Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 14)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Là ca mổ đầu tiên, đặc biệt cần tiếng vang ở bệnh viện Hồng Phúc và không biết còn lý do gì khác nữa, Quân quyết định để bệnh nhân Mộc nằm lại phòng hồi sức nhà mổ, thời gian gấp đôi quy định. Rồi ông Mộc Đen được đưa về một phòng bệnh đặc biệt, phòng VIP. Nó như một căn hộ khép kín.

Giao ban, bác sĩ trưởng khoa nói:

– Phòng điều trị bệnh nhân Mộc, cắt đoạn ba phần tư dạ dày, là nơi phải được giữ vô khuẩn tuyệt đối. Chỉ tôi, thạc sĩ Trịnh và cử nhân Hồng Nhung được phép ra vào. Như thế là để tránh nguy cơ nhiễm trùng vết mổ và những tai biến nguy hiểm khác.

Khang thấy lạ. Đã có điều gì đó, rất đặc biệt, về thương tổn bệnh lý, hay trục trặc kỹ thuật mổ xẻ? Ông hỏi thăm Quân, khi chỉ có hai người đi trên hành lang.

Quân cười nhạt:

– Không sao. – Quân trả lời và quay mặt đi. Thóc mách vớ vẩn!

Vậy mà ngày thứ chín sau mổ, bệnh nhân Nguyễn Hoàng Mộc đột ngột tử vong!

Cả gia đình, họ hàng, bạn bè của người xấu số vô cùng sửng sốt và giận dữ. Họ đùng đùng kéo đến chật phòng trưởng khoa. Số còn lại đứng kín trong ngoài hành lang. Rất đông người sấn sổ, chen lấn, hò hét, giẫm nát hết mấy bồn hoa đang kỳ nở rộ.

Suốt mấy chục năm qua, lão Mộc Đen ngày nào cũng nốc rượu. Mà cứ rượu vào, con “ma men” ấy lại hành hạ, đánh chửi vợ con. Không thể nhớ đã bao nhiêu lần, cả nhà họ vừa khóc như ri vừa nguyền rủa. Sao lão Mọi Đen không chết quách đi cho nhờ! Bây giờ, lão Mộc đã chết cứng. Người vợ già và những đứa con lại cùng nhau gào thét, quát nạt Quân và Trịnh. Người con trai cả, thân hình to lớn, giống bố như tạc, da đen và chân tay gân guốc. Anh ta sừng sừng sộ sộ…

Rất đông những người hiếu kỳ chạy tới, xì xào, nghiêng ngó, bàn tán. Nghe những lời mắng chửi thô tục, những tiếng quát nạt sấm sét; nhìn bộ dạng người nhà lão Mộc Đen hung hăng, bặm trợn thế kia… Nhiều người lo lắng. Nguy cơ xảy ra một cuộc hành hung tàn bạo…

Đã có nhiều chuyện khủng khiếp và đau lòng xảy ra ở Việt Nam rồi. Người ta chưa quên, bác sĩ Thơ ở bệnh viện Nhi Trung ương bị bắn chết năm nào. Bác sĩ Khải ở tỉnh Bắc Giang bị mấy con trai người bệnh đánh thâm tím, bầm dập khắp người, bằng đấm đá và bằng cả một cây gậy sắt. Nghe nói người Việt lao động xuất khẩu đâm bác sĩ ở Nga, ở Tiệp… Dân chúng bàn tán nhiều về trình độ chẩn đoán, xử trí cấp cứu và mổ xẻ của các bác sĩ, về tình trạng bệnh viện xuống cấp và quá tải ghê gớm… Rồi ra, nhất định còn nữa những chuyện phiền hà, những sự cố, những tai họa và nguy cơ với các thầy thuốc. Thật đáng lo ngại.

– Đ. mẹ thằng trưởng khoa! Đ. mẹ thằng phó khoa! Đ. mẹ thằng Quân! Đ. mẹ thằng Trịnh! Đ. mẹ bọn bác sĩ chúng mày! Ngày nào bố ông cũng vẫn cơm rượu tỳ tỳ. Chúng mày mổ thế nào, mà ông ấy lăn đùng ra chết?

