Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 4)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Ngô Thị Ngân Hà kém Trần Tử Khang đúng một giáp. Tuy đã nhờ và được anh dạy mổ, tức là tình nguyện làm học trò, nàng vẫn ngầm so sánh mình có nhiều cái hơn hẳn anh ta. Trước hết, là cái tuổi trẻ giàu sinh lực. Về phẩm giá gia đình, cha mẹ, anh em… người thành phố cái gì chẳng hơn? Sinh trưởng ở nhà quê tất nhiên lạc hậu, thiếu thốn, đói khát… Là trẻ con nông thôn làm sao Khang không lêu lổng, khăng đáo; làm sao thoát khỏi chăn trâu, đánh dậm, bắt ốc, mò cua, tắm sông, tắm ao và có lúc phải uống nước đồng? Chính anh ta nói hồi nhỏ luôn phải tản cư chạy giặc. Rồi mồ côi sớm, thất học, bơ vơ! Đặc biệt là Khang phải cắp sách qua nhà trường của cả hai chế độ cũ và mới, đứt đoạn, bập bõm, lôm côm…

Còn mình, bác sĩ Ngô Thị Ngân Hà từ trong bụng mẹ đã được hít thở bầu không khí thủ đô xã hội chủ nghĩa, tiên tiến, văn minh. Và cũng may mắn hơn, được học tập liên tục thuần trong một hệ thống giáo dục ưu việt. Năm nào mình chẳng đạt danh hiệu “Học sinh giỏi toàn diện” và “Cháu ngoan Bác Hồ”. Đặc biệt, mình được chọn lựa những hai lần, vào đoàn nhi đồng và đoàn thiếu niên thủ đô đến phủ Chủ tịch đón tết Trung thu. Trước Bác Hồ kính yêu, quan khách và các bạn, mình đọc thuộc lòng hết sức lưu loát “5 điều Bác Hồ dạy”. Ai cũng bảo mình có cái giọng vàng trong trẻo, thánh thót như tiếng sơn ca. Được Bác tươi cười xoa đầu và thơm má khen ngợi. Lần thứ hai hơn thế, cực kỳ xúc động; mình lớn rồi, cứ như nữ đồng trinh đứng hát thánh ca. Là liên đội trưởng thiếu niên tiền phong được chuyển thẳng đoàn viên. Lại cảm tình đảng từ khi còn đang học phổ thông…

Năm học cuối cấp ba, lớp mười, mình còn được dự kỳ thi học sinh giỏi văn thành phố. Các thầy cô ai cũng khuyên vào Khoa Văn đại học Tổng hợp, hoặc đại học Sư phạm. Để phát triển tài năng. Học sinh năng khiếu thời nào cũng hiếm.

Ngân Hà đã so sánh đúng. Tuổi thơ Trần Tử Khang, ngay cả khi đã trưởng thành, và suốt cuộc đời ông, đầy những biến cố, không may, mất mát, thiệt thòi…

Khi giặc Pháp chưa chiếm đóng quê nhà, thầy hương sư đã dạy nay bỏ mai, học trò lại đến lớp buổi đực buổi cái. Mọi người thảy lo giặc giã. Nhiều cuộc vây ráp, càn quét, đốt phá, bắn giết của quân xâm lược người Pháp, rồi lính ngụy quốc gia, hương dũng. Tuy thế năm nào thầy cũng cho Khang lên lớp, kiểu nhảy cóc khác hẳn bạn bè. Lúc mới tám tuổi, Khang đã học hết lớp nhất. Từ ngày đó, trường tan!

Rồi một hôm, mặt trời đang đứng bóng. Một chú bé chừng mười lăm, mười sáu tuổi xuất hiện đột ngột ngay trước cửa nhà. Chưa ai kịp thấy, Khang đã reo to:

– A, anh Quý! Anh Quý! Lâu lắm rồi sao anh Quý không đến?

Cả nhà sửng sốt. Chú liên lạc từng tới nhà nhiều lần, khi cha Khang còn sống. Hôm nay bỗng nhiên Quý tới, mà sao lại vào giờ này? Sống trong vùng địch chiếm đóng, một tiếng kêu to như Khang vừa xong, cũng như mọi chuyện ầm ỹ đều là cấm kỵ. Có người lạ đến nhà, không may Việt gian, mật thám, chỉ điểm hay lính đồn Nổ biết được đều rất dễ xảy ra những chuyện nguy hiểm.

Nhìn vẻ mặt tươi cười của Quý, ai cũng lạ. Ông nội Khang kéo Quý ngồi xuống cái phản ở gian giữa và hỏi nhỏ:

– Sao giữa ban ngày ban mặt, mà cháu dám liều?

