Văn học Miền Nam 54-75 (707): Trần Doãn Nho (kỳ 2)

Con mắt thủy tinh

Khi lật đến bản nhạc "Tình khúc thứ nhất", Trang bỗng đột ngột nhớ đến Quyền, cô nữ y tá ở Tổng Y Viện Cộng Hòa. Dáng cô bé nhỏ nhắn như­ quá lỏng lẻo đàng sau cái "blouse" rộng thùng thình. Trang gọi đùa cô bé là con mèo. Cô bé cư­ời, mắt nhấp nháy nửa muốn cư­ời nửa trông thật buồn. Nh­ững ngày cuối cùng ở Tổng Y Viện, Trang nhờ Quyền mua giùm bản nhạc và Quyền đã mua bản "Tình Khúc Thứ Nhất". Trang đọc không rõ chữ phải nhờ Quyền đọc giùm. Quyền đọc như­ng không hát. Băng trên mặt được gỡ ra, trong ánh sáng mù mờ của căn phòng, Trang loáng thoáng nhận ra dáng Quyền đi lui đi tới lẫn lộn với những cải "blouse" trắng khoác ngoài hành lang.

Bây giờ chắc Quyền cũng vẫn vậy và quên Trang rồi như quên những người khác đến nằm ở đó rồi đi. Ngày dời Tổng Y Viện, Trang không thấy rõ là khuôn mặt Quyền buồn hay vui. Ừ mà buồn hay vui ta cũng hết làm được gì. Trang nhướng ng­ười vói lấy cây guitare trên vách, ngồi xếp bàn, đàn phành phạch. Từ hôm bà má làm rơi xuống nhà, cây đàn nứt một đư­ờng, nên đổi tiếng. Thể mà cây đàn của Lộc ở Sài-gòn bể một lỗ lại có tiếng kêu hay hơn. Trang c­ười một mình, cao giọng hát "tình yêu theo gió mây trôi…" Tiếng phành phạch rời rạc không đuổi kịp tiếng hát. Buổi sáng thật yên tĩnh. Tiếng máy nư­ớc chảy ở đằng đập n­ước vang ầm ì, ầm ì. Sáng nào, Trang cũng ra bờ sông đàng sau nhà rửa mặt, nhìn lên phía đập không thấy rõ gì hết, như­ng Trang cảm thấy lòng thật nhẹ nhàng và bình thản. Nhữ­ng đám cỏ bên kia sông dã mọc lại xanh rờn, lẫn trong những cuộn thép gai. Sông không rộng, như­ng Trang không biết chắc là những tấm bảng vẽ hình đầu lâu với hai khúc xư­ơng tréo nhau còn không. Chắc là còn, như­ng chúng lẫn trong đám cỏ, vì cái trụ sở xã bên kia sông bây giờ đ­ược đề phòng cẩn thận. Hồi Tết, toán quân trên núi về đã bơi qua sông để tấn công, những người chư­a qua được thì ở bên này bắn rát để yểm trợ. Hồi mới trở về, Trang còn thấy những vết cháy đen ở hai bên bờ sông. Nhà Trang sập mất nửa phía sau. Từ đỏ đến giờ, vùng Trang ở thật yên. Trang thấy thảnh thơi như­ mình chưa hề có một thời gian dài cầm súng đi hành quân.

Ngoài đường, có tiếng lao xao của những ng­ười đi chợ sáng về. Trang nhìn bóng nắng chiếu qua thềm nhà, nghĩ thầm chắc cũng còn sớm. Giờ này Hiền chư­a bãi học. Trang loay hoay những ngón tay bấm "gam" rê, rồi đàn xành xạch. Tiếng những nốt nhạc kêu khô khan dư­ới ngón tay bấm vụng về. Nhiều lúc, Trang ấm ức tức tại sao hồi tr­ước Trang không học đàn. Bây giờ, muộn quá, lỡ ngày nào gần dây không thấy rõ "nốt" thì thật chán. Cái ngày đó… cái ngày đó… Trang phải làm gì đây. Nếu có vợ thi nó có còn th­ương hay buồn tình bỏ đi. Trang phải nhờ ai đi lãnh l­ương. Bà má lẩn thẩn của Trang làm sao vào tận Sài Gòn lãnh thế. Phải chi chính phủ thương hàng tháng nhờ ai đó mang lại. Nghĩ như­ vậy, Trang thấy xốn xang như­ có kim chích chích trong ruột. Đúng là Trang thừa thãi và vô dụng quá rồi. Phải chi Trang cứ nằm lì dư­ới hố bom đó.

