Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 16)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Ngô Thị Ngân Hà đang tiếp khách trong phòng khám bệnh.

Một ông già cao, gầy, da xanh, mang theo thư giới thiệu của người anh cả nàng. Nét mặt ông căng thẳng, nhăn nhó, nhưng không kêu rên, vẻ ráng chịu đau đớn. Thấy bác sĩ đã đọc thư xong, ông đưa ra một cuộn film lớn bọc trong mấy lớp giấy mầu vàng.

Trên tất cả các film, Hà thấy hình ảnh sỏi san hô đóng khuôn trong đài bể thận. Hai thận của ông đều to. Bệnh nặng, nhưng ông còn sống được, là nhờ chức năng lọc của nó vẫn tốt. Đã có bệnh nhân tương tự, Ngân Hà được Khang giải thích, đây là một ca mổ khó. Loại sỏi này, không thể giải quyết bằng cách tán ngoài cơ thể. Cũng không thể mổ được bằng máy nội soi. Mà phải rạch rộng thành bụng, và bổ đôi quả thận ra mà lấy, mới xong.

Cuối cùng, Hà nói:

– Bác sĩ Trần Tử Khang, người làm việc này giỏi nhất khoa, hiện đang đi vắng. Bác vui lòng chờ một tuần. Tôi sẽ nhờ anh ấy giúp cho. Dù có chậm mấy ngày, nhưng điều ta cần là khỏi bệnh và an toàn. Có phải không ạ? Tôi tính thế, vì bác là chỗ thân tình của ông anh cả tôi.

– Thế nghĩa là tôi phải mổ phanh? – Ông già tỏ ra chưa hiểu đầy đủ và rất lo lắng. Khuôn mặt, và hai bàn tay ông xanh xao, thiếu máu, lúc này càng nhợt nhạt hơn.

– Vâng, đó là một trong những phẫu thuật tiết niệu kinh điển.

Khi người bệnh vừa bước chân vào, Quân cũng đã tới cửa phòng bác sĩ Ngân Hà. Quân ngồi xuống dãy ghế bên ngoài hành lang, nơi có nhiều bệnh nhân đang ngồi chờ khám. Ông nghe rõ những lời giải thích của người bác sĩ nhân viên.

Quân đẩy mạnh cánh cửa, bước vào:

– Bác sĩ Ngân Hà! Tôi cảnh cáo cô! Tôi cảnh cáo cô, về những lời cô vừa giải thích với bệnh nhân này. – Trưởng khoa quát to. Mặt ông đỏ bừng lên, vì tức giận.

Ngân Hà tái mặt. Nàng ngạc nhiên rồi xấu hổ với người bệnh. Nhưng người đàn bà bản lĩnh trấn tĩnh được khá nhanh. Quân đã can thiệp thô bạo và sai trái một thầy thuốc đang làm nhiệm vụ. Nàng biết Quân dốt chuyên môn, nhưng không ngờ trưởng khoa còn mụ mị, quên hết quy chế, chế độ giao tiếp, đã được ban hành của Bộ Y tế, về việc ứng xử giữa các thầy thuốc với nhau, với cấp dưới và với người bệnh. Dù không phải bệnh nhân thuộc chuyên khoa của nàng, ông già vẫn là một bệnh nhân đến xin tư vấn. Nếu Ngân Hà có sai, Quân phê bình góp ý lúc khác, không có mặt người bệnh và phải ở nơi thích hợp. Nhưng Ngân Hà không có gì khuyết điểm trong việc đón tiếp và giải thích với bệnh nhân này. Được! Ta sẽ cho trưởng khoa biết mặt! Hắn sẽ thấm đòn, và chắc chắn là phải nhớ đời. Hắn phải biết thế nào là phụ nữ Hà Nội gốc. Ngân Hà nói nhỏ, mời người bệnh tạm ra ngoài chờ. Và Hà quay lại với ông trưởng khoa:

– Tôi không ngờ anh… Việc này, tôi với anh sẽ nói chuyện phải trái trước mặt giám đốc. Mời anh, ngay chiều hôm nay!

Giọng Quân vẫn to và gay gắt:

– Cô bảo ai mổ giỏi nhất khoa? Người mổ giỏi nhất ở bệnh viện này, là bác sĩ trưởng khoa. Sau nữa, là các bác sĩ phó khoa. Chứ sao lại là bác sĩ Khang? Cô giải thích ngược đời, trái khoáy thế mà được à? Ông Khang chỉ là một anh nhân viên của tôi; làm sao giỏi hơn lãnh đạo! Cô dám hạ thấp uy tín của những người lãnh đạo chúng tôi? Tôi phải báo cáo với giám đốc, rồi sẽ có kỷ luật nặng với cô.

Lâu nay, Bùi Cường thường say sưa nhấn mạnh ở các buổi giao ban, rằng mọi người phải có ý thức và trách nhiệm nâng cao “thương hiệu” bệnh viện Hồng Phúc. Quân nghĩ, Cường sẽ căm giận kẻ nào làm tổn hại điều ông tâm đắc. Quân sẽ được giám đốc hoan nghênh, vì đã thể hiện tinh thần “quyền làm chủ tập thể” cao, trong việc bảo vệ uy tín của lãnh đạo. Và ông cố tình nói to, để những người ngoài hành lang nghe rõ.

Quân tức giận thật sự, vì Hà không ca tụng mình:

– Tôi hỏi lại cô, ai là người mổ giỏi nhất khoa? Ai mổ giỏi nhất, ngoài bác sĩ trưởng khoa?

– Vâng, vâng! Bác sĩ trưởng khoa là người mổ giỏi nhất ạ? Nhưng đấy vẫn còn là niềm hy vọng, là nỗi mong mỏi to lớn của chúng tôi…

Ngân Hà mỉa mai trả đũa, nàng thấy thật hiếm có một trí thức trơ trẽn, bỉ ổi như Quân. Rõ ràng dốt mà ở mọi nơi, mọi chỗ hắn đều vênh vang, trưởng khoa là bác sĩ mổ xẻ giỏi nhất.

Nàng tấn công lại:

– Anh cản trở công việc của một bác sĩ đang làm nhiệm vụ. Người bệnh sỏi thận đang cần tôi tư vấn; và nhiều bệnh nhân còn chờ tôi ngoài hành lang kia. Mời anh về khoa. Nếu không, tôi sẽ mời phòng tổ chức đến lập biên bản. Chiều nay tôi với anh lên gặp giám đốc.

Ngân Hà không chỉ đối thoại với Quân khi gặp Bùi Cường mà Hà còn trình bầy sự việc với từng đảng ủy viên nữa. Không dừng lại đó, nàng đến báo cáo với giám đốc và đảng ủy sở, đảng ủy khối nữa. Đến đâu nàng cũng dựa vào văn bản quy định về chế độ giao tiếp của Bộ Y tế, để áp đảo Quân. Nàng còn dẫn chứng sự kém cỏi của Quân trong những ca mổ thất bại, phải bán dao cho bác sĩ Khang… Quân bị cấp trên khiển trách. Và, Quân trượt trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm phó giám đốc bệnh viện. Nhờ thế, Chu Văn Thiên Tường thắng Lã Hồng Quân trong cuộc chạy đua.

