Truyện dài
Dương Nghiễm Mậu
Phần I
Bóng tối đã bắt đầu ùa vào cửa sổ, khung cửa mờ nhạt lẫn vào phía trong, đồ vật nhòa đi như sắp biến dạng. Tôi không hiểu vì sao giờ này mà chưa có đứa nào nó lên phòng, phải rồi, thằng Nhược nó đã nói từ hôm nào là nó đi dự đám cưới một người bạn. Còn cái Nhẫn, hôm nay nó lại đi học về muộn thôi. Nhưng tôi thấy vui là được yên tĩnh một lúc. Dù bóng tối có đen đặc thêm nữa tôi cũng vẫn có thể biết chắc mọi đồ vật ở chỗ nào trong căn nhà này, căn nhà yêu dấu tôi đã sống được bao nhiêu năm êm ấm với hạnh phúc, cũng như buồn khổ và xa cách. Nhưng dù sao những ngày cuối đời mình tôi lại còn được sống ở đây, và chết ở đây. Đó chẳng phải là một hạnh phúc lớn hay sao. Chính căn phòng này. Chiếc giường vẫn còn kê ở góc, chiếc bàn con nơi cửa sổ ngó ra khoảng sân có hàng rào dâm bụt, hàng cây dạ lan hương vẫn nằm sát tường tỏa mùi hương thơm mát. Chiếc ghế dựa bằng mây lớn ở mé bên kia có chiếc băng nhỏ để sát tường nơi tôi vẫn ngồi. Tất cả đã được sắp xếp trở lại như hồi tôi sống với mối tình đầu đắm đuối. Đã hơn ba mươi năm trời nay…
Tôi là đứa con ngoan trong một gia đình nền nếp, ngoan hơn tất cả các anh chị, thầy tôi vẫn gọi tôi là “con gái rượu”, mẹ tôi nói con út sẽ là đứa mẹ tôi được nhờ cậy lúc về già, và là đứa con sẽ được nhiều sung sướng. Nhưng không, tôi là đứa con cha mẹ không được nhờ, tôi đã cướp công tất cả, cho nên những lúc nghĩ lại tôi chỉ còn biết khóc. Nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Những đứa con tôi đã trưởng thành, có đứa đã chết… Nuôi chúng, chịu đựng chúng tôi mới thấy mình bất hiếu, nhưng cha mẹ đã chẳng còn cho tôi phụng dưỡng. Tôi nói điều này ra cho các con tôi nghe – chắc có đứa sẽ cho là tôi muốn dạy khéo chúng để chúng thương tôi – điều mà tôi chẳng nghĩ. Thương yêu hay giận ghét làm sao tôi muốn hay không được. Tôi cố làm hết hồn bổn phận của mình, làm theo lòng mình không đòi hỏi gì.
Các con tôi chắc nó chẳng lạ chuyện năm tôi 18 tuổi đã bỏ làng theo trai, có ai ngờ một đứa con gái hiền thục lại có thể làm thế. Tôi đã hành động theo sự đòi hỏi của lòng mình. Chàng là học trò của thầy tôi, một người học trò thường, nhưng chàng có những hành động khác thường. Chàng đã bỏ học đi biệt tích, dù trong khi ấy chàng rõ rằng tôi yêu chàng, yêu chàng tha thiết. Chàng đã nói với thầy tôi rằng: con không muốn chỉ là một thầy khóa gàn của một thời đã chết, dạy dăm ba đứa nhỏ sống an bần lạc đạo với sách vở thánh hiền, bởi vì, thưa thầy, chúng ta đang nô lệ… Thầy tôi mến chàng lắm, nhưng chẳng bao giờ nói ra. Khi thấy chàng từ biệt thầy đã cảm động nói với gia đình: đó là một đứa học trò hơn thầy và ta cũng muốn dẹp lớp học này đi. Thầy tôi đã làm như vậy, trong gia đình, người thân cận chẳng ai hiểu nổi. Nhưng tôi yêu chàng, nghe chàng nói, tôi hiểu một phần cái tư tưởng của thầy tôi dù không nói ra… Ít lâu sau thầy tôi đã bị rắc rối về người học trò này, phong thanh những người bạn đồng môn nói lại chàng đã dự vào một biến động, những đồng chí đã có kẻ rơi đầu. Thầy tôi nghe tin chỉ thở dài, thầy đã uống rượu say, ngâm thơ… thế sự thăng trầm quân mạc vấn, yên ba… Tôi chỉ còn biết khóc.
Khóc thầm những đêm không ngủ. Nhìn đôi mí mắt mọng đỏ; Mẹ tôi chẳng hiểu vì sao… anh chị nhìn tôi lắc đầu: con út nó làm sao ấy. Nhưng chàng đã trở về một đêm, chàng bảo phải đi xa, đi thật xa… và tôi đã chẳng dằn lòng bỏ đi theo chàng. Chàng thay họ đổi tên vào đất này… Chàng đã thành một người kinh doanh thực thụ. Tôi không thể nào tưởng tượng được rằng tôi đã đi xa đến thế. Chàng là một kẻ tù đày trọng tội. Cha mẹ tôi chắc sẽ ngạc nhiên không thể nào hiểu nổi sự biệt tích của đứa con yêu. Tôi đã ân hận không nói được điều nào, tôi đã đi mà ngày thầy tôi chết rồi không biết, cũng may tôi còn được có dịp để nói với mẹ tôi, và tôi nghĩ, bây giờ sau khi mẹ tôi mất hơn mười năm mẹ tôi đã nói những điều đó với thầy tôi. Chính ở đây, căn nhà này mồ hôi của chàng đã tạo lập và để lại. Chàng đã bảo: anh không phải là người để tạo lập giữ gìn một cái gì, nhưng có em anh không có quyền làm thế, anh muốn em được quyền hưởng hạnh phúc một phần nào trong sự hy sinh của em. Anh là một kẻ tội đồ, trong thâm tâm anh lúc nào cũng bỏng cháy tiếng kêu gào hành động, quên tất cả những gì quanh anh, cả chính em. Nhưng tấm tình yêu này anh phải nhớ… để rồi lúc chết đi, bất cứ lúc nào anh đỡ ân hận.
