Achtung! Schukow! (kỳ 3)

Truyện Trần Vũ

Chuyện đêm cho Mây, Jung và Đạm Tiên

*Phần 3

(Tiếp theo và hết)

clip_image001

“Achtung! Schukow!

Coi chừng Joukov!”, là lời cảnh giác thường vang lên trong các bộ tham mưu Đức từ 1941 đến 1945 giữa các sĩ quan quân báo và phòng hành quân, chính vì Joukov xuất hiện trên mặt trận nào là mặt trận ấy đột biến. Nhưng Joukov không chỉ là vị tướng của tấn công mà còn là vị tướng của tàn khốc.

Gueorgui Konstantinovitch Joukov mà ký âm tiếng Đức là Schukow, tiếng Anh là Zhukov và tiếng Việt xã hội chủ nghĩa phiên âm thành Ghê-oóc-ghi Can-xtan-chi-nô-vích Giu-cốp, là vị tướng nhiều huân chương nhất trong lịch sử Hồng quân. Sinh ra tại xã Ougodski Zavod, cách Mạc Tư Khoa 110 cây số, trong một gia đình bần hàn, cha làm thợ đóng giày và mẹ làm phu khuân vác đồng áng, thiên mệnh của Joukov được ấn định qua tên cúng cơm Gueorgui, tức George The Victorious, vị thánh của chiến thắng.

Chiến thắng quan trọng đầu tiên là trận Khalkhin-Gol tháng 8-1939 tại Mãn Châu. Trong vòng hai tuần lễ Joukov đánh tan hai sư đoàn 7 và 23 Bộ binh của đạo quân Quan Đông Nhật Bản (Kwantung Army), loại khỏi vòng chiến 17.700 lính Nhật. Phía Nga 9.703 chết, 15.952 bị thương. Nếu tổn thất đôi bên xấp xỉ thì đứng về phương diện chiến lược là một quả đấm đập vỡ tham vọng Bắc-Á của Thiên hoàng. Hơn một chiến thắng, một bất ngờ quân sự làm nên danh tiếng Joukov. Staline phong cho Joukov chức Tổng Tham mưu trưởng Lục quân ngay sau đó.

Ở chức vụ này, Joukov mang trách nhiệm của những thảm bại liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 12-1941, khi quân Đức tấn công. Trong 6 tháng, Hồng quân thiệt hại gần 5 triệu quân, gấp đôi số thương vong của quân Nga hoàng trong Thế chiến thứ nhất. Bên cạnh những sai lầm vì đã tập trung binh lực quá sát biên giới khiến các xa đoàn Đức dễ dàng bao vây sau đột phá, còn có chiến thuật biển người là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao. Chính trong giai đoạn này và kéo dài sang hết 1943, các sử gia tìm thấy chữ ký của Joukov bên dưới những Sát lệnh.

clip_image002

Quân lệnh ngày 16 tháng 8-1941, còn gọi chỉ thị No 270, xem các binh sĩ Hồng quân bị Đức bắt là phản quốc. Thân nhân các quân nhân này bị tập trung quản chế. Đối với các sĩ quan và binh lính không đầu hàng nhưng tháo lui trước kẻ thù, là án tử hình, gia đình bị cúp tem phiếu thực phẩm.

Chất sắt máu tăng dần với những thất trận. Tại mặt trận Léningrad, đích thân Joukov soạn thảo ba quân lệnh “bổ túc”: Các bí thư xã phải xử lý những gia đình cộng tác với Đức, bắn vào những ai chạy theo Đức bất kể giới tính và tuổi tác (Quân lệnh 19 tháng 9-1941). Những hộ chứa chấp đào binh sẽ ra Tòa án Mặt trận. Các địa phương hành quyết tức khắc những gia đình có bộ đội đầu hàng (Quân lệnh 28 tháng 9-1941). Các chính ủy phải bắn chết ngay lập tức những binh sĩ nào cất giữ truyền đơn của Đức trong mình (Quân lệnh 5 tháng 10-1941).

