Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 13)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Khang đang đọc lại một bệnh án được chẩn đoán nang tụy. Các khám xét và thăm dò cận lâm sàng cho người bệnh cũng đã đầy đủ. Bệnh nhân là người quen, từng công tác ở ban chính trị Quân Y viện 101 đến nhờ. Các bác sĩ, ai cũng nói và viết theo sách giáo khoa, xưa nay: “U nang giả tuỵ” hoặc “Nang giả tụy”. Khang chỉ ghi “Nang tụy”. Bởi nó cũng là một khối nước có vỏ bọc, như nang gan, nang thận hay u nang nước buồng trứng của phụ nữ… Ông dự kiến mổ cho người đồng đội cũ vào đầu tuần sau.

– Chào bác Khang!

Khang nhìn lên; giám đốc Bùi Cường và một người lạ mặt đã vào trong phòng. Người khách thấp lùn, to ngang, mặc áo sơ mi cộc tay; mặt vải được in những đóa hoa hướng dương to bằng miệng cái bát ăn cơm vàng chóe. Trên khuôn mặt vuông vức màu nâu đồng của anh ta lấm tấm những nốt ruồi đen khá dày; và cái miệng rộng chợt cười, chợt tắt.

Khang bắt tay hai người:

– Chào các anh! Tôi xin lỗi, đang mải… Mời các anh ngồi.

Khang vui vẻ nói với khách và pha trà. Tiến sĩ Phạm Đông Dương, người cùng khoa với ông ở Quân y viện 101, nay đang công tác ở Cục Quân y mới đến cho cân trà ngon Tân Cương.

Giám đốc chỉ vào người lạ mặt:

– Giới thiệu với bác Khang, đây là bác sĩ Lã Hồng Quân, chuyên khoa cấp hai ngoại tổng hợp, giảng viên đại học y khoa Thiên Đức. Khả năng được phong hàm phó giáo sư nay mai. Tôi nhận về bệnh viện mình và bổ nhiệm Quân làm trưởng khoa Ngoại Sản.

– Vâng, tốt quá! – Khang trả lời giám đốc. Và ông bắt tay ông trưởng khoa mới:

– Chúc mừng anh! – Sau cái bắt tay với lời chào mừng, lại nhìn tận mặt Quân, ông Khang chợt nhớ tới những câu ngạn ngữ: “Nhất rỗ nhì lùn, nhất lé nhì lùn”. Và ông không thể không chú ý tới cái miệng chợt cười, chợt tắt của anh ta.

– Cảm ơn! – Khách cười.

Bùi Cường tiếp:

– Quân còn dở một số công việc vô thiên lủng ở Trường đại học y khoa Thiên Đức. Tôi trả lương và cho phép Quân nghỉ để thu xếp, ba tháng sau sẽ về nhậm chức. Hôm nay tôi đưa Quân tới khoa là để các anh biết nhau. Các bác sĩ mình đâu cả?

Một lần nữa, Khang thấy giám đốc gọi người hơn tuổi mình chỉ bằng cái tên trọi, xách mé. Đã là lãnh đạo, tất là bề trên của bất kỳ ai?

– Họ đi phụ và xem giáo sư Tấn mổ. Ca loét dạ dày, anh đã duyệt từ thứ sáu tuần trước. – Khang trả lời.

– Bận quá! Tôi quên cả lịch làm việc của giáo sư Tấn ở đây. – Cường nói với khách.

Bùi Cường tạo dựng được mối quan hệ thân thiết với giáo sư Nguyễn Đức Tấn ngay từ khi ông nắm chức phó giám đốc bệnh viện Hồng Phúc. Khi Cường có bệnh nhân cần mổ, ông Tấn đến giúp bất kỳ giờ nào. Bệnh nhân của giáo sư đưa tới, Cường lệnh cho nhà mổ và khoa ngoại phục vụ thầy vô điều kiện.

Giám đốc quay sang với Quân:

– Tối nay chúng ta đến nhà riêng của thầy. – Một lần nữa, Cường muốn Khang biết mình có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với vị giáo sư ngoại khoa nổi tiếng này.

Nhiều năm sau Khang mới hay câu chuyện của Cường và Quân hôm đó. Quân được Cường cho nghỉ ba tháng để viết luận văn chuyên khoa cấp hai. Lúc đầu gặp Khang, Quân cũng chỉ có bằng chuyên khoa một. Bùi Cường nhờ giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đức Tấn, thầy giúp Quân chính là giúp em. Để anh ấy về làm trưởng khoa. Có thế, em mới rảnh tay, khỏi phải kiêm nhiệm.

* * *

Trừ khi đi xa, sáng nào giám đốc cũng chủ trì giao ban.

Cường vừa nghe bác sĩ trực báo cáo, vừa ghi lại tất cả tên tuổi những bệnh nhân đã vào cấp cứu trong cả ngày và đêm trước. Không phải kíp trực nào cũng chẩn đoán và xử trí hoàn hảo cho mọi người bệnh. Đôi khi họ có sai lầm, thiếu sót, ở trường hợp này về chẩn đoán, trong trường hợp kia về những việc làm cấp cứu ban đầu, và có lúc cả việc sử dụng thuốc men… Cường ghi chép nhưng không một lần phân định, chỉnh sửa, uốn nắn, hướng dẫn… Ông không bao giờ phân tích, giải thích thêm, về những hiểu biết mới, cách điều trị một chứng bệnh nào đó, xưa nay, thế giới cũng như trong nước đã có những thay đổi và tiến bộ gì.

Thời gian đầu, Khang ngạc nhiên. Chức trách của giám đốc, chức năng và nhiệm vụ của người chủ trì giao ban ở đây là như thế sao? Không lâu sau, viên cựu đại úy hiểu ra. Người đứng đầu một cơ sở điều trị y khoa cần và phải có những gì trong đầu, để làm tròn chức trách cá nhân lãnh đạo với một tập thể cán bộ khoa học dưới quyền?

Thay vì những gì cần nhắc nhở, bổ xung, mở rộng kiến thức mang tính hàn lâm và những cập nhật thông tin khoa học cũng như kỹ thuật, ngày nào Cường cũng nói về kế hoạch và tương lai phát triển xán lạn của bệnh viện Hồng Phúc. Những là, sẽ xây dựng cơ sở vật chất hiện đại; tổ chức nhân sự, cho cán bộ đi du học nước ngoài để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ; tìm người trình độ tiến sĩ, phó giáo sư hay giáo sư về bệnh viện mình làm việc; nâng cao thương hiệu bệnh viện Hồng Phúc. Rồi tình hình khám tuyến, điều trị tại chỗ, thu hút, bổ xung số lượng bệnh nhân cho kỳ đủ và vượt chỉ tiêu, càng nhiều càng hay. Rồi việc khám sức khỏe cho người xuất khẩu lao động… Tuần nào, các bác sĩ cũng được nghe nhắc đến khoản tài chính của bệnh viện, từ các nguồn thu trong tháng, trong quý. Tương lai, cán bộ sẽ có mức lương gấp hai gấp ba bậc lương hiện tại. Cường nhiều lần nhấn mạnh vai trò của giám đốc bệnh viện và tình hình nhân sự trên sở, trên bộ, trên trung ương, vân vân.

