Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 20)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Đã nhiều ngày đêm Khang mất ăn mất ngủ, mà chưa tìm được căn nguyên bệnh lý khiến sức khỏe của mẹ ông sa sút trầm trọng.

Ông tham khảo nhưng không bằng lòng với ý kiến của nhiều đồng nghiệp, đó là một tình trạng lão suy. Đúng là mẹ ông đã già. Theo cách chia tuổi làm ba bậc của người xưa, cụ vượt mốc thượng thọ đã mấy năm rồi. Tuy nhiên, phán ngay một chẩn đoán “lão suy”, lười nhác và dễ dãi quá! Chẳng cần công sức và trí tuệ gì. Ai cũng có thể nói như vậy. Khám lâm sàng và các thăm dò khác đều không thấy tổn thương hay rối loạn gì trong cơ thể mẹ. Chụp C.T. scanner và cộng hưởng từ: não bộ, tủy sống và nội tạng đều bình thường. Không thấy có tình trạng teo não, dù ít, như đại đa số người già ở tuổi của mẹ. Hình thể, cấu trúc cũng như chức năng của tim, phổi, gan, thận… cũng chưa thấy có những biến đổi theo hướng xấu đi. Chưa thấy những rối loạn bệnh lý. Có nghĩa là, trải hơn chín mươi năm, tất nhiên tuổi sinh học của mẹ không thể nói là chưa già, nhưng nó còn trẻ nhiều so với tuổi đời của mẹ. Như thế, lẽ ra mẹ còn khỏe mới phải. Vậy mà mẹ ăn uống kém hẳn, đi lại khó khăn, rồi cuối cùng đứng ngồi cũng không vững nữa. Những ngày đầu thấy mẹ ăn ít, Khang tưởng mẹ mắc chứng táo bón, khó tiêu… như đã từng qua loa thế thôi. Ông cho mẹ sử dụng ít thuốc nhuận tràng, vitamin và thuốc bổ. Từ tháng thứ hai, ngày ngày mẹ chỉ quanh quẩn trong phòng, lại đóng kín tất cả cửa sổ và cửa ra vào. Đèn cũng ít khi bật sáng. Khang bận việc ở bệnh viện, thường ngày vắng nhà. Mẹ vẫn biết con trai mình ngày đêm vất vả. Không muốn con phải lo lắng, mẹ bảo mình không sao cả. Nhưng ngày có ba bữa ăn, mẹ như không để ý nữa. Nếu không phải mổ, trưa nào ông cũng về qua nhà. Mẹ ăn được ít quá! Mẹ ăn thêm một chút nữa đi! Người già ăn chừng ấy thôi. Lúc con sắp về, mẹ đã ăn quà. No rồi. Mẹ nói vậy, là để con trai yên lòng. Với mẹ, ăn uống bây giờ đã là cả một sự nhiêu khê, phiền toái. Rồi mẹ nằm nhiều; lúc cần đi lại, phải chống gậy mà vẫn dò dẫm. Khi đó Khang mới cuống, buộc phải xin nghỉ phép năm. Các bác sĩ đủ các chuyên khoa tập trung khám, hội chẩn xác định bệnh cho mẹ. Riêng các giáo sư, bác sĩ tâm thần kinh hội chẩn hai lần, không thấy tổn thương. Một tuần nay rồi, lúc nào mẹ cũng nằm co gối, thu tay vào giữa bụng và quay mặt vào tường. Tư thế nằm gò lưng tôm và tránh ánh sáng, dấu hiệu của bệnh viêm não, màng não. Nhưng mọi khám xét hết sức đầy đủ và chu đáo, không thấy mẹ có bệnh não hay màng não gì cả.

Khang muốn nhưng mẹ không chịu nằm điều trị nội trú. Và cụ không muốn tiếp mọi cuộc thăm hỏi. Mẹ cũng không đồng ý để con trai báo tin về quê cho họ hàng nội ngoại. Cụ muốn mình được yên tĩnh. Mấy lần chịu đến bệnh viện để làm xét nghiệm, siêu âm, hội chẩn… là mẹ chiều lòng con trai.

* * *

Khang bàng hoàng khi nhận ra ngay chính ông, chính con trai duy nhất của mình, mẹ cũng không muốn chuyện trò với nữa. Cứ như người giận ngấm giận ngầm con không bằng! Mẹ thay tính, đổi nết, hết sức rõ rệt, lạ lùng, sau khi ông vắng nhà chỉ một tuần lễ. Mẹ sắp quy tiên ư? Chưa phải. Mỗi ngày mẹ vẫn ăn được một vài lưng cháo, cốc sữa. Ông còn truyền bổ xung cho mẹ dung dịch đạm, đường, muối, chất béo và các vitamin.

Như có điều gì dùng dằng, phân vân, lưỡng lự trong tâm tưởng; mẹ đang giấu kín chuyện gì? Ông cố suy trước nghĩ sau, nhưng không hiểu được. Khang tâm niệm, làm thế nào để chẩn đoán xác định bệnh, điều trị hiệu quả cho mẹ? Ông rất buồn thấy mình bế tắc. Ông biết mẹ khó chịu, khi phải dùng nhiều thứ thuốc. Nhưng ngày ngày, để con vui lòng, mẹ vẫn lặng lẽ nằm xuống giường, và giang cánh tay ra; mặc cho con tiêm chọc thế nào cũng được!

Chưa có những dấu hiệu có thể khiến trái tim mẹ ngừng đập và buồng phổi mẹ tắt thở. Cũng không hề có những triệu chứng cho thấy hệ thần kinh của mẹ đã có tổn thương. Suy đi xét lại nhiều lần, Khang vẫn kết luận như vậy.

Rồi, sau một đêm ngủ mê mệt, đầy mộng mị, ông mơ hồ nhận ra, có chuyện gì đó đã làm chấn thương tâm thần kinh của mẹ? Nếu không, mẹ không thể đột nhiên rơi vào trạng thái trầm cảm?

Ngay từ lần khám hội chẩn đầu tiên, rồi những lần sau nữa, các nhà tâm thần học hàng đầu thủ đô, đều không tìm thấy mẹ có những triệu chứng của căn bệnh tâm thần phân liệt.

