Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 11)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Đã lại là mùa xuân.

Mùa xuân của bốn năm sau, ngày Ngô Thị Ngân Hà đến vùng rừng núi Hoà Bình. Đã có thêm mấy người đàn ông cầu hôn nàng. Nhiều lần, tưởng như sắp cưới đến nơi. Thế mà rồi vẫn cứ không thành.

Mỗi người đàn ông đến với mình, Ngân Hà đều nhớ tới những cuộc ân ái đã qua, nhớ tới Bảo Long. Và nàng không thể không nhớ anh Tài. Đương nhiên, Tài là một hấp dẫn giới tính sét đánh, có một không hai. Bảo Long là người đàn ông đầu tiên hứa hôn với nàng, và đã có lễ ăn hỏi. Gia đình cán bộ cao cấp, còn anh ta là bác sĩ, nên Hà vẫn có thể nói về câu chuyện tình duyên lỡ dở ấy mà không phải xấu hổ, không ngượng. Dáng người Long cao, thanh tú. Khuôn mặt đẹp, mũi thẳng và đôi mắt to màu nâu, ướt át, mơ màng. Hà thích anh khéo ăn nói, và luôn để tâm đến việc cư xử với những người xung quanh, không làm một ai mất lòng. Khi yêu nhau, Ngân Hà mới là sinh viên năm thứ nhất. Bảo Long ra trường đã được hai năm. Anh là bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh, công tác pháp y ở ngành công an. Nữ sinh viên đại học y khoa, được nhà trường khuyên không lấy chồng trong ba năm đầu. Tuổi trẻ phải dành công sức và thời gian học tập, rèn luyện và phấn đấu cho lý tưởng của Chủ nghĩa xã hội cao đẹp. Sinh viên ngày nay, rồi ra, là cán bộ thời đại, nhất định là phải vừa hồng vừa chuyên; chỉ được kết hôn từ năm thứ tư trở đi. Ai cũng hiểu chủ trương đó là một quy định, buộc phải chấp hành.

Đột ngột Bảo Long có lệnh tập trung đi chiến trường B. Ngân Hà và mọi người trong cả hai nhà đều sửng sốt. Bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh chỉ làm y pháp, hoặc công tác ở khoa giải phẫu bệnh, mổ xác tìm nguyên nhân của những cái chết, hoặc giảng dạy ở đại học y khoa. Vì đất nước có chiến tranh, Bảo Long mới chọn cái chuyên khoa có chữ “Đại Thọ” ấy. Không ngờ…

Dù cho duyên phận không thành, Ngân Hà vẫn giữ nguyên vẹn kỷ niệm của mình với Bảo Long trong cái ổ lá rừng khô, cạnh con suối nhỏ nước trong leo lẻo có cái tên nghe lạ tai, suối Nút. Những lời tâm huyết trước lúc chia xa, mà nơi người yêu đi tới, là mặt trận, là bom đạn, là những cuộc chiến đấu, là bắn giết, là thương vong, chết chóc… Khi còn ngồi bên nhau, đã thấy vô cùng lo lắng và thương tiếc chàng. Bảo Long có thể bị thương tật, có thể mất chân, mất tay. Và, có thể… hy sinh tính mạng lắm chứ! Từ bấy đến nay, đất nước hòa bình, thống nhất nhiều năm rồi, nàng vẫn không sao quên được mọi chuyện liên quan đến anh. Ngay những địa danh, nơi anh tập trung huấn luyện để vượt Trường Sơn, Ngân Hà cũng vẫn còn nhớ: Bãi Nai, Suối Nút, núi Mũi Trâu, Hang Nước… Và Trường 105.

Cái thung lũng Bảo Long đến tập trung học tập chính trị và rèn luyện thể lực được đặt tên là Trường 105. Vì sao là 105? Bảo Long không biết. Những gì không thiết thân, anh chẳng tìm biết tại sao mà làm gì. Thung lũng và cái trường bí mật ấy, Hà không biết bên trong nó thế nào. Hai đứa ngồi với nhau trong rừng cây rậm rạp và dây leo nhằng nhịt, um tùm. Theo tay chỉ của Bảo Long, Ngân Hà chỉ thấy phía xa một dãy núi đá xanh xẫm. Rừng trải rộng đến tận quốc lộ 6 và bờ suối Nút, nơi nàng đang ngồi với chàng. Cây rừng trùm hầu kín mặt nước. Long bảo, trường ở phía sau dãy núi xanh ấy.

