bao giờ mới cho hết được! Bây giờ em tứ cố vô thân, có lẽ ngoài vợ chồng anh Biểu em không còn ai là thân thích hết. Bởi thế, nên em mới liều trốn về tìm anh, may ra…gặp được anh…anh sẽ bày cho em được một giải pháp nào. Thấy Thái vẫn ngồi lặng thinh ngắm đôi môi của nàng, Loan hỏi:
-Câu chuyện của em nhiều thứ éo le lắm, kể hết ra sợ anh đến phát ngán…?
-Nếu Loan thấy cần cho tôi hiểu rõ hoàn cảnh của Loan, tôi rất sẵn sàng nghe.
Thế rồi Loan ngồi tỉ mỉ kể mối tình của nàng đối với Siêu. Siêu là đảng viên kỳ cựu, ở hải ngoại về. Hồi trước Siêu có quen với một bà dì của Loan, vì thế mới có sự gặp gỡ. Loan vào đảng cộng sản vì quen rồi yêu Siêu. Siêu phụ trách một tổ chức tình báo của bộ đội Việt Cộng. Muốn gần Siêu, Loan cũng xin được công tác trong tổ chức đó. Khi có lệnh phải ám hại những sĩ quan không quân Pháp ở trong thành, Loan được cử đi. Chính Siêu đã nhiệt liệt phản đối việc tuyển lựa Loan nhưng ngặt vì hồi ấy không có ai khả dĩ đảm đương được công việc đó, Siêu đành phải cắn răng để cho Loan vào Hà nội. Chỉ thị ở trên thì bảo dù phải hi sinh thế nào Loan cũng cố thi hành cho tròn nhiệm vụ. Siêu lại căn dặn Loan dù sao cũng cố giữ gìn cho hắn. Hai má Loan ửng đỏ:
-Kiểu dặn dò của Kim Trọng: “gìn vàng giữ ngọc cho hay’”
Loan cũng tự nguyện sẽ đem hết tài trí ra để vừa được bụng chàng lại tròn nhiệm vụ. Không may cho Loan, về tới Hà đông thì gặp ngay một thằng quỷ sứ Phòng Nhì nổi tiếng. Nó giữ Loan lại chỉ vì nhan sắc của Loan. Bao nhiêu vàng ngọc của Siêu bị mất toi từ đó! Loan hết sức hoang mang sau cái biến cố ghê gớm ấy. Loan cảm thấy thất vọng, chán nản quá sức, không còn muốn làm một việc gì nữa. Sau đó bắt được liên lạc với ngoài, lần lần Loan trở lại bình tĩnh và bắt đầu tính kế hoạch thi hành nhiệm vụ. Loan có vấp phải một cái dại nên về sau này càng chìm đắm không sao ngoi ra thoát được. Trong một lúc chán nản nàng đã viết cho Siêu một bức thư. Trong thư Loan nói hết nông nỗi đã gặp khi về gần tới Hà nội. Đặc biệt nhất là tên Cộng sản kỳ cựu là Siêu lại không chủ trương cộng hóa một thứ tư hữu mà hắn coi là thiêng liêng. Sau đó hắn chỉ coi Loan như một cán bộ khác dưới quyền. Công việc của Loan kéo dài hàng năm chưa thành tựu. Đồng thời, không hiểu vì lẽ gì, Loan bắt đầu thấy bén mùi Hà nội, đòi được căn nhà cũ của cha mẹ, đi kiện để lấy lại ruộng của nhà bị chiếm hữu vô quyền. Ngoài kia nhận thấy Loan có bề xao lãng nên cử thêm một cán bộ khác tới tiếp tay Loan. Cán bộ này là một con đĩ chính cống, nó vừa phụ giúp Loan trong công việc, vừa xô đẩy Loan vào con đường phóng đãng. Loan nhất định tin rằng đó là do chỉ thị của Siêu và hắn cho rằng làm như thế là để giúp Loan dạn dĩ thêm trong công việc. Nhưng thực ra chính là tên Siêu đã thù Loan không khéo “gìn giữ” cho