Bờ kia (kỳ 2)

Nam Dao

*

Chà châm ngọn đèn dầu hoả, trải giấy khổ lớn lên sàn, pha mực rồi chép kinh. Đây là phương pháp Chà hoàn hồn sau những biến động gây xáo trộn tâm can. Định thần một lát, Chà viết:

Xá-Lợi-Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị.

Xá-Lợi-Tử! thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.

Thị cố không trung vô sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, hương, thanh, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới.

vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.

khổ, tập, diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn.

Tam thế chư Phật, y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu đa-la Tam-miệu Tam bồ-đề.

Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.

Cố thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú .

Tức thuyết chú viết:

Yết-đế , yết-đế , Ba-la yết-đế . Ba-la-tăng yết-đế Bồ-đề tát-bà-ha.”[1]

tức là

Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, hoàn toàn vượt qua, tìm thấy giác ngộ.

Chà tự nhủ, vượt qua Bờ Kia thì để làm gì nè? Không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí tuệ, cũng không có chứng đắc, vì vốn không có chỗ chứng đắc. Để tất cả là… hư vô? Rút trong lưng cút rượu chưa uống hết, Chà thốt lên một tiếng Đ.má hư vô rồi tu ừng ực. Chà lơ mơ, ngủ không ra ngủ, thức không ra thức. Trong cái cõi hư thực, Chà nhận ra tên Kỳ, một phiên thần đến chùa Tam Giáo lậy Án đô vương Trịnh Bồng năm lậy, khi Bồng trốn Thăng Long đi tìm nơi tu tập. Bồng kêu các vị nhầm rồi, nhưng bọn Kỳ khóc, đòi dựng lại cơ nghiệp nhà Chúa. Khi ấy quân Nguyễn Hữu Chỉnh đã phá tan đạo binh phù Chúa của Đinh Tích Nhưỡng, nay chỉ Kỳ còn giữ được một ít quân binh. Tưởng công danh đã đến tay, Kỳ xin Bồng phong tước. Biết cái bóng danh lợi mới là động cơ chính, Bồng trốn nhưng bị đám thổ hào bắt để lấy thưởng. Đích thân Chỉnh ra vùng Kinh Bắc, ra lệnh chém sạch bọn Kỳ, đầu bêu ở Thuận Thành chỉ một ngày là thịt rã, đầu chỉ còn có xương, mắt mở hoác ra đe dọa. Chỉnh bắt được Bồng, hỏi: “ Thượng công có muốn về Kinh nối nghiệp nhà Chúa không?”. Bồng giẫy nẩy kêu: “ Eo ôi, cho tôi xin… Cái nghiệp quyền lực nó ghê lắm, tôi đã phát nguyện lánh cho xa, nay chỉ mong dạo chỗ cửa thiền, ê a kinh kệ cho đến hết đời thôi!”

Chỉnh tha Bồng và đám hộ vệ mà Chà là Chưởng quản. Ai đó động vào vai Chà, cao giọng hầm hè, trách: “ Tao là Kỳ ngày xưa đây. Nếu mi không đưa Bồng đi trốn thì khi Chỉnh tới tao sẽ đem nộp, đâu đến nỗi bị chém bêu đầu”. Nói xong, Kỳ lè lưỡi đỏ hỏn ra cuốn lấy cổ Chà, thịt trên mặt rã dần, lưỡng quyền trắng hếu nhô cao, và hốc mắt phát ra một ánh lân tinh xanh lè. Chà thét rống, vùng vẫy như con cá kẹt trong nơm, vô vọng. Rồi Chà ngổi nhổm lên, nhác thấy ai đó đang chồm lên người mình. Chao ôi, làm sao thoát được đây. Chà lại hét tướng lên, cứu tôi, cứu tôi… Kẻ chồm lên người Chà chính là cái bóng Chà lung linh trên vách dưới ánh đèn dầu.

Sợ….sợ.

Sợ cái bóng của chính mình.

Cái sợ đầu tiên là sợ đau đớn. Trong những trại cải tạo Chà đã dạn dầy kinh nghiệm, thượng cẳng chân hạ cẳng tay của đám quản giáo ngay những ngày đầu “cho chúng mày biết tay cách mạng” là chính sách. Bạo lực, rất chi là thuyết phục. Đau thể xác, đến khi hết chịu đựng được thì kẻ không có cũng nhận tội để thôi bị đòn. Nhận xong, ít lâu tội phạm nhập tâm cái tội quản giáo áp đặt, lắm khi thêm hoa hè hoa sói tô vẽ vào cho nó “thực”, và thành khẩn xin được giáo dục cải tạo. Không còn mình, tội phạm mất dần cá tính, luân hồi sinh hóa hiển lộng tức khắc từ một con hùm biến thành chó nhà, và từ chó hóa thân ra con giun, con sán. Cứ đánh cho nhiều, ắt lượng thành phẩm, là vậy. Lúc đó, là lúc tội phạm sợ chính cái bóng của mình. Nhìn quanh, bạn tù cũng thế, sợ đau thân xác, mất dần trí năng, và chẳng còn ai chắc ai là người. Xu nịnh, dối trá, lươn lẹo, lập công lắm lúc chỉ vì dăm hạt đường, chút tóp mỡ. Lại càng thêm sợ. Sợ đến thế, sợ đồng loại là chuyện dĩ nhiên.

Ứa nước mắt, Chà nhớ lời Sư giảng về cái sự Sợ của một xã hội bất tín có cái nếp nói dzậy mà không phải dzậy đến từ đâu? Từ một cái nhà tù khồng lồ với một số quản giáo tay dao tay thớt hằm hè đám đông tù nhân tay không, mắt bịt, họng chẹt, bụng đói. Chà vùng dậy, nhưng chân tay tê điếng, thân thể rã ra, nghẹt thở. Nghe Chà la hét, Sư ở trái bên bước vào, cất tiếng gọi. Giụi mắt, Chà xoa mặt, tự nhủ, thôi, chỉ còn cách vượt sông qua Bờ Kia.

Nằm ngửa đón ánh trăng xanh dịu lách qua kẽ liếp, Chà dỗ một giấc ngủ dở dang như chính cuộc đời mình.

*

Sư chùa Lọ sinh năm Giáp Thân, được vài tháng thì miền Bắc bị nạn đói Ất Dậu. Cha mẹ Sư bỏ con ở cửa chùa, chắc sau đó thì lang thang rồi chết đói như hàng trăm hàng ngàn người. Tuổi thơ ấu của Sư gắn liền với tiếng mõ, tiếng chuông, và tiếng kinh kệ ê a. Như một kẻ xuất gia, Sư tránh được cái thân phận lính tráng suốt cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, lý do là vì người tu hành không thuộc thành phần cơ bản. Tự nguyện đầu đơn vào đội thanh niên xung phong huyện, Sư tưởng thoát được kiếp ký sinh xã hội, nhưng ngay sau hiệp định Paris thì Sư bị trả về chùa. Thế là Sư lại tu, cười hềnh hệch bảo, “cái số mình là đi hầu cửa Phật!”