Sau này, Quân vẫn trở thành phó giám đốc bệnh viện Hồng Phúc. Ở đâu ông cũng tìm cách khoe là mình đứng ở vị trí tiên phong trong nhiều lĩnh vực. Ông vẫn vào chiếm chân phụ hai, không những trong các cuộc mổ cổ điển,.mà còn ở hầu hết các ca mổ nội soi. Chỉ đứng cầm camera cho phẫu thuật viên chính thao tác, mà ông lại là chủ đề tài cả mấy công trình khoa học: mổ nội soi cắt ruột thừa, mổ nội soi cắt túi mật, mổ nội soi u xơ tuyến tiền liệt… Khi ông Khang đã về nghỉ, Quân lên giám đốc nhân Bùi Cường bị nữ kế toán trưởng phát đơn kiện tội tham nhũng… Có tin đồn, Quân chữa lại năm sinh trong hồ sơ cán bộ, nên về hưu sau ông Khang năm năm. Khi đó, người bác sĩ chuyên khoa hai, bác sĩ cao cấp, thầy thuốc nhân dân này còn vấp phải một sai lầm, lẽ ra không thể tha thứ: Chẩn đoán nhầm là viêm ruột thừa… Thay vì phải rửa sạch mủ trong ổ bụng, đưa đoạn cuối ruột non hoại tử ra ngoài làm hậu môn nhân tạo, Quân lại khâu kín những mảng ruột viêm đó. Bệnh nhân Nguyễn Thị Đào, 18 tuổi, học sinh lớp 12 phổ thông từ Hưng Yên gửi lên vì thế chết thảm!

Cho đến lúc này, vẫn chưa thấy Lã Hồng Quân được phong hàm phó giáo sư như đã từng khoe. Cái danh hiệu bác sĩ cao cấp thì có ngay sau khi ông trở thành phó giám đốc chỉ mấy tháng. Nhưng không rõ vì sao Quân giấu kín và lãnh đạo bệnh viện Hồng Phúc cũng không công bố. Nó chỉ được công khai kèm với nhiều chức danh khác trước cửa một phòng khám tư khi Quân đã về nghỉ hưu.

* * *

Khang trăn trở, day dứt về sự thiếu hổng kiến thức, cùng những lỗ thủng trong nhân cách và lương tâm của mấy đồng nghiệp cùng làm việc với mình xưa nay. Cho dù số đó không nhiều, ông vẫn khổ tâm, cố tìm nguồn cội sản sinh những con người ấy. Ông nhớ lại rất rõ những bộ sách giáo khoa phổ thông, các giáo trình đại học… Ông cũng nhớ hầu như không sót một người thầy nào của mình, từ khi cắp sách đến trường, với cách dạy truyền thống. Sinh viên y khoa mài mòn đũng quần nơi mặt ghế các giảng đường những sáu năm ròng. Thời gian học dài nhất trong các trường đại học. Vậy mà sau khi tốt nghiệp, số đông họ vẫn chưa làm việc được theo đúng nghĩa một thầy thuốc hoàn hảo. Cái gì cần chú trọng và tăng cường hơn trong việc dạy và học ở đại học y khoa? Phương pháp tự học, tự nghiên cứu của sinh viên? Trình độ và phương pháp truyền thụ, hướng dẫn thật sự đúng đắn, khoa học, tiên tiến và mô phạm của thầy? Sự có mặt và lượng dài ngắn thật sự hợp lý của các môn học?

Tiếng Pháp và tiếng Anh như không thể thiếu được trong nghiên cứu y học hiện đại. Nhưng học sinh, sinh viên miền Bắc có đến hơn ba chục năm chỉ được học tiếng Nga và tiếng Trung thôi.

Nhưng vấn đề hình như không chỉ có thế. Những gì tốt đẹp có được của người thầy thuốc, phải có cơ sở đầu tiên từ một nề nếp giáo dục gia đình và từ những năm đầu của bậc học phổ thông. Sự hình thành nhân cách, kiến tạo phẩm giá, hun đúc ý chí, rèn giũa đạo đức từ thời ấu thơ, từ niên thiếu và những năm tháng tuổi trẻ là hết sức quan trọng của mỗi đời người.

Chợt ông cười tự diễu mình, cái lão già Khang ngớ ngẩn! Nghĩ ngợi làm gì những vấn đề mình không có một chút khả năng gì giúp nó tốt hơn? Bởi một hạt cát có khao khát cháy bỏng thế nào, cũng không thể tìm được sự đoái hoài và cũng không ích gì cho sinh tồn của những ngọn cỏ.

Khi đã mãn chiều xế bóng, những người trí thức già có thể cũng nghĩ lẩn thẩn, chuyện cũ, chuyện mới quanh quẩn, lộn xộn, khi sáng láng, lúc rối bời… quên nhớ nhớ quên nhưng bao giờ cũng vô cùng trân trọng.

Vì quân số tăng vọt của bộ đội, ba phần tư bác sĩ trong sáu lớp vừa tốt nghiệp của Khang đã phải gia nhập lực lượng vũ trang. Mọi người nhận lệnh khẩn cấp đi chiến trường B. Nhờ uy tín và sự can thiệp của bố vợ, đúng hơn, đó là ý kiến của một cán bộ trung ương, lãnh đạo ngành quân y lệnh cho Khang ở lại học chuyên khoa Ngoại. Và anh sẽ được công tác ở một vị trí tốt nhất trên chiến trường.

Dù ông bà Thành không yêu quí mình, dù không lâu sau ngày cưới không còn là con rể nữa, suốt đời Khang vẫn nhớ đến họ với lòng biết ơn sâu nặng. Trở thành bác sĩ phẫu thuật vững vàng cũng là mơ ước lớn nhất của Khang. Nếu phải đi theo các đơn vị chiến đấu, nếu phải làm thầy thuốc ở trung đoàn, sư đoàn, đội điều trị, bệnh viện dã chiến hay đi theo một đội phẫu thuật tiền phương nào đó, suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, chắc chắn ông không phải là bác sĩ Trần Tử Khang bây giờ. Mà như thế, chắc gì ông đã sống sót, trên mặt trận B3 khốc liệt?

Khang phải đứng chờ bác sĩ Ngạnh. Ông bệnh viện phó kiêm trưởng phòng Y vụ có một cái chân thọt, đang phải vặn người, vất vả, bước lên mấy bậc thềm ở đầu hành lang nhà mổ của bệnh viện hữu nghị Việt Đức. Vừa lúc, hai cánh cửa căn phòng lớn bên tay phải anh mở rộng. Khang đã nhiều lần qua lại hành lang này, trong ba kỳ thực tập khi còn là sinh viên; nhưng đây là lần đầu tiên, bác sĩ Khang được phép bước vào phòng của bệnh viện trưởng.

Giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng ngồi sau cái bàn gỗ lớn. Dáng người ông đẹp phương phi, cao quý, với khuôn mặt nhân hậu, đôi mắt to và sáng với mái tóc rậm, dài gần chấm vai đã sớm bạc nhiều. Phía sau giáo sư, một tủ sách nhỏ. Những quyển sách ở đây đều có khổ lớn, bìa cứng, giấy tốt và rất dày với những nhan đề bằng tiếng Pháp. Số ít hơn là tiếng Anh. Bên trái tủ sách, một pho tượng đồng bán thân của chính giáo sư, được đặt hướng ra giữa phòng, nơi có bộ divan lớn bọc da màu nâu.

Chưa nghe hết lời chào của khách, bác sĩ Tùng đã đặt cái bút chì xuống giữa hai trang sách mở, trong khi người giúp việc pha trà:

– Cả hai ngồi đi. – Ông nói, mà không rời khỏi cái ghế bành của mình.

– Thưa anh Tùng, đây là bác sĩ Trần Tử Khang. Cục quân y gửi đến học thêm phẫu thuật vùng bụng. Thời gian, họ đề nghị ta đào tạo giúp trong vòng sáu tháng.

– Sao anh Ngạnh không đưa ngay cậu ấy đến phòng 3 – 4 hoặc 7 – 8 cũng được?

– Trường hợp này, ngoài Cục Quân y đánh công văn yêu cầu, còn có thư của ông Đặng Vũ Chí Thành gửi anh nữa. Vì thế, tôi đưa bác sĩ Khang đến chào anh.

Giáo sư Tùng mở phong thư. Thư chỉ mấy dòng; ông đọc rất nhanh và đặt nó xuống mặt bàn, bên cuốn sách dày vẫn còn để mở:

– Ông Thành nói, bên quân y muốn đào tạo Khang, để làm việc ở bệnh viện tuyến cuối trong chiến trường.

