Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 17)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Cụ Kháng ăn cơm một mình và cũng đã lên giường nghỉ sớm.

Nhìn con đi làm về muộn với cái dáng chậm chạp, lặng lẽ, mặt mày ủ dột, đôi mắt u buồn… mẹ xót thầm. Con tôi đang có ca mổ nặng, hay lại gặp chuyện không vui ở bệnh viện rồi? Có nhiều chuyện muốn nói; nhất là những thắc mắc về cái nhà chị Ngân Hà. Nhưng thấy con có vẻ mệt mỏi, căng thẳng… mẹ đành thở dài làm thinh, chờ khi khác. Con mình với cái con người ấy không khéo thì lại quá mù ra mưa. Nhiều đêm mẹ mất ngủ, nghĩ ngợi về con mà thương, mà lo không để đâu cho hết.

Khang mệt, chân tay rã rời. Từ 5 giờ sáng, kíp trực đã gọi ông đến mổ cấp cứu. Rồi suốt ngày vẫn phải mổ… Mình sẽ không làm bất cứ việc gì đêm nay. Để nghỉ.

Nhưng ông chưa kịp nằm xuống, chuông của cái máy điện thoại bàn ở đầu giường đã réo.

– A lô! Tôi nghe đây.

– A lô! A lô! A lô! Anh đến ngay! Em gặp tai biến. – Tiếng Ngân Hà hốt hoảng ở đầu dây đằng kia.

– Tai biến gì? Em đang ở đâu?

– E. o.. thủng tử cung! Ở bệnh viện Vạn Xuân.

Trong phòng khám sản phụ, bệnh viện đa khoa tư nhân Vạn Xuân.

Người bệnh nằm trên bàn là một cô bé có khuôn mặt xanh tái, lấm tấm mồ hôi. Bác sĩ Ngân Hà, bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Tần và nữ hộ sinh trẻ Kim Ngân đứng vây xung quanh.

Ngân Hà lật áo người bệnh lên tận ngực, để hở ra một thân hình thiếu nữ mảnh mai, hai bầu vú hơi cương. Nổi rõ trên hai quầng vú thâm nhiều mụn nhỏ như trứng cá, một dấu hiệu bên ngoài của người đàn bà có thai.

– Nhờ anh xem giúp. Em chưa biết chắc chắn có thủng tử cung hay không? – Hà đã tỏ ra yên tâm, bởi cô bé nãy giờ nằm yên và cũng là do sự có mặt của Khang.

– Chiều cao tử cung là bao nhiêu và nong cổ tử cung dễ hay khó? Hà và chị Tần làm từ lúc mấy giờ?

Khang vừa hỏi vừa khám người bệnh. Bụng cô gái chướng nhẹ. Phản ứng của nó với bàn tay ông, rất mạnh, ở hai bên hố chậu và vùng trên xương vệ. Mỗi động tác ấn xuống, dù nhẹ nhàng, cũng làm cô gái đau đớn. Ông thấy đã có máu chảy ở bên trong. Tình trạng nguy hiểm còn bộc lộ rất kín đáo, từ sắc mặt và đôi mắt cô gái bé nhỏ.

Hà trả lời rất nhanh tất cả những gì ông Khang hỏi và nhấn mạnh:

– Có thể chúng em đã lấy hết khối thai, cách đây gần một giờ đồng hồ rồi.

– Mời anh khám trong.

Nghe bác sĩ Thuý Tần nói, nữ hộ sinh Kim Ngân đưa cho ông Khang đôi găng tay đã khử khuẩn, trong một cái hộp inox.

– Thôi, không cần khám trong đâu. Đây là một ca thủng tử cung. Bệnh nhân cần được mổ cấp cứu.

Khi Ngân Hà gọi trưởng khoa của mình, Thuý Tần cũng gọi phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Bình. Ông Bình đã nghỉ hưu và được mời làm giám đốc điều hành bệnh viện tư nhân Vạn Xuân này.

Ông Bình đến khi ông Khang vừa dứt lời với hai đồng nghiệp.

Thúy Tần tự mình căng rộng từng chiếc găng cao su mỏng, mầu vàng nhạt, giúp thầy luồn hai bàn tay vào. Bình đứng trong khoảng giữa hai chân cô gái. Mỗi lần ông phối hợp bàn tay trên bụng ấn xuống với hai ngón tay trong âm đạo đẩy lên, cô bé đều phải nghiến răng, cố chịu cái đau xói lên tận ngực. Bệnh nhân không kêu. Bình không tìm thấy dấu hiệu “tiếng thét” như bệnh nhân vỡ chửa ngoài tử cung, một triệu chứng sách vở kinh điển chỉ điểm máu đã chảy ở trong ổ bụng. Sau đó, ông còn nắn nắn, gõ gõ… và kiểm tra thêm cả hai bầu vú. Tiếp theo, ông nghe tim, nghe phổi. Cuối cùng, đo thân nhiệt, huyết áp, bắt mạch.

Vừa rửa tay, Bình vừa nói:

– Các cô truyền dịch, cho kháng sinh liều cao và theo dõi thêm. Sau buổi giao ban sáng mai, tôi xem lại và chỉ định tiếp.

Khang thấy rõ cách khám xét thận trọng, tỉ mỉ, và cũng nghe hết những lời căn dặn học trò của vị tiến sĩ, nguyên phó giáo sư. Hai ông quen biết nhau đã nhiều năm. Khi cơ sở tư nhân của ông Bình còn là một phòng khám bệnh nhỏ bé, chưa phải là bệnh viện Vạn Xuân bây giờ. Tuần nào ông Bình cũng đưa bệnh nhân đến mổ ở bệnh viện Hồng Phúc. Vì muốn có nhiều bệnh nhân, cái chính là cần sự có mặt của các giáo sư nổi tiếng thủ đô trong bệnh viện của mình, Bùi Cường mời ông Bình, giáo sư đến mổ bất cứ ngày giờ nào cũng được.

Một hôm, có đông các bác sĩ phẫu thuật của bệnh viện Hồng Phúc và Bình ngồi trong phòng trưởng nhà mổ Chu Văn Thiên Tường. Mọi người cùng nhau uống trà, nói chuyện, chờ kíp gây mê chuẩn bị bệnh nhân mổ. Khang vui vẻ:

– Tôi nhờ anh Bình giải thích giúp…

– Chuyện gì? – Bình dướn đôi lông mày lưỡi mác.

