Trăm năm Mặc Đỗ – Mặc Đỗ và văn học Miền Nam
Nguyễn Tà Cúc
Trong những đoạn trước, người viết đã trình bày tới bối cảnh của một nền văn học di cư, lần đầu ít nhất còn được tạm cư trên quê nhà, lần sau thì vời vợi cánh thuyền trên đại dương. Người viết chọn nhà văn Mặc Đỗ (1917-) – nhà văn lớn tuổi nhất thuộc Văn học Miền Nam, hiện cư ngụ tại Austin, thủ phủ tiểu bang Texas – để làm một trong vài trường hợp tiêu biểu cho số nhà văn di cư chống Cộng di cư từ Bắc xuôi Nam năm 1954 rồi lại cùng các nhà văn Miền Nam khác di tản và/hay lưu vong ra ngoại quốc. Sự lựa chọn ấy không nhắm tuổi tác mà vào sáng tác của ông. Vì không có sáng tác, nghĩa là sinh hoạt văn nghệ lưu lại, lịch sử Miền Nam sẽ thêm nhòe đi như số phận một cô nữ tỳ rụt rè giữ phận quạt mát cho bà tướng Miền Bắc đao kiếm chống kẻ xâm lăng Hoa Kỳ.
Phận hèn mọn của một cô nữ tỳ ấy đã được ghi lại cũng bằng sáng tác hay phát biểu không chỉ từ những người phản chiến tại đây mà còn từ nhiều nơi khác trên thế giới như qua nhà văn Gabriel García Márquez (1927-2014), từng đoạt giải Nobel Văn chương năm 1982. Tháng chạp 1978, Gabriel García Márquez viết bài tường thuật về chuyến thăm viếng Việt Nam. Ông vốn là ký giả cưng của nhật báo El Espectador (thành phố Bogotá, Colombia) và các bài viết của ông sau in lại thành 4 tuyển tập. Bản tin về Việt Nam có tựa Vietnam por dentro (Bên trong Việt Nam) được đăng trong tuyển tập thứ tư Obra periodística 4: Por la libre (1974-1995).
Ngày 29 tháng 5, 1980, tạp chí âm nhạc The Rolling Stones cho đăng lại “Vietnam por dentro” bằng Anh ngữ với tựa “The Vietnam Wars.” Những ai từng đọc Trăm năm cô liêu, tác phẩm nổi tiếng của ông, chắc chắn không thể nào tưởng tượng nổi tác giả của nó có thể vô tâm, thậm chí tàn nhẫn và cũng có thể dùng chữ “bất lương” trong trường hợp này. Từ một ngòi viết rất hoa lệ, sử dụng lối văn chương hiện thực thần bí để tạo nên một thế giới Châu Mỹ Latin linh nghiệm, một dòng mực đen ngòm chảy tuôn mạt sát cả một nửa chủng tộc và quay mặt đi trước nỗi thống hận của con người:
-“[…] Thứ thuốc đắt nhất vào tháng 8 năm ngoái tại Việt Nam là thuốc chống say sóng […] Bọn hợp tác với chế độ cũ và bọn tiểu tư sản, vì những thay đổi trong xã hội, đã mất hết những đặc quyền của họ và không mong gì khác hơn là đào thoát với bất cứ giá nào. Chỉ có những người mà lương tâm chính trị đã được thử thách nhiều mới chịu sửa soạn ở lại mà số này cũng chẳng còn bao nhiêu trong một thành phố đồi trụy đã bị Hoa Kỳ chiếm đóng nhiều năm. Đại đa số còn lại sẵn sàng bỏ đi mà không cần băn khoăn về số phần sau này của họ […] Những nhân sự được huấn luyện kỹ nhất về phương diện chính trị và khả năng nghề nghiệp đã bị chế độ trước sát hại một cách có hệ thống trong Chương trình Phượng Hoàng […] Cuộc di tản của người tỵ nạn bắt đầu vào tháng tư năm 1975 […] Cựu quân nhân và cảnh sát, kẻ lộ mặt làm gián điệp và kẻ tra tấn (tù nhân), cùng với kẻ sát nhân được trả công trong Chương trình Phượng Hoàng, đã tẩu thoát ra khỏi đất nước […] Tuy vậy, vấn đề trầm trọng nhất mà Việt Nam phải đối phó sau khi đã được giải phóng, không phải là tội nhân chiến tranh mà là đám tiểu tư sản tại Miền Nam với người Hoa chiếm đa số […] Dưới sự chiếm đóng của bọn “Yankee,” Sài Gòn đã mất hết căn cước văn hóa của nó, biến thành một thiên đàng nhân tạo […] Cái giá của sự mê sảng này thực kinh ngạc: 360.000 người tàn tật, một triệu góa phụ, nửa triệu gái điếm, nửa triệu con nghiện, một triệu người mắc bệnh lao và một triệu cựu binh sĩ của chế độ cũ không cách nào cải tạo lại được cho hoàn toàn để gia nhập vào một xã hội mới…” (Gabriel García Márquez, “Vietnam Wars – Fighting to reclaim its devastated country, Vietnam faces a hostile China and the threat of a defeated enemy within its borders,” ngày 29. 5. 1980, The Rolling Stones/ dịch giả Gregory Rabassa chuyển sang Anh ngữ) (1)
-“[…] Việt Nam, một lần nữa, lại là nạn nhân của một cuộc âm mưu vĩ đại của thế giới. Chính phủ Việt Nam chưa từng trục xuất ai cả dù là có thể họ đã ngó lơ lúc đó. Nhưng tôi biết rằng trong sự hỗn loạn của cuộc chạy trốn (năm 1975) rất nhiều chuyên viên và nhân sự chuyên nghiệp – những người tối cần thiết cho việc tái tạo đất nước – đã bỏ đi. Nhà cầm quyền đã phạm mấy lỗi lầm không chữa được. Lỗi lầm thứ nhất là tính sai hay là không tiên liệu được cuộc vận động vĩ đại của thế giới dành cho người Việt tỵ nạn… (“[…] Vietnam had once more been the victim of an immense international conspiracy. Its government hadn’t expelled anyone, although it was probable that at times it had conveniently looked the other way. But I was aware that in the confusion of the exodus, a great many technicians and professionals that the country urgently needed for reconstruction had left. The government had made irreparable mistakes. The first had been miscalculating or not foreseeing the enormous size of the international campaign in favor of the refugees…“) (Gabriel García Márquez, sđd)
Một phần trình bày cảm tưởng khác về người tỵ nạn của Gabriel García Márquez cũng làm cho Enrique Krauze, một sử gia kiêm tiểu luận gia người Mexico, phẫn nộ:
– “Với người sáng lập Tổ chức Habeas, cái tai họa không phải ở chỗ hàng trăm ngàn người tỵ nạn bị chết đuối, bị chết đói, bị bệnh nặng, bị cướp hết tài sản, bị hãm hiếp, bị giết. Cái tai họa là cả thế giới đã được biết về sự thể này. García Márquez ân hận rằng người Việt – những người quyền thế, những người mà ông ta phỏng vấn – không sở hữu “sự tiên liệu để tính được bàn cân rộng lớn của cuộc vận động mà thế giới dành cho người tỵ nạn.” Người tranh đấu cho nhân quyền đã thắng kẻ độc tài.– đấy mới là sự làm phiền lòng García Márquez … (“For the founder of Habeas, the calamity was not the hundreds of thousands of fugitives drowned, starving, ill, stripped of their possessions, raped, murdered. The calamity was that the world knew about all this. García Márquez regretted that the Vietnamese—the important Vietnamese, the ones he had interviewed —did not possess the “foresight to calculate the vast scale of the international effort on behalf of the refugees.” The humanitarians had outplayed the totalitarians — that is what bothered him…“) (Enrique Krauze, “In the Shadow of the Patriarch-Gabriel García Márquez and the demons of his time,” The New Republic, trang 44, ngày 4.11.2009 – http://www.newrepublic.com/article/books-and-arts/the-shadow-the-patriarch)
García Márquez tự nhận nghề ký giả mới là nghề thực của ông. Ông còn bày tỏ rằng “Trong ngành báo chí, chỉ cần một sự kiện sai là (đủ) làm tổn hại cho cả bài viết…” (“I’ve always been convinced that my true profession is that of a journalist […] In journalism just one fact that is false prejudices the entire work…”) (Peter H. Stone phỏng vấn Gabriel García Márquez, “The Art of Fiction No. 69,” The Paris Review Số 82, Mùa đông 1981- http://www.theparisreview.org/interviews/3196/the-art-of-fiction-no-69-gabriel-garcia-marquez)
Khỏi phải nói, bài tường thuật về Việt Nam của García Márquez có quá nhiều sai lầm đủ nói lên thiên kiến của một tác gia chưa hề biết đến cái đói, nói chi mất tự do; một tác gia từng bị một tác gia khác – Mario Vargas Llosa, người Peru – mắng là “Con điếm của Castro” . Ông cũng bị tố nhận ân huệ của Castro cùng với những bữa tiệc linh đình, đủ sức tặng bạn hữu rượu của hãng Veuve Clicquot (giá hiện thời một chai từ gần 60 mĩ kim cho tới có khi hơn 2, 3 ngàn mĩ kim) trong khi khẩu phần hàng tháng của một người dân Cuba lúc ấy (1982) là khoảng hơn 3 ký gạo, 1 ký đậu, hơn 2 ký đường, 250 gram dầu, 400 gram “pasta,” 10 quả trứng, nửa ký thịt gà đông lạnh và khoảng 250 gram thịt gà bằm có thể thay bằng cá, vv. (Enrique Krauze, trích dẫn Ángel Esteban&Stéphanie Panichelli, sđd, t.rang 45)
Người viết trích dẫn xem ra rất dài dòng những thí dụ này để cuối cùng chúng ta cùng suy luận mấy điểm sau đây. Theo họ, thứ nhất, tự điển Miền Nam – phản ảnh dân trí của một quốc gia – vô giá trị. Thứ hai, người Việt ở Biển-ngoài không sử dụng được tiếng Việt “thuần chất” nghĩa là sẽ không sáng tác được. Thứ ba người tỵ nạn Cộng sản toàn là bọn sát nhân và lười biếng từng nhận bổng lộc của triều đình… Hoa kỳ (!) Nhưng một điều quan trọng nữa, theo người viết, là cái mà họ không nhắc đến: nhà văn, Văn học Miền Nam và Văn học Biển-ngoài. Lý do đơn giản là họ không biết hay cố tình không biết. Mà có biết thì cũng không biết đầy đủ.
Bởi vậy, một cách khác, các tác phẩm của Mặc Đỗ, căn cứ trên bối cảnh lịch sử và quan điểm của tác giả, cũng cho thêm tài liệu về phần sử-đang-viết, phần khuyết sử là sử của Văn học Miền Nam mà các “sử quan” bên nhà xem ra vẫn chưa rành lắm qua các cuốn bình luận mới đây.
