Văn học miền Nam 54-75 (669): Xuân Vũ (kỳ 13)

XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG SƠN

13

Tôi và Năm Cà Dom đi đốn nứa cất hẳn một cái nhà bếp con con để trời mưa khỏi ướt củi. Nóc nhà lợp cả bằng những thanh nứa bổ làm đôi, cứ úp vào nhau, cái sấp cái ngửa như lợp ngói ống. 
Một hôm Năm Cà Dom mày sáng kiến làm cơm mẻ. Tôi nói: Thế thì hay quá. Mỗi bữa ăn mình nhín lại vài muỗng. Làm được một ga-men cơm mẻ thì mình sẽ tìm lá nấu chua. Như vậy sẽ có món ăn lạ miệng, ăn ngon hơn.

Nhưng Năm Cà Dom bác ngay cái sáng kiến của chính mình nêu ra. Anh ta nói: 
– Nói đùa vậy chớ không được đâu! 
– Tại sao? 
Anh ta giải thích rằng muốn làm mẻ thì phải có một ít cơm làm cốt cán, rồi bỏ cơm nguội vào đó cho nó ăn, nó mới tiết ra cái chất chua đó được, chứ nếu chỉ có cơm nguội không thôi thì bỏ vào ga-men chỉ thu thập một mớ cơm thiu cơm thối chớ không có con mẻ được. 
Chỉ có vấn đề cơm mẻ mà hai đứa cãi nhau hằng mấy tiếng đồng hồ. Rồi thỉnh thoảng mấy ngày sau, tôi lại khui ra mà “tranh luận” nữa. Tôi nói với Năm Cà Dom: 
– Tôi nhớ hồi ở nhà, người ta cứ rắc cơm nguội vào cái thố thôi mà. 
– Nhưng mà người ta có sẵn cốt cán trong đó rồi, bỏ cơm nguội vào nó mới ăn hiểu chưa ông anh. Cứ “cải giống” hoài.
Tôi ngồi thừ ra mà nhớ cá trê trắng tát đìa, con thật to thịt nó rất dai, khứa nó ra, hoặc nướng nguyên con, chốc chốc lại phết mỡ hành lên, thơm bát ngát. 
Chao ôi! 
Tôi kể cho Năm Cà Dom nghe cái món ăn đặc biệt đó ở quê tôi. Năm Cà Dom lắc đầu: 
– Thôi đi cha, đừng có kích thích cái “thú tính” đó, tôi nổi điên lên tôi mần thịt cô văn công của cậu tôi nướng bây giờ đa. 
Hai đứa cứ ngồi nói mây nói gió như vậy suốt ngày, không có chuyện gì làm, mà không dám ngủ vì ngủ thì sợ sốt. 
Bỗng một hôm có chuyện xảy ra: 
Hôm ấy, chúng tôi đang ngồi tán gẫu bỗng có một cậu có vẻ là giao liên, từ đâu không biết, xăm xăm đi vào chỗ tôi và hỏi: 
– Có cô nào văn công ở đây không? 
– Không có ai là văn công hết. – Thu vọt miệng đáp. 
– Ủa, sao kỳ vậy cà? 
– Có cô văn công ở đằng kia kìa. – Thu trỏ tay bâng quơ thế là cậu chàng lủi ra, không chú ý nhìn ai hết. 
Cậu ta vừa đi khuất thì tôi hỏi Thu: 
– Sao em trả lời như vậy? 
– Lộn xộn lắm anh ơi. 
– Sao em biết là lộn xộn? Biết đâu chừng ngoài trung ương cho xe hơi máy bay gì vô rước em. 
– Xùy! Còn lâu! 
Tôi cười, Thu tiếp: 
– Hôm anh đi lãnh gạo, ở nhà em có gặp một cậu bộ đội tới đây nói chuyện với em rất lâu. Anh ta là cần vụ của một ông tướng đóng ở gần đây. 
– Ông nào? 