Chàng tạm quên mọi điều để sống yên ấm trong gia đình. Ở đây chúng tôi có hai người con trai. Đứa con cả lớn lên theo chân cha nó rồi biệt tích, tôi thương nó nhưng không có quyền lực gì để ngăn nó ở lại. Tôi định tâm ghét nó nhưng cứ trông thấy mặt nó nghe tiếng nó tôi lại thấy thương yêu nó. Nó nói với tôi: mẹ nói không cho con đi, mẹ muốn con hèn kém hơn người sao? Thế là tôi không còn cách nào để giữ nó được. Đứa con thứ hai yên phận ở lại. Đó là thằng Thạch. Nhưng tới khi tôi bước đi bước nữa nó tìm cách xa lánh tôi. Tôi không có lý do gì để nói nó nữa.
Dù sống với chàng tôi vẫn không lúc nào yên tâm. Tôi dư hiểu rằng một lúc chàng sẽ lặng lẽ ra đi. Đi không bao giờ trở lại, và điều đó đã đến khiến tôi không còn nước mắt để khóc cho chính mình. Chàng đi khi tôi có mang người con thứ hai đó. Sau tôi được tin chàng chết tại một lao xá xa xôi, công việc của chàng thất bại. Ở một nơi xa lạ, đất nước mình đó nhưng Nam Bộ thuở ấy là một nơi xa lạ thật. Đất khách quê người không họ hàng thân thuộc, với hai đứa con thơ. Người che chở không còn nữa. Những đêm ngồi ôm đứa con thơ trong tuổi thanh xuân của đời mình, tôi đã lo lắng cho tôi, cho tương lai của các con tôi.
Trong căn nhà, chính ở đây, những buổi tối trời tôi đã khóc, thương con, thương mình và nhớ chồng. Tôi chẳng oán chồng. Tại sao chúng ta lại oán người con trai hành động theo nghĩa vụ của họ, và tại sao tôi lại chẳng tự hào về người chồng của mình. Dù thế tôi vẫn khóc, khóc cho thân phận mình, cho tương lai con cái của mình thiếu một người cha dạy dỗ chúng biết thế nào là phận sự của một người con trai. Đã chẳng chính thằng Thạch, con lớn của tôi bây giờ là bằng chứng sự thiếu sót đó hay sao? Tôi chỉ là một người mẹ và tôi không thể nào làm được như một người cha đối với con cái.
Bóng tối hãy xuống nữa, hãy xuống nữa, và gió ở một nơi nào rất xa hãy thổi về. Những con gió lạnh như năm cũ, những cơn gió như mang bàn tay của chàng vỗ về nhè nhẹ lên má, hay vuốt trên mái tóc bây giờ đã nhuốm bạc của tôi, và trong bóng tối đôi mắt của chàng rực lên, đôi mắt sâu thẳm những ý tình. Tôi chẳng thể quên được đôi mắt như lửa đốt chứa đầy những ý nghĩ giông bão cuồng nhiệt, đôi mắt đã mang tôi rời khỏi quê hương. Tôi nghĩ giờ phút này chàng đang ở đây, đang ẩn núp đón tôi đi. Và chính linh hồn chàng đã chứng kiến bao nhiêu khổ ải chịu đựng về những đứa con sau này, những đứa con không phải của chàng.
Tôi nghe chừng như trong cơ thể đang chuyển động dần dần, trí óc sáng lên, có lẽ tôi không còn sống được bao lâu nữa, nhưng chắc tôi còn đủ thì giờ để gặp lại các con tôi sum họp với nhau một lần.
Trong bóng đen đè nặng, trong yên lặng sâu hút, bao nhiêu quá khứ hiện ra. Anh đã bảo em: nếu anh đi rồi em đừng đợi, em hãy làm theo ý em muốn. Tuổi thanh xuân của em còn dài lắm, anh đã nhận của em quá nhiều, và anh không còn dám đòi hỏi nhiều hơn nữa… Quả là em đã mỏng phận… Anh đã cướp tất cả tình yêu của em. Em đã chỉ muốn đứng lại nuôi con thờ chồng. Nhưng vì hoàn cảnh, mẹ chúng ta đã đã bảo sao anh biết không? Mẹ bảo em hãy thương lấy những đứa cháu xấu số, nhưng chính những đứa cháu đó là những người oán em nhiều nhất. Em đã tự mang lấy thêm cho mình nhiều khổ sở, có phải thế không anh. Em đã không giữ đang điều em mong muốn. Đã chẳng phải là nỗi cô đơn mệt mỏi của em, khung cảnh xứ người, và tiếng gọi âm thầm tha thiết của tình gia đình đòi em trở về quê nhà… em đã trở về, trở về khóc trên mộ cha, để vùi đầu vào lòng mẹ. Em đã trở về đó và bước đi bước nữa. Làng xóm vẫn thế; gian nhà năm xưa anh ngồi học vẫn còn kê những tấm phản thấp, ba gian nhà cánh cửa bức bàn vẫn còn đóng kín, nhưng thầy không còn ngồi trên sập cất tiếng giảng bài. Trên phản không còn đám môn sinh cất tiếng ê a… Dinh cơ ấy buồn lặng. Mẹ chúng ta sống trong cảnh cô tịch ôn lại những ngày tháng tảo tần.