I-Từ Siu cô nương tới Bốn mươi – Sống với sự phi lý: “Il n’y a qu’un problème philosophique vraiment sérieux: c’est le suicide… L’absurde naît de cette confrontation entre l’appel humain et le silence déraisonnable du monde…” (Le mythe de Sisyphe, 1942, Albert Camus)
Siu cô nương, một truyện dài của Mặc Đỗ, xuất bản vào tháng giêng 1959, có thể coi là tác phẩm duy nhất của một nhân chứng về những ngày thoi thóp của Hà Nội, về cái không khí chênh vênh của những Hà Nội đi hay Hà Nội ở. Trước khi tiến xa hơn với Siu cô nương, người viết phải nói ngay rằng xét theo thứ tự ngày tháng thì lẽ ra phải bàn đến Bốn mươi trước vì Bốn mươi được xuất bản vào cuối tháng 10, 1957 nghĩa là hai năm trước Siu cô nương. Nhưng với một sự chủ quan bất thường lẽ ra không nên có của một độc giả, người viết đem Siu cô nương ra bàn đến ngay vì tác phẩm này chứng minh hầu như chắc chắn, cả cho tác phẩm đi trước, rằng Mặc Đỗ gần gụi “ý niệm phi lý” rồi thái độ “đầu thế” (“engagé” – chữ của Trần Phong Giao trong bản dịch Văn nghệ hiện đại, Albert Camus) hơn là thái độ của các tác gia Hoa Kỳ thuộc thời “thế hệ bỏ đi” (lost generation – chữ của Mặc Đỗ) mà ông từng chuyển ngữ như Ernest Hemingway và John Steinbeck. Trong nhiều tác phẩm của Mặc Đỗ, sự phi lý xuất hiện để con người vươn lên khôi phục phẩm giá đã bị chế ngự bởi những sự phi lý đó:
-“Có ai ý niệm nổi cái sức chiêu dụ ghê người của trang giấy trắng những khi chàng ngồi một mình ở trước bàn! Những hàng chữ nối đuôi nhau không ngớt, những nhân vật chàng gọi dậy để sống lại sâu sắc những vô lý của cái xã hội vô lý, và họp nhau lại để tạo nên những tác phẩm, để chứng tỏ rằng cũng còn có những gì có lý ở bên bao nhiêu cái vô lý lớn…” (… Mặc Đỗ, Bốn mươi, trang 10)
-“Anh đã làm một cuộc thăm dò về quá khứ và đem chính mình ra so đọ với hiện tại. Anh đã gặp bao nhiêu tâm hồn bạn, ở những người trước cũng như những người chung quanh. Bây giờ cố gắng xây dựng hiện tại để lo gìn giữ lấy tương lai…” (Mặc Đỗ, Bốn mươi, trang 214)
Lý do gần gũi hơn đó có thể rất giản dị: cũng như thế hệ Albert Camus với trận thế chiến 1939 và riêng Camus với cuộc chiến dành độc lập của Algeria, thế hệ Mặc Đỗ đã phải chịu cơn ba đào của những biến cố chính trị đẫm máu giữa người Việt và người Pháp và giữa người Việt quốc gia và người Việt cộng sản. Trong hoàn cảnh ấy, thế hệ Mặc Đỗ không có sự lựa chọn như “thế hệ bỏ đi” của Hoa Kỳ. Thế hệ này, theo nhân chứng Malcolm Cowley, đã “bỏ đi” vì nhiều lý do như: họ đã được huấn luyện để sửa soạn cho một đời sống trong một thế giới khác sau khi chiến tranh chấm dứt (mà cuộc chiến lại chỉ sửa soạn cho họ đi du lịch hay đầy nhộn nhịp), họ cố sống đời lưu cư xa xứ, họ không chấp nhận bất cứ kiểu mẫu hướng dẫn nào về lối hành đạo của thế hệ trước và vì họ đã mường tượng một thứ chân dung sai lầm của xã hội với vị trí nhà văn trong đó, v.v. (Malcolm Cowley, Exile’s Return – A Literary Odyssey of the 1920’s, trang 9, Nhà xuất bản Viking Press, 1951). Những lý do ấy quả là một thứ xa xỉ phẩm cho thế hệ Nhất Linh, Mặc Đỗ Từ trước tới nay, có hai người đã phê bình Siu cô nương. Tam Ích, người thứ nhất, đề cập đến khía cạnh lịch sử và Cao Huy Khanh, người thứ hai, kết luận rằng Mặc Đỗ là một “tiểu thuyết gia tâm lý.” Theo Tam Ích,
-“Lát nữa ba người thanh niên, hai con đĩ và một xác chết sẽ hiện trên màn ảnh, và kết cuộc là ba chàng sẽ giã từ Hà Nội để vào Sài Gòn, tránh cộng sản […] Ba người này là một thứ thanh niên trí thức tiểu tư sản của một thời đại mới […] Ba người đó thuộc về những hạng người yêu nước, yêu dân tộc, muốn cho lịch sử có ý nghĩa nhưng không muốn chiếm độc quyền một danh từ đẹp nào! […] Và nhất là họ không yêu nước như những người cộng sản: nghĩa là họ chống cộng[…] và thái độ trí thức của họ – thái độ của những người đã lựa chọn và những người “cùng một lứa bên trời lận đận” – đượm một hương vị thất vọng và rất hiện sinh. […] Họ làm gì, dự định những gì, trong lúc lịch sử đương vạch biên giới tại vĩ tuyến 17 giữa đất nước, và đương thử thách một sự “hợp chất” trên đời sống hai mươi lăm triệu người? Làm gì thì chưa biết, nhưng khi kết thúc thì tác giả dè dặt, và những nhân vật nói thứ ngôn ngữ của những người phóng biếm (chinique)… Thấy họ lên xe lửa vào Nam (ở mấy trang cuối cùng của Siu cô nương), mà lòng thì cũng nao nao xuất ngoại […] Mộ nói: “Chúng mày khéo lôi thôi, tao đã nói mãi: ra đi là mất. Mất thì phải làm lại, còn cãi nhau nỗi gì?” Lũy cãi: “Chết mất mát gì mà kêu ca.” Mộ phản đối: “Có mất. Mất một con đĩ và một cái xác chết.” Lũy tu một hớp rượu, gật gù, rất buồn: “Ừ, hai con đĩ và một cái xác chết.”
“Xin nói rõ: cái xác chết đây là cái xác chết của Hiểu: một thanh niên trí thức, loại bốn mươi, có học, có lý tưởng, nhưng chết vì đau ho lao nặng quá. Còn hai con đĩ: một con là Siu cô nương, một cô gái trí thức lai Tàu, làm việc cho một nhà khiêu vũ, biết nói tiếng Pháp, có trong tủ sách một vài cuốn sách hiện sinh… Mặc Đỗ đem Siu cô nương vào trong truyện làm cái cớ để cho những nhân vật khác lưu động trên sân khấu một cách mềm dẻo: một vai phụ nhưng chập chờn trong toàn diện cuốn sách như một nếp duyên… Còn con đĩ thứ hai là Loan, một cô gái đẹp của một nhà nho giáo, hy sinh tấm thân trong trắng cho sĩ quan Pháp để phụng sự đảng… Mà thiệt là cắc cớ: Loan lại yêu Thái, một luật sư ở Hà Nội – hai tâm hồn thương nhau nhưng tự dối mình, yêu nhau nhưng khó lấy nhau, giữa lúc một người (Loan) vào đảng cộng sản như tín đồ vào giáo đường, còn một người (Thái) lại chống cộng! Cuối cùng, Thái từ chối Loan và Loan thức một giấc mộng nửa hư nửa thực; và Mộ từ chối Siu để Siu chạy đi tìm một anh chàng trọc phú người Trung Hoa […] Thái, Mộ, Lũy, trên chuyến tàu vào Sài Gòn mơ hồ tiếc hai con đĩ trong tiềm thức mà không dám thú nhận. Vì vậy, Mộ và Lũy đã đặt mối tình với đĩ ngang cái chết thiêng liêng của một người bạn mà tình thân hữu cao quý như tất cả mọi thực thể có vị trí trên bàn thờ thần tượng. Cái chết của bạn và mối tình của con đĩ đều có địa vị trong lòng người: giữa hư và thực, giữa cái đáng tôn thờ và cái đáng chà đạp, biên giới lờ mờ không rõ ràng” (Tam Ích, Ý văn 1, Lá Bối xuất bản lần thứ nhất, Sài Gòn ngày 22. 2. 1967 – Bản điện tử do talawas thực hiện)
Nhưng nếu xét khác đi, Siu cô nương mới là nhân vật chính của “ý thức phi lý” để làm bật lên ý thức tiếp tục tranh đấu cho một cuộc sống xán lạn và công bằng hơn, dù có tuyệt vọng thể nào, của ba người đàn ông thua cuộc, ít nhất là vào lúc đó. Siu cô nương, gục xuống vì sự chối từ sống chung của Mộ – trong khi bao lâu nay nàng đã cứ đinh ninh là chắc chắn đến nỗi nhờ người bạn gái mua nhà trước ở Sài gòn “xây một cái tổ xinh xinh” cho hai người– đi thẳng đến trao thân cho một thương gia Hoa Kiều dù trước đó nàng ghét hắn cay đắng. Đó là một thứ tự vận chậm mà chắc cho một cô gái thông minh, có sắc và trí thức khi nhận ra sự phi lý của cuộc đời mình, một cuộc đời không do mình định đoạt dù cố gắng tới đâu: cái lúc tưởng cầm chắc một hạnh phúc thì cũng là lúc rơi ngay xuống vực. Siu cô nương rơi xuống vực vì nàng không đối diện được một cuộc đời vốn đầy những lẽ nghịch thường bủa vây bằng bao điều phi lý:
-“Cái phi lý ở đây bắt nguồn từ sự so sánh bi đát giữa cuộc đời phi lý với ý muốn trật tự, hữu lý trong thâm tâm con người. Giác ngộ rồi, sẽ thấy triết lý cao xa nhất là bám chặt lấy cuộc đời đầy phi lý, đi hẳn vào giữa khuôn khổ của hiện hữu, như lời thơ Pindare mà Albert Camus hằng yêu mến: “Hồn ta ơi đừng nghĩ đến cuối đời bất diệt, hãy tận hưởng, hãy khai thác triệt để khu vực của khả dĩ, của hiện hữu!.” Phải tận hưởng, phải sống nhiều vì thái độ khôn ngoan nhất vẫn là nhìn thẳng vào cái phi lý của cuộc đời, bình tĩnh khai thác tới mức tối đa cái gì là khả dĩ, trong khuôn khổ cuộc đời phi lý. Phải tạo nên một hình ảnh Sisyphe sung sướng trong cái phi lý, “phải tưởng tượng Sisyphe sung sướng” (lời Albert Camus) vì không còn giải pháp nào khác. Lối thoát tự nhiên người ta nghĩ đến trước nhất, khi cảm thấy đời phi lý, có lẽ là tự sát. Nhưng đó không phải là một giải pháp hay. Vì theo Albert Camus, khi biết cuộc đời phi lý, thái độ tự nhiên, thực nhất, tức là sống trong cuộc đời phi lý đó. Tự vẫn, tức là đã gián tiếp bắt cuộc đời phải có một ý nghĩa mà nó không hề có….”(Trần Hồng Châu, Dăm ba điều nghĩ về văn học nghệ thuật, “Camus giữa lòng thế kỷ XX: con người khao khát đi tìm hạnh phúc trong cái phi lý của cuộc đời,” trang 175-176, Văn nghệ xuất bản, 2003, Hoa Kỳ) (2)