– Ta thắng trận Điện Biên Phủ rồi, ông ạ. Cháu đi lúc nào cũng không sợ nữa. Có việc phải qua đây, cháu vào báo cho cả nhà mừng. Cháu có bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên đây này.

Quý vừa nói vừa vạch áo rút từ trong bụng mấy tờ giấy dó giắt ở cạp quần. Ai cũng thấy Quý lớn nhanh. Mới ngày nào cậu bé này còn tranh giành đồ chơi với Khang. Quý nói thêm:

– Hội nghị Giơ ne… đang họp. Nước ta sắp hòa bình hẳn rồi!

Chắc chắn hòa bình thật rồi! Vừa tin lời Quý vừa có bài thơ là bằng chứng, cả nhà mừng quá. Ông bà và mẹ Khang đều ngẩn ra, không ai kip bảo Quý ở lại để nấu cơm cho ăn như những lần trước.

– Giặc tan rồi! Bây giờ nhà mình có phải ăn cháo cũng vẫn cứ sướng!

Thầy Khiên quá phấn khích, hả hê, nói to giữa nhà. Bao lâu rồi cụ vẫn tâm niệm “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết” và khao khát một ngày hòa bình. Tin quân ta đánh thắng giặc Pháp, tin đất nước hòa bình vừa đến tận nhà, hỏi sao không khỏi vui mừng? Ông bảo, chắc chắn lũ giặc ở bốt Nổ, bốt Hỗ, bốt Đồng, cả Hà Nội, Hải Phòng… nếu chưa bị ta tiêu diệt thì cũng đã sợ rúm tứ túc, co cụm hay nằm chết gí cả rồi.

Đứng ngay giữa nhà, Khang cầm những tờ giấy dó Quý đưa cho và đọc to bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Nghe xong, ông nội tự đọc lại một lần nữa. Vẻ nghĩ ngợi, ông nói:

– Bài thơ ca ngợi những người anh hùng, bật lên được khí phách của cả dân tộc, cả đất nước. Như các cụ ta xưa đã từng thắng giặc Hán, Nguyên Mông, Minh, Thanh… Nhà ta, làng ta cũng có quyền tự hào về trận Điện Biên này. Không biết tác giả bài thơ, Tố Hữu sinh ra ở đâu và là người thế nào?

Bỗng bà nội và mẹ Khang cùng bật khóc to ở ngay bậu cửa. Ông nội buông khỏi tay mấy tờ giấy, đứng dậy, bước vội qua cái sân gạch tới sau bể nước. Ông ngồi bệt trên lớp lá khô, tựa lưng vào gốc cây mít lớn giữa vườn; gương mặt già trước tuổi nhăn nhúm lại. Khang nhặt lên những tờ giấy dó, hấp tấp chạy theo, rồi cũng từ từ ngồi xuống bên ông…

Nước mắt của thầy lang Khiên lặng lẽ nhỏ giọt theo những sợi râu dài bạc trắng… Nước mắt Khang cũng ràn rụa. Cả nhà cùng khóc cha Khang. Ông Trần Tử Kháng hy sinh trong một trận đánh tập kích quân Pháp trên đường số 5, từ ba năm trước; mộ phần vẫn ở quê người.

Một năm sau.

Một tốp người lạ đeo xắc cốt da Trung Quốc từ đâu đó về làng. Họ “phóng tay phát động quần chúng” làm ra cơn bão táp giảm tô giảm tức và cải cách ruộng đất.

Thóc nhà đã vét đến hạt cuối cùng, mà vẫn thiếu số lượng phải nộp. Cùng tám địa chủ khác trong cái xóm Chùa nhỏ bằng lòng bàn tay, gia đình thầy lang Khiên lăn lộn khắp chợ cùng quê, rã rời lùng sục hết mọi hang cùng ngõ hẻm đong thêm kỳ đủ nộp kho nhà nước, thực hiện chính sách giảm tô. Những bát cháo loãng ở nhà cũng không có nữa. Làng xóm không còn gì khả dĩ ăn sống người. Nông dân trong làng cũng đói nhưng không lâu, bởi chẳng những họ được lấy hết quả thực trong các nhà địa chủ, mà còn gặt hái, đào bới toàn bộ lúa, ngô, khoai, sắn… trên cánh đồng làng. Người ta cấm địa chủ thu hoạch những gì họ đã canh tác. Đương nhiên, những gia đình ấy phải chịu đói dài cho đến năm sau. Xã Khang, ngoài hai địa chủ bị tử hình, nhiều người khác chết đói, chết bệnh, chết treo… vì không có gì ăn, vì ốm không thuốc, vì lo sợ và cũng cả vì uất hận.

Ông bà nội đau và buồn. Mẹ con Khang sợ hãi, hốt hoảng, ngơ ngác.

