Bọ cánh cứng bay đi rồi

Truyện ngắn Nguyễn Thái Sơn

Văn Việt: Nguyễn Thái Sơn sinh năm 1955, là sỹ quan Quân đội đã nghỉ hưu, đang sống tại thành phố Bắc Ninh. Đã in: Người chở đò đêm (tập truyện ngắn), Con đường rừng mờ sương (tập truyện ngắn).

 

Năm gần sáu mươi tuổi, bố tôi quyết định làm nhà. Ông bảo: “Tình người bây giờ nó bạc, mình đang tại chức làm nhà có gì đề nghị cơ quan may gia nó còn giúp, chứ khi về hưu rồi, lại như thủ trưởng cũ lên mời cưới con. Cấp dưới, anh thì, nhất định em sẽ đi. Anh thì, thủ trưởng dìu dắt, gắn bó với chúng em hàng chục năm trời, nay cưới con thiếu chúng em sao được. Còn người kế nhiệm, chắc hơn cả đinh đóng cột: Con bác cũng như con em, cứ yên tâm, cứ yên tâm, hôm ấy cơ quan sẽ có mặt đầy đủ. Đến hôm cưới tay nhân viên hành chính chạy hết các phòng, hoắng lên: Ai đi đám cưới, cho sếp gửi cái phong bì? Anh A chỉ anh B, anh B lại chỉ anh C, cuối cùng không có ai đi cả. Nó phải cầm phong bì về”. Nói xong, ông cười ha hả: “Thật già rồi mà còn dại, làm ế cả chục mâm cỗ”.

Bố tôi bắt tay vào khởi công ngôi nhà mới, bắt đầu bằng việc dỡ đi gian nhà tập thể cấp bốn cũ kĩ mà mẹ tôi được cơ quan thanh lý. Hôm dỡ, mẹ nói với toán thợ: “Xin các bác nhẹ tay cho, để tận dụng những cái còn dùng được”. Toán thợ nhao nhao: “Để thì còn, dỡ ra thì chỉ làm củi”. Bác phó cả đề nghị: “Hay ông bà chủ bán luôn cho chúng tôi mang về đốt gạch”. Bố tôi phân vân nhìn quanh, có dỡ ra cũng chẳng biết để vào đâu khi mà sắt, xi măng đang ngồn ngộn chuyển về. Ông gật đầu đồng ý. Tiền bán gian nhà cũ được thoả thuận bằng tiền công phá dỡ chính nó. Mẹ tôi ngao ngán: “Thế thì khác gì cho không?”.

Làm nhà đúng là việc lớn của đời người. Xây xong phần thô, bố tôi sút bốn ki lô, hoàn thiện xong sút bốn ki lô nữa. Khi ngôi nhà lừng lững mọc lên, sơn khô, hai má ông hóp lại đôi mắt trô trố, nước da sạm lại như ngày nào ông từ Miền Nam về, mang theo bệnh sốt rét ác tính. Bù lại niềm vui trong ông luôn vỡ òa, không còn thiết tha việc cơ quan nữa, ông xin nghỉ hưu. Đúng như tính toán, bố tôi cũng mua rẻ được từ cơ quan về hai thứ: vì kèo sắt và tôn đã qua sử dụng, làm được cái mái chống nóng. Ông tính: “Đỡ được gần chục triệu đồng đấy”.

Với người về hưu cái gì cũng ít, sức khoẻ ít, đồng lương ít, nhưng thời gian lại nhiều đến thừa thãi. Ngồi đâu bố tôi cũng nói về ngôi nhà của mình, không cần biết khách có nghe hay không. Ông thường bắt đầu khoe với hàng xóm và các bạn đồng ngũ một câu như đã được mặc định: “Nhà tôi cả thảy lớn nhỏ mười tám cái cửa”. “Sao mà mở lắm thế, bằng lim hết à?”. Khách lắc đầu đầy vẻ kinh ngạc. Ông cười đắc chí: “Nhà ba mặt tiền mà lại. Không có một tấc lim nào nhưng cũng bằng loại gỗ mối, mọt tránh xa”.

Chú Thắng, người mà bố tôi bảo, tính thẳng như ruột ngựa cái gì cũng cãi đến cùng, cấp trên nó ghét nên cứ lẹt đẹt mãi cái chức đại đội phó trông chó bóc hành rồi về phục viên, nửa tin, nửa ngờ: “Ông cứ nói thế chứ, không phải lim, lát, nghiến, thì cũng phải là dổi, de mới chống được mối mọt”. Bố tôi khoát tay: “Ông lúc nào cũng đề cao lim với lát, dổi với de. Rồi các ông sẽ chứng kiến. Dùng gỗ cũng như dùng người. Biết cách chọn gỗ, vừa tiết kiệm được chi phí lại bền, cửa cổng nhà tôi bằng gỗ làng nhàng thôi, nhưng chẳng kém lim lát đâu”.