Sau bao nhiêu những ngôn từ to tát, trừu tượng, cao siêu về triết học, văn chương, y học và những chuyện trên trời dưới đất khác, Bình nhìn Khang cười tủm. Các cậu hỏi gì cũng được. Có vấn đề gì là khó khăn, phức tạp đâu? Trước mắt ông phó giáo sư tiến sĩ, những người ngồi đây, thảy là học trò. Dù có người chưa từng học ông một chữ, như bác sĩ Khang, kiến thức cũng thấp tè cỏ bợ. Ông cho rằng mình sẵn có cái đầu hàn lâm, uyên bác. Đương nhiên, ông nắm quá chắc những kiến thức y học, những quy luật, những chân lý khoa học… Tất cả mọi vấn đề của tri thức của nhân loại, với ông, đều là đơn giản.

Khang từng nghe, mọi người ca tụng phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Bình, một pho từ điển bách khoa trong giới y học thủ đô!

– Các thầy vẫn dạy cho sinh viên, bộ não, tức thần kinh trung ương, chỉ huy toàn bộ cơ thể con người… Xin hỏi anh Bình thêm: Cái gì chỉ huy bộ não? Nói cách khác, bộ phận nào, cơ quan nào trong cơ thể động vật điều khiển não bộ của nó hoạt động?

Phó giáo sư Bình đang phấn chấn, ông sững lại, sắc mặt tai tái dần và rồi ngẩn ra. Lúc sau, ông cười bảo:

– Quy luật sinh tồn động vật nó thế. Giống như trái đất vẫn quay quanh mặt trời vậy.

Trời ơi! Ngài phó giáo sư tiến sĩ… – Khang thầm kêu lên – Không biết ngài còn có thể nói liều và quấy quá hơn được nữa không? Ngài nói, ”như trái đất quay…” Chắc bây giờ, không chỉ những người đã tốt nghiệp đại học, trên đại học đang ngồi ở đây, mà học sinh trung học cơ sở cũng biết, thái dương hệ có những hành tinh nào và có những lực gì tác động qua lại giữa chúng? Trái đất và mặt trời có lực hút, lực đẩy… Bộ não người hoạt động được, là phải nhờ vào một cơ quan cụ thể điều khiển việc trao đổi các chất dinh dưỡng và oxygen ở mỗi tế bào, cũng như thực hiện những chức năng sinh lý phân chia và thoái giáng chứ?

Bệnh nhân đến khám giáo sư, thù lao nhiều lần hơn chức danh bác sĩ. Cái lợi bao giờ cũng gắn liền và cột chắc với cái danh mà! Phải phấn đấu giành giật và giữ chặt cái danh để có cái lợi cao nhất! Ngày nay, người ta ai cũng kích cái danh lên hết cỡ, cho sự trục lợi đỉnh cao! Trục lợi địa vị, danh vọng và tiền bạc ở ta bây giờ có giới hạn không? Có những người trí tuệ kém cỏi, không dạy ai được một chữ, khi cơ hội đến họ đều chạy chọt, hoặc sử dụng chức quyền chiếm đoạt bằng được cái mác “phó giáo sư tiến sĩ” hoặc “giáo sư tiến sĩ”!

Khang làm như mình không nghe thấy ông Bình nói gì. Chính ông, đã đọc đi đọc lại, đã mổ hầu khắp cơ thể người, đã suy nghĩ nhiều năm về giải phẫu và sinh lý. Ngoài việc nắm những gì có sẵn trong sách vở, ông đã đi xa hơn, nhờ quá trình khám chữa bệnh có suy nghĩ. Cũng như tất cả các phủ tạng, bộ não hoạt động nhờ sự điều khiển của hệ giao cảm. Hệ thần kinh này chỉ huy một cách tự động đến mỗi tế bào sống của cơ thể động vật, kể cả thần kinh trung ương.

Khang đứng dậy, mời mọi người đi làm. Các kíp gây mê đã chuẩn bị xong bệnh nhân cho họ vào mổ. Người tinh lắm mới nhận ra, Khang vừa đi ra vừa buồn bã lắc lắc cái đầu đã bạc quá nửa của mình.

Thầy thuốc thông minh và cần cù mấy cũng không đủ. Phải học cách làm việc và suy nghĩ chân xác suốt đời. Khang nghĩ đến các con đang nghiên cứu phương pháp phẫu thuật từ xa, chúng có nhiều hiểu biết về rô bốt. Hình như người Nhật đang đi tiên phong trong lĩnh vực này. Hiện nay, cả thế giới mới chỉ có các phẫu thuật viên Nhật Bản mổ tạo cầu nối động mạch vành tim, không phải xử dụng máy tim phổi, không phải đưa máu bệnh nhân ra ngoài cở thể, vì có rô bốt trợ thủ. Họ đã tạo ra những rô bốt làm được những công việc tinh vi. Rô bốt! Để tạo ra chúng ngày một hoàn thiện hơn, các nhà vật lý sáng tạo ra những “con chíp”, có chức năng giống hệ thần kinh giao cảm của người, tốt hơn những gì họ đã mô phỏng từ hệ thần kinh trung ương? Khang lại lắc đầu, ông tiếc mình không còn sức và thời gian để học thêm vật lý toán.

Bình học cùng lớp với giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đức Tấn ở đại học y khoa Hà Nội. Thời kháng chiến chống Pháp, Tấn theo gia đình đi kháng chiến, nên học phổ thông chín năm ở vùng tự do. Còn Bình, sống cùng bố mẹ và học trong nội thành thực dân chiếm đóng.

Bình cầm tiền thù lao từ tay Thúy Tần, công khám cháu bé gái, và bắt tay Khang rồi đi ngay. Phó giáo sư không ghi chép gì về các dấu hiệu bệnh của cô gái mà ông khám được vào bệnh án cả. Phó giáo sư “đãng trí bác học”. Mà ông đã khám kỹ, đã chẩn đoán, đã chỉ định, đã dặn dò, đã có cái hướng xử trí cụ thể cho bệnh nhân rồi còn gì? Học trò đã nghe và phải thực hiện y lệnh của thầy.