Một vùng đất bằng phẳng khá rộng, được bao bọc bởi dãy Mũi Trâu. Ra vào thung lũng, qua một cái hang duy nhất xuyên ngang chân núi. Trước kia, hang Nước chỉ có một cửa. Công binh đã nổ mìn, khai thông phía trong, để làm đường vào. Nó có thể chứa được cả mấy nghìn con người. Núi đá, vẫn có cây xanh mọc kín và cả hai vách gần như dựng đứng. Người ta vẫn tìm ra những con đường dê rừng và thú hoang ngày đêm đi lại. Phía sau thung lũng là những quả đồi cao, thấp, nhấp nhô bao quanh. Ngoài địa hình hẻo lánh, kín đáo, núi cao đồi thấp trời cho, nhà trường cho đắp thêm những ụ đất với nhiều bậc cao dần ngay trước cửa những căn nhà tre lá của học viên. Đấy là trường 105. Trung tâm rèn luyện chính trị, thể lực và tinh thần cho cán bộ, chuẩn bị “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đang trong cảnh sống thiếu thốn, kham khổ, nhiều người phấn khởi về chuyện ăn uống ở đây. Ngày ba bữa ngon, bổ và no. Bảo Long không để ý tới bếp núc, bởi việc tập luyện nặng nề và anh có nhiều lo nghĩ tới cuộc vượt Trường Sơn sắp tới. Giai đoạn đầu, mỗi sáng Bảo Long xếp vào ba lô của mình tám viên gạch chỉ. Anh cùng mọi người trèo lên đi xuống các ụ đất trước lán, rồi loanh quanh trong mặt bằng thung lũng. Đã nặng, nhưng mọi người vẫn vừa đi vừa có thể chuyện trò. Chuyện chiến trường A, chiến trường B và chiến trường C. Có người bảo, rồi ra, ta còn phải giải quyết nốt cả chiến trường D nữa. Lính Thái Lan cũng tham chiến, bắn giết đồng bào mình dã man lắm. Nhiều máy bay, cả B52 đánh phá miền Bắc, cất cánh từ Cò Rạt và U ta pao. Học viên là dân thành phố như Bảo Long rất ít. Số đông là người nông thôn. Không thấy ai nhắc về làng xóm, gia đình, vợ con, bố mẹ mình ở quê nhà thế nào. Thu hoạch ở hợp tác xã mấy vụ mùa màng gần đây liên tiếp thất bát; mỗi công chỉ được một lạng đến một lạng rưỡi thóc tươi. Có nơi ở Kim Thành Hải Dương, làm theo chỉ thị “gieo thẳng” của trên, mất trắng. Quê nhà đói lắm. Họ đều giấu kín. Nói ra, sợ bị ghi vào lý lịch là dao động ý chí, là không yên tâm, là tung tin xấu, là phản tuyên truyền, là không một lòng một dạ lên đường chiến đấu. Không ai muốn mình bị đánh giá thấp về tinh thần xả thân cho cách mạng. Ai cũng tỏ rõ ý chí sẵn sàng ra đi, sẵn sàng chiến đấu. Đã không sợ hy sinh thân mình ngoài mặt trận, còn lo gì được cho cha mẹ vợ con và những người thân đang ở quê hương bản quán? Đành phó mặc họ cho giời, cho cán bộ xã, đội trưởng đội phó sản xuất và các ông bà quản trị hợp tác xã nông nghiệp.

Số gạch đeo trên vai tăng dần. Cán bộ khung kèm sát. Nhất định phải đạt con số quy định là hai mươi lăm viên trong giai đoạn cuối. Long ngã dúi dụi khi đưa cái ba lô nặng quá sức ấy lên vai. Vậy mà, nhiều người nêu cao tinh thần, mang được đến ba chục viên chẵn!

Bước hai, Long cùng đồng đội đeo gạch, chống gậy, vượt những ngọn đồi. Vượt đồi thấp trước, đồi cao sau.

Và cuối cùng, bước ba, theo con đường dê rừng lên đỉnh núi Mũi Trâu. Mới leo được một quãng ngắn, Long đã thở giốc, mồ hôi đầm đìa; mấy lần suýt nhào xuống từ lưng chừng núi…

Tất cả những người đến tập trung ở trường 105, cùng với Bảo Long, đều đáng trân trọng, kính phục. Ngân Hà biết cái lỗi của mình nên việc im lặng và đổi thay của Bảo Long không nặng nề. Hà không giận. Yêu mà không lấy nhau, cũng là chuyện thường tình ở đời. Cứ coi như Long đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như bao người khác. Anh Tài, cũng biệt tăm hơi. Những ai còn sống trở về? Không biết. Một vùng đất cổ nhỏ bé, một cái trường im lìm, cửa ra vào là một cái hang đá bí ẩn, mang tên một con số bí ẩn, và nó cũng cất giấu nhiều bí mật mãi mãi. Với nàng, Hoà Bình là một vùng đất cổ linh thiêng. Đất nước đã trải qua nhiều thời kỳ chống ngoại xâm. Thêm cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bao nhiêu con người ưu tú đã tới đây. Rồi từ đây ra đi? Chiến tranh khốc liệt thế, không ít người trong số họ đã hiến dâng Tổ Quốc một phần hay cả tính mạng. Linh hồn các anh bất tử nhập cùng khí thiêng sông núi, hồn cốt tổ tiên bao lớp cháu con Hồng Lạc, góp phần làm nên sừng sững một khí phách dân tộc.

Ngân Hà giỏi suy diễn, liên tưởng. Nàng vốn nhiều mơ mộng khoáng đạt. Một tư chất ít có ở phụ nữ.

Trước ngày Bảo Long tập trung đi B, bố mẹ anh sang nhà Ngân Hà. Họ mang tới vài chục tay trầu, buồng cau, mấy gói trà Hồng Đào và chục bao đủ loại thuốc lá Thăng Long, Trường Sơn, Tam Đảo, Điện Biên, Tam Thanh bao bạc. Bà mẹ Bảo Long mua bằng sổ cửa hàng Nhà Thờ. Tiêu chuẩn của người chồng vụ trưởng. Đó là cái lễ đính hôn. Thời đất nước chiến tranh, nó cũng có thể coi là một lễ ăn hỏi. Thủ tục và nội dung quá đơn giản, so với tục lệ cũ của người Hà Nội, trong những năm tháng hòa bình. Nhà trai nhà gái gặp nhau, tay bắt mặt mừng, thân tình, vồn vã. Thôi thì thời buổi đất nước chiến tranh, ông bà xá cho những thiếu xót, khuyết điểm… Hai nhà ta trồng cây chung, thương con ngon của. Chúng tôi thông cảm, bên ông bà gia đình cán bộ, cái gì cũng có giới hạn ở chế độ, tiêu chuẩn… Ai cũng nói, chỉ mong con cái mình toại nguyện và vuông tròn hạnh phúc.

* * *

Ngân Hà đòi xem, nhưng Tài không đưa chứng minh thư. Anh bảo, bí mật quân đội… Nàng vẫn ghi tên, địa chỉ của mình cho Tài, hẹn gặp lại nhau sau ngày chiến thắng.

Quá trưa, nàng mới gặp Bảo Long.

– Anh không đi B nữa, được không? – Ngân Hà hỏi người yêu, trong nước mắt giàn giụa.