Có tiếng chân người đang tiến lên. Cái Nhẫn, đứa con gái út của tôi đã trở vào, nó châm đèn và đến với tôi. Sao chưa thấy anh nào về cả mẹ ạ, chẳng lẽ các anh không về sao. Mẹ, mẹ có thương con không, mẹ mất rồi còn ai thương con nữa. Tại sao mẹ còn sinh ra con làm gì… Một đứa con đen đủi lạc loài…
Con đừng khóc nữa, con hãy mở rộng cánh cửa cho mẹ, con cho mẹ một ly nước đi. Con yêu của mẹ. Đứa con làm mẹ đau khổ hơn hết, nhưng cũng làm mẹ tự hào hơn hết. Con thấy đó, mẹ còn thương ai hơn con nữa, làm sao để mẹ có thể nói ra tình yêu thương của mẹ dành cho con. Con thử nghĩ xem, nếu như với một người mẹ khác thì liệu con có còn sống như ngày nay không, hay người ta đã để cho con chết rồi, hay cho sống trong một viện mồ côi nào đó chẳng hạn. Nhưng mẹ thì không, bởi vì chính những người như con phải được yêu thương hơn hết. Nghĩ tới con mẹ không muốn chết, mẹ muốn Trời Phật cho mẹ sống thêm mươi tuổi nữa để yêu thương con, thôi con đừng khóc, mẹ còn sống lâu chứ…
Thạch liệng con thỏ rừng xuống mặt đất một cách mệt nhọc, chàng vươn vai, cầm mũ nơi tay đi vào nhà. Ông Hai từ trong đi ra :
– Tôi kiếm hoài không thấy chú đâu, đi xa vậy?
– Ở khu rừng chuối mà, ông coi, có tới bốn con, một mình tôi không làm gì nổi, thật đáng tiếc. Ông kiếm tôi làm gì?
– Có thư, hình như của mẹ chú thì phải, thư gấp nhắc có chuyện gì cần.
Vừa nói ông Hai vừa đưa thư cho Thạch, chàng đọc một cách vội vàng.
– Chắc chắn chú về hẳn. Con đi biệt tích như thế mẹ gọi là chẳng đêm nào chợp mắt được đâu. Chú có vẻ bất nhẫn, từ hồi ở với tôi cho đến nay chú chưa bao giờ chịu trở về thăm nhà lấy một lần. Chuyến này lại thế sao?
– Về chứ, bây giờ thì phải về.
– Thế à…
Ông Hai quay ra phía con thỏ :
– Thì cũng nhậu đã, chà béo phải biết đấy, có một chai vang mà hầm thì đến Tây cũng ở lại mà giữ lấy thuộc địa cho dù dao kề cổ.
Thạch để tay vào thắt lưng, chàng vội chạy lại cầm chú thỏ lên và rút con dao còn cắm sâu trong bụng con vật, chàng rút mạnh ra. Nơi vết thương rỉ ra một giòng máu đỏ tía, chàng lai mũi dao vào lông con vật rồi soi lên ánh sáng.
– Về thật hay giỡn đấy chú mày?
– Sao lại giỡn?
– Việc cần à?
– Mẹ tôi đau nặng…
– À thế thì về là phải rồi. Chú về bà cụ bắt chú lấy vợ cũng có. Các bà già mà. Nếu có vợ cho theo lên luôn thể tôi coi mặt một chút rồi đi đâu thì đi, tôi không giữ đâu mà sợ…
– Nhất định thế nào tôi cũng lên không lâu đâu…
– Nhớ đấy nghe không.
Tôi chưa muốn đi ngủ, tôi không thể nào ngủ được một cách yên tâm khi ấm thuốc chưa xong, tôi muốn tự coi sóc. Nhẫn nó còn nhỏ phải đi học không thể thức khuya, cũng không thể giao cho u Tám được, u đã già lại còn phải trông nom quá nhiều việc, nhất là cháu Dũng. Vả tôi nghĩ không ai thương mẹ tôi bằng tôi trong gia đình này, các anh tôi, em tôi và có lẽ cháu tôi còn oán mẹ tôi nữa. Tôi thì không. Tin đã gửi đi nhưng tôi tin các anh tôi không trở về, không bao giờ trở về cả. Và thực tôi cũng không mong ước điều đó, tôi muốn giữ độc quyền tình yêu thương của mẹ tôi, tôi thấy tôi xứng đáng hơn hết, đã chẳng phải là tôi ích kỷ lắm sao. Và tôi muốn hưởng tất cả những gì mẹ tôi để lại.
Tôi không thể nhớ được rằng đây là thang thuốc thứ bao nhiêu. Tôi chưa muốn mẹ tôi chết bây giờ, tôi muốn mẹ tôi lập gia đình cho tôi và mẹ tôi được hưởng hạnh phúc, được hưởng sự đền đáp của con cái một phần nào. Các anh tôi đã vì những hiềm khích thù hằn mà bỏ đi. Tôi phận em chẳng biết nói gì. Thực tôi không thể nào hiểu được họ. Tôi không hiểu được họ một mảy may. Hay trong chúng tôi có những giòng máu khác: người có với tôi giòng máu của máu của mẹ, người có với tôi giòng máu của cha, và những quá khứ chúng tôi chịu đựng cũng khác nhau. Hay vì họ có những cao vọng không bao giờ đồng ý với nhau được, điều đó tôi không có. Tôi chỉ muốn là một người thường, có lẽ tôi có sẵn điều đó, một người rất thường, sinh ra không thắc mắc tại sao, hoàn cảnh thế nào, sống yên thân với cha mẹ, lớn lên kiếm công ăn việc làm nuôi thân, giúp đỡ cha mẹ được chừng nào hay chừng ấy, rồi lập gia đình, sinh con cái. Đời sống như vậy cần chi phải thắc mắc cho thêm mệt ra. Cái giòng luân lưu êm chảy ấy có ai tránh ra ngoài được. Các anh bảo nhau: nó là một đứa thộn, một đứa an phận vứt đi. Tôi lặng thinh không cần phải nói làm gì cho tốn sức. Thộn, an phận, vứt đi, hay gì đi nữa là chuyện của tôi, nào có can sự gì tới ai đâu. Nhưng có điều tôi hơn họ. Nếu tôi không như vậy thì ai chăm sóc mẹ già, ai nuôi em và cháu. Đó, tôi tự hào vậy đó, tôi đã làm đầy đủ bổn phận của mình. Mà tại sao những bổn phận bé nhỏ đó, cho dù nhỏ bé đi nữa thì cũng là cần thiết, tại sao chúng ta lại quên đi để nghĩ tới chuyện đâu đâu, những ảo tưởng phóng lớn mơ hồ chạy mãi trong tương lai mù mịt. Tôi không đủ sức, tôi tự biết như thế, tôi không đủ sức để dự một cuộc chạy đuổi dai dẳng và tôi cũng khâm phục họ vì thế…
Có thực là tôi đã an phận, hèn yếu hay không điều đó mẹ tôi biết, hình như mẹ tôi cũng buồn tôi về chuyện này, nhưng mẹ tôi không nói ra, mẹ chẳng nói ra vì thương tôi.