Mọi vấn đề Cường nêu đều chung chung, không cụ thể. Nhân viên nghe biết những chuyện ấy chẳng để làm gì. Khang hiểu, lãnh đạo muốn những người dưới quyền mình thấy trước một viễn cảnh sung túc, tươi đẹp để củng cố niềm tin giám đốc là một thế lực và cũng là một tài năng. Nhiều người không muốn vẫn chăm chú. Không nghe đấy mà cứ làm như mình lắng tai lĩnh hội. Giám đốc nói gì chẳng đúng, chẳng hay và chẳng quan trọng?

Sáng nay Cường thông báo thêm, ta sắp có trưởng khoa Ngoại mới, như đã giới thiệu với ông Khang. Đó là giảng viên đại học y khoa Thiên Đức, Lã Hồng Quân, một người từng là sinh viên đại học hệ chính quy và ra trường với bằng bác sĩ chính quy hạng xuất sắc. Vì anh rất giỏi, nên vừa tốt nghiệp đã thành giảng viên đại học ngay tắp lự. Anh học chuyên khoa cấp một, cấp hai ngoại chung cũng xuất sắc nhất nhì. Rồi ra anh Quân sẽ chuyển đổi sang ngang tiến sĩ. Cũng sẽ là xuất sắc. Và rất là hay, Quân sắp được phong hàm phó giáo sư. Vậy là bệnh viện Hồng Phúc có giáo sư tiến sĩ là nhân viên. Thầy đấy! Thầy bậc cao cấp đấy, thầy tầm cỡ đấy. Các bác sĩ Hồng Phúc ta nếu thật sự hiếu học, thì có cơ hội được bổ túc thêm từ thầy Quân rất nhiều. Phấn khởi chứ? Đề nghị chúng ta hoan hô!

Hội trường vỗ tay lốp bốp một hồi.

Cường rất lấy làm tự hào. Dưới quyền lãnh đạo của mình, có cả thầy giáo bậc đại học, phó giáo sư, tiến sĩ. Cán bộ nhân viên, các bác sĩ, dược sĩ và quần chúng nhân dân phải hiểu trình độ của ông giám đốc cao và vững thế nào, tài năng xuất chúng ra sao, mới lãnh đạo được những nhân vật tầm cỡ lớn thế chứ?

Các buổi giao ban ở khoa, bao giờ cũng đúng 15 phút. Nhưng giao ban viện lại thường kéo dài.

Không kể phòng cấp cứu, những nơi khác bệnh nhân đều phải chờ thầy thuốc mỗi sáng. Những việc thay băng, tiêm truyền, và các ca mổ phiên đều làm muộn, lúc đã gần trưa.

Giáo sư Nguyễn Đức Tấn cho Quân mượn một cái luận án của học trò cũ từ hơn mười năm trước. Quân sao lại một bản rất sạch sẽ. Đề tài “Mổ điều trị thủng ổ loét dạ dày, tá tràng”. Quân có thêm bớt một số chữ, vài câu, vài dòng ở mỗi trang, mỗi đoạn. Cái thủ thuật sáng tạo ấy thì Quân giỏi. Các bảng biểu, phân tích, biện luận… trong luận văn đều được giữ y nguyên. Chỉ thay đi những con số người bệnh mổ và ngày tháng năm viết luận văn ở cuối. Tổng số mổ khâu lỗ thủng dạ dày trong luận án của Quân lớn hơn của bất cứ ai đã bảo vệ trước đó. Người ta có kiểm tra những con số trên mặt giấy với bệnh nhân được mổ thực bao giờ! Ông thuê làm vi tính, in ra nhiều bản. Và Quân bảo vệ tại hội đồng giáo sư cấp nhà nước, do chính tiến sĩ Nguyễn Đức Tấn đứng vai giáo sư chủ tịch.

Cường nói với Quân:

– Ông cố gắng chịu nghe thầy chửi. Giáo sư Tấn sẽ chửi ông thậm tệ đấy. Nhưng chớ có tự ái. Tôi nói ngay là ông không được tự ái. Phải có gan chịu nhục. Việt vương Câu Tiễn ăn cứt Phù Sai, một tấm gương đáng cho ta học tập. Với những người ở tầm học trò, không thật sự giỏi, là thầy Tấn chửi. Giáo sư Tấn nhìn ai chẳng thấy dốt nát? Chưa hiểu vấn đề gì đó, thầy chửi. Không khéo đối xử, thầy cũng chửi! Không có gì sai, thầy vẫn tìm ra cớ, moi ra cái gì đó… để chửi! Có người bị thầy chửi oan, rất vô lý. Thì đời có câu: “Cả vú lấp miệng em” mà. Cũng không sao. Tính khí vậy, nhưng thầy rất tốt bụng, rất thương người. Có lần học trò mổ lỗi, thầy đã phải giơ đầu chịu báng! Giáo sư nói với tôi về ông rồi. Thầy hiểu ông rất cặn kẽ, sâu sắc. Vì ông từng là sinh viên của thầy. Mà Trường đại học Y khoa Thiên Đức của ông sinh sau đẻ muộn. Đội ngũ thầy các ông đều là học trò, bao giờ chẳng phải chịu cái phận lép, cái phận dưới tầm. Bây giờ thầy lại giữ cương vị chủ nhiệm khoa sau đại học, ban phát các loại học vị. Thôi thì thầy mắng chửi thế nào cũng được, miễn là thầy không đánh trượt, miễn là thầy cho ông cái bằng chuyên khoa cấp hai. Tôi xin thầy rồi. Tôi nói chuyện đầy đủ với thầy rồi. Tôi lo mọi thủ tục rồi. Không thầy đố mày làm nên. Vì ông, tôi phải chịu xấu mặt kẻ xin tương. Tôi đặt ông vào cái ghế trưởng khoa, trong khi ông chỉ là một thằng bạch vệ, lại cũng chỉ mới có cái bằng chuyên khoa cấp một đặc cách, thì sượng mặt quá! Ông có biết ngượng không, là một chuyện. Còn tôi, người ta sẽ hỏi vì sao tôi đặt ông lên cái ghế ấy? Đảng ủy bệnh viện thì là một lẽ; có ý kiến của tôi thì họ phải im. Còn cấp trên nữa chứ? Mấy năm đi làm chuyên gia, mổ xẻ ông đã khá khẩm hơn chưa? Nếu không tiến bộ tý nào thì chối lắm. Chướng lắm. Xấu hổ quá đi chứ! Như thế là chúng ta tự tạo ra những dư luận xấu cho mình! Phải đề phòng trước; phải ngăn chặn từ xa; phải chống “diễn biến hoà bình”.

– Vâng! Anh cứ lo cho. Cần những gì thêm, anh cứ bảo tôi. Anh cứ tin tưởng… Mà thôi, tôi xin anh tối mai ta hãy đến thầy. Còn tối nay, ta gặp nhau ở một nhà hàng nào đó, để bàn định thêm cho kỹ mọi đường đi nước bước. Với giáo sư Nguyễn Đức Tấn, tôi nghĩ, ta phải tính toán thật kỹ, từng chi tiết nhỏ; phải thật mô phạm, chu đáo mới được. – Quân nói nhỏ.