Chính trong những ngày này mà đại tướng Dmitri Pavlov, tư lệnh Phương diện quân phía Tây (Army Group West) bị xử giảo, chỉ vì đã thảm bại tại Minsk. Trường hợp trung tướng Katchalov, tư lệnh Tập Đoàn quân 28 Sô-Viết (28th Army), là một bi thảm. Toàn thể gia đình, thân nhân của Katchalov, từ vợ con đến cha mẹ, anh chị em và cháu đều bị hành quyết mặc dầu trung tướng Katchalov đã tử trận khi cố gắng phá vây. Quả phụ Nina Tukhachevsky, vợ của nguyên soái Mikhail Tukhachevsky bị thanh trừng 1937, cũng bị lôi ra thắt cổ để làm gương. Joukov từng là thuộc cấp thân cận của Tukhachevsky và được đích thân Tukhachevsky hướng dẫn, đào tạo về chiến lược. Trong sáu tháng, nửa triệu lính Nga bị tình nghi “phản bội” bị đày đi Tây-Bá-Lợi-Á và trên 15.000 binh lính cùng sĩ quan bị xử tử. Phải đến 1956 những người này mới được phục hồi. Bàn tay Joukov thấm máu của chính đồng đội mình.

Trên mặt quân sự nếu tổng phản công mùa đông của Joukov cứu thoát Mạc Tư Khoa, đẩy lui quân Đức, thì tổn thất phía Nga gấp ba phía Đức. Sang 1942, với năm Tập đoàn quân nhưng Joukov thất bại không tái chiếm được Rjev do 1 Lộ quân Đức trấn giữ (9th Army của tướng Walter Model). Tháng 5-1942, Joukov không thể ngăn thống chế Erich von Manstein với Lộ quân 11 Đức (11th Army) hạ pháo đài Sébastopol trên bán đảo Crimée và bắt sống 90.000 tù binh Nga. Tháng 7-1942, Joukov thảm bại trong trận sông Volkhov không thể giải vây Léningrad, tệ hơn nữa trung tướng Andrei Vlassov chỉ huy Tập đoàn quân Xung kích số 2 (2nd Shock Army) ra hàng rồi hợp tác với Đức thành lập Quân đội Quốc gia Nga chống Cộng sản. Ngôi sao của Joukov chỉ tỏa sáng từ trận Koursk tháng 7-1943 (chiến thắng Stalingrad tuy từ ý niệm phản công cạnh sườn của Joukov nhưng do Eremenko và Koniev thực hiện). Kể từ đây, thiên mệnh của Gueorgui Joukov, George The Victorious, hoàn thành. Cao điểm là cuộc hành binh Bagration vào tháng 6-1944 hủy diệt Liên Lộ quân Chính tâm (Army Group Centre) của thống chế Đức Ernst Busch rồi kết thúc với chiến thắng Bá Linh.

