Văn học miền Nam 54-75 (661): Xuân Vũ (kỳ 5)

XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG SƠN

-5-

Trưa rừng sau cơn mưa, lá cây chuyển động trong sự lặng lẽ âm thầm, những búp non nảy thêm ra. Nhựa cây chảy rạt rào trong thân cây.

Tôi cứ quên đi những luồng thán khí do cây thở ra và làm hại đến sức khỏe con người mà tôi cứ tưởng đây là cảnh rừng thơ mộng với các áng hương thơm lâng lâng sực nức lòng người.

Nhưng nghe câu chuyện càng rầu. Chuyện qua đã không hay ho chi. Còn chuyện sắp tới thì không như mình tưởng.

Hồi ở Hà Nội, tôi cứ tưởng tượng qua các bài báo bốc tếu tới trời. Tưởng về tới quê hương là toàn bầu trời xanh mát, xuồng ghe tấp nập, bộ đội hành quân bằng đò máy, v.v.

Tôi sực nhớ có một thằng nhiếp ảnh bất lương nói láo. Hẳn ta bịa tạc, dàn dựng đâu ra tấm ảnh một cô gái “co kéo” rất ngon lành chẳng thua đào hát bóng, vậy mà cô ta chống xuồng bằng cây sào rất dài, ở phía sau cô ta lố nhố xuồng ghe và người. Dưới bức ảnh để một câu nghe khoái chí tử:

“Đuổi giặc trên Đồng Tháp Mười trong sương sớm”

Ông vải ơi! Bây giờ tôi mới vỡ nhẽ ra. Giặc đi trực thăng mà ta đuổì bằng xuồng! Vác xuồng câu đặt trúm của Tháp Mười mà đuổi giặc đi trực thăng. Theo như cậu Tấn vừa nói thì trực thăng đâu phải là chuồn chuồn mà dễ xơi như vậy!

Vậy mà tấm ảnh đó được các báo tranh nhau đăng trang đầu xuân, và nhà nào cũng tìm cho bằng được để đem về treo cho con cháu xem cái sự đánh giặc đánh giã ở trong Nam!

Tôi quay lại hỏi Tấn:

– Thế rồi bọn mình làm sao mà đối phó?

– Cái gì chớ cái trực thăng mình không đối phó được anh ạ! Nó kỳ cục lắm. Để anh về trỏng rồi nếm mùi trực thăng, chứ bây tôi nói, ông già ổng bảo là tôi đánh giá địch quá cao.

Anh Khẩu đội trưởng gắt ầm lên làm đứt ngang câu chuyện của tôi và Tấn:

– Đâu, cậu nào trong Khẩu đội 2 đâu, tập họp! Mau lên!

Chẳng có ai nhúc nhích cả.

Anh Khẩu đội trưởng! Đó là một hình tượng ai trông thấy cũng thương tâm. Tôi không hiểu anh là người gì, là cái gì nữa cơ! Đầu thì băng bó, mặt mũi bơ phờ, tay chân thì trắng bợt ra, những đầu ngón tay ngón chân thì tím ngắt.

Anh chỉ còn mặc mỗi cái quần đùi. Anh vừa dưới nước trồi lên như từ dưới âm phủ hiện hiện về vậy.

Vâng, anh cũng khá lãm. Anh còn nhớ mình là Khẩu đội trưởng phải điều động cái nòng pháo lửa đi tới, đi cho thấu tới Miền Nam. Vì thế cho nên anh mới bị linh dưới quyền của anh tẩn cho một trận thừa sống thiếu chết, có lẽ một trận tệ hại nhất trong đời làm chỉ huy của anh.

Anh ta đi lật mặt từng người lên mà xem và gọi và quát và… năn nỉ. Vâng, chỉ huy ở đâu chứ chỉ huy ở cái đường Trường Sơn này không có nghĩa lý cái chi, nếu không nói là nó không giống như chỉ huy ở các nơi khác. Vì sao? Chỉ huy là khoa học, là kỷ luật.