– Đúng thế. Ông cũng cần biết thêm, trong khoa có bác sĩ Trần Tử Khang. Người tôi dẫn ông tới gặp đầu tiên ở khoa ấy. Anh ta từ quân đội chuyển ra. Mổ được nhiều loại phẫu thuật. Chỉ có bằng chuyên khoa một, nhưng đã là bác sĩ chính ngay từ ngày đầu nhà nước đưa ra cái chức danh ấy. Ngay tôi là giám đốc và cả ông, bây giờ ta đã được “bác sĩ chính” đâu! Làm thầy lâu năm, vì sao mà cái giảng viên chính, ông cũng chưa được? Là tôi hỏi ông ấy. Tôi thấy anh ta cắt gan, cắt nối ống mật chủ với ruột non, cắt dạ dày, cắt đại tràng… thành thạo, đẹp và an toàn. Chuyên khoa tiết niệu, anh ta cũng làm được tất cả các phẫu thuật kinh điển. Giáo sư Tấn mổ, các bác sĩ của ta vào phụ một, phụ hai, phụ ba. Còn lại thì bu lại, kiến tập. Chỉ mình anh ta vẫn ung dung ngồi ở phòng làm việc. Ông cũng đã thấy rồi đấy. Các thầy sang đây mổ nang giả tụy, đều nối vào mặt sau dạ dày. Khang không làm thế. Anh ta nối với ruột non. Phải công nhận như thế tốt hơn. Nhưng khó gấp bội. Đó là một người thông minh, giỏi kỹ thuật và rất thạo công việc. Nhưng tôi không sử dụng. Anh ta nghĩ mình có kiến thức, có kỹ thuật mổ xẻ, nên đã bỏ qua nhiều vấn đề nhạy cảm thời đại!

Các ông nên nhớ, không phải có cái tài vặt mổ xẻ, cái khả năng tốt trong chuyên khoa mà đã đủ đâu. Lãnh đạo chúng tôi đâu chỉ cần có thế? Lãnh đạo chúng tôi yêu cầu ở các ông nhiều thứ, triệt để, toàn diện về mọi mặt. Giám đốc bao giờ cũng nhận định trình độ, đánh giá thành tích của các ông một cách vô tư và khách quan, để đề bạt cất nhắc thật sự công bằng!

Ngoài bác sĩ Khang, ông không còn phải ngại ai nữa cả. Nhưng cũng cần khéo một chút. Cái đó, chỉ cần nhìn các bố cán bộ chính trị, về việc họ làm công tác dân vận xưa nay là đủ. Ông có hai phó khoa giúp việc. Phải vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Không nên ganh đua, thi thố về mặt chuyên môn, nhất là mổ xẻ. Tôi nhắc lại, ông phải nghiên cứu thật kỹ, phải thấm nhuần luận thuyết “Tập trung dân chủ”. Nó vô cùng quan trọng, và là cái lẽ sống còn, cho những người lãnh đạo như chúng ta.

– Vâng, vâng! Tôi hiểu. Anh cứ tin tưởng. Tôi sẽ cố gắng.

– Anh ta về trước ông hơn một năm. Lại là sĩ quan quân đội, là đảng viên kỳ cựu, gia đình chính sách. Tốt nghiệp đại học trước cả tôi đến tám chín năm trời. Công bằng, thì đấy là bậc anh, bậc thầy về chuyên môn đấy. Xét về chính trị và nghề nghiệp, anh ta xứng đáng là trưởng khoa hơn ông rất nhiều. Đến giờ, ông vẫn còn là một thằng “Bạch vệ”, chuyên môn cũng chỉ chuyên khoa cấp một. Hơn nữa, từ khi ra trường ông chỉ đứng bục đọc bài cho sinh viên chép, thì phải coi chừng cái thực tế lâm sàng. Vậy mà tôi giành cái ghế trưởng khoa cho ông. Chắc ông hiểu được như thế nào rồi chứ?

– Vâng! Vâng! Tôi hiểu. Anh cứ tin tưởng.

– Hiểu thật chứ? Đổi mới đấy!

– Vâng! vâng! Nhất định chúng ta sẽ là một ê kíp gắn bó mật thiết, sống chết có nhau. Anh cứ tin tưởng. Lãnh đạo yên tâm. Tôi hiểu sâu sắc những ý kiến chỉ đạo của anh. Anh cứ tin tưởng…

Quân được người môi giới và vợ mình khôn khéo kiến tạo những bước đi đầu tiên trên con đường thay đổi công việc làm ăn. Quân biết phải có cái bằng bác sĩ chuyên khoa cấp hai, để lãnh đạo Cường đặt mình vào ghế trưởng khoa đấy thôi. Với Bùi Cường, mảnh bằng ấy đâu có giá trị. Bằng cấp gì cũng không bằng cái “bằng lòng”. Vì thế, mình không nên để anh ấy lăn tăn. Không thể để anh ấy không tin tưởng. Không thể để Bùi Cường phật ý.

Quân nghĩ “chuyện nhạy cảm thời đại” Cường nhắc tới, khi nói về Khang, không ảnh hưởng gì đến tiềm năng kinh tế của vợ chồng mình. Làm ăn cái gì mà không phải đầu tư? Kinh doanh gì mà không phải bỏ vốn? Mình rất may là có bà vợ hiểu biết vấn đề ấy sâu sắc. Đầu tư càng lớn, càng cao, mình càng có giá. Tiền từ châu Phi mang về, hai vợ chồng xoay ra kinh doanh bất động sản. Có mảnh đất mua ba trăm triệu, bán lãi ba tỷ. Một biệt thự mua có hơn năm tỷ, bán lãi những hai chục tỷ… Thêm vào, là các kỳ sinh viên thi hết môn, mỗi lớp chỉ đánh trượt khoảng từ năm đến mười phần trăm, những đứa gia đình có máu mặt… Quân biết, mình phải tránh những sinh viên nào và cũng không o ép chúng nó quá đáng.

Với Quân đám tang giảng viên, phó tiến sĩ, bác sĩ T. T. G. là một bài học lớn. Là một mất mát đau xót, cũng là một nỗi nhục cho các bậc làm thầy. Một cậu sinh viên nghèo bị T. T. G. đánh trượt môn bệnh học nội khoa, xin mãi không được thầy nâng điểm vớt. Cậu ta không thể thi tốt nghiệp, trong khi cha mẹ đều đã quá già, cũng lại quá nghèo. Nhà ở khu mỏ than Quảng Ninh, khó gì nó không tìm được gói thuốc và một cái kíp nổ? Nó đã gài mìn tự tạo vào lẵng hoa, đến tận nhà riêng để “chúc mừng” thầy, nhân ngày nhà giáo Việt Nam!

Mấy ngày nay, Quân nghĩ nhiều về chặng đường mới trong cuộc đời mình. Thời bao cấp, mọi cán bộ đều sống bằng lương, như nhau. Bây giờ, các chuyên khoa đều có thu nhập khác nhau và chênh lệch ấy lại khá lớn. Không thể để tuột cơ hội vàng, như viên sĩ quan quân y khờ khạo, ngớ ngẩn kia. Lẽ ra, anh ta phải có bài, có kế, đầu tư đầy đủ để tiến thân. Năm nghìn USD tưởng to, thực ra không đắt. Trần Tử Khang về đây trước mình hơn một năm… hồi ấy chắc chỉ ba bốn? Thế thì anh ta đã chiếm ngay được cái ghế trưởng khoa rồi. Quân lại nghĩ, cơ hội tốt chỉ đến với ai biết tận dụng nó, thì người đó phất. Nếu anh ta khôn ngoan thế, còn đâu đến mình? Nghĩ đến “con ngan nằm” Quân tiếc là mình không về đây sớm hơn. Rồi đây, ta là trưởng khoa. Quân lại băn khoăn, làm trưởng khoa thì phải có cái trình độ chuyên môn cao nhất. Tức là khả năng chẩn đoán lâm sàng và kỹ thuật mổ xẻ phải hơn hẳn. Theo Cường thì Khang là bác sĩ giỏi. Thế thì thằng cha… cũng đáng ngại đấy. Nhưng mình sẽ phát huy lý thuyết thâm sâu, để phán xét cái thực tế lâm sàng có thể chỉ là làm nhiều quen tay thô thiển của anh ta, như lưỡi dao sắc gọt củ khoai sống. Mà ngại gì? Trong môi trường chỉ cần nước bọt, mình đã chẳng trụ được cả một thời gian dài, những hai chục năm trên các bục giảng còn gì? Tới đây, không cần cái miệng cái lưỡi nhiều nữa, mà phải là đôi bàn tay chủ công, chủ đạo. Mình sẽ phát huy… Dù thế nào, mình cũng phải làm ăn thật ra trò. Đầy ứ cả một đầu lý thuyết, dậy bảo thiên hạ mãi. Lẽ nào không mang nó ra thi thố, ứng dụng, đạt hiệu quả cao? Chắc gì Khang đã thật sự giỏi giang; có thể giám đốc chỉ hù dọa mình!

