Văn học miền Nam 54-75 (606): Phạm Công Thiện (kỳ 15)

Đã Một Thời Như Thế: Hiện Tượng Phạm Công Thiện

Nguyễn Văn Lục

Ông Phạm Công Thiện vừa mới qua đời ngày 8 tháng 3, 2011 trong một tình trạng thể xác mà theo gia đình “ông mệt dần, bắt đầu nhập định và ra đi nhẹ nhàng”.

Theo nguyện vọng cuối cùng của ông thi sĩ Phạm Công Thiện, ông muốn “không làm tang lễ rườm rà, chỉ hoả thiêu”.

Việc ra đi của ông kể như xong một kiếp người! Thật đơn giản và có thể thật nhẹ nhàng thanh thoát đối với ông!

Một cái chết nhẹ nhàng! Thế là xong.

Con người thực và những hành trạng của thi sĩ Phạm Công Thiện

Mặc dầu là một cái chết nhẹ nhàng, nhưng cái chết đã được chuẩn bị hay báo trước ngay từ thời trẻ. Ông thường luôn bị nỗi ám ảnh thường trực về cái chết. Ông viết lúc 25 tuổi:

“Mấy thời gian gần đây, tao thường nghĩ đến cái chết của tao. Tao thấy rằng nếu tao chết ngay bây giờ thì tao cũng chẳng hối tiếc một mảy may nào cả. Tao đã sống trọn vẹn với tao từng giây từng phút; tao đã khổ đến điên người, tao đã sướng đến run lên, tao có thể chết được ngay lúc này hay bất cứ lúc nào (…) đối với tao, thời gian chỉ là một hơi khói bốc lên hay một mùi thơm của con gái xông lên nồng ấm vào lúc ba giờ sáng; còn cái chết chỉ là sự sống bị lột truồng ra, như tao hay mầy lột truồng con Nanou hay con Nicole tại xóm St. Denis ở cái thành phố Paris chó má này.”

Trích thư Lettre à un poète Vietnamien avant son suicide trong tuyển tập Tribu, Paris 19-8-1964, trang 52.

Ngay từ năm 1964, theo như phần ghi lại tiểu sử chính thức của gia đình, ông phải ra Nha Trang: sống an dưỡng sau một “cuộc khủng hoảng tinh thần”. Năm 1964, tính theo năm sinh của ông là 1-6-1941, có nghĩa là cuộc khủng hoảng tinh thần này xảy ra năm ông mới 23 tuổi!

Không ai biết rõ mức độ cuộc khủng hoảng tinh thần này thế nào và có giữ vai trò gì trong những sáng tác sau đó chừng một năm của ông không?

Nhưng một điều chắc chắn là những ám ảnh về tự huỷ đã được cấy mầm như ở trên. Lúc ấy ông đã 25 tuổi – hai năm sau cuộc khủng hoảng tinh thần vào năm 1964.

Trong phần cáo phó của gia đình, có phần ghi nhận ông nổi tiếng thần đồng về ngôn ngữ. Năm 15 tuổi đã học thông viết thạo năm ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha. Ngoài ra còn biết tiếng Sanskrit, La Tinh.

1957, 16 tuổi ông xuất bản cuốn tự điển Anh Ngữ Tinh Âm.

Cộng tác với Bông Lúa, Phổ thông, Bách Khoa, Văn, Giữ thơm Quê mẹ.

Trong dịp ra đi của thi sĩ Phạm Công Thiện, một số bạn bè ông trong giới văn học, nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ và nhất là giới thi sĩ đã lên tiếng nói về ông một lần chót. Trong đó có Trịnh Cung, Du Tử Lê, Trần vấn Lệ, Viên Linh, v.v…

Những lời chia sẻ đối với người quá vãng phần lớn là những lời thương mến, nhớ thương và nhắc nhở hay hơn thế nữa bày tỏ một sự kính trọng mà bấy lâu khi tác giả còn sống không tiện nói ra.

Riêng đối với Phạm Công Thiện thì tiếng nói của những người bạn của ông hầu như cùng chung ý nghĩ: Họ cảm phục một nhân tài – đôi khi còn có vị không cầm được dòng cảm xúc và không ngần ngại gọi Phạm Công Thiện là một thiên tài, một triết gia – một danh xưng mà những người từng đi qua cổng trường học của Platon thường dè dặt đúng mức để chỉ thị ai có thể được gọi là triết gia.

