Tập sách Hơi thở trong bàn tay của Thái Hạo (NXB Đà Nẵng, in lần đầu tháng 5.2024) dày 227 trang, gồm 46 bài viết. Văn Việt xin trích đăng một số bài trong tập sách, là cách để tăng thêm nối kết giữa tác giả – độc giả. Cụm bài này viết về những ký ức, những mối giao tình đã góp phần làm nên con người tác giả, gồm các bài: Bão xưa, Thương sông, Phan Đạo, Bạch Đằng. |
Bão xưa
Quê tôi miền Trung, nắng cháy, bão mưa, nước đầy… Có những năm hơn mười trận bão tấp vào thân thể quê nghèo. Cho đến khi lớn và đi xa, sống ở phương Nam không cả đến gió lớn vẫn nhớ về thuở xưa nước ngập mênh mông trong gió rít.
Có lẽ thế hệ 8x chúng tôi không ai không nhớ cơn bão số 6 năm 1996. Nhà cửa trong thôn làng bay như những mảnh áo mưa trong gió. Nhà tôi cũng bay sang bên hàng xóm và nằm ngửa như một chiếc nón rách giữa trời. Ai cũng khóc, khóc trong mưa và trong gió gào.
Những cơn bão ào đến rồi biến đi, trả lại cái im lặng như nghe được tiếng nước chảy róc rách qua những kẽ đá hai bên đường. Bỏ mặc các bà các mẹ ngồi khóc, lũ con nít chúng tôi ùa ra đường, chạy đuổi nhau trên bao nhiêu là lá dập chuối đổ, cây cành ngổn ngang.
Nước chảy trên đường, nước luồn dưới đám lá xoan lá chuối, và lách mình qua những tảng đá, trong vắt. Trong tưởng như có thể vục tay xuống là uống được. Ký ức về những trận bão tuổi thơ của tôi, thật lạ lùng, chỉ có niềm vui và sự sung sướng. Mỗi khi bão chưa kịp đi khuất thì chúng tôi đã chui ra khỏi nhà và chạy như bay trên những con đường làng. Lúc ấy chỉ có hình ảnh của những cây măng béo tròn, những trái dừa xanh nằm im lìm bên dòng nước chảy. Và sung sướng nhất là hình ảnh lũ cá, chúng theo nước, lóc ngược lên những con đường mà thường ngày chúng tôi vẫn đi học. Đó là một sự kiện ngỡ ngàng và sẽ gây nhung nhớ suốt đời…
Những con cá rô phụng phịu với cái đầu dễ thương cứ thế lũn cũn bò đi. Những con nhỏ thì màu sẫm đen, con lớn vàng ươm, béo tròn, mang theo cái bụng phúng phính lấp lánh trong rãnh nước trong. Bắt được những con cá rô ấy là niềm sung sướng nhất đời, chúng tôi xô nhau chạy và ngã chúi đầu vì hấp tấp giành một con cá còn mắc lại nơi cành rào trong nước. Thật kỳ diệu, là có cả những con cá lóc cũng bò lên. Có con to đến mức nó theo chúng tôi đi qua nửa cuộc đời vẫn chưa thôi sung sướng. Không hiểu sao khi ấy với chúng tôi, những con cá lóc ấy lại to lớn đến thế, dù ngày nay gặp lại có thể chúng chỉ đáng lũ cá choai choai.
Ngày thường những trái ổi, trái dừa, trái táo là thứ xa xỉ, lũ trẻ con chỉ nhìn lên cây mà thèm muốn, lâu lâu được người lớn hào phóng hái cho vài quả là ăn ngon lành, nhưng chẳng bao giờ đã thèm. Còn mỗi lần bão qua thì chao ôi, chúng sẽ nằm đầy trên đất cát, sạch tinh và mát rượi bởi những hạt mưa. Chẳng ai cấm chúng tôi nữa cả. Đứa cầm rổ, đứa ngửa mũ cứ thế nhặt đầy và khệ nệ bê đi.
Khi cơn bão chưa kịp tan hết, trên đường và mương đồng đầy nước trong, có khi nước hến, chúng tôi để cả áo quần mà lao ra tắm, ngụp lặn như những con vịt bị nhốt lâu ngày trong những chiếc chuồng tối tăm ẩm mốc. Sau khi đã vùng vẫy và gào thét rát cổ như những tù nhân được phóng thích giữa thảo nguyên, chúng tôi bắt đầu thấy rét và run, da tái đi và môi thì thâm đen. Cả lũ co ro chạy về với cái bụng đói cồn cào tưởng như có thể nhai bất cứ thứ gì vớ được.
