Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 1)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

“… Bác sĩ trưởng khoa” không đơn thuần chỉ là cuốn tiểu thuyết hư cấu được hình thành trên nền tảng những đặc điểm của Chủ nghĩa hiện thực cổ điển rất phổ biến ở thế kỷ XX, đem đến cho người đọc những trang viết đầy cảm xúc, mà phía sau nó, còn một hồ sơ chuyên môn, được ghi chép trung thực bởi một nhà văn, vốn là chuyên gia phẫu thuật, dưới dạng những đoạn hồi ức như một thủ pháp đồng hiện, phơi bày những góc khuất của ngành y mà hầu hết người dân chưa từng biết đến. Đồng thời, cũng từ mặt trái của chuỗi bệnh viện công, người ta có quyền suy luận đến hiện trạng xã hội, một hiện trạng rất không bình thường, ẩn chứa nhiều rủi ro bất trắc, liên quan đến số phận cộng đồng nhưng lại bị giấu kín dưới lớp vỏ bọc hào nhoáng.

Vấn đề của “Bác sĩ trưởng khoa” là vấn đề thời đại. Tinh thần thời đại ấy bao quát mọi hoạt động xã hội. Nó dường như đã trở thành một hình thái văn hóa, đạo đức chi phối hành vi và nhân cách mỗi viên chức trong hoạt động chuyên môn hàng ngày. Nói như vậy, có nghĩa là, mỗi một kíp mổ và quá trình mổ xẻ trong bệnh viện nào đó, đều được xem như một công đoạn vận hành của cấu trúc xã hội. Vì thế, nó không dừng lại ở những y cụ như dao kéo, panh, bông gạc hay gây mê, hồi sức… mà còn là tâm thức xã hội, sự tử tế hay bất lương, và rộng hơn là triết lý sống mang trong mình nó tư tưởng nhân văn hay lạnh lùng vô cảm của cả một cộng đồng”.

Văn Việt trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn cuốn tiểu thuyết “Bác sĩ trưởng khoa” của nhà văn Vũ Oanh, do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2014

Văn Việt

Kỳ 1

Bác sĩ Trần Tử Khang lững thững bước trên con đường trải nhựa rợp bóng xà cừ.

Vào lúc cuối ngày như bây giờ, bên ngoài những khoa phòng điều trị của quân y viện này, thường vắng người qua lại. Đi dạo một mình sau bữa cơm chiều là một thói quen và cũng gần như một nhu cầu của Khang. Đó là khi ông có thể suy nghĩ về chuyện đời, chuyện nghề rõ ràng và mạch lạc nhất.

Trở về miền Bắc, từ vùng rừng núi Tây Nguyên, sau ngày toàn thắng 30 tháng tư, như mới đây thôi, mà đã hơn chục năm trời. Khang đệ đơn, xin được công tác ở Hà Nội. Đề cương khoa học về một số bệnh khó chữa, đã được Khang viết ra chi tiết. Có làm việc ở thủ đô, với những trí thức hàng đầu và phương tiện hiện đại, ông mới có điều kiện nghiên cứu, ngõ hầu thực hiện.

Nguyện vọng và tinh thần của đồng chí rất tốt, rất chính đáng. Lãnh đạo chúng tôi hết sức trân trọng và hoan nghênh. Nhưng đáng tiếc, chỉ tiêu biên chế cán bộ ở tuyến trung ương không còn. Khang trình bày thêm, rất tha thiết và cặn kẽ, những ý tưởng cũng như giá trị của các đề cương khoa học ấy. Đồng chí cười, mời nước, rồi ngồi im lặng ngắm nghía hai bàn tay của mình. Bác sĩ “R” cả chục năm trời, lý lịch cũng đã thay đổi cơ bản; lập trường, quan điểm đã bấp bênh, tư tưởng lại duy tâm, siêu hình và không tưởng hàng bồ… Ngâm cứu ngâm kiếc gì nữa!

Khang vẫn nhớ, chính đồng chí đó đã đến tận nhà ông bà Đặng Vũ Chí Thành để bàn thảo, chọn lựa nơi gửi mình đến học chuyên khoa ngoại, và cũng là để sắp xếp luôn đơn vị công tác cho anh ở chiến trường. Cũng chính ông đã đưa Khang nhập đoàn cán bộ của Bộ Tổng tham mưu vào B3, giúp anh đỡ những khó khăn, gian khổ dọc đường. Họ đi nghiên cứu tình hình mặt trận, tổng kết giai đoạn chống “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Khi ấy, chỉ huy ở Hà Nội hay những người cùng đi trên đường Trường Sơn đều rất ưu ái Khang…

Đoàn của Khang đến trạm giao liên đầu tiên của Đoàn 559 ở bản Ho, Thạch Bàn, Quảng Bình lúc mặt trời sắp lặn. Cái đồng hồ Poljot của anh ngấm nước cơn mưa bất chợt giữa trưa, không còn chạy nữa. Rời Hà Nội mới mấy ngày đêm, mà sau lưng đã dằng dặc những Ngã ba Đồng Lộc, sông Lam, Bến Thuỷ… Và, hun hút Hà Nội với Hoàng Anh, Ly Ly cùng ông bà Thành… Lại càng xa lăng lắc ngôi nhà nhỏ ở làng Đông quê hương với người mẹ già và bà con thân thuộc trong xóm ngoài làng…

Đêm Khe Tang trăng mờ. Nước lũ cũng đang dâng cao mờ mịt. Những Khe Ve, đèo Mụ Giạ, đèo O Ngà… Các trưởng binh trạm dọc đường Trường Sơn, người nào mặt mũi cũng xanh xao, hai mắt thâm quầng, hốc hác vì sốt rét, đói ăn, thiếu ngủ. Những cái bếp Hoàng Cầm, những bãi khách, con đường len lỏi trên núi, trong rừng sâu với những cái dốc dựng đứng, những ngầm đá hộc, những đoạn đường rất dài được lát bằng cây rừng ngả xuống…

Cái xe chở Khang nguỵ trang như một bụi cây rậm, leo lên đèo Tà Khống. Con đường đất đá ngoằn ngoèo, bên này vách núi cheo leo, bên kia khe vực sâu thẳm. Âm vang tiếng nước réo gầm, hòa cùng với ào ào gió ngàn. Không biết bao nhiêu những hố bom, đất đá vụn tơi như bột. Cây rừng bị phạt cụt ngọn, đứt cành, bật gốc, gẫy đổ nghiêng ngả… Như đã cháy rụi cả một vùng rộng lớn miền Tây Quảng Trị.