Tôi biết bệnh viện ấy vừa mới thành lập. Những người chỉ huy cũng đã dự trù, và muốn chuyển vào nhiều phương tiện, máy móc. Nhưng tôi cho rằng, họ khó thực hiện được. Đường vào Nam rất khó khăn. Chiến sự đã ác liệt trên cả hai miền Nam và Bắc. Mọi thứ rất dễ mất trên đường vận chuyển. Hơn nữa, máy móc nhiều, nặng và cồng kềnh là không phù hợp với một bệnh viện ở mặt trận. Làm việc ở trong đó, phải dựa vào trí tuệ và hai bàn tay thôi. Vì vậy, những vấn đề Khang cần, là chẩn đoán lâm sàng, xử lý đúng những thương tổn do hỏa khí, thuộc đủ các chuyên khoa. Biên chế của cái bệnh viện ấy khá lớn đấy. Chỉ huy và nhiều bác sĩ đã có kinh nghiệm thời chống Pháp rồi. Bom đạn có bao giờ chừa bỏ, né tránh hay thương tiếc một bộ phận nào của cơ thể người? Nên Khang không thể chỉ học mổ có một cái ổ bụng, như yêu cầu của mấy ông chỉ huy bàn giấy quan liêu. Làm việc ở tuyến sau, tuyến cuối, cần phải giỏi. Một khối lượng lớn kiến thức. Rất lớn! Sáu tháng ít quá, Khang phải cố gắng.

– Thưa thầy, vâng. Khang nghe giáo sư như nuốt từng lời và anh thầm hứa quyết tâm.

– Thôi, anh Ngạnh đưa Khang xuống phòng 7 – 8 với bác sĩ Vân A.

Và giáo sư đứng dậy. Thầy chuẩn bị đi mổ. Một bệnh nhân ung thư gan, cần được cắt bỏ. Ông nói, trước khi cả ba người cùng ra khỏi phòng:

– Khang đến làm việc ở đó, ngay từ hôm nay.

Khang hiểu chương trình học tập của mình, qua mục đích yêu cầu của lãnh đạo ngành quân y và những lời ngắn gọn của thầy Tùng. Việc cứu chữa những thương tích bom đạn là quan trọng bậc nhất. Nhưng mục tiêu của Khang còn là các ca mổ lớn. Anh biết, bây giờ phải học nhiều, trong các cuộc mổ bệnh lý thời bình. Khác với phẫu thuật chiến tranh, những cuộc mổ ấy có tính mô phạm cao. Đó là cơ sở, là nền tảng, không chỉ dành cho mặt trận, mà còn cho sự phát triển sau này.

Vừa tò te ra trường, Khang biết mình phải học tất cả, từ những vấn đề nhỏ nhất. Khang theo sát các thầy, học cách khám xét, hội chẩn và mổ xẻ. Người đọc vắng dần ở thư viện khi các cuộc ném bom của không quân Mỹ xuống Hà Nội ngày thêm ác liệt. Việc mượn sách, vì thế, cũng dễ dàng hơn.

Mỗi trường hợp phẫu thuật, Khang đều ghi chép và vẽ lại tỉ mỉ vào sổ tay, để nhớ và suy nghĩ trong những ngày sau, về tính hợp lý của phương pháp. Anh đối chiếu nó với các cách mổ của nhiều tác giả thế giới, trong những pho sách dày. Thầy mổ ca nào cũng thị phạm, cũng tuyệt vời. Nếu không có chiến tranh, ở cơ sở đầu ngành ngoại khoa này đã có thể trển khai các phẫu thuật lớn hơn, phẫu thuật tim mạch và ghép tạng…

Một giáo sư già đã khuyên các thầy thuốc trẻ, cần phải “biết bệnh, biết thuốc, biết người” trong quá trình hành nghề. Khang hiểu, một bác sĩ ngoại khoa, ngoài những phương châm cơ bản đó, còn phải biết mổ.

Một tối, ông Đặng Vũ Chí Thành từ nhà riêng, gọi điện thoại thăm hỏi về con rể mình. Giáo sư Tôn Thất Tùng vui vẻ, với giọng Thừa Thiên – Huế sang sảng:

– Anh yên tâm. Thằng Khang là thầy thuốc, như một Volfgan Amadeus Mozart, một Ludwig Von Beethoven trong âm nhạc vậy.

Ông Thành ít nhiều ngạc nhiên và vui mừng, chưa biết nói gì. Giáo sư cười và tiếp:

– Đùa anh cho vui đấy thôi. Aboyer à la lune . Con rể anh thông minh, nhưng không ai có tài phẫu thuật bẩm sinh cả. Anh biết đấy, Mozart tuy là thần đồng, vẫn phải mất rất nhiều mồ hôi. Beeth còn bị nhiều trận đòn đau của ông bố nhạc công nhà thờ háo danh, nghèo túng! Thằng Khang có khả năng tự học. Cái đáng quý của nó, là ở chỗ đó. Tôi muốn lưu nó lại một thời gian nữa. Đất nước chúng ta đang bỏ qua giai đoạn phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa. Y học không thể bỏ qua, bất kể cái gì, dù nhỏ nhất của cơ thể con người. Dans les recherches anatomique et chirurgical, il est impossible de bruler l’étape .

… Nghe bố vợ kể, Khang không nghĩ giáo sư Tùng khen mình. Giáo sư là viện sĩ hàn lâm Cộng Hòa Pháp, một người nổi tiếng thế giới, huy chương phẫu thuật quốc tế Lanneclongue. Ông là cha đẻ của một trong hai phương pháp cắt gan trong lịch sử y học nhân loại. Người ta đã xác định những ưu điểm của phương pháp mang tên ông. Nhiều người là những tài năng phẫu thuật, đầu bạc, còn bị thầy mắng. Giáo sư biết Khang vừa ngu ngơ ra trường, mà kiến thức và kỹ thuật cần cho công việc ở mặt trận, và cũng là cho nghề lại quá nhiều. Ngoài những lúc ông trực tiếp, giáo sư Tùng còn giao việc hướng dẫn Khang, cho năm bác sĩ tham vấn. Ông nhắc đi nhắc lại, phải ưu tiên truyền thụ nghề nghiệp cho người sắp ra mặt trận.

Khang hiểu, được thầy dạy là vấn đề tiên quyết; nhưng tự học, tự nghiên cứu là không thể thiếu, không thể không nỗ lực cả đời.

Các thầy, mỗi người mỗi khả năng, mỗi tính cách, nhưng họ đều nghe theo ý kiến thầy Tùng. Ngoài các bác sĩ khoác áo lính, các thầy thuốc ở đây chưa ai phải ra mặt trận. Thầy nào có ca mổ cũng gọi Khang. Ai cũng cảm tình với anh. Một chàng trai dáng dấp thư sinh, không nhiều sức mạnh cơ bắp, đôi mắt to và sáng, vầng trán rộng thanh thản. Chuẩn bị đi B, xa người vợ trẻ đẹp và con gái nhỏ, mà như không có chuyện gì, mà vẫn say mê học hành, như một cậu học trò phổ thông ngoan ngoãn.

Khang nhớ suốt đời, bệnh viện Phú Thọ gửi đến một ca rò ruột, bệnh nhân là y sĩ Nguyễn Văn Huy. Chính giáo sư Tùng mổ đi mổ lại ba lần. Lần thứ ba, Khang vào phụ hai cho thầy. Cuộc mổ khó và căng thẳng. Thầy quát:

– Vào chiến trường, bệnh nhân nặng như thế này đến viện, chắc chắn rất nhiều. Thằng Khang không được phép nói, tôi không biết, tôi không làm được! Vì thế, phải cố gắng ngay từ bây giờ và tận tụy suốt đời. Hiểu không?

Khang thoáng sợ hãi, về sự học hành, để trở thành một thầy thuốc, một phẫu thuật viên như thầy mong muốn.

Thưa thầy! Ngay lúc này, với em mổ xẻ tốt đã là một khát vọng. Sau chiến tranh, em còn trở lại. – Khang xúc động hứa thầm.

