Thái Kế Toại
Một người bạn từng là tướng lĩnh rất cao cấp của ngành An ninh vừa gửi tặng tôi một cuốn sách trong tủ sách quý của anh. Anh bảo: Ông hãy đọc kỹ và rút ra được gì thì viết về nó để nhiều người cùng đọc.
Cuốn sách này tên là Xiềng xích và nơi trú ẩn của Jaruzelski do Nhà xuất bản Công an xuất bản năm 1997.
Jaruzelski là ai?
Ông này sinh năm 1923 tại Kurow ở phía đông nam Varsava trong một gia đình đại quý tộc lâu đời ở Ba Lan. Ông nội của ông từng tham gia phong trào giải phóng dân tộc chống lại Nga hoàng và từng bị lưu đày 12 năm tại Siberia. Bố ông là kỹ sư canh nông, di cư sang Litva nhưng năm 1941 khi Hồng quân Liên Xô chiếm Litva ông bị bắt đi cải tạo. Mẹ ông là người sùng đạo, sáng chủ nhật nào cũng đưa ông đến nhà thờ. Thuở bé ông theo học trường dòng ở địa phương.
Đầu tháng 5-1942 ông tham gia đội quân của những người yêu nước Ba Lan tại Liên Xô và phục vụ trong quân đội Ba Lan nhiều chục năm sau đó cho tới tháng 4-1968 thì trở thành Bộ trưởng Quốc phòng.
Ông là Tổng bí thư của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan từ 1981-1989, là nhà lãnh đạo cuối cùng của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan. Ông từng là Thủ tướng Ba Lan từ 1981 đến 1985, là người đứng đầu đất nước trong giai đoạn 1985 đến 1990. Jaruzelski trở thành Tổng thống đầu tiên của nước Ba Lan mới, tức Cộng hòa Ba Lan, từ tháng 7-1989. Tháng 12-1990 ông từ chức sau Hiệp định Bàn Tròn Ba Lan để tiến hành một cuộc bầu cử dân chủ ở Ba Lan. Sau đó Lech Wałęsa, Chủ tịch Công đoàn Đoàn kết, được bầu làm tổng thống thông qua bầu cử trực tiếp ở Ba Lan.
Có tư liệu nói rằng Jaruzelski là người chủ yếu chịu trách nhiệm cho việc áp đặt thiết quân luật ở Ba Lan vào 13 tháng 12 năm 1981, trong một nỗ lực nhằm đè bẹp phong trào ủng hộ dân chủ, trong đó bao gồm Công đoàn Đoàn kết, công đoàn đầu tiên tại một nước thuộc Khối Warszawa mà không bị kiểm soát bởi Đảng Cộng sản. Những năm sau đó, chính phủ của ông và lực lượng nội bộ đã bắt bớ và bỏ tù hàng ngàn nhà báo và nhà hoạt động đối lập. Cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội như là kết quả của việc phân phối các loại thực phẩm cơ bản gồm đường, sữa, thịt, cũng như các vật liệu như xăng và tiêu dùng sản phẩm, trong khi thu nhập trung bình của người dân đã giảm đi tới 40%. Trong thời gian cai trị của Jaruzelski 1981-1989, khoảng 700.000 người đã rời bỏ quê hương Ba Lan ra nước ngoài.
Nhưng xét về toàn cục lịch sử Ba Lan hiện đại, Jaruzelski là người lãnh đạo đã hoàn thành sứ mệnh chuyển đổi thành công thể chế chính trị Ba lan, từ thể chế xã hội chủ nghĩa sang thể chế dân chủ mà không gây ra sự đổ vỡ đáng tiếc nào. Một cách hết sức trung thực, ông đã viết lại tâm trạng của mình trong những thời khắc khó khăn nhất. Điều quan trọng là trong hàng chục, hàng trăm mối quan hệ chính trị rắc rối đối ngoại và đối nội, ông lúc nào cũng giữ được tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc Ba Lan và duy nhất chỉ có lợi ích Tổ quốc Ba Lan trên hết!
Để hiểu rõ công lao của Jaruzelski cần hiểu lịch sử nước Ba Lan.
Ba Lan (tiếng Ba Lan: Polska), tên chính thức là Cộng hòa Ba Lan (tiếng Ba Lan: Rzeczpospolita Polska), tiếp giáp với các nước Đức, Slovakia, Cộng hòa Séc, Ukraina, Belarus, Litva, Nga và biển Baltic; diện tích 312.696 km², dân số 38,5 triệu (2020) gần như thuần chủng người Ba Lan, đa phần (95%) theo Công giáo Rôma được truyền bá vào đây khi nhà nước Ba Lan đầu tiên hình thành vào thế kỷ thứ X,
Quốc gia Ba Lan được thành lập từ hơn 1.000 năm trước và đạt tới thời kỳ hoàng kim ở gần cuối thế kỷ XVI dưới thời Triều đại Jagiellonia, khi Ba Lan là một trong những nước lớn nhất, giàu nhất và mạnh nhất Châu Âu.
Năm 1791, hạ viện của Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva chấp nhận Hiến pháp mùng 3 tháng 5, hiến pháp hiện đại đầu tiên của châu Âu và thứ hai trên thế giới sau Hiến pháp Hoa Kỳ. Ngay sau đó, nước này dừng tồn tại sau khi bị phân chia bởi các nước láng giềng là Nga, Áo và Phổ. Ba Lan giành lại độc lập năm 1918 sau Chiến tranh thế giới thứ nhất với tư cách Nền Cộng hoà Ba Lan thứ hai. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai nước này trở thành một quốc gia vệ tinh đi theo chủ nghĩa cộng sản của Liên bang Xô viết với cái tên Cộng hòa Nhân dân Ba Lan. Năm 1989 cuộc bầu cử bán đa đảng đầu tiên tại Ba Lan thời hậu chiến đã chấm dứt cuộc đấu tranh của Công đoàn Đoàn kết (Solidarność) khi phong trào này đánh bại những người cầm quyền thuộc Đảng cộng sản Ba Lan. Nền Cộng hoà Ba Lan thứ ba hiện tại đã được thành lập vài năm sau khi một hiến pháp mới ra đời năm 1997. Năm 1999 Ba Lan gia nhập NATO, và năm 2004 tham gia vào Liên minh châu Âu.
Tiến trình dân chủ của Ba Lan đã có những sự kiện lớn
Tháng Mười Ba Lan
Còn gọi là Tháng Mười năm 1956, Giải đông Ba Lan là cải cách chính trị Ba Lan trong nửa sau năm 1956. Tuy ít mãnh liệt hơn Cách mạng Hung năm 1956, nhưng sự kiện này lại có ảnh hưởng sâu sắc hơn với Khối miền Đông và các nước vệ tinh của Liên Xô ở Trung, Đông Âu.