Hoà vào những tiếng chửi, tiếng quát nạt, đe doạ, lăng nhục bác sĩ của sáu anh chị mình, cô con gái út và người mẹ bán hàng cá ngoài chợ Cầu Giấy chửi ra rả:

– Bác sĩ chúng mày đã ăn cứt, uống máu l… tao, mà chúng mày làm với ăn khốn nạn thế a! Chúng tao bồi dưỡng cả một đống tiền, mà chúng mày vẫn giết chết ông cụ! Còn ai yêu thương chúng tao bây giờ nữa a! Còn ai để chúng tao yêu thương, kính trọng bây giờ? Giời đất ơi, là giời đất ơi! Giời đất ơi, là giời đất ơi! Chúng mày ăn máu…

Vẻ mặt rầu rầu, Quân vừa đứng lên vừa thấm nước mắt. Ông mời mọi người uống trà. Không thấy ai đụng đến những cái chén khá đẹp, đã rót đầy nước trà ướp sen đắt tiền của Quân. Những tiếng quát, tiếng chửi, tiếng la ó ầm ỹ đã một lúc lâu làm họ rát họng, mất tiếng, mất sức, nên giảm bớt dần.

Ông trưởng khoa cố nói to, nhưng rất từ tốn:

– Ông nhà không may mất đi, chúng tôi hết… hết sức đau xót. Khi mổ ông cụ ra, mới… mới biết cái dạ dày ung thư đã nặng quá rồi. Ung thư đã di căn khắp nơi. Cả phòng mổ đều thấy như thế. Chúng tôi không dám báo ngay với gia đình; tôi không muốn mọi người bị sốc. Biết ông nhà ung thư, bà cụ sẽ hoảng hốt, có thể xảy ra rủi ro, ngất xỉu, đột quỵ! Khi đó lại thành hoạ vô đơn chí. Tôi lo, là lo gia đình ta gặp bê bối thêm. Hơn nữa, nếu ông cụ biết mình ung thư, cũng ảnh hưởng rất xấu đến việc điều trị. Nhà mình biết rồi, ung thư thì cả thế giới đều chịu bó tay. Cả thế giới đều phải đầu hàng. Ông cụ lại rượu nhiều, gan cũng đã hỏng nặng, đã xơ rắn như một hòn đá, lại càng khó cứu. Đấy, nhà mình thấy chúng tôi mổ… mổ rất cẩn thận. Trưởng khoa trực tiếp cầm dao. Bác sĩ Trịnh là thạc sĩ, chức vụ phó trưởng khoa, cũng vào phụ mổ. Chứ tôi có dám giao việc mổ ông cụ cho các bác sĩ nhân viên thường đâu! Có nghĩa là, chúng tôi đã tập trung chất xám, tập trung kỹ thuật cao nhất, nhiều nhất cho ông nhà rồi. Vâng, đúng là chúng tôi đã tập trung toàn bộ nhân tài, vật lực để phục vụ ông cụ Mộc. Chúng tôi đã giữ lời hứa. Một mình ông cụ một phòng trang bị tốt nhất bệnh viện. Trưởng phó khoa thăm khám hết sáng lại chiều, chăm sóc ông cụ đặc biệt chu đáo, tận tâm, tận tình, tận sức… đêm hôm không quản. Thuốc quí hiếm dùng đủ các loại. Tôi có tiếc ông cụ nhà mình cái gì đâu? Số tiền chi cho ông cụ, lớn nhất từ trước đến nay. Cả khoa, hỏi có bệnh nhân nào được như ông nhà? Bố tôi, ốm chết cách đây một năm, làm gì được một phần mười thế. Nhưng, các cụ đã dậy, cứu được bệnh chứ không ai cứu được “mệnh”. Xin gia đình mình cùng các ông các bà hiểu cho.

Đám đông đang ầm ỹ, ồn ào, càng nghe càng lắng xuống. Nhiều người thấy ông trưởng khoa nói năng chân thành, có lý, có tình lắm.

Con người, ai cũng có cái số Trời định. Lúc đầu, tưởng khác cơ… Lão Mộc đã ung thư, mà lại đã di căn nhiều? Tưởng bác sĩ vô trách nhiệm? Tưởng ông Mộc Đen bị bỏ bê, không ai khám xét, trông nom, chăm sóc? Đến tận nơi mới thấy, lão Mộc được ông trưởng khoa này đối xử như thể một cán bộ trung ương đấy chứ!

