Truyện dài
Dương Nghiễm Mậu
Phần kết
Ảnh: Dương Nghiễm Mậu dưới bút Phan Nguyên. Nguồn: http://phannguyenartist.blogspot.com/2011/04/duong-nghiem-mau.html
Nhẫn đi từ ngoài vào, nàng nhìn khuôn mặt lạnh lùng của Thạch quay đi sang phía hiên. Thạch co một chân lên cho đỡ mỏi và tì má vào cánh tay vịn. Chàng đã bỏ đi vì tiếng gọi của bạn hữu, thêm một mối bất mãn với gia đình. Chàng đã thấy rõ sự vô dụng của mình bởi mặc cảm có tội. Chàng thấy đời sống sung sướng nhàn hạ của mình như một cái tội, một tội lớn là khác. Nhất nữa là chung quanh chàng bao nhiêu sự thật vây bủa những sự thật nhắm mắt lại chàng cũng thấy. Tại sao những đứa như thằng Tuấn còn có thể lớn tiếng vênh vang. Đầu tiên nó không có chung với chàng một chút máu mủ, nó thuộc dòng riêng của bố nó. Bố nó là hạng người sống trong căn nhà ba gian hai chái, có cột lớn, cột con gian giữa thờ tổ tiên, gian bên trái thờ thổ công, gian bên phải thờ thầy học. Ngoài sân có cây hương. Trước cửa nhà có bùa có dấu. Ở trong nhà đó họ lớn tiếng khuyên bảo con cái sống theo đạo thánh hiền. Từ trong đó họ hành động giữ lấy hàng rào, giữ lũy tre xanh, giữ từng mảnh đất và phân cách những tầng lớp sinh hoạt khác nhau. Nhưng họ đã hỏng rồi, họ đã thất thế một cách thảm hại giữa dòng thay đổi của nhịp sống, họ không còn sức nữa. Khởi đầu những thất bại từ nơi mòn rữa những giáo điều công thức trở thành bạc nhược lệch lạc, tệ đoan, họ lùi dần để chì còn đủ sức có chân nằm trên tấm phản trong buồng tối bên ngọn đèn dầu lạc xanh lè tiêu hao sinh lực, và nằm trong đó họ tự buộc tội, thanh minh sự thất thế như một vẻ vang cần loan truyền. Nhưng họ không được yên, với những kẻ da trắng da đen có sức mạnh, kết quả đầu tiên nhìn thấy là dấu vết con bé da đen lai làm mẹ chàng phải hứng chịu kia. Không phải lỗi mẹ chàng, lỗi ở bố thằng Tuấn, ở sự bạc nhược hèn yếu không còn đủ sức kháng cự, bảo vệ. Sự có mặt của con Nhẫn bây giờ đã hiển nhiên không sao trốn tránh được. Nhưng chàng muốn nó chỉ tới đó không được hơn nữa. Phải có một đời sống khác. Mọi người phải được sống hợp lý. Nhưng Thạch vẫn tự hỏi: làm sao để có được một cuộc sống như thế? Tiếng kêu réo như thôi thúc: phải phá vỡ tất cả, phải dựng lại hoàn toàn. Tất cả mọi người phải kết hợp nhau lại thành một khối đồng nhất. Nhưng thế nào là đồng nhất khi mỗi cá nhân có một đời sống nội tâm riêng rẽ? Hãy quên nó. Nhưng quên làm sao? Trên chiếc ghế Tuấn vẫn ngồi yên như pho tượng đá, chung quanh chừng như nấm mốc đã mọc – Anh mang em về để lấp bỏ khoảng trống phải không? Tự anh, chính tự anh làm anh đơn độc, sức em không làm gì được đâu. Anh đã tự cắt đứt với dòng sống, anh lơ lửng như một cù lao. Vô ích lắm anh ạ, khi anh chỉ còn một chút gì phảng phất trong huyết quản anh. Còn bao nhiêu những cái khác đều trôi đi, đều tan loãng và mất hút – Chẳng lẽ tôi lại bất lực đến cuối cùng sao? Không, chàng đang đứng ở dưới chân bức tường màu xám đầy tối, hay đứng ở ven một bờ vực. Ở mé sau bức tường, ở dưới sâu vực thẳm kia đang chờ. Một chàng còn, hai chàng ở dưới đó. Điều sau chàng không thể chọn. Đứng trước thử thách mất còn bỗng nhiên chàng thấy khỏe mạnh sinh lực. Không tiến lên được thì chịu nhưng không thể để bị tiêu diệt. Với sự phá phách của Thạch chàng tự nhiên thấy vững tâm. Chàng hiểu vì đâu Thạch như vậy. Hắn đã sống trong một dòng nước lũ để trôi dạt qua những vùng đất đai tạm bợ cùng với đám đông thay đổi khuôn mặt. Hắn như một kẻ lưu vong ngay trên quê hương, chứng kiến mọi bất công, tù hãm của một lớp người đông đảo.
Người cha bỏ đi để lại dòng máu bất khuất trong người hắn cùng với một gia đình không ra gia đình thì lẽ tất nhiên hắn đòi phá vỡ… Với những nguồn cội khác nhau đó chàng thấu hiểu tấn thảm kịch đang diễn ra trong căn nhà này, cùng mối đau khổ trong lòng người mẹ.
Rồi còn Nhược, còn Nhẫn, còn cháu Dũng – cái lớp người của tương lai đang sống lên giữa cuồng loạn ngất ngư biến chuyển? Bây giờ làm gì đi nữa công việc chính là cho những đứa nhỏ đó không còn phải tham dự tấn bi kịch hiện nay để sống một đời sống hạnh phúc…
– Tôi tưởng anh là một kẻ lạ trong căn nhà này.
Thạch từ cửa đi vào :
– Mày nói sao?
– Tôi bảo: tôi tưởng anh là một kẻ lạ trong căn nhà này.
– Tao sinh ra ở đây, mày phải biết như thế.
– Nhưng anh không sống với nó.
– Thế còn mày, còn thằng Nhược, con Nhẫn…
– Tôi khổ ở đây, Nhược sống ở đây. Nhẫn bơ vơ không có tình thương ở đây.
– Nó sống ở đây, nghe vui lắm, chính nó là con một thằng bất lực làm nhục mẹ tôi, làm nhục tôi.
– Anh không được quyền xỉ vả bố tôi. Anh coi chừng.
– Mày định tạo vây cánh với nó phải không?
– Tôi vây cánh với nó làm gì. Nhưng ít ra nó cũng nuôi và trông nom mẹ.
– Còn con Nhẫn là con kẻ thù của tôi, bố nó làm nhục mẹ.
– Nó còn giết bố tôi.
– Tốt lắm, tao còn dung được nó một phần vì vậy.
– Các anh nói gì vậy?
Tiếng Nhẫn nói bất ngờ làm Thạch quay nhìn. Tuấn đứng lên. Nhẫn đứng sững ở cửa buồng. Không khí ngột ngạt. Tuấn kiếm điếu thuốc châm lửa. Thạch nhìn vào chiếc ghế trống ở góc nhà.
– Trời ơi, các anh, các anh tôi…
Nàng ôm mặt khóc nức nở, đôi bàn tay đen như chân loài quạ đen phủ lấy mặt và mớ tóc rối bời như sắp bốc lửa. Đó là một pho tượng của viện bảo tàng đang chuyển động trong cửa hang đá? Đó là một oan hồn về đòi nợ? Đó là một con ma đói vất vưởng đang kêu gọi. Không. Đó là con kẻ đã làm nhục mẹ Thạch. Đó cũng là ân nhân của Thạch. Đó là sự thật, mối bi đát thảm thương của chính ngôi nhà này, của chính quá khứ những người đang chung sống ở đây. Đó là bằng chứng một đột nhập từ xa lạ đến không ai cưỡng lại được. Tiếng Thạch quát lên :
– Mày hãy lại gần đây, lại gần đây mà khóc.
– Tôi cần cho mẹ biết, mẹ thương tôi, còn các anh…
– Mẹ thương thì đi với mẹ. Mày dọa tao được à? Các anh làm sao? Chúng tao anh em với con một kẻ thù sao?