Ở Ba Lan, ngoài chỉ trích việc sùng bái cá nhân, các chủ đề tranh luận phổ biển xoay quanh quyền chọn phương thức độc lập đến “chủ nghĩa xã hội địa phương, bản quốc” thay vì theo mô hình Liên Xô đến từng chi tiết.
Ban thư ký Đảng quyết định bài diễn văn của Khrushchev nên được lưu hành rộng rãi ở Ba Lan. Cuối tháng 3 và đầu tháng 4, hàng ngàn cuộc họp Đảng tổ chức khắp nước, có Bộ Chính trị và Ban Thư ký tán thành, hàng chục ngàn người tham gia; kế hoạch của Ban thư ký thành công hơn mong đợi. Trong thời gian này, tình hình chính trị trong nước thay đổi, nhiều vấn đề tế nhị đem ra bàn luận bao gồm tính chính đáng của Đảng Cộng sản, trách nhiệm cho tội ác của Stalin, việc bắt giam Gomułka ngày càng phổ biến và các vấn đề trong quan hệ Liên Xô – Ba Lan như quân đội tiếp tục đóng doanh trại trong nước, Hiệp ước Molotov – Ribbentrop, Thảm sát Katyn và Khởi nghĩa Warszawa không được Liên Xô giúp đỡ. Người dân yêu cầu một Đại hội Đại biểu Đảng mới, vai trò lớn hơn cho Sejm và bảo đảm tự do cá nhân. Hoảng hốt nên Ban thư ký quyết định giữ bài diễn văn bí mật.
Tháng 6 năm 1956, ở Poznań có cuộc nổi loạn, công nhân biểu tình phản đối tình trạng thiếu lương thực và hàng dân dụng, nhà cửa tồi tàn, thu nhập giảm suất, quan hệ thương mại với Liên Xô và việc quản lý kém cỏi nền kinh tế. Chính phủ ban đầu gán các người biểu tình là “lũ khích động, phản cách mạng và đế quốc“, đã giết 57 người, hầu hết đều là người biểu tình, và làm bị thương, bắt giam hàng trăm người. Tuy lớn nhất, nhưng không chỉ có chuỗi biểu tình Poznań ở Ba Lan, mùa thu cùng năm biểu tình xã hội bắt đầu lại. Ngày 18 tháng 10, dân biểu tình phá hủy trụ sở dân quân và thiết bị chặn vô tuyến ở Bydgoszcz, ngày 10 tháng 12 một đám đông ở Szczecin tấn công các tòa công sở bao gồm một nhà tù, văn phòng viện kiểm sát và lãnh sứ quán Liên Xô. Nhân dân toàn quốc chỉ trích cảnh sát an ninh và yêu cầu giải tán ủy ban công an cùng trừng phạt các viên chức có tội nhất, vạch trần những người cộng tác với cảnh sát bí mật; nhiều người có nghi vấn bị tấn công thường xuyên. Ở nhiều địa phương, đám đông tụ tập ngoài trụ sở cảnh sát bí mật, hô hào khẩu hiệu thù địch và đập cửa sổ. Cuộc họp công khai, biểu tình và diển hành đường phố diễn ra ở hàng trăm thị trấn khắp Ba Lan, bình thường do đơn vị Đảng địa phương, chính quyền địa phương và công đoàn tổ chức, nhưng các nhà sắp xếp chính thức thường mất kiểm soát khi hoạt động chính trị vượt quá kế hoạch ban đầu. Các đám đông thường làm những hành vi cực đoan trong nhiều trường hợp dẫn đến hỗn loạn trên đường phố và xung đột với cảnh sát cùng các cơ quan chấp pháp khác.
Chủ nghĩa dân tộc là nền tảng của động viên quần chúng và chỉ đạo các cuộc tụ tập công khai, người tham gia hát quốc gia và các bài ca yêu nước khác, yêu cầu quân phục truyền thống, trả đại bàng trắng cho quốc kỳ và công kích sự phụ thuộc Liên Xô và quân đội Liên Xô của Ba Lan; người dân yêu cầu trả lại lãnh thổ phía đông, lời giải thích cho thảm sát Katyn và loại bỏ tiếng Nga khỏi khóa trình giáo dục. Trong mười ngày cuối cùng của tháng 10, các đài kỷ niệm Hồng quân bị dân Ba Lan tấn công: sao đỏ bị kéo xuống từ mái nhà, nhà máy và trường học; cờ đỏ bị phá hủy; và chân dung Konstantin Rokossovsky là viên chỉ huy phụ trách chiến dịch đẩy quân Đức khỏi Ba Lan bị xuyên tạc. Có các nỗ lực phá vào nhà công dân Liên Xô chủ yếu ở Hạ Silesia, là cơ sở của quân Liên Xô.
Tuy nhiên, khác với giới biểu tình ở Hung và Poznań, các nhà hoạt động Ba Lan hạn chế các yêu cầu và hoạt động chính trị không đơn thuần phản cộng và chính thể cộng sản. So với tháng 6, chính quyền cộng sản không bị thách thức công khai, thẳng thừng và các khẩu hiệu phản cộng trong cuộc nổi loạn tháng 6 như “Chúng tôi muốn bầu cử tự do”, “Đả đảo chuyên chính cộng sản” hay “Đả đảo Đảng” ít hơn nhiều; các ủy ban Đảng không bị tấn công.
Trong các bài diễn văn công khai, Tổng bí thư Gomułka chỉ trích khó khăn của chủ nghĩa Stalin và hứa hẹn cải cách để dân chủ hóa đất nước, được xã hội Ba Lan hăng hái đón nhận. Giữa tháng 11, Gomułka đã giành được quyền lợi đáng kể trong khi đàm phán với Liên Xô: hủy nợ đang có của Ba Lan, các điều kiện mậu dịch ưu đãi, từ bỏ tập thể hóa nông nghiệp Ba Lan không phổ biến, do Liên Xô áp đặt và cho phép chính sách tự do hóa với Hội Công giáo La Mã.
Tháng 12, địa vị của Bộ đội phương Bắc là quân Liên Xô ở Ba Lan cuối cùng được cố định. Sau các sự kiện tháng 10, Rokossovsky cùng nhiều “cố vấn” Liên Xô khác rời Ba Lan, báo hiệu Nga sẵn sàng cho cộng sản Ba Lan được độc lập hơn chút. Chính quyền Ba Lan rửa tội nhiều nạn nhân thời kỳ Stalin, nhiều tù nhân chính trị khác được thả, bao gồm hồng y Stefan Wyszyński. Cuộc bầu cử lập pháp năm 1957 tự do hơn năm 1952 nhiều, tuy vẫn không coi là tự do theo các tiêu chuẩn phương Tây.