Ở nhà, mẹ đang nấu cơm. Khói bếp ngày mưa bão đặc quánh, nhưng ấm và thơm nồng bởi lẫn trong những mảnh củi khô là những cành tươi. Khói của cành xoan tươi mới thơm làm sao, cái mùi thơm nồng nồng, ngầy ngậy mà mấy chục năm rồi không thể quên. Cơm ngày bão độn với khoai khô ăn cùng lạc rang muối. Nhất là những con cá rô bắt được trên đường, chỉ có muối và những trái ớt nhặt được trên luống cát, mà béo ngậy… Có lẽ đó là những bữa ăn ngon nhất trong cuộc đời mình, những bữa ăn cứ thế nồng nàn, ngọt lịm, theo chúng tôi đi qua bao năm tháng.
Rồi bố sửa lại nhà, lợp lại mái, cả làng rộn rịch ơi ới gọi nhau. Mà lạ, dường như bão đã trở nên thân quen, chúng tôi chẳng thấy ai hờn oán gì, cứ bão qua là dựng nhà sửa bếp, là dọn vườn gom cây. Rồi những mầm rau bắt đầu mọc lên trên luống, mặt đất lấm tấm, rồi lại xanh tràn trong những khu vườn. Những cành cây bị gãy đã đâm chồi, lộc non túa ra, màu xanh tía, sáng long lanh dưới mặt trời. Cuộc sống hồi sinh thật bình thản, bình thản như bão mưa cứ đến rồi đi, muôn đời trên đất quê…
Ngày xưa và ngày nay, những ngôi nhà lúp xúp và những lâu đài xênh xang… Năm tháng cứ đi qua và mặt đất cứ hoang vu dần, lòng người hoang vu dần…
Một ngày hồi sinh sẽ phải đến, nhưng ngày ấy là ngày nào, nó đang đợi ta ở đâu? Bao giờ mắt trẻ mới lại trong veo trên miền nhiệt đới với rừng xanh phồn sinh ngàn ngạt, với trời lộng thênh thang, với những rãnh nước trong chảy mềm trên những con đường đầy cỏ hiền dưới chân đi?
Thương sông
Làng tôi ven sông, sông Yên, con sông đã ôm ấp làng trong nỗi lòng mềm mại ngàn đời của nó.
Tuổi thơ tôi đã ngụp lặn dưới lòng sông này cùng với con trâu và lũ bạn của mình. Tôi biết bơi cũng từ cái dải lụa nước hiền hòa và thanh bình ấy.
Xưa, mỗi độ hè về, dưới cái nắng như lửa trút trong gió Lào, không phải chỉ bọn con nít huyên náo dưới dòng nước mát, mà người lớn cũng đua nhau vùng vẫy. Ngày tháng cứ thế trôi đi, con nước đầy rồi lại vơi dưới vầng trăng cổ độ, chúng tôi lớn lên từ những lùm sim chín của chân núi Nga và cái mát lành của sông Yên lở bồi.
Thời gian như là gió, bẵng đi, đã mười mấy năm trôi. Trở về, trên con đê dọc bờ sông, lòng nôn nao như gặp lại cố nhân, như gặp lại người cũ. Bởi thèm cái buổi trưa ngày bé mà mắt không thể rời những mảnh sáng loang loáng trên sông. Dưới chân cầu Trạp, cây cầu nối làng tôi với huyện Nông Cống, thấy người lớn tụ tập, im ắng, từng tốp nhỏ; lâu lâu lại nghe ồ lên. Người ta đánh bài, trưa nóng quá, làng thì bê tông và mái tôn phủ kín nên tìm ra bờ sông dưới gầm cầu này để chơi bài uống nước hoặc ăn những đồng tiền lẻ, đợi mặt trợi dịu xuống.
Tôi đứng nhìn người, rồi lại nhìn sông, thấy kỳ lạ vì không ai xuống tắm. Có thể ngồi trên bờ vào giờ này phải là một sự kiên nhẫn phi thường lắm. Ghé hỏi một người quen cũ, rằng tại sao nóng thế mà mọi người không xuống sông tắm… Người đàn ông cười như trêu, “toàn nước cứt lợn với cống rãnh chảy ra đó, tắm có mà ghẻ từ đầu xuống chân”. Tôi ngước nhìn lại dòng sông, màu nước thâm bầm chở những chai lọ và túi nilon dập duềnh lơ đãng trôi. Gió từ dưới sông thổi lên, mùi hôi xộc vào mũi. Một con lợn chết, bụng căng lên như cái trống, thong thả về biển…
Chào người quen cũ, tôi trở lên mặt đê, đôi chân nặng trĩu. Thương con sông quê chở đầy hồn những mụt nhọt thời gian mưng mủ. Nhìn tuổi thơ trôi qua trước mặt mà không thể ào vào lòng nhau.
