Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 19)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Ném cái căm hờn vào mặt Khang, Ngân Hà hét lạc cả giọng:

– Thứ năm tuần trước … với con bớp nào?

Ông đứng sững lại, rồi ngẩn ra, khi vừa mới bước qua khung cửa nhà nàng.

– Bệnh nhân nó bắt được quả tang ở phòng trưởng khoa, vẫn còn vờ vịt?

– Đó là một người khách tử tế.

Ông khó chịu nhưng vẫn trả lời nhẹ nhàng và đặt cái cặp da của mình xuống mặt ghế bên cạnh.

– Dám đối chất không? Giữa trưa, con Tình đi tìm tôi; đúng lúc anh đang ôm ấp, làm tình với con chíp hôi.

Khang lắc đầu chán ngán.

Giọng Hà bỗng nhẹ bẫng đi như hoàn toàn không còn giận dữ:

– Anh chỉ cần nói họ tên, địa chỉ nó cho tôi thôi. Tôi sẽ không hỏi gì thêm nữa. Tôi hứa.

– Không biết!

Nếu biết địa chỉ, chắc chắn Ngân Hà sẽ đến tận nhà kẻ tình địch. Dù người đó ở bất cứ đâu. Rồi những gì có thể xảy ra? Vì người đàn bà này, Lam Khương đã khổ quá rồi. Khang nghĩ vậy.

– Đàn ông làm tình, mà không biết con đàn bà nó là ai, ở đâu? Thế ra anh đã gọi cave vào phòng mình à? Một con đàn bà bán trôn nuôi miệng? Cái phòng trưởng khoa của anh trở thành nhà chứa, nhà nghỉ từ bao giờ thế?

– Hà đừng nói bậy! – Ông trừng mắt.

– Con Tình nó tận mắt thấy anh đang rúc đầu vào bụng con đàn bà… Tởm quá! Cái mặt của anh đẹp đẽ thế này, mà úp vào chỗ bẩn con điếm!

Ngân Hà dí mạnh ngón tay trỏ vào trán Khang:

– Con Tình đứng ở cửa phòng anh rất lâu. Anh và cái con ấy cứ xoắn lấy nhau, mê mẩn, quên cả trời đất, không nhớ là cửa phòng còn mở. Nó xấu hổ quá, đành phải chạy ra.

Trước mắt Khang không phải là thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Ngân Hà, phó bí thư đảng bộ nữa. Người đàn bà này bộc lộ trọn vẹn phong cách, hành vi và ngôn ngữ của một mụ chuyên nghề chợ búa, nanh nọc, lăng loàn, bặm trợn. Hà đã không biết tôn trọng ông, cũng là không tôn trọng mình. Đúng ra, nàng có thể hỏi chuyện ông nhẹ nhàng, đường hoàng. Nàng phải tỏ ra mình đúng là một trí thức, ứng xử lịch lãm. Như thế, chắc chắn ông phải nói thật, mình đã có lỗi với Lam Khương và cũng là có lỗi với nàng thế nào. Không ai có thể chân thành bộc bạch tâm tư, với một con người ích kỷ, hẹp hòi, dữ dằn như thế này được.

– Hà quen nghĩ quá xấu về người khác đấy.

Hà lại hét lên:

– Tôi ghê tởm anh! Tôi buồn nôn về anh. Anh làm cái chuyện đồi bại ấy ngay trong phòng trưởng khoa của mình mà không biết ngượng? Làm rồi mà không dám nhận. Đồ hèn! Người đâu không bằng cả con thỏ đế? Con Tình nó tả lại tỉ mỉ từng động tác của anh, rõ ràng, cụ thể. Nó bảo anh hôn con cave lâu như vô tận. Anh hôn cái bẩn của nó! Tôi với anh, tình nghĩa đã chục năm sâu nặng là thế mà chưa được một lần. Với con cave dơ dáy, thì anh dốc hết máu me, tình lực!

Nói rồi, Ngân Hà túm áo kéo Khang vào trong phòng ngủ và đẩy ông xuống giường:

– Anh không thấy à? Tôi mua căn hộ này là để mình sống chung những năm tháng cuối đời. Chỉ ít thời gian nữa anh nghỉ hưu… Tôi nói thật, không có người đàn bà nào yêu anh bằng tôi! Không ai thương và lo cho anh như tôi. Mẹ anh không thể sống mãi. Con gái anh đã định cư ở nước ngoài. Mà có ở sát nách, nó cũng không thể chăm sóc anh như tôi được. Tôi cũng chỉ có một đứa con gái. Rồi không lâu nữa, nó cũng leo lên xe hoa. Cả anh và tôi trơ trọi hai cái thân già. Anh xem đấy: nhà đẹp, giường, đệm, chăn màn, đồ dùng… Tất cả đều xịn. Thức ăn ngày nào cũng sang trọng, ngon lành. Vậy mà anh lại trăng hoa, đĩ điếm? Nhất định anh sẽ phải ân hận!

Nàng gào to hơn:

– Chồng ơi là chồng! Nợ ơi là nợ!

Một lúc sau, nàng ngồi dậy lấy hơi:

– Đồ gan chuột nhắt! Rúc mặt vào cái bẩn thỉu của con cave mà không dám thú. Trời đất ơi! Khổ cái thân tôi! Tôi yêu thương anh một lòng một dạ, toàn tâm toàn ý. Vậy mà anh đã phản bội? Anh dày xéo trái tim tôi. Anh giẫm đạp, vò nát tâm hồn tôi! Anh làm nhục tôi! Anh sống hoang dã, lang chạ như thế, tôi thà chết đi còn hơn!

Cùng với mỗi câu la lối om sòm, Ngân Hà lại giáng thình thịch cả hai nắm đấm chắc nịch lên ngực, lên người ông Khang. Mặt mũi ông khi co rúm lại, lúc xệch xạc đi…

Phải trừng phạt kẻ “ngoại tình xấu xa” này cho lão biết thế nào là đàn bà Hà Nội gốc. Ngân Hà chợt nhớ tới cái chết của người vợ bác sĩ Hoàng Chân vừa mới đây thôi.

Sau những lời thăm hỏi, chia buồn của Khang và Ngân Hà, ông Chân nói: “Không ngờ tôi bị một đòn đau đớn quá thế. Nó dám nhảy xuống dòng nước đen ngòm, hôi thối, mang theo cả cái thai đầu con tôi vừa tròn năm tháng!” Hỏi nguyên cớ, ông bảo: “Cô ấy ghen với một y tá trẻ mới về bệnh viện. Bực quá, tôi chỉ nói: Thì cái thai trong bụng cô chắc gì đã là của tôi!”

Ngân Hà rền rĩ:

– Tôi chẳng thiết sống nữa. Tôi sẽ chết! Tôi – sẽ – chết! Tôi – sẽ – chết! Cho anh tha hồ trác táng, lang chạ. Cho anh tha hồ đĩ điếm. Trời ơi! Đất ơi! Cha mẹ ơi! Tổ tiên ơi! Sao con lại phải chịu một nỗi đau khổ ghê gớm thế này!

Ngân Hà vẫn gầm rít, gào thét, tra hỏi Khang. Người đàn bà ông đã ôm ấp, hôn hít… không phải Lam Khương thì là con mèo mả gà đồng nào? Con ăn mày ăn nhặt nào? Con đĩ rơi đĩ rụng nào? Con bớp bụi nào?