Xã hội Ba Lan được tự do hơn (ví dụ, các thành tựu của Trường Điện ảnh Ba Lan và phim như Tro tàn và Kim cương) và xã hội dân sự bắt đầu phát triển, nhưng quá trình dân chủ hóa nửa chừng không đủ thỏa mãn công chúng. Khi Khủng hoảng chính trị tháng 3 năm 1968 xảy ra, Giải đông Gomułka đã kết thúc từ lâu, và các vấn đề kinh tế gia tăng cùng bất bình đại chúng sau cùng phế truất Gomułka năm 1970, trớ trêu thay trong tình hình tương tự với các cuộc biểu tình đã cho ông lên nắm quyền.
Cuộc thiết quân luật ngày 13-12-1981
Vào thời điểm này, nền kinh tế đất nước đã ở trong tình trạng hấp hối và Ba Lan đang đứng trước bờ vực nạn đói. Lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết Lech Wałęsa yêu cầu chính phủ tổ chức trưng cầu dân ý về việc thay đổi chính quyền và bầu cử toàn quốc vào Sejm. Ngày 12 tháng 12, các nhà lãnh đạo của Công đoàn Đoàn kết đã thông qua nghị quyết về cuộc tổng đình công trong trường hợp bị cấm hoạt động công đoàn.
Ngày 13 tháng 12 năm 1981, Jaruzelski ban hành thiết quân luật, kéo dài đến tháng 7 năm 1983. Trong những ngày đầu tiên thiết quân luật, hơn 3 nghìn nhà hoạt động đối lập hàng đầu đã bị bắt và đưa vào các trung tâm giam giữ. Đến cuối năm 1981, số người bị giam giữ lên đến 5128 người. Trong suốt thời kỳ thiết quân luật, 9736 người đã bị giam giữ (396 người không thể xác định). Rất ít lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết kịp chuyển sang hoạt động bí mật. Trong số đó có Zbigniew Bujak, Władysław Frasyniuk, Bogdan Lis. Ngoài ra, 37 cựu lãnh đạo đảng và nhà nước cũng bị giam giữ, trong đó có cựu Bí thư thứ nhất Đảng Công nhân Thống nhất Edward Gierek, cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Piotr Jaroszewicz và Edward Babiuch. Mặt trận Đoàn kết Quốc gia bị giải tán, các chức năng của nó được chuyển giao cho các ủy ban dân sự về cứu quốc. Trong thời kỳ thiết quân luật 1981-1983, hơn 100 nhà hoạt động đối lập Ba Lan đã thiệt mạng (thường nói đến 115 trường hợp được xác nhận bằng tài liệu). Trong 88 trường hợp, sự tham gia bởi các lực lượng an ninh Cộng hòa Nhân dân Ba Lan được công nhận. Nổi tiếng nhất là vụ bắt cóc và giết hại cha tuyên úy Công đoàn Đoàn kết Jerzy Popiełuszko bởi nhóm đặc nhiệm của Đại úy Piotrowski. Công đoàn Đoàn kết dưới sự lãnh đạo Ủy ban Điều phối Lâm thời đã tiến hành cuộc đấu tranh ngầm, và các nhóm kháng chiến cấp tiến hơn đã xuất hiện. Vào mùa xuân và mùa hè năm 1982, các cuộc biểu tình hàng loạt đã diễn ra tại các thành phố của Ba Lan.
Năm 1982, một số cải cách đã được thực hiện – Tòa án Nhà nước, Viện Kiểm toán Tối cao, chức vụ tỉnh trưởng và thị trưởng đã được khôi phục, Tòa án Hiến pháp và chức vụ Thanh tra Nhân quyền đã được thành lập, thay thế Mặt trận Đoàn kết Dân tộc bằng Phong trào Yêu nước Phục hưng Quốc gia, và năm 1983 thiết quân luật đã được bãi bỏ.
Những vấn đề của cá nhân Jaruzelski đã giải quyết:
1. Quan hệ giữa Tổ quốc và Đảng Cộng sản Ba Lan
Ngày 24-6-1947 Jaruzelski vào Đảng Công nhân Ba Lan. Ông đã chiến đấu vì nó rồi trở thành Thủ tướng 1981, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước 1985, Tổng Bí thư của Đảng Công nhân Liên đoàn Ba Lan 1981, Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Ba Lan 1989. Tháng 7-1989 ông từ chức Tổng Bí thư. Tháng 1-1990 Đảng Công nhân Liên đoàn Ba Lan tự giải tán.
Trong mối quan hệ này ông coi lợi ích của Tổ quốc là trên hết, cao hơn cả lợi ích của Đảng mà ông là người đứng đầu. Ông nhận thấy rõ những bất hợp lý nảy sinh trong Đảng. Nhận thức về cái gọi là giai đoạn chủ nghĩa xã hội ông viết lại ý tưởng của Các Mác khi viết những câu đầu tiên trong Tuyên ngôn Cộng sản:
“Chủ nghĩa xã hội không xuất hiện ở Tây Tạng, cũng không ra đời trên các bờ sông Amazon. Nó là công trình của những đầu óc khai sáng ở Tây Âu, nó sinh ra bên bờ sông Rhine và ở Paris, ở Geneva và ở Luân Đôn. Nhưng dưới hình thức nhà nước của nó, nó đã ra đời như một đứa trẻ mắc chứng bệnh nan y: Trong một nước mà từ nhiều thế kỷ, chưa bao giờ biết chế độ pháp luật, trong những con người khốn khổ, mù chữ, không có gì hết. Nó đã vứt bỏ ngay ngay lập tức các kỹ thuật dân chủ đã được thử thách trong hàng thế kỷ ở Islande, ở những người dân Thụy Sĩ hoặc là trong các đô thị thuộc liên minh các thành phố thuộc miền Tây Bắc nước Đức. Đó là tội tổ tông của nó. Đồng thời cũng là sự què quặt di truyền của nó và là sự báo trước thất bại của nó”
“Ngày nay tôi nói ra điều đó với một lòng tin tưởng vững vàng sâu sắc, vì tôi nghĩ rằng đó chính là hạn chế dân chủ và sự độc quyền về quyền lực, những nguyên nhân trực tiếp của những bất hạnh của chúng ta.” (trang 240)
Ông nhận thấy sự suy thoái của Đảng:
“Quyền hành thật sự không nằm tại trụ sở chính phủ mà tại Ban Chấp hành Trung ương. Những quyết định cơ bản không được bàn ở Hội đồng Bộ trưởng mà ở Bộ Chính trị. Quốc hội, phần lớn thời gian chỉ có nhiệm vụ chuyển nhận những quyết định của Đảng. Những Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng quyền lực cao hơn các Bộ trưởng.”