Quân vừa nói vừa thấm nước mắt… Đám đông mủi lòng, ông bác sĩ này là người có cái tâm lương thiện. Đúng là bệnh ông Mộc Đen quá nặng. Thì chết. Rượu nhiều năm quá, từ tuổi mười tám đôi mươi đến giờ, còn gì là người! Trời có sổ Thiên Tào rồi. Chuyên môn người ta nói đúng. Ung thư thì không mổ sẽ chết. Mổ cũng chết. Trăm đường tránh không khỏi số! Ông Mộc Đen tận số rồi. Đời người là hữu hạn. Sinh hữu hạn, tử bất kỳ. Ông trưởng khoa quá tận tình, chứ còn gì nữa? Bác sĩ là người tử tế, làm ơn cho nhà mình… Mà cả nhà, cả họ xử tệ thế này! Hóa ra người ta làm phúc lại phải tội à? Làm ầm ỹ thế này, thì hóa ra cả họ nhà ta đều là những kẻ không biết điều, vô ơn bạc nghĩa hay sao? Người Thăng Long, dân Hà Nội đâu lại như vậy? Thôi, dẹp dẹp… Đi về! Đi về! Giải tán!

Lúc đầu đám đông quá bức xúc, đột nhiên dịu hẳn. Một ông già mập mạp, trắng trẻo, đeo kính gọng đồi mồi, như rất có uy trong họ người xấu số lên tiếng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người hậm hực. Nỗi tức bực, ấm ức đầy ứ trong bụng. Có điều, họ không biết nói ra thế nào!

Mấy bác sĩ trong khoa và tổ trưởng bảo vệ lẳng lặng vào phòng Quân, từ khi đám đông vừa mới ập đến. Người đứng kẻ ngồi, đều im lặng, chăm chú theo dõi tình thế. Họ cảnh giác, sẵn sàng bảo vệ trưởng khoa của mình. Đám đông quá lời, cũng dễ quá tay.

Thân thích ruột thịt của lão Mộc Đen chửi bới, kêu khóc, chất vấn cộc cằn, lộn xộn, quanh quẩn… Nghe không ra đâu vào đâu. Sau những lời giải thích của ông trưởng khoa, nhất là khi người họ hàng khuyên giải, nạt nộ, với lời lẽ rất gia trưởng ấy. Họ thấy phải tai; đám đông nháy nhau, bấm nhau, gật gù rồi lục tục ra về. Ngoài những câu chửi xằng bậy, tục tĩu vung vãi, quát tháo om sòm, hùng hổ, đỏ mặt tía tai; vợ con người chết, trai bốc vác nghề bố, gái buôn cá, lươn, chạch, ếch, cua, hến ngoài chợ không biết nói gì thêm nữa.

Không hiểu Quân và Trịnh khu xử tiếp như thế nào? Chuyện ầm ỹ về cái chết của bệnh nhân Nguyễn Hoàng Mộc tắt nghỉm. Từ ngày hôm sau, không ai tới khoa. Vợ con ông Mộc không đến thanh toán viện phí. Và cũng không có đơn từ kiện cáo gì hết.

Tình trạng chung của ông Mộc trong những ngày sau mổ, chắc chắn không bình thường. Phải có các triệu chứng sốt, mạch nhanh, bụng chướng, đau và mất trung tiện. Nếu Quân biết phát hiện những dấu hiệu ấy và hiểu nó là những tiếng nói tử thần, tổ chức hội chẩn sớm, mời bác sĩ Khang hoặc giáo sư Tấn mổ lại? Bệnh nhân có thể thoát chết. Thời gian trong quân đội, ông Khang đã phải xử trí nhiều ca tương tự của các bác sĩ Thoảng, Minh, Hùng, Dương. Không có bệnh nhân nào tử vong.

Một bệnh viện thường xuyên có mấy trăm con người ốm yếu, kẻ khật khừ, người nằm liệt… Một ai đó ra đi vĩnh viễn là chuyện thường tình. Người ta có thắc mắc, bàn tán ít ngày, rồi cũng thôi. Đời người, sáu chục tuổi cũng là đến cõi. Ông Mộc Đen đã già. Đúng sáu mươi tròn. Vừa mừng thọ xong ít hôm; bảo là đến nhờ bác sĩ sửa sang cho cái dạ dày, để giữ vững tửu lượng, sống vui với hàng phố vài chục năm nữa.

Có người trong số cảm tình với Quân, nói dửng dưng: “Bệnh viện thì phải có người chết, kẻ sống chứ! Phẫu thuật làm sao tránh được tỷ lệ tai biến; làm sao tránh khỏi tỷ lệ tử vong! Đã ung thư, làm sao cứu được?” Mấy người đàn bà chua ngoa, đanh đá, dẩu mỏ đế theo: “Có giời! Có giời!”

* * *

Lại mổ cắt dạ dày.

Trịnh và Quân bảo nhau, hỏng keo này bày keo khác.