Một cái chết thứ hai trong Siu cô nương – cái chết của Hiểu, người viết bản kịch Những người có mặt mà Siu cô nương đóng vai chính – cũng lại đậm nét ý niệm phi lý. Hiểu, một đảng viên của một đảng chống Cộng sản, không chết vì “đau bệnh ho lao” mà chết vì đầu hàng số phần thua trận trong trận đánh thứ nhất với người Cộng sản. Chàng không chịu uống thuốc nữa khi biết chắc người Cộng sản đã rõ nắm được Miền Bắc. Trong khi các bạn thân của Hiểu như Thái (luật sư), Mộ (chính khách) và Lũy (giáo sư nhưng hoạt động văn nghệ và chính trị) quyết tái lập một nước cờ khác bằng cách di Nam, Hiểu trốn bạn nằm đợi chết ở một nơi hẻo lánh. Thìn, bác sĩ của Hiểu, giải nghĩa cho các bạn của chàng:
-“[…]Chữa lao cũng như chữa cháy, thu hẹp phạm vi đám lửa lại được chừng nào càng hay. Tình trạng tâm lý của Hiểu hiện nay không khác nào đã cháy lại có chất rơm thêm ở chung quanh. Vừa đúng lúc bệnh sắp phát nặng thì hình như anh ấy có gặp một chuyện gì buồn lắm. Chính anh Hiểu cũng có chủ tâm không muốn khỏi, chữa bệnh như là ép uổng, thật khó quá…” (Siu cô nương, trang 255)
Hiểu phẫn chí vì sự thất bại của Hiểu và các đồng chí là một sự thất bại đau xót đã phải trả bằng xương máu:
“[…] Cái hồi bọn này thất bại, rút qua biên giới. Sau ba ngày lặn lội, không có lấy một miếng cơm, mưa tầm tã, lạnh thấu xương sống, trước khi leo qua đợt núi cuối cùng cao ngất trước mặt, già nửa anh em trong bọn đã ngồi vật xuống, không còn tinh thần để cố gắng nữa. Thằng Hải –cậu biết nó, phải không? – một tên được tiếng can trường trong bọn, ngước nhìn vách đá sừng sững rồi lắc đầu nói: “Lẽ sống của tao không ở bên kia vách đá, gia đình tao, vợ con tao còn ở Hà Nội cả. Cực khổ thêm một ngày nữa, để cũng chẳng tìm thấy một cái gì cụ thể, thật vô ích.” Già nửa số anh em đã cùng với thằng Hải ở lại với một mục đích cụ thể là tìm về với gia đình. Chúng nó đã sa hết vào tay Vẹm, không một thằng nào sống sót và gặp gia đình. Được cái đáng mừng là không thằng nào đầu hàng cả, dù có thằng mới cưới vợ được vài ba tháng trước khi đi với anh em. Còn bọn này cố leo qua mỏm núi, lần mò tới Côn Minh, với hi vọng tìm tới những gì cao xa lắm, nghĩa là cao hơn thứ gia đình, vợ con một bậc! Kết cục, trở về Hà Nội được, tìm lại được gia đình, sau hơn bốn năm lưu lạc bên Tàu. Để bây giờ chưa biết sẽ đi đâu. Bế tắc hoàn toàn bế tắc… (Mặc Đỗ, Siu cô nương) (3)
Đó cũng là một cách tự vẫn nhưng trong bối cảnh chiến tranh, càng đau xót phi lý hơn khi người ta đáng lẽ phải chiến đấu mạnh mẽ hơn cho niềm tin của mình:
-“Nhận định sự phi lý của kiếp người ở ngay bản thân mình, lối thoát độc nhất tưởng không ngoài việc tự tay chặt đứt dòng sống vô nghĩa và vô ích.” Chỉ có một vấn đề triết học đích đáng là tự tử’. Điều đó dễ hiểu đối với một thế hệ đã sống giữa cuộc khủng hoảng kinh tế năm hai mươi tuổi và giữa chiến tranh khi vừa ba mươi tuổi. Sự tàn nhẫn của hiện tại đó đã thấp thoáng trong văn chương từ nhiều năm trước và thật tình rõ rệt đối với thế hệ Camus trong chiến tranh. Cuộc hành trình tinh thần được thể hiện trong văn chương không khởi điểm từ những gía trị sẵn có mà nhân những phiêu lưu của những con người bị ném vào cuộc đời với hai bàn tay trắng […] Nhưng tới Le Mythe de Sisyphe bắt đầu có một nhãn hiệu rõ rệt: ‘Sự tuyệt duyên giữa con người và cuộc đời, giữa kịch sĩ và bối cảnh, đích thực là ý thức phi lý’. Con người cảm thấy mất la bàn giữa một cuộc đời khách- lạ. Những ảo ảnh thần kinh không thề là một nguồn an ủi, nhưng càng vì sáng suốt mà từ chối những liều thuốc lú cổ điển, nông nổi khắc khoải càng tăng bội. Camus đã mượn một nhân vật trong kịch Caligula để nói lên: ‘Bỏ mất cuộc sống là chuyện không đáng kể, lúc cần đến tôi sẵn sàng đủ can đảm. Nhưng trông thấy tan biến cái ý nghĩa của cuộc đời này, tan biến đi cái lý do của sự hiện hữu đó mới là điều không thể chịu nổi…” (Mặc Đỗ, “Albert Camus và đạo sống,” Hiện Đại số 5 – Chủ đề “Những tác giả được giải thưởng Nobel Văn chương, trang 20, tháng 8.1960, Chủ nhiệm & Chủ bút: nhà thơ Nguyên Sa-Tài liệu của Thành viên Diễn đàn Sách xưa)
Nhưng cũng chính từ sự bế tắc rất phi lý đó mà Camus đề nghị một giải pháp thực tiễn:
-“[…] Phải bấu víu vào đâu để tìm thấy ý nghĩa cuộc đời?[…] Một khi đã ý thức được sự day dứt giữa nỗi thắc mắc của con người và tư bề lặng lẽ ở chung quanh, thái độ xứng đáng nhất là phải lao mình vào, dù biết rằng tuyệt vọng. Phải chọn một cuộc sống với một ý thức sáng suốt nhất, gạt sang bên những chuyện ưa may, từ chối hết thảy mọi ảo tưởng. Chọn cuộc sống dù nghĩ rằng cuộc sống phi lý, xã hội bất công và không mong đợi được chút gì ở những đấng thiêng liêng. Chính ở giữa nỗi cùng cực tuyệt vọng, sau khi đã nhận được tinh tế những giới hạn, sự thống khổ và những bất công ở cõi đời này, lòng yêu sự sống mới nổi dậy với những màu sắc chiêu dụ…” (Mặc Đỗ, sđd, trang 19-20)
Trong Siu cô nương, không chịu thua, nghĩ là tự tin vào sức mình để không chấp nhận một sự bỏ cuộc vô điều kiện, nhóm bạn Thái, Mộ và Lũy cùng anh em dựng vở kịch Những người có mặt công chiếu tại Nhà Hát Hà Nội trước khi bỏ Miền Bắc vào Miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh bằng văn nghệ. Họ vào Nam cùng ba tổn thương nhân mạng lớn Hiểu, Siu cô nương và Loan nghĩa là cũng đem theo sự mất mát của tình bạn và tình yêu vốn là cốt tủy của những người tranh đấu nhưng có tâm hồn rất nghệ sĩ này:
-“Thưa các bạn khán giả, vòm Nhà Hát Hà Nội hôm nay, lần cuối cùng, lại vang ngân tiếng nói của chúng tôi, của những người đã nhiều lần có mặt trên sân khấu này. Sân khấu nhà hát Hà Nội có thể coi như tượng trưng cho những hoạt động về kịch từ xưa tới nay, những hoạt động sẽ tạm chấm dứt kể từ sau hôm nay. Chúng tôi coi sự có mặt của anh em chúng tôi tại đây, đêm nay, như một dịp giã từ sân khấu Nhà Hát Hà Nội, giã từ cả thành phố Hà Nội mà chúng tôi đã để nhiều kỷ niệm. Vở kịch chính chúng tôi chọn để trình diễn đêm nay, do một sự tình cờ, mang tên Những người có mặt. Tác giả khi viết đã không định dành vở kịch cho một đêm như đêm nay. Chúng tôi đã chọn trình diễn vở kịch này vì thấy có một sự phù hợp đặc biệt với hoàn cảnh của chúng tôi và các bạn khán giả đêm nay. Không khí hậu trường của một ban hát trình diễn đêm cuối cùng trước khi đối phương tràn tới cũng giống như không khí của hậu trường Nhà Hát Hà Nội đêm nay. Ban hát trong kịch có mặt ở tiền tuyến đến phút cuối cùng cũng ôm ấp những tâm trạng không khác tâm trạng của anh em trong ban kịch chúng tôi. Sự có mặt của chúng tôi gửi hết ý nghĩa vào sự giã từ của chúng tôi với khán giả Hà Nội, với Nhà Hát Hà Nội và với cả thành phố Hà Nội.” (Mặc Đỗ, sđd trang 307)
Đoạn trên của Siu cô nương đã đạt được sức thuyết phục đến nỗi Cao Huy Khanh tin là phải có thực, đã xảy ra tại Nhà Hát Hà Nội, khiến ông ghi lại trong bài phê bình khi đưa ra trích dẫn:
-“Nếu cái sự kiện đó quả thật đã diễn ra ngoài đời dù chỉ đúng một phân nửa thì cũng xin mạn phép tác giả để trích lại ở đây như một chứng liệu lịch sử và văn nghệ đã xẩy ra của toàn thể dân tộc…” (Cao Huy Khanh, “Mặc Đỗ: Tiểu thuyết tiểu tư sản,” Khởi Hành số 77, trang 7, ngày 29.10.1970 – Chủ nhiệm & chủ bút Trần Văn Trọng, Thư ký tòa soạn: Viên Linh – Tài liệu của Lưu Đức).
“Lòng yêu sự sống” ấy sẽ thấy đậm đà hơn và hầu như bao chiếm từ truyện dài Bốn mươi cho tới một số truyện ngắn khác và nhất là trong các bài tiểu luận văn nghệ, đánh dấu giai đoạn Mặc Đỗ di xuống Miền Nam, tạm quên Hà nội để nhập vào “Sài gòn của tôi,” hòa với một môi trường sáng tác khác. Mặc Đỗ chính thức rời Miền Bắc, rời Tạp chí Phổ Thông – Cơ quan văn hóa của hội Ái hữu Cựu sinh viên Trường Luật, rời nơi ông xuất hiện đầu tiên với bút danh Mặc Đỗ.