Trong thời gian thực thi chức trách của mình ông đã hết sức cố gắng thay đổi hệ thống này nhưng chỉ có thể thay đổi được chút ít.
Những cuộc đấu tranh tư tưởng một cách hình thức chống chũ nghĩa xét lại của những người bảo thủ, những người giáo điều trong Đảng đã làm những đảng viên cấp tiến như ông mệt mỏi. “Về sau tất cả những cái đó đều xuống cấp. Bọn cơ hội ùa vào Đảng. Tất cả những kẻ nào hiểu rằng Đảng có thể làm cho đời sống của họ dễ chịu hơn, cho phép họ leo cao trong bậc thang xã hội, cung cấp cho họ những đặc quyền thiết thực. Đó chắc chắn là một trong những sai lầm cơ bản và một trong những lý do dẫn đến cuộc thảm bại của chúng tôi.” (trang 30)
Về trách nhiệm, hành động của mình trước số phận đất nước Ba Lan, ông viết:
“Thật là gian khổ đấy. Song tôi chịu trách nhiệm về tất cả những việc tôi đã làm, do một mình tôi làm hay làm cũng những người khác, và về tất cả những điều gì tôi đã không làm được. Tôi hoàn toàn không nghĩ đến chuyện kiện cáo trước các tòa án lịch sử Ba Lan.Với tư cách cá nhân tôi chỉ cố hành động vì lợi ích của đất nước, trong phạm vi các phương tiện của tôi. Tôi nhìn thấy ở đấy một cách tiếp tục phục vụ, một loại nghĩa vụ công dân.”
Trong ngày 11-12-1990 khi từ giã chức vụ Tổng thống nói chuyện với đồng bào trên truyền hình ông nói:
“Trên thực tế chỉ có một nước Ba Lan thôi…
Nước Ba Lan… Tổ quốc tôi…” (trang 246)
“Có những năm tôi đã cố đặt Đảng tôi đi lên một con đường mới, có những năm, với tư cách Tổng thống đầu tiên của một nước Ba Lan mới, tôi đã cố đảm bảo một sự quá độ chưa từng có giữa một hệ thống chuyên chế và một nền dân chủ ngập ngừng.”
Ở trang 214 ông viết về sự phức tạp, éo le trong nhận thức của mình về Đảng:
“Trong tất cả các yếu tố của đời tôi, trong tất cả các nhân tố hành động của tôi, thì khó khăn nhất là nhận thức, phân tích, đánh giá về Đảng… Dù sao đảng ấy đã là người hướng dẫn tôi trong nhiều thập kỷ, và tôi không muốn phủ nhận đảng, cũng không muốn phủ nhận tôi.
Nhưng Đảng nào? Phải chăng Đảng của các viên chức thành phố, kiêu ngạo và ham hưởng thụ, thống trị đất nước, hay là đảng của những thanh niên nhiệt tình trong những năm 40 đã nâng đất nước tiến lên từ những sự tàn phá? Đảng của những trí thức, họ đã gia nhập đông đảo, mơ ước thay đổi thế giới hay là đảng của những kẻ canh gác điện thờ, điên cuồng chống lại mọi dị đạo về mặt học thuyết?
Đảng đó vừa viết lên những trang sử đẹp nhất và cả những trang sử bi thảm nhất của lịch sử nước chúng tôi. Muốn xé hết những trang đó, như một số người đã đề nghị làm như vậy, thì chẳng những là ngu ngốc mà còn có hại nữa. Tôi chống lại những ý kiến của một bộ phận thuộc lớp người chính trị mới của Ba Lan đã gợi lên cái gọi là “giải cộng sản hóa”.
Vì Đảng này mà tôi thật khó phán xét một cách rõ ràng về nó, Đảng này cũng đã thay đổi, đã tiến triển.
Liệu Đảng có thể, chúng ta có thể ngăn chặn sự tiến triển của các sự biến không? Tôi không tin. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội đã được ghi trong các sự kiện. Nhưng ưu điểm của chúng ta, những người Ba Lan, những đảng viên cũng như những chiến sĩ của Công đoàn Đoàn kết là cho phép sự tan rã hòa bình của nó, không đổ máu và không bạo lực. Do đó phác họa lên một mô hình chuyển đổi sang chủ nghĩa đa nguyên, sang nền dân chủ mà các nước khác có thể rút kinh nghiệm.
Nhưng cũng nói thêm, nhiều lần đảng này đã là một trở ngại trên con đường cải cách và cũng suýt làm chúng tôi thất bại.”
Ngày 29 tháng 12 năm 1989, thông qua việc sửa đổi hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, đất nước đã được trả lại tên gọi lịch sử “Cộng hòa Ba Lan” (Rzeczpospolita Polska). Sau đó Đảng cộng sản Ba Lan đã tự giải tán.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1990, Lech Wałęsa đã được bầu làm tổng thống Ba Lan sau chiến thắng vang dội.
2. Quan hệ độc lập tự chủ với Liên Xô
Ba Lan và Liên Xô, nước Nga có chung đường biên giới. Do lịch sử bi thảm của Ba Lan gắn liền với nhiều cuộc xâm lược của các nước láng giềng hùng mạnh, chính sách đối ngoại của Ba Lan theo đuổi mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với một cường quốc có đủ khả năng để hỗ trợ quân sự mạnh mẽ cho họ trong những tình huống nguy cấp.
Quan hệ hai nước có những thời kỳ rất phức tạp. Trong chiến tranh thế giới thứ II Ba Lan vừa bị Đức Quốc xã, vừa bị Liên Xô xâm chiếm. Sau thế chiến Ba Lan trở thành một nước xã hội chủ nghĩa giáp Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác như Rumania, Hungari, Tiệp Khắc, Đông Đức. Đường lối độc lập tự chủ của Đảng Cộng sản Ba Lan luôn luôn chịu sự kiềm tỏa của Đảng Cộng sản Liên Xô và các Đảng Cộng sản Đông Âu. Ba Lan luôn luôn chịu sự áp đặt về đường lối đối ngoại, đường lối xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa theo kiểu Liên Xô. Đổi lại họ nhận được sự bảo trợ về quân sự của khối Warszawa, viện trợ về dầu mỏ, khí đốt, lương thực, thực phẩm, y tế từ Moscow. Đôi khi còn cả sức ép và sự đe dọa, ép buộc với những người lãnh đạo Ba Lan trong đó có Jaruzelsky. Jaruzelsky cho biết ông bị lãnh đạo Liên Xô xếp vào loại cứng đầu trong số các lãnh đạo Đông Âu. Tuy vậy lãnh đạo Ba Lan không sao chép mô hình tổ chức xã hội xô viết, không hợp tác hóa nông nghiệp, họ làm chủ nghĩa xã hội Ba Lan có bản sắc Ba Lan và bộ mặt nhân đạo hơn. Kể cả khi bị kéo vào một mối quan hệ khó cưỡng của khối Jaruzelsky vẫn chọn một cách hành động ít xấu nhất. Ví dụ năm 1968 bắt buộc phải đưa quân vào Tiệp Khắc nhưng đội quân của ông không bị dân chúng Tiệp Khắc chê trách nhiều, họ đã cố tìm tiếng nói chung với chung với người Tiệp.
