Văn học miền Nam 54-75 (kỳ 561): Nguyễn Mạnh Côn (kỳ 12)

Nguyễn Mạnh Côn: Bố vẫn sống mãi

Nguyễn Chinh Trung

Nguyễn Mạnh Côn. Hí họa của Chóe.

Gần đây tôi có đọc trên báo Sài Gòn Nhỏ phát hành ngày mùng 9 tháng 6 năm 2012 bài báo viết về nhà văn Nguyễn Mạnh Côn: Tranh đấu và chết trong tù.

Bài viết này do ông Lê Thanh Sơn viết và theo lời giới thiệu đầu bài đã được đăng trên tạp chí Cuộc Đời vào tháng 7 năm 1993. Bài viết này cũng được đăng trên trang mạng Người Việt Atlanta trong mục Quốc hận 30/4, những chuyện chưa quên. Ngoài ra, trang hocxa có đăng những bài viết tưởng niệm nhà văn Nguyễn Mạnh Côn của các văn sĩ cùng thời.

Tôi là con trai thứ của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn và tôi rất cảm động khi đọc lại bài viết tuy đã được đăng lâu lắm rồi.

Trước hết, tôi xin rất cám ơn báo Sàigòn Nhỏ và Quý vị trang mạng http://www.xn--ngivietatlanta-6sd3v.com/ đã đăng lại bài viết này về cha tôi. Công việc tranh đấu còn mãi và bố tôi, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn vẫn sống mãi. Ngoài ra, tôi cũng xin cám ơn các báo, tạp chí khác hay những trang mạng đã có đăng các bài viết về cái chết của bố tôi.

Nhân ngày Father’s Day và cũng gần ngày giỗ của bố, tôi thoáng nhớ lại, không khỏi bùi ngùi nhớ đến bố như là đã được gặp ông một lần cuối tại trại Xuyên Mộc, Bà Rịa.

Tôi chính là người con mang thức ăn thăm nuôi cho cha ngày hôm đó nhưng không được phép của bọn cán bộ và cũng không được gặp mặt. Đây là chuyến đi thăm nuôi thứ hai sáng đi chiều về, sau lần đầu phải ngủ đêm lại ngoài trại để hôm sau gặp mặt thăm nuôi ở Xuyên Mộc. Theo lời bọn họ thì bố tôi đã vi phạm luật trại, tuyệt thực và bị biệt giam không được thăm nuôi và nhận quà. Tôi lặng người, trong đầu hoang mang không biết phải nói gì hơn là nài nỉ tên cán bộ cho tôi gởỉ bịch đường thẻ vào cho cha ăn cho đỡ mệt, nhưng rồi không biết có tới được tay không. Tôi cũng được một vài người trong trại mà được ra nhận hàng thăm nuôi cho biết bố tôi bị bỉệt giam vì ông đứng lên trong một buổi họp trại, đòi cán bộ thả về vì đã đến hạn ba năm tập trung cải tạo do nhà nước Cộng sản đề ra.

Thế rồi tôi chỉ biết luẩn quẩn chờ và van xin. Những người cùng đi thăm nuôi hôm đó đã xong và sửa soạn ra về, các thân nhân trong tù lục tục tay xách nách mang đem quà tiếp tế vào trong trại. Tôi là người duy nhất đem thức ăn dành cho cha về. Tôi bước ra khỏi khu nhà thăm nuôi của trại đi bộ trở ra chỗ xe đậu, khoảng trên hai, ba cây số mà trong lòng thương nhớ cha vô cùng. Tôi nhớ vì lâu ngày không gặp, muốn nói với bố nhiều chuyện; tôi thương vì bố nhịn đói lâu ngày, già yếu không ai trông nom. Tôi không trách bố vì đã làm gì để phải bị biệt giảm, để tôi phải đem quà thăm nuôi về. Tôi chỉ oán ghét những người bỏ tù bố, đã biệt giam bố, không cho nhận thức ăn thăm nuôi chỉ vì dám đứng lên nói ra ý kiến của mình đâu phải là tội, nhất là đưa ra lý do về sự mãn hạn tù của mình?

Về đến nhà, kể cho mẹ nghe về chuyện bố tuyệt thực, biệt giam. Hai mẹ con ôm nhau òa khóc, cảm thấy đau buồn, cảm thấy bất lực vì đã chẳng làm gì được đề cứu chồng và cha, không biết nhờ ai, kêu cứu nơi đâu. Khoảng thời gian này, cuối 1978 – giữa 1979 là lúc mà dân Sàigòn cũng bị đói, ăn độn cơm với bobo, mì sợi và khoai lang, khoai mì.

Khoảng một tháng sau. Tin dữ đến với gia đình tôi. Giấy biên bản phạm nhân chết gửi về nhà:

– Nguyễn Mạnh Côn, Văn nghệ sỹ phản động.

– Bị bắt ngày: 02 tháng 04 năm 1976.

– Án phạt: 03 năm TTCT.

– Đã chết lúc: 5 giờ 00 ngày 1 tháng 6 năm 1979.