Bạn tôi kể, cứ mỗi lần mưa về, nhất là những cơn mưa đầu mùa, cá chết trắng mặt sông, vì nước thải từ trong các ngôi làng theo kênh mương đồng bãi mà đổ về. Trong phút chốc, con sông bị đầu độc, lũ cá tôm ngộp thở và chết tức tưởi trong sự dơ bẩn và hôi thối. Tôi không biết dọc con sông thân yêu của chúng tôi ngày bé, bây giờ có nhà máy nào cũng đang âm thầm thải nước vào lòng nó hay không, nhưng trông cái thân hình đang quằn quại chảy dưới nắng hè kia, như đang nhìn một người trong cơn hấp hối.
Ngày xưa, làng bên kia sông nuôi vịt nhiều, những con vịt xấu tính thường hay đẻ lang, chỉ đợi đến sáng được thả ra mới chịu đi tìm ổ. Có những con đẻ luôn bên mép sông cạnh đồng cói. Đứng ở bên này, nhìn trái trứng sáng như một viên ngọc dưới ánh mặt trời, lũ con nít ùa xuống và thi nhau bơi qua sông để giành lấy, rồi mang ra đầu cầu Trạp đổi những chiếc kẹo mật, đổi bánh nướng Toàn Thành và những chiếc “bánh khảo đầu ông sư”, về chia nhau ngồi ăn.
Chúng tôi lớn lên như thế, giữa những lấm láp, nghèo khổ nhưng trong lành. Chúng tôi đã lớn lên giữa đồng bãi mùi bùn gây gây nhưng sạch sẽ như một thứ đề hồ màu nâu. Chúng tôi ném nhau bằng thứ bùn ấy, đầy mình và mặt mũi, để rồi đứng trên bờ nhảy ầm xuống, dòng sông gột rửa, chỉ còn lại mùi của tuổi thơ.
Những ngôi làng nghèo thủa xưa, bây giờ nhà cao tầng mọc lên, không gian và lối sống đô thị bắt đầu lấp ló. Đất cứ hẹp dần dưới chân người chen chúc. Rồi rác thải từ một đời sống nửa nông thôn nửa phố thị cứ ngập dần lên – có nhiều những thứ rác thải mà 20 năm trước chưa từng hiện diện, như chai nhựa, túi bóng, ống hút, vỏ lon…, đi đâu cũng gặp, đi đâu cũng thấy, vạ vật bên đường và đứng ngồi dưới mương nước thải.
Đô thị hóa trên những con đường làng bê tông, đô thị hóa trong dáng hình những ngôi nhà xây mỗi ngày một cao, đô thị hóa bên trong những cửa kính của những quán hàng lấp lánh; nhưng đi sâu thêm vài bước chân, phía sau những ngôi nhà cấp 4 lô xô vẫn là những chuồng lợn của một nếp sống 30 năm trước, vẫn là lũ gà vịt giày dẽ đất quanh chiếc giếng khơi. Nước thải sinh hoạt ngày một nhiều, rác thải ngày một lắm nhưng chẳng biết mang đi đâu, chẳng biết xử lý thế nào. Có nhiều người cứ thế, trên đường đi làm thì xách theo, ngang qua con sông thì quẳng ùm xuống, phủi tay, bình thản.
Khi rác nhiều quá, xã tổ chức thu gom, mỗi hộ đóng tiền hàng tháng, có xe tới lấy mang đi. Mà cũng chỉ là mang ra đồng, nơi một khoảnh đất trống, và cứ thế chất lên, lưu cữu, hôi thối.
Sống trong rác, sống giữa rác, người và rác lẫn vào nhau. Nước máy không có mà đất đai thì ô nhiễm. Những chiếc giếng khơi giếng khoan âm thầm đứng bên những chuồng lợn, chuồng gà và những rãnh nước thải trong những mảnh đất mỗi ngày một chật chội. Nước bẩn cứ thế ngấm xuống, rồi lại múc lên tắm rửa ăn uống… Người chết ung thư ngày một nhiều, có những xóm chết ráo, toàn những người đàn ông lực lưỡng mới 50, 60 tuổi.
Bỗng thấy cái ước muốn một lần trở về ngụp lặn trên dòng sông thơ bé yên ả kia thật xa xỉ và cả nhẫn tâm nữa. Đến chiếc giếng khơi trong làng còn bốc lên mùi hôi hám thì đòi cả một dòng sông sạch sẽ trong lành làm sao được. Tôi tự hỏi, có bao nhiêu ngôi làng như thế, có bao nhiêu dòng sông tuổi thơ đang chết đi như thế, trên khắp nước mình?
Phan Đạo
Phan Đạo người Huế, năm nay 70. Xưa, Đạo học chuyên văn, đến ngày thi đại học Đạo mang hồ sơ ra đốt, và lang thang vào Nam, hai năm sau thì về. Hỏi tại sao; ông nói, ghét cách người ta áp đặt vào suy nghĩ của học trò, không thi nữa.