– Nếu chị mang chung cái thành phần địa chủ với vợ chồng lão thầy lang, không chỉ cái thân xác chị, rồi chẳng những thằng Khang, mà sau này, các đời cháu chắt chút nữa, cũng sẽ bị nông dân mỗi năm hai lần đến nhà tịch thu của cải như thế. Cái nợ bần cố là phải trả mãi mãi, đời đời, kiếp kiếp. Địa chủ là bị dìm xuống bùn đen. Chị sống chết với bóng ma thằng Kháng và ở lỳ làm dâu nhà lão lang Khiên, thì con cháu đừng hòng cắp sách đến trường, đừng hòng ngóc cổ, ngóc đầu lên được!

Nghe những người làng, nhất là chị em ruột và họ hàng bên ngoại nói thế, mẹ Khang bàng hoàng mang con về ở với nhà ngoại. Làng xóm này đã có mấy người treo cổ chết.

Nông dân đấu tố thầy lang Trần Tử Khiên bóc lột họ và “trưng thu, trưng mua” tất cả tài sản vốn đã rất nghèo sau những cuộc cướp bóc, đốt phá chín năm của đủ loại giặc giã. Lại thêm kẻ cắp người làng, nhân những ngày gia đình thầy lang tản cư.

Sau những ngày đêm bị gông cùm, sau những trưa nắng tháng sáu cá chết trắng đồng, nông dân bắt vác cối đá đứng trên sân vôi, không nón mũ guốc dép, rồi bị chôn ngập cổ dưới mặt đất ruộng… để khảo của, ông bà nội Khang đều mắc chứng suy tim. Dao cầu, thuyền tán, tủ thuốc và sách chữ Nho bị quy là phương tiện bóc lột. Những gì không dùng được, họ đốt phá hết.

Không lâu, hai mẹ con Khang phải trở về chịu hai đám tang ông bà kề nhau và sống trong một cái xác nhà gần như trống không với mảnh vườn cây cối xơ xác, cằn cỗi.

… Thầy cô ở trường phổ thông cấp ba không thuyết phục được gia đình Ngân Hà.

Ông Ngô Văn Cân nói với cả nhà:

– Con Hà phải trở thành bác sĩ. Làm thầy thuốc đã đắc tài đắc lộc lại tạo ra được nhiều ân huệ. Cái nghề thuốc, tự nó gom ân tích đức, mà vẫn có một cuộc sống bảo đảm về lâu về dài.

Bà Kim Châu:

– Cả mấy anh chị em con đều chê cái nghề ấy. Chúng bảo, đã bẩn lại phải mất ngủ, trực đêm trực hôm… Té ra không đứa nào biết nhìn xa trông rộng. Thời buổi bây giờ khi già nua đau ốm nhờ đến y bác sĩ y tá người dưng là phải chịu quá nhiều phiền phức!

Tiếng là giỏi văn nhưng Ngân Hà chẳng có lòng đam mê gì. Hà ngoan ngoãn nghe theo bố mẹ.

Sáu năm ở Trường đại học y khoa Hà Nội, Ngân Hà vẫn là đối tượng đảng và mỗi năm đều được bình chọn là sinh viên tiên tiến, đoàn viên ưu tú. Nàng còn nổi trội thêm vì những bộ cánh đẹp, cái xe đạp Favorit màu xanh ngọc, giọng hát hay và có đôi mắt đen lúng liếng. Tối tối, chưa lật qua được mươi trang sách, nàng đã bận hẹn hò, tiếp khách và những hoạt động văn nghệ …

Ngân Hà được khá nhiều ân huệ của lãnh đạo bệnh viện Hồng Phúc: tăng lương trước thời hạn, phụ cấp độc hại, phụ cấp chuyên ngành, khen và thưởng… Tất cả, do nàng biết cách cư xử. Bùi Cường từ khi còn là phó giám đốc, một thời thân thiết, đã đưa nàng vào đảng. Cường thuyết phục các nhà lãnh đạo bệnh viện: Ngân Hà là một bác sĩ có y đức mẫu mực và là một ngôi sao văn hóa văn nghệ quần chúng.

Khi nào Hà cũng được lãnh đạo đánh giá là một người tiên phong trong các phong trào thi đua. Qua các kỳ hội diễn, Hà đều góp phần quan trọng mang về cho lãnh đạo nào cờ, nào bằng khen, giấy khen, nào các giải thưởng này nọ. Ban giám đốc bệnh viện Hồng Phúc luôn được cấp trên đánh giá là một tập thể lãnh đạo những là giỏi, là xuất sắc, là bốn tốt, là vững mạnh. Bệnh viện thì đoạt cờ thi đua và xếp hạng nhất bộ.

Như tất cả cán bộ y tế Việt Nam, ngực áo bên trái Ngân Hà lúc nào cũng đeo một tấm biển hình chữ nhật, in dòng chữ to đậm: “Thương yêu bệnh nhân như người ruột thịt!”