Ông im lặng. Chỉ thấy tiếng Ngân Hà choang choác… Không được như ý, người đàn bà uất ức, dồn đẩy ông ra khỏi nhà. Rất khó chịu nhưng ông vẫn gắng gượng xách theo cái cặp da của mình và càng thấy lạ về tính cách của người nữ trí thức này! Ngân Hà khóa cửa. Và nàng quay nhìn ra hai phía hành lang. Chung cư mới hoàn thiện, vắng tanh. Nhiều căn hộ chưa có người ở. Nhà nào có chủ, thì cửa đóng im ỉm. Căn hộ nào cũng gia cố thêm một cánh cửa sắt, bên ngoài hai cánh gỗ. Ai nấy lo sợ, một khi nào đó gian phi đột nhập nhà mình, mặc dù có bảo vệ gác cửa ra vào ở tầng một suốt cả ngày đêm.

Hai người đứng đối mặt.

Ông chờ đợi nàng nói lại một câu gì đó hợp với ân tình và đạo lý con người. Chắc thế. Nàng chỉ giận quá hoá rồ đấy thôi. Sinh ra trong một gia đình nề nếp, nàng lại được nhà trường, đoàn, đảng… giáo dục hoàn thiện. Hơn nữa, bây giờ nàng quá thành đạt, là thạc sĩ, thầy thuốc ưu tú, phó bí thư đảng bộ. Đã là phó giám đốc bệnh viện Hồng Phúc rồi nàng cũng sẽ có thêm cái danh hiệu “bác sĩ cao cấp”. Sắp tới, Bùi Cường tách khoa Sản ra khỏi khoa Ngoại; cái ghế trưởng khoa Sản kiêm nhiệm chưa thấy ai có thể xứng đáng ngồi vào đó, ngoài nàng.

Chuyện vừa xảy ra, chắc cũng chỉ là “khẩu xà tâm phật”?

Nhưng không. Ngân Hà giang thẳng cánh tay tát mạnh vào mặt ông. Ông chỉ vừa kịp nghĩ đạo đức của nàng để đâu, đã lại thấy hai cái tát trời giáng bồi thêm. Ông choáng váng, chao đảo và đôi mắt túa ra ngàn vạn những tàn hoa lửa!

Nàng nói với vẻ mặt lạnh tanh trước khi bước vào thang máy:

– Tôi sẽ trả lại tất cả những gì anh đã mua tặng từ trước tới nay. Và ngược lại, anh cũng phải như thế!

Quá lắm rối! Tình trạng này không thể duy trì mối quan hệ xưa nay được nữa.

Vậy mà đã mấy lần nàng nói đến việc đi đăng ký giá thú và tổ chức một bữa tiệc nhỏ. Cho gia đình hai bên gặp gỡ, thêm mấy người bạn thân thiết chứng kiến, công nhận ông và nàng là vợ chồng. Nàng bảo, cả hai đều là người tự do. Tội gì! Ta đi đăng ký giá thú hẳn hoi. Như thế, đối nội đối ngoại hay đi đây đó mới đàng hoàng. Tuổi già, ai chẳng ốm đau. Khi ấy, chăm sóc cho nhau mà không có cơ sở pháp lý, thì con cái và ngay cả cái đám dây mơ rễ má quê hương cũng có thể làm phiền.

Khang nghe chỉ im lặng. Nhiều năm rồi, nhờ trực giác ông hiểu nàng không yêu mình. Nàng chỉ tha thiết kiếm tiền và khát khao tình dục. Hà chỉ yêu chính thể xác nàng thôi.

Tình yêu chân chính bao giờ chẳng đi liền với lòng nhân hậu, tính dịu hiền và đức hy sinh?

Về cái giấy giá thú và tiệc cưới, Hà chỉ đá đưa nước bọt với những lời đầu môi chót lưỡi. Rồi nàng lại bảo để khi cả hai cùng về hưu cái đã. Có đăng ký kết hôn thì cũng chỉ được một mảnh giấy. Trước sau, nó chỉ là… mảnh giấy. Vả lại, anh cũng còn phải chăm sóc bà già cơ mà?

Cũng là may cho ông.

Thì ra Ngân Hà cũng giống những lớp gái trẻ 7x – 8x – 9x sức dài vai rộng bây giờ. Họ chỉ muốn sở hữu một gã đàn ông mạnh khoẻ, ngôi nhà to đẹp, tiện nghi sinh hoạt sang trọng và tiền bạc chi tiêu thoải mái. Đàn bà “hiện đại” đều không thích làm dâu. Làm dâu! Sống với những người già khác máu, không chỉ vướng chân vướng tay, mà còn chướng tai gai mắt. Người già, tất tần tật trái tính trái nết… Chẳng chứng nọ thì cũng tật kia. Không mấy ai trong các cô muốn trong ngôi nhà mình trú ngụ có bố mẹ chồng. Họ càng không thích chồng mình còn tồn tại cả những ông bà cụ kỵ. Những người đã sinh sống, đã cư trú ở cõi trần thế này quá lâu. Mặt mũi nhăn nheo, da thịt cóc cáy, đầu tóc hôi hám, tính tình lẩn thẩn, quên nhớ nhớ quên…

Với đàn ông đàn bà không ràng buộc con cái và tài sản, khi thân xác già nua, rệu rã, đầu bạc răng long, sức cùng lực kiệt… Có thể dễ dàng biết trước sự thể về mối quan hệ luyến ái không hôn thú sẽ như thế nào!

* * *

Hai giờ sáng.

Khang hết đứng lại ngồi, bồn chồn đi lại. Phòng bên, mẹ ông cũng đã thức giấc. Tắt đèn từ lúc nửa đêm, một mình ông ngồi thu lu trong bóng tối, tránh cho mẹ một nỗi lo lắng. Ông hết sức bối rối. Từ lúc giáng cho ông ba cái tát, máy di động của nàng không liên lạc được. Ngân Hà nóng nảy và liều lĩnh… Đã nhiều lần nàng dọa tự tử. Mà thái độ của nàng lúc ra khỏi chung cư Đại Phú Gia thấy rất bất thường.

Ông dễ dàng tìm lại mọi thứ nàng thi thoảng đã mua cho mình rải rác trong một thời gian dài. Lớn nhất là cái áo măng tô bằng dạ màu đen của hãng may Nhà Bè giá rẻ. Một cái áo len dài tay Trung Quốc. Bốn cái sơ mi đều đã mặc qua. Mấy cái quần lót lâu ngày, có cái cũng đã sờn rách. Năm đôi bít tất, cả thủng gót lẫn đôi vẫn còn dùng được. Một cái quần vải kaki màu be rung rúc, một cái vải bông pha sợi tổng hợp mầu lông chuột, ông mới xỏ chân một lần. Tất cả đều chỉ là hàng tầm tầm. Ông không quên những thứ nàng đòi, còn có cái lọ sứ nhỏ cắm hoa Bát Tràng, cái lọ đựng tăm bằng nhựa màu vàng và một lẵng hoa giả loại nhỏ nhất.

Chị giúp việc nhà nàng tong tả chạy ra đầu ngõ, miệng chào ông tay nhận cái bao xác rắn, trong đó chứa tất cả các thứ ông gửi trả lại Ngân Hà. Không mấy khi thấy nét mặt người đàn bà này bộc lộ cảm xúc vui buồn, lúc ấy bỗng nhiên chị chép miệng quay đi.

Đêm nay Hà đi đâu? Ông không phải lo cho Lam Khương. Nhà nàng xa Hà Nội, và Ngân Hà không biết địa chỉ. Trước kia, dù đã gặp Lam Khươg mấy lần, Ngân Hà cũng không mảy may nghi ngờ. Tất cả những cuộc gặp ấy của ông và Lam Khương ở bệnh viện đều minh bạch. Khương đưa bệnh nhân đến nhờ ông mổ giúp. Ngân Hà cũng nể Lam Khương ở cái cốt cách thanh lịch, ứng xử đoan trang. Cách đây mới mấy giờ, Lam Khương báo tin bệnh tình của cha mình tiến triển rất tốt, sau khi ông về nong rộng niệu đạo, đặt sông và cho điều trị thêm bằng thuốc kháng sinh.

