Văn học miền Nam 54-75 (682): Xuân Vũ (kỳ 26)

XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG SƠN

26

Nằm giữa cái bãi B52 hoang tàn này mà nghĩ ngược lại ở phía đầu đường thì thấy rằng cái đầu đường đó là cái nấc đầu của một cây thang mà mỗi chặng đường là một cái nấc thang đi xuống. Càng đi thì càng thấy tinh thần mình đi xuống dốc, ngược với những điều người ta tưởng tượng về chúng tôi. 
Cái anh chàng “vái cả mũ” kia lại dựng lên sừng sững trong đầu tôi và làm cho tôi bất giác nghĩ rằng đó là Năm Cà Dom.

Tôi gọi Năm Cà Dom, kể lại chuyện đó và hỏi: 
– Cái anh chàng dí dỏm đó có phải là cậu không? 
– Sao cậu nghĩ thế? 
– Bởi vì cái tính của cậu nó cũng thế! 
– Nó thế, nhưng mà tớ có làm thế bao giờ? 
– Thôi đích là cậu rồi. Hôm đó tớ nhớ anh chàng kia nói là quê anh ta ở Gia Định. Còn cậu ở Hốc Môn, thế là cậu chớ còn ai.
Năm Cà Dom cười khè khè: 
– Người ta thì vái cả mũ chớ còn tớ thì bái cả mũ. 
Tôi nói: 
– Tớ có nghe những giai thoại vui vui. Rằng có một chàng “hiệp sĩ” nọ cũng chất chứa một bụng bất mãn mười năm trời khi qua được Bến Hải rồi thì quay lại vái mỉa mai cái kiểu trên đây. Thế là anh chàng bị lôi ngược về Bắc ngay! 
– Láo toét. 
– Nó có quyền làm như thế lắm chứ? 
– Nhưng nó biết người ta vái thế nào mà bắt người ta? 
– Nó đoán mò. 
– Không thể được! Chỉ có những thằng Nam Bộ mới hiểu rõ cái sự vái đó mà thôi. Bỏ cha bỏ mẹ bỏ xứ bỏ quê mười mấy năm trời, nay về được, mừng húm, không vái lia sao được. 
Tôi cười: 
– Mình bị cái câu “tập kết hai năm rồi trở về” mà chết cả lũ, cả đám. 
– Chẳng biết cái thằng mặt ngang mồm dọc nào lại tung ra cái đó he? Tìm mãi cũng không ra thằng nào nói câu đó đầu tiên. 
– Ai chịu cha ăn cướp! 
Tôi bảo Năm Cà Dom đi tìm Mạnh Rùa xem cái vụ kho gạo như thế nào để tham gia kiếm chác. 
Năm Cà Dom không phải đi tìm mà Mạnh Rùa trở lại. 
Bây giờ tôi trông Mạnh Rùa như cái xơ mướp. Thể xác Mạnh Rùa đã rách. Tâm hồn của hắn cũng tơi bời bi thảm. 
Mạnh lại hỏi: 
– Các cậu có tham gia không? 
Năm Cà Dom đáp: 
– Tôi xin một chưn! 
– Được rồi, mấy chưn cũng được. 
Rồi Mạnh ngồi phệt xuống một cái rễ cây. Bây giờ thì tôi thấy thương hại Mạnh Rùa. Chuyện hắn xét ba-lô chúng tôi vừa qua không còn là một thành kiến của chúng tôi đối với hắn nữa. Nếu chúng tôi ở trong hoàn cảnh của hắn, chắc chúng tôi cũng sẽ làm như vậy mà thôi. Mạnh Rùa thở phào: 
– Mẹ nó, làm sao mà đi tới nơi? 
– Ráng mà lết! Năm Cà Dom nói. 
– Các cậu là cửa tiên nhé! Bây giờ mà tôi được đi độc lập và không có súng ống gì hết thì tôi lủi một cái một là mất tăm! 
Năm Cà Dom hỏi: 
– Cậu ở tỉnh nào? 
– Cần Thơ, quận Ô Môn, xã Long Tuyền. 