Người phụ một là Trịnh. Phụ hai cho Quân nghỉ ốm đột xuất. Không còn bác sĩ nào rỗi, trưởng nhà mổ gọi Khang vào thế chân.

Khang kinh ngạc, Quân và Trịnh mổ thế này, lão Mộc Đen không chết thì ai chết đây! Ngoài những thao tác lúng túng, luộm thuộm, nhiều lần máu phun tối mắt, dịch bẩn trong lòng dạ dày và ruột lại tung trào nhớp nhúa… Khi khâu nối dạ dày với ruột, Quân chỉ đính hớt mũi kim, rất nông, với độ dài trên dưới một ly mét ở lớp thanh mạc mỏng như tờ giấy bóng. Khâu thế, tỷ lệ bục miệng nối sẽ tới nghìn phần trăm, chứ không thể chỉ là trăm phần trăm nữa. Phải xuyên mũi kim sâu vào, phải lấy hết các lớp cơ của dạ dày và ruột ấy chứ! Khang nhắc đi nói lại hết sức rõ ràng; Quân vẫn không sao làm được. Đó là một trong những kỹ thuật cơ bản nhất trong phẫu thuật trên hệ tiêu hóa. Nhắc lại, bàn tay Quân vẫn lóng ngóng, không thể điều khiển được mũi kim sao cho chuẩn mực, chính xác. Khang càng lạ. Ông giằng lấy cái kìm mang kim từ tay Quân. Không thể để một người bệnh nữa phải chết!

Khang đoạt lấy vị trí mổ chính. Lúc này, quyền lực hoàn toàn ở người đủ tri thức, nắm vững và thực hiện tốt kỹ thuật. Quân nhẫn nhục, im lặng chuyển đổi vị trí mổ cho Khang. Chức quyền phải chịu khuất phục sức mạnh trí tuệ. Biết nể sợ và chịu nghe theo kẻ tài năng hơn mình, thì vẫn còn là người.

Cuộc mổ như một trận đánh…

Quân phục tài viên cựu đại uý. Không thể làm như Khang bảo, cực chẳng đã trưởng khoa phải nhượng bộ và tỏ thái độ vậy thôi. Nhớ mình được tuyển chọn vào đại học thế nào, nhớ mình đã tốt nghiệp loại xuất sắc… Quân cũng vẫn nhớ mình được những người có trách nhiệm khẳng định là cán bộ thuộc thế hệ ưu tú, lớp trí thức mới tiên tiến của thời đại ngay ngày làm lễ ra trường, mà phải muối mặt với thằng nhân viên! Hơn nữa lại đã mấy chục năm làm thầy… Thử hỏi có ai không hận? Quân khắc cốt ghi xương, kẻ đã làm nhục mình trước đủ hạng người ở trong phòng mổ, bác sĩ có, y tá hộ lý cũng có. Rồi chuyện xấu sẽ phát tán đi khắp nơi. Ở đây, không những có nhiều con mà cũng còn lắm thằng môi mỏng.

Đứng mổ thay cho Quân, mà Khang xót xa… Trước mặt ta, là một ông thầy. Một ông thầy giảng dạy ở bậc đại học. Như giới thiệu của Bùi Cường thì, giảng viên Lã Hồng Quân đang ngấp nghé cái hàm phó giáo sư cơ đấy! Thầy Quân dạy sinh viên được những gì và dạy thế nào? Không hiểu, làm sai, mổ sai, thì làm sao ông có thể dạy đúng? Thầy giáo truyền đạt sai kiến thức, là một tội lỗi. Thật đáng sợ và đáng buồn. Ông thầy này đã lên lớp, đã dạy hàng ngàn sinh viên!

Cũng may, sinh viên y khoa phải học qua rất nhiều thầy cô, với thời gian dài nhất trong các trường đại học.

Giám đốc Cường đã chẳng lớn tiếng ở một buổi giao ban, nếu hiếu học thì các bác sĩ ở bệnh viện Hồng Phúc đã may mắn có được thầy Lã Hồng Quân. Hoan hô!

* * *

Trịnh nói với Quân, giọng thầm thì, thân thiết:

– Giai đoạn này anh đừng mổ phiên, đừng cắt dạ dày nữa. Gia đình bệnh nhân Nguyễn Hoàng Mộc tin lão ung thư, mà không đòi mổ tử thi xác minh nguyên nhân cái chết. Coi như anh em mình thắng lợi. Hết giờ chiều nay ra quán “Bò tùng xẻo”, anh em mình nhấc lên nhấc xuống giải xui.