Chiều qua, Hà cư xử thật sự quá quắt, rất thiếu đức hạnh! Khang giận và nghĩ dứt khoát phải từ bỏ nàng. Nhưng khi đêm xuống, khi đã bình tĩnh, ông lại thấy thương nàng.

Người ta nói có yêu mới ghen? Nhưng với cách cư xử của nàng chiều qua, ông không thấy tình yêu thương của nàng đâu cả. Công dung ngôn hạnh trong gia đình nàng xưa kia đã được lưu ý đến mức độ nào, mà nàng hung bạo, đao búa, đường chợ quá thế! Khi ở với cha mẹ, nàng là con ngoan; ngoài xã hội, cháu ngoan Bác Hồ, liên đội trưởng thiếu niên tiền phong được chuyển thẳng thành đoàn viên; đoàn viên bốn tốt, sinh viên ưu tú… rồi trở thành đảng viên khá sớm. Và bây giờ, phó giám đốc, phó bí thư đảng ủy bệnh viện Hồng Phúc. Đủ các thứ hạng danh hiệu danh giá, mẫu mực. Khủng khiếp cái cơn điên và ba cái tát tận sức tận lực của nàng. Đàn bà yêu cũng ghen vũ phu thế sao? Ông nhớ ở đâu, hình như Victor Hugo viết: Khi tình yêu nảy nở thì tính dịu hiền và lòng độ lượng cũng phát sinh? Nếu đó là chân lý, thì làm gì Ngô Thị Ngân Hà đã có tình yêu!

Đêm tối nặng nề. Nghĩ mình cũng có lỗi nên những buồn giận trong ông lúc này đã tan biến hết. Chỉ còn một nỗi lo lắng, bồn chồn, như có lửa cháy trong lòng. Nhớ câu chuyện người vợ bác sĩ Hoàng Chân, Khang sợ Ngân Hà cũng rối loạn tâm thần mà có thể dại dột…

Đã 2 giờ 10 phút sáng. Máy điện thoại di động của ông bỗng rung lên bần bật. Thời gian như dừng hẳn lại. Chuông reo.

– A lô! Tôi nghe đây. – Khang không kịp nhìn màn hình, vội vã bấm máy, hy vọng Ngân Hà chứ không phải ai khác gọi mình.

– Anh ơ… ơi! – Tiếng Ngân Hà rất yếu, nghe rền rĩ và mơ hồ… như giọng điệu, hơi thở của một hồn ma, từ cõi âm ty xa lắc vọng về.

– Em làm sao vậy? Em đang ở đâu? Em ở đâu? – Khang hỏi dồn dập trong hơi thở gấp.

– Vợ… vợ anh… đang… đang từ cõi… chết… trở về, đây này! – Ngân Hà nói nhát gừng, rời rạc, như đã tàn hơi.

– Em đang ở đâu? Đang ở đâu? Ở đâu? – Khang phát hoảng.

– Đang… lên ô… tô.

– Ô tô nào? Ô tô đi đâu?

– Về nhà.

– Nhà nào? – Ông hỏi thế, để biết nàng về chung cư Đại Phú Gia hay về ngôi nhà chung với người chồng cũ?

– Em về với… con gái… em. – Nàng nói không thành tiếng, vấp váp, hụt hẫng.

– Trời ơi! Em yếu như thế, mà lái xe ư?

– Không!

– Ai lái?

– Phó giáo sư Hào.

– Xe của em?

– Xe Hào.

– Em từ đâu về?

– Bệnh viện.

– Bệnh viện nào?

Không nghe thấy nàng trả lời. Khang lại hỏi:

– Em đến bệnh viện làm gì?

– Rửa… dạ dày. Lọc máu! – Nàng trả lời rất nhanh.

– Trời ơi! Em liều chuyện gì thế? Em uống cái gì?

Trong máy lại mất tiếng nàng. Chỉ nghe tiếng người đang thở ỳ ạch, nặng nhọc.

– Anh chờ em ở đầu ngõ nhé?

Ngân Hà không trả lời. Máy tắt.

Tiếng nói của Ngân Hà qua máy điện thoại, nghe thào thào, líu ríu, hoang lạnh. Những âm thanh cuối câu lí nhí, rồi mất hút trong xa vắng rợn người. Khang lập tức mở cửa. Cụ Kháng nhét vội máy nghe vào tai, và hỏi:

– Con đi mổ cấp cứu đấy à?

– Vâng! Mẹ khóa cửa giúp con. Con vội.

Lần đầu tiên trong đời Khang nói dối mẹ; và nghĩ rất xấu rằng, hai tai mẹ hỏng là một điều may mắn cho mình. Ban đêm bỏ máy ra khỏi tai, cụ không nghe được gì. Cụ không biết có cuộc điện thoại của con trai trong bóng tối phòng bên.

Trên đường đến nơi gửi ô tô, Khang vừa chạy gằn vừa nghĩ về Ngân Hà, lại càng hoảng thêm. Cố chạy nhanh, ông nhảy đúng vào một cái ổ gà khá lớn. Cái vũng đầy nước, quán ăn bình dân bên đường thải ra trong ngày. Nước bẩn tung toé, dây đầy quần áo; mặt mũi bác sĩ nhầy nhụa, sực lên một mùi tanh tưởi. Ông đưa bàn tay không lau mặt, chân vẫn không dừng…

Ngân Hà đã uống cái gì, để phải đến bệnh viện rửa dạ dày và lọc máu cấp cứu? Gardenan hay Seduxen? Thủ thuật rửa dạ dày đơn giản, bệnh viện nào cũng làm được. Còn lọc máu thải bỏ độc chất? Phải có máy siêu lọc chuyên biệt. Cho đến nay, cả miền Bắc Việt Nam mới chỉ có một cái máy NIKKISO của Nhật Bản. Nó có thể thải loại trong máu, những chất độc nội sinh hay từ ngoài xâm nhập, cứu sống nhiều nạn nhân nặng, trước kia các thầy thuốc chuyên khoa chống độc đều phải bó tay. Ngân Hà đã uống độc chất gì, mà phải lọc máu tích cực bằng cái máy NIKKISO ấy?

Và Ngân Hà đã đến cấp cứu ở bệnh viện nào?

Cái đồng hồ Ogival điện tử của Thụy Sĩ trên tay Khang chỉ 2 giờ 15 phút. Đường vắng. Ông lên xe và phóng đi với tốc độ 100 kilômét giờ. Ông quên, hoàn toàn không nhớ đến luật giao thông và những người mặc quần áo vàng, cầm dùi cui trắng đen, thường đứng chấn ở ngã ba, ngã tư các đường phố thủ đô. May cho ông, đường đêm vắng tanh và không có cảnh sát. Xe dừng lại đột ngột bên vỉa hè, cách con ngõ nhỏ nhà nàng khoảng vài chục mét.

Đường phố sáng đèn. Khang căng mắt nhìn về cái ngõ hẻm quen thuộc. Năm phút, mười phút, mười lăm phút… nửa giờ, một giờ, rồi một giờ rưỡi trôi qua. Thời gian tưởng dài như cả một đêm trắng. Không thấy một cái ô tô nào đến cả. Thi thoảng, một cái xe máy phóng vèo đi như gió. Nó mang gái gọi, mang cave tới những nhà nghỉ hay khách sạn nào đó. Một thanh niên chở đến ba, bốn cô gái ăn mặc hở hang, phấn son rẻ tiền lòe loẹt. Không một cái đầu nào có mũ bảo hiểm.