– Cái ông tướng mà viết truyện ngắn đó, anh biết mà! 
– Ai kìa? 
– Cái lão phê bình cuốn Mười Năm của Tô Hoài rách mướp ra đó! 
Tôi vỗ đùi kêu lên: 
– Thế à? Thế ông ta cũng vô đây à? Anh biết rồi! Ai chớ ông đó thì anh có thấy mặt! 
– Ông ta văn võ song toàn anh nhỉ? 
– Võ của ông ta thì anh không biết chứ còn văn thì không “toàn” đâu. Ông ấy viết còn nặc mùi chánh ủy. 
Thu nói: 
– Em không rõ, nhưng em đoán là ổng mời em vô hát múa cho mấy ông bự xem chớ gì! Em không có đi đâu. Em ghét lắm. Họ có coi mình ra cái gì. 
– Sao kỳ vậy? 
– Em cũng không biết tại sao. 
– Sao lại không biết? 
– Hình như những người đó họ xem nghệ thuật với cặp kính kỳ lạ! 
– Thế à? 
– Em đã bị rồi mà. 
– Tệ thế! 
– Ừ thì như vậy đó. Cho nên bây giờ em có ấn tượng không xoá được. Là: hễ có mấy ông to xem thì em diễn không được. 
Một buổi sáng, giao liên cho hay: 
– Chuẩn bị lên đường. 
Bọn tôi mừng lắm, nhưng khi nghe rõ lại thì chỉ có các vị rẽ xuống Bác Kế mới đi, còn ai đi Ông Cụ thì cứ yên trí nằm chơi đó cái đã. Chưa có hy vọng gì nhấc chân lên nổi đâu. Năm Cà Dom nói với tôi ngay: 
– Đổi đồ. 
– Đồ gì mà đổi? 
– Ậy! Cứ nghe tôi. Cậu soạn quần áo rồi đi theo tôi. 
– Có sóc hoặc buôn à? 
– Có! Có! 
– Người gì? Bana hay Rađê? 
– Người gì thì người, miễn có đổi cho cậu thì thôi. 
Tôi nghĩ: Bây giờ lại gặp may nữa rồi! Nhưng nghĩ đến chuyện vô sóc thì ớn quá đi mất! 
Chập sau, tôi đi theo Năm Cà Dom. Ông bác sĩ đi trước với vẻ cương quyết lạ lùng. Đang đi, bỗng ông rẽ sang trái và lom khom chui tọt vào lùm cây và bảo: 
– Mấy cha nà sắp rẽ xuống Bác Kế, tôi mới làm quen. Họ còn nguyên thịt chà bông và thịt kho mặn. 
Không hiểu làm thế nào mà các chả để dành giỏi như thế. Cũng nên nói thêm một điều lạ lùng ra đây về vấn đề cấp phát thực phẩm cho người đi Trường Sơn. Kẻ đi gấp đôi gấp ba, còn kẻ rẽ xuống Bác Kế thì chỉ đi một tháng là tới, thế mà thực phẩm vẫn lãnh đều. Tụi đi Ông Cụ có cái gì thì lũ đi Bác kế được cái ấy thậm chí nhiều món nhiều hơn tốt hơn của chúng tôi. 
Đó, cụ Hồ thương dân Nam Bộ chiếu cố chúng nó như thế đó. Bởi thế cho nên mới có sự đổi chác ở dọc đường thế này. 
Những hình ảnh mà tôi ghi ra sau đây là những hình ảnh vô cùng bi đát cho cái chánh sách cải cách ruộng đất ở Miền Bắc. 
Đoá như một ông nông dân bần cố hỉ ngồi trên một cái rễ cây ngoằn ngoèo như một con rắn đang cuộn mình lên. Còn một ông nữa ngồi soạn đồ đạc trong ba-lô. Họ đang tiếp tục soạn một số đồ để giản chính hoặc đổi chác với chúng tôi.
