Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 18)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Khang từ chối cuộc chiêu đãi kíp mổ của gia đình người bệnh ở một nhà hàng sang trọng ngoài phố. Ông ăn trưa qua quýt trong căng tin bệnh viện, mong về nhanh để nghỉ trưa ít phút.

Ông phải đứng mổ từ sau buổi giao ban sáng đến quá kẻng báo giờ nghỉ trưa. Đây là một cuộc mổ đặc biệt: cắt bỏ thuỳ gan trái, cắt rời ống mật chính để lấy sỏi và khâu nối nó với ruột non.

Từ hành lang nối giữa các khoa, Khang thấy cửa phòng mình cánh khép, cánh mở. Vì sao bây giờ người hộ lý vẫn đang lau dọn; hay cô ta làm xong, quên không đóng cửa? Nắng đầu hè oi ả, rất khó chịu. Ông mong không có ai trong phòng.

Ông hỏi, trước khi đẩy một trong hai cánh cửa còn đang khép hờ:

– Cô Bẩy dọn phòng muộn, phải không?

Không thấy người hộ lý trả lời. Nhưng có một phụ nữ trẻ, mảnh mai, xinh đẹp đang ngồi trên ghế. Cô có mái tóc dày, đen nhánh và rất mượt cặp gọn sau gáy. Mái tóc mây tôn thêm làn da trắng, mịn màng. Cặp mắt huyền và đôi môi hình tim thân thuộc. Thật ngạc nhiên. Trần Lam Khương hiện ra trước mắt, như lâu nay thi thoảng nàng vẫn về với ông trong những giấc mơ.

– Chào anh! – Khách đứng lên.

Ông sững sờ, lát sau mới nói được:

– Em về bao giờ? Và đến đây khi nào? – Ông muốn nhào đến, ôm ngay lấy Lam Khương mà hôn đắm say như mỗi lần gặp nhau trước kia. Nhưng Khang ngập ngừng, sợ nàng từ chối, đành ngồi xuống ghế.

– Em về được mấy ngày rồi.

Ông muốn hỏi Lam Khương nhiều lắm, nhưng không biết nói với nàng những gì và nói thế nào. Lòng ông rối như tơ vò.

– Em đến, gặp lúc chị hộ lý đang lau dọn. Chị ấy bảo ngồi chờ anh. – Giọng Lam Khương rất vui, mà đôi mắt thì đăm đăm buồn: – Mấy năm nay anh có khoẻ không?

– Lâu quá rồi ta không gặp nhau.

– Vâng! – Nhận ra bác sĩ Khang muốn nói tiếp điều gì, nàng vội hỏi: – Bà thế nào anh?

– Bà đã qua tuổi thượng thọ, nhưng may là sức khoẻ vẫn còn được như ngày em ở Hà Nội. Ông bà nhà có khỏe không?

– Bố mẹ em sáng sáng vẫn chăm đi bộ thể dục. Cụ ông còn tập thêm thái cực quyền. Các cụ chịu khó rèn luyện thân thể lắm. – Nàng biết, cách đây mấy tháng Khang có về thăm bố mẹ mình.

– Ngày ấy em chuyển chỗ ở và máy điện thoại thì không liên lạc được. Anh về nhà ta các cụ nói em đã đi rồi. Anh có lỗi lớn với em và cũng tệ với ông bà quá!

– Khi ấy em đang thử việc ở bệnh viện tỉnh.

– Thế ư? Giám đốc ở đó là bác sĩ Đinh Mãn Độ? – Bây giờ Khang mới biết, ông bà Giáo không muốn Khang gặp lại Lam Khương!

– Vâng. Dạo đó các cụ rất buồn phiền về em.

– Năm sau, Độ phải ra tòa, rồi nhận án tù tám năm, về tội tham nhũng và hối lộ. Anh thấy báo chí đưa tin.

– Chuyện tòa xử ông ta, em không rõ. Sau hai tháng thử tay nghề, thấy khả năng không xin được việc, nên em đi ngay. Em thấy ông ta là người thật sự ghê tởm. Anh chẳng nên nghe những chuyện ấy làm gì.

– Anh thành thật xin lỗi em, về tất cả! – Giọng Khang ân hận, ngậm ngùi. – Ông hiểu việc xin việc ấy đã làm khổ nàng.

– Em muốn nhờ anh một việc. – Một lần nữa, nàng lại chuyển hướng câu chuyện: – Anh giúp em nhé?

– Nhất định rồi.

– Bố em bí tiểu. Chính xác hơn, ông đi tiểu khó và mỗi đêm phải dậy những ba bốn lần. Mỗi lần đều mất thời gian khá lâu. Ông bị viêm hoặc u xơ tuyến tiền liệt hay chỉ rối loạn cơ tròn? Em không chẩn đoán xác định được. Cụ nhất định từ chối đến bệnh viện tỉnh. Cụ cũng không chịu đi cùng em lên đây nhờ anh.

– Hôm nay đã là thứ năm. Thứ bảy và chủ nhật này anh sẽ về thăm ông bà.