– Trời, sao anh không giết tôi cho xong.
– Mày còn lu loa lên. Mày muốn mẹ khổ sao?
Nhẫn mỗi lúc một gào lớn. Thạch cáu kỉnh chạy lại nó và văng mạnh ra giữa nhà. Nhẫn bị sức kéo lăn ra một góc.
– Tao bảo im mồm mà.
– Anh giết ngay tôi đi…
Tuấn đi lại bên chỗ Nhẫn đưa tay dắt đứa em đứng dậy :
– Anh Thạch. Anh tưởng chuyện này mẹ không biết sao? Mẹ biết thừa. Nhưng anh không hành động như thế được. Nó là con của mẹ. Và tất nhiên nó là em của anh, em của tôi.
Thạch thừ người, chàng thấy mình bứt rứt khó chịu. U Tám dẫn Dũng đi vào. Tiếng bà mẹ gọi ở phòng bên. U Tám nói :
– Hóa ra không có ai, kìa cô Nhẫn bà gọi.
Nhẫn lặng lẽ lau nước mắt đi ra.
Tôi lẩn tránh mọi người như một con chó ghẻ, tôi không còn đủ sức để nghe những lời bàn tán chung quanh. Người nói ra kẻ nói vào một cách nhục nhã: – Mụ ta kìa – Cái mụ bị hiếp ấy hả – Còn ai vào đấy, mụ sắp làm mẹ một đứa con Tây đen – Được nếm mùi đời sướng nhé – Người thế còn giơ mặt ra sống – Ba đời chồng rồi nhỉ – Biết đâu còn vài đời nữa, tôi nghe mụ ta sắp bỏ lũ con đi tìm thằng Tây đen đấy – Để trả đứa con à – Chắc theo làm vợ nó – Trời ơi, người vậy có đem cho voi nó giày, chớ còn người ngợm gì nữa… Mình có thấy những điều ấy không. Ngay từ lúc đó tôi đã cố van mình giữ lấy thân, làm sao cưỡng được nó. Thà cho tôi bị nhục mà còn mình, còn mình tôi đỡ khổ và các con nó được nhờ, mình chẳng chịu mà tôi nào thoát nhục.
Mình chết tôi một thân với cái thai của giặc trong bụng bắt cua bắt ốc, nhặt rau tập tàng nuôi đàn con xanh xao đói khát. Mỗi bữa cơm ngồi nhìn chúng nó ăn cháo, rau với muối, cùng những đứa con dại tôi chỉ còn biết khóc. Tôi nghĩ chỉ còn cách bỏ làng lên tỉnh làm ăn. Tôi đã mang chúng nó đi. Lúc đó tôi đã không hết hối hận khi bỏ nơi này để trở về miền quê đó. Tôi ở lại, tôi không nghe mẹ lấy mình vì mấy đứa cháu mồ côi chắc tôi không khổ. Trời phật đã giúp tôi đủ sức can đảm làm lụng để không những nuôi được các con ăn học mà còn trở nên khá giả.
Nhưng tại sao tôi vẫn khổ, cho đến hôm nay, cho đến khi tôi thấy tôi sắp chết, các con của mình vẫn oán ghét tôi là mẹ ghẻ ác nghiệt. Tôi đã ác nghiệt như thế nào với chúng mà trong ba đứa chỉ thằng Tuấn nó còn nhìn mặt tôi. Hai đứa kia chúng ở lại ngoài đó. Trong khi đó con riêng của tôi nó cũng oán tôi tại sao đã lấy người chồng thứ hai. Còn các con của mình và tôi lại cho là tôi đã bênh vực nuông chiều những đứa con riêng kia. Còn đứa con của kẻ đã giết mình thì oán hờn không ai thương nó. Có khi tụ chúng nó lại một lần rồi cho chúng khí giới trong tay chúng sẽ giết nhau không thương tiếc. Chúng sẽ giết nhau một cách hả hê vui sướng là khác. Dù vậy tôi vẫn tin rằng tôi sẽ làm cho chúng nó hiểu rằng: chúng nói cùng khổ sở như nhau, chúng nó đã có những quá khứ chung và một tương lai nữa, tôi là sợi dây ở giữa chúng nó. Sao đi nữa chúng cũng không đến nỗi là người dưng khi đã từng ngồi chung một mâm cơm, chung một mái nhà thời nhỏ. Ít nhất chúng cũng cần những thân thích, bởi không chúng sẽ sống với ai? Tôi không oán gì các con. Tôi thương chúng nó. Tôi oán chăng là oán các anh, oán sự bất lực của các anh.
Anh đứng lặng thinh đi, bởi oán các anh cũng có ăn thua gì. Tôi không thể nói điều đó cho các con tôi nghe, như vậy tôi phải nói cho mình nghe, hay nói cho chính tôi nghe.
Các anh bảo các anh phải làm gì lớn lắm, phải làm cho đời các con khỏi khổ. Phải đuổi được giặc… Nhưng rồi đi đến đâu? Một người bỏ xương trong nhà lao. Một nghiện. Đừng nghĩ tôi kể xấu. Đó là lầm lẫn, không làm đúng việc. Các anh bỏ ngay cả phận sự làm bố. Những việc làm sau này của các con tại nơi các anh. Đầu óc chúng lệch lạc và nhiễm độc.
Anh chứng kiến sự giằng co trong tấn thảm kịch ngày nay anh đủ rõ.
Tôi mệt quá sức rồi. Chắc nhiều người mong cái chết đến, còn riêng tôi chưa muốn. Tôi buồn sao mình không sống đến ngày nay. Tiếng súng ngần ấy năm như vẫn còn nổ trong óc tôi những tiếng chát chúa, cùng với lửa đỏ, và tiếng súng đã nổ mang theo viên đạn ghim vào ngực mình. Nhiều lúc tôi còn tưởng như xác mình vẫn còn nằm trong tay tôi im lặng và giòng máu đỏ tươi đang tuôn ra từ ngực. Mình đã chết, đã chết trên tay tôi không nói năng cùng với khuôn mặt nhăn nhó khổ sở, còn làm sao được…
Mới hôm qua anh ấy về, anh ấy có vẻ trách móc là tại sao tôi còn lấy mình, tại sao đã có chồng có con, đã yêu người tình mà sau đó còn bước đi bước nữa. Chắc là tôi phải tồi tệ lắm, hư hỏng đến nỗi không giữ được mình mà phải lấy tới hai đời chồng và có khi còn nhiều nữa. Người đàn bà còn có gì nhục hơn điều đó. Còn mình chắc mình hiểu vì sao tôi đã lấy mình. Chỉ một mình mình là hiểu. Mà mình lại chết, sao mình không thể nói điều đó cho các con riêng của mình, cũng như các con riêng của tôi nó hiểu… Chúng nó đã trở về đủ mặt, từ thằng Thạch rồi Tuấn, hai đứa lớn hơn cả chúng nó đã đi không đợi tôi.
Nhưng ít ra tôi cũng còn được bốn người con một đứa cháu cùng mối bất hòa thù oán của chúng chung quanh cái gia tài này. Mình có điều gì cần nói với tôi không, hay đợi tôi xuống đó rồi mới nói. Không nên vậy, mình nên nói ngay đi để xuống dưới đó rồi tôi sẽ sống một đời sống khác, quên tất cả bận bịu, rắc rối. Sống đã khổ thì khổ cho trọn, rồi chết một cách sung sướng. Tôi sẽ đi tu cho kiếp sau một giải thoát. Tôi không còn sức tiếp tục làm người nữa. Đấy mình coi xem. Còn gia tài này mình định chia ra sao? Thật khó khăn phải không? Giá tôi tay trắng đi có khi lại êm chuyện. Kìa mình, mình nói cho tôi nghe…
Mình bảo rằng tôi làm nhục mình, mình đang tâm thốt ra điều đó được sao? Sao mình không buộc hẳn cho tôi cái tội đã giết mình cho xong. Nhục mình hay nhục tôi? Sao mình không tự hỏi như thế? Mười mấy năm trời nay chưa đủ thời gian cho mình trả lời một câu hỏi nào hay sao? Và mười mấy năm trời nay mình không đủ thấy tôi đã sống như thế nào sao? Tôi sung sướng hay mình sung sướng, tôi nhục hay mình nhục? Và chính tôi vẫn lấy làm ân hận rằng tại sao tôi không chết ngay từ khi đó bởi một đạn lạc hay chính nó sau khi thỏa mãn phút cuồng loạn bắn vào đầu cho tôi một viên đạn. Cái chết của định mệnh tôi không cưỡng, nhưng tự tôi, tự một người mẹ nhìn các con tôi không muốn chết, tôi không có can đảm chết, không đang tâm hủy hoại thân mình và khi đó bao nhiêu nhục nhã tôi đều có thể chịu.