Chằm chằm xem ý Quân, Trịnh tiếp:

– Ca mổ dạ dày anh bán dao cho ông Khang vừa xong, chưa gì đã thấy nhiều người trong bệnh viện xì xèo… Bây giờ tạm thời anh chỉ nên mổ cấp cứu thôi. Nhỡ có tai biến hay tử vong cũng không mang tiếng. Vì đã là cấp cứu, ai cũng hiểu là bệnh nặng, một sống, hai chết. Nhưng các trường hợp như thoát vị, thủng dạ dày… kể từ khi cắp sách vào trường đại học đến nay, em không thấy ai chết bao giờ. Khi nào có những bệnh nhân ấy, em lại phụ cho anh mổ.

Quân bảo Trịnh:

– Mình có bán dao đâu! Anh ta máu mổ quá, cố tình giằng lấy đấy chứ. Mình nhường! Mà chắc cậu biết đã phẫu thì làm sao tránh được tai biến, tử vong! Cậu không đọc à? Trên tạp chí Ngoại khoa, năm 1972, bác sĩ Nguyễn Đình Hối đã thống kê 45 ca tai biến sau mổ cắt dạ dày trong mười lăm năm ở bệnh viện Việt Đức đấy thôi. Cũng đủ loại lỗi lầm: Cắt đứt cuống gan, rò bục mỏm tá tràng, nối nhầm dạ dày với hồi tràng…!

– Nghe nói anh làm luận án cấp hai đề tài mổ thủng dạ dày? Vậy, anh nắm chắc và hiểu sâu nó rồi. Từ nay, anh giành mổ tất cả những ca ấy cho em. Họ đến viện, bệnh cảnh nặng nề; đau như dao đâm từ bụng lên ngực cơ mà. Thế nhưng kỹ thuật mổ lại dễ. Phải khâu có độc mỗi một mũi chỉ kiểu chữ X. Đơn giản quá. Bịt kín lỗ thủng. Là xong!

Những lời của Trịnh từ trước đến giờ với Quân đều chân thành. Lát sau, Trịnh xu nịnh mà cũng có ý đe doạ:

– Sếp được lãnh đạo sủng ái đấy. Chuyện lão Mộc Đen mà xảy ra với ông Khang, thì không yên được với giám đốc Bùi Cường đâu. Nhất định là phải lên bờ, xuống ruộng. Kỷ luật nặng ấy chứ. Có khi lãnh đạo đưa ra truy tố cũng nên! Cái vụ ruột thừa chết ngày anh chưa về đây, công bằng mà nói, ông Khang làm gì có lỗi. Tội của bác sĩ gây mê đấy chứ! Giám đốc chỉ đứng đằng sau, mời cấp trên về, bắt họp đi họp lại, họp lên họp xuống mãi. Nếu dốt nát, bác sĩ Khang chắc chết đứ đừ. Đằng này, lão Mộc Đen chết tươi đành đạch, trưởng khoa Lã Hồng Quân vẫn cứ ung dung ngồi rung đùi. Cứ như ông vua con ấy. Số thầy hên thật!

Quân cười và gật gật cái đầu, một thói quen từ thời sinh viên, mỗi khi nghe người khác, dù có bằng lòng hay không. Quân thấy Trịnh dốt. Ai lại đem so bì lãnh đạo với một nhân viên thường bao giờ! Cái thằng Trịnh cũng là một kẻ xảo đây. Nó không hiểu tinh thần và truyền thống bảo vệ cán bộ của lãnh đạo ta? Làm lãnh đạo, thì phải được lãnh đạo cấp trên bảo vệ chứ! Hay thằng Trịnh chí đồ hại mình? Từ nay, mình phải luôn luôn đề cao cảnh giác…

* * *

Một tuần sau.

Khang đang làm phần việc cuối cùng cho một ca mổ cắt thận bán phần trong phòng mổ A. Có tiếng phụ nữ nói sau lưng ông:

– Anh Khang sang phòng mổ B ngay nhé. Trưởng khoa mời anh khẩn cấp.

Chỉ còn mấy mũi khâu da, để lại cho hai người trợ thủ, Khang ra khỏi bàn mổ. Đồng hồ trên tường đã chỉ 11 giờ trưa. Có chuyện gì mà Quân cho gọi khẩn cấp? Ông muốn hỏi lại, nhưng người nữ y tá đã đi khỏi. Ông bước nhanh sang phòng rửa tay, qua bên phải hành lang, đến phòng mổ B.