Joulov là một thiên tài quân sự? Có thể trả lời tuy bền bỉ, quả quyết, năng động và nhạy bén, Joukov không tinh vi bằng Von Manstein, không táo bạo bằng Rommel và chưa thần tốc bằng Guderian. Lý do chiến thắng nằm trong nhiều yếu tố: Nhân lực vô giới hạn của Hồng quân. Từ 1943, một quân nhân Đức đương đầu với năm rồi bảy chiến sĩ Sô-viết, sang đến 1944 là một lính Đức chống 10 lính Nga. Tương quan pháo binh là 1/11. Tương quan chiến xa là 1/8. Tương quan máy bay là 1/3. Tất cả các sử gia Tây phương đều chuẩn thuận phải 130 lính Mỹ mới có thể đối đầu 100 lính Đức, năm xe tăng Sherman bị phá hủy mới hạ được một xe tăng Đức, phía Nga là 300 lính Nga để đương đầu 100 lính Đức, bảy xe tăng T-34 bị hủy mới bắn cháy một chiến xa Panzer. Vậy, vì sao Joukov chiến thắng? Tháng 6-1944 Liên quân Anh-Mỹ đổ bộ Normandie, 10 sư đoàn thiết giáp Đức chuyển sang phía Tây, thống chế Ernst Busch không còn quân cơ động và Bộ Tổng Tham mưu Đức không còn trừ bị. Thêm vào yếu tố ngoại vi: Franklin Roosevelt từng tuyên bố “Hoa Kỳ là kho đạn của các nền Dân chủ!”. Trong thực tế, Hoa Kỳ là kho đạn khổng lồ của Staline. Trong suốt thế chiến, qua hai ngả Bắc Băng Dương và Ba Tư, Roosevelt cung cấp cho Staline 12.000 chiến xa, 22.000 máy bay, 376.000 quân xa, 35.000 mô tô, 51.500 xe jeep, 5.000 súng chống chiến xa, 473 triệu viên đạn, 350.000 tấn thuốc nổ (B. Schofield, Les Convois de Russie, Nxb Presses de la Cité 1965). Chính khối lượng vũ khí này đã giúp Joukov phản công mùa đông, cứu vãn Liên-Xô đã nguy ngập, cũng chính 376.000 quân xa sản xuất từ cơ xưởng xe vận tải Studebaker ở tiểu bang Indiana đã giúp cơ động hóa Hồng quân. Roosevelt không ngây thơ mà tính toán. Bên cạnh lời hứa của Staline giúp đánh Nhật, Roosevelt muốn triệt hạ hai đế quốc Anh-Pháp giành vị trị thống trị cho Hoa Kỳ. Trong một thế giới lưỡng cực Nga-Mỹ, các quốc gia phi cộng sản sẽ lệ thuộc Hoa Kỳ. Roosevelt đã cấm giao vũ khí cho Pháp khi Đức tấn công, dù Pháp đã thanh toán bằng vàng, cấm bán vũ khí cho chính quyền Decoux khi Nhật vào Đông Dương. Thỏa thuận “Lend-Lease” cho phép Anh mua vũ khí trả góp, sẽ khiến đế chế Anh phá sản không còn ngân quỹ duy trì thuộc địa sau thế chiến. Thế giới chuyển từ tay Anh-Pháp sang tay Mỹ, là một thành công ngay cả khi phải chia đôi với Staline.

clip_image004Trở lại với thiên mệnh của Joukov, một thiên mệnh lên đến tột đỉnh vinh quang khi Joukov nhận đầu hàng của thống chế Wilhelm Keitel ngày 8 tháng 5-1945. Những thước phim truyền hình còn lưu trữ giây khắc lịch sử. Những thước phim đem Joukov, vị anh hùng Xô-viết, đến toàn nhân loại. Các sử gia cùng đồng thuận: 600 sư đoàn Đức trên tổng số 700 tiêu hao trên đất Nga. Chính Hồng quân thu hút chủ lực Đức. Công trạng của Joukov là có thật. Cũng không tướng lĩnh Đồng Minh nào chỉ huy nhiều quân, ở vị trí tối cao và trong thời gian lâu bằng Joukov. Eisenhower khi đổ bộ lên đất Pháp chỉ huy duy nhất hai Liên Lộ quân, 21th Army Group của thống chế Bernard Montgomery và 12th Army Group của đại tướng Omar Bradley. Danh tướng Patton chỉ chỉ huy một Lộ quân (3rd Army), trong lúc Joukov từng chỉ huy cùng lúc từ bốn đến sáu Phương diện quân (Army Group). Khi ký kết văn kiện đầu hàng, Joukov ngồi chính giữa Eisenhower và Montgomery, cho thấy vị trí cùng vinh hiển của Joukov.

clip_image006Bảy thập niên sau, các báo chính thống trong nước tiếp tục ca ngợi và xưng tụng Joukov, nhưng tránh nhắc đến hậu chiến.

Gueorgui Joukov, bốn huân chương Sao vàng Anh hùng Liên-Xô, sáu huân chương Lénine, hai huân chương Chiến thắng, một huân chương Cách mạng Tháng Mười, ba huân chương Quân kỳ Đỏ, hai huân chương Suvorov hạng nhất và 16 huy chương anh hùng khác…. chưa đầy một năm từ lúc Đức đầu hàng, bị cách chức. Đang là Đại Nguyên soái, Phó Ủy viên Nhân dân Quốc phòng, Phó Tổng Quân ủy Trung ương, Đại diện Đại Bản doanh Bộ Tổng Tư lệnh Tối cao Stavka Sô-viết, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vùng Giải phóng, Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Khu ủy Đông Âu, giữ ngôi vị thứ hai sau Staline về quân sự, Joukov 49 tuổi đột ngột bị cho về làm quân trấn trưởng Odessa mà quân số địa phương chưa đến một trung đoàn. Nhiệm vụ mới của Joukov: chặn bắt buôn lậu cập cảng Odessa!

