Văn học miền Nam 54-75 (608): Nguyễn Đình Toàn (kỳ 2)

Áo mơ phai

chương hai

Chuyến xe điện chạy đậu trước chợ, trời mưa, xe khá đông. Xe từ phía bờ hồ vẫn chưa chạy lên, nên chuyến xe vừa tới phải ngừng lại đợi. Chặng đường trước chợ cũng là quãng đường đôi để cho hai xe tránh nhau trước khi các xe lại chạy vào con đường một.

Lan nói:

– Mình đáp xe này về Chợ Hôm luôn.

Chúng tôi băng qua đường. Trận mưa làm cho bụi đất rơi rớt trên mặt lộ biến thành một lớp bùn mỏng làm dính giầy.

Lan bước đi có những vết bùn nhỏ bắn lấm rấm trên vạt áo sau.

Chúng tôi leo lên tầu kiếm được hai chỗ ngồi, ngó ra ngoài.

Trận mưa vẫn còn trút xuống. Trên tàu, hành khách dường như cũng bị ảnh hưởng bởi con mưa trông vẻ mặt người nào cũng nhuộm vẻ đăm chiêu, nóng nảy hặc lạnh lùng.

Trong khói mưa của buổi chiều, Hà Nội dường như chìm trong một giấc mơ non, giấc mơ hiện tới khi giấc ngủ chưa thành, chiều chưa hết, đêm chưa qua, tất cả còn nửa chừng, nửa vời.

Hai chiếc xe đã gặp nhau từ lúc nào, tôi nhìn thấy loáng thoáng những bóng người bên kia cửa sổ, những tiếng chuông điện leng keng, những hạt mưa nhẹ bay tạt bám trên mặt và tiếng rì rầm của bánh xe lăn trên đường sắt, xe đã chạy bon gần hết Hàng Đào.

Lan cũng ngồi yên lặng bên cạnh tôi, không nói gì.

Xe ngừng lại ở bờ hồ.

Trên mặt hồ những đám sương đầu tiên đã bắt đầu tụ lại với hơi nước. Lấp lánh trên hồ những con sóng nhỏ, những ánh đèn màu của các cửa tiệm hắt xuống đã nhìn thấy qua lớp sương.

Lan hỏi Quang:

– Anh có muốn xuống đi bộ một quãng không.

Quang hỏi lại Lan:

– Cô không sợ lạnh à ?

Lan cười:

– Sợ.

– Sợ sao còn muốn đi ?

– Hồ đẹp nhỉ.

– Thì lúc nào chẳng vậy.

Lan không nói gì, nhưng trông vẻ mặt nàng, có vẻ như nàng không nghe thấy câu nói sau cùng của Quang. Nàng đang bị huyễn hoặc bởi cái vẻ mờ ảo của mặt hồ. Từ đó những trận gió cuốn theo những đám khói sương bay lẩn quẩn và thổi tới hai người những hơi lạnh cái lạnh rơn rớt của mùa Thu đang bị hơi nước của ngày mưa làm cho lạnh hơn một chút.

Hồ Gươm vào những ngày nắng ấm, vào mùa Xuân hay mùa Hè trông giống như trái tim của Hà Nội, lao xao những đợt xanh biếc, nhịp máu rộn ràng đập theo cơn vui hay ít nhất không vướng chút phiền muộn của thành phố. Về mùa Thu, hồ lại có vẻ giống như con mắt buồn bã, và mùa Đông đôi khi mặt hồ in bóng của bầu trời sáng lạn một cách khác thường hồ như nước mắt còn sót bao thế hệ điêu linh và hùng tráng, lúc nào cũng long lanh, cũng còn không ngừng xúc động.

Cũng có hôm mặt hồ phẳng lặng như một tờ giấy cả đến những con cá nhỏ cũng lặn đâu mất, mùa Đông lạnh cóng dường muốn làm cho cả khối nước đông lại thành một cái hố bằng cẩm thạch. Cả hồ, cả người, cả thành phố thở chung một sự giá buốt, mặt trời có khi cả ngày không thấy bóng. Các đám mây mang nặng những trận mưa rào, những trận mưa trút xuống như thác lũ, những trận mưa không thể rơi xuống vì lạnh, những buổi chiều gió và sự băng giá đã làm cho khô se da mặt dù không có một chút nắng và mọi vật cứ tưởng tượng thì dường như đều có vẻ ấm ướt, mà thực vậy, mọi người đều thở ra khói ở miệng, người ta có cảm tưởng những đám khói do chính mình thở ra đó sẽ biến thành hơi nước bám trên mặt, nhưng sờ tay sẽ chỉ thấy sự giá lạnh khô khan, mùa Đông đã làm cho những người mắc chứng đau phổi sợ hãi, cái vẻ xanh xao của họ càng trở nên nhợt nhạt, hơi lạnh người ta thở vào trong phổi dường như cái cơ thể bệnh hoạn không còn đủ nhiệt lượng làm tan ra, điều hòa, ngày này qua ngày khác, mấy tháng mùa Đông đã làm cho những người mắc phải chứng bệnh này yếu ớt thêm một cách mau chóng, người ta mong ngóng mặt trời ao ước những ngày nắng ấm, chờ đợi một cách âm thầm, buồn thảm, bởi vì mùa Đông còn rất dài, và người ta sợ hãi lẫn nhau, trốn người này người khác, soi lấy sắc da mất dần ánh máu của mình.

Quang và Lan bỏ xe điện xuống đi bộ một lát. Mưa làm cho đêm xuống mau hơn. Mặt hồ trong phút chốc chỉ còn là một khoảng tối đen, người ta phân biệt được nước và bờ nhờ những ánh đèn chiếu trên bờ hồ.

Gió mỗi lúc thêm lạnh ngắt.

Chuông nhà thờ lớn đổ ngân ga trong cái vắng lặng thoi thóp của ngày vừa đi hết và đêm buông xuống. Những giọng chuông tan trong không khí lạnh lẽo tạo nên một sự ấm áp tưởng tượng.

Đứng từ ven hồ bên này trông sang con dốc Hàng Trống, nhì sâu hơn nữa trên lối rẽ sang nhà thờ, những ánh đèn đường bị những cành cây che phủ không thấy rõ nữa, người ta chỉ còn thấy một quãng đường nhỏ ướt nước mưa, phản chiếu ánh điện bóng loáng.

