An Dương Vương

Truyện Lê Minh Hà

Sâu trong vịnh là làng chài. Từ làng chài nhìn chếch về phía ấy chỉ thấy núi chồm ra biển. Ghềnh đá cheo leo lởm chởm hà dường như là bước nhảy cố gắng cuối cùng của núi.

Ông lão ngồi trên ghềnh đá, tóc râu bay. Biển về chiều. Sóng hắt màu đồng chảy lên núi, nơi vầng mặt trời đỏ lịm đang mệt mỏi lăn qua.

Từ trong sóng trồi lên một cái mu rùa vĩ đại. Rùa vươn cổ, oai nghiêm:

“Về đi! Bệ hạ về đi! Để mất cung điện chốn trần gian thì phải nương thân chốn thủy cung. Lại vẫn còn giữ được tấm hình hài là người. Há chẳng quý sao! Bệ hạ còn mong gì hơn thế?”.

Tiếng rùa thần âm âm theo sóng, dội vào bờ đá, động cả làng chài. Đàn ông đàn bà người già con trẻ túa ra từ những túp nhà trống huếch trống hoác, hớt hải nhìn nhau rồi cùng chạy thục mạng về phía vịnh, quỳ xuống vái lấy vái để biển chiều. Tiếng rùa thần dội lại từ mỗi vách đá và tiếng vang ai oán của câu trả lời ai cũng nghe thấy. Bụng biển phồng lên, rạn thành muôn vàn sóng nhỏ. Không ai hiểu một điều gì. Tất cả là một sự kinh dị. Tất cả là một sự kỳ diệu.

Ông lão cúi mình:

“Phải! Rùa thần nói phải! Giữ được hình hài, lại được thế nhân muôn đời tiếc nhớ, mấy kẻ làm vua để nước mất còn được thế. Nhưng cũng bởi tấm hình hài là người này chưa tiêu biến mà lòng ta động không yên. Hãy nhìn xem! Rùa thần hãy thử nhìn xem! Có phải nơi này là chốn cùng đường của ta ngày đó không? Rùa thần nhận ra không? Vịnh biển kia là nơi rùa thần hiện lên đón ta vào biển tối”.

Bụng biển phập phồng. Chỉ một đôi người bạo gan nhất mới dám ngước nhìn. Đáy biển động ầm ầm tưởng muốn lở cả bờ vịnh lôi tuột đám dân làng chài xuống. Đấy là tiếng rùa thần đạp nước. Rùa thần khoan thai cưỡi trên lưng sóng bơi vào, khoan thai trèo lên ghềnh đá, vươn cổ dõi nhìn biển lớn. Ông lão cũng nhìn biển lớn, thở dồn:

“Quân giặc tiến như gió cuốn. Lá trên cây khô lại bởi bụi bốc dưới gót giặc. Rùa thần nhớ không? Không còn ai là bộ hạ bên ta. Rùa thần hiện lên, chính chốn này đây, quát bảo: “Giặc ngồi sau lưng nhà vua đó!”. “Chính là nó! Con ta! Ta đã chém đầu nó! Nơi này!”.

Mặt trời lừng khừng bò qua đỉnh núi. Ông lão khỏa tay xuống nước, thở dài:

“Máu nó chảy xuống nơi này. Nước biển nơi này đã tụ tụ tán tán thành mây thành mưa triệu triệu lần. Triệu triệu con trai đã ngậm nước biển này làm thành ngọc quý. Mà sao nước biển tự bấy đến nay còn đỏ?”.

Rùa thần rụt cổ, chán nản trả lời, tiếng như vọng thẳng từ mặt đất đau đớn bởi những mầm đá sắc cắm xuống:

“Bệ hạ sai rồi! Đấy là hồi quang mặt trời. Đừng nhìn xuống! Hãy nhìn lên! Không phải là vầng ô vẫn còn ngự trên đỉnh núi kia ư?”.

“Ta đã từng tưởng vậy. Mà không phải!”. Ông lão mệt mỏi tiếp lời, “Đúng là biển nơi này nước đỏ. Máu con ta không lẽ không tan được trong nước biển hay sao? Ôi rùa thần! Rùa thần thấu hiểu sự đời. Rùa thần quyền thế hơn người. Nhưng rùa không phải là người. Làm sao rùa hiểu được…”.

Gió lồng trong khoảng lặng yên, đưa tiếng nói âm u của ông lão và rùa thần vào tận bờ vịnh, nơi đám người đang tê liệt vì kinh sợ. Rùa thần gục gặc đầu. Mặt đất rung rinh.