Khang nói với hai đồng nghiệp, ở phòng trực, đối diện phòng khám, nơi cô gái đang nằm:

– Hai người tin tôi hay nghe theo ông Bình? Cái đó xin hãy suy nghĩ và tự quyết định lấy. Nhưng tôi nhắc lại, chắc chắn cháu gái này đã thủng tử cung. Nếu mổ sớm, trước sáu giờ, chúng ta vẫn có thể giữ lại được tử cung của cháu. Tính mạng cũng như tương lai cháu, sẽ được bảo đảm. Nếu để muộn, theo dõi đến sáng ngày mai, kíp mổ sẽ phải cắt bỏ tử cung. Bệnh nhân suốt đời bất hạnh. Giả sử Ngân Hà và chị Thuý Tần không có khả năng sinh con? Nếu hai người bị cắt tử cung từ cái tuổi của cô bé này? Nghĩ như thế, mới thấy sợ và mới biết lo cho người bệnh, để xử trí đúng đắn cho họ. Hơn nữa, nếu mổ muộn, tính mạng cháu cũng chưa chắc an toàn, nói gì tới tương lai, hạnh phúc? Bởi có ai dám chắc, khi đã làm thủng tử cung, mà không có thể làm thủng một cái gì khác nữa? Thủng ruột hay tổn thương bàng quang kèm theo chẳng hạn. Và đây là một chuyện liên quan đến pháp y. Khi cơ quan pháp luật sờ đến, ai chịu trách nhiệm?

Đã lâu, Khang vẫn không thể quên, y tá Minh thử phản ứng Penixilin cho một bệnh nhân; cô mời bác sĩ Thành đọc kết quả. Thành liếc qua, bảo “Được!” rồi bỏ đi ngay. Tai họa như sét đánh. Kim tiêm vừa rút ra, người thanh niên gục chết tại chỗ. Thành cãi: “Tôi có bút tích xác định âm tính hay dương tính ở trong bệnh án đâu nào?”

– Anh Khang ơi! Thuý Tần muốn anh xem lại bệnh nhân một tý. Không có lẽ giáo sư Bình nổi tiếng lại không chẩn đoán ra một ca thủng tử cung hay sao? Siêu âm cũng trả lời không rõ máu trong bụng cơ mà?

Thúy Tần nghĩ, giáo sư thăm khám rất lâu. Thầy khám quá kỹ lưỡng, tỉ mỉ, cẩn thận như thế còn gì? Giáo sư, tiến sĩ mà nhầm sao được? Ông ấy là chúa thận trọng! Thầy bảo theo dõi, thì cứ theo dõi đã chứ? Cái anh Khang chỉ nóng vội thôi. Anh ta mắc bệnh thích mổ. Bác sĩ ngoại khoa khám xét hời hợt, sờ sờ, nắn nắn bụng mấy cái qua loa, mà đã mổ, mổ, mổ! Bác sĩ thường mà nói cứ như thánh phán! Ông Khang quen nói cứ như đinh đóng cột. Bác sĩ mà dám qua mặt giáo sư tiến sĩ!

Thầm phản kháng thế thôi, Thuý Tần không dám nói ra miệng. Với bà, bác sĩ Khang hay giáo sư Bình đều có đôi bàn tay vàng. Bộ não họ đầy những kiến thức sâu rộng, siêu phàm! Tần có sống mấy cuộc đời cũng không thể học, để hiểu biết và thực hành được như các ông. Tần nể và sợ cả hai.

– Hai người còn phân vân phải không? Không phủ nhận danh tiếng của phó giáo sư Bình, tôi vẫn khẳng định, tử cung của cháu bé này đã thủng.

Ngân Hà kéo Khang ra ngoài hành lang:

– Vì sao anh chẩn đoán dương tính chắc chắn thế? – Đôi mắt nàng mở to, thắc mắc, lo lắng: – Anh bác bỏ hoàn toàn phán quyết của ông Bình!

– Em hỏi thế, anh thật khó trả lời. Tại sao anh chẩn đoán ca này thủng tử cung ư? Bàn tay anh bảo với anh như vậy. Tay anh nhận ra những thủng ruột, thủng dạ dày, thủng tử cung, vỡ gan, vỡ lách… từ lâu nay. Ngân Hà còn băn khoăn về chẩn đoán và chỉ định của ông Bình? Em nhớ bệnh nhân mổ u lưỡi ở khoa mình không? Chính phó giáo sư Bình mổ đấy. Cháu bị chảy máu nặng ngay sau mổ, do cách khâu của ông ấy sai phương pháp.

– Anh đã phải xử trí lại. Em nhớ rồi. Anh cũng đã trình bày phương pháp khâu lưỡi như thế nào là đúng, khi giám đốc Cường hỏi, trong giao ban viện sáng hôm sau.

Khang nói thêm với Ngân Hà, nhắc lại ca mổ cắt khối u lưỡi, không phải ông nói xấu ông Bình. Ông chỉ muốn nói với Hà, không có con người “biết tuốt”. Cũng không mấy ai “mít đặc” hoàn toàn.

– Ta đem bệnh nhân ra khỏi đây. Giáo sư Bình đến, do chị Tần mời. Tiền bồi dưỡng ông Bình, em bắt chị ấy tự chi. Nếu có nguy hiểm, ông Bình sẽ phủi trắng tay là cái chắc. – Ngân Hà quyết định. Thời gian qua, khả năng chẩn đoán lâm sàng của bác sĩ Khang thế nào, nàng đã quá rõ.

Thuý Tần là vợ giám đốc một bệnh viện tỉnh. Biết Tần kém trí tuệ, nhưng nhà lãnh đạo không muốn vợ mình chỉ là y tá. Vợ là bác sĩ, sang hơn và cũng được nhiều cái lợi hơn. Ông không cho vợ thi và học đại học hệ dài hạn, mà nhờ người kiếm cho Tần cái bằng y sĩ, để nàng đi học tại chức. Nay chồng đã mất và bà cũng đã nghỉ hưu, theo con về sống ở Hà Nội. Kiến thức và kỹ thuật chuyên môn bà vốn yếu kém. Bà kéo Ngân Hà đến chung sức ký hợp đồng, phụ trách phòng Sản – Phụ, bệnh viện tư nhân Vạn Xuân. Người bệnh đến khám và thực hiện thủ thuật phá thai, phải nộp tiền theo quy định. Trừ chi phí thuốc men… hai bác sĩ được hưởng sáu chục phần trăm. Thúy Tần chia đôi với Ngân Hà. Tất nhiên, không kể số tiền biếu riêng của những người bệnh và các gia đình hảo tâm. Các trường hợp chậm kinh đến sớm, từ một tuần đến mười ngày, Tần có thể hút điều hòa kinh nguyệt. Những ca tuổi thai lớn hơn, bà đều phải gọi Ngân Hà. Nhất nhất Tần nghe theo Hà, người đồng nghiệp tuy kém nhiều tuổi, mà giỏi nghề hơn. Cả đời, Tần chưa từng cầm dao làm một ca nhỏ. Nhờ hợp tác làm ăn, Tần thu nhập cao hơn. Hàng ngày, bà tiếp xúc với giáo sư Bình ở bệnh viện Vạn Xuân. Ông không khác gì Đức Chúa con. Tần mời phó giáo sư Bình đến, nhỡ ông Khang không đủ khả năng xử trí? Tai biến này do mình và Hà gây ra. Tần thật sự lo lắng.

