Bà Tôi

Truyện

Phùng Thành Chủng

Thế là bà tôi được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Cháu tôi hỏi tôi:

– Bà gọi là bà sao?

– Ừ, bà gọi là bà, bà nội.

– Thế bố cháu?

– Bố cháu là chắt, gọi là cụ, cụ ngoại.

– Còn cháu?

– Cháu là chút, gọi là kỵ…

Ngừng một lát như để ghi nhớ những điều vừa nghe, nó lại tiếp:

– Bà ơi, thế kỵ làm gì mà được phong anh hùng?

– Vì kỵ có một người con trai độc nhất, là liệt sĩ!

– A, vậy là cháu biết rồi. – nó reo lên – Vậy cháu là chắt gọi liệt sĩ là cụ ngoại. Bố cháu là cháu gọi liệt sĩ là ông ngoại… Còn bà… bà là… con của liệt sĩ.

– Ừ, bà là con…

– Thế mà chẳng bao giờ cháu nghe thấy bà nói chuyện về cụ, về kỵ…

– Lâu quá rồi… Bà cũng quên mất…

Không nhận ra điều không bình thường trong câu trả lời của tôi, cháu tôi vẫn hồn nhiên:

– Thế cụ hy sinh năm nào hả bà?

– Năm 1950.

– Năm ấy cụ bao nhiêu tuổi?

– Hai ba tuổi.

– Còn kỵ? Kỵ mất năm nào?

– Sau đó bốn năm.

– Năm đó kỵ bao nhiêu tuổi?

– Bằng tuổi bà bây giờ…

– Bằng tuổi bà là bao nhiêu?

– Năm mốt.

– Năm mốt – nó nhẩm tính – vậy nếu còn sống thì năm nay kỵ cũng chỉ mới ngoài chín mươi…

– Ừ, còn sống thì năm nay kỵ chín lăm, cũng gần trăm tuổi rồi…

– Giá như kỵ còn sống để biết mình được phong anh hùng bà nhỉ?

– Ừ, giá như kỵ còn sống… – Tôi lặp lại lời của cháu mà thấy tim mình như bị ai bóp chặt, nước mắt cứ chực trào ra…

***

Bà tôi đã bị quy là địa chủ và bị xử bắn trong cải cách ruộng đất.

Không hiểu nghe ai xui khôn xui dại, mẹ tôi đã đứng ra tố bà tôi: “Thủ đoạn bóc lột của mụ ta rất tinh vi, xảo quyệt. Mụ luôn lấy tấm gương thờ chồng nuôi con của mình ra để ngăn cản không cho tôi tái giá, mục đích biến tôi thành người làm việc kiêm đứa ở không công trong nhà…”.

Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, bây giờ ngồi hồi tưởng lại, những kỷ niệm đau buồn – vết thương lòng của một thời – mà thời gian đã kéo lên lớp da non, bỗng tấy lên nhức nhối.

Bố tôi hy sinh trong chiến dịch biên giới khi tôi mới ba tuổi. Thời gian còn chưa kịp để bà tôi nguôi ngoai thì năm sau tiếp thêm cái chết của ông tôi. Làm thầy thuốc, chuyên bốc thuốc trị bệnh cứu người nhưng rốt cục ông tôi đã không thể cứu mình thoát khỏi lưỡi hái tử thần, bởi nỗi đau buồn từ cái chết của bố tôi khiến căn bệnh nan y của ông tôi tái phát.

Sau hai cái tang gần như cùng lúc, bà tôi nằm liệt giường mất mới tháng. Vừa vực dậy được, có người đến rỉ tai là có mấy nhà ở làng muốn bán ruộng với cái giá phải chăng, bà tôi liền quyết định bán căn nhà ở phố phủ vốn là cửa hàng thuốc của ông tôi, cộng với gánh hàng xén của mình và số vốn liếng dành dụm được trước đó, bà đem tậu ruộng. Bà đâu ngờ rằng những người bán ruộng cho mình đều thuộc những gia đình cương vị cao trong hàng ngũ cán bộ, nên biết trước tình thế, họ đã bán tống bán tháo số ruộng của mình để chạy làng…

Vì vậy, tính đến khi bị quy là địa chủ và bị xử bắn, bà tôi mới làm chủ ruộng trên dưới ba năm. Lý do mà họ đưa ra quy tội cho bà là nhà chỉ có một lao động (không tính mẹ tôi, vì mẹ tôi đã tự coi mình là người bị bà bóc lột) mà có hơn chục mẫu ruộng, là người nhiều ruộng nhất làng và do đó cũng có nhiều người làm thuê nhất làng.

Trước đó, bà không nghĩ mình có thể bị bắn, nhưng có lẽ lo tôi sẽ theo mẹ mà cắt đứt với bà, nên có lần bà đã gọi tôi lại hỏi ướm: “Mẹ cháu bảo mấy hôm nữa về đón cháu đi đấy!”. Tôi đã bảo bà: “Không, cháu không đi đâu cả. Cháu ở với bà”. Bà đã sung sướng kéo tôi vào lòng, âu yếm xoa đầu khen tôi ngoan, hứa sẽ mua cho tôi bộ quần áo mới để mặc tết… Rồi cả hai bà cháu ngồi ôm nhau khóc…

Tôi không thể ngờ, và bà tôi lại càng không ngờ, đó là lần cuối cùng hai bà cháu còn được ngồi với nhau.

Sau đó, bà tôi đã gửi tôi về bên ngoại, cách nhà tôi chừng hai cây số, nhờ các ông cậu bà mợ trông nom. Sau này tôi mới biết chính trong thời gian đó, bà tôi đã phải chịu đựng biết bao nhục nhã ê chề. Không chỉ ruộng đất, tất tần tật của nả, từ thóc lúa con trâu cái cày cho đến chổi cùn rế rách trong nhà bà tôi đều bị tịch thu. Năm gian nhà ngói và ba gian nhà ngang trên mảnh đất mười hai thước được chia cho ba hộ thành phần bần cố nông.