Quân đã đi Châu Phi mấy năm. Lúc đầu dạy y tá cho người bản xứ. Nhưng vốn tiếng Bồ quá ít, học sinh nghe không hiểu; ông phải chuyển về bệnh viện thực hành. Các bệnh mổ nhỏ, hẹp bao quy đầu, dái nước, u mỡ dưới da… quá nhiều. Mổ ngày này qua tháng khác không hết. Ông tình nguyện phụ trách cái mảng đó. Giống như công việc tiểu phẫu ở các phòng khám bệnh của Việt Nam. Những bệnh ngoại khoa nặng, loét dạ dày, sỏi mật, sỏi thận… rất ít. Và khi có, thì ông tránh rất giỏi. Ông đùn cho các chuyên gia khác những cuộc mổ hóc búa. Cũng may, các bác sĩ có tay nghề tốt đều thích thực hiện những ca mổ lớn, những ca khó khăn.

Trên đất Angola, những người bệnh phải mổ nếu chết cũng không thấy ai truy tìm nguyên nhân, không ai truy cứu trách nhiệm gì hết. Người bản xứ nghĩ các ngài bác sĩ chuyên gia ngoại khoa nước ngoài, mặc nhiên là mổ giỏi như thánh sống cả rồi. Họ là những người trời được Đức Allah phú cho thiên chức phò khốn cứu nguy. Người bệnh có chết, là do bệnh nặng, phải chết. Những cái chết ấy đều do Đức Allah, đấng Chủ Tể toàn năng, Đức khoan dung độ lượng, rất mực nhân hậu gọi về, ban cho một cuộc sống mới hạnh phúc vĩnh hằng.

Với Quân, Trần Tử Khang là một hiện tượng lạ. Ngay từ ngày chiến tranh, mình đang là sinh viên, anh ta đã mổ được tất cả các đại phẫu và những phẫu thuật đặc biệt vùng bụng ngực. Khang được người ta viết bài ca tụng trên tờ Quân Đội Nhân Dân, trên Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Ngay tại bệnh viện Hồng Phúc, ngoài những ca ngoại bụng đúng chuyên khoa của ông không nói, Khang mổ thành công mỹ mãn một cháu bé năm tuổi có ngón tay trỏ và ngón giữa dính chặt vào lòng bàn tay phải, mà trước đó năm tháng, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến thất bại. Phẫu thuật ấy không thuộc chuyên khoa của mình, mà Khang vẫn qua mặt được giáo sư trưởng khoa chấn thương chỉnh hình? Vậy mà Khang không chạy… Anh ta coi khinh bằng cấp? Anh ta phải chịu thiệt, về cái đức tính gàn dở ấy. Ngay bác sĩ Tôn Thất Bách, dù là con trai giáo sư Tôn Thất Tùng, dù là viện sĩ hàn lâm nước Pháp, rồi hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Hà Nội, chuyên gia đầu ngành phẫu thuật tim mạch Việt Nam, không có bằng chuyên khoa, không có học vị tiến sĩ, nhà nước ta cũng không phong hàm giáo sư kia mà!

* * *

Lã Hồng Quân, hậu quả của một cuộc rúc hầm, tránh quân lê dương càn quét của đôi nam nữ du kích làng Cống, thời kháng chiến chống Pháp. Vì thế, có cái tên Lã Du Kích, sau người bố đổi thành Lã Dân Quân. Thời gian Quân học phổ thông cấp một, sách báo và phim ảnh về Hồng quân Liên Xô chống phát xít tràn đầy; thầy giáo chủ nhiệm thay cho con chủ nhà cái tên đệm kêu hơn: Lã Hồng Quân.

*

… Chỉ nhìn cái khuôn mặt vuông chữ điền với đôi mắt sáng của đồng chí trưởng ban tuyển sinh huyện cũng đã thấy phải tỏ thái độ rất trân trọng. Vậy mà ông và mấy đồng chí cùng ban, người nào cũng ngồi ôm sát vào cái mẹt cỗ khiến chủ nhà đâm ngượng. Dân ngượng cho mình cũng ngượng cả cho khách. Nhưng không có cách nào hơn. Họ là khách quý, là cán bộ huyện sang trọng, chứ đâu phải dân quê, họ hàng, xóm giềng thế nào cũng xong. Không thể rải chiếu xuống nền nhà đất, như mẹ con nó thế kia được. Cái giường tre nhỏ này, kể cũng khí chật. Chắc các đồng chí ấy thông cảm hoàn cảnh nhà mình nông thôn. Hôm chia quả thực cải cách, Dân đã xí phần cái mâm đồng to, cái giường gỗ rộng của nhà địa chủ Mễ. Nhưng anh cán bộ đội lại giành tất cho mụ Nhớn cốt cán. Mình chỉ được cái giường tre này, với mấy cái nong, nia, dần, sàng. Tất cả, họ dùng đã lâu ngày, đổi màu cũ kỹ. Thêm cái chăn bông, cái áo lụa đũi, cái quần đùi vải trúc bâu nhuộm nâu rung rúc.

Mà cỗ là cỗ thịt chó, chứ mình tìm đâu ra mâm vàng đũa ngọc bây giờ! Cũng là sáng kiến của mẹ thằng Quân. Bà ấy bảo cái mẹt to hơn cái mâm gỗ nhiều. Rặt những đĩa to, bát lớn đầy phè thịt chó. Ông làm sao chất hết lên cái mâm gỗ bé như lòng bàn tay?

Dân cúi xuống, lấy chai rượu ở dưới gầm giường. Ông dùng hàm răng để rút cái nút lá chuối nghe đánh phựt; rồi từ từ rót một thứ nước đục lờ lờ vào từng cái chén hoa hồng Trung Quốc. Chủ xị cao giọng nói:

– Nhân dịp cháu Quân thi tốt nghiệp cấp ba, coi như là cháu đầu tiên của cả họ Lã nhà em đấy ạ. Vợ chồng chúng em có mấy chén rượu nhạt, với một con cầy tơ, trân trọng mời các bác cùng nhắm!

Công cầm chén rượu, giơ ra giữa giường, phía trên cái mẹt sít sìn sịt những đĩa bát thịt chó đầy ú ụ:

– Cùng một thành phần giai cấp cơ bản với nhau, mà đồng chí phó chủ tịch cứ trinh trọng, khách sáo, y như địa chủ ngày xưa. Thôi nào!