Trăng phủ xuống rừng núi và con suối rộng chừng hơn một trăm mét, nước chảy ầm ầm, một thứ ánh sáng nhàn nhạt, lạnh lẽo. Ban ngày trời nắng gắt, thêm bom đạn và lửa cháy; không khí lúc nào cũng nóng rừng rực. Đêm về, không gian lạnh đi rất nhanh. Máy bay Mỹ thả pháo sáng liên tục, mười phút một đợt; tưởng nhìn rõ hết cả những con sâu, cái kiến ở trên mặt đất. Vừa dứt đợt bom giội và rốc két bắn phá khá dài, xe Khang gài số một, bám theo đoàn xe tải vào ngầm. Nó gầm gừ, lắc lư và nhảy chồm chồm giữa hai hàng cọc tiêu người đứng. Những thanh niên xung phong, người quấn kín dù trắng, ở đâu đó xuất hiện rất nhanh. Họ đứng thành hai hàng ngang dưới lòng suối, cách nhau khoảng hai mét, nước suối ngập quá đầu gối. Tiếng thác chảy trong đêm khuya, mỗi lúc một thêm vang động. Rất khó phân biệt nam nữ, những “cọc tiêu người” hướng cho xe đi đúng đường đá hộc xếp ngầm ở dưới mặt nước. Nhìn hai hàng “cọc tiêu”, Khang kêu hết giọng: “Chỉ cần một hàng tiêu thôi. Bố trí như thế này, mỗi đêm làm khổ thêm quá nhiều người!” Không ai nghe những tiếng nói vu vơ, đơn độc, lạc lõng, lọt thỏm vào dòng nước trong tiếng gió gào và tiếng thác lồng lộn. Có lúc Khang sợ thót tim, tưởng xe mình đè chìm nghỉm mấy “cọc tiêu” rồi! Khang cố, nhưng không thể nhìn trọn được một khuôn mặt nào. Những cái dù trắng quấn hầu kín thân họ. Chỉ thấy những đôi mắt trẻ trung quầng to, trũng sâu dưới vành mũ tai bèo. Có mấy “cái cọc tiêu” lẩy bẩy, run rẩy, chao đảo như sắp gục ngã. Dòng suối lớn chảy xiết, bị ngăn lại dở chừng, nó vượt lên và gầm réo hung dữ hơn. Khang không biết ba bốn “cái cọc tiêu” loạng choạng, liêu xiêu, vì sức nước dồn, vì lạnh, vì đói, hay vì họ đang lên cơn sốt rét?

Trên trời, lại máy bay giặc gầm rú. Tiếng bom đinh tai, nhức óc; tiếng rốc két chát chúa…

Xe nhảy chồm chồm giữa lòng suối, lúc chúi xuống, lúc vọt lên, rồi cũng qua ngầm. Khang xót xa cho hơn một trăm con người. Họ phải đứng ngâm chân trong dòng nước lạnh, nửa đêm về sáng càng thêm tê tái, giá buốt! Xe Khang nặng nhọc bò tiếp, khi lên dốc, lúc xuống đèo. Trong xe có người bảo, thị trấn Xê Pôn của nước bạn Lào ở ngay phía trước, mà đi mãi cũng chưa thấy tới.

Lại cọc tiêu người. “Tiêu” được rải trên những đoạn đường đèo cua gấp. Cũng như ở dưới lòng suối, họ đứng đối mặt, hàng ngoài chênh vênh ngay trên bờ vực. Hàng trong, “cọc tiêu” đứng lẫn với những cây rừng cụt, gãy, bật gốc, cháy, đổ ngổn ngang. Và đây đó, rất nhiều xác ô tô đã bị thiêu đen, bẹp rúm…

Đến gần Ngã ba biên giới, điểm tập kết S9 – B3, một mình Khang được giao liên của binh đoàn Trường Sơn đưa đến bệnh viện tuyến cuối của Quân Giải phóng…

Chiến tranh đã qua mấy mươi năm rồi, mà Khang vẫn còn khắc khoải, ngậm ngùi về dòng suối lạnh, về con đường ngầm đá hộc Tà Khống; về những chàng trai, những cô gái trẻ vô danh làm cọc tiêu ngang con suối rộng và ở những đoạn đường đèo ngoắt ngoéo phía bên kia ngầm, trên đường đi tới Xê Pôn. Tới tận bây giờ, trong trái tim Khang vẫn tràn đầy một tình cảm thương yêu, xót xa, kính phục.

Tất cả, họ đều là những anh hùng.

Không đến trại điều dưỡng, như hầu hết các sĩ quan từ chiến trường B C trở về, Khang găp lại giáo sư Tôn Thất Tùng, thực hiện ước vọng học thêm, từ mười năm trước. Hết thời gian, ông nhận quyết định về làm việc ở đây, Viện Quân y 101, một bệnh viện hạng B. Nó được xây dựng dưới chân một dãy núi nhỏ, không tên, thấp tè, đất đá hỗn tạp, cỏ cây hoang dại, lúp xúp, đìu hiu.

Nhiều năm nay, nghĩ đến mẹ mình, khi nào Khang cũng lo lắng bồn chồn. Mới đây cụ đau ngực và sốt cao; may còn ra nhờ được nhà bên gọi giúp “Cấp cứu 05″… Mắc cái bệnh nhiễm trùng phổi tắc nghẽn và đông đặc ấy, người già thường rất dễ chết. Người thầy thuốc ở Hà Nội, bạn cùng lớp Khang, truyền tĩnh mạch cho mẹ Penixilin liều cao kèm theo đủ nước, dinh dưỡng và thở oxy nhiều ngày… Khi Khang về, đã là ngày cụ khỏi và được ra viện.

Một ngày nào đó, sắp tới, mẹ ốm nặng hơn? Một ngày nào đó… mẹ không còn đủ sức mở cửa, không đủ sức ra khỏi nhà, để nhờ người gọi giúp cho một cái xe cấp cứu? Một ngày nào đó…

Như không thể chờ đợi thêm, Khang bước nhanh ra ngoài vọng gác. Anh tắt qua con đường nhựa, đi ngược lên phía tay phải. Anh đến nhà người chỉ huy của mình.