Qua một cuộc hội chẩn trực tuyến, hai con ông nhờ các thầy thuốc ở xứ sở mặt trời mọc. Các bác sĩ Nhật Bản thảo luận mất khá thời gian, không ai thấy có tổn thương thực thể trong tất cả các dữ liệu. Có điều gì đó đáng ngờ, về một rối loạn thần kinh chức năng? Số đông cho rằng chưa đủ bằng cứ. Dù sao, đó cũng là một gợi ý quý báu.

Rối loạn thần kinh chức năng, sau một chấn thương tinh thần? Một stress nào đó gây ra những phản ứng mạnh và nặng nề về sinh hóa, nội tiết và tâm thần kinh, đã làm mẹ suy sụp toàn thân? Lúc đầu là tình trạng buồn bã, sao nhãng, chán ăn và rối loạn chức năng của hệ tiêu hoá. Dinh dưỡng kém, dẫn đến sự thiếu hụt, thoái giáng dở dang của các vòng chuyển hóa sinh học trong cơ thể? Và những biến loạn bệnh lý luẩn quẩn ấy ngày một tiến triển…

Chồng chết, khi cụ Kháng vừa mới qua tuổi hai lăm. Người thiếu phụ trẻ ruộng đồng mưa nắng, chăm sóc bố mẹ chồng, nuôi dạy con trai; lại cùng dân làng chống đỡ nhiều cuộc vây càn, cướp bóc, bắn giết… của đủ các loại giặc, thời thực dân Pháp chiếm đóng. Chưa hết, mẹ còn phải khéo léo cự tuyệt hàng chục người đàn ông, thương yêu thật lòng có, rắp tâm chiếm đoạt, làm hại làm nhục cũng có. Trong cải cách ruộng đất, tưởng mẹ đã phải tự treo cổ mình, bởi nhiều thế lực bên ngoại, cán bộ đội, cốt cán và bần cố áp chế, bắt phải tố điêu và ly khai nhà chồng… Biết bao khó khăn ập xuống trong những năm chống Mỹ. Con trai vừa tốt nghiệp đại học đã phải nhập ngũ; Khang lấy vợ rồi vào chiến trường. Thu hoạch ở hợp tác xã nông nghiệp ngày càng sa sút, thấp kém, tới mức chỉ còn một lạng thóc tươi cho một ngày công lao động. Ban quản trị cân đối lương thực cho các hộ xã viên, chỉ còn một cân rưỡi thóc cho mỗi nhân khẩu ăn trong mỗi tháng. Rồi bác sĩ Hoàng Anh, người con dâu kẻ chợ bỏ chồng bỏ con, đã làm mẹ ruột đau dao cắt… Về ở quê với bà, Ly Ly không hộ khẩu nên không được hợp tác xã cân đối lương thực. Khổ nhất cái đận mẹ phải nhắm mắt chiều con cháu, bán đi cái nơi ăn chốn ở và hương hỏa bao đời. Hai bà cháu ngu ngơ, lếch thếch kéo nhau ra thành phố xa lạ với một tâm tư ngổn ngang, đầy những day dứt, dằn vặt. Mẹ biết con trai mình bằng mọi giá cho việc học hành của đứa con gái độc nhất. Nó có năm có mười gì cho cam!. Thì mẹ cũng đành chịu lỗi với vong linh thầy nó và cao tằng tổ khảo của chi họ Trần Tử…

Vậy mà bây giờ, chuyện gì đã làm mẹ rơi vào tình trạng bệnh lý như hiện nay?

Kẻ nào đã tác động, đã tấn công, đã ám thị mẹ trong thời gian ông đi dự hội nghị quốc tế về tiết niệu ở Nha Trang? Một thế lực đen tối nào đã hạ gục mẹ? Một stress nào đó đã làm mẹ đi đến trạng thái tự kỷ này?

Hai bà cháu về thành phố Hà Nội khi mẹ đã cao tuổi. Cụ không có chuyện gì để gây thù chuốc oán với ai. Điều canh cánh khó chịu duy nhất, với mẹ, là người đàn bà xấu xa sinh ra đứa cháu nội mình cũng ở thủ đô. Nhưng dân phố xá đông đúc, không gặp mặt nhau thì chẳng can hệ gì. Họ hàng, bà con làng xóm quê hương ai cũng kính trọng, quí mến mẹ. Mấy tháng nay bận bịu mùa màng, không có ai ra chơi…

Ông đau đớn nhìn mẹ nằm thiêm thiếp, chìm đắm trên giường. Thân thể già nua ngày càng teo tóp đi! Hơi thở cụ cũng chỉ còn thoảng nhẹ. Lòng ông quặn thắt. Mẹ sống một đời trong sạch, tận tụy, nhưng vất vả. Mẹ đã gặp chuyện gì vậy? Mẹ cứ nói với con đi. Mấy ngày nay rồi, mẹ không nói năng gì cả. Con muốn hiểu được rõ ràng mọi chuyện, để giải quyết cho thật thỏa đáng. Để mẹ vui lòng. Để con không phải áy náy…

Con người, ai cũng mong được sống trọn đời thanh thản; không có gì để phải ân hận, day dứt, nhất là với cha mẹ ông bà.

Con đã vô tâm phạm cái lỗi gì đó với mẹ? Có đúng là con? Mẹ hãy nói cho con biết đi! Nếu con có tội, xin mẹ tha thứ! Mẹ hãy tha thứ mọi điều không phải, cho đứa con một đời côi cút. Là thằng Khang con.

Khang ứa nước mắt, khi phải nói những lời lẽ ấy với mẹ. Ông không dám nhiều lời.

Cụ Kháng trở mình ra ngoài. Cụ vẫn nhớ tay trái cần bất động vì đang phải truyền dịch. Cụ nhìn con trai khá lâu, như thể đã nhiều năm không được gặp. Lúc này, mẹ đang chìm đắm vào cảnh tượng gặp gỡ ông bà, cha mẹ, tổ tiên, làng xóm ruộng đồng… Sáng láng nhất vẫn là cái ngày thành thân với cha Khang. Mẹ cảm nhận rõ mình đang chuẩn bị đi xa, theo chồng, mà con trai vẫn như cái ngày nhỏ dại xưa, làm nũng, vòi vĩnh… Mẹ nắm lấy tay con khá chặt; lắc lắc cái đầu bạc trắng như cước; và từ hai khóe mắt già nua trào ra hai giọt lệ. Tiếng mẹ thoang thoảng:

– Nào con có lỗi gì đâu; tại mẹ mệt thôi mà!

