Anh Hiệu như tôi biết

Chu Hảo

Dù cho đã có lúc giữa anh và tôi có khúc mắc, như tôi đã kể trong bài “Vi điện tử ở Việt Nam – chuyện bây giờ mới kể”, và những năm sau đó, trong bối cảnh ít tinh thần hợp tác của nhóm vật lý đầu đàn nước nhà (gồm anh Nguyễn Đình Tứ, anh Vũ Đình Cự và anh), quan hệ giữa chúng tôi nhiều khi cũng “bằng mặt chứ không bằng lòng”, nhưng trong sâu thẳm lòng mình bao giờ tôi cũng dành cho anh sự nể trọng, biết ơn và cảm thông.

Tôi nể trọng anh vì tất cả những gì anh đã cống hiến cho khoa học nói chung và cho nền vật lý nước nhà. Anh là người lãnh đạo quyết đoán, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Vào những năm 60 của thế kỷ trước anh là thần tượng của chúng tôi, những người học Vật lý ở Liên Xô cũ. Nghe anh thuyết trình trên các semina ở Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna (ngoại ô Moscow) và Viện Vật lý lý thuyết ở Kiev, chúng tôi lâng lâng trong niềm đam mê khoa học và không khỏi tự hào vui sướng vì có người đồng nghiệp đàn anh (tuy chỉ hơn chúng tôi vài ba tuổi) xuất chúng giữa môi trường khoa học đỉnh cao của Liên Xô thời đó. Anh là học trò cưng của các Viện sĩ Bagaliubov và Logunov, những người giàu ý tưởng, còn Nguyễn Văn Hiệu thì tính toán rất nhanh để hiện thực hóa. Bốn năm sau khi sang Dubna anh bảo vệ xong cả bằng PTS và TS vào năm 1964, đã trở nên nổi tiếng và có nhiều học trò. Tôi nể trọng anh vì tính năng động, nhạy bén và làm việc hết mình. Có thể nói không ngoa rằng năng suất lao động chân tay (nhất là trong công việc gia đình) và lao động trí óc của anh đều gấp đôi những người chăm chỉ. Mặc dầu có nhiều đánh giá khác nhau, đôi khi đến trái chiều, vì anh không thể không mắc sai lầm, thậm chí có cái không nhỏ; nhưng đối với tôi anh vẫn là người lãnh đạo có tài tổ chức và chăm lo hết lòng cho các thế hệ đàn em.
Tôi biết ơn anh trước hết vì chính anh đã hướng dẫn cho tôi cách tự học để độc lập nghiên cứu sau khi nhận bằng PTS vào năm 1968. Khi ấy anh đã đưa tôi vào làm việc ở Dubna trong bộ môn Vật lý Lý thuyết Chất rắn. Anh hỏi tôi cặn kẽ những gì tôi đã học và khuyến khích tôi nắm vững hai công cụ quan trọng là Lý thuyết nhóm và Hàm Green cho Vật lý Chất rắn. Anh bảo: “Phải chọn lấy vài cuốn quan trọng nhất trong lĩnh vực ấy để ‘đánh chết bỏ túi’, có nghĩa là làm lại tất cả các công thức từ chương đầu đến chương cuối, không bỏ sót bất kỳ công thức nào. Sau đấy sẽ đọc hiểu mọi thứ và làm toán dễ dàng”. Để thị phạm, anh chỉ cho tôi xem cách đọc như thế của anh đối với cuốn Lý Thuyết trường lượng tử của Bagaliubov mà ai cũng biết là vô cùng khó. Thật kinh ngạc, anh đã chứng minh lại tất cả các công thức cuối cùng mà tác giả viết ra sau các mệnh đề “từ đó dễ dàng suy ra”, “rõ ràng là” … và ghi lại trong các mảnh giấy kẹp ở mỗi trang. Và tôi bỏ ra cả năm trời để thực hiện điều anh chỉ dẫn. Tôi cũng không bao giờ quên chuyến tàu hỏa 10 ngày từ Moscow về Hà Nội cùng cả gia đình anh vào năm 1969. Trong 10 ngày ấy anh đã chia sẻ với tôi rất nhiều về công việc anh được Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao cho là thành lập Viện Vật lý và Viện Khoa học Việt Nam. Những năm sau đó tôi đã làm việc với sự tin cậy của anh cho đến lúc chia tay nhau vào năm 1976. Anh cũng chính là người giới thiệu tôi vào cái đoàn thể chính trị mà sau này tôi đã rời bỏ. Tôi cám ơn anh vì đã không trách móc lại còn cảm thông với quyết định ấy của tôi.

Về phần mình tôi cũng hết sức cảm thông với anh về những điều không như ý trong cuộc sống riêng tư. Nhưng quan trọng hơn là những điều khiến anh buộc phải lựa theo theo thời cuộc, làm mất đi ít nhiều vẻ đẹp của một nhà khoa học chân chính. Cũng như các anh Nguyễn Đình Tứ và Vũ Đình Cự, các anh đã được sử dụng như những “bông hoa” của chế độ. Việc này được cụ thân sinh của anh Tứ nói thật hay trong bữa cơm gia đình mừng anh Tứ được dự kiến tham gia Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, đại ý: Anh Tứ phải nhớ là người ta xếp sắp anh vào đó chỉ như vị cam thảo trong thang thuốc bắc thôi! Thật là lời răn chí lý của cụ đồ xứ Nghệ. Cả ba anh đều tận tụy trong công việc, đều tận dụng tối đa lợi thế trong vai trò chính trị của mình để làm việc chuyên môn, nhưng mỗi người ứng xử một kiểu. Anh Tứ thì tận tụy, anh Cự thì khôn khéo, còn anh Hiệu thì lúc nào cũng sục sôi và “hồn nhiên thẳng tiến”. Các anh đều có uy tín và cá tính nên không dễ gì ăn ăn ý với nhau. Nhà nước đã khéo léo sắp xếp cho các anh mỗi người một khoảng trời riêng ngang với cấp Bộ trong hệ thống hành chính nước nhà: Anh Hiệu ở Viện Khoa học Việt Nam, anh Tứ ở Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, và anh Cự ở Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia.

Bây giờ cả ba anh ở thế hệ vàng ấy đều mất cả rồi! Tôi viết những dòng này vào ngày anh Hiệu mất như thắp một nén hương lòng cầu chúc cho linh hồn anh siêu thoát về nơi Vĩnh hằng. Ở đó mong anh mau gặp lại hai người bạn cũ một thời cùng cảnh ngộ, các anh sẽ tay bắt mặt mừng, bằng mặt cũng như bằng lòng, phù hộ cho các thế hệ vật lý nước nhà vẫn còn trên trần thế.

Hà Nội, đêm 23 tháng 1 năm 2022

Comments are closed.