Những tiếng nói ấy có thể phần lớn dành cho người người sống nhiều hơn cho người đã nằm xuống.

Bên cạnh những lời chia sẻ của các văn hữu còn có tiếng nói chính thức của GHPGTN đã khấp báo tổ chức một lễ cầu siêu ở Hải Ngoại- phần khác cũng là dịp để vinh danh một giáo sư đã có công góp nhiều cho Văn Học và triết học Phật giáo.

Trong ban tin “Giáo sư triết học nổi tiếng Phạm Công Thiện qua đời” đăng tải ở nhiều trang phật giáo trên mạng có ghi thêm về học vị của người quá cố, “… Giáo sư, triết gia, thi sỹ, Phật tử Phạm Công Thiện, pháp danh Nguyên Tánh, – Tiến sỹ triết học tại Đại học Sorbonne, Pháp, nguyên Giáo sư triết học tại Đại Học Toulouse,…”

Điều này có thể có sai sót.

Danh sách các vị đỗ tiến sĩ từ 1930 đến nay ở các đại học Pháp, không có người nào tên Phạm Công Thiện. Anh LKH, anh ruột của vợ Phạm Công Thiện, chị LKTH khi được anh LKH hỏi về bằng cấp của Phạm Công Thiện, chị LKTH chỉ cười mà thôi.

Có lẽ người duy nhất có thể có thẩm quyền tinh thần để nói về những gì liên quan đến Phạm Công Thiện là người vợ cũ của Phạm Công Thiện – người đã sống chung với Phạm Công Thiện từ 1971 và có bốn đứa con huyết thống.

Nhưng cái cười đó phải chăng chứng tỏ là việc đỗ tiến sĩ ở Sorbonne chỉ là một lời đồn, hay tự xưng đúng sự thật?

Người ta còn nhớ lại, cách đây cũng nửa thế kỷ, đại học Vạn Hạnh – không câu nệ hình thức và các bó buộc tiêu chuẩn bằng cấp – đã mời một trí thức mới 25 tuổi đời làm khoa trưởng.

Người mời Phạm Công Thiện là thượng toạ Thích Minh Châu, lúc ấy Phạm Công Thiện đang ở Paris-beatnit, để tóc dài rồi sau đó ông cạo trọc đầu, khoác áo cà sa về Sài Gòn dạy học.

Việc nhận lãnh chức khoa trưởng này cũng được Phạm Công Thiện viết cho H. Miller và H.Miller đã trả lời rất ngoại giao như sau:

“Cũng vậy, ở tuổi 25 mà là là khoa trưởng văn chương ở trong xứ sở của ông! Fabuleux! Ausgezeichnet! Wunderbar!Evcharisto!”

Thật phi thường quá, thật khó tin, thật như chuyện huyền thoại !

(Trích thơ của H. Miller đề ngày 8 tháng tám, 1966.)

Đúng là một điều phi thường.

Ở cùng một thời điểm đó, người viết mới ra trường mà phần kiến thức học được hầu như còn ở giai đoạn “VỠ ĐẤT”. Chưa đọc xong một tác phẩm triết học nào cho đến nơi đến chốn như Heidegger, Merleau Ponty, J.P. Sartre; tệ hơn nữa chưa thuộc tên hết một số triết gia thì đã có một người trẻ cùng thế hệ là khoa trưởng khoa văn, viết sách: “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”. Người ấy đã dõng dạc cho rằng:

“Còn Ivo Andrich và Erich Fromm, bây giờ tao thấy hai tên này còn non nớt, còn về Somerset Maugham, André Gide, Fédérico Schmidt, Aldous Huxley, Hemingway, Jean-René Huguenin, tao thấy chỉ thấy nên liệng vào cầu tiêu công cộng (…)

Còn trường hợp Faulkner, Nikos Kazantsakis, Kafka, Sariyan, Thomas Wolf, Jean Paul Sartre thì tao đã dứt nợ với họ rồi, những tên này chỉ đáng bỏ vào một xó tối ở công cộng, dành riêng cho những mụ đàn bà có chửa, dành riêng cho những đàn bà đọc những lúc sắp sinh con hay những lúc chờ chồng đi xa trở về.”