* * *

Giời đất ơi! Con tôi, thằng Khang! Mẹ kêu thầm. Chỉ một mình, mẹ vẫn quay mặt vào tường. Mẹ không muốn nhìn ra phía ánh sáng. Thằng Khang, nó là tình yêu ngắn ngủi, mà cũng là duy nhất của vợ chồng tôi. Nó là đứa cháu đích tôn của ông bà thầy lang Trần Tử Khiên. Sinh thời các cụ đặt nhiều mong đợi ở cháu. Con tôi lớn lên không may gặp thời tao loạn. Cũng lại không may đắm đò trong chuyện vợ con. Tận bây giờ, mẹ biết, nó vẫn còn canh cánh… Cái con Hoàng Anh tráo trở, thay lòng đổi dạ. Sau khi bỏ con trai mẹ, chắc chắn đời nó chỉ có ngày một xấu một hèn và lụn bại đi thôi. Người như thế, chẳng bao giờ được tốt lành đâu. Chi họ nhà Trần Tử, bao đời nhân hậu, lương thiện. Vậy mà, phải chịu quá nhiều oan trái, thiệt thòi, rủi ro. Đúng là ông giời không có mắt! Cả quãng đời trẻ trai, con tôi phải sống biền biệt nơi rừng thiêng nước độc, lại ngay dưới hòn tên mũi đạn. Cái mong muốn đơn giản là vợ con yên ổn. Thế mà giữa đường đứt gánh! Hoà bình, giục giã mãi, nó cũng không chịu lấy vợ. Có lần mẹ đã bảo, con tiếc thương cô Hoàng Anh hay oán hận cái gia đình ấy đều là điều không phải. Bởi dù họ có xinh đẹp như tiên giáng trần, mà không chung tình; dù bố mẹ nó có là ông to bà lớn đến đâu, mà họ không đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cũng không ra cái giống người; không đáng để con phải ôm mãi cái tâm sự đau buồn. Một cái con đàn bà phố xá ấy đen bạc, một cái nhà ấy thất đức… Chứ còn ngàn vạn người con gái khác, gia đình khác? Có phải ai cũng tráo trở hèn hạ như thế cả đâu! Nếu để tâm để sức tìm kiếm, con vẫn có cơ gặp được một người tử tế.

Sống trong quân đội đang yên đang lành. Tội cho cái lòng con thương mẹ. Chân ướt chân ráo về thành phố, nó vấp ngay vào cái con bác sĩ Ngân Hà này… Cứ như thể quỷ ám, ma xui. Như thể nó đã ăn phải bùa mê, thuốc lú! Nó đã không hiểu được người đàn bà luôn luôn kiểm soát mọi việc làm ăn, đi lại của mình, luôn luôn to tiếng với mình là rất thiếu đức hạnh. Là lăng loàn! Là đành hanh đành hói. Người đàn bà không có cái nết, cũng không có cái duyên, lại thiếu hiền thục thì làm sao có thể mang lại cho nó niềm vui? Vợ hiền hoà nhà hướng nam. Dân ta, ai chẳng biết thế! Nhìn mặt mà bắt hình dong… Đành rằng chị ta mặt hoa da phấn đấy, nhưng tìm mãi cũng không thấy mảy may cái tư chất thảo hiền, cái thần thái tử tế, cái dáng dấp hiền thục, đoan trang. Con tôi học hành rõ nhiều, đọc sách rõ lắm, mà không thấu hiểu những điều đơn sơ, “lấy vợ kén tông”. Tự do hôn nhân… Thì vẫn phải suy xét. Trai gái tự tìm hiểu lấy người bạn trăm năm cho mình, càng phải ngẫm suy kỹ càng, càng phải để tâm để ý kén chọn. Mẹ thấy lạ quá. Làm sao nó lại ngã vào cái người đàn bà không được một vẻ dạng gì!

Cái con ấy dám đến… Như một cách áp đáo tại gia, chỉ mỗi một mục đích, nhổ vào mặt người đã đẻ ra bạn giai mình! Thật là một người đàn bà quỷ quyệt. Người có ăn có học đấy, bác sĩ mà vẫn là hạng sấp mặt!

* * *

Là cán bộ khoa học, nhưng lão Khang lại thích văn chương và nghệ thuật tạo hình. Một người như thế sao không đa tình? Ngân Hà càng nghĩ, càng ngờ, càng thêm khó chịu. Càng điên. Ngay bên cạnh mình, lão vẫn đực cái với cave đấy thôi! Con Tình nó không bắt gặp, mình làm sao biết được? Mà ngay trong phòng trưởng khoa, mới dê già cáo cụ chứ! Còn bao nhiêu con đàn bà cặn bã, rác rưởi khác đeo bám? Độc thân mà có tài lại chẳng lắm kẻ theo đuổi, thầm yêu, trộm nhớ! Vào Nha Trang lâu như thế? Không đi với gái có mà trời sập! Bây giờ, xó xỉnh nào cũng có gái làm tiền. Không hiểu ở đâu ra cái lũ bán trôn nuôi miệng nhiều quá thế? Dân nghèo thời buổi này làm gì cũng khó. Chỉ cái nghề ấy dễ dàng, không cần vốn liếng lại không bị nhà nước quản lý, đánh thuế. Tưởng chỉ có ở thành phố, không ngờ chúng nhan nhản ở cả những thị trấn nông thôn và miền núi heo hút, hẻo lánh. Mà hầu hết là gái nhà quê. Thấy bảo có cả nhiều cô gái dân tộc ít người đi bán cái cái vốn tự có.

Nha Trang, thành phố của những phong cảnh biển, đảo thơ mộng. Nắng choá, cát trắng, gió lộng dư thừa. Sơn hào hải vị đắt quý và các trò tiêu khiển hết biết trời đất! Khách du lịch quốc tế và trong nước, bốn mùa không khi nào vắng.

Ngân Hà bực bội, bứt rứt không yên. Cũng đã nhiều lần nàng nghĩ xấu về Khang khi ông đi vắng. Nàng gọi cho bạn cũ để gặp gỡ, giao lưu… Người bình dân ít học còn biết đến công bằng, bình đẳng, ông ăn chả bà ăn nem cơ mà?