Thời gian trôi rất chậm. Nhà ở hai bên mặt phố đóng cửa im ỉm, lặng tờ. Bụi đường dường như đã lắng. Chỉ loáng thoáng bóng người, chưa đủ khuấy lên bầu không khí tĩnh mịch của đường phố nửa đêm về sáng. Mặt phố vắng người như rộng ra nhiều và trong trẻo hơn. Nhưng Khang lại thấy lòng mình xa xót, mờ mịt, rối bời. Ngân Hà đâu? Không thấy xe của Hữu Hào đưa nàng trở về trước ngõ. Tịnh không một cái ô tô xuôi ngược. Khang cũng chưa một lần gặp mặt phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Hào. Xe của Hào, số biển bao nhiêu, ông cũng chưa khi nào hỏi nàng. Máy điện thoại của Ngân Hà lại mất tín hiệu. Ngân Hà đi đâu? Ông đã đến đây rất nhanh sau khi nàng nói mình đang lên ô tô. Những nơi cấp cứu chống độc giỏi là bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện trung ương quân đội, Quân Y viện 103, các bệnh viện quốc tế Việt Pháp, Việt Nhật… Dù Ngân Hà từ bệnh viện nào trở về, đều phải đi chậm. Khang nghĩ, chắc chắn là ông đến trước. Hào không thể cho xe chạy với tốc độ cao khi chở Ngân Hà đang trong tình trạng vừa mới thoát chết. Và, ông sẽ gặp nàng ở cái ngõ này, như đã hẹn. Ông lại nhìn đồng hồ. Trời đã gần sáng mất rồi. Máy của Ngân Hà vẫn cứ im bặt. Khang kiên trì bấm máy liên tục. Đây rồi!

– A lô! Em về đến đâu rồi? – Khang áp chặt máy điện thoại vào tai. Khá lâu, mới thấy nàng thều thào:

– Em về nhà rồi. – Ngân Hà nói, tiếng được tiếng mất xen lẫn những hơi thở ngắn, ỳ ạch, nặng nhọc. Nàng mệt đến thế kia ư? Khang có cảm giác xót thương đứt ruột.

– Anh vào nhà, được không?

– Không! Không được đâu! Lão Thân nằm ở ngay cửa ấy – Nàng nói nhanh, giọng khoẻ, gần như tiếng quát. Khang rưng rưng xúc động. May quá! Nàng đã về được đến nhà.

– Em về nhà bao giờ? Em đi đường nào? Mạch, huyết áp, nhịp thở của em bao nhiều? – Ông muốn hỏi nàng biết bao nhiêu điều.

– Anh đang ở đâu? – Nàng không trả lời những câu Khang hỏi, những vấn đề sinh tử, mà ông rất muốn biết. Và giọng nàng tức khắc trở lại mệt mỏi, rời rạc.

– Ngay trước ngõ nhà em. – Ông trả lời nhanh.

– Thôi, anh về đi! Hôm nay em xin nghỉ ốm. Hết giờ chiều, anh đến đấy sớm đón em.

Ngân Hà vẫn một giọng run rẩy. Ông không thể vào, mà nàng cũng không ra được. Nàng đi sao vững, khi mà chỉ trong vòng mấy giờ đồng hồ vừa phải rửa dạ dày, vừa lọc máu cấp cứu với cái máy siêu lọc hiện đại? Lại truyền dịch và chắc chắn còn rất nhiều thứ thuốc chống độc, trợ tim, trợ sức… Hơn nữa, thuốc độc ít nhiều cũng ngấm. May sao, Ngân Hà cũng đã về được đến nhà. Toàn trạng có an toàn, các bác sĩ chuyên khoa cấp cứu chống độc mới dám cho bệnh nhân ra viện chứ? Khang tự lý giải để trấn an mình như thế.

Mệt mỏi, ông tra chìa khóa vào ổ điện và nổ máy ô tô. Cái Matiz từ từ quay đầu. Khác hẳn với lúc đến, xe bò đi rất chậm. Ông thấy mình mất tập trung trên đường. Vụ tai nạn trên đại lộ Nguyễn Trãi gần đây là một bài học. May cho ông, lần ấy chỉ bị móp nhẹ đầu xe.

Đêm nay, ông đi đón Ngân Hà chỉ trên một quãng đường ngắn. Trong mười năm qua, nhiều lần ông đã phải rong xe đi khắp nơi tìm nàng. Đó cũng là những lần Ngân Hà không bằng lòng… Nàng điện cho ông là mình đã bỏ ra khỏi nhà, để sẽ không bao giờ trở lại!

Hai tay ông đặt trên vô lăng như bám vào một vòng xoắn ma thuật vô hình, không thể xác định. Những cú sóc mạnh trên đường khiến ông nhận ra mình tồn tại và đang lái xe trong tình trạng thân thể ê ẩm, khô khát, rã rời. Ông không còn nhớ, hình như bữa ăn gần nhất của mình cách đây đã hai đêm một ngày? Trưa ngày hôm qua ở Đại Phú Gia nhịn đói, mà bữa sáng đã không có ăn. Lo nghĩ về Ngân Hà, xốn xang về Lam Khương, tối qua ông lại không ăn cơm cùng mẹ. Vậy là đã hơn bốn chục giờ, ông không có gì vào bụng. Và mất trọn cả hai đêm không ngủ!

Không về nhà, ông đến thẳng bệnh viện Hồng Phúc.

* * *

Đêm đang tàn.

Ông trưởng khoa đi dọc hành lang của khu điều trị khoa ngoại, để đến căn phòng của mình. Các buồng bệnh đều sáng choang. Nhiều đôi mắt trên những cái giường hậu phẫu mở to; họ không ngủ hay vừa mới thức dậy? Vết mổ chưa được cắt chỉ, nhưng vẻ mặt họ bình thản. Ông biết, người bệnh ngủ ít vì thương tổn do bệnh tật và mổ xẻ đang trong quá trình hồi phục. Không ai ngạc nhiên vào giờ này bác sĩ trưởng khoa đã lại đến bệnh viện. Bởi nhiều đêm, họ thấy ông tới mổ cấp cứu. Ông Khang đến khoa bất kỳ giờ nào là chuyện thường tình. Vừa đi, ông vừa phải tránh những cánh tay giang ngang, những cẳng chân xoạc chéo. Khá đông người nằm ngủ say sưa ngay trên hành lang. Họ đi nuôi người thân phải mổ. Và họ đã lo lắng, đợi chờ, phấp phỏng, thức trắng nhiều đêm.

Trời đất thật nhân hậu. Nó có đêm và ngày. Ngày để con người hoạt động, làm ăn… Đêm tối mang đến giấc ngủ, trả lại cho họ sức khoẻ đã xả ra cật lực suốt một ngày dài. Nó vỗ về, nuôi dưỡng những sinh linh nhỏ bé, an dưỡng những thân xác cỗi già, nâng đỡ những cơ thể ốm đau, thương tật, phải chịu mổ xẻ, cắt bỏ một phần xương thịt, phủ tạng… Nó còn giúp con người vượt qua, chôn sâu, phủ kín, hay lãng quên đi những nỗi đau và buồn trong suốt cuộc đời dài gian nan.

Khang ao ước mình được như những người dân lam lũ kia. Họ đang nằm trên mặt sàn hành lang bệnh viện, không giường chiếu, không chăn màn gối đệm mà ngủ ngon lành. So với ông, họ quá hạnh phúc.

Ông mở cửa bước vào phòng trưởng khoa. Nhưng Khang vội đứng sững lại. Một người đàn ông quần áo bẩn thỉu, nhàu nát, mặt mày hốc hác, xám xịt, râu ria tua tủa, tóc tai bạc trắng, bơ phờ đang đứng giữa phòng. Hắn nhìn ông không chớp.