* * *

Sau ít ngày làm việc ở bệnh viện Hồng Phúc, Khang đã lầm. Sự lầm lẫn ấy gây cho ông biết bao đau đớn. Ngô Thị Ngân Hà là một phụ nữ đẹp, lại sinh trưởng trong một gia đình nề nếp, và được giáo dục không thể nói là không chu đáo, hoàn thiện.

Đó là người nữ thầy thuốc được đào tạo ngay sau phổ thông, trong đại học y khoa Hà Nội, thuộc hệ dài hạn 6 năm. Ngân Hà là sinh viên chính quy; học một chương trình chính quy. Trong lễ tốt nghiệp, nàng tự hào, hãnh diện, nghe người ta đánh giá về mình và các bạn: Đây là thế hệ thanh niên thời đại mới, vẻ vang, tiên tiến nhất; những người được rèn đúc theo một khuôn vàng thước ngọc, đã trở thành những con người ưu tú, toàn diện. Một tầng lớp trí thức mới xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên.

Khang biết, các bác sĩ tốt nghiệp dù từ hệ chính quy, hàm thụ hay chuyên tu, ở đâu cũng có người hành nghề giỏi và người chưa giỏi. Lại có người rất kém. Nếu làm việc ở các chuyên khoa thuộc hệ dao kéo, mổ xẻ, cần cả tri thức và kỹ thuật, bắt buộc họ phải đi học thêm. Sau đó, vẫn phải được các bác sĩ lâu năm có trình độ giỏi hơn kèm cặp. Thời gian dài ngắn cũng như kết quả hay dở, tốt xấu, tuỳ thuộc tư chất và ý chí mỗi người.

Khang cũng nhận ra kiến thức khoa học và khả năng thực hành của các bác sĩ ở ta chênh lệch, khó mà so sánh. Có tình trạng đó vì nền tảng cơ sở vật chất, truyền thống đào tạo, trình độ, cũng như phương pháp dạy và học? Có tới năm năm, các trường đại học nhận sinh viên không qua thi tuyển. Rất đông sinh viên chưa từng cầm đến bất kỳ một cuốn sách nào ngoài chương trình thầy cô dạy cho trong ba cấp học. Từ phổ thông bước lên đại học, lẽ ra họ phải tự học là cơ bản, tự nghiên cứu là chính. Vậy mà sinh viên không hề biết hoặc rất lơ mơ, về các phương pháp tư duy, phương pháp học tập hợp lý. Họ thiếu hiểu biết ngay cả vấn đề vệ sinh lao động trí óc, nói gì đến một tiến trình chi tiết, tỷ mỉ và phương pháp nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh!

Không chỉ có thế. Những năm tháng ấy, người ta còn dạy cho học sinh, sinh viên nhiều kiến thức nông cạn và sai lệch. Ví như những kỹ thuật thụ phấn, ghép chồi của nhà làm vườn Mitsurin và lý thuyết sinh học của Lưxenko viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô được đề cao quá mức. Người ta tán tụng, ca ngợi ông Lư ông Mít và tuyên truyền ầm ỹ rằng, gió Đông thổi bạt gió Tây; rằng chỉ các ông Mít, ông Lư mới là những nhà phát minh chân chính; chỉ các ông ấy mới là những nhà bác học vĩ đại. Học thuyết Mendel là siêu hình, là duy tâm, phản động!

Ngân Hà là bác sĩ chuyên khoa. Rồi tốt nghiệp cao học Sản Phụ. Danh nghĩa thế. Sau một thời gian không lâu làm việc cùng khoa, Khang ngạc nhiên, nàng đã học hành và được dạy thế nào, mà các thủ thuật chuyên khoa chỉ chập chững, còn kỹ năng mổ xẻ thì gần như bằng không!

* * *

Sau khi ly hôn Hoàng Anh, ngoài những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, Khang cạch mặt đàn bà… Thế mà bất chợt, như thể một trò đùa trớ trêu của số phận, anh bàng hoàng sau một nụ hôn, khi khuôn mặt hấp dẫn của Ngân Hà nghiêng đến quá gần. Thế là ông bị cuốn vào, bị hút vào, bị cột chặt lại với những ý định, những sở thích, những ham muốn nồng cháy, tràn trề… không khi nào lơi lỏng, không khi nào nguội lạnh, và cũng không bao giờ vơi cạn của người đàn bà! Nhiều khi ông muốn chống lại chính ông, cũng là cưỡng lại Ngân Hà đều không nổi.