Hà đã đến nhà ông nhiều lần; đôi khi đã ở lại ăn cơm để công khai mối quan hệ của mình với bác sĩ trưởng khoa. Một cách tuyên bố về “quyền sở hữu”, một cách “khoanh vùng lãnh thổ”. Một số loài thú hoang dã còn biết làm như thế, nữa là…

Cụ Kháng đã cắm nồi cơm. Thịt kho vẫn còn trong tủ lạnh. Rau mồng tơi, rau đay, mướp hương đã được ngâm kỹ và rửa sạch. Cụ mua ngay ở cái chợ cóc đầu ngõ.

Ngân Hà đến.

Cụ bỏ vội mọi thứ ở trong khu phụ và khép cánh cửa lại cẩn thận. Nếu không chị ta lại xồng xộc vào đó, như những lần anh Khang có nhà.

– Chị lại chơi. Anh Khang đi vắng mất rồi! – Hôm nay Ngân Hà chậm miệng. Cụ phải lên tiếng trước, và bụng nghĩ lạ về việc vãng lai của khách.

– Vâng! Con biết.

– Cụ bà nhà ta vẫn khỏe đấy chứ?

– Vâng, mợ con khỏe.

– Quý hóa quá! Chị cho tôi gửi lời thăm sức khỏe tới cụ nhà nhé!

– Vâng. Cảm ơn bà. – Im lặng. Rồi Hà tiếp: – Con xin lỗi! Con bận quá. Lâu lắm rồi không đến thăm bà được. Bà vẫn khỏe chứ ạ? – Mải với những ý nghĩ hậm hực về Khang và tính toán đến câu chuyện sắp nói với bà già, lúc này nàng mới thấy mình thất thố.

– Đa tạ chị hỏi thăm! Cánh già chúng tôi còn nhúc nhắc đi lại được, còn nhận ra mặt mũi khách khứa thế này, là khỏe.

Ngân Hà ngồi uống nhạt ấm trà. Khá lâu nàng không nói gì thêm. Cụ mẩm bụng, chắc nhà chị này có cái sự không hay? Cụ không biết nói chuyện gì với con người kẻ chợ đến nhà mình đường đột thế này? Mà sao nó lại đến đúng vào ngày anh Khang đi vắng? Nào có ai mời chị ta! Cụ ra chiều băn khoăn, nhưng vẫn cố nén lòng ngồi im chờ đợi.

– Bà ạ!

– Chị bảo gì tôi?

– Con muốn thưa với bà… mà ngại.

– Chị cứ đàng hoàng. Ta có cái gì xấu xa, không minh bạch đâu mà chị phải rào trước đón sau?

– Vâng! Con muốn nói với bà một chuyện rất buồn, rất đáng xấu hổ, rất khủng khiếp về anh Khang. Nhưng bà phải bình tĩnh, và phải hứa với con không nói lại với anh ấy, bà nhé.

– Sao lại có chuyện như thế được nhỉ?

– Không! Bà có hứa giữ kín, con mới dám nói.

Con mình đã có chuyện gì? Chuyện xấu gì đã xảy ra với con? Cụ đâm lo. Ngồi khá lâu không thấy Ngân Hà đổi ý, cụ đành phải lên tiếng:

– Được, thì tôi hứa!

– Bà hứa giữ kín chuyện nhé? Vậy là bà đã hứa rồi đấy. Bà hứa danh dự, chắc chắn, đinh đóng cột với con trăm phần trăm đấy. – Ngân Hà nhắc đi nhắc lại. Qua ông Khang và đã nhiều lần gặp gỡ, Ngân Hà biết tính cụ già. Chưa bao giờ cụ Kháng không giữ lời, một khi đã hứa.

– Tôi hứa! – Cụ nhắc lại. Có chuyện gì to tát của Khang, mà chị ta bắt ép mình phải hứa giữ kín?

– Bà ơi! Từ hơn mười năm nay…

– Chị bảo sao? – Cụ thấy khách ngập ngừng, hỏi lại.

– Con với anh Khang thật sự đã là vợ chồng. Ngay từ khi anh ấy về công tác ở bệnh viện Hồng Phúc đấy bà ạ. Tình nghĩa nhiều lắm. Con ăn ở hết lòng, hết dạ, như bát nước đầy. Con chung thủy…

– Chị bảo sao? – Cụ nghe mà thầm kêu giời, hỏi lại, cứ như mình nghe không rõ hay đã nghe nhầm:

– Vậy ư? – Không kịp và không biết phản ứng thế nào. Cụ muốn hỏi: “Mẹ con tôi đã cưới xin nhà chị bao giờ?”

– Vâng! Đúng là như thế. Vậy mà anh ấy đã phản bội con. – Ngân Hà ngừng lời. Nước mắt lưng tròng. Nàng khóc, nhưng sắc mặt không hề thay đổi. Nàng giỏi điều tiết tuyến lệ của mình, có thể hơn cả những siêu sao màn bạc. Người đàn bà trẻ vừa nói vừa chăm chú quan sát thái độ của bà già. Cụ hỏi:

– Chị bảo anh Khang phản bội nhà chị? Là phản bội làm sao? Tôi đã cưới hỏi chị cho con trai tôi bao giờ?

– Con bắt được quả tang anh ấy ngủ với gái làm tiền đấy! – Ngân Hà tảng lờ những lời đối đáp sắc sảo của cụ Kháng. Bà già nhà quê sắp xuống lỗ, mà cũng ghê gớm, đáo để!

– Chết chửa! Sao lại có chuyện như thế được nhỉ? Tôi nghe mà không thể tin. Tôi không tin!

– Con bắt được tận tay day tận trán lúc… đang úp mặt vào “chỗ bẩn” của cái con gái điếm!

– Giời đất ơi! – Người mẹ kêu lên, như bị chém.

– Rành rành giữa thanh thiên bạch nhật nhưng con không nói gì. Con cứ coi như không nhìn thấy. Con cứ giả mù, giả điếc, giả câm. Con đòi chia tay. Thế mà rồi phải quỳ xuống dưới chân con. Anh Khang ấy, đã phải quỳ dưới chân con. Bác sĩ Khang quỳ xin con tha thứ. Đàn ông sao lại đổ đốn, khốn khổ, hèn đớn như thế hả bà? Anh Khang ấy. Bà xem sức lực con dồi dào, mạnh mẽ thế này… Tuần nào chẳng gặp nhau. Con có để anh ấy thèm thuồng, đói khát gì đâu!