Một năm, hai năm đi qua ngôi nhà tôi vẫn bóng bẩy, mới toanh, rất nhiều người khen: Nhà đẹp. Bố tôi rạng rỡ mặt mày, ông không ngại ngần chê những ông hàng xóm xây nhà thiếu óc thẩm mỹ, không biết thế nào là gỗ tốt, gỗ bền. Năm thứ ba nhà tôi vẫn lung linh như một bức tranh ba chiều. Rồi vào một đêm, tôi nhớ như in. Đêm ấy rét hại, ngoài trời có mưa rầm rì khoảng nửa giờ thì tạnh hẳn, không gian im ắng lạ thường. Từ phòng bên tôi nghe thấy: “Có tiếng gì ấy nhỉ?”. Giọng mẹ ngái ngái. “Đêm tối thì thiếu gì tiếng giun dế, chuột bọ ở cống rãnh”. Tiếng bố. “Không, anh lặng mà nghe đi. Có con gì trong nhà mình”.

Tôi sợ run bần bật, vì nhớ ngay đến câu chuyện ông nội kể năm nào. Ngày xửa, ngày xưa ở một làng người Việt, có bà mẹ trẻ chồng đi làm thuê làm mướn nơi xa, hàng ngày chị địu con lên nương làm lụng, tối về cơm nước xong thường đóng cửa từ khi trời còn nhập nhoạng. Trước khi đi ngủ, bà mẹ có thói quen cứ để cho đứa bé bú thỏa thê, rồi hai mẹ con lăn ra ngủ vùi cho đến sáng. Chị không hề biết ngay sau tường nhà chị có một con rắn hổ mang đã sống hàng nghìn năm thành tinh, lợi dụng lúc hai mẹ con chị ngủ nó bò tới ngậm lấy bầu vú của chị, bú cho đến khi bụng căng phồng no nê mới bỏ bầu vú chui xuống gầm giường thở phì phì. Con hổ mang cứ thế, cứ thế, đến một ngày người mẹ do làm lụng vất vả sữa ít đi chỉ đủ cho con bú, hổ mang ngậm vào bầu sữa không còn gì cả, tức giận bản năng nó cắn chết đứa bé rồi bỏ về hang. Bà mẹ thức dậy thấy đứa con yêu của mình co quắp, mọng tím như quả sim chín. Chị không biết con mình chết từ bao giờ, làm sao lại chết. Chị ngất đi. Từ đó hổ mang độc chiếm hai bầu vú người đàn bà, đêm nào nó cũng bò vào chờ cho chị ngủ, bú cho đến khi no tròn. Vào một đêm mùa hạ mây đen kéo đến ùn ùn, bất ngờ có tiếng sét sáng loá người đàn bà đang ngủ bừng tỉnh, chị thấy có gì nằng nặng trong vạt yếm, vội đưa tay lên ngực chạm ngay vào con rắn, nó bị bất ngờ phản xạ sinh tồn, hổ mang dừng bú nghiến răng phun nọc độc. Người đàn bà quằn quại, oằn mình vật lộn. Chị như cành cây bị đốn dần cho tới chết. Trong khoảnh khắc ấy chị đã nhận ra con hổ mang, nhưng muộn quá mất rồi.

Tôi nín thở cố lắng tai nghe xem có tiếng “phì phì” không, nhưng không nghe thấy gì cả ngoài tiếng tim đập thình thịch của chính mình. “Anh đã nghe thấy c…h…ử…a…?”. Tiếng của mẹ tôi rất to, khiến tôi bình tĩnh trở lại. “Lặng im xem nào”. Bố tôi gắt.

Không gian lắng xuống, lìm lịm. Lúc này tôi đã nghe được cái âm thanh rất đều: k…ẹ…t… k…ẹ…t… k…ẹ…t… k…ẹ…t… “Mẹ cha nó, gỗ bị mọt rồi”. Bố tức giận, ông bật điện trong phòng. “Ơ cái ông này, định tồng ngồng như thế mà ra ngoài à”. Mẹ tôi khẽ khàng.

Tôi cố nhịn cười trùm chăn kín đầu, thở phào. Tưởng gì, chỉ là con mọt.

