VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (83): MỘT SỐ BÀI THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Tiếng gọi mẹ                                                                                                           vhc2

 

Ngôn ngữ trần gian túi rách
Đựng sao đầy hai tiếng “Mẹ ơi!”
Văn tự chiếc xe mòn xọc xạch
Đường sang cõi Mẹ ngàn trùng xa khơi

Gọi lên bằng máu
Tim rã rời
Chép ra bằng nước mắt
Lửa thiêu hố trũng lệ tan thành hơi…
Nơi đâu sâu thẳm gặp cao vời!
Mẹ còn hay đã mất?
Cao sâu đâu là nơi?
Tin hoa một sớm thơm đầy đất
Lòng cỏ ba xuân nát tới trời.

Nước có nguồn nên sầu chẳng tắt
Mây không bến gió mưa càng dằn vặt
Con còn nhớ Mẹ – có bao giờ… bao giờ nguôi!
Chuyến tàu chở Mẹ – làm sao… làm sao không
                                                     phản hồi?
Nhưng bánh xe quay đường chỉ một chiều thôi.
Mẹ đang đi cũng là đang trở về.
Ngàn năm ức triệu năm sau nữa
Thời Gian tròn một chu kỳ…
Con nguyện nằm đây làm khối Vô Vi
Giữa sáu mặt giá băng, hàng vạn độ dưới độ hàn
                                                      chết chóc,
Liều thí nghiệm giấc trường miên khoa học
Chút hơi tàn may sẽ kéo dài tơ
Để mạch sống luồn qua sợi tóc
Con chờ,
Son sắt con chờ
Bước Mẹ về như đũa thần chạm tới,
Luồng điện ngủ phá tung dây quật khởi;
Mẹ sẽ cùng con
Tay sắt lòng son
Bẻ ngược máy Huyền Vi cái Mất đổi ra Còn
Ôi Cỏ Vong Ưu! Hãy kết Khải Hoàn Môn
Và Chữ Viết! Ta phong ngươi Xe Bắc Đẩu
Và Tiếng Nói! Ta phong ngươi Túi Càn Khôn.
Chở hết về đây cả ngàn phương Mẫu tự
Chứa hết về đây cả ngàn phương Sinh ngữ.
Để ta đủ chữ
Viết dòng vui mừng
Để ta đủ tiếng
Nói lời rưng rưng.
Dòng này dài hơn độ dài nối liền trong thân người
                                                  muôn mạch máu
Lời này vang như âm vang hòa điệu trong một người
                                                           hai trái tim…
Trỏ vòng hoa tang chợt Mẹ bảo:
Kìa xuân lượn bướm ca chim
Hoa đã nở thành vòng quỹ đạo
Ngát mùi hương cổ kim.

Trông ra vũ trụ im lìm
Con ngoảnh lại: khói ban thờ rã cánh!
Choãi dần vòng hương nhòa dần nụ cười
Bóng Mẹ chìm sâu bức ảnh
Không Gian mờ loãng chơi vơi…
Con thét lên… không còn phải giọng người!
Con khóc lên… không còn phải lệ rơi!

Hôm nay mồng một Tết
Con đập vỡ Đất Trời
Hồn lạnh xương khô hai đáy huyệt
Mẹ có nghe tròn tiếng gọi của con không?

 

 

 

Huế cảm

Giường thấp giường cao ruồi nhặng bâu
Xuân sang đối diện Quỷ – không – đầu
Mơ rồng ấp trứng sông Hương tủi
Lắng vượn gào con đỉnh Ngự sầu
Lăng miếu gần kề lưng chó sói
Thịt xương phó mặc vuốt diều hâu
Miền Nam câu hỏi trăm năm trước
Ai trả lời cho Huế… bởi đâu.

Bởi đâu non nước ấy tan tành
Lửa đỏ mây đen thắt chặt vành
Nặng dẫu bằng non thân cũng gục
Rửa cho hết nước máu còn tanh
Kim Long quẫy đứt hơi sương gió
Bạnh Hổ gầm vang nhịp sắt đanh
Từng tiếng ngân dài chuông tháp Mụ
Hồi thanh rền rĩ súng liên thanh.