Mẹ nghe Ngân Hà sỉ nhục con trai, cũng thấy chính mình đã bị sỉ nhục. Cụ căm giận và uất lên tận cổ. Không chỉ thế, cụ choáng váng, đau đớn và xấu hổ. Một con đàn bà kẻ chợ lăng loàn, dám đến tận nhà, nhổ vào mặt mình. Một kẻ bất hảo đang trát cứt lên trán tượng phật! Con trai cụ từ nhỏ đã rất đường hoàng, tự trọng. Công lao sinh thành nuôi dạy mấy mươi năm của mẹ. Đức độ và trí tuệ của cả chi họ Trần Tử, hậu duệ của dòng họ Nhà Trần đấy chứ. Nó là con trai của ông Trần Tử Kháng, là cháu đích tôn của thầy lang Trần Tử Khiên cao tay hay chữ, trị bệnh nổi tiếng một vùng. Dù cho ông Kháng mất sớm, vẫn được làng xã tỏ lòng kính trọng mỗi khi nhắc tới. Khang là niềm kiêu hãnh của mẹ ngay từ khi nó còn học hành ở quê. Và mẹ đã vì nó mà sống! Bác sĩ Khang mà lại hèn, lại xấu như chị ta vừa nói? Cụ không tin. Nhưng cái con thần nanh đỏ mỏ này… mà con trai tôi đã chung đụng những mười năm rồi ư? Nơi quê mình có khối người con gái chưa chồng, duyên dáng, nhân hậu, chín chắn, mỏng mày hay hạt và tươi như hoa, chứ đâu như cái hạng mặt sứa gan lim này! Mẹ ưng, mẹ quý họ. Họ ăn ở biết điều và biết kính trọng những người già cả. Họ vất vả, cơ cực… nhưng thẳng thắn, trung hậu. Chính những người gian truân, đã từng dãi nắng dầm mưa mới thấu hiểu cái đạo lý làm người, mới biết thương yêu người. Có điều văn hóa họ không cao. Nhà nghèo không có điều kiện học hành… Mẹ đã bảo điều cần nhất ở người vợ là cái duyên, cái nết. Cái nết đánh chết cái đẹp. Và không phải vợ cứ phải là bà này, bà kia! Mẹ đã nhắc con chọn lấy một người ở quê, ngay sau ngày từ chiến trường miền Nam trở về. Con tôi đã vâng dạ, mà rồi lần lữa… Chắc thương con gái; ngại chuyện dì ghẻ con chồng? Ai chẳng biết mấy đời bánh đúc có xương… Nhưng cũng có nhiều người đức hạnh, nhân đức, khác câu ca cổ đó chứ? Có phải ai cũng cạn tàu ráo máng, xanh vỏ đỏ lòng như cái con Hoàng Anh cả đâu? Nó bỏ là bỏ cả bố lẫn con. Súc vật còn biết chăn dắt con nó, cho đến khi chúng biết tự kiếm lấy mồi rồi mới chạy theo con đực. Đằng này, nó như là người hẳn hoi, như là con nhà rất chi gia thế! Con trai tôi cứ ở một mình từ trẻ tới tận bây giờ. Tưởng hận về cái con ấy nên nó không muốn lấy ai nữa? Thế mà rồi… phải ai không phải, lại đi phải lòng phải bả cái loại ma quỷ hiện hình người này ư, hở Giời?

Nhưng đàn ông và đàn bà… ở thời nào cũng có nhiều sự lạ. Một khi họ đã say nhau, người ngoài khó mà hiểu được ngọn ngành. Mà anh Khang có thiết tha gắn bó với nhà chị ta thật không? Nếu có, nó đã nói với mẹ và đã cưới xin hẳn hoi rồi chứ! Đi lại với nhau, như chị ta nói, mười năm mà im hơi lặng tiếng như thế là cớ làm sao? Nếu đúng, thì thằng Khang nó không ưng rồi. Chắc chắn nó không muốn lấy chị ta làm vợ.

Con người sống đơn độc không lứa đôi, khổ lắm! Mẹ biết. Mẹ thuộc lớp người cổ, chịu được. Chứ các anh các chị bây giờ… Nhiều lần mẹ đã định bụng phải hỏi con về bác sĩ Hà xem thế nào? Nếu có dính líu thì phải cắt đứt ngay đi. Đùng một cái nó đi vắng. Đã không ít lần anh Khang to tiếng khi nói điện thoại với cái con ranh ma này. Là phải đeo máy nghe vào, vặn cỡ to lên, mẹ mới nghe được. Lại cả mấy bận đã nửa đêm chị ta hộc tốc tới đây. Nó cãi vã với anh Khang hàng giờ! Và hôm nay, nó lại áp đáo tại gia…

Cũng là bác sĩ mà nó dơ dáy, trơ tráo quá chừng! Mình chỉ chăn gối duy nhất với chồng một thời gian ngắn ngủi. Nhưng suy ra đủ biết. Ăn uống và ân ái là chuyện tự nhiên không ai đừng được. Lúc ấy, còn quên cả mình là ai, không còn biết mình là gì nữa ấy chứ! Lòng vả như lòng sung. Mà phải sống như thế mới đúng, mới thật với lòng mình, mới đúng là con người.

Đời mẹ gần trăm năm qua, lúc ông Trần Tử Kháng còn sống hay đã chết, mẹ vẫn tôn thờ chồng mình, kính cẩn, yêu thương, thành tâm hơn cả khi quỳ lạy đức phật hay tế lễ thần linh. Phật và thần thánh được mọi người sùng kính đêm ngày, mà nào có ai sờ mó được đâu! Thần thánh có hay không? Mẹ có nhìn thấy bao giờ? Dù đã nhiều người khăng khăng rằng có, mẹ vẫn chưa hề thực mục sở thị. Cũng không mường tượng ra thần thánh mắt ngang mũi dọc thế nào? Mẹ không tin. Chỉ có vợ chồng đầu gối tay ấp là thật! Có điều con người khác con vật, là không để ai thấy cái cảnh mình ăn nằm với nhau ra sao. Là phải giữ kín hoàn toàn câu chuyện cuồng si, mây bay, mưa đổ đó cho riêng mình. Là không bô bô cái lỗ mồm chuyện sâu kín đó với bất kỳ ai. Có kín đáo và nâng niu mới giữ được sự thiêng liêng, cao quý, tình nghĩa giữa vợ và chồng. Nói toạc móng heo, bóc trần chuyện ân ái như cái người đàn bà này, thì chỉ có là đồ dơ dáy, rác rưởi, chó ngựa. Phải thờ phụng những giờ phút xả thân quên mình vì người đàn ông của mình chứ? Suốt đời mẹ nhớ thương những giờ phút được ở bên chồng, như một điều thiêng liêng cao quý nhất. Sống để bụng, chết mang theo!