Trước khi quyết định thiết quân luật, lãnh đạo Ba Lan đã bị lãnh đạo Liên Xô yêu cầu phải có những biện pháp triệt để, báo hiệu như là sẽ mở màn cho một cuộc can thiệp bằng quân sự như đã xảy ra ở Hungari 1956 và Tiệp Khắc 1968.
Liên Xô đã cắt bớt kế hoạch viện trợ 1982 cho Ba Lan. Kế hoạch 13 triệu tấn dầu hỏa rút xuống còn 4 triệu tấn. Không một giọt xăng, không một giọt dầu đốt, không một tấn mazut. Chương trình cung cấp hơi đốt giảm một nửa, cũng như đối với phốt pho, quặng sắt và bông sợi. Đối với các sản phẩm tiêu dùng còn tệ hơn nữa: không một máy lạnh (200.000 chiếc năm 1981), không một máy truyền hình (100.000 chiếc năm 1981).
Liên Xô tập trung quân đội tại biên giới với Ba Lan. Vào tháng 7, Liên Xô đã tăng cường sự hiện diện quân sự của họ tại căn cứ quân sự ở Borne Sulinowo, nơi Hồng quân đóng quân theo thỏa thuận của Khối Hiệp ước Warszawa như ở tất cả các quốc gia Khối Đông Âu khác. Không thông báo cho chính quyền Ba Lan, Liên Xô bất ngờ gửi hơn 600 xe tăng đến Borne Sulinowo. Một tháng sau, Tổng tư lệnh của Khối Hiệp ước Warszawa, Viktor Kulikov, đã yêu cầu đưa cố vấn quân sự Liên Xô vào Bộ Tổng tham mưu Ba Lan và phân công đến hầu hết các trung đoàn Ba Lan. Người ta nghi ngờ rằng Kulikov, hành động thay mặt cho Liên Xô, được giao nhiệm vụ cử các điệp viên KGB bí mật đến theo dõi tình hình ở Ba Lan theo dõi quan điểm của quân đội Ba Lan. Tuy nhiên, yêu cầu của ông đã bị chính phủ Ba Lan từ chối.
Sự cảnh cáo này làm cho lãnh đạo Ba Lan suy sụp, phải áp dụng những chính sách khắc khổ để ngăn chặn khủng hoảng lan rộng. Gierek, người đã cho phép Công đoàn Đoàn kết xuất hiện theo Thỏa thuận Gdańsk, đã bị cách chức và bị quản thúc tại gia. Jaruzelsky thay thế Tổng bí thư, ông đã phải chọn tình huống xấu ít hơn là thiết quân luật. Tuy nhiên cuộc thiết quân luật đã trở thành cuộc đối thoại nội bộ của người Ba Lan với nhau, tránh một cuộc đổ máu lớn nếu xe tăng Liên Xô tiến vào Warszawa.
Chính sách Perestroika do Gorbachev thực hiện đã làm giảm ảnh hưởng của Liên Xô đối với Ba Lan, dẫn đến những thay đổi trong quan hệ giữa hai nước.
Năm 1987, được sự đồng tình của Gorbachev, một ủy ban điều tra liên hợp Ba Lan – Liên Xô đã được thành lập, thông báo của Hãng Thông tấn Liên Xô (TASS) ngày 14 tháng 4 1990 đã đưa ra một bước tiến trong vụ này: các lãnh đạo Liên Xô chính thức tuyên bố Beria (chỉ huy mật vụ Liên Xô khi đó, năm 1953 đã bị Nhà nước Liên Xô xử tử vì tội lạm sát và âm mưu đảo chính) và các đồng sự phải chịu trách nhiệm về vụ xử bắn các sĩ quan Ba Lan tại Katyn. Ngày 5 tháng 3 1940, Dân ủy Bộ Nội vụ Liên Xô (NKVD) Lavrenty Beria gửi một danh sách mang mã số 794/B cho Stalin. Trong đó, người gửi đưa ra nhận định rằng các tù binh Ba Lan tại miền Tây Ukraina và Belorussia (gồm 14.736 người, 97% là người Ba Lan), cũng như những tù nhân đang bị giam trong tù (18.632 người, trong đó có 1.207 sĩ quan quân đội, tổng cộng 57% là người Ba Lan), bao gồm cả các giám mục Công giáo, giáo sĩ Do Thái như Baruch Steinberg, trí thức, địa chủ,… đều là kẻ thù của chính quyền Xô Viết và không thể cải tạo được nên đề nghị tử hình 14.700 tù binh và 11.000 tù nhân.
Tháng 11 năm 2010, Duma Quốc gia Nga đã thông qua một tuyên bố lên án I. V. Stalin và các quan chức Liên Xô khác vì đã ký lệnh cho vụ xử bắn tù binh này.
Vào ngày 10 tháng 4 năm 2010, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, Lech Kaczyński, cùng với 89 quan chức cấp cao khác của Ba Lan đã chết trong một vụ tai nạn máy bay thảm khốc gần Smolensk trong khi đến dự lễ kỷ niệm vụ Katyn.
3. Dung hòa giữa các phe phái nội bộ
Trước 1945 Ba Lan đã có truyền thống dân chủ và nền văn hóa đặc sắc. Điều đó vẫn còn tồn tại ít nhiều trong chế độ xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan và đời sống chính trị xã hội và cả trong Đảng Cộng sản Ba Lan. Tại sao Jaruzelsky lại có được đầu óc thực dụng, không sa vào những tín điều tả khuynh, bảo thủ? Có lẽ bởi truyền thống của một gia đình quý tộc lâu đời, bởi những ảnh hưởng của văn hóa Công giáo mà ông được hấp thụ từ nhỏ tuổi. Ông luôn nhìn các sự việc bằng con mắt khoan dung. Ông đã tăng cường tiếp xúc với giới khoa học, sáng tác và văn nghệ sĩ làm cho những người lãnh đạo quân đội khác nhận thức được căn bệnh hoài nghi, lo sợ về những cuốn sách, bộ phim bị nghi ngờ chỉ trích những khái niệm anh hùng cách mạng, làm mất định hướng của lớp trẻ, giễu cợt hiện tại và lịch sử dẫn đến những hành động ngăn chặn quá mức làm nảy sinh xung đột.