Cả hai cùng im lặng hồi lâu.

– Vâng, em cảm ơn anh! Thứ bảy anh về nhé. Em đợi. Hình như anh mệt? – Nàng hạ giọng. Khương được bố mẹ cho hay Khang về mấy lần, nhưng cả nhà không ai cho ông địa chỉ của mình.

– Đầu mùa hè, khí hậu nước ta oi bức. Em ở Bắc Âu mới về nên chưa thích nghi đấy thôi.

Khang muốn nói không có chuyện gì để Khương phải lo ngại về sức khỏe của mình.

– Có lẽ em về nhà ngay bây giờ để anh nghỉ, cũng sắp tới giờ làm việc chiều rồi. Anh vẫn dùng số máy điện thoại cũ chứ? Hôm qua và cả sáng nay, em gọi anh nhiều lần không được.

– Khi giao ban và đi mổ anh tắt máy di động.

Lam Khương đứng lên. Thay vì lời chào tạm biệt, nàng bước tới trước mặt ông. Ông thấy nước mắt nàng dâng đầy hai mí. Nàng ôm lấy đầu ông, ấp nhanh vào lòng mình, nghẹn ngào:

– Anh!

– Em bảo gì?

– Anh lấy vợ đi chứ!

– Em đừng sang bên kia nữa nhé! – Ngượng ngùng, ông cũng thầm thĩ và cảm nhận đầy đủ hơi ấm của thân thể nàng đang tỏa lan sang khắp người mình.

Kẻ đứng, người ngồi đều xúc động. Nàng vẫn ôm gọn đầu ông trong ngực mình. Ông nghe rõ trái tim nàng đập gấp. Lam Khương cúi xuống hôn lên đỉnh đầu ông. Tóc anh đã bạc, lại thưa đi nhiều quá! Em đã từng tự hào về bộ óc này và dù phải chịu đau khổ vẫn yêu thương anh vô hạn.

Nàng không muốn kể với ông ngày mình phải bỏ Hà Nội về quê. Nàng yêu ông, và ngày đêm mong ông cầu hôn mình. Ông thì cho rằng tuổi tác hai người chênh lệch quá nhiều. Nàng sẽ góa bụa khi còn rất trẻ. Phải chia tay nhau thôi. Chúng ta đau và buồn đấy, nhưng cần quyết tâm khi tình cảm chưa thật sự sâu nặng.

Nàng hiểu ý ông muốn nói là hai người chưa có quan hệ thể xác ngoài những nụ hôn và những lúc ôm ấp, vuốt ve nhau. Nhưng anh không biết đấy, chỉ thế, em đã yêu thương anh nhường nào. Với em, tình yêu không phải tình dục là mục đích cuối cùng. Mà nó chính là gia đình. Là cuộc sống vợ chồng đầm ấm bên những đứa con mạnh khỏe.

Nàng khóc rất nhiều. Sau cả tháng trời, ngày nói lời chia tay, ông vẫn không đổi ý. Ông bảo, để mình tránh nỗi xót xa trong ngày vĩnh biệt trần thế, phải bỏ lại người vợ trẻ bơ vơ…

Bây giờ, nàng không biết nói thế nào. Lúc đó, cả thế giới trong nàng sụp đổ! Nàng không ăn, không ngủ, cơ thể gầy rộc, vật vờ, lay lắt quá nửa năm trời. Một đêm phải đi cấp cứu. Người ta chẩn đoán nàng truỵ tim mạch, vì thiếu dinh dưỡng, rối loạn nước và các chất điện giải nặng, tới mức đã biến loạn chức năng sống của các phủ tạng. Nhiều người tưởng nàng không thể qua được!

Khang không hay biết chuyện đó.

Thất vọng trong tình yêu. Công việc làm thuê ở phòng khám tư nhân, vì ốm yếu, cũng không còn mấy tốt đẹp. Và để tránh gặp lại ông, Lam Khương chuyển nơi ở mới, rồi bỏ về quê. Nàng đến bệnh viện tỉnh, hy vọng xin được việc làm cho vui lòng cha mẹ. Lại gặp chuyện không hay với giám đốc bệnh viện. Nàng chịu mất tiền cho Đinh Mãn Độ mà phải bỏ về. Rồi theo một đường dây xuất khẩu lao động phổ thông sang Cộng hòa liên bang Nga. Bọn đầu trọc săn đuổi, nàng chạy sang Đức. Và bây giờ, Lam Khương đang ở Na Uy, bán hàng thuê kiếm sống. Thế là Khương bỏ hẳn học vị bác sĩ của mình. Ông xót xa, tiếc cho Khương. Nàng đã vất vả học tập cả sáu năm trời. Rồi ba năm sau tốt nghiệp đi làm trong mấy bệnh viện ở Hà Nội không lương. Ngày ấy, có khá nhiều bác sĩ trẻ mới ra trường không xin được việc, phải cậy cục làm không công trong các bệnh viện lớn. Để học thêm. Để không quên cái nghề đã lận đận học hành còn đang chập chững. Tỷ lệ bác sĩ trên đầu số dân Việt Nam còn quá thấp so với thế giới, mà nàng lại phải bỏ đi!