– Quít cam dữ hả? 
– Nhất xứ Ô Môn mà. 
Mạnh Rùa thừ ra. Tôi trông nét mặt thì biết hắn cũng chỉ cỡ tuổi chúng tôi là cùng. Một nạn nhân của cuộc tập kết hai năm và của chánh sách “giải phóng miền Nam”. 
– Bây giờ về đến noi cậu làm gì nào? 
– Chả làm gì cả! 
– Lêu têu à? 
– Tớ không muốn làm bất cứ chuyện gì nữa hết! Chán quá! 
– Ít ra cũng nuôi vài chục con gà mái đẻ chơ. 
– Cố nhiên. 
– Và coi “cái ổ” nào kha khá thì “hốt” một cái chớ. 
– Cố nhiên! Tụi mình thì phải “hốt ổ” thôi chớ ma nào còn ưng cho nữa. 
Năm Cà Dom cười: 
– Tụi Nam Kỳ mình thì chuyên môn “hốt ổ”. Từ Bắc chí Nam đi đâu cũng hốt ổ. Trang bạn mình đều có sự nghiệp, gia đình, còn mình thì gia đình không, sự nghiệp cũng không. 
Mạnh Rùa nói: 
– Tớ có một người bạn năm nay độ bốn mươi lăm tuổi, dân Bình Xuyên. 
– Tên gì? 
– Anh ta cũng thứ Ba. Anh ta là tiểu đoàn phó Bình Xuyên. Ra Bắc vì anh bị xem là thuộc thành phần không cơ bản nên anh được chuyển ngành. Anh ra Hà Nội làm ở Bộ Công Nghiệp nặng. Anh ta lấy một mụ có con, có cả cháu nội cháu ngọai. 
Năm Cà Dom kêu lên: 
– Đúng là một cái ổ vĩ đại. 
– Nhưng anh đâu có được yên thân! Anh ta bị khai trừ. 
Mạnh Rùa kể tiếp về anh bạn Bình Xuyên: 
– Anh ta như con cọp già bị bẻ hết nanh móng và vứt cho nằm chung với đàn lợn của hợp tác xã phải ăn phân trâu nấu với bèo hằng ngày (vì theo báo Nhân Dân thì phân trâu bổ hơn rau tấm!). Cọp mà đi ăn phân trâu sống làm sao nổi. Nó nhớ suối nhớ rừng nhớ đàn nhớ bạn… Người ta biết như vậy nên có bao giờ họ cho anh ta về! 
– Nghĩ lạ thật! Năm Cà Dom cười nhạt. Đồng bào mình ở tận Tân Đảo mà lại về xứ được, còn bọn Nam Kỳ dưa hấu của mình thì đành bỏ xứ muôn năm! 
Tuất đột ngột xuất hiện và nói ngay với Mạnh: 
– Kế hoạch xong rồi. Thi hành chưa nào? 
– Để khoan! 
– Khoan dùi gì nữa? 
Mạnh Rùa đáp: 
– Để tôi giải thích cho mấy ông “văn ngọt” này nghe tại sao mình lại cướp cái kho gạo kia, để mấy ông hiểu lầm rằng mình là thổ phỉ! 
– Thì mình cũng gần là thổ phỉ rồi chớ còn gì nữa? Ăn cướp kho gạo, còn gì nữa? 
– Nhưng đây là ăn cướp vì chánh nghĩa. 
– Tại sao ăn cướp mà lại chánh nghĩa. Ông Chín nghểnh cổ nói sang. Mấy đồng chí nói nãy giờ mười chuyện tôi nghe ăn trét cả mười. 
Mạnh Rùa giải thích: 
– Ăn cướp cũng có ba bảy đường chớ đồng chí ông Chín. Ở đây có một bọn giữ kho dơ dáy. Chúng lấy gạo bán chác cho đồng bào thiểu số và nuôi heo riêng. Vậy mà chúng mình đến thì chúng nó bảo rằng gạo đã cạn. 
Một đạo quân do Mạnh Rùa chỉ huy. 
Tôi, Năm Cà Dom và Hồng đi theo. 