Phật độ, nhưng đôi khi có người lọt sổ từ bi. Sư chùa Lọ đi ở tù vì cách sắp chữ, chuyện vớ vẩn đến mức khó tin. Số là khi người ta hỏi lý lịch, Sư xưng mình là tăng thống trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Lẽ ra Sư phải nói, như giới tăng ni ở miền Bắc trước 75, ai nấy đều thuộc Giáo hội thống nhất Phật giáo Việt Nam, tổ chức được chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chính thức công nhận. Còn Phật giáo Việt Nam Thống Nhất là tên cái hội ở miền Nam thời Mỹ Ngụy, và dĩ nhiên không còn lý do tồn tại. Ôi, thiện tai thiện tai, thế là chỉ sai vị trí có hai chữ thống nhất, Sư được triệu lên công an tỉnh Thanh Hoá, bị gán ghép là thành viên một tổ chức tôn giáo phản động bỏ thuốc phiện gây mê giai cấp vô sản. Cơ quan an ninh tỉnh lùa ông vào trại cải tạo để… điều tra. Ba năm sau, nhân dịp Tết, Sư được tạm tha và chỉ đến khi đó Sư mới biết Phật giáo Việt Nam thống nhất là gì và Thượng tọa Thích Quảng Độ là ai. Sư khiếu kiện, và để tránh oan sai kiểu này, Giáo hội Phật giáo được Nhà nước kiểm kê bỏ hẳn hai từ thống nhất trong tên gọi. Nhưng Sư không thể ở Thanh Hóa vì cứ bị triệu lên triệu xuống, đành bỏ lên Thăng Long, đến cư ngụ chùa Lọ với một vị sư huynh luống tuổi. Mấy năm sau vị này qui tiên, Sư trở thành sư trụ trì. Nhưng vì cái lý lịch cải tạo, cứ mỗi 6 tháng Sư lại phải ra trình diện, khai báo thu nhập của ‘dịch vụ tâm linh’, và dĩ nhiên là phải đóng thuế như mọi hoạt động kinh doanh trong xã hội.

Sư gặp Chà trong trại cải tạo, quen khi Chà giúp Sư gánh nước tưới rau trồng trên lưng đồi. Sư yếu, nhưng Chà vạm vỡ, sức mạnh hơn người thường. Chuyện vãn nhưng giữ chừng mực, cả hai chỉ thực sự hiểu hoàn cảnh của nhau sau mấy tháng trời so đo xét nét cách ứng xử và thái độ đối với đám quản giáo. Từ đó, Sư không còn bị bắt nạt, bị bạn tù cướp phần ăn, và buộc phải phục dịch chuyện vệ sinh bếp núc và quét dọn nhà cầu tập thể. Khi không phải lao động trồng rau tưới nước, Sư giảng kinh Phật cho Chà, rồi dạy cho Chà chữ Hán, bảo muốn hiểu sâu thì phải có khả năng đọc những trước tác của Lục tổ Huệ Năng. Chà xin học. Sư ngày ngày dạy cho Chà hai, ba chục chữ bằng cách lấy ngón tay chấm vào nước trà rồi viết lên mặt bàn. Dạy hết vốn chữ Hán, Sư chuyển qua Nôm. Vận tốc học của Chà tăng gấp ba. Sẵn khéo tay, Chà viết, chữ quả như rồng bay phượng múa, nét khi sắc thì như đẽo bằng dao bằng kiếm, khi mềm thì chẳng khác chi gấm vóc lụa là. Chà nổi tiếng, cả cán bộ lẫn bạn tù đều nhờ Chà viết bằng Hán tự những cặp chữ như Trường Phúc, Trường Thịnh… để treo lên bàn thờ Từ đường. Đêm qua, khi Sư vào đánh thức Chà, Sư ghé mắt xem bản Tâm kinh mới chép. Chữ Chà viết run rẩy, thiếu độ trầm tĩnh sâu lắng, và hẳn đó là tâm trạng một người đang hoang mang. Nhưng đến dòng cuối, vượt qua, vượt qua bên kia, hoàn toàn vượt qua thì chữ Chà lại trở nên cứng cỏi khác thường.

Chà không nói đi đâu, sớm bảnh mắt đã ra khỏi chùa. Không phải rằm hay ngày mồng một, chùa vắng teo. Sư vào tụng kinh, rồi thiền định, thỉnh thoảng nghe tiếng chó sủa. Xế trưa, Sư lững thững bước ra sân chùa. Ngay cạnh cổng, Sư thấy hai đứa bé đang đùa nghịch với con Vằn và con Vện. Sợ chó cắn bậy, Sư quát gọi, hai con chó cúp đuôi chạy vào. Bước ra, Sư thấy một đứa con trai chắc chừng lên mười, và một đứa con gái chắc chừng lên sáu. Sư hỏi:

– Hai đứa chúng mày làm gì ở cổng chùa tao?

Đứa con trai ấp úng:

– Chúng cháu chờ bố mẹ đến đón!

Sư hừ một tiếng rồi nhẩn nha:

– Chơi với chó đừng đánh chúng nó, coi chừng nó cắn, nghe không!

Mặt trời lặn nhanh như đi trốn, thoắt một cái cảnh vật nhuộm màu sám lúc một sậm lại. Nhìn ra, hai đứa bé vẫn ngồi dựa cổng. Sư ra, hỏi:

– Bố mẹ chúng mày chưa đến à?

– Dạ chưa, con bé sụt sịt khóc, níu lấy tay anh.

– Chúng mày có đói không?

Thằng bé gật đầu, mếu máo. Nhìn nó, Sư thấy chính mình năm Ất Dậu. Lắng mình vào vùng ký ức tưởng quên được đã lâu, Sư thần người một lát rồi mở cổng chùa, lẩm bẩm: “Hừm, chẳng lẽ bây giờ năm nào cũng đói lê đói la kiểu tháng ba năm ấy à!”

*

Lại vào vai cuồng, Chà suôi sông xuống hạ lưu, tìm mối đẵn tre đóng bè. Việc này cần tài khéo léo ngoại giao, trao đổi có điều kiện chứ không chỉ là vì chuyện nhân đạo như kiểu các thứ viện trợ không hoàn lại trên chính trường quốc tế. Lại nữa, trong một xã hội đứa nào không nghi kị đứa kia thời buổi này quá ư là hiếm, chuyện “đầu tiên” mà không có ắt tìm đượcsự đồng thuận còn khó hơn vụ việc thầy Huyền Trang thỉnh kinh trong Tây du phiêu lưu ký đi tìm chân lý.