Thật lạ, ở cái tuổi tri thiên mệnh…

Trần Tử Khang lại yêu! Mà hồn nhiên, nồng nàn. Dường như có lúc ông quên hẳn sự khắc nghiệt của thời gian, tuổi tác và không biết đến những ngang trái, phiền toái, rất đáng ngại… bởi một quá khứ lỡ dở buồn đau của cả hai người. Thời gian dài đằng đẵng, từ khi chia tay Đặng Vũ Hoàng Anh, tình cảm lứa đôi, lòng khát khao, ham muốn trong ông tưởng như đã tàn lụi hẳn. Không ngờ sức mạnh thể lực và tinh thần bấy lâu nó chỉ ngủ yên. Từ khi dính líu với Ngân Hà, tình yêu trong ông trỗi dậy mãnh liệt như cây cỏ với mùa xuân, như bão giông và dòng thác lũ. Ông đã có ý nghĩ nghiêm túc, mình sẽ cưới nàng.

Vậy mà không lâu sau ông phải thất vọng. Thật sự thất vọng. Lâu đài tình yêu trong ông, một lần nữa, lại đã sụp đổ.

… Điên tiết, nàng bấu sâu vào mạng mỡ và các khe sườn ông, như muốn móc tung ra tim phổi gan ruột! Rồi như võ sĩ, với ngực ông là cái bao cát vô tri; hai nắm đấm Hà giáng thình thịch… “Đồ phản bội! Đi trút cho cave, đổ vào gái đĩ hết rồi!”

Đã mấy ngày qua, ông vẫn còn đau.

Ham hố dữ dội là cơ địa của nàng? Trong lâm sàng và trên y văn, một số căn bệnh khó chữa hoặc chưa hiểu biết đầy đủ, các thầy thuốc thường gán cho chúng hai từ “cơ địa”. Cơ địa hen, cơ địa dị ứng, cơ địa đái tháo, cơ địa viêm tắc động tĩnh mạch… Chứng bệnh nào đã được áp đặt cho hai từ “cơ địa” kỳ lạ, mờ hồ, khó hiểu như khái niệm về “kinh lạc”, về “huyệt” trong y học phương Đông mà vẫn được chấp nhận ấy là không thể giải thích, là không còn đường nghiên cứu. “Cơ địa”, như một cái gì không thể với tới, không thể phanh phui, không thể tìm biết cho cùng! Nó đã tới ngưỡng, tới điểm dừng, là giới hạn của trí tuệ con người. Ngoài những căn bệnh cơ địa, còn có chứng cơ địa tình dục cuồng si? Cơ địa, tính chất riêng của mỗi cá thể ấy là gì và như thế nào? Một bất khả tri!

Cuộc sống chung chạ giữa đàn ông và đàn bà không hôn thú, không con cái, không cả nỗi lo toan vật chất, thì chỉ còn có mỗi chuyện sex, chỉ còn một trò chơi tình dục!

Nhưng bác sĩ Trần Tử Khang không thể chỉ dành riêng cho một người đàn bà. Biết bao người bệnh trông chờ vào trí tuệ và bàn tay ông.

Có lúc ông ao ước hết sức ngược đời. Nếu như không có chiến tranh, không đi sơ tán, không gặp Hoàng Anh? Thì ông đâu phải đau đớn chịu sự tráo trở, phản bội? Nếu không chuyển ngành về bệnh viện Hồng Phúc, không về sống ở Hà Nội, thì làm sao ông phải xót xa mắc vào ác nạn Ngô Thị Ngân Hà?

Nhưng với Hoàng Anh hay Ngân Hà, ông đều chủ động cả đấy chứ! Nếu từ những năm trẻ tuổi, gặp ngay được một người như Lam Khương thì quyển sách đời ông chắc đã có những trang khác hẳn. Trời bắt tội ông chăng? Có phải cuộc sống hạnh phúc hay đau khổ của con người đều do trời phật thánh thần, ngẫu nhiên, may rủi… Tất cả là do số phận?

Không thể có cái từ “nếu” ấy được. Con người tự làm khổ mình một cách mê muội. Và không phải là không tội lỗi, khi mình cũng lại là nguyên nhân của nỗi đau người khác!

Trần Lam Khương! Bây giờ em sống ra sao, nơi chân trời góc bể? Anh có tội. Vì đã đẩy em tới đoạn trường ấy! Anh chấp nhận mọi sự trừng phạt, nếu em không rộng lòng tha thứ!

Mối tình của Lam Khương với ông kéo dài hai năm tròn, mà không thể tiến tới hôn nhân. Khi đó, ông nghĩ mình cần đối xử tử tế với Ngân Hà. Con người, ai chẳng có lỗi! Người Phương Đông nói: Nhân vô thập toàn. Phương Tây cũng có câu: To err is human. Sai lầm là thường tình. Chung tình với Ngân Hà, Khang nghĩ, là việc chính đáng. Dù đã một đời chồng con và nhiều tuổi hơn, nhưng nàng đến trước Lam Khương. Và ông thật sự lo lắng cho cô gái trẻ. Nếu biết, Ngân Hà sẽ không ngần ngại gì mà không tung ra những chiêu thức tàn bạo.