* * *

… Khang đang ngồi bên tủ sách lớn trong nhà mình. Về hưu, không đi làm thêm, thì chì còn có sách báo là bầu bạn đêm ngày. Ông bỏ vội tách trà còn bốc khói xuống mặt bàn. Bản tin thời sự đài truyền hình đưa tin, bệnh nhân ghép thận đầu tiên của Việt Nam ở bệnh viện Chợ Rẫy tháng 8 năm 1999, Thái Văn Hùng, sinh năm 1972, người phố cổ Hội An. Sau mổ, Hùng khỏe mạnh và vừa mới tổ chức lễ cưới.

Thành tựu ấy của đồng nghiệp, của nền y học nước nhà làm ông xúc động đến ứa nước mắt. Bây giờ ta đã có trung tâm điều hành ghép tạng quốc gia… Chén trà nóng rót ra, để nguội. Ông cũng quên luôn cả những điều đã hiểu, cũng như chưa hiểu về vũ trụ mình vừa đọc xong, sách còn để trên mặt bàn, cuốn Lược sử thời gian của Stephen Hawking.

Ông lôi ra mấy tập sách dày, sổ tay ghi chép… Tất cả, giấy đã ố vàng. Tài liệu của riêng ông về thực nghiệm và kỹ thuật ghép thận, tim, gan trên người.

Mắt Khang ngấn lệ. Người già, mừng và tủi thường vẫn cùng đến? Tuy nhiên, ông không xấu hổ về những ảo tưởng của mình. Nó là ước mơ của một thời trai trẻ, từ những năm tháng chiến tranh. Thời ấy, một người lính nghĩ đến chuyện ghép tạng là quá viển vông. Giá trị lớn nhất của những trang giấy, những quyển sách, những quyển vở bầy ra kín mặt bàn đây, là nó góp phần giúp ông sống được với nghề, với đời, hết sức say mê!

Những hoài vọng của đời ông!

Ông lo cho con gái và con rể. Có đêm ông mơ thấy các con mình thất bại…

Vợ chồng Ly Ly chọn một công việc khó nhọc. Các con ông cùng với những người thầy và bạn Nhật Bản đang nghiên cứu phương pháp phẫu thuật từ xa. Nhờ sự phát triển của ngành vật lý – toán và kỹ nghệ chế tạo máy tính, rô bốt… con người sẽ vươn xa trong không gian. Tương lai, phẫu thuật viên có thể ngồi ở Tokyo mổ cắt gan, cắt phổi… cho bệnh nhân Hà Nội. Phẫu thuật viên ở Washington mổ ghép tim, ghép thận tận Manila. Bác sĩ ngồi ở mặt đất, mổ cho người bệnh trên các con tầu và khách sạn vũ trụ. Trên cả những hành tinh xa xôi.

Nhân loại sẽ đạt được thành tựu kỳ vĩ ấy. Khang nói với Lam Khương, anh có cơ may cùng em sống đến lúc đó? Thời gian để thầy trò Ly Ly hoàn thiện phương pháp ấy là bao lâu? Còn có nhóm nghiên cứu nào khác về phương pháp ấy trên thế giới? Ai biết được từ Carrel đến Barnard lại dài quá như vậy! Hai đứa còn nghiên cứu cả tế bào gốc… Tại sao vợ chồng nó chỉ lao vào những vấn đề hóc búa, xa xôi, không thực dụng thế?

Nhân chuyện của vợ chồng con gái, ông kể với Lam Khương những mơ ước hão huyền của mình khi còn ở chiến trường Tây Nguyên. Anh chỉ tâm sự với một đồng nghiệp duy nhất… Nếu có một phương pháp phẫu thuật từ xa, chẳng những thương binh có cơ hội được xử trí sớm hơn, tốt hơn, mà còn tránh được vất vả, thương vong cho các thầy thuốc.

Người bác sĩ ấy nghe Khang giãi bày trong đêm cả hai mất ngủ, anh im lặng, nhưng hết sức ngạc nhiên…

Ngay tối hôm sau chính ủy bệnh viện đã tập hợp cán bộ, chiến sĩ các khoa Ngoại để kiểm điểm, phê phán Khang gần trọn một đêm. Giai cấp tiểu tư sản bấp bênh, không kiên định cách mạng. Bác sĩ quân y mà lại có những ý nghĩ lười nhác, sợ hy sinh, ngại gian khổ, trông chờ kỹ thuật, ỷ lại máy móc… Chính ủy nhấn mạnh, tội Khang là duy tâm, siêu hình. Là không tin vào ý chí và sức mạnh vô địch của quân đội ta, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng!

Trước đó, bác sĩ Thịnh và Khang đã lên tiếng trước cả viện trưởng, về cái lệnh sai trái của chính ủy cấm dạy học sinh y sĩ, y tá bộ phận sinh dục người. Chính ủy cho việc dạy “cái đó” là truyền bá khiêu dâm. Học cái ấy, chúng nó sẽ sống đồi trụy, trác táng… làm hại cách mạng! Chính ủy cũng là tác giả của lệnh cấm “Ba không”. Nam nữ trong bệnh viện không thân, không yêu, không lấy vợ lấy chồng. Tuy lệnh ấy luôn được kiểm tra ngặt, vẫn xẩy ra trai gái hoạt động tình dục vụng trộm ngay trong doanh trại. Mấy cô liên tiếp phải phá thai to. Người ta còn bắt được một chỉ huy nằm gần hết đêm với nữ chiến sĩ trẻ…

Lam Khương trở mình. Nàng hôn lên trán chồng rồi ôm lấy đầu ông:

– Thôi anh! Về nghỉ rồi, đừng nặng lòng với quá khứ nhiều quá. Anh cần giữ gìn sức khỏe, giúp em nuôi dạy con trai mình khôn lớn; và ta cùng chờ thành công của vợ chồng Ly Ly.

Phẫu thuật từ xa và ghép tạng không thể nghiên cứu và làm trong thời chiến tranh. Cũng không thể tiến hành ngay sau hòa bình, vì khả năng .kinh tế của đất nước ta, cũng vì trình độ cán bộ. Anh hiểu thế mà?

Lam Khương dịch ra xa, trở sấp người lại và ngẩng đầu lên, nàng nói tiếp với chồng:

– Em rất tự hào, về việc anh đã chữa khỏi mấy chục bệnh nhân huyết áp thấp, bằng cách tiêm diệt hạch giao cảm cổ và ngực. Rất nhiều báo chí đã đăng tải về căn bệnh này. Chứng bệnh khó ấy, người ta cho rằng chưa biết nguyên nhân. Và vì thế, y học thế giới cũng chưa tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả.

Thực hành với kết quả tốt như thế từ những năm một chín tám mươi, vì sao anh không viết gì về nó?

Trần Tử Khang bất ngờ gặp chuyện không vui. Bùi Cường ép ông nhận công việc trưởng khoa.

Bây giờ, bệnh nhân vào khoa Ngoại Sản, nhiều ngày gấp đôi số giường kế hoạch. Trong một bệnh viện ba trăm giường bệnh đã quá tải này, ai dám chắc không có sơ suất, rủi ro? Người ta không thống kê và công bố mỗi năm có bao nhiêu tai nạn, tai biến điều trị. Thời gian trong quân đội, mỗi tháng, Khang đều nhận được thông báo của Cục Quân y, về các trường hợp mổ xẻ, điều trị thành công và đặc biệt là những ca thất bại. Các bác sĩ, phẫu thuật viên trong toàn ngành cần biết, để rút kinh nghiệm. .

Thầy thuốc ở một nước nghèo, lạc hậu, ngoài chuyện thiếu cơ sở vật chất, phương tiện hành nghề, mỗi người còn có nhiều khó khăn, phải lo, phải tính, phải làm cho gia đình và cá nhân mình. Những gì không hay có thể xảy ra khi thầy thuốc sống thiếu thốn và quá mệt mỏi?