Nhưng nếu ở trong đời sống ai cũng là kẻ phi thường cả thì những công việc tầm thường giao cho ai, và khi đó sự phi thường có còn chăng? Tôi chỉ buồn một điều về anh tôi. Nếu anh tôi còn thì những bổn phận của tôi nhẹ nhàng đi bao nhiêu, em và cháu đâu phải chính tôi trông nom nuôi nấng chúng. Gánh nặng của tôi chính là đứa cháu mồ côi và đứa em cùng mẹ khác cha này, một đứa em lai đen, hậu quả của một hành động điên cuồng nơi người đàn ông vô danh khuất mặt để lại và chính bố nó đã giết chết cha tôi một cách tàn nhẫn ác độc, chính nó đã làm cho mẹ tôi bao phen nhục nhã… đời sống chẳng bao giờ đến với chúng ta trong những điều kiện ước muốn mà trong sự lặng lờ vẫn hờm sâu những bất trắc, tàn nhẫn, đen tối…
Bây giờ đáng ra là lúc mẹ tôi phải được hưởng tuổi già thì mẹ tôi lại sắp không được hưởng. Tôi không nghĩ mẹ tôi sắp mất. Mẹ còn sống. Mẹ phải sống thêm nhiều năm nữa. Mẹ chưa già. Va tôi sẽ cưới một người vợ được mẹ tôi ưng ý vui lòng, tôi còn muốn được cha mẹ cưới vợ cho mình. Một người vợ hiền ngoan mang lại hạnh phúc cho tôi. Mẹ sẽ còn khỏe, mẹ sẽ dạy dỗ vợ con tôi, những đứa cháu sẽ ra đời để được bà nội nuông chiều. Nếu không đó chẳng phải là một bất hạnh cho các con và lũ cháu hay sao? Mối hạnh phúc cho mọi người là được sống trong sự bình thường. Trong yêu thương thân thiết của máu mủ, được biết thế nào là tình thương của ông bà, cha mẹ, chú bác mình, nếu không là một thiệt thòi vàng ngọc.
Mẹ tôi chắc chưa ngủ, tôi biết từ lâu nay mẹ tôi mất ngủ, mà tôi không biết làm sao cho mẹ tôi được vui lòng. Tôi khó nói với mẹ tôi. Tôi âm thầm những ý nghĩ dấu kín… Em Nhẫn, từ khi mẹ tôi mệt nó cũng chỉ biết khóc, bởi nó nghĩ rằng ngoài mẹ tôi ra không ai yêu thương nó. Ngay chính tôi cũng còn có lúc thấy ghét nó nữa chứ kể gì các anh tôi.
Tình yêu thương chẳng đến với nó, có chăng là sự thương hại một đứa trẻ xấu số, tôi vẫn tự hỏi: tại sao nó còn sinh ra làm gì, tương lai nó chắc hẳn chỉ có những bất hạnh chờ đón. Có lẽ nó hiểu như vậy nên chỉ còn biết khóc. Làm sao để chúng ta cưỡng lại số mệnh?
Cháu Dũng, tôi yêu thương nó, tôi cầu nguyện cho con tôi sau này đừng xấu số như nó. Nó có tội tình gì mà phải chịu cảnh mồ côi, không được biết thế nào là tình cha mẹ.
Mẹ, mẹ đừng bỏ các con, mẹ sẽ sống thật lâu và sung sướng, các anh con sẽ trở về với mẹ, mẹ chưa thể chết, mẹ còn sống để làm tiêu tan hận thù giữa anh em… để cho các con nghĩ lại, trở về đoàn tụ với nhau, và khi đó mẹ có thể nhắm mắt được… Mẹ sẽ chết với nụ cười mãn nguyện trên môi, một nụ cười chua bao giờ con thấy trên môi mẹ. Mẹ hãy sống với các con mãi.
Nhẫn bước chân vào bếp, than trong hỏa lò đã tàn, siêu thuốc vẫn còn bốc hơi. Nhược ngồi dựa đầu vào vách ngủ từ bao giờ, trên tay còn cầm chiếc que cời than. Nhẫn thấy nghẹn ngào. Đã chẳng phải gì một mình Nhẫn thương mẹ. Nhược còn thương mẹ hơn. Bao đêm nay Nhược đã ngồi cạnh siêu thuốc, mẹ vừa cất tiếng gọi là Nhược đã có mặt ở bên dù ban ngày Nhược phải đi làm. Gương mặt Nhược hốc hác gầy guộc thêm lên dù Nhược vốn đã gầy yếu sẵn. Nhẫn tiến tới gần, nàng đặt tay lên vai Nhược khẽ lay, Nhược choàng mắt dậy một cách hốt hoảng :
– Thôi anh lên nhà ngủ đi.
Nhẫn cầm chiếc giẻ lót tay bắc siêu thuốc ra khỏi hỏa lò, rót thuốc vào chiếc bát ao thử thuốc trong siêu. Còn hơn một lát, chưa được, nàng mở vung, hơi thuốc bắc xông lên ngào ngạt, nàng đổ thuốc vào và bắc siêu lên bếp :
– Còn một chút nữa thì được, thôi để em coi cho, anh mệt rồi đó.
Nhược ngồi yên. Tay vẽ chiếc que xuống mặt gạch, Nhẫn gắp thêm vài miếng than nhỏ bỏ vào trong bếp và khẽ khua cho than tàn lọt xuống phía dưới, Nhược đã thiếp đi lúc nào không biết. Chàng đang ở trong một giấc mơ êm đềm, chàng thấy mình đang nô giỡn trên một bãi cỏ xanh với vợ và các con… Nhẫn đã mang chàng ra khỏi giấc mơ đó, chàng cố nhớ xem khuôn mặt vợ chàng và các con trong giấc mơ nhưng chàng không sao hình dung ra được, càng muốn nhớ hình ảnh càng mờ nhạt tan biến.
