VĂN HỌC MIỀN NAM 54-76 (59): DU TỬ LÊ – VÀI KHÍA CẠNH ĐẶC THÙ CỦA 20 NĂM VĂN HỌC MIỀN NAM

clip_image002

Nhà thơ Du Tử Lê (Hình: Uyên Nguyên)

(Bài nói chuyện trong cuộc Hội thảo chủ đề “20 Năm văn học miền Nam, tổ chức tại phòng SH nhật báo Người Việt, Thứ Bảy, ngày 6 tháng 12-2014)

 

Không cần phải nhấn mạnh, chúng ta đều biết dòng VH miền Nam 20 năm là một dòng văn học cực kỳ phong phú, nhiều mầu sắc. Dù tuổi thọ của dòng VH đó, chỉ kéo dài  vỏn vẹn có 20 năm.

– Đứng về phương diện nhân sự  tức những cá nhân làm thành dòng VH này, tôi trộm nghĩ, có thể tạm chia thành 3 thành phần chính:

– Thành phần thứ nhất: Những nhà văn, nhà thơ gốc miền Bắc 

– Thành phần thứ hai: Những nhà văn nhà thơ gốc miền Trung. (Và)

– Thành phần thứ ba: Những nhà văn, nhà thơ Nam Bộ. 

-Vì miền Nam phải đương đầu với cuộc chiến được khởi xướng bởi nhà cầm quyền CS Hà Nội, nên miền Nam sớm có chế độ quân dịch hay động viên.

Do đó, trừ một thiểu số thanh niên được hoãn dịch vì lý do gia cảnh hay nghề nghiệp thì,  trong hạn tuổi quân dịch, ai cũng phải nhập ngũ. Và nhà văn, nhà thơ không ngoại lệ. 

Tuy cùng ở trong quân đội, nhưng về phương diện sinh hoạt văn chương, chúng ta lại có hai thành phần:

a- Thành phần thứ nhất, là những người cầm bút tiếp tục theo đuổi con đường văn chương mà họ đã, hay muốn chọn.

Ở thành phần này, tôi có thể nêu thí dụ như các nhà thơ, nhà văn Tạ Tỵ, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Thảo Trường, Mai Trung Tĩnh, Lê Tất Điều, Tô Thùy Yên,  v.v.…

b- Thành phần thứ hai, là những người cầm bút chọn viết về đời sống quân ngũ.

Ở thành phần này, tôi nhớ tới  các nhà văn quân đội như Văn Quang, Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam (nổi tiếng với bút ký chiến trường). Tôi cũng nhớ tới nhà thơ Tường Linh, nổi tiếng với những bài thơ viết về người lính v.v…  

Nhưng, dù thuộc thành phần nào thì không một ai, tôi lập lại, không một ai bị bắt buộc hoặc, nhận được chỉ thị phải viết theo nhu cầu này, đòi hỏi kia từ thượng cấp hoặc, cao hơn là từ bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH. 

1- Tính chất TỰ DO đó, theo tôi là khía cạnh đặc thù thứ nhất, của dòng VH miền Nam 20 năm.

2- Khía cạnh đặc thù thứ 2, của 20 năm VH miền Nam, theo tôi là TÍNH NHÂN BẢN.

Dù cho các nhà văn nhà thơ miền Nam, trong khoảng thời gian vừa kể, có đề cập gần xa hay, trực tiếp tới cuộc chiến tranh tàn khốc do chế độ CS Miền Bắc chủ xướng thì, cũng không một độc giả nào tìm thấy trong tác phẩm văn chương của họ tính chất hận thù, sắt máu, như trong các sáng tác văn chương của miền Bắc. 

– Khía cạnh này, nổi bật tới độ, giáo sư Neil L. Jamieson, hiện đang giảng dạy tại đại học George Mason, Virginia, đã phải công nhận và, ngợi ca qua  cuốn phê bình văn học nhan đề “Understanding Vietnam” của ông.  Cuốn này được xuất bản bởi liên đại học Berkeley, Los Angeles và London ấn hành, bìa mỏng đầu tiên in năm 1995.   

– Cũng vậy, trong cuốn “La Rage d’être Vietnamien” của ký giả nổi tiếng thiên tả Jean Claude Pomonti, do nhà Seuil de Paris, Paris, XB năm 1975, cũng đã xiển dương khía cạnh đó với dẫn chứng thơ của miền Nam.