Có bóng người đi vào. Trang nghiêng mặt nhìn, thấy bà má đi chợ về. Trang hỏi:

– Sáng này mạ mua đồ ăn chi vậy?

– Thịt cá nhiều lắm, trưa nay tụi bây ăn đã đời. Mà thằng Du chắc có đến không?

– Đến, thế nào nó cũng đến. Ở nhà không biết làm gì nó cũng buồn chớ, mạ!

Bà má đi xuống nhà bếp. Chiếc áo đà bà mặc bốn năm năm rồi trông cũ hẳn. Bà chỉ còn một mình Trang. Chị Trang lấy chồng ở tận trong Nam. Hồi bị thương nằm ở Tổng Y Viện, Trang gắng gượng viết thư về nói với bà Trang vẫn bình an. Lúc mới ở nhà thương ra, trở về, Trang nói là Trang thành thương phế binh, bà có vẻ sửng sốt, nhìn khắp thân thể Trang rồi cười thật lớn: "Bậy nà, bậy nà, con làm mạ hết hồn." Trang không biết nói sao, đợi qua suốt một đêm không ngủ, sáng hôm sau, Trang mới can đảm nói thật. Bà run run rờ mó lên đôi mắt Trang rồi la lên "trời ơi, trời ơi." Bả khóc ngất, miệng cứ lảm nhảm "trời ơi, trời ơi". Trang đau ruột bỏ di ra bờ sông và thấy hoang mang vô kể.

Trang đứng dậy, ôm đàn ra phía cửa. Mấy đứa nhỏ trong xóm Trang tần ngần nhìn Trang đàn. Trang khoát tay:

– Vào đây chơi tụi bây.

Có tiếng thằng bé cười khúc khích rồi nói:

– Vô đi bây, vô trong coi nhạc sĩ mù đàn.

Nghe nói, Trang nhăn mặt hỏi thằng bé:

– Ai nói với mầy vậy hả?

Thằng bé bỏ chạy ra ngoài, vừa nói lớn:

– Con Vân nói đó, con Vân nói đó.

Trang nhìn mấy đứa nhỏ, thấy con Vân đứng núp đàng sau mấy đứa khác. Trang gọi:

– Vân, lại anh hỏi đi.

Con Vân không chịu vào. Trang nói:

– Vân, có phải em nói không?

– Không, tui không nói. Thằng Khúc bịa ra rồi đổ hô cho tui đó.

Trang cười cười:

– Anh không nói gì đâu. Cứ vô đây chơi. Chị Hiền đã về chưa Vân?

Vân đáp:

– Chưa, trưa chị mới về.