Súng liên hồi nổ… kịch ai dàn
Đã một trăm năm chẳng hạ màn
Lần lượt vai trò rơi ấn kiếm
Dằng dai sân khấu ngập bùn than
Sông theo Phật hẹn dòng vơi lệ
Núi chống Trời tin đã vững gan
Gió lọt… bỗng dưng trên mặt giấy
La đà bóng trúc… Huế bình an.

Huế bình an chứ… đẹp bao nhiêu
Chẳng thấy không gian đủ bốn chiều
Cành trúc gió đưa về gốc Lạc
Câu hò mái đẩy tới trời Nghiêu
Mong người một nước soi gương cũ
Nguyện đấng ngàn tay độ nhiễu điều
Phủ lấy cho càng cao giá ngọc
Thơ ai từng dệt tấm thương yêu.

Dệt tấm thương nên nhớ ngược dòng
Chín thương mười nhớ đấy Châu – phong
Cố – đô Sử chép nhiều tên gọi
Trực – bắc thơ dành một hướng mong
Nối lại thuở nay liền thuở trước
Nghe ra thành Phượng có thành Long
Cả Hoa – lư với Mê – linh nữa
Xác bướm đè muôn tảng đá ong.

Đá ong xây giữa mộng đêm vàng
Sầu Cố Đô lên vút tượng Nàng
Thành quách trải bao nơi lập quốc
Miếu đường thêm một chuyến cư tang
Ngọ môn vỡ tiếng rên gò đống
Bảo đỉnh sôi cơn giận xóm làng
Nửa giấc lạnh tanh rồi vạc thuốc
Cửa Sài nghe đạn réo vang vang.

Đạn réo vang vang… lửa bốn bề
Như thiêu giường bệnh cháy cơn mê
Sốt dâng mạch loạn càng u uất
Máu chảy ruồi bâu chợt não nề
Cũng đất Hương Bình đen cánh quạ
Hẳn mây Nùng Nhị trắng phương quê
Xác thân mòn mỏi cùng dâu biển
Còn chút hơi Thơ gửi vọng về.

Gửi vọng về ngôi Sầu Cố Đô
Tan tành ngọc đá kể chi mô
Chiều Vân – lâu xuống hoài ư bến
Gương Tĩnh Tâm soi vẹn nhé hồ
Đối bóng vẫn mơ màng bóng hiện
Biết ai mà nhắn nhủ ai vô
Ôi bài Huế Cảm xuân dâng ý
Nghe có hơi thu họa dưới mồ.

Sài đô, Xuân Mậu Thân 

Bài này gồm 8 đoạn theo thể thơ liên hoàn liên vận, có thể đặt 14 chữ sau đây làm tiêu đề: “Hoa hạ thi thành đăng hạ bút; Loạn trung Huế cảm bệnh trung”

 

Bí mật Acropole

 

Đỉnh hoang phế, đây hoàng hôn nhân loại
Đang vây quanh chờ giải đáp một lời
Muôn nếp sống, từ ba chiều băng hoại
Của văn minh, tìm dấu trở về nôi

Trèo ngược dốc hai mươi lăm thế kỷ
Ta bước lên sầu đá dựng lưng đồi
Hỡi tàn tích giữa Athènes huyền bí
Acropole, thi sĩ Việt chào ngươi!

Đá vẫn ngậm sầu trong cơn thử thách
Với thời gian, không hàng phục buông trôi
Nên kho báu chẳng hóa thân từ thạch
Cũng vàng thưa sắt ứng mãi quanh ngôi

Vàng với sắt: những gông cùm hãnh diện
Đeo trên mình Thế kỷ thứ Hai mươi
Đứa nô lệ nào đây lê gót đến
Acropole… mà ngơ ngác nhìn ngươi?

Mặc gió táp, mảnh thành xưa đứng sững
Cột chênh vênh không nhả nóc lâu đài
Mấy pho tượng gối què chân vẫn cứng
Không cúi đầu, tuy đá chỉ còn vai

Ta cố hình dung mặt hoa Thần Nữ
Đá căng tròn ngực tượng bỗng đầy vơi…
Nghe trang sách Vô Ngôn vừa gợn chữ:
Mau ném đi tất cả, hỡi Con Người!

Thi sĩ Việt trong tay không tấc sắt
Chưa giết một ai trên nẻo luân hồi
Vàng – hoen – máu chưa một lần để mắt
Acropole, ta đã hiểu lòng ngươi!

Và, cũng mặc gió thời gian hí lộng
Ta ung dung thả bước xuống chân đồi
Lấy vần điệu chuốt pho thần tượng sống
Hiện thành Thơ lời giải đáp thay ai

Athènes, 10-7-1965

 

 

Paris tái ngộ

 

Trường bay vàng rót họa mi,
Chàng Say chẳng hẹn Paris vẫn chờ.
Kim thời gian trỏ Không – giờ,
Đường hoa sực tỉnh bất ngờ… dậy men.
Tiếng chào vang đỉnh Eiffel,
Mở vòng tay cũ, sông Seine trắng ngần.
Rimbaud có phải tiền thân
Từ Phi – châu khoác phong trần hồi hương?
Hay gò Montmartre đêm sương
Hậu thân nào của phố phường Thăng – long?
Cánh tay kia: giải sông Hồng;
Tháp kia: tháp Bút soi lòng hồ Gươm!
Đài mây bao độ tơ ươm,
Khải – hoàn – môn lại dìu bươm bướm về.
Bước chân rợn cỏ Bồ – đề,
Một hay năm Cửa nhất tề nở Sao?
Tàn đêm loãng khói chiêm bao,
Người yêu Hà – nội say vào Paris!


Paris, 6-8-1967

 

Nhịp cầu

 

Xa gửi anh hồn bạn thơ N.L. 

Hạc vàng bay đi
Lầu hoang sầu vây quanh
Đường ngôi hoang khói sóng bơ phờ
Bướm trắng bay đi
Bầy lan run rẩy mộng
Gai rừng khuya xé rách cánh bơ vơ

Một con người mê đời như ai kia!
Tài hoa như ai xưa!
Nức tiếng “văn hay” một thời!
Uổng cho sông Sen chưa từng hé nhụy
Sông Dương chưa hề buông tơ
Chỉ u uất một dòng Thanh thủy
Nối vần mây còn lạc điệu hai bờ…

Người ôi! Người ôi!
Chí sĩ đền xong nợ nước
Văn hào đã thỏa ước mơ
Hai bóng đi vào hai lối Sử
Riêng Người một chuyến ra đi tìm Thơ
Phải chăng, bến quạnh sao mờ?
Lan suông Bướm trắng
                         lầu trơ Hạc vàng!

 

 

Trường ca Sát Thát

             

Ðoàn người ấy mọc lên trong sa mạc,
Cả một rừng gươm trên lưng ngựa trưởng thành.
Ðoàn quân ấy từ phương Ðông xuất phát,
Lũ con nuông bất trị của Trời Xanh!
Chỉ nhắp có hơi men “xung sát”,
Chỉ say sưa bằng những miếng “giao tranh”.
Nhằm hướng Phi châu,
Ngựa vọt tới đâu là đời sống tan tành,
Biển ngập máu còn mang tên “Hồng hải”.
Cờ phất Âu châu,
Ngựa dẵm tới đâu là xương phơi thịt rải,
Biển đeo tang còn “Hắc hải” ghi danh.
Như ngọn cuồng lưu, như cơn bão cát,
Từ Mông Cổ, Tân Cương, đến Ba Tư, Bách Đạt,
Trở về Hoa Hạ, Yên Kinh;
Lũ “Thiên kiêu” từng bắc chiến tây chinh
Lẽ nào để một phương không xéo nát:
Trời Nam riêng cõi thanh bình!
Lẽ nào để chiếc ngai vàng Thát Ðát
Ba chân trời đại lục đứng chênh vênh!
Hay đâu:
Bắc phương vừa quẫy đuôi kình,
Rồng thiêng đã sớm cựa mình Nam phương…
Trần triều hai Thánh đế
Hưng Ðạo một đại vương;
Hội mở Diên hồng
     đất nước vang rền khí thế,
Hịch truyền Vạn kiếp
     trời mây sáng rực văn chương
Ý gửi từ muôn dân, lệnh trao từ chín bệ,
Thì: nắm đầu giặc như chơi
     cướp giáo giặc cũng dễ.
Ðây: cửa sông Hàm Tử
     bến đò Chương Dương;
Nuốt sao Ngưu chẳng phải việc hoang đường.
Nam phương cường? Bắc phương cường?
Máu đào loang sóng Phú Lương mấy lần!

Sét nổ trăm hai ngọn ải Tần,
Giang Hoài bốn tỉnh lại ra quân…
Năm mươi vạn tinh binh ruổi ngựa
Tràn xuống Thăng Long
như cả một khu rừng bốc lửa
Những “cây sắt”, con nòi Thiết Mộc Chân.

Giống Hồng Lạc giữa hai đường sinh, tử,
Trông lên: sợi tóc buộc ngàn cân.
Chợt đâu đó, xé rèm mây quá khứ,
Xa thăm thẳm mấy ngàn năm Việt sử
Rọi về tia mắt tiền nhân,
Thiêu tàn khoảnh khắc bao do dự,
Cả đến thép vô danh cũng rực ánh gươm thần.
Sát cánh vua cùng dân,
Chung lòng tướng với quân,
Phá cường địch… Cờ ai sáu chữ,
Báo hoàng ân là báo quốc ân.
Trăm họ chẳng ai còn lưỡng lự,
Sông núi nào riêng một họ Trần!
Bình Than lại nổi phong vân,
Một gươm Tiết chế hai lần trao tay…

Lời Đại vương truyền nín cỏ cây;
Ba quân hào khí ngất từng mây.
Vụt nghe tướng lệnh, vươn mình thét:
“Sông Bạch Ðằng tôi có mặt đây!
Hán, Hồ… cũng đến chôn thây,
Trước sau một khúc sông này mà thôi.”

Triều non bạc lên ngôi… giờ lịch sử!
Và xuống ngôi… theo lệnh đại vương truyền.
Nước rút đi, như ngàn vạn mũi tên
Lấy Ðông hải làm bia nhằm bắn tới.
Một ám hiệu! Kình nghê vừa mắc lưới!
Thuyền vương sư liền quật khởi tranh phong
Tay chèo nổi ngược cơn giông
Tiếng hô “Sát Thát” vang sông ngập bờ.
Duyên giang một giải
Lau cũng phất cờ;
Mùa xuân gần cuối
Vẫn sóng bay hoa;
Ngang trời động sấm tháng Ba
Dọc sông chớp giật sáng lòa gươm dao.
Cũng nơi đây Bạch Ðằng giang một khúc
Ngô vương từng chém Hoằng Thao!
Gió mây thôi thúc
Quằn quại ba đào…
Chợt tưởng niệm, máu càng sôi sục,
Tinh thần quyết thắng bốc lên cao.

Thế phản công làm giặc dữ nôn nao
Chúng hoảng hốt vội thu quân về thượng lưu sông Bạch.
Nhưng số phận Hung Nô, người phương Nam đã vạch,
Hỡi ơi, bằng giáo sắt cắm ngang sông!
Ðáy trường giang là cả một bàn chông,
Nằm đợi sẵn, khi thủy triều xuống thấp,
Ðoàn thuyền giặc lùi qua bị xô nghiêng lật sấp,
Bị xé ra từng mảnh, vỡ tan thây…
Giữa lúc rồng thiêng mở vuốt tung mây:
Quân tiếp ứng của vương sư ào xuất trận.
Và:
Hưng Ðạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn
Hiện ra như một vị thần linh;
Chớp mắt trên sông bặt sóng kình!
Thế là đã nơi này bỏ xác
Lũ con nuông của trời sa mạc
Khắp Á Âu từng vạn lý trường chinh.
Bọn chúng ngờ đâu một sớm cõi Ly minh,
Thân bách chiến bỗng quay về hạt cát;
Trôi theo sóng cả tiếng tăm nòi Thát Ðát,
Cả giấc mơ xâm lược chúa Hồ Nguyên…

Chàm thích tay ai nét ảo huyền,
Ngọn trào pha máu sắc tươi duyên.
Chàm xanh, máu đỏ, nền sông trắng,
Bức vẽ Ðông A vạn cổ truyền…

Ấy ai qua chốn giang biên,
Khói đầy khoang, giấc sầu miên lạnh lùng!
Tiếng kình vang đợt sóng rung,
Có nghe chăng?
     Có thẹn cùng người xưa?
Riêng ai: nước cũ mây mờ,
“Thái bình diên yến” câu thơ lệ nhòa.
Tháng giêng kỷ niệm Ðống đa
Sông Ðằng kỷ niệm tháng Ba… mấy lần?
Ðầu mùa xuân, cuối mùa xuân,
Cánh tay Ðế Nguyễn Vương Trần nào ai?

Sài-gòn, 1963

 

 

Phương trời thiên cổ

                       

Súng đâu ba bảy tiếng vang rền,
Hỏi trái mơ nào rụng trước tiên?
Ngóng một phương trời thăm thẳm ấy,
Ngàn thu người đẹp vẫn cô miên!

 

 

Tiếng địch hồn quê

              

Liễu gẫy cành, mai rụng trắng hoa,
Tơi bời tâm sự mấy đêm qua…
Hồn quê nghẹn nhịp cầu mưa nắng,
Ảo ảnh tan trong tiếng địch nhòa.

 

 

Ảo ảnh sa mạc

             

Thành xây trên cát, lẽ nào ư!
Hãn mã hoài công Thành Cát Tư…
Sa mạc chỉ còn đây: ảo ảnh
Ngai vàng lật ngược giữa không hư!

 

 

Đường xa nghĩ nỗi…

                  

Long – thành đâu nhỉ? Phượng – thành mô?
Lê, Nguyễn: hai dòng lệ cố đô!
Lệ chảy… chảy xuôi… tràn bến Nghé;
Giật mình! Nam hải sóng lô xô…

 

 

Xác đá hồn mai

                  

Trắng mộng cành mai xót Bạch Vương
Ai say ca quán?… ngủ sa trường?
Ngôi lầu Hưng Phế, rèm Hoa Đá
Cạn máu rồi… trơ những lóng xương!

 

 

Trời nước tỉnh đông

 

“Sang đò cò nhảy…” em còn nhớ,
Kiều – Thu ơi, những buổi “đánh chuyền”?
Bây giờ mới thật sang đò chứ;
Nhịp bước chim Ương và chim Uyên!

Bên kia đò ngang là tỉnh lỵ
Hải đương rồi đấy, em biết không?
Mà em cần biết làm chi nhỉ!
Mau xuống đò thôi kẻo mợ trông.

Dắt tay nhau chạy xuôi con dốc,
Bềnh bồng sông nước bỗng lao đao…
Em nói: “Để em cài lại tóc!”
Mà như trọn vẹn một lời trao.

Gió lên, đò nhỏ xiêu chân sóng,
Vừa gỡ tay ra, vội nắm tay.
Đứng sát vai nhau liền cả bóng
Tình ta ai gỡ nỗi từ nay?

Gió lên cao mãi, đò nghiêng ngả
Anh thầm dần men da thịt yêu
Tưởng thấy sông trôi toàn rượu cả,
Liếc nhìn: em cũng say bao nhiêu!

Má đào như cháy lên ngùn ngụt
Em thẹn, buông dần năm ngón hoa.
Thời – gian được thả về, trôi vút,
Đò đã sang sông nắng đã tà.

 

Giấc mộng đầu

                                        

Có một ngày xuân cuối
Anh đến ngỏ tình yêu
Những bài thơ anh đọc
Tha thiết là bao nhiêu!

Em, anh, cùng cảm động
Cùng bối rối như nhau
Điên cuồng anh gạn hỏi
Im lặng em cúi đầu…
Hai ta cùng bẽn lẽn
Nhưng từ đấy về sau
Bao nhiêu là chuyện thần tiên quá
Nhảy múa thi trong giấc mộng đầu.

Một hôm anh trêu tức
Em đuổi đánh vào vai
Vò đầu cho rối tóc
Và mím chặt môi cười.
Bao nhiêu cử chỉ làm duyên ấy
Đã mách tình em đủ lắm rồi!…
Em còn giấu sao được
Anh hiểu hết, em ơi
Em đừng chối vô ích
“Làm duyên” là “yêu” rồi.

Anh bảo: em cố học
Rồi mai chung một nghề
Đôi ta ngày bốn buổi
Dắt tay cùng đi về.
Bao giờ mùa hạ đến
Ta cùng được nghỉ ngơi
Chapa rừng núi đẹp
Là chỗ ta đi chơi.
Em reo: thích nhỉ!… như vừa được
Sống trước say sưa một quãng đời…
Em còn giấu chi nữa
Anh hiểu hết, em ơi
Cũng đừng chối, vô ích
“Thích nhỉ” là “yêu” rồi!

Một lá thư nhỏ nhắn
Chữ tươi màu mực xanh
Của cô nào không biết
Nhưng đề rõ tên anh
Anh cất trong túi áo
Ngồi bên em đánh rơi
Em vô tình bắt được
Hờn dỗi mấy hôm trời.
Nhưng đâu có phải anh lơ đãng,
Anh muốn thử lòng em đấy thôi…
Thôi em đừng giấu nữa
Em đã yêu anh rồi
Càng chối càng vô ích
“Hờn dỗi” là “yêu” rồi!

Bao nhiêu năm gần gũi
Bao nhiêu ngày bên nhau
Anh không phải là sắt
Em có là gỗ đâu!
Nụ cười đuôi mắt say sưa ấy
Đã hẹn yêu anh đến bạc đầu…
Nhưng em không chịu nói
Không thú nhận rằng yêu
Chỉ vì chưa bỏ được
Tính trẻ với lòng kiêu.
Vả lại em thường bảo:
Hương nhẹ vẫn thơm lâu
Tình yêu rõ rệt quá
Chỉ sợ không bền đâu.

Không cần phải hẹn hứa
Không cần nói yêu nhau
Không yêu mà vẫn là yêu đấy
Êm đẹp làm sao giấc mộng đầu!

 

 

Trò vui thế kỷ

             

Trận đánh không người được kẻ thua.
Biết ai là giặc, ai là vua!
Chiều hôm Thế kỷ trò vui mới:
Tiếp máu triền miên cuộc chạy đua

1967

 

Ác mộng nào hơn

 

Ôi kiếp người trong giấc ngủ ngày
Bùn ngâm sặc óc máu loang tay!
Đêm đêm vẽ lại vòng hương phấn,
Chưa ngớt màu run cánh bướm say.

6/1/1969

 

Chữ ký thẳng hàng

 

“Hậu phương mãy hãy đợi xem thư”.
Anh dặn tôi trong buổi tạ từ.
Đâu biết tin anh về quá sớm;
Đen ngòm nhật báo góc trang tư.”

10/8/1969

 

 

Nữ thần hôm qua

 

Em là cô gái cấm cung
Giữa đêm đóng hộp giữa nhung mở màn
Tính từ phân khối hồng nhan
Để lừa ngay cả thời gian vào chuồng
Sá chi ngựa vía trâu cuồng
Trở bàn tay bắt hay buông mặc tình
Bao phen thử lại phương trình
Không cho nghiệm số mang hình trái tim.

Chiều nay bóng đá chân sim
Tiếng ve gọi cái duyên chìm với xuân
Nhát dao chợt nhẹ đồng cân
Trong tia mắt của Nữ – thần – hôm – qua
Thôi rồi, mỗi tấc thịt da
Xuống thang nhiệt lượng trên đà nấu nung
Hộp đêm vỡ lở dần khung
Kéo theo kích thước màn nhung gẫy lìa.

Quanh phường Dạ Lạc hôn mê
Vòng – đai – sao – rụng chưa hề có tên
Vượt sông Ngân tới cầu duyên
Phút giây đổi hướng phi thuyền người Thơ
Lửa ma trơi tắt bao giờ
“Em đây!” một vọng âm mờ ngàn sau.

 

Sài Gòn 1969

 

 

Mối tình đầu

 

Anh là một trong năm mươi
Đứa con theo Mẹ ngược vời sông Thao
Em xuôi dòng máu người Dao
Đổ về đây… mấy tầng cao Ba Vì

Đất lành có hợp không ly
Mỗi xuân sang, một dậy thì ngát hương
Vòng eo Thái, nước da Mường
Sớm khuya lòng suối mở gương chứa đầy,
Thấm vào cho bóng càng say,
Bóng em, cô gái Dao này, đó anh!

Gặp nhau nghiêng hồn rừng xanh
Thịt xương có dựng Loa thành cũng xiêu
Má đào em, lửa nào thiêu?
Cháy loang tận gốc, dây diều đứt phăng…
Giống Rồng Tiên phải anh chăng?
Môi truyền môi tới em rằng: Nòi Thơ!
Cánh hồng bay nát mưa tơ
Nẻo vu phi, hái giấc mơ dọc đường…

Tản Viên này bóng mây vương
Kìa non Bạch Hạc trải giường bình khung.
Anh ơi, màn vây chưa xong…
Đu tiên ta đánh mấy vòng đã nao!

Sông Đà sông Lô sông Thao
Cùng sông Nhị đẩy lên cao tiếng hò
Núi rừng hang suối tung hô
Dài hơi Ba Bể sóng hồ vang xa…

Chung nhau ngày MƯỜI tháng BA
Những ai xuống biển theo Cha khác gì!
Khói mây Hùng Lĩnh còn si
Tâm tư còn nét chàm ghi: Việt Thường.
Chơi xuân nhớ tổ HÙNG VƯƠNG
Nhịp đu còn bỗng tình thương chưa chìm.

Sài gòn, ngày giỗ Tổ năm Kỷ Dậu.

 

 

Đục trong

         

Chợ Tết, mai lan cúc
Đắm mình trong bụi đục
Từng phiên nép mặt hoa
Thẹn không bằng khóm trúc.
Đời đời vẫn kết giao
Nguyền lánh xa thế tục
Thân sao nghiệp nặng nề
Cõi trần mãi chen chúc

Nhắn nhủ cùng danh hoa
Chớ e hồng tủi lục
Giờ đây bạn các em
Ruột cũng đau từng khúc.
Lũy nào xưa tốt tươi
Cổng nào xưa ngoạn mục
Liên miên khói lửa này
Dám đâu mơ hạnh phúc.
Lần lượt tre rồi măng
Đã tơi bời cốt nhục
Gắng giữ tiết cho ngay
Giữa bao là câu thúc
Còn khó hơn lên trời
Biết đâu chẳng ngã gục…

Chợ Tết, Bến Thành xuân
Lòng thơm tràn cảm xúc
Gió theo nắng đào lên
Tin hoa không ngớt giục.
Thân càng xót cho thân
Uổng gây hình ngọc đúc
Thôi đành giữ hương trong
Vẹn thiều quang chín chục
Hàn – mai với U – lan
Một lòng như Đạm – cúc.


Sài đô, Tết Mậu Thân

 

 

                                                              

Tố của Hoàng ơi

 

Năm 12 tháng, ai không biết!

Đã tháng nào không tháng 6 chưa?

Tháng có 30 ngày để giết,

Ngày 12 vẫn sống như xưa.

                  

Lịch treo giữa ngực kêu thành tiếng,

Chẳng tiếng nào nghe khác tiếng mưa

Rả rích từ hôm con én liệng

Vào lồng son… tủi áng mây đưa.

 

Thời gian từng giọt buông theo máu

Lại trở về, không gọi cũng thưa.

Còn đó 12, còn tháng 6…

30 năm lẻ vẫn chưa vừa!

 

Còn khóc trong tim này bất tuyệt;

Chừng như rối loạn cả đường tơ?

Trăng – nhà – ai vẫn là Trăng – khuyết

Đứng sững từ đêm ấy đến giờ!

 

Ngày mai ngày mốt anh nằm xuống,

Ngọc đọng cơn sầu nửa kiếp Thơ.

Đập nát ra! Cho trời đất uống!

Thì em sẽ rụng khỏi Đêm – mờ.

 

                        &

 

Phút giây Trăng – một – phương tròn lại

Rồi tự hoà tan Rượu – đắng mơ,

Cùng nhịp tim trôi vào tận cõi

Không – ngày – không – tháng – không – bơ – vơ.

 

12 tháng 6… cung Hồ Xế…

Một mối tình si một mối thù

Giây phút cũng tan thành biển lệ;

Trả cho cát bụi nhé Kiều – Thu!

 

 12 tháng 6 Nhâm Tý, 1972

 

 

Bài thơ Hàng Cỏ

Ta còn nói gì bây giờ nữa?

một bến đã không đành nằm chung.

Làm được gì bây giờ? buổi đó

tình chia hai đã tháo rời khung.

 

Ai dám ngờ đâu khung cũng hư!

nơi em vẫn gọi Lầu – Tương – tư,

hay Uyên – ương – Các như anh gọi,

đến nay chỉ còn là danh – từ.

                              

Một mảnh tàn – y vụn… Hỡi ơi,

làm sao mảnh vụn để dành hơi!

làm sao gọi được “lầu” hay “gác”

khi đã là tro bụi giữa đời!…

 

Tro bụi, từ khuôn kính bức mành

dãy nhà nâu thẫm hàng cây xanh

đến con đường nhựa đường xe điện,

từng phố từng khu nội ngoại thành.

 

Nói chi những gợn sóng the hồng

nửa khép vùng chăn nhiễu gối bông,

đèn ngủ, lẵng hoa, thư, nhật ký

và – trên tất cả – giấc mơ nồng!

 

                        &

 

Tất cả một kinh đô nát nhầu,

lửa hằn ngang dọc vết khơi sâu;

bụi nhòa tro xám chôn vùi hết,

ai dễ còn vang bóng mãi đâu!

 

Lầu gác đi hoang tìm lại tên…

chợ nào kia ngã gục trên nền?

cửa đâu mà mở vào khung được!

ngăn ngắt thời gian áo Lãng – quên.

 

Nhớ chăng? Áo cỏ, hàng em ưa,

màu “Cỏ Uyên – ương” say nắng mưa,

hương “Cỏ Tương – tư” mê sớm tối;

khung Tình, thôi nhé, đã thành xưa!

 

Vì… bụi vô danh, tro khuyết danh

một Sông hai Bến ấy đang thành;

nằm trong Hàng – Cỏ em đang mất

và cuối Bài – Thơ cũng mất anh.

 

 

 

Mừng Phật Đản 2516

 

         

Hoa – nghiêm chợt tỉnh kiếp nào xưa

cho tấm lòng Xuân đẹp mấy bờ!

Chuông khánh Hàn – san đêm Nhiệt đới

thuyền vào… tay ngọc rắc như mưa.

Cây bên sông đứng hai hàng chữ

in xuống Thời – gian nghĩa bất ngờ.

Vành vạnh trăng lên từ đáy nước,

hải triều vang dội hướng mây đưa.

Mây phong nếp áo ngàn xưa

mở tung hương sắc hội Mưa – hoa này.

Tròn duyên, Thiên – nữ chắp tay;

chúng sinh bao kiếp đọa đày sạch trơn.

 

 



Sang? Chưa Sang?

 

Hóa thân từ Đá – ba – sinh;

Nửa hồn trăng, nửa tâm tình nước mây.

Lời – thơ xõa tóc sầu vây,

Tiếng – ca giông bão về đầy từng đêm…

 

Sang Sông rồi ư, cô em?

Bờ – bên – đây sóng chưa chìm cơn mê;

Còn rung nát cỏ chân đê,

Còn gây thương tích sáu bề giác – quan.

 

Hay là cô em chưa sang?

Bên – kia – bờ vẫn đảo – hoang – ngàn – đời…

Thì Sông, thì Bến… hỡi ơi!

Cỏ đau càng giợn chân trời âm thanh.

 

Sang? chưa sang?

            Đành, sao đành

Tin Hoa lẩn mãi sau vành nón Thơ?

Bướm – xuân liệng đến bao giờ?

                     



Ba Kiếp Lang Thang

 

 

Chúng ta đánh mất cả rồi sao?

Cả đến âm thanh một thuở nào…

Da trống, tơ đàn, ôi trúc phách!

Đều khô như tiếng hát gầy hao.

 

Đàn mang tên Đáy mà không đáy

Rút hết rồi chăng sợi nhớ thương?

Hay phách, từ lâu rồi lạc phách,

Không còn dựng nổi bến Tầm – Dương?

                   

Hơi ca hồng đã tan thành huyết

Để tiếp vào cho má đỡ xanh?

Bạc mệnh, hỡi ơi, hoàn mệnh bạc,

Đâu còn ấm nữa rượu tàn canh!

 

Hay là đêm ấy Ngưu lìa Chức?

Xé nát da mình lau mắt ai?

Còn được gì đâu cho mặt trống;

Đập lên, hoang vắng đến ghê người!

 

Âm thanh trống rỗng, còn chi nữa,

Gắng gượng chi cho hồn Nhạc đau!

Ba kiếp lang thang, ngồi chụm lại,

Chúng ta mất hết, chỉ còn nhau.

 

Comments are closed.