– Không được đâu. Quay về, thì họ sẽ bắt anh đi cải tạo mất. Cải tạo, nghĩa là đi tù, là bị khai trừ đảng. Đó là một chuyện khủng khiếp. Và cái bằng bác sĩ cũng không còn nữa. Thà chịu mất mát, hy sinh cá nhân. Bố và mẹ anh, cả hai, cũng không cho phép con trai phản bội đảng của mình. Ông bô bà vịt “bôn” lắm. Hơn nữa, ông cụ cũng biết việc con trai đi B là một thử thách với mình, ngõ hầu lên chức thứ trưởng. Anh cũng rất muốn sang năm em lên Y bốn, ta cưới nhau, ngày đêm có vợ có chồng… Nhưng tổ chức đã quyết định thì không thể tránh. Anh đã đến trường 105 này mà còn “bê quay”, thì cả nhà đều “ra tóp” hết. Thì sự nghiệp cũng như danh dự cá nhân, danh dự gia đình mà “cụ Khốt” đã dày công tạo dựng, đều sẽ đổ ra sông biển sạch trơn. Phải gương mẫu, phải hy sinh, em ạ!

– Hay mình cưới xong rồi anh hãy đi?

– Cũng không kịp nữa. Bây giờ anh xin cưới vợ cũng sẽ bị lãnh đạo coi không khác gì một kẻ đào ngũ. Cưới, không những không có thời gian, lại bị họ đánh giá mình ham muốn hưởng thụ. Mà theo họ, ai đã thích hưởng thụ, thì mất hết tinh thần tiến công Cách mạng. Lấy đâu ra sức mạnh chiến đấu? Người ta yêu cầu, bất cứ ai được đào tạo ở Trường 105, đều phải biết và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp Cách mạng vĩ đại! Từ đây, ít ngày nữa anh lên đường ngay. Có được về qua nhà nữa đâu. Còn em, mới Y3, nhà trường cũng không cho cưới kia mà?

Ngân Hà tấm tức khóc. Bảo Long ngồi, hai tay ôm đầu.

– Chiến thắng… Anh… Anh về ngay Hà Nội… với em, anh nhé. Lúc nào… lúc nào em cũng nhớ thương anh! – Nàng ôm lấy cổ Bảo Long và dụi cái mặt đẫm nước mắt của mình vào cổ và mặt chàng.

– Nhất định rồi. Anh hứa. Quân Mỹ và chư hầu đã rút hết. Chắc ta thắng ngụy Thiệu Kỳ cũng nhanh.

Ngân Hà khóc òa. Bảo Long hốt hoảng đưa tay bịt chặt miệng nàng. Trong rừng rậm lại xa đường, anh vẫn sợ có người phát hiện.

Hà nấc nghẹn.

* * *

Người cầu hôn Ngân Hà lần này hơn nàng nhiều tuổi, bác sĩ Nguyễn Quý Thân. Ông làm việc ngay ở khoa Nội bệnh viện Hồng Phúc. Thứ nhất cự ly thứ nhì cường độ. Tuy tuổi đã cao, mà ông chưa kết hôn lần nào. Cũng không thấy ông có mối quan hệ thân thiết với ai trong bệnh viện này.

Từ vài tháng rồi, sáng nào giao ban viện ở hội trường lớn, Ngân Hà cũng thấy Thân đến ngồi cạnh mình. Vừa tới, ông đã dúi ngay vào tay nàng, một mảnh giấy trắng gấp nhỏ. Trong đó, ông vẽ, hôm nay một con mèo ngồi vuốt râu, ngày sau con thỏ đứng bằng hai chân sau, vênh mặt, vểnh râu… buổi khác, đôi chim bồ câu ngậm chung một nhành hoa nở. Tất cả đều có một vẻ ngộ nghĩnh, khêu gợi. Ơ! Trông cái người cao tuổi, khù khì, củ mỉ cù mì, mà cũng có hoa tay cơ đấy! Ông này có tài lẻ? Người khéo tay, thì vợ con được nhờ cậy nhiều đây. Sau đợt tặng tranh các con vật và hoa lá, bác sĩ Thân gửi tặng Ngân Hà những câu thơ hay:

Đêm mưa làm nhớ không gian,

Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la …

Tai nương nước giọt mái nhà

Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn

Nghe đi rời rạc trong hồn

Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi…

Mỗi lần nhận một mẩu giấy, Ngân Hà chỉ thấy có hai câu thơ. Ba ngày chắp lại, cũng chưa đủ bài. Duy nhất một lần Thân chép bốn câu, cũng vẫn dở dang. Sau này, khi đã ly dị chồng, Ngân Hà rêu rao khắp nơi, không có việc gì Nguyễn Quý Thân làm được trọn vẹn:

Sắc trời trôi nhạt dưới khe;

Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng.

Sầu thu lên vút, song song

Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu.

Liếc qua, Ngân Hà biết ngay là thơ Huy Cận. Thân chọn, chỉ những câu buồn. Ngân Hà động lòng. Anh ta cũng cô đơn và lẻ loi như mình! Lòng vả như lòng sung. Thương người như thể thương thân. Cả hai cùng buồn, như những câu thơ héo hắt, hiu quạnh và mỏi mòn ấy?

Một trưa, hai người cùng không về nhà. Họ đưa nhau vào quán cà phê vườn; một cái lều vách liếp lợp lá gồi với cái ghế dài bốn chân hai người ngồi chật. Nguyễn Quý Thân cầu hôn Ngân Hà.

Thân mời Ngân Hà về chơi nhà mình, trong một cái ngõ nhỏ, bên con đê La Thành. Cho ông bà già xem mắt nàng dâu tương lai. Một gian nhà cấp bốn, lợp lá cọ, chung vách đất với hai nhà bên. Bố mẹ Thân “nhảy dù” chiếm được, sau đợt máy bay B52 ném bom Hà Nội. Dọc hai bên đường đê La Thành ngày ấy có rất ít nhà dân. Nhiều vùng đất ở đây cây cỏ hoang hóa, vắng vẻ, lác đác những ngôi nhà nghèo. Mấy chục gia đình mất nhà cửa vì bom Mỹ, chung lưng đấu cật, với sự đồng ý của tổ dân phố, cán bộ nhà đất, ủy ban nhân dân và khu ủy, họ dựng lên hai dãy nhà vách đất, mái lợp lá gồi. Khi đó, bác sĩ Thân còn đang đóng vai một thanh niên xung phong tận tuyến lửa khu Bốn. Sống ở Hà Nội, chỉ có hai ông bà già. Chiến tranh khốc liệt quá. Con người, hôm nay vẫn còn sống đây, có thể đêm nay, hay ngày mai, ngày kia đã tan xương nát thịt! Nhiều gia đình, không chỉ ở Khâm Thiên, chết hết cả nhà. Tình đồng bào thân thương, lòng vị tha, nhân hậu, được bộc lộ rõ rệt và cao đẹp hơn bao giờ hết.