Mấy đứa nhỏ đứng ngần ngừ giây lát rời kéo nhau bỏ đi. Tự dưng Trang mỉm cười. Thể nào ta cũng nhạc sĩ mù rồi. Nhưng nếu ta cứ đàn dở mãi như thế này thì làm sao mà kêu là nhạc sĩ. Liệu Hiền có thương mãi một nhạc sĩ mù không. Trang nhớ ra chưa bao giờ Trang can đảm nói với Hiền về tương lai của con mắt còn lại. Trang cứ sợ Hiền buồn, Hiền chán. Hiền còn nhỏ quá, mới mười tám tuổi. Trang vẫn nghĩ thế, nhưng không biết đàng sau cái khuôn mặt trông ngây thơ đó, Hiền đã thực sự cỏ một cái gì người lớn chưa. Nếu Hiền người lớn rồi, biết đắn đo suy nghĩ, biết chọn lựa, hẳn Hiền sẽ không muốn quen Trang nữa cũng nên. Trang cứ ngay ngáy lo một sự tuyệt vọng ở ngày mai, một sự tuyệt vọng Trang đã hình dung ra sẵn rồi, nhưng chắc không khỏi làm Trang bỡ ngỡ và đau đớn. Những lúc đầu, khi chợt có ý nghĩ không mấy sáng sủa đó, Trang hoảng hốt tột độ.Trang thấy hết hẳn rồi. Cuộc đời như đứt đoạn. Trang thấy thấm thía cái khuôn mặt tê tái của Phước vâ câu nói "xe phi-nỉ, xe phi-nỉ" (1) khi Trang gặp hắn chống nạng đi lãnh lương. Nhưng dần dà, Trang bình tĩnh lại. Dù sao, Trang cũng thầy minh cần nuôi hy vọng ở một cái gì đó, không rõ rệt. Trang yên tâm, mơ có ngày Trang sẽ đàn thật hay và hát thật hay. Ít ra, nếu được như vậy, thì Trang cũng có điều hãnh diện với Hiền – mà biết đâu, Hiền lại chẳng thế mà hãnh diện với bạn bè.

Mơ ước của Trang thật giản dị, giản dị như đám rau khoai héo úa buổi chiều, chỉ cần một đêm mát trời là sáng hôm sau ngó tươi rói, những cọng lá non đưa ngu ngơ ngu ngơ khi gió thổi qua. Có lúc Trang bỗng thấy mình yêu đời chi lạ, đến nỗi khi nghĩ đến sự thiếu hụt vô lý trên cơ thể mình, Trang cũng không có một chút xốn xang.

*

Trang cất đàn, bỏ đi ra ngoài sân. Ánh nắng chói lòa. Sự im lặng như bao trùm cả một vùng. Cái lay động bất chợt của cành lá như thể cũng để tôn kính sự im lặng đó. Nhiều buổi sáng, Trang không làm gì hết, cứ ôm gối, nhắm mắt nằm nghe cái im lặng như thấm dần mãi trong mọi sự vật. Thỉnh thoảng tiếng con chim sẻ kêu ngoài bờ tre, tiếng máy nước ì ầm, tiếng lá bàng rơi thoảng đâu đó trên mái nhà cũng hòa lẫn trong im lặng. Trang hơi rùng mình khi nhớ đền cái im lặng nặng nề, kỳ bí, bất trắc của những đêm dừng quân, cái im lặng làm người ta thấp thỏm, sợ sệt. Đôi lúc, Trang có cảm tưởng những ngày tháng như thế sao nó mơ hồ, xa xăm quá sức. Thêm vào đó là một vẻ gì vô lí. Trang thực không còn nhở rõ tại sao hồi đó, bên cạnh những cái chán chường, mệt nhọc, Trang lại cũng có những cái hứng thú, say sưa kỳ dị. Ừ, tại sao? Tại những tiếng nổ liên hồi, dồn dập hay tại những tiếng thét, tiếng hò hét lanh lảnh? Hay tại cái ấm ức tức tối khi thấy thằng bạn đồng đội vừa chạy đó, bỗng ngã lăn ra bất động. Hay thực sự là Trang có căm thù những khuôn mặt đó. Trang không nhớ rõ gì hềt.

Trang nhìn ra đường, thấy có bóng người đi vào cửa ngõ. Tiếng lịch kịch của cái nạng gỗ làm Trang nhận ra Du. Trang bước tới vỗ vai Du:

– Bữa nay trông cậu xài cái này rành quá há!

Du cười:

– Đâu có, nhiều bữa đi nhiều về tê cánh tay thấy mẹ. Sáng nay cậu không đi đâu chơi sao?

– Ở nhà tập đàn mà.