Tưởng ai đâu, chẳng ngờ đó là một người quen của tôi trước đây. Anh ta ở Cục Lắp Máy ở ngoài bờ sông tên là Đoá. Tôi hỏi Đoá: 
– Anh còn nhớ tôi không? 
Đoá nhìn tôi một chập rồi nói: 
– Hơi quen quen! 
Sự thực thì không quen gì cho lắm nên Đóa không nhớ tôi cũng phải. 
Đoá vớ lấy cái gậy trúc bên cạnh. Đó là cái chân thứ ba, vừa là cái điếu cày của Đoá. 
Đoá mang đi từ Hà Nội hai kí-lô thuốc lào. Đoá nén chặt nó vào một cái túi mủ ấn vào dưới đáy ba-lô xem như đó là thuốc tẩm bổ cho Đoá trong lúc đi đường. Vì anh chàng có sắm một cái điếu cày “poọc-ta-típ” tức là cái điếu rất nhỏ có thể giắt gọn trong lưng. Khi cần Đoá lấy ra hút một cách hết sức chớp nhoáng và giắt vào lưng cũng một cách hết sức chớp nhoáng làm cho người bên cạnh không kịp xin. 
Mặc dù Đoá đã chuẩn bị chu đáo đến như thế, nhưng bợm ghiền vẫn cứ xin một cách “vô ngại”. 
Cho nên Đoá vứt cái điếu cày đó đi mà chế tạo một chỉếc khác. Đoá làm ngay trong chiếc gậy trúc của Đoá. Có gì đâu, chỉ cần khoét một cái lỗ ở trên đầu chiếc gậy gắn vào đấy một cái nòng con, rồi chế vào đấy vài chục phân khối nước, thế là xong một cái điếu cày. 
Đoá lấy làm thích thú về sự sáng tạo này. Nó giải quyết cơn ghiền rất thuận tiện, ngay trong lúc đang đi. Như vậy Đoá sẽ không bị chậm trễ một bước nào. Và nếu có ai xin thì Đoá bảo gậy mình mắc chống, không thể đưa cho mượn được. Thấy làm như thế có kết quả, Đoá cứ xơi thuốc trong lúc đang đi, còn khi nghỉ xả hơi thì Đoá ngưng hẳn, không hút một điếu nào. 
Có lẽ Đoá thấy khách đến để dạm hỏi đổi đồ, cho nên mới mang cái “điếu gậy” này ra để mà vừa mời khách vừa biểu diễn. Đoá tra thuốc, châm lửa, rít khe khẽ. Nước bên trong reo lên sòng sọc. Đoá thổi phù một cái, nước bắn nhẹ ra đằng nòng, rồi lại tiếp tục xơi thêm điếu nữa. 
Thuốc lào của Đóa đựng trong một cái ống tuýp thuốc Dagénan đã tróc hẳn hết sơn. Đoá móc ra một tí tẹo thuốc, có thể đếm được từng sợi. Những sợi thuốc đen bị hai ngón tay tẩm nhựa vàng sậm và sành sõi vê lại thành viên to bằng hạt tiêu. Đoá tra vào nòng và lại bật lửa châm hút. 
Đoá làm tất cả những việc trên với những cử chỉ thật kỹ lưỡng, không để đánh rơi một sợi thuốc, không để cho cái bật lửa cháy lâu, không để cho liều thuốc cháy sót một tí nào nghĩa là anh ta tận hưởng hoàn toàn cái liều thuốc của anh ta không để phí đi một sợi khói. 
Khi đã hít trọn vẹn tất cả nhựa sống vào lồng ngực của anh ta, thì anh ta mới từ từ quay sang một bên và phun khói ra có vòi từ trong mũi trong mồm, từ cả hai khóe mắt, tất cả khói được phun ra từng chập có sự tính toán tiết chế, sao cho thần kinh hệ của anh ta đắm đuối đầy đủ trong cái mới khói và nhựa của liều thuốc. 