Ngân Hà không biết, bố mẹ Thân đã được tổ trưởng dân phố mời đi sơ tán khỏi gầm cầu Long Biên, nơi ở từ mấy chục năm trời của họ, ngay sau ngày đầu tiên máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc… Cầu Long Biên có thể sẽ là một trọng điểm, một mục tiêu oanh kích đầu tiên ở Hà Nội, của lũ giặc trời Mỹ…

Ngân Hà nhìn gian nhà lá, vách đất lở lói, mà ngao ngán quá. Một khoảng trống thông thống, ẩm thấp, lụp xụp. Chỉ có hai cái giường gỗ tạp cũ kỹ, ọp ẹp, long mộng, bốn chân mốc thếch như sắp đổ sập. Giường của hai ông bà già trải cái chiếu đã thủng, mất hẳn một mảng rộng, được lót bằng mảnh nilon mầu xanh khá lớn ở giữa. Bàn nước tiếp khách, chủ nhà đóng lấy, bằng những thanh gỗ tháo ra từ mấy cái hòm đựng thuốc tân dược. Trên cái mặt đầy khe rãnh cập kênh ấy, chỏng trơ ba cái chén uống nước cáu bẩn, mỗi cái một kiểu.

Cả gia đình sống bằng lương của Thân, với tem phiếu lương thực, thực phẩm của một bác sĩ nội khoa và hai dân thường thành thị. Mỗi tháng, mười ba ki lô gạo và ba lạng thịt của người con bác sĩ, thêm mười cân gạo và một trăm gam thịt cho mỗi ông bà.

Gia cảnh xập xệ, Nguyễn Quý Thân thuộc nhiều câu thơ buồn, chẳng có gì khó hiểu! Nhưng có cái lạ, Thân tốt nghiệp bác sĩ đã lâu, tại sao anh ta phải sống khổ sở như thế?

Nàng nghĩ, ông Trời bắt mình phải trần lưng ra, giơ vai ra, gánh vác cái giang sơn tiêu điều, xác xơ này, thì duyên kiếp trăm năm mới thành? Không ngờ cái số phận mình, bác sĩ Ngô Thị Ngân Hà, con gái nhà giầu có tên tuổi ở Hà Nội, mà vô duyên, mà hẩm hiu quá thế! Những người đàn ông có gia cảnh khá giả, chỉ đến chờm hơm nàng, rồi đều lủi nhanh cái con cuốc thôi!

Bạn bè cùng lớp đã chồng con hết cả từ lâu. Dì út và Bảo Hiên, hai thằng nhóc của họ cũng đã lớn rồi.

* * *

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, dù nhiều lần đã nhận lời cầu hôn của người này người kia, Ngân Hà vẫn mong ngóng Bảo Long. Cán bộ chiến sĩ quê hương miền Bắc đều đã trở về. Quê cha đất tổ anh ở Bắc Giang, và bố mẹ chị em đều đang sống ở Hà Nội. Anh không chết. Vậy mà, một lá thư ngắn và người xưa đều không thấy tới.

Rồi một buổi tối, mẹ Bảo Long cũng đến nhà Ngân Hà. Sau mấy câu chào hỏi xã giao, bà nói:

– Thưa ông bà! Sau lễ đính ước của cháu trai nhà tôi và cháu gái bên này, gia đình tôi coi cháu Ngân Hà đã là con cái nhà. Vì chiến tranh, cứu nước như cứu hỏa, con trai chúng tôi, bác sĩ Bảo Long phải ra mặt trận. Bây giờ, đất nước đã hòa bình, thống nhất. Chúng tôi sang, trước là kính thăm sức khoẻ ông bà, sau là có lời thưa, ông bà cho phép gia đình chúng tôi được đón cháu.

Hai ông bà Cân – Châu hết sức hồ hởi:

– Thế anh Bảo Long đã về Hà Nội đấy à?

– Xin lỗi ông bà! Công việc quá nhiều, bác sĩ Bảo Long không ra Bắc được.

Hai người như bị dội, không chỉ một, mà là nhiều thùng nước lạnh. Họ thấy lạ lùng cho cái con mụ nhà quê này. Ngồi lặng đi một lúc, bà Kim Châu mới lại hỏi:

– Thế ông bà định tiến hành tổ chức lễ cưới thế nào?

– Xin ông bà cho phép, chúng tôi đưa cháu Ngân Hà vào Sài Gòn. Và đám cưới sẽ được tổ chức ở trong đó ạ.

Bà Kim Châu nhìn chồng. Đã mấy năm nay họ tảng lờ, dường như quên hẳn nhà mình? Hòa bình thống nhất quá lâu rồi, mà thằng Bảo Long không thư từ, gia đình nó cũng không đi lại, ư hử gì. Thằng Bảo Long, và cả vợ chồng con mụ mặt thớt này xem như bỏ lửng con bé! Hôm nay, đánh đùng một cái…

Chỉ giây lát, bà Kim Châu quay lại, cố nén giận dữ:

– Chưa từng có ai xảo trá như vợ chồng bà! Hai nhà đều ở Hà Nội; bà lại bảo đón con gái tôi đi những mấy ngàn cây số vào tổ chức đám cưới tận đất Sài Gòn – Chợ lớn! Con gái nhà này là cái phường mèo mả gà đồng chắc?

– Xin ông bà rộng lòng thông cảm! Bảo Long là bác sĩ trưởng khoa ngoại. Mổ xẻ và cấp cứu quá nhiều; cháu không về Hà Nội được.

– Vắng mặt bác sĩ Bảo Long mấy ngày, chắc dân thành phố Hồ Chí Minh chết hết?