Các nước châu Âu không công nhận người tốt nghiệp đại học ở Việt Nam. Trần Lam Khương không thể hành nghề thầy thuốc ở xứ sở họ. Mà ngay trên quê hương mình, ngoài được kiến thức và sự khéo léo của hai bàn tay, cái “BẰNG BÁC SĨ Y KHOA” ấy cũng có giúp gì cho Khương trong việc mưu sinh đâu! Biết bao nỗi gian truân trên những chặng đường thiên lý. Có khi tưởng như tuyệt vọng. Cho đến bây giờ, nàng vẫn thảng thốt, bởi thời gian trong trại tị nạn ở Cộng hoà Liên bang Đức. Ra trại, Khương gặp một chủ quán ăn người Việt. Chị là con gái út một giáo sư danh tiếng, vốn là bác sĩ giảng viên đại học y khoa Hà Nội. Tiếng Anh và tiếng Đức đều thạo, bác sĩ Kim Châu cũng không thể hành nghề ở Berlin; chị đành mở quán bán hàng ăn ban ngày và cà phê đêm.

Gặp người mình yêu, Khương bàng hoàng và đau đớn về chuyện “cưới giả” ở nơi chân trời xa lạ. Để nhập quốc tịch. Để khỏi bị trục xuất. Nếu muốn lấy “chồng thật” phải chờ ly dị “chồng giả” những mấy năm sau. Mất tiền mà chịu trói buộc, nhục nhã! Tất cả, để nàng chạy trốn chính nàng. Để lánh mặt người mà nàng yêu thương đằm thắm. Chính là người đang được nàng ôm chặt trong lòng mình đây. Nàng đi, cũng là để tránh xa cái bệnh viện tỉnh quê hương, nơi có một giám đốc vô sỉ, bác sĩ Đinh Mãn Độ!

Lam Khương tưởng đi thật xa, đất nước và con người châu Âu sẽ giúp nàng quên đi mối tình mà nàng đã yêu cháy lòng ở chốn quê nhà. Trái lại, đã mấy năm qua đi, nàng vẫn không thể quên được ông. Một số đàn ông ở Đức, ở Na uy làm thân hay đã ngỏ lời. Nhưng trước bất kỳ ai, người Việt hay Tây cầu hôn, nàng cũng chỉ thấy sáng láng một khuôn mặt Trần Tử Khang đang trong xa cách. Đôi mắt thông minh, trí tuệ cùng tình cảm đắm say và u buồn của ông không hề nhòa nhạt trong trái tim nàng. Khi ấy, dù trước mặt người giầu sang hay trẻ trung, nàng cũng lạnh lùng như một pho tượng đá…

Và thời gian xa ông càng dài, càng gặp nhiều người đàn ông khác, nàng càng thấy người yêu, đồng nghiệp, đồng bào của mình tử tế, hiểu biết, và dù có bảy nổi ba chìm, ông vẫn là một con người thật sự trong sạch.

Buổi chiều ấy, đã lâu…

Đường phố vừa sáng đèn. Bỗng trời vần vụ mây đen, báo hiệu một cơn mưa giông sắp sập xuống thành phố. Người xe hối hả, vội vã. Không rõ vì sao bánh trước xe đạp của Lam Khương quệt vào góc sau ô tô của Khang. Cô gái bắn ra bên đường. May mắn, cô chỉ bị một vết thương rách da ở cẳng chân trái và sây sát cẳng tay cùng bên. Vành trước cái xe đạp vặn hình số tám.

Cô gái hoảng hồn, nhưng vẫn biết nhận lỗi về mình. Ông đưa cô tới bệnh viện Hồng Phúc, nhờ kíp trực khám xét. Biết cô là bác sĩ, ông bảo, không được chủ quan!

Người ta rửa vết thương của Lam Khương bằng nước muối chín phần nghìn và nước oxy già. Vết thương rách da từ bắp chân đến gần giữa khoeo, máu chảy không nhiều. Ông chỉ dẫn một bác sĩ trẻ cầm máu, khâu thẩm mỹ nội bì, tránh cho cô một cái sẹo to và xấu. Sợi chỉ liền kim không sang chấn để lỏng, cho vết thương thoát dịch. Cô biết, cũng là để tránh nguy cơ uốn ván và hoại thư, nếu nhiễm vi khuẩn kỵ khí.

Ông bảo:

– Từ 48 đến 72 giờ sau, ta mới kéo hai đầu chỉ, khép kín hai mép vết thương lại. Sau này, em vẫn có thể mặc váy ngắn mà không ngại có vết sẹo xấu.

Nhờ ông, việc cấp cứu như rất đơn giản. Cô xin về điều trị kháng sinh và thay băng tại nhà.