Không còn sợ hãi nữa, tôi tìm lại giấc ngủ, nhưng không hiểu sao đôi mắt cứ tỉnh queo. Tiếng mọt gặm gỗ lúc trước phải lắng nghe, bây giờ muốn quên đi, nó lại rõ mồm một trong tai. K…ẹ…t… k…ẹ…t… k…ẹ…t… bức bối khó chịu vô cùng. Không ngủ được tôi bật dậy ra phòng khách, định bật ti vi xem bóng đá giải ngoại hạng Anh.

Phòng khách điện sáng trưng, bố tôi đang ở đó. Ông khom người rón rén đi bằng năm đầu ngón chân rất nhẹ, tai lần lượt áp vào từng thanh gỗ ốp tường. Thấy lạ, tôi hỏi: “Bố làm gì đấy?”. “Im, tao tìm con mọt xem nó ở đâu?”.

Tôi hiểu ra, lập tức làm theo bố, áp tai vào thanh gỗ ốp tường. K…ẹ…t… k…ẹ…t… k…ẹ…t… tiếng mọt gặm gỗ đập vào tai tôi lớn gấp nhiều lần so với lúc nghe ở ngoài. Tiếng của nó như những mũi khoan, khoan vào màng nhĩ, làm tôi liên tưởng đến răng mọt phải như răng cá sấu, phải như cái lưỡi của máy xúc, máy đào: “Đích thị nó ở đây r…ồ…i…”. Tôi reo lên. Bố tôi quay lại áp tai vào đúng thanh gỗ tôi chỉ. Lập tức, ông ngẩng đầu lên nhìn tôi: “Bậy. Chỗ nào nghe mà chẳng giống chỗ này”. Tôi hồn nhiên. “Thế nhà mình bị mọt đục hết rồi hả bố?”. Không có tiếng trả lời.

***

Kể từ cái đêm mưa như nói chuyện rầm rì ấy, nhà tôi lúc nào cũng loang thoảng ban ngày, rành rọt ban đêm tiếng kẹt… kẹt cần mẫn của lũ mọt. Mọt nằm ở khắp cả cửa sổ, cửa chính, con tiện, ốp tường, nhưng lại không nhìn thấy cụ thể ở đâu cả, chỉ thấy một màu véc ny bóng loáng.

Bố tôi liên tục tìm kiếm, săm soi mong tìm cho ra hang ổ chúng. Ông bảo: “Tìm được thì diệt có khó gì?”. Và ông tưởng mình đã tìm được. Hôm đó vào gần trưa sau nhiều ngày rét đậm có nắng lên, ai cũng bảo ngày đẹp. Bố tôi kéo tấm rèm cửa để đón cái nắng đang vàng óng như những sợi tơ, bắt gặp một lỗ nhỏ như cái đầu đũa ăn cơm tròn vành vạnh ngay trên khung cửa, luồn chiếc dây điện mềm vào thấy sâu hun hút. Ông gọi tôi: “Đây rồi. Thái, lấy cho bố chai dầu hoả”. Tôi đi lấy cho ông chai dầu hoả. Bố tôi làm cái phễu nhỏ bằng giấy rồi rót dầu vào hang mọt. Dầu chảy vào hang không đáng bao nhiêu mà chảy ra ngoài là chính, mùi dầu loang khắp căn nhà. Hai bố con mải làm và hồi hộp chờ xem động thái của con mọt, không hề biết ba ông khách cùng chi hội cựu chiến binh của bố tôi, đến từ bao giờ đang đứng sau lưng: “Này, sao ông bảo gỗ nhà ông mối mọt tránh xa, mà bây giờ lại phải đổ dầu vương vãi ra thế này?”. Câu hỏi nhọn như mũi kim, vừa làm bố tôi giật mình, vừa làm bố tôi khó chịu. Gương mặt đỏ lên, ông tránh câu trả lời: “Các ông đến chơi đấy à. Mời ba ông ra uống nước”. Khách theo bố tôi đến chỗ bàn nước. Chú Thắng người vừa hỏi, vẫn róng riết: “Gỗ bị mọt rồi à?”. Bố tôi như không nghe thấy, đặt chén nước trước mặt từng người: “Mời các ông”. Ba ông khách đánh mắt nhìn nhau giấu nụ cười. Bố tôi hiểu nét mặt của họ. Ông nói không được tự tin lắm: “Không phải mọt, cái lỗ có từ lâu rồi, tôi thấy có con ong cứ bay vù vù ở đó nên bảo cháu cho dầu hoả vào để nó không làm tổ”.