Nhưng ở đây thì chỉ có một vế thôi, nghĩa là chỉ bắt lính giữ kỷ luật… sắt Nhưng muốn cho nó giữ kỷ luật sắt thì ít ra phải cho nó ăn uống đầy đủ, ngủ nghê đẫy giấc, quần áo giày dép tươm tất, xe pháo đúng tiện nghi. Chứ còn một hạt muối không phát thêm cho nó, thép khối như thế kia, bảo nó khiêng nó vác làm sao? Mà lại đi dưới nước thay vì đi trên bộ, leo núi thay vì đi đường phẳng, pháo thì phải kéo bằng xe chứ chẳng có quân đội nào mà lại di chuyển pháo bằng vai, trừ ra những đạo binh hồi thế kỷ thứ 13 trở về trước.

Thế cho nên cấp chỉ huy như anh Khẩu đội trưởng này đây phải có hai “cây gậy chỉ huy” một cây đúc trong lò “cách mạng vô sản” hai là cây gậy làm bằng bông gòn có tẩm nước hoa, không phải dùng để quơ múa ra lệnh mà để dùng quét qua quét lại trên mũi của chiến sĩ.

Anh Khẩu đội trưởng đã dùng cây gậy sắt đối với lính anh ta hôm qua rồi. Cây gậy đó bị những ông thần đói quật lại gãy tan tành và chính vị chỉ huy cũng no đòn, suýt chết. Vì thế cho nên anh ta phải dùng tới cây gậy bằng bông gòn. Chứ sao? Thằng khôn ngoan là thằng phải biết xoay trở theo thời thế, nhân tâm. Cưỡng lại nó thì tan xác ngay thôi mà.

Anh Khẩu đội trưởng đi đến một anh đang ngồi trên rễ cây. Anh ta vỗ vai cậu lính:

– Đi cậu, trở lại tiếp một tay.

– Tiếp làm gì ạ?

– Khiêng pháo!

– Chặng này đâu phải phiên em!

– Cậu tên gì nào?

– Thủ tưởng quên cả tên em à?

– Ừ, ừ mày tên Tùng phải không?

– Em tên Tụng ạ. Trần Thế Tụng.

– À, cậu đã từng…

Cậu lính có tên Tụng cúi nhìn xuống đất. Cậu ta nói cái tên của cậu ta ra, như muốn nhắc lại cho anh chỉ huy nhớ một thành tích bất hảo của cậu ta.

Và có lẽ anh Khẩu đội trưởng đã nhớ lại rồi. Anh đã nhớ ra thằng Tụng là thằng gì rồi.

Hắn nhảy tàu nổi tiếng, và lúc nào cũng tìm cơ hội để quay. Hắn ta có cặp giò quấc và đôi mắt chim mèo. Có lẽ vì biết rõ thành tích của cậu lính này mà anh Khẩu đội trưởng không muốn tiếp tục năn nỉ nữa.

Anh ta quay sang một cậu có gương mặt bầu bĩnh dễ thương đang treo võng nằm vắt vẻo ở một hốc đá.

– Này, cậu tên là Thường phải không?

– Dạ vâng ạ.

– Cậu còn khỏe thì trở lại khiêng tiếp cái nòng pháo với tớ. Nó còn nằm đằng kia.

– Dạ em sốt quá, thủ trưởng.

– Tớ cũng đang sốt đây.

– Em đi không nổi ạ!

– Thế thì làm sao?

– Có mấy cậu kia còn khỏe lắm.

– Mấy cậu nào?

– Thủ trưởng bước quá vào cái bụi kia. Chúng nó đang ngồi dụm ở đó, nói chuyện râm ran.

Anh Khẩu đội trưởng hơi nóng mặt. Anh ta lại quơ cây gậy thứ nhất lên.

– Các cậu vô kỷ luật đến thế là cùng.

– Dạ, em đâu dám ạ!

– Các cậu coi chỉ huy của các cậu còn kém con b…

– Dạ không ạ, em không dám ạ!

– Chúng mày sẽ bị đưa ra tòa án quân sự.

– Dạ vâng ạ, em sợ lắm ạ!

– Đồ láo! Chúng mày là một lũ vô dụng!