Ông cảm tình với cô, bởi cái dáng người và khuôn mặt đẹp trong sáng, hiền thục. Hơn nữa, nàng không giống nhiều người ở thành phố này. Ai gặp tai nạn, nặng nhẹ, phải trái, đều đùng đùng giận dữ, bù lu bù loa…

Lam Khương thuê một gian nhà nhỏ. Cô chưa có người yêu sau khi người bạn thân có con với cô gái khác.

Từ nhà ông đến chỗ ở của Lam Khương chỉ mất mấy phút đi bộ.

Khang không ngờ mối tình đẹp như một giấc mơ ấy lại là nguyên nhân của những bước đường lưu lạc, chuân chuyên cho người thục nữ!

* * *

Không đâu bằng xứ sở mình. Theo lời cha mẹ khuyên, nàng đến bệnh viện tỉnh quê hương. Lúc đầu, Lam Khương tin sẽ được việc làm, bởi Đinh Mãn Độ nói ngay trong phòng giám đốc, chẻ hoe, rất thẳng thắn, không úp mở về số tiền lớn phải nộp. Có trăm phần trăm nhận mình, ông ta mới hành xử kiểu “lật bài ngửa” thế chứ?

Chỉ ít ngày sau Lam Khương được những thông tin xấu. Hai năm qua, giám đốc Độ nhận hai trăm bác sĩ đến thử tay nghề. Họ đều mất tiền mà không được nhận vào làm việc. Chín năm làm giám đốc, tổng số người đến xin việc, chịu nạn Đinh Mãn Độ đã là bao nhiêu? Số người bị lừa gạt quả không nhỏ. Không thể không tin, bởi người cho nàng hay là một bác sĩ làm việc ở Sở Y tế. Anh vốn là học trò phổ thông của cha mẹ nàng và là sinh viên cùng lớp với Độ. Tiếc rằng Khương biết chuyện hơi muộn. Tiền đã đưa hắn; chưa hết thời gian thử tay nghề, nhưng ngay lúc này đây nàng đã thấy mình không có gì gọi là le lói một tia hy vọng.

Lam Khương cảm thấy khó hiểu; Độ lấy tiền rồi, mà hắn vẫn đòi ôm hôn mình? Nhiều năm qua nàng được người ta kể cho nghe nhiều chuyện tham nhũng, đục khoét của những cán bộ chức quyền… Nhưng với phụ nữ, họ đòi tình thì thôi tiền. Mà đã ngửa tay lấy tiền thì không dám đòi hỏi đối phương cái xác thịt nữa. Khác hẳn thói thường, Đinh Mãn Độ, hắn muốn cả hai. Hắn lợi dụng tình thế tìm kiếm công việc làm ăn khó khăn trên cả nước, và do chính mình tạo ra, để chiếm đoạt xác thịt và tiền bạc của không ít phụ nữ.

Độ gọi Lam Khương đến phòng giám đốc. Đồng hồ lớn trên tường chỉ 12 giờ kém 10 phút. Không như chuyện tiền nong, xôi thịt… Kiếm chác thân xác đàn bà, Độ cũng phải đưa đẩy:

– Chỉ còn ba tuần nữa em đã hết ba tháng thử việc. Thời gian đi nhanh thật đấy, em nhỉ? Về bệnh viện của anh mới vài tháng, em đã xinh hơn trước rất nhiều.

Anh vừa họp hội đồng khoa học kỹ thuật xét hồ sơ của em. Nhiều người khen em xinh đẹp, thông minh, tay nghề khá. Tuy nhiên, cũng có một số khuyết hổng trong kiến thức. Mà đó lại là những vấn đề thuộc phần kiến thức cơ bản, những kỹ năng thiết yếu, quan trọng. Nhưng khi anh đã quyết…

Ngừng lời khá lâu, như để thăm dò thái độ của nữ bác sĩ trẻ, Độ tiếp:

– Anh quyết, với một điều kiện.

Lam Khương nhìn thẳng người đang đối thoại với mình. Dưới ánh đèn nê ông, nổi bật lên đôi mắt sâu trắng dã, cái môi dưới thây lẩy thâm xì và cái cằm nhẵn thín không râu. Hai má chưa chảy, nhưng cái bụng đã phệ. Nước da hổ giun, cái sắc mầu của một tinh thần độc địa, gian trá, thâm hiểm. Lạ thật, đã lấy cả một số tiền lớn, và hơn nữa, đã biết mình cự tuyệt mà hắn vẫn còn bờm xơm?

– Xin giám đốc cho biết điều kiện…

– Ta bí mật chung sống với nhau.

Tuy đã nghe chuyện qua nhiều người, lại đã tỏ thái độ rõ ràng, Lam Khương vẫn sửng sốt. Anh Khang ơi! Nàng buột miệng kêu lên thành tiếng, như gọi người thân đang ở ngay đâu đây thôi và vội vã đứng lên.

Độ nhảy ra khỏi ghế. Bên ngoài không có ai. Hắn ngăn không để nàng rời khỏi phòng mình:

– Em đừng đi!

– Không! Xin lỗi ông!