Ngược lại, người bác sĩ này lại đem chuyện tình ái của mình đốt ra gio bụi? Để bôi bẩn vào mặt mẹ người bạn tình! Chị ta làm như mẹ là người có lỗi! Nó muốn chửi mình đẻ ra mà không biết giữ thằng Khang cho nó đây? Không biết thế gian có mấy người đàn bà như nó? Giống như cái con Hoàng Anh, nó cũng bỏ chồng. Bọn này đâu phải thiện nhân, chỉ phường trốn chúa đích quân lộn chồng! Được mỗi cái cũng là bác sĩ. Cũng là những người làm việc cứu khốn, phò nguy. Nhưng với cái cung cách ăn ở sãi mõ như thế, cả hai con đàn bà này giỏi giang sao được? Con tôi rỗi hơi dạy bảo bọn ấy làm gì, cho phí công sức! Sau khi bỏ chồng, cái ngữ này… Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ một chồng thôi chứ? Vẫn biết nhân vô thập toàn, nhưng đàn bà mà sống lang chạ…? Thật dơ bẩn! Dơ dáy hơn cả những bãi phân bên đường! Ngày xưa ở làng quê mình, nhất định hạng người này là phải gọt đầu bôi vôi, đóng bè trôi sông.

Mẹ ngồi chết lặng, đau xót vô chừng. Cụ thấy mình đã bị con đàn bà quỷ tha ma bắt này hạ nhục! Mà nó có đến nhà, cũng là tại con mình. Người chơi với chó, chó liếm mặt! Người đời xưa nay, ai dám hỗn láo với mẹ bao giờ? Nay mẹ già quá rồi. Nói mấy câu đã thấy mệt, đã thở ra đằng tai rồi. Ngồi không thôi cũng đã tức ngực, khó thở. Sức đâu mà đối khẩu với người đàn bà lừng lững như một con gấu chó thế này! Mà đôi co lời qua tiếng lại thì hay hớm cái nỗi gì! Nghe Ngân Hà nói xong, nghĩ đến con trai và ông cha nhà mình, cụ quay mặt đi và chỉ muốn chui luôn xuống đất. Con đàn bà này muốn làm mình không còn mặt mũi nào nhìn mọi người nữa đây! Rồi ngày thằng Khang trở về, mẹ cũng khó nhìn mặt cả con trai nữa!

Con người trọn đời đường hoàng, bị sỉ nhục mà không còn sức chống cự, phản kháng… Hỏi có nên sống tiếp trên cõi đời này nữa không? Liệu ta còn có thể chiềng cái mặt ra với cả hai vầng nhật nguyệt?

* * *

Ngô Thị Ngân Hà đến.

Khang đang thay chai dịch truyền. Ông cũng đã đo lại thân nhiệt, huyết áp, bắt mạch, nghe tim phổi và đong lại để xem nước tiểu mẹ nhiều hay ít.

– Con chào bà! Chào anh!

– Chào Hà!- Khang đáp mà không quay ra phía khách, như đang gặp phải điều gì hệ trọng.

Ngân Hà đã mở túi xách tay lấy ra hai xấp tiền. Nàng đưa cho Khang từng xấp có băng giấy trắng nhỏ ở giữa, trên đó ghi rõ những con số:

– Em lĩnh cho anh tiền lương tháng, tiền bồi dưỡng phẫu thuật. Tiền làm ngoài giờ và tiền trực đêm, vẫn không thấy tài vụ đả động gì cả.

Còn đây là hộp sâm Triều Tiên nhập khẩu, em mua biếu bà. Hai lọ đạm này là của tổ công đoàn khoa gửi anh…

– Cảm ơn! Hà và mọi người làm người làm anh khó nghĩ đấy.

Khang miệng trả lời, tay nhận tiền mà dường như không để ý và cũng vẫn không quay ra phía khách. Ông đang đăm đăm nhìn vào chai dịch, dây truyền và cái thước mét treo bên cạnh nó. Áp lực tĩnh mạch của mẹ ông cao quá. Ông lo lắng và thất vọng sâu sắc. Vẫn còn nguyên sự bí ẩn của nguyên nhân căn bệnh. Các cơ quan chính bảo đảm sự sống của mẹ mới đây vẫn được xác định còn tốt. Ông đã rất cẩn trọng trong việc điều trị, mà thể trạng mẹ không khá lên chút nào. Chiều nay, mặc dù vẫn đang truyền dịch, huyết áp động mạch của mẹ lại hạ thấp dưới mức bình thường. Ông muốn đo huyết áp tĩnh mạch trung tâm, áp lực tĩnh mạch gần tim, để xác định tim mẹ có suy yếu đi không? Không có máy Claude Bernard, ông đành sử dụng ngay dây truyền dịch đặt cạnh cái thước mét treo thẳng đứng, như giáo sư Tôn Đức Lang, trưởng khoa Gây mê hồi sức bệnh viện Việt Đức vẫn làm lúc sinh thời. Nó cho ông con số gấp đôi bình thường. Tiếng tim mẹ đã yếu và nghe xa xăm hơn. Nói cách khác, tim mẹ đã bắt đầu suy yếu. Hậu quả là huyết áp động mạch giảm, huyết áp tĩnh mạch tăng cao và nước tiểu ít đi. Bệnh mẹ rõ ràng chuyển nặng!

– Bà ơi! Con bác sĩ Ngân Hà đây ạ. Bà khoẻ rồi phải không? Con biếu bà hộp sâm quý Triều Tiên. – Không thấy cụ Kháng đáp lại lời chào của mình lúc mới đến, Ngân Hà chào lại to giọng hơn.