– Em để anh coi cho thì hơn, sáng mai em còn đi học sớm. Anh có buồn ngủ đâu…
– Anh vừa ngủ đó thôi, em chẳng thấy buồn ngủ gì cả, mai anh còn phải đi làm mà…
– Nhưng em không biết coi thuốc đâu, em cho lửa bớt đi chút kìa, nếu không cạn hết bây giờ.
– Anh làm như em không biết gì cả. Em lớn rồi, em có thể giúp anh được.
– Anh có bảo em bé đâu, và em vẫn giúp đỡ anh thôi, nhưng thuốc của mẹ phải để anh coi mới được, sai một chút là hỏng… May có em vào nếu không anh ngủ quên thì chết, than cũng tàn nữa…
Nhẫn ngồi xuống bên cạnh, nàng nhìn thấy tỉnh táo lạ thường, nhiều đêm nay nàng khóc cho tới lúc thiếp đi đến sáng. Đôi mắt đỏ hoe và nặng nề. Nàng lo sợ về sức khỏe của mẹ nàng. Nếu có mệnh hệ nào thì nàng còn biết trông cậy vào ai. Nàng mong các anh nàng trở về cho mẹ nàng được vui một chút. Nàng mong vậy thôi, dù nàng biết các anh nàng chẳng bao giờ muốn hỏi han gì tới nàng cả, nàng như một người xa lạ trong gia đình này, hay hơn nữa, nàng còn như dấu tích của một nỗi thù hận. Nàng chỉ còn biết cắn răng chịu đựng và khóc với mẹ thôi.
Nhược nhìn Nhẫn. Mái tóc quăn vàng bù rối, những sợi tóc cứng và quăn không tự nhiên như những chiếc lò so khô cứng. Mái tóc nửa chừng không sao dài ra được. Mái tóc lai một giòng máu rạch mặt. Nhẫn ngồi nghiêng mình vào bếp than hồng, chàng thấy khuôn mặt nghiêng gẫy gập của Nhẫn, ánh sáng hắt từ một phía làm cho nước da sù sì và đen cháy trở thành bợt vàng rất tởm, trên đó những mụn nhỏ mọc. Mũi tẹt sống mũi gẫy gập trên khuôn mặt lưỡi cày, đôi môi dày vẩu ra phía ngoài đen cắn chỉ, phía trong lợt ướt đỏ lòm, đôi lông mày rậm, đôi mắt sâu. Chỉ có đôi mắt có phần nào của mẹ… mắt buồn kín… Sắc đẹp ấy làm mẹ thương nó, rồi một người con trai nào có thể lấy nó, và có đủ can đảm chờ đợi những người con lai ra đời. Nhược không muốn mình nghĩ ngợi hơn nữa bởi chính chàng cũng không sao có thể làm thay đổi cuộc đời của Nhẫn ngoài sự thương hại.
Nhẫn thẫn thờ nhìn những vụn than nổ lép tép bắt đầu cháy trong hỏa lò. Nàng muốn san xẻ một phần nào nỗi lo lắng của anh. Nàng hỏi :
– Anh Tuấn gửi điện tín hôm nay về mà sao chưa thấy. Tin của anh Thạch cũng làm mẹ mong…
– Có lẽ các anh ấy không trở về đâu, anh có cảm tưởng như vậy, mà mẹ thì lại thương các anh ấy hơn anh em mình… tại sao mẹ lại thế.
– Không, các anh thế nào cũng trở về, em tin dù sao các anh cũng còn thương mẹ, dù thương một chút đi nữa, và còn gia tài của mẹ để lại.
– Đó là của anh em mình chứ… Và cháu Dũng, các anh ấy không có can dự gì vào đấy cả, em thử nghĩ xem.
Nhẫn lại khóc, tự nhiên nước mắt trào ra. Nhược ngồi im nhìn hơi nước bốc ra ở nơi vòi siêu thuốc. Tiếng khóc của cháu Dũng vọng từ phòng bên sang. Tiếng u Tám nói mơ hồ :
Cháu lại ngủ mê rồi. Hai đứa đứng nhìn bà mẹ vẫn còn thức nằm im lần tràng hạt trong bóng tối.
– Các con chưa ngủ sao, để thuốc đây cho mẹ. Nhẫn chạy lên gục đầu vào lòng mẹ mà khóc, nàng muốn khóc mãi, khóc cho đến khi không còn nước mắt nữa. Bà mẹ bỏ tràng hạt vuốt tay lên mái tóc khô cứng cằn cỗi thương hại khôn cùng. Nhươc để bát thuốc xuống bên cạnh rồi đứng im, chàng thấy choáng váng, căn nhà bắt đầu như quay cuồng đảo lộn trước mặt chàng…
Bây giờ tôi chỉ muốn chết cho xong, tôi chết đi nhiều người sẽ vui lòng. Tôi tưởng tượng ra một khung cảnh, một khung cảnh cho riêng tôi: làm sao cho tôi chết mà trí óc vẫn minh mẫn, mắt vẫn sáng, tai vẫn nghe… Ví dụ tôi chết giả vờ được như thế. Tôi chết cho người ta bỏ mình vào hòm, một chiếc hòm trong suốt như pha lê rồi kêu gào, than tiếc.