Trang dìu Du vào nhà. Trán Du lấm tấm mồ hôi. Trông Du già hẳn đi. Du vịn vào bàn, một tay để cặp nạng gỗ dựng cạnh vách tường rồi ngồi xuống ngựa. Ống quần chân trái đu đưa, đu đưa. Sư mất mát như thế quả lộ liễu. Lúc nào, Du cũng nhìn thấy sự mất mát của minh. Lúc nào, ngườí ta cũng nhìn rõ sự mất mát của Du. Trang có cảm tưởng Du tội nghiệp hơn mình. Những sợi râu trên cằm Du đã đen, lởm chởm. Nỗi bức rức, xót xa thường trực đã làm mọc râu và da mặt như cứng hẳn đi. Du đưa hai tay vuốt mặt ngáp, rồi nằm ngửa xuống. Cái ống quần chân trái lại đu đưa. Du đưa chân còn lại kéo lên. Trang im lặng nhìn Du một chốc, rồi nói:

– Trưa này, bà má làm đồ ăn thịnh soạn lắm cậu. Có "xà-lách xon" với thịt bò, cậu thích không?

Du cười nhẹ, giọng dã dượi:

– Mình thì ăn gì cũng được. Mình không kén ăn như­ cậu đâu. Còn nhớ hồi trước ở trong Nam mãi, thấy thèm rau khoai luộc, với nước ruốc chi lạ. Về đây, cứ bắt bà má làm món đó hoài.

Trang bỏ đi ra ngoài sân, giặt khăn lau mặt. Trang mang khăn ướt vào cho Du nói lau cho mát mặt và đỡ cay mắt. Du lấy khăn đắp hẳn lên mặt. Trang nhìn ống quần trái của Du dồn lại một chỗ rồi quay đi lấy cặp nạng gỗ của Du đi thử. Mới cặp vào nách bước hai ba bước, Trang đã nhăn mặt. Trang cười hỏi:

– Hồi mới tập đi, chắc cậu đau lắm h?

– Đau thấy mẹ, đôi lúc muốn nằm một chỗ cho khỏe. Nhưng thấy chán lại thích đi, đau cũng ráng mà đi. Bây giờ thì đỡ rồi.

Giọng má Trang từ dưới bếp: "Du đến đó hả, đói bụng chưa. Bác bưng cơm lên. Cơm chín rồi". Trang nói lớn: "Đói rồi mạ ." Một lát, má Trang mang mâm cơm để lên ngựa, nói:

– Ngồi ăn đây cho tiện. Du, dậy ăn Du.

Du chống tay ngồi dậy, cười:

– Bác chu đáo quá. Bác ngồi ăn luôn cho vui.

Không bác còn mệt, chưa ăn được. Thiệt tình nghe cháu.

Du đáp vội vã:

– Dạ thiệt tình chớ bác.

Trang kéo ghế ngồi. Du ngồi, chân để thõng xuống đất, ống quần chân trái đu đưa. Trang cố tránh nhìn vào cái ống quần đó. Vừa nhai mấy cánh xà-lách, Trang vừa nói:

– Tuần sau tụi mình lại phải Sài Gòn đổi phép rồi hả? Lương thì bữa nay chắc có rồi.

– Mệt thấy mẹ, què quặt thế này mà tháng nào cũng phải đi lãnh lương. Lương lãnh xong về đến nhà đã gần hết. Tức cái mình ghê đi. Khập khiễng leo lên máy bay, rồi lại khập khiễng leo xuống cho được máy bay là hết muốn lương với lương. Hôm trước mình đọc trong mục khiếu nại của tờ báo gì đó, thấy tụi nó viết thư mong được nhận giấy phép và lương ở địa phương, không thì cực khổ quá chừng. Chẳng biết ra sao?

Cậu còn đỡ hơn mình.

– Đỡ gì. Chập choạng chập choạng, chỗ nào tối tối là chẳng thấy cái gì hết. Con mắt kia mất, con còn lại yếu hẳn. Có lần lên máy bay, quờ quạng mãi, chút nữa là mấy thằng Mỹ đẩy mình xuống rồi.