Cơn ác mộng đó vẫn ám ảnh đầu óc tôi, tôi nhớ rõ và một phần tại mình. Tôi nhớ hôm đó tại mình không muốn chạy. Mình đừng vội phản đối. Mình hãy bình tĩnh nghe tôi nói xem rằng lỗi đó tại mình hay tại tôi. Một định mệnh nào?
Tiếng hát của u Tám rời rạc vang vượt khoảng sân nhỏ qua cửa sổ trườn vào gian phòng. Buổi sớm mai yên tĩnh tươi mát. Bà mẹ đòi Thạch dìu ra chiếc ghế mây lớn màu nâu sơn then bên cạnh cửa sổ nhìn ra khoảng vườn có cỏ non và một cây mai bốn mùa. Thạch mang nước từ phòng bên sang, chàng kéo chiếc ghế đẩu để gần ngay ghế mẹ rồi rót vào một tách nước, không khí yên lặng, vài tiếng động mơ hồ và những cử động nhẹ đầy rụt rè thận trọng. Nhẫn dẫn cháu Dũng đứng ở cửa phòng cất tiếng xin phép đi học. Bà mẹ cất tiếng gọi :
– Cháu Dũng vào trước mặt bà đây đã nào. Cháu ăn gì chưa?
– Cháu ăn rồi.
– Cháu thưa chú Thạch đi đã nào?
Dũng ngượng nghịu quay sang phía bàn. Thạch bưng tách nước đưa lên môi nhìn vào ô cửa kính vỡ được dán hai miếng giấy trắng dài.
– Thưa chú cho cháu đi học.
– Cháu ngoan lắm.
Bà mẹ vuốt tay lên mái tóc đứa cháu rồi cho phép Nhẫn và Dũng đi ra. Không khí lặng im. Bà mẹ bỏ hai bàn tay xuống lòng. Tiếng Thạch nói ở phía sau :
– Sao mẹ còn báo cho thằng Tuấn nó về đây làm gì?
– Con hỏi mẹ làm chi vậy. Nó về là quí rồi. Mẹ nghĩ như thế là nó biết điều. Nó hiểu thấu lòng mẹ, như mẹ đã từng thương nó mồ côi. Các con về là mẹ khỏe hẳn ra. Mẹ muốn con ở nhà, con đã lớn rồi và mẹ liệu cũng chả sống thêm được bao lâu nữa. Sống thêm được ngày nào là nhờ các con…
– Mai con đi.
Thạch rót thêm nước vào tách, tiếng nước hơi động. Mẩu thuốc còn cháy trong chiếc gạt tàn phả ra một mùi khét khó chịu.
– Con dập tàn thuốc đi cho mẹ…
– Mẹ khỏe rồi con đi yên tâm.
Bà mẹ nhắm mắt lại, ngả đầu vào ghế, không khí xáo động cùng những tiếng vang. Những con mắt mở lớn gắn trên cửa kính. Những cánh tay buông lõng nơi cửa ra vào và những bước chân chuyển động… Anh phải đi… Con phải đi vì mẹ không bao giờ muốn con là một người hèn phải không mẹ… Mai con đi…
– Mai con đi.
Bà mẹ nghe tiếng con mình nói lạc hẳn – Mai con đi, mẹ khỏe rồi con đi yên tâm – yên tâm lắm phải rồi. Những khuôn mặt của Tuấn, Thạch, rồi chừng như cả Nhẫn, Dũng… cùng tiến tới gần mãi, rồi những cái mũi, đôi mắt phóng lên lộn xộn và những mái tóc bủa vây như một rừng lưới đen và từ màn tối những cái miệng như cùng nhịp mở…
– Thôi, con đừng nói, đừng nói gì nữa.
– Mẹ nói sao?
– Con đừng nói gì nữa. Chắc mẹ gặp con lần này là lần chót…
– Lần chót! Không! Con chẳng tin, con nghĩ mẹ còn sống. Vả lại con chỉ muốn có một mình con là con của mẹ, và mẹ chỉ có một mình Thạch là con mẹ. Con không bao giờ nhìn thấy một người thứ hai trong gian nhà này, gia tài này của một mình con. Vì nó của bố con, di sản độc nhất con được biết đến.
– Thôi, con nói sao mẹ cũng nghe cả. Nhưng mẹ xin con đừng động gì đến các em. Con phần anh đáng ra phải thương chúng nó.
– Không, con không có em nào hết. Con chỉ có kẻ thù. Con chỉ có người là… Mẹ đã quên rồi sao, ai đã sỉ nhục mẹ, ai đã làm mẹ khổ…
– Còn bố con thì sao?
– Bố con con chẳng biết gì – nhưng ít ra bố con cũng để lại căn nhà này…
– Và để lại con nữa…
– Mẹ muốn bảo con bỏ mẹ chứ gì? Nhưng tại con hay tại mẹ?
– Chắc tại mẹ. Tại mẹ. Mẹ còn sống bao lâu nữa mà con còn oán mẹ…
Tuấn mở cửa bước vào, đôi mắt mở lớn nghiêm khắc nhìn Thạch.
– Anh muốn đuổi tôi phải không?
Thạch đứng dậy. Bà mẹ quay người làm chiếc ghế đổ và tiếng kêu yếu ớt vang lên…
Thạch, Tuấn chạy vội lại, bà mẹ ngã theo chiều ghế xuống nến gạch. Thạch luồn vội tay xuống cổ bế lên. Tuấn dựng ghế rồi chạy lại giường để gối cho Thạch đặt bà mẹ.
– Anh đi kêu bác sĩ ngay, để tôi coi mẹ cho…
– Không, con khỏi gọi…
Bà mẹ cố gắng nói thều thào, mặt bà tái hẳn đi vẻ xúc động.
– Mẹ vô ý nhưng không sao… để yên một chút mẹ khỏe lại.
Tiếng chuông cửa réo, tiếng u Tám nói chuyện léo xéo phía ngoài, một lúc u mở cửa bước vào.
– Thưa bà người khách hôm qua trở lại.
Thạch hỏi :
– Ai vậy?
– Một người thanh niên muốn gặp bà, anh ta đã đến đây hôm qua lúc bà đang ngủ.
– Anh ta hỏi việc chi?
– Tôi có hỏi nhưng anh chỉ nói là việc riêng muốn gặp bà một chút, anh ta ở xa đến.
– Ở xa đến? Mời anh ta vào phòng khách đi u, để tôi tiếp thay mẹ.
Thạch sửa lại quần áo rồi mở cửa đi ra. Tuấn ngồi nơi đầu giường :
– Mẹ thấy trong người thế nào? Mẹ đừng nghĩ gì cả. Con về đây như một người con của mẹ không biết một chuyện gì đã xảy ra.
Bà mẹ không nói thêm. Tuấn nhìn bà với con mắt buồn rầu, sau mười mấy năm trời bây giờ Tuấn mới nhìn thấy ở người dì ghẻ hình dáng của một bà mẹ, một hình dáng hiện thân của chịu đựng, cực khổ, bao dung… Thạch trở vào.
– Lại thêm một người con nữa của mẹ.
– Một người con của bố! Người thanh niên ngồi ngoài phòng khách.
– Một người con của bố?
– Anh ta nói tên bố và mẹ, anh ta về chỉ cốt được gặp mẹ. Anh ta không chịu nói với con.
– Thêm một kẻ bất hạnh nữa.
Bà mẹ thừ người, bà không thể nghĩ thêm được một điều gì. Đầu óc bà như đang chảy thành nước.
– Mời anh ta vào đây.
