Anh chị Nguyên Ngọc

Lê Minh Hà

Ist möglicherweise ein Bild von 2 Personen und Innenbereich

   

Tôi gọi ông là anh. Dù ông ở tuổi sinh ra vợ chồng tôi.

Năm 2003, tôi gặp Nguyên Ngọc lần đầu. Không trong tư cách bạn đọc hay cùng là người viết. Tôi vượt gần 700 cây số tới München cùng cả gia đình để gặp ông, chỉ để nói một lời cảm ơn. Ông, và một kiến trúc sư ở Pháp nay đã mất, đã giúp gia đình tôi một việc với chúng tôi khi đó là bất khả, giúp, không cần một lời nhờ cậy, không có một quan hệ thân thiết nào trước đó. Cái việc bất khả ấy không phải chưa từng ai biết, nhưng, hoặc là giúp mà không thành, hoặc tự nhận giúp rồi âm thầm bỏ mặc chúng tôi trong một hi vọng không cùng, hoặc, đơn giản là khuyên một cách lí trí rằng cái gì không nằm trong tầm tay thì quên đi. Quên đi, mà tập trung làm việc to tát như là… Quên đi! Tôi – một người mẹ đã được khuyên như thế khi đang vô vọng tìm cách đoàn tụ với con mình. Điều bất ngờ với tôi là những giúp đỡ nửa vời và lời khuyên kia lại tới từ những người tài không nhỏ và danh lớn.

Nguyên Ngọc, và ông kiến trúc sư Việt kiều bên Pháp, một người chưa từng gặp tôi, một người mới gặp tôi đúng một lần qua một bữa ăn chung, cả hai chỉ biết về chúng tôi qua chữ, đọc được qua chữ của chúng tôi những u uẩn về lịch sử, về đời sống xã hội, cả hai, khi vô tình biết khó khăn trong đời sống của chúng tôi đã tự động gọi cho vợ chồng tôi từ Paris, đề nghị giúp đỡ, và làm thật. Một đời tôi biết ơn hai ông, người đã mất đột ngột mấy năm trước, người thì tuổi cao sức yếu và đang phải đối diện với một mất mát không thường: bạn đời đột ngột ra đi.

Tôi gặp Nguyên Ngọc thêm một lần sau đó hai năm – năm 2005, hôm sau ngày về Việt Nam. Đêm đầu tiên ở Việt Nam sau hơn mười năm xa, tôi đọc trọn Đèn vàng của Trần Chiến và rồi chìm nghỉm trong một cuốn sách của Nguyên Ngọc, về các dân tộc bản địa Tây Nguyên, về văn hóa rừng – làng. Đọc, và nghĩ. Nghĩ tới Đất nước đứng lên từng đọc từ khi sáu bảy tuổi, không hiểu sao lại đặc biệt nhớ giọt nước mắt trước ngày ôm con đi tập kết của người anh hùng đi đầu trong việc vượt qua nỗi sợ truyền đời là kẻ thù không chảy máu, không thể chiến thắng. Nghĩ tới Đất Quảng tập 1 đọc được ở tuổi lên chín trong xóm nhỏ nơi sơ tán, run rẩy khi hình dung con Thắm trong sách là mình. Nghĩ tới Rừng xà nu bao lần lên lớp bình giảng cho lũ học trò mười sáu mười bảy tuổi. Nghĩ tới những cuốn sách ông đã viết và đã dịch, đã đưa ông đi xa và trở về với chính mình, như một con người lý tưởng, một cây xà nu ham nắng trời. Và biết, nhà văn kháng chiến năm xưa là một nhà văn hóa của hôm nay, và là trường hợp duy nhất.

Lần tôi gặp Nguyên Ngọc năm 2005 đó là ở nhà ông tại Lý Nam Đế. Trong căn phòng tí hon nực nội, bốn tiếng đồng hồ, tôi ngồi ngắm và nghe người đàn ông già bé nhỏ nói, không về những gì từng trải, mà về khát khao nâng cao dân trí, về công việc ông đang làm: xây dựng trường Đại học Phan Châu Trinh ở đất quê Hội An. Tôi đã biết qua nhiều chuyên gia Việt kiều ở Mỹ và châu Âu về mục đích tham gia vào giáo dục của những chuyến Nguyên Ngọc đi xa gần trong ngoài nước. Nguyên Ngọc say mê, phấn hứng, tin tưởng trình bày về những dự định của mình, về những mối liên kết chuyên môn không vụ lợi ông đã thiết lập hầu đảm bảo cho hoạt động của trường đại học sắp thành hình, về niềm hi vọng một tầng lớp trí thức thật sự, giỏi chuyên môn, biết day dứt về thời thế, không cô độc trong suy tưởng… sẽ xuất hiện từ những người trẻ tuổi. Nghe ông, tôi chắc chắn với mình một lần nữa: con người bé nhỏ này là một nhà văn hóa!