Kho gạo ở cách xa một tiếng rưỡi đồng hồ, nhưng chúng tôi tưởng chừng đi cả ngày. Anh thủ kho là một người béo tốt, nếu không nói là phương phi. Anh ta lại mặc đồ bà ba lụa đen. Nhất định đó là của một ông cán nào lo lót lem nhem để được anh ta ban cho một cái ân huệ cỏn con nào đó. 
Thấy chúng tôi đến, anh ta đứng trên sàn nhà xua tay ngay: 
– Trông kia kìa, kho cháy tiêu hết rồi, đã nói chúng tôi phải ăn lá rừng mà! Không thấy hay sao mà cứ mang tới hoài vậy. Hôm qua tôi đã nói rồi. Hôm nay lại kéo tới. Ăn như xáng múc ai chịu cho nổi. 
Mạnh Rùa đi sau cùng. Khẩu súng giắt trong lưng rất kín, Mạnh Rùa lấy khăn bịt khấc ngang đầu như cố nén cơn giận đã nuôi sẵn từ lâu. 
Một cậu bộ đội nói: 
– Chúng tôi có mấy người đau, chỉ xin lãnh một vài lít thôi đồng chí thủ kho. 
– Đã bảo là hết rồi! Kho cháy không còn một hột mà. Đây đâu phải mậu dịch Hà Nội mà hàng chở đến mau được. 
Năm Cà Dom bỏ nhỏ: 
– Đây không phải là mậu dịch Hà Nội, nên chúng tôi chỉ xin lãnh một ít thôi. Đồng chí xem đấy, bộ đội bị B52 và sốt rét thân hình ra thế đó làm sao chiến đấu. 
– Ô kìa làm sao thì làm chớ! Đảng Bác giao cho tôi giữ kho gạo thì tôi chỉ giữ kho gạo thôi không biết gì nữa hết. 
– Thế ra đồng chí không còn đến vài lít hả? Một anh bộ đội nói. 
– Đã bảo là hết. Đồng chí với nhau chẳng lẽ tôi ăn cơm nhìn đồng chí đói mà tôi yên tâm được? 
– Thế đồng chí cho xem nồi cơm của đồng chí đi! 
– Người đâu lại vô kỷ luật thế hả? 
– Xem tí thôi, có gì mà vô kỷ luật. 
– Này, tôi cho các đồng chí biết kho này thuộc kho của Bộ Tổng Tư Lệnh nghe. 
– Tổng gì thì tổng, tôi phải moi cho ra. 
Anh thủ kho đóng cửa đánh rầm rồi quay vô, nhưng “đốp đốp đốp” ba phát súng lệnh của Mạnh Rùa đã nổ và cả tiểu đội ào lên. 
Chớp nhoáng, đã chiếm lấy kho gạo. Tất cả đều bươi, móc, tìm kiếm văng tục vung đá làm đủ mọi cử chỉ của một đoàn quân căm thù và mất dạy không còn kể đến cái lẽ phải nào hơn gạo. 
Chỉ trong giây phút cái kho đã rách nát ra như một cái tấm tã mà cái chú bé con là anh thủ kho đang bị dí súng vào bụng và dồn vào một góc không dám ho he nửa tiếng. 
Tìm không được gạo, đám lính đói càng hung hăng. Chúng đập phá, chặt vách đổ xuống và một cậu bật lửa châm lên mái lá. Lửa bốc lên, nhưng Mạnh xuất hiện quát lũ lính dập tắt ngay. 
– Trói nó lại! 
Đám lính ùa tới trói gô anh thủ kho vào một gốc cột. Anh ta như cái áo rũ, mắt xanh ra và mồm nói không nên tiếng. 
– Gạo ở đâu? Mạnh Rùa mổ mổ họng súng vào mặt anh thủ kho và hỏi. 
– Dạ hết rồi. 
– Tại sao mày có gạo đem đổi gà ở trong buôn và có gạo nuôi lợn riêng. 
– Dạ em đâu có… 
– Mày chối tao cho chầu ông vải ngay. 