– Thưa đồng chí Công trưởng ban! – Dân biết về thôn quê ba cùng, nên ông trưởng ban ăn nói mềm mỏng thế, chứ gặp ở trên huyện thì ông hách lắm. Chợt nhớ ra Công hay làm thơ, và rất khoái khi nghe được người khác gọi mình là thi sĩ, nên ông cao giọng: – Mời đồng chí thi sĩ Bùi Cẩn Công, mời các đồng chí nhắm cái món đặc sản cổ truyền này. Coi như chúng em làm đúng như các cụ truyền dạy. Đặc biệt, phải có lá cúc tần và cả cái anh mần tưới. Có mặt hai thứ gia vị ấy coi như món dồi mới đúng với cái câu truyền tụng xưa nay: Sống ăn miếng dồi chó, chết xuống Âm Phủ biết có hay không. Món hấp, món dồi, gan nướng coi như đều phải chấm với muối ớt trộn giềng, vắt chanh. Thế mới chính cống món thịt chó cổ truyền.

– Đúng, đúng! – “Nhà thơ” Bùi Cẩn Công vội lên tiếng, như sợ không nhanh, người khác phát biểu mất. – Chú mày nói chính xác. Hôm tớ đi tỉnh họp về việc tuyển sinh đại học năm nay cũng rượu thịt cầy. Tớ ngồi cùng mâm một tay nhà báo trung ương. Hắn cũng bảo Hà Nội hiện đại là thịt cầy mắm tôm. Nhưng cái thằng cha nhà văn Vũ Bằng ở Sài Gòn viết về việc ăn thịt cầy Hà Nội, người kinh thành xưa chấm muối đấy chứ. Hắn còn nói thêm, một người từ trong Nam vượt giới tuyến, mang theo cuốn sách của Vũ Bằng ra Bắc. Những câu chữ của thằng cha ấy, nhà báo nói, đọc mà phục. Ký mà viết như thế thì chấp tất các nhà văn đang sống trên mảnh đất ngàn năm văn hiến của ta! Hắn còn tiết lộ là mình đọc trộm.

Rượu được quá! Chú mày nấu từ bao giờ đấy?

– Thằng cháu Quân nó mua bác ạ. Báo cáo các bác, xã em vẫn thực hiện đúng chính sách của trên, cấm ngặt nấu rượu!

Dân miệng nói, bụng nghĩ, thằng cha Công gớm thật. Người có cặp lông mày sâu róm, hai hàm răng trắng đều thế kia là chúa thích RTC. Cái miệng đẹp mà ông tra xét cán bộ cơ sở ngay trên mâm rượu thịt, mới kinh!

– Thưa bác, cháu Quân gửi bạn mua giúp từ năm ngoái đấy ạ. Chúng em để dành mời các bác. – Sợ chồng có tí men sinh lú, hớ hênh, mẹ Quân từ đầu nhà nói chõ sang.

Chai “Quốc lủi” đặc biệt này, Dân một tháng đôi lần nhận biếu của người họ hàng ngay bên kia vườn. Đó là một cách trả công ông phó chủ tịch xã láng giềng tốt bụng lờ cho việc làm ăn phi pháp.

– Rượu này mạnh, bốc ghê nhỉ! – Đồng chí phó ban tuyển sinh khen. Nhà nước cấm dân nấu rượu. Xem ra, cũng chả ăn thua!

Cả mâm rượu râm ran. Người này, “Đúng quá!” Người kia, “Đúng quá!” Người thứ ba, “Làm sao cấm được triệt để!” Người thứ tư, “Không hiểu “trên” nghĩ thế nào…Chứ cấm đoán thế quái nào được, bởi rượu là thứ đã sinh ra cùng với tổ tiên ông cha mình từ thời thượng cổ cơ mà?” Người thứ năm, “Cấm đấy, mà dân vẫn cứ có rượu uống. Thế mới đẻ ra cái tên quốc lủi.”

Công định nói, có thánh, nhưng dừng lại kịp. Coi như ông không tham gia bàn luận câu chuyện tiêu cực phạm thượng với nhân viên mình. Mấy tay này mới nâng lên đặt xuống dăm bận, nói năng đã mất hết quan điểm, lập trường.

Công ngồi thẳng lên, sau khi ăn nốt bát tiết canh thứ hai:

– Món hấp mềm. Thịt nạc còn đỏ hồng, mà chín, đậm, ngọt và thơm. Tay Dân này làm chó khéo! Gan tươi nướng lá na ngon quắt tai đấy. Những khúc dồi này, nhất định âm phủ không có. Món dựa mận hôm nay, mình chưa ăn ở đâu ngon bằng. Mới đút vào miệng, chưa kịp cả nhai, nó đã tan biến và trôi tuột xuống ruột mất rồi. Tiết canh thì, phải nói là tuyệt hảo!

Công ngẩng lên, nói nhỏ, chỉ mấy người ngồi cùng mâm nghe được:

– Nếu trên cho cán bộ đảng viên làm kinh tế, tay Dân này bung ra mở quán thịt chó, thì đông khách phải biết! – Rồi ông hỏi rõ to:

– Thằng Quân năm nay lớp mười, phải không?

– Thưa bác, vâng ạ! Cháu vừa thi đỗ rồi ạ. – Quân ngồi cùng mâm với mẹ và bốn đứa em, nhưng vẫn lắng nghe chuyện ở mâm trên. Nó nuốt vội miếng thịt hấp có bì, nhai mãi chưa dừ, tưởng nghẹn tắc giữa ngực và thưa vọng sang rõ to, tiếng được tiếng mất. Quân cũng đã đọc thơ của ông thi sĩ trưởng ban tuyển sinh huyện, in trên tạp chí văn nghệ tỉnh. Không hiểu gì văn chương, nhưng nó cũng thấy ông Bùi Cẩn Công nhận xét về thịt chó, tinh tế và hay hơn thơ ông rất nhiều.

– Như em đã có nhời ban đầu, coi như cháu vừa thi tốt nghiệp xong. – Dân nhắc lại.

Công dọn giọng, rồi nói trôi chảy, liền một mạch, gần như phát biểu ý kiến ở cuộc họp cơ quan:

– Năm nay, trên ra chính sách mới. Ban tuyển sinh huyện nhà đã thành lập. Việc chọn lựa sinh viên để đưa vào các trường đại học, tối cao là tao và bốn chú ngồi đây. Chiến tranh cả nước đã ác liệt rồi. Thanh niên chúng mày là phải ra chiến trường tuốt. Địa phương nào cũng phải thi đua, phấn đấu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!” Những đứa còn lại, hết lớp mười đều không phải thi đại học. Tuy không còn mấy đứa ở nhà, nhưng chúng tao vẫn phải xét duyệt, lựa chọn thật kỹ càng. Tiêu chuẩn thì nhiều, nhưng quan trọng và đầu tiên là cái lý lịch thuộc giai cấp công nông. Trên nhấn mạnh, thiếu cũng chỉ lấy con cái những gia đình đó, những học sinh có thành phần cơ bản trong sạch, thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa và luôn gương mẫu thi hành mọi chủ trương chính sách của đảng và nhà nước. Và nhất định phải là con cháu những gia đình đã hăng hái vào hợp tác xã nông nghiệp. Cái tài thì rồi sớm muộn gì cũng sẽ rèn dạy được. Có ngô nghê, ú ớ thế nào rồi cũng thành. Cứ vào các trường đại học của ta, là chúng mày dù có thần kinh, đần độn, ngớ ngẩn… cũng sẽ thành nhân tài tuốt tuột. Chứ còn cái lý lịch làm sao thay đổi? Cái đạo đức của tầng lớp địa chủ tư sản và người lao động cơ bản cũng thế. Là ta chỉ rèn giũa đào tạo những con người ưu tú, từ con cái của giai cấp công nông lao động trong sạch, những gia đình cách mạng kiểu mẫu mà thôi.