Quang bảo Lan:

– Thôi lại trèo lên xe đi về chứ. Lội bộ thế này đến bao giờ.

Lan nói:

– Đi hết quãng đường này, đến quán hàng hoa hãy hay.

– Cô không mỏi chân à ?

– Mỏi, nhưng em còn đi được mà.

Hai người đi qua cái vòm cổng xây trên giữa lối đi, nơi hàng ngày, nhất là những ngày mùa Đông, một người Tàu già vẫn ngồi bán lạc rang, học trò và cả những người lớn nữa, đi qua quãng đường này không thể không nhớ tới người Tàu đó, mua một gói lạc bỏ trong túi, những hột lạc đã được người bán lựa chọn, hạt nào hạt ấy tròn xoe luôn luôn được ủ nóng hổi, hơi nóng tỏa lan trong túi làm ấm người. Người Tàu già bán lạc rang này phải được kể là tay vô địch trong nghề về cách lựa chọn lạc, cách rang và bốc bán cho khách hàng.

Lạc không bao giờ được gói sẵn. Chỉ khi nào có khách mua mới được bốc gói trong giấy đưa cho khách. Nhưng lão già có một bàn tay kỳ lạ, mỗi vốc lạc được lão giao cho khách hàng, có người đã có lần kiểm chứng bằng cách mang đếm lại, chỉ thấy chên lệch nhau một hai hột mà thôi.

Cũng trên quãng đường này, dân thành phố mỗi năm một vài lần được đọc một vài cái quảng cáo về các buổi trình diễn kịch tại Nhà Hát Lớn Thành Phố. Nét chữ viết bằng phẩm màu đã bị nước mưa làm cho nhòe nhoẹt, mặc dầu người ta đã cẩn thận để tấm biểu sát dưới một gốc cây cho đỡ ướt.

Lan nói:

– Mình phải đi xem buổi trình diễn này.

Tôi cười bảo Lan:

– Cứ theo cô thì mình có nhiều việc phải làm quá.

Lan bảo:

– Biết đâu đó chẳng là lần cuối cùng mình được coi.

Quang nói:

– Cuối cùng sao được.

– Nếu xảy ra chuyện chia cắt đất nước thật như người ta đồn, thì chẳng biết đến bao giờ mới được coi lại thật đấy chứ.

– Thì cũng một hai năm, ba năm là cùng lại đâu vào đấy cả.

– Không, anh không có cái năng khiếu của đàn bà con gái anh không biết được đâu.

– Năng khiếu gì mới được chứ?

– Chỉ có hai cách để hiểu mọi chuyện hoặc là người ta biết ngọn ngành câu chuyện đó. Hoặc người ta nhớ đến năng khiếu ấy.

– Cô cho là nếu cuộc chia cắt xẩy ra sẽ lâu lắm hay sao?

– Em không dám đoán chắc như thế. Nhưng em linh cảm thấy ít nhất nó cũng không dễ dàng gì đâu.

– Giả thử như là có một cuộc chia cắt cô muốn đi hay ở lại?

– Điều này đối với em lại càng khó. Em làm sao quyết định được?

Mặc dù trời đã nhá nhem, nhưng bên kia đường một vào người đàn ông vẫn chúi mũi đọc những bản tin của Việt Nam Thông Tấn Xã treo trên một tấm bảng.

Thành phố trong phú chốc đèn được thắp lên khắp ngã. Những ngọn đèn thắp sáng sau những hàng cây cho nhìn thấy rõ hơn màu sương sớm. Những người thợ làm việc muộn nhất cũng đang lần lượt cuốc bộ hay đạp xe trên đường ra về, những người thợ điện mặc quần áo xanh, quán hoa đã đóng cửa, tin tức về trận đánh Điện Biên Phủ đương đè nặng trên thành phố trong suốt mấy tháng, những gia đình có thân nhân được đem đến dự trận đánh này không trở lại, những người sắp được đem đến đó, người ta được nghe kể về những chuyện nhẩy dù không còn là những chuyến nhẩy dù nữa mà chỉ còn là những vụ ném quân từ trên trời xuống bằng dù, các trận đánh bùng nổ ở nhiều chỗ trong một lúc làm cho thành phố bỗng nhiên vắng hẳn bóng những người lính Tây, thỉnh thoảng một vài chiếc xe nhà binh chạy không hay chở đầy lính nhằm ngả phi trường Bạch Mai.

Những người giàu có bỏ đi đã làm cho những người nghèo ở lại thêm lo lắng, họ chỉ còn biết chờ đợi, nghe ngóng xem chuyện gì sẽ xẩy ra, họ chẳng thể tiên liệu sẽ làm gì ngoài việc hàng ngày trông đợi đọc những tờ báo, mở máy thâu thanh đón nghe những tin tức mới nhất về cuộc hội nghị ở Genève, những tin tức được loan truyền từ các đài phát thanh ngoại quốc, sau đó mới đến lượt các đài trong nước loan truyền lại, bao giờ cũng chậm trễ, phần lớn các tin tức lại bị cắt xén hoặc có khi bỏ hẳn, cách loan truyền tin tức này càng làm cho dân chúng hoang mang, lo lắng hơn nữa.

Người ta không còn biết hoàn cảnh thật của mình ra sao. Hàng ngày đi làm, Quang đi qua các trại lính, nhìn vào trông thấy thưa vắng dần, chỉ còn lại những người lính làm văn phòng, những sĩ quan tham mưu cao cấp, những người luôn luôn giữ về mặt trầm tĩnh, bình thường, nhưng nhìn vào cái sân cờ vắng vẻ, sân cờ của trại lính đối diện với rạp chiếu bóng Majestic, một lá cờ bay trong khoảng không, cái sân cờ rộng lớn chỉ thỉnh thoảng mới thấy bóng một người lính ôm tập hồ sơ băng ngang, người ta dường trông thấy sự hoang mang, trống rỗng ở đâu đó, ở khắp mọi nơi.