Bà Kim Châu mỉa mai nhẹ nhàng thế. Nhưng rồi, bà thấy vợ chồng thằng cha cán bộ lật lọng, đểu giả. Nó coi thường nhà mình quá. Tam bành bà tức tốc lồng lộn:

– Này, cái chức cán bộ vụ trưởng của chồng bà, chỉ là cái thùng rác! Còn bà, một con mụ hộ lý, cả đời dọn dẹp cứt đái cho thiên hạ! Vậy mà vợ chồng, con cái dám khinh nhà này ư?

Ông Cân nhìn thẳng vào mặt người đàn bà. “Sĩ diện! Thằng Long, tuy cũng là người trong corps médical đấy, nhưng chỉ là cái anh expertise médico-légal. Làm sao nó biết phẫu thuật? Hơn nữa, luật quốc tế cấm những người mổ xác chết làm phẫu thuật cho người sống kia mà? Ai cho phép cái anh chuyên mổ tử thi làm trưởng khoa Ngoại? Vì như thế là phạm luật! Không những phải nằm viện, chịu mổ dạ dày hai lần, ông cũng đã tìm hiểu rất kỹ trên các sách báo của người Pháp… Bọn này chỉ quen thói bịp bợm, chuyên đi lòe người!”

– Thưa…

Bà mẹ Bảo Long vừa mở miệng. Ông Cân cũng chưa kịp nói ra cái ý nghĩ của mình, bà Kim Châu đã hét toáng lên:

– Thôi! Không nhiều lời. Mụ cút khỏi nhà này ngay lập tức! Không có cưới xin gì hết. – Bà Kim Châu tốc váy đứng lên trên mặt cái sập gụ cổ khảm ốc. Tay trái chống nạnh, tay phải bà chỉ thẳng ra cửa.

Khi người mẹ Bảo Long đã rời khỏi nhà, Ngân Hà mới từ phòng trong chạy ra, mặt mũi giàn giụa nước mắt.

Thấy con khóc, đau lòng, ông Cân thở dài bảo:

– Con chưa hiểu. Thằng Bảo Long đã bội tình từ lâu. Chính nó bầy đặt ra cái màn hài kịch này đấy! Nó xoá chuyện đính ước, nhưng muốn đổ lỗi cho nhà mình, đổ lỗi cho con. Công tác cả đời, chứ đâu mấy ngày nghỉ thành thân, mà nó không ra Hà Nội được? Ai cấm con người ta làm cái chuyện trăm năm?

Bà Kim Châu nói thêm:

– Cả nhà nó quen thói xảo quyệt! Ruồi bay qua mặt, tao còn biết con đực con cái. Tất cả lũ thực dân Tây trắng, Tây đen, Tầu phù, Nhật lùn phát xít cũng không sờ đến cái lông chân tao được. Nữa là cái hạng cán bộ tráo trở, đổi trắng thay đen ấy!

Đúng là Bảo Long không muốn cưới Ngân Hà làm vợ. Cái ý nghĩ ấy, hình thành trong đầu anh ngay sau khi hai người ân ái với nhau bên bờ suối Nút. Long nhận ra, Ngân Hà chỉ nằm trơ ra trên mặt lá rừng. Là bác sĩ chuyên khoa giải phẫu, cơ thể người Long nắm rất chắc… Tuy thế, cái ý định không cưới Ngân Hà làm vợ, lúc ấy mới chỉ mơ hồ, mông lung, chưa hình thành rõ rệt. Chiến tranh ác liệt. Long cũng không chắc mình còn sống trở về mà nghĩ trước tới chuyện vợ con. Sự thất vọng về thể xác nàng chỉ được hình thành dần trên đường Trường Sơn và điều đó rõ rệt sau khi ta giải phóng Sài Gòn. Nhưng phải sau ít buổi tiếp xúc với người dân của thành phố Hòn ngọc Viễn Đông, Bảo Long mới quyết định dứt khoát.

Khi bà mẹ đến nhà Ngân Hà, Bảo Long nằm chờ ở khách sạn ga Hà Nội. Long biết, mẹ mình đi xin dâu, nếu làm đúng như cha con anh đã suy tính, trù liệu, dặn dò… Sau này gia đình mình sẽ không mang tiếng là kẻ lỗi thề, bội ước. Gia đình ông vụ trưởng đâu phải là hạng tầm thường, tham vàng bỏ ngãi! Có điều, cha con anh nghĩ ra và dàn dựng hơi muộn.

Long cưới cô con gái độc của một gia đình giàu có ở quận Một thành phố Hồ Chí Minh. Có con rể là bác sĩ Quân Giải phóng, người cha cô gái, nhân viên ngân hàng của chế độ cũ, mừng như kẻ sắp chết đuối vớ được cọc.

* * *

Nguyễn Quý Thân nói năng chừng mực. Xem ra, đều có nghĩ kỹ sau trước. Ông bà Cân Châu lờ đi chuyện môn đăng hộ đối nhưng vẫn phân vân ái ngại, bố mẹ anh ta nghèo túng xác xơ, thê thảm quá! Hơn nữa, thằng Thân bác sĩ gì mà gầy guộc, đen đủi… Tuổi hai đứa lại chênh quá nhiều. Sợ về với nhau, ba bảy hai mốt ngày… Hay hớm, mà cũng vui vẻ gì cái cảnh giở giăng giở đèn!

– Cậu mợ cứ kén cá chọn canh mãi! Chẳng lẽ để con thành gái già, thành bà cô trong nhà ư? – Ngân Hà nói với cha mẹ, cùng với những giọt lệ chứa chan.

Đêm ấy, Bà Kim Châu bàn với chồng:

– Con Ngân Hà nó đã cứng tuổi. Hăm bẩy, hăm tám mất rồi. Năm tháng trôi đi vèo vèo. Gái ba mươi tuổi đã toan phận già. Tôi đã xem mấy ông thầy bói, thầy tướng, tử vi… đủ loại. Đường nhân duyên của con Ngân Hà nhà mình là phải chịu cái số phận long đong; có thể là phải qua những hai ba lần đò!