II- Từ Bốn mươi tới Tân truyện
1-Bốn mươi
Bốn mươi xuất bản vào tháng 10. 1957. Mặc Đỗ có kèm hai trang Bạt, dưới hình thức một lá thư trả lời người độc giả đầu tiên, bày tỏ tâm nguyện của ông khi viết về một nhóm người “tiểu tư sản” khác. Quả vậy, các nhân vật trong truyện– nhất là Lê, nhân vật nam chính, tốt nghiệp tiến sĩ luật ở ngoại quốc nhưng không hành nghề mà chọn nghề văn, rồi Jacqueline Bùi, nhân vật nữ chính, cũng tốt nghiệp tiến sĩ luật ở ngoại quốc, bạn đồng song với Lê, về nước hành nghề luật – thuộc giới cực-thượng-lưu mà đa số độc giả không thể nào có dịp tham dự chung được. Tuy quả là có một giới như thế nhưng những tên Charles, Rosa, Jacqueline và cách xưng hô “toa toa moa moa.”… có làm người đọc khựng lại. Nói theo kiểu thời thượng bây giờ, các nhân vật trong Bốn mươi – bác sĩ, luật sư, thương gia, lái xe hơi, uống rượu mạnh – có lẽ gần với giới một-phần-trăm (The One Percent) hơn là đại đa số dân chúng trong xã hội này. Mặc Đỗ có lẽ đã đoán được sự dị ứng của giới chín-chín-phần-trăm (We are the 99 percent)” với Bốn Mươi nên mới có lời bạt đó:
-“[…] Tôi viết văn, tầm mắt dường như bao dung hơn, tôi đặt ranh giới quá rộng, và sẵn-sàng đồng minh với hết thảy những ai có ít nhiều cảm-tình. Trong dự-định rộng-rãi của tôi – đưa những người tiểu-tư-sản Việt Nam vào trong truyện – mẻ lưới đầu tiên tôi dành để chụp lấy những người đứng xa mực trung nhất, ở tận cùng cánh hữu. Tôi không thấy một lý-do gì để gạt họ ra khỏi hàng ngũ, nhất là tôi đã có nhiều cơ-hội để nhận thấy họ cũng ôm những thắc mắc như chúng ta. Rủ nhau cùng đi một đường vẫn hơn là đẩy họ đi theo những ngưởi khác.
Anh cũng trách tôi tại sao lại chịu khó gần “những con người như vậy.” Ở trên, tôi đã trả lời anh về điểm này được phần nào. Tôi cũng cần nói thêm: Quả tình tôi thích thú bước lại gần cái xã hội mà anh gọi là đang đi xuống đó. Tôi mắc cái tật ưa đằm mình trong những cái vô lý của thế hệ hiện tại. Vô lý là điểm đặc sắc nhất của xã hội đang thời, theo ý tôi. Những nhân vật trong truyện của tôi nhiều ít đểu biểu minh cho cái vô lý đang mang mang. Tôi vuốt ve họ là vì thế….” (Mặc Đỗ, sđd)
A! Nếu đề cập tới “cái vô lý của thế hệ hiện tại” hay “cái vô lý đang mang mang” thì cả giới “một-phần-trăm” lẫn giới “chín-chín-phần-trăm” sẽ có thể ngồi chung để bàn luận về nhiều sự phi lý của cuộc đời mà, như Mặc Đỗ sẽ chứng minh, không giới nào thoát khỏi.
Chu vi của nội dung Bốn mươi hẹp hơn Siu cô nương tuy trọng tâm của truyện vẫn là sự so găng giữa bên cộng sản (nằm vùng) và bên quốc gia-tiểu tư sản. Hiện tượng một số sinh viên thiên tả du học trở về, lẳng lặng tiếp tục công cuộc phá hoại của họ ngay trong Miền Nam là một thực tế hồi đó. Cho nên, các nhân vật trong truyện – tốt nghiệp khoa bảng từ ngoại quốc, có ảnh hưởng thực sự trên chính trường hay hậu trường Miền Nam – là nhân tố cho một cuộc thử sức mới với người cộng sản. Nhóm thân Cộng như Liêu, Biểu, sau khi nhận ra Lê và Jacqueline không còn mặn mòi với chủ nghĩa Cộng sản như hồi còn ở Pháp nữa, dùng bàn tay vô tình của Jacqueline phá tan một vụ làm ăn lớn của cụ Nghị đại tư sản, thân phụ của Lê. Hành động của họ hóa ra làm Jacqueline càng sáng mắt và giải thoát cho gia đình Lê khỏi bị trói buộc vào con đường làm giàu mãi mãi. Mặc Đỗ sử dụng mối tình giữa Lê và Jacqueline để dựng một câu chuyện có thắt mở hào hứng – người đọc có cảm tưởng đang ngồi bên cánh gà quan sát các diễn viên – nhưng, tuy không khác gì Siu cô nương, trọng tâm của truyện vẫn là mối băn khoăn về một phương cách chống Cộng hữu hiệu và một thực tế rút kinh nghiệm từ những bước vấp trong quá khứ:
– “Việt nói với Lê :
“-Hồi tôi ở Côn Lôn mới về, hỏi thăm tin các anh em cũ thấy nói anh ở Pháp và… liên lạc mật thiết với bên kia lắm?
“-Đúng. Nhưng thật ra có liên lạc mật thiết với một số người thì đúng hơn. Từ ngày về tới đây, tôi mới gỡ được cái mặc cảm phạm tội. Hồi ở bên ấy, tôi bị day dứt quá, trông trước trông sau có thấy ai ngoài bọn họ. Tôi còn bị mê hoặc sẽ một công đôi việc: sau khi thoát được ách thống trị của thực dân sẽ thực hiện ngay được một chế độ xã hội công bằng. Thú thực với anh, trước kia tôi không tin những người quốc gia vì họ thiếu hẳn một chủ trương xây dựng ở sau cuộc giải phóng dân tộc. Danh hiệu dân chủ suông không đủ để tin theo […] Đi với tụi bên kia tôi vẫn đinh ninh là sẽ làm một cuộc thí nghiệm, vì quả thực đứng gần họ tôi vẫn thấy có gì gai gai trong người. Thí nghiệm xong tôi có đủ can đảm để nhìn nhận sự sai lầm của mình ban đầu. Bây giờ tôi đã thấy tôi sáng ra nhiều lắm rồi, đã chọn được con đường nhất định…” (Mặc Đỗ, sđd, trang 81-82)
Có điều hết sức đáng chú ý là quan điểm của Mặc Đỗ về sự liên đới giữa kinh doanh và giới “sĩ phu.” Qua lời phát biểu của Lê, không chỉ giới tiểu tư sản mà một thế hệ sĩ phu mới được nuôi dưỡng bởi các thế hệ trước bằng bất cứ ngành nghề nào cũng sẽ giúp phần cho xã hội, một xã hội chống Cộng:
-“Lê vội nắm lấy câu nói của cha: ‘Con cũng đồng ý như cha vậy […] Chính nhờ sự hy sinh của Ba đến đời con lại nối tiếp được những hoài bão của đẳng cấp sĩ phu trước. Những trách nhiệm mà tổ tiên ta gửi lại, sau vài thế hệ bị hi sinh, bây giờ đã có những lớp người sẵn sàng nhận lấy. Con tin chắc Ba không nề hà gì mà không cho con được cái vinh dự đó.’
“Ông Nghị yên lặng nhìn con, lát sau cụ mới nói:
“-Tao đã mấy lần mắng mày điên. Mắng như vậy nhưng rồi cũng hối tiếc ngay. Tao nghĩ lại thì thấy rằng một đời tao hy sinh đã đủ lắm. Nói thế không phải là cho rằng đến đời mày cứ ngồi đó mà hưởng. Tao không nhìn thấy rõ nhưng tao có linh tính rằng đến đời mày, trong hoàn cảnh hiện tại, những trách nhiệm đã đổi khác đi, nó không còn là nhắm mắt làm giàu và cố nuôi con ăn học như tao đã làm. Ở đời tao chỉ thù nhất những người cứ bình thản để mặc cho đời trôi qua, tìm những việc dễ dàng , qua ngày đoạn tháng rồi lại đổ tại hoàn cảnh. Mày đã biết ý thức được trách nhiệm, biết mê say với trách nhiệm đã nhận, tao còn lo ngại gì. Làm giàu mãi, để rồi bị cuốn vào guồng máy, quên mất thực trạng của mình, đuổi theo những huyễn tượng, tao có muốn như vậy đâu…” (Mặc Đỗ, trang 205-207)
Cũng như trong Siu cô nương, Mặc Đỗ đã cho các nhân vật (thường là đàn ông) trong Bốn mươi đối thoại nhiều về tình thế chính trị và mối nguy cộng sản lúc nào cũng ám ảnh trên một xã hội mới dựng. Nhưng qua đến các truyện ngắn, độc giả sẽ gặp một Mặc Đỗ hơi khác. Các truyện ngắn này chú tâm về đời sống và tâm ý của phụ nữ nhiều hơn chút nữa mà “Tình thương trong ngoặc kép” hay “Trăng đỏ” là những truyện biểu diễn hoàn hảo được kỹ thuật sáng tác của ông. Nếu người đọc biết rằng ông sinh năm 1917 và so sánh văn phong ông với Nhất Linh (1906-1963) rồi Võ Phiến (1925-) hay Thanh Tâm Tuyền (1936-2006) là có thể tưởng tượng ngay được kỹ thuật ông đi trước và đi xa hơn đến thế nào. Hơn thế nữa, tuy dùng kỹ thuật Tây phương nhưng văn ông có đủ từ ngữ Hán việt khiến tăng thêm chất xúc tích và chuyên chở được sức nặng trong các tình huống bắt buộc. Là một dịch giả nổi tiếng, vốn xuất thân từ một nền văn chương ngoại quốc song song với văn chương Việt, ông lại càng tự làm giầu cho sáng tác của mình bằng vốn ngữ vựng và các tư tưởng dồi dào của nền văn chương ngoại quốc đó.
Riêng trong trường hợp này, có một sự tương quan đặc biệt giữa một vài truyện ngắn với truyện dài của ông: người đọc có cảm tưởng một số nhân vật trong Siu cô nương đã lẽo đẽo lẳng lặng lên tầu xuôi Nam cùng với Thái, Mộ và Lũy. Nhất là anh chàng Thái, nay hóa thân thêm thành vài anh chàng khác. Những thảo luận về chính trị, về xã hội từng chiếm đặc nhiều trang trong Siu cô nương và Bốn mươi sẽ lại tái hiện trong các truyện ngắn có trùng tên nhân vật Thái này. Mặc Đỗ không thể không biết có sự trùng hợp đó.
2- Tân truyện và Tân truyện, II
Sau hai tập truyện dài Siu cô nương và Bốn mươi (Đứng ngồi không yên, bản thảo đã hoàn thành của một truyện dài khác, hoàn tất sau Siu cô nương, đã bị tiêu hủy trong chiến tranh), Mặc Đỗ cho xuất bản hai tập Tân Truyện. Ông giải thích thể “tân truyện” như sau:
-“Danh từ tân truyện không do nơi sáng kiến của tôi […] Tân truyện gói trọn vẹn tinh thần của danh từ Pháp nouvelle (danh từ novel trong Anh văn tương đương với danh từ Pháp roman – tiểu thuyết trong khi tân truyện trong Anh văn lại mang tên short story – truyện ngắn) và chỉ loại truyện mà cái gút chính nằm trong một quãng thời gian ngắn và tình tiết không đòi hỏi phải cần thiết trở ngược lại dĩ vãng xa hơn việc giới thiêu nhân vật…” (Mặc Đỗ, Tân truyện, “Lời ghi chú của tác giả”)
Tân truyện (Nhà xuất bản Quan Điểm, 1967) có cả thảy 11 truyện ngắn: Sợ (trang 11-27), Hai con mắt (trang 28-49), Sầu riêng (trang 50-66), Khung cửa mở (trang 67-79), Nhìn nhau (trang 80-99), Bốn người không ngủ (trang 100-118), Bát phở (trang 119-126), Một người muốn trốn (trang 127-144), Con muỗi (trang 145-173), Một cuộc phá hủy công phu (trang 174-203), Thày giáo (trang 204-225).