Những trận đánh đã xẩy ra trong các vùng rất xa Hà Nội, nhưng đêm đêm những tiếng bom, những tiếng đại bác nổ liên hồi vẫn làm rung chuyển thành phố, những cái tiếng ì ầm đó dường như chẳng có lúc nào thoát ra khỏi tâm trí người ta cả, luôn luôn nó còn đủ ảnh hưởng làm cho máu trong người ta sóng sánh, gây nên sự choáng váng, mỏi mệt, âu lo.

Lan dừng lại ở chỗ quán hoa đã đóng cửa. Nàng muốn băng qua ngã tư sang hè phố bên kia, nhưng một nửa nàng lại muốn sang mé nhà Gô Đa, nơi các cửa hàng cũng đã đóng gần hết.

Quang bảo Lan:

– Nếu, cô cứ đổi ý kiến hoài thế này, đêm mới về đến nhà.

Lan bảo:

– Thì lâu lâu mới được đi chơi một lần.

Nhà hàng Taverne Royale vẫn còn đông khách như thường, những người khách ngoại quốc, những sĩ quan không quân và hải quân Pháp đang ngồi nói chuyện uống rượu quanh những người đàn bà tóc vàng và tóc đen. Một vài người đàn ông Việt Nam ăn mặc tề chỉnh, các công chức, các người làm trong hãng thông tấn và các nhà báo, tan sở, đã làm xong những bản tin buổi chiều ra đó ngồi xả hơi đọc các bản vỗ của tờ báo sẽ phát hành, đọc lại một lần nữa những tin tức mới nhất vừa nhận được, họ ngồi túm lại với nhau, cũng có người ngồi một mình.

Dưới ánh đèn sáng choang các sĩ quan hải quân với những bộ đồ trắng làm nổi bật những huy chương đeo trước ngực và lon vàng trên vai, họ cười đùa, nói lớn với những người đàn bà cùng giống và mấy người đàn bà Việt Nam lẫn lộn trong đám, hầu hết những người đàn ông mặt đều đỏ gay, mấy người đàn bà ngửa cổ thở khói thuốc lá, cười rung rinh cả người, né tránh hay chìa má đón những cái hôn. Cảnh nhìn thấy làm Lan có vẻ ngạc nhiên.

Nàng nói:

– Bây giờ đi qua hẳn bên ấy. Anh giả bộ đi chậm để em thử nhìn cho kỹ một lần xem sao.

Quang cười bảo nàng:

– Bộ cô chưa trông thấy quán ấy bao giờ à?

Lan bước xuống lối đi dành cho khách bộ hành được đánh dấu bằng những viên đá hoa trắng.

Lan bảo:

– Qua đi anh, Thấy chứ, nhưng bao giờ cũng chỉ nhìn thấy thoáng thôi.

Hai người qua tới hè đường bên kia. Quán hàng mở rộng luôn ra tới hè đường đó, bàn ghế được kê dưới mái hiên, những bộ bàn ghế bằng mây đã lên nước bóng.

Lan làm bộ bị tuột giầy, nàng ngừng lại cong chân lên đeo lại quai giầy phía sau gót nhìn thẳng vào trong quán.

Những tiếng cười nói bây giờ vang tới tận chỗ hai người đang đứng.

Quang hỏi Lan:

– Bây giờ cô có nhìn thấy rõ chưa?

Lan cười.

Cái bóng sáng của những ngọn đèn trong quán nước, hơi gió trên một ngã tư đường rộng lớn cùng một lúc chiếu ra, thổi tới, soi trên mặt nàng, làm bay tung vạt áo, trông Lan ngờ nghệch, nhỏ bé, xa lạ ngay với cái thành phố nàng đã sinh ra, lớn lên ở đó. Những người ngồi trong quán vẫn tiếp tục câu chuyện của họ, cắm cúi vào những tờ báo, những bản tin mở trước mặt, chẳng ai chú ý gì đến buổi tối đang bắt đầu bên ngoài.

Lan nói:

– Cái chỗ này lạ thật.

Quang hỏi:

– Lạ gì?

Lan đã bước hẳn lên hè đường, đứng thẳng như hứng trận gió vừa thổi tới, trông nàng mỏng manh muốn bay theo cơn gió.

Lan nói:

– Chỗ này gần như ngày nào em cũng đi qua nhưng đây là lần thứ nhất em nhìn thấy.

– Nhiều người như thế chứ chẳng phải mình cô đâu.

– Có lẽ tại đó là chỗ toàn những người xa lạ họ ngồi nên nó cũng trở nên xa lạ luôn với mọi người.

– Cô có muốn hôm nào vào ngồi uống một cái gì không?

Lan kêu lên:

– Chịu thôi.

– Cô sợ à?

– Chẳng sợ cái gì cả. Nhưng nếu em vào ngồi đây thì không phải là ngồi chơi mà là vào ngồi cho nó biết. Em không thích như thế.

– Thì cũng được chứ sao?

Hai anh em lại băng qua đường sang bên kia hè phố, đi dưới mái hiên nhà Gô Đa.

Đứng ở hè đường bên kia, đứng ở giữa đường, đứng ở hè đường bên này, ngước nhìn về phía cuối phố người ta đều có thể nhìn thấy nhà Hát Lớn với những bực thềm màu xám, cái công trường rộng lớn trước cửa rạp hát với những cây cảnh xanh tốt, con đường thưa vắng sạch sẽ màu sương lẫn với màu mặt nhựa đường, ánh đèn màu từ rạp chiếu bóng Eden tỏa một quãng sáng, màu xanh đỏ làm hơi nhức mắt. Khu phố vào lúc đó vắng vẻ, chỉ có một vài người đi bộ trên lề đường, một vài chiếc xe hơi chạy lướt qua gây vài tiếng động nhẹ rồi con đường trở lại yên tĩnh như cũ.

Tiếng giầy của Lan vang dưới hành lang cái mái hiên lớn.