Chà nhủ mình (cho hăng lên), “khó khăn nào chẳng vượt qua, kẻ thù nào chẳng đánh thắng” thời mình như hoa lạc giữa rừng gươm Cách Mạng năm nào nằm lòng khẩu hiệu Mác-Lê rồi cứ thế oẹ thành lời. Nói riết Chà đâm mắc tật u mê, chỉ khi về nằm vùng chơi trò điệp viên Z28 nơi đất địch mới mở mắt ra từng bước, và thật lạ, bắt đầu biết yêu thơ, đặc biệt thơ điên Bùi Giáng hiếm người thưởng ngoạn. Thi thoảng, Chà ư ử một mình: “Em về mấy thế kỷ sau/ Hỏi trăng còn có nguyên mầu ấy không?”.

Hai tuần nằm bờ ngủ bụi với cuộn tiền bác Hồ giấu trong bụng mà Chà trộm từ hòm công đức chùa Lọ, có lúc nản lòng muốn bỏ hết thì một hôm Chà nghe tiếng hát văng vẳng “Một mùa thu năm qua Cách Mạng tiến ra, đất Việt rộn ràng tiếng, thanh niên vung gươm phá xiềng…” Lại gần, Chà thấy một người tuổi sấp xỉ sáu mươi có lẻ, chắc cũng trạc Sư chùa Lọ, quơ chèo một chiếc thuyền rách, tay chểnh mảng thả câu. Phong thái bất cần như họ Lã trong chuyện Tầu mà ảnh hưởng trên văn hoá Việt nằm lù lù ở phố cổ Hà Nội mang tên Lã Vọng, Nhà Chài vẫy chào Chà, tiếp tục hát “đoàn người trai ra đi miệng hô lớn, quyết chiến, quyết thắng, quyết hy sinh tuổi xanh… Đường ta, ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây…”

Chà vẫy lại, miệng réo:

– Có giấy phép của sở nhà đất địa phương thì hẵng xây nhà, không, nó đến rỡ thì rách việc đấy!

Nhà Chài ngừng hát, cười khẹc khẹc:

– Hát thế thôi, chứ suốt đời tôi có đâu được một cái nhà…

Quơ chèo tắp vào bờ, Nhà Chài móm mém:

– Nhà bác đi đâu mà tới nơi hẻo lánh này….

Chà bịa mình làm việc cho một hãng du lịch ở TP. Hồ Chí Minh, đang điều nghiên chặng đường sông ra Quảng Ninh, và hỏi chuyện đóng bè. Nhà Chài nhìn Chà ngờ vực, hỏi thẳng, giọng chắc nịch:

– Nếu bác định vượt biên lối đó thì khó đấy chứ chẳng như những năm 80 đâu. Với lại, đi Nam Hải thì lạc vào Hải Nam, đất Tầu cũng như đất Ta, là dân thì cứ nghèo khổ như nhau, đi làm gì!

Truyện trò nửa ngày, hai người kết bạn. Nhà Chài khi trước ngụ trong một cái làng nổi ven sông Hồng, sống bằng nghề lưới, cá ngày càng hiếm, và có bán thì phải bán với giá thu mua, mỗi lúc một khó khăn. Thế mà, thế mà không biết thế nào vợ lại chửa, và theo lời Nhà Chài, cả nhà đã theo đúng chính sách sinh đẻ có kế hoạch, nhận được bao cao su phát không là nấu lên uống như kiểu ta uống thuốc bắc. Chép miệng, Nhà Chài kết luận:

– Âu cũng là cái số! Đã có một thì sợ gì mà không hai. Vợ tớ đẻ thêm, nhưng ở thuyền thì làm gì có hộ khẩu, con cái lớn lên lêu lổng, đành cho chúng nó ra Hà Nội bụi đời kiếm ăn. Thằng cả bảo nó nay có quyền chức trong xã hội đen một huyện, kinh tế khá. Thằng hai thì đang cải tạo, tội xì-ke ma túy, rồi lại tống tiền một thằng Mỹ lại cái… Vợ tớ năm kia đi chầu ông bà, tớ thế là cũng lêu lổng như hai thằng con nhưng sợ mà tránh xa chốn kinh kỳ, câu cá tự cung tự cấp, thừa thì đổi ngô khoai, thỉnh thoảng có chút gạo nấu khi thèm cơm!

Chà lên thuyền, sông nước phất phơ, chuyện đông chuyện tây, có thêm chai rượu Làng Vân góp men say nên ở với nhau hai ngày. Khi rõ Nhà Chài bản chất là người ngay, Chà mới thổ lộ dự định vượt sông sang Bờ Kia. Nhà Chài hỏi ở đâu, Chà mập mờ, bảo sau sẽ rõ. Chà tự nhủ, sang sông thì phải lụy đò, không có kẻ biết sông nước lèo lái chắc là dễ toi. Nhắm rủ rê Nhà Chài, Chà kể Bờ Kia khác Bên Này nhiều, ai nghĩ gì nói nấy, không lươn lẹo kiếm chác, sống hòa thuận với nhau, chẳng ai phải sợ bất cứ một ai khác hay bất cứ một cái gì.

– Thế thì, Nhà Chài reo, sống thoải mái nhỉ. Nhưng cái ăn cái ở làm sao mà có?

– Tay làm hàm nhai, làm gì là theo sở thích và khả năng mỗi người. Làm thừa thì trao đổi lấy những cái mình thiếu hoặc mình không có, nhất là chẳng ai có quyền thu mua ép giá!

Nhà Chài mơ màng:

– Nếp sống thế là quá văn minh… Bác nói hộ với cấp trên cho tớ theo!

Chà khoát tay cắt ngang:

– Không có ai cấp trên, không có ai cấp dưới. Tất cả đều đến từ sự đồng thuận của mọi thành viên. Ai không muốn, tự do rút mình ra khỏi cộng đồng cộng hòa…

Nhà Chài gật gù:

– Ờ ờ… Tớ nhất trí… Theo thì phải làm thế nào cho đủ điều kiện?

– Thứ nhất, phải thành tâm thành người tử tế. Thứ nhì, phải góp công góp sức vượt sông!

Lúc đó Chà mới nói đến chuyện đóng bè. Nhà Chài hỏi kỹ và tính ra số tre cần đẵn. Chao ôi, phải thuê người, và tính ra số tiền phải chi trả là một số tiền không nhỏ. Chà trấn an, nói đi nói lại, đừng lo. Lo chuyện này là Chà lo, Nhà Chài cứ đi bắt mối đẵn tre. Về tiền đặt cọc, đây. Chà rút cuộn giấy bạc giúi vào tay Nhà Chài. Đếm tiền xong, Nhà Chài rưng rưng nước mắt:

– Em chưa bao giờ được cầm một món tiền lớn thế này đâu. Nhà bác trao cho em mà không sợ em trốn mất à?