– Dạ vâng, chúng em toàn một lũ vô dụng, ăn hại ăn bám cả cho nên bây giờ em không thích ăn bám nữa ạ?

– Mày đừng có lắm mồm!

– Em sốt quá. Thủ trưởng còn kí ninh không?

-Còn cái gì?

– Thủ tướng còn muối không?

– Đây này, còn cái này này. Anh Khẩu đội trưởng văng tục.

– Muối em chảy ra nước đổ hết cả rồi?

– Tao bây giờ chỉ còn trên răng dưới dế, chứ còn cái gì?

Nói xong, anh ta ngồi phệt xuống đất, không còn sức lực đứng để nới gì nữa.

Tôi bèn nhắc anh ta, như cậu lính nói lúc nãy:

– Anh nên đi lại gọi cái đám sau bụi cây kia. Mấy cậu đó trông còn khỏe.

Tôi nói vậy mà anh ta dựng người lên như nhớ lại một điều quý báu. Anh ta xăm xăm đi về phía bụi cây, chân rảo bước, cổ nghển cao nhìn, như đặt hết hy vọng vào cái đám người “còn khỏe” đó!

Tôi cũng hy vọng sao cho anh ta tìm được một số người giúp anh khiêng cái của nợ kia tới đây.

Tôi nghển cổ nhìn theo.

Anh Khẩu đội trưởng vừa đi tới thi đám người kia ù té chạy vứt tung cả đồ đạc và bỏ cả quần áo đang phơi ở đó.

Anh Khẩu đội trưởng nhặt những hòn đá và những mẩu củi mục vứt bừa theo, vừa ném vừa nghiến răng chửi ỏm tỏi:

– Con mẹ chúng mày, đồ quân… quân…

Quân gì, tôi cũng không nghe rõ, nhưng chắc chắn đó là “quân đội nhân dân” đồng đội của anh ta.

Anh Khẩu đội trưởng quay trở lại, mặt tái xanh tái ngắt, ngồi xuống bên võng tôi và thở như trâu cắt cổ.

Bây giờ tôi mới nom rõ thân hình anh ta. Những nốt thâm đen khắp người và những vết sẹo trên mặt, chân có những vết còn đỏ hỏn. Vết thương mới trên trán còn rỉ máu ra nhuộm ướt vành băng.

Để cho anh bớt mệt, tôi mới hỏi:

– Gì mà tụi nó chạy toán loạn vậy?

– Mẹ… mẹ… chúng nó!

– Sao? Cái gì?

– Lũ khốn kiếp! Mấy thằng nó đánh tôi hôm qua.

– Thế à?

– Tôi giết chúng nó chết cha! Anh ta nghiến răng ken két.Tôi rơi mất khẩu súng ngắn rồi. Nếu không tôi bắn chết hết. Chúng nó phản động.

– Thôi đồng chí ạ!

– Thôi sao được.

Tôi nói:

– Mình là cán bộ! Vui hưởng sau, cực chịu trước.

– Thì đồng chí coi tôi đây, tôi có còn ra cái thứ gì nữa hay không? Tôi là con người hay con vật?

Anh ta xông tới giật khẩu AK của ai treo trên cành lên đạn và chạy vút đi. Nhưng anh ta đã không tìm thấy lũ người. Họ vừa tẩu thoát.

Anh ta quay lại, ném khẩu AK vào bụi và nói:

– Lính tráng gì thế? Lính tráng gì đánh chỉ huy.

Tôi nói xụi lơ:

– Thì chúng nó đói, chúng nó khổ quá mà. Với lại theo như tôi đi gần họ tôi biết, họ cũng không muốn đi vào Nam. Đi vào Nam là tôi đây này, vì tôi ở trong đó, mồ mả tổ tiên tôi ở trong đó, còn họ, còn anh, chính anh nữa, anh cũng đâu có muốn đi, đi làm gì? Nhưng bị bắt đi thì phải đi cho nên gặp khổ thì muốn quay lại.

– Ừ quay thì quay, thiếu gì “bê quay” trên đường này. Nhưng sao lại đánh cấp chỉ huy?