Lý lịch và đạo đức thằng cháu Quân đây, là tuyệt vời rồi, nhất rồi! Cả bố mẹ đều cố nông và đều là du kích thời đánh Pháp oanh liệt. Thế mày thích đại học, hay thích vào bộ đội, hở Quân? Đằng nào khoái hơn?

Nghe thế, Dân vội vã đứng lên. Cái ghế đẩu đổ kềnh ra sàn nhà. Ông chạm chén với đồng chí lãnh đạo, cũng không quên cạch với bốn đồng chí còn lại, rồi bỏ chén rượu xuống mâm, xoa xoa hai bàn tay:

– Dạ, dạ! Thủ trưởng xá cho! Báo cáo nhà thơ, coi như sức khỏe thằng cháu bác có vấn đề từ bé. Khám bộ đội mấy lần; bận nào cũng chỉ coi như có bê ba thôi ạ!

Mẹ Quân buông bát đũa chạy đến. Bà cười, nhưng lại vội vén cái vạt áo nâu, quệt mạnh vào hai con mắt, nghẹn ngào:

– Bác rộng lòng làm phúc. Cháu nó quặt quẹo, ốm đau luôn. Các bác cũng thấy, cái mặt nó lúc nào cũng chẩy phì phị và đầy những nốt mụn lấm tấm! Coi như vợ chồng em đã thưa…

Công tợp nốt cả lưng chén rượu:

– Ờ ờ, nhớ rồi. Nhớ rồi! Vợ chồng đồng chí xin cho con vào học y khoa chứ gì? Hay ốm đau thì học bác sĩ mà tự chữa cho mình. – Ông Công vội vã, sợ con mụ này dây cà ra dây muống, chuyện nọ xọ chuyện kia… thì không còn cái thể thống gì! – Chỉ tiêu huyện ta được mỗi suất. Tôi đã trót xếp cho… Thôi được! Mấy anh em ngồi đây, năm nay đều không có con cháu lớp mười. Ta hội ý thống nhất bỏ thằng con nhà ấy, xếp cho thằng Quân. Trường đại học y khoa Hà Nội hẳn hoi. Các chú nhất trí nhé. Đồng chí bố mẹ muốn thế chứ gì! Ta chiếu cố và tôn trọng nguyện vọng quần chúng công nông binh. Ưu tiên con em các đồng chí lãnh đạo cơ sở có thành phần cơ bản.

Công ghé tai đồng chí phó ban, nói thầm:

– Thằng con nhà ấy của cậu, anh em mình cho nó đi nước ngoài. Ngay ngày mai cậu về báo họ chuẩn bị. Cả nhà nó có mà sướng chết ngất cả lũ!

Thế là quyết định. Thế là kết quả. Bùi Cẩn Công trưởng ban đã quyết là xong. Cả hai mâm cỗ, chủ nhà và năm ông khách, kẻ trước người sau cùng bỏ bát đũa, vỗ tay đôm đốp. Lại chạm chén, chạm bát. Lại ngửa cổ… Mấy đứa em Quân ngồi ăn với mẹ và anh cùng reo lên một lúc:

– Hoan hô, nhiệt liệt hoan hô! Anh Quân sướng thế!

Trước đó, vợ chồng Dân đã cất công đến tận nhà từng đồng chí ban tuyển sinh. Và tự tay cả hai vợ chồng, cẩn trọng nhấc cao từng con lợn giống đẹp như trong tranh Đông Hồ, cho gia chủ nhìn rõ, để phấn khởi, rồi mới từ từ thả vào chuồng cả đôi, mặc chúng kêu thét eng éc chói tai và giẫy giụa hết sức, tưởng gãy rời mất cả hai cái cẳng sau.

Không lâu, dân cả xã ồn ã về câu chuyện nhờ có cha làm phó chủ tịch xã và chỉ mất có đàn lợn giống, mà thằng Quân không phải thi, đã thành ngay bác sĩ. Các cụ đã dạy, cấm sai, có tiền mua tiên cũng được! Dòng dõi nhà họ Lã, từ thượng cổ đến giờ dân ngu khu đen…

*

Trong suốt sáu năm học, Quân “gạo” bã người. Không đọc bất kỳ một cuốn sách nào ngoài vở ghi chép. Sách giáo khoa cũng dài dòng văn tự, lôi thôi rối rắm quá! Tham khảo chỉ mỗi nó, và là chỉ lướt qua thôi, cũng mệt. Thi hết mỗi môn học, Quân viết đúng như thầy. Thi vấn đáp, Quân cũng nói gần như thầy cho ghi trong vở. Kết quả, bao giờ Quân cũng đạt điểm giỏi. Kết quả ấy cũng còn là do Quân học cách của bố mẹ mình đi lại thân thiết, tình cảm, lòng thành với các thầy cô. Dù Quân có trả bài ra sao, không ai không cho Quân điểm giỏi. Mọi người đều nghĩ, thì giỏi hay dốt nó vẫn trở thành bác sĩ. Tốt nghiệp, Lã Hồng Quân xếp hạng xuất sắc. Những năm ấy, nhà trường chỉ đào tạo bác sĩ đa khoa thực hành. Quân lại được phân về làm giảng viên của Trường đại học y khoa Thiên Đức vừa mới thành lập. Cả làng Cống, cả xã quê hương Quân lại xầm xì, mả tổ họ Lã kết to. Cái thằng Quân “cầy tơ”, cái thằng Quân “lợn giống” không những đã thành bác sĩ, mà còn thành hẳn một ông giáo, dậy bảo cả ngàn vạn bác sĩ… Thế thì ghê thật!

* * *

Có mấy bác sĩ ở bệnh viện Hồng Phúc biết khá rõ Lã Hồng Quân. Họ im lặng nghe giám đốc Cường lăng xê trưởng khoa Ngoại mới. Anh ta vốn dốt, bỗng chốc thông minh; thiển cận, lập tức trở thành sáng suốt, nhìn xa trông rộng; hiểu biết ít ỏi, nông cạn, thoắt đã uyên bác, hàn lâm. Trước kia, là giảng viên thường của đại học y khoa Thiên Đức. Về bệnh viện Hồng Phúc, thoắt cái đã là bác sĩ chuyên khoa cấp hai và chễm chệ ngồi ghế trưởng khoa.