Không chỉ lời chào, cụ nghe rõ đến cả từng bước chân đi vào của khách. Cụ vẫn đeo máy nghe ở tai. Mắt vẫn nhìn rõ từ ngày mổ thay thủy tinh thể. Nhưng cụ không quay nhìn và cũng không trả lời Ngân Hà.

Khang hiểu tính mẹ; cụ không bất nhã với bất cứ ai như thế bao giờ. Từ xưa, mỗi lời chào mời, mỗi câu thăm hỏi, cụ đều coi như một món nợ người. Phải đáp lễ chứ. Không trừ ai hết. Ngay cả với các cháu nhỏ. Vậy mà… với Ngân Hà hôm nay?

Dù đang truyền dịch, mẹ vẫn giơ tay kéo áo con trai. Khang thấy từ vẻ mặt già nua đến giọng nói của mẹ đều đanh lại:

– Con đưa khách ra khỏi đây ngay! – Nói rồi, mẹ đặt tay xuống như cũ và vẫn nhìn con mình không chớp. Đến bây giờ, thì mẹ không thể nhìn mặt cái con người ấy nữa. Nhưng mẹ vẫn giữ lời hứa, dù biết chắc mình sắp về với tổ tiên. Thôi thì số phận con giai đành phó mặc nó cho Giời! Còn dính líu với người đàn bà ấy là khổ nhục đấy con ơi! Cầu mong giời phật, tổ tiên, ông cha, anh Kháng phù hộ con trai mình tai qua nạn khỏi. Có thế, tôi mới nhắm mắt mà theo anh được. Mẹ cố tỏ rõ ý mình trong lúc tàn hơi để con tự hiểu. Con tôi vốn hiếu thảo và thông minh. Nhất định con sẽ nhận ra. Mẹ đành chịu tiếng bất nhã, không đúng với phép tắc nhà mình xưa nay!

Khang nín thở. Kim truyền dịch cho mẹ bằng nhựa nên không trệch ven. Đôi mắt người mẹ rực lên tỏ rõ một tinh thần cương quyết, một yêu cầu phải được con mình nghe lời. Từ thiếu thời, ông đã nghe mẹ nhắc, lời nói như dao chém đá!

– Vâng, con hiểu. Con hiểu rồi. Xin mẹ yên lòng!

Cổ nghẹn lại, Khang tái mặt như người chết lịm. Rõ rồi. Vậy là chỉ tại Ngân Hà. Ông ra hiệu bảo Ngân Hà ra phòng khách chờ mình. Và cố hết sức kiềm chế để giữ bình tĩnh. Ông bơm vào dây truyền cho mẹ thuốc trợ tim, thuốc lợi tiểu, an thần, vì đã nghĩ cần phải như thế.

Ngân Hà thấy Khang đang đau đớn bởi bệnh trạng bà mẹ chuyển nặng. Nàng thấy ân hận về những gì đã làm quá với bà già này và với anh ta. Nhưng bề ngoài Hà vẫn tảng lờ; xem như mình không nhận ra điều gì.

Khi hai người ngồi đối diện, ông cũng chỉ nói:

– Mấy ngay nay cụ khó tính hơn. Hình như mẹ anh không muốn nghe gì, và cũng không muốn chuyện trò với ai nữa.

– Em nhớ rồi. Giám đốc nói rằng tiền bồi dưỡng trực, tiền trả nhân viên làm ngoài giờ chưa giải quyết được, vì bệnh viện khó khăn với cơ chế hoạt động mới, phải tự quyết về tài chính. Là phó bí thư, phó giám đốc nhưng em không có trách nhiệm việc đó. Lương anh cao nhất, tuần hai ba buổi trực… hàng chục năm… Lại mổ đêm, làm ngoài giờ nhiều… – Giọng Ngân Hà làm ra vẻ không vừa lòng và đầy tiếc nuối.

Khang hiểu nàng nói về tiền để tránh chuyện về người ốm. Ông cũng không nói với Hà, bệnh của mẹ mình đang tiến triển xấu…

Nhớ những bước đường lưu lạc của Lam Khương. Cũng chưa quên ba cái tát và bi hài kịch tự tử của Ngân Hà… Nhất là chuyện mẹ đột ngột mắc bệnh. Lại chứng kiến thái độ giận dữ và khinh bỉ của mẹ khi thấy Ngân Hà đến nhà lúc này. Và vẻ mặt nàng, dù son phấn được trát rất kỹ vẫn đờ dại đi… Khang chợt hiểu ra tất cả.

Khang kinh hoàng; ông có cảm giác bất ngờ bị nàng đẩy xuống vực sâu. Ngay sau khoảnh khắc ghê rợn ấy, ông trấn tĩnh được và thấy mình hoàn toàn tỉnh táo. Ông không mắc chứng ảo giác và hoang tưởng. Đây là con người thật của Ngô Thị Ngân Hà. Ông nhìn sâu vào đôi mắt nàng, mà trước kia đã từng thấy nó rất đẹp. Miệng lưỡi Hà là nguyên nhân bệnh tình của mẹ. Ông cố tìm xem, trong đáy sâu của hai con mắt kia, có hay không, một chút của tình thương yêu và sự hối hận?

Trần Tử Khang lắc lắc mái đầu bạc trắng và nhìn Hà qua tròng kính viễn đổi mầu. Thoắt cái, thân xác người đàn bà thu nhỏ lại chỉ còn là một hạt bụi. Như ma quỷ trên màn ảnh, nó mất hút phía sau chân trời. Rồi chỉ giây lát, như từ vũ trụ mông lung, “hạt bụi” vùn vụt trở về. Nó to dần và hiện nguyên hình một người đàn bà lạ hoắc ngay trước mặt ông.

Người đàn bà nào đây? Một phụ nữ già sọm, mặt mũi méo mó, xấu xí! Người đã mang tình yêu của ông làm chuyện dối lừa. Nàng đã tạo ra một bi hài kịch tự tử. Cũng là kẻ đã đến tận nhà ông, ám thị, sỉ nhục, đánh đòn tinh thần người mẹ?