Rồi gật gà, gật gù cái đầu trọc tóc đang ra tua tủa như một trái gáo, với cặp mắt mơ màng, Đoá ngoách sang chúng tôi đang ngồi ngắm hắn như xem một trò ảo thuật. 
– “Làm” một phát đi cậu! 
– Cậu làm cho đoả đi rồi mình làm. 
Năm Cà Dom lắc đầu. Khoái ngồi bên cạnh đón lấy ngay. Khoái bật lửa và hơ vào đầu điếu có tính cách khử trùng, rồi lại hút. Tuy là bạn bè nhưng thuốc ai nấy hút. Thuốc của Khoái đựng trong một cái hộp dẹp nhỏ bằng cái bánh bích-quy. 
Rít xong một điếu, Khoái cong năm ngón tay lên cào lia lịa trên cái đầu tóc bù xù và hỏi tụi tôi: 
-Các đồng chấy có món gì đặc biệt không hỉ? 
– Thì quần áo lụa Hà Đông, đồ kaki. Cậu còn muốn đòi tiên đòi voi gì nữa hả? 
– Đâu đưa tôi xem. 
Tôi ném cả ôm đồ của tôi xuống đất cho Đoá và Khoái. Cả hai vồ lấy, cầm từng chiếc nâng lên xem tận mắt, và bứt bứt bấm bấm từng nơi để thử xem vải có mục không. 
Tôi nói. 
-Không có mục đâu mà sợ. 
Khoái kê vào mũi và nhăn mặt bảo: 
-Chua lòrn! 
– Ừ thì bỏ trong ba-lô chớ phải ở Hà Nội sao mà bắt bẻ. Không đổi thì thời tôi mang về cất. – Năm Cà Dom nói xẵng giọng nửa chơi nửa thiệt. Cho mấy cha không có quần áo phải vấn khố bỏ mạng chơi! 
– Hừm, khu mình có vải xi ta chớ. 
– Hồi đánh Tây kìa chớ bây giờ còn cái xưởng ma nào đâu mà dệt xi ta với xi tô. Tôi thấy bảo là trong khu các ông ăn toàn ngô mà tôi ớn xương sống. 
– Ớn gì, ăn mãi rồi nó cũng quen! 
Năm Cà Dom có lẽ hơi giật mình về cái “tịch” trốn thoát khỏi cái ngã rẽ xuống khu năm cho nên Năm hỏi dò: 
– Nhưng sao các cậu về khu năm mà không rẽ xuống ở ngoài kia mà đi tuốt luốt về tới trong này vậy ha? 
– Khu năm rộng lắm chớ ông bạn. Nếu công tác các tỉnh ngoài kia thì mới rẽ xuống cái ngã đó, còn bọn này thì đi vô tỉnh giáp ranh khu sáu. 
– Chơi tréo cẳng ngỗng thế. Các cha ở Quảng Nam mà họ lại cho các cha về Bình Định, Phú Yên công tác à? 
– Chơi thế mới chết người. Bọn tôi đang thắc mắc một bụng đây! 
Tôi đang lo Năm Cà Dom lộ bí mật về các việc đi lậu của anh ta, thì anh ta lại xổ ngay ra vấn đề đó. 
– Tôi đây này cũng bị chơi tréo giò. Ai đời mình ở Hóc Môn mà nó lại phân công về Bình Định. 
– Thế à? Cả Khoái và Đóa trố mắt nhìn Năm Cà Dom. 
– Thế thì đi vô chơi với bọn mình. 
Tôi nháy Năm Cà Dom, nhưng Cà Dom cứ nói tướng lên: 
– Tớ cũng về Bình Định đây, đi cùng đường với các cha cho vui. Bởi vậy nên đổi đồ rẻ rẻ nghe! Có gì thì sau này tớ cho ăn ké. Chớ đổi đắt quá, sau này tớ không cho rớ vô đó! 
Tôi phục Năm Cà Dom thật. Anh ta làm gì cũng có chuẩn bị trước hết. 