Tôi sẵn trớn, nói luôn:

– Vì cấp chỉ huy đánh nó, có phải không?

– Ừ đúng tại tôi đánh chúng nó!

Anh Khẩu đội trưởng như vừa phát giác ra một vấn đề gì vô cùng quan trọng. Ừ tại anh ta đánh chúng nó. Cho nên chúng nó đánh lại, khổ quá mà còn bị đánh thì chúng đánh lại, điều đó rất dễ hiểu thôi.

Những người tù bị giam trong khám rất khổ, và bị mất hết tự do giữa bốn tấm vách tường, sinh mạng như treo chỉ mành mà còn dám đánh lại có khi giết chết cả cai ngục thay, huống gì ở đây, họ không phải là tù.

Anh Khẩu đội trưởng bỗng giơ hai cánh tay gầy guộc lên mà kêu thảm thiết:

– Trời ơi! Như vầy thì tôi làm sao chỉ huy? Làm sao tôi hành quân nốt con đường này được?

Anh ta đấm ngực thùm thụp, nhảy tưng bừng lên, hai mắt đỏ nọc hai hàm răng nhai ngấu nghiến như có vật gì trong mồm:

– Thế này thì tôi chết, tôi chết! Tôi nghỉ, tôi nghỉ!

Rồi anh ta ngồi thụp xuống như đôi chân anh ta bằng sáp bị hơ lửa.

Tôi thương anh ta quá.

Chiều hôm qua khi xô xát nhau giữa anh ta và mấy cậu lính, tôi có trông thấy rõ màn kịch đó từ đầu tới cuối, khi mấy cậu lính đánh anh ta rơi xuống suối thì tôi lấy làm thích thú xem như sự uất của chính mình lâu nay được trả thù, được thỏa mãn, thấy vui thích cùng với các cậu lính kia, nhưng giờ đây, tôi mới hiểu thêm lòng dạ anh ta và thương hại anh ta, tội nghiệp cho cái nô tính của anh ta.

Anh Khẩu đội trưởng bị kẹp giữa hai cái gọng kềm “lính” và “nhiệm vụ”. Lính kiệt sức không muốn đi, không khiêng nổi nòng pháo quá nặng, còn anh ta là chỉ huy lại bắt buộc chúng nó phải khiêng và phải đi đến nơi. Vì chúng không làm theo ý anh cho nên anh đã đánh đã bắn (dọa) chúng nó. Và chúng nó sẵn sàng đánh lại anh.

Anh ta khóc rưng rức.

Tôi không biết lấy lời gì để an ủi anh ta, mà cũng không biết có nên an ủi anh ta không? Để cho anh ta khóc, có khi vơi đi nỗi sầu.

Tôi quay sang cậu Tấn giao liên.

– Bao giờ thì đi tiếp hở cậu

– Chờ cho họ tới đủ thì đi.

– Biết bao giờ họ mới tới đủ?

– Bao giờ thì bao, tôi biết làm sao bây giờ?

– Nhưng biết bao nhiêu thì đủ?

– Ba mươi hai người dân chánh và một khẩu đội pháo. Đó ông Khẩu đội trưởng đang ngồi khóc hu hu đó.

– Họ đã tới đây bao nhiêu rồi?

– Đó họ đang ngồi rải rác đó. Anh thử đếm giùm xem?

– Độ hai mươi người. Nhưng nếu họ không đến đủ thì sao?

– Tới giờ đi mà chưa đủ rồi sẽ hay?

– Bây giờ cũng đứng bóng rồi.

– Ờ nhỉ.

Anh giao liên có vẻ thản nhiên không tỏ một sự thương xót nào đối với ai, kể cả đối với anh Khẩu đội trưởng. Anh ta dửng dưng như một người xa lạ, hoàn toàn ngoại cuộc.

Tôi thấy vậy bèn hỏi:

– Cậu không có cách nào giúp cho anh Khẩu đội trưởng sao?

– Giúp gì được mà giúp.

– Thấy rầu quá. Đã khổ rồi, lại còn gặp những chuyện thế này, tôi đi hết muốn nổi.