Khổ nhân hao hao…

Dù sớm mồ côi cha, một thời niên thiếu thất học, lại gặp cải cách ruộng đất… tưởng đã chết đói; lớn lên vất vả nơi đồng quê, trường ốc; gian khổ trên chiến trường; bị vợ bội phản; lãnh đạo trù dập; trưởng khoa cướp công, ăn chặn; gia đình tan nát, ly tán… Suốt mấy chục năm lận đận, ông cũng chưa từng loạng choạng, thất thểu, siêu vẹo thế này. Người đàn ông đĩnh đạc, trí tuệ, mà phải điêu đứng, lao đao… Ông sắp gục ngã trong cuộc đời đầy những dữ dằn, gian trá, điên dại này sao?

Sau những giây phút ngơ ngác, rồi ông kinh ngạc, câm lặng trân trân đứng đối mặt với “kẻ đột nhập”. Hắn giống ông, như cũng đang có cảm giác kỳ lạ, đờ đẫn nhìn lại con người mang danh bác sĩ trưởng khoa vừa mới thập thững bước vào.

Bùi Cường, Lê Trịnh hay Lã Hồng Quân đã dựng tấm gương lớn, kín cả bức tường sau của căn phòng trưởng khoa này? Như nhiều người hãnh tiến thời nay, họ tự coi mình là tấm gương sáng, xứng đáng để những kẻ đi sau phải chen tới soi vào.

Rồi ông cũng nhận ra cái bóng của mình. Không có tấm gương ấy, Khang đỡ phải ngao ngán, đau buồn hơn biết bao nhiêu!

Trời sắp sáng.

Khang đã yên tâm, Ngân Hà không chết. Và nàng vừa hẹn gặp nhau khi hết giờ làm việc chiều nay. Bây giờ, nếu nằm xuống giường ông sẽ ngủ lịm đi không còn biết trời đất nào nữa; rồi có thể quên mất giờ làm việc. Cơ thể ông như đã bị hành hạ, tra tấn nhừ tử.

Bệnh viện Hồng Phúc đang qua một đêm yên tĩnh hiếm hoi.

Vậy mà, ông không thể chợp mắt.

Cái Matiz từ từ dừng lại, đúng chỗ nó đã đỗ lúc nửa đêm về sáng. Dù Ngân Hà dặn phải đón nàng sớm, Khang vẫn không thể bỏ qua việc xem lại bệnh nhân lúc đã hết giờ làm chiều. Có mấy người vừa mổ xong, bí tiểu, bụng chướng, vì ống thông từ bàng quang, từ dạ dày ra ngoài bị tắc. Có ca khó thở, vì đờm rãi chưa được hút sạch. Không phải không có người bệnh đã chết, chỉ vì những tình trạng bất thường hay gặp và rất nhỏ ấy.

Trước những người đau ốm, mọi ưu tư, phiền muộn, khổ đau của riêng mình, bác sĩ như đã quên hết.

Ông tắt máy ô tô, kéo phanh tay và bấm điện thoại.

Nửa giờ sau, Ngân Hà xuất hiện ở đầu ngõ. Mọi khi, chỉ dăm ba phút, nàng đã có mặt, nhanh nhẹn và vui vẻ. Hôm nay, nàng bước dò dẫm, chệnh choạng, xiêu vẹo. Khang vội chạy tới, dìu nàng đến và mở cửa xe. Rất nhiều con mắt nơi những quán phở, cửa hàng bia, quán cà phê… và người đi bộ đổ theo hai người. Có mấy người dân ở cái ngõ này nhận ra ông, bác sĩ trưởng khoa ngoại của bệnh viện Hồng Phúc. Số đông, họ biết Ngân Hà.

Nàng nhìn ông với đôi mắt đờ dại, miệng thều thào như muốn chào, mà không thể phát âm thành tiếng; hai tay cứng đờ, như một bà già khật khừ ốm lửng lâu ngày lại vừa qua một cơn bạo bệnh.

Không trang điểm, nàng già sọm đi đến năm bẩy tuổi. Nhưng vai, ngực, và chân tay nàng vẫn mập mạp như những ngày trước.

– Em mệt lắm à?

– Đỡ rồi. – Ngân Hà trả lời, nghe như gió thoảng.

Xót xa nàng, Khang cho xe lăn bánh rất chậm. Thoáng cái, đủ các loại xe tràn ngập mặt đường. Xe máy, xe đạp, cái vượt phải cái vượt trái, lượn lách rất vô trật tự trước mũi ô tô. Những vạch sơn trắng quy định làn đường, cho từng loại xe, hầu như không có giá trị.

– Đêm qua em đến bệnh viện nào? – Khang chợt hỏi đúng câu mà mình đã tự nhủ không nên động tới.

Ngân Hà như không nghe. Ông tiếp:

– Em phải cấp cứu, được như thế này là tốt rồi. Dù nguyên nhân thế nào, tối qua em đã có một lỗi lầm to lớn. Em định cướp công sinh thành của cha mẹ, lại quên trách nhiệm, nghĩa vụ với xã hội, với cả con gái còn đang cần được nuôi nấng, dạy dỗ.

Ông chợt nhận ra và tự trách khi nào mình cũng thẳng thắn đoảng. Lẽ ra, nàng vừa thoát chết, ta chỉ nên nói những chuyện vui.

Ngân Hà lắng nghe. Lão chỉ nhắc về gia đình, con Kim Thoa và trách nhiệm xã hội của mình? Còn chính thân xác cái con Ngân Hà này, sống hay chết, không có ý nghĩa gì với ông ta sao? Phải cho lão biết thêm là mình chưa thực sự an toàn. Độc dược còn tác hại lâu dài, có thể sẽ bị suy đa phủ tạng. Nguy cơ đột quỵ và tử vong có thể xảy ra bất cứ lúc nào!

Điều hay nhất, là lão ta tin sái cổ những gì mình đã thể hiện.

Khang hỏi:

– Em uống gì? Seduxen à?

– Seduxen và …

– Và gì?

– Và Cytotec.

– Bao nhiêu viên Seduxen?

– Hai mươi.

– Cytotec?

– Một trăm!

– Trời ơi! – Khang nghe nàng, mà bất giác kêu lên. Cytotec hàm lượng 200 mg, mà nàng uống cả trăm viên!

Có gì chấn động rất mạnh ở trong lồng ngực Khang. Và ông dận cháy phanh cái xe Matiz. Chỉ một chút nữa xe ông đâm sầm vào cái Mercedes bóng loáng đang bò trước mặt. Ông lặng lẽ thở dài. Uống hai mươi viên Seduxen, mà hôm nay tình trạng Hà tỉnh thế này thì không sợ nữa. Nhưng còn Cytotec? Nàng uống nhiều quá!

Đèn đỏ tắt. Đèn xanh bật sáng. Tất cả xe cộ rùng rùng chuyển động. Ông tự nhủ, phải tập trung tinh thần cho tay lái. Nghĩ thế, nhưng đầu óc ông không khỏi suy nghĩ về Ngân Hà. Người thầy thuốc đầy đầu sách vở nhớ ngay Cytotec là thuốc gì. Trước kia, người ta sử dụng nó để phòng bệnh loét dạ dày, khi phải uống thuốc chống đau khớp kéo dài. Liều lượng, chỉ một viên một lần, ngày bốn lần trong các bữa ăn. Về sau, chuyên khoa Sản dùng nó làm thuốc dãn mở cổ tử cung để nạo phá thai. Ngân Hà đã uống một lượng quá lớn! Một trăm viên Cytotec! Tức là có hai mươi nghìn miligam hoạt chất Misoprostol trong cơ thể nàng! Độc tính của loại thuốc này là ỉa chảy, tổn thương dạ dày – ruột, hoại tử tim từng ổ, hoại tử gan từng ổ, suy thận và suy sụp hệ thần kinh trung ương. Nó được xếp vào loại thuốc độc bảng B. Nguy hiểm! Nàng dễ lâm vào tình trạng suy đa phủ tạng.