Tiếng gót giầy vang dưới cái mái hiên dài này phút chốc như dội lại trong lòng Quang một nỗi bồi hồi. Những cái tiếng động nhỏ ấy, những hương vị mờ nhạt ngửi thấy, cây cối trong mùa mưa, phấn hương của người quen thuộc, những món ăn, thức uống, những câu thơ, những bài hát, Hà Nội giống như một cái chuông và những tiếng kêu gọi ấy là những cách khua động, người ta tự gõ vào trí tưởng mình, tự xé lòng mình, để nhẹ bớt nỗi nhớ mong, ám ảnh của Hà Nội, Hà Nội đã biến thành khuôn mặt của người tình đầu tiên, khi người ta ghé môi hôn thì cũng là lúc cái hình ảnh ấy khắc sâu vào tâm khảm, những khu phố dịu dàng dưới sương đêm, sáng cái ánh sáng của vầng trăng lúc nào cũng vẫn giống như trăng khi còn thơ ấu, và những cơn gió nhẹ thổi trên các lối đi, thổi trên các cành cây, chẳng khác những hơi thở nồng nàn tình ái, người ta không thể biết rõ cái vẻ dịu dàng của Hà Nội được tẩm đẫm nhan sắc, cái dáng vẻ của những người đàn bà, những cô gái Hà Nội, hay chính những người này thừa hưởng cái không khí êm đềm đó, những trận gió mang đầy hơi phù sa của sông Hồng, mùi cỏ của con đê Yên Phụ, mùi rượu ngang, rêu phong của những mái nhà cũ kỹ, của những bức tường thành của ngày Hà Nội bị xâm chiếm xa xưa, của các xưởng máy, của hoa đào, hoa sấu, sắc đỏ của những bông gạo vừa tàn rụng hết trong ngày hè với muôn ngàn tiếng chim kêu hót, tất cả dường như đã tan biến trong mùa Thu vừa khởi đầu thành những màn sương mỗi ngày thêm dầy đặc, những lớp sương nổi lên hơi thở của những người tình, những lớp sương đang dần dà biến thành làn sương mù của mùa Đông sắp tới, những làn sương che kín các khu phố, mà sớm mai cùng đi trên một vỉa hè người ta có thể không nhìn rõ mặt nhau, và những đám sương có vẻ như không còn là những đám sương nữa mà đã trở thành một cơn mộng vây lấy mọi người, mùa màng đã biến đổi thời tiết, thời tiết đã biến đổi nhan sắc, tâm tính con người, trong cái lạnh lẽo, người ta ao ước được gần nhau hơn, người ta lấy nhau vào mùa Thu và mùa Đông đến là vừa ấm áp, lớp sương che kín cả con sông rộng lớn, phải đợi đến chín giờ, mười giờ, mặt trời mới làm tan đi được, và màu sắc thật của mọi vật mới hiện ra, những viên ngói đỏ tươi, những đóa hoa, lá cỏ, lá cây trong cái ánh nắng của mặt trời chói lòa tưởng như muôn ngàn con mắt vừa bừng mở ngó nhau, và ánh sáng, và những cơn gió thổi qua giống như những nụ cười rạng rỡ…

Lan bảo:

– Nhìn thấy sương mù là em buồn ngủ rồi.

Cả cái tiếng nói Lan vừa nói ra đó, nghe cũng vang vang dưới hàng mái hiên dài, lẫn với tiếng giầy.

Quang cười nhìn Lan hỏi:

– Sao không lo về nhà ngủ còn cứ cô đi chơi mãi.

Lan níu lấy tay Quang kéo đi. Quả thật lúc đó Quang mới nhận ra chàng không theo kịp nàng. Cái bóng trắng của Lan lướt nhẹ bên cạnh chàng. Hình như những đám sương đã làm rồi hai chân chàng.

Lan nói:

– Làm sao mà anh đi như không lê nổi vậy.

Quang vui cười bảo với nàng:

– Tôi mỏi rời cả cẳng rồi.

– Đi với em thì anh kêu thế. Đi với người khác anh có kêu không?

Quang và Lan đi tới gần hơn cái cổng rạp chiếu bóng, nơi có những ngọn đèn chiếu sáng đó, đó là rạp chiếu bóng lạ nhất Hà Nội, bởi vì muốn đi vào rạp, người ta phải đi qua một cái ngõ đồng thời cũng là một cái sân lớn, bằng đất. Quang để ý thấy rạp chiếu bóng cũng khá đông khách. Một điệu nhạc từ trong một chiếc máy phóng thanh phía trong rạp hát thoát ra cái sân đất trồng vọng ra tận ngoài đường, hai người đã đi qua gần hết bức tường dài của khu rạp chiếu bóng vẫn còn nghe thấy.

Quang ngó trước ngó sau, có ý muốn tìm một chiếc xe, nhưng dĩ nhiên, từ chỗ này về Phố Huế cũng chẳng còn bao xa nữa, chàng làm thế vì phản ứng tự nhiên khi mỏi chân thôi.

Trận mưa ngớt trong chốc lát bây giờ lại đổ xuống. Những hạt mưa nhẹ như tơ, nhưng mau, làm mù trời. Một trận gió cuốn những hạt mưa bay tạt trong ánh đèn trông như một đám khói.

Lan nói:

– Thôi bây giờ đã lỡ đi đến đây rồi đi xe cũng dở, trèo lên tàu điện cũng dở, đi bộ luôn cho rồi.

Quang nói:

– Nếu cô đi nổi thì đi. Phần tôi không có gì đáng lo.

Lan bảo:

– Cũng sắp tới rồi.

Quang cảm thấy gai gai lạnh mỗi khi có gió thổi. Hai hàng cây nặng trĩu nước mưa lảo đảo trong gió.

Quang nói:

– Chưa có năm nào mùa Thu lạnh thế này.

Lan nhắm mắt hếch cái mặt lên cao hơn một chút, như muốn đón cơn gió đang thổi lướt tới.

Nàng nói:

– Chắc bão rớt.

Quang nói:

– Bữa qua tôi có việc xuống Hải Phòng thấy biển động dữ dội.

Lan nói:

– Thế hả? Sao em không thấy anh nói.

Quang cười:

– Tôi đi sáng sớm, chiều về liền. Xe chạy tới Hải Dương mưa muốn không nhìn thấy đường nữa.

Lan nói:

– Em chưa xuống Hải Phòng lần nào.

Hai người đã đi gần đến rạp Majestic. Những người khách đi xem xuất chiều tối đang lần lượt tới rạp. Trời mưa nhỏ nên có người chẳng cần mặc áo mưa vẫn đi một cách thong dong giữa trời. Những người khác trái lại đi xe hơi tới rạp, đậu xe ở vỉa hè đường nhưng cũng dương ô lên rồi mới đi.