– Em nên chấp nhận đi! Một vị trí làm việc ở bệnh viện tỉnh và sống trong thành phố là chuyện không nhỏ. Nhiều cô mơ không được đâu đấy. Ta chỉ cần có một đứa con thôi. Anh sẽ mua nhà cho và nuôi mẹ con em cả đời.

Nàng thầy buồn nôn. Ông ta chờm hơm hay tham lam? Ngoài bà vợ nông dân vô học có gia thú và bốn đứa con chính thức, ông ta còn mẹ con cô bồ kế toán nữa. Cô ta cũng đã bỏ chồng, sau khi đẻ đứa con trai hoang. Ông ta bệnh hoạn…

Trông cái mặt Độ, chỉ cái mặt thôi mà tởm. Giả sử Độ còn trẻ tuổi và độc thân, Lam Khương cũng không bao giờ chấp nhận sự gạ gẫm, trao đổi, mua bán này. Huống hồ, ông ta là một lão già gian trá, thủ đoạn. Độ chỉ là một thằng bỉ ổi, đê tiện!

Nàng gắng sức gỡ hai bàn tay Độ đang bám chặt vào đùi mình. Độ quỳ hai gối xuống sàn, tay ôm chặt và rúc mặt vào háng Lam Khương từ bao giờ nàng cũng không kịp nhận ra.

Xa nhà, Trần Lam Khương trực liên tục. Đã mất người yêu và rời Hà Nội, được làm việc nhiều là một niềm vui. Cũng vì thế, nàng biết nhiều chuyện về Độ. Đêm trực, trong khi đi kiểm tra các khoa, Độ thường hỏi những nhân viên, mà hắn tiên lượng có thể kiếm chác: “Anh vội, quên ví ở nhà. Cho anh vay dăm chục ngàn uống nước!” Thấy ai tính tình xởi lởi, gia đình khá giả, hay người đang xin việc cho con cháu hoặc người vừa mắc khuyết điểm, Độ bóp nặn đậm hơn: “Mình cần sửa cái nhà, cho mình vay tạm mươi triệu.” Hoặc: “Anh có việc phải chi lớn, em cho mượn tạm mấy chục triệu…” Trưởng khoa Ngoại mừng vì cái giá rẻ hơn người Độ đã ưu ái với mình khi ông xin việc cho thằng cháu bác sĩ.

Ngay sau khi nhét tiền vào túi Độ không thèm nhớ nó là của ai. Về sau, không ai dám đòi. Độ là lãnh đạo, là tiến sĩ bác sĩ giám đốc, là thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân, là phó bí thư đảng bộ bệnh viện tỉnh, là phó giám đốc sở y tế kiêm chủ tịch hội đồng giám định y khoa, lại đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh cơ mà.

* * *

Độ sinh trưởng ở một làng quê nghèo.

Từ cổng nhà Độ đi bộ ngược bờ đê lên phía thượng nguồn vài ba mươi phút, là một ngã ba sông. Thêm quãng ngắn, lại ngã ba sông nữa. Xa hơn còn có ba con sông khác đổ vào. Hợp lưu rộng lớn chảy sát làng Độ. Vùng này nhiều đầm bãi. Từ tổ tiên, đời nọ tiếp đời kia cho tới bố mẹ Độ bây giờ, nội ngoại đều là những nông dân bạch đinh. Họ sống nhờ cày thuê, cấy mướn và đêm đêm lần hồi mò tôm bắt cá ở miền sông nước và đất trũng sình lầy hoang hóa này. Và cha mẹ, anh chị em nhà Độ cũng không ai sá gì mà không dầm mình mò trộm những cái ao chuôm hàng xóm láng giềng.

Cải cách ruộng đất, được cán bộ đội “bắt rễ”, “xâu chuỗi”, Đinh Văn Đố, bố Độ trở thành cốt cán. Ngoài đồng, ông Đố cốt cán chiếm được toàn những chân ruộng nhất đẳng điền. Trong nhà, quả thực tịch thu của địa chủ, vợ chồng cha con Đố cũng mang về được nhiều nhất làng. Ngoài những thứ Đội giành cho dưới thanh thiên bạch nhật, bọn Đố còn lấy cắp trong những đêm tối đi tuần, rình mò, nghe lén ở các gia đình địa chủ và phản động. Bố Độ có một thủ đoạn, không cốt cán nào dám làm. Đêm trước ngày địa chủ phải ra hầu toà, để bần cố đấu tố, Đố dẫn những đứa con lớn tới thẳng nhà họ. Cũng là một cách nẫng tay trên của những người cùng giai cấp khác. Đằng nào của cải nhà mày ngày mai cũng bị nông dân chúng tao tịch thu hết. Nghĩa rằng thì là ông bà nông dân sẽ đến vét hết ráo. Bây giờ tao lấy trước cái này, vợ tao cái kia. Còn mấy đứa con trai con gái tao nữa. Thế nhớ. Nghĩa rằng thì là bố con tao lấy luôn, đem đi ngay bây giờ, cho khỏi lằng nhằng. Ngày mai mày ra vành móng ngựa, tao nhẹ tay cho!