Jaruzelsky có thể thấy được ý nghĩa của những mệnh đề trí tuệ rất nhạy cảm của một học giả như:
“Việc tuyệt đối sùng bái lịch sử chính trị và quân sự của chính dân tộc mình chỉ có thể dẫn tới một nền giáo dục có tính chất dân tộc chủ nghĩa và sô vanh.”
“Tôi rất không thích những cái nhìn máy móc “bên trắng bên đen” rạch ròi đã gây cho chúng tôi rất nhiều tổn thất, do đó tôi muốn nhấn mạnh rằng đường phân tranh giữa hai phe không phải là một vết cắt rõ rệt, rằng những cuộc đối đầu không diễn ra cùng một cường độ trên mọi địa hạt, rằng trong một vài lĩnh vực đường ranh giới giữa hai phe, có lẽ hai trào lưu thì đúng hơn, đôi khi rất mơ hồ.”
Đối với những đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ bị những người mácxít bảo thủ quy cho là chủ nghĩa xét lại và đã bị những đòn triệt hạ nặng nề, Jaruzelsky có một quan niệm rất chính xác:
“Giờ đây tôi cho rằng những người xét lại không có lãnh tụ, cương lĩnh và bộ máy. Và con “rắn độc” mà bộ máy tuyên truyền chính thức dựng lên như một mối đe dọa chết người, thật ra chỉ là biểu hiện của những bận tâm lành mạnh và những vấn đề cơ bản do những cá nhân thuộc phe tả đặt ra. Thường là đảng viên, họ hoàn toàn không tìm cách lật đổ mà chỉ tìm cách cải tiến nó… Và tôi nhìn thấy trong cách ứng xử, trong thái độ mù quáng của chúng tôi lúc đó, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những sự biến bi kịch khiến cả một thế giới sụp đổ vào cuối những năm tám mươi.”
Ông hiểu quy luật tồn tại của nước ông:
“Năm 1986, tôi đi tới kết luận rằng chúng ta không có phương tiện nào khác để làm cho sự vật và con người biến chuyển ngoài việc mở rộng và xác lập cuộc đối thoại với phe đối lập. Cần phải vượt qua những sự chia rẽ về chính trị và những vết sẹo của tình trạng chiến tranh, tìm kiếm một mảnh đất liên minh, một phạm vi đối thoại… Bước thứ nhất là ân xá để làm cho Ba Lan là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên và duy nhất không có tù chính trị. Bước thứ hai là thành lập một hội đồng tư vấn bên cạnh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước một cương vị mà tôi đồng ý nắm giữ hồi tháng 10-1985.
Lần đầu tiên trong lịch sử các nước Đông Âu, chúng tôi đã thành lập một thể chế thoát ra khỏi những gông cùm truyền thống của hệ tư tưởng, những mô hình khi đó đang hiệu lực.”
Jaruzelsky nói thêm về Hội đồng tư vấn của ông như sau:
“Đây là những nhân vật mà ở Phương Tây người ta gọi là xã hội dân sự, song thật đáng buồn là không có những tổ chức tương tự như thế ở Ba Lan. Có những nhà trí thức, những nhà khoa học. Nhiều người có quan hệ với phe đối lập. Một số người đó, trong chiến tranh là những thành viên của đội quân nội địa. Đa số có một quyền uy về mặt chuyên môn và về đạo đức không phải tranh cãi gì nữa.
Chúng tôi nêu ra hai quy tắc: không có chủ đề nào là điều cấm kỵ hết, và các biên bản của các cuộc họp của Hội đồng sẽ công bố toàn bộ. Đó là một đột phá khẩu, tôi không dám nói là một cuộc cách mạng trong các truyền thống và trong thực tiễn của chúng tôi.”
Về hoạt động của Bộ Nội vụ Ba Lan với việc giữ gìn an ninh của đất nước Jaruzelsky thấy rằng cơ quan an ninh và cảnh sát chính trị đã được phát triển vượt ra ngoài mọi mức độ. Bộ Nội vụ đã hành động quá mức cần thiết khi dựng lên danh sách đen gồm nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, chính khách, nhân sĩ tôn giáo mà không phải tất cả trong số họ là phản động. Do các tham vọng cá nhân của một số người có trách nhiệm bộ máy này đáng lẽ chỉ được là một công cụ đơn giản, đã trở thành một trong những yếu tố chủ yếu. Nó đã phát triển các quy tắc riêng của nó và áp đặt các nguyên tắc đó. Nhưng ông công nhận một nghịch lý của bộ máy đó là nó hiểu rõ tình hình sự thật của đất nước, tâm trạng của nhân dân, những sự đe dọa của khủng hoảng và bùng nổ.
Jaruzelsky kể một bài học của chính quyền Ba Lan với văn nghệ: Vở kịch Tổ tiên trở thành một vụ án chính trị.
Tổ tiên là vở kịch của Mickiewicz viết từ năm 1832. Tổ tiên được dàn dựng vào dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười và nằm trong chương trình lưu diễn của nhà hát Narodowy sang thăm Liên Xô năm 1968. Vở kịch đã được kiểm duyệt thông qua, cũng đã được nhóm nhà văn Xô Viết thăm Ba Lan xem và hoan nghênh. Vở kịch được viết vào thời kỳ nước Ba Lan tan rã và có tính chất ái quốc mạnh mẽ. Nó đã trình diễn 17 lần ở Ba Lan. Trong vở kịch có bốn câu viết về thời Sa hoàng:
Ở đây người ta nguyền rủa chúng ta nào có gì lạ
Đã từng một thế kỷ nay
Từ Moscow người ta chỉ gửi tới Ba Lan
Toàn một đám vô loài
Khi vấn đề dược đưa lên những cấp cao của đảng, báo chí và dư luận quần chúng đã biến vở kịch thành một sự kiện quốc gia. Từ khi vở kịch bị đe dọa quần chúng biến thành những cuộc biểu thị thái độ, mỗi khi diễn viên đọc bốn câu thơ lên, họ đứng lên vỗ tay kéo dài.
