Bài thơ. Tuyết phủ

Nguyễn Xuân Thiệp

 

Ngọn nến

 

Tuyết rơi

như tuyết ngày xưa

ở oklahoma

đâu rồi. chung trà tuyết sơn

không một ngọn nến cháy trên bàn

như trong thơ pasternak. viết cho lara

em. đâu rồi

còn đây. bài trà ca

mùa đông. mình anh

và bầu trời. tuyết phủ

wuthering heights

người đi trong mưa tuyết

mơ về một cánh chim

bên lều cây chuối

ôi basho

và câu thơ haiku. ngày nào

khi ở garland 3.2.2022

Sáng nay, viết bài thơ Tuyết Phủ, bỗng nhớ tới nhiều điều. Xin ghi lại đây…

Sáng thứ Hai 23 tháng 2. 2015. Tuyết đầu mùa phủ trắng thành phố Dallas, Texas. Tuyết cũng đã tràn ngập Atlanta, Annandale và khắp các thành phố Miền Đông nước Mỹ. Trong cảnh tuyết phủ mênh mông ấy, lòng kẻ làm thơ này nghĩ tới nhiều thứ, mơ tới nhiều điều trong sách vở và trong cuộc nhân sinh buồn vui trộn lẫn này.

Trước hết, nhìn cảnh tuyết phủ im lặng chung quanh, Nguyễn nghĩ tới tiếng quạ trong thơ hài cú của Basho. Ờ nhỉ, thời khắc này được nhìn thấy một bóng quạ đen trên cành phong du cất lên vài tiếng quạ quạ phải chăng lòng mình cũng bớt đi nỗi quạnh hiu. Nhưng điều Nguyễn nghĩ tới nhiều hơn cả vẫn là tiếng ấm nước reo trên bếp lửa. Như sáng nào cùng Dung lần đầu tiên nhìn thấy cảnh tuyết rơi trên thành Oklahoma. Đây là đoạn văn đã viết hồi mới tới Mỹ nhìn thấy cảnh tuyết rơi: Đầu xuân, một bạn văn ở Los Angeles gửi cho gói trà. Trà mang nhãn hiệu Tuyết Sơn, mở ra thơm ngát. Lúc bấy giờ, tuyết phủ trắng thành Oklahoma, nơi tôi ở. Chỉ trong một đêm, phong cảnh đã đổi khác, như trong truyện thần tiên của Hans Christian Andersen. Buổi sáng mở cửa nhìn ra vườn, ngạc nhiên đến sững sờ, vừa cảm động vừa hân hoan. Tuyết, lần đầu tiên nhìn thấy trong đời. Vội vàng vào bếp đun ấm nước. Tiếng nước reo như tiếng gió qua lũng thông vàng. Hương trà bốc lên trong tĩnh lặng sớm mai khi tuyết đã trắng mái nhà, cây cối, bờ rào và những con đường hiu quạnh. Nâng chung trà lên, nóng ấm trong lòng bàn tay. Uống vào một ngụm, nhìn ra tuyết bay, thấy mình là người hạnh phúc trên đời. Thì ra, hạnh phúc vẫn có đấy, dẫu hiếm hoi và nhỏ bé so với những nỗi khổ vô cùng tận của kiếp người…

Và cũng như sáng nào tuyết rơi ở thành Oklahoma, Nguyễn vội vàng đi đun ấm nước. Sẵn có cà phê Starbucks mua từ trước Tết, Nguyễn pha một ly cho mình, hương thơm tỏa trong không khí sáng mai. Chợt nghĩ tới người thơ bên phương trời xa bèn nâng ly cà phê lên mời cùng uống với mình. Ôi, cà phê uống trong cảnh tuyết phủ sớm mai ngon cực kỳ ngon. Nhìn ra ngoài trời tuyết phủ kẻ này mơ tới những ngọn nến cháy trong thơ Boris Pasternak. Cũng như nhớ tới những ngọn nến được thắp lên một đêm tuyết rơi trong câu chuyện của nhà văn Nga nổi tiếng Konstantin Paustovsky. Chuyện kể như sau: Trong Thế Chiến II, một phụ nữ trẻ người Moscow tên là Tatyana Petrovna cùng với con gái Varvara, tản cư về một thành phố nhỏ và ngụ tại nhà một người đàn ông già tên Potapov. Một tháng sau khi Tayana đến, ông Potavov qua đời. Lúc đầu cô không ưa cái thị trấn này, và cảm thấy hối tiếc đã rời bỏ nhà hát ở Moscow để về đây. Nhất là vào những sáng những chiều, lúc thời tiết xấu, lũ quạ kêu quang quác, bay thành từng đám mây đen trên những ngọn cây trụi lá. Nhưng rồi ngày tháng trôi qua, cô dần quen với ngọn đồi bạch dương và dòng sông uốn lượn bên đồi. Cô cũng đã bắt đầu đi trình diễn ở các trạm quân y trong vùng. Cuối cùng thì cô đâm ra thích cái thị trấn nhỏ bé và êm đềm này, nhất là khi tuyết phủ. Và cô bắt đầu quen sống trong ngôi nhà của một người lạ với những đồ vật lạ. Potapov có một người con trai hiện đang phục vụ trên một chiến hạm trong vùng Hắc Hải. Tayana ngắm nhìn tấm ảnh của anh treo trên tường, cảm thấy đã gặp chàng trai này ở đâu, dường như đã lâu lắm trước cuộc hôn nhân thất bại của cô, nhưng cô không thể nào nhớ ra được.