Dù mới từ Nhật Bản về buổi chiều, Bùi Cường cũng vào phòng mổ thăm bệnh nhân. Ông đã có kế hoạch chỉ đạo cán bộ, nhân viên bệnh viện bỏ phiếu tín nhiệm và đề nghị cấp trên chuẩn y chức phó giám đốc bệnh viện Hồng Phúc cho bác sĩ Ngô Thị Ngân Hà. Ông nhắc Khang:

– Bác Khang làm thật tốt nhé! Bác mổ chính. Ngân Hà aide thôi.

Khi thành bụng bệnh nhân được mở ra, máu thâm đen không nhiều nhưng bám dính hầu khắp các quai ruột. Tử cung bé gái to hơn bình thường. Không có tổn thương nào khác, ngoài một lỗ thủng nham nhở ở mặt trước của nó. Ngân Hà và Thuý Tần nhìn nhau, thầm phục thầy Khang. Cả hai hú vía!

Khang mở rộng vết thương, cắt lọc, lau sạch buồng tử cung. Vừa khâu ông vừa nói, cốt để Tần biết thêm:

– Tôi khâu kín lỗ thủng này, bằng chỉ liền kim vicryl số 2/0. Nó là chỉ tự tiêu và kim xuyên không gây sang chấn.

* * *

Họa vô đơn chí. Và nó không chỉ đến một lần.

Không lâu sau vụ tai biến ấy, ông Khang lại phải đi cùng Ngân Hà đến nhà một bác sĩ sản khoa ở Hà Tây. Ông ta đã cắt tử cung một bệnh nhân của Hà. Người bệnh này chảy máu nặng sau phá thai không chính xác. Thai phụ không khám siêu âm, theo yêu cầu của gia đình, Ngân Hà nạo phá cái thai ấy tại nhà. Nửa đêm, bệnh nhân đau bụng dữ dội và ngất xỉu…

Người bác sĩ sản khoa bắt tay ông Khang:

– Em vừa mổ xong. Phải cắt tử cung cấp cứu thầy ạ. Tưởng ai, hóa ra chị nhà mình làm. Bệnh nhân chắc chắn sống được. Có điều họ còn trẻ, mới một con mà đã bị mất tử cung, nên người chồng và cả gia đình đều bức xúc lắm. Nhưng đã là bệnh nhân của chị, em sẽ có cách giải thích. Biên bản phẫu thuật em cũng chưa viết. Nghề mình, thầy còn lạ gì. Em sẽ viết biên bản thật hợp lý. Cuộc mổ là do bệnh, không phải tai biến của việc nạo phá thai, là yên chuyện ngay ấy mà.

Phẫu thuật viên mời cố nhân và Ngân Hà uống trà và ăn bánh ngọt.

Ngân Hà đặt lên mặt bàn một cái phong bì. Người bác sĩ trả lại, miệng cười toác rộng:

– Chị không phải làm thế. Thời chiến tranh chống Mỹ, thầy Khang đã dạy tôi rất nhiều. Thầy còn giữ tôi ở lại chỗ ông thêm một thời gian. Nếu không, tôi đã chết vì bọn lính Nam Hàn… Cả đội điều trị của tôi bị chúng giết rất dã man.

Theo vết xe đổ của Ngân Hà, một lần nữa người bác sĩ này lại nạo oan người bệnh. Cái thai còn nằm ở ống dẫn trứng, chưa vào buồng tử cung. Như Ngân Hà, anh ta cũng không chẩn đoán ra bệnh nhân chửa ngoài dạ con. Ông cho rằng người nạo phá trước đã để sót rau, nên vội vàng nạo lại và đã làm thủng. Máu chảy dữ dội. Sợ quá, anh ta vội mổ cắt bỏ tử cung, một cách làm an toàn và dễ dàng nhất.

Trên đường trở về, Khang mới nói:

– Ngày ở Tây Nguyên, anh ấy đến chỗ anh bổ túc về phẫu thuật bụng ít ngày. Anh ta “sang số” sản khoa từ khi trở về miền Bắc đấy. Chắc thấy công việc sản phụ dễ dàng hơn ngoại khoa chăng?

Không biết tới khi nào nghề y không còn tai biến? Làm thế nào để người bệnh không phải chịu những tai hoạ, rủi ro? Mấy câu hỏi đơn giản ấy day dứt Khang từ khi ông vào nghề cho tới bây giờ đầu bạc. Không phải chỉ các bệnh viện nhỏ mới có những chuyện đau lòng ấy. Dù ông biết mấy chục năm qua, y học Việt Nam đã có nhiều thành tựu to lớn.

Mấy năm làm việc ở Hà Nội, bác sĩ Trần Lam Khương chưa để xảy ra một tai biến nhỏ nào. Đáng tiếc, nàng đã bỏ nghề. Khang chợt day dứt buồn. Cũng đã có đêm ở nhà một mình, nghĩ đến nàng đang lưu lạc ở chân trời xa, ông thấy bức bối, ân hận rồi chán nản… tưởng như mình không còn sức để làm việc nữa.

Bỗng cái xe “Ma tịt” đâm sầm vào giải phân cách trên đường Nguyễn Trãi!

Chiều thứ sáu.

Ngân Hà rời bệnh viện Hồng Phúc trong cái Camry màu đồng của nàng. Hà tự lái, để ôn luyện kỹ năng và đi cọ rửa, dọn dẹp nội thất. Cái “của để dành” không mấy khi chạy, sạch bóng, loang loáng trong ánh nắng cuối chiều.

Khác hẳn với công việc y học, cẩn trọng, tỉ mỉ và hết sức khắt khe, ăn uống Khang lại thích đạm bạc, đơn giản. Ngân Hà không phải chế biến các món này nọ, sang trọng, cầu kỳ. Cơm nấu bằng nồi điện. Đĩa thịt gà luộc và bát canh thập cẩm. Bếp núc, một công việc không mấy ưa thích của nàng.

Thức ăn đã nguội lạnh cả.