Cả kíp mổ của Quân đã ngừng làm việc. Tất cả đứng chờ. Khang ngạc nhiên, Cường và Trịnh cùng phụ mổ cho Quân? Có ca mổ nhỏ, mà cả ba lãnh đạo cùng làm? Cái vầng trán thấp tịt của Quân vã mồ hôi hột. Thấy Khang, Quân nói nhanh qua khẩu trang ướt rượt:

– Ca này chẩn đoán trước mổ là thủng dạ dày, bác Khang ạ! Nhưng tôi và giám đốc mở ra, ổ bụng bệnh nhân ngập máu. Lật đi lật lại, dạ dày không có lỗ thủng. Tìm mãi, thấy một khối u ở mặt dưới gan trái. Khối u đã vỡ. Máu chảy ngập ổ bụng.

– Các anh đã làm những gì? – Khang hỏi lại.

– Mới chèn gạc thôi, bác Khang ạ. – Quân trả lời.

– U to hay nhỏ? – Khang vừa hỏi, vừa ghé nhìn qua vai Quân. Ông không thấy gì ngoài những cái mu bàn tay mang găng dính máu loang lổ, cùng đè lên những cái gạc sũng máu nhét chặt trong bụng người bệnh.

– Đường kính chừng mười centimètre. – Quân trả lời.

– Anh thắt động mạch gan hay cắt gan trái đi cũng được. Cách thứ hai tốt hơn và cũng triệt để hơn, nếu cùng lúc, ta lấy hết hạch bạch huyết ở cuống gan nữa.

– Thôi! Mời bác vào giúp cho một tay. Khẩn trương! Khẩn trương lên bác Khang!- Trưởng khoa giục.

Bùi Cường lẳng lặng rời khỏi phòng mổ.

Khi thấy Quân mang bệnh án “thủng dạ dày” đến duyệt mổ cấp cứu, giám đốc Cường cũng nghĩ như Quân và Trịnh, đây là một ca mổ nhẹ, dễ làm… Hai thằng mình cùng vào làm với nhau, cho vui. Ca đầu tiên mình mổ với Quân đây nhỉ? Lâu không mổ, mình cũng nhớ lắm. Văn ôn võ luyện…

Khang quay ra phòng chuẩn bị. Ông lột bỏ đôi găng mổ ca thận còn ở tay mình và ngâm hai bàn tay trần vào cái chậu i- nox chứa đầy cồn 90 độ pha thêm i ốt. Một nữ y tá giúp ông thay nhanh áo mổ vô khuẩn mới. Vừa xỏ găng, Khang vừa nghĩ, tại sao Quân chẩn đoán nhầm lẫn tai hại thế? Lại cả Cường và Trịnh nữa. Từ khi về bệnh viện Hồng Phúc, Khang không thấy giám đốc vào mổ, hay phụ mổ cho ai bao giờ. Kể cả phụ cho giáo sư Nguyễn Đức Tấn. Đến hôm nay Bùi Cường ngẫu hứng trình diện một ê kíp làm ăn hoàn chỉnh? Khối u gan vỡ, chẩn đoán là thủng dạ dày! Mà bác sĩ đã mổ vùng bụng, thì phải đủ khả năng giải quyết tất cả những bệnh lý, những tổn thương bất ngờ chứ?

Vừa làm, Khang vừa nói với kíp mổ:

– Ngay sau lúc mở bụng, các anh cần thăm dò nhanh… Vỡ gan, bất luận nguyên nhân, phải cầm máu trước. Trường hợp này, cắt gan khẩn cấp là chỉ định tốt nhất. Có cắt gan mới cứu sống được bệnh nhân. Việc thắt động mạch gan, như tôi nói khi nãy, có trường hợp máu vẫn không hết chảy. Và, thủ thuật ấy có thể gây hoại tử gan đấy. Chỉ nên làm việc ấy, khi không thể cắt gan.

Lấy ra khỏi ổ bụng người bệnh năm cái gạc lớn sũng máu, Khang đưa hai ngón trỏ và cái của bàn tay trái, bóp chặt lấy động mạch gan chung ở cuống gan. Rồi ông làm một cái ga rô ở đó, để cầm máu tạm thời. Quân cầm vòi máy hút, hút máu và Trịnh dùng gạc lớn thấm, vắt bỏ đi liên tục. Từ khối u gan vỡ toác, máu đã ngừng chảy. Nhưng trong ổ bụng máu vẫn dâng lên. Còn tổn thương ở chỗ nào đây?

Khang nói với bác sĩ gây mê:

– Tường cho ca này hai nghìn mililít máu, hoặc hơn đấy nhé.