3- Khía cạnh đặc thù thứ 3, của 20 năm VH miền Nam là NHỮNG CÁI “TÔI” TRẦN TRỤI. Hay, những cái “Tôi” khác hẳn với cái “Tôi” có trong văn chương tiền chiến.

– Cụ thể hơn, theo ghi nhận của tôi thì, trong văn chương tiền chiến, cái “Tôi” xấu xa, dị hợm, khuyết tật hoặc, không mấy đẹp đẽ nếu có hiện ra trong văn bản thì, chúng cũng được thác vào các nhân vật A,B,C, D nào đó. Và, rất hiếm thấy trong thi ca.

– Nhưng, với 20 năm VH miền Nam thì ngược lại. Người đọc thấy được rất nhiều cái “Tôi”, dị hợm, xấu xí, hèn nhát, bậm trợn… được phơi bày một cách trực tiếp từ các tác giả, chứ không thể hiện qua một hình nhân thế mạng nào hết. 

Thậm chí, đời sống tình cảm riêng tư của tác giả, cũng được phơi bày trong thi ca. Điển hình như nhà thơ Nhã Ca, trong bài “Tiếng chuông Thiên Mụ”. 

Bài thơ phản ảnh một sự việc phải nói là can đảm, tạo bạo hiếm thấy. 

Đó là khi bà ghi lại việc bà trốn nhà đi theo tiếng gọi tình yêu – (tình yêu của nhà thơ Trần Dạ Từ) năm bà 19 tuổi. 

Bài thơ khá dài, tôi chỉ xin trích dẫn một đoạn ngắn, như sau:

“Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi

Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông

Cuối cơn điên đầu giấc ngủ đau buồn

Tiếng chuông dịu dàng lay tôi dậy

Tiếng chuông đến chỉ một mình tôi thấy

Chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan

Tiếng chuông tan đều như hơi thở anh em

Tiếng chuông tan rời như lệ mẹ hiền

Tiếng chuông tan lâu như mưa ngoài phố…”

4- Khía cạnh đặc thù thứ 4, của 20 năm VH miền Nam, theo tôi là sự tự phát nhà XB, do các nhà văn, nhà thơ chủ trương.

Tôi không nói chế độ miền Nam có một nền tự do rộng rãi, lý tưởng. Nhưng chí ít về phương diện XB thì miền Nam, 20 năm được ghi nhận là dễ dàng, thoải mái không thua gì những quốc gia tự do dân chủ khác trên thế giới.

Hồi đó, không kể những nhà xuất bản lớn, chuyên nghiệp thì, để XB một tác phẩm văn chương, các tác giả chỉ phải nộp bản thảo cho phòng Kiểm Duyệt tại Bộ Thông Tin, với một tờ khai rất sơ sài là tên họ, địa chỉ người xin XB. Khoảng 2 hoặc 3 tuần, tác giả trở lại, sẽ nhận lại bản thảo và, giấy phép XB.

Điều đáng nói nữa là dù bạn XB bao nhiêu đầu sách trong năm thì, cũng không ai bị sở thuế tìm kiếm, gây khó dễ. 

Về những nhà văn, nhà thơ điều hành những nhà xuất bản kiểu “tự phát” như vậy, có thể kể tới nhà Thời Mới của Võ Phiến, Kẻ Sĩ của Tô Thùy Yên, Thương Yêu của Nhã Ca-Trần Dạ Từ, Hoàng Đông Phương của Nguyễn Thị Hoàng, Đại Ngã của Nguyên Vũ, Kinh Thi của Hoàng Như An (một trong những bút hiệu của giáo sư Như Hạnh / Nguyễn Tự Cường sau này)  v.v…   

5- Khía cạnh đặc thù thứ 5 của 20 năm VH miền Nam, theo tôi là:

– Song song với dòng chảy văn chương bởi những cây bút miền Bắc và miền Trung thì, VH miền Nam 20 năm, còn có dòng chảy của văn chương “Nam Bộ” với những tác giả miền Nam – – Viết bằng ngôn ngữ đặc thù miền Nam. 

– Tiêu biểu như nhà văn Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam. Phổ cập hơn, có thể kể tới những tác giả khác, như Bà Tùng Long, Ngọc Linh, Sĩ Trung, Trọng Nguyên, Dương Hà, Dương Trữ La, Hoài Điệp Tử, v.v…

6- Khía cạnh đặc thù thứ 6, trong ghi nhận của tôi là sự xuất hiện rực rỡ, tươi tốt của hàng ngũ những nhà văn nữ.