Hà gọi nhiều lần, điện thoại của Khang không có tín hiệu. Lão tắt máy? Mình không kèm sát, đã đi nhăng nhít với con điếm nào chắc? Hay lão quên không sạc pin; chứ đứng mổ cả ngày, sức đâu đú đởn! Nghĩ thế, nhưng Ngân Hà vẫn chưa yên lòng. Không lẽ mình phải quay lại bệnh viện? Xe cộ giờ này quá đông, thường hay tắc đường. Thôi, mặc kệ!

Vì cái ý nghĩ tiếc xe mình vừa rửa sạch bong, quay đi, trở lại bụi bậm phí của mà nàng nói thế; chứ mặc kệ là mặc kệ thế nào? Rồi Ngân Hà vẫn cứ thắc mắc, vì sao lão Khang chưa về? Mò mẫm gì mãi ở những cái giường ngập ngụa, đặc sệt hơi thuốc, sặc sụa mùi cồn, lộn mửa mùi bệnh nhân hôi hám, mùi mủ thối, mùi máu và mùi dịch rỉ viêm tanh tưởi! Đã có nhiều thông báo khoa học quốc tế và trong nước, do tác dụng của nhiều thế hệ kháng sinh, vi khuẩn trong các bệnh viện đã biến dị di truyền. Khả năng gây bệnh, sức đề kháng của chúng ngày một cao, mạnh, ghê gớm và nguy hiểm hơn.

Ngày thường, mỗi người mỗi nhà, thì không nói làm gì. Đi về thế nào mặc lòng! Nhưng hôm nay, bắt đầu nghỉ hai ngày cuối tuần, được ở với nhau, lại không biết đường thu xếp, mau mau chóng chóng mà về? Mọi ngày, nếu không có mổ, lão rời bệnh viện chậm nhất một giờ là cùng. Riêng tư bận mấy, cũng không khi nào chịu bỏ việc xem lại bệnh nhân lúc cuối ngày. Không được thêm xu nào, mà ngày ngày đi sớm về muộn; đêm hôm lăn lộn, vất vả!

Ngân Hà sốt ruột, lúc lúc lại bấm máy di động, để gọi ông và để xem giờ. Và như không tin cái máy trong tay, nàng còn không quên luôn nhìn lên cái đồng hồ treo tường. Đã quá những hai tiếng rưỡi, ba tiếng mất rồi.

Biết rõ Khang trên nhiều mặt của đời sống, Ngân Hà vẫn thấy ông rất lạ. Rất tinh thông nghề nghiệp. Vậy mà đêm đêm vẫn say mê đọc sách, cần mẫn làm việc. Từ khi đổi mới, người ta đua nhau du lịch nước trong, nước ngoài. Lão cứ ngồi lỳ ở trong xó nhà. Người gì mà chắt chiu thời gian, như một kẻ nghèo khó, dành dụm từng đồng xu nhỏ! Không lúc nào chịu để đầu óc thư thái, thảnh thơi. Hai lần được mời đi Trung Quốc và Cộng hoà Pháp, dù đã có visa dán trong hộ chiếu, lão vẫn bỏ. Lý do đơn giản, không có Ngân Hà đi cùng. Thì nói cho tình nghĩa thế thôi. Ai bảo lão vụng? Nịnh đầm đấy mà! Mình cũng đã cảm động đến ứa nước mắt khi nghe lão nói thế. Nhưng rồi mình cũng biết, chỉ vì mấy người bệnh đến nhờ lão mổ. Không giống như nhiều nghề khác, lão bảo, thầy thuốc làm việc cả đời cũng vẫn là học, là nghiên cứu. Bệnh nhân đến, phải giúp đỡ họ. Thầy thuốc làm việc từ trẻ đến già, cũng còn nhiều điều cần suy nghĩ, chưa ngộ ra được. Thể xác con người, nhỏ bé, mà thực sự là một vũ trụ bí ẩn. Y học được hình thành từ quá trình khám xét cơ thể con người, lập lại cân bằng và điều trị những quá trình biến đổi xấu hay hư hỏng của nó; bởi nhiều tác nhân ở môi trường sống. Lý thuyết chỉ xuất hiện khi con người đã có chữ viết. Một thời gian dài, lý thuyết ấy cũng rất giản đơn, sơ lược, chỉ là việc nhìn nhận những thay đổi trên cơ thể người bệnh; cho đến khi người ta biết làm thực nghiệm, và ngoài các phương pháp vọng, văn, vấn, thiết, còn có nhiều loại máy móc… Những tri thức cũng như kinh nghiệm lâm sàng được tích lũy, ngày một phong phú. Công lao của rất nhiều thế hệ thầy thuốc. Lâu lâu, mới lại có những sáng tạo, phát hiện, xứng đáng gọi là thành tựu. Lão dẫn chứng sau gần hai nghìn năm, ngày Hippocrates qua đời, năm 1628 mới có công trình của bác sĩ William Havey, người Anh, về giải phẫu và sinh lý quả tim cùng hệ thống mạch máu người. Cũng từ đó mới có lý thuyết về vòng đại và tiểu tuần hoàn. Cấu trúc vi tuần hoàn và cơ chế vận động của nó, lão bảo, người ta tìm ra rất muộn về sau. Phát hiện này được nhận giải Noben.

Nghĩ cho cùng, hiểu biết sâu rộng như lão Khang thế, chẳng để làm gì. Mình chỉ cần thực tế lâm sàng, mổ xẻ, điều trị an toàn và thu nhập cao là được.

Việc kèm cặp cho mình mổ xẻ, lão quá riết róng và tận dụng thời gian. Gặp nhau cuối tuần, mình thì muốn quên hết công việc; để nghỉ ngơi với nhau cho thoải mái, nhưng khi nào lão cũng nhắc lại cặn kẽ các chi tiết của từng cuộc phẫu thuật. Hôm qua, đoạn cuối trong câu chuyện về sáng tạo khoa học, lão có một từ lạ lẫm, khó nhớ, khó hiểu. Lát nữa, mình phải hỏi lại.

Đầu óc mình mở mang ra nhiều, từ ngày có lão. Nhưng, sức đâu mà đua với giải! Lão khám xét, chẩn đoán bệnh chính xác và nhanh chóng một cách kỳ lạ. Ca thủng tử cung, Khang không kiên trì thuyết phục, để mình nghe theo phó giáo sư Bình, thì hôm nay không biết ngồi ở nhà đá nào rồi… Khang mổ khi nào cũng dễ dàng và an toàn ngay cả với những phẫu thuật lớn, những căn bệnh nặng. Không thiếu người có học hàm, học vị cao mắc phải những lỗi lầm ghê gớm. Bí quyết của lão là gì và ở đâu?