Ăn cơm xong, Du và Trang nằm ngửa xuống ngựa. Nhắm mắt chập chờn, Trang cảm thấy nóng, mồ hôi chảy rịn trên cơ thể. Trang ngồi dậy, dụi mắt, lại thấy cái ống quần trái bơ vơ của Du. Trang chợt nhớ tới anh chàng Biệt động quân đẹp trai thường gặp ở chỗ lãnh lương. Anh chàng cụt cả hai chân đến tận đầu gối, mặt mày sáng sủa trắng trẻo, luôn luôn phải di chuyển trên một chiếc xe đặc biệt. Mỗi lần gặp anh chàng về, Trang lại thấy xốn xang, bứt rứt. Trang thấy mình có hạnh phúc hơn, dù là thứ hạnh phúc mờ mịt. Trang cởi áo, nằm xuống lại, nhớ đến những buổi trưa nóng bức và đầy tiếng động trên căn gác của Lộc ở Sài Gòn.

*

Trang mang kiếng vào mắt rồi ra đi. Ba bốn giờ chiều mà nắng vẫn còn chói lòa. Tiếng ve kêu vào những chiều cuối hè nghe đã rời rạc, ít ỏi. Chúng sắp dần dà biến mất trên các cây nhãn, cây cau, bờ tre. Những chiếc vỏ khô bấu chặt vào thân cây cũng sẽ không còn. Trang nghĩ thấy cũng hay hay, suốt mùa hè, chúng đua nhau hợp tấu vang trời làm khuây khỏa những giấc ngủ trưa, làm vui vẻ đám trẻ con, rồi hết mùa, chúng bặt tiếng và cũng không ai tìm thấy vết tích chúng ở đâu. Trang đi dọc con đường dưới bóng hàng tre. Đường làng thưa thớt bóng người. Cây cỏ như dã dượi dưới ánh nắng. Khung cảnh trông thanh bình nơi một làng quê ở thời buổi này vẫn có một vẻ gì bất ngờ đôi khi làm người ta bỡ ngỡ. Trang băng qua đường để vào nhà Hiền. Giờ này chắc Hiền mắc võng ở mấy cây cau sau vườn nằm đọc Tiền-phong hay Phụ-nữ gì đó. Hiền có chút nôn nao nào để chờ đợi Trang đến hay không? Hay cô bé đang lim dim mắt mơ những giấc mơ thật xa.

Trang gặp con Vân ở cửa, hỏi chị Hiền ngủ rồi hả? Con Vân cười chúm chím không trả lời. Trang đi vào nhà thấy Hiền đang xỏa tóc gội đầu ở bể nước sau nhà. Trang đến gần, gọi nhỏ:

– Cô bé.

Hiền ngẩng mặt lên thấy Trang, cười không nói gì. Trang hỏi:

– Đi đâu hết mà ở nhà một mình vậy,cô bé?

Hiền lấy tay rũ rũ tóc cho bớt nước. Giọng Hiền có vẻ bất bình:

– Cái anh này, khi nào cũng cô bé, cô bé. Người ta lớn thế này mà bé gì!

Trang cười nhắc lại câu hỏi. Hiền nói:

– Chú em lên tỉnh, mạ em về Sãi ăn kỵ. Chị Mai có lẽ ngủ đâu trên nhà.

Trang đến bàn học của Hiền, lấy mấy cuốn vở của Hiền ra xem. Một lát, Hiền đến kéo ghế ngồi đối diện với Trang. Hiền lấy mấy cuốn vở xếp lại, Trang giữ không chịu. Hiền giẫy nẩy:

– Không biết đó, vở người ta học có gì mà xem.

– Trời ơi, xem của Hiền chút không được sao. Ai chê ai khen gì đâu.

Nói thế nhưng Trang cũng không giằng lấy vở nữa để cho Hiền xếp. Trang vẫn mang kiếng ngồi nhìn chăm Hiền. Những sợi tóc còn ướt nước. Mấy nốt ruồi nhỏ gần dưới cằm. Khuôn mặt Hiền không buồn không vui, làm sao Trang có thể biết được những ý nghĩ trung thực của Hiền về Trang như thế nào. Những ý nghĩ đó có khác xa những ý nghĩ hồi trước ngày Trang thành thương phế binh không. Trang băn khoăn mãi mà không bao giờ hỏi thẳng Hiền được. Mà hỏi thẳng chắc Hiền cũng không nói. Cô bé bao giờ cũng ít ăn ít nói. Từ trước cũng vậy, tuy thương Trang nhưng không bao giờ Hiền bày tỏ rõ rệt những sự săn đón, vồn vã nên bây giờ Trang không đo lường được mức độ tình cảm của Hiền. Năm trước, dạo Trang về nghỉ phép, có một bữa, Trang cầm tay Hiền hỏi “Có thương anh không?”, Hiền cứ ậm ừ mãi không trả lời. Khi Trang ở xa thỉnh thoảng có gửi thư, Hiền cũng chẳng viết được một vài giòng thương yêu nào cả.