Gia đình đại tá viện trưởng Phạm Quang Minh sum họp cuối tuần. Hai người con trai theo đường binh nghiệp. Họ đã có vợ con, có nhà và công tác ở thủ đô. Hai gái sau, sinh viên năm đầu và năm thứ ba của Học viện quân y, chưa chồng.

Khang được người nhà viện trưởng mời vào phòng khách.

Minh bắt tay và đưa cho Khang tờ Quân đội nhân dân:

– Khang đọc báo đi; và chờ mình một lát.

Biệt thự rộng, hai tầng. Khang không rõ cấu trúc của nó. Những âm thanh vui vẻ, mơ hồ trong bữa cơm của gia đình viện trưởng vọng ra qua cánh cửa lim dày, làm Khang thêm chạnh lòng về tình cảnh xẻ nghé tan đàn của gia đình mình.

Chưa bao giờ như hôm nay, đủ thời gian, Khang đọc không sót một chữ trên tờ báo lớn.

Minh tươi cười bước ra. Lúc này đại tá mặc thường phục, dép lê, đầu trần, da dẻ hồng hào và vừa rảo bước vừa cầm tăm xỉa răng. Khi nào ông cũng như cần phải khẩn trương; việc gì cũng làm như mình phải tranh thủ. Thói quen ấy hình thành từ ngày ông còn là một thiếu niên, thời kỳ làm liên lạc trong tiểu đoàn Thiên Đức những năm chống Pháp. Minh noi theo người chỉ huy trong mọi tác phong công tác và cả lề thói sinh hoạt đời thường.

Hai má đại tá đã hơi xệ. Vầng trán thấp được che phủ một phần bởi mái tóc muối tiêu cắt ngắn và không rẽ ngôi. Trông người sĩ quan cao cấp này thật bình dân, hiền hậu và trẻ ra khoảng dăm sáu tuổi so với những khi làm việc, phải thực hiện quân phong, quân kỷ.

Như thủ trưởng của mình, đại úy cũng không mặc quân phục.

Chủ nhà nhổ cái tăm tre xuống mặt bàn gỗ vecni còn rất mới, không một hạt bụi. Sau đó, ông vừa pha trà vừa hỏi:

– Khang ra chơi thôi, phải không? Khoa cậu không có cấp cứu hay tai biến mổ xẻ gì đấy chứ?

– Dạ, vâng!

Khang không lạ về câu vào chuyện của chủ nhà, nhưng ngạc nhiên cho lời đáp của mình.

Đây là lần thứ tư trong bốn năm qua, Khang đến xin thủ trưởng Minh cho mình ra khỏi quân đội. Được vậy, ông mới có thể trở về chăm sóc mẹ già. Viện trưởng từ chối, quân đội đang cần. Và gần đây nhất, năm trước, Minh thêm một lý do mới: Chưa tìm được người có trình độ tương đương thay thế.

Minh rót nước mời khách. Cái ấm sứ Nga đẹp, miệng to hơn đáy khá nhiều. Nó khác hẳn kiểu cách của những cái ấm Việt Nam và ấm Tầu, bầu to, miệng nhỏ.

Mùi hương trà sen thơm ngát. Trà hảo hạng đắt tiền đây. Nhưng đáng tiếc, chắc chắn uống không ngon. Cái ấm khá to ngập nước sôi, trà nhiều, lại hãm quá lâu.

Khang nói, với một giọng đàn em, thân tình:

– Báo cáo bác Minh! Thật lòng, em cũng muốn làm việc trong quân đội, gắn bó với bệnh viện mình…

– Mình đã linh tính… Mấy năm rồi, cậu đều báo cáo… Hôm nay, cậu vẫn đến để xin chuyển ngành? – Minh ngắt lời.

Khang châng hẩng.

– Cậu lại trình bày gia cảnh và đề đạt nguyện vọng? Từ lâu, mình nắm cả rồi. Chỉ huy viện không giải quyết. Lý do thế nào, thì cậu đã rõ. Mà bây giờ không còn chiến tranh. Đây về Hà Nội chỉ có mấy chục cây số; làm sao cậu phải chuyển ngành? Làm sao phải ra quân? Như hai thằng con mình, công tác ở Hà Nội cả. Chúng nó đâu có cần chuyển về gần nhà? Chắc cậu vẫn nhớ, những ngày ở chiến trường B3 gian khổ, sống chết khó lường, mà chỉ huy có coi cậu ra gì! Vì sao chính ủy trong đó tổ chức cho mấy trăm cán bộ chiến sĩ phê phán cậu ghê gớm thế? Cậu có muốn xem lại lý lịch mình không? Họ ghi đầy đủ cả đấy; để các cấp chỉ huy lưu ý, về cái tư tưởng phi vô sản của cậu. Nhưng bọn mình đã không định kiến, mà còn rất quan tâm, thông cảm. Cậu không thấy mình được chỉ huy Viện 101 này quan tâm đặc biệt à?

Sau khi tuôn ra một thôi một hồi, ông Minh càng bực bội.

Từ khi Khang mới về, ông đã đọc kỹ lý lịch, nhất là những nhận xét của người chỉ huy ở chiến trường B3 Tây Nguyên. Họ lưu ý các cấp chỉ huy, về tư tưởng lệch lạc, phi vô sản và lập trường bấp bênh của viên trung úy bác sĩ. Trong đó ghi rõ, đã kiểm điểm với quy mô sâu rộng, cả về thời gian cũng như số người tham gia phê phán. Cần phải theo dõi, giáo dục lâu dài, vì bản chất giai cấp thì rất khó cải tạo, thay đổi. Tuy nắm biết thế, mình không định kiến. Đúng là mình không thành kiến với nó. Trái lại, mình đề cao khả năng, tôn trọng trình độ mổ xẻ của nó. Đã tuyên dương, bằng khen, an dưỡng, tiền thưởng, lại thăng quân hàm trước niên hạn… Vậy mà nó vẫn xin ra khỏi quân đội?