Bà tôi bị giam lỏng, bị dân quân canh gác, đi đái đi ỉa phải xin phép và phải lễ phép chào hỏi, dạ vâng, phải xưng con và phải gọi bằng ông bà tất cả những người mình gặp, kể từ đứa trẻ con còn ẵm ngửa trở đi…

Ngày bà tôi bị bắn, như có linh tính mách bảo, tôi từ bên ngoại trốn về. Đến nhà, không thấy bà đâu lại thấy nhà cửa tan hoang như vừa bị cướp, tôi oà khóc to, nghĩ rằng tai hoạ hẳn đã giáng xuống bà tôi, và đúng lúc bà cần tôi thì tôi lại không có mặt, tôi đã vĩnh viễn mất bà… Đúng lúc đó, một “ông” dân quân vai đeo súng dẫn hai người đàn ông đứng tuổi (sau này tôi mới biết một người cũng bị quy địa chủ, người kia làm nghề thầy cúng) đi vào. Theo lệnh của “ông” dân quân, hai cánh cửa sổ nhà tôi được tháo xuống, mỗi người một cánh vác đi. Tôi chạy theo, kêu to:

– Sao các ông tháo cửa nhà tôi?

“Ông” dân quân quay lại:

– Nhà nào của mày. Nhà của nông dân đấy. – Rồi ông ta nhìn tôi, cười nhăn nhở – Mà hai cánh cửa này là cho bà mày đấy!

– Bà tôi đâu?

– Ủa, mày chưa biết gì à? Có muốn chia tay bà mày thì cứ ra đồng Trước…

Đồng Trước! Bà tôi ra đồng Trước làm gì? Tôi vội hớt hãi chạy theo bọn họ…

Cánh đồng Trước vừa gặt xong còn trơ gốc rạ, giờ là cả một biển người với cờ, loa, khẩu hiệu, cả rừng cánh tay giơ lên, hạ xuống cùng những tiếng hô “Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!” vang ầm trong niềm phấn khích của cái đám đông tin mình vừa được đổi đời!

Tôi đến nơi đúng lúc người ta thi vừa hành án với bà tôi xong và toà án cách mạng đã tuyên bố kết thúc phiên toà. Giờ đây, tôi mới hiểu hai cánh cửa sổ được tháo ra dùng để làm gì. Một cánh thay cho tấm “địa”, một cánh dùng làm tấm “thiên”, rồi với hai vòng thừng hai đầu và chiếc đòn tròn (loại đòn dùng gánh rạ), ông địa chủ và ông thầy cúng theo lệnh “ông” dân quân khiêng xác bà tôi ra bãi tha ma. Ngoài việc dành cho bà tôi hai cánh cửa để làm “cỗ áo quan”, người ta còn chứng tỏ lòng nhân đạo bằng việc đốt cho bà tôi cả một bó nhang.

Cứ nghĩ chết là hết nhưng số bà tôi vẫn chưa hết khổ cả sau khi chết. Dù bà thấp bé nhưng vì hai cánh cửa sổ quá ngắn, nên suốt dọc đường ra bãi tha ma, mái tóc và hai chân bà tôi từ dưới đầu gối cứ lê thê quết đất…

Khi chỉ còn cách bãi tha ma một đoạn, bó nhang phía đầu “áo quan” bỗng nhiên bùng cháy, bén vào tóc bà tôi. “Ông” dân quân ra lệnh cho hai người kia hạ bà tôi xuống, và thật bất ngờ khi “ông” ta chỉ vào ông thầy cúng rồi chỉ vào mớ tóc đang cháy của bà tôi, ra lệnh:

– Thằng này! Đái!

Ông thầy cúng lắp bắp mãi mới thốt được nên lời:

– Dạ… thưa ông… con… con không mót…

“Ông”dân quân liền quay sang ông địa chủ:

– Vậy thằng này…

Nhưng đúng lúc đó, nhìn thấy đũng quần của ông địa chủ đã ướt sũng, “ông” dân quân liền xăm xăm đi đến trước mặt bà tôi và vén quần lên…

Tôi vội nhào đến, chỉ kêu được hai tiếng Bà ơi rồi không còn biết gì nữa…

***

Do bà tôi có người con trai tham gia cách mạng và lại là liệt sĩ, nên trong sửa sai sau này, gia đình tôi lại được xếp vào loại “địa chủ kháng chiến”. Năm gian nhà ngói và ba gian nhà ngang trên mảnh đất mười hai thước được trả lại. Để tự trừng phạt cho những việc mình đã làm với bà, mẹ tôi đã tự mình tìm đến cái chết. Nhưng mẹ tôi không đủ can đảm chết ở làng mà ra Hà Nội, tìm đến tận hồ Ha le để trầm mình…

Sau đó ít lâu, bà tôi được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Anh hùng? Không, bà tôi không phải là anh hùng. Bà tôi đâu có làm gì để được gọi là anh hùng. Cũng như trước đây, bà tôi chưa bao giờ là “địa chủ cường hào ác bá bóc lột”.

Bà tôi chỉ là một phụ nữ Việt Nam như bao phụ nữ Việt Nam bình thường khác. Bà chỉ biết có gia đình và tình thương yêu dành cho chồng-con-cháu…

Xin hãy để cho linh hồn bà tôi được yên nghỉ. Tôi muốn bà tôi mãi mãi vẫn chỉ là bà của tôi mà thôi…

Comments are closed.