Một năm sau hợp tác xã nông nghiệp được thành lập. Những thửa ruộng nhất đẳng điền, trâu mộng, cày chắc, bừa tốt, cuốc sắc, mai dài, thuổng ngắn… mà nhà Đố lấy được đều phải góp vào làm tập thể. Và thích ăn sung mặc sướng, quả thực đầy nhà đã bay vèo đi hết. Từ đó, vợ chồng cha con đành chỉ còn có cách đi làm công lấy điểm, vắt mũi bỏ miệng. Cá mú, tôm tép ở sông bãi, ao hồ, cũng khan hiếm dần. Hợp tác xã quai đắp bờ vùng bờ thửa; và thuốc trừ sâu phun ra bừa bãi. Tôm cá bị tiêu diệt từ trong trứng. Bố con nhà Đố Độ lại hoàn nghèo túng.

Học nhiều nhất nhà, chưa hết lớp bẩy vẫn được cấp “Giấy chứng nhận trúng tuyển kỳ thi hết cấp hai trường phổ thông”, vì Độ nhập ngũ ngay sau khi đoàn thanh niên phát động phong trào “Ba sẵn sàng”. Giỏi luồn lọt và dẻo mồm mép, thêm những hành vi và điệu cười xu nịnh thường trực trên mặt, Độ được thủ trưởng đơn vị cho đi học lớp y tá ba tháng. Phục vụ đơn vị chưa được một năm, Độ xuất ngũ với lý do yếu sức khoẻ. Biết đơn vị sắp hành quân vào chiến trường, Độ thực hiện một cuộc “bê quay” ngoạn mục; không những vẹn toàn danh dự, mà còn thể hiện một bản lĩnh, mưu mẹo cao cường. Đó là thời kỳ không quân Mỹ đã đánh phá hầu khắp các thành phố, đường xá, cầu cống và làng mạc miền Bắc Việt Nam.

Độ mang hồ sơ bệnh binh, y tá quân y đến ban tổ chức chính quyền. Hoan nghênh đồng chí! Chúng tôi đang cần tăng cường cán bộ xuất thân công nông binh về các cơ sở văn hóa, giáo dục và y tế để làm nòng cốt. Chúng ta phải tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng, đấu tranh giải phóng miền Nam và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi tin tưởng những người như các đồng chí. Đồng chí về bệnh viện đa khoa tỉnh nhớ. Về đó, nhớ là phải phát huy tinh thần của người quân nhân.

Chính là cái bệnh viện sau này Độ làm giám đốc.

Độ được các bà, các chị, các cô y tá của bệnh viện tỉnh đặc biệt quan tâm. Ai cũng thương anh bộ đội gầy gò, ốm o, môi thâm, mắt trắng. Hình thức bề ngoài thảm hại thế, nhưng chắc không phải người gian giảo xấu xa đâu. Chiến trường miền Nam, chiến trường Lào và Căm Pu Chia ác liệt, gian khổ, đói ăn, sốt rét mãn tính đấy mà! Đừng ai trông mặt mà bắt hình dong… Thời buổi lương thực, thực phẩm tem phiếu khó khăn, vẫn có nhiều người bảo Độ về nhà mình cho ăn uống, nghỉ ngơi lấy sức.

Làm việc theo y lệnh của y bác sĩ, lúc nào cũng vâng vâng, dạ dạ và nói cười lấy lòng, nhưng Độ không hề có một chút lòng kính trọng, thân ái. Độ ghen tỵ, khao khát cái địa vị trí tuệ mà ai cũng phải nể trọng của họ. Và Độ ngấm ngầm căm ghét, tức bực, uất hận cái thân phận lúc nào cũng phải làm theo mệnh lệnh kẻ khác của mình. Ông cha Độ đã nghèo, đã khổ và cũng đã nhục; đời này qua đời khác phải chịu cái thân phận đầu chày đít thớt. Đến bây giờ, anh chị em, vợ con Độ vẫn còn phải ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho giời. Phải phấn đấu vươn lên; phải nhảy lên phục thù; phải có địa vị, chức tước… Độ nhìn ra thiên hạ, địa vị xã hội càng cao thì càng nhiều tiền! Chức to và giầu, thì ai cũng sợ, cũng nể. Làm thế nào đây? Độ nghĩ nhiều đến phương cách hoạt động hiệu quả của cha con anh em mình trong thời kỳ giảm tô và cải cách ruộng đất. Họ cũng đã làm cho gia đình khấm khá lên, cứ như trong mơ vậy. Công lao của “ông bô” lớn lắm. Nhưng tội là cái “bà vịt” không biết căn cơ.