Qua chỗ có ánh sáng Lan bỗng đi mau hơn. Nàng dừng lại ở dưới một gốc cây xế rạp Studio một chút chờ Quang. Hai rạp chiếu bóng Majestic và Studio ở sát cạnh nhau, rạp Studio rất nhỏ, nhưng phim chiếu thường thường là những phim chọn lọc, loại phim được coi là ”khô” khó coi, hầu hết là phim nói tiếng Pháp, không có phụ đề.

Mải nhìn những tấm ảnh dán trong một chiếc hộp kính quảng cáo gần trên tường ngay trước cửa rạp Studio, nhìn thấy rất mờ dưới ánh đèn néon màu tím nhạt, lúc Quang ngước lên, không thấy Lan đâu nữa. Chàng ngơ ngác ngó quanh Lan phải lên tiếng gọi Quang mới thấy.

Lan nói:

– Anh nhìn gì mà nhìn dữ thế?

Quang cười bảo:

– Thử xem họ đổi phim chưa.

Lan muốn đi mau về nhà. Nhưng trận mưa mỗi lúc lại ào ào trút xuống mạnh hơn. Hai người đành phải chạy vào núp dưới mái hiên của rạp Studio. Những trận gió quấn quanh thổi lửa trên mặt lộ, trên hè đường, dưới các chân tường đầy những vết lam nham, trên các vũng nước nhỏ, mưa làm thành những chiếc bong bóng nổi lềnh bềnh, những hạt nước khác rơi xuống làm vỡ, trên hè đường từng lớp nước bị gió thổi tạt, những tiếng rì rào, thỉnh thoảng rộ lên tựa tiếng reo sôi của một chảo mỡ lớn, bụi nước bám trên mặt, chân tay, quần áo, tạo thành một cảm giác ủ ê, những khớp xương buồn mỏi, bụng đói cồn cào, nước thấm trên vai áo Lan, làm cho lần vải dường dán chặt xuống da, mặt nàng xanh nhợt nhưng hai con mắt Lan long lanh dưới hai hàng lông mi nhỏ dài, hình như hơi lạnh làm cho cứng và cong hơn, nàng đứng yên lặng ngó những giọt nước chảy tuôn, giỏ giọt dưới mái hiên.

Những người khách ghé vào rạp coi chiếu bóng, đứng rũ áo mưa, gấp dù, cười nói với nhau, hoặc lặng lẽ đi vào trong rạp lấy vé.

Trận mưa vẫn chưa có vẻ gì sẽ ngớt cả.

Quang hỏi Lan:

– Cô có muốn đi xe về không ?

Lan nói:

– Còn có một tí đường mà xe cộ gì nữa anh.

Quang nói:

– Sợ mưa còn lâu mới tạnh.

Lan cười:

– Thì từ chiều tới giờ trời vẫn mưa hoài. Nhưng vẫn có lúc ngớt mà.

Quang bảo:

– Tôi vừa đói vừa rét rồi.

Lan quay sang ngó Quang. Dưới ánh sáng mờ của ngọn đèn ống, trông chàng ướt rũ, Quang gò hai vai, thụt đầu trong cổ áo, khiến Lan bật cười.

Đằng sau hai người, những người khách đã vào cả trong rạp. Giờ chiếu phim hình như đã bắt đầu. Chỉ còn một vài người khách đến muộn đi thẳng vào quầy vé lấy vé, sau đó vào luôn trong rạp. Dưới mái hiên bây giờ chỉ còn hai người đứng ngóng mưa.

Trận mưa kéo dài đến nữa tiếng mới dứt. Nhưng cả khu phố đã chìm trong một màn hơi nước dầy đặc, những chiếc lá bị cơn dông rứt khỏi cảnh rớt trên các lối đi, ngâm mình trong những vũng nước. Hai bên lề đường nước mưa rút đi chảy xối trong các ống cống. Mấy tấm bích chương, khẩu hiệu, dán, kẻ trên các bức tường bị gió và nước làm rách, nhòe nhoẹt, nhìn thấy loáng thoáng qua ánh đèn dường như đã bị hơi nước làm cho nhợt nhạt.

Quang bảo Lan:

– Đi về bây giờ nước trên cây rỏ xuống cũng đủ ướt.

Lan lặng lẽ nhắm phía cuối phố đi tới. Trông nàng không còn vẻ mạnh dạn vui vẻ như lúc chiều nữa. Lan chừng muốn đi rảo cẳng về nhà.

Nàng nói:

– Đi mau lên kẻo trời lại đổ mưa nữa còn khổ hơn.

Họ cùng bước mau hơn. Nhưng cả hai người chân đều mỏi rời, không muốn cất lên nữa. Gió càng về khuya càng lạnh hơn. Nhà cửa, tường, ngói, thấy đều im lìm, trời mưa, mọi người đã đi ngủ sớm.

Tiếng giày Lan đạp trên nước nghe nhóp nhép, hai người phải đi sát vào những mái hiên để tránh những hạt mưa sót, những hạt nước bám trên các cành lá bị gió thổi làm rơi xuống từng loạt, nghe tưởng như trời vẫn còn tiếp tục mưa nữa.

Lan nói:

– May ra về kịp.

Quang ngó lên trời, bảo:

– Không mưa nữa đâu.

Lan vẫn cắm cúi bước, bảo:

– Từ chiều đến giờ chẳng mưa mấy trận rồi à.

Quang nói:

– Mới gần tháng bảy, trời đã có vẻ muốn có bão.

Lan tránh một cái ống máng nước chảy ào ào xuống góc mái hiên một căn nhà làm bắn tung tóe. Nàng bước hẳn ra ngoài hè đường. Một trận gió thổi qua Lan loạng choạng tưởng như không chịu nổi.

Nàng nói:

– Gió thế này thì bão thật chứ còn bão rớt gì nữa.

Một chiếc xích lô buông kín mui từ phía Chợ Hôm chạy lên người phu xe gò lưng đạp chiếc xe ngược chiều gió. Tiếng những mắt xích bị căng và trùng lại nghe thấy rõ, gió thổi reo trên tấm bạt che đằng trước chiếc xe, cuốn hai cái cánh gà phành phạch.