Minh nghĩ đến ca mổ dạ dày mình làm thất bại thảm hại năm nào. Không có thằng này, những ca khó khăn như thế, và những ca phẫu thuật gan mật, đại tràng, trực tràng, thực quản… Ai mổ? Bác sĩ ngoại khoa đông, nhưng họ chưa làm được. Tại sao thằng này mổ giỏi nhiều mặt bệnh, mà hơn chục bác sĩ kia chịu chết? Cả một série bệnh ngoại tiết niệu, tiêu hóa, chỉ có một mình nó xử lý an toàn. Các trường hợp mổ khó của sản phụ, có hai bác sĩ tiếng là chuyên khoa, nhưng đã làm được gì lớn đâu! Cũng lại phải đến tay nó. Hơn chục năm nay, cắt đoạn dạ dày, một kỹ thuật chuẩn, kinh điển, đánh dấu cái mốc trình độ một bác sĩ ngoại khoa, cũng chỉ mỗi nó không có phốt kỹ thuật…

Minh đã đưa chén trà tới miệng, lại bỏ xuống mặt bàn đánh chát một tiếng.

Cho nó chuyển ngành, nhỡ khi lại có sự như kiểu cuộc chiến tranh biên giới hồi năm bảy chín? Hơn nữa, những ca nặng, những ca “mổ ngoại giao” cho chỉ huy quân khu, cho tỉnh ủy, cho ủy ban tỉnh, cho lãnh đạo các huyện, các xã, cho người nhà các nhân vật quan trọng… Nó cậy tài năng hơn người, muốn làm khó dễ với lãnh đạo chắc?

Nghĩ thế, Minh càng bực. Tài năng mấy, thì thằng Khang mày vẫn chỉ là sĩ quan cấp dưới, là nhân viên dưới quyền. Cụ Hải Thượng cũng phải mọp đầu lạy thằng nhóc Trịnh Cán kia mà. Còn mày, là cái thá gì? Phó khoa cũng còn chưa được.

Mình cương quyết không cho nó đi. Cũng không giao chức vụ gì hết. Chỉ cho nó làm phẫu thuật viên và bác sĩ điều trị. Không cho danh hiệu “thầy thuốc ưu tú”. “Thầy thuốc nhân dân” lại càng không được! Mấy năm nay, nó đòi ra quân liên tục. Đừng hòng! Đừng có tưởng bở! Tổ chức quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, chứ đâu phải bọn quân hồi vô phèng!

Minh khó chịu thêm, khi nghĩ về thằng cháu, bác sĩ trưởng khoa ngoại chung Phạm Quang Thoảng. Thiếu tá, chuyên khoa cấp hai, chứ có xoàng đâu. Vậy mà nó phụ lòng tin cậy của ông.

Mình cho thằng Thoảng học hành quá nhiều. Trong nước, thì mình đã cho nó về hẳn bệnh viện trung ương quân đội; ngoài nước, thì đâu hơn Học viện Kirốp của ông anh cả Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết? Học một mạch cả hai khóa, năm năm sau đại học, mà nó không bén gót cái thằng Khang nằm bẹp ở trong xó nhà! Mổ kế hoạch, mổ phiên hẳn hoi, chuẩn bị những hai tuần lễ, mà làm sao nó vẫn cắt rời cuống gan người bệnh! Người lính ấy chỉ loét hành tá tràng, chết trong chớp mắt! Bệnh nhân Hợp, trưởng phòng hành chính nhà máy xay X, không biết nó mổ máy thế nào, mà về nhà ăn gì nôn ấy. Anh ta nôn liên tục đến chết! Nhà họ đối diện ngay cổng bệnh viện. Mỗi khi đi làm qua, nghe vợ con Hợp khóc, mình không biết giấu mặt vào đâu! Nhục nhã không để đâu cho hết. Bao nhiêu năm, cả khoa đến chỗ anh ta mua cám về nuôi lợn, nuôi gà, nuôi cá… Không lâu sau, nó lại quên gạc trong bụng một người bệnh khác. Rồi nó đã không mổ cấp cứu, mà cho chườm nóng, theo dõi qua đêm một nữ bệnh nhân già thoát vị đùi. Làm thế đã sai, nó còn để tận sáng hôm sau mới mang bà cụ đi mổ, mà lại còn mổ không đúng kỹ thuật nữa, mới tệ! Không hiểu vì sao nó mê muội, lú lẫn đến thế? Thoát vị đùi ở phụ nữ, thằng Thoảng mổ như mổ thoát vị bẹn đàn ông! Bà già chết sau đó một ngày. May mà thằng Khang không làm thầy dùi…. Nếu không phải là thằng cháu, nhất định mình phải giáng chức nó ngay, chứ không tha được!

Cũng là tội của cái thằng Khang này. Nó không chịu truyền nghề. Nó không chịu phổ biến kỹ thuật và san sẻ kinh nghiệm cho đồng nghiệp. Dạy mổ, cũng có khi phải làm như kiểu người lớn bắt tay trẻ con tập viết ấy chứ! Thằng Khang không có tinh thần đồng đội. Nó không thấm nhuần tư tưởng Mác xít – Lênin nít. Nó thiếu đạo đức xã hội chủ nghĩa. Nó không có cái bản chất cách mạng của giai cấp công nhân. Nó không có kỷ luật của những người lính, dàn hàng ngang cùng tiến…

– Vâng! Em vẫn nhớ ơn bác đã ưu ái mình. Nhưng bây giờ, em không thể ở lại đây lâu hơn. – Khang nói, trong khi chậm rãi uống từng ngụm nhỏ trà nóng, hương rất thơm, mà vị thì đắng chát.

– Tiện thể, tôi hỏi cậu…

– Vâng! Em nghe.

– Trong khoa ngoại chung, có mấy bác sĩ cần phải kèm cặp. Tôi đã giao cho cậu đào tạo, bồi dưỡng, hoàn thiện tay nghề cho anh em. Tại sao nhiều năm rồi họ vẫn cậm cạch, bí bét thế? Cậu giấu nghề, phải không? Cũng là kẻ sĩ với nhau cả, mà cậu không thân ái giúp đỡ đồng nghiệp? Dư luận cả viện ồn lên, cậu có nghe không? Rằng cậu tư hữu kỹ thuật. Cậu cậy mình tài năng hơn người, tự cao tự đại, tự phụ, tự mãn. Cậu coi thường anh em. Cậu dám coi khinh tất cả!

Khang không ngờ chỉ là việc hợp lý hóa gia đình của mình, mà chuyện trở nên căng thẳng với nhà lãnh đạo!