Có chắc là mẹ tôi thương tôi thật không? Tôi không muốn nghi ngờ chút nào cả. Nhưng biết đâu mẹ tôi khóc chỉ vì điều tôi chọn để chết, tôi chết vì buồn chán, vì bị hất hủi, vì thiếu tình yêu thương, vì mẹ tôi ghét. Và như thế mẹ tôi còn gì nữa để tự hào vì sự đau khổ, lòng can đảm, chịu đựng và bao dung của người đối với tôi, đối với một giọt máu rơi của kẻ thù để lại, như vậy mẹ tôi còn gì nữa để sống. Còn các anh tôi, tôi phải gọi thế thôi chứ họ có muốn là anh em gì với một kẻ thù, họ sẽ để tay trên ngực tôi xem còn thở hay không, khi đã yên tâm chết thật họ sẽ thở dài… đừng vội nghĩ đó là hơi thở dài cắt ruột, buồn phiền mà đó chính là thở ra khoan khoái nhẹ nhõm như trút được gánh nặng, hay hơn nữa, được giải thoát, được thanh thản vì mối thu đã được trả một cách êm ả không phải mang tiếng tăm ác độc. Vì chẳng lẽ họ lại cầm dao rồi mỗi người cắt tôi một miếng thịt cho bỏ ghét. Tôi chắc phải phì cười khi trông thấy họ cố tạo vẻ âu sầu phiền muộn như tiếc thương vô cùng độ một đứa em gái. Điều mà họ muốn tạo ra cho mẹ tôi thấy, cho mọi người, cho linh hồn tôi nếu có một cách ngây thơ thấy, và cho chính họ tưởng như thương yêu tôi thật tình… Ấy đấy, như vậy thì có đáng tức cười không mới được chứ. Rồi có người giỏ ra vài giọt nước mắt, thứ nước mắt thừa thãi mà mọi người đều có sẵn một cách rất ư man trá, lừa lọc, họ rụi cho đỏ cả mắt một cách tỉnh táo… Họ đừng bên cạnh quan tài tôi, chưa biết chừng ho đứng để xem nếu tôi sống dậy thì bóp cổ cho chết thật sự đi. Lúc đó tôi sẽ cất tiếng cười, ngồi dậy và tôi nói thôi đừng giả dối, thôi đừng man trá tôi biết thừa tất cả. Tôi chán lắm. Tôi còn sống nhăn răng ra đây. Tôi chết thế nào được. Bây giờ thì nhất định là họ muốn tôi chết thật rồi chứ không cần phải tưởng tượng ra nữa cho thêm mệt. Tôi chỉ muốn nói cho họ biết về chính họ thế thôi. Mình ác thì nhận là ác đi, thù ai thì nói ra là thù đi, việc gì phải tạo ra thế này thế khác. Thật tôi không thể nào hiểu được họ. Tôi chẳng có mưu toan ác ý gì cả. Tôi không cần nó. Có nó tôi cũng chẳng thay đổi gì. Tôi còn hơn hay kém gì nữa. Tôi vẫn là tôi trơ ra: một số phận đen.
Tôi đã soi mặt tôi vào tấm gương nhỏ này không biết bao nhiêu lần và lấy làm tủi thân. Tôi ngại ngần soi mặt trước người khác. Hay trước một tấm gương lớn. Tôi lại phải nhìn thấy tôi một cách rõ ràng đầy đủ. Với chiếc gương tròn nhỏ này tôi nhìn tôi một cách lén lút vụng trộm. Chiếc gương bỏ túi này đã quá đủ, nó giúp tôi nhìn những khoảng nhỏ, hay vừa đủ một khuôn mặt bằng ngón tay. Trong khi đó, những đứa con gái bằng tuổi tôi chỉ muốn được ngắm nghía mình một cách không chán mắt, ngắm nghía một cách lộ liễu, và muốn khoa trương ngay cả cái sắc đẹp của họ có một cách lẳng lơ hay đĩ thõa nữa. Tôi cũng muốn như thế. Nhưng tôi không có sắc đẹp cho chính tôi ngắm nghía. Bao nhiêu đứa ham mê phấn sáp, vẽ mặt, bôi son, chụp hình, trang điểm… ngắm mình một cách tự tin… Tôi thì không. Tôi còn có gì để ngắm. Tôi, một vật đen thui kỳ quái. Tôi muốn đập bỏ tất cả những tấm gương để tôi chỉ soi thấy tôi một cách mù mịt – khi đó tôi tự cho tôi là đẹp – hoặc không thì tôi phải chọc thủng đôi mắt tôi đang có đây để trở thành một kẻ mù lòa khỏi phải nhìn thấy nhan sắc của chính mình. Và khỏi phải nhìn thấy người khách đẹp đẽ một cách ghen ghét. Nhưng tôi chẳng làm được theo ý tôi muốn. Tôi chẳng thể chống lại chính đời sống đã định đặt?
Tôi đã soi mặt tôi một cách cẩn thận, nước da đen sạm sần sùi như một thứ vỏ cam bị dám, trên đó mặt da rất sốp rõ ra từng lỗ chân lông. Chiếc mũi tẹt, sống mũi gãy đôi, lông mày như một cụm lông heo rừng đen cứng, những sợi tóc như rơm khô vàng ệch. Tôi chẳng giống mẹ tôi một mảy may nào cả. Làm sao tôi có thể tưởng tượng được ra rằng tôi giống bố tôi, mà không giống bố thôi thì tôi còn giống ai nữa. Như vậy tôi làm sao tạo ra được một hình ảnh về bố tôi cho có cảm tình? Dù cho bây giờ bố tôi đến nhận tôi là con tôi cũng không có đủ can đảm để nhận đó là bố đẻ ra tôi. Bởi vì bố tôi phải hiểu rằng một người như bố tôi hay như tôi phải sống trong một xã hội khác, xã hội của những kẻ xấu số, bất hạnh, chứ không thể nào sống được trong một xã hội mà trong đó có nhiều hạnh phúc, vui tươi. Xã hội tôi nên chọn lựa phải là xã hội của những người mọi.