Khang nhanh chóng nhận ra, trong những lúc đi thăm khám bệnh nhân, ông trưởng khoa họ Lã thật sự lớ ngớ, ấm ớ hội tề. Nhà lãnh đạo mù mờ, ngớ ngẩn với thực tế lâm sàng ngoại khoa. Chuyên khoa phụ sản, hiểu biết của ông còn ít hơn nhiều. Nhưng theo thể chế, Khang vẫn phải “Xin ý kiến anh”, “Mời anh khám…”, “Mời anh xem thêm…” hoặc “Mời anh ký duyệt…” khi ông đã quyết định phải mổ, hay cần làm một thủ thuật gì đó, để chẩn đoán, hoặc điều trị cho người bệnh của mình. Tất cả các thủ thuật hay mổ xẻ lớn nhỏ, trưởng khoa phải biết, phải tiếp xúc, phải khám quyết định, phải ký duyệt. Có thế, nhân viên mới được phép làm. Cái địa vị lãnh đạo làm thành một Lã Hồng Quân khác, trí tuệ và quyền lực nhất khoa. Nhiều lúc, ông Khang nhớ tiếc những năm tháng sống trong quân đội. Thời ấy làm gì có máy móc hiện đại, làm gì có siêu âm, x quang cắt lớp và cộng hưởng từ… Mọi công việc, phải dựa vào bàn tay và trí tuệ con người. Dù có hò hét, mệnh lệnh cứng nhắc, võ biền, chỉ huy vẫn tin tưởng khả năng chẩn đoán bệnh chính xác, nhanh chóng, cũng như kỹ thuật mổ xẻ hiệu quả và an toàn của ông.

Tuy nhiên, Khang không khó chịu hay coi thường Quân. Ông đã quen làm việc nhiều năm dưới quyền bác cháu tiến sĩ Phạm Quang Minh, Phạm Quang Thoảng; nay về làm nhân viên của Bùi Cường, thì đương nhiên phải có Lã Hồng Quân.

Những cặp bài trùng ấy như một tất yếu thời đại.

* * *

Bùi Cường họp đảng ủy, đưa vào kế hoạch kết nạp đảng cho Quân ngay trong năm. Nghị quyết được triển khai xuống chi bộ Ngoại – Sản. Nhiều ý kiến của đảng viên lưu ý, quần chúng Quân xứng đáng, nhưng xét chức năng lãnh đạo, chưa thấy phát huy tính tích cực, tính tiên phong về mặt chuyên môn. Hơn nữa, quần chúng này mới từ xa về, chưa có thời gian thử thách ở cơ sở ..

Từ ngày về nhậm chức, Quân chưa mổ ca nào. Bác sĩ ngoại khoa như thế là chưa làm gì. Ông biết nhân viên trong khoa nể sợ mình, nên dù có cái thế mạnh đảng viên, họ chỉ phê nhẹ trưởng khoa “chưa phát huy tính tích cực…” thế thôi. Vị tân trưởng khoa cũng biết, mình chỉ giỏi rao giảng với lũ sinh viên ngây ngô. Quân có cảm giác ngại và sợ mỗi khi được mời đến buồng bệnh và các bàn mổ. Quân chìm đắm trong những ý nghĩ buồn chán, tự ty, khiến ông mất ăn mất ngủ.

Rồi Quân bật dậy. Mình là thầy, chứ đâu phải kẻ dốt nát! Ngay học trò, có đứa cũng đã thành những nhà phẫu thuật vững vàng. Có điều, từ khi ra trường mình chỉ đi dạy. Không phải bác sĩ biên chế của bệnh viện, nên không được cầm dao mổ chính như các thầy Hà Nội. Bác sĩ bệnh viện tỉnh lẻ tham quá. Cứ mổ là được tiền mà. Thời bao cấp, mỗi ca mổ nhà nước bồi dưỡng có mấy hào bạc, họ cũng giành hết. Huống hồ bây giờ…

Mổ xẻ là cắt cắt, khâu khâu, là kẹp, là buộc, là đốt điện cầm máu, là lau chùi, là khâu phục hồi… Quái gì mà khó! Cứ làm như sách là được chứ gì? Sách giáo khoa thì mình thuộc làu cháo chảy. Hơn nữa, mình mổ với cả một ê kíp, chứ đâu phải đơn thương độc mã? Nhìn các phẫu thuật viên, mổ gì thấy cũng dễ dàng cả đấy chứ? Bất quá, cũng là một loại thợ. Làm nhiều khắc quen tay thôi. Mà mình cũng đã mổ không biết bao nhiêu những cái ruột thừa, dái nước, bao quy đầu hẹp… ở nước ngoài. Như vậy, mình đã từng một thời là phẫu thuật viên quốc tế.

Tiếp thu ý kiến góp ý của các đảng viên, về vai trò đầu tầu, tiên phong… Quân quyết định mình phải làm một “cuộc mổ ra mắt”; phải làm một “phẫu thuật trình làng”, để tỏ rõ năng lực vượt trội, để chứng minh khả năng hơn hẳn những trưởng khoa tiền nhiệm. Họ phải thấy hiển nhiên…

Quân tự khích lệ mình, phải năng nổ và xông xáo hơn. Phải sâu sát hơn… Phải chống tự ty, chống lại con đường mòn và không thể “ngựa theo đường cũ” các trưởng khoa trước. Có thế, mới thể hiện quyền làm chủ tập thể của mình, mới đúng là người nắm giữ quyền bính. Mình là lãnh đạo, mà chưa có cái mác đỏ Bolshevich, càng phải nêu cao vai trò, càng phải chủ động, càng phải… Giám đốc nhắc, phát huy tinh thần tập trung dân chủ, cá nhân phụ trách và tập thể lãnh đạo… Giám đốc không muốn mình trực tiếp cầm dao mổ chính. Anh ta bảo mình phải lãnh đạo hệt như anh ta trước đây? Có mổ, thì mời tuyến trên, mời giáo sư Tấn và các bác sĩ nhân viên của ông? Nhưng ý kiến của chi bộ lại khác. Rõ ràng là có mâu thuẫn. Hay Cường không muốn mình thể hiện vai trò trưởng khoa tốt đẹp hơn chính anh ta? Cường đã nhắc mình “chống diễn biến hòa bình”. Nhưng nếu hoạt động như thế, chính là dung túng cái tinh thần và thủ đoạn ấy một cách sâu sắc nhất. Mình phải hành xử sao cho hài hòa hai luồng tư tưởng, của chi bộ và của giám đốc? Người xưa đã chẳng nói “Quan xa nha gần” là gì? Quân thấy ý kiến của các đảng viên chi bộ Ngoại Sản đúng hơn. Họ nói giống như chức trách trưởng khoa ngoại bệnh viện hạng hai, in trong quyển “Các chế độ chức trách…” của Bộ Y tế.

Có lẽ mình phải mổ một ca đại phẫu, gọi là ca mổ trình làng. Phải tạo ra một tiếng vang lớn! Mình làm đúng chức trách, Cường không thể bác bỏ, không thể gạt được. Mà các bác sĩ trong khoa lại phải kính nể. về kiến thức, kỹ thuật và cả tư cách nữa. Đâu phải giám đốc nói gì, cũng phải nghe theo.

Ông đem ý tưởng ấy bàn với phó khoa, thạc sĩ bác sĩ Lê Trịnh.

Trịnh bảo:

– Đúng quá! Nếu anh là giám đốc hay quan chức lớn hơn, mới có thể chỉ nói suông, mới đứng ngoài công việc phẫu thuật và điều trị lâm sàng cụ thể được. Trưởng khoa ngoại, thì anh phải trực tiếp, phải xắn tay lên… Những ca mổ khó, mổ nặng, mổ lớn là trưởng khoa phải trần ra mà cáng đáng. Chứ ai? – Trịnh gật gù, tiếp: – Cả nước, cả thế giới đều thế. Nếu anh kéo dài tình trạng chỉ đạo miệng, lãnh đạo mồm như hiện nay, các bác sĩ chúng nó không phục. Giám đốc thiện cảm, yêu quý và thân thiết với anh. Nhưng ông ấy ở xa. Còn các bác sĩ nhân viên, họ ngay sát nách. Để tập thể không biết cái tài của mình, để họ không phục mình là tối hạ sách. Anh phải tạo dựng uy tín về chuyên môn với chi bộ, phải tạo cái uy với mọi nhân viên trong khoa và cả bệnh viện nữa chứ.