*

* * *

Sáng thứ bảy.

Mặt trời chưa mọc.

Căn hộ 510 chung cư cao tầng A1, khu đô thị mới Đại Phú Gia. Nhà riêng của Ngô Thị Ngân Hà.

Từ cái ghế đặt trên mặt sàn, Trần Tử Khang buồn bã nhìn qua cửa sổ. Dưới đường lác đác có người đi lại. Những cây liễu, cậy phượng, cây sữa mới trồng trên dải cỏ nhỏ hẹp, lá cành sương ướt đầm đìa. Bên kia con đường nhựa, lại một vỉa hè lát gạch xi măng xám xịt, cũng những cây cối vừa mới bén rễ, cằn cỗi, là chung cư cao tầng khác. Tầm nhìn bị chặn đứng lại. Trên cao, xa hút một khoảng trời xanh nhỏ bé, thăm thẳm, vòi vọi.

Thu đã đi qua cả nửa mùa rồi.

Từ nhà tắm bước ra, Ngân Hà đầm đìa nước lạnh. Vẫn chưa thấy nguội đi dục vọng chứa chan nơi da thịt, sắc mặt và đôi mắt nàng. Tấm thảm hoa Thổ, nàng quý, ướt đẫm cả một mảng rộng. Hà không cẩu thả, bừa bãi như thế bao giờ. Lúc rỗi rãi, nàng vẫn cau có tìm nhặt những sợi tóc của ông rơi rụng đây đó.

Ngân Hà kéo cái khăn bông lớn trên giường, vừa lau chùi thân mình vừa nói chan chát:

– Mới đực cái với con đĩ nào?

Im lặng.

– Hả? Con chíp hôi Lam Khương, phải không? Hay đi cave? – Ngân Hà cứ nói thế, chứ nàng không hề biết chuyện ông và cô bác sĩ trẻ dan díu một thời. Hà cũng không biết Lam Khương đã rời xa tổ quốc những mấy năm rồi.

– Hà có cái vốn từ ngữ “tú khẩu cẩm tâm” phong phú và quý hiếm thế? Nghe hay quá nhỉ!

– Đầu đã bạc trắng thế kia mà còn thích xài gái cốm? Thì chỉ có cave. Lấy đâu ra con nhà tử tế! Đừng có mơ hão, con Lam Khương là bác sĩ trẻ lại xinh đẹp như thế, nó mà thèm yêu cái mặt già của ông! Chắc giờ nó đã chồng con đề huề? Ông đi đực cái với lũ bán trôn nuôi miệng, mang HIV, lậu, giang mai, trùng roi, nấm bệnh… về đổ cho tôi? Không xong với con này đâu!

– Tôi không đi với ai cả! – Khang dằn từng tiếng một. Ông không còn tâm trí và bình tĩnh để im lặng hoặc tìm những ngôn từ khác cho tế nhị và trong sáng hơn,

– Không đi với ai? Không đi với con bớp nào? – Nàng kéo dài từng tiếng: – Tôi hỏi, ông bảo không đi với ai? Thế vì sao đã một tuần rồi… mà nó rũ ra thảm hại như dảnh khoai nước phơi nắng thế? Ai còn lạ gì cái thời buổi bây giờ, khi có cơ hội, thằng cán bộ nào chẳng đi cave!

– Hà sàm sỡ mãi mà không ngượng à? Tôi già rồi! – Khang vẫn cố kiềm chế.

– Anh nói gì? Già rồi á? Là bác sĩ, nói thế mà cũng nghe được!

– Là gì thì tôi cũng chỉ là con người. Sức tôi cạn kiệt rồi. Cô hãy đi… – Ông xẵng giọng và quay mặt ra ngoài cửa sổ.

– Ái chà! – Hà kéo dài giọng. – Có thách không? Dám không? – Im lặng giây lát, Ngân Hà tiếp: – Không cần vẽ đường cho hươu chạy đâu nhé! Con này… – Nàng kịp dừng lại cụm từ “cũng không ngọng!” Và Hà cũng nhớ ra mình đang đối thoại với ai. Nói toạc móng heo… chẳng hay ho gì.

Biết cách tấn công đối thủ, để lấp liếm lỗi lầm và giành phần thắng. Người đàn bà nói:

– Anh lại muốn bỏ tôi, phải không?

– Tôi già rồi. Thưa đồng chí phó bí thư đảng bộ!