Cuối cùng vở kịch bị cấm. Đạo diễn và Bí thư đảng bộ nhà hát bị khai trừ khỏi đảng. Đêm biểu diễn cuối cùng biến thành một cuộc biểu tình chính trị với sự tham gia của hơn ba trăm sinh viên. Bộ phận an ninh đã tiến hành bắt bớ nhiều người. Các cuộc biểu tình vẫn nổ ra, tàn phá những trường đại học và cơ quan văn nghệ.
Trước khi công bố lệnh thiết quân luật, Jaruzelsky phát biểu trước toàn thể nhân dân Ba Lan:
“Hỡi công dân!
Gánh nặng trách nhiệm đè lên tôi trong khoảnh khắc bi thảm này trong lịch sử Ba Lan là rất lớn. Tôi có nhiệm vụ phải gánh vác trách nhiệm này – liên quan đến tương lai của Ba Lan, tương lai mà thế hệ tôi đã chiến đấu trên mọi mặt trận của cuộc chiến và vì tương lai đó họ đã hy sinh những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình. Tôi tuyên bố rằng hôm nay Hội đồng Quân sự Cứu quốc đã được thành lập. Theo Hiến pháp, Hội đồng Nhà nước đã áp đặt thiết quân luật trên toàn quốc. Tôi mong rằng mọi người hiểu được động cơ hành động của chúng tôi. Đảo chính quân sự, chế độ độc tài quân sự không phải là mục tiêu của chúng tôi. […]
Nhìn xa hơn, không có vấn đề nào của Ba Lan có thể giải quyết bằng bạo lực. Hội đồng Quân sự Cứu quốc không thay thế các cơ quan quyền lực theo hiến pháp. Mục đích duy nhất của nó là duy trì sự cân bằng hợp pháp của đất nước, tạo ra các đảm bảo tạo cơ hội khôi phục trật tự và kỷ luật. Đây là cách cuối cùng để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, để cứu đất nước khỏi sự sụp đổ.
[…] Tôi kêu gọi tất cả công dân. Thời kỳ thử thách nặng nề đã đến. Và chúng ta phải chịu đựng những điều đó để chứng minh rằng chúng ta xứng đáng với Ba Lan.
Trước toàn thể người dân Ba Lan và toàn thế giới, tôi muốn nhắc lại những lời bất hủ:
Ba Lan vẫn chưa diệt vong, miễn là chúng ta vẫn còn sống!”
4. Thừa nhận vai trò của giáo hội Ba Lan, Giáo hội thế giới và Giáo hoàng Joan Paul II
Ba Lan là một trong những quốc gia sùng đạo Kitô nhất thế giới, Neal Pease mô tả Ba Lan như là “đứa con gái trung thành nhất của Rome.” Theo thống kê năm 2015 do Cục Thống kê Ba Lan thực hiện, 94.2% dân số liên kết với một tôn giáo nào đó; 3.1% không thuộc bất cứ tôn giáo nào.
Có 33 triệu người Công giáo. Kể từ khi Ba Lan chính thức tiếp nhận Kitô giáo nghi lễ Latinh vào năm 966, Giáo hội Công giáo đã đóng một vai trò quan trọng về tôn giáo, văn hóa và chính trị tại quốc gia này.
Giáo hội Công giáo đóng vai trò là một tổ chức đấu tranh nhằm bảo vệ văn hóa Ba Lan trong cuộc đấu tranh giành độc lập và sự tồn vong của quốc gia.
Mật nghị Hồng y tháng 10 năm 1978, chọn Hồng y người Ba Lan Karol Wojtyła trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II càng củng cố mối quan hệ giữa giáo hội và quốc gia. Các chuyến thăm của giáo hoàng đến Ba Lan đã làm sống lại tinh thần cho phe đối lập chống chế độ Xô Viết.
Gioan Phaolô II, hay Gioan Phaolô Đệ Nhị (1920-2005), là vị giáo hoàng thứ 264 của Giáo hội Công giáo Rôma và là người lãnh đạo tối cao của Vatican kể từ ngày 16 tháng 10 năm 1978. Cho đến hiện tại, ông là vị Giáo hoàng duy nhất người Ba Lan và là vị Giáo hoàng đầu tiên không phải người Ý trong gần 500 năm, kể từ Giáo hoàng Adriano VI năm 1520 và là vị giáo hoàng gốc người Slave đầu tiên trong lịch sử Công giáo.
Giống như đường lối chung của Liên Xô, đường lối tôn giáo của Ba Lan cũng đã có những giai đoạn rất căng thẳng với Giáo hội Ba Lan. Jaruzelsky đã cố gắng sửa chữa điều đó.
Jaruzelsky đã gặp Giáo hoàng Jean Paul II sáu lần khi đứng đầu đất nước.
“Tôi muốn nói lên rằng lần gặp gỡ nào tôi cũng có ấn tượng sâu sắc là ngài rất lo lắng cho đất nước. Qua sự nhượng bộ, chẳng những có tầm cỡ thế giới của Giáo hội đem lại cho đất nước tôi, mà còn là viễn cảnh lịch sử, mà kinh nghiệm lâu dài của nó đang dần tới. Trong cuộc đi thăm đầu tiên của Giáo hoàng, tôi không giấu rằng tôi rất kinh ngạc.
…Tôi luôn luôn kinh ngạc về những sự giống nhau giữa lời kêu gọi của Giáo hội các giá trị nhân đạo của nó và quan niệm cộng sản của chúng tôi về công bằng xã hội.
Mỗi cuộc nói chuyện của tôi với Jean Paul II đều là một nguồn thỏa mãn sâu sắc. Hơn nữa tôi có thể lấy làm tiếc là chúng đến quá chậm.”
5. Cố gắng tìm tiếng nói chung với Công đoàn Đoàn kết
Công đoàn Độc lập Tự trị “Đoàn kết” là một liên minh công đoàn và là một phong trào chính trị – xã hội được thành lập vào tháng 9 năm 1980 tại Xưởng đóng tàu Gdańsk, Ba Lan, dưới sự lãnh đạo của Lech Wałęsa. Biểu tượng của Công đoàn Đoàn kết là chữ “Solidarnosc” màu đỏ, bên trên cắm quốc kỳ Ba Lan.
Solidarność là công đoàn đầu tiên trong một nước thuộc khối Warszawa mà không bị kiểm soát bởi một Đảng Cộng sản. Tới hội nghị công đoàn vào tháng 9 năm 1981, công đoàn có tới 10 triệu thành viên, 1/3 của tổng số dân số trong tuổi làm việc của Ba Lan.
Chính quyền đã tìm cách giải tán tổ chức này, bắt giam hoặc quản thúc các nhà lãnh đạo.
Ngày 24 tháng 9 năm 1980, Ủy ban Đình công Toàn quốc đã ra tuyên bố thành lập tổ chức công đoàn lấy tên là Liên hiệp Công đoàn Độc lập Đoàn kết (Công đoàn Đoàn kết).