Chỉ một sơ suất nhỏ, vì lơ là, vì sức khỏe, hay vì trình độ non kém… thầy thuốc đã và sẽ còn mang tai họa đến với người bệnh. Ông Khang hiểu sâu sắc điều đó. Từ khi nhận trách nhiệm lãnh đạo khoa, ngày nào ông cũng đi làm sớm hàng giờ. Trước khi giao ban khoa, ông đã khám tất cả những ca bệnh trong phòng hậu phẫu, những ca vào cấp cứu trong đêm. Qua thực trạng của từng người bệnh, ông đưa ra những chỉ định cho các bác sĩ và y tá nhân viên. Công việc phát sinh nhiều ít, các ca mổ phiên, duyệt với giám đốc từ cuối tuần trước, vẫn được thực hiện theo đúng lịch trình.

* * *

Nỗi khó chịu với Trần Tử Khang của Bùi Cường cứ thầm lặng, dai dẳng. Thằng cha đại úy quân y thật sự là kẻ ngu lâu chậm hiểu. Mình là bí thư đảng bộ, giám đốc kiêm trưởng khoa, hắn cũng coi như các phó giám đốc, và cũng không hơn các bác sĩ trơn khác? Tư tưởng và hành vi ấy là “cá mè một lứa!” Chuyển ngành về Hà Nội, trong lúc đất nước đổi mới, dân chúng sôi sục với cơ cấu kinh tế thị trường, mà hắn cứ như cán bộ của thời bao cấp đến nhận việc, theo quyết định điều động của các bố tổ chức chính quyền! Lính tráng từ một nơi khỉ ho cò gáy về Hà Nội, mà cứ như sĩ quan đến nhậm chức ở một đơn vị quân đội, giữa thời chiến tranh. Sao lại nhẹ tễnh và đơn giản thế!

Nếu Khang biết điều, như thằng Quân, thì mình đã giao cho anh ta cái chức trưởng khoa Ngoại – Sản từ lâu rồi. Chứ đâu mãi đến hôm nay. Làm gì mình phải chờ thằng Quân cậy cục tìm đến? Làm gì mình phải giơ đầu chịu báng cho cái thằng cha họ Lã biết bao nhiêu chuyện tai tiếng?

Quân không có năng lực cần cho cương vị trưởng khoa. Mình phải xin giáo sư Tấn cho hắn cái bằng chuyên khoa cấp hai. Học hành thi thố đằng thằng làm sao hắn vượt qua cửa ải ấy được? Có bằng, nhưng thối nhất là hắn không biết mổ, nên phải điều hành khoa theo kiểu lập lờ đánh lận con đen. Bao nhiêu năm nay, mình phải lờ cho. Không ít người tỏ ý không bằng lòng. Ngay cả bà xã mình quen mũ ni che tai cũng đã gào lên, sao ông cứ đắp tai cài trốc mãi thế? Không thể để hắn như thế lâu hơn. Vừa xong, mình có một cơn đau thắt ngực, hắn đã hí hửng, tưởng mình nhồi máu cơ tim, tất chết! Thì hắn được ngồi lên cái ghế giám đốc. Thằng Quân có dòng máu Ngụy Diên phản chủ. Bây giờ, mình có thể hạ bệ hắn thành bác sĩ trơn, không kêu vào đâu được. Về với mình, hắn được quá nhiều. Nếu còn ở đại học y khoa Thiên Đức, thì chắc chắn phải đợi khi sang tiểu sành!

Hắn xin cái chức phó giám đốc để sĩ với cô vợ giảo hoạt, nanh nọc, họ hàng nội ngoại và bạn bè. Phó giám đốc, thực chất là người giúp việc, hữu danh vô thực. Cái chức vụ ấy, tưởng to đấy, nhưng làm sao hay bằng trưởng khoa? Trưởng khoa mới có thực quyền. Phó giám đốc, có tiếng nhưng không có miếng. Chưa liên hoan chia tay khoa, chưa ngồi vào ghế phó giám đốc, hắn đã hí hửng như đã cầm chắc trong tay cái danh hiệu bác sĩ cao cấp! Tối qua, cô vợ Quân lại đến nèo cho chồng kiêm giữ cái ghế trưởng khoa thêm một vài năm nữa. Vợ chồng hắn tham quá. Đâu phải bất cứ ai cũng đủ tài đức kiêm nhiệm! Như cái thằng Quân, còn lâu!

Phẫu thuật là việc làm khó nhất, trong bất cứ công việc y khoa nào. Chẳng thế mà từ khi thành lập đến nay, đã nửa thế kỷ, chưa có một bác sĩ nào của bệnh viện Hồng Phúc đi học chuyên khoa ngoại mà thành được phẫu thuật viên thực thụ. Phẫu thuật viên đã thành danh, đang sống ở Hà Nội, không có ại chịu về làm việc ở Hồng Phúc. Bởi cơ sở vật chất nghèo nàn. Và chắc còn những lý do gì đó nữa.

Bùi Cường cũng đã theo học ở bệnh khoa của giáo sư Nguyễn Đức Tấn cả một năm trời sau khi tốt nghiệp đại học. Rồi, giáo sư đến mổ, để dạy tại chỗ nhiều năm tiếp theo. Cường vẫn không thể độc lập cầm dao! Ông đành phát huy truyền thống, có bệnh nhân cần mổ là trăm phần trăm mời gọi tuyến trên. Nhờ các thầy hết lòng đến giúp bệnh nhân, giúp em.

Không có phẫu thuật viên, mà bệnh viện Hồng Phúc không năm nào không vượt chỉ tiêu kế hoạch mổ xẻ.

Chính vì không có đủ tri thức và khả năng kỹ thuật, nên Cường sớm nghĩ ra việc đi theo con đường quản lý. Cường nhận giám đốc Sở Y tế Lê Thức là bố nuôi. Ông có tình cảm đặc biệt với vợ chồng Cường. Lê Thức sớm đưa Cường vào lớp cán bộ nguồn, cán bộ trẻ kế cận.

Cường thấy “hoạn lộ” kể ra cũng mệt. Nhưng cái “mệt” này vẫn dễ thực hiện hơn những con đường khác. Mấy ngài tai to mặt lớn ngày càng tinh quái. Nhưng họ cho mình cái quyền và cả cái lợi không có vị trí nào bằng. Bà xã nhiều khi cằn nhằn, ông tiêu gì mà khủng khiếp thế! Làm ra thì phải tiêu chứ. Lộc bất tận hưởng. Vứt đi nhiều, cũng chỉ mất có mấy phần trăm thu nhập. Đàn bà vốn nhỏ nhen, keo kiệt, lại thiển cận, ích kỷ. Cái móng tay cắt đi cũng tiếc. Thời đại này, công việc gì mà chẳng phải đầu tư? Đầu tư liên tục, đầu tư hết cả một đời công tác. Nghỉ hưu cũng chưa có thể nói là xong chuyện đầu tư, đầu tư cho con. Nếu không, nguy cơ hỏng cả cuộc đời chúng nó ngay từ khi còn học phổ thông. Tiếng là sống mẫu mực và làm việc mô phạm như ngành giáo dục, mà cái cô Trà cạnh nhà mình đây, đến nhận chức giảng viên cũng phải nôn cho thầy hiệu trưởng, thầy trưởng bộ môn một khoản tiền lớn. Là bạn học giỏi hơn, cùng về với Trà, cô Thuận không có như bạn, lãnh đạo không phân giờ giảng. Thuận chịu sai vặt cả năm và bị phê bình kiểm điểm liên miên… Cuối cùng, cô giáo trẻ ấy phải đi điều trị dài ngày ở bệnh viện tâm thần trung ương!