Tân truyện, II (Nhà xuất bản Văn, 1973) gồm 6 truyện ngắn: Bài thơ đánh mất (trang 5-26), Người đàn bà tìm lại được mùa xuân (trang 27-43), Thư của một người lối xóm nhiễu sự (trang 45-58),Trương Chi con gái (trang 59-76), Người đồng chí gánh cát (trang 77- 98), Tình thương trong ngoặc kép (trang 99-121)
A- Một ngụ ngôn trong truyện ngắn Mặc Đỗ
Chỉ một năm trước khi Miền Nam mất, Mặc Đỗ có một cuốn sách xuất bản mà rất ít người biết. Đó là cuốn Thần nhân và Thần thoại Tây phương (Cơ sở xuất bản Trương Vĩnh Ký, ngày 15.5.1974, Sài Gòn) nhắm giải đáp những điển tích xuất phát từ thần nhân và thần thoại Tây phương xuất hiện trong văn chương Tây phương. Về Sisyphe mà Camus đã dùng như một thí dụ để thuyết về vấn nạn “phi lý,” ông soạn như sau:
-“Theo thuyết thứ nhất hay thuyết thứ hai thì Sisyphe sau khi xuống Địa phủ đều phải chịu một cực hình. Vì cái tật gian giảo, Sisyphe phải lăn một phiến đá từ dưới chân núi lên ngọn một quả núi cao, khi lên tới ngọn núi lại thả cho phiến đá lăn xuống vực ở phía bên kia núi. Sisyphe ngày đêm ra sức lăn phiến đá lên cho tới đỉnh núi. Mồ hôi bốc ra trên đầu Sisyphe làm thành một đám mây bao quanh ngọn núi, Sisyphe lên tới đâu thì đám mây lên tới đó. Khi đem phiến đá lên tới đỉnh núi và sau khi ra sức đẩy qua mỏm núi cho rơi qua sườn núi bên kia thì Sisyphe lại bị một sức mạnh vô hình đẩy té lăn xuống chân núi. Mãi mãi không thôi, Sisyphe phải tiếp tục làm công việc cũ cứ lăn được phiến đá lên đến đỉnh núi lại bị té trở xuống và tiếp tục trở lại..” (Mặc Đỗ, sđd, trang 146-147)
Mặc Đỗ đã áp dụng thần thoại này vào truyện ngắn Bốn người không ngủ:
“[…] Tiếng động kéo dài: quẹt! quẹt! phá tan cái nhịp gióng một đang quen. Tôi đứng sững lại trước một ngõ hẻm. Tiếng bước chân không còn, nhưng tiếng quẹt! quẹt! vẫn tiếp. Tôi nhận thấy quẹt! quẹt! phát động từ một cái bóng lênh khênh tay cầm một cây chổi. […] Một tiếng cười gằn, nghe vui vẻ mà không ác. Tiếp theo là tiếng nói, cái bóng ấy nói: “Đây rồi!” và gọi tên tôi. […] Tôi theo chân hắn, cũng chẳng buồn tự hỏi tại sao Khả lại rỗi hơi đi tranh công việc của những ông quét đường chuyên nghiệp. […] Tôi theo sát sau lưng Khả, vừa toan bước qua ngưỡng cửa thì Khả vội la lên: “Ông ơi! Bỏ giày ra, bụi ở ngoài đời không vào được trong nhà này đâu.” […] Tôi ngạc nhiên thêm một lần nữa: người đứng trước mặt tôi cũng là một anh bạn cũ, đồng thời và đồng cảnh với Khả. Bách chỉ tay xuống sàn: “– Tên Thụy vừa mới lau xong đấy. Cậu tháo giày ra đi, bao nhiêu công phu của nó, bóng như thế kia ai lại nỡ giẫm giầy bụi lên? ” […] Tôi ngủ gục trên ghế một lúc lâu. […]Trong số có mấy người đã chết, chết ngay trước mắt chúng tôi. Hôm nay bỗng nhiên không hẹn mà tụ họp tại đây đông đủ những người còn sống, làm sao tôi không khỏi kinh ngạc và mừng rỡ […] Khó mà quên được những ngày lẩn khuất trong những khu rừng ẩm ướt của miền Tây Bắc, gần biên giới Trung Hoa sau cuộc thất bại vì bị phản bội. Bọn chúng tôi còn lại bảy người. […] Chúng tôi còn phải thắng một trở lực ghê gớm hơn nhiều là cái bụng đói. Cái đói quy định tốc độ của cuộc lủi trốn trong rừng sâu. Ba người trong bọn đã nằm lại, không còn sức để đeo theo cuộc lữ hành xuyên sơn. […] Đó lại là những người lanh lẹ, tháo vát nhất trong bọn, những người đã chiến đấu hăng hái nhất nhưng không phải chiến đấu với cái bụng đói…” (Mặc Đỗ, Bốn người không ngủ).
Bốn người này, như Sisyphe, không ngủ cả đêm, một quét đường, một chùi sàn nhà, một đánh bóng giầy và một lo giữ sáng ngọn đèn dầu lạc.. Họ không sao mang được ba người đồng chí từ địa phủ kia trở về dương thế dù họ có quét, có chùi, có đánh bóng, có thắp ngọn đèn dầu suốt đêm này qua đêm khác. Và những cái chết kia? Cuộc sống cả là một sự phi lý: cái chết bị lãng quên hoàn toàn, chỉ còn trong một trí nhớ cũng đã muốn chết theo.
B- Cơn giông thời đại vần vũ – “Thái” trong truyện ngắn Mặc Đỗ
Nhân vật Thái, xuất hiện trong nhiều truyện nhưng hầu như trong cùng một tình cảnh và trưng bày cùng cá tính:
–Sợ: Thái là chồng của Loan, hoạt động chính trị bị bắt giam, vợ tên Loan
–Nhìn nhau: Thái là bạn của nhân vật chính Nguyên vốn định ở lại Pháp. Thái viết thư cho Nguyên có câu “Anh em hồi ấy, nay vỏn vẹn còn lại có mấy người, nhiều lúc cứ ngồi mà nhìn nhau..” (trang 86, sđd) khiến Nguyên quyết định hồi hương.
– Một người muốn trốn: Thái từ Miền Trung vào Sài Gòn làm báo, lâu ngày muốn trốn luôn họ hàng.
– Người đồng chí gánh cát: Thái thất vọng vì các bạn đồng chí cũ, bỏ đi sống bằng nghề gánh cát.
Qua bốn-mà-hầu-như-một chân dung của Thái này, Mặc Đỗ tạo ra một Thái khác, nhân vật chính trong Người đồng chí gánh cát. Đây là một trong những truyện ngắn hay nhất của ông mà kết cục dữ dội đáng mang nó lên hàng thế giới. Thái đây cũng là một bản sao của Hiểu (tác giả vở kịch) trong Siu cô nương, người phẫn uất đã chọn sự tự vẫn bằng cách không uống thuốc trừ lao, nằm đợi chết ở một nơi mờ mịt. Trái với Hiểu, tự hủy vì cảm thấy bất lực trước bước tiến của người Cộng sản vào Hà nội, Thái lánh xa anh em đồng chí (trí thức) vì thất vọng trước sự thay đổi của họ. Họ đã biến thành những kẻ vinh thân phì gia trong cộng đồng quan quyền mới. Thái ẩn mặt, trở về sống cùng với đám đông lao động- cái lý do chính và từ đầu của cuộc nhập thế của Thái và đám bạn hữu trí thức kia.
Không phải những người như Thái không lường trước được hậu quả bị kẻ trục lợi chiếm hữu ngay cuộc vận động có khi xương máu để thủ lợi. Một trong những vấn đề lớn nhất của người chống Cộng là không đủ thủ đoạn để bảo vệ kết quả có khi quá mong manh trước những kẻ đầu cơ chính trị. Vừa phải đỡ mặt trước trong khi ngoái che sau lưng, khó đoàn thể nào sống sót nổi:
-“[…] Thái đáp:
“Cậu hiểu lầm tôi, tôi không khoe khoang cái muốn chết của tôi, lẩn tránh tất cả đâu có phải là muốn khoe, sở dĩ tôi trốn, đóng vai xác chết, cũng bởi tôi còn ý thức trách nhiệm. Nhận rõ trách nhiệm của mình và biết sẽ không làm trọn cho nên phải trốn. Tôi không muốn dự một vai trong màn kịch phân hóa, tôi không muốn đang tay cầm dao cắt cái quả mà trước kia chúng ta ao ước được nâng niu, tôn thờ, cho nên phải trốn. Không trốn tất nhiên phải có ý kiến, có ý kiến thì tránh sao khỏi tham dự cuộc phân hóa. Biết rằng thân mình vô phương, tôi trốn với một hi vọng anh em sẽ đặt cái quả quý báu đã có lên ngai thờ, rồi quay ra làm việc khác, kiến tạo cái mới bằng yếu tố mới. Nhưng tôi thấy anh em cứ khư khư ôm lấy cái quả sẵn có. Tôi càng muốn trốn, muốn chết.
“Một lần nữa Giang biểu tỏ bực mình bằng một câu nói gắt
“– Một lần nữa tôi mong cậu gác cái vụ muốn chết sang một bên. Nếu ai cũng muốn chết như cậu thì lấy ai dìu dắt bọn tuổi trẻ.
“Thái chồm lên như vồ được món gì đang chờ đợi:
– Tôi sắp muốn đi tới đó thì cậu đã mở đường cho tôi. Điều mà tôi suy nghĩ nhiều nhất đúng như cậu nói. Nhưng tôi đã tìm ra chân lý. Những người lớn bây giờ đừng thắc mắc vì tuổi trẻ. Càng cố giữ vai trò người lớn chúng ta chỉ làm khổ thêm tuổi trẻ. Tại sao không để cho tuổi trẻ tự nó vươn lên? Bài học kéo dài đã bao chục năm chưa đủ mở mắt cho tuổi trẻ hay sao? Hay tuổi trẻ của chúng ta bây giờ cũng chỉ là thứ cây leo, cần có cái cọc mới leo lên nổi? Nguyễn Thái Học ngày xưa bao nhiêu tuổi mà tạo nổi cái nhân trong một hoàn cảnh eo hẹp gấp một trăm lần bây giờ. Những người lớn bây giờ cứ chết hết đi không chừng tuổi trẻ đỡ trông cậy, đỡ thành rặt một thứ cây leo! Đóng vai thủ chỉ để tranh nhau cái phao câu trong mâm cỗ việc làng thì người lớn chỉ dạy được cho tuổi trẻ những kinh nghiệm để trở thành thủ chỉ tranh ăn phao câu mà thôi.
“Nói xong Thái cầm lấy ly rượu tợp một ngụm lớn rồi quay mặt ngó mông ra xa. Giang đáp lại một câu, Thái cứ lặng yên không bắt lời. Hải nói một lời dàn hòa, Thái cũng không đáp. Dưới gốc cây bã đậu lặng lẽ đến nhiều phút dài. Hải chợt vỗ hai tay lên đùi, la lớn:’-Nguy hiểm, nguy hiểm, anh em mình tranh luận mãi bỏ nguội mất hết bao nhiêu công lao của chị Thái.’