– Không! Món tiền này thấm gì với cái may mắn đến được Bờ Kia!

*

Quay về chùa Lọ vào buổi chớm thu, Chà tìm cách nói để Sư không trách chuyện lấy tiền hòm công đức mà không hỏi. Nhưng tự thâm sâu, một tiếng nói nào đó cất lên “đã bảo không lươn lẹo cơ mà” khiến Chà đỏ mặt. Lúc đó, hai đứa trẻ con xô ra chạy theo con Vằn chúng nó gọi là mẹ, con Vện chúng nó gọi là bố. Vện cứ lồng lên lưng Vằn, gừ gừ nhe nanh ra dọa. Đứa bé gái kêu:

– Lêu lêu là xấu, bố cậy khoẻ cứ nhè mẹ mà đè!

– Chứ lại… Thế mày đòi mẹ đè lên bố à – đứa bé trai hét oang oang – Mẹ mà đè thì bố mày lòi phèo ra đấy.

Sư trong chánh điện chạy ra, quát:

– Thôi, đừng nghịch như thế với chó nữa. Mô Phật – Sư lầm bầm – ai lại gọi chó là bố với mẹ!

Nhìn ra Chà đang mở cổng, Sư vẫy. Bước đến, Chà nghe Sư nói:

– Chùa mình có thêm hai nhân mạng. Tay chỉ hai đứa bé, Sư tiếp – bố mẹ chúng nó bỏ ở cổng chùa, rồi biến đi như ma! A, cái thời buổi tà mị này! Đến là khổ!

Thủng thỉnh bước vào trong chánh điện, Sư nói với lại:

– Hôm nay mồng một, chắc khách thập phương tới cúng Phật nhiều đấy. Phiền ông trưa nay giúp một tay nhé!

Đến trưa, thiện nam tín nữ tấp nập, khói nhang ngút ngát lắm lúc phải ra sân đứng một lát để khỏi chết ngạt. Những ngày chùa tiếp khách, Chà cạo râu, choàng một mảnh cà sa, rót nước, và khi Sư dứt lời tụng kinh thì thỉnh chuông. Có thêm hai đứa bé, Sư đã tập cho chúng rót nước, nhất là nhốt Vằn và Vện không cho chúng nó phiền hà những người đến cúng kiếng.

Hôm nay, Sư giảng kinh Kim Cang, ê a:

Cúi đầu sát đất mà lậy chư Phật ba cõi

nương mình theo chư Phật mười phương

nay tôi phát nguyện rộng lớn nguyện trì Kinh Kim Cang …

Bởi thế nào mà đượcTrường thọ

được cái thân Kim Cang chẳng hoại

Lại bởi duyên cớ nào mà được cái oai lực kiên cố

Bởi thế nào mà trì Kinh này đến được Bờ Giác bên kia, đến Niết Bàn trọn vẹn

”.

Mổi lần Sư ngắt giọng ngừng tiếng mõ, Chà thỉnh chuông rồi thiện nam tín nữ đồng thanh niệm Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng. Thật kỳ diệu, trong khói hương mịt mù, khuôn mặt người bỗng thư thái dường như được tẩy rửa khỏi thứ bụi trần ô nhiễm hơi xăng đủ loại xe có động cơ. Nét thư thái tuy vậy có giảm đi đôi chút khi đến lúc cúng dường, nhưng chư Phật có xá gì, chỉ Chà là lo vì cái khoản chi trả cho chuyện đóng bè.

Khi mặt trời xế bóng, khách thưa dần, con bé con thả Vằn và Vện ra, ném cho chúng nắm xôi nhưng chó chỉ ngửi, không chịu ăn chay. Thằng bé chửi, tiên sư chúng mày, kén ăn thế rồi nhặt xôi, phủi đất, cắn một miếng, nhai trệu trạo. Khách về hết, trừ hai vị. Một vị nhìn Chà, hỏi:

– Anh giai quên em rồi à?

A, thì ra cô Đồng đền Ngọc Trần. Cô chỉ người đàn bà bên cạnh, miệng dẻo như kẹo:

– Thế còn ai đây, quên cố nhân rồi ư?

A, lại a, thì đó là Bà Mệnh phụ đến chùa Lọ mấy tháng trước, và Chà nhớ, cô Đồng đã gợi ý, nói “… anh giai với bà ấy xứng đấy! Zzô đi, món bở mà! Trăm năm một thuở, bà ấy còn xuân chán…”

Bà Mệnh phụ bước về phía Sư, miệng cười:

– Thưa Thày, khách đông nên bây giờ đệ tử mới có dịp đến chào Thày!

Sư nghiêng mình, niệm Nam mô Phật rồi cám ơn. Chà nhớ lại mẩu đối thoại ngày Bà Mệnh phụ viếng chùa khi xưa, chen vào:

– Chắc bà chị quyết định đi dã ngoại phố Hiến?

Cô Đồng hừ một tiếng, giọng chua như khế xanh mới hái:

– Phố Hiến phố hiếc gì! Đi là sang Bờ Kia cơ, ai du lịch nội địa cho phí công phí của!

Sư nhìn ra ngoài trời, lẩm bẩm tối rồi. Chà vội vã ngắt:

– Nhà Chùa xin mời hai vị một bữa chay tịnh nếu không chê rau dưa nhà quê nhà mùa… Ta vừa ăn, vừa chuyện trò cho vui!

Chuyện “đầu tiên” để đóng bè ám ảnh, Nhà Chài nhắc đi nhắc lại là món tiền Chà đưa chỉ đâu 10% giá thành, và muốn hoàn thành hợp đồng Chà phải chi trả ít ra là 50% cuối tháng này. Không đợi Sư thuận hay không, Chà tiếp:

– Mời hai vị ngồi!

Tất tả xuống bếp dọn một mâm có xôi, oản và một bát canh dưa, Chà cười hềnh hệch, thôi không nhắc chuyện Phố Hiến với mấy cái chùa cổ từ thời Chúa Trịnh Vua Lê nay chỉ còn chút vết tích. Bà Mệnh phụ nhường lời cho cô Đồng, tay vẫn mân mê tràng hạt, thỉnh thoảng lại ngước nhìn Chà, chớp mắt, mỉm cười.