* * *

Nghe kíp trực báo cáo về tình trạng và diễn biến của bệnh nhân trong khoa xong, Bùi Cường đã cao giọng ngay ở buổi đầu tiên ông Khang đi làm:

– Không như các bệnh viện tỉnh lẻ và quân đội, chúng ta ở thủ đô là phải thận trọng trong mọi loại phẫu thuật. Mọi cuộc mổ lớn hay nhỏ, vẫn là mổ. Chúng ta không được phép đem người bệnh ra làm con vật thí nghiệm. Có ca nào, mời các giáo sư mổ tất. Một là, mang lại cho bệnh nhân một chất lượng phẫu thuật cao nhất. Hai là, để các bác sĩ ở đây học tập. Có thế, chúng ta mới thực hiện được khẩu hiệu, mỗi người đang đeo trên ngực, thương yêu bệnh nhân như người ruột thịt. Và như thế, ta cũng mới thực hiện được lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Lương y phải như từ mẫu”.

Ngoài ý muốn, Cường tự bộc lộ thực chất của mình, không có khả năng thực hành bệnh viện. Và Khang cũng biết, Cường nói riêng với người mới về nhận việc.

Khang âm thầm ngao ngán. Nhưng ông cũng mừng, Cường và Trịnh tự biết trình độ mình, cả hai đều không dám liều lĩnh cầm dao mổ chính.

Mổ xẻ là một lao động trí óc, kết hợp với sức lực gân cốt, cơ bắp vất vả. Vậy mà không mổ, làm việc như một bác sĩ nội khoa, Khang lại thấy khổ tâm! Tuy vẫn đến bệnh viện ngày ngày, vẫn khám bệnh và điều trị đấy, mà cứ như mình chơi không. Và tình trạng “treo dao” làm ông sống trong tâm trạng đau khổ, như người thừa, như bị gạt bỏ, mà vì nhiều lẽ của cơ chế điều hành, ông cần im lặng. Nhân viên phản kháng lãnh đạo, là tự chuốc lấy những hậu họa khôn lường.

Vốn ngay thẳng và trung thực, làm sao ông biết đường để tránh!

Trong tinh thần nhẫn nại, Khang nhớ tới Bàng Thống thời Tam Quốc. Những ngày mới về với Lưu Bị, suốt ngày ông ngồi uống rượu, vì công việc được giao quá nhỏ bé, vặt vãnh, tầm thường. Tiến sĩ di truyền Lương Định Của khi từ Nhật Bản về Hà Nội, nghe đâu cũng từng làm nhân viên của một ông trưởng phòng chỉ học hết cấp hai phổ thông và tốt nghiệp Trường trung cấp Nông Lâm!

Rồi cũng có nhiều người tìm đến ông, nhờ mổ.

Cường và Trịnh đều biết bác sĩ Khang từ trước, qua những câu chuyện truyền miệng trong ngành y tế. Người đã đọc báo, kẻ nghe đài truyền thanh nói về Trần Tử Khang. Cường còn nghiên cứu kỹ hồ sơ lý lịch và bản tự kê khai của Khang về các phẫu thuật ông vẫn thường làm. Cả hai cùng tìm hiểu thêm về viên đại úy qua chỉ huy Viện Quân y 101, qua giáo sư đầu ngành phẫu thuật bụng của bệnh viện trung ương quân đội và phòng điều trị cục quân y. Cường bàn với Trịnh, Khang tốt nghiệp đại học trước cánh ta cả chục năm trời. Hắn làm được quá nhiều loại phẫu thuật. Nhưng cứ mặc anh ta ra đứng vào ngồi. Để trước mắt mọi người, viên cựu đại uý bác sĩ “R” như là một kẻ không biết gì. Bác sĩ “R” đã từng nổi tiếng đấy, nhưng làm sao sánh được với các thầy Hà Nội? Nổi thế nào thì nổi, vẫn chỉ là nổi ở “R”. Mà “R” hay tỉnh lẻ thì là cái gì mà tăm với tiếng, mà nổi với chìm? Anh ta còn phải học hỏi chán ở các bác sĩ thủ đô.

Đã có mấy người đến nhờ anh ta mổ ở đây. Họ làm đơn xin, không thể không cho anh ta mổ. Hôm nào tiện, ta nhờ giáo sư Tấn giáng cho hắn mấy đòn nhớ đời…

Cường và Trịnh ngồi bàn bạc mãi. Cả hai gật gù…

Sau này, người ta lục tìm trong sổ phẫu thuật của bệnh viện Hồng Phúc. Hơn một năm đầu, bác sĩ Trần Tử Khang chỉ mổ được hai mươi lăm người bệnh. Con số đó không bằng một tháng ở nơi ông làm việc trước đó.

* * *

Lê Trịnh to cao, trán thấp, hàm nhọn, miệng rộng, môi dày và thâm, nước da hổ giun, bộ tóc cứng và đen như một cái đầu nhuộm thuốc. Đặc biệt, ông có đôi lông mày to như con sâu róm, mắt xếch, thêm một mảng da đen nhỏ ở bên mép phải. Trịnh hiểu biết dở dang những tri thức cần thiết của một bác sĩ ngoại khoa, phần do trí tuệ, phần do lòng yêu nghề không có bao nhiêu. Trịnh nói ra miệng, nghề gì, thì cũng chỉ là để kiếm cơm áo thôi mà.

Không đủ kiến thức hữu ích cho công việc, thì Trịnh có phương pháp làm việc phù hợp với tư tưởng cũng như đường lối của người lãnh đạo trên mình, tăng cường và thắt chặt quan hệ, dựa hẳn vào các giáo sư bác sĩ tuyến trên.

Những bệnh nhân cần mổ được khoa ngoại chuẩn bị, xếp lịch, duyệt mổ trước với thầy Nguyễn Đức Tấn. Thường là thầy đến mổ, ngày giờ nào thầy cũng chấp nhận. Những khi thầy quá bận, nhân viên của thầy sẽ đến làm thay. Bệnh nhân vào nằm ở đây, là phải thấm nhuần tinh thần “Hãy cứ đợi đấy!”

Là phó khoa, Trịnh được Cường ủy nhiệm, toàn quyền điều hành, sắp xếp lịch mổ cho từng người bệnh, từ ngày giờ tốt xấu, thứ bảy, chủ nhật đến việc giải thích… Bệnh ông (bà, anh, chị…) bắt buộc phải mổ đấy. Nếu không mổ thì, ung thư hóa. Không mổ thì, di căn! Không mổ, thì thủng, thì bục, thì vỡ, thì hoại tử… Biết bao những tình huống biến chứng khủng khiếp sau cái tiếng “thì”. Thì chết! Tôi là tôi thận trọng tối đa, vì quyền lợi của các ông, các bà. Tôi mời bằng được các giáo sư đến mổ. Bệnh này, bác sĩ các cỡ đều không làm ăn gì được; phải bàn tay vàng giáo sư mới xong. Giáo sư mổ là nhất. Giáo sư này tầm cỡ ngang ngửa thế giới đấy. Không ai được may mắn bằng ông (bà…) đâu! Phúc tầy đình đấy. Không gì so sánh được với tính mạng con người! Người là vô giá.

Vâng, vâng! Đội ơn bác sĩ trưởng khoa! Thế như gia đình chúng em phải…? Không quan trọng! Không phải là yêu cầu của chúng tôi đâu nhé. Chúng ta cần được mổ xẻ an toàn. Người là vàng của là ngãi. Người sống đống vàng…

* * *

Dù mổ quá ít về số lượng, nhưng trong đó bác sĩ Khang cũng đã làm được nhiều loại phẫu thuật lớn, đủ để lãnh đạo và đồng nghiệp ở bệnh viện Hồng Phúc không thể coi thường. Họ không thể phủ nhận ở bệnh viện của mình, ông là nhân viên đầu tiên thực hiện hoàn hảo các đại phẫu thuật kinh điển vùng bụng. Mấy chục người bệnh ấy, là họ hàng ở quê, người quen biết của bản thân và gia đình, hoặc ở nơi ông làm việc xưa kia tìm đến. Có cả bệnh nhân người Mỹ và người Canađa gốc Việt.

Duy nhất một người không quen biết. Lãnh đạo chỉ định Khang mổ, với lý do không mời được phẫu thuật viên tuyến trên. Thật đau xót và cay đắng cho ông, ca bệnh này tử vong.

Đó không phải là ca mổ khó. Không phải ca mổ lớn. Cũng không phải vì căn bệnh hiểm nghèo!

