Bán Khoán

Truyện

Phùng Thành Chủng

Vợ chồng anh sinh con gái đầu lòng. Ca đẻ khó. Đứa trẻ ra ngược! Tuy phải phẫu thuật nhưng rất may là cuối cùng vẫn mẹ tròn con vuông. Theo giấy chứng sinh, con anh cân nặng ba cân hai, tình trạng sức khoẻ tốt. Vậy mà không hiểu sao sau khi đón con từ bệnh viện về, ban ngày thì bé rất ngoan, đói thì bú, trụt vú mẹ là ngủ; nhưng cứ đêm đến, quãng từ lúc gà lên chuồng cho đến nửa đêm là nó cứ khóc ngằn ngặt và oằn người lên như đau đớn ở đâu đó mà không nói ra được.

Vợ chồng anh phần vì phải thay nhau thức để dỗ bé, phần vì nghe con khóc mà xót cả ruột, có muốn ngủ cũng không ngủ được, nên cả hai đều rộc hẳn đi. Đưa bé đi viện, bác sĩ cũng chịu không phát hiện ra đó là bệnh gì. Tình cờ có người mách những trường hợp như vậy ở trẻ sơ sinh gọi là khóc dạ đề và khuyên vợ chồng anh thay vì đưa con đi viện nên tìm đến một pháp sư.

Có bệnh thì vái tứ phương, sau khi nghe anh trình bày, vị pháp sư lấy ra năm đạo bùa để vào một chiếc đĩa rồi miệng thì lầm rầm phù chú trong khi hai tay lúc thì bắt quyết lúc thì huơ huơ ba nén hương thành những hình loằng ngoằng trên đó như đang viết vào không khí. Rồi đưa cho anh mấy đạo bùa, ông ta khẳng định: Cháu sẽ đỡ dần và sẽ dứt khóc muộn nhất là sau chín ngày nếu là cháu gái và bảy ngày nếu là cháu trai sau khi đã dặn dò anh những việc cần làm.

Theo đó, trong năm đạo bùa, một đạo được mang trong người cho bé, một đạo treo nơi đầu giường nằm, một đạo để dưới đít hòn đầu rau bà (chân giữa nếu là kiềng, bếp dầu hoặc bếp ga); tiếp đến anh phải sang nhà hàng xóm và phải là người khác họ, lấy trộm (chứ không được hỏi xin) một chiếc đũa; sau đó mang về dùng dao tách đôi phần trên, kẹp vào đó một đạo (trong số hai đạo bùa còn lại) rồi cài lên chái nhà.

Đến đây, ông ta lưu ý anh một điều là trong suốt quá trình thực hiện những công đoạn trên nếu có gặp ai và dù có ai hỏi han, kể cả đó là những người thân trong gia đình, anh cũng phải làm ngơ như không nghe tiếng và không được trả lời; rằng anh chỉ được phép giao tiếp với mọi người xung quanh khi những công đoạn nói trên đã hoàn tất và dặn anh phải nhớ kỹ điều đó.

Cuối cùng, chờ khi bé khóc dữ, lấy nốt đạo bùa còn lại để vào một chiếc đĩa và đổ vào đó một ít cồn hoặc rượu có nồng độ cao rồi đốt lên và dỗ cho bé nhìn vào ngọn lửa. Sau đó, chờ khi đạo bùa đã cháy hết, dùng ba đầu ngón tay dập dập vào phần muội tro trong lòng đĩa rồi xoa vào hai bên bả vai cho bé…

Anh đã thực hiện tất cả những điều đó như một kẻ bị ám thị và kỳ lạ thay – đúng như lời vị pháp sư nói – con anh đỡ dần và đến ngày thứ chín thì dứt khóc hẳn. Hôm trả lễ, anh được vị pháp sư đọc cho nghe bài thơ nói về phép tính giờ trẻ con:

Chính thất sơ sinh Tị Hợi thì

Nhị bát Thìn Tuất diệc kham nghi

Tam cửu Mão Dậu chính thời sát

Tứ thập Dần Thân dĩ định kỳ

Ngũ thập nhất Sửu Mùi chính thị

Lục thập nhị Tý Ngọ tiên tri

Nhược ngộ Sửu Mùi do khả cứu

Thảng lâm Thìn Tuất bất thăng bi.