Câu trả lời của bố tôi, chú Thắng không thoả mãn, nhưng chú chỉ đưa tay lên che miệng. Tôi nhận ra đôi mắt chú đang cười. Từ lúc ấy không ai nói đến mọt nữa và bố tôi lần đầu tiên cũng không nói chuyện về ngôi nhà, về mười tám cái cửa với khách. Ba ông cựu chiến binh ngồi chơi một lúc rồi ra về. Họ đi khuất, bố tôi cằn nhằn: “Cái lão Thắng chỉ được, đâm bị thóc, chọc bị gạo là giỏi”. Tôi thấy bố ghép tội oan cho chú Thắng liền phản ứng: “Chú ấy chỉ hỏi gỗ có phải bị mọt? Gỗ nhà mình mọt thật còn gì”. “Mọt ở đâu? Mọt ở chỗ nào, mày bắt mang đây xem nào?”. Tôi không ngờ, bố tôi lại nóng nảy đến thế đành lặng im quay lại cái cửa sổ có hang mọt, tiếp tục đổ dầu vào đó. Bố tôi vẫn còn càu cạu, mặt nặng như chì, ông đến kéo rèm các cửa sổ phía đông. Khi rèm vừa kéo lên bố thảng thốt: “Ôi, mới hôm qua không thấy gì, hôm nay sao lại nhiều thế này?”. Tôi cầm chai dầu chạy lại chỗ bố. Trên bệ cửa sổ còn nguyên cả đống bụi màu vàng nhạt nhỏ như cám, hàng chục cái lỗ tương tự như cái tôi vừa đổ dầu có trên cánh cửa: “Mọt hả bố?”. Tôi hỏi. “Hừm… Đưa chai dầu đây. Mọt cái mả bố mày”.

Tôi rất bực vì bố giận cá chém thớt. Đưa chai dầu cho ông xong, tôi biến luôn sang nhà chú Thắng. Ba ông cựu chiến binh vẫn đang ở đó, tôi dừng lại ngoài cửa, không ai biết tôi đến, họ nói và cười rất to. Chú Thắng: “Cái lão Đức (Đức là tên bố tôi) ngu bỏ mẹ, tin thằng thợ mộc, vụ lợi bán cho toàn gỗ tạp lại khoe là gỗ tốt, bây giờ mọt đục, bảo thủ, xấu hổ đếch dám nhận”. Bác Hạo người mà bố tôi bảo, đi bộ đội năm năm, thì cả năm năm làm thằng nuôi quân nhọ đít, đếch biết súng đạn là gì, hắt cặn nước ra cửa: “Kệ ông ấy. Tớ thì ông ấy bảo tốt mình cũng bảo tốt, chẳng tội gì mà làm ông ấy mất lòng. Đến chơi lần nào tớ cũng khen: cửa cổng nhà ông đúng là tốt thật, lão sướng cười khơ khớ, rót cả rượu tắc kè ra mời”. Bác Thuận đi bộ đội cùng với bố tôi, nhưng khi phục viên về lại làm ở cơ quan mẹ. Mẹ có lần kể với bố: “Thằng cha ấy ngày ở bộ đội mới về bám em như đỉa. Em bảo có người yêu rồi, hắn cứ tỉnh bơ, yêu hai chọn một không hơn à?”. Bác vơ lấy cái điếu cày: “Thuốc của ông chủ đâu xin một điếu. Lão Hạo khôn thật, chẳng như tôi, cách đây mấy hôm qua nhà lão ấy, thấy cứt mọt bám trên khung cửa, tôi bảo gỗ nhà ông bắt đầu bị mọt rồi. Lão trợn mắt lên, ông thì biết cái gì, gỗ này mọt thế đếch nào được. Ngại quá tôi im bặt”. Chú Thắng cười vang nhà: “Với lão Đức, bây giờ nhắc đến mọt là phạm huý”.

Ba ông cựu chiến binh vẫn nói, cười như không có hồi kết. Ở đó lúc ấy không có chỗ của tôi, vả lại tôi cũng đã hiểu vì sao bố tôi lại cáu cẳn đến thế. Tôi lẳng lặng ra về.

***

Mùa xuân đã đến. Những cánh hoa gạo đỏ cháy rụng đầy bến sông, mưa lui phui, cỏ cây sau những ngày hanh khô rét mướt bật dậy đâm chồi xanh ngắt. Ngôi nhà của gia đình tôi, có lẽ vì thời tiết ẩm ướt mà một vài chỗ sơn tường đã bị mốc loang lổ. Nó không còn lung linh nữa, thời gian bắt đầu ghi dấu trên nó, như nếp nhăn khắc trên gương mặt người.