– Dạ Đảng Bác giao cho em giữ kho, em đâu có… 
– Mày phát khẩu phần thiếu cho anh em đi đường để làm gì? Tao biết hết. Tao sẽ báo cáo về Bộ Tổng. Mà thôi, tao không cần báo. Tao cho mày tử hình ngay bây giờ. 
Rồi Mạnh dõng dạc: 
– Trói thật chặt nó vào cột và nổi lửa đốt kho… Mau lên! 
– Dạ! Một tiếng dạ phấn khởi vang lên. 
Anh thủ kho bỗng ré lên khóc to như rống. Hẳn nói qua những giọt nước mắt, giọt nào giọt nấy mặn hơn nước biển và to hơn chiếc bi đông. 
Tôi vốn là một kẻ sợ bạo động cho nên khi thấy Mạnh Rùa càng quyết liệt thì tôi lại sợ và lùi ra xa trong khi đám binh sĩ háu đói nghe được lệnh là xông vào sẵn sàng thực hiện lệnh của cấp chỉ huy. Đúng ra không phải bọn họ có tinh thần kỷ luật đến thế, nhưng vì họ chỉ nghĩ tới gạo, mà phương pháp của Mạnh Rùa đề ra là phương pháp duy nhất có thể làm cho gạo lòi ra. 
Một anh đánh bật lửa châm ngay vào mái lá. Anh thủ kho quay cổ lại nhìn. Anh giãy giụa, mắt anh trợn lên giữa lúc ngọn lửa bắt vào mái lá gây nên một vừng khói. 
Mạnh Rùa vẫn thản nhiên nhìn anh thủ kho. Một anh lính hất hàm hỏi anh thủ kho. 
– Gạo đâu khai ra. 
– Dạ hết rồi! Cấp trên chưa tiếp tế. 
– Không, mày giấu! 
– Nếu các đồng chí tìm thấy thì tôi chịu tội. 
– Tao không tìm nhưng sẽ có gạo, chốc nữa thôi? 
– Các đồng chí không tin tôi đã mười tuổi đảng sao? 
– Mày mười tuổi đảng mà mày xén bớt khẩu phần gạo của tụi tao mỗi đứa một lon đi đổi lợn ăn và nuôi lợn, nếu mày hai mươi tuổi đảng chắc mày bán cả chúng ta mà ăn. 
Mạnh Rùa khoát tay: 
– Thôi không nói nữa. Tất cả ra khỏi nhà. 
Anh lính kia còn tiếp: 
– Hôm nay nếu không có gạo thì chúng tao sẽ ăn thịt quay, hả? Biết chưa? Biết chưa con? Tất cả lũ mày đem ra chặt đầu ba lần cũng còn nhẹ? 
Tất cả lính đã lủi ra ngoài đứng nhìn vào. Lửa đã bốc lên dữ dội và gây một sự chuyển động trong không khí. Và cây lá nổ răng rắc. Đám lính bắt đầu nhớn nhác nhìn xem theo dõi sắc mặt của viên chỉ huy. Mạnh Rùa lại tỏ ra cương quyết hơn bao giờ hết. 
Mạnh Rùa nhìn anh thủ kho bắt đầu bị vài làn khói xông vào mặt làm cho anh ta nhắm mắt lại và ho sặc. 
– Tao cho mày đền tội một cách “vinh quang”!
Lửa đã bò lan ra một phần mái nhà. Anh ta kêu lên, rống lên. Không rõ anh ta muốn nói gì. Mạnh Rùa quát: 
– Tuốt lá cây nhét mồm nó lại. Mau lên! 
Anh thủ kho thét lên: 
– Để tôi chỉ gạo. 
– Không! Tao không cần gạo của mày. Tao cho mày theo ông theo bà. 
– Các đồng chí… 
– Ai đồng chí với mày, đồ con lợn! 
– Các đồng chí đừng đốt nhà. Hầm gạo ở ngay trong nhà. 
-À thế hả. Sao mày không “anh dũng” nữa? 