Những bức thư tiếp tục gởi về cho Potapov, tất cả đều cùng một người viết. Tatyana xếp những cái thư ấy trên bàn viết của gia chủ. Một đêm, khi trời đổ tuyết, Tatyana không thể nào ngủ được. Tò mò, cô mở một cái thư ra xem. Người con trai của Potapov là Nikolai cho biết rằng anh vừa hồi phục sức khỏe trong bệnh viện sau khi bị thương nhẹ. Anh ta hy vọng rằng khi rời khỏi bệnh viện anh sẽ có thể xin nghỉ phép về thăm cha già. Người con hình dung ra cảnh vật lúc anh trở về: Tuyết rơi trên những con đường đi tới vườn cây chỗ đình phong ngày nào sẽ được dọn sạch. Anh mơ về lại nhà, lau bụi cây dương cầm và lên dây lại. Anh mơ thấy trên giá đàn vẫn còn khúc mở đầu (ouverture) của tác phẩm “The Queen of the Spades” của Tchaikovsky, và những ngọn nến cháy dở vẫn còn trong giá nến. Thế là sáng hôm sau Tatyana ra dọn sạch tuyết trên lối đi tới vườn cây. Cô cũng sửa lại cái chuông treo ở cửa và mướn người đến lên dây đàn. Cô tìm lại những mẩu nến cháy dở và đem cắm vào giá nến. Và rồi Nikholai được xuất viện. Anh đã về đến ga xe lửa và anh buồn biết mấy khi người trưởng ga báo cho anh biết cha anh đã qua đời. Nikholai trở về đứng trong vườn nhà dưới trời tuyết phủ. Thế rồi anh gặp Tatyana. Cô thân ái mời anh vào nhà.

Trong nhà, chuông cửa vẫn hoạt động, những ngọn nến và cây đàn dương cầm vẫn ở đó – mọi vật trước mắt đúng như anh tưởng tượng. Nikholai thắp nến, dạo đàn và cùng ngồi dùng trà với Tatyana. Cô nói dường như cô đã có gặp anh ở đâu đó một lần.

Đêm hôm ấy, Nikholai nằm ở sopha không chợp mắt. Anh cố thức tận hưởng từng phút giây trong ngôi nhà xưa.

Sáng hôm sau, Tatyana đưa anh ra ga xe lửa. Trước khi anh bước lên tàu, cô bảo anh là hãy viết thư về. Sau cùng, cô nói, cô và anh đã là người một nhà. (Đoạn này viết theo bản dịch của Vũ Thư Hiên)

Ôi, những ngọn nến trong đêm tuyết rơi. Và chúng ta có nên nhắc lại những ngọn nến ở sự kiện âm nhạc Woodstock cách đây ngoài năm mươi năm và trong ca khúc Candles In The Rain Melanie đã hát:

Chúng tôi quá gần nhau, không còn khoảng cách / Máu chúng tôi cùng hòa chung trong một vết thương / Chúng tôi cùng đau chung một nỗi đau / Và chúng tôi cất tiếng hát hòa bình thân ái

Vậy xin người hãy cùng nhau đưa cao ngọn nến. trong mưa / Bởi vì nếu không. bóng tối sẽ dâng đầy lòng đêm. Ôi, xin hãy đưa cao những ngọn nến sáng / cho mưa ngừng rơi trên vai áo chúng ta dần khô…

Chúng ta quá gần nhau. không còn khoảng cách / Người thì đến đây ca hát. người đến để nguyện cầu xua tan bóng đêm.

Tuyết vẫn còn phủ khắp thành phố. Ngồi một mình, Nguyễn lại nghĩ đến bài thơ Tuyết Xưa của Nguyễn Phan Thịnh (Ôi, bạn Thịnh ra đi cũng đã mươi mười lăm năm rồi!). Bài thơ viết ở Lawton cũng thuộc tiểu bang Oklahoma. Thịnh ơi, đâu rồi những áng tuyết xưa…

xưa lắm rồi, điệu a-go-go trẻ trung

tíếng đàn guitar bập bùng suốt đêm

chúng ta nâng ly vang đỏ, bên ngọn lửa

đón mừng tuyết rơi trắng hiên

Ôi, tuyết rơi tuyết phủ như trong phim Dr. Zhivago. Xin cùng nghe lại khúc nhạc Chanson de Lara (Lara’s Theme). Và thấy lại hình ảnh Yuri và Lara trong ngôi nhà tuyết phủ. Một đêm, Yuri đang ngồi làm thơ bên ánh nến trong khi những con chó sói xuất hiện và ngước mõm tru rân quanh những gốc thông già bên hiên nhà. Một buổi sáng, Yuri và Lara thức dậy, đứng tựa vai nhau vén rèm cửa nhìn ra,thì, ô kìa, như trong thơ William Wordsworth, hoa thủy tiên vàng (yellow daffodils) nở rập rờn trong gió.

Nguyễn xin dùng đoạn văn này để kết thúc bài viết với hy vọng chẳng bao lâu nữa thủy tiên vàng sẽ nở khắp vùng đồng cỏ Texas và nắng ấm tràn ngập những ngọn đồi, những con đường của thành phố.

NXT

Comments are closed.