Đạo từ miền Nam ra ít hôm thì anh trai là Phan Hưng cũng từ Cam Ranh trở về, trong bộ quần áo quân ngũ, đi cùng là hai người bộ đội. Họ giao Hưng cho gia đình, xong thì quay đi, không biết đi đâu. Cả nhà theo ra chào tạm biệt, lúc quay vào không thấy Hưng đâu, nháo nhác đổ đi khắp nơi tìm. Thì ra Hưng đọc sách ở trong phòng. Đạo bước vào, “Thôi anh nghỉ đi đã, mai hẵng đọc”. Phan Hưng nói, “Ở đó không có sách, tau thèm đọc quá. Mà tau có có mần chi mô nớ, răng chúng nó bắt tau”. Hưng khóc.
Năm 79, Phan Hưng đang là sinh viên ngành Vật lý Ánh sáng ở Đại học Tổng hợp thì nghe tin Trung Quốc đánh ở biên giới phía Bắc, anh xung phong đi bộ đội. Trong cuộc thi văn nghệ, anh hát “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”, và đoạt giải nhất của Bình Trị Thiên. Mọi người nghe anh hát, sụt sùi lau nước mắt. Hưng tham gia chiến trường một thời gian thì được chuyển vào Cam Ranh, người ta nghi ngờ anh là gián điệp, bị nhốt, bị bắt kéo xe giữa trưa nắng. Hàng tháng như thế, Hưng phát điên. Và được trả về nhà.
Tối Hưng về, sáng mai Đạo đưa anh lên bệnh viện tâm thần ở Huế trên nẻo Ngô Quyền. Năm năm Đạo chăm anh trong cái bệnh viện ấy. Đạo bảo, anh quá thông minh, lại là người lí tính, nên phát điên. Ở bệnh viện mãi, Đạo đâm nghiện, nhủ, “Răng mình không điên cha đi mà ở đây cho rồi”.
Năm 84 Đạo bắt đầu đạp xích lô kiếm sống.
Vừa đạp xích lô vừa tự học tiếng Anh và chữ Hán, dịch kinh Phật. Mỗi ngày chỉ bắt đầu đạp từ 1 giờ chiều, tối và sáng thì dành để học và đọc. Năm 87, Đạo xếp xích lô vào góc nhà, đi xuất gia ở Huyền Không. Mới về chùa, Đạo cự nhau với sư thầy, do không chấp nhận thuyết “cái đang là”, nên bị các sư bá, sư thúc gọi lên. Sư bá hỏi, “Giờ không ở chùa thì thầy ở đâu?”. “Thưa sư, con còn chiếc xích lô ở nhà mà”. Sáng mai Đạo trả y bát, về dắt xích lô ra lau chùi…
Sau Đạo về một chùa khác, nhưng vì thấy chuyện cúng kiếng rườm rà, nặng màu mê tín, Đạo sinh sự và kêu gọi anh em huynh đệ cùng chống lại. Thùng phước sương vốn là nồi cơm của chùa và những người có liên quan, chống chuyện cúng bái giải hạn nghĩa là phá nồi cơm họ, Đạo bị công an thành phố mời làm việc, rồi bị đuổi ra khỏi chùa lần nữa. Lại về đạp xích lô.
Phan Đạo chơi với anh em văn nghệ xứ Huế, như Phạm Mùi, “nhà thơ đường phố” Phương Xích Lô… Đạo đọc thơ như người lên đồng, giọng hùng tráng, đau đớn, ma mị. Đạo có biệt tài, nghe thơ một lần, nếu là thơ hay (theo đánh giá của Đạo) là thuộc ngay tại trận. Không quên được.
Đạo kể, sau 30 năm bị vạ lây với Nhân văn – Giai phẩm và lưu đày vào Nha Trang, Tôn Phong trở về Huế, đêm đầu tiên gặp một nhóm văn nghệ sĩ trẻ tuổi ở Đại học Sư phạm, ông ứng khẩu đọc bài thơ “Tôi về”. Phan Đạo có mặt tối đó, và thuộc luôn, hôm sau gặp lại Tôn Phong, đọc không sót một chữ.
Mới cách đây mấy ngày ông gọi điện cho tôi, trong cơn cao hứng, cất giọng qua facetime: “Tôi về cùng tận mưa dông/ Gió ném chéo mặt sông lỗ chỗ/ Huế vốn yên êm từ cổ/ Cũng quay cuồng gió chát đầu cây/ Trên vai cầu nhịp gãy đứng ngay/ Cứ thương sông đội mưa về biển/ Thành phố ơi có nhận ra tôi/ Hãy kêu lên một tiếng/ Thế hệ tôi khuất ngược một tầm nhìn”… Thơ anh Tôn Phong đấy, hay chi lạ.