nó, nên nó phá bĩnh. Loan như một hòn bột bị nhào nặn, rồi sau cùng hóa ra một thứ người ê chề đủ mặt. Tuy vậy đôi khi còn có những lúc lương tri le lói. Con cán bộ bên cạnh Loan dường như đã báo cáo rất xấu về Loan, khiến cho ngoài ấy tên Siêu định tâm sẽ dùng Loan làm vật hy sinh. Việc đặt mìn ở câu lạc bộ không quân đâu có phải do tay Loan mà chính do tay mụ cán bộ kia và một số nhân viên khác do ngoài kia gửi về. Sau khi thành công , bọn kia trốn hết và Loan nhận được một bản án kết tội Loan đã mọc đuôi tư sản, xa lánh nhiệm vụ. Muốn chuộc tội Loan phải nhận hết tội phá hoại tại câu lạc bộ không quân về mình. Người mang thư còn nói rằng gia đình của Loan ngoài đó đã bị câu lưu rồi, nếu Loan cung khai sự thật, phá vỡ tổ chức tình báo của họ ở Hà Nội thì cả gia đình của Loan ở ngoài đó sẽ chịu tội thay cho Loan. Bản án đó do chính tên Siêu ký tên.
Ngừng một phút, Loan lại tiếp:
-Hiện nay hắn ta không giữ nhiệm vụ đó nữa. Gia đình của em thực sự đã bị thủ tiêu từ lâu vì bị khép vào tội liên lạc do em thủ mưu. Đó là tất cả đầu đuôi câu chuyện và anh cũng nhân đó đã hiểu tại sao khi còn bị giam, em không thể nghe lời anh mà phản cung. Chuyện gia đình em bị giết cả, em mới biết hồi sáng hôm nay, nhân gặp một người quen.
Trong khi Loan kể, Thái có cảm tưởng như coi ngược lại một cuốn phim, những tình tiết lần lần sáng tỏ hết. Những tình tiết thật là nặng nề khiến chàng như muốn lảo đảo say. Chàng càng thấy thương Loan nhiều hơn. Nhưng tìm được cho Loan một giải pháp để xây dựng tương lai, chàng tự nhận quả thật là khó, nhất là trong cái tương lai đó Loan lại muốn có chàng cùng dự.
Loan ngồi ngó ngây Thái rồi hỏi:
-Trước khi nhờ anh bàn cho một kế thoát, em muốn hỏi thẳng anh một điều: anh đã có gia đình chưa?
Trong một thoáng giây Thái cảm giác như một người bị đắm tàu chợt trông thấy thấp thoáng ở tầm tay màu xanh màu vàng của một chiếc phao. Chàng cũng đủ bình tĩnh để có một bộ mặt nghiêm trọng và đáp:
-Tôi sắp có đứa con thứ hai.
Thái cũng kịp ghi nhận một nét buồn tưởng như đau nhói lướt qua trong mắt Loan Loan cười ròn rã và đáp:
-Em đoán quả không sai. Sự thực em đã có một giải pháp sẵn sàng rồi, không phải nhờ tới anh đâu. Sở dĩ em mời anh lại chơi vì em nghĩ thấy tội nghiệp cho cả anh lẫn em. Chúng mình có yêu nhau thật mà cùng ngang trái cả. Em chẳng qua chỉ là một con đĩ, dù bất đắc dĩ, yêu anh, em không đời nào lại nghĩ đến làm vẩn đục cuộc đời anh. Em sẽ trở ra ngoài ấy và tiếp tục cuộc phiêu lưu. Chúng mình gặp nhau hôm nay, lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng, em sung sướng đã được anh ôm trong tay, và bây giờ em chỉ xin anh một việc, cũng như hôm qua xin anh bao thuốc lá. Anh hôn em chỉ một lần thôi, cho em giữ mãi mãi cảm tưởng đã là của anh rồi.