Đã bao nhiêu lần tôi muốn tìm xem tôi thuộc về một giòng giống nào, lẽ tất nhiên không phải giòng giống của mẹ tôi, mà là giòng giống của bố tôi, một giòng giống da đen nào đó. Bố tôi ở vào vùng đất đai nào? Sinh sống ra sao? Lịch sử của họ thế nào? Nhưng vô ích, tôi chẳng thể biết được trên mảnh đất Phi Châu rộng lớn kia bố tôi ở vào vùng nào? Mà có biết chăng nữa thì cũng có ích lợi gì đâu, cần thiết gì đâu. Bố tôi chỉ là một kẻ lạ mặt không tên, không hình dáng, không tiếng nói, không hơi thở, chắc đó là một kẻ da đen khốn cùng nô lệ trong một đời sống nhiều đê nhục khốn khổ, và bố tôi cùng những người đồng loại không phải là những người đi chinh phục, chiếm đóng mà chỉ là những người nô lệ, bị trí dưới quyền uy sức mạnh của người da trắng, như chính quê mẹ tôi trước kia. Tôi chỉ buồn bố tôi không hiểu chính thân phận đó, để trong một phút ngông cuồng đã hành động trái với lương tâm của một người có lương tri, mà biết đâu đã có nhiều lần như thế? Làm sao tôi có thể lường được những tội ác của bố tôi? Như thế làm sao tôi có thể tha thứ cho được. Có bao giờ bố tôi nghĩ là đã để lại trên xứ Việt Nam này một đứa con là tôi. Một đứa con với số kiếp khốn khổ, đày đọa, đứa con rơi đó chỉ sống bởi lòng bao dung của một người sắp chết, đó là mẹ tôi. Tôi đã khóc nhiều cho mẹ tôi khuyên dỗ. Tôi ở đây nào bố tôi có biết đến. Đó cũng là số phận của bao nhiêu kẻ xấu số khác, những kẻ bé mọn nô lệ trên khắp thế giới này trong mấy thế kỷ nay, và số phận họ còn phải như thế trong bao nhiêu lâu nữa? Họ còn phải chết, phải hy sinh cho đời sống con cháu họ bao nhiêu thế kỷ sau này?
Tôi đã từng nhìn thấy ảnh những người da đen, những hình ảnh khốn khổ, đói rách, chết chóc, tôi đã nghĩ và hình dung ra bố tôi, nhưng đồng thời tôi muốn quên. Tôi không muốn biết vì sao tôi đã sinh ra, tại sao tôi lại có, như thế tôi sẽ không phải khổ tâm. Nhưng tôi không thể nào quên được. Từ hồi tôi biết đến nay tôi chỉ toàn gặp chuyện ghẻ lạnh, ghét bỏ của mọi người.
Hồi nhỏ, khi mẹ tôi còn ở một nơi khác, tôi không nhớ rõ là ở đâu, ở đó những người hàng xóm coi tôi như là một thứ gì ghê sợ không dám gần. Tôi không dám ló mặt ra khỏi nhà, tôi chỉ biết nhìn qua cửa coi những đứa trẻ khác chơi đùa, nghịch ngợm một cách thèm muốn. Không hiểu sao ngày ấy tôi lại đụt đến như thế, nhưng không đụt cũng không làm khác được vì có ai thèm chơi với tôi đâu. Nhìn qua khe cửa tôi thấy những kẻ khác tụ năm tụ ba, chúng chơi bịt mắt bắt dê, sao chúng không có vẻ nhanh nhẹn gì cả, có đứa đứng ngay ở trước mặt mà không bắt được, chúng chỉ cần quờ tay ra một chút là tới nơi, trong khi đó phải tìm kiếm một cách bất lực, chơi rồng rắn chúng chỉ cầm bám lấy nhau cho chắc thì thằng thầy thuốc làm sao có thể ăn được cái đuôi ở xa như thế, còn trò ú tim thì chỉ cần chạy cho nhanh trong khi chúng chậm chạp như rùa và ngờ nghệch một cách không thể chịu được. Tôi mà chơi thì chúng nó thua, không thể dịch lại. Chúng chạy đuổi lại càng tức cười thêm… những trò bán hàng vui lắm, với những đồng tiền là giấy lộn vứt đi có thể mua được bao nhiêu thứ vật dụng dù cho đó chỉ là những vật dụng giả đi nữa thì cũng đáng thích lắm chứ. Tôi chẳng làm sao quen được với chúng trừ ra vài đứa, những đứa mà tụi trẻ không cho chơi hay không thèm chơi với. Tôi nhớ tới người bạn cũ: đó là người bạn bị gãy mất một chân trong một trận ném bom, bố mẹ đều chết, còn nó sống sót với một người chú nghiện hút, một người thím mang bệnh kinh niên. Người bạn đó tha thủi ở bên cống rãnh, tôi chỉ còn có nó để làm bạn, nhưng nó lại gần như không biết chơi đùa gì, không phải riêng gì cái chân què đó mà hình như nó không còn chút trí tuệ nào nữa, nó ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Cho nên tôi chỉ còn biết ngồi xó trong nhà và người bạn đó tha thủi một mình. Sau đó nó bị chó cắn, người ta bảo chó dại cắn, nhưng tôi nghĩ chẳng cần chó dại, một con chó nhỏ thường cắn nhẹ một cái nó cũng đủ chết rồi, chó dại chỉ là cái cớ của ông chú kia bịa ra mong có một món tiền cho ông hút. Tôi chẳng sao quen được chúng và hình như chúng sợ tôi, chúng thấy tôi là chạy trốn, xa lánh như trông thấy tôi là một con chó dại thực thụ. Khi đó tôi có biết đâu rằng tôi là một đứa trẻ da đen. Tôi bảo một đứa trông có vẻ hiền lành nhất: Cho em chơi với chị – Tao chị em gì với mày, chị em với ma cà rồng à – Nó là ma bùn chứ – Không phải, nó là ma bồ hóng – Nó là mọi chứ ma gì. Những đứa trẻ chung quanh cười ồ, tôi chỉ còn đứng thần người ra không biết nói năng gì nữa – Chúng mày chạy đi không nó ăn thịt bây giờ. Thế là cả lũ chạy theo và