(Trích trong Tribu, Phạm Công Thiện, trang 53.) Sự cao ngạo đi đến chỗ tột cùng của nó.

Giả dụ cứ cho rằng tôi thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, giả dụ tôi có đủ điều kiện để có đủ các sách trong kệ sách và giả dụ tôi thật thông minh thì ìt nhất tôi cũng phải để ra 10 năm, không ăn, không ngủ, không làm tình, không cờ bạc may ra mới đọc được một phần ba các tác giả kể trên.

Vậy mà với tuổi đời trên 20, Phạm Công Thiện, thông lầu kiến thức thiên hạ và đã thẳng tay vứt tất cả các tác giả trên vào thùng rác sau khi đọc xong.

Xin ghi lại ở đây của Nguyễn Hưng Quốc trên Blog VOA và được đăng lại trên Diendan theky. Nguyễn Hưng Quốc viết:

Sự ngưỡng mộ của người đọc thường được bộc lộ một cách rất nồng nhiệt và sôi nổi. Biến thành những lời trầm trồ, bàn tán, khen ngợi ở khắp nơi.

Phân tách ai là là những người ngưỡng mộ Phạm Công Thiện trong giới bạn bè của ông? Nguyễn Hưng Quốc đưa ra nhận xét 3 loại người:

– Một học không có gì xuất sắc.

– Hai cách ăn nói hơi tàng tàng.

-Ba ở dơ, tóc tai thì bù xù, quần áo thì bẩn thỉu, người ngợm thì rất hiếm khi được tắm rửa.

Dần dần tôi cố giấu sự say mê của mình, có đọc Phạm Công Thiện thì cũng đọc “lén” ngoài tầm nhìn bạn bè. (…)

Nhân cách của ông có cái gì ngang tàng, phóng đãng, bạt mạt, bay bổng, vượt ra ngoài khuôn phép và quy ước của xã hội, những điều hoàn toàn bị cấm kỵ dưới xã hội chủ nghĩa.

Có lẽ nhận xét của Nguyễn Hưng Quốc phản ánh một phần nào điều mà tôi gọi Là Hiện Tượng Phạm Công Thiện ở đầu bài viết này. Thời thập niên 1960-1970, có rất nhiều hiện tượng xxã hội như hiện tượng Hippies (để tóc dài, mọc quần Jeans, nhạc cuồng loạn, xử dụng ma tuý, chống lại những quy ước xã hội, có nhóm chống lại chiến tranh, xá láng tình dục như ở bên Pháp, bên Đức.

Phạm Công Thiện là một hiện tượng xảy ra trong văn học và triết học. Một thứ hiện tượng phủ nhận của phủ nhận, phủ nhận tuyệt đối, khước từ mọi giá trị đến từ xã hội.

Vì thế viết bài này tôi không đánh giá giá trị các tác phẩm của Phạm Công Thiện, cũng không phê bình những người yêu thích Phạm Công Thiện, vì nó ở ngoài khuôn khổ các giá trị đã được chuẩn nhận. Chẳng hạn khi nói rằng tác phẩm của đại triết gia nọ triết gia kia chỉ đáng vứt vào sọt rác.

Điều đó là một khẳng định vô bằng.

Một hiện tượng là một sự kiện mang tính xã hội khác thường, không giống ai, một thứ độc đáo “chống” lại số đông tập thể về cách sống, cách nghĩ, thái độ và nó thể có gây ra những phản ứng trái chiều hoăc đồng thuận.

Nó rất dễ được giới trẻ chấp nhận như một cách nói thay cho họ, phản ứng ngược chiều với những giá trị, những truyền thống vốn được tôn trọng.

Tiêu biểu như nhà thơ Nguyễn Hữu Chánh, trong Tiền Vệ, sinh năm 1958 trong bài viết” Rực rỡ của tuyệt vong”. Trong tưởng tượng của tôi, nếu chọn 10 tác giả của Sài Gòn trước 1975, trong số đó có Phạm Công Thiện. Còn nếu chọn 5, trong số đó vẫn có Phạm Công Thiện. Và nếu chỉ chọn một, thì người đó dĩ nhiên là Phạm Công Thiện.

Nhận xét của nhà thơ trẻ trên cực đoan và võ đoán y hệt sự đánh giá của Phạm Công Thiện về Henri. Miller như sau trong thư gửi bạn thi sĩ của ông như sau:

Chỉ có một người duy nhất tao vẫn kính mến, thương yêu và quý phục đến cùng độ, người ấy là Henri. Miller, năm nay vẫn còn sống, sắp đến 73 tuổi rồi.