– Tại: trại cải tạo Xuyên Mộc

– Lý do: thủng dạ dày.

Bố tôi đã ra đi vĩnh viễn về thể xác, tôi tin rằng linh hồn ông đã về nhà với mẹ và hai anh em tôi. Tôi tin là bố bất khuất, giữ vững lập trường trước khi ra đi mãi mãi như lời ông bảo tôi trong lần gặp duy nhất và cuối cùng khi ông bị chuyển lên Xuyên Mộc từ khám Chí Hòa.

Lần gặp duy nhất này khoảng đầu năm 1979. Đó cũng là lần ngủ đêm lại ngoài trại để chờ sáng hôm sau được gặp thân nhân. Trong khu nhà khách thăm nuôi này có một cái bàn ăn dài giữa phòng, còn chung quanh tường là giường nghỉ để gia đình ngủ đêm chờ sáng được thăm trại nhân. Ai có chồng là trại nhân thì được thu xếp ngồi ở giường. Lúc ấy có một nhà văn nọ cũng bị giam được bà vợ đi thăm nuôi và đem theo nhiều sách của chồng viết vào trại bảo là cho cán bộ ‘đọc’?…

Bố tôi và tôi ngồi đối diện hai bên bàn dài, tên cán bộ ngồi đầu bàn. Hắn nói: ‘hai anh nói lớn lên nhá!’

Sau một lúc nói chuyện, hỏi thăm sức khoẻ cho nhanh vì chỉ được gặp mười lăm phút thôi. Bố tôi bảo: ‘Con về, lần sau đem cho bố cái cặp mắt kính bố đeo, hay dùng viết văn ban đêm, nhớ nhé.’

Tôi hỏi: ‘để làm gì vậy, bố?’

Bố tôi nói: ’Ừ, thì mấy ông ấy bắt bố viết. Bố sẽ viết cho ông Phạm Văn Đồng bảo là họ đã sai rồi…’

Rồi ông nói thêm vài lời về đường lối gì đó.

Tôi cắt lời: ’Thôi bố ráng học tập tốt để được về với mẹ, con…’

Bố tôi bảo: ’Con yên chí, bố sẽ về nhà với mẹ và hai con. Theo lời ông Đồng đã ký lệnh, thì sau ba năm là phải thả bố về…’

Tôi vội vàng nói vài câu an ủi, động viên bố mà không dám nhìn về phía tay cán bộ chỉ sợ rằng hắn ra lệnh tước mất những giây phút quí báu, ngắn ngủi được gần nhau của cha con tôi.

Sau đó tôi không còn có dịp đi đưa kính cho bố để viết lách trong trại tù vì bố tôi đã không còn nữa. Tôi đoán biết là bố có viết, chắc chắn là những lời cứng rắn, đanh thép như đã nói với tôi trước mặt tay cán bộ hôm sau cùng đó. Những lời viết ấy có được ai khác trong trại đọc không, rồi họ có ganh ghét sửa đổi để báo cáo sai như là tờ giấy biên bản chết vỏn vẹn lý do: thủng dạ dày. Gia đình tôi buồn khổ nghe tin dữ. Và càng buồn khi được đọc hay nghe những lời kể về cái chết của chồng, cha mà cũng chỉ được nghe kể lại.

Hơn ba mươi năm nay, tôi vẫn như mường tượng con đường đất đỏ Xuyên Mộc, chiếc xe than ‘cải tiến’ nóng bỏng, tiến đi kì cạch vào trại, cái không khí lành lạnh của rừng thiêng nước độc. Rồi đến cái cổng chào của trại Xuyên Mộc mà các trại nhân phải đứng xếp hàng cả nửa tiếng chờ phép của cán bộ cho ra gặp người nhà, và rồi khi thăm nuôi xong đi vào cũng phải chờ phép của cán bộ. Tôi đã bật khóc và vẫn còn khóc mỗi khi nhớ lại dáng đứng gầy yếu của bố đứng chờ ở cổng chào của trại cải tạo. Tôi chỉ muốn nói lên, nói thật nhiều là tôi rất yêu thương bố nhưng không được. Tôi chỉ biết im lặng và buồn.

Ký ức lâu ngày vẫn còn, một nỗi buồn bám đuối đã hơn ba mươi năm hình như là mới ngày hôm qua, khi đọc lại những dòng viết được nghe kể lại. Sự thực vẫn là cha tôi, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, tuyệt thực chết trong tù cải tạo để đòi được thả tự do. Một cái gì đó cho con cháu nhớ lại mãi, một tấm gương cho mai sau, một bực thang nối bước cho các thế hệ kế tiếp tranh đấu cho lẽ phải tự do và nhân quyền, nhất là cho lý tưởng của chính mình.

Nguyễn Chinh Trung

Houston, TX

Father’s Day 17-June-2012

(Người Việt Atlanta 17-6-2012)

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, kính râm và cận cảnh

Nguồn: https://www.facebook.com/groups/730405107059272/permalink/1769322986500807/

Comments are closed.