Người thanh niên 25 tuổi này từ vùng kinh tế mới Tây Nguyên qua Hà Nội, đang loay hoay chưa biết về quê nhà ở cuối tỉnh Hải Dương bằng cách nào, vì kẻ cắp lấy mất hết tiền bạc, hành trang. Anh từ chối nằm vào cáng, khi bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa; tự mình theo sau y tá để đến phòng mổ.

Chỉ mấy phút sau khi rạch da… cái ruột thừa mọng mủ đã được Khang cắt bỏ. Khi ông bắt đầu khâu đóng lại vết mổ, bệnh nhân đột nhiên co giật toàn thân và tử vong.

Cả kíp mổ hoảng hốt…

Chuyện xấu, được người ta làm cho xấu thêm, bằng cách bàn tán ầm ỹ và truyền tin thất thiệt đi xa. Người bên ngoài đâu biết việc gây mê, gây tê thế nào? Công việc ấy bao giờ cũng chìm lẫn vào trong cuộc mổ. Nó bị cái động từ “mổ” che khuất. Các bác sĩ gây mê, những người có công lớn, giúp cho mọi phẫu thuật thành công. Nhưng với nhân dân, họ như không có danh tính. Người thầy thuốc ấy thường nói những lời ghen tỵ. Gia đình và người bệnh chỉ biết có ông bác sĩ mổ thôi. Không ai biết đến cái mặt thằng gây mê vuông tròn dài ngắn thế nào! Hôm nay chết người, anh ta im thít. Cái công việc thầm lặng của mình hoá ra có lợi; đã tránh được búa rìu dữ dội của gia đình người bệnh, lại không bị dư luận sấm sét của xã hội giáng xuống đầu mình!

Người bệnh chết do mổ! Ai mổ? Lão Khang! Bác sĩ quân đội đéo biết mổ! Sao cái thằng lính già ấy học hành thế nào mà ngu dốt thế? Bác sĩ bác siếc đếch gì? Đao phủ! Đao phủ! Chính cống đao phủ!

Lãnh đạo yêu cầu Khang viết tường trình. Người ta coi nó đồng nghĩa với “Bản kiểm điểm”. Nhiều ý kiến mạnh mẽ, quyết liệt, gay gắt, ầm ỹ cả bệnh viện Hồng Phúc. Người bệnh chết vì mổ. Bắt người cầm dao phải chịu trách nhiệm. Đúng thế! Chứ ai?

Ngoài văn bản rất ngắn gọn, rõ ràng, trong cuộc họp kiểm thảo tử vong hôm nay, Khang nói cũng không dài:

– Thưa các anh, các chị! Phẫu thuật viên là trưởng kíp mổ. Anh ta phải chịu trách nhiệm về cái chết của người bệnh mổ. Vâng! Đúng là như vậy.

Phòng họp lặng phắc. Khang quan sát nhanh các khuôn mặt, ánh mắt của những người thầy thuốc ngày ngày cùng làm việc, vất vả, vui buồn với mình. Nhiều cái đầu gật gật; nhiều cặp môi cười tươi; nhiều đôi mày đang cau vào, dãn ra hể hả…

Ông nói tiếp, rành rọt:

– Nhưng cái chết của bệnh nhân này, không phải do tôi!

Cả hội trường ồ lên, xôn xao. Nhiều tiếng ho khan, e hèm, và người ta trao đổi xì xào, thì thầm… Có cái đầu gật gật, cũng có nhiều cái cổ lắc lắc. Khang chờ cho những âm thanh ấy, những hành vi ấy bật ra và trình diễn cho hết. Ông tiếp:

– Chúng ta, những người đáng kính đang ngồi đây, đều biết rất rõ (Chắc chắn nhiều người lơ mơ, thậm chí mít đặc, nhưng ông cứ nói thế), tai biến mổ xẻ có mấy loại. Một là, tai biến do mổ. Hai là, tai biến do gây mê, gây tê. Ba là, tai biến trong quá trình chăm sóc hậu phẫu.

Nếu tôi cắt ruột thừa, mà không buộc được cái động mạch của nó, hoặc tôi cắt nhầm vào động mạch chậu, cắt nhầm vào niệu quản, cắt nhầm vào đại tràng, cắt nhầm tiểu tràng, cắt nhầm và cắt nhầm… vân vân. Thì cái chết ấy đích thị là do tôi.

Ông ngừng lời, và lại nhìn khắp lượt, thấy nhiều cái đầu nghênh nghênh, có khuôn mặt nhăn nhó và những đôi mày sâu róm nhíu lại tạo một vạch thẳng. Ông tiếp:

– Trong ca mổ này, tôi không phạm phải tất cả những khuyết điểm đó. Kíp mổ cũng như các anh, các chị đều biết rất rõ như thế. Và những người làm phẫu thuật đều khẳng định, bệnh nhân chết trên bàn mổ, không do mất máu, thì không thể là tội lỗi của người cầm dao. Vì vậy tôi đã yêu cầu mổ xác để tìm nguyên nhân. Bệnh nhân được gây tê tủy sống bằng một ống Dolargan; sau đó hơn chục phút, lên cơn co giật toàn thân và chết. Chỉ có một thứ hóa dược tác động vào hệ thần kinh trung ương, mới có triệu chứng như thế. Bệnh nhân này, không dùng gì khác, ngoài các thứ thuốc tiền mê và thuốc gây tê tuỷ sống. Chúng đều là thuốc hướng thần.

Ống thuốc Dolargan đó còn hay đã hết hạn sử dụng? Nếu nó còn hạn, thì chất lượng ra sao? Tôi không rõ. Chúng tôi tìm lại, không thấy cái vỏ của nó trong đống vỏ thuốc mà nhóm gây mê đã dùng. Cái vỏ thuốc bằng thủy tinh vô tri, đã không cánh mà bay. Ai đã thủ tiêu nó? Vì sao họ phải thủ tiêu cái ống thủy tinh nhỏ bé, bác sĩ gây mê vừa vứt ra đó? Nếu cho rằng tôi có lỗi trong cái chết này, thì đó là việc tôi đã không kiểm tra tất cả thuốc men trước khi bác sĩ gây mê dùng cho người bệnh! Nhưng xin thưa, trong mọi cuộc mổ, đã nhiều năm rồi, bác sĩ gây mê không phải là người làm việc dưới quyền điều khiển của bác sĩ phẫu thuật nữa. Họ độc lập. Điều đó, chúng ta cũng đều đã biết cả. Phẫu thuật viên không cần, và cũng không được phép làm cái việc sai trái và thô bạo ấy.

Khang cúi xuống, mở cặp. Ông lấy ra một tờ giấy và đưa cho người chủ trì cuộc họp:

– Đây là biên bản không tìm thấy vỏ ống thuốc Dolargan gây tê cho bệnh nhân này.

Trong cuộc họp khẩn cấp của lãnh đạo về cái chết “sét đánh” trên bàn mổ ấy, rồi phiên họp xem xét tường trình của bác sĩ Khang, tiếp theo là cuộc kiểm thảo tử vong hôm nay, Bùi Cường chỉ nêu vấn đề, mà không đưa ra ý kiến nhận định, giải thích hay đánh giá gì khác. Giám đốc biết cái lỗi chết người này không phải do viên cựu đại uý. Ông mời và để mặc cấp trên, giám đốc Sở Y tế chủ trì giải quyết.

Có khá nhiều ý kiến cố tình buộc tội người mổ.

Khang nhìn khắp lượt. Ông cười.

Ông giám đốc sở nhận ra, đó là một nụ cười… như cái cười của một người lớn đứng trước lũ trẻ nhỏ đang nghịch ngợm cái trò ngớ ngẩn, bẩn thỉu gì đó. Ông rất không vừa lòng. Thái độ của tay bác sĩ quân y này thật ngạo mạn. Điên thật! Nhưng rồi ông băn khoăn, nghĩ tới một đoàn thanh tra cấp trên. Để đến nước ấy thì quá ư phiền phức. Dư luận quần chúng và cấp trên sẽ coi ông là hạng lãnh đạo kiểu gì? Không phải là bác sĩ phẫu thuật, ông cũng nhận thấy nguyên nhân cái chết hoàn toàn không phải do Trần Tử Khang.