*

Cô Đồng nói liên hồi, giọng uất hận. “Chúng nó” (khỏi nói rõ là ai) mưu tính cướp đền từ hai năm nay, tiếng là để có đất xây dựng khu du lịch sinh thái, có sân gôn và khách sạn 5 sao, làm suối nước nóng nhân tạo, cho khách ngoại quốc (không phải Tây-balô đâu nhé) tắm bùn dưỡng da, và các loại dịch vụ nhất dạ đế vương cóp-pi theo phong cách bên Bắc Kinh. Em đây (cô Đồng lấy ngón tay trỏ gí vào ngực, vênh váo) phản đối, dĩ nhiên là thế, bảo đền là nơi thờ phụng tiền nhân, là văn hóa phi vật thể, không có cái lý gì để cho phép làm thế. Chúng bảo, đất đai là sở hữu toàn dân, dân muốn thế. Em hỏi, dân nào, ở đâu, ai biết dân muốn thế. Chúng bảo, dân bầu Quốc Hội, còn Quốc Hội thì đồng tình với Chính Phủ, đẩy mạnh dịch vụ du lịch hầu hội nhập với thế giới. Em hỏi, thế Quốc Hội có bảo phải giải thể đền Ngọc Trần này không? Chúng đáp, đền này nằm trong chính sách chung, không cần phải thông qua những qui định cụ thể. Em hét, tổ sư cha chúng mày, luật với chẳng lệ, tao biết tỏng bọn Tỉnh ủy đứng sau giật dây tính cướp đất. Chúng nó còn rủ bọn Tư Bản quốc tế ở Thái ở Sing hứa hẹn bỏ vốn hợp tác kinh doanh, đút lên Trung Ương, chẹn họng những ai còn có lòng có dạ với văn hoá ông bà ta. Nhưng em xuất thân là bộ đội, thú thật chỉ có tí ti văn hóa, nên em phải đi cầu viện. Và em gặp Anh Giáo!

– Ai vậy?

Cô Đồng ỏn ẻn, anh ấy trẻ lắm, kém em cả chục tuổi, cũng con nhà danh giáo, bố dạy trường Đảng đào tạo một lô các ngài Bộ trưởng, Thứ trưởng từ thời Đại hội 6. Anh Giáo em học Đại học Kinh tế nhưng thấy chán, bỏ rồi qua học khoa Văn ở Đại học Sư phạm. Học xong, anh ấy không chịu đi xa, ở lại Hà Nội dạy văn cấp 2 rồi hợp đồng với mấy tờ báo, và viết blốc. Sau, anh ấy khá dở hơi, trở thành người chuyên viết đơn trình lên các vụ dân oan khiếu kiện với Nhà nước.

Chuyên gia khiếu kiện nhận lời giúp cô Đồng, liên tiếp làm 4 bức đơn trong 6 tháng gửi lên “bề trên”, không có hồi âm ngoại trừ có lần ông bố quát “Thằng gàn, mày nhiễu sự, chỉ rách việc!”. Nhưng ông con kiên quyết trước sau như một, cao giọng bảo muốn chế độ này trường tồn thì phải giữ được lòng dân, và phải biết tôn trọng những giá trị phi vật thể trong truyền thống văn hóa cha ông. Ông bố chỉ tay ra ngoài cửa, phán “Thế thì mày đi đi!”. Ông con hiên ngang đứng dậy, mẹ giúi cho ít tiền, yên chí lên đường, ngâm nga một đi không trở lại kiểu Kinh Kha qua sông Dịch.

Anh Giáo lên đền Ngọc Trần, hội ý với cô Đồng về khả năng chống trả với đám Thường Vụ huyện được sai phái làm chuyện thu hồi đất. Đầu tiên, Anh Giáo đề nghị cô Đồng điện thoại cho tất cả những thiện nam tín nữ có bề thế, tức hoặc là phu nhân những vị quyền chức từ Thứ Trưởng, Vụ Trưởng trở lên, hoặc là những đại gia có tiếng. Hai tháng trôi qua, cuộc vận động với thượng tầng kiến trúc không mấy khả quan. Anh Giáo nghiên cứu khả năng của hạ tầng cơ sở. Với kinh nghiệm Tiên Lãng, Anh Giáo đề nghị phải vận động quần chúng mà không để rơi vào nguy cơ bọn “khiêu khích” bày trò súng hoa cải, vừa làm trò vô ích, vừa để nhà cầm quyền có cớ khủng bố, và mang ra tòa kết tội cho có vẻ đất nước ta đây cũng có luật pháp chứ chẳng không. Cô Đồng nghe lọt tai, và với kinh nghiệm một bộ đội từng trải chiến trận rồi mang thương tích đến phải băn khoăn giới tính, cô ôn lại những kinh nghiệm về tổ chức, chia quần chúng ủng hộ làm ba tuyến bảo vệ đền.

Tuyến đầu, ở chân đồi dẫn lên đền, gồm các thành viên U70 trở lên, làm nút chặn những đoạn đường giao thông chính, chăng biểu ngữ và chửi như hợp xướng, mục đích đầu là làm sao để giới truyền thông truyền hình chớp được âm thanh và hình ảnh để phổ biến. Tuyến này tuyển được vài chục cụ, có những cụ đảng viên trên 60 tuổi đảng, từng đi qua hai cuộc kháng chiến thần thánh, và là hàng bố mẹ bọn quan chức tỉnh, huyện hiện nay. Khẩu hiệu chữ vàng trên nền đỏ rất đúng tiêu chuẩn. Có cái viết “Đừng đụng hộ khẩu của thần thánh”, cái thì “Vì tâm linh tối thượng, quyết bảo vệ đền Ngọc Trần”, cái lại nêu cao “Tinh thần hoà hợp hòa giải với cõi trên muôn năm”. Có cụ ăn trầu, nhả bã, nhổ đỏ lòm trên đường. RFA Việt ngữ, rõ là đài địch diễn biến hòa bình, chụp ảnh một cụ bà mồm đỏ loét, rêu rao máu đã đổ trên quảng trường đền Ngọc Trần. Đối phó lời kêu gọi thế giới hãy lên tiếng ủng hộ Tự do Tôn Giáo có ghi trong Hiến Pháp 1982, rồi 1990 ở Việt Nam, Bộ Ngoại Giao lên tiếng, khẳng định là quết trầu mầu đỏ, nhưng những thế lực thù địch lớn tiếng dọa có những chiến sĩ dân chủ ở hải ngoại sẽ tự thiêu. Tình hình phức tạp kéo dài cả tuần. Xe tăng, xe ủi đất, xe xúc đá… nằm ì, lính Lam y uể oải nằm chây, và nắng hè không là yếu tố thiên thời khi trời im gió. Một vị sĩ quan an ninh góp kế, và xung quanh tuyến đầu, đường vận tải lương thực bị ách lại. Thế là… các cụ dẫu ăn ít lại so với thời trẻ nhưng vẫn đói. Được hai, ba ngày, tuyến đầu vỡ.