Loan ghé lại gần Thái, chàng nâng cằm Loan lên, ngắm rất lâu cặp môi chờ đợi. Thái tin tưởng rằng ở trong đời có lẽ không bao giờ chàng có thể cho ai một cái hôn tha thiết mà đắng cay hơn.
CHƯƠNG 19
Trang 310-317
Màn hạ xuống rồi, Siu còn đứng giữa sân khấu, hai con mắt chằm chằm ngó thẳng trước mặt. Làn sóng tiếng vỗ tay vang vang bên tai, nhưng nàng không nghe thấy, một mình lẩm bẩm:
-Cố gắng đến đứt hơi, chỉ vì ai…
Khi nàng thét lên tiếng cuối cùng và màn từ từ hạ, Siu đứng quay ra phía khán giả còn kịp thoáng thấy qua hai cánh màn gần khép, Mộ ngồi ở hàng ghế đầu, đương nghển cổ lên ngó nàng. Thế là đủ rồi, bao nhiêu gắng công tập luyện, bao nhiêu hơi sức, chỉ cần được người yêu chứng kiến. Nàng tự hỏi rồi Mộ sẽ đền cho nàng như thế nào mới xứng đáng. Mọi người chạy xô lại phía nàng: Lũy, Đang, các diễn viên khác rồi tới Thái. Nàng cố ghé mắt tìm Mộ nhưng không thấy. Thái tới bên nàng ngỏ lời khen:
-Hôm nay tôi mới thấy mãnh lực của văn nghệ như thế nào. Cô Siu hôm nay chửi bố cộng sản tôi nghe thích nhất.
Siu cười không đáp. Lũ hỏi:
-Tên Mộ đâu? Ban nãy đứng trong màn trông thấy hai thằng rất diện, khật khưỡng đi vào, tao thấy yêu chúng mày quá. Phải diện như thế mới biết là xem kịch.
Thái đáp:
-Nhưng mà nóng bỏ mẹ…Thằng Mộ sang bên quán ở trước cửa. Tao vào rủ mày và tất cả anh em sang bên ấy uống một chầu mừng sự thành công đêm nay.
Siu đã cảm thấy có chút gì nhoi nhói trong ngực. Nàng nghĩ thầm:
-Thế mà không chạy vào khen nhau được một câu!
Mọi người từ chối uống rượu, rủ nhau đi kiếm món gì ăn. Chỉ có Đang và Lũy theo Thái sang bên quán. Người sau cùng là Siu.
Trông thấy mấy người tới, Mộ lè nhè:
-Ta có lời ban khen tất cả, chơi được lắm.
Rồi chàng mải mê với ly rượu. Siu tự nhủ:
-Không cả ngó đến mình một cái nữa.
Mọi người xúm lại, vừa uống rượu vừa bàn tán lao xao về đêm kịch. Ông chủ quán ra rót rượu cho khách và hỏi thăm về kết quả đêm kịch. Mộ quay ra lè nhè tiếp chuyện lão Tây già. Siu vẫn ngồi yên không nói. Nàng chợt bưng lấy ly rượu và nốc một hơi già nửa. Lũy trông thấy, quay lại:
-Siu khát nước lắm phải không?
Nàng gật. Lũy lại hỏi:
-Gọi cái gì cho đỡ khát nhé?
Siu lắc đầu, đáp:
-Uống rượu thú hơn anh ạ. Cho em một ly nữa đi.
Rồi nàng bưng cốc uống ngụm thứ hai hết sạch. Lũy vẫn ngó Siu, coi bộ phân vân về thái độ hơi khác lạ của Siu. Rồi chàng tự nhủ:
-Say ánh đèn sân khấu. Lần đầu tiên, lại thành công, ai chả vậy.