Trang rủ Hiền:

– Đi ra đàng sau hồ chơi đi Hiền.

– Tóc tai thế này mà đi đâu!

– Ra có gió hong tóc khô chứ gì. Cô bé lại khó tính rồi.

Hiền cười chúm chím. Trang đứng dậy đi trước. Hiền ngần ngừ một lát rồi cũng đứng dậy đi. Cả hai theo lối mòn trong vườn Hiền, xuyên qua đám tranh đã mọc cao, đến bờ hồ có những tảng đá lớn, phẳng phiu. Hồ không rộng lắm, nước đục. Những lá sen nổi trên mặt nước trông đã tàn. Hai người ngồi ở hai tảng đá cạnh nhau, dưới bóng những cây nhãn cành lá rậm rì. Gió thổi lất phất, những sợi tóc Hiền bay bay. Trang cảm thấy nôn nao, bồi hồi. Kỷ niệm thơ ấu như những làn sóng gợn trên mặt hồ, êm đềm, nhưng xa xăm. Trang thấy chúng như mất cả liên hệ với hoàn cảnh hiện tại của Trang. Mơ ước của Trang bây giờ không xa hơn khoảng cách giữa Trang và Hiền. Trang đột ngột thấy ân hận và tiếc nuối. Hiền ở đó thật gần, thật ngây thơ. Còn Trang, những ao ước tầm thường cũng thành hình khó khăn giữa những mặc cảm. Trang đòi hỏi ở Hiền những gì, nếu không chỉ là sự chờ đợi, chờ đợi đầy khắc khoải trong giâc mơ, trong ý nghĩ. Sự vồ vập, tha thiết của Trang sẽ có ích gì, nếu Hiền bỗng chân thực bày tỏ sự nghi ngờ về tương lai đối với Trang?

Hiền im lặng, ngồi vuốt ve những sợi tóc. Khi nào thì Trang được phép hôn lên đó. Biết đâu có thể lại chẳng bao giờ. Trang nói:

– Nè, Hiền, thứ ba anh lại đi Sài Gòn đó. Hiền thích mua gì ở Sài Gòn không?

– Em biết gì trong đó mà thích.

– Ờ để vào trong đó, thấy có gì anh mua về cho Hiền. Nhưng Hiền phải nhận, chứ không được từ chối nghe.

Hiền không nói gì. Trang nói:

– Hiền ơi, sao lúc nào Hiền cũng khó tính vậy. Nhiều lúc Hiền làm anh buồn quá. Hiền nghĩ bây giờ anh còn chi ngoài những kỷ niệm và tình thương giữa Hiền và anh. Anh cứ băn khoắn mãi không biết Hiền bây giờ nghĩ sao về anh…

Trang định nói thật nhiều, nhưng bỗng dưng Trang ngừng lại nhìn Hiền. Hiền vẫn im lặng nhìn xa xa, đôi môi có vẻ như muốn cười. Trang sốt ruột, muốn cầm tay Hiền rồi nói thật những bứt rứt của mình, bó buộc Hiền phải nói. Nhưng Trang chỉ hỏi:

– Sao Hiền, Hiền nói với anh đi.

Hiền cúi mặt, trả lời ngập ngừng:

– Em…em chẳng biết nói gì cả.

Cả hai lại im lặng. Một lát, bỗng Hiền cười nhìn Trang:

– Này, anh Trang, sao anh cứ mang kính hoài chi vậy?

– Anh mang quen rồi.

– Gỡ ra đi anh, em ghét ai ngồi nói chuyện mà mang kính, khó chịu lắm. Bộ anh sợ em thấy con mắt của anh sao.