Theo đó, con anh sinh tháng mười một, giờ mùi là nhằm đúng giờ quan sát, do đó việc nuôi nấng sẽ rất vất vả; rằng số con anh là số phải mày Người và phải qua được cái tuổi mười hai mới có thể yên tâm và khuyên anh nên lên chùa làm lễ bán khoán cho bé.

Và thế là trong tờ khoán ước màu vàng, khổ lớn, được viết bằng loại chữ tượng hình, trông như một đạo sắc phong dán nơi đầu giường nằm, ngoài cái tên khai sinh Nguyễn Thị Phương Thảo, con anh còn mang một cái tên khác của một dòng họ khác là Chu Thị Hạnh. Chả là con anh phải bán cho Đức Ông, là con mày của Đức Ông mà Đức Ông là họ Chu nên con anh phải mang họ Chu và tên thì từ Thảo đổi sang Hạnh.

Không hiểu ở cõi siêu nhiên có thực có một ông họ Chu chuyên lo những việc cứu nhân độ thế, do đó được người đời tôn xưng là Đức Ông hay không, chỉ biết từ đó con anh một ăn một lớn, ngoại trừ mấy lần hắt hơi sổ mũi, còn thì chưa biết đến cổng bệnh viện là gì…

***

Đến tìm anh là một người đàn ông quãng ngoài sáu mươi tuổi trông khắc khổ nhưng khoẻ mạnh:

– Xin lỗi! Anh là nhà văn Nguyễn Thiêm?

Nhìn người khách lạ, anh buông một câu không mấy thiện cảm:

– Vâng, tôi là Nguyễn Thiêm…

Có vẻ như không nhận ra thái độ lạnh lùng của anh, ông ta vô tư tự giới thiệu mình và về mục đích của chuyến viếng thăm. Theo đó, ông ta đã được đọc những bài phóng sự điều tra chống tiêu cực mà anh là tác giả, biết anh là một nhà văn luôn đứng về phía lẽ phải, sẵn sàng bênh vực kẻ yếu, nên ông ta tìm đến anh với hy vọng là sẽ được anh giúp đỡ.

Chuyện thì dài nhưng đại để là ông ta nhập ngũ năm 1968. Sau ba tháng huấn luyện cấp tốc, đơn vị ông được lệnh đi B, rồi bảy năm trong quân ngũ thì bảy năm ông gắn bó với chiến trường Tây Nguyên. Rằng ông bị thiệt thòi chỉ vì trình độ văn hoá có hạn (mới qua xoá mù chương trình Bình dân học vụ) còn trong chiến đấu ông là người rất dũng cảm và có nhiều thành tích; rằng ông đã từng được công nhận là dũng sĩ diệt Mỹ nhưng rốt cục vẫn chỉ là anh sĩ quan một vạch.

Rồi năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, ông được ra quân; song vì ở quê không còn ai là người thân thích nên ông đã xung phong ở lại Tây Nguyên và coi đây như quê hương thứ hai của mình. Vậy mà không hiểu do một sự nhầm lẫn nào đó, năm 1986, sau mười tám năm xa cách, có điều kiện về thăm quê ông mới hay tin ở quê mọi người đều yên trí là ông đã chết vì đơn vị ông đã đánh giấy báo tử về địa phương là ông đã hy sinh từ năm 1972 và ở địa phương người ta đã tổ chức làm lễ truy điệu cho ông!

Câu chuyện chỉ có thế, chẳng có gì đáng phải để tâm bởi ông nghĩ trong chiến tranh việc báo tử nhầm là chuyện bình thường, và sau khi trở lại Tây Nguyên ông vẫn coi đó như một chuyện vui mỗi khi có dịp nhắc đến. Song sự đời lại không đơn giản như ông tưởng!

Bây giờ khi đã ở cái tuổi sáu lăm, ông có nguyện vọng muốn chuyển vợ con về quê để sống nốt những năm cuối đời, phòng nếu có mất còn được gửi nắm xương tàn ở chính nơi mình đã sinh ra và để các con ông sau này khỏi mất gốc, nhưng đến khi chuyển ra rồi ông mới ngớ người khi được biết mình vẫn là… liệt sĩ!