– Tôi gặp những cái cảnh này đã chán mắt. Thú thật với anh tôi không thích bộ đội trên đường này một tí nào.

– Sao vậy?

– Vì họ ẩu quá, bết bát quá.

– Thì phải thông cảm với sức khỏe và hoàn cảnh của họ chớ.

– Ai không biết vậy, nhưng họ kỳ cục lắm!

– Ví dụ.

– Ví dụ như trạm tôi đang cấm không cho bắn thú rừng vì sợ lộ bí mật. Nhưng họ không tuân theo. Họ bắn tối ngày. Con gì họ cũng bắn. Thậm chí con chim bằng ngón chân cái họ cũng bắn bằng súng AK.

– Cậu có nói thêm cho họ không? Tội nghiệp họ cậu ạ?

– Tôi nói gian cho bà móc mắt tôi đi.

– Cậu thành kiến với họ quá! Đó là vài người lính thôi chớ!

– Nếu lính thì tôi không nói, còn chỉ huy thì anh biết sao không? Các ông trời có súng ngắn thì bắn cả cá lòng tong dưới suối. Bắn hai ba phát chỉ được mấy con cá bằng đầu đũa ăn thôi. Thế mà cũng bắn!

Tấn ngưng một chốc rồi tiếp:

– Họ.bị nghẽn đường một tuần lễ, trạm tôi phải dời đi không dám ở chỗ cũ. Anh biết ở rừng mà dời chỗ ở cực nhọc biết bao nhiêu. Cồng kềnh đủ các thứ nồi niêu, tăng võng lôi thôi lếch thếch… Vậy mà bọn tôi có can thiệp là họ hăm bắn, hăm đánh.

Tấn ngưng câu chuyện và hỏi tôi:

– Mấy giờ rồi anh?

– Gần đúng trưa rồi! Tôi xắn tay áo lên xem đồng hồ tay.

Tấn nom sát vào mặt đồng hồ và kêu lên ngay:

– Ồ, đồng hồ Liên Sô đẹp quá nhỉ. Vầy mà người ta bảo đồng hồ Liên Sô như cái cối đá, không đeo được.

– Ai bảo?

– Những người ngoài Bắc về như anh.

– Họ nói hồi nào?

– Năm ngoái năm nay! Em cũng không hiểu sao, nhưng em tự ái quá!

Tôi cười:

– Thì họ nói đúng chứ sao! Tự ái cái gì?

– Anh nói sao?

– Đồng hồ Liên Sô là đúng như vậy chứ sao!

– Sao cái này lại đẹp thế này?

– Sao cậu biết cái này là đồng hồ Liên Sô?

– Ở ngoài Bắc về không đeo đồng hồ Liên Sô thì đeo đồng hồ gì anh?

Tôi lại cười:

– Vậy cậu có trông thấy cái đồng hồ Liên Sô nào không?

– Có thấy một cái.

– Cậu thấy thế nào, nói thiệt đi.

Thấy Tấn ngập ngừng, tôi nói:

– Sợ mất lập trường hả?

– Quả thật là không đẹp mấy.

– Không đẹp thì nói không đẹp, lại còn màu mè “không đẹp mấy” nữa.

Tấn lại hỏi tôi:

-Còn đây là đồng hồ gì đâyanh?

– Thụy Sĩ “xách mách đâm ba nha” (Suisse made Printania). Nói đùa chứ đây là Movado.

– Hèn gì đẹp quá! Ở ngoài đó cũng xài đồng hồ của phe đế quốc nữa sao anh?

– Xài chớ sao không xài. Mình không chế được thì mình phải xài của đế quốc chớ. Nhất là đồng hồ thì phe mình đâu có ăn thua gì so với thằng Thụy Sĩ? Nhưng không phải chỉ trong lãnh vực đồng hồ mà thôi, còn nhiều món hàng khác mình cũng thua nó xa.