Chỉ sau một tháng Độ làm y tá ở khoa nội, bí thư đảng bộ chuyên trách Nguyễn Trọng Huấn đã chọn Độ làm bí thư đoàn thanh niên. Ông thuyết phục mọi người trong một cuộc họp đảng ủy. Tuy trình độ chuyên môn của đồng chí Độ chỉ là một y tá sơ cấp, mới chuyển ngành nên còn bỡ ngỡ; nhưng cậu ấy là quân y tá, kết nạp đảng tại ngũ, lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định; tác phong quyết đoán, nhanh nhẹn, sâu sát quần chúng, thật thà, khiêm tốn; cha mẹ thành phần gia đình cố nông cơ bản…

Bệnh viện ta có một số bác sĩ trẻ, cũng đoàn viên đấy, nhưng là tiểu tư sản, lập trường bấp bênh, không kiên định cách mạng. Làm sao bằng được đồng chí Đinh Mãn Độ đảng viên từ quân đội chuyển về?

Từ khi nhận nhiệm vụ, Độ thường xuyên đến báo cáo và thỉnh thị bí thư Huấn về mọi hoạt động của chi đoàn thanh niên. Bí thư rất hài lòng. Tay Độ còn trẻ mà đã biết cách làm việc đấy chứ! Ông bồi dưỡng Độ trở thành cánh tay phải đắc lực của mình. Lần nào chia tay, Độ cũng được ông Huấn nhắc, thanh niên là phải noi gương Bác Hồ và các bậc tiền bối, phấn đấu vừa hồng vừa chuyên. Hồng phải đi trước một bước, và kèm theo là cái bắt tay rất chặt. Đã “hồng” thực sự thì rồi sẽ tiến bộ, làm gì cũng được cũng xong. Hy vọng. Tin tưởng.

Trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Độ xin đi học dự bị đại học. Trong cuộc thi tuyển, nhờ có giám thị đút bài và được cộng thêm điểm ưu tiên bộ đội chuyển ngành, Độ đạt điểm cao, trở thành sinh viên của Trường đại học y khoa Hà Nội. Dù học lực rất yếu, Độ vẫn thành bác sĩ. Về công tác ở bệnh viện huyện quê nhà, Độ nhận làm em nuôi đồng chí bí thư huyện ủy. Cuộc maraton hoạn lộ bắt đầu. Độ nhanh chóng trở thành huyện ủy viên và chiếm được cái ghế giám đốc bệnh viện. Rồi sau đó, Độ vẫn thực hiện đường lối mưu mẹo ấy, tất nhiên là khôn khéo và kỳ công hơn, đoạt chức giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh.

Trở về chốn cũ người xưa, Độ không những không ân nghĩa, mà còn hận thù những năm tháng làm việc ở đây với chức danh tận đáy của ngành y tế, y tá sơ cấp. Cái cảm giác thấp kém, hèn mọn lúc nào cũng như bám dính, ngứa ngáy, cắn rứt ở trên da mặt và tai mắt Độ! Tuy là cán bộ nhưng cơm tập thể quanh năm thiếu đói, binh phục xám xịt cứt ngựa; mông quần, cổ áo bích kê dầy cộp. Tất cả hun đúc ý chí Độ. Phải quyết tâm… Độ tính toán và thực thi các mối quan hệ trong tỉnh, trên bộ. Độ xin được nhiều dự án xây dựng, những chương trình thanh toán các bệnh xã hội, đào tạo và hoàn thiện cơ sở y tế tuyến dưới. Và định kỳ, Độ vác cặp về Hà Nội trong mấy năm liên tục. Không rõ Độ nghiên cứu thế nào, bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ xã hội học.

Độ được người ta bảo, cứ kiếm cái học vị tiến sĩ đi. Tiến sĩ gì mà chẳng được. Nhiều luận văn chỉ là văn bản sao chép, tìm mãi cũng không thấy một chi tiết mới. Độ biết ở bộ mình thiếu gì các bác sĩ đi làm luận văn tiến sĩ triết học, tiến sĩ lịch sử đảng… Cũng không thiếu gì bác sĩ trình độ thấp kém có học vị tiến sĩ y khoa, học hàm phó giáo sư và giáo sư! Thì Độ cũng phải phấn đấu.

Trong tiệc mừng ông giám đốc bệnh viện tỉnh nhận học vị tiến sĩ, người anh cả già trên đà quá chén, đã tiết lộ nguồn gốc cái tên của người em ruột giầu có, danh giá và vẻ vang của mình: “Khi cuộc cải cách ruộng đất hoàn thành, đồng chí đội trưởng nói với cả nhà trước khi rút đi, dùng chữ Mãn thay cho chữ Văn ở tên thằng út. Đinh Mãn Độ, kêu hơn, mà cũng để cả nhà nhớ công ơn đảng, Bác. Chúng tôi từ địa vị tôi tớ đứng thẳng lên làm chủ nhân ông… Nhưng phải đến bây giờ, đúng là bây giờ ngồi dự liên hoan ở đây, tôi mới thấy thật sự mãn nguyện. Thời nay đơn giản thế này, chứ nghe nói ngày xưa thì cả làng cả tổng phải đi rước chú ấy vinh quy chứ lỵ!”