Tác hại của thuốc còn phụ thuộc vào thời gian dài ngắn, từ lúc uống đến lúc được xử trí cấp cứu. Tim gan thận của Ngân Hà có bị hoại tử? Những vùng tổn thương ấy, trước mắt chưa đến mức nguy hại tính mạng. Được thế, nàng mới có thể ngồi bên ông lúc này. Nhưng do tác hại của thuốc độc, cơ thể sẽ suy sụp dần! Đến đoạn đường vắng, Khang tạt vào bên vỉa hè, Dừng hẳn xe, ông hỏi:

– Em uống Cytotec lúc mấy giờ? Và được rửa dạ dày sau đó bao lâu?

– Anh cứ tra khảo mãi thế! Em không còn sức nhớ được gì nữa đâu. Thoát chết là may lắm rồi. – Nàng cau mày, nhăn mặt và xẵng giọng. Nhưng rồi lại vỗ vỗ vào vai ông, nghẹn ngào.

– Vì sao Hữu Hào biết mà đưa em đi cấp cứu? Ta phải tính xem nên tiếp tục điều trị thế nào. – Xúc động, ông dịu dàng hơn.

Im lặng khá lâu, nàng nói, như từ nãy giờ vẫn đang nghẹn lời:

– Tình cờ, Hào đi đâu đó rẽ vào. Nó thấy em tinh thần lơ mơ, toàn thân run rẩy, đau bụng, khó thở. Nó cõng ngay em ra xe…

Ngân Hà đã mô tả đúng các triệu chứng của một người ngộ độc chất Misoprostol. Ông từ tốn bảo:

– Rửa dạ dày sớm thì tốt rồi. Còn lọc máu, người ta có loại bỏ được hết độc chất không? Trên thực nghiệm ở chuột, liều độc của Cytotec bắt đầu từ một nghìn sáu trăm miligam.

Ngân Hà thầm kêu trời. Một người đàn ông sắp về hưu mà vẫn minh mẫn đáng sợ! Đã nhiều năm rồi, Cytotec trở hành loại thuốc riêng của các bác sĩ sản khoa. Các chuyên khoa khác không ai nhớ làm gì. Các bác sĩ ngoại khoa càng không lưu tâm. Vậy mà, lão Khang vẫn thuộc làu tính chất, tác dụng, và liều độc của nó?

Rồi nàng nghĩ, trong hoàn cảnh này, lão Khang càng thông thái thì càng sợ hãi, càng hoảng… thì càng hay. Đã tin mình, lại hiểu sâu về thuốc, lão càng mất hết hồn vía! Ngân Hà vờ nói sang chuyện khác. Nhưng Khang lo lắng:

– Sao em ra viện sớm thế? Nằm điều trị thêm thì có hơn không?

– Họ bảo an toàn rồi. Bệnh nhân quá đông. Ai ổn định họ cho về ngay. Mà em sợ nằm thêm sẽ mất một khoản tiền lớn lắm!

– Để bảo đảm sức khỏe lâu dài, mình tiếc tiền sao được?

Nàng im lặng.

Khang ngạc nhiên. Bao giờ Ngân Hà cũng cẩn thận, chu đáo, cho những gì là quyền lợi của mình. Nàng không thể không ý thức về việc giữ gìn sức khoẻ bản thân. Ngân Hà đã có một khoản tiền lớn, gửi ngân hàng… Chưa kể cái trang trại đã bán cách đây ba năm ở gần ngã tư Hoà Lạc, nàng vừa thương thuyết lấy lại. Có tin mật báo từ nơi tin cậy nhất, vùng ấy sẽ được sáp nhập vào thủ đô Hà Nội. Con đường Láng – Hoà Lạc sẽ được mở rộng với nhiều làn xe. Giá đất, giá nhà ở gần nó sẽ tăng cao chót vót. Mấy chục năm hành nghề thầy thuốc tốn mồ hôi, sôi nước mắt, không bằng chỉ mất có ít nước bọt và công sức đi lại thương thuyết mấy ngày. Hơn nữa, nàng còn tiếp tục làm việc nhiều năm nữa. Ngoài công việc ở bệnh viện Hồng Phúc, nàng làm “kế hoạch hoá sinh đẻ” ở bệnh viện Vạn Xuân và nhiều cơ sở tư nhân khác. Tiền Hà thu của họ, nhiều ít, tùy mặt mỗi người. Nghĩa là thu nhập của Ngân Hà ngày một cao. Vậy mà, nàng tiếc tiền, cho việc bảo vệ sinh mạng chính mình?

– Thôi anh! Em có chết ở tuổi này cũng được rồi. – Giọng Hà như sắp phát khóc.

– Bậy nào! Anh đưa em trở lại nằm viện điều trị thêm ít ngày nữa, để tránh suy đa phủ tạng. – Khang quyết định.

– Không cần đâu! – Hà giẫy nẩy: – Em đã được lọc máu bằng cái máy lọc hiện đại nhất rồi. Nếu nguy hiểm, thì em ra viện sao được? Còn bước được vào trong xe của anh, tức là em không chết.

Ngân Hà đâm hoảng. Điều trị cái gì? Mình làm sao mà phải điều trị! Không thể để ông ta đưa mình tới bất kỳ một bệnh viện nào hết.

– Anh lo tác dụng độc hại lâu dài của Cytotec.

– Thì em đã lọc máu rồi. Máy lọc hiện đại, nên mất nhiều tiền. Mà ta phải tin tưởng vào kỹ thuật mới chứ? Hơn nữa, vợ chồng mình đều là bác sĩ. Theo dõi thêm ở nhà thì mấy ai bằng anh? Hơn lúc nào hết, bây giờ em mới cần anh phát huy cái trí tuệ hơn người của mình. Vào nằm viện đã tốn thời gian, tù túng, rất khổ, lại mất quá nhiều tiền. Tội gì!

– Đi cấp cứu, không kịp chuẩn bị. Thẻ bảo hiểm y tế không dùng được. Em lấy tiền đâu thanh toán viện phí?

– Hào trả cho em.

– Bao nhiêu?

– Hai nghìn rưởi USD. – Ngừng giây lát, Ngân Hà tiếp:

– Là em xin về ngay đấy. Nằm thêm như anh muốn, không biết sẽ phải là bao nhiêu? Chỉ mấy giờ cấp cứu ban đầu, đã mất đứt một số tiền lớn thế rồi đấy. Tiền đâu mà ném qua cửa sổ cơ chứ? Bệnh viện quốc tế trình độ cao, phục vụ tốt lắm, nhưng họ chém kinh khủng quá!

– Anh sẽ hoàn lại số tiền ấy cho Hữu Hào. – Khang nói, sau khi nhận ra Ngân Hà nhắc đi nhắc lại và nhấn mạnh số tiền viện phí. Ông không có tiền. Nhưng Ngân Hà hành động điên rồ như thế, vì ai!

* * *

Đèn đường bật sáng. Khang cho xe rẽ sang bên trái và đi tiếp. Cũng không còn xa khu chung cư Đại Phú Gia. Ông tăng ga, mong về sớm cho Hà nghỉ ngơi. Mà ông cũng đã rất mệt sau bao nhiêu chuyện với nàng và cả một ngày đứng mổ. Chợt máy điện thoại của Ngân Hà đổ chuông.

Nàng bật máy:

– A lô! Ai gọi? Tôi nghe.

– Thai phụ chị nạo lúc 9 giờ đêm hôm qua… – Khang nghe được từ máy Ngân Hà, giọng một phụ nữ hốt hoảng. Nàng vội tắt máy:

– Anh dừng xe lại vài phút.

Sau khi ra khỏi ô tô, và lùi xa về phía sau để nói chuyện, Ngân Hà trở lại:

– Cho em đến Hà Đông. Nhanh lên! – Chưa kịp quàng dây bảo hiểm, nàng đã giục.