Là một tay xích lô, yêu thơ và sùng bái thơ như tôn giáo, nhưng hầu như không bao giờ gửi đăng ở bất cứ đâu, khách đi xe của Phan Đạo có nhiều văn nghệ sĩ. Ông kể, một lần, năm 1985, Phùng Quán trở lại Huế sau nạn Nhân văn, Đạo đạp xe chở Quán từ chợ Đông Ba qua cầu Tràng Tiền để vòng lên cầu Mới, Phùng Quán họp hành gì đó ở Tạp chí Sông Hương. Đi được nửa đường, Đạo nói “Các thi sĩ tiền chiến như Hàn, như Chế, như Đinh…, vì có học mà làm thơ hay quá anh Quán hỉ”. Phùng Quán đang ngồi trên xe bỗng nhảy phắt xuống, vung tay bị lác, mắt trừng trừng “Bọn đó là tiểu tư sản, tao mới là vô sản nè”. Từ đó Đạo không chở Quán nữa.
Nhà Đạo ở Bãi Dâu, đầu giờ chiều là đạp xe lên phố, đi khoảng 10 cây, tìm khách, chở khách, tối lại đạp về. Một hôm đang ngồi trên xích lô dưới một mái hiên cũ, Đạo thấy hai vợ chồng người bạn Quảng Trị đang chở nhau trên chiếc xe đạp, tay xách nách mang, liền chạy ra hỏi “Anh chị đi mô ri?”. Bảo “Vô thăm người chị, lát lại trở ra Quảng Trị”. Đạo ngồi đợi, khi hai người xong việc thì chạy ra chặn đường, “Lên đây em chở”. Hai vợ chồng dứt khoát không chịu, vì ra Quảng Trị là 60 cây số, sao mà chở xích lô cho nổi. Đạo nói, nếu anh chị không lên, tui đôi chiếc xích lô ni xuống sông. Anh Thi (là người vẽ minh họa cho tờ Cửa Việt) nói với chị Đá vợ anh, “Thôi em lên đi, anh biết tính chú nớ, chú đôi chiếc xe xuống sông Hương thật đấy, mình lấy chi mà đền…”. Đạo giành lấy túi, ném hết lên xe, ấn hai người ngồi vào, chất luôn xe đạp lên phía trước, cứ thế đạp đi. Ra đến Quảng Trị, Đạo tụ tập với với “anh em Cửa Việt ngoài luồng”, hai mươi ngày thì vô. Lúc vô, anh em cử hai người đi cùng, hộ tống Đạo và chiếc xích lô của Đạo trên xe đò, đưa về tận nhà. Vừa gặp ba mẹ Đạo, hai người đàn ông liền quỳ xuống lạy. Nói, “Đạo ra chơi với anh em chúng con, mà không cách chi báo cho hai bác biết được, làm cả nhà phải đi tìm. Xin hai bác nhận của chúng con một lạy”. Chuyện này tôi đọc từ một người bạn của Đạo, chứ Đạo không kể. Sau này tôi hỏi lại thì được ông xác nhận.
Một lần khác, Đạo rủ Phương Xích Lô ra Đông Hà, “Anh Phương, lâu rồi nhớ anh em ngoài đó quá, em với anh ra chơi một chuyến”. Thế là đi. Lúc ấy Hoàng Phủ Ngọc Tường là Tổng, Nguyễn Quang Lập là phó của Cửa Việt. Tối quây nhau lại uống rượu, đọc thơ. Phương đứng dậy, “Xin phép anh Tường, anh Lập, em xin đọc bài thơ…”. Đạo đang ngồi bên bỗng đứng phắt dậy, “Đù mà mi nha Phương, lúc mi mần thơ mi có xin ai không, răng chừ mi đọc thơ mi phải xin!”. Phương đuổi Đạo chạy quanh Cử Việt 3 vòng. Mệt lử, không chạy được nữa, ngồi ôm nhau khóc.
Một lần trên lầu 2 của Cửa Việt, ngồi tranh luận về văn nghệ, Lập nói chưa dứt lời, Đạo bảo, “Mi có tin tau khóa tay mi đẩy xuống lầu không”. Đạo xán lại, mọi người ùa vô can. Không thì hôm đó có chuyện to.
Sáng nọ, trước khi vô Huế, Đạo và Phương ghé lên chào anh em để lên đường. Đạo nói, “Chỉ chào anh Tường thôi, không chào thằng Lập”. Bước vô, anh Tường bắt tay hai đứa, đưa cho 100 nghìn, nói đi dọc đường mà uống rượu. “Anh Tường tội”, Đạo kể.
Cũng năm 85, hôm đó Đạo vừa đạp xích lô về, đang tắm rửa trong nhà thì nghe mẹ gọi, bảo có người tìm. Bước ra, thấy hai người đàn ông, một người dáng to cao, mặt vuông góc cạnh. “Anh là Hữu Loan, anh đến thăm Đạo”. Đạo pha trà mời. Hữu Loan đọc cho Đạo nghe bài Màu tím hoa sim. Người đi cùng nói, “Ngày mai anh Hữu Loan đọc thơ và giao lưu ở Đại học Sư Phạm, Đạo chở anh Loan lên nghe”. Đạo nói, “Mai Đạo có hẹn khách rồi, không đi được, các anh thông cảm”.