Tuyến hai, cũng đói, nhưng phần lớn là loại U18 trở lên U60 nên vẫn đương cự, nêu khẩu hiệu “Chết đói chứ không đầu hàng” và trương hình Đức Thánh Trần, bác Hồ làm bùa dọa. Xe cơ giới vẫn lừng lững tiến vào, bọn đầu gấu xã hội đen đi sau yểm trợ lính Lam y dàn thành hàng, đầu súng lắp lưỡi lê, thỉnh thoảng lại lọp bọp bắn chỉ thiên. Đồng chí Đại tá chỉ huy đeo kính đen, uy nghi trên xe bọc thép, nói với trợ lý “Chú ra lệnh hạ hình hai cha già đó xuống, ghi cho anh mọi diễn biến! Trận này phối hợp nhịp nhàng, chắc chắn sẽ thành tài liệu quân sử đấy!”. Dân nằm xuống đường, hét “Có giỏi thì cán chết chúng tao đi!”. Đầu gấu xông vào, tay thước tay dao, nhưng không đông nên bị đẩy lùi. Đồng chí chỉ huy quai hàm bạnh ra như rắn hổ, miệng phun phì phì, điện về Hà Nội, vâng vâng dạ dạ. Ba giờ sau, xe vòi rồng cứu hỏa hàng chục chiếc vào hiện trường. Trời sẩm tối, xe phun nước trắng xoá, dân ướt như chuột, nhưng chửi không phải là cách hữu hiệu chống lại những chiếc vòi rồng vô cảm. Đêm xuống, lạnh quá, có một người hào hển lên cơn suyễn, thở ra như sắp chết. Dân kêu, nhưng xe cứu thương không có phép lên. Đến sáng, trận địa vỡ, ướt nhẹp, chắc có cả những giọt nước mắt chảy ra vì vô vọng. Nhân dân lúc nào cũng bị cái đói và cái lạnh đánh cho oải ra nằm đứ đừ. Chuyện này, là yếu tính lịch sử, cho đến lúc, theo Anh Giáo, có những kẻ châm mình cháy thành lửa.

Tuyến ba, toàn U7 đến U15, mất phương hướng khi xe ủi nhào lên sát cổng đền sáng hôm sau. Đồng chí chỉ huy hạ kính đen xuống, bắc loa chõ vào:

“Các cháu thân mến, các cháu là tinh hoa dân tộc, là tương lai của đất Việt anh linh, các cháu phải cảnh giác, đừng nghe lời bọn xấu chống lại chính sách của Đảng, của Nhà nước. Đền thờ Mẫu, thờ ông Hoàng này, bà Chúa nọ, tổ chức lên đồng, thu tiền nhân dân đều là chuyện mê tín dị đoan, ta phải bài trừ triệt để lấy đất xây dựng những công viên xanh, những khu du lịch sinh thái, đúng chỉ tiêu quốc tế. Bây giờ, cháu nào đứng lên đi ra, sẽ được phát một lon coca, một miếng bánh mì thịt, và năm ngàn đồng ăn quà. Nào…”.

Ùn ùn, tuyến ba vỡ khá dễ dàng. Thèm ăn, các cháu tranh nhau ra trước, có đứa bị dẵm ngã vật xuống đất, những đứa kia cứ thế xông lên, hô muôn năm, muôn năm! May đứa bị ngã chỉ bất tỉnh, không chết.

“Chúng nó” theo sau xe ủi xông vào đập phá tất tần tật. Tượng Mẫu, bị lột xiêm y, lõa lồ, trắng hếu. Tượng bà Ngọc Trần thì chúng để tượng Đức Thánh Trần đè lên như thể… rồi cùng nhau cười hô hố. Còn tượng Bác, chúng nó vặt râu vặt ria, cởi quần cởi áo thếp vàng mốt Đại Cán bốn túi, Bác trần truồng trông tội nghiệp vô cùng. Vế thơ của Bác khắc dưới chân nay đọc chữ còn chữ mất, thành ra Tôi .. ẫn năm châu… đến dại … ồn.

– Bây giờ, chúng cướp sạch, em chẳng còn gì… Xin đi ăn mày chúng cũng không cho…

Kể đến đó, cô Đồng nghẹn lời, mãi sau mới nói được thành tiếng:

– Đấy, thế là em mất nơi thờ tự, nay tay trắng đến đây nương nhờ cửa Phật! Phục xuống lạy Sư, cô tiếp – Xin thày thương mà cho sang Bờ Kia!

Nhìn Chà, rồi nhìn Bà Mệnh phụ, Sư ngập ngừng:

– Thí chủ cứ… yên tâm, chuyện đâu có đó! Thân nghiệp ai rồi cũng an bài!

Cô Đồng thút thít như không nghe, đầu gục xuống kẹp giữa gối, bóng in lên vách một khối sần sì không định được hình dạng.

*

Đêm hôm đó, Bà Mệnh phụ và cô Đồng xin ngủ lại. Sư thấy bất tiện nhưng chùa xa, đi lại không phải không nguy hiểm nên đành ưng chịu, xếp khách ở với hai đứa trẻ. Đêm đầu tháng không trăng sao, trời đông đặc đen kịt như miếng thạch ăn cho mát miệng bán ở chợ. Vào thu, gió lạnh xào xạc thổi qua những tàn cây rụng lá, sương hiu hắt mơ hồ trải lên vạn vật, lâu lâu lập loè dăm con đom đóm xà xuống mặt ao.

Vắt tay lên trán, Chà ngẫm nghĩ đến cách giải quyết chuyện “đầu tiên”. Bà Mệnh phụ hẳn là loại có tiền, nhưng chịu chi trả bao nhiêu? Lời cô Đồng lại văng vẳng, món bở đấy, Zzô đi! Nhưng zzô là thế nào? Ngẫm lại đời mình, mới lớn lên là long đong, Chà xưa nay chưa dám thả lòng mình để thực sự yêu một người con gái nào. Đàn bà, Chà biết ít nhiều qua những mối tình đầu sông cuối chợ, nhưng chưa một lần Chà gắn bó với ai để ru mình vào giấc mơ làm cha làm chồng. Hừm, dễ gì, Chà tự nhủ. Nhưng tán tỉnh, không phải là Chà không biết. Bà Mệnh phụ dân Nam bộ, chắc hẳn theo Cách Mạng trước Giải phóng. Đối tượng như vậy học hành qua loa, nếu có là cán bộ thì chủ yếu là được học tại chỗ, chẳng thi cử cũng tốt nghiệp như ai. Một điều chắc như một cộng một là hai, dân Nam bộ chẳng mấy ai mà không thích ca cải lương, chêm tân nhạc vào thì gọi là đờn ca tài tử. Món này, Chà biết nhưng ở đây thiếu mất cây đàn. Không sao, Chà cười trong bóng đêm, khó khăn nào cũng vượt qua mà!