Đám binh sĩ nhảy tưng lên. Mấy chục cặp mắt nhìn xoi mói vào cái nền nhà. Nhưng Mạnh Rùa quát: 
– Bỏ nó ở đó với hầm gạo. Bọn ta không cần. Tất cả trở về. 
Anh thủ kho khóc rống lên vang cả rừng. Họ đợi cho tàn lửa rơi trên đầu anh thủ kho mới mở trói cho anh ta. Mạnh Rùa hỏi: 
– Mấy chục bao? 
– Dạ có hai bao thôi. 
– Sao lại hai bao? Mày có muốn tao quăng mày vào lửa trở lại không? 
Anh thủ kho khóc mếu đi đến góc nhà và giở nắp hầm lên. 
Đám lính chen lấn nhau chui tọt xuống ngay. Họ lôi lên. Nào gạo nào nếp nào muối nào khô, những cái bao những cái gói những thùng, thứ nào cũng đưa vào mồm được cả. Vắng lâu quá cái mồm không được cắn vào cái cơm, cái mũi không được ngửi cái mùi cá thịt… Thiệt là một cảnh vui tươi nhộn nhịp. 
Họ nấu cơm, nướng khô ngay tại đấy vừa ăn vừa vung vải vừa chửi đổng và dọa giết anh thủ kho. 
– Ê mày nuôi được mấy con heo mày? 
– Được có một con thôi. 
– To bằng mày không? 
– Năm nay mày sinh hoạt chi bộ mấy lần mậy? 
– Dạ không có sinh hoạt lần nào hết. 
– Mày là chúa sơn lâm he! 
– Ông xơi xong ông lại trói mày vào cột mà đốt tiếp. 
Câu chuyện đang lằng nhằng như thế thì Hồng xuất hiện. 
– Các anh ơi! Kho gạo ở đây này! 
– Ở đâu? Ở đâu? 
Chưa biết là ai nói, mà mọi người đã phản ứng ngay khi cái tiếng “gạo” dội vào tai họ. Thằng Hồng xuất hiện trước mặt mọi người. Mặt mũi sáng trưng mồ hôi nhễ nhại với hai cái ruột tượng căng rướn vắt chéo qua trước ngực và một túm tròn bằng trái bí rợ đeo lủng lằng bên hông. 
– Có kho gạo thật à? Mạnh hất hàm. 
– Có, chắc chắn. Em nói láo em chết ngay bây giờ. 
– To không? 
– Ăn một tháng không hết. 
Rồi cả đám ùn ùn đi theo Hồng trong lúc cả đống thực phẩm còn bỏ lại miệng hầm đó. Bỗng anh thủ kho khóc rống lên. 
– Tôi lạy các anh? Tôi lạy các anh. 
– Ê! Nhét mồm nó lại tụi bây. 
– Quăng mẹ nó vào lửa đi. 
Nhưng anh thủ kho bất chấp những lời đe dọa. Anh ta sụp lạy ngay trước mắt Mạnh Rùa. Cái đầu dập xuống cất lên lia lịa như chày đâm tiêu. 
– Tôi lạy các đồng chi! 
– Mày cút mẹ mày đi! 
– Đó là kho gạo chiến lược các đồng chí ơi! 
– Chiến cái con khỉ! 
-Thiệt mà! Chỉ có trung ương mới có quyền ra lệnh xuất kho. 
– Tao đếch biết. Lính tao đói, có gạo là tao xơi! Tao thịt cả mày nói mày biết! 
– Dạ, đây là gạo dùng để tiếp tế cho chiến dịch nào sắp mở đó. 
– Trung ương không cho xuất vì trung ương không bị đói còn tao với lũ lính này đói mê ra nên tao cho xuất tất cả. Xuất sạch rồi tao đốt kho luôn. 
Rồi Mạnh Rùa ra lệnh: 
– Đi khai kho ra mà khao lính, bay! 
Rồi họ rầm rầm kéo đi. Quả thật một cái kho gạo đứng trốn rất kín trong một đám rừng dày không có ánh sáng mặt trời. Chung quanh cũng không có dấu chân hoặc vết xe. 