Trang nhắc lại, giọng lửng lơ:

– Sợ thấy con mắt của anh…

Trang không gỡ kính. Thói quen của Trang khởi đầu từ mặc cảm. Ra đường, Trang không muốn người ta thấy rõ sự thiếu hụt của mình. Trang sợ cứ mỗi lần ai nhìn lên mặt Trang thấy con mắt giả, lại hỏi han, bàn tán mà trong ý nghĩ có lẽ không khỏi có cảm giác thương hại.

Hiền lại nói:

– Anh không thích gỡ kính ra à?

Trang nhìn chăm Hiền và tự dưng thấy khó chịu. Trang gỡ kính ra, nói:

– Hiền ác lắm!

– Em tên Hiền sao mà lại ác được.

Trang cảm thấy xót xa. Trang nhìn Hiền, ấm ức không biết đàng sau khuôn mặt dó, Hiền nghĩ những gì về mình. Phải chăng Hiền sợ ta buồn nên cứ ấm a ấm ớ. Trang bỗng như thấy Hiền ở quá xa tầm tay, ở quá xa mơ ước của mình. Thế mà lâu nay Hiền vẫn im lặng. Trang bỗng nói như van lơn:

– Hiền ơi, Hiền biết anh khổ lắm không. Đêm nào nằm cũng mơ thấy Hiền. Anh thương Hiền lắm, anh biết Hiền không thương anh, Hiền sợ cái tương lai đen tối của anh, phải không?

Hiền nhìn lên mặt Trang rồi vội vã cúi xuống. Trang rùng mình. Trang lượm những hòn sạn ném xuống mặt hồ. Những gợn sóng vòng tròn lớn dần rồi tan mất. Thứ hạnh phúc mà những lúc tâm hồn thanh thản Trang nghĩ đến, quả càng lúc càng mờ mịt. Như con ngõ cụt. Đường đi phía trước không có, mọi cố gắng len lỏi đều dừng lại ở thất bại. Còn trở lui phía sau thì muôn đời không thể được. Trang nghĩ tới nơi lãnh lương của Trang vào những ngày cuối tháng. Từng người, từng nhóm người đứng đầy sân chờ đợi đổi giấy phép và lãnh lương. Những chiếc xe ba bánh vận động di chuyển bằng tay, những cái nạng gỗ, những ống quần, ống tay thừa thãi đu đưa, những vết thẹo dài nằm vắt ngang mặt, những khuôn mặt dị dạng, hốc hác, sứt mẻ…Ở giữa đám người đó, Trang thấy mình quá đầy đủ, quá hạnh phúc. Trang còn đủ tay, đủ chân, còn đủ cả khuôn mặt, còn có thể lấp liếm sự thiếu hụt bằng cái kính râm. Ra đường, trước mặt mọi người, Trang không có gì khác họ, thua họ. Giữa đám người đó, Trang không thấy mình cần phải than van. Nỗi cực nhọc, tủi hờn của Trang làm sao bằng cái anh chàng Biệt động quân đẹp trai cụt cả hai chân, làm sao bằng người đàn ông bị mất hẳn gần nửa cái mặt. Bây giờ, trước Hiền, Trang lại thấy mình không có gì hơn những người đó. Ý nghĩ chợt đến làm Trang thảng thốt.

Trang nhìn Hiền, nói:

– Hiền, Hiền nhìn thẳng vào mặt anh đi.

Hiền nhìn Trang, khuôn mặt nửa như bình thản nửa như đăm chiêu. Trang bỗng thấy Hiền không ngây thơ chút nào. Trang hỏi Hiền, giọng thật buồn:

– Sao, Hiền có thấy sợ con mắt giả của anh không?

Hiền đột ngột cúi xuống rồi quay đi chỗ khác. Trang nhắc lại câu hỏi. Hiền đáp thật nhỏ:

– Không, có gì đâu mà sợ. Em đã từng thấy rồi chớ.

Một lát, Hiền lại nói:

– Anh Trang, tại sao anh không coi em như một người em gái?