“Sao ta không hiểu. Nhưng bệ hạ có còn đường nào khác hay không? Phép nước không chừa thân thích. Bệ hạ còn được hậu thế lưu danh chính bởi bệ hạ dẫu mất nước vẫn không quên phép nước”.

“Người ta tự cổ ai không chết. Ta đâu mong gì hậu thế lưu danh theo cái cách này. Kẻ hại nước là con ta. Ta đã chém chết. Việc của ta, ta phải làm, không ân hận. Nhưng ta thương con ta. Chao ơi… Lúc đó…”.

Gió nâng tiếng ông lão lên cao, rải khắp bốn phương. Trong giọng uy nghi của bậc quân vương có lẫn tiếng thở dài vuốt mỏng như lưỡi gió.

“Rùa thần không nhìn thấy. Nhưng ta, ta không thể nào quên. Nó vươn cổ chờ lưỡi gươm ta bổ xuống mà miệng cười tê tái. Trên vai nó là cái áo lông ngỗng. Không! Người đời bịa đặt. Làm gì có vết lông ngỗng chờ đợi (1). Làm gì có sự nó gỡ áo rắc lông ngỗng bên đường làm dấu cho chồng đến giết cha. Làm gì có chuyện nó để trái tim lầm chỗ (2). Cơ đồ này đắm biển sâu từ đó. Tội tại mình ta!”.

Ông lão thở dốc. Bụng biển phồng, xẹp, phồng, xẹp, phồng, xẹp… Mặt trời vô ưu tuột xuống bên kia núi. Hoàng hôn rơi bàng hoàng.

“Tội tại mình ta! Sao thế nhân lại chỉ thương ta mà đổ tội lên đầu nó. Ôi con ta…”.

Ông lão nói như khóc cùng biển lớn. Thủy triều dâng dị thường…

“… Nó biết cả. Nó biết nó bị cha và đám quần thần biến thành một thứ chim mồi. Nhưng nó yên lặng. Bởi vì nó phải lòng kẻ đó. Bởi vì chúng nó phải lòng nhau. Ta hiểu vì sao họ Triệu gửi con sang xin làm rể. Hòa hiếu thực đâu cần con tin. Nhưng ta đã tự kiêu tự đại tin vào lòng trung của đám quần thần, vào sức mạnh kỳ diệu của nỏ thần rùa tặng, vào nhan sắc con ta. Người đời than họa phúc khôn lường. Đâu phải! Phúc là mầm của họa. Khi người không còn giữ được sáng mắt sáng lòng”.

“Nhưng cũng không hẳn vậy. Con ta có con mắt tinh đời. Kẻ ấy khôi ngô thế! Kẻ ấy tài hoa thế! Kẻ ấy tự tin mà khiêm nhường thế! Cao Lỗ đã khuyên ta… Chính ta đã mù lòa không muốn nhìn ra một điều rất đỗi hiển nhiên. Không bao giờ một chàng trai có cái nhìn thẳng và nghiêm trang rất mực như thế lại để mình thành đất sét trong tay kẻ khác. Không bao giờ một chàng trai như thế lại đem thân qua ải chỉ để toan tính chuyện kết nghĩa phu thê. Không bao giờ một chàng trai như thế lại quên tình cha con nghĩa quân thần chỉ vì nhan sắc đàn bà, dẫu đó là nhan sắc của một công chúa. Ta không thể kết tội kẻ ấy là phản bội. Đất nước này không phải là của nó. Nó bội tình chứ không phản nước. Tội nghiệp con tôi! Ôi con ơi! Cha có tội với đất nước này! Cha có tội với con!”.

Trăng đã lên, tròn vành vạnh, vãi bạc ròng vào sóng. Rùa thần nằm, lặng lẽ như đất, lắng nghe, lắng nghe. Tiếng ông lão giờ chỉ còn như một tiếng thì thầm lẫn vào trong tiếng rì rầm của biển:

“Khi ta gọi con ta ra hỏi ý trước mặt quần thần về chuyện họ Triệu cầu hôn xin thông hiếu, nó đã nhìn ta, tái mặt. Nó biết nó phải đương gánh nặng của nước non này. Nhưng nó dường như cũng biết rằng không thể giấu ta tấm tình nó dành cho kẻ ấy. Giữa nó và kẻ ấy lúc bấy giờ là gió, là lửa, là cái đã bùng lên giữa ta và nàng sơn nữ núi Tản năm nào, người đã sinh nó cho ta mà không bao giờ được là vợ ta. Phải! Ta đã cưới nhiều người đàn bà về sau mà không cưới nàng. Những cuộc cưới hỏi cũng hệt như những cuộc cưới hỏi mà ta muốn thành với họ Triệu. Là chuyện thế và lực cưới nhau chứ không phải là chuyện cưới xin giữa đàn ông và đàn bà, không phải là chuyện tình nghĩa kết ước. Ta có nhiều con với những người đàn bà đó. Nhưng lòng ta trìu mến nhất nó, đứa con mà ta đã mang theo về đất Phong Khê để lại mẹ nó một mình với núi với rừng ngơ ngác. Chính bởi thế mà ta hiểu ngay cái nhìn bối rối của nó và kẻ ấy khi lần đầu chúng giáp mặt nhau. Rùa thần liệu biết chăng? Ta đã âm thầm mừng vui. Dù sao thì con ta cũng sẽ được sống với duyên tình của nó khi đương trên vai gánh nặng sơn hà. Ta đã lầm. Bởi kẻ ấy cũng có một gánh nặng sơn hà. Nhưng đó là một sơn hà khác”.

Tiếng ông lão khản đi, dữ dội và đau đớn:

“Người đời kể tội con ta làm lộ bí mật nỏ thần. Nó biết gì! Phải! Đâu chỉ Triệu Đà. Chính ta, ta cũng muốn mượn tay Trọng Thủy… Con ta phận gái, làm sao hiểu được hết mưu đồ của bọn đế vương. Mà dẫu có biết, liệu nó có thể làm gì! Nó dịu dàng thế, thơ ngây thế! Nó làm sao giải bỏ được tình yêu của nó. Nó làm sao đối phó được với bản lĩnh của kẻ dám khuất thân qua ải vì mệnh nước. Mà ta, ta cũng ngỡ rằng bản lĩnh của Trọng Thủy sẽ bị bào mòn trong chiều chuộng và mơn trớn. Rút lại tội chỉ mình ta. Ôi! Sao trời cao đất dày không cho ta chết cùng đám quần thần giữa cuộc giao tranh! Sao trời cao đất dày bắt ta phải tự tay chém bay đầu đứa con ta yêu nhất! Phải! Rùa thần nói phải! Ta không còn con đường nào khác. Nhưng rùa làm sao thấu hết… Lưỡi gươm ta bổ xuống… Là lưỡi gươm của một bậc quân vương trị tội quần thần bất trung. Là lưỡi gươm của một người cha trừng phạt con bất hiếu. Nhưng ta giết con ta còn là để cứu nó. Con ta không thể sống để nhìn cảnh chồng nó chém đầu cha nó, hoặc giả đóng cũi giải cha nó về kinh thành vừa mất trong nỗi kinh hoàng của chúng dân. Con ta không thể sống để theo chồng trở lại đất Phong Khê, dẫu là trở lại trong tự do. Tự do đó là thứ tự do nhục nhã. Nó không thể gặp lại Trọng Thủy. Nó làm sao kết tội được chồng nó chà đạp lên sơn hà này xã tắc này khi nó biết rõ rằng Trọng Thủy chưa bao giờ phản bội lại cơ đồ họ Triệu. Còn nỗi đau vì bị họ Triệu bội tình bội nghĩa ư? Quá nhỏ! Khi nước non này mất!”.

Rùa thần chật vật xoay tấm thân vĩ đại về phía ông lão:

“Bệ hạ tự giày vò cả ngàn năm nay. Ta biết cả. Nhưng có nghĩa gì điều ấy”.

“Ra thế! Vậy là rùa cũng đã biết ta không ngần ngừ lâu trước lúc chém đầu nó. Con ta không chết lúc đó thì có nghĩa là nó sẽ không chết được. Nó không chết thì Trọng Thủy sẽ không chết. Hai kẻ sống từng yêu nhau đó sẽ sống tiếp ra sao? Lúc ta rút gươm, mọi nhẽ ta chưa cạn. Nhưng bây giờ, khi nỗi đau nỗi nhục đã hóa thạch trong lòng, ta mới hiểu ra rằng nếu ta không giết con ta thì sẽ không có cái kết đó trong câu chuyện người đời kể về nó. Ta không mong gì lưu danh hậu thế, nhưng ta biết rằng những kẻ như ta không thể tránh khỏi sự trở thành huyền sử của thế nhân. Thế nhân đã muốn ta bất diệt, nhưng lại muốn ta tự tay xử trảm con mình. Biết làm sao! Thôi thì đã không cứu nổi nó khỏi miệng tiếng người đời, ta cũng cho con ta được chết để hóa thân thành ngọc”.