Quang còn nghe thấy cả tiếng hai chiếc bánh cao su bơm căng quay tròn trên mặt đường ướt reo xèo xèo, cái đèn bão nhỏ treo bên thành xe không đủ soi sáng cái màu sơn xanh của chiếc xe và khi chiếc xe chạy ngang qua, chiếc đèn chiếu cái ánh đỏ của mảnh kính phía sau, chiếc xe nầy lên, dằn xuống trên mặt nhựa không được phẳng, những thanh sắt của chiếc xe va chạm kêu lách cách, cái tiếng kêu này hai người nghe vọng rất xa vì những trận gió từ phía trên thổi lại.

Những cái tiếng động ấy, dường như mọi người đã nghe trong nhiều đêm thanh vắng, nghe nhiều lần trong những lúc khác nhau đã gắn liền với những hình ảnh của thành phố quen thuộc nhìn thấy, phút chốc trong cái hoang tàn của một trận mưa, một cơn dông vừa dứt, trên lối đi vắng vẻ, những lá cây rụng đầy trên mặt đường đang dần dà hiện ra vì nước mưa đọng đã chảy theo độ nghiêng của mặt đường xuống hai bên cổng, những chiếc lá me nhỏ lăn tăn, những chiếc lá sấu vàng ửng, những chiếc lá gõ xanh đen, những cành cây khô gãy, những cành cây có thể chẳng phải đã rơi ngay từ trên cành cây trên cao xuống, mà là những cành cây ở mãi tận phía xa bị gió cuốn tới vì rõ ràng cái cánh cây nào, cái khoảng cách giữa cây nọ với cây kia, chính ở cái chỗ này lại có nhiều lá rụng hơn cả, những chiếc lá, sáng mai, nếu thức giấc thật sớm, người ta sẽ nghe thấy tiếng chổi của những người phu quét đường quét đi, tiếng lẹt xẹt của những chiếc chổi cán dài, khua vào cơn nửa thức nửa ngủ, xem lẫn trong nhưng trận gió may xào xạc hay những trận gió đông thổi rít trên mái ngói, trong các khe cửa, trên mặt kính, những buổi sáng Lan thức dậy lười biếng nằm trên giường ngủ qua cửa kính lên bầu trời, một bầu trời trắng đục như sữa đang dần dần rạng sáng nàng không còn tin ở mắt mình nữa, vì nàng không thể biết thực ra bầu trời tối đen hay vẫn còn đủ sáng người ta có thể trông thấy vật này, vật khác, đôi khi Lan nhỏm hẳn dậy để đóng luôn cửa chớp bên ngoài, ngăn ánh sáng mặt trời rọi vào trong phòng đánh tức dậy lát nữa đây, kéo dài giấc ngủ thêm một chút, nàng thử nhìn xuống dưới mặt đường, nhìn xuống khu phố, nàng chỉ thấy một màu đen nhờ những tàn cây thì sẫn hơn, nhưng thực ra nàng cũng không thấy ở trên cái khoảng cao đó nghĩa là trên lưng chừng các ngọn cây, từ phía giường ngủ của mình nhìn thẳng ra, Có vẻ gì sáng hơn cái mặt nhựa của quãng đường bên dưới và tiếng chổi chà của những người phu quét đường đánh thức những con chim sẻ ngủ dưới các mái hiên, trong các tàn cây dậy trước nhất thường Lan cũng thức vào lúc đó nhưng rồi lại ngủ lại và khi nàng thực sự tỉnh dậy hay được người nhà lên đánh thức dậy sửa soạn ăn sáng, đi học, cũng là lúc những chiếc xe tưới đường chạy qua nhà phun rào rào trên mặt nhựa, nếu đó là những sáng mùa Hè, mùa Thu và mùa Đông, đường phố ít bụi hơn, xe nước không phải làm việc phun nước mỗi sáng, nhưng thức dậy sớm, ra đường người ta có thể được ngắm những quãng đường hết sức sạch sẽ, những trận gió may, tẩm đẫm sương sớm, thổi trên các vỉa hè làm rụng những chiếc lá mới giống như hơi thở của mùa Thu vừa làm ấm áp vừa làm lạnh thành phố, lúc mặt trời chưa lên và lúc mặt trời đã thoát ra khỏi đám mây mù, người ta không biết mình có nên mặc áo len ra đường hay không.