Anh nhớ lại ngày gặp mặt đầu tiên, với vị chỉ huy và các đồng nghiệp khoa Ngoại; Khang mang quân hàm trung úy. Thiếu tá, bác sĩ viện phó, phó tiến sĩ Phạm Quang Minh phụ trách khối ngoại khoa ngồi chủ trì cuộc tiếp kiến. Ông Minh giới thiệu các sĩ quan chỉ huy viện, chỉ huy các khoa phòng, rồi các bác sĩ… Nhiều hơn, ông nói về những thành tích to lớn của mấy chục năm và các loại phẫu thuật thường làm ở đây. Cuối cùng ông chỉ thị: “Bác sĩ Khang không mổ chính vội. Trưởng khoa Thoảng nhớ nhé, ta phân Khang aide cho các bác sĩ cũ xem đã. Chờ chừng sáu tháng, một năm…”

Mười lăm ngày sau.

Bác sĩ Minh mổ cắt đoạn dạ dày. Bác sĩ Thoảng phụ một… Gần trưa, Khang được gọi vào. Ông Minh đang đứng chờ.

Ngước cặp kính viễn gọng nhựa màu đen trễ rất thấp trên sống mũi, Minh nói qua khẩu trang:

– Ca này, ổ bụng dính đặc như bí. Khang mổ được không? Khang vào làm giúp.”

Khang đã khám người bệnh này. Đó là binh nhất Trần Thế Lâm, một Chiến sĩ quyết thắng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Mấy tháng trước, một đội điều trị tuyến trước mổ nhầm, với chẩn đoán thủng dạ dày, vì anh ta đau vùng thượng vị dữ dội… Khang biết, cuộc mổ ông Minh đang làm là cần thiết, là không tránh khỏi. Ngày duyệt mổ, Khang cũng có mặt. Là lính mới, hơn nữa, nhớ ý kiến của người chỉ huy, anh có ý chỉ ngồi nghe. Nhưng Minh hỏi, như người thầy kiểm tra học trò:

– Bác sĩ Khang nhận định thế nào, về bệnh nhân này?

– Báo cáo chỉ huy, đây là một ca bắt buộc phải mổ cắt đoạn dạ dày. Bởi người bệnh ngày nào cũng đau, nôn, toàn thân gầy rộc. Trên film X quang, có ổ loét ở hành tá tràng. Hơn nữa, tuyến trước đã mổ…

Trả lời ngắn gọn, dè dặt, nhưng đầy đủ, bởi Khang biết hội đồng duyệt mổ và ông Minh kiểm tra trình độ sĩ quan mới về. Sau đó, theo yêu cầu của hội đồng duyệt mổ, Khang phải đến trước đèn đọc film, để chỉ xem ổ loét chính xác ở vị trí nào! Chưa xong, trên danh nghĩa phẫu thuật viên chính, lại là viện phó phụ trách toàn bộ khối ngoại khoa dao kéo, ông Minh bắt Khang trình bày chi tiết các bước tiến hành một cuộc cắt đoạn dạ dày…

Chính Khang cũng không nghi ngờ gì về khả năng của ông Minh và bác sĩ trưởng khoa, khi thấy họ hồ hởi cùng nhau vào mổ cho người bệnh này.

Bây giờ, ông Minh muốn “bán dao”. Ông cho gọi Khang, lúc gần hết giờ thế này là đã bí lắm. Khang nhìn đồng hồ: 10 giờ 30 phút trưa. Đường mổ ức – qua dưới rốn bệnh nhân được banh rộng. Sau ba giờ, không những ông Minh chưa tìm và bộc lộ được cái dạ dày, mà còn làm rách nát hai đoạn ruột non. Máu me bê bết, dịch tiêu hoá và phân lỏng chảy ra nhầy nhụa. Đây là lần đầu tiên, Khang thấy một cuộc mổ dạ dày đã luộm thuộm lại cũng bẩn và bê bối đến thế! Xưa nay, những ca mổ lại vùng bụng, đều làm các phẫu thuật viên bị động. Người mổ phải rất vững vàng. Khang từ chối, bệnh nhân này sẽ chết. Khang nhớ lúc sinh thời, không ít lần ông nội mình đã nhắc đến câu: “dĩ đức vi tiên”. Con người phải lấy chữ đức làm đầu. Trường hợp này, tuy dở dang và có tai biến đáng sợ, nhưng động cơ của người mổ không xấu. Không làm được, ông Minh không tự ái mà cho gọi người khác thay mình. Như thế, ông Minh là người có đức.

Mãi 13 giờ chiều hôm ấy Khang mới hoàn tất công việc. Cuộc mổ.của tuyến trước đã làm dạ dày và toàn bộ ruột non, ruột già dính lại với nhau thành một khối lộn xộn rối bời. Không những phải gỡ dính, cắt bỏ hai đoạn ruột ông Minh làm rách nát, xếp lại ruột theo chiều lưu thông mà Khang còn mất nhiều thời gian rửa sạch ổ bụng người bệnh, trước khi cắt đoạn hai phần ba dạ dày…

Dù chịu tài viên trung úy, lính mới, Minh tỏ ra công bằng với người bác sĩ trẻ; nhưng trong lòng vẫn bợn lên một chút gì ganh ghét, buồn bực. Ông cũng nghĩ, mình là chỉ huy của nó, như cha mẹ với con cái; không nên chấp nhặt, nhỏ nhen… Thế hệ sau nó giỏi hơn mình; là tất nhiên. Con hơn cha là nhà có phúc. Phải giữ chặt những cán bộ như thằng này. Có nó, nó sẽ cứu mình, trường hợp nghìn cân treo đầu sợi tóc, như hôm nay.