Siu vẫn ngồi lầm lỳ, không nói. Nàng uống hết ly rượu thứ hai. Thái đứng lên, đề nghị:
-Nên giải tán thì vừa, xem chừng ai nấy đều mệt, có vẻ buồn ngủ cả.
Lũy cãi:
-Chính những đêm tân kịch như thế này kéo nhau rong chơi mới thú, nhưng dạo này khó lòng hi vọng còn chỗ nào bán ăn nữa. Bận quá, vợ con đi cả rồi, chính ra phải có một chầu cháo gà mới đúng.
Thái trả tiền rượu xong, mọi người chia từng tốp ra về. Lũy nói:
-Siu về cùng đường với Mộ nhỉ? (Với Mộ) Chịu khó đưa đào nhất của tao về nhé. Lên sân khấu có một chuyến Siu đã thành cây tiền của ban kịch rồi đấy.
Không có xe, Siu và Mộ men theo hè thủng thẳng đi bộ về nhà. Mộ đi bên Siu, bỗng hỏi:
-Siu mệt hay sao, lầm lỳ không nói?
Siu ngước đôi mắt lên ngó Mộ, ánh đèn ở giữa đường long lanh giữa tròng mắt đen. Nàng đáp:
-Mệt đến đứt hơi,anh ạ.
Mộ cười xòa:
-Các thứ nghệ sĩ lôi thôi quá! La lối vừa vừa thôi chứ.
Siu nói:
-Đứt hơi vì anh đấy.
Mộ nín lặng, không đáp. Siu lại hỏi:
-Vài ba hôm nữa đã phải đi rồi. Anh tính sao?
-Đành là rút. Muốn ở lại cũng chả được. Tôi sẽ ở lại Hải phòng trong ít lâu.
-Em tưởng anh nên đi Sài gòn luôn? Các anh ấy đi Sài gòn cả? Đi Sài gòn với em, anh ạ.
Mộ vẫn chưa nhận thấy giọng tha thiết của Siu, chàng vẫn đùa:
-Đi với em sao được, về mẹ đáng chết!
Siu nắm lấy tay Mộ:
-Anh? Chúng mình phải tính chuyện đứng đắn đi, anh ạ.
Mộ vẫn đùa, hay cố làm ra thế, chối đây đẩy:
-Nói chuyện đứng đắn là tôi chạy.
Siu đã thấy sốt ruột:
-Anh Mộ! Lần nào nói chuyện đứng đắn với anh, anh cũng giở cái giọng bông đùa không phải chỗ. Chúng mình phải tính với nhau đi. Em thấy em không bỏ được anh đâu.
Mộ đã nhận thấy câu chuyện không thể đùa cợt được nữa. Hai người tới trước cửa nhà Siu. Siu ngừng lại, với Mộ:
-Chị Hélène đi Sà- gòn rồi, em ở nhà có một mình. Anh lên chơi rồi chúng mình bàn chuyện dứt khoát với nhau. Chúng mình không thể cứ như thế này mà kéo dài mãi. Khổ lắm anh ạ.
Mộ nắm lấy tay Siu:
-Biết làm thế nào được. Anh còn trăm chuyện phải lo chưa đâu vào đâu cả, bụng dạ nào mà tính chuyện riêng của mình được.
Siu sốt sắng:
-Em hiểu. Em không bắt anh lo đâu, miễn là anh đồng ý.
Mộ hỏi:
-Em hiểu thế nào? Lo ra làm sao mới được chứ?
Siu lại bắt đầu bực mình:
-Anh cũng đến là hay làm bộ ngớ ngẩn. Em hiểu rằng anh nhiều chuyện bận tâm quá, anh lo chuyện của chúng mình không được. Để một mình em lo cũng xong. Em đã nhờ chị Hélène vào Sài gòn trước kiếm hộ em một cái nhà. Em có một số vốn tạm đủ, chúng mình xây một cái tổ xinh xinh…
Mộ vụt hiểu thấu đáo ý định của Siu, chàng sửng sốt:
-Vào Sài gòn, thuê nhà, ở với nhau?