Vừa tới đó thì tôi thấy từ trong kho vọt ra một cái bóng. Tôi vừa kêu lên ngay: 
– Roánh! Thằng mắc toi đã mò tới đây rồi. 
– Không. Chính nó với em phát hiện ra đó! 
Hồng vừa nói vừa gọi: 
– Roánh ơi! Roánh! Bọn nhà mình đây cậu. 
Cặp Hồng Roánh thiệt là xứng đôi. Chúng mà “hành quân” trong rừng thì nhất định có “chiến lợi phẩm” mang về. Từ ngày có Hồng, Roánh bớt hoạt động, bớt phá phách đơn vị có lẽ vì Roánh thấy Hồng cũng là một tay chúa sơn lâm nhưng lại rất ngoan ngoãn nghe theo lời chị. Roánh có cái tấm gương treo trước mặt đó để soi hằng ngày chăng? 
Tôi cũng không hiểu, nhưng thấy hình như hai cậu trở thành đôi bạn. Chúng thường sánh vai nhau đi và luôn mắc võng gần nhau, tâm sự có khi hàng giờ. 
Trên cửa kho Roánh xuất hiện với hai tay vẫy lia: 
– Gạo nhiều quá! 
Tôi phải ngộp vì trông thấy số gạo chất trong kho. Có lẽ gạo đã được chuyển tới đây lâu rồi nên dấu xe dấu chân đã bị xóa sạch. Những mớ lá khô dày đặc phủ kín mặt đất. Anh thủ kho vẫn lẽo đẽo đi sau Mạnh Rùa van xin. 
– Tôi cắn rơm cắn cỏ lạy các đồng chí. Đây là gạo chiến lược. Xin các đồng chí đừng đụng tới. 
– Tao không biết. Tao đói. Tao cần ăn. Mày nói mãi hả? Mạnh Rùa dí súng vào giữa trán của anh thủ kho. Mày còn nói nữa thì tao bóp cò. 
– Dạ đồng chí có giết tôi thì tôi mát thân chớ cái kho này khai ra thì tôi bị tử hình. 
Mạnh Rùa ngay chân. Anh thủ kho lăn kềnh trước mặt Mạnh nhưng anh ta lại lồm cồm bò tới chân Mạnh mà kêu gào: 
– Các đồng chí thương giùm tôi. Đây là gạo sẽ dùng trong chiến dịch sắp tới. Người ta tới lãnh gạo không có, tôi làm sao? 
– Thế chúng tao nhịn đói thì mày không làm sao à? 
– Đã có mấy bao kia rồi. 
– Không đủ. Mày phải phát bù lại số mày xén mất hiểu chưa? Tao nhất định rồi! Chúng mày cứ lấy! Thắng nào mang nổi bao nhiêu cứ lấy! Còn lại tao sẽ đốt tất! 
Chúng tôi trở về như những chú vịt bầu no phè đi lệt bệt, bước không nổi. 
Gạo đó, ai cũng có thể tới lấy và tha hồ lấy. Có những người thích gạo mới nguyên nên khui cả bao ra mà chỉ lấy một ít hoặc họ khui ra để tìm nếp, rồi lại khui bao khác, cũng chỉ để lấy một ít thôi. 
Họ cố hết sức khuân vác đem về địa điểm đóng quân, bếp núc luôn luôn mịt mờ khói lửa, không ai nói nổi. 
Họ cố nhét càng nhiều gạo vào người càng tốt như con lạc đà cố ăn uống trước khi vượt qua sa mạc. 
Năm Cà Dom nói với Mạnh Rùa: 
– Cậu nên ra lệnh cho lính chỉ ăn, đừng phá phách như vậy. 
– Mình đã ra lệnh rồi. Nhưng bây giờ chúng nó đã trở thành những thằng điếc hết rồi. Chúng nó trả thù. Có gạo ăn no bụng nhưng đường bị kẹt, không đi tới được. Cứ xục xích mãi như hủ lô cán đường, lết tới lại quay lui. Biết chừng nào đến nơi?

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=vuot%20truong%20son%202%20%20%20xuong%20trang%20truong%20son&page=26

Comments are closed.