Với cương vị trưởng khoa, lẽ ra thu nhập của Khang phải cao. Lão đã là lãnh đạo lại tinh thông nghề nghiệp. Người ta có câu: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” cơ mà? Đằng này, tài năng là để phục vụ người bệnh! Luận điểm ấy sặc mùi chính trị, khô cứng và rỗng tuếch. Nhiều cán bộ chức quyền tay phải giơ cao, học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh “Cần Kiệm Liêm Chính…”. Nhưng tay trái họ vơ vét khủng khiếp đấy chứ! Quan chức người nào cũng có rất nhiều “cánh tay trái”. Đó là vợ, là con, là anh, là em… những kẻ thân tín. Ngoài việc uốn nắn, nhắc nhở nhân viên, về chuyên môn, lão Khang không nói về cái xấu của một ai cả. Lão bảo, nhà thơ Tagore có câu: “Bàn tay phải của Chúa thì tuyệt vời. Nhưng bàn tay trái thì kinh khủng!” Lão hiểu biết văn chương sâu rộng. Lão ca tụng thi hào người Ấn Độ ấy như thần thánh, mà ông nghĩ về Chúa Cứu thế như vậy. Cái đầu lão Khang chứa được nhiều thứ đến thế? Nhưng có cái quan trọng nhất, lão lại không rành. Ấy là những cách thức, phương pháp và thủ đoạn kiếm tiền. Việc đó, lão đúng là một kẻ khờ dại. Có lần trong nhật ký, lão viết ra cái ý nghĩ về một bác sĩ giầu có: “Làm khó dễ những người đau ốm, thương tật… Thử hỏi nhân tính của ông ta ở đâu!” Mình thấy lão đã nặng lời. Tuy chỉ viết ở trên mặt giấy, ở nhật ký, không để ai hay biết cũng là hơi quá. Có thầy thuốc nào dám cầm của người bệnh một số tiền lớn bao giờ? Bồi dưỡng của họ cho thầy thuốc, thường chỉ nhỏ mọn. Quá ư nhỏ mọn! Thò tay lấy của dân hàng chục, hàng mấy trăm triệu, hàng tỷ, nhiều tỷ, là những người làm cái nghề khác kia. Lão Khang không biết cơ chế xã hội tạo điều kiện, khiến nhiều người trở thành “phú gia địch quốc”. Không làm tới, thì họ là một lũ ngu cả ư?

Ngân Hà thấy bực mình. Người ta phấn đấu để giầu sang, vinh thân phì gia; chứ như lão Khang thì tận tụy đêm ngày như thế cho mệt!

Lão chỉ coi trọng công việc y khoa, mà không khéo ăn khéo ở với lãnh đạo. Lão cũng coi những tài năng văn nghệ, là rất ít giá trị trong phẩm chất của một thầy thuốc. Mấy lần nói toạc móng heo, chẳng nể nang gì mình, dù lão biết mình coi ca nhạc là nhất.

Trần Tử Khang đúng là một kẻ nghiện ngập sách vở. Nhà chẳng có gì. Chỉ thấy sách. Đầy cả một gian nhà sách. Sách y học nhiều, đã hẳn. Sách văn chương kim cổ Đông Tây, cũng lắm. Nếu chỉ có tiểu thuyết và thơ, thì bảo lão đọc giải trí, để xả hơi trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, do những ca mổ mang lại. Có lần nói về sách, khi vắng mặt lão, Bùi Cường, Lê Trịnh và Lã Hồng Quân cười trước mặt các y tá hộ lý trong khoa, ông ấy chỉ là một con mọt to thôi. Mọt sách. Lão Khang không nói, nhưng mình đến nhà mới biết lão cũng đã từng tìm hiểu bản chất của âm nhạc, qua giáo trình giảng dạy của Nhạc Viện Hà Nội. Mình không thích nhạc giao hưởng, nhưng thi thoảng lão vẫn đến Nhà Hát Lớn một mình.

Nhiều người theo đuôi Cường và Quân, chê Khang chỉ được cái lý thuyết, là hạng bác sĩ “sách vở, giáo điều”… Thấy lão mổ tốt lại tặc lưỡi, thì bất quá cũng chỉ là một anh thợ, thợ mổ, tương tự cánh thợ mộc, thợ nề, thợ cơ khí hay thợ sơn tràng. Bọn họ đúng là cái hạng ma tịt, một lũ quay quắt; những cái lưỡi dài không xương….

Thiên hạ nhìn người bệnh, là nhìn vào mức sống, nhìn vào thu nhập, nhìn vào túi tiền, cũng nhìn vào thái độ ứng xử của họ và những người đi theo. Lão Khang lại chỉ nhìn họ, với

những thương tổn bệnh lý, những đau đớn, những nguy cơ… và những lo lắng muộn phiền!

Người đâu đần thối!

Khám chữa bệnh là một nghề. Vậy mà lão Khang không bằng lòng chuyện tính toán “làm ăn” với bệnh nhân của đồng nghiệp mình? Khám và cho đơn, với bất kỳ ai, lão đều không lấy tiền công. Lạ quá!

Coi trọng lương tâm, giữ gìn nhân cách… vì thế lão không có tiền. Lão không thể thỏa mãn đến cả những ham muốn nhỏ nhoi nhất của mình. Lão thật sự là một con người khắc kỉ, cả với chính lão.

Lão ta say mê công việc, không nghĩ đến vấn đề quan trọng bậc nhất, thiết thực cho cuộc sống của chính bản thân. Lão am hiểu triết học mà không biết vận dụng: “Vật chất có trước…, vật chất quyết định…” Hoá ra, lão không thông minh. Đúng là một người gàn dở! Sắp về hưu, có ít tiền thì đã vét hết để mua ô tô. Cái “Ma tịt” hạng bét. Bác sĩ trưởng khoa mổ máy giỏi giang, đi cái xe mèng như thế mà không xấu hổ! Bảo cốt để tránh tai nạn giao thông. Nghe thì thấy có lý. Bác sĩ và y tá của bệnh viện Hồng Phúc đã có chục người vỡ sọ, vì đụng độ xe máy trên đường phố Hà Nội.

Khi về hưu, lương của lão tằn tiện chỉ đủ sống đạm bạc. Nhưng con người đâu chỉ có một mình. Lão còn mẹ già. Chắc không khách khứa, giỗ tết, đi lại, chơi bời với bạn bè họ hàng ở thành phố và quê hương? Mấy lần mình nói đến chuyện đăng ký giá thú, lão im. Cũng may. Lấy chồng là phải gánh vác… Mà nghĩ quẩn thế thôi, chứ mình sợ gì? Của mình, mình không chi thì ai cướp được?