Qua những tiếng động, cái không khí ướt lạnh hay khô hanh của những mùa màng, người ta nhớ lại những ngày thơ ấu, nhớ lại những ngày mới lớn, nhớ lại những biến cố của đời mình, ngày đầu tiên trở thành tình nhân, những ngày thứ nhất nếm mùi vị thất vọng, những kỷ niệm không ngờ nhất, một bức tường, một chậu cây cảnh của một căn nhà hàng ngày đi qua, trông thấy, những chiếc bao lơn của một căn nhà trên lối đi, người ta có thể nhắm mắt áng chừng và khi ngửng lên sẽ trông thấy, những bao lơn bằng sắt uốn theo hình kỷ hà hay hoa lá, những mảnh chai, mảnh bát cổ muôn màu cắm ngược trên những mảnh tường, những khu phố bị chiến tranh tàn phá đã được tái thiết, nhưng ở một vài căn lầu, một vài ngõ hẻm, vẫn còn những dấu vết đổ nát chưa được xóa hết, một khu vườn bỏ không cỏ mọc um tùm lọt vào giữa một khu phố gồm những biệt thự nhà cửa khang trang, một mái nhà ngói đã cũ kỹ, còn nguyên một lỗ thủng do trái đạn phá lọt vào, cái mái ngói đã trùng hẳn xuống, một mái nhà cháy dở, giơ những kèo cột lam nham vết than, những căn nhà của bạn hữu gần như quanh năm không có ánh nắng chiếu lọt, bước chân vào căn nhà như bước vào một thế giới riêng biệt, cái không khí mát lạnh tẩm ngay vào da thịt, cả nhà chỉ có một chiếc sân nhỏ nối liền nhà trước với nhà sau, nhưng cả cái sân lại được phủ kín bằng một giàn hoa, một giàn trầu không, nắng chiều qua cái giàn lá xanh tươi đó, chỉ còn là một làn ánh sáng vàng nhạt, cái màu vàng được làm dịu đi bằng chất diệp lục tố, khiến cho da người cũng trở nên trắng xanh mỗi lúc đi qua, cái màu xanh bám trên da mặt những người con gái sống trong các gia đình đó, bởi vì họ ít khi ra đường và dưới bóng mát của giàn hoa là chỗ họ ngồi chơi ngó nhìn trời đất mỗi ngày, năm này qua năm khác, đó cũng là nơi mỗi tiếng động trở nên xa lạ, lạc lõng, những người trẻ tuổi ồn ào nhất đến nơi tự nhiên cũng cảm thấy e ngại không dám nói to, dưới giàn cây, trong các gia đình có những người già, những người này thường trồng thêm những chậu hoa, những cây cảnh, hàng ngày họ cặm cụi chăm bón, tưới nước, tỉa hoa cắt bỏ từng chiếc lá bị sâu, vàng hay cớm nắng, những người già nhiều khi không tin vào đôi mắt của mình nữa, họ đã bị cái màu xanh dịu dàng lưu cữu che đỡ cho thị giác và khi nhìn vào nắng chói họ cảm thấy đau nhức hai bên thái dương, họ ra đường và vội vàng trở về cái thế giới khép kín của họ, và hình như chỉ trong các thế giới đó họ mới thật sự có thể yên tâm, những người, đối với họ bầu trời thực sự bao giờ cũng có vẻ được thoa dịu bằng một lớp khói mây hay sương mù, dù đó là bầu trời nhìn thấy bất cứ lúc nào trong ngày, bởi vì đó cũng chỉ là những lúc hiếm hoi, một khoảng lá cây bị những trận gió ban đêm thổi dạt ra một góc hoặc đã rụng, và qua cái khe hở đó, họ đã ngửng lên trông thấy bầu trời, cũng qua các kẻ hở đó mặt trời rọi những tia nắng xuống bể nước, xuyên thẳng cái ánh vàng có vẩn bụi xuống mặt nước soi rõ những chiếc lá rơi rớt từ bao giờ nằm ép sát dưới đáy bể, mặc dầu bể nước bao giờ cũng được đậy kín, bao giờ nước cũng mát lạnh như được ướp đá, nước sẽ chỉ được dùng để pha trà, múc ra bát, thả vào đó một bông hoa nhài uống vào những buổi trưa hay buổi tối mùa Hè nóng nực, những chiếc lá bị ngâm lâu trong nước đã biến thành màu rêu của lớp rêu mỏng dưới đáy bể, cái bể mà trẻ con rất thích được mở nắp soi bóng mình và la hét để nghe tiếng âm vang mỗi khi đùa nghịch.

Tất cả những hình ảnh màu sắc đã trở thành một phần trí nhớ, một phần đời sống của họ và thỉnh thoảng trong những lúc bất chợt nhất, vì những nguyên cớ không ngờ nhất, nổi lên, trôi lềnh bềnh trong trí tưởng họ như những hơi gió may trong mùa Thu, đã làm cho họ cảm thấy dính liền với cái thành phố họ đang sống, nghỉ đêm chuyện một ngày nào họ sẽ không còn ở lại nơi này nữa đối với họ là một thảm kịch, họ không dám tưởng tượng, không thể nghĩ họ sẽ chịu đựng cuộc chia cắt đó như thế nào, họ sẽ sống ra sao trong một thành phố không phải là nơi họ đang sống này vì chính sự ràng buộc chặt chẽ của họ vào nơi cư ngụ trở thành mối đe dọa, đồng thời cũng là niềm sung sướng kiêu hãnh của họ.

Quang và Lan về đến nhà.

Nàng nói:

– Anh vào ngồi nghỉ một lát đã.

Quang nói:

– Thôi, tôi về còn thay quần áo.

Lan bấm nút chuông điện gọi người ra mở.

Nàng bảo:

– Giờ này chắc nhà ăn cơm rồi. Anh vào ăn với em.

Quang nghĩ đến quãng đường sẽ phải đi một mình trở về nhà cũng thấy ngại. Nhưng thà đi ngay bây giờ về chàng còn có thể ngả lưng xuống nghỉ, vào trong nhà Lan lát nếu trời lại mưa nữa và cho dù trời không mưa, ngồi một lúc rồi mới đứng dậy đi còn ngại hơn.

Chàng nói:

– Tôi đi luôn, vào ngồi rồi lười không muốn đi nữa.

Lan cười:

– Chốc em lái xe đưa anh về.

Quang bảo:

– Khuya rồi chứ cô tưởng còn sớm à.

Người nhà ra mở cửa. Quang nhìn sâu vào trong cái lối đi trải sỏi, nhìn thấy mấy bực thêm quen thuộc, đến chiếc cửa lớn lắp kính đằng sau những tấm kính đó là mầu trắng của những tấm màn che, ánh sáng ấm áp của những ngọn đèn chiếu ra cho nhìn thấy mấy bông hoa đó của khóm trúc đào trồng ngay trước thềm.

Lan bảo với con nhỏ giúp việc:

– Chị cứ để cửa đấy cho tôi.

Đứa con gái lặng lẽ quay vào trong nhà.

Quang bảo:

– Đứng đây một chút cũng được.

Lan nói:

– Mỏi quá. Em tưởng không lê nổi nữa.

Quang cười nhìn Lan. Mặt nàng có vẻ bơ phờ thật, những sợi tóc xõa trên trán hình như vẫn còn ướt nước mưa.

Quang nói:

– Cứ ngồi trên xe điện cho nó chạy thẳng về đây không chịu.

Lan cười cũng bảo:

– Lâu lâu cũng phải tập đi bộ một lần.

Đêm một nửa vẫn chìm trong cơn mưa còn đẫm hơi nước dù trận mưa đã ngừng trút xuống, những trận gió thổi lướt trên khu phố reo thành tiếng trên các ngọn cây, các bờ tường, các vũng nước đọng nghe rờn gai ốc.

Lan bảo:

– Để em ngó xem ba em về chưa, em lấy xe đưa anh đi.