Những giấy tờ cần thiết như: Quyết định phục viên, sổ hộ khẩu kèm theo giấy giới thiệu và xác nhận của chính quyền địa phương quê vợ mà ông đưa ra đều được trả lời là không hợp lệ với lý do về mặt thời gian những giấy tờ đó đều có sau giấy báo tử! Ông đã phải nuốt nghẹn để hỏi lại: Hẳn các anh cũng biết đó là một sự nhầm lẫn? – Nhầm hay không là việc của ông chứ không phải việc của chúng tôi! Họ đã trả lời ông như vậy và một lần nữa ông đành phải nuốt nghẹn: Chẳng lẽ việc tôi còn sống sờ sờ và đang đứng trước mặt các anh ngay lúc này đây lại không có giá trị bằng mảnh giấy báo tử? – Việc nhà nước không phải đơn giản như ông nói với chúng tôi! Tất cả đều phải có nguyên tắc và phải có cơ sở pháp lý. Chúng tôi làm việc theo pháp luật

Cực chẳng đã, ông đành phải hạ một câu: Vậy theo các anh, trường hợp của tôi phải như thế nào mới là hợp lệ?Ông phải có giấy xác nhận của đơn vị cũ là trước đây đã báo tử nhầm! Đòi hỏi đó với ông không gì khác hơn là một sự đánh đố bởi biết đơn vị ông bây giờ ở đâu; với lại ngần ấy năm đã trôi qua, nếu có tìm ra, thì những người cùng đơn vị với ông ngày ấy, bây giờ liệu có còn ai để mà xác nhận.

Ông đã bỏ về và nhen nhóm trong đầu ý nghĩ: Chỉ còn cách trở thành tội phạm. Trước cơ quan công quyền ông khai nhận là đã can tội giết người – một bé trai mới lên ba tuổi rồi cho vào bao tải và vứt xuống giếng. Họ đã cho người đến hiện trường vớt chiếc bao tải lên, nhưng đến khi mở ra thì bên trong chỉ là một… con chó! Với tội danh gây rối trật tự trị an, ông bị xử ba năm tù nhưng cho hưởng án treo và có thời gian mười lăm ngày để chống án…

– Ông làm như vậy để làm gì? – Anh hỏi.

– Để được thấy là mình còn sống!

– Và… bây giờ thì ông… chống án?

– Tôi sẽ chống án!

– Với lý do một người đã chết cách đây hơn ba mươi năm không thể sống lại để phạm tội?

– Đúng thế!

– Nghĩa là…

– Nghĩa là nghĩa vụ và quyền lợi phải đi đôi với nhau và bây giờ thì tôi lại muốn được là … liệt sĩ!

***

… Chuyện cách đây đã mười hai năm. Tất nhiên với vị thế của mình và do tính chất những tình tiết của vụ án đã không dừng lại như những tình tiết ở một vụ án thông thường nên anh đã chẳng làm được gì hơn cho thân chủ của mình ngoài sự đồng cảm và lời tự thú rằng mình bất lực. Tuy nhiên sau đó, ý tưởng cho một cái truyện ngắn cứ ám ảnh, cứ bám riết lấy anh và đúng vào cái buổi sáng mà vợ anh trở dạ, trong khi mẹ anh đưa vợ anh đến nhà hộ sinh thì cũng là lúc đứa con tinh thần của anh đòi được ra đời và hối thúc anh phải ngồi vào bàn viết…

Để tránh sa đà vào những tình tiết, những sự kiện cụ thể nhưng mang tính cá biệt, anh đã không cho câu chuyện một không gian cũng như một thời gian xác định. Ngay cả cái tên nhân vật anh cũng không muốn nó có một quốc tịch rõ ràng khi sự cần thiết tối thiểu là cái danh xưng cũng chỉ được anh cho một ký tự là chữ cái P. Nghĩa là, cái truyện ngắn của anh không còn thuần tuý là một truyện ngắn viết về vụ án, bởi chẳng còn tìm đâu ra dấu tích của cái vụ án mà anh đã nghe và câu chuyện mà người đàn ông đã kể.

Anh viết như bị ma ám, như là ai đó viết chứ không phải chính anh viết và – cũng thật trùng hợp – khi sau đó anh biết rằng, đúng vào cái thời khắc ở bệnh viện vợ anh sổ bé Thảo thì cũng là lúc anh hạ dấu chấm hết cho cái truyện ngắn của mình.