“Nghe nhắc tới vợ, Thái quay lại ngó vợ từ nãy vẫn đứng đó, chẳng hiểu gì cả. Thái bèn đứng lên, đi thẳng ra phía đống cát trên bãi đất trống ở trước nhà. Thái cúi xuống vục đầy một thúng cát, lẳng lặng bưng tới dưới cây bã đậu, giơ cao thúng cát trên mặt chiếc bàn có bày những món nhậu khi nãy khói bốc thơm phức, và lật úp chiếc thúng. Cả một bữa tiệc chờ đợi bị chôn kín dưới đống cát. Thiếu phụ la lên một tiếng. Thái lặng lẽ liệng cái thúng không bên gốc cây, rồi đi vô nhà. Giang và Hải chỉ còn một nước là ngả đầu chào thiếu phụ vợ người bạn ngày xưa và kéo nhau ra đi trên con đường đất.” (Mặc Đỗ, Người đồng chí gánh cát)
Có thể nói mà có lẽ không nhầm rằng trong Văn học Miền Nam, không có tác giả nào, ngoài ông, trở đi trở lại thăm viếng một nhóm bạn cùng hoạt động và mặc niệm cái chết của những chiến sĩ chống Cộng đổ xuống trong một khu rừng hiu hắt nào đó bên này hay bên kia biên giới giáp Trung Hoa trong những truyện ngắn ác liệt như vậy. Điều đó có nghĩa quá khứ và cả hiện tại chống Cộng là một sự quan tâm rất đỗi nặng nề của ông. Hơn thế nữa, sự tranh đấu sao cho xứng với “vinh dự làm người” luôn ám ảnh ông. Chúng trào lên ở truyện dài và rồi tuôn qua truyện ngắn. Ngoài các ám ảnh đó, ra khỏi ảm đạm của sự chết và nỗi phi lý theo cùng sự chết; về phương diện văn chương, Mặc Đỗ xứng đáng được coi là một tiểu thuyết gia tâm lý – thay vì tiểu thuyết gia tiểu-tư-sản như một số người không đọc đủ vẫn gán cho ông, như Cao Huy Khanh đã bình phẩm – đã đưa nghệ thuật viết truyện ngắn lên rất cao trong khi ông không hề tự giới hạn vào một giới nào đó trong xã hội.
C- Gút mắt cuộc đời và Những cái chết của nhân vật nữ trong truyện ngắn Mặc Đỗ
Một trong những thành công trội nhất của Mặc Đỗ là sự linh động, sành sỏi và chính xác khi diễn tả tâm trạng những nhân vật nữ, nhất là khi các nhân vật này không chỉ thuộc một giai cấp nào đó mà thôi. Từ một cô vũ nữ vô duyên cho tới một bà nội trợ, từ một bà nạ dòng cho tới một cô “văn võ toàn tài” có thể uống rượu và đấu trí ngầm với một người đàn ông có vợ, từ một cô người làm xấu như Trương Chi tới một cô luật sư giàu sang tuyệt sắc từng du học bên Pháp, từ một cô dọn quán biết đọc Sartre tới cô biết đặt mìn phá hoại, v.v. …Mặc Đỗ đều đủ quan sát và suy luận để cống hiến những chân dung rất khó quên, kể cả chân dung về cái chết của họ. Mà không chỉ chân dung của riêng họ. Phía sau chân dung đó là cái xã hội hỉ nộ ái ố mà họ sống và chết. Và cả những người đàn ông dẫn đến cái chết của họ.
Những cái chết này có thể được ca ngợi (tác giả muốn phái nữ nhìn vào đó mà cảnh giác) hay cũng có thể để chỉ trích (tác giả quá coi thường sức sống nội tâm của phụ nữ) nhưng không thể từ chối rằng, trong truyện Mặc Đỗ, đã có những cái chết mãnh liệt và kinh động dù người chết là nạn nhân của hoàn cảnh như Vân, cô tớ gái nhảy lầu tự vẫn trong Tình thương trong ngoặc kép, hay một sự tình nguyện kết thúc cuộc đời mình khi nhận ra tình yêu đặt lầm chỗ vào một người đàn ông ươn hèn như Sương trong Sợ.
Trước khi bàn sâu xa hơn về các nhân vật nữ đó thì người viết muốn đưa ra một nhận xét đã luôn luôn đọng lại trong đầu mỗi khi gấp Siu cô nương, Bốn mươi hay các tuyển tập truyện ngắn của ông lại: Mặc Đỗ, dịch giả của rất nhiều truyện dài ngắn Âu Mỹ và bởi thế quen thuộc với nhiều trào lưu ngoại quốc, là một người hết sức chừng mực trong quan điểm văn chương cũng như trong quan niệm sáng tác. Ở ông, không có sự “đập phá,” không có chuyện “chủ nghĩa cá nhân” theo cái nghĩa người ta có thể sống bất cần nhân quần, gia đình và xã hội. Ở ông là một sự làm việc miệt mài và một tình thương rộng lớn đoàn kết con người trong nỗi khổ ải và bất lực chung. Bởi thế, ông gần Camus hơn trong ý nghĩ này:
-” Để kết luận, tưởng nên mượn một vài nét đè chừng của một người bạn, Jean Daniel, khi nói về Camus […] Đó là một thái độ của con người phản ứng lại hoàn cảnh bằng cách khôi phục những đặc tính của phẩm cách con người…” (Mặc Đỗ, “Albert Camus và đạo sống,” sđd, trang 23)
Chính vì thế, khi nhớ tới các “chủ nghĩa cá nhân,” “trường phái tự do đập phá” hay “hiện sinh” vv và vv mà người Sài gòn và tác giả Sài Gòn hay bị lôi vào, thú thật đôi khi người viết bật lên cười. “Bật lên cười” vì người viết không khỏi hình dung một Mặc Đỗ-nhân vật cũng đồng thời là hiện thân của một Mặc Đỗ-tác giả (dù biết đó là một sự liên tưởng tối kỵ) khi đọc tới vài câu hiếm hoi do các nhân vật nam nói với người yêu hay bạn hữu của mình về vấn đề hôn nhân trong sáng tác của ông. Mộ, một luật sư chính khách 40 tuổi, nhưng vẫn giữ tâm lý của một cậu nhỏ 18 tuổi, rón rén ra khỏi nhà đi chơi với bạn, sợ mẹ bắt gặp. Và khi Mộ trả lời Siu cô nương “Đi với em sao được, về mẹ đánh chết!” thì hình như đó không phải là một câu nói đùa. Lê, nhân vật chính trong Bốn Mươi, rất “tự do” trong việc sống chung với Jacqueline (không cần cưới hỏi), nhưng khi đối diện với cái mối nguy bị-bắt-lấy-vợ vì một lý do gần giống như Loan trong Đoạn Tuyệt thì lại rất bối rối: “Nhưng trong thâm tâm chàng cũng đành nhận thấy vô phương nếu cụ Nghị dùng tới đòn quyết liệt, đem tình thương của mẹ chàng ra để đánh giá sự lựa chọn của chàng. Đồng thời chàng cũng nhận thấy sót sa biết chừng nào nếu phải xa lìa Jacqueline. Chàng muốn điên lên[…] Và chàng cũng không thể chịu được nếu bà mẹ đau yếu phải buồn khổ vì mình…” (Mặc Đỗ, Bốn mươi, trang 55)
Thánh thần thiên địa ơi, chỉ biết ngồi đó “sót sa” và “điên lên” vì “vô phương” rồi tính bỏ người ta sao cho đặng?! Các cô “nữ quyền” đọc đoạn trên không khỏi dậm chân bứt tóc và muốn thò tay viết lại để cho Jacqueline, một trạng sư xinh đẹp từng chê dài cô chị dâu có bằng cấp của mình là chỉ biết ngồi nhà bận rộn với chồng con, khỏi mất mặt. Té ra tác giả đã quên còn có giới “We are the fifty percent,” là nữ giới nữa, ngoài cái “We are the ninety-nine percent” nữa sao?! Nhưng đây thuộc loại câu hỏi và phản ứng của những độc giả như anh chàng Việt khiến báo hại tác giả phải có lời biện luận ngay từ đầu. Nay xin trở lại phần nhận xét của một độc giả-tuyền-độc giả, dù là thuộc giới 50-phần trăm, chín-chín-phần trăm hay một-phần trăm.
a- Gút mắt cuộc đời – gút mắt kỹ thuật
Mặc Đỗ rất thành công trong thể truyện ngắn khi ông nhận ra và theo đúng nguyên tắc mà chính ông tuân theo: “Cái gút chính nằm trong một quãng thời gian ngắn và tình tiết không đòi hỏi phải cần thiết trở ngược lại dĩ vãng xa hơn việc giới thiệu nhân vật.” Cái “gút chính” này thường được mở ra chỉ trong một đoạn ngắn ở kết cục sau khi sự mô tả tâm lý các nhân vật một cách tài tình qua sự thể dần dần mở ra trước mắt người đọc. Nó là cú đấm “knocked out” khiến người đọc nhận ra nhân vật nào vẫn đứng vững trên võ đài bối cảnh. Nó giải thích chủ ý của tác giả và/hay chủ đích nguyên cả truyện.
Nhưng có khi nó trình bày một câu hỏi mà không giải thích: đó là truyện Trăng đỏ. Trăng đỏ chính ra là một ngoại lệ. Theo tác giả, ông đã định là một truyện dài nhưng viết được chừng 3 chương, 100 trang, thì bận công việc, phải gác lại. Khi quay lại, ông mất đà, chưa thể viết tiếp được nữa. Sau đó, một ngày kia, Mai Thảo muốn có một truyện ngắn, ông đưa cho Mai Thảo chương 1 đăng trên Văn, Sài gòn. Người viết cũng sẽ kèm Trăng đỏ trong phần nhận xét này vì dù không có trong hai tập Tân Truyện, chính Mặc Đỗ đã xem nó là một truyện ngắn, từng cho đăng lại trong tuyển tập Truyện ngắn mà ông mới xuất bản đây (Tủ sách Quan Điểm xuất bản, Hoa Kỳ, 2014).
Sau đây là vài thí dụ tiêu biểu:
Ở Sợ, Sương để lại một bức thư tuyệt mạng sau khi chứng kiến người chồng yêu của mình hất hủi vợ một người bạn tranh đấu cũ vừa bị bắt giam: “Cho nên đến lượt em, em cũng sợ. Em sợ anh, sợ cái vung chật hẹp đè nặng trên cuộc đời nhỏ bé của chúng ta…”
Ở Hai con mắt, Phan – một thanh niên đang cần “đứng đầu ngọn gió để làm một cuộc lựa chọn, để quyết tuyển” một chương trình hành động trong dao động lịch sử, cho mình và cho người– sẽ luôn luôn phải nhớ đến “hai con mắt” của một người đàn bà quê mùa Việt Nam, vì hoàn cảnh, lưu lạc sang chôn đời ở đảo Corse, nơi Phan đến du lịch: “Phan không bao giờ hết ăn năn khi nghĩ nhớ tới người đàn bà gặp ở bên đường trên bờ vụng Porto. Trời! Hai con mắt!”