Nàng bước thêm một bước vào sau cánh cửa sắt khép hờ, ngó về phía nhà để xe khuất sau những bụi cây, bên tay mặt căn nhà.

Quang nhìn thấy một đường viền ánh sáng hắt từ trong thềm nhà ra rọi trên người Lan.

Chàng móc túi lấy thuốc hút. Bao thuốc bị nước mưa làm ẩm nhàu nát, Quang phải nhẹ tay lấy ra một điếu, điếu thuốc quăn queo. Quang kéo cho thẳng lại trước khi quẹt lửa châm hút.

Lan quay trở ra nói:

– Chưa, ba em chưa về.

Chiếc diêm bị gió thổi tắt, Quang chưa đốt được điếu thuốc. Chàng lấy chiếc diêm khác quẹt lại.

Bao diêm cũng bị ẩm, những que diêm ẩm quẹt bị bở hết thuốc không cháy.

Lan cười hỏi:

– Châm được không?

Quang không trả lời. Chàng lấy một lượt hai ba que diêm bén cháy rồi bùng lên. Quang châm điếu thuốc ngay trên đầu ngọn lửa xanh biếc đó.

Mùi lưu hoàng và khói thuốc lá làm thơm ngát khoảng không khí, đồng thời cho hai người cảm thưởng ấm áp trong một thoáng.

Quang thở hơi khói đầu tiên. Những sợi khói mỏng bị cơn giông thổi tan tức khắc.

Chàng nói:

– Có điếu thuốc này yên chí đi về đến nhà.

Lan bảo:

– Đứng lại một tí cho đỡ mỏi đã anh.

Quang nói:

– Trời bắt đầu quang rồi.

Lan ngửng mặt trông lên trời, từng đám mây đen nặng đang cuốn theo những cơn giông bay vùn vụt, để hở ra những khoảng trời đục, nhưng chính ở sau những đám mây trắng đục đó, người ta có thể nhìn thấy cái ánh mờ tối của bầu trời đang tan hết cơn mưa. Lan có cảm tưởng như hơi thở nàng đang thở thơm ngát mùi cây cối của đêm mưa.

Những giọt nước còn sót của trận mưa vẫn thỉnh thoảng rớt theo các trận gió nghe lộp độp đâu đó.

Có lúc Quang nhìn xuống mặt đường trông rõ một hạt nước mưa rơi loang thành một cái chấm nhỏ, chàng ngạc nhiên vì trận mưa chỉ vừa mới dứt chưa được bao lâu mà hè đường đã có chỗ khô ráo, cái mặt xi măng đã trắng ra, và hạt nước rơi thấm thành một vết loang, tựa một giọt mực loãng.

Trong khu vườn đằng sau Lan, màu xanh của các lá cây nhìn thấy qua ánh đèn, cái màu xanh bóng của các mặt lá ướt, phản chiếu ánh sáng vàng của ngọn đèn trở nên linh động mỗi khi có cơn gió thổi qua, cái màu vàng khuất đi, hiện trở lại, cứ nhìn vào những điểm ánh sáng đó, Quang cũng có thể đoán được lúc nào trận gió đã ngừng thổi, cái ánh sáng đôi lúc tưởng như biến thành một thứ nước thấm lan ra các mặt lá, biến thành màu xanh biếc của ánh trăng và có lúc Quang tưởng như ánh sáng cũng toát ra từ những cánh lá đó nữa.

Lan đứng yên ngó Quang hút thuốc, đốm lửa trên đầu điếu thuốc đổ lên mỗi khi chàng hít vào. Lan ngửi thấy mùi khói thơm quen thuộc bay tản trong không khí. Cái dáng co ro của Quang trở nên ủ rũ vì đêm lạnh, và đầu tóc chàng bị gió thổi tung.

Lan nói:

– Anh vào ngủ ở nhà em cho rồi. Mai hãy về. Bây giờ đi từ đây về đó mệt chết.

Quang cười:

– Ăn thua gì. Tôi cũng có việc phải làm lát nữa.

Lan cố vận dụng nhãn quan để nhìn cho rõ mặt Quang trong bóng tối, nàng muốn nhận ra một vài nét biến đổi trên người, trên mặt chàng, sự già nua, mỏi mệt, đột nhiên có những hôm Lan đã nhìn thấy, những buổi chiều hay sớm mai Quang đã đi đâu biền biệt cả tháng không đến nhà, chàng thường trở lại với sự đổi thay khiến Lan sợ hãi, những sự đổi thay đối với Lan, có vẻ kỳ quặc, vô lý, mặc dầu lúc ngồi nói chuyện với chàng, Lan lại thấy Quang thật sự không có gì thay đổi cả, chàng vẫn cười nói tự nhiên, nhưng Lan vẫn không cảm thấy một sự khác lạ nơi chàng, giống như sự thay đổi thời tiết mỗi ngày trong mùa Thu, hôm qua hiển nhiên có khác với ngày hôm nay, khác với hôm trước nữa, nhưng sự khác biệt đó bắt đầu từ phút nào nàng không thể biết, nàng chỉ nhận ra sự lạnh lẽo, buồn bã hay hân hoan hơn một chút.

Bên kia đường, những căn nhà cửa đã đóng kín, Khu Chợ Hôm hoàn toàn rơi ngập vào trong bóng đêm chỉ còn nhìn thấy lờ mờ hàng giậu sắt cũng là bức tường phía ngoài cửa chợ ăn liền với hè đường, đứng từ chỗ hai người nhìn sang, khu chợ khuất sau một bức tường dài phía bên phải, chỉ nhìn thấy một khe hở từ phần trong của các căn nhà sát với nóc, giống như những cái miệng đen ngòm, tít trong góc chợ, trên một chiếc cột điện bằng sắt sơn đen, một ngọn đèn vàng vọt chỉ đủ soi rõ cái vẻ tối tăm của khu chợ. Không còn một tiếng động nào ở một nơi mà suốt ngày ồn ào nghe bỗng có một vẻ lạ, Quang có cảm tưởng như sự yên lặng đang bốc thẳng từ những chiếc mái xám lên bầu trời ẩm sương.

Chàng cười với Lan trước khi lặng lẽ đi ngược trở lại quãng đường cũ.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=ao%20mo%20phai&page=2

Comments are closed.