Đây là phòng khám kế hoạch hóa gia đình số 30. Một dãy phố dài, liên tiếp những phòng khám phụ khoa, kín gần hết một đoạn dài hai mặt phố Phùng Hưng.

Ông tìm một ngõ vắng đỗ xe và ngồi chờ nàng.

* * *

Một mình trên ô tô, Khang suy nghĩ lại những gì chính ông vừa thấy. Chuông reo. Ngân Hà bật máy. Không biết ai gọi. Giọng phụ nữ rất rõ. Ngân Hà đã vô ý để volume ở mức tối đa. Có thể đó là người nữ hộ sinh, phụ tá của Hà? Vậy là đêm hôm qua nàng còn đi nạo phá thai vào lúc hai mốt giờ khuya. Nhanh nhất, phải hăm hai, hăm ba giờ hoặc hơn nàng mới có thể trở về nhà. Mà lúc gọi cho ông, là khi Hà nói mình đã được cấp cứu xong, lúc 2 giờ 10 phút sáng.

Tính ra, trong vòng hai ba giờ đồng hồ, làm sao đủ thời gian cho một cuộc tự tử bằng thuốc; cả thời gian dành cho việc xử trí cấp cứu ở bệnh viện; thời gian cho quãng đường nàng trở về nhà? Nàng uống; thì phải có thời gian thuốc ngấm; rồi Hữu Hào đến, phát hiện nàng có tình trạng ngộ độc; và nàng được chàng cõng đưa lên xe chở đi…

Và có đúng Hữu Hào đến chơi vào lúc nửa đêm? Rửa dạ dày mất nhiều thời gian. Lại truyền dịch, trợ tim, trợ sức… Nhất là việc lọc máu liên tục bằng cái máy siêu lọc NIKKISO hiện đại, cần một quy trình chu đáo? Sau nhiều thời gian lọc máu loại bỏ chất độc, bắt buộc bệnh nhân phải nằm lại bệnh viện, để theo dõi chức năng sống của các nội tạng. Không một bác sĩ nào dám cho bệnh nhân ra viện vội vàng, hấp tấp ngay sau khi chạy máy lọc máu như thế. Họ còn phải làm lại các xét nghiệm sinh hóa máu để kiểm tra kết quả điều trị. Phải tránh suy đa tạng, vì đó là một bệnh cảnh nặng nề. Họ cũng phải cảnh giác chứ?

Đã không có chuyện Ngân Hà tự tử. Khang kết luận. Mười năm qua, hàng chục lần nàng doạ ông. Bây giờ nhớ lại, ông mới ớ ra. Sao đầu óc mình tối tăm đến thế? Đàn bà làm ta mụ mị, đần độn, ngu si dốt nát mất rồi. Niềm tin đàn bà của ta ngây thơ thảm hại quá! Dù chỉ có một mình trong xe, ông vẫn nói to thành tiếng, như để gột sạch cái đầu óc đất sét mê muội của mình:

– Kịch. Chỉ là màn kịch!

Một màn kịch độc diễn. Ngân Hà quả là người có tư chất nghệ sĩ bẩm sinh. Một nghệ sĩ bậc thầy, với khả năng biên kịch, đạo diễn và diễn xuất tài ba, độc đáo. Nếu không có cú điện thoại của người nữ hộ sinh phụ tá…

Đàn bà! Văn đàn thế giới xưa và nay, người ta đã phải nói nhiều về họ. “Đàn bà hay nói dối, vì họ là đàn bà… Đàn bà là cái chảo của Ma Vương! Là con đẻ của sự kết hợp giữa ma và quỷ.” Khang đã đọc ở những đâu? Tất cả ùa ra trong trí nhớ ông, lộn xộn, nhưng rõ ràng. Những ai đã viết những câu văn ấy? Lúc này, Khang không thể nhớ ra. Nhưng chắc chắn có những câu chữ ấy in rành rọt ở trên mặt giấy. Cả thế giới này người ta đã đọc. Ông thấy họ nói đúng. Cả cụ Lev Tolstoi cũng còn sợ đàn bà kia mà. Chẳng thế mà Cụ bảo: “Về thể xác, người đàn bà chân thực hơn người đàn ông, nhưng ý nghĩ của họ thì gian trá hơn… Về đàn bà thì tôi sẽ nói sự thật khi nào tôi sắp về chầu trời. Nói xong, tôi nhảy tót vào quan tài đậy nắp lại…”

Có phải một lúc nào đó, mới chỉ nghĩ đến, Cụ đã thấy ghê sợ hay xấu hổ về đàn bà?

Mong rằng đó chỉ là những câu Cụ đùa?

* * *

Đàn bà, một trong những nguồn cội của bi kịch Trần Tử Khang.

Thời ông còn trẻ, Đặng Vũ Hoàng Anh bịa chuyện một cô gái yêu ông ở chiến trường, viết thư xin nàng nhường chồng!

Bây giờ, Ngô Thị Ngân Hà lại dựng lên màn kịch tự tử! Hà muốn gì? Để ông phải lo lắng, sợ hãi, đau khổ; để ông thương xót, chiều chuộng mình hay cốt để hành hạ cả thể xác và tinh thần ông? Hà còn “sáng tác” những gì khác nữa mà ông không biết?

Khi hai người đã rời bỏ nhau, ông được một “khán giả” của những buổi “biểu diễn” vở kịch Tự tử ấy kể lại tỉ mỉ. Lúc đó Khang mới thấy mình thật sự ngớ ngẩn, đã tin tưởng mọi điều từ miệng lưỡi nàng những mười năm trời. Tất cả những lời “trăng trối” não nuột, thều thào của một người sắp lìa bỏ trần thế: “Anh không còn em nữa đâu!”, Em đã ở xa lắm.”, “Em đi rồi, anh tự chăm sóc lấy mình anh nhé!”, “Muộn mất rồi, Anh ơi!”, “Vợ anh đang từ cõi chết trở về…” đều được nàng độc diễn, ngay trên giường ngủ của mình.

Ông lắc đầu, ngao ngán và ngậm ngùi cho số phận trớ trêu, hẩm hiu và cay đắng của mình. Ngay khi mới yêu Ngân Hà, ông không ảo tưởng tìm được một “đại gia khuê tú”, nhưng cũng đã tin Ngân Hà là một người được nuôi dưỡng và giáo dục tốt.

Ngân Hà dựng màn kịch ấy, vì hai ngàn rưỡi Dollar? Không! Nàng đâu thiếu tiền.

Với Đặng Vũ Hoàng Anh, Khang đã phẫn nộ, to tiếng, trước mặt cả bố mẹ nàng. Dù đó là những cán bộ cao cấp trong đảng. Từ bấy đến giờ, mấy chục năm qua, ông gặp bao nhiêu những con người xảo quyệt, gian manh, đủ loại và cũng đủ mức độ, không sao có sức mà phản kháng nữa! Mọi tế bào thần kinh trong ông đã bị tê liệt hay tính ông đã đằm đi rồi? Hứng chịu quá nhiều sấm sét cuộc đời, Khang đã trơ lỳ với những thói đời biển lận, xấu xa! Bây giờ, nghĩ về Hoàng Anh, ông lại có điều ân hận, là mình đã to tiếng mắng nàng. Giá như… ta cứ nhẹ nhàng mà ra đi; cứ dịu dàng mà vĩnh biệt; cứ lạnh lùng mà rũ bỏ, cũng có làm sao?

Không ngờ sắp nghỉ hưu, ông lại phải đối mặt với một sự gian trá khủng khiếp khác. Đó là màn kịch “Tự tử” này. Vở kịch được tác giả Ngô Thị Ngân Hà trình diễn và hoàn thiện dần. Sau một thời gian quá dài Khang mới nhận ra được!