Đẩy cửa ra ngoài, Vện và Vằn nhẩy cẫng lên, đuôi vẫy, khụt khịt như sắp được Chà cho ăn. Gạt chúng ra, Chà nghe con sáo chửi “Đ. má mày”, vội vàng mang lồng chim vào trong bếp. Chà ra dựa gốc cây xung ven bờ ao, nhấp giọng rồi thả một câu :

Mai này đám cưới người ta

Tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn…

Chà ca hết bài nhưng tuyệt nhiên không một động tịnh nào. Nhớ bài Chuyện tình Lan và Điệp, Chà tiếp tục tỉ tê. Vẫn thế, chỉ Vằn và Vện nằm thiu thiu. Bực mình, Chà chuyển qua ca kiếm hiệp, xuống một câu mùi về chuyện Tạ Tốn ra đảo tìm Kiếm Ỷ Thiên:

Thúc phụ ơi, người ta đã rạch mặt nàng Hân Ly và xẻo tai Chu Chỉ Nhược

Còn Đồ Long đao và kiếm Ỷ Thiên thì Minh quận chúa đã mang ra khõi đảo Linh Sà….

Đúng lúc Chà ngân nga chữ cuối thì có tiếng kẹt cửa.

– Cha chả, nghe mùi dữ ha…

Chà giả như mắc cở, đằng hắng:

– Xin lỗi phá giấc ngủ nghen, ca bậy bạ chơi cho đỡ buồn, không ngờ làm phiền cô …

– Hổng phiền chi đâu anh, em lâu cũng thèm nghe đờn ca tài tử miền Nam, anh à!

Chữ em phát âm mới ngọt làm sao. Giọng tự tin, Chà xưng anh rất vô tư:

– Phải có cây đờn, anh đệm cho em hát… Giọng em chắc là tuyệt vời đấy!

Bà Mệnh phụ cười hinh hích. Chà chỉ xuống bên cạnh, tay vẫy mời. Bà Mệnh phụ ngồi xuống, giữ một khoảng cách, giọng e thẹn:

– Tối trời ghê… Khi xưa, trời tối là em sợ!

– Sợ chi?

– Sợ chết anh à!

Nhớ một câu danh ngôn do một văn sĩ mà Chà quên mất tên có nói, đại khái, khi phụ nữ sợ chết là lúc nàng thèm sống nhất, Chà mạnh dạn ngồi sát vào Bà Mệnh phụ, miệng hạ một câu rất thiếu sáng tạo:

– Phải sao đêm nay cứ mãi thế này, không bao giờ sáng nữa…

Tuy vừa sáo vừa rẻ như vậy, Bà Mệnh phụ vẫn run lẩy bẩy như lên cơn sốt rét ác tính khiến Chà chẳng thể hành xử khác hơn là choàng tay ôm lấy vai và xiết nàng vào lòng.

Chuyện tình kể trước rạng đông thường lắm cái nhàm, kể sợ mắc vào cái tội kích dục. Sáng ra, ai nấy mặt mũi tươi tỉnh, nhìn nhau hơi có chút bẽn lẽn, kể cả cô Đồng thỉnh thoảng nháy mắt cười duyên với hai nhân vật chính. Sau tình, hẳn lại là chuyện tiền, như thường lệ. Nghe Chà trình bày “ kế hoạch” và những dự trù kinh phí, cô Đồng bảo rẻ nhưng Bà Mệnh phụ cứ trợn mắt lên. Sư chùa Lọ không tham dự, niệm nam mô rồi gọi hai đứa bé ra quét sân chùa đầy rác rưởi sau ngày mồng một.

Bà Mệnh phụ hỏi Chà:

– Bờ Kia dùng tiền gì? Em có vàng và một ít tiền đô. Tiền Bác nhìn thẳng hai trăm ngàn thì nhiều, có sài được không hay cần tiền lẻ…

– Loại tiền này dễ mất giá… Ta dùng tiền đó Bên Này. Còn ở Bờ Kia, cứ đô với vàng cho chắc ăn, Chà đáp.

– Nhiêu để em trả. Em đặt cọc thôi, phần còn lại thì khi lên bè qua Bờ Kia em thanh toán nốt!

Thế là nổ ra chuyện ai tin ai, ai không tin ai. Nhưng phải nói, tình bôi trơn tiền, phần nào. Sau khi đạt được thỏa thuận cả hai bên cùng có lợi, Chà hân hoan ra mặt. Bảo mai sẽ lên đường đến chỗ hẹn với Nhà Chài, người lo chuyện đóng bè và một trăm thứ vặt vãnh linh tinh có quan hệ với sông nước, Chà huýt sáo, tay kín đáo bấu vào chỗ đàng sau người yêu, nơi cấm kỵ sờ vào nơi thanh thiên bạch nhật. Bà Mệnh phụ đập nhẹ vào tay Chà, hỏi Nhà Chài ở đâu thì Chà đưa tay lên miệng suỵt suỵt. Thiên cơ mà, bất khả lậu.

*

Đừng trách Chà. Bổ xung câu nói bất hủ “Tổ chức, tổ chức, và tổ chức” của cái vị đầu hói ở Nga La Tư mà nay sang gác “vườn hoa nước mình”, Chà giữ phương châm “Bí mật, bí mật, và bí mật”, phần bởi cái máu điệp viên phá lưới, phần vì sợ, và sợ nhất vẫn là cái sợ những trại cải tạo mà Chà đã được hưởng mùi vị hơn một lần. Suốt hai tháng, Chà nghiên cứu giờ giấc của đoàn Tuần Giang ngày ngày qua lại trên khúc sông mà Bờ Kia là nơi đến. Cứ hai tuần một lần, Chà đi đốc thúc và kiểm tra những công đoạn đóng bè. Bè sẽ có bốn sào chống, độ dài ngắn khác nhau. Hai bên bè, trồng bốn cột, buộc bốn mái chèo dài 2 thước, sử dụng khi nước sâu không thể dùng sào chống đẩy bè đi. Và với Nhà Chài, việc cuối cùng là tuyển được 4, 5 thanh niên trai tráng lo chuyện chống sào, chèo bè qua sông. Khi Nhà Chài hỏi điều Chà chưa nghĩ đến, Chà ngẫm nghĩ rồi đáp:

– Mình hợp đồng trả công cho chúng nó. Qua được Bờ Kia, đứa nào muốn ở lại thì cho ở, đứa nào muốn về lại Bên Này thì để chúng lên bè chống về… Đơn giản thôi!