Cách đây 4 năm tôi ghé Huế. “Alo, chú, con đang ở Huế đây, chú lên Phạm Hồng Thái cà phê nhé”. Lát sau Phan Đạo đến, đi chiếc xe Dream Trung Quốc tã nát, mặc áo tràng nâu, râu dài, đầu cạo trọc, quầng trán cao và to quá cỡ so với khuôn mặt gầy hóp. “Nay chú ở chùa luôn, thầy trụ trì là sư đệ của chú ngày xưa. Thôi kệ, việc mình mình làm…”.
Hai chú cháu di chuyển ra một quán bia bên bờ sông Hương. Phan Đạo trầm ngâm, “Trước khi mất, anh Tôn Phong về Huế, tháo trong tay ra chiếc nhẫn ‘Tau cho thằng Đạo, trong số anh em ở Huế, nó nghèo nhất. Bản thảo thơ tau cũng giao cho Đạo giữ’. Ngày anh mất, chú không vào Hạo ơi, vì chú không có tiền, vả lại anh cũng biết tính chú, không câu nệ đâu. Thông minh lắm, dòng Tôn Thất mà. Mà cũng lạ, hồi nớ mà viết thứ thơ như anh, thi pháp rất mới, cũng là hiếm thấy đó nghe…”.
Tôi hỏi về vài nhân vật văn chương ở Huế hiện thời. Phan Đạo như đang chìm vào thế giới của mình, bỗng sực tỉnh, nổi nóng, văng tục. “Cứt”.
Hôm qua ông gọi. “Hạo, khỏe không con”. “Con khỏe. Chú dạo ni trông da dẻ hồng hào láng mịn nhỉ”. “Chú mới nhịn ăn 14 ngày. Năm nào chú cũng nhịn 1 lần 14 ngày như rứa, từ xưa tới nay chưa từng đau bận mô. Mà nghĩ răng, răng thằng NQT lại nói cần hơn 350 nghìn tỉ để chấn hưng văn hóa là răng hè. Đù mà, chú chán chúng nó quá”. Rồi ông kể chuyện mỗi lần chở Trần Dần, Phùng Quán đi chơi bên hồ Tịnh Tâm, kể chuyện Nguyễn Đính [Trần Vàng Sao], chuyện TCSH bây giờ chán thế nào… Ông thở dài. Cầm điếu thuốc trên tay, cứ định châm mà mải nói, mươi phút chưa bật được lửa…
“Để chú đọc cho con nghe bài này”. Đạo đọc. “Dài vậy mà sao chú nhớ được ghê thế”? “Thơ hay là nhớ liền, không biết răng, muốn quên không được”. “Chú chưa in tập nào nhỉ”. “Chưa, in chi. Chú đốt hết rồi, mấy chục năm rồi”. “Nhưng chú còn nhớ mà, chép ra thôi”. “Thôi, không ích chi”.
Phan đạo châm thuốc, kéo một hơi. Giọng rít lên:
“Hắn nhớ câu thơ của bạn hiền thiên cổ
Sinh năm một chín sáu lăm
“Thiên thu buồn ta uống đến tàn canh “
Rồi đốt thuốc khánh hội
Trông khói vùng vằng nói
Ngủ đi
Ngủ đi
Ngủ đi
“Vì mai mốt đường dài”
Bước tới đi lui
Hai tai cứ ong ong từng thanh âm xứ lạ
Nhất niệm thiên thu
Em
Mình nhầm lẫn từ khi nằm trong bụng mẹ
Nên đứng đi cứ va vấp đời thường
Nghĩ mà thương hắn
1g39ph
Tưới cây chối từ mà thương mùi hoa dấn thân cõi miền
– (trừ)
+ (cộng)
Dẫu thuộc lòng lời ru của mẹ
À… ơi…
+ (cộng)
– (trừ)
Là
Con ngủ đi con
À… ơi
Rồi trong giấc mơ ban ngày hắn thấy
Thuốc lá hết
Rượu hết
Đàn bà hết
Giấc ngủ cũng hết
Còn chăng
Một tiếng chuông mình
Mẹ già đang thắp hương niệm Phật
Mình trôi trong âm hưởng
Nam
Mô
A
Di
Đà
Ok
“Bài này chú làm ở gác Cực Lạc, Bãi Dâu, tháng 6, 2012”, Đạo nói xa xăm.
Lạy thượng đế
Trần gian luôn mới lạ
Những phiên bản của ngài đang
Nảy nở
Sinh sôi
Nhưng
Hỡi ôi
Chung quanh tôi
Đang
Vắng
Bóng
Con
Người
(1985)
Vắng bóng con người. Rứa đã nghe, chú ngủ để đêm dậy thỉnh chuông. Quen rồi…
Bạch Đằng
Tình cờ, chúng tôi gặp lại nhau, thật vội vã, giữa Sài Gòn, dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo.