– Biết ngay mà! Anh đang tìm cớ, ngụy biện, mưu mô…? Tôi cũng đã tiên lượng… Tôi đã chẩn đoán ra những cái hốc đen đang thối rữa trong tim gan anh rồi! Vì mấy lần tôi nói đến việc đăng ký giá thú, anh chỉ im lặng. Tôi tưởng anh là trí thức, hiểu biết và chung thủy. Tôi cũng tưởng anh đang vướng chuyện chăm sóc mẹ già? Hóa ra, anh chỉ là một thằng đàn ông tầm thường, một gã mugích tồi tệ, nông cạn, nhỏ nhen, ích kỷ, ăn xổi ở thì!

– Tôi kiệt quệ rồi, xin cô!

– Anh vừa nói gì? Nói gì thì nói nhé. Tôi cấm anh không được gọi tôi bằng cô. – Hà thoáng sững sờ, rồi nàng toáng lên:

– Đã mấy lần tôi bảo rồi. Tôi ghét cay ghét đắng, tôi căm thù kẻ nào gọi tôi bằng cô! Cô gì? Cô lô cô lốc… á?

Một lần nữa, Ngân Hà lại kịp dừng, không đọc tiếp cho đến hết, những câu vè thô tục.

Đôi mắt nàng nảy lửa:

– Tôi cũng cấm anh không được nhắc đến đảng trong những câu chuyện gia đình. Đảng là đảng ở chỗ đảng, ở cơ quan, ở các hội nghị, ở các cuộc mít tinh… Đảng không ở trong cái giường ngủ của tôi. Đảng không nằm trong chăn màn chồng vợ. Tôi không mang đảng ra để hủ hóa! Tôi trúng đảng uỷ là do đại hội, các đảng viên bỏ phiếu tín nhiệm. Còn chuyện đàn ông đàn bà, chuyện chung đụng chăn chiếu chồng vợ là hoàn toàn riêng tư.

Ngừng lại như để lấy sức, Hà hạ giọng:

– Sao anh không nói mình già rồi ngay từ khi mới gặp nhau có phải là may cho tôi không?

Khang nhắm mắt lại. Ông hít một hơi thật sâu, cố loại bỏ cảm giác lờm lợm. Phó bí thư đảng bộ, đồng chí Ngô Thị Ngân Hà ơi! Tôi sợ đồng chí quá rồi!

– Biết mình già rồi, biết mình yếu rồi, biết mình sắp liệt dương… Là bác sĩ, thì phải tự lo, tự nghiên cứu mà chữa lấy chứ? Đàn ông có mỗi cái đó là biểu hiện sự sống, thể hiện phái mạnh, là đáng tự hào, là đáng cái mặt của một chí nhân quân tử. Cái “của nợ” mà hỏng? Là vứt! Là vứt! Nó liệt, là coi như xong đời. Là đi tong. Là sống bằng thừa! Là sống mà như đã chết! Hiểu không? Như chết! Đã chết! Như chết! Đã chết!

Khang xây xẩm vì những lời báng bổ của Hà. Lạ quá! Ông chưa biết nói gì hay không còn muốn nói? Ngân Hà điên rồi? Cái bản năng, cái con lợn lòng không được thỏa mãn; nó lồng lộn, gầm rít, gào thét… hung dữ đến thế kia ư!

Gần ba năm trời giao tiếp, ông chưa thấy Lam Khương sử dụng một từ sống sượng. Nàng không bao giờ to tiếng hay nói quá lời, ngay cả trong lúc ngồi nghe ông khăng khăng bỏ mình.

Ngân Hà tiếp:

– Mang tiếng là bác sĩ trưởng khoa! Không đáng… – Ngân Hà lại suýt buột miệng: “… xách dép cho thằng tài xế!” Khi hình ảnh anh Tài và khu rừng có con suối Khăm bật lên lồ lộ, rõ ràng từ cái hố sâu tiềm thức của mình: – Anh biết thị trường có bao nhiêu loại thuốc tăng cường khả năng… ? – Nàng định nói với ông, thật rõ ràng cụ thể, về các loại thuốc hỗ trợ hoạt động tình dục, các hóa dược tác dụng cương dương. Thuốc của Mỹ, Trung Quốc và của ta cũng tràn đầy. Rẻ bèo.

Nàng nguýt dài:

– Không có lẽ để con đàn bà này đeo mặt mo đi tìm mua thuốc cương dương!

Thật quá khủng khiếp!

Những lời nói tục, thô lỗ và bạo trợn… Ngân Hà đã tiếp thu từ những ngày đi buôn chuyến Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Lao cai, Hà Nội – Hồ Chí Minh, và cả trong những cuộc chạy mánh hay mua bán trao tay vặt vãnh ngay trên các phố xá, chợ búa, ngõ ngách thủ đô, với đủ loại hàng hoá xấu tốt, đủ hạng quan chức và thường dân sang hèn dưới cái thời bao cấp khó khăn.