Nghe rõ nhà lãnh đạo đổ lỗi “không truyền nghề, không san sẻ kinh nghiệm” và gán tính xấu “tự cao, tự đại, tự mãn, coi khinh tất cả” cho mình, Khang thấy quá vô lý và cũng xót xa. Bởi trong cơ chế điều hành, người nào được tập thể và nhất là lãnh đạo xác định có những tính cách ấy, thì mọi công lao và ưu điểm khác, lớn mấy, cũng bị xóa sạch sành sanh, bằng không. Anh nghĩ, vấn đề tay nghề của các bác sĩ cố nhiên là cần có sự trợ giúp của đồng nghiệp chuyên khoa, nhưng đầu tiên và quan trọng là do việc đào tạo của nhà trường, của các thầy, của các giáo sư; và do khả năng tiếp thu cũng như thái độ học tập của từng người… Đó là cái vốn kiến thức và kỹ thuật được rèn luyện, tích lũy, nhờ việc nỗ lực học tập hay lơ là, lười nhác hay siêng năng. Nó còn phụ thuộc tư chất mỗi người, thông minh hay đần độn. Và khả năng mổ xẻ, ngoài việc học hành công phu, còn phụ thuộc ít nhiều vào năng khiếu, tài hoa cá nhân nữa. Họ có bê trễ hay tệ hơn, bét tĩ, là tại họ và trách nhiệm của các thầy, của nhà trường, của các cấp lãnh đạo đấy chứ. Nghĩ thế, nhưng anh chỉ nói:

– Kỹ thuật ngoại khoa, có gì, nó đều phơi bày ra trước mắt mọi người hết cả. Em tư hữu sao được!

Viên đại úy không quên nhiệm vụ mà người chỉ huy giao cho. Nhưng, chính người thân của đại tá chống lại ý kiến đó. Người ấy là Lê Thuyết. Thuyết về công tác ở đây sau anh những hai năm, nhưng đã từ chối chương trình “nâng cao kỹ xảo ngoại khoa” của Khang đưa ra trong một cuộc họp chi bộ. Ngày ấy, Khang không báo cáo chuyện đó với ông Minh. Và bây giờ, anh cũng không nhắc lại.

Thiếu tá Thuyết kiêu hãnh về cái bằng bác sĩ chuyên khoa cấp hai của mình, nhưng khi phụ mổ cho Khang, thuyết lóng nga lóng ngóng, ngay trong các động tác cơ bản.

Tuy thế, trưởng khoa và chỉ huy viện vẫn để cho Thuyết mổ chính. Một loạt tai biến mổ xẻ đến với ông bác sĩ ngạo mạn, ngộ nhận và tự mãn ấy. Không chỉ có lỗi cắt đứt cuống gan người bệnh mổ dạ dày, mà trong một phẫu thuật nhỏ mở bàng quang lấy sỏi, Thuyết cũng rạch đứt cả ba quai ruột người xấu số. Hai bác cháu đại tá Minh đã ngụy biện, bệnh nhân dị dạng giải phẫu, bao che cho Thuyết. Sự cứu giúp ấy chỉ bằng quyền lực, nên không khỏi tai tiếng; và nó cũng không giúp ích gì cho Thuyết rút kinh nghiệm, để hiểu biết thêm và nâng cao tay nghề. Làm thêm ít ngày, Thuyết càng lộ ra là người thiếu kiến thức và không thể sử dụng tốt được đôi bàn tay cho công việc mổ xẻ.

Trước khi học chuyên khoa cấp hai Ngoại tiết niệu, Thuyết là chủ nhiệm quân y sư đoàn. Công việc của anh là đôn đốc vệ sinh, băng bó vết thương, gửi đi tuyến trên những bệnh nhân nặng, chỉ điều trị những bệnh đau đầu, kiết lỵ, ỉa lỏng… Bây giờ, Thuyết mới bắt đầu chính thức tiếp xúc với công việc mổ xẻ ở trong bệnh viện. Đại tá Minh đành phải chuyển viên sĩ quan thân cận về phòng y vụ làm công việc sổ sách, giấy tờ.

– Thủ trưởng vừa nói, có dư luận bác sĩ Khang tự cao, tự đại, tự phụ, tự mãn?

Rồi Khang nhìn thẳng vào nhà lãnh đạo, nói tiếp:

– Em nghĩ… – Anh cố tìm từ ngữ cho đại tá không bực mình thêm: – Không phải thế. Bởi mọi người vẫn thấy, cho đến nay em vẫn chăm chỉ học hành.

– Thôi, cậu về doanh trại đi! – Người chỉ huy đuổi.

– Thủ trưởng chấp nhận nguyện vọng của em?

– Cậu biết kỷ luật của quân đội nhân dân Việt Nam, là kỷ luật sắt, phải không? Đã có trường hợp, chỉ huy buộc lòng phải xử bắn tại chỗ, khi cấp dưới không tuân thượng lệnh!

Đại úy sững sờ.

Đại tá muốn bắn mình sao? Chỉ huy sẽ xử sự như thế với mình? Đây là lần thứ tư mình xin ra quân. Và như thế, là không tuân thượng lệnh? Là đáng bị xử tội chết? Khang chợt nhớ, giáo sư Đặng Văn Chung cũng đã từng bị án tử hình vắng mặt, vì tội đi theo Việt Minh mới vài năm đã vội vã dinh tê… Đấy là những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong chiến trường đánh Mỹ, lính ta bắt được thằng chiêu hồi là mang vào rừng bắn ngay. Trong chiến đấu, không tuân lệnh có chiến sĩ đã bị chỉ huy bắn chết… Cách mạng và cán bộ cách mạng bây giờ phải khác những thời kỳ ấy chứ? Khang đề đạt nguyện vọng có tổ chức, có kỷ luật. Khang cũng không phải là thằng phản bội chiêu hồi hay không tuân lệnh chỉ huy. Việc đó cũng không phải là anh bất tuân thượng cấp. Vậy mà ông Minh nói đến chuyện chỉ huy bắn tại chỗ kẻ không tuân lệnh mình? Có nghĩa là đại tá cũng có thể xử bắn mình? Ông Minh nói với vẻ mặt rất nghiêm đượm phần cáu kỉnh, nhưng Khang vẫn nhận ra trong đó có chút gì rất khôi hài, đùa giỡn. Một chút gì thật sự buồn cười! Trước mắt Khang, ông Minh đích thị là một vị chỉ huy võ biền… Ngày xưa, giáo sư Đặng Văn Chung cũng đã được bí thư thành ủy Hà Nội Lê Thanh Nghị ký quyết định xóa án tử hình, trước khi ta tiếp quản thủ đô. Thật buồn, ông Minh là phó tiến sĩ y khoa! Học vị ấy, tưởng ông có trí tuệ và kiến văn sâu rộng? Hơn nữa, thầy thuốc không ai giết người. Không kể bác sĩ tử thần Aribert Heim của tên độc tài phát xít Hitler, hắn ngày đêm say mê giết tù nhân bằng dao mổ và bằng thuốc độc!