– Chắc đây là một sự nhầm lẫn hay giả danh.
Tuấn vừa nói vừa tiến ra phía cửa.
– Nhầm hoặc giả danh?
Thạch nhắc lại với giọng mỉa mai.
– Sao lại không, có gì làm bằng cớ rằng đó là con của bố anh mới được chứ.
– À mày lại sợ nó chia mất một phần gia tài này chứ gì. Đúng nó là em tao. Tao cho nó vào nhận mẹ.
Cánh cửa mở. Thạch dẫn người thanh niên lạ mặt vào. Bà mẹ nhìn ra với đôi mắt hiền từ.
– Con ngồi xuống đây…
– Ai?
Anh đã trở về gặp người đàn bà đó buổi sớm nay. Ở đó có những người con của bà ta. Bà ta mệt nằm trên một chiếc giường rộng, khuôn mặt mệt mỏi với đôi mắt sâu đục, mái tóc dài bạc phủ kín cả mặt gối, bà nằm im nghe anh nói, tay bà chốc chốc cử động, có lúc bà nhắm cả đôi mắt lại. Thấy bà ta anh ngạc nhiên bởi nó khác xa với những điều mẹ anh đã nói. Mẹ nói rằng bà có một vẻ mát dịu êm đềm, hôm nay trông bà với vẻ xanh xao, khắc khổ anh buồn bực cực độ. Và có một điều ngày nay anh mới hiểu rõ: mẹ anh chưa bao giờ gặp bà ta. Trong bao nhiêu năm của tuổi trẻ đã trải qua anh sống với một thế giới được tô điểm êm đềm về một gia đình – gia đình của bố anh – ở đó có một người vợ trước là bà ta đó có tất cả đức hạnh của một người vợ, một người mẹ, cùng những đứa con xứng đáng để làm con của bố, chính sự cảm phục đó làm mẹ bằng lòng lấy bố anh. Không phải thế. Bố anh đã ra đi từ hồi còn trẻ – bởi bà ta chỉ là một người vợ một người đàn bà bình thường thương chồng và nuôi con – người đàn bà đó không mang lại cho bố anh những khát vọng lý tưởng, những khátrước vọng vùng vẫy cao cả vượt khỏi thực tại hạn hẹp và tù túng. Bố lấy mẹ anh để bù vào những gì thiếu vắng ở người vợ trước.
Một điều chắc chắn anh có thể biết, bố và mẹ anh đã hoạt động bí mật với nhau trong nhiều năm cho một mục đích. Mẹ anh còn dấu tích vết tử thương nơi cổ. Anh là một bào thai được nuôi trong nhà tù. Và cũng nhờ cái thai đó mẹ anh được thả ra. Về bố anh, anh nghĩ chắc ông đã bỏ mình ở trong bốn bức tường của trại giam – dù mẹ anh bảo rằng :
trong một cuộc đánh phá họ đã thoát ra được.
Mưa bắt đầu lớn, nước có thể ngập lên căn nhà này, em khóc à, em khóc cho em đấy, căn nhà này mỗi đêm đều có kẻ đến, họ cũng như anh. Họ nói những gì với em… chắc họ nói nhiều lắm, họ nói một tương lai cho em nghe với hy vọng, hạnh phúc… Anh thì không. Anh chỉ là một người khách lạ.
Anh trở về đây, đối diện với thực tại để tự hào về dòng máu anh đã mang trong người, tự hào về hoàn cảnh anh đã sinh ra và trưởng thành. Anh về để nhìn một bà mẹ đau khổ ở giữa những người con đang hiềm thù oán ghét nhau. Anh đã ngồi trong một ngôi nhà, nơi bố anh đã sống, một ngôi nhà với bao nhiêu quá khứ đã trả qua, từ viên gạch, chiếc cửa, bức tường và những người có mặt. Bà ta đã giới thiệu với anh người anh cùng bố, những người em cùng đứa cháu. Trong những người em có một người em gái lai da đen. Sao em cười, một người em lai đen đâu phải chuyện lạ. Trông em đẹp, trắng, chiếc mũi hơi cao kia biết đâu em không có một dòng máu da trắng trong người? Đất nước ta đã nô lệ bao nhiêu năm, chiến tranh đã hoành hành bao nhiêu năm. Trong đó, giữa gia đình những đứa con với ý nghĩ, với tư tưởng khác biệt đối diện với nhau. Bà mẹ bảo anh ở lại, bà nhận anh là một người con, anh được quyền hưởng một phần gia tài của bà. Anh đã cười thưa với bà rằng: Con về không phải để hưởng gia tài – Đó là quyền lợi của con – Nhưng con có ở lại đâu. Người anh chung bố với anh bảo: Em nên ở lại. Em mới chính là con của bố. Chúng nó không có quyền gì ở đây hết. Em ở lại với anh – Tôi về không phải để về hùa với anh cho thêm vây cánh. Bố chúng ta không dạy chúng ta thế. Vả lại của cải được chia cũng không ích gì cho tôi. Anh đã nói cho họ hiểu rằng anh trở về đây chỉ là vâng theo ý muốn của mẹ. Ý muốn cho anh biết về gia đình mình.
Em hỏi anh mới nhớ, mẹ anh mất lâu rồi. Bà mất vào một đêm có tiếng súng. Tiếng súng của những người kháng chiến lấy đồn Tây. Anh chẳng hiểu mẹ anh là người thuộc vào gia đình như thế nào, hình như về gia đình đó không có điều gì đáng nói cho mẹ anh nhắc lại, mà biết đâu mẹ anh đã chẳng là một người mồ côi, một người có gia đình bị tàn sát.
Như một vùng đất đai được coi như nhượng địa, một vùng đất đai chung lịch sử, sức mạnh, dân cư bỗng nhiên bị chia cắt, lạ mặt, trôi vào trong vòng xích nô lệ đen tối.
Nhưng dù vậy, sự tù hãm chỉ có được ở thân xác, ở bề ngoài không thể có tác dụng gì đến tâm hồn, đến ý muốn tự do vùng vẫy của họ. Sự giam hãm thể xác un đúc thêm sức quật khởi đòi giải phóng. Em có thấy không. Quá khứ huyền hoặc của mẹ anh và một cái chết anh hùng. Mẹ đã từng mím môi chảy máu vì đời sống chung quanh, giặc giã quấy nhiễu. Trong xứ sở chúng ta những bà mẹ, những người bố kiêu dũng không thiếu. Họ đã mang bản thân ra để tìm kiếm tương lai cho chúng ta. Dù tương lai đó đầy xương máu, ảo tưởng. Như mẹ anh đã cùng dân làng tay gậy, tay dao xông vào hàng rào kẽm gai cùng tiếng reo hò của làng nước dù không át nổi tiếng nổ hung hãn của những bom đạn điên cuồng. Nhưng họ đã lao mình lên không tính toán, họ lao mình lên mắc vào hàng rào làm bia đỡ đạn phơi gan ruột và hòa máu vào mạch đất. Anh đã nhìn thấy mẹ anh trong hình ảnh của Đức Chúa Trời căng mình trên thánh giá chịu tội cho nhân loại. Những người chết đó có thật, họ làm có mặt người còn sống, họ tạo không khí cho chúng ta thở, và mở cánh cửa tương lai cho chúng ta tiến lên.
Sự sống vắng mặt ở đây, sự sống không có trong những hang hẻm nhớp nhác dục vọng, tội lỗi… Sự sống hào hùng bốc lên ngút lửa ở những làng xóm xanh màu cỏ dại, rám nắng trên vầng trán, và uất ức nặng đôi chân ngâm dưới ruộng sâu… Em không thể nào hiểu được.