Ngân Hà ngồi xuống cái ghế tựa ở phía đầu bàn ăn. Nàng tỳ hai cẳng tay vào bậu cửa sổ nhìn ra. Đêm tối từ trời cao đã ụp xuống thành phố. Những ngọn đèn đường đã bật sáng. Cái sân gạch nhỏ của khu chung cư và con đường trước mặt đều vắng người qua lại. Giờ này, mọi khi thì đã no nê và được nằm với nhau lâu rồi. Vẫn chưa thấy cái “Ma tịt” chịu bò về cho!

* * *

Đã ăn hết bát cơm thứ nhất, Ngân Hà mới hỏi:

– Có chuyện gì mà anh về muộn?

– Anh mổ cấp cứu. – Khang ra chiều mệt mỏi. Khi Ngân Hà ra mở cửa ông đã xin lỗi, nhưng không nói lý do vì sao để nàng phải đợi.

– Lúc em ra lấy ô tô, khoa mình vẫn yên tĩnh. Có thấy bệnh nhân nào vào cấp cứu đâu?

– Bệnh nhân mổ cũ.

– Tai biến sau mổ à? Bệnh nhân nào thế?

– Cháu Hoàng. – Thấy Ngân Hà nhìn mình tỏ vẻ không biết, Khang nói tiếp: – Bệnh nhân mổ cắt ruột thừa, cách đây đã bốn ngày rồi.

Ngân Hà ậm ừ. Ông Khang nói thêm:

– Bệnh nhi của giáo sư Nguyễn Đức Tấn. Bố mẹ cháu quen giáo sư. Họ nhờ ông mổ từ chiều thứ ba. Đã mấy buổi giao ban kíp trực đều báo cáo về tình trạng cháu Hoàng. Em không nghe?

– Tắc ruột dính à?

– Không! Đứt niệu quản.

– Kinh khủng thế! Mổ ruột thừa mà giáo sư cắt đứt niệu quản?

– Mổ xẻ, chuyện gì mà không có thể!

– Nhưng giáo sư Tấn mổ cơ mà?

– Ừ, giáo sư Tấn.

– Thế anh xử trí thế nào? Sao không mời thầy đến, để thầy mổ lại bệnh nhân của mình? Anh cứ ôm rơm rặm bụng!

– Anh có gọi cho giáo sư. Nhưng mời ông mổ lại, thì hóa ra anh làm khó ông ấy ư? Em biết rồi, bệnh lý cũng như thương tích hệ tiết niệu, không phải chuyên ngành của ông. Chắc em nhớ gần đây ông Tấn đưa một ca u xơ tử cung vào khoa ta? Giáo sư trực tiếp mổ. Thời gian đã lâu gấp hai lần các em, lại còn rất luộm thuộm nữa. Cắt tử cung với chúng ta là một phẫu thuật thông thường, nhưng không phải chuyên khoa của thầy. Mổ cắt dạ dày, cắt đại tràng… quả là ông Tấn làm đẹp khó ai bì kịp.

Khang không phải học trò giáo sư Tấn. Trước mọi người, có lúc ông cũng gọi “thầy” như các bác sĩ khác trong khoa, là để tỏ lòng kính trọng.

– Trong cuộc mổ cắt tử cung hôm ấy, em cũng có mặt. – Ngập ngừng, rồi Hà mới vừa cười vừa nói tiếp: – Thầy nói tục hơn cả đàn bà nhà quê!

Chuyện cũ, cách những hai ba tháng rồi. Hà vẫn phải bỏ bát đũa xuống bàn. Để cười.

Hôm ấy, Khang cũng vào phòng mổ, để xem giáo sư Tấn “đá bóng ở sân người khác” thế nào? Ai có mặt trong phòng mổ đều rất ngượng và cũng hết sức ngạc nhiên. Đang lúc thầy gặp khó khăn, nữ bác sĩ gây mê hỏi: “Thưa thầy, mổ lâu thế, có cần truyền máu không ạ!” Ông Tấn vẫn lúi húi thấm máu… đốt điện, rồi lại khâu khâu, buộc buộc… Vì cuộc mổ không thuận chèo mát mái, nên sau câu hỏi nhỏ của người gây mê, phòng mổ lại chìm vào im phắc, căng thẳng. Không ngẩng đầu lên, ông nói, giọng âm vang cả phòng: “Truyền gì? Truyền cái máu l…” Ngừng giây lát, mọi người chưa hết ngỡ ngàng và ngượng, ông nói tiếp: “Cô có truyền máu l… của cô, thì cứ lấy ra mà truyền!”

Trời ơi! Người nữ bác sĩ vừa hỏi ý kiến thầy, miệng cười mà mặt thì ngượng chín nhừ.

Đứng sau giáo sư, Quân ghé mắt nhìn qua rồi bỏ ra ngay. Dù đang rối tinh rối mù, xử trí mãi máu chưa hết chảy, giáo sư Tấn vẫn biết. Ông quát:

– Thằng Quân!

– Dạ! Thầy bảo gì em? – Quân giật mình đánh thót..

– Bảo, bảo cái máu l…! Đéo biết mổ mà không chịu aide. Vào aide mà học cũng lười! Chỉ đứng nhìn không thôi, mày cũng không muốn nữa à?

Quân rón rén quay lại, im thít và ông đứng áp vào sau lưng thầy.

Ngân Hà lại hỏi:

– Thằng bé bảy tuổi. Tai biến như thế, nặng lắm phải không?

– Cháu Hoàng rất yếu. – Khang gật đầu xác nhận.

– Liệu nó có chết mất không? Niệu quản đứt ở đoạn nào?

– Đứt ngay phía trên chỗ nó vắt qua động mạch chậu. Nước tiểu tràn đầy ổ bụng. Bệnh nhân nhiễm trùng nhiễm độc nặng.

– Anh xử trí thế nào?

– Hút hết nước tiểu, rửa sạch ổ bụng, khâu nối lại niệu quản. Hy vọng là cháu sống được. May quá, anh có một cái sông đúp bờ lê gi (sonde doublé J) cỡ nhỏ, vừa với kích thước niệu quản của thằng bé.

– Anh có bảo bố mẹ đứa bé trả tiền cái sông ấy không đấy?

– Cho nó thôi. Thằng bé đã khổ quá rồi! – Khang bỏ bát đũa.