Cuối cùng, ông Cân nói:

– Đành vậy! Tuy gia đình nhà ấy có nhiều khó khăn, nhưng hai đứa đều là bác sĩ. Chúng sẽ tự xoay xở được. Trước tôi bảo cho nó lấy bác sĩ Khôi, mình cứ già kén kẹn hom! Thôi, con nó đồng ý, mình chấp nhận bác sĩ Thân được rồi.

Hút hết nửa điếu thuốc Điện Biên, ông Cân mới lại nói tiếp:

– Nghĩ kỹ, tôi thấy cái thằng bố thằng Bảo Long, cán bộ to, mà nó đểu thật!

– Nhà ấy, thì hẳn là bọn xảo trá, đổi trắng thay đen rồi. Còn chuyện bác sĩ Khôi thì qua lâu rồi. Ông nhắc lại làm gì cho mất vui! Mà có phải là tại tôi đâu. Chính con Ngân Hà không ưng đấy chứ? Nó ghét cái thằng mỗi tội, ngồi trong nhà mình, chốc chốc lại kéo tay áo lên xem đồng hồ và rút lược ở túi quần sau ra chải đầu, vuốt tóc. Lại còn cái phong cách lạ, đàn ông gì mà mồm năm miệng mười! – Người vợ đấu dịu. Bà nói tiếp:

– Hôm ấy, tôi chan tương đổ mẻ vào mặt con mụ hộ lý, mẹ thằng Bảo Long. Biết tỏng bụng dạ nó nên tôi phải đánh phủ đầu trước, cho bõ cái giận đầy ứ trong lòng. Vì chắc chắn nhà mình có muối mặt bằng lòng vợ chồng cha con nó cũng vẫn lủi nhanh cái con cuốc thôi. Trong thành phố này, có nhà còn đểu giả, xỏ lá hơn nhà ấy nhiều! Hai nhà thù nhau, thằng bố xui con trai tán con gái đối thủ. Cưới được một tháng, nó bắt con trai bỏ vợ!

– Bọn họ đều từ cái háng con mẹ hàng lươn chui ra cả mà.

Bố mẹ Thân cũng giục con trai, lấy vợ thì cưới liền tay. Chớ để lâu ngày, lắm kẻ dèm pha!

Thế là ngày cưới của Ngân Hà và Nguyễn Quý Thân được tổ chức nhanh, theo hình thức đời sống mới: nước trà, thuốc lá, bánh kẹo. Có cả văn nghệ quần chúng cây nhà lá vườn.

Đêm tân hôn. Cả hai đều mệt lử. Đủ thứ phải chạy, phải lo mua sắm, mời mọc, tiếp tân… Đám cưới không có tiệc mặn, thì phải mất nhiều sức lực tiếp đón khách khứa. Nhà rõ là đông anh chị em, nhưng ai cũng bận công tác, không có người giúp đỡ cho họ, mua bán, chuẩn bị… Vợ chồng nằm cùng giường, nhưng đều ngủ lịm đi rất nhanh. Khi tỉnh dậy, chân tay vẫn còn bải hoải, rã rời. Thân nhìn ra ngoài khe cửa, trời đã sáng trắng mất rồi. Nhà lại không có phòng riêng. Không lẽ lại để một đêm tân hôn suông. Thân vội vàng…

Ngân Hà là bác sĩ sản khoa, lại từng trải. Vậy mà đêm tân hôn chìm nghỉm trong cơn say ngủ và việc ân ái vội vã, cẩu thả của Thân lúc trời đã sáng bảnh, làm nàng phát ớn… Nhưng nàng lấy Thân cho có chồng, nên không ân hận gì. Bởi cái đêm đầu của phụ nữ, mấy ai đã được như nàng? Ngân Hà nhớ đến Tài và khu rừng rậm bên suối Khăm mùa xuân năm ấy. Rồi lại với Bảo Long, trong cái ổ lá khô bên bờ suối Nút, Hòa Bình… Sau nữa, là cả mấy thằng cầu hôn cưới hụt.

Nguyễn Quý Thân cũng đã quá cái tuổi thèm khát nhục dục. Ông không còn háo hức, rạo rực… khi nghĩ đến việc chung đụng với đàn bà. Ngay cả khi nằm trên bụng Ngân Hà, cái sức sống bản năng của ông như đã tàn lụi. Thân đã hưởng thụ cái thú ân ái quá nhiều từ hơn hai mươi năm nay. Trẻ vị thành niên, có. Con gái hay đàn bà nạ dòng, đều có. Miền núi, nông thôn hay thành thị, đủ cả. Bây giờ, vào cái tuổi đã ngoại tứ tuần, có cơ hội cỗ bầy sẵn, thì Thân không tội gì bỏ qua. Mà không có ai, thôi cũng được. Chuyện tình dục không thành vấn đề khẩn thiết, không phải liều lĩnh sống chết như ngày xưa nữa.

Sau này, nghĩ lại ngày cưới, Thân và Ngân Hà đều thấy mình đã tùy tiện, đơn giản mọi thủ tục, đến mức phải tự xấu hổ. Đã không làm lễ hợp cẩn, lại quá cẩu thả trong cả cái đêm động phòng hoa chúc!

Tình dục là nhu cầu, không thể thiếu của những con người có sức khoẻ bình thường. Nhưng, cũng chính vì nhu cầu thúc bách, thèm khát ân ái điên dại trong con người mình lúc tuổi còn trẻ, mà cuộc đời bác sĩ Nguyễn Quý Thân phải chịu đọa đày, điêu đứng, khốn khổ! Quãng đời khốn nạn ấy, nào có ngắn đâu. Ngoảnh lại, thấy khủng khiếp quá, những mười ba năm trời cay đắng, đằng đẵng. Nguyễn Du ngày xưa, vì thời cuộc nhiễu nhương, cũng chỉ có mười năm gió bụi!