Trang thấy xúc động. Khi Hiền quay mặt lại, Trang thấy má Hiền ươn ướt. Trang nghe trong lòng bàng hoàng. Trang lượm hòn đá ném xuống mặt hồ. Những vòng tròn lớn dần, tan loãng.

Hiền bỗng đứng dậy rồi nói “thôi em về trước.” Trang đeo kính vào, im lặng. Trang định nói thêm nhiều điều với Hiền, nhưng lại thôi. Hiền ngần ngừ giây lát rồi vội vã đi. Trang vẫn ngồi lại ở tàng đá một mình, xót xa và băn khoặn.

*

Ăn cơm tối xong, Trang ôm đàn ra ngồi trước hiên, mò mẫm bấm “gam” rê, đàn xành xạch. Bóng tối đã tràn đầy. Trang không nhìn rõ gì được hết. Tiếng dế đâu đó đã vang lên rả rích. Thứ ba lại đi Sài Gòn đổi giấp phép và lãnh lương. Mua một cái gì tặng Hiền, “người em gái” đây.Trang không hết băn khoăn về thái độ của Hiền lúc chiều. Hiền đã bộc lộ dứt khoát thái độ tình cảm của Hiền khi muốn Trang xem như em gái? Càng băn khoăn, Trang lại càng bứt rứt, xót xa. Mơ ước được cưới Hiền chừng như quá khó khăn.

Trang ngừng đàn, nhìn vào trong bóng tối. Giá như bây giờ có Hiền đứng một bên, Trang cũng không nhận ra. Trang có cảm giác như con mắt còn lại của mình càng ngày càng yếu đi. Nhất định là có ngày Trang không thể thấy rõ được gì hết. Một viễn ảnh như vậy làm sao Trang đòi hỏi một tình yêu ở Hiền. Sự thiếu hụt của Trang có che giấu được gì hơn cái ống chân cụt ngủn của Du. Phải chi, Trang cứ nằm lì dưới hố bom đó. Phải chi Trang đừng ham hố nhoài người lên đuổi theo tên địch thù đang lẩn tránh đó. Khi tỉnh dậy trên phòng cấp cứu, Trang nghe con mắt bên trái mình đau nhức dữ dội. Tuần sau, vị bác sĩ nói là Trang phải hy sinh hẳn con mắt bị thương để bảo toàn con mắt còn lại. Trang xúc động đến khờ người. Trang lắc đầu, nhưng cuối cùng vì quá nhức nhối, Trang phải quyết định. Nằm trên giường giải phẫu, Trang nghe tiếng dao, kéo xào xạo. Mổ xong, viên y tá đỡ Trang ngồi dậy, Trang thấy hết nhức nhối. Nhưng chợt nhìn thấy con mắt đỏ hỏn, đầy máu của mình nằm trong giỏ rác, trang kinh hoàng, xót xa đến cực độ. Trang ngất đi.

Trang đứng dậy đi cất đàn. Trang lại ngồi ở bàn, vặn sáng ngọn đèn dầu, lấy tấm kính lớn, nhìn lại khuôn mặt mình. Con mắt giả làm bằng thủy tinh lồ lộ, rõ ràng. Nó lớn hơn con mắt còn lại. Nó bệch bạc, vô lý, nhạt nhẽo. Trang nuốt nước miếng, cuống họng chợt khô đắng. Trang đưa ngón tay rờ rẫm lên con mắt thủy tinh, nhích nhích rồi gỡ ra. Trang run rẩy nhìn khuôn mặt của mình mờ mờ trong tấm kính. Một lổ hổng đầy gân máu, đỏ lòm. Trang hoảng hốt. Chưa bao giờ Trang thấy khuôn mặt mình quái đản như vậy. Đột nhiên, Trang có cảm tưởng nó không phải của mình, nó xa lạ, kỳ dị. Trang hấp tấp gắn mảnh thủy tinh vào lổ hổng con mắt, rồi đi nằm. Suốt đêm, Trang bị ám ảnh bởi khuôn mặt của mình, không ngủ được.

(Tạp chí Văn, Sài Gòn số 132, 6/1969)

_______________

Chi chú:

(1) C’est fini.

Comments are closed.