Anh đã cố gắng giảng giải cho bà mẹ cùng những người con nghe rằng: gia tài đích thực của những người chết để lại không phải chỉ là căn nhà đó, hay những của nổi chúng ta cầm được, nhìn thấy. Gia tài của người chết như nước nguồn vĩ đại đang luân lưu, đang bồi đắp, nó là ý chí đời sống những con người còn lại kế tiếp. Gia tài người chết để lại chỉ như một kỷ niệm, một nhắc nhở ý muốn của người chết dành cho chúng ta… Anh về để biết điều đó. Khốn thay sự mù tối của thực tại, của dục vọng, của thành kiến đang làm người sống lạ mặt, thù oán, tranh giành. Sự ti tiện nhỏ mọn trước mắt chúng ta đang làm chúng ta bị cuốn đi trong cơn lốc…
Anh tỉnh táo nhìn sự thực và từ đó anh ra đi lập lấy cho mình một gia tài, đó là ý muốn của cha mẹ anh góp với sức lực của đời sống anh. Em sinh ra để làm vợ, làm mẹ. Anh sinh ra không phải để thù oán, ganh ghét, cạnh tranh một thứ gia tài đã già nua gần như vô ích mà sinh ra để lập lấy gia tài của mình. Dòng nước đang lên cao, cơn bão đang hoành hành, những căn nhà cũ, những gạch ngói đã mòn, thân cây đã mục chắc sẽ bị cuốn đi, nó hết sức chịu đựng rồi. Nó không còn gì để chống đỡ với sự phá phách cuồng loạn hiện nay. Chống lại, giữ được phải là một công trình mới và sức mạnh của cuộc sống phả lên nó hùng vĩ và kiêu dũng. Em có nghe tiếng hát ở trong đầu anh không. Tiếng hát bố mẹ anh để lại dư vang – và anh sắp cất lời…
Nhẫn khom người giắt bốn mép màn một cách cẩn thận rồi nàng hỏi mẹ xem còn cần gì nữa không, bà mẹ mỉm cười và bảo nàng đi ngủ. Sau lần vải màn trắng như sương mù, nụ cười hiền hòa phả ra một vẻ êm đềm bao dung, Nhẫn cảm thấy ấm áp. Nàng tắt ngọn đèn lớn, phủ tấm vải xanh lên chiếc đèn ngủ ở đầu giường. Nàng quyến luyến không muốn đi ra, nàng nhìn mẹ, nhìn khung cảnh gian phòng như cố lưu giữ những gì nàng mến yêu. Nàng đi ra, nhẹ nhàng khép cánh cửa lại rồi bước xuống sân. Nàng ngồi xuống bậc gạch nhìn ra ngọn đèn nhỏ thắp ở đầu nhà bếp, khu vườn im vắng vẻ bí mật, từ trong đó những xôn xao của Nhẫn dấy lên. Nàng thấy không có gì giữ nàng nữa. Mẹ nàng còn sống bao lâu. Khuôn mặt Thạch, Tuấn hiện ra vẻ dữ tợn như vây lấy nàng. Họ có tất cả quyền lực, nàng thì không. Nàng chỉ là sự bất hạnh, nỗi mệt nhọc tính cách thừa thãi, đau đớn của một sự thật đã hiển hiện. Sự hiển hiện đó Nhẫn thấy rồi, nó như một khối đen nặng nề mà trí khôn Nhẫn đã nhận ra. Đã nhận ra mà không thay đổi, làm mất khi sự sống còn. Nàng thấy một không còn quyền được nhờ cậy, van xin, cầu khẩn. Bởi khối đen thực đó là sự sống của nàng và nàng tự thấy phải kết thúc, phá vỡ. Số phận định đặt? Số phận chỉ định đặt được sự sống còn sự chết thì không.
Nàng thử tìm kiếm, dò hỏi xem cái gì đợi nàng. Thôi không nghĩ nữa. Đêm đã xuống lặng im không một tiếng nói. Nàng vào phòng. Nàng tìm chiếc áo màu nâu hoa vàng mặc vào người, chiếc áo đẹp nhất nàng giữ gìn. Nàng chải tóc và soi mặt vào gương, nàng thấy nàng đẹp hơn bao giờ hết. Nàng giải tấm chăn xuống đất rồi bắc chiếc ghế lên trên. Nàng buộc chiếc thường lên xà nhà về tết cái nút một cách kỹ lưỡng. Nàng nhớ nụ cười của mẹ rồi đứng im. Nàng tỉnh táo quàng chiếc thòng lọng vào cổ – Lạy mẹ, mẹ tha thứ cho con, con không thể sống để khóc mẹ, đưa đám mẹ và ném mình viên đất xuống huyệt mẹ nữa, mẹ đã khóc vì con nhiều rồi, mẹ sẽ khóc con một lần chót. Con chết vì ý muốn của các anh, vì ý muốn của những dục vọng, tranh giành, thù oán… ý muốn mọi người. Không ai cứu được số phận của con cả, con đã thua. Nhẫn kéo chiếc thòng lọng cho sát cổ họng và khẽ đẩy cho chiếc ghế đổ xuống chiếc mền, nàng nghe rõ tiếng chiếc ghế đổ xuống – Lạy mẹ, lạy mẹ…
Trong gian phòng đầy ánh sáng. Nhược ngồi thu mình nơi chiếc ghế ở góc phòng, bên đó u Tám ngồi ôm Dũng ngủ. Thạch ngồi nơi bàn lớn vẻ mặt mệt nhọc :
– Tao muốn giao căn nhà này lại cho mày trông nom. Nhược, mày có nghe tao nói không.
– Anh cứ nói đi, tôi có thể ngồi đây suốt đêm để nghe anh nói.
– Tao giao như vậy không có nghĩa là nó thuộc về mày, tất cả chúng mày không có tí quyền gì về gia tài này. Mày giữ nhà là để nuôi mẹ cho đến khi mẹ chết. Trông nom thằng Dũng cho đến khi nó lớn lên. Rồi sau đó tao sẽ liệu. Tao sẽ đi khỏi đây vì tao không thể nào chịu đựng được cái không khí khó chịu này.
– Sao vậy không ở lại – U Tám nói – Bà yếu lắm rồi, chả gì cậu cũng là con lớn. Cậu có bổn phận với bà một lẽ, cậu còn có bổn phận với các em. Kể cả cậu Tuấn, cậu Nhược rồi cô Nhẫn, bà mất rồi còn trông vào ai ngoài cậu?
– U là người ngoài, u không biết gì cả. Bổn phận là thế nào?
– Tôi là người ngoài nhưng tôi ở trong nhà này nhiều hơn cả tuổi cậu nữa. Cậu đừng tàn nhẫn như thế nếu cậu không muốn sống một mình.
– Tôi một mình cho sướng thân tôi. Tôi không cần bất cứ ai.
U Tám khóc, Nhược ôm đầu gốc vào ngực. Thạch ngả người vào thành ghế. Nhược nói êm đềm :
– U Tám, u đừng khóc. Tôi chịu ơn u như chịu ơn cha mẹ tôi. Tôi không ở lại đây đâu, mẹ mất rồi tôi sẽ kiếm một chỗ ở khác và u đến đó với tôi. Tôi chẳng có tham vọng chi ngoài sự mơ ước có một căn nhà nhỏ được dựng lên nhờ sức làm việc và sự cần kiệm, ở đó không có điều gì phải lo âu phiền não. U về ở đó trông nom các con nhỏ cho tôi, rau cháo sống đời đơn giản và đầm ấm. U hãy coi tôi như con nuôi của u, tôi là con mẹ nhưng u đã nuôi tôi sống. U đừng nói thêm gì, tôi có ý gì để giữ căn nhà này đâu? Tôi chịu đựng ở lại đây vì sự sống của mẹ tôi hơn là tôi… Và u là người nhà hơn cả anh Thạch.
– Mày muốn về hùa với thằng Tuấn phải không?
– Anh nhầm lắm. Tôi chẳng về hùa với ai cả. Tôi đứng riêng ra ngoài cuộc tranh chấp. Sau nữa các anh có thương gì tôi, các anh chỉ nhìn người khác với con mắt quyền lợi, thù oán, đối nghịch. Các anh đứng ở hai đầu mút sự tranh giành mù quáng vì lợi, và vì mình.