Không biết điều gì run rủi đã đưa chúng tôi đến đây, mấy đứa ngồi nhìn ra bến Bạch Đằng lồng lộng gió thổi. Ba mươi phút ngắn ngủi mà bày ra biết bao dâu bể của đời.
Người bảo vệ già khoát chúng tôi lại và nói “Có nhang đó, các cháu thắp nhang cho Ông đi”. Chúng tôi châm lửa, mùi hương tan ra giữa không gian bát ngát. Trên đài, Trần Hưng Đạo đứng uy nghi, một tay đặt lên cán gươm, một chỉ tay về Đông…
Hỏi thăm chú bảo vệ, chú bảo “Nhang đèn này là chú tự lo cho Ông, lương chú 6 triệu, 24/24 chú ở đây, nếu mưa thì chú chạy qua bên kia trú. Ở đây với Ông dễ chịu lắm, chú không thấy buồn”.
Những cây nhang đang tỏa khói, có lẽ cái mùi nhang tháng Bảy trong khung cảnh này đã làm một người đồng nghiệp của tôi nhớ. Bạn kể, hồi còn học đại học, vì biết lòng tha thiết của cha nên bạn đã tự mình tìm tới nghĩa trang liệt sĩ ở xã Hải Thượng (Hải Lăng, Quảng Trị) để thắp nhang cho chú. Chú hi sinh năm 1972, mãi sau hơn hai mươi năm đằng đẵng ngược xuôi gia đình mới tìm được mộ chú, lúc ấy cha đã già, đi lại khó khăn lắm, cha chỉ vào với chú được một lần cho đến ngày cha ra đi.
Vì mong muốn của cha, bạn cùng một người bạn học tìm đến nơi chú nằm, về tới nghĩa trang thì trời đã đứng ngọ. Cả một biển mộ mênh mông trước mặt giữa trưa vắng làm bạn thấy lành lạnh. Trước mặt là những tấm bia “Liệt sĩ vô danh”, không thể đốt nhang cho tất cả những ngôi mộ ấy, vì dường như chúng dài rộng đến vô tận. Bạn thắp một nén nhang chung cho tất cả trên chiếc lư hương lớn trước tượng đài, ngọn lửa bùng lên, bốc cao, trong chốc lát đã cháy rụi hết những chân nhang lưu cữu từ ngày nào.
Tìm đến mộ chú, Nguyễn Hữu Mười… dòng chữ đã mờ dưới mưa nắng thời gian, không hiểu sao một cảm giác ruột thịt kỳ lạ xâm chiếm, dù chú đã mất từ khi bạn chưa chào đời. “Cha vốn kiên cường, dù là ngày giỗ của ông bà, chưa bao giờ thấy cha khóc; nhưng năm nào giỗ chú cha cũng kể chuyện và không cầm được nước mắt, như một đứa trẻ. Cha kể, lần ấy chú hành quân vào Quảng Trị, đơn vị đi qua làng, chú xin phép và chạy tạt về nhà thăm bà. Chú dúi vào tay cho bà tờ tiền 10 đồng màu đỏ rồi cầm vội mấy củ khoai lang sống bỏ vào trong áo, và chạy đuổi theo đơn vị. Vừa chạy vừa ăn. Chú đói. Đó là lần cuối cùng cha nhìn thấy chú. Từ lần ấy, chú không trở về nữa”.
Hình ảnh đó đã làm cha khóc mãi cho đến khi nhắm mắt. Chú hi sinh, chưa gia đình, chưa vợ con. Ông bà đã mất từ lâu, nay cha cũng đã đi xa, chỉ còn lại lớp cháu, không ai biết mặt chú. Rồi tất cả sẽ phôi phai, sẽ không còn ai nhớ chú nữa. Chú sẽ tan biến vào hư không, tan biến vào quên lãng…
Tôi bất giác: “Còn những người đồng đội, còn nhà nước…”. Bạn cười buồn. Thì ra cha bạn cũng từng vào sinh ra tử. Trực súng ở địa phương, tham gia thanh niên xung phong, hỏa tuyến, rồi năm 1970 cha nhập ngũ, vào chiến trường Bình Trị Thiên. Sau những ngày hành quân và chiến đấu gian khổ, cha mất sức, không còn khả năng chiến đấu nữa nên được đưa ra tuyến sau rồi phục viên, năm đó là 1973.