Là trưởng khoa, mà anh chưa có cái mác đảng viên là rất phập phù, bấp bênh. Có là đảng viên mới đứng vững được. Kỳ họp vừa rồi, chưa thông qua lý lịch kết nạp anh được, chỉ vì mỗi vấn đề chuyên môn.

Một giám đốc ưu ái anh, chưa đủ. Còn đảng uỷ viện, đảng ủy sở, đảng ủy khối nữa? Anh phải tranh thủ, nhất là với cá nhân các đồng chí bí thư. Sáu tháng, một năm, lãnh đạo cấp trên xuống khoa, lấy phiếu thăm dò tín nhiệm của quần chúng với trưởng phó khoa một lần. Không đơn giản đâu. Lẽ ra, anh phải là đảng viên rồi mới được bổ nhiệm. Thêm nữa, trước khi kết nạp đảng, số phiếu tín nhiệm của quần chúng không được hai phần ba trở lên, cũng hỏng.

– Ta chọn mổ một ca loét dạ dày. – Quân cười và gật đầu với Trịnh.

– Vâng! Mổ cắt đoạn dạ dày là cái mốc kỹ thuật, là bằng chứng tay nghề của một nhà đại phẫu thuật.

Trịnh nghĩ, trưởng khoa cũng khôn, cũng là bác sĩ có kinh nghiệm đấy. Ông vừa lục tìm trong đống bệnh án vừa nói:

– Anh chọn mổ một ca loét bờ cong dạ dày chứ gì? Nó dễ làm. Trái lại, cũng là cắt dạ dày nhưng những ca loét tá tràng lại mổ rất khó. Đã khó thì nguy hiểm.

Lát sau, Trịnh mới lại nói thêm:

– Trưởng khoa yên tâm. Anh em mình trận đầu ra quân, nhất định đánh thắng.

Nói mạnh, vì Trịnh nghĩ Quân mới về nên còn khiêm tốn, xem xét cẩn thận đấy thôi. Chứ làm gì anh ta không mổ được cái dạ dày? Tuổi tác đã nhiều như thế. Ra trường lâu năm, như thế. Làm thầy cả mấy ngàn bác sĩ, như thế! Hơn nữa, lại đi chuyên gia nước ngoài, như thế! Bao nhiêu là những cái “như thế”, “như thế”. Lại bác sĩ chuyên khoa cấp hai và ghê hơn, đang ngấp nghé cái hàm phó giáo sư… Đại đao, chứ còn là gì?

Trịnh xăng xái với quyết định của Quân, còn vì muốn xem thực chất trưởng khoa mới giỏi giang, tài ba lỗi lạc thế nào? Về Hồng Phúc sau ông Khang hơn một năm và sau mình nhiều năm, lại không phải đảng viên, mà anh ta cuỗm ngay được cái chức trưởng khoa! Có phải trình độ chuyên môn của Quân vượt trội ông Khang, hay chỉ nhờ chuyện tiêu cực? Có thể cả hai, giám đốc mới không thèm để ý đến Khang, mà dùng Quân tắp lự?

Trịnh chọn trong số bệnh án chờ mổ:

– Đây rồi! Bệnh nhân Nguyễn Hoàng Mộc, 60 tuổi. Chẩn đoán loét bờ cong nhỏ dạ dày. Đã đủ cả phim X quang, nội soi dạ dày và các xét nghiệm. Sinh thiết ổ loét, kết quả lành tính, không có tế bào K trên các tiêu bản. Tiên lượng mổ dễ, anh ạ.

Quân lật đi lật lại cái bệnh án Trịnh vừa đưa cho mình; ông ghi chỉ định mổ cắt 3/4 dạ dày và ký duyệt vào tờ bệnh lịch còn trắng, y tá đã dán sẵn.

Đưa trả lại cho Trịnh, Quân bảo:

– Hồ sơ đã hoàn tất. Sao Trịnh để họ phải chờ đợi lâu thế? Ta mổ ngay sáng mai đi, kẻo họ thắc mắc. À mà Trịnh cho tiêm kháng sinh ngay từ chiều nay. Dự phòng thế cho chắc ăn; tránh nhiễm trùng sau mổ, tránh rò bục.

Trịnh đưa trưởng khoa đến giường bệnh nhân Mộc. Hai bác sĩ sờ nắn bụng, nghe tim phổi, bắt mạch, vạch mắt và xem cả răng lưỡi bệnh nhân cẩn thận. Hai người cùng nhau giải thích và động viên ông già yên tâm. Ông sẽ được chúng tôi tập trung chất xám, tập trung nhân tài, kỹ thuật, vật lực…

Người bệnh nói, tôi mới nghe các ông đã rất phấn khởi, tin tưởng. Trong bụng hết sạch mọi lo ngại rồi.

Trở về phòng làm việc, Quân xem lại bệnh án ông Mộc một lần nữa. Và trưởng khoa thấy tinh thần mình phấn chấn, vui vui. Ông vừa lật mở từng trang bệnh án, từng tờ xét nghiệm, vừa huýt sáo… như một người lính trẻ vừa được tin mình ngày mai ra trận. Qua sáu năm được đào tạo với kết quả tốt nghiệp hạng xuất sắc, hai mươi năm làm thầy, trong đó có sáu năm là chuyên gia quốc tế. Sáng ngày mai, trên cương vị bác sĩ trưởng khoa, Quân mới cầm dao mổ chính ca đại phẫu đầu tiên. Thế thì không vui sao được? Tự hào nữa chứ! Ngày lễ ra trường, sau khi Quân đại diện các bác sĩ tân khoa đọc lời thề Hippocrates, bí thư đảng ủy tuyên dương cả khóa sáu lớp của Quân. Đây là đội ngũ trí thức y khoa xã hội chủ nghĩa thí điểm đầu tiên, tuyển chọn thẳng từ các ban tuyển sinh huyện kết hợp với chính quyền xã, không qua thi tuyển. Giờ đây, tất cả đã trở thành những thầy thuốc vừa hồng vừa chuyên, ưu tú, mẫu mực hơn bao giờ hết. Nó chứng minh được tính đúng đắn của phương châm đào tạo.

Quân thấy mấy người nhà gọi ông ta là Mộc Đen. Họ đều tỏ ra hết sức tôn kính và tin tưởng hai bác sĩ trưởng phó khoa. Toàn trạng bệnh nhân khoẻ, lù lù ngồi chật cả nửa cái giường. Mộc Đen! Cái tên nghe ấn tượng. Ông ta có nước da đen trũi. Quân nhớ tới mấy năm mình làm chuyên gia ở Angola, mổ nhỏ, chỉ cắt bao quy đầu và mổ lộn màng tinh hoàn chữa dái nước, nhưng bệnh nhân nào cũng to con như lão Mộc đen này.

Hết giờ làm chiều. Đã thay quần áo thường phục và bước ra khỏi phòng làm việc, Quân còn quay lại bảo Trịnh:

– Trịnh cho thêm hai viên thuốc ngủ nữa nhé. Mỗi Seduxen sợ nó nhẹ quá. Cậu biết chọn bệnh nhân đấy. Ca mổ này rất hay!

V.O.

Comments are closed.