Các anh sẽ chẳng ngần ngại gì loại trừ tôi, cả Nhẫn, cháu Dũng ra ngoài cũng như các anh chẳng ngần ngại cầm dao giết nhau thản nhiên. Nếu anh thấy anh có quyền về gia tài này thì anh nên ở lại giữ lấy. Bỡi lẽ với sức khỏe hiện nay mẹ cũng không sống thêm được bao lâu…
Bỗng nhiên có tiếng người chạy, cánh cửa mở tung, Tuấn chạy vào :
– U Tám, u Tám sang đây giúp tôi một tay. Nhẫn nó treo cổ…
Mọi người choàng dậy chạy ra. Tuấn dựng chiếc ghế lên ôm ngang người Nhẫn rồi cắt đứt sợi dây, chàng cởi thòng lọng rồi đặt Nhẫn xuống giường. U Tám sờ vào người và kêu khe khẽ tên Nhẫn. Còn nóng. Tuấn làm cử động tay cho Nhẫn và sau một lúc Nhẫn đã thở được một cách mệt nhọc, Thạch đứng tựa lưng nơi cửa :
– Cái điệu chết giả vờ này tao lạ gì.
– Giả vờ! Nó giả vờ để làm gì? Chính anh đã tìm cách để giết nó một cách không dao. Anh phải biết rằng chính anh là kẻ giết người!
– Ai bảo mày vậy?
– Hay chính mày là người muốn giết tao trước tiên?
– Đúng rồi.
Vừa nói Tuấn vừa cầm lấy con dao và nhảy ra, Thạch lùi ra ngoài la lên.
– Nó giết tôi.
Tuân xô cửa đuổi, Nhược chạy theo và thuận chân ngáng cho Tuấn ngã xuống. Thạch chạy vào phòng mẹ. Nhược giằng lấy dao của Tuấn.
– Anh điên sao?
– Không, tao không điên chút nào hết, tao không thể chịu được nó hơn nữa. Nó tốt gì với mày mà mày còn cản tao. Để nguyên tao cho nó một nhát.
– Tại sao chúng ta còn làm cho mẹ đau lòng? Trong phòng bà mẹ, Thạch bật đèn sáng đứng khóc :
– Mẹ thấy chưa, thằng Tuấn nó muốn giết con. Tuấn và Nhược chạy vào :
– Mẹ biết không, chính nó làm Nhẫn treo cổ.
Bà mẹ vén màn nhìn ra :
– Nhẫn còn sống không? Bế nó vào đây cho mẹ. Cháu Dũng khóc ở phòng bên chạy ra đi tìm u Tám. Trong gian phòng, bà mẹ buồn bã nhìn mặt từng đứa con và cháu. Bà hỏi u Tám :
– U đã sống với tôi bao nhiêu năm rồi nhỉ?
– Hơn ba chục năm, thưa bà.
– Hơn ba chục năm, bao nhiêu thay đổi, chồng con, hoạn nạn, lửa đạn, đói khát và chết… Cũng may cho u là không có một người con nào để u còn ân hận là không có con. Một mối ân hận hạnh phúc.
– Dù vậy tôi vẫn muốn là một người mẹ, một người mẹ có các con. Tôi vẫn nghe nói: cha mẹ sinh con ai dễ sinh lòng. Bổn phận chỉ có thế…
Nhẫn tỉnh dậy bên người mẹ, nàng khóc nhỏ rồi dần dần lớn thêm, tiếng khóc nghẹn ngào u uất, bà mẹ vỗ tay lên đầu Nhẫn.
– Sao con dại dột thế, sao con lại phí thân con, mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi con cho được khôn lớn thế này lẽ nào con để cho mẹ phải chôn con nữa. Mẹ có bao giờ không thương con. Con tủi thân, mẹ biết. Nhưng mẹ khổ hơn con hay con khổ hơn mẹ, nếu như con thì mẹ chết từ bao giờ rồi, chết từ khi con còn là một hòn máu kia. – Sao mẹ không chết từ khi đó, mẹ còn sinh con ra làm gì để mẹ khổ, để con khổ vì hắt hủi, đày đọa. Chỉ có mình mẹ thương con, nhưng mẹ chết con biết ở với ai? Vậy con nên chết. Con chết để mẹ chết rồi không còn phải lo gì cho con. Con chết để mọi người được vừa lòng, vì chẳng lẽ họ phanh con ra làm từng mảnh để trả thù bố con, để làm vui lòng người đã chết, làm vui lòng mẹ, ấy các anh tưởng như thế. Con chết để các anh khỏi mang tiếng độc ác với mọi người… Mẹ thấy không, những người đang đứng đây, họ nhìn con ra sao? Con sống làm gì? Số phận chỉ có quyền lực và sự sống, con chống sao được. Con chết đền tội thay bố con, một người bố con không biết mặt, biết tên. Bố con như một bí ẩn, vô danh của sự tàn ác hung bạo. Mẹ, mẹ để con sống làm gì?… Các anh, các người muốn tôi chết lắm mà, sao các anh không giết ngay tôi đi cho xong. Ôi giả dối, hèn hạ và đê tiện biết chừng nào? Tôi phải, tôi phải chết…
Không khí ngất ngư những khoảng trống vô nghĩa, bay nhảy những sự thật bi đát, như bộ mặt một thế giới xa lạ một hôm bỗng lộ diện. Như ngọn núi êm đềm hiền lành một hôm rung chuyển, bốc lửa và phun khói. Cơn biển động che giấu bao năm dồn chứa, tích tụ lại cho đến lúc dựng lên lầm lì khốc liệt vẻ chống trả ngang ngược tàn nhẫn. Những người chết đã đứng dậy, những sự thật phơi trần vẻ nhầy nhụa bi đát, những ung nhọt bệnh hoạn hôi thối. Sự giả dối tan đi vẻ son phấn hào nhoáng. Bức màn đỏ tiền trường bị xé rách nát giữa đêm phơi vẻ mỏi mệt, tàn tạ, hỗn độn và u tối của hậu trường. Cháu Dũng nấc từng hồi ôm lấy u Tám. U Tám đau nhừ chân tay rời rã. Ba mươi năm, ngần ấy thời gian bỗng nhiên u thấy mau chóng, giấc mơ của một quá khứ che kín mang nhiều ảo tưởng như dựng ngược, tấm gương chan hòa ánh sáng thành cũ mốc rạn vỡ. U Tám chập chờn thấy sự mệt nhọc xâm chiếm, sự mệt nhọc tích tụ đứng kề một bên bây giờ như ôm chầm lấy u một cách đột ngột. U sẽ chết giữa cảnh tan hoang, u sẽ chết nhọc nhằn và trần truồng. Rồi cháu Dũng? U Tám không muốn nghĩ nữa. U ôm chặt Dũng vào lòng. Nhẫn ngồi dậy quay lưng ra phía bà mẹ. Nhược ngồi ôm thành ghế :
– Các anh về mang bao hạnh phúc cho mẹ. Tôi chẳng thế nào nghĩ được.
Tuấn ở cửa tiến vào phía bàn.
– Tôi đã khổ ở đây, dù vậy tôi không oán ai. Tôi chỉ oán những người đã chết, những người đã để lại hậu quả này. Mẹ phải được hạnh phúc. Mọi điều, tất cả mọi điều tại nơi thằng Thạch.
– Tại sao?
– Chính mày, chính mày đã về đây với ý định tranh giành thù hận, ý muốn chia rẽ, tàn phá. Mày làm nhục tao, làm khổ mẹ, khổ Nhẫn, bất công với Nhược, tàn nhẫn với cháu Dũng và u Tám. Mày đã làm Nhẫn tự tử.
– Còn mày, con dao kia mày dùng để làm gì, mày dùng để cắt cổ bố mày phải không?
– Đó, trước mắt mẹ mày còn nói thế được. Còn gì mày cứ nói tiếp nữa đi. Tao không sợ bất cứ một điều gì. Nhất là những điều đó do mày nói ra. Người sống còn không dung được thì người chết coi mày ra sao nữa.
– Điên, mày đừng ngụy biện. Mày có dã tâm. Mày muốn hưởng cái gia tài này. Mày giả bộ nhân nghĩa, hòa hiếu để mua lòng mẹ, mua lòng chúng nó, nhưng mày không bịp được tao…
Tuấn tiến nhanh đến phía Nhược dằng lấy con dao cầm ngược trong tay. Nhược bất thần không kịp đề phòng định cướp lại bị Tuấn xô ngã. Thạch lùi lại sau bàn thủ thế. Nhẫn quay lại trợn mắt kêu thét lên :
– Các anh giết nhau ở đây sao?