Người đàn bà ma quái này từ hành tinh khác tới? Ông vẫn nhận ra. Đó là người ông đã từng yêu, lâu lắm rồi, sau những rủi ro, đớn đau, sầu khổ của một kiếp sống xa xôi. Cũng là người ông đã dạy bảo, từ ngô nghê, thành một thầy thuốc vững vàng. Một bác sĩ nghèo, không sống được bằng lương, phải lăn lộn làm thêm đủ loại công việc tầm thường, đã trở nên giầu có với nghề. Vậy mà cái tâm không thiện bây giờ mới lộ hẳn ra!

Khang gắng suy nghĩ công bằng. Ông hiểu, từ sâu thẳm tâm hồn, Hà không muốn mình là thủ phạm của một cái chết, của một tội ác. Hơn nữa, đây lại là sinh mạng mẹ ông. Hà không ngờ câu chuyện nửa phần bặm trợn, nửa phần ích kỷ, thêm cái sự giả trá của mình lại tác động mạnh mẽ và sâu sắc với một bà già nhà quê ít chữ đến thế!

Khang vô cùng hận mà không căm thù. Ông lạnh nhạt ngồi giữa phòng khách, lơ đãng, thờ ơ, như căn phòng của mình tịnh vô không bóng dáng người.

Bệnh trạng của mẹ không hề thuyên giảm.

Ông lặng lẽ đứng dậy và trở lại phòng khách. Người đàn bà xa lạ nào đây, đến có việc gì và vì sao vẫn ngồi lỳ trên ghế?

Ngực Khang thắt lại. Nhưng lòng người con thương mẹ với nỗi xót xa khôn xiết cho số phận nghiệt ngã, muôn phần oan trái, cay đắng của gia đình mình đã lấn át nó. Ông không hề thấy thân thể mình có một nơi nào đau đớn.

Người đàn bà vẫn ngồi im lặng, hay bà ta có nói gì đó mà ông không nghe?

Ngơ ngác mấy mươi tích tắc, Khang bỗng thấy nhà cửa, người ngợm, bàn ghế, sách vở ở trước mặt mình xoay tròn. Ông không hốt hoảng, bởi thấy toàn trạng mình bình thường. Những gì đang rối loạn xung quanh, đều không phải từ ông. Trong cái đám hỗn độn, nhốn nháo, xoay đảo kia… ông thấy đủ mặt: Đặng Vũ Hoàng Anh, Ngô Thị Ngân Hà, Nguyễn Quý Thân, Bùi Cường, Lã Hồng Quân, Phạm Quang Thoảng, Lê Trịnh và có cả cái mặt Đinh Mãn Độ không râu, thâm xì thâm xịt. Thêm rất nhiều cái đầu đen, hoa dâm, bạc trắng, méo mó, lồi lõm; những đôi tai, cái vểnh, cái bẹp; những cái mũi sùi đỏ, tím đen, phổng tẹt dị thường. Và thấp thoáng những cặp mắt ốc nhồi, lươn, hiếng, toét, chột, không quen.

Đôi chân gầy guộc của mẹ đã mấp mé dòng sông Styx. Âm Phủ ở phía bên kia những sóng và bờ. Khang đang sải bước theo bà. Dưới sâu thẳm vô cực của cõi u minh bí ẩn kia, bỗng rực lên chứa chan một thứ ánh sáng vàng rực. Một đám đông từ trong thế giới kỳ ảo, u tịch, đang cùng nhau ung dung bước lên. Họ vừa đi vừa đàm đạo về những vấn đề cổ kim Đông Tây cao siêu, thâm thúy. Người nào cũng lộ rõ vẻ tâm đắc ở trên nét mặt. Khang nghe các cụ nói tới cuộc viếng thăm thầy Chu Văn An ở núi Phượng Hoàng. Rồi những chuyện nhức nhối xưa nay lay động, giằng xé, nhức nhối, băm bổ can tràng. Cụ Trần Tử Khiên lặng lẽ đi bên cụ Tuệ Tĩnh. Ông thần thuốc Nam chân bước mà tay vẫn lần tràng hạt. Cụ Hải Thượng thì giậm chân, xoắn râu, bứt tóc. Cụ Khiên giơ tay ra hiệu bảo Khang hãy trở lại nhà. Ông nội tỏ vẻ thương xót sâu sắc người con dâu thảo hiền và thấu hiểu nỗi đau của đứa cháu đích tôn đơn độc. Phía sau là bác sĩ anh hùng Phạm Ngọc Thạch, giáo sư Đặng Văn Chung, giáo sư Hồ Đắc Di, giáo sư Tôn Thất Tùng cùng người con trai tài năng trong khoa học mà hăng say hoạt động xã hội, viện sĩ, phó giáo sư bác sĩ Tôn Thất Bách. Chỉ mỗi ông Bách lấp lánh trên ngực cái huân chương Cành cọ hàn lâm của Cộng hòa Pháp. Mái tóc tuyết sương của giáo sư Tùng vẫn rất dày và dài chấm vai, không còn muối tiêu như ngày bác sĩ Ngạnh đưa Khang đến chào thầy xin học. Thầy vẫn có giọng nói cười âm vang và sôi nổi nhất. Thầy Tùng đang to tiếng, giận dữ, cứ như thể vừa bắt gặp một học trò mổ lỗi.

Trần Tử Khang mất hồn. Mẹ ông đang trôi rất nhanh qua phía bờ bên kia sóng nước của dòng sông ly biệt. Âm Phủ như một cái hố đen sau vụ nổ lớn trong vũ trụ với sức hút không gì cưỡng lại…

Trong dạt dào ngưỡng vọng và biết ơn các bậc thầy đáng kính; nỗi xót thương mẹ thêm dâng cao, khiến cho Trần Tử Khang, người thầy thuốc không một danh hiệu càng đau đớn hơn.

– Ối, các thầy ơi!

Tiếng khóc mẹ của ông sẽ rống lên; chắc làm chấn động đến cả thánh thần và các bậc danh y đạo cao đức trọng đang bước tới kia. Nhưng ông đã kìm nén lại; nó chỉ còn bật ra thành những tiếng kêu thầm.

Khởi thảo tại Hà Nội, ngày 20 / 6 / 2008

Bên sông Sài Gòn – Saigon Pearl, mùa hè và những tháng cuối năm 2011

Hoàn thành tại Hà Nội, xuân hạ 2013

V. O.

Comments are closed.