Thân tốt nghiệp đại học y khoa trước Ngân Hà những hơn mười năm. Và là bác sĩ duy nhất về công tác ở bệnh xá huyện trên miền Bắc lúc bấy giờ. Một chuyện chấn động cả huyện, cả tỉnh và toàn ngành Y tế, còn vì đó là một huyện miền bán sơn địa. Thầy thuốc của bệnh xá huyện, chỉ có hai y sĩ và mười y tá, hộ sinh, hộ lý. Trên đã quan tâm đến vùng sâu, vùng xa. Bệnh nhân nào đến, bệnh xá trưởng y sĩ Nguyễn Văn Miên cũng mời Nguyễn Quý Thân hội chẩn. Uy tín người bác sĩ trẻ vang dội cả một vùng sơn cước. Cải cách ruộng đất vừa xong chưa lâu; ông bà nông dân không coi thầy lang, thầy giáo ra gì. Họ đã từng cùm trói, đấu tố, tra khảo, làm nhục, đánh gục, tử hình thầy lang địa chủ. Nhưng đây là bác sĩ cơ mà. Bác sĩ khác hẳn thầy lang chứ? Thầy lang đều là bọn lang băm… Hai tiếng “bác sĩ” đã tác động vào họ những cảm nhận mới, về cái công vệc đáng kính trọng của giới thầy thuốc. Ơn đảng nhờ Bác, điều về cái vùng thâm sơn cùng cốc này, một ông bác sĩ tuổi trẻ, mà trị bệnh như thần. Nhiều ca bệnh tưởng chết mười mươi, nhờ có bác sĩ Nguyễn Quý Thân, nên đã được cứu sống.

Chiều thứ bảy. Mặt trời còn đậu trên đỉnh ngọn tre. Một cháu gái tuổi mười sáu vào bệnh xá cấp cứu. Cháu đang đau bụng dữ dội.

Thân trực. Anh khám bụng bệnh nhân; không thấy có dấu hiệu của một bệnh lý ngoại khoa. Nghĩa là cháu không phải mổ. Cũng không phải chuyển tuyến trên. Anh vừa ghi vào bệnh án, vừa nói với y tá:

– Dolargan không gam mười nhân một ống, tiêm bắp. (Dolargan 0,10g x Một ống. Tiêm bắp).

Y lệnh được y tá thực hiện ngay.

Cô gái khỏi tăn ngẳn. Người mẹ mừng quá hóa ngây. Một lúc sau, chị gửi nó lại bệnh xá. Bố cháu cũng đang ốm lăn lóc ở nhà. Bác sĩ huyện giỏi quá. Đúng là thầy thần, thuốc tiên.

Bệnh xá mất điện thường xuyên. Hôm nay, cũng lại cả ngày mất điện. Trời tối chưa lâu, nhưng miền đất bán sơn địa, về đêm vắng lặng rất sớm. Thân một mình đến buồng bệnh thăm lại bệnh nhân. Mấy người bệnh nhẹ, đã bỏ về nhà, ngay từ lúc vàng vàng mặt giời. Cháu gái hết đau và ngủ say tới mức lật qua, vần lại, cũng không mở mắt. Tay trái Thân cầm cái đèn bão Trung Quốc, tay phải sờ nắn bụng người bệnh. Cô gái dậy thì đã ba năm. Hai bầu vú tròn đẫy nắm. Quầng vú màu hồng đào, mơn mởn. Cái bụng không còn căng chướng. Làn da trắng trở lại mịn màng, nhìn thật thích mắt. Bệnh lý đau vùng bụng ở giới nữ thường phức tạp. Ngoài những bệnh cấp cứu nặng, như viêm tuỵ, thủng dạ dày, tắc ruột, viêm ruột thừa… có thể còn đau do thoát vị đùi hoặc thoát vị môi lớn và nhiều tình trạng khác liên quan đến phụ khoa nữa. Nghĩ thế, Thân kéo cái quần của cô gái xuống. Không có dấu hiệu nào của những căn bệnh Thân vừa nghĩ đến. Nhưng Trời ơi! Nó đẹp… Tươi sáng, trinh trắng như một tiên cô. Những bức tranh khỏa thân của các danh hoạ thời Phục Hưng làm sao sánh bằng! Các dấu hiệu sinh dục thứ kỳ đã phát triển đầy đủ. Trên gò Vệ Nữ, một vạt lông trải khá rộng, đen nhánh, còn ngắn nhưng đã mọc dày và mướt… Và đôi bờ của cái suối tiên phơn phớt hồng… Khuôn mặt cô bé nữa, không ngôn ngữ nào lột tả hết được đầy đủ cái đẹp của người con gái ở tuổi trăng tròn. Thân rạo rực, thèm khát tới mức không còn nghĩ được sau trước, đúng sai là gì. Chỉ còn cơn bão táp nhục dục quay cuồng. Nhìn ra, bên ngoài trời tối mịt mùng và không có ai. Cô y tá trực xin đi ăn cơm từ sớm, cũng chưa thấy về. Thân tắt đèn, và cúi xuống bế thốc cô gái về phòng trực của mình…

Nửa đêm.

Người mẹ đến bệnh xá, vừa lúc con gái dặt dẹo từ phòng bác sĩ Thân đi ra như kẻ mất hồn. Ôm chặt đứa con nhỏ bé, xanh mét ở trên giường bệnh, chị gào lên, như nó đã chết. Tiếng khóc đau đớn, tuyệt vọng và căm hờn của người mẹ vang động cả một vùng núi đồi khuya vắng…

Bố mẹ cô gái làm đơn tố cáo bác sĩ Nguyễn Quý Thân lợi dụng nghề nghiệp, tiêm thuốc mê, để hiếp dâm con gái mình.

Bệnh xá trưởng cố làm công tác tư tưởng, dàn xếp, hy vọng bác sĩ Thân còn được tiếp tục làm việc ở bệnh xá. Nhờ có Thân, chất lượng chuyên môn ở đây được nâng lên hơn trước rõ rệt. Uy tín của bệnh xá trưởng với lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh nổi trội hẳn. Ông Miên không muốn câu chuyện đồi bại, xấu xa, bê bối này lan rộng ra ngoài.