Chữ nghĩa Việt về nhà văn, nhà văn hóa Nguyên Ngọc chúng ta đã đọc rất nhiều rồi, và sẽ còn đọc được nhiều nữa ở nhiều thời nữa, như hôm nay chúng ta vẫn đọc, vẫn kinh ngạc về một đồng hương của ông, người đã sống, đã làm nên bi kịch lịch sử cho riêng mình ở một thời đại không thể thiếu mình: Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam.

Tôi không biết gì về Nhất Linh nhiều hơn những gì chúng ta đã biết qua sách vở trong và ngoài nước và qua đôi ba câu chuyện với anh Nguyễn Tường Thiết con trai út của ông. Nhưng tôi từng nghe Hoàng Ngọc Hiến tuyên bố giữa nhà tôi rằng Nhất Linh là nhân vật lịch sử đáng trọng nhất của dân tộc Việt trong thế kỉ 20.

Tôi không biết gì về Nguyên Ngọc nhiều hơn những gì chúng ta từng biết qua sách vở, cùng hai lần gặp mặt, mà thực sự chỉ có một lần được nói chuyện lâu với ông. Nhưng, tôi biết, đằng sau nhà văn lớn, đằng sau nhà văn hóa lớn mà vóc dáng vô cùng bé nhỏ kia là một con người, rất người, rất nhạy cảm, con người đã góp phần làm nên những tráng ca, hùng ca, bi ca của dân tộc mình ở thời đại này nghe được những tiếng thở dài của những người quá đỗi bình thường như tôi, vì những người bình thường nhút nhát như tôi, ở những sự vụ thiết thân song với không ít người nhiều tầm ảnh hưởng thì đó chỉ là vụn mọn.

Chưa một lần gặp lại kể từ năm ấy, và có lẽ sẽ không còn khi nào gặp lại, nhưng tôi luôn nhớ Nguyên Ngọc buổi sáng tháng sáu cùng lần chuyện trò duy nhất đó.

Nhớ ông, không hiểu sao tôi nhớ bộ ấm chén Phù Lãng giản dị trên bàn nước.

Và nhớ một bóng người. Vợ ông.

Khi tôi về, ông dẫn tôi vào chào bà. Trong bóng sáng âm âm của căn bếp, một người đàn bà dong dỏng cao, mắt rất đen và mũi cao mỉm cười nhìn tôi, im lặng. Hơn bốn tiếng đồng hồ, người ấy ở sau lưng chồng, không một tiếng động. Hơn bốn tiếng đồng hồ, người ấy lắng nghe câu chuyện về đất nước vì đất nước của chồng mình, không một lần ra mặt, ra giọng. Bà đã lắng nghe ông như thế này suốt bao năm trong cuộc đời mình, khi xa nhau và khi bên nhau, giữa chiến tranh và hòa bình.

Không hiểu sao lúc đó tôi lại nghĩ tới Nguyễn Tường Tam Nhất Linh và bà vợ ông. Và hiểu: Không phải Nguyên Ngọc chỉ có một người vợ hiền, yêu thương, cảm thông, vì chồng, như rất nhiều người vợ người mẹ Việt đã đi bên đời những người chồng vĩ đại của mình. Nguyên Ngọc có một người vợ là đồng chí.

Chị mất, đột ngột, nhưng đúng tuổi, không phải đau đớn gì như đã từng đau một thời tuổi trẻ tù ngục, không phiền lụy người còn sống. Đến một tuổi, như tôi bây giờ, còn ai có mong mỏi gì hơn! Đến một tuổi, tôi bây giờ hiểu ra: dẫu thế, mình sẽ không kham nổi một đời sống đẹp đẽ, lặng lẽ như người vừa khuất.

Em xin chia buồn với anh Nguyên Ngọc và bạn con gái của anh chị, và tất cả những người luôn mong đồng hành cùng anh dài lâu trên những suy tưởng lớn.

Vĩnh biệt chị! Người em chưa từng nghe chuyện bao giờ.

Comments are closed.