Về với quê hương Hà Tĩnh cằn cỗi nghèo khó, tài sản của cha là mấy kỉ vật của cuộc đời người lính, cha cất kỹ trong rương, để làm một người nông dân. Cha cùng mẹ làm lụng nuôi sáu chị em khôn lớn. Rồi nhà bị cháy trong một cơn hỏa hoạn, đó là cuộc chiến lần thứ hai của đời cha. Cha mẹ cùng nhau dựng lại căn nhà nhỏ, nhưng bao nhiêu giấy tờ thì đã hóa tro tàn.
Cuộc sống mưu sinh cực nhọc cứ thế qua đi. Đến khoảng những năm 1998-2000 ở quê mới bắt đầu có chính sách làm chế độ cho những cựu chiến binh. Mọi người khuyên cha nên làm thủ tục để có được cái giấy thương – bệnh binh, mỗi tháng có tiền trợ cấp và những ưu tiên cho sáu đứa con ăn học. Cha làm. Sau những ngày ngược xuôi, cuối cùng đã có lại trong tay bao nhiêu là hồ sơ. Cha mừng lắm. Nhưng rồi hồ sơ viết đi viết lại bao nhiêu lần vẫn thiếu, vẫn không đạt. Đằng đẵng ba bốn năm trời cả gia đình cứ chạy vạy làm hồ sơ nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Cha cầm mớ giấy tờ ấy về, ngồi buồn. Lí do của việc hồ sơ nộp rồi lại bị trả thì ai cũng hiểu. Những người đã làm được chế độ thương bệnh binh cũng đã chỉ đường cho cha và không quên nói nhỏ: Cần phải theo “cơ chế” ông ạ. Mẹ bảo, hay là chi ít tiền, nhờ họ làm cho xong đi. Cha nổi giận, “Tau đi chiến đấu thật, đồng đội tau còn đó, xóm giềng còn đó, thân thể ốm yếu do ăn sương nằm đất còn đây; giờ bảo tau “chạy giấy tờ”, thế hóa ra tau bịa, tau mua à?”. Cha xé nát mớ giấy, ném vào lửa. Hỏa hoạn lần nữa trong đời cha. Từ đó cha không bao giờ nhắc lại những hi sinh của mình…
Vậy là cha đã không trở thành một thương – bệnh binh. Cha sống cô đơn, ra đi cô đơn – giữa một xã hội mà cha cũng không hiểu, cái xã hội mà cha và chú đã để lại một phần xương thịt…
Bạn nín lặng, đưa tay chùi nước mắt – nước mắt của một người con sinh ra từ một người cha suýt nữa cũng đã vĩnh viễn nằm lại trong khói lửa của cuộc chiến tang thương ấy.
Gió từ bến Bạch Đằng mỗi lúc một thổi lên dữ dội. Đám người trước mặt bỗng nháo nhào bỏ chạy, mấy người bán nước xô ra ôm những chiếc ghế nhựa rồi lao biến vào trong bóng tối, bọn thanh niên mỗi đứa cầm một ly nước đứng nhìn. Bên kia, những người công an áo vàng, áo xanh đang giằng nhau với người bán hàng những chiếc giỏ và ghế. Cảnh tượng trước mắt vừa buồn cười, vừa khốc liệt. Như một quả bom rớt vào giữa buổi chợ đông.
Chúng tôi cũng đã ngừng nói chuyện từ bao giờ không hay, cứ ngồi nhìn cái náo loạn ấy để câu chuyện đứt quãng. Gió Bạch Đằng vẫn thổi ào ào trên những tàn cây. Trong bóng tối, mấy chị mấy anh bắt đầu ôm ghế từ từ đi ra, lấp ló dưới đèn đường… Trần Hưng Đạo vẫn đứng đó, một tay cầm gươm, một tay chỉ xuống bến sông. Người bán hàng đã ngủ bên gốc cây; mấy thanh niên mặc áo xanh grab cũng đã gục xuống đầu xe bên vệ đường.
Cách đó không xa, trên phố Bùi Viện, tiếng nhạc từ các quán bar đập liên hồi trong ánh đèn vũ trường loang loáng. Ánh đèn vàng, xanh, đỏ sáng rực cả một vùng trời; tiếng nhạc rung chuyển mặt đất, rung chuyển những tòa nhà… Chúng tôi chào nhau và chào chú bảo vệ. Chú nói đêm chú ngủ ở đây, giữa trời, trên chiếc lan can này. “Không ốm đâu”, chú quả quyết, “vì Ông thương chú lắm”. “Ông thương tất cả… chỉ không biết là họ có thương Ông hay không…”.
Chúng tôi đi, mỗi đứa một ngả, mùi nhang từ lư hương còn phảng phất trong gió mạnh. Cuộc gặp ngắn ngủi, tình cờ, chưa kịp hỏi han nhau điều chi về cuộc sống hiện tại, chỉ có câu chuyện của quá khứ là có lẽ sẽ còn theo mãi.
Cầu cho đêm nay đừng mưa, vì người bảo vệ già còn nằm ngủ giữa trời, dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo, một mình.