Khoái nói: 
– Bộ đồ bà ba lụa Hà Đông này thì tôi đổi cho đồng chí nửa lon kho mặn được không? 
– Được – Tôi đáp. Hộp kho mặn đâu rồi? Đưa đây. 
– Còn tất cả các thứ kia nào khăn, áo tay ngắn, áo thun thì đổi nửa hộp nữa được không? 
– Được rồi! Đưa đây một hộp kho mặn rồi lấy hết chỗ đồ đó. 
Tôi cứ nói luôn không ăn phải chờ ý kiến của Năm mặc dù đồ đó phần lớn là của Năm, chớ tôi đâu còn món gì đáng kể. Tôi đã để lại tất cả cho đám người Thượng trong một cái buôn vô danh ở sau lưng tôi rồi. 
Không biết nghĩ sao mà Khoái lại cằn nhằn: 
– Những thứ này các đồng chí đã mặc cả rồi. 
– Thì mặc rồi, nhưng còn mới. Có chịu đổi thì đồi, không đổi thì thôi. Cà Dom gắt ầm lên, làm như con buôn chợ đen ở chợ Đồng Xuân vậy. Đây là sự trao đổi tương đối có lợi cho hai bên chớ phải con buôn đâu mà các đồng chí ke re kéc réc từng chút vậy? 
– Thì tôi cũng nói vậy thôi. Muối trên đường này mà, quý hơn vàng, chớ đâu có phải là đồ bỏ? 
– Nhưng mà về đó cái là muối trở thành đồ bỏ ngay mà. 
– Ông bạn lạc hậu rồi. Bãi biển khu năm bây giờ bọn này không có mò xuống đó được như trước kia. Từ trên núi xuống cho thấu biển thì hàng tháng đấy ông bạn ạ, mà có nhiều khi, có đi mà không có về. 
– Ai bảo? 
– Quê tôi mà tôi không biết hay sao? 
Bỗng Đóa đánh đốp vào đùi một cái rõ to. 
– Uổng quá! Đến đây mình mới tiếc ngẩn tiếc ngơ. 
Khoái quay lại: 
-Tiếc cái gì? 
Đóa gãi đầu gãi tai: 
– Nếu mình “cày” được khỏi đi chuyến này thì ở lại ngoài đó mình mua được một cái “ô ri ông”.
– Cái ô-rây-dông hả? 
– Không, “ô-ri-ôn” là đài radiô của Hungari. 
Khoái chắn ngang hỏi: 
– Còn cái đài “ốp ta oa” của cậu to bằng cái thùng thiếc đó để làm gì mà phải mua thêm một cái nữa? 
– Mình mua được cái nọ thì bán cái kia chớ! 
Khoái càu nhàu: 
– Anh suýt nữa bị khai trừ vì mấy cái vụ buôn bán rađiô đó. Ai đời gần ngày đi rồi mà cứ đòi xin ở lại để bán mấy cái rađiô. Anh coi công tác cách mạng chẳng ra cái đếch gì cả. 
Đoá cãi lại: 
– Quan trọng cái thớ gì. Nằm đây hằng tháng rồi. Có đi đâu được không? Nếu để tớ ở lại ít ngày tớ bán cái rađiô lời được mấy chục bạc. Đằng này vì gấp đi bán đổ bán tháo. Tiếc tiếc là! Mình mua cũng mất tiền dữ lắm chớ đâu phải xin người ta mà có được! 
– Sao không ở ngoài luôn ôm cái rađiô đó mà sống? 
Tôi ngại phải chứng kiến một sự bùng nổ giữa hai người. Nhưng xem vậy mà không quan trọng gì cả. Đóa cười khì khì và gọi ông bác sĩ Năm Cà Dom đang xem xét hộp kho khô. 
– Ông bác sĩ ơi! 
– Gì đó? 