Tuấn bình tĩnh tiến tới phía bàn và đâm mạnh mũi sao xuống. Con dao đứng im vẻ thách thức :
– Không, con dao đó để bảo cho nó biết rằng nó nên biết điều. Nó muốn ở lại đây nó phải nhường nhịn mọi người, ăn ở cho phải. Nếu không nó phải đi nếu lưỡi dao đó chờ nó. Bà mẹ mở lớn cả hai bàn tay để lên ngực. Chiếc võng lụa êm đềm đã đong đưa nhẹ nhàng hàng bao nhiêu năm nay bà vẫn nghĩ rằng nó còn đong đưa êm đềm cho đến lúc bà thiếp đi không tỉnh lại nữa. Nhưng sao chiếc võng bây giờ ai đã giữ lại, người sống hay người chết? Vẻ bí ẩn nào níu kéo nơi hay đầu võng nặng nề. Hay chiếc võng đó vẫn đứng mà ảo tưởng đong đưa của những ràng buộc vẽ vời hạnh phúc đã đưa đẩy? Những sợi của hy vọng, của tin tưởng nhằng nhịt mối liên quan tình ái, ruột thịt, bè bạn và tương lai bây giờ đang dừng lại trước con mắt soi mói của sự thực hiện tại. Nó chờ đợi một lưỡi dao kề vào đó và chiếc võng rơi xuống mang theo số phận.
Bà mẹ nhìn thấy mặt cha Thạch đứng im bất động, mái tóc đã hoa râm, vầng trán nhăn cúi xuống và đôi mắt mệt mề. Khuôn mặt cha Tuấn, vẫn nước da xanh, đôi mắt mở lớn tuyệt vọng và đôi tay khô khẳng buông xuôi như từ bỏ tất cả, trút sạch mọi vướng víu.
Khuôn mặt cáu giận uất ức của đứa con lớn tay nắm chặt đưa lên ngang đầu, miệng mở lớn như sắp thét lên… Con nói đi, con nói như hồi con đã bỏ mẹ đó, em con nó ngồi kia, con nói cho nó nghe đi, mẹ còn muốn giữ làm gì khi nó là lỗi lầm của mẹ… Khuôn mặt đen đủi bóng nhẫy mồ hôi, đôi mắt đỏ hoe đang tiến lại, sát gần và áp vào mặt hơi thở hổn hển nóng nực của một lò than. Tại sao? Bây giờ bà đã nhìn những người ngồi, đứng xung quanh. Sự khác biệt của Nhẫn, dáng ngồi chịu đựng buồn rầu của Nhược. Vẻ hăm hở cuồng nhiệt của Thạch cùng dáng đứng thu thế tin cậy của Tuấn. U Tám lại bắt đầu khóc kia vẻ già nua của u, những hàng nước mắt khóc cho ai, và cháu Dũng non nớt, nương nhờ trong nỗi bàng hoàng của tiếng động, của bão và mưa giông, của những gì xa cách với tuổi thơ nương chiều chưa phân biệt tiếng khóc, tiếng cười giữa thế giới của kẹo bánh, trò chơi và giấc ngủ những bà tiên áo trắng bay đi bay lại.
Trong gian phòng giữ nguyên bàn ghế, vách tường, và những người sống, người chết quây quần nhòa nhập mù mờ, giữa những im vắng mệt mỏi của thực và giả, giữa đêm và ngày. Trong cảnh của sự vật, cửa địa ngục mở lớn gắn những thân thể, đồ vật vào từng góc tối, viên đá, cột cao nơi bày đặt một cuộc tra khảo tội ác, bàn chông máu ứa, cột lửa bốc cao rực hồng, chảo dầu sôi khói bay mù mịt, dây treo lủng lắng Trục ép nhầy nhụa… Ngó lên cao đi, ngó lên cao đi những con mắt trừng phạt đang ngó xuống: con mắt nào của bố, mẹ, của chồng con? con mắt nào của kẻ lạ? Con mắt nào của người chết? Con mắt nào của loài sói, hùm, gấu? Con mắt nào của giun dế côn trùng? Tiếng cười nào đang phả ra, tiếng khóc đang len lỏi cùng tiếng nói, tiếng hát của một cơn lốc xoáy thay đổi, xáo trộn, điên loạn. Rồi kia, rồi kia những khuôn mặt đen, đỏ, trắng, vàng. Những chiếc sừng mọc trên đầu những thân thể trần truồng của ác quỷ, dòng sông đen dưới kia đang chảy xiết cuốn theo những thân thể như gỗ đá: ai chết vì đói, vì yêu, vì thù, ai là lương thiện… những loài ma kia, những sự vật vô tri vô sượng dần, lổn nhổn, lập lờ, đang xuôi dòng kia mang tới đâu nghĩa cuối cùng hủy diệt? Cửa ngục giấy nào mà câu phương kích sẽ chọc thủng, xé toang nỗi bịt bùng để những mù tối nhập vào cành phan tre trong khu rừng sinh diệt? Những vô danh nào trở thành chó, lợn, gà, vịt… và những vô danh nào bay lượn mệt nhọc trong vùng chuyển động không ngừng những số phận vô định… Ai đó? Muốn hỏi tôi điều gì, sao nhiều mắt thế? Mắt ở chân, ở tay, ở đâu, ở gáy, ở lưng; sao chân tay làm gì nhiều thế? Chân nào để đi, chân nào để chạy, tay nào để ôm ấp, tay nào để cầm dao? Miệng chi nhiều thế, miệng nào nói lời tình ái vỗ về, miệng nào la thét, chửi rủa, miệng nào ăn, uống, miệng nào ngậm câm? Tại sao người nhiều tay chân miệng lưỡi mắt tai làm vậy? Tôi, với hai bàn chân, hai cánh tay… với sự hạn định này của thân thể tôi biết bỏ vào đâu? Tai tôi nên nghe gì? Mắt nên nhìn gì? Tất cả tôi có thể cho. Hãy khoét lấy mắt, cắt lấy miệng lưỡi, chặt lấy tay chân. Tất cả, không trừ cái gì ngoài trái tim. Chỉ xin cho tôi giữ lại nguyên trái tim đỏ, tôi chỉ biết yêu thương… Xin cho tôi giữ lại chút đó. Ân huệ mà một người, một người riêng tôi xin hưởng…
U Tám bỗng ngửng đầu lên nghe ngóng, u gạt nước mắt bế cháu Dũng đứng lên ra phía cửa sổ. U hốt hoảng kêu :
– Người ta làm gì ở ngoài đó, một đám đông người tụ họp ở ngoài cổng?
– Họ là ai?
– Trông không rõ…
– Họ định vào đây ư? Vào làm gì?
– Sao họ ồn ào thế?
– Con hãy tắt đèn. Tắt đèn và im lặng.
Mẹ muốn nói với các con một vài lời. Dù sao mẹ cũng vô cùng mãn nguyện là được nhìn thấy mặt các con đoàn tụ ở trong căn nhà này. Căn nhà khởi đầu đời sống của mẹ và nó cũng là chỗ cuối cùng để mẹ nhắm mắt. Mẹ chết sẽ có tiếng khóc của các con, và biết đâu chẳng có tiếng cười? Mẹ cố để không tin như thế. Lời nói của người sắp chết là lời nói thực. Các con có thể yên lòng. Nhưng đồng thời mẹ tin chết chưa phải là hết, là mất. Đúng ra mẹ sống mà chế đã hàng bao nhiêu năm nay rồi – mẹ chỉ còn là cái bóng, mối thắc mắc ám ảnh do nơi lòng yêu của các con nuôi mẹ.
Trong gian phòng bóng tối thật đầy đủ, quá đầy đủ là khác, nó đã làm đen tối, làm tan biến những nét mặt lo âu, tủi hờn, thù oán, cáu giận, chia xé đang lộ ra nơi các con.