– Em không thể ở lại!

Khang xúc động mạnh. Anh ứa nước mắt nghĩ tới ngày cha mất, mẹ chỉ mới ở tuổi hai lăm… Chỉ huy đã kết tội anh không đúng. Khang biết mình làm việc nghiêm túc, hiệu quả… nên một số người đố kị, không ưa… Nghĩ đi nghĩ lại điều đó, anh vẫn thấy rất lạ. Ở đâu sinh ra những người không thiếu ăn học mà chỉ biết ganh ghét, kèn cựa nhiều thế! Đến bây giờ thì chỉ huy cũng lại gán cho anh những khuyết điểm và thiếu sót nặng nề… hàm chứa cả tinh thần coi khinh lãnh đạo?

Người ta phê bình nhau mãi, nhưng cũng mãi không hiểu và cũng không biết phê bình sao cho đúng. Không mấy ai chú ý đến một nghệ thuật phê bình, để đạt tới một giá trị giáo dục thật sự. Và hơn thế, để tránh những chuyện đau lòng.

Chính ở đây, đầu những năm sơ tán chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, đã xảy ra một vụ thảm sát.

Một tối kia, y tá Huỳnh Châu xả súng giết bí thư Bảo Yến cùng năm đảng viên, ngay trong một cuộc họp chi bộ, những người đã phê bình và bắt hắn nghỉ việc cả tháng trời, chỉ để ngồi một chỗ viết đi viết lại bản kiểm điểm, yêu thiếu lành mạnh, yêu không nghiêm túc, yêu không trong sáng…

Cùng thời gian ở quân y viện khác, một y tá nhà mổ cầm dao chuyên dùng cắt đoạn chi đâm xuyên lồng ngực bác sĩ trưởng khoa gây mê hồi sức, cũng sau một cuộc họp phê bình!

Nhìn vẻ mặt, đôi mắt và thái độ của viên sĩ quan cấp dưới, đại tá láng máng hiểu những gì đang diễn ra trong con người anh ta. Ông vẫn lớn tiếng:

– Người lính nào cũng phải tuyệt đối trung thành và tuân theo mệnh lệnh của các cấp chỉ huy. Tôi dứt khoát không cho cậu chuyển ngành. Tôi giữ, là giữ đôi bàn tay cậu. Cậu nghe rõ nhé, tôi giữ là giữ hai bàn tay cậu. Chỉ – giữ – hai – bàn – tay – cậu, tôi – không – giữ – con – người – cậu!

Đại tá dằn từng tiếng, gay gắt. Dứt lời, ông đập mạnh bàn tay phải xuống mặt bàn, làm cái dấu chấm cuối. Hai chén trà uống dở và cái ấm sứ Nga cùng nảy bật lên… Bực quá! Một sĩ quan cấp dưới không tuân thượng lệnh…

Khang kinh ngạc về thái độ khinh bạc và hách dịch không ngờ của người chỉ huy. Xưa nay, ông Minh vẫn được người ta đánh giá là một vị chỉ huy rất công bằng, quần chúng, tình cảm. Nhưng Khang vẫn đủ bình tĩnh cầm vội lấy tờ báo, tránh cho nó khỏi bị nước trà làm ướt. Anh đâu có sợ hãi. Bao năm trên chiến trường, nhiều khi đứng mổ ngay dưới tầm đại bác, dưới những vòng lượn của máy bay giặc. Cũng không thể nhớ bao lần, khi đi mổ ở tuyến trước, vùng Cánh Trung, Cánh Nam Tây Nguyên, ông cùng đồng đội đã nằm gọn trong vòng vây của địch…

Thực ra, Khang cũng đã nóng gáy. Ông là đại tá, là viện trưởng. Chúng tôi kính trọng và tuân lệnh ông. Ông cũng phải nghĩ đến phẩm giá, hoàn cảnh cấp dưới và lưu ý đến chính sách hậu phương quân đội mới phải. Ông quá coi thường cấp dưới. Và tự đắc, ngạo mạn, hách dịch… đâu phải là phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người cán bộ lãnh đạo?

Khang ngồi lặng đi mất một lúc lâu. Bây giờ anh mới hiểu, chính ủy ở Tây Nguyên xưa và viện trưởng Viện quân y 101 này, đều chỉ coi Trần Tử Khang như một thứ “công cụ lao động”, một “phương tiện kỹ thuật” trong tay họ.

Trong bữa liên hoan sum họp gia đình, nhà lãnh đạo có dùng bia rượu? Khang biết rõ, ông Minh không ưa và rất biết kiềm chế tửu sắc. Trong những bữa tiệc liên hoan, không thấy ông đi chạm cốc với cán bộ chiến sĩ bao giờ. Thời chống Mỹ, trên đường 559 Trường Sơn, vị lãnh đạo này tỉnh táo tới mức, dửng dưng bỏ ra khỏi hầm, khi cô y tá trẻ Phan Cẩm Hồng đã cởi bỏ hết…

Khang đau xót khi hiểu rõ lòng dạ của người lãnh đạo với mình. Vậy mà các sĩ quan, chiến sĩ trong viện ca tụng ông Minh nhân đức và rất gần chiến sĩ.

Minh xuất thân bần nông. Là người được cấp trên nâng đỡ và tin cậy ngay từ khi tham gia cách mạng. Làm liên lạc ở tiểu đoàn Thiên Đức vài năm, chỉ huy cho Minh học cứu thương viên, vào đảng lúc mười tám tuổi, rồi học y tá. Sau chống Pháp ông học y sĩ, rồi tốt nghiệp đại học. Sau khi nhận danh hiệu anh hùng trên đường Trường Sơn, ông được ra Bắc học chuyên khoa ngoại cấp hai. Và sau cùng, ông có bằng phó tiến sĩ y khoa ở Học viện Ki-rốp, Liên Xô. Không kể học văn hóa, thời gian ngồi trên ghế các trường y khoa của ông, tính ra, vừa đúng mười sáu năm ròng!