– Tớ cho xem cái này! Đóa vớ lấy cái điếu gậy làm một điếu và lại nói rất phấn khởi. Cậu Khoái cậu đần bỏ mẹ đi đấy. Ai đời có chiếc xe đạp “Súp-pe-gốp” (Super Globe) lại bán rẻ mạt. Phải chi cho tôi hay, tôi đổi cho được ít nhất vài công đất. 
Cà Dom hỏi: 
– Đất gì? Mua ở đâu cái thời buổi này mà mua được? 
– Được chớ. 
– Người ta vô hợp tác xã tám, chín mươi phần trăm ai dư đất đâu mà bán vậy chớ. Ai bán đất, ai mua đất cũng bị khai trừ bỏ mạng! 
– Không! Tớ mua trong miền Nam quê tớ kia mà. 
– Trời đất? Làm sao mà mua vậy? 
– Vậy mà tôi mua được chớ! Đóa lấy làm hãnh diện móc trong túi ra một tờ giấy nhỏ bằng trang giấy học trò trao cho tôi và Năm Cà Dom.
– Đọc xem! 
Năm Cà Dom cầm lấy, tôi cũng liếc mắt vào: 
TỜ BÁN ĐẤT 
“Tôi là Võ Văn Mịt đồng ý bán một mẫu đất của vườn tôi thuộc khoảnh gia cư do em trai của tôi là Võ Văn Mờ hiện cư ngụ tại đó với giá tiền là hai trăm đồng.
Vậy khi ông Lê Đoá trình giấy này ra dù mọi quyền sở hữu của mảnh đất này đều thuộc về ông Đoá. 
Hà Nội, ngày… 1965 
Ký tên 
Đóa cười khè khè: 
– Phen này về là tôi tha hồ trồng cây ăn trái. 
Năm Cà Dom trao mảnh giấy lại cho Đóa và nói: 
– Các cha làm bậy bạ quá. Phạm chánh sách chi bộ, nó kiểm thảo các anh xanh xương gà ác đấy… 
– Cái gì mà phạm “chánh sách”? Nó ưng bán thì mình ưng mua chớ! Đất bỏ trống không có ai làm mà. Mình về mình tăng gia sản xuất chớ sao. Úy úy coi chừng, mấy hạt giống của tôi đâu rồi… Chu choa, các cha ngồi trên đó rồi. Mắc mưa tôi sợ nó lên mộng cho nên tôi đem nó ra phơi đó! 
Tôi ngồi nhóm lên, thấy có một nhúm lúa. 
– Giống Nông Nghiệp I, Nông Nghiệp II đó các cha. Đem về cấy vào đất Bình Định thì hít thôi. 
Năm Cà Dom cười: 
– Nói vậy các cha định về trong đó cấy cày món ăn sao? 
– Thì phải tính tới đường đó chớ. Mình già rồi, về trong đó tranh sao lại bọn trẻ? 
Năm Cà Dom hỏi tiếp: 
– Nhưng làm sao mà anh mua được vậy? 
– Cũng dịp may thôi, thằng Mịt nó vô trường đi B cũng ở với mình một Chi. Nó tâm sự với mình có miếng đất như thế. Chừng về tới nơi hai đứa sẽ sản xuất. Đóa nói với giọng buồn buồn. Không nói giấu gì đồng chí. Tôi nay bốn mươi tám tuổi rồi, trẻ trung gì nữa. Kháng chiến chín năm hết sức lực. Ra Bắc ở mười hai năm chịu mưa phùn gió rét với lại đi làm công trường làm cầu mất năm năm. Cầu Đò Lèn, cầu Ninh Bình đều có tôi. Cầu Làng Giăng, cầu Lao Kay cũng có tôi. Còn sau này thì đi làm công trường đập đá mất bốn năm. Bệnh mất một năm mười một tháng sáu ngày. Còn chi là sức lực. Càng già càng yếu chớ đâu có mạnh lên được. Lại thêm mưa phùn gió bấc mình không quen. Bây giờ tôi biết tôi yếu lắm. Về tới nơi là chỉ còn một tí sức lực nữa thôi. Hoạt động chừng một năm là nằm mẹp rồi. Chừng đó ai nuôi? Vợ con hồi mình đi tập kết đem hết ra ngoài đó. Bây giờ quất ngựa về một mình. Ai nuôi? Cho nên phải tính kế trước chớ. 