Y sĩ Miên vốn là học sinh ở vùng tự do, trong kháng chiến chống Pháp. Anh quen với công tác dân vận từ rất sớm, nên khéo nói nổi tiếng cả huyện. Cứ là kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Trước hết, trên cương vị bí thư chi bộ và bệnh xá trưởng, tôi cắn rơm cắn cỏ xin lỗi cháu gái và anh chị nhà. Sau là cúi đầu mong gia đình thông cảm. Đằng nào thì sự việc cũng đã xảy ra. Bác sĩ Thân khuyết điểm, lãnh đạo chúng tôi đã và sẽ tiếp tục kiểm thảo, phê bình. Rồi sẽ thi hành kỷ luật. Nhất định tôi kỷ luật bác sĩ Thân thật nặng. Gia đình hãy vui lòng lượng thứ, không để quần chúng nhân dân biết là điều tốt nhất. Làm to chuyện, về phần cán bộ của chúng tôi, đã đành rất xấu rồi. Mà bác sĩ Thân là người cấp trên điều động về huyện nhà, giúp cho nhân dân vùng sâu vùng xa chúng ta có hiệu quả cao. Anh chị đưa đơn… Ta cùng thử tính xem, khi chuyện vỡ lở, huyện mất cán bộ, anh chị và cháu chẳng những mất tiếng tốt đẹp, mà còn mang tiếng không hay, về lâu, về dài. Cha mẹ nên để đường cho con gái… Tôi coi cháu cũng như con mình, nó còn phải học hành và chồng con sau này.

Anh chị vui lòng rút đơn lại, thì thật phúc đức quá. Từ nay, bất kể ai trong nhà ốm đau gì, chúng tôi cũng sẽ chịu trách nhiệm khám xét, điều trị chu đáo.

Nghe ông lãnh đạo nói điều hơn lẽ thiệt, người chồng ốm o lưỡng lự, phân vân, nhưng chỉ buồn rầu nhìn vợ. Người vợ nói:

– Không thể thông cảm với một bác sĩ vô đạo đức như vậy được. Dù sao, con chúng tôi cũng đã bị làm nhục rồi. Chúng tôi phải lên tiếng, để tránh cho các cháu gái khác. Hai đứa em nó ở nhà, cũng là con gái…

Nguyễn Quý Thân phải nộp lại bằng bác sĩ cho cấp trên. Và nhận quyết định điều động về Hà Nội làm việc, với chức danh hộ lý không thời hạn. Cũng có người thương Thân. Kỷ luật ấy quá nặng. Thầy thuốc bậc đại học đang rất hiếm hoi. Nhân tài như lá mùa thu. Chỉ vì khuyết điểm sinh hoạt mà mất toi một bác sĩ giỏi. Tiếc quá! Nhiều người khác lại đòi xử nghiêm khắc hơn. Kẻ không có đạo đức công nông binh như thế, đuổi khỏi ngành thuốc mới đáng! Sao “trên” vẫn để hắn làm việc ở bệnh viện? Khi cơn điên cuồng của hắn nổi lên, người bệnh ốm yếu, sức đâu chống lại!

Không quân Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam. Thân bỏ việc ở bệnh viện. Ba năm trời đã qua, khủng khiếp và nhục nhã quá rồi. Thân gia nhập “Thanh niên xung phong”. Suốt thời gian chống chiến tranh phá hoại, Thân lăn lộn trên rất nhiều trọng điểm khu Bốn: Truông Bồn, Phà Bến Thuỷ, Ngã ba Đồng Lộc, phà Sông Gianh, rồi cả cái bến phà máu lửa Xuân Sơn anh hùng. Không ai biết Nguyễn Quý Thân là bác sĩ. Và càng không ai biết cái thành tích bất hảo trong tiền sử của con người này. Chỉ huy đơn vị quí lắm, vì Thân lúc nào cũng chấp hành mệnh lệnh, lầm lũi làm việc. Không khi nào anh tỏ ra hoang mang, lo sợ hay thắc mắc. Thân cũng không đòi hỏi quyền răng quyền lợi gì cả. Một chiến sĩ gan góc, dũng cảm. Chỉ huy phát lệnh gì, người chiến sĩ nhiều tuổi nhất đơn vị này cũng nêu cao tinh thần cách mạng, xung phong đi đầu, làm gương cho lớp trẻ noi theo. Thân không hề nao núng, khi chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh ngay trước mắt hay bên cạnh mình. Có chết, Thân thấy vẫn hơn cái kỷ luật mà nhiều năm anh đã phải ngày đêm chịu đựng.

Khổ nhục cùng cực vì chuyện đàn bà, nhưng cái thân thể đàn bà vẫn cứ lôi cuốn, hấp dẫn. Thân muốn tránh hẳn, mà không làm sao nguôi đi cho được. Trong khói lửa bom đạn, Thân cũng chờm hơm được nhiều cô gái trẻ đẹp. Nhưng Thân hành sự rất kín. Nhất định không để ai hay biết. Thân biết khơi dậy cái lòng ham sống của phụ nữ giữa những ngày đêm chết chóc thê lương, thường là bất ngờ, chớp nhoáng xảy ra, khi máy bay giặc ào tới trút bom và bắn rốc két… Dù biết mình có kinh nghiệm và hơn nữa, có kiến thức về “sinh đẻ kế hoạch”, nhiều phen Thân vẫn hú vía. Các nữ đồng đội và các cô gái thôn xóm ở bên những con đường ấy, đồng loạt có thai giữa cái thời binh lửa… Thì nguy!

… Rất lâu sau ngày toàn thắng miền Nam, Thân mới treo lên tường một huy chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất, một huân chương chiến công, một kỷ niệm chương thanh niên xung phong và nhiều giấy khen, bằng khen về tinh thần dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngân Hà thấy, nhưng không để tâm đến những cái khung kính treo khắp tường nhà của Thân. Nàng cũng không biết, những kỷ vật ấy là vô cùng thiêng liêng với chồng. Nhờ chúng, ông được xóa án kỷ luật, nhận lại “Bằng tốt nghiệp đại học y khoa” và quyết định đến công tác ở bệnh viện Hồng Phúc.

V.O.

Comments are closed.