Siu vòng tay ôm lấy cổ Mộ, nũng nịu:
-Chứ sao. Anh bận suốt ngày thì để em lo cho chứ sao?
Mộ bỗng cười lên sằng sặc:
-Khổ lắm! Khổ lắm!
Và chàng gỡ taySiu ra, nói tiếp:
-Đùa cũng đùa có chừng hạn thôi chứ? Ai bảo em tính chuyện dấm dớ thế?
-Thì chính anh đã chằng bảo em cứ lo đi là gì?
Mộ lại cười:
-Lo là lo cho em ấy chứ, tại sao lại đem anh dính vào đó?
Siu không hiểu mà cũng như chợt hiểu. Nàng hỏi:
-Thế ra từ trước tới nay anh vẫn đùa ư?
Mộ thản nhiên:
-Chẳng đùa mà cũng chẳng thật. Chính Siu đùa thì có.
Siu bỗng lùi lại, tựa lưng vào cánh cửa. Nàng nói với Mộ, rất buồn:
-Thôi anh về đi. Em hiểu rồi. Tại em ngu quá.
Nàng đưa tay ra. Mộ nắm một bàn tay lạnh buốt, rồi chàng quay lại, đi thẳng. Siu đứng ngây, ngó Mộ đi khuất vào bóng tôi. Một lần nàng đã nhoai người ra tính gọi Mộ, nghĩ sao nàng lại thôi.
Siu đứng đó một lúc lâu, rồi nàng bỗng xăm xăm đi xuống đường, rảo bước ra đầu phố. Đi một quãng xa, gặp một chiếc xe nàng gọi lại, bảo đạp về Hàng Buồm. Ngồi trên xe, hai co mắt nàng trân trân ngó về phía trước, không chớp. Tới đầu Hàng Buồm, nàng đỗ xe lại. dúi vào tay bác phu xe một tờ giấy bạc không biết là bao nhiêu. Nàng bước đi rất vội, tới gõ cửa nhà lão Wồ. Một chú khách già, tay cầm cái điếu thuốc bào, ra mở cửa. Lão đưa Siu vào mãi tận nhà trong, mở một cánh cửa ngách. Siu qua một cái sân rộng, tới một căn nhà mới làm, coi bộ sạch sẽ khác hẳn khu nhà vừa đi qua. Vừa tới cửa, nàng nghe tiếng Wồ hỏi:
-Cô Siu hả? Tôi mong cô cả ngày hôm nay. Siu bước vào thấy Wồ ngồi trên ghế bành, đua mắt hau háu ngó nàng. Wồ chỉ một chiếc ghế trước mặt:
-Mời cô ngồi chơi.
Rồi hắn thò tay ra phía sau với lấy một gói giấy nhật trình đưa cho Siu. Siu cầm lấy gói bạc, mở ra xem. Nàng yên lặng không nói rồi bỗng hắt tung những tập giấy bạc vung vãi dưới đất. Wồ kinh ngạc ngó nàng. Siu bỗng lắc đầu nói:
-Bây giờ lại không cần tiền nữa…nhưng cần…cần..
Nàng vụt cười thét lên lanh lảnh, nhảy bổ vào người Wồ:
-Anh Wồ ơi! Em yêu đôi mắt..ti hí mắt lươn của anh quá! Ha! Ha!…
***
Suốt ngày hôm sau, Đang và Lũy đến nhà kiếm Siu hết thảy ba lượt. Lần thứ ba mới gặp một ả-xẩm cho biết cả đêm hôm qua không thấy Siu về nhà. Hai người quay đi, ả xẩm còn nói:
-Chắc cô ấy ở lại, quần áo, đồ đạc vẫn nguyên như cũ.
[…]