* * *

Tiễn Trần Lam Khương đến cổng bệnh viện, Khang nhắc lại lời hẹn, sẽ về thăm cha mẹ nàng vào sáng thứ bẩy. Mắt nàng nhoà đi. Ông cũng rưng rưng quay trở lại, tâm trạng buồn bã với những bước chân và mái đầu nặng trịch.

Ông ngồi lặng đi trên cái ghế quay.

Hồi ức về Đặng Vũ Hoàng Anh, rồi Ngô Thị Ngân Hà và Trần Lam Khương chao đảo, rối bời trong tâm trí Khang. Có lẽ cả đời ông, với ba người đàn bà, chỉ có Lam Khương chân thành, hiền thục, chung thủy. Ông linh cảm, chỉ nàng là người sẽ trong sáng mãi. Lam Khương từng bảo, em đã yêu thì không đắn đo về bất cứ điều gì. Sau khi kết hôn, số phận dù có thế nào, em cũng vui lòng…

Khang rưng rưng nghĩ mình không hiểu được chính mình. Nàng là người ân tình như thế mà làm sao ta có thể nhẫn tâm từ bỏ?

Từ khi nàng bỏ đi châu Âu, ông ngày càng ân hận, đau khổ. Ông vừa mới bảo với nàng, em đừng đi… Cha mẹ nàng đều đã nhiều tuổi. Chưa biết Lam Khương quyết định thế nào?

Khi Lam Khương ôm lấy đầu mình ấp vào ngực nàng, Khang thấy ruột gan đau thắt. Ngày xưa ở bên nhau, khi cả hai đều quá khao khát, ông thường chủ động đẩy nàng ra xa… Hôm nay gặp lại, ông không cả dám hôn nàng. Khang chỉ ôm ngang cái hông tròn lẳn mà không thể đứng lên, cũng không dám kéo nàng ngồi xuống. Mối quan hệ của ông và Ngân Hà đã có những dấu hiệu khủng hoảng hết sức trầm trọng; ông vẫn còn lúng túng, chưa biết chia tay thế nào cho thật êm thấm. Ông thật sự ân hận, nghĩ mình đã mắc tội to lớn với cả hai người đàn bà, Trần Lam Khương và Ngô Thị Ngân Hà.

Người ta vẫn nói, bát đĩa cũng có khi xô… Gia đình nào, vợ chồng nhà nào mà chẳng có lúc cãi cọ, ông chẳng bà chuộc? Khang không nghĩ như thế.

Ông cần một cuộc sống khác.

Ông và Ngân Hà đều không may gặp chuyện lứa đôi dang dở. Vì sao nàng không biết chừng mực, để tạo một cuộc sống êm ấm với nhau? Kim Thoa còn biết nói, nhờ bác mẹ được vui vẻ là tốt lắm rồi. Còn mẹ ông vốn thương con trai… Ông không nói gì với mẹ, vì thấy không thể cưới Hà làm vợ. Nàng ngày càng nhiều chuyện tai ngược. Từ lâu, ông buồn phiền, không ít lần phải xấu hổ về tư cách của Hà. Nàng giận dữ, vùng vằng, đá thúng đụng nia, với mọi lý do mình không bằng lòng. Ông cũng nhận ra nàng tha hoá đã từ rất lâu. Không chỉ vì một câu nói đường chợ, sống sượng và tục. Mà ông còn cảm nhận nó một cách sâu sắc, từ các mối quan hệ gia đình, xã hội, cho đến đôi mắt, vẻ mặt… những gì thuộc thể xác và tâm hồn nàng.

Tất cả làm sụp đổ cái hy vọng tuổi già của ông, xây dựng lại một gia đình hạnh phúc.

Đã nhiều lần ông nói đến chuyện chia tay, Ngân Hà không chịu. Cũng là do ông không quyết tâm. Khổ nỗi, mỗi khi nàng xuống ô tô, rầu rĩ, liêu xiêu bước dọc theo ngõ hẻm đều làm ông xúc động. Cái bóng dáng người đàn bà đang tuổi trượt nhanh về già, đơn côi, lầm lũi… khơi dậy một nỗi xót thương to lớn trong ông!

Và mỗi lần nàng nói đến chuyện tự vẫn, ông lại thấy mình còn nợ Ngân Hà một món nợ tinh thần, ngay từ khi mới về bệnh viện Hồng Phúc. Hơn nữa, Kim Thoa mất mẹ, cô bé sẽ sống ra sao? Ý nghĩ ấy khiến ông hoảng sợ. Mình phải bỏ qua tất cả những gì không bằng lòng về nàng.

Và cuối mỗi tuần, không bận việc ở bệnh viện hay đưa mẹ về quê, ông vẫn cứ phải đến với Hà trong nỗi niềm khắc khoải, thương tiếc Lam Khương!

Sau cuộc mổ lớn, mệt mỏi, ông muốn được nằm nghỉ. Vậy mà Lam Khương đi rồi, còn một mình, ông vẫn ngồi đây, hai tay ôm chặt lấy đầu buồn bã.

V.O.

Comments are closed.