clip_image008

clip_image010

Lý do? Joukov phạm tội khi quân. Sau chiến thắng, Joukov sai họa sĩ Yakovlev vẽ nhiều bức chân dung mình cưỡi ngựa, tương tự như các bức tranh vẽ Nã Phá Luân khải hoàn. “Khinh mạn và sàm báng!” Staline đã đập tay lên mặt bàn trong datcha, tư dinh tại Kuntsevo. Khi quân: Ngày chiến thắng, duyệt binh trên Hồng trường, Joukov đã oai vệ diễu binh trên ngựa trắng làm Staline khó chịu. Hắn không biết trên đất Nga chỉ có một Sa hoàng là Staline? Khinh mạn: Vì sao Joukov dám kết bạn tâm giao với Eisenhower và Eisenhower không tiếc lời ca ngợi Joukov? Vì sao Joukov chấp nhận cho báo Pravda xem Joukov là “Người học trò xuất sắc nhất của Lénine” mà không đính chính Staline mới là “học trò xuất sắc nhất”? Sàm báng: Joukov giành hết chiến công cho bản thân mà quên Staline là vị thầy tư duy đánh bại Hitler. Những tấm tranh như trêu ngươi, vực lên trong lòng Staline ý nghĩ Joukov có khả năng thống lĩnh quân đội đảo chánh. Triệt đi để không di họa.

Thiên mệnh của Joukov chậm rãi an bài. Các nguyên soái Koniev, Eremenko và đại tướng Golikov đồng loạt tố cáo Joukov tham nhũng, lạm quyền và tư lợi, cướp bóc sản vật cho chính bản thân trong những vùng “giải phóng”. Phải nhìn ở đây lòng ghen tỵ, hay chỉ thị của Staline hoặc sự trả thù cho những đồng đội đã bị Joukov hành quyết? Có thể cả ba. Joukov nín thở, vì mỗi một làn hơi thở bất cẩn là một làn hơi thở của thần chết. Mỗi tháng Joukov đều viết thư cho Staline xin minh oan, thề thốt trung thành và tự nguyện “hoàn trả cho nhân dân” tranh cổ, tượng quý, cổ vật mà Joukov đã “mua sắm” quá tay… Staline không hồi âm cho đến khi Joukov bị xử kín.

Thoát chết nhưng Joukov mất hết tất cả phẩm hàm, quân tịch, chức vụ và bị đồ sang Tây-Bá-Lợi-Á trông coi một phân khu khiêm nhường. Gia sản Joukov bị tịch biên. Bộ Công An trưng thu 320 áo lông gấu, 50 áo da khỉ, 60 áo da rái cá, 70 viên kim cương, 740 bộ dao nĩa bằng bạc, 60 bức tranh lấy từ các bảo tàng viện Áo-Hung-Đức, 3.700 thước lụa quý, 194 món đồ cổ, nhiều chục đồng hồ vàng, một trâm nạm ngọc và một vương miện của nữ hoàng Augusta-Victoria mà Joukov tặng cho con gái. (Jean Lopez & Lasha Otkhmezuri, Joukov, chương La Disgrace [Thất sng], Nxb Perrin 2013)

Cho đến khi Staline chết, tên Joukov bị gạch đi trong quân sử Hồng quân. Mãi cho đến khi Nikita Khrouchtchev lên cầm quyền, Joukov mới được phục hồi vì Khrouchtchev cần Joukov giết đối thủ Béria, cần quân đội trấn áp công an để giành lấy guồng máy khủng bố. Khrouchtchev tấn phong cho Joukov làm Bộ trưởng Quốc phòng và Joukov sẽ gửi chiến xa sang Hung Gia Lợi đàn áp cuộc nổi dậy của dân Hung muốn thoát khỏi quỹ đạo cộng sản. Đến 1957, Joukov bị cho về hưu vĩnh viễn rồi chết trong âm thầm lặng lẽ. Vị nguyên soái vĩ đại nhất của Hồng quân không hề hay biết ở một phương trời xa, bên Viễn Đông có một vị đại tướng họ Võ, đã học chữ “nhẫn” của mình.

TV, 5 tháng 6-2017

clip_image012

Comments are closed.