Đích thân Thủ tướng đương nhiệm và Tòa án Tối cao Ba Lan đồng ý đăng ký công nhận Công đoàn Đoàn kết là tổ chức hợp pháp, Công đoàn Đoàn kết điều chỉnh lại điều lệ, trong đó công nhận hiến pháp hiện hành và vai trò của Đảng Cộng sản đối với nhà nước Ba Lan.
Trước sự lớn mạnh của Công đoàn Đoàn kết, Liên Xô rất lo lắng, yêu cầu chính phủ Ba Lan tìm mọi cách dập tắt và giải thể Công đoàn Đoàn kết bằng bạo lực.
Ngày 13 tháng 12 năm 1981 Hội đồng Nhà nước Ba Lan ban bố “Tình trạng chiến tranh” và thiết quân luật trên toàn quốc. Hội đồng Quân sự vì sự Cứu độ Quốc gia được lập ra để tiếp nhận bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Ngày 18 tháng 12 năm 1981, chín công nhân đã bị bắn chết và nhiều người bị thương trong cuộc biểu tình tại tỉnh Katowice.
Ngày 18 tháng 10 năm 1982 Quốc hội ra nghị quyết cấm hoạt động và giải thể Công đoàn Đoàn kết. Nhiều cán bộ công đoàn bị bắt giam hoặc bị quản thúc. Các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan phải chịu sự quản lý trực tiếp của công an và quân đội. Các công nhân viên chức đình công bị đưa ra tòa án quân sự xét xử. Các cơ sở vật chất của Công đoàn Đoàn kết bị tịch thu, 10.131 người bị bắt, 3.616 bị án tù.
Ngày 22 tháng 7 năm 1983 chính quyền tuyên bố chấm dứt “Tình trạng chiến tranh” và giải thể Hội đồng Quân sự vì sự Cứu độ Quốc gia. Công đoàn Đoàn kết trở lại hoạt động công khai.
Tháng 10 năm 1983 Lech Wałęsa được trao giải Nobel Hòa bình. Chính phủ Hoa Kỳ, lập ra quỹ giúp đỡ Công đoàn Đoàn kết do thượng nghị sĩ Edward Kennedy làm cố vấn.
Ngày 14 tháng 6 năm 1987 Giáo hoàng John Paul II đã về thăm quê hương Ba Lan và biểu lộ sự ủng hộ Công đoàn Đoàn kết.
Từ ngày 06 tháng 2 năm 1989 đến ngày 5 tháng 4 năm 1989, đảng cầm quyền buộc phải chấp nhận “Hội nghị bàn tròn” với Công đoàn Đoàn kết và đồng ý tổ chức bầu cử dân chủ vào Quốc hội và Thượng viện.
Ngày 17 tháng 4 năm 1989 tòa án thành phố Warszawa một lần nữa cấp lại đăng ký pháp lý cho Công đoàn Đoàn kết.
Ngày 04 tháng 6 năm 1989, trong cuộc bầu cử dân chủ, Công đoàn Đoàn kết thắng lớn. Công đoàn Đoàn kết cùng các lực lượng đối lập là Đảng Nhân dân Thống Nhất và Đảng Dân chủ đứng ra lập chính phủ liên hiệp.
Tháng 12 năm 1990, Lech Wałęsa trở thành Tổng thống.
Chính quyền mới tiến hành chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường tự do, đưa Ba Lan vượt qua những khó khăn về kinh tế và dần dần trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển cao.
Xử lý hiện tượng Công đoàn Đoàn kết là công việc khó khăn nhất của lãnh đạo Ba Lan trong đó có cá nhân Jaruzelsky. Sau hàng chục năm họ và Công đoàn Đoàn kết đã kiên nhẫn và tìm được tiếng nói chung trong cuộc Bàn tròn. Họ đã đặt lợi ích của dân tộc của đất nước lên trên hết.
Mặc dù Jaruzelsky như là người thua cuộc nhưng đó là quy luật của thế giới, của văn minh nhân loại. Trong hồi ký của mình Jaruzelsky không tỏ ra hối tiếc điều đó.
Ông tôn trọng đối thủ, người chiến thắng mình.
Ông viết về Walesa như sau:
“Lech Walesa là một sản phẩm thuần túy của nước Ba Lan nhân dân, mô hình chính xác cái mà đất nước chúng tôi, trong hệ thống chính trị của nó có thể sản xuất ra.
Không thể chối cãi rằng Walesa là một nhân vật ít bình thường. Một thiên hướng bẩm sinh, một tài năng riêng, đã cho phép ông suốt mười năm qua vận động được trên một mảnh đất đầy những cạm bẫy, bị phá hoại dần trong thực tiễn với một sự dễ dàng làm cho ai cũng phải ngỡ ngàng. Sự khéo léo của ông tránh được nhưng cái bẫy của quân thù cũng như của những người nói là bạn hữu của ông giăng ra, vẫn thường làm cho tôi ngạc nhiên. Ông đã tỏ ra có một bản năng chính trị đặc biệt, nhất là trong những năm gần đây. Ông là đóa hoa tinh tế của phái đối lập, lớp tinh hoa của trí thức.” (trang 211)
Trong thời gian thực thi trách nhiệm của mình Jaruzejsky đã chú ý quan sát tình hình thế giới và các nước láng giềng Đông Âu. Ông đã tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạọ để rút ra bài học cho nước mình.
Nhận xét của ông về Andropov:
“Andropov tỏ ra hiểu nhiều về cái ông gọi là hiện tượng Ba Lan, ông đặt nó vào trong một viễn cảnh lịch sử. Không thể chối cãi là ông thông minh và có học thức, một phong cách khác phong cách Brejnev. Ngay lập tức ông chứng minh điều đó bằng cách tấn công vào sự sa đọa xung quanh người tiền bối của mình. Tất cả chúng tôi đều biết ông đau ốm và am hiểu về đất nước ông, về tất cả những khó khăn và những bệnh hoạn của nó hơn Brejnev. Tuy nhiên ông cũng không thoát khỏi những sức hút của chủ nghĩa giáo điều. Tháng 11-1983, ông còn chỉ cho tôi rằng quân thù đang tiếp tục tấn công và cần chống lại nó bằng cách dựng lên một chướng ngại vật trước các hành động chống chủ nghĩa xã hội.”
Sau hàng chục năm nước Ba Lan không đổ vỡ, nó đã trở thành một đất nước dân chủ và phát triển ở châu Âu.
Người Ba Lan biết ơn ông về điều đó.
Tháng 10-2024