Minh từng là đội trưởng một đội điều trị. Trong chiến tranh chống Mỹ, đội điều trị như một khoa Nội – Ngoại kết hợp và người đội trưởng thực chất là một trưởng khoa. Ông trực tiếp cầm dao mổ chính, là phẫu thuật viên. Khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, từ nước ngoài trở về, ông giữ chức trưởng khoa ngoại chung Quân y viện 101. Sau đó, chức viện phó, rồi viện trưởng. Con đường phấn đấu của ông thật nỗ lực và bền bỉ. Đáng phục. Đáng nể.

Khang chỉ được học thêm mấy tháng. Thời gian ấy bù vào việc ra trường sớm, cũng chỉ vừa đủ sáu năm. Như một đứa trẻ sơ sinh non yểu, được người ta nuôi thêm trong cái lồng ấp.

Lãnh đạo, hầu hết đoạt học vị và học hàm cao; nhưng trình độ tay nghề của họ lại thấp. Khang đã lý giải, các đồng chí ấy mất nhiều thời gian, sức lực và trí tuệ cho công tác tổ chức, đường lối, sự vụ… Là Khang quý trọng ông Minh, ông Thoảng mà ngụy biện thế thôi. Lãnh đạo càng cần phải giỏi. Không giỏi hơn người, thì các ông lãnh đạo cấp dưới thế nào; và họ thực hiện việc giáo dục, dẫn dắt quần chúng bằng cái gì?

Phó tiến sĩ Phạm Quang Minh cùng bác sĩ chuyên khoa hai Phạm Quang Thoảng năm nào cũng đến báo cáo các công trình mổ xẻ và điều trị của Viện 101 ở các hội nghị khoa học toàn ngành quân y và y tế quốc gia. Hai ông được đánh giá cao về học thuật và khả năng thực hành. Những nghiên cứu ấy, do bác sĩ Khang chủ trì, và cũng do anh viết. Dưới mỗi đề tài khoa học y học, thường ghi tên một nhóm tác giả. Sau khi được lãnh đạo duyệt và cho đánh máy nhiều bản, họ tên anh không bị bỏ đi, nhưng ba chữ “Trần Tử Khang” bao giờ cũng chỉ được xếp ở cuối. Đấy là vị trí của cộng sự.

Một hôm, mấy tờ báo đăng tin Nguyễn Truy, một người quen biết Khang, cắt động mạch cổ tay tự sát ở Hà Nội. Truy để lại một lá thư tuyệt mệnh, tố cáo giáo sư viện trưởng cướp trắng mấy công trình khoa học của mình!

Khang thương tiếc một con người giàu nhiệt huyết với công việc nghiên cứu ký sinh trùng ở nước ta. Những sinh vật nhỏ bé, mà gây nhiều nguy hại to lớn cho con người. Nhưng anh cũng thầm trách nhà khoa học đã không nghĩ đến bố mẹ già, anh chị em ruột thịt, cùng vợ con lúc nào cũng hết lòng yêu thương và trông cậy mình!

* * *

Khang đặt lại hai cái chén ông Minh vừa đập bàn làm đổ. Ông nhìn đại tá thủ trưởng như thể là người lần đầu tiên mình được gặp mặt. Cái đập bàn của ông ở nhà riêng, với khách, khác với hành động đó tại cơ quan nhiều lắm!

Nhà lãnh đạo đã ngừng lời khá lâu, ông vẫn còn đỏ mặt tía tai. Khang cố kiềm chế giọng nói cho đúng tinh thần và cương vị của một sĩ quan cấp dưới:

– Thủ trưởng đã thật lòng. Vậy em cũng xin được nói thẳng. Không bao giờ đại tá giữ bác sĩ Trần Tử Khang ở đây được nữa!

Khang nói chậm, rõ ràng, điềm tĩnh và chính ông cũng không ngờ… là mình vẫn có thể mỉm cười.

Minh ngạc nhiên. Lời nói và thái độ của thằng này có cái gì khang khác, bất thường? Mặt ông tái đi rất nhanh. Nó thông minh, trình độ chuyên môn là nhất. Nhưng mình là chỉ huy, là lãnh đạo. Mình quất chí mạng như thê, để nó thấy rõ cái thân phận… Vừa xong, nó dám tuyên bố là sẽ bỏ đi, mà nó còn cười nữa chứ! Nó giễu mỉa, coi thường mình chắc?

Ông thoáng nghĩ tới cái vụ thằng Huỳnh Châu gần ba chục năm về trước. Nhưng ông yên tâm ngay. Chí ít, đại tá cũng đã hiểu rõ nhân cách của người đang đối thoại với mình.

Khang nói tiếp, giọng vẫn điềm đạm:

– Thủ trưởng quân hàm đại tá, chức viện trưởng, thầy thuốc nhân dân! Thủ trưởng sống cùng phu nhân và các công tử, tiểu thư trong biệt thự to đẹp ngay quê hương mình. Điều đó hoàn toàn xứng đáng với những cống hiến của bác cho cách mạng, cho quân đội và cho nhân dân.

Đại tá chưa kịp ứng đáp, Khang đã tiếp, với một giọng nói bình thản, hoàn toàn như của người khác:

– Bác sĩ Trần Tử Khang… Mẹ góa sớm, sống một mình; nay cụ đã già yếu và vừa qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Vợ chồng Khang ly hôn, từ ngày đầu chống Mỹ. Con gái ở với bà nội, đi xa đã lâu. Vì thế, gia đình anh ta có thể còn phải chịu thêm những tai họa mới.

Bây giờ, như đại tá nói, rõ ràng…

Viên đại úy chào người chỉ huy và bước ra ngoài.

Trời tối đã lâu. Ngọn đèn ở cửa nhà ông Minh đỏ quạch, lù mù, phủ xuống cái sân lát gạch Giếng Đáy một mầu tối xẫm. Khang thấy xốn xang như mình sắp được cởi bỏ binh phục. Viện trưởng thừa biết cái thằng Khang này đã quyết việc gì, bao giờ cũng thực hiện bằng được.

Đang rảo bước chợt Khang đi chậm lại. Bất giác anh thở dài và thấy lòng buồn vô hạn. Mình sẽ đi khỏi nơi đây. Thủ trưởng không chuẩn y, mình cũng đã nặng tình nghĩa với bệnh viện và mảnh đất này, nhưng không thể không gắng dứt ra để trở về nhà. Việc ấy không hề vi phạm kỷ luật quân đội… Mà dù có thế nào, đại tá cũng không thể nổ súng. Làm sao ông có thể nổ súng?

V.O.

Comments are closed.