“’Vô ích thôi, bệ hạ”. Rùa thần thở dài mệt mỏi, “Những day dứt băn khoăn nên có chăng ở bậc anh hùng danh tướng? Đã là bậc danh tướng anh hùng tất phải nghĩ trên tầm mà kẻ thường tình không thể hiểu nổi, không thể thông cảm nổi”.

“Ai anh hùng ai danh tướng? Cha ta vốn chỉ là một gã sơn tràng mà lập nên nước Thục. Khi theo người tìm gỗ quý chốn rừng sâu núi cả ta đâu biết cha ta đang nghiền ngẫm những gì, ta đâu biết ta sẽ là người mở mang đất Thục, dựng bờ cõi Văn Lang. Không có anh hùng hổ danh tướng báo. Anh hùng danh tướng có chăng là nhờ lời xưng tụng của thứ dân. Không biết tới những ý nghĩ của kẻ thường tình liệu thực là bậc anh hùng danh tướng chăng? Chúng ta chỉ là bọn tội đồ của lịch sử, mới chỉ đi hết nửa phần đường từ kẻ thường tình trở thành bậc danh tướng anh hùng. Còn nửa phần đường trở lại… Biết đâu trong đâu đục! Biết đâu nhục đâu vinh! Kẻ phản trắc là Trọng Thủy. Kẻ anh hùng cũng gã… Giá mà có thể vớt hết trai ở biển này thả vào giếng kẻ ấy đã trầm mình! Rùa thần thấy thế nào? Ờ phải… Ngọc quý chẳng bao giờ nên tụ hết vào một chỗ…”.

… Khuya lắm. Rùa thần cựa mình trườn xuống nước. Đất và nước rùng rình làm chao cả vầng trăng to vành vạnh đang ngoắc chênh vênh trên ghềnh đá. Rùa ngoảnh nhìn ông lão, giọng âm âm:

“Về đi! Bệ hạ về đi! Thế nhân kết tội, mà cũng chiêu hồn cho kẻ đã chết rồi. Bệ hạ cứ ngồi đây than vãn thì phỏng có ích gì? Bất quá lại đi vào một huyền sử mới. Thế nhân ao ước vậy, bệ hạ cũng từng khát khao… Nhưng đấy chính là điều thực chẳng ai cần”.

***

Dân làng chài tiếp tục phủ phục đến tận lúc bình minh lấp lánh nơi chân sóng. Chẳng ai hiểu một chút gì về điều dị thường vừa được chứng kiến. Nhưng họ kể rằng điều dị thường sau đó thỉnh thoảng lại xảy ra. Không ai tường mặt ông lão. Chỉ thấy tóc râu bay. Còn rùa thần thì có thể nhìn thấy cả vết rạn trên mu.

Dân làng chài còn bảo rằng có thể biết trước những lúc rùa thần và ông lão xuất hiện. Thường mấy hôm đó trời rất nắng. Và triều dâng bất thường.

Dân làng chài cũng kể rằng năm nào ông lão và rùa thần hiện, năm đó mưa thuận gió hòa, được mùa biển, không có người mất xác ngoài khơi.

Điềm trời rõ ràng đến nỗi làng chài lập miếu thờ ông lão và rùa thần. Ra khơi vào lộng không ai dám không bái vọng vào ghềnh đá, nơi có ngôi miếu đơn sơ.

Nhưng không kẻ nào ở làng chài biết rằng ông lão hiện lên từ biển lớn và con rùa vĩ đại kia là ai. Họ cũng không tìm biết. Với họ, thần linh là thần linh, càng mơ hồ càng thiêng. Với họ, chỉ có biển là giản dị, động và tĩnh, được và mất, tất cả đều giản dị. Và chỉ tên các loài cá đang lang thang trong biển tối mới thực sự có ý nghĩa.

Limburg 9. 2000

……………………………………………

Chú thích:

1. Vết lông ngỗng chờ đợi: Tên một bài thơ của Lê Giang.

2. Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu – Trái tim lầm chỗ đặt lên đầu – Nỏ thần vô ý trao tay giặc – Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu… (Tố Hữu)

Comments are closed.