Như trước kia, Khang đã lấy máu trong ổ bụng bệnh nhân truyền lại. Nhưng ở phòng mổ này chưa từng làm việc đó, nên không có dụng cụ. Mà bây giờ, có phương tiện lấy máu, Khang biết cũng không truyền được nữa. Phần lớn máu trong bụng người bệnh đã thấm hết vào gạc và bọn Quân mầy mò lâu quá mất rồi!

– Vâng! Anh làm tiếp đi. – Tường giục giã. Những ca mổ mất nhiều máu, như bệnh nhân này, thường gây sóng gió cho bác sĩ gây mê hồi sức.

Khang căng mạc nối lớn ra để tìm kiếm… Cái “mỡ chài” ấy đã bị Quân và Cường buộc túm lại. Nhưng máu vẫn đang chảy ra từ đó.

Cắt bỏ nhanh những sợi chỉ, mà Quân đã khâu buộc vô ích. Cái mạch máu chính của mạc nối lớn bị đứt lộ ra và đang phụt mạnh theo nhịp tim người bệnh. Khang cầm kìm kẹp nó lại, miệng hỏi một câu rất thừa:

– Cái gì đây?

– Lúc mới rạch mở bụng, có một động mạch ở đó chảy máu. Tôi và giám đốc đã khâu buộc rất kỹ. – Quân trả lời.

Khang hiểu, Quân đã rạch thành bụng quá tay, lưỡi dao cắt đứt cái mạch máu vô tội này. Như đã có bác sĩ mổ lấy thai, lẽ ra chỉ rạch tử cung, họ đã cắt cả vào da thịt đứa trẻ! Cái sảy nảy cái ung. Hoạ vô đơn chí. Cái họa không chỉ đến một lần, là thế!

Chỉ hai mươi phút sau, thùy gan trái có khối u vỡ của người bệnh, đã được Khang cắt bỏ.

Khang vừa nói với cả nhóm, vừa bước ra khỏi bàn mổ:

– Các anh rửa ổ bụng thật sạch. Đặt dẫn lưu dưới gan, cả hai bên phải và trái đấy nhé.

* * *

Ở chiến trường Tây Nguyên những năm đánh Mỹ, bệnh viện thiếu thốn đủ thứ. Tất cả các ca mổ nặng nhẹ vẫn được thực hiện ngoan mục. Không có bác sĩ nào sai phạm như Phạm Quang Thoảng, Lê Thuyết ở Quân y viện 101 và Lã Hồng Quân ở bệnh viện Hồng Phúc này.

Mổ cắt gan ở Hà Nội, mọi điều kiện đều thuận lợi. Khang nhớ tới những ca mổ của mình ngoài mặt trận.

… Trời tối đã lâu. Ngọn đèn xe đạp đã tắt, cái đèn bão đã được mang đi và cây nến cũng vừa cháy hết. Tấm vải đen che cửa càng làm cho căn hầm thêm tối đen đặc lại. Sau mấy chục ca mổ hôm nay, cuối cùng người ta đưa xuống hầm mổ cho Khang ca vỡ gan kèm vỡ lách. Khang lấy được hai lít rưỡi máu trong ổ bụng, truyền trả lại cho chính anh ta, đồng thời cắt bỏ lách và ba phân thuỳ gan dập nát.

Mệt quá, Khang bước lùi ra khỏi bàn mổ. Anh để hai người phụ khâu những nút chỉ cuối cùng. Khang cùng người y sĩ gây mê đo lại huyết áp, kiểm tra các dấu hiệu hồi tỉnh: Phản xạ đồng tử, phản xạ giác mạc và phản xạ nuốt của người phải mổ đều đã trở lại.

Mọi người đã ra khỏi hầm. Họ khiêng người bệnh vừa mổ xong đến nơi hồi sức. Mấy y tá mang champ, áo mổ ra suối để giặt và đem dụng cụ kim loại đi cọ rửa, lau chùi… Thương tích của anh thương binh vỡ gan lách nặng nhất trong ngày. Nhưng Khang đã mổ như thế, chắc chắn người lính ấy sống được.

Khang quay ra cửa, để rời khỏi căn hầm nhỏ ngột ngạt. Anh muốn về phòng hành chính của khoa ngoại chung. Chợt Khang ngã ngửa, lưng đổ vào vách đất. Đôi chân anh hoàn toàn tê bại. Thời gian đứng làm việc quá dài. Thêm đói và khát. Đêm qua, anh lại vừa để người ta rút máu của mình, truyền cho thương binh. Như người chợt vắng ý thức, từ vách hầm Khang trượt nhanh xuống sàn, không còn sức gượng lại được. Hai chân anh xoạc ra, va vào cái trụ bàn mổ là một đoạn cây gỗ to chôn sâu, đau điếng. Bao nhiêu thương binh đã được mổ và kíp phẫu thuật làm bao lâu trong ngày? Khang không còn nhớ được nữa.