Tất nhiên, ở giai đoạn văn chương Tiền Chiến, cũng có sự góp mặt của một số tác giả nữ. Nhưng họ không chiếm lĩnh những vị trí trung tâm, chói lọi của ánh sáng tiền trường. 

Có thể kể các tác giả như Tương Phố,  Anh Thơ, Vân Đài, Thụy An, Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, v.v… 

Trong khi các nhà văn nữ của 20 năm VH miền Nam thì ngược lại. Họ hiện diện như những điểm đứng nổi bật. 

Có thể kể Trùng Dương, Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị NgH, v.v…

Ở lãnh vực này, có một đặc điểm mà tôi chú ý đó là: 

– Trong khi đa số các nhà văn nữ thời đó, tuồng có xu hướng chung là: đem tính dục vào tác phẩm thì, Nhã Ca lại là người duy nhất, nói “không” với tính dục trong các tác phẩm của mình. 

Những tưởng điều đó sẽ khiến số lượng độc giả đọc bà bị sút giảm. Nhưng thực tế không hề – – Nếu không muốn nói là ngược  lại.

7- Khía cạnh đặc thù thứ 7, theo tôi là sự THAY ĐỔI CÁCH VIẾT.

Người có công lớn trong nỗ lực thay đổi cách viết là nhà văn Mai Thảo. Khi ông biến những động từ, tính từ thành những danh từ, làm chủ từ cho một mệnh đề. 

– Thí dụ…khi ông viết “Ném một cái nhìn về thành phố…” Thì, “Ném” là động từ, nhưng được ông dùng như một danh từ, làm chủ từ cho câu văn của mình.  

– Cũng với Mai Thảo, một câu văn có thể dài lướt thướt hoặc chỉ có một, hai chữ. Hình thức này, trước đó, người ta chỉ thấy trong thi ca mà, không có trong văn xuôi. 

– Sự đổi mới cách viết của Mai Thảo, sau đấy, được nhiều người hưởng ứng.

8- Khía cạnh đặc thù thứ 8, của 20 năm VH miền Nam, theo tôi là sự tiếp nhận, KHAI TRIỂN MỌI TRÀO LƯU VĂN CHƯƠNG THẾ GIỚI.

Nói rõ hơn, bên cạnh các tác giả tiếp tục con đường văn chương tiền chiến, dựa trên các yếu tính như cốt truyện , khai thác tâm lý nhân vật, nghiêng về mặt tối tăm của xã hội thì, đa số còn lại, lại hăm hở tìm kiếm, thử nghiệm những trào lưu văn chương mới: Từ thơ Tự Do tới những xu hướng văn chương khác, như Hiện Sinh, Triết Học, Phân Tâm Học, Tiểu thuyết  Mới (Nouveau-Roman) v.v…  

9- Khía cạnh đặc thù thứ 9 và, cuối cùng theo tôi, là khía cạnh ĐẢ KÍCH TÔN GIÁO. Đây là một lãnh vực cực kỳ nhậy cảm. Thời tiền chiến, các nhà văn, nhà thơ của chúng ta, rất ít chạm tới. Nhưng với 20 năm VH miền Nam thì vòng phấn cấm kỵ này cũng đã bị vượt qua. 

Người mạnh mẽ, quyết liệt xóa đi cái “taboo” đó, là nhà văn Thế Nguyên với tác phẩm “Hồi Chuông Tắt Lửa” – – Và, những truyện dịch do nhà Trình Bày của ông ấn hành như cuốn “Chúa đã khước từ” của nhà văn Đại Hàn Richard Kim v.v… Tuy tác giả Richard Kim không phải là nhà văn VN, nhưng sách của ông sau khi được chuyển dịch sang Việt ngữ, thì nó đã chảy chung trong dòng văn chương miền Nam.

.

Để kết thúc bài nói chuyện của tôi hôm nay, ở đây, tôi xin nhấn mạnh:

– Có thể 20 năm VH miền Nam còn nhiều điểm đặc thù khác nữa, nhưng tự biết khả năng giới hạn của mình, nên bài nói chuyện của tôi, có tựa đề là “Vài khía cạnh đặc thù của 20 năm VH miền Nam”, mà thôi. 

Dám mong quý vị và, các bạn lượng thứ cho mọi sơ sót không thể tránh khỏi của tôi. 

Trân trọng cám ơn quý vị và, các bạn.

Nguồn: http://www.dutule.com/D_1-2_2-105_4-6598_15-2/du-tu-le-vai-khia-canh-dac-thu-cua-20-nam-van-hoc-mien-nam.html

Comments are closed.