Song có gì đó như là định mệnh, bởi suốt mười hai năm qua, cái truyện ngắn ấy được anh gửi cho rất nhiều nơi nhưng vẫn chẳng một nơi nào nhận in…

Ngày Phật Đản, anh lên chùa lễ cho bé Thảo. Vị sư già hỏi thăm:

– Dạo này con bé có được khoẻ không?

– Cảm ơn thầy! Nhờ Trời Phật phù hộ, cháu vẫn khoẻ.

– Sao không cho nó đi cùng?

– Sắp này cháu phải bận học.

– Năm nay nó đã học lớp mấy rồi?

– Dạ, lớp 6.

– Nam vô A Di Đà Phật! Vậy là hôm nào chuộc khoán cho nó được rồi đấy!

Chuộc khoán! Điều đó cũng đồng nghĩa với việc năm nay con anh đã mười hai tuổi và đã qua cái hạn sinh nhằm phải giờ quan sát. Nếu như vị sư già không nhắc thì anh đã chẳng còn nhớ là nó đã đến tuổi chuộc khoán. Trong khoảnh khắc của một sát na ấy, anh bỗng ngộ ra về cái gọi là số phận của đứa con tinh thần của mình:

Cái truyện ngắn của anh cũng đã sinh nhằm phải giờ quan sát!

***

Sự xuất hiện của cái truyện ngắn Vụ án của nhà văn Trung Quốc: Chu Tác Lâm (do nhà văn Nguyễn Thiêm dịch) trên tờ Cảo Thơm – một tờ báo có uy tín, chuyên về sáng tác, lý luận, phê bình và những thông tin văn học nghệ thuật của Hội Nhà văn ngay lập tức đã gây xôn xao dư luận. Nếu như trước đây người ta thường quan niệm chiếc roi phê bình giúp cho con ngựa sáng tác lồng lên thì bây giờ tình hình đã hoàn toàn ngược lại.

Con ngựa phê bình đã lồng lên trước ngọn roi của sáng tác hay đúng hơn là trước ngọn roi của một truyện ngắn… dịch. Vốn vẫn bị giới sáng tác coi là ăn theo, là nặng tính kinh viện, là phê bình cánh hẩu, hoặc chỉ là những chuyên gia điểm sách mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt theo như phép thắng lợi tinh thần của A. Q, lần này các nhà phê bình đã nhận thấy ở cái truyện ngắn một chỗ dựa để nhất loạt phản pháo.

Sau khi phân tích nội dung tư tưởng cũng như giá trị nghệ thuật của tác phẩm, bằng vào những lập luận sắc sảo, đầy tính thuyết phục, các nhà phê bình đã không ngần ngại khi cho rằng: Vụ án là đỉnh Chô Mô Lung Ma không chỉ của văn học Trung Quốc mà của cả thế giới; rằng từ Vụ án đến Vụ án Chu Tác Lâm còn thân phận và phi lý hơn cả KAFKA; và xa hơn là lời đoan chắc tác phẩm này nhất định sẽ đoạt giải… Nobel!

Cuối cùng, nhằm chĩa mũi nhọn vào giới sáng tác mà cụ thể ở đây là các nhà văn, các nhà phê bình cũng đã không ngần ngại đưa ra nhận xét là, nền văn học của chúng ta mấy chục năm qua mới chỉ có nền chứ chưa có đỉnh; rằng trông người lại nghĩ đến ta, chúng ta còn bảo hoàng hơn cả nhà vua. Nhân đó khuyến cáo các nhà văn sở dĩ trong thời gian qua, giới phê bình đành phải im hơi lặng tiếng là vì còn thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao, và không dấu giếm sự mỉa mai khi hy vọng những năm 50 của thế kỷ 21 chúng ta có thể có được những tác phẩm ngang tầm Vụ án!

Vậy Chu Tác Lâm là ai? Không phải khó khăn gì lắm, sau đó các nhà phê bình cũng đã phát hiện được chẳng có một nhà văn Trung Quốc nào có cái tên là Chu Tác Lâm cả.

Thắc mắc này được chuyển đến cho nhà văn kiêm dịch giả Nguyễn Thiêm thì anh chỉ cười:

– Đó là tên bán khoán đứa con mày của Đức Ông…

Comments are closed.