Sau cuộc họp đó, như các cấp lãnh đạo quên rất nhanh. Giám đốc sở và giám đốc bệnh viện đều im lặng. Cũng không thấy ai bị kỷ luật, cảnh cáo, phê bình…

Chỉ có dư luận quần chúng ồn ào mãi, về một ông bác sĩ quân đội dốt nát, mới chuyển ngành về bệnh viện Hồng Phúc, mổ cắt cái mẩu ruột thừa tí tẹo thôi, cũng làm mất một mạng người!

* * *

Hơn mười năm đã qua.

Lê Trịnh đã đi làm chuyên gia y tế ở Châu Phi. Trịnh lấy buôn bán làm công việc chính, nên đã rất giầu. Bác sĩ Thủ nghỉ hưu, mở phòng khám tư nhân ở Hà Nội. Công việc điều trị phụ khoa và kế hoạch hóa gia đình ngày càng nhiều lên. Và tiền ông có nhiều gấp bội những năm chưa về nghỉ hưu.

Lã Hồng Quân không một chút tiến bộ nghề nghiệp. Sự thật như cái kim trong bọc, lâu ngày nó cũng tự lòi ra. Tiếng xấu ngày một nhiều hơn.

Trần Tử Khang vẫn cứ thầm lặng với những công việc mổ xẻ và điều trị khi đến tay mình. Ông ta không thể không biết lãnh đạo trù dập, khống chế, ăn chặn, ăn hớt của mình mà vẫn bình thản…

Hôm nay giám đốc Cường có một quyết định không ngờ.

Sau buổi giao ban, Khang được mời vào phòng giám đốc. Có mặt cả Lã Hồng Quân, Chu Văn Thiên Tường và trưởng phòng tổ chức cán bộ. Trà nước vui vẻ. Cường nói:

– Anh Quân vừa được đề bạt phó giám đốc, thay chân chị Quỳnh vừa mới về hưu. Công việc dưới khoa, từ thứ hai tới, tôi nhờ bác Khang cáng đáng giúp cho.

Khang ngạc nhiên. Với người khác, trưởng khoa là một ước vọng. Nhưng với ông, thì không:

– Cảm ơn anh! Tôi cao tuổi rồi. Thời gian làm việc không còn nhiều nữa.

– Giám đốc và chúng em đã cân nhắc rất kỹ. Anh Khang không nên từ chối. – Trưởng phòng tổ chức nói.

– Anh Cường nên giao cho một bác sĩ trẻ. Vì họ còn làm việc lâu dài. Nếu anh thấy họ chưa được, thì để anh Quân phó giám đốc kiêm luôn trưởng khoa. Phải không anh Quân?

– Theo tôi, bác Khang nên chấp hành ngay quyết định của giám đốc. – Quân trả lời, vẻ mặt lạnh lùng.

– Đề bạt anh, là chúng tôi triển khai nghị quyết của đảng uỷ. Ý đồ đó đã được tôi suy tính, trù liệu kỹ càng. Nhân danh bí thư kiêm giám đốc, tôi yêu cầu bác Khang nhận nhiệm vụ; không có bàn cãi! – Cường quả quyết.

Khang không xử sự như Lã Hồng Quân, vì sao Bùi Cường đề bạt ông? Họ Lã cần cái địa vị, chức sắc cao hơn? Hay những ca tai biến, những ca tử vong và tình hình mổ xẻ của bệnh viện Hồng Phúc đã thức tỉnh và làm nhức nhối tâm can Bùi Cường? Ông đã thấy một trưởng khoa yếu kém và những thiệt thòi to lớn của bao người bệnh?

Trưởng phòng tổ chức cán bộ nói:

– Vui lòng đi anh! Năm năm trời cũng đâu có ngắn. Sáng thứ hai tuần sau, chúng em mời giám đốc xuống khoa Ngoại – Sản, triển khai quyết định bổ nhiệm.

– Đây là trách nhiệm đảng viên, và cũng là nhiệm vụ công chức của bác. – Bùi Cường muốn chấm dứt câu chuyện ở đây.

Thấy khó trong việc từ chối, Khang nói:

– Xin giám đốc suy nghĩ thêm, để lựa chọn một trưởng khoa Ngoại Sản tốt hơn. Nhân thời gian cần phải chờ đợi, tôi có một ý kiến nhỏ, xin các anh nghiên cứu.

– Thôi được! Bác cứ trình bầy. – Cường đáp, vẻ mặt miễn cưỡng.

– Nếu lãnh đạo không chấp nhận việc từ chối nhiệm vụ của tôi, có thể tôi làm khó dễ cho một số anh em khi ngồi ở ghế trưởng khoa. Tôi sẽ kiểm tra và đánh giá lại tất cả các bác sĩ trong khoa về kỹ thuật mổ xẻ. Các phẫu thuật từ nhỏ đến lớn, đều phải làm theo chuẩn mực quy tắc của Hội Ngoại Khoa Việt Nam. Người mổ và người phụ mổ phải minh bạch, rõ ràng, đúng như chỉ định trong bệnh án, mà giám đốc cùng trưởng khoa ký duyệt với các bác sĩ.

Tôi cũng sẽ kiểm tra nghiêm ngặt, thường xuyên, công việc điều trị và chăm sóc người bệnh của các đơn nguyên. Các bác sĩ không những phải biết mổ đúng kỹ thuật cơ bản, đúng phương pháp, mà còn phải chịu trách nhiệm về y lệnh điều trị và những việc làm của các cử nhân, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên, y tá dưới quyền. Bởi nhiều năm nay có những sai sót, mà người có trách nhiệm thản nhiên cho qua. Đó là do thái độ tùy tiện thiếu lương tâm hay khuyết hổng kiến thức của người phụ trách?

– Tôi hoan nghênh những ý kiến này của bác. Uốn nắn kỹ thuật và nâng cao kiến thức cho từng bác sĩ là cần. Tôi cũng đang soạn thảo chương trình “đào tạo lại” đây.

Cường nói với vẻ mặt rất trịnh trọng.

Khang mừng vì những lời vừa thốt ra từ miệng Cường. Ông tiếp:

– Những đảng viên là trí thức, là lãnh đạo càng phải trung thực. Mọi việc đều không thể nhập nhèm, như đã diễn biến trong nhiều năm qua ở khoa Ngoại Sản.

Ông ngừng lời. Nhìn mặt mũi Lã Hồng Quân tái mét. Ông tiếp:

– Tôi xin nói ngay ở đây, tốt hơn phải nói ở khoa, trước tất cả nhân viên. Sau những tai biến và tử vong, những ca mổ tiếp theo anh Quân chỉ đứng phụ hai. Nhưng trong bệnh án, sổ phẫu thuật anh lại ghi mình là phẫu thuật viên chính. Người tự trọng không bao giờ làm thế. Có người cho rằng vì anh cần tiền. Nhưng tôi không nghĩ anh có thể xấu đến mức ấy. Anh hoàn toàn không có khả năng mổ xẻ, cả ở các cuộc mổ kinh điển, cũng như nội soi. Ta nên để chân phụ hai, mà anh vẫn chiếm giữ, cho các bác sĩ trẻ có cơ hội học tập?

Người nghe, ai cũng bất ngờ.

Sau ít giây phút ngỡ ngàng, Cường có ý mừng. Sau những lời phát biểu của ông Khang như thế này, vợ chồng Quân sao dám nài xin gì ông nữa. Tường cũng vui ra mặt, vì Quân trở thành phó giám đốc, không những sau mình, mà còn mất hết uy tín.

Sắc mặt Quân tím bầm. Nhưng ông không thể và cũng không biết phản bác hay thanh minh thế nào.

V.O.

Comments are closed.