Tao cho rằng Henri Miller là thiên tài vĩ đại nhất của cả Đông Phương và Tây Phương trong suốt ba bốn ngàn năm văn hoá nhân loại. Tao cho rằng Henri Miller vĩ đại hơn Lão Tử, Héraclite, Parménide và Empedocle.

Về Henri Miller, tao muốn nói lên lời tiên tri tối hậu rằng từ năm chục năm nữa trở đi thì Henri Miller sẽ ảnh hưởng dữ dội đến nhân loại còn hơn là Jésus Christ ảnh hưởng đến Tây Phương hay Phật Thích Ca ảnh hưởng đến Đông Phương… Tao mong mày sống dai và sẽ thấy những gì tao báo trước hôm nay.

Nguyễn Văn Lục

Thư từ trao đổi với Henry Miller

Có lẽ “người duy nhất” được Phạm Công Thiện kính nể và tôn sùng là Henry Miller. Tôi nghĩ rằng có thể từ chỗ gặp Henry Miller ở California, rồi có ý định muốn dịch tác phẩm của Henry Miller, sau đó Phạm Công Thiện liên lạc thư từ với Henry Miller. Hai người – một trẻ, một già – đã trở thành những người bạn tâm tình kéo dài cả hơn chục năm.

Lúc đầu, Henry Miller rất trân trọng Phạm Công Thiện, coi Phạm Công Thiện như một “đại sư”, một Rimbaud Việt Nam (Rimbaud là một thần đồng về thơ của Pháp, từ lúc 17 tuổi). Sự cảm mến và trân trọng một người trẻ tuổi đi đến chổ Henry Miller sẵn sàng giúp đỡ vật chất cho Phạm Công Thiện. Phạm Công Thiện đã trân trọng giữ lại những thư của Henry Miller gửi cho ông và đã cho in trong tập “Tribu”, dầy hơn 160 trang (Impression: COREP Toulouse et Imprimerie 34 pour le planches intérieures et la couverture ISSN: 0758-8100. Numéro publié avec la collaboration du Centre de Promotion Cuturelle L’Université de Toulouse-LeMirail… Dépôt legal: 1er trimester 1984.) Tuy nhiên đây chỉ là dấu tích trao đổi một phía. Phạm Công Thiện không công bố thư của ông gởi cho Henry Miller trong tập “Tribu”. Đó là một điều thật đáng tiếc, vì sau này, không ai biết thực sự Phạm Công Thiện đã viết gì cho Henry Miller. Cùng lắm chỉ biết được gián tiếp qua những lá thư ngắn của Henry Miller trả lời cho Phạm Công Thiện.

Xin được trích dẫn một số trong những lá thư ấy hiếm hoi có giá trị lịch sử văn học này. Một lá thư của Henry Miller đề ngày 28 tháng 9 1972 (thời gian Phạm Công Thiện đã có gia đình và ở bên Pháp chưa có công ăn việc làm); Henry Miller đã viết phản bác lại ý kiến của Phạm Công Thiện phê bình Durell (Durell là bạn thân của Miller) như sau:

Tôi muốn nói đến việc ông phê bình Durell, nhưng buộc lòng tôi phải nói với ông rằng không thể nào cho bất cứ ai nếu không được nuôi dạy trong dòng tiếng Anh lại có thể thưởng thức và đánh giá trọn vẹn đầy đủ về ông ta. Ông ta là thứ đại sư của tiếng Anh (“master of English”). Còn về những công trình sáng tác của ông ta, nó đã đem lại cho chúng ta điều gì và có ý nghĩa gì thì lại là một câu hỏi khác. Đối với tôi, ông đã hoàn toàn nhầm lẫn khi ông nói rằng ông ta thiếu lửa “Fire”. Tôi nghĩ rằng trong “Quartetr” thì tràn đầy lửa, và phải chăng đó lại là chính cái điểm yếu của “Quartet”, nếu ông muốn tìm một điểm yếu của nó.

Nguồn: http://hoiquantramhuong.org/index.php/trang-ca-nhan-tac-gi/147-nguyn-vn-lc/605-nguyn-vn-lc

·

Comments are closed.