– Đã không có lại cứ ném tiền qua cửa sổ! Nối lại cái niệu quản của một đứa trẻ là việc khó khăn. Sao anh không đưa nó ra ngoài? Đưa niệu quản ra ngoài da, em thấy đã nhanh, dễ thực hiện lại an toàn. Mà cũng đỡ nhọc cái thân mình.

– Anh cũng biết thế. Nhưng khâu nối ngay là hơn. Mình vất vả thêm một lúc. Tránh cho thằng bé phải mổ tiếp lần nữa. Vả lại, phẫu thuật đưa niệu quản ra ngoài da, như em nói, chăm sóc vất vả lắm. Cháu yếu quá! Chắc nó không chịu nổi đến cuộc mổ sau.

– Lúc nào anh cũng chỉ tự làm khổ mình. Người ta ỉa ra, còn mình thì cặm cụi hót dọn!

Một lúc sau, Hà lại hỏi:

– Chỉ viêm ruột thừa, vì sao thầy lại cắt đứt cái niệu quản thế nhỉ?

– Vì sao giáo sư Tấn cắt đứt niệu quản của cháu bé ư? Anh chịu. Hỏi thế, có thể chính ông Tấn cũng không biết trả lời em thế nào!

– Thì thầy chửi tục.

– …

– Anh mổ, chỉ nối lại cái niệu quản thôi, mà mất những mấy giờ đồng hồ?

– Mổ thì không lâu. Nhưng mổ xong, cháu bé có tự thở lại được đâu! Chuẩn bị trước mổ và hồi sức sau mổ trẻ em, mất nhiều thời gian. Lại thêm chuyện phải tiếp và giải thích cho bố mẹ nó. Cũng phải phòng xa, tránh việc gia đình họ có thể gây chuyện không vui với giáo sư Tấn nữa chứ.

Anh cũng cần nói với mấy cậu vào phụ cho mình, mổ ruột thừa, không được phép chỉ biết có mỗi cái ruột thừa. Vấn đề của phẫu thuật hiện đại, không phải là mổ cái gì, mà là mổ như thế nào? Phải mổ tốt các phẫu thuật cổ điển, làm nền tảng để rồi học mổ nội soi. Mổ cách gì thì mổ, nhất thiết không được để xảy ra tai biến.

Mệt mỏi, vẻ mặt Khang không vui.

– Có lần anh bảo với em, tổ chức y tế thế giới thống kê tuổi thọ trung bình của bác sĩ thấp hơn nhiều nghề khác?

– Đúng thế. Vì thầy thuốc phải làm việc nhiều giờ trong ngày. Bất kỳ lúc nào. Tình trạng ấy liên tục suốt cả đời người. Họ lại thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây nhiễm độc hại…

Giây lát, Ngân Hà trách:

– Anh chỉ lo cho thiên hạ thôi. Không thấy nhắc nhở, quan tâm đến người nhà mình gì cả! Mổ cắt tử cung như việc của em, dễ đứt niệu quản nhất đấy.

– Đã biết thế thì em không mắc đâu. Ví như vào chợ, ai không nhớ có kẻ cắp, mới có thể bị nó móc túi.

– Còn một vài phẫu thuật nữa, em thấy mình cần phải biết làm.

– Gì vậy?

– Phẫu thuật khâu vá phục hồi màng trinh. Và các phẫu thuật tạo hình tầng sinh môn, tạo hình âm hộ âm đạo.

Khang nhìn Ngân Hà, ngạc nhiên. Ông hơi cau mày:

– Thật sự cần không?

– Cần chứ! Bây giờ là thời đại intenet. Phim ảnh khỏa thân, và những hoạt động khiêu dâm tràn đầy. Lũ trẻ yêu đương, phá trinh rất sớm. Học sinh lớp 8, lớp 9 đã yêu. Nhiều hơn là bọn trung học phổ thông. Mỗi tháng có đứa mua đến cả chục lần thuốc tránh thai khẩn cấp… Nhưng khi lớn lấy chồng, chúng lại muốn… còn trinh!

Còn nữa. Những phụ nữ to mông rộng háng… mới chửa đẻ một lần đã mất sức hấp dẫn. Tình trạng chị em bị chồng, bị người tình chán sớm, bỏ rơi, ly thân khá nhiều. Mổ chỉnh hình âm đạo cũng là một việc làm có ý nghĩa.

– Đã lâu lắm rồi, anh có giúp cho mấy cháu nhỏ bị hiếp dâm! Bố mẹ chúng yêu cầu.

– Thế… anh dạy em chứ?

– Đó là một phẫu thuật không khó. Chỉ cần khéo tay, thao tác nhẹ nhàng. Hình như bây giờ không mấy người quan tâm đến chữ trinh nữa thì phải? Còn mổ chỉnh hình tầng sinh môn và âm đạo, cũng chỉ là một phẫu thuật tế nhị, làm theo yêu cầu. Mà cái chứng âm hộ âm đạo rộng, thuốc nam cũng có cách chữa.

– Anh cứ hướng dẫn, em tiếp thu nhanh thôi mà.

– Nhưng để làm gì?

– Để biết. Không lẽ thạc sĩ mà em không làm được trọn vẹn các loại phẫu thuật chuyên ngành của mình?

Cô dâu còn hay đã mất trinh, được trân trọng hay bị coi thường là vấn đề danh dự và phẩm giá của cả một đời người. Hà đã bí mật tạo hình cho họ, những cô gái mất trinh trước ngày cưới và mấy đứa bán trinh nhiều lần. Nàng chưa thực sự vừa lòng, với kết quả phẫu thuật của mình. Ngân Hà thấy những cái màng trinh mình phục hồi chưa đạt, trông còn rúm ró, xấu, chưa “gin”. Nàng muốn bác sĩ Khang hướng dẫn thêm, để hoàn thiện kỹ thuật. Phải tạo hình lại sao cho cái màng trinh y hệt nguyên thủy, như nó vốn có thì nhìn mới thích. Có mấy đứa tiết lộ, tuy đã chuyển vùng hoạt động mà khi ấy vẫn rất run, sợ thằng đại gia cáo già nào đó mua “hàng” xem trước, phát hiện được cái màng trinh rởm. Còn phẫu thuật làm hẹp âm hộ, âm đạo cho các mẹ lứa tuổi sồn sồn giàu có, cũng đáng công lắm. Họ muốn làm đẹp lòng đức ông chồng và bồ bịch. Mổ mới có giá, chứ lá lẩu thuốc Nam thì rẻ bèo!

Mỗi ca là cả một khoản lớn đấy, ông trưởng khoa ngốc nghếch ạ!

V.O.

Comments are closed.