Nhưng ở bệnh viện Hồng Phúc, Ngân Hà là người đầu tiên thông cảm với ông trong những ngày chân ướt chân ráo từ quân đội chuyển về. Lại có đến vài năm nàng gửi con đi học bán trú, để có thời gian gần gũi và chăm sóc nhau. Ông vẫn nhớ cái ơn ấy. Về nghề nghiệp, Hà cũng là người có ý chí và quyết tâm vươn lên; còn mình, ông đã giốc sức giúp nàng từ khi lóng ngóng đạt được kỹ năng mổ xẻ vững vàng.

Khang thật sự bối rối; tâm tư ông giằng xé chưa biết phải xử sự với Ngân Hà thế nào là đúng đắn nhất? Tình nghĩa ấy dù sao ông thấy cũng nhiều sâu nặng. Nhưng cái bàn tay thô bạo và tàn nhẫn của nàng đã giơ lên… đâu có thương xót gì cái khuôn mặt ông! Đời Trần Tử Khang thế là đã hai lần phải chiềng mặt ra cho những người đàn bà… Khang lắc đầu liên tiếp mấy lần rất mạnh. Như thể làm vậy thì ông rũ bỏ được khỏi đầu óc mình những nếp hằn in dấu hành vi nhục mạ ghê gớm ấy, giống như người ta muốn phủi đi con bọ róm hay thứ gì đó độc hại bỗng dưng bám dính vào mình!

Gặp chuyện khó xử lúc còn trẻ hay khi đã nhiều tuổi, Khang thường nghĩ đến ông nội. Thầy lang Trần Tử Khiên đã ứng xử đúng đắn, không hề nhầm lẫn như cháu, ngay cả khi cụ vấp phải những điều oan ức bức bách nhất trong thời kỳ giảm tô và cải cách ruộng đất. Càng nghĩ Khang càng đau xót.

Ngay bây giờ, ta vào cái phòng khám số 30 này. Chắc chắn gặp mặt bệnh nhân, người đàn bà nàng đã phá thai trong đêm diễn màn kịch tự tử. Ngân Hà vừa phải xử trí lại. Người bệnh vẫn còn nằm trong đó. Cả người nữ hộ sinh cũng là một nhân chứng hiển nhiên. Ta vào, sự việc trắng đen sẽ rõ ràng. Không! Cứ vào. Không. Ta phải vào. Không. Nếu mình làm vậy…? Khang đắn đo, rồi đi đến quyết định lờ đi, không dồn ép nàng.

Ông vòng xe sang đường và đi chậm lại.

Sau khi nháy máy gọi ông, Ngân Hà ra đứng đợi ở bên hè phố. Dáng điệu nàng mệt mỏi, nhưng bình thản. Bên cạnh Hà, người nữ hộ sinh nhiều tuổi hơn, đang cùng nhau trò chuyện thân mật. Chị giơ tay vẫy và cười rất tươi khi xe Khang từ từ đỗ lại. Nhìn hai người đàn bà dáng dấp thư nhàn, nhất là nụ cười của chị nữ hộ sinh, đủ biết bệnh nhân yên ổn. Thế là may mắn. Cả ba đều đã tai qua nạn khỏi. Chị ta đưa Ngân Hà đến tận cửa xe, cũng là để chào ông. Đúng giọng nói ông đã nghe được qua máy điện thoại của Ngân Hà cách đây hơn một giờ đồng hồ.

Khang cài số, hạ phanh tay và nhả côn cho xe bon đi. Ông không hỏi gì Ngân Hà về người thai phụ già hay trẻ, và nàng xử trí cầm máu cho người bệnh khó hay dễ như mọi lần. Ông chỉ nói nhỏ, nhưng rõ ràng:

– Bây giờ đã là tối thứ sáu. Đêm nay anh cần về Nghĩa Đô để thu xếp… Tuần sau, chắc đủ tiền cho em trả lại Hữu Hào.

Ông cố dấu kín những cảm xúc phức tạp, đau khổ, buồn chán và xấu hổ về nàng. Ông nhận thấy rất rõ, với Ngân Hà, trái tim mình bây giờ đập đã khô lạnh. Tự nhiên, ông bấm còi vang cả mặt đường, dù phía trước không có một người và xe nào cả.

Ngân Hà khó chịu về chuyện phải nằm một mình đêm nay, nên không nhận ra điều gì ở sự vụng về của ông. Mà nàng đang phải tập trung tinh thần thể hiện vai diễn của mình cho đạt. Nàng tự tin và vẫn nghĩ Trần Tử Khang “gà mờ”, một trí thức thông minh, tài năng, mà lừa quá dễ. Cho đến giờ phút này, lão vẫn tin mình tuyệt đối. Màn kịch hoàn hảo và thật sự là một tuyệt chiêu! Lão này vốn thẳng ruột ngựa. Có chuyện gì không bằng lòng giữa hai người, xưa nay, lão đều phun ra ngay tuốt tuột. Cho đến bây giờ, không thấy lão có phản ứng gì. Vậy là… ta đã thành công!

Trần Tử Khang thật sự là một lão xẩm.

Khang nhiều lúc phải “gồng” người lên để chịu đựng những điều xấu xa, không đâu không có; không khi nào không có. Dù biết rõ phải thu xếp cho Hà số tiền lớn như thế, mình sẽ lâm vào tình cảnh không hơn gì “chó cắn áo rách”; dù đã biết rõ bản chất, và nghĩ tới đây sẽ từ bỏ nàng, ông vẫn không muốn Ngân Hà phải chịu hổ thẹn. Ông không muốn nàng mất đi niềm kiêu hãnh về danh vị một trí thức được đào tạo bài bản, chính quy; một bác sĩ cao cấp, thạc sĩ, thầy thuốc ưu tú, phó bí thư đảng bộ, phó giám đốc bệnh viện Hồng Phúc; lại thêm cái “đẳng cấp cao”, “đẳng cấp quý tộc” mà vị giáo sư kia đã mớm cho và nàng thì ngộ nhận.

Nghe Khang nhắc đến việc đưa tiền trả Hữu Hào, Ngân Hà im lặng. Nàng trân trân nhìn về phía trước, mà cứ làm như mình phải khổ tâm nghĩ ngợi, băn khoăn, đắn đo, giằng xé ghê gớm lắm. Biết ông không có tích lũy, không có tiền, nên nàng thấy mình có phần nhẫn tâm là đã hành hạ và lột trần ông như thế. Nhưng đã đâm lao thì phải theo lao! Lão vẫn còn làm được; và nếu thiếu thì khó gì không hỏi xin con gái con rể được chút đỉnh. Chúng nó đều là tiến sĩ và làm việc ở Nhật thì thiếu gì dăm ba ngàn Đô!

Xe chạy đã được gần nửa đường về, Ngân Hà mới nói:

– Vâng! Bệnh nhân không nguy hiểm đâu, anh ạ. Tối hôm qua, chị ấy không biết mà lại làm liều, nạo để sót nhiều rau quá. Bệnh nhân mất máu khá nhiều. Nhưng bây giờ thì cầm rồi. Sống rồi.

Hà tiếp:

– Khi nào có tiền, em sẽ đi trả lại Hữu Hào. Vợ chồng mình không nên nợ nần ai bất cứ cái gì. Có phải không anh? Anh đi cùng với em nhé?

– Đồng ý! – Khang đáp gọn lỏn.

Ngân Hà đang nín thở chờ đợi. Nghe ông nói thế, trống ngực nàng đập thình thịch. Nàng không muốn phải lôi Hữu Hào vào màn kịch này. Nhưng rồi nàng cũng thở phào, hân hoan, vui sướng khi nghe Khang nói tiếp:

– Mà thôi, Hà cứ đi một mình cho tiện.

V.O.

Comments are closed.