Những cái đó có lẽ nguyên ở các con không có nhưng nó đã ngự trị do nơi di truyền, hoàn cảnh quá khứ sự xa lạ khoác lên thân thể các con. Các con là bằng chứng cho những sự thực đã trải qua dồn chứa lại, các con không thể muốn nay không muốn. Các con trở về để chiếu sáng những sự thực đã ẩn giấu. Sự bất mãn của Thạch, sự uất ức đau khổ của Tuấn, sự chịu đựng yên phận của Nhược, sự bất hạnh của Nhẫn, cùng đó lòng trung thành u Tám coi gia đình ta là gia đình của u, và cháu Dũng, cũng như cháu của mẹ sau này ngơ ngác bỡ ngỡ trước thế hệ của cha chú mình.
Các con đã trở về đây với tất cả những gì mang trong người ra để trả thù, để hành hạ nhau. Các con mỗi đứa đều mang theo khí giới. Con dao kia Tuấn đã nhặt của ai vậy?
Bao nhiêu những lưỡi dao bén nhọn khác đều có sẵn chung quanh chúng ta cùng những độc dược và hằng hà khí giới khác. Mẹ chỉ cần giơ tay ra đủ có một thứ để mẹ tự giết mẹ, và các con đưa tay ra để nắm đầy đủ trong tay những gì cần thiết mà dục vọng đang gào thét… Những cái đó mẹ biết, mẹ biết rõ nhưng mẹ bất lực không sao cưỡng lại được, bởi đó là lẽ tất nhiên phải đến. Mẹ chỉ còn có thể làm cho những hành động đó được phơi sáng rõ ràng, được mẹ nhìn thấy hiển hiện, và từ đó mẹ hỏi các con một câu: các con có là con mẹ không? Các con có là anh em với nhau không? Đừng, đừng trả lời, mẹ không muốn nghe câu trả lời. Câu đó mẹ hỏi để các con tự trả lời và sống với nhau, các con toàn quyền để chọn lựa, mẹ không muốn biết gì hết ngoài điều này: đến đây gia đình của chúng ta đã hoàn toàn tan nát hủy hoại chưa?
Tứ lúc mẹ còn là con gái nằm trên ván gỗ học với ông ngoại, với những ông khóa, ông đồ những thư sinh áo dài khăn đóng, rồi bỏ nhà đi theo một người có chí vùng vậy ra đi lập nghiệp. Chính căn nhà này đây, căn nhà mẹ đang nằm, các con có mặt. Khởi đầu là hai vợ chồng trẻ cho đến nay đã có các con đông đảo, và sau này mỗi ngày một đông, cùng với những người chết đi thêm nhiều…
Nhưng ở nơi xa mẹ chẳng thể nào quên nguồn cội khác trái ngược nhau cùng với một kẻ lạ. Những biến đổi đã có đó ai ngờ được, ai tránh được. Cơn lốc của một thời ở ngoài ý muốn của con người. Trong cơn lốc mù tối khói sương và gió cát đủ làm chúng ta quay cuồng biến đổi ô biết cả chính mình. Nhưng mẹ đã sống cùng với thiên bẩm một người đàn bà: chịu đựng nuôi con.
Các người chồng đã làm mẹ đủ khổ, những kẻ lạ đã làm mẹ nhục. Các con đã oán ghét, thù hận và hành hạ mẹ cho đến lúc này. Còn cái đám người đang tụ quanh ngoài cổng nhà kia họ còn muốn làm gì nữa? Giết mẹ? Giết các con? Chiếm căn nhà này? Mọi điều đều có thể.
Khi ở trong bóng tối, các con đều giống nhau. Cái bề ngoài khác nhau của các con là một bộ mặt giả. Các con thử nghĩ xem những hận thù, oán ghét những hành động chém giết, cướp phá giành giật có cần thiết cho đời sống hạnh phúc của các con không? Với mấy anh em nhỏ nhoi thế này các con có đủ sức để chống lại, ngăn cản được những kẻ lạ ngoài kia không nếu như họ đòi chiếm căn nhà này? Chắc chắn là không, khi các con đã dùng hết sức lực để chống đối nhau, chém giết nhau, nếu sự thật xảy ra rồi ai sẽ đi theo đám người đó. Mỗi người theo một đám để lại tiếp tục tranh giành tàn phá. Mẹ đau lòng khi nghĩ đến điều này.
Thạch con sẽ theo ai? Tuấn con sẽ theo ai? Nhẫn con sẽ theo ai? Nhược con sẽ theo ai? Không theo ai được hết bởi còn u Tám, còn cháu Dũng, còn mồ mả của ông bà cha mẹ, còn căn nhà này, còn mẹ, điều quan trọng là còn đời sống của các con.
Bây giờ mẹ như thấy những người đã chết đều có mặt ở đây, trong căn nhà này, chính họ đã giúp mẹ nói với các con một cách thành thật. Họ sẽ còn ở đây, theo sát đời sống các con sáng suốt hành động không lầm lỡ – bởi họ đã lầm lỡ sai lạc và bất lực quá nhiều để cho các con phải chịu quá nhiều ngộ nhận, quá nhiều đau khổ, bất hạnh. Các con sẽ không như thế, các con sẽ giúp cho cháu Dũng, và những đứa cháu khác một đời sống không như các con, một đời sống có tuổi thơ và hạnh phúc. Các con không có quyền để nói lại những câu, những câu nói của cha chú mình, các con không được bất lực, các con không ngồi, nằm như mẹ hiện nay nói cho các con: đã lầm lỡ, hối hận. Các con sẽ mỉm cười bằng lòng nhìn con cháu mình mà nói: đã mãn nguyện – đó là ước vọng của chính đời mẹ nhưng với bao nhiêu oan trái mẹ không được biết tới. Mẹ chỉ còn biết trao những ước vọng đó cho các con. Các con trở về đây, tiếc rằng mẹ không còn gì để chia cho các con. Không còn một chút gì nữa để cho các con làm của riêng – tất cả chỉ còn một căn nhà trống không, mục nát và già nua – để nó đây thì còn là một cái nhà đủ cho các con nương náu tạm bợ trong khi chờ đợi. Gia tài của mẹ là đời sống của mẹ đã trải qua những ưu phiền, buồn bã, đau nhục, đắng cay cùng những niềm vui, hân hoan và hy vọng. Gia tài của mẹ là đời sống của các con.
Đêm tối vẫn còn đen đặc vây quanh chúng ta, mỗi người đang mang theo những thế giới riêng, nhưng chúng ta đều nhận ra rằng chúng ta đang ở bờ vực, trước đe dọa. Chúng ta phải lựa chọn… Các con! Các con! Cháu đâu? U Tám bồng cháu lại đây với tôi. Nhẫn, con hứa với mẹ đi, con hứa không bao giờ tự hủy thân mình. Tuấn, con hãy rút lấy lưỡi dao, con có tin là bao giờ mẹ cũng thương tất cả các con không. Và Thạch, con cả của mẹ… Nhược ơi, cho mẹ chút nước đi…
Gian phòng vẫn tối mù, tiếng ồn ào mỗi lúc một tăng từ ngoài vọng vào.
– Anh ơi bật đèn lên, em muốn nhìn mẹ.
– Em hãy để tay lên ngực.
– Tim vẫn còn đập.
– Hãy ngồi im. Trời sắp sáng rồi.
– Có một tụi nó đang tiến lại từ phía đằng sau các anh ơi. Chúng nó đông lắm.
– Nó tới đâu rồi?
– Nó không dám vào đâu. Cửa ngõ căn nhà này còn chắc lắm.
– Hình như chúng bủa vây khắp chung quanh rồi.
– Nhưng mà chúng đang tranh giành nhau thì phải?
– Có lẽ.
– Mẹ thế nào em?
– Vẫn đều hòa, không có gì đáng lo.
– U Tám đâu?
– Tôi đây.
– U bế chặt cháu nhé, u ru cho cháu nó ngủ đi thì hay quá, u hát đi, u hát những câu hỏi xưa u vẫn hát đó. Tôi muốn nghe u hát quá.
– Con dao đâu? Con dao trên mặt bàn đâu?
– Đây. Hãy đứng im chỗ. Trời còn tối mù…
– … vẫn còn tối mù… bao giờ cho chúng ta được nhìn thấy mặt nhau…
Tháng Chạp năm Tân Sửu (1961)
Nguồn: