60 năm nhìn lại cuộc di cư 1954 vĩnh biệt hải phòng

Trùng Dương

Kính dâng hương hồn Cậu Mợ,

với lòng tri ân sâu xa.

 

Khi cuộc Di Cư 1954 diễn ra, tôi vừa lên 10 tuổi, đang sống với gia đình ở Hải phòng, cái thành phố hải cảng đã trở thành chặng cuối cùng đối với hàng trăm ngàn người Việt miền Bắc muốn di cư vào Nam thay vì ở lại sống dưới sự cai trị hà khắc phi nhân bản của Việt Minh, tên gọi của những người cộng sản hồi ấy.

Cũng cái thành phố hải cảng này đã là nơi Bác sĩ Trung úy Hải quân Mỹ, Thomas A. Dooley, và vài quân nhân Mỹ đã làm việc trong suốt 11 tháng, từ giữa tháng 8 năm 1954 tới giữa tháng 5 năm 1955, để giúp dân tị nạn ổn định sức khỏe trước khi gửi họ lên tầu Mỹ di cư vào Nam. Kết quả của thời gian hoạt động này đã được Bác sĩ Dooley ghi lại trong cuốn hồi ký “Deliver Us From Evil” (“Xin cứu chúng tôi khỏi mọi sự dữ”, trích từ một câu trong Kinh Lạy Cha của tín đồ Thiên Chúa giáo) xuất bản vào năm 1956.(*) Cuốn sách, mô tả, với sự quan tâm chân thực, xót xa của một vị lương y mới ra trường, những giao tiếp của ông với dân di cư từ các vùng quê đổ về, phần lớn là những giáo dân thuộc đạo Thiên Chúa, đói rách và bệnh hoạn, và nghe kể về những cảnh huống tàn bạo ngoài sức tưởng tượng mà những người dân quê phải gánh chịu do những người cộng sản cuồng tín gây ra.

Cha mẹ tôi không có ý định di cư vào Nam. Cha mẹ tôi nguyên là con nhà nông thuộc giới điền chủ. Ông bà cùng sinh ra vào khoảng năm 1910, và lớn lên ở làng Trình Xá, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Cha tôi là con trai duy nhất trong một gia đình gồm năm chị em. Ông học lực chỉ xong được bằng tiểu học, và với tí vốn liếng học thức đó, ông được bầu làm lý trưởng, hay xã trưởng, thời vua chúa xưa là hương mục, có trách nhiệm trông coi tài sản công và tư của làng. Hồi còn nhỏ tôi nghe mẹ tôi kể chuyện là, vì ông có máu mê cờ bạc, nên có cái triện để đóng dấu trên những giấy tờ sang nhượng ruộng đất bà nội tôi nắm giữ luôn, còn cẩn thận cuốn trong ruột tượng quấn quanh bụng suốt ngày đêm cho chắc ăn, để ông không tự do bán ruộng đất của gia đình. Do đấy, mỗi lần có ai tới xin ông lý trưởng đóng nhận một sang nhượng bất động sản nào đó, ông lại phải nói với mẹ cho mượn cái triện. Có lẽ cái say mê nhất của ông là xe hơi và máy móc mà những lần ra tỉnh chơi ông đã thấy, và có để ý theo giõi việc làm ăn của một ông chú của tôi, chủ một hãng xe đò ở Hà Nội.

Tôi không nhớ ông bà quyết định dọn ra tỉnh vào năm nào, vì chỉ có ở tỉnh ông mới được thoả mãn lòng say mê máy móc xe hơi, song căn cứ vào năm và nơi sinh, là tỉnh Sơn Tây, của các anh chị kế tôi, thì có lẽ vào khoảng năm 1940 hay trước đó đôi năm. Tóm lại trong đám anh chị em 11 đứa tụi tôi thì ba người đầu sinh ở quê, năm người, trong đó có tôi là thứ bẩy, ra đời ở Sơn Tây, và ba đứa em cuối cùng sinh ở Hải Phòng. Thoạt đầu cha tôi làm công cho người ta. Dần dà ông tậu được một cái xe chở hành khách, dậy anh Cả và vài người cháu trai đồng lứa học lái, sửa xe và đi theo làm lơ xe. Có lần, mẹ tôi kể, chiếc xe đò của ông bị quân đội Pháp trưng dụng đi sang tận bên Miên, Lào mà mẹ tôi không được tin tức gì tới hai tuần, cuối cùng ông vể kể chuyện bà mới hay. Ông làm ăn vất vả nuôi một bầy con lúc nhúc. Cũng nhờ sự chịu khó cần cù của ông mà hồi xẩy ra nạn đói năm 1945 giết chết cả triệu người miền Bắc, gia đình tôi lớn bé không có ai bị thiếu ăn cả.

Trí nhớ của tôi bắt đầu ghi nhận được là lúc gia đình tôi đã dọn xuống Hải Phòng, có lẽ vào cuối thập niên 1940. Nhỏ nên không biết gì về tình hình chiến sự sôi động hồi ấy, nhưng tôi nhớ có lần anh lơ xe hớt hải chạy về giữa ban ngay, nói không ra hơi, báo với cha tôi, vỏn vẹn, “Ông ơi, xe bị mìn lật rồi!” Cha tôi lặng người chết đứng, mẹ tôi ngưng mọi việc đang làm thất thần nhìn cha tôi, trong khi lũ nhỏ chúng tôi biết đã tới lúc đi chỗ khác chơi.

Cha tôi, như nhiều người Việt khác, là người có khả năng sinh tồn mạnh mẽ, sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại và bất hạnh của đời sống để lo cho gia đình. Vào các năm trước cái gọi là Chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi tiếp theo là việc ký kết Hiệp định Genève vào mùa hè năm 1954 giữa Pháp, chính phủ Bắc Việt của Hồ Chí Minh, Lào, Trung Cộng, Liên Xô và Anh (Hoa Kỳ từ chối không ký, còn chính phủ Nam Việt Nam không nằm trong những phe ký nên không chấp nhận Hiệp định đình chiến này) được ký kết, cha tôi đã làm chủ một hãng xe chở hành khách gồm cả xe đò và xe nhỏ, hình như hiệu Citroen, không rõ tại sao gọi là xe lô-ca-xông, tôi đoán từ chữ “location”, ngược xuôi các tuyến đường Hà Nội – Hải Dương – Kiến An – Hải Phòng và Hải Phòng – Đồ Sơn, tôi nhớ đại khái thế. Hãng xe của cha tôi tên là Đông Bình, nên nguời ta hay gọi cha mẹ tôi là Ông Bà Đông Bình, chúng tôi là con Ông Bà Đông Bình. Tôi không bao giờ có dịp hỏi tại sao ông chọn tên đó, nhưng nghĩ có lẽ đó là do khao khát được nhìn thấy hoà bình trên giải đất dọc theo bờ biển Thái Bình Dương lâu nay chiến tranh triền miên này. Hai người anh họ con mấy bà bác ruột của tôi cũng mỗi người được cha tôi nâng đỡ tậu được một hay hai xe chở hành khách, tự đặt tên là Bắc Bình và Nam Bình. Tôi không rõ vì sao cha tôi không nghĩ tới việc mua bất động sản, mà suốt thời gian sống ở Hải Phòng ông thuê nhà chứ không mua. Tôi còn nhớ ngôi nhà chúng tôi ở trước khi di cư vào Nam là ở số 3 Ngõ Nghĩa Lợi, một đầu ngõ gặp đường Cát Dài, và đầu bên kia đụng một đường rầy xe lửa nằm bên cạnh một hồ sen mà hình ảnh vẫn còn in trong trí nhớ tôi, mà loài sen là hoa tôi rất thích. Không mua nhà đất có lẽ vì cha tôi thấy không cần thiết vì ông chắc chắn sẽ thừa hưởng nhiều ruộng đất để lại của bà Nội tôi khi bà qua đời.

Vào những ngày trước khi kết thúc cuộc chiến mà sách vở gọi là Cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954) và nhiều người trong chúng ta cho là không cần thiết vì sau Đệ nhị Thế chiến đa số các nước thuộc địa đều lần lượt trước sau lấy lại được độc lập mà không cần đổ máu, tin dữ từ nhà quê ra: Bà Nội tôi bị chết sau khi bị trúng một mảnh mợc chê vào đầu trong khi đang trốn dưới một cái phản gỗ vào một đêm nọ. Bà tôi chết khi được 84 tuổi, tuy già nua nhưng cụ còn khá minh mẫn. Mỗi lần nhớ đến Bà Nội thì tôi không thể không nhớ tới một lần về quê ăn Tết, tôi ở miết bên nhà ông cậu ruột vì ở đó có các người em họ cỡ tuổi tôi hay lớn hơn. Đến giờ đi ngủ, bà tôi lụm cụm tay xách cây đèn dầu tay chống gậy sang đón về nhưng tôi không chịu về. Tôi sợ những nét già nua nhăn nheo của bà một phần, nhưng sợ nhất là cái quan tài bằng gỗ sơn đỏ bà sắm sẵn để trong cái gian đầu nhà chuyên để chứa thóc gạo và các đồ lỉnh kỉnh khác.

Hiệp định Genève được ký kết vào ngày 20 tháng 7 năm 1954, chia cắt Việt Nam làm hai, miền Bắc do Việt Minh cai trị, miền Nam sau đó trở thành một quốc gia mới. Người dân hai miền có 300 ngày để chọn nơi mình muốn sinh sống. Quê tôi là một trong những vùng được Việt Minh tiếp thu sớm nhất vào cuối năm 1954. Cha tôi quyết định gửi vợ chồng anh Cả và đứa con gái đầu lòng mới được mấy tháng về nhà quê sống. Cùng đi với anh chị Cả là anh Sáu, tôi và thằng em Chín. Như nhiều chủ gia đình Việt xưa, cha tôi ít khi giải thích lý do ông có một quyết định nào đó, hoặc có thì ông cũng chỉ bàn với anh Cả, vì khi viết bài này tôi hỏi Chị Năm, người chị kế tôi, chị cũng nói không rõ tại sao cha tôi quyết định gửi một số con về quê ngay sau khi đình chiến. Tôi suy đoán là thứ nhất, anh Cả hồi ấy bị động viên, đã mặc đồ lính (tôi còn nhớ, mặc dù hồi ấy chỉ mới 9, 10 tuổi, đã trố mắt trước vẻ đẹp trai khác thường của ông anh trong bộ quân phục mầu rêu khít khao với thân hình và cái nón chào mào cùng mầu), có lẽ là bỏ ngũ về quê sống, có thể là do ý muốn của cha mẹ tôi vì lo cho cậu con cả. Ngoài ra, có thể cha tôi, cũng như đa số người Việt ở thành thị hồi ấy chưa biết gì về hậu quả của các cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu đã và đang diễn ra ở các làng quê nhưng chưa về tới làng tôi, nên ông gửi một số con về quê để tiện thể trông nom ruộng đất chăng.

Chúng tôi về quê sống được vài tháng vào cuối hè và đầu thu, thì một bữa chị Năm, hồi ấy mới 14 tuổi song tính nhanh nhẹn nên được cha tôi tin cậy giao phó việc đi đi về về đem tiền bạc và thông tin, được cha tôi gửi về bảo thu xếp về Hải Phòng để đi Nam. Để tránh nghi ngờ là có ý định đi Nam và có thể bị bao vây giữ lại, khi ra tới Hànội, lúc ấy cũng đã được tiếp thu, chúng tôi phải giả bộ như sẽ sinh sống ở đó, bằng cách thuê một căn phòng nguyên là lớp học ở trong một nữ tu viện và trường học mà hầu hết nhân sự đã di cư, nằm trên đường Hai Bà Trưng, để ở ít tuần. Anh Sáu và thằng Chín thì đã theo chị Năm về Hải Phòng trước, còn tôi ở lại với gia đình anh chị Cả để giúp trông con cho chị. Để cho màn trình diễn có vẻ thực hơn, tôi còn được ghi danh đi học lớp ba hay tư ở một trường công tại đây. Tất nhiên vì là con nít nên tôi không được cho biết các mưu tính đó của các người lớn.

Khi chúng tôi chuẩn bị đi Hải Phòng thì tôi được người lớn dặn dò là nếu có ai hỏi đi Hải Phòng làm gì thì nói là đi thăm người nhà sắp đi Nam để khuyên họ ở lại, đừng đi Nam nữa vì nước nhà đã độc lập tự do. Ngoài ra, riêng tôi còn được giao thêm một việc nữa, đó là khi các cán bộ Việt Minh sắp khám đến chị Cả đang bế cháu bé thì tôi phải tìm cách… cấu vào đùi con bé thật mạnh để nó phải khóc ré lên và chị Cả sẽ đưa nó cho tôi bảo bế ra ngoài. Thế nhưng chính việc đó lại làm cho người nữ cán bộ khám chị Cả càng sinh nghi, túm tôi lại và lột lấy hai chiếc giầy trên chân con cháu, lôi ra và tịch thu hai cọc giấy bạc tiền Đông Dương còn mới tinh. Tuy thế, chúng tôi sau đó cũng được phép lên xe đi Hải Phòng, chỉ có mớ tiền ở lại. Của đi thay người, chị tôi ứa nước mắt suýt xoa tiếc của song tự an ủi. Lúc ấy chúng tôi hoàn toàn không biết tới những cảnh tìm đường vượt thoát vô cùng thương tâm của bao nhiêu ngàn con người muốn tìm đường tới Hải Phòng, một thành phố đang hấp hối song vẫn còn là nơi còn cho họ cái hy vọng tới được Đường tới Tự Do – Passage to Freedom – như tên Chiến dịch Đường Tới Tự Do do Hải Quân Hoa Kỳ đảm trách, bên cạnh Pháp và Anh lo phần chuyên chở người vào Nam bằng máy bay.(**)

Nếu trong cuộc Di cư 1975 và sau đó, câu hỏi của hầu hết người Việt ở Miền Nam, trong một cái xã hội vô vọng mà “đến cả cái cột đèn nếu biết đi thì cũng tìm cách đi”, là làm sao để đi; thì ở thời điểm 1954 tình thế phức tạp hơn, và câu hỏi lớn nhất của họ là nên đi hay ở. Trước hết, một trong những điều khoản của Hiệp định Genève là hai năm nữa, vào năm 1956, sẽ có một cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước và người dân hai miền Nam Bắc tự định đọat lấy thể chế chính trị thích hợp. Đây chính là điều đã, theo tôi, khiến nhiều người dân miền Bắc quyết định ở lại để chờ cái ngày không bao giờ đến đó, một phần cũng vì quá mệt mỏi với chiến tranh và muốn thấy hoà bình bằng mọi giá, và cũng vì tiếc của, bên cạnh ảnh hưởng bởi một chiến dịch tuyên truyền ráo riết của Việt Minh. Tuyên truyền và cả dọa nạt, nhất là đối với dân quê, rằng tầu “há mồm” của Mỹ sẽ đưa họ ra biển rồi mở cái cổng mồm đó và trút họ xuống biển, hoặc thủy thủ Mỹ sẽ nướng con nít ăn thịt nếu đến với họ, vv. Và thứ hai là dạo ấy chỉ có một số ít nghe biết, chứng nhân thì lại càng ít hơn, được những cuộc tàn sát giết hại và đầy đọa những người không cùng chính kiến của người cộng sản.

Cha tôi, tôi nghĩ, thuộc loại người đã quá mệt mỏi với chiến tranh, muốn tin vào cái viễn ảnh tổng tuyển cử năm 1956, và nhất là tiếc của, của do ông đã tốn bao mồ hôi nước mắt tạo dựng nên và đất đai mà ông tưởng là sẽ được thừa hưởng của bà tôi. Tuy vậy, ông cũng còn bán tín bán nghi, chưa quyết sẽ có di cư hay không. Và có lẽ để cho dễ dàng quyết định vào phút chót, cha tôi bảo anh Cả đem gia đình anh và một số các em vào Nam, trong đó có chị Ba, chị Năm, anh Sáu và tôi.

Nghe biết sẽ phải đi Nam với chúng tôi, chị Ba khóc lóc thú nhận đang yêu anh Tuấn và muốn được cha tôi chấp thuận cho lấy anh, mà gia đình anh Tuấn thì đã nhất định ở lại. Chị Ba là người đẹp nhất trong đám sáu chị em gái chúng tôi, và khá tân tiến: chị là người đầu tiên trong gia đình tôi đi uốn tóc, và chị còn học chơi đàn guitar nữa. Tôi hay ngồi xem chị gẩy đàn và hát bài “Dư âm”, có lẽ là bài chị chọn để học đánh đàn, nên tôi rất nhớ bài đó vì nghe tới nghe lui. Cha tôi tất nhiên là rất tức giận vì bị đẩy vào một trường hợp khó xử: trước khi chấp thuận cho chị Ba lấy anh Tuấn, ông lại còn phải xin từ hôn với gia đình anh Nhân, là người đã làm đám hỏi với chị Ba, chỉ chờ ngày cưới. Việc chị Ba từ hôn vậy mà cũng thành một tin trên một tờ báo địa phương, tôi còn nhớ đã đọc được. Dù vậy, chị Ba cuối cùng cũng được toại nguyện: lấy chồng trong một đám cưới chạy tang rất đơn sơ, vì bên gia đình chồng đang có tang. Nghe nói chị bị mẹ chồng đối xử không tốt. Nhiều năm tháng sau đó, tôi được đọc mấy cái bưu thiếp chị gửi vào xin một chiếc xe đạp. Tôi không nhớ lời yêu cầu của chị có được đáp ứng. Chị đã qua đời vì bệnh tiểu đường cách đây gần hai thập niên.

Khác với đa số người di cư 1954 đáp tầu Mỹ, chúng tôi được di tản bằng máy bay do Pháp cung cấp. Đó là vào một ngày tháng 3 năm 1955, và đấy là lần đầu tiên tôi được đi máy bay, nên bụng dạ làm reo, ói lên ói xuống, ngồi trên xe GMC chở từ phi trường Tân Sơn Nhất đến nhà ông chú ở đường Phan Đình Phùng để tá túc tạm, tôi vẫn còn ói. Chúng tôi vừa mới ổn định chỗ ở ở một căn nhà gỗ, không có cầu tiêu riêng, thuê được ở bên Khánh Hội chưa được bao lâu thì có thư của cha tôi nói ông đã quyết định ở lại, bảo mấy anh em ở trong Nam tự lo liệu lấy. Tôi khóc xưng cả mắt, nghĩ từ đây sẽ không còn gặp lại cha mẹ và các em, nhất là Tám, cô em thua tôi hai tuổi song hai đứa rất gần nhau từ hồi nhỏ. Chị Năm mới 15 tuổi, phải khai gian lên hai tuổi để xin đi làm sau khi học lấy được cái bằng đánh máy, rồi sau đó vừa đi làm vừa đi học thêm tiếng Anh. Anh Cả thì mướn xe taxi chở khách, trong khi chị Cả đi buôn quần áo từ trong Chợ Lớn rồi thuê sạp ở chợ bán lại. Anh Sáu và tôi còn nhỏ, 12 và 10 tuổi, nên được đi học.

Tôi làm quen với đời sống của vùng đất mới có tên là Sàigòn, thấy cái gì cũng lạ. Một vài chi tiết mà tôi thấy ngộ nghĩnh, nói lên đặc tính dễ dãi và sởi lởi của người Miền Nam: Đi mua đồ giá năm cắc, tức 50 xu, đưa tờ giấy một đồng, người bán hàng thản nhiên xé tờ giấy bạc làm đôi cái rẹt, đưa trả lại mình một nửa. Tôi thích lối làm bánh mì của miền Nam, đầy tính sáng tạo: ngoài thịt nguội hay ba tê còn có đồ chua, ngò và dưa leo, mà ở bên Mỹ bây giờ chúng ta gọi là Vietnamese sandwich.

Nhưng cái tôi thích nhất của Miền Nam là vô số truyện bằng tranh, một loại sách không thấy ở miền Bắc, và những nhà cho thuê truyện, thay thế cho những thư viện công cộng không hiện hữu ở Sàigòn nói riêng và Việt Nam nói chung. Miền Nam, từ đấy, mở ra không biết bao nhiêu là cơ hội, so với Miền Bắc sau ngày bức màn tre buông xuống. Kể từ ngày bắt đầu cầm bút sáng tác, đặc biệt sau khi đọc cuốn sách “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” của Hoàng Văn Chí (***), tôi thường cố thử hình dung mình sẽ ra thể nào nếu lớn lên ở Miền Bắc. Có lẽ, giống như một nhà phê bình Miền Bắc nói vài năm trở lại đây, rằng nếu họ được sống ở Miền Nam thì họ cũng sáng tác nên những tác phẩm đâu thua của văn nghệ sĩ của Miền Nam, và ngược lại.

Thế rồi đùng một cái, lại có thư của cha tôi nói quyết định đi Nam. Lúc bấy giờ đã gần tới ngày Việt Minh tiếp thu Hải Phòng. Nhà của cha mẹ tôi cũng là nơi các người thân trong họ từ làng quê, mượn lý do “đi Hải Phòng khuyên người thân ở lại vì nước nhà đã độc lập tự do” để xin giấy thông hành di chuyển, tới ở tạm trong khi chờ ngày lên tầu đi Nam. Cha mẹ tôi chắc đã nghe không thiếu các thảm cảnh cải cách ruộng đất và địa chủ bị đấu tố và xử tử ở các vùng quê, bên cạnh các chuyện cấm đạo, giáo dân bị buộc đi học tập chính trị vào đúng lúc có Thánh Lễ, các giáo sĩ bị tra tấn, hành hung. Một trong những chuyện kinh hoàng nhất là việc một ông linh mục bị Việt Minh đóng bẩy cây đinh xung quanh đầu giả làm mão gai, được vài giáo dân chở tới trại tạm chú ở Hải Phòng dưới sự điều động của Bác sĩ Dooley để nhờ ông cứu chữa.(****)

Thấy không thể ở lại được nữa, cha mẹ tôi bán tống bán tháo tài sản để đi Nam, bằng lòng nhận vàng thay vì tiền mặt, hồi ấy là tiền Đông Dương có in hình ông Bảo Đại. Những gì không bán được hay muốn giữ lại thì giao cho chị Tý, đã ở với gia đình tôi được vài năm để nuôi em gái út của tôi, đi theo tầu Mỹ chở vào Nam, cùng với anh Tư và Út, cận ngày Hải Phòng đóng cửa. Tóm lại, gia đình tôi tổng cộng gần hai chục người thì chia nhau đi Nam thành bốn đợt, kể cả đợt chị Hai theo chồng lúc ấy có quốc tịch Pháp di cư vào Đà Nẵng trước mọi người trong gia đình.

Khi cha mẹ tôi đem vàng đi bán, định để mua một căn nhà để gia đình an cư và lo chuyện xây dựng lại cuộc đời thì khám phá ra là toàn vàng giả. Tôi có thể hình dung ra nỗi đau đớn của ông bà khi ở tuổi ngoài 40, chợt thấy hai bàn tay trắng, với một lũ con mà phần lớn còn nhỏ, tại một vùng đất lạ hoắc.

Dù vậy, tôi không hề nghe ông bà than phiền hay nuối tiếc đã bỏ mọi thứ để đem anh chị em tôi đi Nam. Tôi sẽ mãi mãi ghi ơn ông bà đã chọn lựa Miền Nam làm nơi cho anh chị em tôi lớn lên, trong một không khí tự do dù là tương đối. Chỉ tiếc là 20 năm sau, chúng tôi lại phải đối đầu với thêm một lần bỏ cửa bỏ nhà ra đi tới những nơi còn xa hơn từ Bắc vào Nam, tuốt tận bên kia đại dương nghìn trùng. Và không đứa nào trong vài anh chị em chúng tôi đi thoát được khỏi Việt Nam vào những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975 đã đem theo đuợc cha mẹ già. Cha tôi không muốn đi, nói đã lớn tuổi, rằng ông không dính dáng gì tới chính quyền Cộng Hoà hay Mỹ, nên chẳng lo, và có lẽ cũng không muốn nhờ và con cái. Mẹ tôi thì rất muốn đi khỏi Việt Nam, nhưng thấy cha tôi không muốn đi nên cũng lặng lẽ gạt nước mắt nhìn chúng tôi lần lượt biến mất khỏi cuộc đời bà.

Mẹ tôi mất khoảng một năm sau ngày Sàigòn thất thủ, có lẽ vì bị tim. Cha tôi nể lời con cái bằng lòng đi Mỹ đoàn tụ vào đầu năm 1983, nhưng cũng chỉ sống được tám tháng thì qua đời, vì bệnh một phần, song có lẽ vì cảm thấy quá cô quạnh. [TD, 2014/07]

Chú thích:

(*) Thomas A. Dooley, M.D., Deliver Us From Evil – The Story of Viet Nam’s Flight to Freedom, New York: Farrar, Straus and Cudahy, 1956, có thể tải xuống toàn bộ cuốn sách tạihttps://archive.org/details/deliverusfromevi006715mbp. Cuốn sách đã được chính phủ Mỹ hồi ấy dùng vào chiến dịch tuyên truyền chống Cộng của thập niên 1950 và 1960. Cũng do đấy mà có nhiều người Mỹ, kể cả giới học giả, thuộc phong trào chống cuộc chiến tại Việt Nam vào thập niêm 1960, đã kết luận, hoặc để biện minh cho khuynh hướng chính trị hay hành động chống đối nào đó của mình, rằng ông Dooley đã thiện lệch vì làm việc cho cơ quan tình báo Mỹ CIA dạo ấy. Có lời phê bình còn độc địa hơn cho rằng những chuyện trong sách hoàn toàn bịa đặt cho chủ đích tuyên truyền của chính quyền Mỹ.

(**) Xem “60 Năm Cuộc Di Cư Lịch sử 1954, đọc ‘Chiến dịch Đường Tới Tự Do’,”http://www.diendantheky.net/2014/07/trung-duong-60-nam-sau-cuoc-di-cu-lich.html

(***) Hoàng Văn Chí, Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9495&rb=08

(****) Deliver Us From Evil, trang 198; và “Viet Nam: The Lesson of Seven Nails,” Time, 21 tháng 2, 1955,http://content.time.com/time/magazine/article/0,9171,892973,00.html

Hình ảnh:

clip_image001

 clip_image002

Trái, bản đồ về hành trình của mỗi chuyến tầu do Hải Quân Hoa Kỳ đảm trách chở người di cư từ Hải Phòng vào Sàigòn trong cuộc di cư năm 1954-55. (Hình National Geographic, số tháng 6-1955) Phải, các người di cư đang được giúp lên chiếc máy bay của Không Quân Pháp để di cư vào Nam. Cô bé ở góc phải có lẽ cỡ tuổi tôi khi tôi cùng một số người trong gia đình di cư vào Nam cũng bằng một chuyến bay tương tự. (Ảnh National Geographic, số tháng 6-1955)

clip_image003

 clip_image004 

clip_image005

Trái, các thủy thủ trên chiếc tầu Hoa Kỳ USS Bayfield cầm biểu ngữ chào mừng đoàn người di cư. Giữa, hàng ngàn người được tầu đổ bộ của Pháp đón vớt từ các nơi dọc theo bờ biển Băc Việt Nam đang chờ lên tầu Mỹ USS Montague để di cư vào Nam. Phải, xuống bến Sàigòn để bắt đầu một cuộc đời mới và tự do. (Ảnh U.S. Navy) Theo Ronald B. Frankum, Jr., tác giả “Operation Passage to Freedom – The United States Navy in Vietnam, 1954-1955” (Texas Tech University Press, Lubbock, Texas, 2007), cuộc di cư vĩ đại này có sự tham dự của 115 chiến hạm và các loại tầu lớn, nhỏ khác của Mỹ, và đã chuyên chở trên 310,000 người trong số 800,786 tổng số người di cư cho tới tháng 5 năm 1955, kể cả dân lẫn quân sự, từ Bắc vào Nam. Số còn lại do các cơ quan của chính phủ Việt, Pháp và Anh đảm trách, bằng phương tiện vừa tầu thủy vừa máy bay. Ngoài ra, có khoảng trên 40,000 người tự túc bằng các phương tiện riêng. Số người bị Việt Minh ngăn cản bằng mọi cách, kể cả đe dọa và hành hung, không cho tới được Hải Phòng để đáp tầu vào Nam ước tính lên tới nhiều chục ngàn người.

Nguồn: http://damau.org/archives/35341

Comments are closed.