Nói xong , Chà chột dạ. Muốn xây dựng một cộng đồng con người cho ra con người ở Bờ Kia thì phải có chế độ tuyển chọn thành viên, không thể bạ ai nấy nhận được. Suy nghĩ rất lung, khi ăn tối với Nhà Chài, Chà nói về nỗi lo lắng của mình. Nhà Chài đáp:

– Mình tuyển bọn thanh niên mạnh khoẻ, ăn chắc mặc bền. Nghề chính của chúng nó là nghề nông, chỗ nào ta cũng phải sản xuất lương thực mà. Tôi thì tiếp tục nghề cá, cần sẽ tiếp tay nuôi gà nuôi lợn, phục vụ miếng ăn tươm tất…

– Thế cái phần tâm linh và văn hoá thì sao? Chuyện với Sư chùa Lọ, người cùng tôi lo toan phi vụ này, Sư và tôi đồng ý cho rằng phải khôi phục chữ Tín, ai nghĩ chi nói nấy, thôi cái kiểu nói dzậy mà không phải dzậy. Muốn thế, phải chống lại cái Sợ… Nhà bác có ý kiến khắc phục gì không?

Nhà Chài cắn tay, rồi reo:

– Dễ… Bờ Kia không có Nhà nước, thế là hết sợ. Cái ông ngáo ộp này chuyên nhân danh an ninh làm cho mọi người mất hết cả an ninh!

Chà hồi tưởng những cuốn kinh Mác-Lê đọc khi xưa, vỗ đùi:

– Đúng thế, Nhà nước tiêu vong, giai đoạn cuối cùng khi xã hội bước vào giai đoạn cộng sản. Khi đó, không ai tha hoá, mọi người đều tự do, tìm lại mình, và tự tại chứ không sống dưới bất cứ một áp lực nào, và có quyền chọn lựa một xã hội do chính mình đồng thuận tạo ra… Loài người sống chung với nhau là do điều kiện sinh tồn bắt buộc, nhưng phẩm giá mỗi con người tự do trong cộng đồng đó phải là giá trị nền tảng cho tất cả!

Chà bắt tay Nhà Chài, và không hiểu sao bật nói tiếng ngoại, giọng rất Mỹ kiều ta thường nghe tiếng chào khách trong mấy cái bar rượu dành cho người nước ngoài:

– You are welcome, my friend, my comrade[2]!

Ngớ người ra vì không hiểu Chà nói gì, Nhà Chài đáp bằng mấy chữ tiếng Anh độc nhất mình biết:

– Ô-kê, đô-la! Gút…

Tối hôm đó, Chà loay hoay với những liệu pháp chống lại cái sợ, nguyên nhân chính tạo ra sự vô cảm trước bất công, áp bức. Lan man, Chà mơ màng đến Bờ Kia, một miền đất hứa Chà sẽ góp tay vào xây nền tảng. Nhân sự, có Sư lo chuyện tâm linh tuyên huấn. Chà đảm đương chuyện dậy cho bọn trẻ những kiến thức Nhân văn và Ngoại ngữ. Về Kinh tế, Bà Mệnh phụ xưa nay tay hòm chìa khóa, lại có một tài sản không nhỏ, có thể làm cái chuyện định hướng Kinh tế nhưng chớ rêu rao xã hội chủ nghĩa rồi cứ đường lên mạn ngược mà đi. Cô Đồng? Khá gay go. Ừ, có thể để cô lo khâu Ngoại Giao, với khả năng ngoại cảm cô có thể thương thảo với cả thế giới bên kia cơ mà. Nông nghiệp và ngư nghiệp tạm ổn với Nhà Chài, nhưng còn Khoa học Kỹ Thuật, Công nghệ, và vấn đề Hiện đại hoá thì để cho ai lo đây? Chà kẹt, thở dài liên tục, mãi chán rồi chuyển sang suy nghĩ về những vấn đề dễ quyết hơn. Chẳng hạn như Quốc hiệu. Ta là dân Việt ở miền Nam sông Dương Tử, bị Hán tộc đánh đuổi, ta theo đường bay chim Lạc di về phương Nam, nên bộ tộc ta có tên là Lạc Việt. Vậy chẳng phải là hồi cổ mà nay ta hoàn nguyên, Bờ Kia mang quốc hiệu Lạc Việt, nghe xuôi tai đấy chứ. Còn Quốc huy, Chà mường tượng ra mặt trống Ngọc Lũ trên có hình chim Lạc, vừa đẹp, vừa truyền thống , lại có ý nghĩa từ buổi tạo sinh ra dân tộc. Đến Quốc kỳ, khá dễ. Chọn nền xanh biểu dương hòa bình, ta chỉ cần in quốc huy mầu trắng, cánh chim tráng bạc lóng lánh, chẳng xích xiềng liềm búa gì cả. Quốc ca thì hơi có vấn đề. A, chim là quốc huy, phải có chi gắn với chim một cách tự nhiên. Chà lẩm nhẩm một điệu hát quen thuộc trong thởi Mặt Trận Giải phóng miền Nam trước 75: Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Ối giời, nghe sao mà ướt át thế, và toàn mơ mộng vớ vẩn, thảo nào! Hay là, Chà ngân nga: Em, như cánh chim biển hiền hòa/ Chỉ còn gió trời để tiễn bước em đi… Chỉ còn… Thôi, Quốc ca chẳng nhẽ kết bằng cái câu hỏi bi thiết đất trời rộng sao em không bến đỗ trong bài hát đó à!

Chà chưa biết chọn Quốc ca thế nào, nhưng bụng bảo dạ, nhất định thay bài “Tiến Quân ca” toàn là thề phanh thây xé xác quân thù, đầy máu đầy lửa, cứ mỗi lần nghe ớn lạnh đến nổi gai ốc.

Chú thích:

[1] Này Xá Lợi tử, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế. Này Xá Lợi tử, tướng Không của mọi pháp không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không tăng không giảm.

Cho nên trong Không không có sắc; không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến ý thức giới; không có vô minh, cũng không có cái hết vô minh, cho đến không già chết, cũng không có cái hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí tuệ, cũng không có chứng đắc, vì vốn không có chỗ chứng đắc.

Bồ tát y theo Bát nhã ba la mật đa nên tâm không ngăn ngại. Vì tâm không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, đạt tới cứu cánh niết bàn. Chư Phật ba đời đều y theo Bát nhã ba la mật đa được đạo quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Bát nhã ba la mật đa là chú đại thần, là chú đại minh, là chú vô thượng, là chú vô đẳng đẳng, nên diệt trừ tất cả khổ, chân thật không hư. Liền nói bài chú ấy rằng: “Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā”

[1] Chào mừng bạn, đồng chí của tôi !

N.D.

(Xem tiếp kỳ sau)


Comments are closed.