-Ở Một cuộc phá hủy công phu, Thủy (trước đó được ông chủ hãng lớn tuổi đề nghị lấy làm vợ) thất vọng người yêu không muốn xây dựng với mình, đi lang thang trong đêm, hai lần tự nguyện làm điếm không công mà không ai nhận vì tưởng Thúy điên: “Sáng thứ hai, ông Vĩnh Phương là người ngạc nhiên trước nhất khi Thủy trả lời rất gọn rằng ưng thuận. Ông Vĩnh Phương không biết rằng hai lần phá hủy không đắt, đối với Thủy đã đủ giảm giá Thủy tới mức tương xứng với cái giá của ông ta rồi.”
-Ở Người đồng chí gánh cát, Thái, khinh rẻ đám bạn đồng chí cũ nay vinh thân phì da trên tiền của đồng bào: “Thái cúi xuống vục đầy một thúng cát, lẳng lặng bưng tới dưới cây bã đậu, giơ cao thúng cát trên mặt chiếc bàn có bày những món nhậu khi nãy khói bốc thơm phức, và lật úp chiếc thúng. Cả một bữa tiệc chờ đợi bị chôn kín dưới đống cát.”
-Ở Trương Chi con gái, Túy, một cô làm công yêu ông con trai bác sĩ của chủ nhà, trầm mình tự vẫn vào dịp cưới của ông ta: “Cả nhà chẳng ai buồn đọc báo, không ai biết báo có đăng tin vớt được trên sông Đồng Nai một cái xác thiếu nữ chết đuối trôi dạt vào bờ. Tin trong báo có ghi rõ không tìm thấy giấy tờ trên người tử nạn, chỉ ghi được đặc điểm người con gái chết đuối tuổi chừng mười tám với gương mặt rỗ hoa.”
-Ở Tình thương trong ngoặc kép, Vân, một cô tớ gái, nhẩy lầu tự vẫn sau khi nhận ra nơi cô đến làm công cũng là nhà của người yêu cô trước khi cô bị lừa gạt, bị hãm hiếp, bị trấn lột đến mang bệnh nặng cả về tâm thần lẫn thế xác. Cha của người yêu cô, chủ nhà, chính là vị bác sĩ đã hiểu hết sự tình, ráng sức cứu cô mà không ngờ vợ mình sau này sẽ mướn cô làm công ngay trong nhà. Cô càng không ngờ đứa em trai cô lại là người yêu của cô con gái chủ nhà. Hắn là đứa con hoang đàng đã dẫn cô đến số phần hôm nay: vì ăn chơi trác táng, hắn làm người mẹ góa của cô sạt nghiệp khiến cô phải bán thân để cứu đám ruộng vườn rồi sa vào tay một bọn bất lương. Cô dấu mẹ, dấu em, trốn biệt người yêu nhưng hôm nay tất cả mọi người đều có mặt ở căn nhà này và cô không còn cách nào trốn được nữa. Trước đó, vị bác sĩ và viên biện lý cũng muốn mang vụ cưỡng bức cô ra pháp luật nhưng không ai đủ biết hết nỗi khổ đau, nhất là nỗi đau thầm kín của cô mà giúp cô cho có hiệu quả: “Tất cả những người có liên quan tới cô gáỉ trong vụ này đều có biểu tỏ tình thương với cô gái. Nhưng bấy nhiêu tình thương đã không kéo được cô gái ra khỏi hoàn cảnh khốn khổ. Đặt bên thân phận cô gái, tình thương giống như một món trang sức đáng bày giữa hai ngoặc kép…”
-Ở Con muỗi, Thiện – bạn của Loan, linh mục, trước đó có yêu Loan– trở lại thăm có ý làm thuyết khách để hàn gắn cuộc li dị của hai vợ chồng Loan nhưng bất ngờ đụng đầu với một “con muỗi,” là hiện thân cho một trái cấm quá rực rỡ và sống động đang nằm trước mắt chàng: “Thiện bất chợt chăm chú ngó một con muỗi khá to đậu từ lúc nào trên cánh tay của Loan để trần, duỗi dài trên mép giường. Cánh tay của Loan nây nả như nặn bằng mỡ sữa, con muỗi thì no tròn mà còn cố cong cái đít mọng lên, chúi đầu xuống hút máu. Thiện giơ tay đập mạnh con muỗi trên cánh tay Loan. Độ nóng của cơn sốt của Loan qua lòng bàn tay Thiện như một luồng điện mạnh. Con muỗi chết bẹp còn dính trên tay Thiện với một vệt máu đỏ tươi. Vệt máu đỏ gây một xúc động mãnh liệt trong đầu vị tu sĩ trẻ tuổi. Thiện vụt xô ghế đứng lên, chẳng kịp chào hỏi Loan, hớt hải chạy ra cửa. Ra tới sân, Thiện đưa bàn tay có dính con muỗi và vệt máu chùi vào vạt áo. Nghĩ sao Thiện lại vội túm lấy một chùm lá ở gốc cây trứng cá bên cổng hốt hoảng chùi tay. Rồi Thiện đi miết ra tận đầu phố, một tay cứ phủi mãi vạt áo không biết có dính chút máu nào không.”
Còn đây là trường hợp Trăng đỏ, một trường hợp ngoại lệ vì người đọc chưa thấy kết cục rõ ràng ngoài kết cục là có một vấn vương nào đã bắt đầu rất mơ hồ:
Ở Trăng đỏ, người đàn ông (nhân vật chính), suy ngẫm sau cuộc gặp gỡ với một phụ nữ trẻ xem ra có đủ bản lãnh, kể cả bản lãnh uống rượu mạnh và hút thuốc “bạc ngàn một điếu”: “Biết đâu chỉ riêng mình thấy trăng đỏ, trăng đỏ là của riêng ta tại sao còn phải lôi thôi đi hỏi người khác? Hoặc giả, nếu vợ cũng nhìn thấy trăng đỏ thật, và hỏi tại sao. Tại sao? Biết trả lời thế nào?”
Nhưng chính vì kết cục này, truyện mở ra một cảm tưởng khác của độc giả không có cùng cảm tưởng trên: “Hoặc giả, nếu vợ cũng nhìn thấy trăng đỏ thật, và hỏi tại sao…” Người đọc có linh tính người vợ này hứa hẹn cũng là tay bản lãnh dù có thể không biết uống rượu mạnh hay hút thuốc “bạc ngàn một điếu”: chữ “nếu” này hàm một ý hết sức quan trọng. Sự toan tính “dấu biến” của người đàn ông này dựa trên một thực tế cũng không nói ra ở đây: người vợ sẽ cũng nhìn thấy trăng đỏ chứ không có “hoặc giả” gì. (Ôi! nếu độc giả luôn luôn được viết đoạn kết thay cho tác giả!)
Ngoài kỹ thuật theo đúng nguyên tắc và tài tình mô tả tâm lý nhân vật như nhất quán từ đầu đến cuối– không có cô tớ gái nào lại bàn chuyện hiện sinh phi lý với một cô tớ gái khác hay không có cô trạng sư nào lại lo chạy vạy ra chợ mua rau, đến nỗi bị một con cá lóc nhằm ngày mưa vuột xạp bán cá văng xuống đường quẫy bùn vào chân…–, một yếu tố đặc sắc khác mà Mặc Đỗ hay sử dụng để tăng phần khích động cảm xúc nơi người đọc là hai thái cực trong một tình huống. Ở Trương Chi con gái, Túy chết vì quá đau khổ nhưng cái chết của cô không ai thương tiếc. Sự lưu luyến của cô với người con trai chủ nhà thậm tương phản với thái độ lãnh đạm của anh ta. Ở Tình thương trong ngoặc kép, một xã hội vô hồn, kim tiền đã trấn lột Vân, cô gái đáng thương nghèo khổ này đến tận cùng xương tủy đúng nghĩa đen. Ở Người đồng chí gánh cát, thái độ quyết liệt của Thái–chẳng thà về làm việc lao động để giữ sự trong sạch–kình địch với sự hèn hạ của những kẻ trí thức lợi dụng thời cơ.
Trong văn chương Mặc Đỗ, đó là những lúc ông bày tỏ được tinh thần nhân ái và có lẽ, mục đích viết của ông rõ ràng hơn hết. Ông viết không để bênh ai hay một giai cấp nào:
-“Khởi đầu nhất định chuyên về viết tôi đã có ý niệm rõ ràng về lựa chọn đó: tôi viết cho tôi trước hết, và để nói với độc giả nhiệt tình của người viết gửi trong chữ nghĩa viết ra. Lớn lên giữa những biến cố cuối thập niên 20 và dài sau năm đầu thập niên 30 tôi chịu ảnh hưởng nặng từ thời thế bên ngoài nên viết không để mua vui (hồi nhỏ tôi cứ tưởng viết truyện là để mua vui) cũng không chiều theo thị hiếu của độc giả. Tôi viết cho tôi vì cảm thấy viết được xuống giấy như giải thoát được điều gì đang dồn nén trên tâm tư…” (Nguyễn Tà Cúc phỏng vấn Mặc Đỗ, 1999).
Nhưng theo chính lời ông trả lời phỏng vấn và hiển hiện qua các sáng tác của ông. Mặc Đỗ cũng là người hết sức chú trọng tới tình cảnh phụ nữ.
b- Những cái chết của nhân vật nữ trong truyện ngắn Mặc Đỗ
Dĩ nhiên, các tác giả khác cũng tạo ra rất nhiều cái chết cho nhân vật nữ của họ. Nhưng ở đây, người viết muốn đưa ra hai cái chết của Sương, Túy cộng thêm ba cái chết tượng trưng khác của Siu cô nương, Loan và Thủy. Những cái chết này có thể được ca ngợi (tác giả muốn phái nữ nhìn đó mà cảnh giác) hay cũng có thể bị chỉ trích (tác giả quá coi thường sức sống nội tâm của phụ nữ khiến dễ dàng cho họ hủy mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào.) Người viết bỏ qua những phê bình đó, chỉ đưa ra một nhận xét dựa trên một chi tiết cụ thể: Năm cái chết này đều xuất phát từ phản ứng của nhân vật nữ sau khi hoàn toàn thất vọng vì người yêu của mình. Nói một cách khác, đời sống của các nhân vật nữ này đặt trọn hết vào tay người yêu (hay chồng) của họ. Một khi mất chỗ tựa đó, đương nhiên họ không còn cách nào khác là tự vẫn. Vì sống làm gì nữa? Phi lý quá.
Phần Sương, trong thư tuyệt mạng để lại cho chồng, nàng tâm sự: “Khi anh đọc những hàng chữ cuối cùng này của em thì chắc chắn em không còn sống nữa. Sở dĩ em chọn sự kết thúc quyết liệt này vì em thấy em còn yêu anh quá, yêu như ngày nào chúng mình mới bắt đầu yêu nhau […] Em vẫn luôn luôn hân hoan rằng cuộc đời nhỏ hẹp hạnh phúc của chính mình thỉnh thoảng có đôi khi lộng gió, vì chúng mình có những người bạn như anh Thái. Không dè khi gió đến chính anh lại là người vội vàng lo đóng cửa cho chặt. Cho nên đến lượt em, em cũng sợ. Em sợ anh, sợ cái vung chật hẹp đè nặng trên cuộc đời nhỏ bé của chúng ta…”
Phần Túy, cảm giác xấu, bị bỏ rơi, chỉ ào ạt đến sau khi đám cưới của cậu con trai chủ nhà xảy ra: “Hòa trình luận án xong, tiếp theo là đám cưới, lấy cô Bích dược sĩ […] Trong khi ở nhà trên đông đảo ồn ào những khách khứa, Túy ngồi lặng lẽ một mình ở trong góc gara, bên đống sách báo chờ bán cho ve chai […] Bữa tối hôm đó chị bếp có chia cho Túy mấy miếng bánh ngọt và nguyên một chai nước cam đã mở nút nhưng không dùng đến, Túy nhận nhưng để y nguyên ở góc chiếc bàn mộc trong bếp. Chị bếp bận rộn cũng chẳng hỏi Túy tại sao chưa ăn….”