đi chơi nơi khác. Tôi ở lại một mình. Tôi chỉ còn biết khóc mà mách mẹ tôi: mẹ ơi chẳng có đứa nào nó chịu chơi với con cả. Mẹ tôi lau mắt bảo tôi: để mẹ đánh cho mỗi đứa mấy roi, chúng nó cứ trêu con yêu của mẹ. Nhưng chắc là mẹ tôi hiểu và khổ tâm về tôi nhiều lắm mà người không nói ra. Tôi đã từng nghe chúng nó nói về tôi, có nhiều điều thật lạ lùng, những điều mà chính tôi cũng không hiểu sao chúng có thể nghĩ ra được. Này sao con đó trông ghê thế nhỉ, nó đen như trôn chảo vậy, chắc mẹ nó ngủ với vua bếp chứ không chơi đâu – Đâu có, nó làm gì cho nó cha mẹ, tao nghe đâu người nuôi nó bây giờ đã nhặt được nó trong một đống bùn, vào một hôm đi chợ bà ta đang đi bỗng nghe tiếng trẻ con khóc, nhìn không thấy ai, mới đầu bà ta tưởng ma định bỏ chạy nhưng bỗng nhìn thấy trong một đống bùn có cánh tay trẻ con ngọ ngoạy, bà ta bới ra thấy một đứa trẻ, mới đầu bà ta nghĩ chắc đây là một người nào đẻ hoang đã nhẫn tâm giết con cho xong, nhưng đứa trẻ tắm rồi mà nó vẫn đen thui. Nghe đâu nó là con của ma bùn ma biếc gì đó chứ đâu có phải là người. Nó vẫn thường ăn trộm đất bùn, đêm đêm nó ngủ mở mắt và kêu như mèo vậy. Chúng mày có thấy lưỡi nó đỏ lòm gớm chết không? Nó cắn đứa nào đứa đó thành đen thui luôn, đứa nào chơi với nó, ngửi hơi thở của nó là dần dần thành ma. Chúng mày không tin hả, cứ thử chơi với nó xem tao nói có đúng không khi đó thì đã thành ma rồi và chỉ chơi với nó mà thôi – Ai mà dám chơi với nó họa có bị ma ám ốp rồi – Sao người ta không bắt nó lại nhỉ – người ta nuôi nó để giữ nhà đó, thay chó và mèo, nó bắt chuột tài lắm, nó chui cống leo tường gì cũng được hết, mà nó chỉ ăn đất bùn thôi không tốn cơm gạo gì cả. Đêm đến mắt nó đỏ lên như đèn vậy. Tụi trẻ không cho tôi là người nữa. Trách nào chúng chẳng chạy trốn, xa lánh và gần như sợ sệt. Chúng chơi với nhau mất cái gì là đổ thừa cho tôi ăn cắp mà mách mẹ tôi. Chúng làm điều gì bậy bạ chúng đổ thừa cho tôi gánh chịu. Chúng ném đá cho tôi chảy cả máu đầu mà cười đùa. Tôi bị xua đuổi như một con vật bẩn thỉu và nguy hiểm. Những người lớn sầm sì to nhỏ với nhau, và chừng như họ xa lánh cả gia đình tôi nữa. Họ bảo xưa kia mẹ tôi làm điếm, có người bảo mẹ tôi ham tiền mà lấy Tây đen, tôi là một bằng cớ. Làm sao để có thể giải thích cho họ hiểu, và họ có bao giờ chịu hiểu đâu, nhất nữa giải thích chỉ làm cho mình đau đớn hơn.
Các anh chẳng bao giờ nhận tôi là một người em, tất nhiên như thế, hồi anh Thạch còn ở nhà có người bạn đã hỏi tôi là thế nào, ai dám nhận một đứa em da đen nhỉ, anh ấy đã trả lời: đó là một đứa nhỏ hầu hạ.
Cho tới bây giờ dù tôi đã lớn cũng không có một đứa bạn nào. Tôi đi học lủi thủi ngồi nơi chỗ mình. Tụi bạn trong lớp bảo nhau rằng tôi hôi hám lắm, một mùi hôi của mọi, mà thật nhiều đứa trông đẹp đẽ thật đó lại hôi hám bằng vạn tôi, chúng không muốn làm bạn với kẻ da đen vì có quí báu gì cái đó. Tao chắc nó là dân nô lệ ở Phi Châu, như chúng mình đã học đó, nơi mà người ta mua bán người như súc vật, chắc bố mẹ nó đã bán cho người ta mang đến một nơi nào đó chẳng hạn – Nó gớm ghiếc như vật mà sao có người còn chịu nuôi nó nhỉ – Thật là điên – Hay nó là dân chà già bán vải và cho vay nợ ở đây – Dân chà già đâu có đen đến như vậy…
Tôi chẳng trách sự bất công của họ làm gì, họ là những người lạ làm sao họ hiểu được hoàn cảnh của tôi. Có đáng trách chăng chính là những người thân trong gia đình tôi. Tại sao các anh tôi đã chẳng vì hoàn cảnh mà thương hại tôi một chút. Chỉ có thương mẹ tôi, có lẽ vì ít ra mẹ tôi cũng đã hiểu thế nào là khổ, thế nào là công mang nặng đẻ đau ra một đứa con, cùng những miệng tiếng chung quanh ngần ấy năm trời, nhưng bây giờ mẹ tôi sắp mất như vậy tôi còn biết trông cậy vào ai nữa. Chưa biết chừng khu mẹ tôi vừa bỏ vào quan tài là các anh tôi đã tống tôi ra khỏi cửa cho khuất mắt, và họ trông cho tôi chết một cách nhục nhã, để bù lại những tức tối trong lòng họ từ bấy lâu nay.
Tại sao mọi người không thấy tôi là một người như họ, có khác chăng là một kẻ mang nước da màu đen. Tại sao chỉ vì cái bề ngoài này làm cho chúng ta xa cách thù hằn nhau một cách vô ích, và quyền yêu ghét tôi không được hay biết gì nữa…
Tôi là giọt máu của một kẻ thù trong gia đình này. Kẻ thù đó là bố tôi, nhưng có thực bố tôi là kẻ thù đích danh không? Tôi nghĩ có lẽ bố tôi không bao giờ thế. Bố tôi là một nạn nhân, một kẻ đánh mướn mang bản án tù đày chung thân không sao gỡ được với thân phận nhược tiểu ốm o gầy yếu trong thực tại nhân loại. Bố tôi còn sống hay đã chết?
Sống hay chết số phận những người đồng loại với bố tôi đều không thay đổi.