Bố tôi vẫn kiên trì cuộc chiến với lũ mọt, ngày càng nhiều lên ở tất cả các ô cửa. Sáng, ông dậy rất sớm quét hết những đống phân mọt vàng mịn như cám rồi đổ dầu hoả, thuốc sâu trực tiếp vào hang ổ chúng. Chiều, lại một quy trình như thế được lặp lại. Cuộc chiến hình như cũng có kết quả, tuy không nhặt được xác một con mọt nào nhưng biểu hiện rõ nhất là tiếng kẹt kẹt ít dần theo thời gian. Rồi một ngày tiếng kẹt kẹt mất hẳn. Ông háo hức tuyên bố với cả nhà: “Lũ mọt đã bị tiêu diệt toàn bộ”.

Trong câu chuyện hàng ngày với bạn bè, bố tôi lại nói về mười tám cái cửa. Chú Thắng hỏi: “Tất cả đều không bị mọt chứ?”. Bố giơ bàn tay xoay xoay, như đang diễn thuyết: “Đúng là có bị mọt một vài chỗ, nhưng tôi đã khắc phục quyết liệt, đến nay thì không còn chỗ nào mọt nữa. Bây giờ tôi mới thấm thía các ông ạ. Dùng gỗ cũng như dùng người, các cụ ta nói thánh thật”. Khách gật đầu vẻ tâm đắc. Chú Thắng đứng dậy nhìn săm soi vào khung cửa không nói gì, chỉ khẽ lắc đầu.

Tháng tư sau tiết thanh minh, trời nắng lên và bắt đầu đã có những cơn mưa đầu mùa. Hôm ấy cậu Thìn em út của mẹ tôi, làm việc ở sở nông nghiệp tỉnh về chơi. Bố tôi ngà ngà ruợu, ôm lấy cậu: “Im, im, cậu nghe xem nhà tôi có tiếng gì không?”. Cậu Thìn ngơ ngác: “Tiếng gì?”. “Thì cậu cứ lắng nghe đi”. Cậu Thìn im lặng lắng nghe rồi lắc đầu: “Chẳng có tiếng gì cả”. “Đúng thế, nhưng để được yên tĩnh thế này tôi đã phải tốn cả năm trời chiến đấu với chúng”. Bố tôi tự hào. Cậu Thìn ớ người ra: “Cái gì, bác phải chiến đấu với ai?”. “Cậu đứng lên, đứng lên”. Bố tôi cầm tay cậu Thìn kéo ra ô cửa sổ phía đông, chỉ tay vào những hang mọt. “Cậu thấy không tôi phải đổ dầu, đổ cả thuốc sâu mấy tháng chúng mới chịu chết, chứ cách đây khoảng nửa tháng nó còn đục gỗ kẹt kẹt suốt đêm làm tôi không ngủ được. Cậu Thìn nhìn kỹ vào từng hang mọt, hỏi: “Bác đổ dầu và thuốc sâu vào đây?”. “Ừ”. Bố tôi gật đầu. “Trời ơi sao bác lại ấu trĩ thế. Con mọt đục được lỗ thế này là nó đã thành con bọ cánh cứng chui ra ngoài, và bay đi rồi. Bác nhìn đây”. Cậu Thìn đưa tay giật khẽ cánh cửa: “Roắc…”. Cánh cửa vỡ toang, bụi tung toé, nhìn thấy cả một vòm trời phía đông trăng mờ mờ, sâu thẳm, gió bụi ùa vào nhà. Cậu vỗ tay phủi bụi: “Mọt đục kiểu này thì chỉ có bó tay chấm com thôi, cửa cổng nhà bác mục ruỗng hết rồi”.

Bố tôi hình như chưa tin lời cậu Thìn, ông đi kiểm tra lần lượt từng ô cửa, đến đâu ông cũng đập mạnh một cái. Thật buồn, ông đập cánh cửa nào nát cánh cửa ấy, đến cánh cửa cuối cùng hướng đông bắc ông không dám đập nữa, vì ông chợt nhớ ra đài đã báo rét Nàng Bân sắp tràn về.

Ông đứng như trời trồng, mắt nhìn lên trần nhà như đang tìm bóng dáng con bọ cánh cứng, xem nó đã bay đi đường nào…

 

Bắc Ninh tháng 3/ 2011

 

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.