Phần Thủy, nàng quyết định lấy ông chủ hãng sau khi nhận ra Đạo không yêu nàng đủ để cùng nàng thoát ra cảnh ngộ lúc ấy: “Thủy vẫn không tha, còn cố nói:’ Không lo được chỗ ở, không chừng Thủy phải về dưới tỉnh với bà cô. Trước khi xa Đạo, Thủy muốn… muốn ở lại đêm nay với Đạo… Đạo cho phép nhé?’ Câu nói của Thủy có hiệu lực đem lại sức khỏe rất nhiều cho Đạo. […] Xa khỏi tầm tay của Thủy, Đạo mới đứng lại, hớt hải: ‘Không được đâu, Thủy ơi ! Đừng làm vậy, […] Không thể được… Với lại, tối nay Đạo mắc bận, phải đi bây giờ đây. Thủy dậy bận áo lại đi. Sáng mai tới chơi với Đạo thì hơn. Không kiếm được chỗ ở thì đành về tỉnh vậy. Bỏ sở làm cũng buồn quá nhỉ?’ Thủy không còn can đảm để nghe Đạo nói nữa, lẳng lặng ngồi dậy, mặc áo rất mau và đi ra cửa, không kịp chào hỏi Đạo một câu….”
Phần Siu cô nương, nàng ném cuộc đời vào tay Wồ sau thái độ dứt khoát của Mộ. Phần Loan, nàng gia nhập đám cộng sản chỉ vì yêu Siêu rồi sau này từ lỗi lầm này đến lỗi lầm khác, nàng tuy được tự do nhưng vì Thái đã có vợ, nàng tuyệt vọng ở lại phiêu lưu lần nữa.
Nếu quan niệm rằng viết tiểu thuyết để người đọc chia sẻ cảnh khổ với nhân vật và phóng tầm mắt ra ngoài truyện thì qua năm cái “chết” này, Mặc Đỗ đã thành công rồi.
Thứ nhất, ông đã diễn tả tâm lý các nhân vật nữ rất khéo, mà chính xác nữa – dù có khi làm độc giả, kể cả người viết, tức anh ách về tình yêu rất tai hại của họ – để người đọc cảm thương số phận phụ nữ trong thời loạn cũng như trong thời bình. Dù sang cả, trí thức hay nghèo hèn, vô học; phụ nữ không thoát khỏi lưỡi gươm thời thế, mối luyến ái sâu đậm với người mình yêu hay sự thiếu trắc ẩn của thế giới chung quanh khiến họ có những quyết định hầu như đi ngược lai sự suy nghĩ thông thường và nhất là đánh mất bản năng yêu sự sống vốn vẫn là bản năng vượt trên hết mọi bản năng khác.
Thứ hai, khi gây được phản ứng từ độc giả, ông gợi cho họ nghĩ đến hoàn cảnh và tâm nguyện của chính họ rồi cho chị em chung quanh. Ngay trong chị em chúng ta đây, có bao nhiêu chị em có lúc quẫn bách đến nỗi không có được 5 mĩ kim đổ xăng đi làm? Có bao nhiêu chị em từng làm nghề lao động khuân vác? Có bao nhiêu chị em ngồi luông từng chiếc áo dài sau khi đã cả ngày mỏi mệt làm kế toán tại một hãng tư? Chỉ mới nói tới chừng đó thôi chứ chưa nói tới việc nuôi con và việc lo cho gia đình. Suy ngẫm từ những câu hỏi đó, có thể chúng ta sẽ thấy việc một số phụ nữ lệ thuộc vào tình yêu (và sự tương trợ) của một người đàn ông đến nỗi phải tự tử sẽ không có gì đáng ngạc nhiên hết. Vì tuy vậy mà không phải họ chỉ mất tình yêu. Họ mất những gì còn quý báu hơn nữa: lòng tin vào nhân quần xã hội và một lý tưởng cao trọng qua hình ảnh người đàn ông đó.
Cho nên, khi đứng trước những phi lý của cuộc đời như cái chết của những nhân vật nữ đó, điều người viết – như một độc giả – rút ra là cái “đạo sống” (chữ Mặc Đỗ – Trần Hồng Châu gọi là “đạo hạnh phúc”) của Camus. Cái “đạo sống” ấy khiến nhà văn trở thành một người hành động. Đây là lời của chính Camus:
-Kể từ khi sự không tham dự cũng bị coi là một cách lựa chọn, đáng bị trừng trị hoặc đáng khen ngợi vì vì chính bản chất lựa chọn của nó thì văn nghệ sĩ dù muốn dù không, cũng bị “đẩy xuống tàu.” Theo tôi tưởng, danh từ đẩy xuống tàu ở đây đúng hơn danh từ “đầu thế” (engagé). Bởi vì thật ra, đối với văn nghệ sĩ, đó không phải là một sự tình nguyện nhập ngũ, mà là một thứ dịch vụ quân sự. Ngày nay, mọi văn nghệ sĩ đều bị đầy xuống con thuyền thời đại của họ. Họ phải bấm bụng mà chịu vậy, dù họ có cho rằng con thuyền ấy có tanh ngòm mùi cá, rằng bọn cai tù ở trên thuyền nhiều quá và, tệ hơn nữa, rằng con thuyền đi lạc hướng. Chúng ta đang ở giữa đại dương. Văn nghệ sĩ, cũng như mọi người phải bắt tay vào mái chèo, khi đến lượt họ, chèo mà rán đừng chết gục, nghĩa là có thể tiếp tục sống mà sáng tác…” (Albert Camus, Văn nghệ sĩ với hiện đại, diễn thuyết tại Viện Đại học Upsal, Thụy Điển, ngày 14 tháng chạp, 1957 – Trần Phong Giao chuyển ngữ, Văn nghệ hiện đại, trang 36, Giao điểm tái bản lần thứ nhất, tháng chạp 1963, Sài Gòn)
Mặc Đỗ không bao giờ nhầm sáng tác và đời thật nhưng những bài viết và cả sáng tác sau khi ông rời Việt Nam năm 1975 sẽ chứng minh ông là nhà văn đúng cái nghĩa của Camus trên đây. Ông đã ở giữa đại dương và đã tiếp tục sáng tác. Trong kỳ tới, người viết sẽ bàn tới sáng tác của ông, sau khi ra khỏi nước, từ 1975 tới nay [NTC]
Chú thích
(1) “The most expensive medicine in Vietnam last August were pills for seasickness […] collaborators of the old regime and the bourgeoisie that had lost its privileges through social change wanted nothing but to escape at any price. Only those with a well-tested political conscience, and there weren’t many in a city that had been perverted by long years of American occupation, were prepared to stay. The rest, the immense majority, were ready to leave without even wondering what their fate would be[…]The people with the best political and professional training had been systematically murdered by the previous regime during Operation Phoenix, […] The exodus of refugees began in April 1975 […] Former army and police officers, known spies and torturers, as well as murderers in the pay of Operation Phoenix, fled the country […] The most serious problem that faced Vietnam after liberation, however, was not that of war criminals, but of the bourgeoisie of the South, who were almost all Hoa […] Under Yankee occupation, the city had completely lost its cultural identity, becoming an artificial paradise […] The cost of this delirium was stupefying: 360,000 people mutilated, a million widows, 500,000 prostitutes, 500,000 drug addicts, a million tuberculars and more than a million soldiers of the old regime, impossible to completely rehabilitate into a new society. Ten percent of the population of Ho Chi Minh City was suffering from serious venereal diseases when the war ended, and there were 4 million illiterates throughout the South…’.”..” (Gabriel García Márquez, “Vietnam Wars – Fighting to reclaim its devastated country, Vietnam faces a hostile China and the threat of a defeated enemy within its borders”)
(2) “Trần Hồng Châu” là bút hiệu của giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, Khoa trưởng Phân khoa Văn khoa, Viện Đại học Sài Gòn. Ông cộng tác với các tạp chí Gió Mới và Tiền Phong (1945-1946) tại Hà Nội; chủ trương tạp chí văn nghệ Thế Kỷ 20 tại Sàigòn, 1960. Ông sử dụng bút hiệu Trần Hồng Châu trên Văn, Vấn Đề, Thế Kỷ 20 trước 1975 và trên Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Khởi Hành sau 1975, tại hải ngoại.
(3) Côn Minh là một địa danh thuộc Trung Hoa, nơi mà đảng viên Quốc Dân Đảng phải lánh tại đó một thời gian. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và một số đảng viên đã từng sống tại đây. Theo hồi ký của bà Nguyễn Tường Bách (nhũ danh Hứa Bảo Liên) thì Côn Minh cũng là nơi đặt trụ sở của Việt Nam Quốc dân đảng: “Tới Côn Minh, sau một thời gian ổn định, tôi tìm đến trụ sở của VNQDĐ. Ở đó, tôi gặp ngay anh Tam[…]các anh phần nhiều làm thợ cắt tóc, bồi bàn hay khuân vác trên con đường xe lửa Côn Minh – Mông Tự để kiếm sống…” (Hứa Bảo Liên, Nguyễn Tường Bách và tôi – Hồi ký gia đình, trang 89, 92, tác giả tự xuất bản, 2005, Hoa Kỳ)
(4) “[…] Au milieu de ce vacarme, l’écrivain ne peut plus espérer se tenir à l’écart pour poursuivre les réflexions et les images qui lui [26] sont chères. Jusqu’à présent, et tant bien que mal, l’abstention a toujours été possible dans l’histoire. Celui qui n’approuvait pas, il pouvait souvent se taire, ou parler d’autre chose. Aujourd’hui, tout est changé, le silence même prend un sens redoutable. À partir du moment où l’abstention elle-même est considérée comme un choix, puni ou loué comme tel, l’artiste, qu’il le veuille ou non, est embarqué. Embarqué me paraît ici plus juste qu’engagé. Il ne s’agit pas en effet pour l’artiste d’un engagement volontaire, mais plutôt d’un service militaire obligatoire. Tout artiste aujourd’hui est embarqué dans la galère de son temps. Il doit s’y résigner, même s’il juge que cette galère sent le hareng, que les gardes-chiourme y sont vraiment trop nombreux et que, de surcroît, le cap est mal pris. Nous sommes en pleine mer. L’artiste, comme les autres, doit ramer à son tour, sans mourir, s’il le peut, c’est-à-dire en continuant de vivre et de créer….” (Albert Camus, Discours de suède, trang 15, http://classiques.uqac.ca/classiques/camus_albert/discours_de_suede/discours_de_suede.html