* * *

Ngân Hà đang nằm sấp mặt giữa giường, hai chân duỗi thẳng và cánh tay dang rộng.

Suốt đêm cả hai không ngủ. Thất vọng và cuồng nộ… Sáng ra, Ngân Hà nuốt vội bốn viên thuốc an thần Seduxen và uống cạn cả cốc nước to đã hòa tan một viên giảm đau hạ nhiệt Efferalgan, rồi gieo mình xuống giường. Ông biết, nàng chỉ nhắm mắt không đấy thôi. Lại chồm lên ngay bây giờ cho mà xem.

Nàng uống hai loại thuốc ấy thường xuyên, lâu ngày, đến mức đã nhờn tác dụng. Không phải lý do ở thuốc. Không phải dược phẩm kém chất lượng. Cơ thể nàng đòi hỏi nó, với mức cao hơn rất nhiều so với mọi người. Liều gấp đôi dược thư như nàng vừa dùng chỉ mang lại một tác dụng giảm đau, chưa từng gây được giấc ngủ với nàng bao giờ.

Không gian bên ngoài thoáng đãng và trong sáng quá. Nhưng tâm tư ông rối bời, tăm tối, u buồn. Khang xót xa nhớ ông bà nội và cha mẹ mình. Các cụ mong đợi ở cháu con mình, một nghề nghiệp vững vàng và một gia đình riêng vuông tròn, đầm ấm. Vậy mà, sau nỗi đau Hoàng Anh, ông lại gặp quá nhiều rối rắm, về công việc ở bệnh viện và chuyện dính líu với người đàn bà đang nằm úp sấp mặt đây.

Vừa lúc Ngân Hà trở mình. Ông hỏi:

– Hà thức hay ngủ?

– Anh như thế, mà bảo tôi ngủ được à?

– Vậy Hà dậy đi!

– Làm gì?

– Ta nói chuyện.

– Chẳng có chuyện gì mà nói!

– Thì cứ ngồi dậy.

– Tôi nằm, tai có điếc đâu.

– Anh muốn nói chuyện nghiêm túc với Hà.

– Đây cũng không đùa!

– Vậy Hà ngồi dậy!

– Người gì lạ nhỉ! Có phải là cuộc giao ban hay đại hội chi bộ đâu? Đây là nhà riêng của tôi. Tôi lại vừa uống thuốc an thần, thuốc giảm đau. Nói gì, cứ nói. Tai tôi không thối, không điếc. Tâm thần kinh cũng chưa mê lú!

Khang thở dài, khá lâu sau mới lại nói:

– Cũng vẫn là chuyện cũ thôi. Chúng ta đã nhiều lần xướng lên…

– Cái gì? Anh vừa nói cái gì? Hả? Cái gì? – Ngân Hà bật dậy, chồm về phía ông, hỏi dồn.

Khang nhìn vào mắt Hà:

– Thời gian qua, chúng ta đã bộc lộ hết…

– Cái gì?

– Nhiều lần ta đã nói với nhau, về chuyện chia tay.

– Anh vẫn muốn bỏ nhau?

– Con người, ai cũng cần có một cuộc sống ổn định, êm ấm. Nhưng Hà thấy đấy, chúng ta không mang lại cho nhau điều gì mong đợi. Thời gian đã quá đủ…

– Thử nghĩ xem, có ai yêu thương anh bằng tôi không?

– Bản chất và cá tính của những người như chúng ta, đều đã định hình…

Ngân Hà ngồi phịch xuống mặt giường, im lặng. Khang lắc đầu:

– Hơn nữa, sức khỏe anh đã có những chuyển biến xấu.

– Thôi đi! Tôi thấy rõ cái tim đen anh rồi!

– Chưa bao giờ Hà bình tĩnh, để nhìn nhận cho rõ ràng, thấu đáo và công bằng về hai chúng ta? Chưa bao giờ Hà đánh giá đúng mình, đúng người. Hà chỉ giỏi to giọng, và thích nổi đóa. Ta không có gì gắn bó, ngoài chuyện quan hệ… Ràng buộc nhau mà làm gì?

– Sao anh không nói ngay từ đầu? Anh giữ rịt tôi hơn mười năm rồi; bây giờ, tôi lấy ai đây?

Hà ngừng lời, nước mắt rơm rớm:

– Có thằng đàn ông nào thèm ỏ ê đến tôi nữa chứ!

Nàng khóc, chớp nhoáng nước mắt chan hòa:

– Tôi căm thù anh! Tôi sẽ vĩnh biệt tất cả. Con Kim Thoa nó sẽ trả cho tôi cái hận ngất trời này. Mà con bé có yếu ớt, hiền lành, thì còn anh chị em và bạn bè tôi. Nhất định họ không để nguyên lành cái thân xác anh đâu!

V.O.

Comments are closed.