Bỏ mạng rồi! Tôi quên rằng ở bên tôi có cái cây lập trường đang nằm chình ình ra đó. Tôi vừa tốp câu chuyện lại thì cũng vừa lúc ông Chín ra miệng. Ông Chín đang nằm, ông ngồi dậy ngay. Ông xòe bàn tay ra dấu cho tôi ngưng câu chuyện. Ông Chín nói:

– Các cậu nên giữ lập trường một chút. Tại sao đồ của mình lại thua đồ của đế quốc?

Tôi bỏ lảng ông Khẩu đội trưởng đang khóc kia mà gay vào cuộc chiến đấu với ông lập trường. Tôi nói:

– Chuyện đó có gì mà mất lập trường ông cụ?

– Không mất lập trường à, khen phe đế quốc chê phe ta mà lại không mất lập trường à?

Tôi suýt bật cười. Tôi và Thu đã đụng với ông Chín nhiều trận trên cái chiến địa “lập trường” này nhiều rồi. Trốn máy bay ông cũng giở sách Các Mác ra mà lý luận, rồi xem đùi đàn bà, ông cũng cho là mất lập trường, bảo chân bộ đội như nhũng cái cọc màn, ông cũng cho là khinh rẻ quân đội cách mạng và những người nói như thế là mất phẩm chất, lần này khen đồng hồ Thụy Sĩ tốt hơn đồng hồ Liên Sô, có lẽ tội nặng hơn tất cả những trường hợp ở trên kia.

Tôi nói:

– Đây là vấn đề hàng hóa rất là hiển nhiên, có gì đâu mà mất lập trường.

– Đồng chí nói như vậy mà không ngượng mồm à?

– Theo như ông Chín cầm hai cái đồng hồ Wyler và Bobéda thì ông Chín dùng cái nào?

Ông Chín hơi ấp úng rồi đáp ngay:

– Nếu dùng thì tôi dùng cái Wyler.

– Đó? Sao ông Chín lại bảo rằng tôi mất lập trường?

– Tôi dùng đồng hồ Wyler nhưng tư tưởng của tôi lại khác đồng chí.

– Xin lỗi, ông Chín khác thế nào ạ?

– Khác là dù tôi đeo đồng hồ Wyler nhưng tư tưởng tôi vẫn cho là chiếc đồng hồ này là do sự bóc lột công nhân, bóc lột kỹ sư mà ra chớ không phải như trường hợp cái đồng hồ Bobéda.

– Khác thế nào ông Chín?

– Cái đồng hồ Bobéda là do sự toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, của công nhân, kỹ sư chung đúc lại thành và vì lý tưởng Cộng sản mà nó mang cái tên đó. Bobéda là ý nghĩa là thắng lợi đồng chí biết không?

Tôi hỏi tiếp:

– Vì toàn dân toàn ý phục vụ nhân dân và vì chủ nghĩa Cộng sản thì sao lại xấu hơn cái thằng đế quốc bóc lột công nhân và nó không vì cái gì cao siêu hết hở cụ?

Ông Chín chẳng ngờ tôi lại ngoan cố mà ví ông ta vào cái chân tường mà chính ông tự xây cho ông trong mọi cuộc tranh luận “lập trường”.

Ông Chín chới với, chưa tìm ra câu trả lời.

Cũng may lúc đó Tấn đứng dậy và bảo mọi người.

– Chuẩn bị hành quân!

Chao ôi, nghe tiếng hành quân, tôi ớn cả xương sống, ớn cho tôi và ớn cả cho Thu. Vì ngoài cái sự lê xác của tôi đi tôi còn phải nâng đỡ Thu nữa, một cái việc phải phung phí sức lực, nhưng chẳng có lợi lộc gì cho tôi hết, mà tôi phải làm.

Trời ơi! Con đường gì mà càng đi, càng thấy mình đi vào tử địa, vô cùng, đi vào tuyệt lộ. Nhưng mà vẫn phải đi tới, không thể đi lùi được. Tất cả mọi người nhốn nháo, kẻ thì lơ láo nhìn quanh kẻ thì cứ ngồi lỳ ra đó, cơ hồ như cái lệnh kia không tác động chút nào đến mình.

Nguồn: http://viteuu.blogspot.com/2013/03/hoi-ky-xuong-trang-truong-son-cua-xuan_29.html

Comments are closed.