Đóa nói tiếp: 
– Nói thiệt với đồng chí, chẳng phải mua đắt đỏ gì. Tôi đưa cho thằng Mịt cái rađiô Liên Xô với chiếc xe đạp coi như ba trăm bạc để về trong quê lấy miếng đất của nó. 
Năm Cà Dom hỏi: 
– Thế anh ta không đi à? 
– Gần đến ngày đi, anh ta bàn việc buôn bán với tôi như vậy rồi đập bệnh ở lại luôn. 
Ban đầu tôi nghe câu chuyện mua bán đất đai thì lấy làm xem thường cái anh Huyện ủy này, nhưng khi nghe trọn đầu đuôi thì tôi rất thương tâm. Cuộc chiến đấu dưới sự điều khiển của các tay tổ thật là vô nhân đạo. Họ chỉ ngắm cái đích còn xác rơi hai bên đường thì không cần đếm làm chi. 
Công việc của Đóa làm cho tôi bắt suy nghĩ đến số phận mình. Tuy tôi còn ít tuổi hơn Đóa, nhưng tương lai tôi có khác gì. Rồi đây mình sẽ đi đến cái ngày bi đát đó. Mải mê làm cách mạng mà ngày già nua đã đến mà không hay, hai mươi năm trời bất biết cha mẹ gia đình cố hương. 
Một đêm nọ chàng văn sĩ chợt tỉnh nửa đêm nghe tiếng con cú kêu ở ngọn cây cao, nhớ quê nhà, nhớ song đường mới biết rằng mình bất hiếu. 
Tôi đâm ra thương anh Huyện ủy viên này. Tôi hỏi: 
– Thì ra đất Bắc anh không được công tác gì đúng trình độ anh hay sao? 
– Đúng cái gì mà đúng. Ở trong Nam tôi làm huyện ủy. Ra đất Bắc tôi suýt đi gác cổng. Cũng may người ta cho tôi đi làm trong đội cầu. Lặn lội với sắt, siết bù lon, sơn cầu, v.v. mình không có nghề nên chuyện gì cũng phải làm. Mình có tranh đấu xin việc nhẹ thì nó bảo: Đảng viên phải gương mẫu. Thế là thôi. Kịp đến khi có phong trào về Nam thì nó móc mình lên từ dưới bùn đen. Nó lại cho mình về. Mình nói mình già rồi. Vợ con mình ở ngoài này cả. Vả lại mình bệnh, yếu sức. Nhưng nó lại cũng bảo: “Đảng viên nọ kia!” Thế là phải đi. Đấy đồng chí xem, bây giờ chồng Nam vợ Bắc. Vợ tôi nó đòi đi theo. Đi làm sao được mà đi? 
Tôi nhìn Đóa. Tội nghiệp anh ta hết sức. 
Bao nhiêu những cá tính, những chuyện lặt vặt trong sinh hoạt tôi đều thấy không có nghĩa lý gì, so với một đời cần cù lao lực của anh. Con người anh, tuy tôi không quen nhiều nhưng nội cái việc mua đất cũng đủ làm cho tôi hiểu cái tính cần mẫn và biết lo xa của anh. Tôi nói: 
– Nếu ở ngoài đó hay cái việc anh mua đất, thì nó sẽ khai trừ anh chết tươi. 
Đóa cười: 
– Hay làm sao hay được. Vô tới đây tôi mới cho vài anh em biết thôi mà cho dù có khai trừ tôi cũng chịu. Mình phải tính đến cái gì cụ thể hơn, già rồi, đâu có đi theo cái chuyện mông lung mãi được? 