Phía trên mặt đất rừng, ngoài cửa hầm, những bước chân người rậm rịch xa dần.

Anh ngồi, hai chân duỗi thẳng, hai bàn tay buông chống xuống sàn đất mát lạnh. Lâu sau, anh thấy đỡ mệt và căn hầm như thoáng đãng hơn. Anh hít thở rất sâu, mùi máu tanh tanh, mùi rễ cây bị cắt còn hăng hăng, mùi đất mới nồng nồng đầy căng lồng ngực. Mải làm, bây giờ Khang mới thấy là mình đang thở. Hầm mổ này khá sâu. Nó vừa mới được đào xong.

Rất xa, tiếng máy bay, tiếng súng, tiếng bom ỳ ầm vọng lại. Ở đây là cánh rừng gần vách núi cao, tiếng bom dội lại, nghe rền vang hơn nơi khác.

Đêm đã khuya lắm.

Khang vẫn ngồi không động cựa. Đôi mắt anh nhắm dở, nửa như đã ngất xỉu, nửa như đang ngủ mơ.

Trong hầm mổ và phía trên mặt đất rừng, thảy đều im ắng. Anh nghe rõ tiếng tim mình. Bỗng tiếng dế rúc lảnh lót đâu đây. Gần lắm. Ngay ở vách hầm. Nơi anh vừa tựa lưng, đổ xuống. Tiếng dế gáy ri i… rii ii… kéo dài, kéo dài ra mãi, làm Khang mơ hồ về một thời tuổi nhỏ, mình đã nuôi dế, bắt chim… mới chỉ ngày nào. Đầu những kỳ hè, Khang thường chặt tre, vót nan, ken lồng, đan giỏ… Dế ở vùng rừng sâu Tây Nguyên này, gáy cũng vang động, réo rắt, trầm bổng như ở đồng bằng miền Bắc quê Khang? Anh vẫn ngồi, gần như bất động, trí óc mê man đuổi theo tiếng dế. Cái hầm mổ mới đào được có mấy ngày. Nhưng sàn đất sâu cũng đã thấm đẫm biết bao máu thương binh và đương nhiên cả rất nhiều mồ hôi của kíp phẫu thuật.

Nghe tiếng dế gáy, Khang nhớ quá những bãi cỏ non, những cánh đồng làng mầu mỡ; nhớ dòng sông Cái, sông Con ngày đêm nước chảy cuồn cuộn và nhớ cháy lòng những cánh buồm dong…

Khang nhớ vầng trăng quê nhà như cái mâm vàng trôi trên bầu trời. Ngõ tre ngập đầy ánh sáng vàng rượi. Cành đa. Gió thổi. Chim chóc ríu ran. Lá reo xào xạc…

Bao giờ tan hết đạn bom? Ta trở về quê, đêm khuya nằm ngửa giữa cái sân gạch rộng ông bà, nghe chỉ một rạng ngời tiếng dế!

Đã mấy chục năm qua rồi, Khang vẫn còn đau đớn và xấu hổ, về cái thời khắc rối loạn tâm thần ấy của mình. Khi trở lại Tây Nguyên, sau cuộc ly hôn với Hoàng Anh, Khang đã muốn tự sát như mấy y tá, y sĩ của bệnh viện này. Quê hương xa lắc ai biết là đâu. Chết ở chiến trường mù mịt, có thể vẫn được cái tiếng với dân làng là hy sinh cho công cuộc kháng chiến thiêng liêng bảo vệ tổ quốc!

Cuộc mổ cắt gan cấp cứu được tiến hành tốt đẹp. Khang nhớ công ơn của giáo sư Tôn Thất Tùng và những người thầy tham vấn tài năng đã không tiếc công sức dạy mình. Và tiếng dế, chính tiếng gáy vang dội của một con dế mèn lúc anh xỉu đi, ở căn hầm mổ trong thời khắc tịch mịch hiếm hoi ấy khiến anh nhớ tới quê nhà, nhớ mẹ, nhớ con gái mình da diết. Cả gia đình chỉ còn có hai bà cháu đang sống trên mảnh vườn của ông cha… Tất cả nhắc Khang phải sống.

V.O.

Comments are closed.