Tôi và Năm Cà Dom cầm hai cái nửa hộp lon kho khô đi về lều vẻ mặt hớn hở như vừa đạt được một cuộc đại chiến thắng. Chúng tôi biết ở đây là cái cửa khẩu rất lớn, có voi vận tải, cho nên mới có muối có khô và cậu thủ kho mới bán cho mình dễ dàng như vậy. Tôi bèn rủ Năm Cà Dom đi lùng tìm thêm thực phẩm và chất tươi. 
Nghĩ mà thương anh bạn khu năm. Đúng là tuổi nào mơ ước nấy. Những sự dự tính và tương lai của anh ta làm cho tôi suy nghĩ. Chợt nhớ tới cái thằng “tôi” đâu còn là trẻ trung gì nữa, mà đã quá nửa đời người rồi. Sự nghiệp đúng là lem nhem ba lá sách mà cũng cứ nghé ngọ mãi, có ra cái chi đâu. 
Con người ta, ai cũng đều phải có hai phần đời một là sự nghiệp của mình, hai là đời tu. 
Con người ta ít ra cũng phải biết vui thú gia đình chứ. Cách mạng thì cách, chớ đâu có thể bắt người ta trở thành cái cây trụi không lá không cành không hoa không trái! 
Nếu hỏi cho kỹ lại về động cơ thì một trăm người về Nam có đến một trăm lẻ một người chán ghét miền Bắc và chín mươi chín người về để kiếm vợ theo câu “Ta về ta tắm áo ta, dù trong dù đục ao nhà đã quen”
Tôi nhớ lúc tôi đi qua những vùng có lẽ là khu năm, tôi gặp những cô văn công Hà Nội đi vào công tác ở K5 đi lãnh cái ăn. Tôi dùng riêng tiếng cái ăn vì nó phức tạp, nó kỳ cục, không thể gọi là thực phẩm. Cái ăn của anh chị em văn công này là lúa và bắp. Tôi thấy tôi lắc đầu, nhưng những anh chị em ấy bảo như thế hãy còn là quí hóa! Nhiều khi đi lãnh lúa lãnh bắp không có thứ nào cả, phải đi về không, bụng đói chân không muốn bước, nước mắt ròng ròng. Văn công vô khu năm đâu có biểu diễn, vì đâu có chỗ nào để dựng được sân khấu, và đâu có ai có kiên nhẫn ngồi coi văn công… 
Lãnh được lúa về mới đi vào buôn sóc mượn cối mượn chày mà vọt ra gạo. 
Anh bạn Đóa có lẽ đã biết trước cái cảnh kháng chiến chống Pháp ngày xưa ở quê nhà rồi, cho nên mới nghĩ đến việc mua đất đai về phòng thân. 
Cái việc này xem ra là phản chánh sách. Lúc đầu ở Hà Nội tôi có nghe chuyện này. 
Tôi nghĩ như vậy, nhưng khi tôi vào đây thì tôi lại nghĩ khác ngay. Người ở trong cảnh mới có những ý nghĩ chính xác và thích hợp về hoàn cảnh đó. 
Chỉ cái việc ăn dọc đường mà rắc rối thế đó. Ở Hà Nội dù có một bộ óc phi thường đến mấy cũng không nghĩ ra cái sinh hoạt ở trên con đường này. Thế mà họ dám bày đặt ra cả một chương trình hành quân đại qui mô với sức tưởng tượng của họ. 
Bây giờ đi vô đây mạnh thằng nào thằng ấy bơi. Cho nên khi nghe ở đây có một cái cửa khẩu lớn có rất nhiều chất tươi thì tôi và Năm Cà Dom rủ nhau đi tìm. Trước khi đi tôi dặn kỹ Thu ở nhà trông chừng đồ đạc rồi chúng tôi mới đi.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=vuot%20truong%20son%202%20%20%20xuong%20trang%20truong%20son&page=13

Comments are closed.